Nhớ những mùa đông đã qua
Tạm biệt những con đường xào xạc lá rơi, tạm biệt những cây
phong vàng rực lao xao trong gió! Vậy là mùa thu đẹp đẽ yêu kiều rồi cũng qua
đi. Khi mùi hương hoa sữa hết nồng nàn, buông sắc trắng nhẹ tênh vào nhớ nhung
hoài niệm; khi những chiếc lá bàng úa đỏ yếu ớt sắp sửa lìa cành, lặng lẽ thả
mình theo gió cũng là lúc đông về với tất cả nhân gian.
Một chiều cuối tuần, trời trở gió và mưa phùn rây bụi, ngồi
nghe ca khúc “Hát bên trời lãng quên” hay “Hà Nội đêm mùa đông” lại thấy nhớ da
diết những mùa đông đã qua! Đông đến, bầu trời như thấp xuống ủ ê, những mái
ngói rêu phong, cũ kỹ như tìm lại vẻ trầm mặc ngủ quên của bao tháng năm xa. Cảnh
vật trở nên cô liêu, quạnh quẽ đến nao lòng, lạnh lẽo và rét mướt nhưng mùa
đông cũng mang đến cho người ta những cảm giác ngọt ngào, ấm áp và hạnh phúc
bên gia đình.
Tôi đã đi qua bao nhiêu mùa lá rụng, nhưng có lẽ nhớ nhất là
những mùa đông nơi vùng cao biên giới. Ở nơi ấy, hầu như nhà nào cũng có bếp củi
để sinh hoạt và sưởi ấm trong những ngày đông lạnh giá. Mỗi khi chúng tôi đến
mua gạo, mua rau hoặc đi vận động học sinh đến lớp… thì bếp củi là nơi mà chủ
nhà đón tiếp chúng tôi bằng những ly rượu hay những chén trà vừa sao nóng, sự ấm
áp và những câu chuyện đời thường khiến chúng tôi không muốn ra về.
Trong cái rét khắc nghiệt của vùng cao ta mới cảm nhận được sự
vất vả, gian nan của những học trò trên con đường đi tìm cái chữ. Có nhiều em
phải đi bộ cả tiếng đồng hồ từ nhà đến trường (ở trung tâm xã) để học, trời rét
căm căm vậy mà các em vẫn đầu trần, chân đất, rét run cầm cập, trên người chỉ
có một manh áo chàm phong phanh. Nhìn những đôi môi tím ngắt, nắm những bàn tay
lạnh buốt của học trò tôi cảm thấy tim mình như se thắt lại muốn san sẻ thật
nhiều sự gian nan cực nhọc của các em. Ai đã từng đi qua những mùa đông vùng
cao mới thấu hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Mùa đông của họ là cái rét
tái tê trong những ngôi nhà chính tường hay vách nứa giữa lưng đồi hiu quạnh, vậy
mà trong họ vẫn ngập tràn khát khao, hy vọng, vẫn trỗi dậy một sức sống tiềm
tàng như cây Sa mu giữa đại ngàn nắng gió.
