Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Tan theo ngày nắng vội 1

Tan theo ngày nắng vội 1
   

Góc Nắng

Nhự dõi theo những bóng đá in trên vách tường phía trái. Nắng sáng mới vượt khỏi nóc trường học và chiếu xiên từng vạt vào miếng vườn nhỏ của nàng. Miếng vườn có hình chữ nhật méo. Lý do Khuất muốn làm thêm một phòng nữa, nên chàng đã kéo thẳng tường ra tới hàng rào. Khuất định dùng căn phòng ấy làm chỗ chơi cho các con sau này. Căn phòng thêm thênh thang chưa có mái, trở thành giang sơn riêng của mấy con vịt còi và, những sợi kẽm phơi quần áo của Nhự.

Mái chưa có, nhưng ở bờ tường làm thêm lại có sẵn một cửa sổ. Thường chiếc cửa sổ được đóng chặt. Nhưng nếu mở ra, thì đó là nơi gió sông lùa vào mát nhất. Cũng như nắng chiếu vào chan hòa nhất. Nhự không thích mở chiếc cửa sổ đó. Lý do thẩm mỹ nhiều hơn cả. Nếu mở thường xuyên, ngồi ở miếng vườn, dưới hiên trước, mọi người sẽ thấy thông thốc quá nhiều cờ quạt, treo móc ngang dọc. Đó là quần áo, tả lót, của Duẫn và Bím. Chưa kể quần áo của nàng và Khuất. Ngày nào Nhự cũng có ít nhất hai thau quần áo phải chia với nhỏ Tư. Nếu Nhự không thể xả giúp nó thì nàng cũng phải ngâm, hay vò tiếp với Tư một tay. Những ngày nghỉ, nếu Khuất lại bày trò đi câu, dẫn Duẫn theo, thì chiều hôm đó kể như "xong." Nghĩa là sẽ có thêm một thau quần áo riêng của hai cha con, toàn bùn, cỏ, lẫn với mùi cá, mùi hà, một thứ giun tanh nồng. Chưa kể một vài con bống dừa, một vài con lòng tong đựng trong những lon sữa bò, bỏ quên xó xỉnh nào đấy. Chừng Nhự phát giác được, cá đã chết trương, hay cong oằn, phếch nhợt.

Gió giựt giây cho đám bóng lá nhảy múa trên tường và đem theo tiếng rì rào của những khóm dừa nước mọc kín hai bờ lạch. Buổi sáng muộn, Duẫn và Bím còn ngủ. Buổi sáng cho Nhự cảm giác thanh thản, biếng nhác, uể oải giống như thể đó là một sáng Chủ Nhật bình thường. (Mặc dù kể từ ngày không có Khuất, ngày nào của Nhự cũng là ngày Chủ Nhật).

Làng đã vắng, còn vắng thêm. Trung học đóng cửa. Chợ nhỏ trong làng cũng dẹp. Tiếng Honda nổ dòn, tiếng xe hơi ì ạch đã im bặt. Những chiếc xuồng máy, thuyền đuôi tôm cũng không còn khua vỡ bầu không khí yên lặng của xóm Dừa. Dẻo đất bồi của một nhánh sông Sài Gòn toàn bần và đước, được đổ đất một cách vội vàng, lấy chỗ cho anh em nhà văn, nhà báo có nơi đùm chứa vợ con. Ngay tiếng rao hàng của mấy cô bán rau, mấy bà bán cá, cũng nín căm sau ngày Sài Gòn đổi chủ.

Có nhiều lý giải thích cho sự thay đổi đột ngột này. Một số đã bỏ đi trước ngày đó. Số khác, tự thấy không thể ở, cũng lặng lẽ ra đi, để lại cả chìa khóa cho những người đến sau khỏi phải phá cửa. Những cô bán rau, những chị bán cá, những bà bán hàng bao lâu quen thuộc với Nhự, họ đến trên những con thuyền nhỏ từ những xóm bên kia con lạch, nay bận rộn vô cùng, với những buổi họp, với diễn văn, với cao trào "cách mạng." Họ đang là những nhân vật quan trọng. Những vai trò…lịch sử! Cả một khu gia cư với trên dưới hai trăm nóc gia, mới đây, giờ chỉ còn một vài gia đình. Hầu hết ở trường hợp của Nhự. Một thứ dở ở, dở đi. Ở thì không được, mà đi cũng chẳng biết đi đâu!

"Cách Mạng" đã đẩy họ ra bên lề cuộc sống.

Họ là những thành phần bị xếp lọai liên hệ chế độ cũ. Họ bị liệt vào hạng làm chậm bước tiến của "cách mạng" hay phản "cách mạng". Tình trạng của họ là chờ đó. Án khổ sai? Án tử hình? Án tù năm, ba năm?… Lơ lửng trước mặt. Nhự không thể biết nàng và hai con nàng đã phạm pháp những tội gì? Nhưng mặt khác, nàng biết, biết thật chắc chắn rằng, nàng đã kết tội. Và sẽ phải đền tội. Đó là tội có chồng và tội sống dưới một chế độ mà nàng không chọn lựa…Tội là công dân của một nước có quá nhiều chế độ, có quá nhiều danh từ!

Đôi khi nghĩ lẩm cẩm, Nhự cho rằng nếu cần phải đi tìm một định nghĩa cho người Việt Nam, thì đó là những người được sinh ra không phải để sống như một con người mà, để sống với danh từ. Những "chùm" danh từ như: Cộng Hòa-Tự Do-Dân Chủ…hay Cách Mạng-Giải Phóng-Dân Tộc…

Là nhũng khẩu hiệu chính trị nên tiếng nào nghe cũng kêu, cũng nổ như…súng. Tùy từng giai đoạn mà người dân được gắn cho cái bảng hiệu nào đó. Hôm qua được gắn bảng "Tự Do." Hôm nay đã bị coi là phá hoại "Cách Mạng". Hôm kia cho nhãn hiệu "Giải Phóng." Nhưng ngay sau đó vẫn có thể bị nhốt, vô chừng!

Càng văn minh tiến bộ bao nhiêu, người ta càng đi đến chỗ giản lược đời sống vào những danh từ bấy nhiêu!

Nhự rùng mình khi nàng chợt thấy cái đầu chỉ còn sọ, đã mất hết lông của một con chó ghẻ đang dí mũi vào khe cửa sắt…

Nhự thấy như không thực, tất cả mọi sự. Mới đó, chỉ chớp mắt, mọi sự đã xáo trộn, đã đổi đời. Mới đó, ngày nào Khuất còn vào ra căn nhà này. Khuất còn ngồi chỗ này, bây giờ Nhự phải coi như Khuất đã chết. Tất cả mọi thứ, mọi vật, còn nguyên đấy. Mọi chốn, mọi nơi, còn đẫm mùi hơi chàng. Chiếc ghế nhỏ kê ngoài hiên, nơi Khuất vẫn ngồi mỗi buổi sáng…Trái mướp "rú" lủng lẳng trên dàn. Những con cá quẫy đớp trong chiếc hồ nhỏ…Ngay đến những mẩu thuốc lá cũng còn nguyên dưới thảm cỏ xanh non trong vườn…Vậy mà Nhự biết chắc, vĩnh viễn, đời đời, không bao giờ Khuất còn một lần trở lại. Một lần ngồi, một lần đứng thêm, giữa ngôi nhà này.

Gối chăn vẫn còn vương vãi những sợi tóc chàng. Trên bàn làm việc, lá thư Khuất viết dở cho bạn, bên cạnh tập báo mở…Tất cả vẫn nguyên vẹn đấy. Chàng qua nhà bạn? Chàng ra quán ông Tư Quắn? Chàng đi mua thuốc lá? Không! Không thể là Khuất đã không còn ở nơi đây! Không thể chàng đã đi khỏi! Chàng đã vượt xa quê hương này, mảnh đất này. Không, Chàng vẫn còn quẩn quanh đâu đó. Không. Không thể là chàng đã chết!

Không biết bao giây, bao phút Nhự đã hét to, đã gào lớn trong chính nàng như vậy. Không biết bao đêm, bao ngày, Nhự bàng hoàng, nhói buốt. Khi một giây phút mơ hồ thấy chồng đi lại. Nhự chập chờn thấy chồng ngồi viết đâu đó. Bất cứ đứng ngồi đâu, Nhự cũng bị những giây phút nửa mê, nửa tỉnh. Những giây phút hồn xác chia ly, thấy lại rất rõ, chồng mình. Để rồi ngay sau đó, nàng lại hốt hoảng thấy mình đã là kẻ khác. Một hồn ma, sống được với thế giới bên kia?

Cảm tưởng chập chờn, phút sống lẫn lộn giữa thực và ảo, đã hành hạ Nhự suốt đêm qua. Suốt một đêm Nhự không hề chợp mắt. Suốt một đêm trí óc Nhự trắng xóa. Thần kinh nàng căng thẳng. Nhự rùng mình, nổi gai ốc với những tiếng động trong nhà. Tiếng bước chân ngoài cửa. Những bóng hình lạ lẫm, đe dọa, thấp thoáng đầu giường, ngoài lá màn, trong phòng khách. Đôi khi Nhự nghĩ quẩn, hay quả thật Khuất đã chết? Và hồn chàng trở về. Đăm đăm đôi mắt buồn bã theo dõi không sót một cử chỉ nào của nàng.

Nhự quyết định sáng nay sẽ đem con về bên ngoại. Nàng không thể sống lâu hơn trong ngôi nhà mênh mông này. Nàng không thể sống lâu hơn giữa ngôi làng hoang vắng này.

Cùng với "cách mạng" mọi vật đã chết. Cùng với "cách mạng" nàng đã không còn gì. Ngay bản thân và hai đứa con nàng. "Thành phần liên hệ với Ngụy." Mấy chữ vắn tắt đó, đã xác định rõ ràng, hiển nhiên, sự sống của mẹ con nàng đang được tính từng ngày. Được đếm từng phút.

Nhự biết thế. Gia đình nàng biết thế. Chung quanh nàng biết thế. Nhưng Duẫn không biết vậy. Con Bím không biết vậy. Duẫn mỗi sáng tỉnh dậy vẫn hỏi: "Sao bố không về mẹ?" Con Bím mỗi đêm còn lập lại: "Mai mẹ tìm bố về cho con nha!"

"Tìm bố về cho con…" Con Bím đâu biết mẹ nó còn muốn điều đó trăm ngàn lần hơn nó.

"Sao bố không về hả mẹ?" Thằng Duẫn đâu biết mẹ nó phát điên vì câu hỏi ấy.

Chúng đâu biết rằng không những mẹ chúng không thể đi tìm bố về cho chúng, mà ngay cả mạng sống của chúng, của chính mẹ chúng, cũng không còn nằm trong tay bố mẹ chúng nữa.

Nghĩ tới một hai tiếng nữa, anh Phước đem xe đến, đón Nhự ra khỏi ngôi nhà, Nhự ứa nước mắt. Tự dưng Nhự muốn quỳ xuống hôn từng viên gạch, ôm từng cái bàn, ghì từng cái ghế. Tim Nhự như ngừng đập. Máu ứ trào lên cổ. Mỗi viên gạch trong ngôi nhà này, là tất cả kỷ niệm, mồ hôi và nước mắt hai vợ chồng Nhự đổ xuống. Mỗi chiếc ghế, mỗi mặt bàn là bao đêm Khuất thức. Là bao nhiêu giờ Khuất bán phổi trong lớp học. Bao bữa cơm chỉ gồm đậu phụ và rau hái từ bờ lạch. Nay phút chốc, ra đi. Phút chốc, để lại. Phút chốc chỉ còn như một làn khói. Một giải mây vô hình, bay biến.

Nghĩ tới lát nữa rời bỏ, lát nữa quay lưng ra đi, vĩnh viễn, Nhự run rẩy. Nhự rụng rời tay chân. Nàng cảm tưởng như sắp phải bỏ lại chính thịt xương và tim óc của chồng nàng. Của nàng. Và của cả các con nàng nữa. Nhự không bao giờ tưởng tượng, có lúc nàng sẽ không còn bước vào căn phòng, nhìn thấy gối chăn vợ chồng bao năm đã sống. Nàng không thể tưởng tượng rồi những cụm cây này sẽ héo khô. Bầy cá trong hồ sẽ cong cứng khi nước cạn.

Mỗi gốc cây, mỗi con cá, mỗi cọng cỏ là một biểu tượng cho Khuất. Biểu tượng hạnh phúc, tương lai của nàng cùng chồng, bao năm vun quén!

Những giọt lệ nóng như đem theo máu, trào khỏi đôi mắt Nhự hoắm sâu, lăn ngang đôi má hóp. Chúng lăn tới làn môi héo, đôi tay xương cùng những sợi gân xanh chằng chịt. Nhự nhớ, nàng đã nói với Khuất, nếu mai kia nàng chết, đừng đem nàng ra nghĩa địa. Hãy cho nàng một miếng đất trong chiềc vườn con con này. Nhự sợ lắm, sự lạnh lẽo. Nhự sợ lắm, sự phải xa lìa chồng con.

