Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Bản sonate số 9 cho violon và piano của Beethoven

Bản sonate số 9 cho violon 
và piano của Beethoven
“Sonate tặng Kreutzer” ra đời vào giữa năm 1802-1804, được xuất bản với lời đề tặng: “Sonate cho piano và violon theo phong cách hòa tấu concerto tặng Kreutzer, thành viên Nhạc viện Parigi, violon I của Viện Hàn lâm nghệ thuật hoàng gia. Tác giả L.V.Beethoven”.
Tác phẩm này nhấn mạnh ý đồ sáng tác của Beethoven, “phong cách hòa tấu” có nghĩa đây không còn là một bản duo - sonate trong tinh thần phối hợp, cộng tác giữa hai nhạc cụ, mà là sự đối đầu giữa piano và violon. Alfred Cortot (1) cũng lưu ý rằng - do chủ ý của Beethoven - tinh thần của âm nhạc đã bị bỏ rơi và bù lại, phòng hòa nhạc lớn với nhà nghệ sĩ tài hoa điêu luyện đã được huy động tới.
Đầu tiên tác phẩm không định viết cho Kreutzer, mà Beethoven gửi gắm nó cho một người có tên là Britgetowe, nghệ sĩ violon có gốc nửa Hungari nửa da đen, nổi tiếng với tên gọi “ông hoàng xứ Abyssinie”. Nghệ sĩ này dường như có một mối quan hệ với tác giả ở quán rượu. Britgetowe trong khi nghiên cứu bản sonate, đã tự ý thêm thắt vào các nét chạy, các cadenza làm Beethoven tức giận xóa lời đề tặng.
Trong một bức thư gửi nhà xuất bản tác phẩm của ông, Beethoven đã viết: “Kreutzer là một người bạn thân, tốt, làm cho tôi rất hài lòng. Tôi yêu thích sự giản dị trong nghệ thuật chơi đàn của ông. Phương thức diễn tấu của ông không có sự làm dáng với tất cả sự biểu hiện hỗn loạn như những người biểu diễn kênh kiệu. Bản sonate này được viết ra chính là để dành cho một nghệ sĩ violon thực sự. Nó được tặng cho Kreutzer là rất đúng đắn”.
Nhưng Beethoven lại không có duyên với nhà nghệ sĩ mà ông khâm phục. Kreutzer tuyên bố là tác phẩm “cực kỳ khó hiểu” và ông không bao giờ biểu diễn nó.
Người ta không biết ai là người đã trình bày bản nhạc này đầu tiên ở Viên, nhưng nó đã được giới phê bình tiếp đón rất tiêu cực: “Có lẽ bị khống chế bởi một kiểu khủng bố âm nhạc - báo Allegemaime Musikalische Zeitung viết - hoặc bị mê muội, Beethoven đến mù quáng mới không nhìn thấy ở đây cái chứng cớ là từ ít lâu nay, sự phóng túng của Beethoven, hơn tất cả mọi điều gì khác - thật là khác lạ so với mọi người. Chương Andante tuy rằng độc đáo nhưng các biến khúc thì không thể có gì quái gở hơn... Còn chương Presto Finale thực là một sáng tác kỳ quặc và nó chỉ nên biểu diễn khi người ta muốn dẫn ra một thí dụ về một điều gì hết sức khôi hài!”.
Ta hiểu được rằng vào thời kỳ đó, tác phẩm có vẻ như bị chệch hướng. Nó không còn gì là kiểu của Haydn, Mozart mà những bản sonate vẫn còn giữ lại, kể cả sonate kiểu anh hùng rất đặc tính Beethoven op.30, số 2. Tác phẩm op.47 có một điệu nhấn, một ngôn ngữ thực sự mới mẻ của Beethoven vĩ đại. Có thể thông cảm được sự kinh ngạc của những người đương thời trước hai chương Presto lớn, gập ghềnh bao bọc một chương Lied mông mênh với những biến khúc dường như xuất xứ từ một bài dân ca.
