Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Bến Ninh Kiều - Năm tháng và nỗi nhớ

Bến Ninh Kiều - Năm tháng và nỗi  nhớ
1. Tôi đến Ninh Kiều lần đầu tiên vào những năm 60 của thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, dù trong thời chiến, nhưng Cần Thơ vẫn là thành phố sầm uất nhất ở vùng đồng bằng sông Hậu mà người dân gọi bằng mỹ từ “Tây Đô” với tất cả sự tự hào.Suốt những năm học trò Trung học, tôi học ở trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu và nhà ở cạnh hồ Nước ngọt, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho chỉ một con đường. Chẳng biết tự bao giờ, câu ca dao quen thuộc đã đi vào lòng tôi:
Đèn Sài Gòn  ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn  tỏ ngọn lu...
Điều đó, chứng tỏ rằng có một thời , Mỹ Tho chỉ “thua chị kém em” là so với Sài Gòn, chớ Cần Thơ chưa xứng mặt “anh tài”!. Thế mà  những năm 60, chưa bao giờ tôi thấy nhà lồng chợ Mỹ Tho mở cửa quá bốn giờ chiều. Vườn hoa Lạc Hồng cũng là nơi khách nhàn du lui tới, phía bên kia sông là Cù Lao Rồng xanh ngắt  những vườn cây, những ánh đèn đêm vàng vọt đã giục khách nhanh chân về nhà vì phía cuối trời xa, những ánh hỏa châu long lanh trên sóng nước Tiền  Giang như nhắc nhở mọi người quê hương còn chìm trong lửa đạn. Với suy nghĩ đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi chợ Cần Thơ hầu như buôn bán suốt đêm và bến Ninh Kiều lúc nào cũng rộn ràng xe ngựa. Hình như cánh tay bạo lực của chiến tranh không chạm tới nơi này?. Cũng không cần phải đi tìm trong tư liệu về nguồn gốc tên gọi Bến Ninh Kiều. Đó là cái tên bắt nguồn từ giai thoại về Chúa Nguyễn Ánh trong một lần thả thuyền trên sông Bassac vì mến tiếng đàn câu hát mà đổi lại là Cầm thi giang. Đó là những năm sau 1955, chính quyền miền Nam đổi tên Bến Hàng Dương thành Bến Ninh Kiều bởi con đường cặp theo dòng sông lúc bấy giờ có tên là đường Lê Lợi? Những điều này với tôi không có gì quan trọng. Cảm nhận trước hết của tôi về Bến Ninh Kiều là nét đẹp trong sáng hồn nhiên của cô gái miệt vườn, nhưng đã thay đổi y phục người phố chợ cộng thêm một chút trang điểm nhẹ nhàng, thành ra vừa dễ gần mà lại đậm đà hương sắc làm say đắm lòng người.
Khi đất trời chuyển mùa, tháng Chạp  trở về mang theo chút gió heo may từ phương Bắc. Ấn tượng rõ nhất của mùa Đông là buổi sáng ngợp mắt vì những chiếc áo ấm đủ màu xuôi ngược trên đường. Có lẽ những người cùng thế hệ tôi đều có chung suy nghĩ: hình như thời đó, mùa đông lạnh hơn bây giờ rất nhiều? Trong những ngày này, Bến Ninh Kiều càng rực rỡ hơn với ngàn hoa khoe sắc. Từ Ngã ba cột đèn ba ngọn cho đến sát khu vực Hải Quân (nay là khu nhà hàng Ninh Kiều), hàng trăm loại hoa kiểng từ khắp nơi được thương lái đưa về bày bán. Hàng đoàn ghe thương hồ nối đuôi nhau, cắm sào phía dưới bờ sông. Phía bên kia, xóm Chài vốn dĩ ngày thường trầm mặc, dường như cũng rộn rã hẳn lên. Từ các loại cúc đại đóa, cúc mâm xôi, cho đến vạn thọ, hoa xác pháo, trạng nguyên, ngọc nữ… và bao nhiêu loại hoa vừa lạ vừa quen mà tôi không làm sao nhớ hết.Cứ mỗi năm, những nghệ nhân dân gian lại sáng tạo thêm nhiều tên gọi mới, như một mong ước: sống lâu, sống giàu sang, hạnh phúc... và các loại hoa mang tên như thế cũng rất được người Cần Thơ đón nhận nhiệt tình.
Thời chiến, tiếng súng hòa lẫn vào tiếng pháo. Càng  gần đến ngày đưa ông Táo về trời, hai thứ âm thanh này lại càng chen nhau như một điệp khúc đầy nghịch lý. Nôn nao khi sắp đón một mùa Xuân, nhưng tự lòng tôi không khỏi thoáng chút ngậm ngùi. Cần Thơ thanh lịch, Cần Thơ rộn ràng xe ngựa, nhưng vẫn không che giấu được những ánh mắt đượm buồn, những chiếc áo sờn vai, những bàn tay chai sần... của người dân nghèo trôi nổi sông hồ trên những con thuyền chất đầy hương sắc mùa Xuân để đem bán cho đời!
