Sáng
thứ tư 16/11/2016, tôi về lại Ô Môn để thực hiện một đề tài về Ngày Nhà
Giáo Việt Nam cho chương trình Cần Thơ Phố. Gặp lại những học
trò cũ nay đã là đồng nghiệp và cũng sắp về hưu. Lòng chợt rưng rưng vì mới hay
thời gian đã không chờ đợi. Từ góc quán cà phê đến sân trường quen thuộc, thầy
trò huyên thuyên nhắc lại bao kỷ niệm một thời qua. Trần Ngọc Hải - GV Hóa của
trường Lưu Hữu Phước hiện nay - cho tôi biết đầu năm 2017, Hải về hưu và sẽ lên
Sài gòn sinh sống, gần khu vực Phú Mỹ Hưng. Tôi chợt nhớ thầy Lê Hùng Dũng cũng
đang sống cùng con trai ở gần đó. Hải mừng rỡ xin số điện thoại để sau này
thầy trò có dịp gặp nhau.
Buổi trưa về lại Cần Thơ, nhận một lúc mấy
tin nhắn từ Trần Như Tất Đạt, một đồng nghiệp trẻ ở trường THPT Châu
văn Liêm, trước kia là học sinh trường Trung học Mỹ Luông (chợ Mới-An Giang),
báo tin: Thầy Lê Hùng Dũng đột ngột qua đời ở tuổi 70!
Một chút choáng váng, một chút nghèn nghẹn trong tim không thể nào giải thích,
bạn qua đời mà cứ ngỡ như giấc chiêm bao. Xin được nhắc lại những tháng
năm đầy ân nghĩa của riêng mình khi tôi quyết tâm chọn nghề dạy học:
Tháng 12, năm 1970. Mùa đông đến sớm nên
trên những cánh đồng hoa lau nở trắng đã lãng đãng sương mù. Nơi tôi
"khởi nghiệp" là một ngôi trường mới vừa hình thành nằm ven tỉnh lộ,
lúc bấy giờ, nhà cửa, dân cư rất còn thưa thớt. Con đường từ Cần Thơ đến Ô
Môn dằn xóc, khói bụi mịt mù, chưa được hai mươi cây số mà gần trọn tiếng
đồng hồ mới tới.Trường có cả cấp 2,3, mang tên TRUNG HỌC PHONG PHÚ. Bỏ lại
sau lưng bao nhiêu vất vả, bao nhiêu điều trăn trở trên một quê hương
đang chìm trong khói lửa, tôi đã sống ở đây những tháng ngày vô cùng hạnh phúc.
Thời chiến, học trò đi học tuổi tác thường không chính xác, vì thế thầy trò
chênh lệch nhau chừng dăm ba tuổi, thậm chí có em mới học năm cuối cấp hai mà
đã lập gia đình!. Trong khi đó, thầy cô giảng dạy đa số đều độc thân: Lê
Hùng Dũng, Khưu Ngoan, Trần Quốc Mậu, Huỳnh Kim Chi, Huỳnh Trung Dung, Nguyễn
văn Thọ, Trần thị Ngọc Mai, Đỗ Quang Châu, Thái Kim Phụng, Nguyễn thị Thu Cúc, Thạch Ngọc Hải, Nguyễn Đăng Hòa, Vũ Lâm Tùng, Tống văn Ưu,Thái Gia Hưng,
Trần Nhựt Hưng, Lê Phước Nghiệp.... Bao nhiêu đó đã đủ lực để chúng
tôi tạo nên một dàn "đồng ca" có hạng của tỉnh Cần Thơ thuở đó! Đối
với học sinh, có lẽ vì khoảng cách tuổi tác ngắn ngủi, các em cũng có những
nghĩ suy, mơ ước như chúng tôi, nên thầy trò rất dễ gần nhau.
Nhớ biết bao những ngày làm văn nghệ, báo xuân, những lần cắm trại ở Vàm
Nhon, Ca My..và xa hơn nữa là ở tận Hòn Tre. Các bạn đồng nghiệp thời ấy tuổi
cũng còn rất trẻ, đa số độc thân, nên chúng tôi đã gắn bó cùng nhau trong công
tác giảng dạy, trong các hoạt động xã hội, trong các cuộc vui... và thường thường
các lớp học của trường ban đêm cũng là "quán trọ" tuyệt vời! Tôi đọc
cho Lê Hùng Dũng hai câu thơ cổ đã được "cải biên":
Ô
Môn vô lữ quán,
Kim
dạ đáo thùy gia?
(Ô Môn không quán trọ,
Đêm
nay ngủ nhà ai?)
Tôi và Dũng gắn bó với nhau còn bởi phong trào văn nghệ, báo chí sôi nổi của trường
Trung học Phong Phú. Chỉ cần một cây guitar, Dũng có thể tập cho cả mấy chục lớp
các tiết mục văn nghệ. Khi tôi dàn dựng kịch thơ, thì Dũng tập cho học sinh bài
"Tiếng sáo thiên thai" để kết hợp trong vở kịch "Một chút
lòng quê". Vậy mà anh chị em chúng tôi dám tổ chức văn nghệ gây quỹ
giúp đồng bào miền Trung trong lũ lụt, đi trình diễn giao lưu với các đơn vị bạn
khắp nơi. Một trong những điều làm cho thế hệ học sinh Trung học Phong Phú nhớ
nhất là phong trào Văn Nghệ-Báo Chí của nhà trường vô cùng sôi nổi. Thời ấy cứ
mỗi lần tết đến, thì trong tất cả các trường Trung học ở Cần Thơ, họa chăng chỉ
có trường Trung học Tổng hợp Phan Thanh Giản là xuất bản được báo xuân.
