Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Một chiều nắng gió thánh địa Mỹ Sơn

Một chiều nắng gió
thánh địa Mỹ Sơn

Tôi đến Quảng Nam vào một ngày hè oi ả, cái nắng miền Trung rát rạt xuyên qua làn da mỏng mảnh, luồn vào chiếc áo chống nắng kín mít, len lỏi từng sợi tóc thấm đẫm tôi – một cảm giác nực không tả.
Thế mới biết người dân ở đây nhuộm sương gió dặm trường với tiết trời khắc nghiệt như thế nào!
Hội An đón tôi vào khoảng 13h chiều, chọn cho mình một homestay bình dị nhất có thể, tôi vội vã bắt xe về Mỹ Sơn.
Anh lái xe người Cẩm Phô, suốt chặng đường hơn tiếng đồng hồ vô cùng cởi mở và khá sửng sốt khi thấy tôi chọn Mỹ Sơn là nơi để đến, anh nói với tôi bằng giọng đậm xứ Quảng, cho dù có những từ địa phương mà cố lắng nghe tôi cũng không thể nào dịch nổi.
“Một trắm người khách Việt Nam chỉ có khoạng hái đến ba người chọn về thánh địa Mỹ Sơn như ếm, người ta thường đến rừng Dừa Bảy Mẫu, Cù Lao Chàm, hay bãi biển An Bàng…”
Thú thật, với tôi Quảng Nam là một vùng đất hoàn toàn xa lạ mà mình chưa từng đặt chân đến, không hề  có dự định, thời gian dành cho sự khám phá kiến trúc của người Chăm Pa, bởi chuyến đi này không phải là du lịch, mà tôi là một trong 138 đại biểu vinh dự được dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Đà Nẵng nửa cuối tháng 6.2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Thế là tranh thủ nửa ngày tôi ghé đất Quảng Nam.
Từ Hội An về tới Mỹ Sơn tầm bốn mươi lăm cây số hướng phía Tây, khúc đường rợp hai hàng cây xanh mướt, phải chi có sức khỏe lẫn nhiều ngày, nhất định tôi sẽ thuê xe máy chạy và chắc chắn đó cũng là một sự trải nghiệm vô cùng tuyệt vời, sẽ uống nắng uống gió uống trọn những mặn mòi mà nơi đây đem lại.
Sợi nắng mềm mại kia đang len lỏi nhảy múa xuống lòng quốc lộ như những bông hoa làm rã rợi chiều trong tôi, dòng sông Thu Bồn thơ mộng yên ả như chính cái tên của nó.
Xe đỗ trước cổng khu thánh địa, đây là địa phận thuộc huyện Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam.
Đón tôi là một bác tài xế xe điện chừng ngoài năm chục tuổi, mặc trên người chiếc đồng phục màu xanh nhạt ướt sũng mồ hôi, đầu đội mũ cối và khuôn mặt toát lên đầy màu nắng gió chai sạn của người đàn ông xứ Quảng, bác chở tôi vào sâu trong thung lũng khoảng 2 cây số, vừa lái xe vừa hướng dẫn cho tôi những nơi tôi sẽ đến
Bước chân xuống đã là 15h chiều, như vậy tôi chỉ có khoảng hai tiếng mấy để lang thang trong khu này.
Tôi là dân Nam Định, chỉ vì mê sự rêu phong nhà thờ Đổ mà tìm đến đây.
Và tôi đã hoàn toàn bị choáng ngợp trước sự hùng vĩ của những toà tháp Champa đồ sộ cổ kính, những bức tường gạch hàng nghìn năm tuổi ẩn sâu trong trùng trùng núi rừng, tôi mê mẩn chạm tay vào dòng chữ tiếng Phạn, tiếng Chăm…
Dường như có một sự linh thiêng nào đó chạy vụt trong tiềm thức, những vân hoa mềm mại, tượng thần Siva và đâu đó vang lên tiếng nhạc của điệu múa Apsara đầy mê hoặc mà cô gái ngoài kia đang biểu diễn.
Trước khi đặt chân vào thánh địa, tôi hoàn toàn không có một chụt kiến thức gì về văn hóa kiến trúc của người Champa, càng nghĩ đây có lẽ là lăng tẩm để chôn những vị vua Chăm còn lại.
Hóa ra thánh địa Mỹ Sơn không những có lăng tẩm, mà vùng đất thiêng liêng này còn được vua Champa thời ấy chọn làm nơi tế cúng thần linh, thần Linga- Yoni… cầu cho dân tộc mình bình an, mùa màng tươi tốt.
Tháp có một bề dày lịch sử khủng khiếp với gần hai nghìn năm tuổi.
Bác tài xế nói với tôi rằng, tháp được xây dựng đầu tiên vào thế kỷ thứ IV, từ thế kỷ thứ VII cho đến thế kỷ thứ XIII gần 7 thế kỷ xây thêm 70 tòa tháp tương đương với 70 vị vua, mỗi vị vua xây dựng 1 đền thờ.
Tiếc là thời gian có hạn tôi đã bỏ lỡ một buổi biểu diễn của nghệ sỹ người Chăm từ Ninh Thuận ra Mỹ Sơn để quảng bá nét văn hóa dân tộc mình.
Vì là đi một mình lại không có người hướng dẫn giới thiệu, cho nên tôi cứ tự lần mò quanh quẩn với những bức tượng, con suối Khe Thẻ kỳ bí nằm vắt ngang róc rách hòa lẫn với tiếng chim làm cho một buổi chiều của tôi thật êm ả.
Mỹ Sơn hôm nay vắng, bên kia có đoàn khách tây họ đầu trần đội nắng để tham quan vùng đất còn nguyên vết tích của vương quốc Champa, tôi lang thang qua khu bảo tàng ngắm những vật cổ nguyên vẹn sót lại, Mukhalinga là biểu tượng sinh dục nam nhô ra chiếc đầu của thần Siva, một kiệt tác duy nhất còn sót lại ở Việt Nam, rồi các bia đá, tượng cổ, những viên ngói cũ kỹ…
Mặt trời lúc này đã bắt đầu rúc xuống núi nấp sau đám mây màu ngọc bích, chỉ còn sót lại những tia hoàng hôn đỏ quạch, chim vẫn hót, suối vẫn róc rách, cây rừng vẫn hao hút xào xạc… và còn rất nhiều những viên gạch xếp chồng lên nhau tạo thành những ngọn tháp kỳ bí mà tôi chưa kịp chạm tới nữa.
Ra về lòng tĩnh mịch một cảm giác khó tả, tôi cũng đã kịp mua cho mình một chiếc khăn quàng cổ thổ cẩm do chính người Chăm dệt bằng tay để giữ làm kỷ niệm.
Tôi yêu đất nước mình, yêu bản sắc dân tộc vùng miền, và đặc biệt bị kích thích bởi những phôi pha mà thời gian bao phủ.
Một chiều ít ỏi với Mỹ Sơn nhưng chắc có lẽ đó là một chuyến đi không bao giờ tôi quên được, con người thật thà nhiệt thành và giản dị ở đây, sự kỳ vĩ của lịch sử, của đất trời.
Anh lái xe đón tôi với nụ cười dễ mến và những câu hỏi dồn: Em có mệt không? Có thấy đẹp không…?
Suốt chặng đường trở về tôi mênh mang với vài suy nghĩ, sẽ có lần tôi dành thời gian nhiều hơn để trở lại với vùng đất đầy nắng và gió này.
16/8/2022
Lê Nhi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đường l...