Nhưng có lẽ, điều mà tôi nhớ nhất về Bến Ninh Kiều vào xuân là những kỷ niệm ngọt ngào của một thời thơ mộng. Những năm trước 1975, học sinh các trường công lập ở miền Nam thường được chia tách nam, nữ học riêng. Nam sinh thì quần xanh áo trắng, còn nữ sinh thì mới vào lớp Đệ Thất (nay là lớp sáu) đã phải mặc áo dài. Cần Thơ có hai trường trung học lớn và nổi tiếng khắp vùng sông Hậu: trường Trung học Phan Thanh Giản và Trung học Đoàn thị Điểm. Hai trường cách nhau một con đường nhỏ (trước mang tên Pasteur, nay là đường Võ thị Sáu) mà lại bị cấm đi vì ở gần khu quân sự.Biết bao nhiêu chàng “ thi sĩ học trò” đã gửi lòng mình qua những sáng tác thơ văn đầy lãng mạn cho một bóng hồng nào đó thoáng hiện qua chiếc cầu thang bên kia ngôi trường “kín cổng cao tường”. Những mối tình thơ câm lặng đó rồi cũng như một con sóng nhỏ trên mặt trường giang, sẽ phai dần đi để trở thành kỷ niệm khi chúng ta bước xuống cuộc đời. Nhưng, mùa Xuân và Bến Ninh Kiều đã khơi một dòng chảy cho nước về nguồn, cho bao nhiêu câu chuyện tình học trò cứ tưởng mong manh như sương khói mà lại bền bỉ với thời gian.
Hạnh phúc nhất với tuổi học trò chúng tôi thời đó là những buổi sáng giáp Tết, cũng ôm cặp sách tới trường, nhưng không vào lớp, mà điểm hẹn là Bến Ninh Kiều! Mặt trời lên, mang theo chút nắng ấm, gió từ sông Hậu thổi vào lồng lộng,bạn cứ ngỡ đi trong chợ hoa mà như lạc tới Đào Nguyên!. Chung quanh ta, hàng trăm tà áo dài trắng nữ sinh tung bay trong gió, những nụ cười, ánh mắt, những câu chuyện không dứt... Mùa Xuân hình như tràn ngập trong mỗi trái tim người...
Giã từ năm tháng học trò, bước  vào cuộc sống với bao nhiêu hệ lụy, hình ảnh một thời đó đã bị phủ kín bởi lớp bụi thời gian. Mấy mươi năm - dù vẫn sống ở Cần Thơ - nhưng rất ít khi tôi đi chợ Tết Ninh Kiều. Cuộc sống bộn bề lo toan chuyện áo cơm, con cái... Những ngày giáp Tết thì tất bật nên nếu có ghé vào phiên chợ tết thì cũng vội vàng. Một điều nữa là hiện nay, nữ sinh cũng rất hiếm khi mặc áo dài trắng như ngày xưa, nên chợ hoa Xuân - với cảm nhận riêng tôi- hình như cũng giảm phần sinh động.
2. Mùa Xuân lại về. Bến Ninh Kiều hôm nay đẹp hơn với những công trình xây dựng. Lối đi rộng hơn, con đường cặp sát bờ sông thoáng đãng và không còn lồi lõm như nhiều năm trước. Phía bên kia, Xóm Chài cũng đang dần thay chiếc áo cũ kỹ năm xưa để bước vào thiên niên kỷ mới. Chợ hoa sau bao nhiêu lần đổi chỗ, cuối cùng nơi đây vẫn là điểm chính. Thực ra, khách có thể đến chợ hoa Nhị Kiều, làng hoa Bà Bộ, hay những con đường hoa tự phát dọc theo lối dẫn về Bình Thủy - Long Tuyền. Nhưng có lẽ trong suy nghĩ của những cư dân “cố cựu” Cần Thơ, thì không nơi nào phù hợp hơn Bến Ninh Kiều. Điểm đặt chợ hoa không chỉ thuận tiện cho người mua mà còn cho kẻ bán. Vị trí phải là “trên bến dưới thuyền”, để ghe thuyền dễ dàng lui tới, để có nước sông tưới mát giữ được sắc hoa bền lâu trong suốt thời gian bán Tết.
