Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Tiểu thuyết "Thiên Hà cổ vật": Thông điệp về nguồn gốc Vũ trụ - Trái đất - Loài người

Tiểu thuyết "Thiên Hà cổ vật": Thông điệp
về nguồn gốc Vũ trụ - Trái đất - Loài người

Từ lâu, Phạm Xuân Hiếu, ngoài danh xưng là nhà văn, công chúng còn biết đến ông là một nhà sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn cổ vật nổi tiếng của Việt Nam. Do vậy, không có gì lạ khi đề tài cổ vật đã trở thành “món ngon” văn chương qua bàn tay chế biến tài tình, khéo léo của ông. Là người có vốn sống phong phú, đặc biệt là một chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực cổ vật nên hầu hết những tác phẩm ông viết ra đều gắn liền với địa hạt chuyên biệt này. 
Vừa qua, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng phối hợp với Trung tâm bảo tồn cổ vật UNESCO vừa tổ chức chương trình ra mắt cuốn tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật “của nhà văn, nhà sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Phạm Xuân Hiếu. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm đông đảo người yêu văn chương và cổ vật ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều đặc biệt là có một nội dung kép đi kèm đó là đấu giá cổ vật do đích thân nhà văn Phạm Xuân Hiếu và bạn bè của ông lựa chọn đem đến chương trình. Đây cũng là cách làm mới của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng trong việc gắn kết văn chương với văn hóa, đưa văn chương đồng hành với tiết tấu của nhịp sống hiện thực.
Từ lâu, Phạm Xuân Hiếu, ngoài danh xưng là nhà văn, công chúng còn biết đến ông là một nhà sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn cổ vật nổi tiếng của Việt Nam. Do vậy, không có gì lạ khi đề tài cổ vật đã trở thành “món ngon” văn chương qua bàn tay chế biến tài tình, khéo léo của ông. Là người có vốn sống phong phú, đặc biệt là một chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực cổ vật nên hầu hết những tác phẩm ông viết ra đều gắn liền với địa hạt chuyên biệt này. Ông đã đưa cổ vật đi vào văn chương bằng tất cả những am hiểu, vốn sống của mình sau nửa thế kỷ sống với niềm đam mê này. Từ tập truyện ngắn “Người đàn bà và chiếc chén bạc” (NXB Hội Nhà văn 2010) đến “Cây đèn gia bảo” (NXB Hội Nhà văn 2014) đã để lại nhiều dấu ấn đối với độc giả về một mảng đề tài bí ẩn, hấp dẫn được thể hiện bằng ngôn ngữ văn chương từ góc nhìn của người trong cuộc.
Cuốn tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật”- Phạm Xuân Hiếu
Trải qua quãng thời gian 10 năm thai nghén, nhà văn Phạm Xuân Hiếu vừa cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật”. Tiểu thuyết dày 512 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Có thể nói, đề tài cổ vật một lần nữa lại được tác giả đưa vào tác phẩm một cách đầy đặn hơn, toàn diện hơn và đây là cuốn sách tốn nhiều sức lực và thời gian nhất đối với ông.
Nhà thơ Nguyễn Đình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng cho biết: “Là một trong những người được tiếp cận với tiểu thuyết từ những ngày còn ở dạng bản thảo, tôi đã đánh giá được nhiều điểm thành công của nó. Trước hết, cuốn sách lựa chọn được một đề tài lạ đó là đề tài cổ vật gắn với cách nhìn thế giới của tác giả từ nó. Từ đề tài này, tác giả đã truyền một thông điệp về nguồn gốc Vũ trụ – Trái đất – Loài người bằng góc nhìn riêng và từ ánh sáng của những cổ vật. Phần lớn, những suy lý của tác giả về vấn đề này dựa trên tư liệu khoa học khảo cổ, thiên văn, địa lý cùng nhiều loại cổ vật quý hiếm trên thế giới có niên đại tính bằng tỷ năm!”.
Tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật” được kể từ câu chuyện về chiếc lọ cổ, sợi dây chuyền được hai người lính là hai kẻ thù trong chiến trận trước khi chết đã nhờ nhau mang về cho mẹ. Hai báu vật đó xuất xứ từ vũ trụ, bị chôn vùi dưới sa mạc Châu Phi từ 4,5 tỷ năm trước cùng nhiều cổ vật quý hiếm nhất thế giới đang lưu truyền từ khi hình thành trái đất đến nay. Những cổ vật đó luôn được giới chơi cổ vật khắp năm châu yêu thích, săn tìm, mua bán. Đó là định mệnh số phận giàu sang của con người được tạo hoá sắp đặt.
Trong “Thiên Hà cổ vật”, tác giả sử dụng thủ pháp đồng hiện. Các nhân vật tự diễn tả, tự kể về mình. Không có người kể chuyện. Với lối viết triết lý – hiện thực- huyền bí, li kỳ hấp dẫn, tiểu thuyết đã đưa ra giả thuyết mới về thuyết “gieo mầm”, đó là học thuyết mới về nguồn gốc Trái đất, nguồn gốc loài người cùng muôn loài động thực vật trên hành tinh xanh. Khác lạ với nhiều học thuyết, giả thuyết khác, nhà văn Phạm Xuân Hiếu đã sử dụng một cách khéo léo, thuyết phục, đưa ra nhiều dẫn chứng, biện luận so sánh hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ về quy luật tự nhiên, quy luật của tạo hoá trong Vũ trụ-Trái đất- Loài người. Đó là những bí ẩn của vũ trụ, bí ẩn của trái đất và nguồn gốc, cuộc sống hai mặt của loài người – loài động vật khôn ngoan nhất nhưng cũng là loài tàn bạo nhất trong muôn loài.
Nhà văn Phạm Xuân Hiếu đã xây dựng tuyến nhân vật đồ sộ với gần 100 nhân vật, trong đó có hai người siêu hình (vị thần trên vũ trụ và linh hồn người lính dưới âm phủ). Tiểu thuyết đã kể về quá khứ, hiện tại, tương lai của loài người từ khi hình thành vũ trụ từ 13,7 tỷ năm trước. Xuyên suốt nội dung, tư tưởng cùng rất nhiều chi tiết mới lạ được chuyển thể từ tư liệu nghiên cứu vũ trụ, thiên văn, địa lý, khảo cổ, lịch sử… được các nhân vật đặc biệt, cổ vật quý hiếm diễn tả trong tiểu thuyết. Tác giả cũng đã xây dựng một không gian hết sức rộng lớn, bao quát từ vũ trụ đến trái đất. Từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á đến tận cùng âm phủ. Có thời gian từ khi hình thành vũ trụ 13,7 tỷ năm, hình thành trái đất 4,5 tỷ năm cho đến ngày nay. Tất cả những nội dung, chi tiết trong tiểu thuyết đều gợi mở cho bạn đọc có một góc nhìn mới về vũ trụ – trái đất – loài người.
Theo PGS -TS Lý luận – phê bình văn học Ngô Văn Giá, trong tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật”, tác giả Phạm Xuân Hiếu đã phối hợp nhuần nhuyễn sự biểu đạt ở thời hiện tại với câu chuyện của huyền thoại thông qua lối viết đồng hiện. Mạch truyện đi rất tự nhiên, không bị vướng hoặc gò ép, tạo cảm giác thông suốt cho người đọc. Trong tác phẩm này, tác giả đã khẳng định một cách rất nhiệt thành, hiệu quả về cái nôi của sự sống là gì, chống lại sự giả dối, giáo điều, màu mè, khuôn mẫu, cứng nhắc để khẳng định: sự sống chính là sự sống!
Còn nhà văn Sương Nguyệt Minh thì đưa ra một so sánh thú vị, tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật’ như một dạng diễn nghĩa. Nếu như trong “Tam quốc diễn nghĩa” là diễn nghĩa bằng hành động, bằng những cuộc đấu trí, so tài thì trong “Thiên Hà cổ vật”, nhà văn Phạm Xuân Hiếu lại diễn nghĩa những khái niệm văn hóa, diễn nghĩa những định nghĩa, những quy luật của vật lý, của ánh sáng, hóa học, khảo cổ, vũ trụ, loài người. Đó là một cách thể hiện vô cùng khó, cho thấy kiến văn của tác giả rộng lớn. Bên cạnh đó, cách viết của tác giả không giống ai, đi ngược lại cách viết truyền thống, Phạm Xuân Hiếu không đi lại con đường mà các nhà văn trước đã đi, điều đó tạo nên sự đặc biệt cho cuốn sách.
Điểm hấp dẫn nhất trong cuốn tiểu thuyết chính là việc tác giả đã khéo léo sử dụng những chi tiết độc lạ, gần gũi với cuộc sống phồn thực, trần trụi của con người như loại thuốc có tên “Kỳ Dương cứng”. Loại thuốc này chỉ cần bôi một lớp mỏng là linga sẽ cứng mấy canh giờ. 4500 trước, vua Djoser đã dặn quan phục sinh là khi ta chết phải bôi cho nó cứng lên mới được khâm liệm và đóng thêm vài trăm lọ để vua mang lên tặng các quan trên cung đình để làm quen. Rồi món ăn lạ mang tên là súp “Thiền tăng leo cây”. Súp “Thiền tăng leo cây” được nấu bằng tinh dịch cá mập xanh ở Bắc Đại Tây dương với vây cá sủ, huyết yến. Vị thiền tăng cả đời tu luyện kiêng kị phụ nữ, vô tình được chiêu đãi bát súp lập tức nổi cường dương, cương cứng đũng quần, bèn bỏ bữa tiệc, lẻn vội ra sau vườn ôm cây cau tụt lên, tụt xuống như con nhái bén trèo cây. Lúc đó có hai tăng nữ vô tình bắt gặp, tủm tỉm cười. Tiếp theo là món “Khổng tước khẩu” được chế biến từ lưỡi chim khổng tước- loài chim đẹp, quý hiếm hót hay hơn muôn loài. Đến mùa động tình, chim cất tiếng hót véo von mang theo mùi thơm như nước hoa đến mũi bạn tình. Người nào có gọng nói ồ ồ, khàn khàn chỉ cần dùng mấy lưỡi chim khổng tước là đổi giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào tình cảm. Hay như món rượu tinh trùng bìm bịp ngâm với đông trùng hạ thảo Tây Tạng, Trung Quốc, nhân sâm 100 năm Triều Tiên, đòng đòng lúa nếp trên đỉnh bậc thang núi mẫu. Tất cả được đựng trong bình sừng tê giác, rót ra chén bạc mời quý khách ngồi ngắm xem tiên nữ nuy trên mặt bàn…
Bên cạnh đó, những câu chuyện, những tình tiết lắt léo đan xen với nhau giữa các nhân vật trong vũ trụ, trong thế giới cổ vật với tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa, biết bao tình huống được tác giả dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến những điều thú vị khác. Tác giả sẽ dẫn người đọc đến thăm các kỳ quan thiên nhiên, các công trình xây dựng kỳ vĩ của người ngoài hành tinh trên trái đất. “Thiên Hà cổ vật” sẽ giải thích điều bí ẩn về người ngoài hành tinh đến giúp người trái đất xây dựng tháp Giza ở Ai Cập, di chỉ khảo cổ Cự Thạch ở Peru , nhiều tượng đá 200 tấn trên đảo Phục Sinh… cùng các công trình kỳ vĩ trên trái đất..vv và vv…
PGS-TS ngôn ngữ học Hoàng Kim Ngọc nhận xét: Phạm Xuân Hiếu đã sáng tạo ra những kết hợp từ rất độc đáo, ấn tượng, mới lạ như: mầm gen vũ trụ, mã gen vũ trụ, công nghệ tư tưởng… mà biết đâu sau này, các cụm từ đó lại được các nhà khoa học quan tâm và trở thành những thuật ngữ khoa học mới? Tiểu thuyết có nhiều đoạn văn viết về cổ vật có màu sắc tu từ, có tiết tấu nhanh, ngắn gọn, dùng nhiều điệp từ rất ấn tượng. Nói tóm lại, đây là một cuốn tiểu thuyết lạ, có đề tài không giống ai nhưng dễ đọc và cuốn hút. Mỗi chi tiết truyện đều dung chứa ẩn ý và hàm ngôn.
Các tham luận khác được trình bày tại buổi ra mắt sách của nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, nhà thơ Thi Hoàng đều thống nhất nhận định, “Thiên Hà cổ vật” đã được nhà văn Phạm Xuân Hiếu lý giải về giả thuyết “gieo mầm” thông qua những triết luận, giả thiết văn chương. Với cách thể hiện ấy, tiểu thuyết “Thiên Hà cổ vật” đã đi xa và có tầm hơn so với một vài tác phẩm từng đề cập tới miền đề tài này trên văn đàn văn học Việt đương đại.
Cũng tại buổi lễ ra mắt sách đã diễn ra chương trình đấu giá 21 cổ vật, bộ cổ vật, đều được những khách mời tham dự đấu giá thành công. Sự có mặt của những cổ vật trong chương trình đã làm phong phú hơn không gian của buổi lễ cũng như góp thêm tiếng nói minh chứng cho những nội dung mà cuốn tiểu thuyết đề cập.
7/9/2022
Mạnh Thường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thả...