Chiều đông biên giới, trời sụp tối rất nhanh, trong chốc lát
sương mù đã giăng kín những triền đồi xa xa heo hút. Mới 5h chiều, đứng trên
núi cao nhìn xuống thôn Tả Chải, cả bản làng như đã chìm trong bóng tối, không
gian trở nên tĩnh mịch, hoang vu, chỉ còn tiếng chó sủa đâu đây vọng lại, xa
kia là những đốm sáng nhỏ nhoi của bếp lửa bập bùng hoặc ánh đèn dầu hiu hắt (hồi
ấy là đầu những năm 2000 nơi đây còn chưa có điện lưới quốc gia). Đêm mùa đông
vùng cao như dài hơn, buồn và rất lạnh, cái lạnh của sự xa vắng, cô đơn và nỗi
nhớ nhà dài dằng dặc! Hình ảnh quê hương lại ùa về với dáng mẹ hao gầy cùng năm
tháng, lam lũ nuôi tôi khôn lớn trưởng thành. Nhớ ngôi nhà nhỏ đã che chở mẹ
con tôi trong những tháng năm dài, nhớ những ngày đông rét mướt tới trường với
bàn tay tê cóng… và cả cái cảm giác ngọt ngào khi được học “Gió lạnh đầu mùa” của
Thạch Lam vẫn còn nguyên trong ký ức như vừa mới hôm qua, trong vắt, hồn nhiên
và thân thương đến lạ! Mỗi khi nhìn cơn mưa chiều đang giăng mờ những ngọn đồi
xung quanh, phía xa kia là con đường duy nhất đi ra huyện, cứ hun hút không một
bóng người lòng lại thấy nao buồn. Và ở nơi ấy, những đêm lạnh giá, tôi và mấy
người bạn trong khu tập thể ngồi sưởi ấm bên bếp củi quên cả thời gian, những
buổi tối soạn bài bên ánh đèn dầu cứ lóe lên rồi chực tắt, những chiều cuối tuần
được nghỉ dạy mặc cho giá rét và sương mù dày đặc, chúng tôi vẫn rủ nhau ra phố
huyện chơi bằng những chiếc xe Minsk với tâm trạng háo hức giống như những đứa
trẻ lần đầu tiên được đi chơi phố vậy. Con người vẫn có thói quen nhìn lại để
nuối tiếc cho những điều đã qua, rồi mải miết đi tìm, dẫu biết rằng kỷ niệm chẳng
thể nào quay lại!
Và nơi ấy, dòng sông Chảy vẫn hiền hòa tha thiết như chính
tâm hồn đồng bào các dân tộc nơi đây! Thời gian cứ mải miết trôi, ngoảnh lại đã
là tháng mười hai, thời điểm này chẳng còn là đầu đông nữa, cảnh vật đã bao
trùm một màu khói sương lãng đãng, dọc đường ra huyện, những cây đào rừng đang
đua nhau khoe sắc, màu hoa phớt hồng giữa làn sương mỏng manh như tô thêm vẻ
huyền ảo, u buồn của bức tranh mùa đông vùng biên ải; ở dưới xuôi, mùa hoa cải
cũng bắt đầu nở vàng ruộm những triền đê. Đông về, cho ta cảm giác nao nao se
lòng! Trong khoảnh khắc của chiều đông biên giới, tôi lại nghĩ đến quê hương,
nơi có mẹ, có những người thân và mơ cảnh Tết sum vầy êm ấm. Đôi khi hạnh phúc
đơn giản chỉ là được mong chờ một điều gì đó sắp đến thôi cũng đủ rồi. Ngày
đông dẫu có lạnh, buồn và ảm đạm, đêm đông dẫu có dài và tê tái bờ môi thì cũng
mang cho ta những cảm xúc riêng mà chỉ mùa đông mới có. Năm tháng qua đi, lời hứa
khi xưa giờ cũng trở thành dĩ vãng, đôi khi thời gian làm kỷ niệm ướt nhòa trên
từng trang giấy, thoáng chút buồn cho ngày tháng cũ đã xa!.
Giờ đây, ngoài trời mưa vẫn nhẹ rơi, gió đông đang mơn man
trên những khóm hồng và hơi lạnh đang len lỏi về bên khung cửa sổ. Nhìn ra con
đường quen thuộc bắt gặp những dáng đi vội vã trong chiều đông rét mướt, dường
như người ta bận rộn cho những chuyến hàng cuối năm hay tất bật cho những dự định
còn dang dở. Liệu có ai dành chút thời gian để nhìn lại “đoạn đường” đã đi qua,
rồi bâng khuâng nuối tiếc..! Dặn lòng không mê mải bon chen giữa dòng đời xuôi
ngược, lắng đọng tâm hồn để vỗ về quá khứ bình yên, để tận hưởng bao khoảnh khắc
êm đềm cùng kỷ niệm ngọt ngào về những mùa đông năm ấy!.
Rét vẫn tái tê và ngày đông vẫn vậy, chỉ còn lại ký ức năm
nào là còn mặn mòi đọng mãi với thời gian!.
Tuấn Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét