Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Bồ công anh cho mùa xuân năm tới

Bồ công anh cho mùa xuân năm tới
Mùa xuân châu Âu
Đức là một đất nước thật xinh đẹp, có bốn mùa như thể một cô công chúa luôn có bốn chiếc váy, hay như một chàng hoàng tử luôn có bốn bộ vest, ăn mặc chỉnh tề mỗi khi đi dạ hội. Nói thật chưa bao giờ tôi thấy ở đâu mà hoa nhiều như vậy, chỉ qua một đêm mà từ dưới lòng đất xuất hiện bao nhiêu là hoa, nào bồ công anh, nào thủy tiên, nào tu-lip, nào hoa cải, rồi nhiều nhiều loại hoa nhỏ li ti,… Qua đây tôi mới biết những bài thơ, những bài thiền ca Thầy làm không phải là tưởng tượng. Những hình ảnh như “Bụt là lá chín, Pháp là mây bay”, “thở vào hoa nở, thở ra trúc lay”, “trời xanh mây trắng là đây”, hay “núi tuyết in nền trời và nắng reo phơi phới”, rồi “đất hồng như môi son bé thơ”, “qua ngõ vắng lá rụng đầy”,... đều là có thật hết. Khi mới qua đây, tôi nói đùa “mình không dám đi nhanh, vì đi nhanh quá thì hơi vô tình với những bông hoa đang nở dưới chân mình”.
Đi gặp Đôn Ki-hô-tê
Chưa hết kinh ngạc về mùa xuân nước Đức, chúng tôi lại có cơ hội được đi ngắm hoa ở Hà Lan bốn ngày. Qua đây chúng tôi được nghỉ tại trung tâm thực tập của một tăng thân địa phương. Trung tâm nằm ở ngoại ô, xung quanh là cánh đồng  lê, táo, mận đang nở hoa trắng xóa. Ấn tượng mà  tôi không bao giờ quên là ngủ trên một gác xép, phía trên nóc của ngôi nhà, giường tôi nằm cạnh cửa sổ, một cửa số toàn là kính. Cái cảm giác ngủ trong căn phòng đó làm tôi rất hạnh phúc. Hồi nhỏ tôi có xem những bộ phim về châu Âu, và luôn thích hình ảnh của những căn phòng như vậy. Nó có vẻ như một thiên đường riêng mà lũ trẻ con thường hay nghe kể chuyện phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad trước khi đi ngủ. Vào nửa đêm tôi có thể nhìn lên bầu trời và tha hồ thưởng thức theo cách mà tôi đã tưởng tượng khi còn bé.
Những ngày ở Hà Lan là những ngày rất lạnh, có những đêm có mưa đá. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cảnh này, tôi bèn mở cửa sổ nhặt một ít đá ăn thử, mặc dù ngoài trời đang mưa rất lớn. Những ngày sau đó tôi được đi thăm cả một công viên toàn hoa tu-lip, tu-lip đủ màu, đủ kích thước, đủ chủng loại. Hôm sau đi thăm cối xay gió, xe tới nơi thì trời mưa lớn và không khí lạnh buốt, nên chỉ nhìn được qua cửa kính. Tôi hỏi thầy Pháp Xả - người Hà Lan, đang lái xe: “Thầy có biết ông Đôn Ki-hô-tê không, cái ông mà đánh nhau với cối xay gió ấy?”. Thầy cười và cũng không biết ông Đôn Ki-hô-tê theo cách phát âm tiếng Việt của tôi. Tôi nhìn xa xa và ước gì trời không mưa để tôi thử xuống làm Đôn Ki-hô-tê Việt Nam mà không được.
Mùa hè Học viện
Mỗi năm, vào mùa hè, ở Học viện (tên gọi đầy đủ là Viện Phật học Ứng dụng châu Âu) thường tổ chức hai khóa tu lớn: khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và khóa tu cho người nói tiếng Hà Lan. Mặc dù không có Thầy, nhưng chúng xuất sĩ từ các xóm của Làng Mai vẫn qua để giúp Học viện tổ chức và hướng dẫn khóa tu. Với sự có mặt của các vị giáo thọ lớn và hơn 100 vị xuất sĩ nên năng lượng rất hùng hậu. Người Đức tới rất đông, họ dẫn theo cả gia đình đủ mọi thành viên, từ già cho đến em bé vài tháng tuổi. Những chiếc lều đủ màu dựng ngay trên bãi cỏ đồi táo. Ban tổ chức sắp xếp chỗ cắm lều dành cho người độc thân, dành cho gia đình, cho tình nguyện viên, mọi thứ đều ngăn nắp và sạch sẽ vô cùng. Có vài trăm người cùng cắm lều trên đồi táo nhưng tôi có cảm giác họ đang đi ngủ đông vậy, luôn luôn giữ im lặng và ý thức về sự có mặt của người bên cạnh.