Chương I bắt đầu bằng một đoạn dạo nhạc ngắn 18 nhịp - Adagio Sostenuto, chuẩn bị cho sự bắt vào của các chủ đề của Presto, các chủ đề này như từ trong bóng tối chậm rãi bước ra (hãy đặc biệt chú ý đến quãng nửa cung bi thương, nó là hạt giống của hai chủ đề này từ nhịp 12 đến nhịp 18), nó mang đôi chút giận dữ. Phần trình bày kép được nối tiếp bằng một cadenza rất mạnh.
Sự dũng cảm tung ra bởi đàn piano, bản sonate thực sự là một cuộc chiến đấu không những của các chủ đề mà còn của cả hai nhạc cụ. Đàn piano và violon đua nhau nắm bắt lấy động cơ nhạc đầu tiên: violon leo lên một cách chật vật, một nét gam biến âm để chiếm lĩnh chủ đề khởi đầu và phần trầm của piano cũng chạy biến âm như vậy. Cuộc giao phong tiếp diễn giữa hai nhạc cụ: piano rải hợp âm hoặc những tiếng đập dồn dập và violon đáp lại với những hợp âm mãnh liệt. Ở đây có sự nhắc lại quãng nửa cung ban đầu. Hai đối thủ thỏa hiệp với nhau ở giai đoạn cuối của phần trình bày chủ đề để dẫn dắt vào chủ đề hai, chủ đề này được trình bày trong một trạng thái nguôi dịu và cầu xin (vẫn xuất hiện quãng nửa cung ban đầu). Một cuộc đấu tranh mới lại được tạo nên ở chủ đề hai. Đầu tiên piano tự khẳng định mình, tiếp đó violon giành lại. Bắt đầu bước vào phần phát triển, ghi dấu một sức tưởng tượng lớn, một sự tự do và sáng tạo mà chỉ có sự phân tích chi tiết mới có thể cho ta một khái niệm đúng đắn. Cuộc giao tranh tàn lụi dẫn tới sự ngưng nghỉ báo hiệu cho phần tái hiện. Phần này cân đối với phần trình bày và bắt vào phần Coda lớn, trong đó không nhạc cụ nào giành phần thắng. Một hình thức như là sự hòa giải được xác lập, piano và violon cùng chơi đồng âm và đối đáp lẫn nhau trước phần Strette cuối cùng cuồng nhiệt.
Khi đề cập đến chương I, chính một nhân vật trong tác phẩm văn học Bản Sonate tặng Kreutzer của Lep Tolstoi đã thốt lên: “Đây là một sức mạnh ghê gớm trong bàn tay của mỗi người, ta chỉ nên chơi nó trong trường hợp đặc biệt nhất, khi ta muốn khơi dậy những hành động tương xứng với tính chất của nó. Đó là một chương nhạc truyền cho ta một sức mạnh mà trước đó ta chưa hề biết”. Những từ ngữ “văn chương âm nhạc” thường thường thật phù phiếm, tuy nhiên câu nói vừa nêu ra cũng cho ta một ý nghĩa dị thường về chương nhạc.