"Hãy cho em, một chỗ nhỏ trong ngôi vườn. Để em còn thấy con. Để em còn thấy Khuất, vào ra, đi lại. Để em còn nghe được tiếng cười. Để em còn thấy được ánh đèn. Bóng tối. Thấy được Khuất ăn. Thấy được lúc con ngủ…Và nếu Khuất chết trước em, em cũng sẽ thuê người đào cho Khuất một cái huyệt. Cũng ngay trong vườn này. Và một cái huyệt thêm cho em. Em sẽ lo cho Khuất đến nơi đến chốn…Em sẽ dặn dò, chỉ bảo các con (lúc ấy chắc chúng đã lớn) cặn kẽ mọi điều. Sau đó, em sẽ tắm rửa sạch sẽ. Em mặc lại bộ áo quần đầu tiên mà Khuất may cho em ngày đám cưới. Em sẽ lậy bàn thờ Khuất. Em sẽ theo Khuất…Em vẫn được nằm cạnh Khuất. Để chúng ta cùng nhìn ngắm hai con lúc đó đã có gia đình. Có thể chúng đã có con. Thịt xương Khuất, cộng thịt xương em, sẽ giúp cho cây hồng giấy lớn mau hơn. Cây liễu, cây dương mua từ bà Tám Ngân Hàng sẽ mượt xanh hơn cành lá…"

Nhưng mà! Khuất ơi, Khuất đã bỏ em, trước khi con chúng ta kịp lớn. Khuất đã bỏ con! Bỏ Bím, bỏ Duẫn mà đi…khi Bím mới bập bẹ gọi "Bố ơi." Khuất bỏ mẹ con em lại với…"cách mạng". Với bản án lơ lửng gươm treo: "Thành phần liên hệ với Ngụy."

Khuất bỏ em, bỏ con, khi cỏ trong vườn chúng ta vừa mới non xanh. Khi một số cây trong vườn chưa kịp mọc. Khi những luống đất vun lên, chưa kịp gieo xuống những hạt giống mai sau.

Khuất! Làm sao em sống? Khuất! Làm sao em có thể tin mình sẽ kinh qua?

Phải chăng, mọi thứ đã như thơ Khuất:

đêm thì dài, thật dài và đặc

chùm rễ đời chờ bóng tối xuyên qua

tôi nhắm tới với trăm ngàn ham muốn

và lắng nghe

đời thảng thốt chung quanh.

chân không động, dù tay vẫn hoài ve vẩy

mắt mở trừng cũng chẳng thể ngó về sau.

ở mãn cuộc, ai kéo màn cho đời tôi yên lặng

phải em không? chẳng lẽ lại là tôi?

sống là kéo mãi sợi dây đời đã dãn

(mãn cuộc)

Và Khuất. Em muốn hỏi lại Khuất câu hỏi đó. Ai? Khi mãn cuộc đời em. Ai? Kẻ nào sẽ vuốt mắt cho em và con chúng ta? Khi Khuất đã biệt mù. Khuất đã mất tăm, bên kia bờ biệt ly, tan tác.

Khuất! Khuất thử nghĩ coi, còn buồn thảm nào hơn, khi em phải tự vuốt mắt mình lúc chết? Khuất! Khuất thử nghĩ coi, còn đâu đớn nào hơn (nói dại) nếu chính em phải ôm xác con vào lòng và vuốt mắt cho chúng?

Mà kìa. Khuất. Em lảm nhảm mất rồi! Khuất ở đâu? Nói với em một lời gì đi. Khuất. Nói với em, bảo em đi, một điều gì. Thí dụ: Không đâu em. Chúng ta không thể chết dễ thế. Không đâu em, Duẫn vô tội. Bím vô tội. Không ai có quyền đem chúng đi đấu tố. Chúng vô can. Tâm hồn, trí óc chúng trắng tinh. Không thể có một lớp học cải tạo nào dành cho chúng. Khuất, nói với em đi. Bảo "cách mạng" hộ em đi, Khuất. Rằng em sẵn sàng chết thay cho các con em. Hãy cho chúng được làm người. Hãy để cho chúng sống. Cho chúng được thấy lại một lần cha chúng. Cho con Bím được một lần gọi khan: "Bố ơi!" Cho Duẫn còn được chơi những món đồ chơi thải ra từ những đứa trẻ nhà khác. Cho Duẫn, còn được một lần thêm, ngồi sau chiếc xe Honda ọp ẹp của bố, chạy một vòng quanh làng, giữa lúc chiều đang tàn. Lúc gió sông lồng lộng thổi, và mùi bùn tanh của con lạch cũng được trộn lẫn trong hơi thở hít vào của lồng ngực lép.

Khuất. Em biết. Em biết, Khuất sẽ chẳng thể nói được một lời nào. Bởi vì Khuất đã đi. Bởi vì em đã khai: "Chồng tôi đã chết!"

Nắng lớn. Tàn lá in trên vách tường, một góc sân, im phắc. Nhự đăm đăm nhìn. Chùm lá in trên tường, mỗi lúc biến dạng, hóa thân thành nhiều hình thù gớm nhớp.

Mắt Nhự vẫn mở lớn. Tia nhìn vẫn đăm đăm. Cho đến khi chùm lá in trên tường thu gọn lại thành một vòng tròn lớn, màu đỏ. Giữa lúc đó, tiếng xe lam ba bánh nổ phành phạch đầu ngã rẽ vào nhà Nhự.

(24-6-76, Calif)

Tiếng Chim Tiền Kiếp

Trời vẫn còn hứa hẹn một cơn giông sau hai ngày gió lớn. Nắng chỉ kịp vàng ấm trong một khoảng thời gian ngắn ngủi buổi trưa. Đường sá vẫn còn nguyên dấu vết của những trận cuồng phong đêm trước. Chiều ập tới thật nhanh với những đám mây đen làm tối xầm cảnh vật.

Trong tình cảnh đó, ngôi quán vốn tối ẩm, lại càng tối ẩm và lạnh lẽo hơn.

Lúc tôi mở cửa cho Niệm bước vào, lòng ngôi quán như một nhà quàn xác mà, quan tài là những chiếc bàn dài xếp ngay hàng thẳng lối, ở hai bên vách tường xám. Bên phải, qua khung gỗ lớn, người ta thấy lờ mờ những nhạc cụ đủ loại, cái nằm, cái đứng, đổ vịn vào nhau, như một đám người chết đã lâu năm, chỉ còn trơ lại những bộ xương sau một cuộc động đất từ nhiều năm trước, vẫn đợi được chôn cất.

Niệm nói:

"Ta ngồi đâu anh?"

Tôi bảo đâu cũng được, trong lúc tay chỉ chiếc bàn gần sát vách tường nhà bếp.

Tiếng nói bất ngờ của Niệm khua động bầu không khí tịch mịch và làm giật mình những lớp bụi thời gian vô hình phủ đầy ngôi quán.

Sự khua động làm xuất hiện từ hành lang nhà bếp, một cô bé mà tôi chỉ thấy duy nhất đôi mắt linh động, trên khuôn mặt khô héo. Sự hiện diện của cô cũng đột ngột rơi vào im lặng như lũ bàn ghế.

Niệm ngồi day mặt về hướng cửa ra vào. Chút ánh sáng của ngọn đèn trong parking rọi qua miếng kính lớn, soi đến Niệm, làm sáng lên vẻ rạng ngời xa vắng.Vầng trán Niệm vẫn là điều khiến tôi chú ý nhất trên khuôn mặt từ nhiều năm qua, đã không được thấy lại. Ngọai trừ những lá thư viết từ ngôi chùa trên núi cao ở ngoại ô Đài Bắc, với những nét đặc thù của phương đông xa khuất.

Đời sống của Niệm thời gian đó, là những buổi sáng sương xuống ướt một bờ giếng. Những bữa trưa xanh trong một lối trúc. Những chiều vàng trong một phòng trai được kết bằng những lóng tre già vân vàng óng, lên nước thời gian…khiến tôi không hình dung được Niệm. Tôi không thể hình dung người-ni-cô-của-tôi đi lại, sống, thở, ăn uống, suy nghĩ, nhớ nhung, buồn bã…trong một khung cảnh xa lạ và mơ hồ như thế.

Chỉ biết thư của Niệm đã như một giòng sông êm đềm đẩy trôi tôi về với một Việt Nam lãng mạn quá xa, tựa như cổ tích!

Chỉ biết thư của Niệm như những lời thì thầm vọng lại từ một gác chuông nào. Và khi những tiếng chuông đã tan hẳn trong không gian tưởng tượng. Điều cuối cùng, còn lại, vẫn là một xót xa, một đau đớn, một ghen tuông, giận hờn, nghi hoặc.

Những ngày gió ở California, những trưa mưa ở Seattle, những chiều tuyết ở Portland, Vancouver, ở Alberta, tôi đã viễn vông nghĩ tới ngày đóng vai một Thiền sư, từ miền núi cao bước xuống. Gậy trúc trong tay, áo đà phất phất. Chân trần dẫm nát mặt đất phương đông - - Đứng lại bên một bờ giếng , bắt gặp người-ni-cô-luân-lạc, đang cúi mặt soi bóng mình trong một mặt gương biếc xanh, với chiếc khăn nâu che đi mái tóc ngắn, hở chiếc cổ nõn cùng những sợi lông măng dẫn xuống một giải lưng thon, hứa hẹn một vòng ôm đắm đuối…

Những ngày gió lớn trên đỉnh đồi Newport Beach, những đêm mưa San Francisco, những chiều thảm thiết kéo lê từng phút trong một vuông sân rất nhỏ ở Costa Mesa, ở Huntington Beach, ở Anaheim, ở Garden Grove, ở Fullerton, ở Santa Ana…hay những sáng như gương trong một quán càphê ở San Jose bên cạnh bằng hữu, tôi đã viển vông nghĩ tối lúc người ni cô luân lạc ngẩng mặt, nhìn lên và, trong đôi mắt thơ ngây đã chín nẫu những mùa trái đau thương quá khứ; hình ảnh mẹ già, thấp thoáng.

Đâu đó, trong mắt lạc loài kia, những câu thơ nói về một tình bạn, nói về một ngọn núi, nói về một nghĩa trang, hay hốt hoảng chìm sâu một tình yêu ủ quá ngày và, chất men trở thành chua, loét… Tôi viển vông nghĩ tới hình ảnh một thiền sư ném gậy trúc, trút đạo y, thả buông tất cả: Tuổi tên, hình tích, sự sống, để chỉ còn biết đôi tay mở rộng và người ni cô ngã vào - - Như ngã xuống một vực thẳm êm ái. Một chiếc nôi đã mục rã khát khao.

Tôi đã viển vông nghĩ tới những giọt lệ ứa ra từ đôi mắt chất đầy Sài Gòn. Chất đầy Đà Lạt của Niệm, khi tôi cúi xuống. Hôn nàng.

Niệm nói:

"Em đem về cho anh một ngọn lửa."

Tôi lắc đầu:

"Anh thích vầngtrán em."

"Nhưng đừng nói với em…giống như một người nào đã ở cùng anh từ quá khứ."

Tôi gật đầu:

"Ừ. Không. Ta sẽ có một buổi chiều trên ngọn đồi nghĩa trang. Nơi mà Biếc trong ‘Kiếp khác’ đã sống, cùng ông Mậu."

Tôi châm điếu thuốc đầu tiên bằng ngọn lửa được Niệm đem về, như một kỷ niệm từ phương đông huyền hoặc đó.

Tôi đăm đăm nhìn ngọn lửa, chợt nhận ra câu nói mình chẳng ăn nhập gì đến điều Niệm muốn cảnh giác.

Tôi mỉm cười trong khi bên kia ngọn lửa, chiếc mũi nhọn của Niệm hếch lên, như đôi cánh mỏng của một búp hoa muôn đời không nở hết.

Tôi muốn bảo Niệm: Cho anh cắn lên chiếc mũi đó, mỗi lần trước khi anh hôn em. Đôi môi với những đường cong vẽ thật rõ hình của một phần trái tim. Nhưng tôi im lặng. Tôi không muốn Niệm thấy tôi đang choáng váng, hay thảng thốt trong gặp lại này.

Có dễ tôi đã phá được thói quen nói thật và nói thẳng, những ý nghĩ của mình trước mặt một người con gái. Kinh nghiệm cho thấy sự không thành thật khi phát biểu về một nhan sắc của một phụ nữ, sẽ làm đẹp lòng họ lúc đó, nhưng sau đấy sẽ đầy vất vả!

Chẳng cần ai khen, người phụ nữ nào, thâm tâm cũng đã tự thấy mình đẹp. Luôn cả người vốn không được coi là đẹp.

"Niệm nhớ mẹ ghê nơi. Niệm nhớ Đài Bắc, Niệm nhớ chùa. Niệm nhớ…nhớ cuốn nhật ký của Niệm."

Bỗng không Niệm nói một hơi những nhớ nhung của nàng, Tôi chờ đợi trong xâu chuỗi nhớ nhung kia, sẽ có phần tôi ở đó. Nhưng tôi nhầm. Niệm chỉ nói tới việc Niệm nhớ cuốn nhật ký của nàng mà thôi. Rồi cũng bất ngờ niệm nói:

"Niệm mập quá phải không anh?"

Tôi buột miệng:

"Niệm xinh hơn trong chờ đợi của anh."

Niệm cười. Cô bé trong bếp đem ra hai ly nước. Cũng như lúc xuất hiện, cô lặng lẽ như chiếc bóng, khuất vào phía trong.

Tôi thắp ngọn-lửa-Niệm cho tôi.

Bên ngoài, buổi chiều xám ngoét và mệt lả như một người bệnh đã kiệt sức, mặc dù cơn giông chờ đợi vẫn chưa kéo tới.

Niệm nói những ngày ở Đài Bắc thấy gần làm sao quê hương! Muốn về ngay, Saigon. Tôi bảo đừng viển vông nữa. Ở đâu cũng gần quê hương hết. Nếu nghĩ được quê hương vốn sẵn trong máu của mình và người khác.

Niệm nói vừa về tới đây, Niệm đã nghe khá nhiều tin về kháng chiến. Nàng hỏi:

"Liệu có hy vọng gì không anh?"

Tôi đáp"

"Mọi người đã hỏi lẫn nhau câu hỏi đó."

"Tại ai cũng mong mỏi?"

Tôi nói:

"Sao không hỏi nhau: Mình đã làm được gì cho kháng chiến mà chỉ chờ đợi những gì mình muốn."

Niệm cười ròn:

"Anh định tuyên truyền Niệm đấy hả?"

Tôi cười theo:

"Ừ. Tại anh biết không thể tuyên truyền được ai, ngoài Niệm."

"Vậy thì anh sẽ thất vọng."

Tôi gật:

"Cũng đành."

Chợt Niệm nghiêm nét mặt:

"Có phải đó là tất cả ý nghĩa của buổi gặp mặt này, giữa chúng ta?"

Tôi hỏi lại:

"Bộ anh chỉ cho Niệm một ý nghĩ đó thôi sao?"

Niệm lắc đầu:

"Không. Nhưng gặp lại, thấy anh gầy và xanh quá. Anh liệu…đấy."

"Điều quan trọng là Niệm có cảm được điều gì hơn thế?"

Niệm lắc đầu.

Tôi tiếp:

"Vậy thì không phải chúng ta gặp lại nhau sau bao năm, chỉ để nói một chuyện ấy. Nhưng tỷ như đời sống ở đầu dốc, em có đủ sức leo lên?

"Niệm nghĩ phía trước là vực thẳm."

"Cho nên…?"

Niệm im lặng. Tôi hiểu điều khó diễn tả nơi Niệm. Tôi có thể đoán được câu trả lời. Nhưng tôi vẫn muốn Niệm nói ra. (Ai cũng vậy, chẳng riêng gì tôi?)

Chưa muốn câu chuyện phải sớm rẽ qua lối khác, tôi hỏi tới:

"Liệu Niệm có dám bước?"

Niệm cười bằng đôi mắt đẹp mà tôi không muốn khen:

"Thí dụ Niệm không?"

"Anh sẽ xô Niệm ngã xuống."

"Còn anh?"

"Vẫn đứng trên bờ vực."

Niệm thở ra:

"Niệm đã ở đáy vực một mình từ lâu, dù anh chưa xô Niệm xuống."

Giọng Niệm nặng, như mang theo cả một cơn mưa. Dường đó không phải là điều mới mẻ, mà chỉ là tiếng vọng từ nhiều năm trước, nay mới dội vang về tới tôi, trong chỗ ngồi giữa buổi chiều này.

Tôi đặt tay lên tay Niệm trên mặt bàn. Rất thành khẩn, tôi nói:

"Anh muốn hôn Niệm."

Niệm nhắm mắt. Chúng tôi cách nhau một mặt bàn. Và những ly nước hai đứa chỉ mới nhấp môi.

°

Tôi đưa Niệm đến nghĩa trang trong lúc cổng vào đã bị chặn bởi một dây xích dài móc từ cột sắt này qua tới cột sắt kia. Bảng "stop" treo lủng lẳng giữa đoạn xích võng xuống. Miếng bảng bị gió liếc qua liếc lại mặt đường tráng xi măng, tạo thành những tiếng kêu ê răng.

Chỉ còn cách duy nhất: Đậu xe vào bãi dành riêng cho nhà nguyện.

Không gian im vắng. Không một vẻ gì cho thấy có hoạt động. Có thể nhân viên, ngay đến những chậu hoa, những bức tranh cũng đang thiếp chìm trong một bài thánh ca cầu nguyện sớm, cho những người sẽ đến vào sáng mai, lúc bình minh vừa ló lên tự mặt biển.

Tôi chỉ Niệm thấy ngôi nhà mái nhọn, ngói đỏ, nằm vắt ngang hai ngọn đồi, trên một doi đất nhô cao chặn ánh mặt trời đã xuống phía bên kia sườn đồi thấp.

Niệm hỏi người ta làm gì trong dãy nhà kính đục đó? Tôi nói họ đốt thành tro những người chết không muốn chôn vì ngại tốn kém, gây phiền cho người ở lại.

Niệm cười bảo nếu chết, nàng muốn được chôn hơn là bị đốt thành tro. Tôi hỏi:

"Như vậy, Niệm chưa xứng đáng là một công dân Mỹ."

Niệm vẫn cười:

"Niệm là loại người thích bắt chước theo Mỹ lúc sống và muốn chết theo kiểu Việt Nam."

Tôi bảo:

"Chết rồi, Niệm đâu còn biết gì nữa."

Niệm lắc đầu, lý luận rất con nít:

"Nhưng mà Niệm vẫn sợ. Người ta có thể không sợ phải chết nhưng lại sợ cách chết…"

"Anh đang lần bước đến với cả hai."

Niệm nghiêm giọng:

"Anh tầm bậy."

Theo lối đi bên hông dành cho người đi bộ, tôi dẫn Niệm ngang qua một vườn hoa hình tròn, trước khi con dốc dẫn dần lên tới đỉnh một ngọn đồi có khá nhiều những cây cổ thụ lùn xủn. Vỏ cây màu trắng như vỏ đa, nhưng lại có những bông hoa to, đỏ rực như hoa gạo.

Chúng tôi đi giữa những mộ bia nằm sát mặt đất với đầy đủ tên tuổi, ngày sinh và ngày chết. Hình như thói quen trật tự cũng được áp dụng nghiêm chỉnh tại đây. Trẻ thơ một khu. Người lớn một khu. Chỉ không biết rõ một điều, người ta có phân biệt kẻ đã hay chưa có gia đình mà thôi.

Cuối cùng chúng tôi leo lên đến đỉnh đồi, nơi có một vòi nước lúc nào cũng chảy rỉ rả, giúp cỏ mọc rất cao chung quanh.

Tôi bảo Niệm:

"Ngồi xuống đây với anh."

Niệm ngập ngừng. Nàng quay nhìn con lộ vắt ngang hông khu nghĩa trang.

"Anh đã nằm ở đây rất nhiều buổi trưa. Đừng ngại…"

Tôi nói, Niệm lắc đầu. Nàng bảo không phải thế và khép nép ngồi xuống.

Biển dưới tầm mắt chúng tôi. Buổi chiều cũng mang màu xanh thẫm của thủy triều.

Tôi ngả lưng, dùng hai khuỷu tay chống ra sau làm cái giá đỡ cho chiếc lưng khỏi ngã hẳn xuống mặt cỏ. Gió chạy trên đầu, ngang qua hai ống chân.

Không như trước đây, lần này trở lại nghĩa trang, tôi chỉ thấy tâm hồn trĩu nặng.

Một điều gì giống như mất mát hiện ra rất rõ. Một sự gì giống như điều tôi muốn quên, muốn chôn vùi (ít ra trong lúc này,) đã trở về ngầy ngật, lảo đảo, choáng váng thần trí tôi. Tôi muốn hát thầm một câu, hay một đoạn nhạc quen thuộc nào đó. Nhưng đầu óc tôi cũng giống như buổi chiều, đã đen xanh thủy triều.

Niệm dường cũng đang bứt rứt. Nàng muốn xóa đi (hay tìm kiếm) một điều mới mẻ?

Niệm lơ đãng nhổ những lá cỏ quanh mình; bỗng lên tiếng:

"Niệm hiểu tại sao anh đến đây."

"Phải Niệm muốn cho anh biết, Niệm biết nhiều điều hơn anh tưởng?"

Niệm lắc đầu:

"Không, Niệm chỉ muốn nói, Niệm hiểu mối liên hệ giữa anh và nơi chốn này."

"Và Niệm đã…"

Niệm cướp lời:

"Không!"

Có thể Niệm đoán sai điều tôi muốn nói. Tuy nhiên tôi không chắc lắm. Tôi thăm dò:

"Không gian hay nơi chốn chẳng mang một ý nghĩa gì đó, nếu nó được ràng buộc bởi kỷ niệm. Nên kẻ nào lạnh nhạt được với nơi chốn, kẻ đó sẽ vô cùng hạnh phúc."

Niệm đổi thế ngồi. Nàng bó gối. Nhìn từ phía sau, những đường cong lưng Niệm khiến tôi không thể cầm lòng.

"Hạnh phúc chỉ có từ kỷ niệm. Như bông hoa chỉ có thể có từ một giây, cành nào đó."

Niệm nói. Tôi nhớ lại một đoạn trong lá thư sau cùng, Niệm viết về một buổi chiều hình dung sẽ có trong nghĩa trang. Buổi chiều mang tên Biếc. Buổi chiều mang tên ông Mậu.

Niệm tiếp giọng mạnh dạn, cương quyết:

"Niệm muốn sống hôm nay, để ngày mai sẽ là kỷ niệm."

"Dù cho nó có là một sâu chuỗi buồn rầu?"

Niệm gật đầu:

"Vâng. Dù cho nó có là một sâu chuỗi những buồn rầu. Tại sao người khác có thể, mà Niệm lại không thể?"

"Ai?"

"Cô Biếc. Thí dụ."

Niệm trả lời nhanh. Tôi bật cười, kéo vai Niệm.

Niệm ngã xuống. Nàng buông lỏng đôi tay bó gối; rơi nghiêng vào lòng tôi.

Tôi nói:

"Có lẽ cuối cùng, anh là người ngu xuẩn nhất."

Niệm hỏi tại sao. Tôi đáp, vì tôi không tin tình yêu có một ngày sẽ hết. Tất cả những người đi đến đời tôi, rốt cuộc ai cũng ra khỏi cái tình yêu đó, để đổi lấy một số tiện nghi vật chất, hay cái vỏ ốc tinh thần.

"Niệm rồi cũng thế mà thôi."

Không hiểu tại sao tôi lại chọn Niệm để bày tỏ điều đó. Tôi nghĩ Niệm không thể hiểu điều tôi muốn nói. Khi nhận ra sự vô lý của mình, bỗng không lòng tôi thắt lại.

Tôi nhớ Tước. Nhớ những ngày mưa sũng nước Saigon. Nhớ đêm xa lộ. Nhớ chiều Hàng Xanh. Nhớ tối Thị Nghè. Nhớ trưa Hồng Thập Tự. Nhớ người thảng thốt cơn mê, tiếng chim tiền kiếp ngõ về hư vô.

Niệm nói:

"Niệm có thể làm được gì cho anh?"

Tôi nhìn Niệm biết ơn:

"Niệm cho anh buổi chiều nay, thế này đã là quá đủ. Anh thường tìm đến đây một mình. Một mình với những mộ bia. Với một phần thịt xương anh đã tan rã dưới cỏ. Và không còn ai nhớ nữa…"

Tôi muốn bảo Niệm, cho tôi khắc lên vầng trán của Niệm con-dấu-đời-tôi chỉ còn một mặt. Không phải là mặt thiên đàng mà, là mặt địa ngục, rực rỡ. Nhưng khi bàn tay Niệm chạm lên mặt tôi... Tôi rùng mình. Lòng nhũn lại.

Tôi tự nhủ:

- Quê lắm. Đừng khóc nhé.

6-82

Cánh Cửa

Thỉnh thoảng, những tiếng động bất thường từ con đường nhỏ chạy vắt ngang khu apartment vang động làm người thiếu phụ giật mình, ngừng tay nghe ngóng.

Đêm xuống sâu trong khu phố tồi tàn với những dãy apartment tiếp nhau và những mái nhà có cùng một màu xám đục, như những chiếc móng chân để dài, gọt nhọn, châu vào nhau. Nhưng trong một vài căn nhà, đâu đó, người ta vẫn còn nghe được tiếng TV mở lớn; hay tiếng nhạc vội vã, hối thúc hoặc thều thào…

Trước mặt người thiếu phụ, bừa bãi trên mặt thảm loang lổ vết dầu mỡ, cà phê, kẹo cao su dính bết thành từng vệt dài, như những con đỉa khô dẹp lép; là những món hàng còn nguyên giấy dán giá, hoặc những cuống ghi giá tiền, xỏ qua những sợi giây nylon, nằm tênh hênh, như một khoe khoang lộ liễu.

Những tấm khăn mặt nằm cạnh chai thuốc Aspirine. Những vỉ kim khâu nằm đè lên mấy gói kẹo. Những hộp Alka Seltzer thập thò dưới những cuộn giấy đi cầu còn trong bao bọc có in hình hoa sặc sỡ.

Vương vãi ở góc nhà, một ít vật dụng lộn xộn khác. Hầu hết là đồ nhật dụng.

Cái bàn chải đánh răng. Bịch viết Bic. Dăm ba thỏi kẹo chewing gum. Ít cuộn len. Vài lưỡi dao cạo râu. Dăm hộp súp bò. Ít gói mì gói…

Thiếu phụ thọc sâu vào cái bị xách, lôi ra (có lẽ tự đáy giỏ) một vỉ thịt bò còn tươi. Nàng vứt trước mặt, tay kia, quăng mạnh chiếc giỏ vào một góc nhà.

Chiếc giỏ xách chạm vào cửa closet bật tiếng kêu ọ ọe trên chiếc giường nhỏ phía sau lưng bên tay phải nàng. Lúc này, thiếu phụ mới quay lại.

Trên giường, trong tấm chăn dày, một đứa nhỏ vừa trở mình. Đứa nhỏ chừng trên dưới một tuổi. Da trắng xanh. Mắt nhắm nghiềm. Vẫn ngủ. Bên cạnh nó, bầu sữa cạn, xẹp. Thấy rõ những vết ố bám dọc mặt trong của chiếc bình.

Thiếu phụ chăm chú nhìn con. Đứa nhỏ bỗng dẫy dụa như thể trong giấc mơ, nó thấy đang bị đánh đập. Nó thét. Tiếng thét thất thanh, khiến người thiếu phụ cũng giật mình. Nàng đưa tay đập nhẹ nhẹ trên đống chăn mền. Đứa nhỏ khóc nức nở. Người đàn bà vỗ nhanh tay hơn. Nàng ru:

Ầu ơ…con tôi khát sữa bú tay

Ai cho bú thép ngày rày mang ơn

Ầu ơ…gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…ầu ơ…

Trong đêm, giữa tiếng TV và tiếng nhạc giật, tiếng ru của người đàn bà, cất lên, lọt ra, nghe lạc lõng, trơ trọi, thê lương một cách thảm hại, bất nhẫn.

Càng ru giọng thiếu phụ càng trở nên xa vắng, rời rã hơn. Giả thử đám người dị chủng chung quanh nếu nghe lọt vài tiếng, có thể họ dám nghĩ đó là tiếng vọng, từ một cõi âm u nào, của những oan hồn không thể thoát khỏi dương gian.

Thiếu phụ càng ru bao nhiêu, đứa nhỏ càng khóc lớn hơn bấy nhiêu. Như thể, đứa nhỏ không quen với những cung cách vỗ về, dỗ dành thân ái ấy. Tiếng khóc của nó, mỗi lúc mỗi thêm gay gắt, đôi khi tới chỗ bằn bặt. Giống như có một bàn tay vô hình nào đang xiết chặt thêm chiếc cổ gầy héo của nó.

Giữa những cơn khóc ngất, là tiếng kêu thảng thốt của đứa nhỏ - tiếng kêu tựa cũng phát ra, tự trong cơn mơ: "Mẹ…mẹ…mẹ…" Đó là những tiếng kêu yếu ớt của một con mèo con mới đẻ, nhiều hơn là tiếng kêu của một con người.

Những lúc ấy, thiếu phụ phải ngừng ru để trả lời con bắng một giọng hết sức âu yếm, thiết tha. Cái thiết tha không thể dối trá và, chỉ có thể phát xuất tự đáy lòng của những người mẹ đứt ruột thương con.Nàng đáp:

"Mẹ đây. Mẹ đây con!"

Tuy người mẹ kiên nhẫn và cố gắng, đứa nhỏ, như vẫn không thấu hiểu lòng thương yêu bao la của mẹ. Nó vẫn không tỏ dấu đã nghe lọt tai một câu trả lời nào. Nó vẫn khóc từng chập và, toàn thân rung động dưới lớp chăn dày.

Người đàn bà chừng như không chịu đựng được nữa, nàng bồng nó. Ôm sát ngực.

Hơi hướm của người mẹ có thể đã giúp cho đứa nhỏ cảm thấy yên tâm phần nào. Tiếng khóc của nó, bắt đầu dịu xuống.

Thiếu phụ lại ru con. Lần này nàng ru nó bằng những bài hát ru của miền Bắc.

À…ơi…con ơi con ngủ cho ngoan

Cha con đi chảy nước non Cao Bằng…

À…ơi…cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Làm như người đàn bà cho rằng khi nàng đổi những bài hát ru như vậy, đứa nhỏ sẽ hài lòng hơn và sẽ thôi khóc.

Nhưng dù cho thiếu phụ có ru bằng điệu ru nào và, giọng có ngọt ngào đến đâu, thì đứa nhỏ cũng vẫn khóc tỉ tê.

Chốc chốc nó lại ngẹn ngào, thảng thốt "Mẹ…mẹ…mẹ" Có thể là những lời hát ru của người đàn bà chỉ khiến nó thêm tủi thân, đau đớn?

Cứ mỗi lần đứa nhỏ nấc lên, gọi mẹ như vậy, thiếu phụ lại đổi giọng, đập đập vào lưng con, và trả lời:

"Mẹ đây…mẹ đây con…"

Dưới ngọn đèn treo lơ lửng trên trái bếp, bóng người đàn bà ôm đứa con trên chiếc giường sắt hắt nghiêng xuống mặt thảm, bị những món hàng bừa bộn, cắt xén thành một hình thù sứt mẻ, quái dị.

Một giây bất ngờ, người đàn bà chợt nhìn thấy chiếc bóng của mình trên mặt thảm. Cái hình thù xa lạ, cổ quái khiến nàng bặt tiếng ru…

Giữa lúc đó, ngoài đường hẻm có những tiếng động lớn và, tiếng những bước chân đi thình thịch. Thiếu phụ ôm chặt đứa con vào ngực. Đứa nhỏ, như cũng bị giật mạnh ra khỏi giấc ngủ. Nó cũng thình lình, bặt im tiếng khóc. Có thể đứa nhỏ đã quen với những giờ phút bị bỏ ở nhà một mình, cho nên, nó có những phản xạ tinh nhanh và khôn ngoan hơn những đứa nhỏ khác?

Thiếu phụ liếc nhìn những món hàng đang còn bày bừa trên mặt thảm. Nàng hấp tấp nhoài người ra quơ vội những thứ đó dúi vào gầm giường.

Khi bàn tay thiếu phụ chạm vào vỉ thịt bò, hơi lạnh từ vỉ thịt làm nàng rùng mình. Và người đàn bà khựng lại. Trên khuôn mặt nàng vẻ tuyệt vọng lộ rõ. Nàng ngồi bệt xuống. Khi không, những giọt lệ lăn trên đôi má nàng hóp sâu, giữa lúc đứa nhỏ mở lớn mắt ngây ngô nhìn nàng. Nó nhoẻn miệng cười. Nụ cười bình an, hoan hỉ.

°

Người đàn bà rụt rè hé mở cửa nhưng ngập ngừng, không dám bước vào.

Người đàn ông đeo kính trắng, ngồi sau chiếc bàn lớn đầy hồ sơ, sách báo, tài liệu, ngước mặt, thân mật:

-Mời chị, chị cứ vào.

Người đàn ông đứng lên, dợm bước. Người đàn bà lách vào. Cánh cửa khép lại phía sau với những tiếng động của tấm mành plastic.

Thiếu phụ khép nép ngồi xuống chiếc ghế da lớn đặt trước bàn người đàn ông. Một tay đặt trên bàn, một tay đặt trên đùi. Thiếu phụ im sững như tượng,

Người đàn ông mở lời trước, trong lúc tay lục tìm đống hồ sơ:

- Chị nên khai thật. Phải khai thật tôi mới giúp chị được…Đây rồi. Hồ sơ của chị đây rồi.

Người đàn ông mở tấm bìa màu đỏ, trong đó kẹp nhiều giấy tờ, hầu hết là những bản photocopy.

Thiếu phụ vẫn im sững. Vẻ mệt mỏi và tuyệt vọng như đã giết chết mọi khí sắc trên mặt nàng. Toàn thể khuôn mặt thiếu phụ lúc này, nhìn từ phía nào, cũng chỉ có thể nghĩ đó là một xác chết mới được đem ra từ nhà xác.

Lật nhanh một số trang, đọc lướt những hàng chữ có gạch xanh, đỏ, người đàn ông tiếp:

- Bên cảnh sát cho tôi biết họ bắt được chị lần này là lần thứ ba. Hai lần trước họ đã tha. Lần này, họ nói họ không thể bỏ qua được. Tội ăn cắp ở đây, bị kết án nặng lắm. Tôi không hiểu tại sao chị cứ tiếp tục?

Thiếu phụ vẫn không trả lời. Nét mặt nàng không biến đổi. Vẫn là khuôn mặt nhợt nhạt không khí sắc của một xác chết.

Người đàn ông kiên nhẫn tiếp:

- Tôi muốn giúp chị lắm. Dù sao chúng ta cũng là người đồng hương. Tôi tin, tôi hiểu phần nào hoàn cảnh của chị. Hoàn cảnh chung, của nhiều người! Nhưng chị phải cho tôi biết lý do thực. Thực sự, tại sao chị cứ tiếp tục…Ai cũng có lúc túng quẫn. Nhưng cũng có lúc phải thôi. Đằng này, tôi có cảm tưởng ở chị là một sự thường xuyên…Thường xuyên…Tại sao vậy?

Người đàn ông ngừng nói. Anh chợt cảm giác tiếng nói của anh đang rơi vào khoảng không.

Sự im lặng ngột ngạt chen giữa hai người. Cuối cùng, thiếu phụ mở miệng. Giọng nàng khô khan, không che dấu vẻ bất cần, liều lĩnh của một kẻ đã cùng đường:

- Tôi cần những thứ đó.

Người đàn ông tỏ dấu hài lòng về sự mở miệng của thiếu phụ:

- Để gửi về Việt Nam?

- Phải.

- Chị còn nhiều thân nhân kẹt lại không?

- Nhiều

- Là bao nhiêu?

- Tất cả. Trừ tôi.

Người đàn ông ngả ra, dựa vào lưng ghế, ngước mặt lên trần nhà:

- Tôi cũng vậy. Kẹt hết. Trừ tôi và vợ con.

Một thoáng im lặng lại đi qua. Lần này sự im lặng diễn ra trong ngậm ngùi, trong tưởng niệm. Như phút tưởng niệm những người đã chết.

Thiếu phụ nhìn xuống bàn tay trơ vơ trên đùi mình. Nàng nói. Giọng nàng không còn đeo cái mặt nạ nghìn cân của phản ứng bướng bỉnh, cùng đường nữa. Lúc này, nàng có lại cái giọng tội nghiệp, thê lương như những lúc phải dỗ dành con trong đêm khuya.

- Chẳng dấu gì ông, tôi qua đây đến hôm nay là đúng hai năm một tháng. Tôi nguyên là một giáo sư trung học. Ông cũng hiểu…thành phần của tôi cũng không đến nỗi nào. Chồng tôi là một sĩ quan bị đi học tập cải tạo. Ông ấy trốn về được…Ông cũng hiểu…chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc vượt biên. Ít năm sau, chúng tôi ra đi. Hoặc sống sót. Hoặc vùi thân đáy biển. Còn hơn để cho chúng tìm ra, đến tận nhà và lại tù ngục. Hiềm nỗi chúng tôi không có tiền! Ông cũng hiểu…(Dường như thiếu phụ thích dùng mấy chữ này để mở đầu cho một câu nói mới?) chúng tôi không còn gì. Không còn bất cứ một thứ gì sau bốn năm sống với Cộng sản. Nhà tôi không còn cha mẹ. Riêng cha tôi, tệ hại hơn, ông bị đưa ra Bắc rất sớm. Tôi còn mẹ và sáu đứa em. Vì tương lai của tôi, vì thương con rể, là nhà tôi, mẹ tôi bán tất cả đồ đạc. Luôn cả ngôi nhà của bà, để lo cho chúng tôi đi. Chúng tôi đi thóat. Và…và (thiếu phụ bỗng nghẹn ngào) chúng tôi có con. Nhưng nhà tôi không muốn sống với tôi, khi con tôi chưa được ba tháng!

Người đàn bà nghiến răng, như cố dằn lại hoặc, kiềm chế xúc động của mình. Nàng nói tiếp:

- Ông cũng hiểu tôi không có chọn lựa nào khác! Tôi phải nuôi bảy miệng ăn ở Việt Nam. Tôi không thể để cho mẹ già và, bầy em dại của tôi biết rằng, ở đây, tôi đang sống những ngày như thế này…Như thế này. Ở đây… Tôi có trách nhiệm…Tôi có trách nhiệm…Ông cũng hiểu…

Người đàn bà ôm ngực. nàng không nói được nữa.

Người đàn ông cúi mặt, lộ vẻ lắng nghe, chia sẻ. Ông hỏi:

- Giờ anh ấy ở đâu thưa chị?

Thiếu phụ lắc đầu:

- Xin ông đừng hỏi.

- Tại sao vậy? Tôi hỏi theo nghề nghiệp. Không hề có ý tò mò hay xúc phạm gì đến…

- Không. Tôi hiểu. Tôi không nghĩ gì hết. Chỉ xin ông đừng hỏi. Vậy thôi.

Người đàn ông vẫn chưa buông tha:

- Chính cảnh sát cũng muốn có câu trả lời ấy.

Mặt thiếu phụ đanh lại:

- Tôi cũng đã nói với cảnh sát là tôi không biết cha đứac on tôi là ai. Ông cũng hiểu…(Thiếu phụ dùng lại ba chữ này. Chưa nói tiếp thì nàng đã đưa tay bưng lấy ngực. Vẻ mặt mặt nàng không lộ đau đớn mà ương quyết.) Vẻ cương quyết của người đàn bà khiến người đàn ông rùng mình, lắc đầu:

- Thôi. Chị không muốn nói thì thôi…

Thiếu phụ sửa lại thế ngồi:

-Tôi đến đây để xin ông một ân huệ. Vậy tốt hơn hết, ông nên trả lời cho tôi biết, ông có giúp tôi hay không? Có hay không? Tôi chỉ cần điều đó.

Giọng người đàn bà trở lại vẻ đanh chắc, lạnh lẽo, bất cần ban đầu.

-Tất nhiên. Tôi nhận lời giúp chị. Tôi đã nhận lời. Tôi chỉ yêu cầu chị trước hết là phải tin tôi và nghe theo những lời tôi hướng dẫn. Vậy thôi.

- Ông bảo tôi phải làm gì?

- Nhận tội.

- Nhận tội?

Thiếu phụ hỏi lại người đàn ông, cùng lúc với những bắp thịt trên mặt nàng co thắt lại, như những miếng cao su hơ trên lửa. Hình ảnh đứa con trong căn phòng ẩm mốc chờn vờn trước mặt nàng. Nàng thấy nó khóc bần bật như có một bàn tay vô hình nào đang xiết chặt chiếc cổ gầy héo của nó.