Thế mà, một trường Trung học thuộc hàng "sinh sau đẻ muộn", lại
"cư trú ở một vùng quê nghèo - là trường Trung học Phong Phú- mà
có thể xuất bản đặc san "Đuốc Hồng" như một sự lên tiếng tuy
khiêm tốn mà cũng không thiếu tự hào. Tờ báo xuân thời đó còn đơn sơ lắm, quay
roneo, mực lúc đậm lúc nhạt không đều, nhưng nội dung thì chẳng thua gì với
các đơn vị thuộc lớp đàn anh Năm 1974, tờ báo
Xuân của trường đạt giải Nhì toàn miền Nam trong kỳ thi "Báo
xuân học đường" cùng với nhiều giải cá nhân..Ban tổ chức kỳ thi đã hết
lời khen tặng- bởi vì trong cùng thời điểm ấy- không có tờ báo Xuân học đường
nào của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt giải.
Tôi
và Lê Hùng Dũng cùng 4 học sinh là các em Xuân Thọ, Ngọc Hải, Điều, Bá
Nghệ... đi xe đò từ Cần Thơ lên Sài gòn lãnh thưởng. Hai thầy trẻ dắt 4 học sinh-
tuổi không nhỏ hơn bao nhiêu- đi du ngoạn Sài Gòn hoa lệ suốt 3
ngày. Tội nghiệp biết bao các học sinh của tôi. Các em sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, chiến tranh... đã làm cho những người bạn trẻ quá nhút
nhát trước cảnh phố thị ồn ào xe cộ, thậm chí băng qua đường cũng phải đợi thầy
dẫn bước.
Tình thầy trò sâu đậm như thế, nên cho tới hôm nay- dù có người qua tuổi 60- các em vẫn nhắc tới thầy Lê Hùng Dũng bằng cả lòng trân trọng.
Thời đó, dù chỉ là lương khởi điểm, nhưng chúng tôi sống
thật thoải mái. Ngoài phần tiền lo cho gia đình, ba má, các em..còn lại
cuối tuần, anh em rủ nhau đi du ngoạn. Anh Trần Quốc Mậu có xe 4 chỗ, thường
kéo thêm anh Lầu, Dũng, Dung và tôi đi Sài Gòn- Vũng Tàu rồi về lại Cần
Thơ chiều chủ nhật. Những ngày vui đó qua mau và đã phủ mờ lớp bụi thời
gian....
Trên tờ báo Xuân "Đuốc Hồng". Dũng có viết một bài tựa đề "Đoản khúc
rời", với câu "đề từ"là: "Về chuột tý". Tôi
dư biết người đó là ai nhưng cũng trêu chọc bạn mình: "Văn
chương lủng củng, đã chuột mà sao còn tý nữa?". Mấy
năm sau, bạn đã đưa con "Chuột tý " đó "về dinh" và
sống hạnh phúc cho tới bây giờ.
Sau những biến động lớn lao của lịch sử năm 1975, anh em chúng tôi như những
nhánh sông đời trôi về muôn nẻo. Người trôi nổi đất khách quê người, kẻ còn bám
theo nghề trong những năm tháng đầy gian lao và nghiệt ngã. Tôi về lại nội
ô Cần Thơ, Thọ, Châu, Phụng, Mai về quê cũ Bến Tre. Mậu, Dung, Chi, Liêm đang
sống cách một vòng trái đất... Dũng về công tác tại trường Trung học Mỹ
Luông (Chợ Mới-An Giang) cho đến lúc nghỉ hưu. Khoảng năm 1980, nhớ bạn, nhớ
trường, tôi có viết một bài thơ khá dài tặng Dũng. Bài thơ đăng trên nhật báo Cần
Thơ. Tôi cắt trang báo, gửi cho Dũng theo đường bưu điện. Về sau, muốn tìm lại
thì không còn bản thảo. Dũng cho biết còn giữ bài này và cả nhiều bài khác của
tôi, hôm nào ghé Cần Thơ sẽ mang theo.
Con đường Chợ Mới không xa nhưng đã nhạt nhòa ký ức. Khoảng tháng 5/1972, tôi
và Dũng đi xe đò về đó. Đến Long Xuyên, phải qua "băc" An Hòa rồi đi
khoảng vài chục cây số nữa mới đến nhà anh. Con đường nhỏ, nhưng râm mát
những hàng cây và thật bình yên trong thời khói lửa. Bỗng dưng tôi thèm một chỗ
dừng chân. Dũng rũ tôi cùng xin chuyển về đây dạy học. Anh em tôi còn có cả tham
vọng mở một trường tư thục ở nơi này! Rồi cái mơ ước lãng mạn mà không kém phần
ngông nghênh đó cũng nhạt phai cùng năm tháng. Chỉ còn hẹn gặp lại trong những
lúc hàn huyên để nhắc về trường xưa, lớp cũ...Thế mà.....
Nghe tin Lê Hùng Dũng mất, tôi cố gắng nhớ lại bài thơ. Tuổi càng cao thì
trí nhớ càng sa sút. Cả bài, chỉ nhớ hai câu cuối mà thôi:
Dũng ơi, "Đoản khúc rời" xuân ấy.
Trang "Đuốc hồng" kia phủ bụi mờ..
Mà
thôi, tôi muốn quên bài thơ cũng như muốn quên đi quá khứ, quên những năm
tháng nhiệt tình sôi nổi của tuổi thanh niên để khỏi nhớ về những
người bạn cũ. Có lẽ như thế, ta sẽ bớt cô đơn, bớt buồn trong buổi tàn
niên. Cố nhân ơi, xin xem mấy dòng tâm sự ngắn ngủi này như những lời ai
điếu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét