Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Nguyên Sa, "Cuộc hành trình tên là lục bát"

Nguyên Sa, "Cuộc hành trình 
tên là lục bát"
Gần nửa thế kỷ trước, Nguyên Sa đã làm thơ, bài "Di chúc", như một bày tỏ cuối đời, dù lúc ấy ông còn rất trẻ và chưa có dấu hiệu nào sẽ ra đi trên chuyến tàu miên viễn mà ai cũng phải đi, phải đến sân ga, phải chờ phải đợi:
"Tôi đến đây không ai mời
cũng mong rằng: đi đừng ai giữ
có nhớ, có thương
có tạc nên tượng hình bằng đá trắng đồng đen
cũng đừng bày giữa những sân trường đại học
đừng bày giữa những công trường.
Xin nhớ để giùm ở một góc công viên
Để những đêm khuya

(Rất khuya)
Tôi nhìn mặt trăng soi gương
Và ngắm những người yêu nhau tình tự..."

Và, trước năm ông ra đi, năm 1998, cũng có một bài thơ, mà sau này được khắc lên bia mộ, cũng ở một nơi khiêm nhường, nhưng rất đặc thù Nguyên Sa:
"Nằm chơi ở góc rừng này
chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
xin em một sợi tóc vàng
làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
biết đâu thảo mộc bớt đau?
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?"

Bút hiệu Nguyên Sa, theo lời chính ông giải thích thì chỉ là "không có gì sâu sắc cả. Thành thực lúc nào tôi cũng cho tôi là một số không, tôi không lớn, nên tôi tự cho mình vốn dĩ chỉ là hạt cát".
Theo tôi hiểu, điều mà ông lúc nào cũng mong muốn là một người ca tụng tình yêu. Trong thơ Nguyên Sa, có những bài mà phần đông người đọc đã cho là những "hạt ngọc bắt được của trời" sự lãng mạn đã tạo thành một không gian thời gian đầy nét trẻ trung đầy nét đam mê ở bất cứ thời điểm nào. Bây giờ, đọc những bài thơ ông viết về Paris, về Sài Gòn, về những cổng trường áo trắng, về cái thời tiết man mác bềnh bồng của những người yêu nhau, dù đã ở tuổi sáu mươi, mà vẫn còn rung động.
Nguyên Sa viết hồi ký mà những trang, những dòng là những bài thơ nối tiếp nhau, những vần thơ của một người vẫn tiềm tàng trong ý thức một tình yêu, yêu mình, yêu người yêu và yêu cả cuộc đời. Hồi ký ấy, ông gọi là "Cuộc hành trình tên là lục bát"...
Thời gian đi qua thật nhanh. Lật bật, thế mà đã đến cái giỗ thứ tám của nhà thơ Nguyên Sa. Nhiều người đã có cảm giác rằng thân xác người thơ đã đi vào hư vô, đã khuất núi nhưng ngôn ngữ vần điệu thì vẫn còn sống mãi ở hiện tại trong lòng những người yêu văn chương chữ nghĩa. Nên đã có phát biểu rằng ở những vóc dáng nghệ thuật lớn như Nguyên Sa, tác phẩm không có tuổi thọ. Mỗi ngày, mỗi năm, thi ca đối thoại cùng với miên viễn, bất tử. Những trang sách vẫn còn mãi, như tấm gương soi phản chiếu một hành trình văn học nhiều đặc sắc...
Giở những trang hồi ký, được in sau ngày thi sĩ từ trần, đọc lại để tưởng tượng ra một thời kỳ khá đặc biệt của văn học Việt Nam. Thời thế ấy, con người ấy, đã sống, đã làm việc, đã buồn, đã vui, với rất nhiều tâm tư chia sẻ của một thời đại đầy biến cố. Qua những trang sách, những ngày tháng sôi động mở ra kèm theo những chi tiết lý thú. Ở đó, chất chứa những nỗi niềm. Ở đó, là những giấc mơ. Và, quen thuộc hơn hết, vẫn là nhân dáng đời thường, với những hệ lụy của nó. Hiện thực được nhìn ngắm và diễn tả dưới đôi mắt thi sĩ. Lãng mạn.
Lúc nhà thơ còn sinh tiền, qua những câu chuyện kể với cá nhân tôi về chuỗi ngày đã qua, tôi rất tâm đắc và thường bày tỏ lòng mong mỏi sẽ được đọc những cái chung của thời đại qua cái tư riêng của ông với những suy tư, cảm nghĩ trên từng trang hồi ký. Và, ở trong những điều cảm nhận được, chúng ta sẽ có được những phóng chiếu chính xác để hình dung được những đời sống phức tạp trong một thời kỳ nhiều đổi thay biến chuyển mà chữ nghĩa thể hiện, Nguyên Sa là một khuôn mặt đa diện. Trong đó, ông là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà giáo yêu nghề, một nhà báo lừng lẫy, một thương gia thành công, một nhà văn nhiều khám phá, sáng tạo, và cả một người có tham dự ở trong hậu trường của chính giới miền Nam... Tất cả những vóc dáng này trộn lẫn lại, thành một chân dung đặc sắc riêng. Nhưng, trước sau, vẫn bao trùm chất thi sĩ trong mỗi vóc dáng. Chất thơ, với một chút lãng mạn, một chút của mơ mộng pha trộn vào những cảm xúc có từ đời sống thực là một nét đặc biệt của "cõi riêng Nguyên Sa".
Thi ca, làm biểu hiện rõ nét hơn trong bày tỏ bằng ngôn ngữ vần điệu.
Hồi ký Nguyên Sa, trong bố cục bốn phần, biểu hiện một phần nào những góc cạnh của khuôn mặt ấy. Ông viết không theo một trình tự thời gian nào, mà mở rộng ra những không gian từ trong nước đến khi ra hải ngoại hay lúc du học ở Pháp đến khi về nước tham gia trường văn trận bút. Trong những trang hồi ký, ông ghi chép lại những biến cố trong cuộc sống của ông mà qua đó, thấy được những biến cố của đất nước. Những nỗi niềm của một người mà cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã nhận xét với bác sĩ Trần Kim Tuyến là "quá lãng mạn" phảng phất trong từng giấc mơ và có lẽ là những mẫu số chung của người trí thức trong cùng một thế hệ. Thời thế, với những cơn trốt dông bão không ngờ trước được, đã cuốn lôi tất cả vào những tình huống và cảnh ngộ thật nhiều bất ngờ.
Trong diễn tả, có phác họa nhiều khuôn mặt. Của chính khách một thời quyền lực như bác sĩ Trần Kim Tuyến. Của hòa thượng lãnh đạo Phật Giáo Thích Tâm Châu. Của nhà văn chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo Mai Thảo. Của nhà báo lừng lẫy một thời đảng trưởng đảng Đỡ Buồn Chu Tử, người gây dông bão cho bọn quan tham lại nhũng. Của những khuôn mặt giáo chức nổi tiếng mô phạm Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Xuân Nghiên... Mỗi một vị trí, trong những chuyện kể khác nhau, làm nổi bật thêm những sắc thái trong cuộc đời tác giả. Mà, hình như, đời sống của ông cũng khá nhiều biến cố và phần nào có nét biểu tượng cho xã hội mà người thơ đã sống. Làm nhà giáo, chia sẻ những sinh hoạt chung với bạn bè đồng nghiệp, ông có cùng những dự tính những mơ ước. Làm nhà báo, viết những bài "Nổ văng miểng lung tung", không ngoài một ý muốn làm sạch sẽ hơn cái xã hội bị tha hóa đến không tưởng tượng nổi. Ở đó, ông gặp những Chu Tử, những nhóm "Nồi niêu xoong chảo" Hoàng Anh Tuấn, Trần Dạ Từ, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long... Làm nhà thơ, với những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, cái duyên nghiệp văn chương một thời hiển lộng, để, thơ Nguyên Sa của "áo nàng vàng vàng anh về yêu hoa cúc" thành những trang vở chép nâng niu trìu mến của nhiều thế hệ học trò. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã phát biểu rằng những người từ Pháp về như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn... đã mang lại cho thơ văn Việt Nam một chút lãng mạn của Paris, của những phương trời nhiều lãng mạn.
Khi trả lời một câu hỏi về thơ, thi sĩ của "áo lụa Hà Đông" đã nói:
"Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách thế giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại những bản ngã khác biệt trong thời gian.
Làm thơ với tôi bao giờ cũng cần có cảm hứng, có cảm hứng mới làm được thơ, không có cảm hứng thì chịu thua. Cảm hứng đưa tôi vào thơ, thời gian này, cũng như từ hơn bốn thập niên, luôn luôn đến từ xúc động chân thực. Lúc hai mươi tuổi, đam mê tình ái mang thơ lại cho tôi. Khi tuổi già đã tới, cánh cửa của một đời người sắp khép kín lại, những xúc động của những ngày tháng đối diện với sự thật của kiếp người, một cuộc tình hồi tưởng lại, một cuộc tình mơ ước, giọt sương mai mong manh, cơn mưa đến muộn, buổi hoàng hôn nơi quê người, người bạn thâm niên bỏ đi vĩnh viễn, là nguồn cảm hứng hôm nay của tôi. Cảm hứng này xây trên xúc động chân thực luôn luôn đổi mới, cùng với kỹ thuật thi ca có suy nghĩ, giúp cho sáng tạo tránh khỏi nhắc lại chính mình..."
Đọc lại những trang hồi ký Nguyên Sa, tôi dường như thấy lại những đoạn đường gập ghềnh của văn học Việt Nam. Nền văn học ấy từ những nỗ lực xây dựng, những tận tình khai phá sáng tạo. Để có những thành quả mà một chế độ chuyên chế dùng đủ mọi cách để triệt tiêu nhưng không làm nổi. Cũng như, từ những tàn phá gẫy đổ, những mâu thuẫn ý thức hệ chi phối văn chương tạo nên những tha hóa những xuyên tạc ngộ nhận. Nhưng vượt lên tất cả, vẫn là tâm tư của những người muốn làm đẹp quê hương, bảo tồn những giá trị cao quý của dân tộc. Viết những dòng ghi chép lại cuộc sống, trong chủ quan có những cảm xúc kèm theo. Những dòng chữ, ở trong một cảm nhận nào đó, có tác dụng của những luồng điện truyền đi, gây những cơn "shock" mạnh trong tâm não. Phong thái diễn tả, có sự sinh động của dòng máu chảy, có dồn dập của nhịp trái tim. Từ ngôn ngữ, đời sống hiện ra, rõ nét nhưng bàng bạc chất ngất tâm sự. Đọc, để thấy lại một đoạn đời. Đọc, để soi trong tấm gương nhân sinh vóc dáng của nhiều người, có phận đời riêng nhưng chia sẻ chung với nhau những đa mang cam chịu của cùng một thời đại.
Viết về nguyên ủy của một bài thơ, tác giả có sự chân thành của một người nhìn lại và xét đoán chính công việc của mình:
"... Tôi đưa ngay Cắt Tóc Ăn Tết cho Thế Nguyên, bài thơ Xuân đầu tiên sau bốn năm, mau chóng, bài thơ được đọc trong anh em Trình Bầy từ trước khi số Xuân Trình Bày in xong. Động lực nào làm tôi tới được với Thơ Xuân, cơn gió kỳ lạ nào đã đưa Thơ Xuân tới với tôi? Nguyễn Ngọc Lan trước giờ vẫn nhìn tôi nghi ngờ. Nhà thơ phe hữu này đến đây làm gì? Tôi có tất cả những yếu tố hữu, cả từ đời sống đến tác phẩm. Tôi làm thơ tình, chỉ thơ tình, có cả thơ tình vì tình cờ, có cả thơ tình vì đời sống, có cả thơ tình như chọn lựa. Tôi cũng nói với Thế Nguyên tôi không thích loại thơ thời cuộc. Ngôn ngữ thơ tự nó là một thế giới, nó không là ký hiệu, là dấu chỉ cho một thế giới nào khác. Văn xuôi là dấu chỉ biểu hiện những sự vật. Thơ tự nó là sự vật. Làm sao nó có thể dấn thân? Nhóm Trình Bầy có nhiều bằng hữu thật trong sáng. Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trung, những khuôn mặt hàng đầu của nhóm nghệ sĩ này không hiện ra thu hút với tôi. Tôi có giao thiệp nhiều với Nguyễn Văn Trung, nhưng Trung là người của biên khảo, tôi có viết biên khảo nhưng vẫn chỉ cảm thấy gắn bó với thi ca. Nguyễn Ngọc Lan xa lạ. Nhưng Nguyễn Quốc Thái ngây thơ và tình tự. Diễm Châu sâu thẳm đa dạng. Hoàng Ngọc Biên hào hùng. Mai Vi Phúc hiền hòa... Những cuộc trò chuyện với Thế Nguyên về giá tiền sắm bộ chữ Romain mới, với Diễm Châu về Malcolm X, với Nguyễn Quốc Thái về Sư đoàn 18 và thị trấn Tây Ninh, về thơ tự do, tất cả kết hợp lại thành chuyến xe chạy trên những con lộ thênh thang có hơi thở của núi non và biển cả..."
Viết hồi ký, phải chăng là ghi chép lại những kinh nghiệm của chính đời mình cho những người ở thế hệ sau hiểu được tâm tư cảm nghĩ của thời đại mà mình đang sống? Với Nguyên Sa, hình như còn mục đích khác. Không hiểu chủ quan tôi có đúng không khi nghĩ rằng tác giả "Áo Lụa Hà Đông" còn muốn đối thoại với những cái thiên thu trường cửu. Đời sống sẽ ngắn ngủi lắm với lượng thời gian dần hao hụt theo tháng năm nhưng ở cõi bất tử những chữ nghĩa vẫn còn mãi. Tôi đã từng nghe những nghệ sĩ nổi danh chỉ mong ước có một bản nhạc, một bài thơ,... của mình còn tồn tại qua sự sàng lọc của lãng quên.
Với hồi ký Nguyên Sa, với "Cuộc hành trình tên là lục bát", có phải là điểm khởi đầu cho một miên viễn thiên thu?.

Nguyễn Mạnh Trinh
Theo http://cuantunguy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...