Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Truyện ngắn thiếu nhi của Lê Đức Dương

Truyện ngắn thiếu nhi
của Lê Đức Dương

Lê Đức Dương còn có bút danh Dương Trang Hương, sinh ngày 25.10.1967 tại Hải Dương, hiện sống và làm việc ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lê Đức Dương là cây bút giàu năng lượng, đặc biệt có duyên và đam mê viết cho thiếu nhi, trong đó có truyện dài Cá voi E ren đến Hòn Mun đã vào chung khảo Giải thưởng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Đến nay nhà văn Lê Đức Dương đã xuất bản các tác phẩm: Ơi con sáo Mùa Hạ (NXB Kim Đồng năm 1988), Cào cào áo đỏ (NXB Kim Đồng năm 2005), Chú ve sầu mùa thu (NXB Kim Đồng năm 2008), Thám tử tìm mèo (NXB Kim Đồng năm 2010), Con tim mùa phượng vỹ (NXB Kim Đồng năm 2017), Biển một thời xa vắng (NXB Hội Nhà văn 2017), Đảo Thần kiếm (NXB Kim Đồng 2017), Cá voi E ren đến Hòn Mun (NXB Kim Đồng 2021), Dòng sông với đôi bờ ký ức (Tập tản văn, NXB Hội Nhà văn 2021) và sắp xuất bản 4 tập truyện thiếu nhi khác; được trao nhiều giải thưởng văn học.
Vanvn.vn trân trọng giới thiệu một số truyện ngắn thú vị viết cho thiếu nhi của nhà văn Lê Đức Dương.
Chú chim cu cườm ở lưng đồi
Gia đình Trà My đi nghỉ hè ở một điểm du lịch, nơi có những ngôi nhà lá nhỏ nép cùng cây rừng bên sườn đồi trên một hòn đảo nhỏ. Nơi đây thật tĩnh lặng êm đềm  nên một âm thanh nhỏ nhất đều lảnh lót vang vọng tới ngút ngàn rừng cây. Thường chỉ có gió lay thật khẽ thật khẽ hay tiếng rì rào của lá khua, đôi lúc có tiếng con chim bìm bìm cất tiếng lảnh lót đầy thảng thốt ở đâu đó như một khúc nhạc ngân.
Trước ngôi nhà nhỏ của gia đình My có khoảnh sân nhỏ,  lá rụng đầy trên cỏ, lũ giun đất rảnh đùn từng đụn lên như ngỡ như đất thở. Từng bầy kiến đen, kiến vàng nối đuôi nhau đi sục sạo kiếm thức ăn âm thầm dưới cỏ, dưới lá. Bên bờ rào trà tàu, ô rô, dâm bụt, ti gôn bò lướt thướt khoe hoa với  nắng cứ chập chờn chập chờn nhảy múa. Tuy vậy cũng hơi đìu hiu.
Rồi cảnh buồn cũng hết khi từ trên cành mận cao xà xuống một con chim Cu Cườm nhỏ. Hình như thấy bóng người ở trong nhà nên nó mon men xà xuống làm quen. Cu Cườm cứ đi tha thẩn trong vườn nhặt nhạnh, rồi nhìn ngó rồi lại tha thẩn chứ không cất tiếng gù như ta nghĩ. My nhận ra con Cu Cườm này có một chân bị tật nên bước đi của nó không đều. Nhưng nó rất cần mẫn đi sục sạo khắp nơi quanh sân, thỉnh thoảng nhìn vào ngôi nhà có bóng người như trông ngóng một điều gì ? My nhìn thấy mà chưa hiểu gì cả ? Bố My cũng thấy liền nói:“Con cu nó muốn con cho thức ăn đấy!” , “Sao bố biết?” , “Ồ đơn giản con chim này người ta thả ở đảo như một dạng nuôi tự nhiên để nó tự nhiên  kiếm ăn. Con không thấy ở gần nhà hàng ăn dưới biển kia đàn chim sẻ cứ loanh quanh kiếm ăn ư ? Con Cu Cườm này nó đang kiếm ăn đấy!”, “Thế cho nó ăn gì?”. Bố đưa nửa ổ bánh mì cho My : “Con vặt ruột ra thành mẩu nhỏ rải ra sân xem sao!”
My đem mẩu bánh mì làm như bố nói, con Cu Cườm sợ bay vụt lên cây. My vào nhà chờ một lúc nó bay xuống và đúng như bố nói nó ăn những mẩu bánh mì ngon lành! Có vẻ nó đói vì ở đảo với khu du lịch này thời gian qua rất vắng khách, cả dãy nhà vắng hiu không một bước chân người đến.
Đang ăn, chợt con Cu  Cườm bay vụt đi như ai đuổi  làm My thấy băn khoăn vì không hiểu vì sao nó lại bay biến đi  vậy. Nhìn đống bánh mì bị bọn kiến bâu tới cắn xé tơi bời rồi hăm hở khiêng vác đi My thấy lạ, hóa ra nơi này miền núi đồi ở đảo nhiều con vật đều có vẻ đói và buồn.
My cùng bố mẹ đi  dạo chơi ở đảo rồi tiện ăn cơm luôn. Ăn gần xong bố lấy miếng giấy chùi tay trải ra rồi xúc cơm gói lại cẩn thận. My ngạc nhiên hỏi:“Bố xúc cơm làm gì vậy?” Bố cười tủm tỉm không nói gì đưa ít cơm cho My đem ra ngoài thềm cỏ: “Con đem ít cơm cho bọn chim sẻ đi, chúng chưa ăn bữa trưa đâu ! Ở đây chúng chỉ có mỗi nhà hàng này để kiếm thức ăn nên đói lắm!” My đem ít cơm rải trên cỏ, bầy chim sẻ xúm lại ăn rít rít rồi bay qua bay lại cãi nhau đầy vui vẻ. Có vẻ My đã hiểu nắm cơm bố xúc kia để làm gì rồi nên nói với bố: “Bố đem về cho con Cu Cườm phải không? Sao bố đem nhiều thế có mỗi mình nó mà ăn nhiều vậy, bố đem cho lũ kiến à?” Bố cười: “Rồi con sẽ biết!”
Về đến nhà nghỉ, bố đưa  nắm cơm cho My. My đem để ra giữa sân cỏ bên nhà rồi vào trong ngóng xem con cu cườm có bay xuống ăn không? Sân vắng hoe, chỉ có bầy kiến mon men đến còn con Cu Cườm mất dạng. My nói với bố:“Sao con Cu Cườm không tới hay nó chán ăn rồi ?”. Bố cười: “Không đâu, chắc nó vắng có việc chút thôi, thế nào nó cũng quay lại đây!”
My đang đọc sách, chợt từ trên cành cây tiếng vỗ cánh rào rào, con Cu Cườm bay vụt xuống bãi cỏ, nó đi quanh quẩn một lúc rồi từ từ tiến tới nắm cơm. Nó thận trọng mổ hạt cơm, thấy có vẻ ngon nó mổ lia lịa rồi dừng lại. Nó ăn một chút rồi thôi và bay vụt lên ngọn cây, từ trên cây có tiếng “ grù! grù! grù!” một đỗi có tiếng cánh vỗ rào rào, rồi từ trên cành hai cánh chim nhẹ nhàng hạ xuống sân vườn. Đó là hai con chim Cu Cườm trong đó có con chim vừa ăn. My đã hiểu, thì ra từ sáng giờ khi có thức ăn, con Cu Cườm bị què chân đã bay đi tìm bạn để rủ  đến ăn. Giờ có cơm ăn nó bay xuống trước như xem xét rồi mới bay lên gọi bạn xuống ăn. Hai con Cu Cườm hối hả ăn cơm ngon lành, lũ kiến cũng tranh thủ nhặt rồi khiêng những hạt cơm tha về tổ.
Bố xoa đầu My chỉ ra hai con chim:“Con thấy con chim bị què chân hay chưa? Nó có thức ăn đã kêu bạn tới ăn cùng, may mà bố đem nhiều cơm không thì thiếu đấy!”
Gia đình My cũng chia tay nơi nghỉ về nhà, trước khi đi My đem mẩu bánh mì bóp nhỏ để giữa sân cho con chim cu đến ăn. My cứ thương không biết gia đình mình rời xa mà cả khu này không có khách đến ở con Cu Cườm có gì để ăn không ? Hình như xa có tiếng chim gù trầm trầm cùng với tiếng lá reo.
Nha Trang đầu thu 2022
Chuyện trên miền cát
Những tia nắng sớm mai bắt đầu lấp ló lách xuống cửa hang như báo hiệu một ngày mới, chú Dông (còn có tên Giông Cát, Kỳ nhông) vươn vai tỉnh giấc bò ra cửa hang. Tuy nhiên theo bản năng cậu không bò ra cái thỏm mà nghiêng đầu lắng nghe xem bên ngoài có âm thanh lạ không. Thấy bình thường cậu mới từ từ thò đầu nhỏm hai chân trước chống trên nền cát ngó tới ngó lui rồi mới ra hẳn ngoài. Đó là sự cảnh giác sinh tồn vì tuy được tiếng là “Khủng long sa mạc”  nhưng loài Dông có rất nhiều kẻ thù : Mèo, rắn, chim và con người… ! Hầu như ai cũng có thể tóm cổ được. Vì thế cậu Dông mang tiếng chết nhát không kém gì rắn mối thằn lằn. Đi đâu làm gì cũng cảnh giác cao độ.  Ở  chỗ nào bằng phẳng cũng nghển cổ ngó tới ngó lui nghiêng qua lắc lại quan sát để … ù té chạy trốn!
Trảng cát mùa thu khác hẳn mùa hè nóng bỏng hôm nào, trời dịu mát bởi đêm qua có những hạt mưa đã rải xuống. Những bụi cỏ găng đã nhú từng chùm lên xanh liễng  , ở góc khác có những bông hoa tỉ muội cũng bắt đầu đơm những bông hoa vàng li ti rung rinh cùng những con gió sớm miền cát. Dông ta gặp anh em nhà thằn lằn rắn mối đang nhởn nhơ miệng vừa nhấp nháp những con kiến bống. Từ trong bụi muống biển  mấy con còng mai xanh cũng chui ra chạy vùn vụt như thi điền kinh. Bọn này khỏe thật hở ra là chạy như tên bắn nhưng chỉ một chốc là mỏi chân lại thong dong bước thấp bước cao quay về chỗ cũ. Dông tiến tới cây chùm ngây rợp lá xanh bò lên vít một cành xuống nhấp nháp. Loài Dông thích nhất món là này vì nó thanh thanh ngọt ăn mãi không chán. Rắn mối bò mắt nháy nháy đầy nghịch ngợm:“Đi dạo chút cho giãn gân  chứ bạn ?” Dông gật gù sau khi chén hết mớ rau chùm ngây.“Chờ tí !” Rắn mối chưa hiểu ý anh bạn mà gì, Dông đứng lặng im nó lim rim mắt rồi cả mình đuôi chuyển màu từ từ những vân mây tía đỏ hai bên cạnh sườn lên lưng sang màu cát màu gạch non. Rắn mối kinh ngạc trước biển đổi màu da kỳ diệu thế, hóa ra Dông cũng giông như kỳ nhông có thể thay đổi màu da với cảnh sắc không gian xung quanh. Rắn mối cũng có biến đổi chút đỉnh nhưng không quá siêu như Dông hay kỳ nhông thế này, bù lại rắn mối chạy cực nhanh và uốn éo khúc đuôi vô cùng thần diệu. Nếu gặp hiểm nguy cấp bách nó sẵn sàng ngắt khúc đuôi dài ngoẵng lại để cho nhẹ  mình thoát thân. Dông thì không tự ngắt đuôi được vì cái đuôi gắn mới mình luôn béo mũm nên chạy cũng nhanh nhưng không bằng rắn mối.
Hai bạn đi lang thang ngắm cảnh sắc miền sa mạc cát, bầu trời mùa thu cao xanh rọi nắng mềm mại xuống cát hồng  thật tuyệt đẹp. Sau mỗi cơn gió từng chùm cỏ lông chông, hoa bồ công anh bay rào rạt chấp chớn như các đám mây lơ thơ. Thỉnh thoảng đôi sợi bông bay dạt vào mặt Dông làm cho cậu thấy ngứa mũi phải đụi mãi mới hết. Nhìn thấy thế rắn mối tức cười liền thè lưỡi tợp một nhát cả bông bồ công anh nuốt chẳng dè hoa khô làm cậu nghẹn họng ho sặc sụa. Rồi cả bọn cười rộn.
Thấy Dông đi đứng hiên ngang, đầu nghểnh cao thực ra là quan sát không gian xem có gì không nhưng nhiều loài  xung quanh thấy rất ngưỡng mộ. Anh bọ hung đang dọn dọn dẹp bãi phân bò khô để chôn xuống cát. Ở miến cát, bọ hung là nhân viên vệ sinh vô cùng cần mẫn, anh trộn lấp rồi bón vào gác gốc cây làm cho chúng mơn mởn tươi tốt. Anh bọ sừng tuy không làm việc vất vả như bọ hung nhưng cứ sùng sục như con tê giác tí hon đi khắp nơi nhưng gặp Dông cũng đều lảng đi, ngay cả bác cóc ở hốc đất cũng lơ khi thấy Dông bò tới.
Ngày càng Dông có vẻ hết sợ vì nó thấy cả vùng này ai thấy nó đều ngưỡng mộ, bởi hình dáng thật thanh toán với làn da từ trên đầu tới đuôi  pha những vệt xanh lam cùng vân đỏ óng ánh như ráng chiều. Rắn mối đi bên nói vào:“Cậu có bộ áo như ánh lửa! Đẹp thật, không bù cho tớ  chỉ mỗi một màu da đen nhánh”
Rồi một lần gặp Kỳ đà cát nó nói:“Ở xứ cát này chỉ có tớ và cậu xứng đáng là vua làm cho miền đất này đẹp” Nghe nói nhiều bài báo ti vi người ta gọi cậu là biểu tượng của miền cát này đấy!… Nói đến đây Kỳ đà không nói tiếp thực ra nó biết người ta nói con Dông là món đặc sản cho con người ăn! Ôi cái danh hiệu này thật đáng buồn cho loài Dông. Nói thế Kỳ đà lén quay đi để Dông bớt chạnh lòng.
Còn Dông khi được biết  mọi loài đều khen mình cậu thấy hớn hở chạy nhảy khắp nơi.
Một lần nó đi lang thang chợt thấy một cái cây tre có treo một con cào cào to xanh biếc. Đây là món nó rất thích nhưng tại sao hôm nay lại may mắn thế! Nó chạy xồ tới tính tợp một nhát nhưng cào cào liền la to:
– Anh tha cho em, anh Dông anh mà ăn thịt em thì anh cũng không sống được đâu.
Dông hơi ngỡ ngàng chưa hiểu liền sừng sộ:
– Mày lừa tao hả? Sao tao ăn thịt mày thì hết sống? Chả nhẽ mày gọi anh em mày đến ăn thịt tao à?
Cào cào ôm mặt đau khổ.
– Em phận bé mọn bị bắt để làm mồi cho chim cho cá không nói làm gì, nay họ bắt em để làm mồi bẫy anh đấy ! Giờ anh chỉ cần đớp em một cái là cái thòng lọng sẽ  xiết cổ anh ngay !
Dông ngẩn tò te, nó có nghe các cụ nói loài người hay dùng bẫy để bắt họ nhà dông thì nay nó mới thấy mà xung quanh mấy cửa hang thấy cắm nhiều cành cây tre, cái treo cào cào, cái treo chùm giá đỗ, cái treo đọt chùm ngây… toàn các món loài dông thích.
Nó quan sát một chút và hiểu lời cào cào nói đúng. Nghĩ mãi nó tính đi nhưng nếu đi thì quá đơn giản. Cuối cùng nó vươn cao cổ nghiến răng gọi:“Anh em, chú bác cẩn thận nghe, hiện nay xung quanh nhà của chúng ta có rất nhiều bẫy đấy ! Nếu đói thì tự tìm thức ăn đừng thấy những món ăn bày sẵn mà nhào vào ăn là chết đấy!”
Nghe thế trong nhiều hang nhô lên những cái đầu rồi thụt xuống, họ hàng nhà dông đã hiểu và cảnh giác.
Còn Dông nó cám ơn cào cào đã cứu nó thoát chết liền lấy cọng cỏ chọc vào cái bẫy cho sợ dây thòng lọng bung ra. Rồi cào cào giẫy dụa chui khỏi dây cài bay vụt đi.
Dông cũng lẳng lặng quay về nhà.
Nha Trang cuối hè 2022
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Sóc về với rặng cây của phố
Mẹ con nhà Sóc thường như các diễn viên xiếc trên phố làm nhiều người ngỡ ngàng vì thường đi trên các sợi dây điện nhỏ xíu. Mỗi lần di chuyển lại thoăn thoắt vung vẩy cái đuôi xù như chổ quét bụi thật đáng yêu. Như vậy cùng với chim sẻ thì Sóc là loài vật hoang dã sống cùng với con người ở trên phố. Nhờ có bóng của Sóc làm các lùm cây xà cừ, bàng, phượng, dầu trở nên ấm áp và kỳ diệu của sự thanh bình của thiên nhiên.
Nhưng ở với rặng cây trên phố với Sóc rất vất vả. Như ở đây là hai mẹ con Sóc vì những thức ăn dành cho Sóc rất hiếm. Các cây xà cừ, dầu không có quả ăn chỉ có mỗi cây bàng là có quả nhưng chỉ thoáng là rụng hết nên mẹ con Sóc phải lần mò tìm khắp nơi  để có thức ăn. Thỉnh thoảng đứng núp ở trên cành cây nhìn xuống đất thấy ai đó ném một mẩu táo, hạt lạc khô hay củ khoai, cà rốt là mẹ Sóc vội vàng bò xuống nhặt lên để hai mẹ con ăn. Người ta hay kể về những con sóc được sống trong rừng cây dẻ có vô số những hạt dẻ rụng vào mùa thu, sóc tha hồ ăn nhưng ở phố không bao giờ kiếm được hạt dẻ nào, đó chỉ là chuyện cổ tích. Vì thế nhiều khi chờ đến trời tối mịt, Sóc mẹ dẫn con mon men xuống đất đến những chỗ người ta bỏ rác kiếm thức ăn. Những lần đó gặp bọn nhà chuột hằm hè, mèo hoang rình rập thật đáng sợ.
Bọn chuột thấy Sóc liền trêu chọc: “Sao nói bọn sóc chúng mày toàn ở trên cây ăn hạt dẻ hạt sồi nay phải xuống sục đầu vào đống rác kiếm ăn à ?” Nghe thế mẹ Sóc hơi xấu hổ nhưng vẫn từ tốn: “Các bác chuột ơi, mẹ con tôi tuy ở trên cây nhưng ở đó không có gì để ăn cả nên phải xuống đây xin các bác kiếm mẩu của miếng quả để đỡ đói, mong các bác thông cảm nhường cho chút!” Bọn chuột cười thông cảm vì chúng nghĩ dẫu gì Sóc cũng có họ hàng gặm nhấm như mình. Tuy vậy chuột cũng tức vì sao hình dáng chỉ khác nhau mỗi cái đuôi mà Sóc lại được con người thích, quý cho vào tranh, vào truyện vào ảnh vào phim… như một nhân vật đáng yêu mà chuột thì luôn bị truy đuổi giết hại và coi như con vật đáng ghét? Chuột hỏi Sóc:“ Cho tớ hỏi, tại sao chúng mình giống nhau nhưng con người thương thích cậu mà bọn tớ bị ghét?” Sóc trầm ngâm chớp đôi mắt long lanh như hạt cườm: “Chắc có lẽ loài sóc chúng mình ít phá hoại đến đồ vật của con người như chuột nhà cậu!” Chuột ngẩn tò te vuốt cái mõm dính đầy thức ăn rồi nhe răng nhọn ra cười hì hì :“Có lý! Có lý! đúng là bọn tớ hay chọc giận con người nên họ ghét là phải !”