Phần nhạc trung tâm là một chương Andante con variazioni với chủ đề là một bản Lied hai động cơ nhạc có tính dân gian. Không phải là không thú vị để ghi ra sơ đồ của bản Lied 55 nhịp này: ý nhạc thứ nhất là A, thứ hai là B, và nó được trình bày như sau (kí hiệu P - piano, V - violon):
A
A
B
A
B
A
P
V
P
P+V
V
P+V
Biến khúc thứ nhất dành cho kỹ xảo điêu luyện của piano, còn violon đệm một cách nhẹ nhàng bằng những nốt điệp lại chùm ba móc kép. Biến khúc hai được giao cho violon trên nền đệm của piano. Biến khúc ba âm thầm, giọng pha thứ có tính bi kịch, ở đoạn giữa, ý thứ hai của chủ đề đầu xuất hiện như một bài hát buồn bã, tính chất ballade. Biến khúc bốn, hòa hợp giữa hai cây đàn trong một lối viết tô điểm rất phong phú, một biểu hiện báo trước rất mạnh mẽ của những biến tấu khuếch đại đồ sộ trong những tác phẩm của phương thức sáng tác thứ ba của Beethoven. Chương II kết thúc bằng một phần coda lớn, rất độc đáo, bắt đầu bằng những vocalise theo kiểu Italia ở piano trước rồi đến violon, và tiếp đó là chất bi kịch, chủ đề trở lại bị chia cắt, phân tán, gẫy khúc, băm nhỏ....
Chương cuối Presto được sáng tác năm 1802 cho một trong những sonate để tặng hoàng đế Alexandre, sau đó Beethoven thấy nó xa lạ với tính chất của op.30, tuy vậy ông vẫn giữ nó lại và cũng chính từ chương nhạc này ông nảy sinh ý muốn sáng tác Sonate tặng Kreutzer. Chương Presto được viết theo khúc thức sonate hai chủ đề có sự liên kết gần gũi. Người ta chú ý một điều là hai chủ đề này, trước hết là chủ đề một, được viết theo phương thức - nếu như có thể nói như vậy - co giãn đàn hồi. Đầu tiên nó được cấu trúc bằng ba nốt nhạc (đồ-rê-mi từ nhịp 1 đến nhịp 5) bao gồm trong một quãng ba. Nó trở lại sau đó một khoảng thời gian, với một quãng năm (la-mi nhịp 28, 29, 30) với tính chất fanfare ở piano độc tấu, sau đó ở violon với một quãng tám (từ nhịp 62 đến 65) trong sự trình bày để dẫn vào chủ đề hai. Hai chủ đề này với dung dáng của một đám người phi ngựa xuất hiện và sau một đoạn ngưng nghỉ đã lao vào một cuộc giao đấu trong suốt quá trình phát triển với cùng một sức mạnh, cùng một sức tấn công như hai chủ đề của chương đầu và với những âm hình tiết tấu rất khác nhau. Một đoạn nhạc chuyển tiếp dẫn vào phần tái hiện, phần này đối xứng chặt chẽ với phần trình bày.
Trong phần thứ ba này đưa vào một số hợp âm có tính chất nghi vấn, loại hợp âm mà Beethoven có bí quyết sử dụng, hợp âm này mở đầu phần Coda, đầu tiên nó được báo hiệu ở adagio bất ngờ bị chia cắt bằng một vài nhịp presto, tiếp đó phần Coda chính thức được xác lập đưa đàn violon lên những âm khu cực cao, trong khi đó piano lần xuống những bậc cực trầm, tác phẩm kết thúc một cách cấp bách, khẩn trương trong sự mạnh mẽ và kiên quyết.
Nhân đề cập đến chương kết thúc phi thường này, Alfred Cortot đã nhắc lại câu nói của Bismarck (2)  về trang nhạc rung động này - câu nói của “một con người tôn thờ hành động, lý do duy nhất để có một cuộc đời kiêu hãnh và ngự trị”. Câu nói đó khá đẹp đẽ để có thể ghi ra ở đây: “Phải chăng nên nghe chương nhạc này hàng ngày để hoàn thành được những việc lớn, bởi vì bất cứ ai muốn rèn luyện mình ngay từ thuở thiếu thời những phẩm chất của một người anh hùng, thì đây chính là bài hát ru thích hợp”.
(1) Nghệ sĩ piano và nhà chỉ huy nổi tiếng người Pháp gốc Thụy sĩ cuối thế kỷ XIX đầu XX.
(2) Chính khách Phổ rất nổi tiếng thế kỷ XIX.
Theo http://www.hoinhacsi.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...