Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Thanh Hào - Những sáng tác văn xuôi

Thanh Hào - Những sáng tác văn xuôi
Thơm ngát một thời
Bánh khúc quê bãi
Nấu kẹo mầm
Ngô nướng, ngô luộc
Cái thú đò dọc
Sông Hồng mùa thu
Dưới trăng, giữa sen
Làm chè lam ngày Tết
Thanh Hào?... Chắc đa số mọi người sẽ nghĩ một chút, rồi: à, nhà thơ chuyên về thơ thiếu nhi, nhi đồng...
Nhưng thiết tưởng sáng tác văn xuôi của Thanh Hào mới thực là đáng nhớ. Những bài bút ký về "Sông Hồng và làng bãi" có lắm đoạn thật gợi cảm, đọc ông viết mà ta như thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ được bao nhiêu cảnh sắc và hương vị của một làng quê. Ông cảm giác và cảm xúc mọi thứ nơi mình sống cách tinh tế, rồi diễn cảm ra thành một thứ văn xuôi hồn nhiên thích hợp. Những "thứ" nơi cái làng quê của Thanh Hào, có thứ khắp châu thổ Bắc bộ chỗ nào cũng có, lại có thứ chỉ riêng ở quê ông mới có...
Thanh Hào là một đứa con của Bãi Giữa, sông Hồng. Giữa đây là giữa sông đấy!
"Ngày xưa... dẫu cũng chưa xưa lắm, có một bãi cát ở giữa sông Hồng được gọi là Bãi Giữa (...) ngày nay đứng giữa cầu Long Biên, ta không thể thấy nổi một hạt cát, một ngọn cỏ của cái bãi hàng trăm mẫu đất trước đây lau sậy, cỏ bói mọc như rừng... Nó đã dâu biển ngay trước mắt người Hà Nội, nó lở dần, lở dần rồi... biến mất".
Trên Bãi Giữa từng có một ngôi làng "xanh um những tre, chuối, đu đủ, ngọn cau vây quanh những ngôi nhà phần lớn còn lợp lá. Những vườn hoa, vườn rau vuông vắn điểm xuyết xóm làng như tấm thảm thêu. Bao quanh phía ngoài, sát mép sông là bãi ngô xanh mướt mát".
Muốn thăm cái làng trên "đất giữa nước" ấy, dễ lắm: "Lên cầu Long Biên, đến giữa cầu, đi xuống hơn chục bậc thang, có thể vác theo cả xe đạp, là chúng tôi được đằm chân lên cát mịn như nhung, đi giữa hai hàng râm bụt vào những ngõ quê mà đáng ra phải đi hàng chục cây số ra ngọai thành chúng tôi mới gặp".(1)
Người viết mấy đoạn tả Bãi Giữa vừa trích dẫn là nhà thơ Vân Long, bạn thân của Thanh Hào. Vân Long cũng là tri kỷ sớm và hình như hiếm hoi của văn xuôi Thanh Hào.
Nhà văn Thanh Hào bị tai biến mạch máu não năm 2008, mất năm 2011. Năm 2009 ra đời tập Sông Hồng và làng bãi, gồm một số bài bút ký sáng tác trước ngày ông gặp nạn. Chúng tôi định sẽ trích tuyển văn từ tập ấy làm hai lần. Sau đây là văn tuyển lần thứ nhất.
Thơm ngát một thời
Cất nước hoa, cái nghề nên thơ quá nhỉ. Thế mà thôi rồi, như Thanh Hào cho biết: "tiếc cho cây bưởi trong những năm gần đây không được gửi hương hoa (...)".
Hoa bưởi mỗi mùa xuân vẫn tỏa hương. Nhưng không còn anh con trai chưa vợ nào gánh hoa sống đi bán, để lúc ra về ngượng ngùng khi chủ lò nhắc lấy "hoa chín" về cho "người dưng"...
Năm 2010 đọc sách, biết mình đã "đi qua xa" cái thời thơm ngát, "vội vàng hít lấy, hít để, thấy quanh mình chẳng còn chút hương nào". "Tiếc ngẩn ngơ".
Quê tôi ngày xưa trồng rất nhiều bưởi. Vườn nhà nào cũng có dăm ba cây. Quả bưởi không được dự vào hàng ngũ những loài quả quý, nhưng hương hoa bưởi lại đứng thứ nhất, thứ nhì trong những loài cây lưu niên có hoa thơm. Mùa hoa bưởi quê tôi hương thơm tỏa ngát cả một vùng. Buổi sáng sớm hơi sương mờ mờ trong không gian, làn sương đè làn hương không bốc lên cao được, hương bưởi càng đậm đặc. Người đi trên đê qua làng như đi trong một lớp hương thơm tưởng chừng như giơ tay có thể bốc được. Ta có cảm giác con người phải chen trong hương thơm để tìm lối ra. Lớp hương mơ hồ bao bọc, xoắn xuýt lấy người. Trên áo, trên vai, trên tóc và mặt mũi, hương hoa như xa lại như gần, lúc sực nức, lúc thoang thoảng. Người đã đi qua xa ngoái đầu nhìn lại tưởng như mùi hoa còn đuổi theo. Nhưng (...) rồi biết rằng mình đã "thoát" ra khỏi cái vùng hương của hoa. Người vội vàng hít lấy, hít để, thấy quanh mình chẳng còn chút hương nào, bấy giờ mới tiếc ngẩn ngơ muốn quay trở lại cái vùng đất, vùng trời thơm ngát ấy (...)
Mùa hoa bưởi, không khí làng nhộn nhịp hẳn lên. Những nhà có hoa bưởi nở, người phải dậy từ sớm. Mờ mờ mặt người đã trèo cây hái hoa. Hoa bưởi nở từng chùm, trong chùm còn rất nhiều nụ nhỏ, nụ to. Hái hoa từng bông một nên rất lâu. Trong làng chỉ có vài lò cất nước hoa, nhưng cũng tiêu thụ hàng chục gánh hoa mỗi ngày. Hoa của làng, hoa của những làng xa, làng gần (...) Không khí lò cất nước hoa tưng bừng, nhộn nhịp (...) Cửa nhà mua hoa xôn xao, tấp nập (...) Người mang hoa đến bán, lúc ra về không quên xin ít bã hoa về cho người nhà đun nước gội đầu. Anh con trai chưa vợ lúc ra về ngượng ngùng không lấy bã hoa, chủ lò nhắc vui: "Không lấy một ít hoa chín về cho "người dưng" à?". Người ta kiêng dùng chữ bã mà gọi là "hoa chín" (...) Hoa chín được chủ nhà đổ ra nong, ra nia ngay cửa nhà, ai muốn bốc bao nhiêu tùy ý. Người qua đường cũng có thể vào xin dăm ba nắm. Cô gái thì ngả nón đựng hoa, chàng trai thì ngả mũ, xin về cho người yêu, cho "mẹ cu", "mẹ cái gái" (...)
Mùa cất nước hoa bưởi rầm rộ, ồn ã chỉ bắt đầu từ rằm tháng giêng. Đêm nguyên tiêu bắc chõ, gây lò để lấy lộc đầu năm. Công việc cất nước hoa kéo dài chừng nửa tháng, giữa những ngày hoa bưởi mãn khai.
Mùa hoa bưởi đi qua (...) dư hương đọng lại trong chất nước thơm, thơm mãi đến mùa xuân năm sau. Trong các loại thực phẩm, quà bánh. Từ cái kẹo, chè lam, bánh khảo, bánh đậu xanh, chè đỗ đãi, bánh trôi, xôi vò, cho đến phẩm oản chay cúng Phật, hoa bưởi cứ thơm ngát cái tình quê mộc mạc. Đặc biệt, khi quả bưởi đã chín vàng lại được gặp cái hương của hoa trong những chiếc bánh Trung Thu trên mâm cỗ trông trăng (...)
Bánh khúc quê bãi
Rau mà lại phảng phất thơm "mùi đá núi phơi nắng"! Mùi đó và mùi "hăng nhè nhẹ của họ hàng nhà cúc" là hai mùi cơ bản của cây rau khúc?
Chứ cái "ngạt ngào của hơi phù sa mới" thì hẳn là mùi riêng của thứ rau khúc mọc ở vùng quê bãi mà thôi. Thanh Hào nghĩ rau khúc "có thể trong đồng cũng có". Ðọc Tô Hoài, ta biết chắc trong đồng cũng có, lại là đồng cao...
Làm sao trông cái cây dại như thế lại nghĩ ra cách dùng đúng chỗ như thế? Thì cái miếng ngon nào chẳng là sáng tạo tài tình.
Mùa rau khúc ở quê bãi, bắt đầu từ cuối tháng giêng (...) Thường thì rau khúc chỉ mọc ở bãi non. Những cánh bãi mới hình thành, nổi lên sau cùng và lại bị ngập nước trước tiên khi cơn lũ đầu mùa ập tới. Vốn bãi nổi muộn, bãi nổi non thường không trồng trọt được hoa màu. Những loài cây dại tha hồ mọc. Nhiều loài hạt giống cây trôi từ rừng về, gặp thời tiết và môi trường thuận lợi, mọc lên (...) Cây lên rất xanh tốt, nhưng nhiều khi chưa kịp ra hoa, kết trái đã bị dòng nước cuốn trôi đi như khi dòng sông đã mang hạt giống đến (...)
Rau khúc cũng là một loài cây "đặc sản" của những vùng quê bãi. Có thể trong đồng cũng có, nhưng khi cây rau khúc mọc lên từ phù sa màu mỡ của dòng sông, trong nắng gió và không khí đặc biệt của dòng sông, cây rau khúc mới thật mang đầy đủ tính chất thuần khiết, hương vị đặc biệt của loài cây này.
Rau khúc có hai loại: khúc nếp và khúc tẻ. Khúc nếp là loại nhỏ lá và mau cành hơn. Lá khúc nếp chỉ nhỏ như ngòi bút ba-la. Cây khúc tẻ lá to bằng đầu ngón tay, xanh hơn, lá ít lông hơn khúc nếp. Cả hai loài rau khúc thân và lá đều ánh lên như phủ một lớp tuyết nhung trắng mượt mà. Cả hai giống đều có hoa màu vàng, nhỏ li ti từng chùm như đầu đũa rượu nếp. Mặc dù khúc là anh em họ với loài hoa cúc, nhưng hoa rau khúc không thơm nồng, không dễ ngửi thấy ngay được, phải đưa lên mũi mới thấy được phảng phất mùi thơm man mát.
Chúng tôi cứ đi lang thang khắp những cánh bãi non. Khúc mọc thành từng vạt như gian nhà. Khúc nếp và khúc tẻ mọc lẫn lộn, rải rác ẩn hiện trong những loài cây dại cùng lứa tuổi. Thường thì chúng tôi chỉ hái khúc nếp, khúc nếp mới thơm ngon, còn khúc tẻ không thơm, lại có mùi hơi hôi hôi. Chúng tôi hái cây to, những cây nhỏ bớt lại cho những lần sau (...)
Rau hái buổi sáng, đến trưa cả nhà ăn cơm cháo qua loa, rồi ai vào việc ấy. Chị em tôi thay nhau giã bột, cứ hai phần ba gạo nếp thêm một phần gạo tẻ. Mẹ tôi luộc rau xong, chắt nước luộc rau để vào một chỗ, lát nữa nhào bột để lấy mùi thơm. Rau khúc giã xong, rút hết xơ già mới trộn vào bột cho thật đều. Nhân bánh bằng đậu xanh, hành mỡ, thịt ba chỉ có rắc hạt tiêu và vẩy vào vài giọt cà cuống. Bánh nặn xong cái nào xếp ra lá chuối trải trên mâm. Xong tất cả, mẹ tôi xếp bánh vào chõ. Xếp đến đâu bà lại rắc gạo nếp làm áo ngoài đến đấy. Cả nhà ngồi chờ mẹ đồ bánh. Khi chõ bánh đã sôi được một lúc, mùi bánh lan tỏa khắp nhà. Mùi bánh đánh thức cái mũi của mọi người, khiến thời gian chờ bánh chín sao mà lâu đến thế (...)
Những vị thơm tho của nhân bánh không át nổi cái mùi rau khúc. Mùi thơm thật khó tả, nó phảng phất như cái mùi đá núi phơi nắng, ngạt ngào của hơi phù sa mới và hăng nhè nhẹ của họ hàng nhà cúc. Thật khó tưởng tượng ra được. Khiến khi nuốt miếng bánh, muốn nuốt hết cả cái mùi thơm một cách vội vàng, kẻo nó bay vào không khí mất (...)
Nấu kẹo mầm
"Đó là kẹo nha. Đó là kẹo mầm."
Đó cũng là "mạch nha" ở miền Trung, miền Nam. Nhớ hồi nhỏ ở Sài Gòn thỉnh thoảng được ăn mạch nha đựng trong lon như lon sữa bò nhưng có nắp, hình như đặc sản Quảng Ngãi, cũng dùng đũa quấn thành "viên to bằng quả cau, trông như một chiếc chùy nhỏ" mà ăn...
Trẻ con thành phố không được hưởng cái thú hít mùi "nước nha", "một mùi thơm đặc biệt, tưởng như không khí quanh khu bếp chạm vào đầu lưỡi đều thấy ngọt mát, khiến anh em chúng tôi cứ hít lấy, hít để. Tôi có cảm giác: nếu để không khí ấy bay đi, thật phí!". Dĩ nhiên trẻ phố cũng không thể nghe "bà tôi" vừa trông nấu nha vừa đọc ca dao liên tục làm "các cô tôi" rúc rích trêu "người cổ" khiến bà "cười và chửi yêu": "Phục sinh nhà các cô! Không có cổ sao có kim?".
Hương nha ngày xưa, bây giờ hồi tưởng có phải thấy như chính "hương nhà"? Cái không khí gia đình ở quê trước kia đầm ấm quá, thế mà nay coi như đã "bay đi (rồi), thật phí"!
Hàng năm cứ khoảng cuối tháng chạp âm lịch, bà tôi lại nấu một nồi nha, để tết làm kẹo lạc và chè lam. Bà bảo: kẹo lạc dứt khoát phải có nha, kẹo mới giòn. Còn chè lam chỉ cần "một ít" thôi cho cứng bánh, ăn ngon hơn. Bánh chè lam bán ở chợ người ta không pha kẹo nha, nên chè lam ỉu, không ngon như bánh bà làm. Vì nấu nha là một khâu hơi vất vả, cầu kỳ.
Kẹo nha là một loại đường được nấu ra bằng mầm thóc nếp. Trước đó bà ủ thóc nếp cho lên mầm. Thóc ủ như ủ để gieo mạ. Thóc gieo mạ chỉ cần nứt trắng, mầm thóc dài bằng nửa hạt thóc thôi là mang ra ruộng ném được. Nhưng mầm thóc để nấu nha phải để thêm vài đêm nữa. Tùy theo thời tiết rét nhiều hay rét ít. Mầm thóc dài khoảng đốt ngón tay, sau khi nấu thành nha có mùi thơm nhẹ của chất mầm.
Có mầm thóc dài đủ độ để có thể nấu được rồi, bà tôi nấu một nồi to cháo gạo nếp loãng. Cháo nấu thật nhuyễn, đổ thóc mầm vào tiếp tục đun, vừa đun, vừa phải dùng đũa cả đánh luôn tay. Ðánh liên tục, không để bén dưới đáy nồi. Ðây là khâu vất vả nhất, bà thường đứng chỉ bảo cho hai cô tôi thay nhau đánh đũa cả nồi nha. Các cô tôi nói với bà: "Được miếng bánh, miếng kẹo của u thì sái cả cánh tay hết cả mùa xuân." Bà bảo: "Biết làm để mà ăn ngon, tội gì không làm. Úi dà, "Thế gian chuộng của, chuộng công. Nào có ai chuộng người không bao giờ." Sau này anh nào nó rước đi cho, cứ là... nó cũng sướng một đời! "Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho?"". Thế là các cô tôi lại phá lên cười: "Đấy, đấy... U lại đọc cho nghe mấy bài ca dao nữa bây giờ...". Đó là không khí những ngày làm bánh tết nhà tôi. Bà tôi là một người hay ví von. Bất cứ làm việc gì bà cũng ví, cũng đọc một câu ca dao nào đấy, phù hợp với hoàn cảnh làm việc lúc ấy. Các cô tôi thường bảo bà tôi là người "cổ". Bà cười và "chửi yêu" các cô: "Phục sinh nhà các cô! Không có cổ sao có kim?". Các cô tôi trêu bà, rồi lại rúc rích cười và làm việc nhanh hơn.
Sau khi tất cả cháo và mầm thóc, nhân thóc nhuyễn vào nhau thành nước sền sệt, nước ấy đem đổ vào túi vải, treo lên xà nhà để lọc. Dưới túi vải hứng một cái chậu sành đựng nước nha. Nước nha phải lọc hai lần. Lần đầu lọc bằng hai lần vải xô, vắt bỏ bã trấu đi. Lần hai phải lọc bằng vải dầy hơn. Nước nha chảy qua vải lọc rất chậm, cũng phải vắt cho kiệt.
Sau cùng được một loại nước trong như thủy tinh vàng mơ. Nước này đem cô lại. Khi cô nước nha cần đun nhỏ lửa, tránh sôi bồng và cũng phải đảo luôn tay, liên tục, để tránh bén nồi. Đây là khâu quan trọng nhất của mẻ nha. Nước nha bốc hơi, tỏa mùi thơm khắp xóm, một mùi thơm đặc biệt, tưởng như không khí quanh khu bếp chạm vào đầu lưỡi đều thấy ngọt mát, khiến anh em chúng tôi cứ hít lấy, hít để. Tôi có cảm giác: nếu để không khí ấy bay đi, thật phí! Nước nha cô đặc quánh lại, bao giờ màu nước nha chuyển từ màu vàng mơ sang màu vàng như mật ong, thành một chất keo thơm ngát. Keo đó đổ ra liễn sứ, để nguội kẹo đặc lại. Ðó là kẹo nha. Đó là kẹo mầm. Một loại kẹo mà bất cứ đứa trẻ nào trong làng quê tôi đều thích. Đó là loại nha để pha chế làm các thứ kẹo. Nha có thể để được rất lâu, khi nào làm kẹo lạc, bánh chè lam mới đem nha pha chế.
