Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Chuyện tình trên thảo nguyên

Chuyện tình trên thảo nguyên
Nước Việt như một dải lụa xanh - xanh sông biển, xanh mây trời, xanh núi rừng... một màu xanh bát ngát. Những câu chuyện về tình yêu của người Việt cũng thắm một sắc xanh mơn mởn, tha thiết và dịu hiền. Cái màu xanh ấy đi vào lời ca tiếng hát như những hạt ngọc âm vang từ sâu thẳm lòng người. Màu xanh tượng hình, tượng thanh từ trái tim bao giờ cũng đẹp, cũng thật đặc biệt!.
Người đồng bằng yêu nhau như phù sa màu mỡ yêu bãi bờ, như lúa, khoai xanh thắm vồng tươi tốt. Người vùng cao yêu nhau như cội rừng yêu sỏi đá, như tiếng suối xanh lơ lửng, trong veo...   
Đơn giản đây chỉ là những cảm nhận của tôi về một bài hát. Một bài hát mà ở đó, tôi thấy mở ra trước mắt mình là một không gian thấm đẫm sắc xanh, xanh của thảo nguyên cây cỏ, xanh của nương rẫy, suối nước, xanh từ sâu hút những tiếng đàn chày, và hơn thế nữa, đó là màu xanh của tình yêu con người, thủy chung và hồn hậu...
"Chuyện tình thảo nguyên" của nhạc sĩ Trần Tiến là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, mang đậm màu sắc dân gian. Lấy bối cảnh về một vùng cao thơ mộng, hoang sơ, với hình ảnh những người con trai, con gái thôn bản yêu nhau bằng một thứ tình cảm cũng rất mực hồn nhiên và mơ mộng. Tôi thích được nghe Hà Trần trình bày bài hát này, bởi chất giọng mộc và lối "phiêu" đầy ngẫu hứng của chị đã cho tôi cảm giác thật gần gũi và say đắm.  
"Chiều chiều người em gái 
vẫn đi trên thảo nguyên xanh.
Gửi từng bầu nước 
vắt đến anh chàng trai yêu.
Em vui như chim hót, 
trên cao nguyên bao la.
Em như con suối xanh trong... 
oh pleu oh, oh pleu oh... 
Rồi từng ngày em đến đám chăn bò vui sao
Chàng nào cũng nhớ, cũng thương em
Ai cũng chăm lên nương rẫy, chăm săn hươu, săn nai
Tiếng sáo ai cũng tha thiết, em biết chọn tình yêu ai? " 
Cô thiếu nữ vùng sơn cước với đôi gò má ửng hồng, e ấp, băn khoăn trước những lời tỏ tình của trai bản. Nét đẹp giản dị, mộc mạc của em khiến cho lòng bao chàng trai chộn rộn, rối như tơ vò. Các chàng hăng say lao động vì muốn gây ấn tượng đẹp trong mắt em. Em giống như những cánh hoa rừng hoang dại mà quyến rũ lạ kỳ. Giữa thảo nguyên ngút ngàn xanh, trên cao là mây trắng đội đầu, chung quanh là chim hót, suốt reo, em hiện ra nổi bật bởi những nét thơ ngây hồn nhiên đầy gợi mở. Với giọng điệu pha chút nghịch ngợm như trêu đùa (oh pleu oh, oh pleu oh) em dẫn dắt câu chuyện đi theo mạch cảm xúc tự nhiên và gần gũi. Tuổi đời em đang xanh, khoảng trời thiếu nữ của em đang dệt nên những sắc màu huyền thoại của tâm hồn...
Lắng nghe thật kỹ chúng ta sẽ thấy, em như đang cố che giấu một điều gì đó rất đỗi bí mật. Đó là gì nhỉ? Em suy tư cùng những tiếng sáo, xem đâu là hay nhất, phải chăng là cũng giống như những cô gái đến tuổi cập kê khác, để chọn lấy cho mình một người yêu thương? Hay tiếng sáo đánh thức tiếng lòng sâu thẳm nơi em?
Và bức tranh tiếp tục được vẽ ra qua từng lời hát, cũng là câu trả lời hoàn hảo cho tất cả: 
"Rồi một chiều xa vắng có anh chàng thương binh
Trở về làng quê cũ với cây đàn goong xưa
Đôi chân anh thôi leo núi, đôi tay anh thôi chơi đàn
Đôi mắt anh nhìn xa xăm... Nhìn em... Nhìn em...
Để rồi người con gái trót đem lòng yêu anh..."
Thì ra em đã tương tư một người khác rồi. Em tương tư một anh chiến sĩ vệ quốc. Người đã ra đi bảo vệ đất nước, bảo vệ bản làng, để đêm đêm em được bình yên soi đuốc học chữ, ngày ngày giã gạo, lấy nước, và được thỏa thích rong chơi. Em yêu chàng trai ấy vào một chiều xa vắng, khi bắt gặp có một ánh mắt xa xăm nhìn mình chăm chú và da diết. Anh trở về làng bản với một nỗi buồn sâu thẳm, anh trở thành thương binh sau cuộc chiến, anh đã không còn leo núi, trèo đèo cao, dốc ngược được nữa.
Anh cũng thôi đánh đàn. Thế thì làm sao để em biết tiếng đàn anh và những tiếng sáo tỏ tình kia, ai hay hơn, ai ngọt hơn?
Em chẳng cần anh phải là một người toàn mỹ. Đơn giản em chỉ biết "đôi khi tình yêu vẫn thế, yêu nhau chỉ vì...yêu nhau". Ôi, một thứ tình yêu thật cao cả, thuần hậu, và cũng thật kỳ lạ:
"Rừng về chiều in bóng có hai người bên nhau...
Em đưa anh qua núi, đêm đêm anh nghe em đàn
Năm tháng đi qua êm ấm, trong căn nhà nhỏ chênh vênh...
Đôi khi tình yêu vẫn thế: yêu nhau chỉ vì yêu nhau "
Tình yêu của em thật thanh khiết và thiêng liêng, chất chứa sắc xanh hạnh phúc của niềm tin. Dù chông gai, thử thách, em luôn sát cánh cùng anh. Anh không qua núi được, em sẽ dìu anh qua. Anh không đánh được đàn, em sẽ giúp anh. Đơn giản chỉ cần ta biết sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, biết vượt qua sự khổ cực, bất hạnh để luôn phấn đấu vươn đến những điều tốt đẹp, dành cho nhau những thời khắc hạnh phúc nhất. Đây thật sự là điểm nhấn quan trọng của câu chuyện và là điểm hội tụ về ý nghĩa, tư tưởng tình cảm của ca khúc này.
Khi đã yêu, em cũng có nhiều đổi khác. Em không còn vô tư, hồn nhiên như ban đầu nữa, em trưởng thành và sâu sắc hơn. Đó cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của em. Của những người con gái bản. Của một phần trong tính cách Việt.
Một ca khúc mà cứ như một câu chuyện kể, có thời gian, không gian, có chi tiết, tình huống, đồng thời cũng có cả những triết lý, suy nghiệm về tình yêu và sự sống của con người. Tôi đặc biệt chú ý khả năng lĩnh hội và phát huy khi đưa những sáng tác dân gian truyền thống vào trong nghệ thuật nhạc lý đương đại của Trần Tiến. Ông vận dụng ca dao ở cuối bài hát, như một dấu luyến, như một cao trào. Chính nhờ đó bài hát trở nên mới lạ, phong phú sắc điệu hơn, và cũng tạo nên những mạch xúc cảm đặc biệt hơn:
"Hỡi núi... hỡi núi...
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời, che khuất người tôi thương
Thương em anh hát, một mình... anh đợi một mình..."
Đã lâu lắm rồi tôi mới lại nghe được một bài hát hay, thực sự phù hợp với "gu" âm nhạc của mình. Đâu cần chi những thanh âm ồn ào, đâu cần chi miêu tả trần trụi những đau thương, bi thiết mới khiến người nghe xúc động. "Chuyện tình thảo nguyên" với câu chuyện kể bằng ca từ và giai điệu được khắc họa chỉ bằng đôi nét chấm phá và chiêm nghiệm cũng đủ khiến lòng ta se lại, cùng vui, cùng buồn, cùng cảm nhận được giá trị và ý nghĩa lớn lao của cuộc sống. 
"Chuyện tình thảo nguyên" thực sự là một câu chuyện đẹp, đẹp về lời ca, đẹp về tình yêu, và đẹp về tâm hồn!.

Chuyện Tình Thảo Nguyên - Trần Tiến - Trần Thu Hà

Bút Mây
Theo http://enews.agu.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ánh mắt cô bé bị kẹt trong động đất và sự bất lực của nhà văn Nobel 22 Tháng Hai, 2023 Bài viết của nhà văn đoạt giải Nobel Orhan Pamu...