Từ những câu chuyện họ nhà chuột, Sóc mẹ nói với Sóc con :
– Đấy con nghe rồi sẽ hiểu mình kiếm thức ăn sinh tồn nhưng đừng làm hại tới kẻ khác nhất là con người.
– Thế con người là gì mà ta phải sợ ?
Sóc mẹ vuốt đầu con nhẹ nhàng thì thào ra vẻ rất quan trọng.
– Con người, sinh vật chúng ta thấy họ đi dưới đường. Họ rất giỏi có thể làm bất cứ điều gì  họ muốn mà không sợ gì cả. Họ bắt chim sẻ, bồ câu, gà ăn thịt…
– Thế sóc chúng ta ?
Sóc con ngây thơ hỏi làm mẹ Sóc giật mình:
– Họ bắt chúng ta không giết như chuột nhưng có thể họ nhốt như gà vậy. Nên cảnh giác với con người. Nhưng mẹ nghĩ người ở phố thường không làm hại chúng ta đâu.
Nói tới đây hai mẹ con Sóc ôm nhau trong hốc cây ngủ, tiếng gió thu xào xạc bên ngoài, trời se lạnh Sóc mẹ xù thêm lông đuôi quấn vào cho con.
Mùa đông tới, những cơn gió bắc thổi ào ào làm chảo đảo cả rặng cây. Mẹ con nhà Sóc co ro trong hốc cây xà cừ, bụng cồn cào vì đã mấy ngày không kiếm được miếng thức ăn gì. Từ trên cao nhìn  xuống chỗ đống rác, hễ người ta bỏ ra chút rác nào bọn chuột túa ra cắn xé lục lạo để tha đi hết. Rồi sau đó người làm vệ sinh tới quét dọn sạch sẽ. Mẹ Sóc tần ngần mãi mà chưa biết kiếm gì cho mình và cho con đỡ đói lòng. Nghĩ đi nghĩ lại cuối cùng Sóc mẹ nảy ra một ý …
Nó mon men đi khắp các hàng cây góc phố, trèo trên hàng dây điện đan trên đường, cuối cùng Sóc mẹ bò xuống sân một ngôi nhà nhỏ nơi đó có mấy con gà chiêm chiêm chiếp nằm trong ổ hình như có cả bầy chim sẻ đang chui ở chái nhà tránh rét. Thỉnh thoảng chúng bay vù xuống nhặt những hạt thóc vương hay hạt cơm nguội trong bát của gã mèo già. Mùa đông kiếm thức ăn thật khó khăn làm sao, đến uống ngụm nước cũng vất vả. Chợt Sóc mẹ thấy ở bếp có miếng táo cắn dở vứt chỏng trơ. Món này mèo cũng thèm gà cũng không tham như chim sẻ cũng chẳng đụng nhưng với Sóc thì quá tuyệt vời. Miếng táo tây này nếu được thì đủ ấm bụng qua ngày. Sóc mẹ lần mò rồi quan sát kỹ…nó bò xuống từ từ nhưng nếu như chuột thì động tác bò là an toàn thì với sóc cái đuôi xù như cỏ lau là hình ảnh rất ấn tượng. Với loài sóc đuôi chính là làm cho cơ thể thăng bằng khi leo trèo nếu không có đuôi không thể leo được.