Nấu được một mẻ nha từ khi nấu cháo, nấu thóc mầm, qua hai lần lọc rồi cô lại thành kẹo nha phải mất cả ngày. Và mỗi lần nấu xong một mẻ nha, đợi cho nha nguội, anh em chúng tôi đã chuẩn bị mỗi đứa một chiếc đũa. Và bà tôi biết ý, đón chiếc đũa từ tay mỗi đứa, bà lại nói: "Nào đưa đây. Sứ giả ăn trước Thành Hoàng." Bà véo nha dính vào đầu đũa cho mỗi đứa một viên to bằng quả cau, trông như một chiếc chùy nhỏ, tha hồ ngậm hàng tiếng đồng hồ mới hết. Thật tuyệt!
Ngô nướng, ngô luộc
Ở quê bãi một nhà nướng ngô, cả xóm được... ăn mùi: "Khi bẹ ngô đã cháy vào đến trong cùng cũng là lúc mùi ngô nướng thơm bay khắp nhà, khắp xóm. Mùi thơm ngòn ngọt của chất đường, pha lẫn mùi béo của sữa ngô mới đông, mùi ngai ngái của râu ngô, bẹ ngô cháy. Tất cả quyện vào nhau thành một mùi (...) thơm đến ngỡ ngàng".
Mũi ăn no, xong đến miệng: "Tẽ hạt ngô bỏ vào miệng, có cảm giác là ăn ngô "quay", chứ không phải ngô nướng. Bì hạt ngô giòn giòn, nhân hạt ngô ngòn ngọt, thịt hạt ngô dẻo quánh".
Ở quê bãi, ngô luộc cũng khác hẳn ngô luộc bán rong trên phố.
Mới chỉ được ăn... ngô kể của Thanh Hào, mà đã thấy "sướng cả hàm răng"!
Khi ruộng ngô bắt đầu vào thời kỳ "thâm râu", trước ngày bẻ bán bọn trẻ con cũng được vài bữa ngô nướng thỏa thích. Cách nướng ngô của người quê bãi khác hẳn cách quạt ngô nướng của mấy bà bán ngô quà. Những bắp ngô nướng phải chọn ngô mới đông sữa, tẽ ra không bị vỡ. Khi nướng để nguyên cả bẹ, gác lên bếp kiềng đốt lửa to. Vừa đốt vừa xoay giở (...) nước bên trong bốc hơi không kịp thoát ra, tạo thành lớp mồ hôi. Lớp mồ hôi này sôi lên, làm chín hạt ngô trước khi chúng kịp nổ. Những lần bẹ ngoài dần cháy vào đến lần bẹ trong cùng là được. Cách nướng này gần giống như kiểu đốt cơm lam của người miền núi. Hạt ngô chín vẫn mang nguyên chất tinh khiết, nguyên thủy vốn có, không bị thôi ra nước như ngô luộc, không bay mất mùi thơm như ngô nướng bóc trần. Khi bẹ ngô đã cháy vào đến trong cùng cũng là lúc mùi ngô nướng thơm bay khắp nhà, khắp xóm. Mùi thơm ngòn ngọt của chất đường, pha lẫn mùi béo của sữa ngô mới đông, mùi ngai ngái của râu ngô, bẹ ngô cháy. Tất cả quyện vào nhau thành một mùi thơm rất đặc biệt, thơm đến ngỡ ngàng, quyến rũ lạ lùng. Khi lấy bắp ngô trên bếp xuống, tay nọ chuyền ngô sang tay kia kẻo bỏng. Vừa đổi tay, vừa vỗ bồm bộp, vừa thổi phù phù làm cho ngô bớt nóng. Bóc lần bẹ cuối cùng cháy dở ra, mới ngon mắt làm sao. Tất cả những hàng ngô không hạt nào cháy đen, không hạt nào đã nổ. Mọi hạt ngô đều có màu cà-phê. Tuyệt nhiên không có hạt nào bị oi khói. Tẽ hạt ngô bỏ vào miệng, có cảm giác là ăn ngô "quay", chứ không phải ngô nướng. Bì hạt ngô giòn giòn, nhân hạt ngô ngòn ngọt, thịt hạt ngô dẻo quánh, thật sướng cả hàm răng.