Tuồng người đàn ông đoán được phần nào ý nghĩ của thiếu phụ. Anh nói:

-Tuy tôi chưa trở thành luật sư thực thụ, những tôi biết, ở trường hợp bị bắt quả tang như trường hợp này, chỉ có cách kêu gọi sự khoan hồng của ông tòa. Nếu chị tiếp tục chối, tòa sẽ triệu tập một bồi thẩm đoàn nhân dân. Tù hay tha ở xứ này, đôi khi cũng tùy thuộc vào sự tốn kém mà tòa án phải trả cho mỗi vụ xử. Chị hay nghe và tin tôi. Nên nghe tôi… (Người đàn ông nói, như năn nỉ.) Dẫu sao, tôi với chị cũng là đồng hương. Thứ đồng hương ê chề, khốn khổ của cảnh đời tỵ nạn…

Trước mắt thiếu phụ lúc này, dường như còn rõ ràng hơn nữa, hình ảnh đứa con trong căn phòng ẩm mốc, và những món hàng ăn cắp được từ các cửa hàng bách hóa hay siêu thị. Ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế da lớn mà người đàn bà có cảm tưởng như chiếc ghế đang lắc lư thay nhịp đong đưa của chiếc võng ru con. Nàng nghe được lần đầu tiên, giọng ru con của một kể nào khác:

À…ơi…con cò đậu cọc cầu ao

Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua…

Không phải giọng của nàng. Đúng rồi. Không phải giọng nàng. Nhưng, người đàn bà ứa lệ.

°

Đứng trước vành móng ngựa, thiếu phụ nói:

-Thưa ông Tòa, tôi nhận có ăn cắp một ít món hàng của siêu thị X., ngày… Ở đường…

Quan Tòa:

- Tại sao chị làm vậy? Chị có biết như vậy là phạm tội không?

- Thưa Tòa, tôi biết. Nhưng tôi phải làm. Tôi phải nuôi mẹ già và 6 đứa em ở Việt Nam.

- Đó không phải là bổn phận của chị. Những người đó có tay chân không? Họ có mắt mũi, đầu óc không?

- Thưa Tòa, không.

Có tiếng cười bật vang cuối phòng xử.

Ông Tòa giận dữ gõ búa:

- Im lặng. Chị kia. Chị định kể chuyện cười trước Tòa hay sao đây?

Thiếu phụ mặt xám ngoét, run rẩy:

- Thưa Tòa không.

- Thế nghĩa là gì?

- Thưa ông Tòa, tôi chỉ muốn nói, người đân, nhất là người dân của một nước thua trận…thì dù cho họ còn đủ tay chân, mắt mũi, đầu óc, thì họ cũng vẫn bị người Cộng sản biến họ thành phế nhân. Phế nhân ở cả hai phương diện thể chất và tinh thần.

-Cách gì Tòa có thể tin được chuyện kỳ quái như chị kể?

-Thưa…tôi chịu. Tôi có chứng minh cụ thể với ông Tòa. Hoặc ông Tòa tin tôi, hoặc không mà thôi. (Thiếu phụ bậm môi, suy nghĩ?) Tuy nhiên thưa ông Tòa, sự kiện tôi liều lĩnh chấp nhận ở tù, bỏ con cho chính phủ nuôi…chỉ vì ít món hàng không quá năm chục bạc, để cứu mạng cả gia đình tôi…thì tôi xin ông Tòa hiểu cho phần nào những gì tôi đã nói với ông Tòa…

Phòng xử im phắc. Hình như mọi người bị choáng váng bởi những điều người đàn bà mới trình bày. Một điều không thể tưởng tượng mà, có thật. Sự choáng váng ặp tới chính ông Tòa.

Lát sau, ông nói:

- Phần chị, chị có thấy còn điều gì cần nói thêm không?

Thiếu phụ vịn cả hai tay vào vành móng ngựa. Dường như chị cảm được hơi lạnh từ mảnh gỗ cong hình móng ngựa, xuyên buốt thân thể mình. Nàng như một tàu lá héo, rũ xuống. Nàng lắc đầu. Nhắm mắt. Buông xuôi.

-Không thưa Tòa. Tôi chỉ có chừng đó điều để nói.

Trước mắt nàng, lúc này, hình ảnh con nàng chao qua, chao lại, cùng tiếng khóc bần bật (như có bàn tay vô hình nào đang xiết chặt chiếc cổ khô héo của nó.)

°

Thư gửi người đàn bà trong truyện.

Thưa chị,

Tôi đã bàng hoàng và xúc động, một buổi tối khi đến thăm anh Sơn ở văn phòng luật sư của anh ấy. Chính Sơn là người kể tôi nghe chuyện của chị.

Trong chúng ta, có biết bao nhiêu bà mẹ, bao nhiêu đứa em, bao nhiêu đứa con từng giờ, từng phút chờ chết giữa quê nhà. Tôi cũng còn kẹt lại một mẹ già. Tôi cũng còn kẹt lại một đàn con. Một bày cháu…Mẹ tôi, con tôi, từ sáu năm qua, cũng đã sống lay lắt bằng những tấm khăn mặt, những thỏi chewing gum, những vỉ alka aeltzer…Chị tôi, bày cháu tôi, từ sáu năm qua, cũng đã phải sống thoi thóp nhờ vào những cuộn chỉ, những vỉ kim khâu, những bánh xà phòng, những cây bút bíc…

Thưa chị, tôi nghĩ tôi hiểu và chia xẻ được với chị ít nhiều. Tôi cũng biết, người Mỹ không thể nào hiểu nổi tại sao người cộng sản lại đồng nghĩa với việc chặt tay, bẻ chân, đâm mù mắt…người dân, những đồng bào, ruột thịt của họ…

Cũng như có một số người Mỹ cho rằng chúng ta bỏ xứ ra đi vì lý do kinh tế! Trong khi họ quên, không một ai có thể chỉ vì lý do kinh tế mà chọn con đường thập tử nhất sinh trên biển cả! Chọn cái chết! Trong lịch sử nhân loại, chưa có một dân tộc nào điêu linh như dân tộc Việt.

Người Mỹ đã lên tới cung trăng, nhưng mặt nào khác, họ lại là những kẻ sống giữa thời tiền sử, khi họ không thể quan niệm rằng, có những người con, những người vợ, những người mẹ sẵn sàng vào tù vì thân nhân của họ, như chúng ta.

Kính thưa chị, tôi cũng muốn nhân đây, bày tỏ lòng kính trọng chị, khi mà một số phụ nữ khác của chúng ta, đã, đang muốn bỏ chồng con, lấy ngoại nhân, chỉ vì cái bề ngoài to lớn và vật chất dồi dào, tưởng chừng như có thể bảo đảm cho họ cả đời…

Riêng chị, chị lại chọn đứng một mình như cây…Ôi! Những ngọn cây cao thấu trời xanh, rễ sâu về tận nguồn cội…

Thưa chị, một lần nữa, nếu tình cờ chị có đọc được những dòng chữ này, xin chị hiểu cho, tôi viết với tất cả lòng ngưỡng mộ và hổ thẹn của cá nhân tôi: Du Tử Lê, đã sáu năm mà vẫn còn sống một cách vô nghĩa nơi quê người!

(8-1981.)

Có Không Một Mùa Xanh Như Ngọc?

Chị Nhã,

Dường như, người ta chỉ nghĩ nhiều đến nhau, muốn nói nhiều điều với nhau, khi người ta đã gần như vĩnh viễn xa nhau, gần như tuyệt vọng trong mơ ước gặp lại mặt nhau. Điều đó, có thể sai với nhiều người, nhưng với tôi thì quả thật là như thế.

Như thế đó, chị Nhã. Năm năm trời xa nhau. Năm năm trời chị em không thấy mặt nhau. Chị biết không, tôi nghĩ, tôi đã nghĩ rất nhiều về chị. Nghĩ về chị, như nghĩ, nhớ về mẹ già. Về những đứa con mồ côi mẹ của tôi còn ở lại. Nghĩ và nhớ về chị Uyển, về anh Dương, về bác Trưởng, về dì Giám, dì Khiêm, chị Công, thằng Chương, cái Gái…

Năm năm trời, ở bên này đại dương, như ở một tinh cầu khác. Một đời sống khác. Tôi chỉ còn là tôi, ở những phút nhớ về. Ở những giây tưởng lại đó.

Năm năm trời, chị Nhã, tôi nhớ mọi thứ. Tôi nhớ đủ điều. Ở tất cả mọi nơi. Trong tất cả mọi thời tiết. Nhớ và nghĩ đến những điều cỏn con, những thứ vụn vặt. Nhớ, nghĩ và thương yêu cả những người mà trước đây tôi vốn ghét. Nhưng sau hết, nhiều hơn cả, vẫn là nhớ và nghĩ đến chị. Có lẽ tại chị có cùng tôi, bên tôi trong suốt tuổi thơ lủi thủi của chúng ta. Cái tuổi thơ đầy nắng cháy, vàng ứa trên hai chiếc sân phơi thóc mênh mông…Cái tuổi thơ rét ngọt ủ những nắm ngô hay lạc rang nóng hổi trong túi, chơi trò trốn tìm quanh những vựa lúa, vựa ô mai ở dãy nhà ngang.

Tôi nhớ và nghĩ đến chị nhiều, nhiều nữa, trong những trò chơi, mà tôi sung sướng được tham dự - Những trò chơi con gái – Những sợi dây vút qua, vút lại, dưới những bàn chân trần da non, đỏ ửng – Hay những viên sỏi tung lên – trong khi những ngón tay nhỏ xíu chụp vội những viên khác. Chúng ta luôn vội vàng, hấp tấp như thế. Chúng ta chụp lấy những viên sỏi óng trong, trên nền gạch đỏ, như chụp vội những hạt hạnh phúc, những hạt ước mơ thơ dại – Và vì chúng ta vội quá hay chúng ta tham quá, cho nên chúng ta đã chụp hụt, chúng ta đã chạm, đã làm rơi, rơi khỏi kẽ tay chúng ta, những hạt mơ ước ấy…

Nhưng chị Nhã, tôi nghĩ còn nhớ nhiều đến chị, nhiều nhất, nhiều hơn cả (mà chắc chị chẳng tài nào đoán được) – đó là những ngày giáp tết. Những ngày giáp tết của Sài Gòn cũ, của thành phố xưa. Những giáp tết của Sài Gòn, Sài Gòn chứ không Hà Nội – Vì Sài Gòn, Sài Gòn mới thật sự ắp đầy trong ghi nhận của chúng ta. Hà Nội, cái tên quen thuộc nhưng mơ hồ đó, đã nhạt nhòa, thực sự đã nhạt nhòa, nếu không muốn kể như đã chết – thực sự đã chết. Kể từ ngày chúng ta đặt những bước chân đầu tiên lên thang của chiếc máy bay khổng lồ, rời Hà Nội.

Thực sự, thực sự, chính Sài Gòn, đường phố Sài Gòn, thời tiết Sài Gòn, mới là chiếc nôi lớn, mảnh vườn xanh nuôi dưỡng chúng ta lớn. Lớn lên, như ngày nay, như tết này, chị bước vào tuổi bốn hai và tôi vừa hay bốn mươi. Sài Gòn với mấy chục mùa xuân đi qua. Những mùa xuân đi qua trên Sài Gòn, đi qua trên chúng ta. Những mùa xuân đi qua từ những tuổi mười một, mười hai. Đđi qua từ những tuổi mười ba, mười bốn, thì chị Nhã, thử hỏi làm sao quên. Làm sao xóa - Làm sao nhòa nhạt - Càng không thể nhòa nhạt trong tuổi già đang đến. Càng không thể nhòa nhạt trong trí nhớ đóng khung - kỷ niệm thu gọn (bởi đời còn đã hết).

Chị Nhã, dường như tôi đã không nói được điều tôi muốn nói. Dường như nãy giờ, tôi chỉ nói quanh. Nói quanh một điều nào lẽ ra phải nói. Dường như tôi sửa soạn để nói đến điều đó. Nhưng như đã bảo với chị là tôi có quá nhiều điều để nói, nên càng sửa soạn, càng rào đón, tôi càng đi xa hơn ý định. Điều buồn cười, điều đáng tội nghiệp cho những kẻ không có khả năng diễn tả ý mình ở chỗ đó. Đã lúng túng, y càng lúng túng hơn. Đã khó nói, càng nói nhiều, y càng khó quay lại – Tôi là kẻ suốt đời cứ lúng túng loanh quanh như vậy đó, chị Nhã ạ. Cũng như mấy chục năm, sống gần nhau, tuy cùng một thành phố, chỉ cách vài con đường mà cả năm chị em chỉ gặp nhau dăm ba lần, trong những dịp giỡ chạp hoặc tết nhất. Ngay ở những lần hiếm hoi kia, hình như chúng ta cũng chẳng bao giờ có được một lời dịu dàng dành cho nhau. Dù không thể chối cãi rằng giòng máu trong người chúng ta đã khiến nỗi đau đớn của tôi cũng như là của chị. Niềm lo lắng của chị không nói ra, cũng là của tôi. Chúng ta chia xẻ cho nhau tất cả mọi điều. Nhưng hoàn toàn trong âm thầm, trong kín lặng, trong xó góc riêng tư của chị - trong chốn ở, ăn, kín bưng của tôi.

Dường như, chị Nhã, tuổi tác đã đẩy anh chị em chúng ta xa nhau hơn. Xa tới lạnh lẽo. Xa tới quên lãng – Mặc dù sự thực anh Dương, chị Quý chiếm ngự và chĩu nặng trong đời sống của chị và tôi – cũng ngược lại, tôi và chị đã khuấy động thường xuyên, lòng họ. Tôi vẫn cho, cái không hay, cái không tốt lớn lao nhất trong gia đình chúng ta là sự im lặng. Sự dấu đi, sự dè xuống cảm tình của người này trước mặt người kia.

