Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Ngôn ngữ phê bình của Chu Văn Sơn - qua "Đa mang một cõi lòng không yên định"

Ngôn ngữ phê bình của Chu Văn Sơn - qua
"Đa mang một cõi lòng không yên định"

Nhà phê bình Văn Giá từng khẳng định “Nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn là người nổi tiếng giàu chữ và kĩ chữ”. Thật vậy, đọc phê bình của thầy Chu, người đọc như được sống trong một “biển chữ cuộn sóng”, trong đó mỗi con chữ luôn động đậy, xô đuổi, sôi trào, gầm gào, vượt thoát khỏi những ràng buộc định sẵn để “tự tình cùng cái đẹp”. Chữ gọi hồn vía của tâm tư, gợi hồn vía của đối tượng. Những con chữ  của Chu Văn Sơn đã góp phần làm nên một giọng phê bình độc đáo, sắc sảo và vô cùng uyên bác, tinh tế.
43 bài viết trong tập sách “Đa mang một cõi lòng không yên định” đã soi chiếu những tâm tư, đánh giá của họ Chu về những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình cùng những sáng tác của họ. Đây là những tâm tư có trữ lượng khoa học, giàu xúc cảm và đặc biệt mang những “hấp lực” từ “cuộc săn đuổi chữ, truy tìm chữ”.
1. Săn tạo chữ, truy tìm chữ
Ngữ ngôn luôn chứa đựng những ma lực. Đọc phê bình Chu Văn Sơn, thấy điều này càng rõ rệt hơn bao giờ hết. “Cõi lòng không yên định” của thầy Chu đã được tỏ bày ít nhiều thông qua hành trình săn tạo chữ, truy tìm chữ. Những con chữ “phê bình” dường như cũng có những cá tính, có cái thần, cái khí của người luôn hướng vọng, mải miết và trăn trở về cái đẹp trong cuộc đời.
Đó là những con chữ được sáng tạo mới nhờ phương thức láy như thanh thỏa, day dở, xốp xoáp, se xót, hư hoảng, trồi trội, diều diễu, thỏn mỏn, lắc tắc … ; nhờ phương thức ghép như kết tỏa, se thắt, trào bốc, xoáy cuộn, tuôn xối, kết đọng, bầm hoen,  tỏ rạng, hư thoảng, vờn vẽ, che quấn, non lép, khúc thức, cảm niệm, hợp trội, giả trá, tạng chất, săn rình, lấn vượt, tán lạc, vạch vòi, hao vơi, dằn hắt… Có thể thấy, lối cấu tạo từ ngữ theo hướng ghép “bao gộp” vẫn là lối cấu tạo cơ bản trong phê bình của Chu Văn Sơn. Nhờ đó, câu văn phê bình trở nên hấp dẫn hơn, lạ hơn và đòi hỏi sự “tư duy” khi người đọc đọc văn bản. Ví dụ “Nếu trong tự nhiên, hiện tượng trung gian chủ yếu là tự phát, thì trong nghệ thuật, giao thoa là chuyện khá tự giác, dù cả hai đều tuân theo một cách thức chung là hợp trội.” Hợp trội theo cách lí giải của Chu Văn Sơn “không phải là sự cộng ghép/pha trộn đơn thuần giữa hai đơn chất/đơn thể thành một hỗn hợp. Mà nó là sự hòa hợp/ hợp chủng để tạo ra một hợp thể/ sinh thể mới mang những phẩm chất vượt trội so với những đơn chủng ban đầu” (tr52). Như thế, “hợp trội” chính là sự kết hợp của hòa hợp và vượt trội sau đó giảm thiểu yếu tố thứ nhất và thứ ba để giữ lại yếu tố có sức nặng về nghĩa (yếu tố thứ hai và thứ tư). Cùng với mô hình của hợp trội là những kết hợp như cảm niệm (tình cảm + khái niệm), triết thuyết (triết học + lí thuyết), phản trái (phản chiếu + trái ngược), giản phác (đơn giản + chất phác), thiết cốt (cần thiết + cốt yếu), tiếc xót (than tiếc + xót xa)… Ngoài ra, thầy Chu cũng rất ưa dùng những từ ngữ theo dạng ghép hợp nghĩa có sự kết hợp của hai động từ mạnh để “pha trộn” trong lời bình. Ví dụ, nhận định về thơ của Nguyên Hồng “Cái không khí sôi sục, trào bốc cùng những cơn lũ của hình tượng hình ảnh mà lúc nào ta cũng gặp trong thơ Nguyên Hồng chính là sản phẩm của con người này chứ sao” (tr37); nhận định về tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm “Kinh Bắc thực tại thì như sau cơn bão, bầm giập, rách tướp”… Lại có khi, những từ ngữ mà thầy Chu dùng không tuân thủ trật tự thuận thường thấy mà có sự hoán đổi về trật tự để tạo ra những khác biệt trong ngữ ngôn. Đó là sâu đằm (nhân vật sâu đằm súc tích nhất của mình chẳng phải ai khác mà chính là nàng Vọng Phu – tr72); nén dồn (giải tỏa tâm trí, nghĩa là nó tương đương với sự bùng nổ của một nhiệt năng tâm hồn được tích tụ, được nén dồn trong trái tim ấy – tr36); ráo khô (Giọt nước mắt cuồng nộ của thiếu nữ cầm trong tay quả bóng màu đã thành giọt lệ ráo khô của Người đàn bà ngồi đan- tr25); dạt trôi (Chỉ thấy dạt trôi lạc lõng vô định giữa tạo vật và nhân gian – tr 204); xác thân (Phần xác thân trần tục, họ đành chung sống; phần tinh thần cao khiết, thì họ chối từ – tr112); gọt đẽo (Quí lời, kiệm lời đã thành một bản năng hoàn toàn thuần khiết chứ không phải cái cách của gọt đẽo, gắng gỏi, vặt trụi, tước bỏ đầy kì công – tr87); tồn sinh (Bị tước đoạt thực tại, thơ ca tất phải tạo ra thực tại của mình để tồn sinh – tr200); thiếu khuyết (Tình tự là lúc vượt thoát nỗi cô đơn bản thể, vượt thoát mặc cảm thiếu khuyết – tr339), nấu nung (Bao nấu nung sôi sục để tranh đấu cho lẽ phải thường lặn khuất sau một sắc diện lạnh như không – tr130)… Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác như lấp vùi (tr109), dấu in (tr135), mong cầu (tr23), lõi cốt (tr206)… Những cách dùng như thế khiến ngôn ngữ Chu Văn Sơn trở nên “khoái thú” và hấp dẫn bạn đọc.
Tập sách  “Đa mang một cõi lòng không yên định”
Nhiều yếu tố Hán Việt rất ít dùng một cách độc lập mà chỉ tồn tại trong kết hợp từ nay cũng được “quẫy đạp” mãnh liệt trong văn thầy Chu như biếng (ngòi bút phê bình biếng chuyển động – tr102),  cam (ý khổ mà lời cam là thế – tr27)… Ngôn ngữ phê bình của thầy Chu cũng “ưa” dùng nhiều kết hợp Hán Việt vốn ít xuất hiện trong đời sống như hỏa tâm, nhiệt tâm, nộ khí, xâm thực, nhược tật, khuyến dụ…  Điều này khiến văn phê bình Chu Văn Sơn vừa có cái riêng không trộn lẫn, vừa có cái bóng bẩy, hấp dẫn trong ngữ ngôn của những kết hợp Hán Việt mang lại.
Tất nhiên, có nhiều khi những cách dùng này chỉ mang lại âm hưởng của con chữ còn nghĩa chưa có những định hình chuẩn xác, vì thế có thể gây ra sự khó hiểu cho bạn đọc. Ví dụ “Hồn là làn hương hư hoảng vương vấn thoát lên từ bầu nhụy của câu chữ – tr60); “Dù chị viết về Mẹ với nỗi ân hận chân thành, viết về Biển với khao khát khôn nguôi, viết về cát với dày vò day dở – tr27”; “ …chúng in hình lên một nền trời được dựng bằng nhạc mà nhạc lại được đạo tấu bằng ánh sáng – tr 39”… Dường như, dòng chảy của ngữ ngôn đang chạy theo dòng chảy của thứ tâm tư, xúc cảm đang tràn lấn, bươn tỏa vì thế ngữ ngôn ở đây là ngữ ngôn của cảm xúc mà cảm xúc thì ranh giới đúng – sai có phần xô lấn nhau.
2. Xếp đặt chữ
Săn tạo chữ đã tài tình, xếp đặt chữ lại tài tình hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ cái hấp dẫn của giọng văn phê bình Chu Văn Sơn phần nhiều ở sự xếp đặt này. Câu văn của thầy Chu vì lẽ đó thường dài do ưa dùng các từ ngữ có tính đồng hướng, đồng hướng theo kiểu tăng cấp hoặc đồng hướng theo dạng liệt kê.
Ví dụ: Điều gì khiến những sáng tác rời rạc, rải rác, bề bộn kết thành môt bức tranh duy nhất, những mảnh vỡ gắn thành một nhất thể. (Thanh Thảo với Trường ca, tr144); Gắng chịu đựng và vượt qua những nắng nôi, bỏng sôi, giông gió để đến với những cảnh giới u tĩnh, thanh nhã (Lời nguyện cho nỗi yên hàn, tr24); Và nếu như thời gian rồi sẽ xóa bớt đi ở một đời văn những gì là xốp xoáp, pha tạp, lễnh loãng, những lớp bồi, lớp độn và chỉ giữ lại những gì cốt lõi nhất, tinh chất nhất… (Đường tới Cỏ lau, tr73); Nó sẽ âm thầm dẫn dắt anh tìm đến với những vẻ đẹp sáng tiềm ẩn ngay trong những thô sơ, giản phác, bình dị, mộc mạc (Trường hợp Thanh Thảo- nghĩa khí và cách tân – tr131)
Tôi nghĩ những câu văn có những từ ngữ xếp đặt theo kiểu “chồng chất” này khiến câu văn trở nên góc cạnh hơn, sâu sắc hơn, đặc biệt người đọc cần có những “suy tư” cần thiết khi tiếp nhận. Cũng phải nói thêm rằng, việc xếp đặt này dường như đang “chạy” theo những suy cảm có tính bùng nổ của thầy Chu, bùng nổ cho nên con chữ đã không “kiềm tỏa” được chính nó.
Xếp đặt chữ có tính đồng hướng đã đành, cái tài của Chu Văn Sơn còn ở chỗ luôn tạo ra những  thế tương liên, thế đối lập về chữ, về nghĩa trong lời văn. Chúng ta gặp rất nhiều những tương liên chữ nghĩa này trong phê bình của họ Chu như “Vì thế, phức điệu mà rành rẽ, tán lạc mà mạch lạc, ngẫu hứng phóng tay mà vẫn theo điệu theo bè” (Thanh Thảo với trường ca – tr153); “Dù chị viết về Mẹ với nỗi ân hận chân thành, viết về Biển với khao khát khôn nguôi, viết về cát với dày vò day dở, viết về những nhân cách mà chị ngưỡng mộ, xa xót, tri âm, hay viết về tình yêu với những nguyên cầu day dứt” (Lời nguyện cho nỗi yên hàn – tr27); “Con người cứ lặng lẽ là mình. Không màu mè, không ồn ào, không phô phang, không diễn.” “Trong thơ, kẻ viết nào chỉ chờ chộp từng ý tưởng, lượm từng thi tứ, vớt từng cảm xúc…” (Thanh Thảo với trường ca – tr147)… Những tương liên, đối lập về chữ nghĩa này đã tạo ra âm hưởng của sự trùng điệp trong lời văn. Vì thế, văn đấy cũng là thơ đấy, đọc văn mà như cảm nhận được tính nhạc trầm bổng trong lời. “Kẻ bắn lén không thể ngờ, từ vết thương sâu, lại nảy mầm sáng tạo, lại nở ra những đóa thi ca, lại tượng hình những thi pháp” (Hoàng Cầm – gã phù du Kinh Bắc- tr200); “Việc như thế một kiếp thi sĩ làm sao kham nổi! Không mặc cảm, không đùa bỡn, không kiêu bạc. Chỉ đơn giản là Duy đang trình bày mình, đang phơi trải mình, đang trưng bày cái tông tích mình, cái cội rễ thơ mình đó thôi” (Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân – tr282); “Yêu thích những ca tụng, tán dương. Thương ưa được thấu cảm, chia sẻ. Yêu dễ bay bổng, thoát li. Thương khó cầm lòng, tránh né. Yêu say đắm ngất ngây. Thương trăn trở đau đớn. Yêu thụ hưởng. Thương xả thân. Yêu nồng. Thương nặng. Biết yêu nước thật cần. Biết thương nước còn cần hơn. Thơ yêu nước tràn đầy. Thơ thương nước còn thưa thớt.” (Nhìn từ xa… Tổ quốc! tiếng thơ quằn quại bi hùng – tr301). Cứ ngỡ đọc văn phê bình Chu Văn Sơn như người ta uống một li nước theo hơi dài, thấy sảng khoái, cảm thích và dần dần mê đắm cái “bát trận đồ” chữ nghĩa này.