Cách luộc ngô của người đất bãi cũng khác hẳn cách của những người luộc ngô quà (...) Ngô phải luộc "hai lửa" mới ngon. Tối hôm trước cho nhiều nước, đun cho ngô chín và cạn bớt nước. Sáng hôm sau dậy sớm, đun lại cho nước ngô cạn chỉ còn vài bát nước thôi. Khi vớt ngô ra, mọi người ăn ngô xong, được tráng miệng bằng bát nước ngô. Nước ngô đặc lại, vàng, sánh như mật ong. Ngọt lừ và thơm phức, không thể có một loại nước giải khát nào có thể so sánh được.
Cái thú đò dọc
Từ "sáng tinh mơ" đến khi "trăng đã mắc trên đỉnh cột buồm", khách được thưởng thức bao nhiêu màu sắc.
Sáng, "Cả mặt sông là một màu hồng rực rỡ. Mặt trời buổi sớm đỏ như quả cầu lửa. Quả cầu vỡ ra, màu son chói lòa tràn vào sương khói, làm mặt nước cháy lên những ánh lửa liu riu." Chiều, "Đôi bờ xanh với những bãi mía, nương ngô, tre, chuối đang chìm dần vào màu da cam rồi chuyển sang màu tím sẫm." Đêm, "Sông vàng lên như dãi lụa, những ngôi sao là những chấm hoa sáng long lanh, lấp lóa, kỳ ảo."
Được áp lên mặt cái khăn vừa nhúng xuống "mặt nước còn đượm hơi sương", hay được ngất ngưởng trên mui đò "vừa uống rượu vừa ngắm cái huyền ảo của sông đêm", có khó gì đâu. Nhưng lại là khó lắm, vì cái thời của những con thuyền buồm thô sơ mà thơ mộng ấy qua đã lâu rồi...
Đò dọc còn là cái thú của khách du (...)
Sáng tinh mơ, trên sông có bao nhiêu chuyện lạ. Người khách trở mình, ngồi dậy, cúi khom lưng bên mạn thuyền, nhúng chiếc khăn xuống mặt nước mênh mông rửa mặt. Cái mát lạnh của sớm mai, mặt nước còn đượm hơi sương (...) ngấm vào khăn, cho khách cái cảm giác được áp lên mặt cả một vùng sông nước, sảng khoái đến lạ lùng. Cả mặt sông là một màu hồng rực rỡ. Mặt trời buổi sớm đỏ như quả cầu lửa. Quả cầu vỡ ra, màu son chói lòa tràn vào sương khói, làm mặt nước cháy lên những ánh lửa liu riu. Những tiếng động hỗn độn trên sông được mặt nước truyền đi, va vào mạn thuyền thành những tiếng ì ào khó tả. Thỉnh thoảng tiếng trục bánh lái lại cọ vào đuôi thuyền két két khẽ như tiếng cánh cửa bức bàn của nhà nàng yếm thắm mà khách mong cặp bến. Khách nhoài mình ra khỏi khoang thuyền, ngồi trên mui, hưởng cái không khí hơi lành lạnh, thả tầm mắt ngắm nhìn đôi bờ đang từ từ chạy lại phía sau. Những cô gái giặt lụa, đập xuống mặt nước cả tấm lụa gấp nhỏ, thành tiếng kêu "đùm đụp", lơ đãng nhìn những người khách trên mui thuyền mà cất lời châm chọc: "Thuyền đi có nhớ bến chăng..." với hàm răng đen nhánh vang lên tiếng cười, làm chòng chành cả con thuyền.
Đò chiều mang lại cho khách những thú vị khác của hoàng hôn. Buồm căng phồng bộ ngực do gió tạo thành, đẩy con thuyền cưỡi sóng mà lướt (...) Đôi bờ xanh với những bãi mía, nương ngô, tre, chuối đang chìm dần vào màu da cam rồi chuyển sang màu tím sẫm. Con đò đi trong sự lặng lẽ của sông đêm. Và bóng những con thuyền khác lúc xa lúc gần, khi ẩn khi hiện, đan vào nhau, lờ mờ như những cánh buồm ma. Người lái đò căng mắt nhìn phía trước để tránh những cồn cát ngầm, thỉnh thoảng lại bẻ tay lái, tiếng cót két rít lên khe khẽ ở cuối thuyền. Vầng trăng đã mắc trên đỉnh cột buồm. Chủ đò dọn mâm rượu trên mui để khách vừa uống rượu vừa ngắm cái huyền ảo của sông đêm. Lòng sông như rộng ra, tưởng như mênh mông đến vô cùng, nhưng con đò lại đi trong một khung sông hạn hẹp bởi sự mờ ảo của màn đêm ngăn cản tầm nhìn của người. Đò đi đến đâu, sông giãn ra đến đấy, chỉ có trăng sao dẫu xa vời vợi lại hóa gần. Trời đêm dù cao đến đâu, mặt nước vẫn là tấm gương khổng lồ in những trăng sao. Sông vàng lên như dãi lụa, những ngôi sao là những chấm hoa sáng long lanh, lấp lóa, kỳ ảo. Chén rượu nhỏ cũng đủ cỡ thu được cả bầu trời. Khách đò nâng chén chúc nhau, trong đáy chén có trăng, có sao, có cả mắt người tri kỷ. Chén rượu mới đặt lên môi mà men say đã ngấm ngây ngất lòng người. Cuộc rượu ngà ngà, những vị khách trên mui làm con thuyền đã vì sóng sông mà nghiêng ngả lại thêm vì người mà nghiêng ngả. Đò chưa cặp bến thực, ở đấy có nàng con gái "Thương ai nấp bụi, nấp bờ. Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi...", nhưng men sông nước đã đưa lòng khách du cặp bến mơ xa...
Sông Hồng mùa thu
Nói đến sông Hồng, có lẽ đa số nghĩ đến "cuồn cuộn", "phăng phăng", dữ dằn. Thanh Hào vẽ cho ta một dòng sông khác, hiền hòa, êm ả, thơ mộng.
Mới chưa được 20 năm. Cái bến Tứ Liên còn không nhỉ? Chỉ thấy chùa Tứ Liên ngơ ngác bên đường giữa cơ man nhà tầng mới xây. Những cánh cò từ bờ bắc qua sông, tưởng nay chỉ vừa qua đến bờ nam đã thấy lạc đường...
Hà Nội ơi! Mùa thu đã đến rồi! Nước sông Hồng bắt đầu chuyển màu. Phù sa đỏ đã nằm lại trên các triền sông, trên những bãi mía, nương dâu để nuôi cây. Gió heo may đang dẫn đường cho những đàn chim én chao đảo trên mặt sóng, bắt những con vờ cuối cùng của mùa hè còn sót lại. Tiếng kêu của chim én làm cho những buồng chuối đôi bờ lên màu trứng cuốc. Cho những cây mía đôi bờ mang đường lên ngọn. Những vườn cúc của những làng hoa bên núi Nùng đang nở hoa vàng như nắng.
Người ơi! Hãy mang hoa cúc bên núi Nùng ra bến Tứ Liên tìm một con đò sang ngang. Thuyền hoa của ta sẽ trở thành thuyền chở nắng thu. Ta thả mấy bông cúc xuống nước, cho dòng sông đỏ lung linh sắc nắng hoa vàng. Nhìn những bông hoa bập bềnh trên sóng nước, ta có thể bắt gặp những cánh cò chen vào bên những bông hoa. Những cánh cò bay sang từ bờ bắc, qua sông về phố Lò Đúc để quan sát cái cây ngày xưa cò làm tổ đã thay đổi ra sao (...) - Bờ bắc cuối thu 1993.
Dưới trăng, giữa sen
Ngồi giữa sen uống hương sen vào bụng thế này, khéo hóa sen mất!
Hương sen hay hương trăng mà "đằm thắm cõi không gian"... (Thơ Hàn Mặc Tử)
Ở ngoài giữa đầm kia, có những cái chòi nhỏ (...) mái lợp tạm bợ bằng dăm ba tầu lá cọ, bốn phía để trống cho gió vào, cho trăng tìm mặt người trong chòi (...)
Những cái chòi canh sen cũng là nơi những người bạn già thưởng hoa, tri kỷ cùng nhau. Vài ba người bạn (...) bơi chiếc thuyền con, mang theo bộ đồ trà. Ở chòi đã có cái hỏa lò đất nung, cùng nắm củi tre ngâm, bình nước mưa lấy từ lòng lá sen chờ đợi. Các cụ nhen (...) lửa (...) đun cho siêu nước thật sôi. Với tay xuống dưới chòi, ngửa lòng tay rũ chỗ trà ướp trực tiếp trong hoa từ đêm trước. Cánh chè ỉu ra, ngậm đầy hương thơm ngát. Mỗi bông hoa đủ cho một ấm (...) Trà pha đã đủ ngấm, rót ra tống (...) hương hoa (...) bay đầy chòi. Rồi từ tống chuyên ra những cái chén mắt trâu (...) Chén trà đưa lên miệng (...) tưởng như trong nước trà có cả hơi thở của cây, của gió (...) đầu lưỡi (...) thấm cái vị tinh khiết của thiên nhiên (...) Lòng già tưởng như mình vừa thoát tục. Và vầng trăng trên trời kia, lung linh huyền ảo làm sáng lên những mặt người như trẻ lại.
Làm chè lam ngày Tết
Ngày mồng hai Tết mà phải "dậy từ tờ mờ đất" để làm việc! Việc khác thì mất Tết như chơi, nhưng việc này hình như không sao cả. Ít nhất đối với "tôi", là người phụ trách những công tác "ngồi xem", "nuốt nước bọt", "ăn trước Thành Hoàng" nắm bỏng, "cắn thử" viên bi đường, và hẳn rút cuộc là nhai thử thanh chè lam đầu tiên...
Thứ quà ngọt ấy có cái tên lạ. "Chè", có thứ đựng trong chén mà uống, lại có thứ để trên đĩa mà cầm lên ăn. Vừa uống "chè" vừa ăn "chè", Tết thật!
Phải đợi đến ngày mồng hai Tết bà tôi mới làm chè lam. Bà tôi bảo: ngày ba mươi Tết không thể làm bánh chè lam được. Hôm ấy phải gói bánh chưng, ăn đụng thịt lợn phải có người cùng làm. Rồi còn làm cơm cúng chiều ba mươi, cúng giao thừa, nên không còn thời gian làm bánh chè lam. Ngày mồng một Tết, mọi người phải đi chúc Tết và tiếp họ hàng, làng xóm đến chơi Tết nhà mình. Mọi việc phải được xếp đặt theo đúng như ý định của ông bà.
Sáng ngày mồng hai Tết, bà tôi đánh thức các cô tôi, mẹ tôi dậy từ tờ mờ đất. Người rang gạo nếp cái thành bỏng, người rây bột, người rang vừng đem ra xát vỏ. Làm nhiều bánh hay ít, tùy theo bà lấy gạo, lấy vừng. Còn nước đường và nước gừng cùng với kẹo nha chính tay bà pha chế.
Anh em tôi, tuy không phải dậy sớm làm gì, nhưng có nỗi háo hức chờ đợi từ hôm bà nấu nha. Nên khi thấy bố tôi dậy để pha nước cúng sớm cho ông, tôi cũng dậy xem mọi người làm bánh. Vả lại, không khí làm việc của mọi người, tôi cố nằm gan cũng không được. Chao ôi, mùi vừng rang, gạo nếp rang cứ bay quanh sực nức khắp nhà. Dường như những mùi thơm ấy luồn cả vào trong chăn, vào đầu, vào cổ, ai có thể nằm yên được. Tôi dậy ngồi xem mẹ xay bột gạo nếp rang, thấy hình như mình vừa nuốt nước bọt thì phải. Mẹ tôi chỉ tay vào bà ngồi bên cạnh, ra hiệu ngầm, như bảo: Bà cấm đấy! Bất ngờ bà trông thấy. Bà nhìn tôi không nói gì, tay bà sục xuống dưới cái vỉ buồm đậy bỏng nếp, vốc cho tôi một nắm. Bà bảo: "Lại sứ giả ăn trước Thành Hoàng!". Bà giúi nắm bỏng vào tay tôi, mắng yêu: "Con giai cứ quanh quẩn xó bếp!". Tôi sung sướng ngồi xem mọi người làm việc.
Nước đường (2) cô tôi đun, thỉnh thoảng bà lại lấy đầu đũa nhúng vào nồi. Lấy một giọt, nhỏ vào bát nước lã nguội. Lần cuối cùng giọt đường trong bát nước tròn xoe như viên bi nhỏ. Bà vớt viên đường ra đưa cho tôi, bảo cắn thử. Tôi cắn viên đường, nghe tiếng vỡ giòn tan trong mồm. Bà sai cô tôi đổ bột gạo nếp xay vào nồi nước đường, tiếp tục đun và đảo cho đều. Một lát sau, chè lam được đổ ra mấy cái mâm đồng đã rắc vừng lót dưới lòng mâm, cùng với bột nhỏ mịn rây ra. Sau đó, dàn mỏng chè cho đều trên mâm, rồi lấy chai, lấy con lăn bằng gỗ rắc bột, rắc vừng vào, cán cho chè mỏng đều và kết vào nhau thành một bánh. Cuối cùng để chè nguội, lấy thước đặt vào, dùng dao cắt thành từng thỏi hình chữ nhật, to hơn con tam cúc. Cắt được miếng nào đều đem tẩm bột làm áo để những miếng chè không dính được vào với nhau nữa.
(1) Trích từ bài Ven Sông, Có Một Nhà Thơ... của Vân Long.
(2) Gồm nước đường, nước gừng và kẹo nha? Trong bài Nấu Kẹo Mầm (tức kẹo nha), "bà tôi" bảo làm chè lam cần "một ít" kẹo nha cho cứng bánh.
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...