Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Thời gian và không gian nghệ thuật trong ca dao người Việt

Thời gian và không gian nghệ thuật 
trong ca dao người Việt
Khi nhắc tới một bài ca dao, điều trước tiên mà người ta nhớ tới đó là hình tượng nhân vật trữ tình hiện lên với đầy đủ các cung bậc cảm xúc từ thăng tới trầm, từ hạnh phúc tột độ tới đau khổ khôn nguôi, từ nhớ thương da diết tới trách móc dỗi hờn… Đó có thể là cái sâu sắc nhất nhưng chưa phải là tất cả để có được một bài ca dao đi vào lòng người. Làm nên cái hay của bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng phải là sự kết hợp của nhiều yếu tố và việc xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình chỉ là một yếu tố mà thôi. Cái mà tôi muốn nói tới ở đây là một nhân vật vô hình âm thầm lặng lẽ làm nên thành công của một bài ca dao. Đó chính là thời gian, không gian nghệ thuật trong ca dao Việt Nam.
Thời gian và không gian nghệ thuật trong các tác phẩm văn học không giống với thời gian và không gian thực tại ngoài cuộc sống. Nếu như thời gian và không gian thực tại là thời gian vật lý để mỗi người nhận thức được về cuộc sống xung quanh mình thì thời gian và không gian trong các tác phẩm văn học chủ yếu là thời gian, không gian tâm lý do con người tạo dựng ra nhằm một mục đích nghệ thuật nào đó. Riêng với ca dao, có lẽ nó góp một phần không nhỏ vào việc thổ lộ thế giới tâm hồn bao la trong mỗi con người. Nó một mặt là đề tài nhưng đồng thời cũng là nguyên tắc tổ chức tác phẩm
Về thời gian nghệ thuật, đây là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và  triển khai thế giới nghệ thuật. Bởi vậy mà thời gian nghệ thuật trong văn học dân gian khác với thời gian nghệ thuật trong văn học viết và thời gian nghệ thuật trong ca dao lại khác nhiều so với các thể loại khác. Trong thần  thoại ta bắt gặp sự quan niệm về thời gian ban đầu tạo lập thế giới khi trời và đất mới tách ra khỏi cái hỗn mang. Trong truyền thuyết là một quá khứ xác định trong một thời kỳ hay triều đại xa xưa thời mới dựng nước. Trong cổ tích là thời gian quá khứ phiếm định ở một cái ngày xửa ngày xưa nào đó. Còn trong ca dao đó lại là thời gian hiện tại và thời gian diễn xướng
Thời gian trong ca dao được gọi là thời gian diễn xướng bởi trong ca dao, dân ca thế giới người đọc và thế giới của thường hòa lẫn làm một không thể phân biệt rạch ròi. Ca dao được cả người diễn xướng và người thưởng thức nó hát lên như chính mình là người trong cuộc đang trải nghiệm, giãi bày những xúc cảm chân thành nhất. Mà như đã thấy ở ca dao kết cấu phổ biến nhất là kết cấu đối đáp bởi vậy mà khi sáng tác đồng thời cũng là lúc trình diễn, diễn xướng. Thời điểm mà cảm xúc cất thành lời ca dao cũng là lúc nó được trình diễn mang đầy tính nhạc, nhịp điệu. Vậy nên có thể nói rằng thời gian trong ca dao là thời gian diễn xướng
Cái hiện tại của thời gian ca dao thường được đánh dấu bằng các công thức, mô típ như: “hôm nay”, “bây giờ”, “nào khi”, “sáng ngày”, “chiều chiều”… mà khi chỉ cần nhắc tới khoảng thời gian đó, cụm từ đó thôi cũng đủ để người nghe phần nào thấy được nét tâm trạng của nhân vật trữ tình.
- Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
- Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
- Đêm đêm ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Một khoảng thời gian “chiều chiều” đã nói hộ người con gái lấy chồng xa biết bao tâm tư, tình cảm về sự nhớ nhà, nhớ quê hương trong lòng ruột đau như cắt. Một lúc “đêm đêm” là một sự thổn thức suy tư. Và cũng chỉ “bây giờ” mới là lúc ý nhị nhất để bộc lộ tình yêu với “đào” mà thôi.
Cũng có khi nó là thời gian của quá khứ hoặc của tương lai nhưng dù là lúc nào thì cũng luôn được soi chiếu với hiện tại, do đó bài ca dao  có cả sự vận động cảm xúc, vận động thời gian:
- Hôm kia anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất anh thương
Anh ra kẻ chợ đóng giường tám thang
Bốn góc thì anh thếp vàng
Bốn chân thếp bạc, tám thang chạm rồng
Bây giờ phải bỏ giường không
Em đi lấy chồng, phí cả công anh
- Khi xưa hẹn một thì nên
Bây giờ chín hẹn em quên cả mười
Vì ca dao là xúc cảm nên có lẽ trong cái hiện tại của thời gian nhiều lúc nó lại chỉ là cái hiện tại của bề mặt ngôn từ. Khi nhìn nhận dưới góc độ của tâm lý và cảm xúc thiết nghĩ ta nên nhìn thời gian ở góc độ thời gian hiện tại (thời gian gắn với các sự kiện) và thời gian tâm lý (thời gian ước lệ, thời gian trong tâm tưởng, trong cảm xúc của con người). Thường thì trong ca dao cái gọi là thời gian vật lý, thời gian sự kiện xuất hiện rất ít, sẽ là vô duyên nếu nó xuất hiện chẳng để làm gì khác ngoài chức năng thông báo thời gian. Tới đây ta tự hỏi tại sao người con gái ở câu ca dao trên tại sao lại không bộc lộ cảm xúc vào thời điểm nào khác mà lại là “chiều chiều”. Bởi trong chính buổi chiều đó đã chất chứa nỗi sầu vạn cổ từ vạn kiếp người rồi. Đồng thời ta cũng thấy ta đâu thể biết đó là buổi chiều nào trong chuỗi ngày dài buồn thương của cô gái, “hôm kia” là hôm nào trong cuộc đời chàng trai. Đó chỉ là những nhận thức về thời gian trong tâm tưởng của những người đang cần chút bầu tâm sự chăng. Đặc biệt hơn ở đây thời gian đó hợp với lòng người, hợp tâm trạng. Như thế ta có thể thấy cách biểu thị thời gian là quan trọng nhưng cách cảm nhận nó cũng cần hết sức tinh tế.
Thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng, mặt khác nó là thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Cái nào cũng đúng và có cái lí riêng của nó. Điều quan trọng hơn cả là thời gian đã được và cần được biểu thị, cảm nhận theo đúng phong vị ca dao, dân ca.
Về không gian, nếu như trong cổ tích mở ra một thế giới kì ảo, có lẽ chỉ có thật trong những giấc mơ thì ca dao lại mở ra cả một không gian thực tại gần gũi, quen thuộc hơn bao giờ hết. Không gian trong ca dao là không gian của đồng quê Việt Nam, bình dị và thân thương với bến nước, gốc đa, sân đình, đồng ruộng, cây cầu, con đò… Đó là nơi sinh hoạt, lao động của người dân, nơi các chàng trai, cô gái thôn quê gặp mặt, hò hẹn:
- Rủ nhau đi tắm hồ sen
Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình
Cứ chi vườn ngọc ao quỳnh
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay
- Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
- Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Ở những câu ca dao trên xuất hiện hình ảnh không gian “hồ sen”, “ao”, bến bờ, đây là những hình ảnh ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền quê của Tổ quốc. Những không gian quen thuộc đó cho thấy tình cảm gắn bó với làng quê của nhân dân ta. Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cảm xúc ra sao thì phông nền của nó vẫn là chốn làng quê thân thuộc, nghĩa tình.
Tuy nhiên cũng có lúc không gian ấy vượt ra trở nên rộng lớn kì vĩ hơn, đó là hình ảnh của thiên nhiên Đất nước:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
Qua những câu ca dao như vậy ta thêm tự hào về vẻ đẹp quê hương Đất nước mình có núi non hùng vĩ, có biển lớn bao la… Tuy nhiên những câu ca như thế là chưa nhiều, chủ yếu chỉ tập trung ở mang những bài ca dao về quê hương còn bó hẹp. Đó cũng là một mặt hạn chế trong các sáng tác ca dao Việt Nam, nhưng đó cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ từ xưa đồng bào ta luôn gắn bó với quê hương làng xã và ít khi xa làng quê của mình nên khó mà có được cái nhìn toàn cục.
Xét ở một khía cạnh khác, ta cũng thấy không gian tồn tại không gian vật lý và không gian tâm lý. Không gian vật lý là không gian có thật, cụ thể, là nơi con người sinh sống và lao động, đó chính là khung cảnh của làng quê Việt Nam. Và thường thì trong ca dao giao duyên không gian mà ta thấy đó là không gian của ngoài trời chứ không phải không gian trong nhà:
- Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô nỡ múc ánh trăng vàng đổ đi
- Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
“Bên đàng” hay “đầu đình” chính là không gian tồn tại thật gắn với cuộc sống lao động nhưng đồng thời đó cũng là không gian của tình yêu, là nhịp cầu nối tiếp trái tim của những chàng trai muôn đời và các cô gái muôn thuở.
Trái với không gian vật lý là không gian tâm lý, không gian của trạng thái tâm hồn con người, nó là cớ để giãi bày tâm trạng, là không gian tâm trạng:
- Một mình, mình một bơ thờ,
Dựa cây, cây ngã, dựa bờ, bờ xiêu
Không gian trong ca dao dù được cảm nhận ở phương diện nào, khía cạnh nào thì đó cũng là những khung cảnh gần gũi thân thuộc và bình dị nhất của làng quê Việt Nam, đậm đà phong vị dân dã, nó cho thấy sự gắn bó với quê hương, mọi cảm xúc đều được in dấu trên mảnh đất quê hương mình.
Tóm lại, thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng, nhiều trường hợp có công thức ước lệ, có sự vận động về thời gian cùng với dòng cảm xúc. Không gian trong ca dao nhìn chung là không gian rất làng quê, truyền thống, đậm đà ý vị dân dã. Thời gian và không gian có thể đều được nhìn nhận ở hai trạng thái là vật lý (có thật) và tâm lý (tâm tưởng, cảm xúc). Thời gian và không gian trong ca dao tồn tại độc lập nhưng không bao giờ chia cắt. Thời gian lúc nào cũng đi liền với không gian hỗ trợ nhau cùng biểu đạt những trạng thái cảm xúc sâu sắc, chân thành nhất từ những tâm hồn mộc mạc, trong sáng, tế nhị…
Triệu Thị Ngọc Linh 
Theo http://nguvan.hnue.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...