3. Đa diện những hình ảnh liên tưởng, so sánh
Đọc phê bình Chu Văn Sơn, nhiều khi tôi cứ cảm thấy, những liên hệ về ý, về nghĩa của ông thật là đa sắc, đa diện. Hình như con người ấy có một nội lực liên tưởng thâm hậu. Vì thế nhiều hình ảnh so sánh trong văn phê bình của họ Chu kì thực đã mang lại cho ta những hình dung vừa cụ thể lại vừa ấn tượng. Thí dụ: “Tình yêu là sức mạnh chở che, gắn bó, nhưng cũng mỏng manh như cánh chuồn báo bão, mỏng mảnh như màu khói, dễ vỡ như một thứ bình pha lê” (Cánh chuồn trong giông bão – tr70); “Để có được sự tập trung nổi bật này, nỗi niềm thơ phải thường trực, phải ám ảnh, phải giày vò, còn cao hơn nữa, phải thành một khát vọng, cứ như thế, chính nó sẽ trở thành bản sắc của Cái Tôi. Như người lính khao khát hậu phương, như vị thuyền trưởng khao khát đại dương, họa sĩ khát khao đến gần nguyên mẫu, người đời khao khát chở che, khao khát dịu dàng” (Thơ của tâm hồn  “xao xác những ngày yên” – tr17). Nhận xét về cái vẻ hào hoa trong thơ Trần Hòa Bình, Chu Văn Sơn cho rằng đó “không phải vẻ hào hoa quý phái, không phải vẻ hào hoa phố phường mà là cái vẻ hào hoa xứ đồi, xứ Đoài”, ông so sánh khá cụ thể “Hào hoa như chất lau xám phơ phất trong thi tứ, như hoa mưa bong bóng hay ảo ảnh tóc thề trong thi ảnh, như lớp phấn hoa mướt mát trong ngôn từ” (Trần Hòa Bình – gã lãng tử xứ Đoài – tr243). Những hình ảnh so sánh đã bắt trúng tâm mạch về thơ Trần Hòa Bình và tạo ra cái độ phiêu diêu trong con người thi sĩ.
Cũng có khi, Chu Văn Sơn không dùng quá nhiều hình ảnh so sánh để làm bật nội dung của đối tượng mà chỉ xác quyết ngắn gọn thôi nhưng xác quyết ấy đã khiến người đọc hình dung ra hình hài của nghệ sĩ. Đó là khi Chu Văn Sơn viết về thơ lục bát đời mới của Nguyễn Duy “Nó là rượu chúng sinh đựng bằng lục bát” (tr299). Đó là khi Chu Văn Sơn phân tích về cái gen nòi tình của Hoàng Cầm và khẳng định “Thơ Hoàng Cầm là thứ hoa trái vật vã mộng du, óng ả thanh cao mà phong trần lận đận của nỗi nghẹn ngào đó” (tr190)…
Còn những liên tưởng từ các góc độ trong văn phê bình Chu Văn Sơn thì vô vàn. Chính những liên tưởng này mà người đọc cảm thấy đầy phấn hứng khi đọc văn thầy Chu. Ví như đoạn viết về giọng điệu của Nguyễn Duy, Chu Văn Sơn đã đối sánh với Nguyễn Bính một cách tài tình “Bính là cái tôi lỡ làng – sinh bất phùng thời, Duy là cái tôi thảo dân – thời nào cũng sống. Bính đoái thương các thân phận lỡ dở, Duy nổi chìm với thập loại chúng sinh. Bính là con chim lìa đàn, Duy là hạt cát lang thang. Bính kiêu bạc mà sầu tủi, Duy cỏ giả mà kiêu sang. Bính lang bạt tìm kiếm mình. Duy lang bang phơi trải mình. Bính muốn giữ nguyên quê mùa, Duy thèm quê mùa thay đổi. Bính ái ngại đổi thay, Duy thiết tha đổi mới. Bính dị ứng thị thành, Duy hòa đồng thành thị. Bính chỉ hồn quê, Duy thêm hồn phố. Bính hoài cổ, Duy canh tân. Bính nâu sồng, Duy bụi bặm. Bính bi, Duy lạc…” (Nguyễn Duy – thi sĩ thảo dân, tr295)
“Đa mang một cõi lòng không yên định” là một hành trình chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà văn, nhà thơ nhưng đồng thời cũng khẳng định một giọng phê bình riêng của Chu Văn Sơn. Giọng riêng ấy được xác lập qua ngữ ngôn, qua “bát quái trận đồ” trùng trùng điệp điệp các con chữ. Chữ đa âm, đa sắc, giàu nội lực, mạnh ý tưởng mà vẫn “bắt” trúng được quan niệm, phong cách của nghệ sĩ. Dẫu ngữ ngôn đó nhiều khi chạy theo dòng tâm tư mà có phần “tràn mạch”, “xô bờ” nhưng nó đã khiến cho tính hàn lâm của văn phê bình bấy lâu trở nên giản dị, gần gũi và khiến người đọc cảm thấy khoái thú hơn, mê đắm hơn.
Đa mang  một cõi lòng/ Biển chữ cũng trào sóng/ Tình đời luôn trăn trở/ Sống đẹp cùng trang văn.
29/8/2022
Lê Thị Thùy Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thả...