Sóc mẹ cố cụp đuôi bò xuống, tất cả nhẹ nhàng nhưng nó không biết rằng có một con vật rất tinh khôn đang quan sát nó. Đó là con chó xù, chó đã thấy Sóc từ trên cành cây rồi nhưng nó không nghĩ rằng Sóc có thể bạo dạn dám mò xuống đất ăn trộm đồ của chủ nó, nó im lặng phục kích.
Sóc mẹ rón rén bò xuống và nó tính sẽ nhanh chộp được miếng táo sẽ chạy vụt lên cây mận lao về nhà nhưng vừa xuống đất thì nó đã nghe tiếng sủa vang. Sóc mẹ mất hồn hoảng loạn lao vụt vào nhà trong tránh cú táp của chó. Thật không ngờ khi vào căn phòng này là sự sai lầm vì Sóc mẹ hoàn toàn không biết ngôi phòng này đóng kín cửa. Chó xù lao theo và chỉ cú táp nó suýt ngoạm vào đầu sóc ! Chợt có tiếng thét :“Dừng lại Xù! Dừng lại Xù!” rồi một người đàn ông bước vào reo lên:“Ôi con Sóc đẹp quá!” Và nhanh như chớp người đó chụp cổ Sóc Mẹ đang nằm nép ở góc phòng. Người đàn ông xách Sóc mẹ bỏ vào lồng sắt đầy vui vẻ !
Từ đó Sóc mẹ bị nhốt như con chuột trong lồng sắt. Người cha nói với cậu bé:
– Đây là con Sóc đất rất đẹp, con có thích nuôi không?
Cậu bé gật đầu. Người bố bỏ vào lồng ít miếng táo tây, hạt đậu phụng nói:
– Sóc nó thích ăn nhưng củ quả này lắm, con nhớ chăm sóc kỹ nhé!
Cậu bé mắt sáng lên, nhưng nhìn con sóc ủ rũ không chịu ăn gì cậu rất băn khoăn. Rồi cậu nhớ con sóc này rất quen đã gặp ở đâu rồi. À đúng rồi ở trường cậu học, nhiều lần cậu cùng bạn bè thấy có hai ba con sóc đi trên các cành cây bàng ở trường, chúng chạy xuống sân lúc vắng kiếm thức ăn. Nay nhìn nó nằm im như mớ giẻ, gầy sọp đi cậu bé thấy hoang mang, chợt cậu nghĩ ra điều gì…
Gặp bố cậu thỏ thẻ nói:
– Bố ơi! Cho con nói thế này…
Bố ngạc nhiên nhìn vào mắt con trai, cậu bé nói:
– Con nhớ ra rồi, con sóc bố bắt đây là ở trường con. Ở trường con thấy nó vui vẻ và nhanh nhẹn lắm chứ không buồn rầu như thế này đâu.
– Thế thì sao?
– Con nghĩ xin bố đem thả nó về trường con…
Bố im lặng một chút rồi mỉm cười:
– Quá hay, bố đồng ý.
Rồi ngay sau đó cậu bé cùng chị gái đã đem cái lồng lưới nhốt con sóc chạy đến trường…Sân trường ngày nghỉ vắng tanh chỉ tiếng gió khua nhẹ những tán bàng. Cậu bé cùng chị  nhẹ nhàng mở nắp lồng. Sóc mẹ ngỡ ngàng rồi chạy vụt ra sân bám vào thân cây leo vút đi…
Cậu bé để trên ngách bàng mấy quả táo và hạt lạc rồi ra về. Cậu tin rằng thế nào chúng cũng xuống lấy ăn. Để sáng mai đến xem sao…
Nha Trang, 28/9/2022
Lê Đức Dương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Từ chữ ‘Man’ trong bài ‘Tây Tiến’ của Quang Dũng, nghĩ về chữ ‘Chợ’ trong ‘Qua đèo Ngang’ của Bà Huyện Thanh Quan 1. Quang Dũng là nghệ ...