Khóa tu này tôi có giúp làm DVD, thực tình đây không phải là lĩnh vực của tôi, nhưng vì thiếu người nên tôi phụ giúp. Một thầy quay phim, một thầy làm CD, và tôi làm DVD. Ban đầu hơi trục trặc kỹ thuật, bởi vì tôi nghĩ tôi chỉ phụ thôi, ai dè lại làm chính cho DVD. Một thời gian khá dài không làm nên tôi quên rất nhiều, thử đi thử lại mãi, có lúc mấy thầy trò mày mò tới khuya mà chưa được. Tôi định bỏ cuộc và chấp nhận những gì đang có, thôi chỉ có CD vậy, nhưng các thầy trong nhóm luôn kiên nhẫn mày mò làm tới cùng, cuối cùng khóa tu Hà Lan cũng có DVD. Tôi cảm thấy rất vui khi làm việc với hai thầy trong đội này, một vị thì luôn nhẹ nhàng từ tốn, nói tôi có thể làm những gì có thể, giúp cho tôi học được sự buông bỏ. Còn một thầy giúp tôi học được bài học của sự kiên nhẫn và không khuất phục trước những thử thách.
Trong khóa tu này, tôi còn được nuôi dưỡng bởi những em bé người Đức và Hà Lan. Các em người Đức thì lên đồi nhặt táo rụng, các em bé người Hà Lan thì nhặt sỏi về rồi vẽ lên và các em bày ra bán cho các vị thiền sinh trong khóa tu. Mỗi buổi bán hàng xong, các em ngồi vòng tròn đếm lại  số tiền mình đã thu được và sau đó các em mang số tiền đó đến sư cô Chân Không đóng góp cho chương trình Hiểu và Thương giúp trẻ em nghèo Việt Nam. Những hình ảnh này đã đi sâu vào tâm thức tôi. Tôi thấy hạt bồ đề đã gieo vào các em, chỉ qua những hành động rất đơn giản mà bố mẹ và môi trường đã cho các em có cơ hội đó.
Hình như thu đã về
Khi thấy táo và lê trên đồi chín là biết mùa thu đang tới. Trên đồi Học viện có cả trăm cây táo, lê, mận, sai trĩu quả. Ngày trước, khi ở Hà Nội nghe những bài hát về mùa thu làm tôi phải xao xuyến “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” thì sang Đức tôi thấy một vùng trời chỉ toàn màu vàng. Vàng cả thành phố, lá vàng ngập cả đường đi, lá vàng bao trùm khắp mặt đất. Sắc thu làm cho hồn mình cũng lắng đọng và êm đềm đến kỳ lạ. Phải chăng khi tâm mình lắng đọng mình cũng có thể thấy rõ mình hơn như hồ nước mùa thu kia vậy.
Hồ thu làm cho tôi nhớ tới mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”.
Tôi cũng tranh thủ đi chụp lại những khoảnh khắc này. Những ngày này ban chăm sóc có tổ chức  đi bộ ngắm lá thu và vào rừng hái nấm. Nhưng thật tiếc, năm nay mưa ít nên không có nấm, anh chị em vào rừng chơi, ngắm lá thu, quả thật đó  là những kỷ niệm đẹp, nó đã đi vào thiên thu. Mùa này cũng là lúc tri cây cảnh của tôi chuyển từ chăm cây sang cào lá. Lá rụng nhiều quá, đến nỗi tôi nói đùa “làm sao mà cào cho hết được lá mùa thu”.
Đông sang hoa tuyết ngập lưng trời
Tôi nhận ra đông sang qua một đêm trời đất thay áo mới, tuyết trắng phủ kín. Mấy hôm trời lạnh tuyết cũng lất phất rơi như mưa phùn ở xứ ta vậy, 
nhưng nó cũng đủ cho mấy anh chị em mới qua thích thú. Nhưng chỉ sau một đêm là tuyết đã về ngập cả lối đi, chẳng ai ngờ tới. Nó làm cho chúng tôi vô cùng sửng sốt, kinh ngạc và hạnh phúc tột cùng.
Đêm đó tôi thức cũng khá muộn, khoảng 11 giờ thì đi ngủ, tôi cũng chưa vào giấc hẳn thì bất ngờ, khoảng 12 giờ, có người kéo chân tôi. Tôi mở mắt ra thấy bóng người lờ mờ, nhìn sang giường bên thấy sư anh cùng phòng vẫn đang ngủ, cửa phòng thì vẫn đóng. Đêm hôm ai vào phòng mình mà làm gì, ngay lúc đó tôi nghĩ tới ma. Như một phản xạ tự nhiên, tôi hét lên một tiếng cả tăng xá phải nghe thấy, vài giây sau tôi nhìn kỹ lại thì là người, cái bóng đen kia bắt đầu thều thào lên tiếng: “Dậy, dậy, tuyết rơi trắng xóa kìa”. Lúc đó tôi chẳng còn nhớ tới ma, hay người gì nữa, tôi vùng dậy, mặc áo đi ra ngoài ban công xem có gì hay ho mà đêm hôm khuya khoắt gọi nhau thế. Ra tới nơi thì gặp hai thầy phòng bên cũng đang ngắm tuyết, hai thầy nhìn tôi cười vì tiếng hét vừa rồi.
Nhìn ánh sáng của tuyết phản lại vào bóng đèn điện trong hành lang, tôi hết sức kinh ngạc vì chỉ vài giờ trước vẫn còn nghe thấy tiếng lá xào xạc của mùa thu rơi xuống bờ tường, thế mà giờ đây thay đổi tới chóng mặt. Trước mắt tôi chỉ một màu trắng, màu trắng của tuyết làm cho đêm đông dường như sáng hơn, và có thể nhìn thấy rõ mặt nhau khi đứng gần. Tôi mở cửa bước ra mà tuyết rơi đầy trên áo. Hành lang đi xuống tuyết đã phủ kín cả chục centimet. Tôi lấy chân giẫm lên, tuyết in hình dép, tay sờ vào lan can, tuyết lạnh buốt. Tôi ngắm nghía một lúc rồi về phòng ngủ để sáng mai dậy sớm đi chơi tuyết.
Sáng hôm sau, ai nấy đều diện giày tuyết để xuống ăn sáng, nhìn ai cũng khăn mũ kín mít, vừa ăn sáng xong là anh em tôi lấy tuyết ném nhau, đủ mọi tư thế để tận hưởng cái món quà có một không hai này, nằm, ngồi, lăn, trượt,... Lúc này chẳng ai sợ lạnh gì hết, chúng tôi không quên chụp ảnh để “khoe” mấy anh em trong gia đình xuất gia của tôi đang ở Thái. Nhóm các sư cô, cầm dù đủ màu sắc rồi đi thẳng lên đồi táo chụp hình, rồi bắt đầu hát, múa, quay phim, tôi nhìn mà không nhịn được cười. Có lẽ khi con người ta tiếp xúc được với cái đẹp chân thật, tâm hồn họ sẽ trong sáng và hồn nhiên hơn bao giờ hết.
Chuẩn bị tới Noel, không khí ở đây cũng rất rộn ràng, kết hoa, treo đèn, giống như mình đón Tết. Tôi tưởng tượng tới cảnh cả gia đình quây quần bên nhau ăn tối, một không khí gia đình thật ấm áp. Ngoài trời tuyết vẫn rơi, nhưng trong nhà có trà, có bánh, có lò sưởi đỏ, có mâm cơm nóng, có mặt cho nhau, như vậy đâu còn sợ gì mùa đông băng giá.
Mỗi lần nhìn lại, mỗi lần mới tinh
Ở đây có bốn mùa thay lá, bốn mùa của màu sắc, bốn mùa của giao cảm đất trời. Mùa nào cũng có nét riêng của nó, ví như mùa đông có tuyết thật đẹp, nhưng lại không có mặt trời, nhiều lúc người ta thèm vài tia nắng để sưởi cho ấm, người ta thèm cảm giác đi dạo, ngồi trên bãi cỏ ngoài trời. Nhưng nhìn cho sâu thì chúng lại có đặc trưng riêng của chúng. Nếu mình biết tận hưởng thì mùa đông tới mình sẽ không còn sợ lạnh lẽo, không còn muốn đông mau kết thúc để đón xuân sang, nhìn hoa nở, nghe chim ca, hay nghĩ tới mùa hè ngập tràn bởi nắng. Mỗi thứ đều có một dấu ấn riêng, mà nếu thưởng thức được thì chúng có mặt bên nhau thật gần.
Tu học cũng vậy, cũng giống như thưởng thức bốn mùa: “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, có khi nhặt chiếc lá thu đỏ ối, có lúc vốc một nắm tuyết trên tay. Tôi cảm nhận theo cách chúng đang biểu hiện và theo cách tôi đang quán chiếu. Nhiều khi khổ đau có mặt, cũng giống như nắm tuyết mùa đông, nhưng tôi có thể cầm nó trên tay, mang về nấu trà để làm ra đám mây mùa hạ, chén trà nóng trên tay như chiếc lá mùa thu, và bã trà tôi đổ xuống đất sẽ sinh ra những bông hoa bồ công anh cho mùa xuân năm tới.
Mùa xuân của sang năm tôi vẫn thấy nó đẹp, vẫn gốc anh đào đó, vẫn thảm bồ công anh đây, nhưng chúng lại đẹp theo một cách mới, chúng vẫn làm tôi tỉnh giấc mỗi khi đi thiền hành. Mùa hạ sang năm tôi vẫn thưởng thức được những trái lê giòn tan, từng quả anh đào (cherry) ngọt lịm. Hay mùa thu tới tôi vẫn đi dạo, ngắm lá thu bay, ngắm từng đàn vịt trời đang bơi lội trong hồ thu trong vắt. Mùa đông tôi vẫn thấy đông đẹp quá chừng, tôi vẫn vốc từng nắm tuyết trên tay mà xuýt xoa kêu lạnh. Sự tu học sợ nhất là mình luôn thấy nó cũ, luôn thấy nó cứ vậy mãi hoài hoài, đông năm trước chẳng khác gì đông năm nay. Chính vì thế mà mình làm mình khổ và người thương mình khổ. Sự thực tập “mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh” rất sâu, chỉ có năm tháng tu học mình mới cảm nhận được.
Nhất Hạnh 
 Theo http://langmai.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...