Xuân này, tôi lại có dịp đi chợ hoa Ninh Kiều, nhưng bên cạnh là đứa cháu ngoại vừa ở tuổi biết cảm nhận cái đẹp của hoa và cũng có hàng trăm câu hỏi về hoa mà đôi lúc ông ngoại phải chào thua vì không có lời giải đáp! Lại nhớ lan man về những người bạn học, trong đó có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi.Một đêm nào trong mùa xuân chiến tranh, tôi và Hà Huy Thanh đã đi chợ Tết Ninh Kiều với cả tấm lòng phơi phới tuổi hai mươi:
Ra chợ đêm chờ xem pháo bông
Bến bờ bên ấy vẫn mênh mông.
Hai thằng bạn rũ đi trên pháo
Để thấy tình yêu vẫn đẹp hồng..
Rồi người bạn thân ấy cũng đã nói lời vĩnh biệt. Ngày bạn mất, lòng tôi đau nhói vì Hà Huy Thanh ra đi là đã mang theo một phần đời thanh niên của tôi ở đất Cần Thơ. Điều đó, hôm nay tôi cũng không thể tâm sự với cháu mình mà chỉ giấu kín trong lòng. Rồi lại nhớ cô bé học trò mỗi ngày với tà áo trắng bay trên đường Phan Thanh Giản để cho ai kia cứ theo bước giai nhân, khoảng đường gần mà mắt thì xa dịu vợi!:
Đại lộ và mười  lăm cột đèn
Bây giờ nghe khoảng cách dài thêm
Dấu chân hai đứa nhòa sương bụi
Anh ngẩn ngơ- thời gian lãng quên…
Cố nhân nay cũng đã là bà nội, ngoại, tóc bạc màu theo năm tháng và có lẽ những câu thơ vụng về chắc cũng không còn nhớ nổi dù hồi nào tôi đã nắn nót từng dòng trên giấy poluer xanh để kín đáo gửi cho nàng. Mà thôi, nhắc làm gì cái thời hoa bướm đó. Tôi chợt ngước nhìn lên khung trời tháng chạp. Quê hương tôi đang bước vào xuân với không gian bát ngát màu xanh, cao vời vợi như những niềm mơ ước không cùng. Lẫn trong cái nền xanh bình yên đó, có một vầng mây trắng phiêu bạt cuối trời xa, trôi rất chậm như có chút gì lưu luyến nên bất chợt trong khoảnh khắc dừng lại phía vàm sông. Có phải đó là Hà Huy Thanh, là Lăng Cảnh Huy,… hay bao nhiêu người khác nữa, những người cùng tôi góp mặt  trong chợ Tết Ninh Kiều mà giờ đây đã là “bạch vân thiên tải”?
Đi giữa những hàng hoa “nghìn tía muôn hồng”, lòng ta phơi phới khi đất trời đang chuyển bước vào xuân. Đẹp biết bao quê hương Cần Thơ - nơi tôi đã gửi trọn hoài bão một thời thanh niên đầy ắp những ước mơ hồng. Nhưng tự sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn thấy nhớ tiếc những tà áo dài năm nào như đàn bướm trắng mùa Xuân đang hút mật cuộc đời để gửi lại nhân gian những dòng thơ ngọt ngào hương sắc. Những tà áo trắng một thời - cũng như bạn bè tôi - giờ như vầng mây kia trên khung trời xanh thẳm …
Nữ sinh các trường Trung học trong Thành phố Cần Thơ giờ rất ít khi mặc áo dài (trừ ngày thứ hai), nên dù có vào chợ hoa ngày Tết, thì hầu như chỉ là đồng phục ngắn. Tuổi trẻ hôm nay hồn nhiên, trong sáng và đẹp hơn so với tuổi trẻ ngày xưa, bởi các em lớn lên trên một đất nước thanh bình, mà những ám ảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ. Nhưng đi giữa ngàn hoa Bến Ninh Kiều, lòng tôi vẫn có chút bâng khuâng. Giá mà…
Bất chợt, ước ao phải chi trở lại thời mười tám tuổi, trở lại một Ninh Kiều hôm nay nhưng lại tung bay sắc trắng tinh anh của chiếc áo học trò bên hàng trăm loài hoa đang chào đón mùa Xuân. Để tôi được cùng bạn bè chen chân trong rừng người đón Tết, để viết trọn những vần thơ thời mới lớn:
Trên những đường xưa rợp áo dài
Em về - gió động tóc thề bay…
Hoặc ngồi trên chiếc ghế đá nào đó cạnh bờ sông mà mơ một chuyến đi đầy lãng mạn: theo đoàn ghe thương hồ trở về các vùng quê khắp mọi miền đất nước khi kết thúc chợ hoa vào trưa ngày ba mươi tết. Ninh Kiều ơi, yêu biết bao nhiêu…
Cần Thơ, những ngày cuối năm 2011
LÊ TRÚC KHANH
Theo http://www.ptgdtdusa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...