Cung cách đó, thời gian đã thành thói quen, tập quán. Đến đỗi, chúng ta chỉ còn gặp nhau, đủ mặt vào ngày mồng một Tết, hoặc ngày mồng ba (ngày giỗ anh Uyển, và cũng là ngày hóa vàng.) Ở ngày đó, chúng ta cũng chỉ có thể nói với nhau, một đôi câu bâng quơ. Hỏi thăm nhau dăm chuyện lạt lẽo. Lạt lẽo và đửng dưng, như thể chúng ta chỉ mới vừa biết nhau tức thì, chứ không phải chúng ta đã có chung với nhau một cội rễ.

Chị Nhã, cứ lần họp mặt anh chị em đông đủ, vui vẻ đó, chị không để ý đâu, câu đầu tiên bao giờ cũng là câu chị hỏi tôi – "Này cậu, chậu cúc kia tôi mua đấy. Cậu thấy có đẹp không?" – Chị nói và chỉ vào góc nhà, mặc dù những chậu hoa ở phòng khách năm nào cũng chỉ có một mình chị mua. Và tết năm nào, thì hai chậu cúc vàng cũng chiếm chỗ tốt nhất cạnh hai chiếc ghế sa-lông, sát tường, bên tay trái, khi đẩy cửa bước vào. Trong khi đối diện với nó là hai chậu quất, trái đỏ chi chít, nhiều đến tưởng như đó chỉ là những chùm trái giả, làm bằng plastic. Và bao giờ thì chị cũng không kịp đợi tôi trả lời (dù câu trả lời của tôi mấy chục năm, cũng chưa bao giờ đổi khác) chị đã tiếp ngay:

"Mà này, cậu biết không, gớm, tôi mua được giá rẻ lắm. Tôi phải trả giá, phải đi tới, đi lui, làm bộ chê bai lắm, mới được giá đó đấy. Chứ mà gặp tay…mơ (chị cứ làm như chị là tay…nhà nghề không bằng) là nó nói thách rồi, mua hớ cả trăm bạc, chứ không chơi đâu…

Anh Dương ngồi quanh quẩn đâu đó, mặc đồ lính (quanh năm đồ lính – kể cả ngày tết), đang đùa với mấy đứa nhỏ, con anh Quí, hoặc đang lơ mơ đôi mắt đục lờ sau cặp kính trắng, lại khựng lại, hay bật người lên, nói trỏng một câu:

"Khéo vẽ…gặp mấy con mẹ chợ hoa, nó tán cho vài câu, nở mũi, nhắm mắt vào mua, chứ…"

Có thể anh muốn nói "chứ hay hớm gì mà khoe," hoặc "chứ quí báu gì" – Nhưng tôi luôn kịp thời khỏa lấp quả trùy cuối cùng nặng cả ngàn cân đó của anh Dương bằng cách nói theo chị rằng:

"Vâng! Hoa thế kia mà mua được giá đó là giởi lắm đấy!"

Hoặc để chị vui lòng hơn:

"Ôi giời ơi, hoa cỏ ở giữa cái rừng hoa đường Nguyễn Huệ như vậy, mà chị nhặt đúng cái chậu đẹp như vậy là cả một kỳ công rồi. Không dễ gì ai cũng làm được đâu!"

Và sau câu trả lời của tôi, chúng ta thường rơi hẫng vào im lặng. Cái im lặng khó hiểu. Cái im lặng kỳ cục không hiểu vì câu nói đâm ngang bửa củi của anh Dương, hay vì sau đó, mỗi chúng ta, đã có ngay trong đầu một hình ảnh, một ý tưởng để theo đuổi, để gậm nhấm với riêng mình.

Chị Nhã, chẳng bao giờ chị biết đâu, riêng lòng tôi, những lúc ấy, là một cõi mênh mông tẻ lạnh.

Riêng lòng tôi lúc ấy, là nỗi chua xót, ngậm ngùi. Cái chua xót, ngậm ngùi của một kẻ bất lực, nhìn thấy tận mắt sự suy sụp, vẻ tàn phai của một hình tượng gần gũi nhất, êm đềm nhất. Tôi muốn nói bóng tối trong mắt chị. Tôi muốn nói những nếp nhăn nhiều hơn trên mặt chị.Tôi muốn nói những sợi tóc cằn khô hơn, ròn vụn hơn trên đầu chị. (Dù cho đó là một mái tóc mới uốn chải để ăn tết!)

Chị Nhã, chị không biết đâu, tôi thấy rõ sự tương phản của những bông cúc vàng trong chậu, và tuổi già trên đôi vai chị nhô cao. Mỗi năm những chậu cúc chị mua về một đẹp hơn. Hoa to hơn, rực rỡ hơn vì sự tiến bộ của phân bón, của ngành trồng tỉa. Nhưng mỗi năm, chúng ta một già hơn. Tàn tạ hơn. Xa cách nhau hơn. Vì chúng ta không phải là cây cỏ. Chúng ta là người. Chúng ta cần nhiều thứ. Những thứ khác hơn phân bón. Và nhất là với chị, với một người phụ nữ, đã đi qua tuổi ba mươi, đã bước quá sâu vào cảnh đời héo khô con gái.

Và sau hết, mỗi năm, mỗi lần tết đến, tôi lại nhớ một chuyện đã cũ, một chuyện nhỏ nhặt, cực kỳ nhỏ nhặt – Nhỏ nhặt đến độ chẳng còn ai nhớ tới, kể cả chị - Đó là giữa cái tết thứ hai của chúng ta ở Sài Gòn – Khi chị làm đổ chậu cúc đặt trên chiếc ghế đẩu, rơi xuống sàn đá hoa, vỡ tan nát , anh Quí tát chị một cái, giữa ngày mồng một. Mẹ lui cui đi dọn và cằn nhằn anh. Lời qua tiếng lại – trở thành to tiếng. Mẹ vào buồng trong, ngồi trên đi-văng, bưng mặt khóc. Chị xuống bếp. tôi không nhớ chị có khóc không. Chỉ biết chị không ăn bữa trưa, hôm mồng một tết đó. Lúc chuyện xảy ra, tôi mới mặc xong chiếc quần tây bằng vải ka ki mới (chiếc quần mới duy nhất mỗi năm) và một chiếc áo sơ mi cũ, đi ra giữa cửa. Cảnh tượng diễn ra rất nhanh. Thật nhanh, như tôi nhớ thì chỉ trong nháy mắt mà thôi. Và tôi đứng sững giữa ngưỡng cửa của hai căn phòng. Thấy sự giận dữ cực điểm nơi mặt anh Quí. Thấy mẹ già ngồi dựa lưng vào tường, hai đầu gối co sát ngực – và thấp thoáng, qua chiếc cửa sổ lớn, qua sân sau thấy mái tóc thề của chị, rung trên chiếc áo cánh trắng tay phồng…Tôi đã tự hứa. Tôi đã thề với chính tôi – lớn lên – đi làm, có tiền mỗi lần tết đến – Tôi sẽ mua, mua rất nhiều hoa cúc. Tôi sẽ bày cúc la liệt từ ngoài cửa vào tận trong bếp. Tôi sẽ để ngang dọc – cho ai muốn đá, muốn đụng sao cũng được – và một chậu lớn nhất, đẹp nhất sẽ dành riêng cho chị để nhớ những ngày chúng ta còn bé.

Nhưng rồi năm năm, mười năm, hai mười năm…mấy chục cái tết đi qua, tôi đã vào đời. Tôi đã kiếm ra tiền (đôi khi tôi cũng kiếm được rất nhiều tiền), nhưng chưa một lần nào, tôi đem được về nhà, dù chỉ một chậu cúc nhỏ - cho riêng chị!

Bây giờ, sau năm năm, và một cái tết nữa sắp đến, chị đang bước vào tuổi bốn mươi, với một đời chồng nửa đường đứt gánh (một đời chồng mà lửa hương chưa quá một năm!) – Và một mẹ già, mẹ đã quá già, như ngọn đèn dầu trước gió – một bầy cháu côi cút, không mẹ, không cha – Tôi nghĩ chắc bóng tối ở bất cứ xó xỉnh nào, trong ngôi nhà cũ kia, cũng không thể tối bằng bóng tối trong mắt chị - Bóng tối trong một đôi mắt còn đời, nhưng kể như đã hết!

Bây giờ, sau năm năm, và một cái tết nữa, sắp đến, tôi biết rằng không một bông cúc nào, còn có thể nở được dù chỉ le lói, riêng trong tâm hồn chị.

Trong khi đó, bây giờ, ở đây, sau năm năm, mỗi khi mùa lạnh tới, cúc nở đầy đường – cúc ngập vàng mọi lối. Không cần mua, không có tiền tôi cũng có thể hái trộm cho chị, không phải chỉ một bông, mà cả bó, cả bị - Nhưng cách nào, làm cách nào? Chị Nhã – để tôi có thể gửi về chị! Gửi về giữa lòng Sài Gòn đã bị chôn sống. Cách nào? Chúng ta còn có thể có được, dù chỉ một chậu cúc vỡ hay một cành cúc gẫy, khi chúng ta cũng đã quá già, và mỗi kẻ đã cải danh, đổi lốt ở một đầu trái đất.

Chẳng cách nào – chẳng có mùa xuân nào đâu, dành cho chúng ta, một khi chính cõi lòng chúng ta cũng đã héo úa.

Cách nào? Chẳng còn cách nào đâu – một khi chính ta, cũng đã phải tự thú nhận rằng ta đã không còn là ta của những ngày trước nữa.

Mỗi chúng ta chỉ sót lại, cái tên gọi – như một danh từ chỉ đồ vật, đất đá. Những cái tên gọi trơn tru, không một âm vang vọng lên, ngoài tiếng động khô khan, vụn tan của chính tên gọi đó. Như Nhã – Nhã- như Tưởng, Nam, Như Mai- Tú, như Du-Tử-Lê, còn nhạt hơn cỏ, còn nhầy hơn giun, còn ngu ngơ hơn dế chũi…

California, 1979

Ra Mắt Tôi

Tôi cố gắng lấn tới khi trên sân khấu Lãng đang nói gì đó. Hình như chàng đang giới thiệu một ca sĩ. Không phải. Chàng đang nói gì giống như bắt đầu chương trình, ra mắt tờ báo…

Ở bậc cửa ra vào, nghĩa là ở phía ngoài cùng, điểm đứng xa nhất giữa khán giả và người trình diễn, tôi không tài nào nhìn thấy chàng. Đầu người nhấp nhô, như sóng. Tiếng ồn ào như bị dội ngược ra, hắt về phía sau, khiến tôi chỉ nghe được tiếng còn tiếng mất.

Tôi xấn tới.Mặc kệ. Ta phải bước tới. Tôi nghĩ và lợi dụng ưu điểm nhỏ thó của mình. Tôi nghiêng bên tả, nhích bên hữu. Khối người không chuyển động. Tôi biết có những cặp mắt nhìn xuống tôi. Nhìn xuống con bé mặc áo dài đỏ. Mầu đỏ…không biết tại sao tôi đã chọn chiếc áo dài này, cho buổi sáng nay. Cho cuộc tìm kiếm chàng, hay tìm kiếm chính phần đời của mình?

Ba chiếc áo dài đem theo, khi vượt biên, là cả gia tài, vốn liếng quý báu, thiêng liêng nhất của một đời con gái. Ba chiếc áo dài, như thể một gia tài, đúng hơn là tất cả những gì tôi còn giữ được sau năm năm, từ khi chàng bỏ nước ra đi. Đó là tất cả những gì, còn giữ được sau khi bán hết, bán đến cả những chiếc kẹp tóc đắt tiền mà Lãng đã mua cho tôi, thời yêu nhau. Thời Sài Gòn còn, thời quê hương còn, thời tổ quốc chưa vụn nát thành từng mảnh bè trôi vô định trên biển cả.

Ba chiếc áo dài, tôi xếp dưới đáy một ngăn tủ đựng sách học. Của đáng tội, phải nói rõ, nếu tôi không dấu như thế, có lẽ, nó cũng chả còn đến ngày nay. Không phải chỉ vì mẹ tôi không cho giữ nó, mà chính tôi, những ngày đó là những ngày cả gia đình, năm miệng ăn, chỉ có duy nhất nồi cháo loãng, cho một ngày.

Tới ngày vượt biên, nửa đêm, tôi thu dọn hành lý đem theo, may sao, tình cờ xốc lên đống sách vở cũ, lại tìm thấy mấy chiếc áo dài. Mỗi chiếc đánh dấu cho một sinh nhật tôi từ những năm yêu Lãng.

Mỗi sinh nhật, Lãng có thói quen dù túng đến đâu, cũng ráng chạy tiền mua cho tôi một xấp hàng áo dài, và cho tôi đi ăn. Hoặc bò bía bưu điện. Hoặc bò viên hẻm Cao Thắng. Cuối cùng là một ly cà phê ở Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Du, hay một phim ciné nào đó, nếu chàng còn rủng rỉnh. Cùng với sự khuất bóng của Lãng, "tục lệ" tốt đẹp kia, chấm dứt.

Năm năm ở lại, tôi trở thành kẻ lạ mặt với những nơi chốn quen thuộc đó. Năm năm ở lại, với chiếc xe đạp cọc cạch, mỗi sinh nhật, tôi tự cho phép mình ra khỏi cái thực tế phủ phàng của những bữa "cơm cháo," của những ngày sốt nóng, nằm vùi không có ngay cả một vài viên aspirine. Tôi đạp xe một mình qua tất cả mọi đường phố. Tôi đạp xe một mình, chạy qua những nơi chốn mới ngày nào, tôi có mặt ở đó với Lãng. Tôi có mặt với tất cả rạng rỡ của tình yêu, hạnh phúc ngắn ngủi nhưng ngời sáng như ngọc. Chói lóa như kim cương. Tôi cúi đầu, lặng lẽ đạp xe, ngang qua. Ở mỗi nơi của quá khứ, mỗi chốn của kỷ niệm, tôi đều nói thầm:

"Đây, nơi này, sinh nhật nào, ta đã có với chàng. Ta đã ngồi với Lãng. Ta cũng có và hơn thế, hơn hết những khuôn mặt kia, hạnh phúc. Ta cũng có và hơn thế nữa, hơn hết những khuôn mặt kia, một tình yêu. Nơi này, phải rồi chính nơi này, trước mắt đám đông, có khi chàng hôn ta. Có khi chàng ôm ta. Chàng đã vít đầu ta xuống và nói vào tai ta: Ồ! Yêu dấu. Yêu dấu, Anh yêu em…"

Năm năm ở lại, với năm sinh nhật kế tiếp, tôi mừng sinh nhật mình, như thế. Tôi đi như thế và tưởng tượng. Tưởng tượng đang đi với Lãng. Tưởng tượng nghe được những lời thủ thỉ của Lãng. Tưởng tượng thở được hơi hướm chàng.

Và hôm nay, ở đây, giữa sinh nhật lần thứ sáu, tôi mặc lại chiếc áo xưa, tôi khoác lấy cho mình tâm hồn cũ. Tôi nhen lại, trong tôi ngọn lửa ngất ngây của những xiết ghì lần đầu thời con gái. Khác chăng, tôi đã phải đi trên những con đường mới. Khung cảnh mới. Nhà cửa mới. Cây cỏ, lá hoa không còn là cây cỏ, lá hoa của ngày tháng cũ. Nơi chốn này, với tôi, cũng là nơi chốn không quen. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi giảm đi nỗi háo hức, bồn chồn…

Tôi biết hôm nay, chàng "ra mắt" tờ báo. Thật tình cờ như định mệnh, ngày chàng ra mắt tờ báo, cũng là ngày sinh nhật của tôi. Tôi biết Lãng chẳng còn nhớ đâu, ngày sinh nhật của tôi, Làm sao chàng còn nhớ, khi đã năm năm qua. Năm năm, không còn ai nhắc nhở bên tai chàng, sinh nhật đó.

Ngay giữa Sài Gòn cũ, trong giữa biển lớn của tình yêu, bao giờ tôi cũng phải nhắc Lãng.Tôi luôn phải nhắc chàng "Này nhé. Ngày mai, sinh nhật em" – hay – "Đừng quên đó nha, thứ bảy này". Nhắc như thế, đôi khi Lãng vẫn còn hỏi lại tôi "Thứ bảy, sao cơ!" – "Trời đất, thì sinh nhật em chứ còn gì nữa" – "Ủa. Vậy hả. Sinh nhật? Sao lẹ quá vậy. Mới đây mà…"

Lãng vậy đó. Chàng chẳng nhớ gì hết. Chàng cũng chẳng hề tỏ ra ý tứ. Săn đón hay giả bộ gì cả. Chàng còn hỏi như thể mỗi năm tôi có tới…hai, ba cái sinh nhật không bằng.

Lãng vậy đó. Nhưng chẳng bao giờ tôi có thể giận chàng. Bên cạnh những vô ý vô tứ, Lãng cũng có nhiều điểm rất dễ thương (tất nhiên, bởi vì nếu không thì tôi đã chẳng yêu chàng).

Hình như sự hồi tưởng quá khứ, rất vô thức, xô đẩy tôi len lách hung hăng hơn. Đầu nghĩ, chân bước. Tôi bất kể chung quanh. Tôi bất cần lịch sự. Chen tới. Lấn tới. Bất ngờ, một giọng nói nào nặng chịch ném xuống giữa đầu tôi:

- Làm cái gì mà chen lấn dữ vậy.

Một giọng khác:

- Á á…vừa thôi chứ!

Tôi biết họ đang nói mình, nhưng không ngẩng lên. Tôi dừng bước. Một giọng khác già hơn, chế giễu:

- Ca sĩ hả? Muốn lên sân khấu hả?

Một ít giọng cười hề hề phụ họa.

Tôi không cảm thấy bực tức. Ccũng chẳng nghe ngượng ngùng. Trái lại, tôi muốn đáp "ừ hớ" để mọi người tránh chỗ cho tôi đi. Tôi muốn nói: "Xê ra cho tôi gặp Lãng. Cho tôi gặp chàng. Tôi không phải là ca sĩ. Tôi cũng chẳng là gì, trong ban tổ chức. Nhưng tôi muốn…tôi muốn ra mắt chàng. Tôi muốn bay, tôi muốn chạy tới. Muốn một mình, một mình giữa một khoảng không gian không bị chật vướn, để chàng sẽ tức thì nhìn thấy tôi. Để chàng sẽ tức thì nhận ra, màu áo đỏ này, hình vóc ốm o này."

Tôi ngừng giây lát, rồi chen tới. Bên tai tôi, vẫn ồn ào, từ loa phóng thanh, tiếng Lãng nói, xen vào, như giữa giọng gào thét của biển đâu đó. Tiếng rì rào của những rặng phi lao, những hàng dương của một Vũng Táu, Bãi Sau. Những gốc bàng già cỗi, Bãi Trước.

Qua những lưng, những cổ, những đầu, tôi đã loáng thoáng thấy trên bục gỗ thấp, hình ảnh Lãng.

Chàng vẫn nói. Nói. Giọng chàng như xưa. Ngôn ngữ chàng dùng vẫn vậy. Dường như đã không có thay đổi nào trong việc chàng phải đứng trước một đám đông, hay đứng trước những học sinh của chàng. Lãng kia. Đúng Lãng rồi. Tôi thì thầm, một mình. Lãng kia. Ồ, anh có biết, em đã có mặt ở đây. Giấc mơ gặp lại anh, đã thành sự thực. Khao khát được nhìn lại nhau, giờ đã có thể cầm nắm…

Em không thể biết anh nghĩ gì, ra sao, khi nhìn thấy em. Ý tưởng Lãng sẽ hân hoan, Lãng sẽ mừng rỡ, sung sướng có thể chảy nước mắt, khi Lãng nhìn thấy mình, khiến tôi càng cố gắng hơn, lách tới. Cố gắng tìm lấy cho mình một chỗ đứng, không phải ở "tiền trường", như văn chương của ông Mai Thảo. Nhưng là một chỗ đứng quang đãng, một chỗ đứng hàng đầu, của lớp khán giả. Để nhờ thế, chàng sẽ dễ dàng hơn, nhận ra tôi. Và nhờ thế, dĩ nhiên, cũng có vẻ tự nhiên, bất ngờ hơn cho sự "ra mắt" này.

Cuối cùng, khi tôi vượt lên hàng đầu của đám khán giả đứng chật giữa hành lang, thì Lãng đã nhường bục gỗ cho một nữ ca sĩ. Tôi đảo mắt tìm chàng. Không thấy. Có lẽ chàng đã lui vào sau cánh gà? Người nữ ca sĩ bắt đầu hát. Một bài hát quen thuộc. Bài hát một thời mà cả tôi lẫn chàng đều thích. Bài "Hoài Cảm." Tuy nhiên, tôi không chú ý lắm. Tôi đến đây, không để nghe hát.

Tôi tìm Lãng. Tôi tìm lại đời tôi, những tưởng vĩnh viễn mất. Tôi tìm lại tôi, những tưởng đã vĩnh viễn chôn vùi. Bài hát dứt. Tiếng vỗ tay ào ào, như biển cuộn.

Cảm tưởng giống như sóng biển bất giác khiến tôi nổi gai ốc. Tôi nghe hơi lạnh chạy ngược từ đôi chân lên đến bụng, đến ngực và sau chót là gáy. Hình như tất cả tóc trên đầu tôi đều dựng thẳng, đều xóc ngược. Đâm ra…

Tôi nghe nhức buốt ở một nơi nào đó trên thân thể. Tôi nghe máu rỉ… Thoạt tiên hơi âm ấm, rồi lạnh dần ở đâu đấy, in là nó đang chảy dọc theo hai ống chân…

Người nữ ca sĩ nói tên bản nhạc kế tiếp cô ta sẽ trình bày. Tiếng vỗ tay lại ào ào dấy lên. Lần này dữ dội hơn, gấp gáp hơn. Tiếng vỗ tay như tiếng sóng biển dội đập vào đôi màng tang tôi, âm ngân không dứt. Không dứt. Nó kéo dài. Dài mãi. Mỗi lúc một nháng động, chát chúa hơn. Những cơn đau xé rách thịt da trong tôi, cũng nhồi theo tiếng dội vang ấy mà gia tăng. Những giòng máu đâu đó nơi thân thể tôi, cũng ồ ạt tuôn ra, xối xả…Tôi kịp nhận biết mình bắt đầu bị xây xẩm. Tôi kịp nhận ra mình sắp xỉu ngã, sắp hôn mê, như liên tiếp những ngày chưa xa, trên hoang đảo…Tôi biết…Tôi biết…

Nhưng…Không…Không. Mày không được phép xỉu…Mày không được phép ngã…Như mày đã không được phép cắn lưỡi. Không được phép treo cổ…Không được phép gieo mình vào giữa lòng biển cả. Chẳng có gì, chẳng cách nào rửa sạch được mày. Vết ô uế trên thân thể mày ăn vào tận máu. Đã thấm tận xương. Những ô nhục kia, dù cho mày có chết ngay hôm qua, hay giữa hôm nay, thì cũng chẳng vì thế mà tàn phai. Có xóa được đâu, quê hương cũ! Có xóa được đâu Việt Nam xưa! Có giết được đâu, tình yêu lớn. Mày phải sống. Sống với vết nhơ nhuốc thường trực trên thân thể, trong thịt da, trong máu óc của mày. Mày phải sống, sống để "ra mắt" chàng – ra mắt Lãng- ra mắt Lãng với tất cả nhơ nhớp của thể xác.Nhơ nhớp biển đông. Nhơ nhớp của bày thú người reo hò, nhảy múa trên thân thể mày lõa lồ giữa hoang đảo. Giữa trời đất. Giữa mắt nhắm đau thương, bất lực đồng bào, ruột thịt…chính là cái nhơ nhớp cụ thể nhất, tượng trưng cho Việt Nam mày hôm nay. Mày phải sống, phải đem cái nhơ nhớp đó, đi khắp nơi. Phải nói với toàn nhân loại, phải kể với cùng thế giới mày là ai? Biển là gì? Đảo ra sao? Và vì đâu? Vì ai? Mày mang vết ơ uế kia. Không. Mày không có gì để nhục. Trước sau, mày chỉ là một đứa con gái. Một đứa con gái Việt Nam, sau 75. Và Việt Nam sau 75, có thể tượng trưng bằng mày; một đống thịt xương bầy nhầy, trong tiệc liên hoan của thú. Bầy thú người lên cơn bạo dâm. Bày thú bạo dâm liên hoan trong những bữa tiệc thịt người như thế, đã bao năm trên ở ngay trên quê hương, trên đất nước mày. Vì thế, mày phải ra đi. Vì thế, mày trở thành đứa con gái Việt Nam sau 75.

Tôi lảo đảo? Thật sự lảo đảo. In là tôi không còn bảo được tôi. Tôi không thể đứng vững chờ tới lúc chàng trở lại bục gỗ, để nhìn thấy tôi, áo đỏ, đứng hàng đầu đám khán giả. Tôi nghe lạnh? Đúng vậy. Lạnh đều khắp châu thân. Hình như tôi đã la lên. Tôi đã thét. Thất thanh. Tôi đã gọi Lãng, Lãng. Và tiếng vỗ tay, tiếng sóng gào…chấm dứt cùng lúc thân xác tôi đổ xuống mặt thảm. Rồi đèn bật sáng. Tiếng chân chạy. Mọi người ù té chạy? Mọi người xô nhau chạy? Hình như mọi cánh cửa đều được mở ra, cho tất cả người chạy thoát? Luôn cả chàng, luôn cả Lãng.

Trong ánh đèn rực sáng, tôi nằm lỏa lồ trên mặt thảm. Hệt như bao ngày, trước đây, tôi cũng đã nằm như thế ở hoang đảo. Và sóng biển và, nhơ nhuốc đã hết đợt này lại tiếp đợt kia, vầy vọc thân xác tôi. Vầy vọc vết thương tôi. Vầy vọc cả mủ và, máu tôi tanh tưởi.

1980

Hạnh Phúc Tôi Riêng

Chỉ cần nhìn vào mảnh vườn trước, người ta cũng đã có thể biết ngay rằng ngôi nhà không được trông nom hay nó thiếu một bàn tay chăm sóc, nói một cách khác.

Buổi sáng, nắng chan hòa trên cỏ, với những khoảng úa vàng vì thiếu nước. Tự nơi khe hở của những miếng gạch tàu lát trên lối đi dẫn lên bậc tam cấp, những viên đá trắng bị che lấp bởi cỏ dại, và rêu bám trên mặt những miếng gạch khiến màu đỏ tươi biến thành màu nâu đất. Cây trúc đào ngang tầm người ngã vào lòng lối đi. Những cành chĩu hoa, như cố gắng vươn dài cánh tay hoa để chạm tới khóm tre già chen chúc xum xuê cũng loe ra, che rợp một phần lối đi. Trên bậc tam cấp, sương đêm còn ướt một khoảng xi măng. Trên đó rải rác những bông hoa giấy bị gió bứt khỏi cành từ nhiều ngày trước. Xác hoa như xác pháo làm nổi bậc màu xanh của cây trầu bà bám vào bức vách mầu đen và làm sáng thêm những bông hoa nhỏ tí nở ra trên đầu những cọng cây nhền nhện. Cánh cửa lớn bằng gỗ dầy im ỉm như đã được niêm chết. Nắm khóa đồng hoen ố chứng tỏ tuổi già của căn nhà, cũng phụ họa hay về hùa với vẻ cổ độ này.

Hàng xóm, những người bản tính nhiều chuyện, tò mò ghi nhận rằng, thản hoặc, vào ban đêm căn nhà có có lúc rộn rã tiếng người. Những ngày khác, nó lạnh lẽo như một nấm mồ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của người đàn bà sống trong căn nhà đối diện thì thỉnh thoảng, vào những giờ khắc không nhất định, có một người đàn ông xuất hiện, nhặt những tờ nhật bào vứt trên "drive way," hoặc thu gom thư từ, giất tờ nhét căng chiếc thùng thư trước cửa. Ông ta thường ngắm nghía khu vườn bằng một dáng điệu lơ đãng, trước khi vào nhà bằng ngõ garage.

Nhưng kể từ nhiều ngày qua. Không hiểu do biến cố nào, cánh cửa lớn bằng gỗ dày của căn nhà đã được mở rộng. Nếu cần phải nói một cách chính xác, thì dường như nó đã được mở ra vào một buổi sáng thứ hai; ngày xe đổ rác đi qua mỗi tuần; lúc nắng đã chan hòa mảnh vườn trước, và những cành trúc đào ngã vào lối đi đã nắm tay những cành tre ngà, suốt một mùa qua không ngừng xào xạt tiếng lá.

Cô bé rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành lớn kê sát cửa ra vào. Chiếc áo đầm đồng phục màu xanh nước biển với những nếp gấp song song chảy xuống lưng chừng đôi chân thon mỏng mảnh. Vớ trắng một phần được dấu trong đôi giày bít màu đen, phần trên là chiếc chemise trắng, vai bồng, cổ khoét lá sen.

Người đàn ông ngồi nơi chiếc ghế cao hơn so với bộ salon kê sát tường. Họ đối diện trong một khoảng cách đủ gọi là xa. Người đàn ông gỡ cặp kính cận khỏi mắt. Ông không dấu được nỗi xúc động.

Trạng thái tình cảm ứa tràn này dường như đã làm căng trở lại những nếp nhăn trên vầng trán ông. Những tế bào già nua cằn cỗi trên gương mặt ông như trẻ lại. Những lượng máu náo nức chảy ngầm nhưng rần rộ, đi vào từng tế bào.

Người con gái ngồi đó. Cô vẫn bất động như tĩnh vật. Như bình hoa hay bông hoa? Không. Trong mắt nhìn của người đàn ông, cô gái không phải là một bông hoa. Nàng là cả một khóm hoa. Một khóm hoa mười giờ, đã nở rộ, đâu đó, trong quá khứ chàng.

Một chùm hoa móng tay đã sống lại trong trí nhớ mịt mù, của những ngày con dốc Hồng Thập Tự đổ xuôi về chân cầu Thị Nghè. Người con gái ngồi đó. Cô không một cánh hoa. Cô là cả một chùm hoa. Những chùm hoa úp xuống như những cái chuông nhỏ tí, thánh thót, ngân nga một điệu nhạc êm đềm đã vắng.

Trái tim cỗi già của người đàn ông sống lại. Những giác quan tưởng đã khép kín vĩnh viễn, bỗng tình cờ, một giây, hồi sinh. Trẻ thơ. Nồng nàn. Như…nắng.

Có những đời người tưởng chừng vĩnh viễn chết đi, bỗng sống lại do một nhắc nhở, hay một trùng hợp tình cờ nào đó của quá khứ.

Ý nghĩ trên tuồng đã thoáng qua trong đầu người đàn ông, khi hình ảnh chiếc P.C. buổi sáng doanh trại hay buổi trưa bên ngoài bức tường thành con đường rợp là Saint Paul. Những ảnh tượng xưa cũ nhập nhòa. Nhẩy múa. Tuyệt vọng như đồng tiền bất ngờ được lật qua mặt khác. Mặt của đời sống rực rỡ cháy lại lửa ngọn si mê. Cuồng nhiệt.

Người đàn ông nhắm nghiền đôi mắt. Ông muốn dấu những hạt sương sớm mai long lanh sau bao năm cằn cỗi?

Lúc người đàn ông mở mắt, ông bắt gặp hình ảnh người con gái ngồi bất động với tia nhìn hiền từ, chứa chan tội nghiệp. Những ánh nhìn của một người mẹ dịu dàng, dành cho đứa con ngu dại?

Người đàn ông dang tay. Cô gái a lại. Nàng a vào lòng người đàn ông, như một thiếu nữ a vào lòng người cha mới gặp lại …sau nhiều năm thất lạc.

Lúc này, những đôi mắt cùng khép. Những giọt lệ cùng ứa ra. Cùng ngậm ngùi, chảy xuống. Tuy nhiên, có thể mỗi giòng lệ đã mang theo nó một nỗi đớn dau riêng mà, chẳng ai hiểu rõ.

Mặt trời đứng ngay trên đỉnh đầu cây bơ, nên tàn lá hắt xuống bãi cỏ giống như một cái dù có những chiếc gọng lớn.

Người con gái với đôi chân chim chạy nhảy chung quanh chiếc ghế xếp có người đàn ông ngồi duỗi chân, thư thả.

Người con gái ngắt một bông hoa dại nhú lên giữa đám cỏ xanh mượt. Cô chạy lại phía người đàn ông. Cô hỏi:

- Có đóa hoa nào chẳng bao giờ tàn không ông?

Người đàn ông gật đầu:

- Có đóa hoa trinh tiết

- Tại sao?

- Vì trinh tiết hay lòng thủy chung được truyền người đàn bà này qua người đàn bà khác.

Người con gái lại hỏi:

- Như vậy phải thời gian là đơn vị dài nhất?

Người đàn ông lắc đầu:

- Không. Thời gian là đơn vị ngắn nhất?

- Vậy đơn vị nào dài nhất?

- Tình yêu.

- Ông giảng nghĩa cho Bé đi.

- Vì tình yêu ở ngoài không chỉ thời gian mà ngay cả không gian nữa.

Người con gái lại tiếp tục hỏi thêm:

- Còn nhan sắc? Có khi nào chẳng nhạt phai?

Người đàn ông gật đầu:

- Có. Nhan sắc của kỷ niệm. Nếu người ta có thể nghĩ, kỷ niệm cũng có nhan sắc.

Người con gái đưa một ngón tay vào giữa đôi hàm răng trắng bóng, như ngọc. Đôi mắt cô tròn xoe. Người đàn ông nhìn thấy bóng những chiếc lá bơ lớn lay động trong đó. Người đàn ông mỉm cười. Nụ cười thoáng qua rất nhanh. Nhưng người con gái kịp thời bắt được. Cô vẫn giữ ngón tay út cong trên miệng.

- Thế nào là nhan sắc của kỷ niệm?

Người đàn ông lần nầy thành tiếng. Ông lắc đầu:

-Rất khó để giảng cho bé hiểu thế nào là nhan sắc của một kỷ niệm.

Người con gái bỏ tay xuống, đứng thõng:

- Cái gì ông cũng biết hết cơ mà. Bé tưởng…Hay ông muốn nói với Bé?

Người đàn ông ngồi dậy, sau khi đã điều chỉnh lưng ghế phía sau.
Ông xếp hai chân về một phía, ra dấu cho người con gái ngồi xuống. Ông nói trong lúc bàn tay sần sùi khô cứng lùa vào mái tóc óng như những sợi tơ non. Ông bắt đầu với giọng khó khăn, lúng túng:
- Kỷ niệm…kỷ niệm là phần rớt lại phía sau của những bước chân của đường đời sống mà ta đã đi qua… Tất cả đều biến dạng. Tất cả đều mất hút. Trừ cái phần rớt lại kia. Người a gọi đó là kỷ niệm. Có người nói, kỷ niệm có thể làm sống lại hay chết đi đời sống một lần nữa . Kỷ niệm… (người đàn ông phát tay làm một cử chỉ như để phụ diễn thêm cho điều khó diễn tả trong đầu). Như mười năm nữa, Bé sẽ nhớ lại kỷ niệm của buổi trưa nay. Và như vậy có phải kỷ niệm đã là một nhan sắc chẳng bao giờ tàn phai không?
Người con gái hóm hỉnh quay đầu nhìn sâu vào đôi mắt buồn rầu trở lại của người đàn ông:
- Như hiện tại, ông đang sống lại với kỷ niệm nào? Bé muốn nói kỷ niệm của chín năm, hay mười một, mười hai năm?
Người đàn ông bị lôi tuột ra khỏi giòng sông hồi tưởng mà ông đang dầm mình trong đó.
Với ngỡ ngàng, người đàn ông nói:
- Bé hỏi gì?
Người con gái vẫn tinh nghịch:
- Điều ông đang nghĩ.
Người đàn ông gật đầu:
- Tôi đang sống lại.
- Từ nơi đâu.
- Từ nơi…Bé.
- Bé không tin.
- Người ta chẳng bao giờ muốn tin sự thật. Kể cả Bé. Cũng như người ta không biết rằng nỗi đau đớn khủng khiếp nhất của một cuộc đổ vỡ, không phải là sự chia lìa mà chính là dư âm của chia lìa ấy.
Người đàn ông vừa nói vừa kéo người con gái ngã đầu vào ngực mình. Cô bé ngoan ngoãn nép mặt vào ngực ông. Cô phân biệt được nhịp đập không đều hòa của trái tim cô và nhịp chậm đều của người đàn ông. Cô nói:
- Ông bảo Bé phải tin một sự thật Bé chưa được biết. Phải chăng càng lớn người ta càng trở nên độc đoán và vô lý?
Người đàn ông gọi khẽ:
- Bé.
Người con gái ngước đôi mắt trong veo sát mặt người đàn ông. Ông hôn như cắn nuốt đôi môi cô.
Cô trân người chịu đựng. Có dễ cũng nhiều giâu sau, cô mới bật khóc. Người đàn ông vỗ về. Ông nghe lòng mình trùng lại. Hơn ai hết, lúc này, ông hiểu, ông chẳng thể chạy thoát cái nhan sắc của kỷ niệm. Quá khứ. Những vô hình ở phía sau mái tóc bắt đầu bạc. Những đốt tay nhăn từng nếp xếp. Những chiếc sẹo có thêm trên thân thể của người đàn bà đã từng cho ông kỷ niệm.
Riêng người đàn bà đó, có thể đã không nhìn thấy sự vĩnh cửu của kỷ niệm. Cũng như nàng quên – từ bao lâu – vết chàm trên vầng trán nàng, dù cho nó vẫn ở đó. Vĩnh viễn ở đó.
Sau buổi trưa ở vườn sau, cánh cửa lớn bằng gỗ dày lại khép kín. Như cũ.
Những người hàng xóm nhiều chuyện và tò mò nói rằng họ không thấy người đàn ông nhặt báo và lơ đãng nhìn khu vườn phái trước nữa.
Ông ta đã ra đi, sau khi cái nơi hộp thư, một lá thứ không con tem và mở ngỏ. Lá thư có nội dung như sau:
"Yêu dấu,
Những tưởng bố có thể sống được với một đời sống khác. Những tưởng bố có thể hồi sinh với những thay thế tinh khôi và trinh trắng. Những tưởng sự chứng minh cho bản chất tự hào, kiêu căng giống đực của bố, có thể quật ngã được những gì yêu dấu đã để lại trong đời sống bố trên mười năm qua…Những tưởng…Những tưởng…
Yêu dấu,
Giờ bố mới biết bố không thể dập tắt được ánh nắng sớm mai, sân trại một ngày cuối năm. Lúc những bông hoa móng tay nở rực một bờ hè. Chiếc P.C., màu jupe lycée. Nụ cười và mái tóc…
Yêu dấu, Giờ bố mới biết bố không thể xé nát buổi chiều trên một cao ốc – nước mắt yêu dấu, giọng hát bố - với Trương Chi. Giấc ngủ ngắn với đớn đau xé thịt.
Cũng bây giờ bố mới biết bố không thể đốt thành tro bụi con đường Đinh Tiên Hoàng. Căn gác xếp Hàng Xanh. Cây cầu Thị Nghè. Đêm Đà Lạt. Sáng Vũng Tàu. Hàng dương bãi sau…Có thịt xương nào đã nát…
Yêu dấu,
Cũng giờ bố mới biết, yêu dấu cũng chẳng tài giỏi gì hơn bố đâu. Một khi chiếc bóng vẫn còn quẩn dưới chân ta. Một khi yêu dấu có nạo đến xương, thì vết chàm vẫn đó.
Yêu dấu,
Mọi cố gắng trốn chạy hay chối bỏ, chỉ cho thấy rõ hơn sự bất lực của ta, ở mặt bên kia mà thôi. Cũng như ở một xó xỉnh nào đó của tiềm thức, bố hiểu yêu dấu vẫn còn thường cầu: "Xin Chúa hãy quay lưng khi chúng tôi yêu nhau, bởi vì chúng tôi không cần ngài chứng giám."
8.1983
Năm 1984
Du Tử Lê
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc x...