Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Đời chữ

Đời chữ
Gió. Khắp trời gió, khắp đường gió, khắp đồng gió, mặt sông cũng lồng lộng gió. Thịnh đứng trong gió như con bùi nhùi rơm trơ trọi giữa đám ruộng, nhìn bụi bốc mù, nhuộm mờ vạn vật, tâm trí Thịnh trống rỗng như chiếc thùng phi người ta đã vét cạn kiệt nhựa trộn vào đá rải đường. Mặt trời bị mây che phủ. Chiều chưa cạn dịch sống mà dường như đêm đã tràn nghẹn buồng phổi trần gian. Mười năm mãi cảm xúc tâm hồn thành chữ Thịnh luôn nung nấu khát vọng viết nên một cái gì đó khiến thiên hạ phải cúi đầu ngưỡng vọng, nhưng càng viết Thịnh càng sa vào bế tắc, hắn hiểu bản thân hắn chỉ là con đốm đi tìm bóng mình suốt dọc triền đê nhân thế, càng tìm càng không thấy, rốt cuộc trở thành cái xác khô trong đám cỏ cằn sau hàng rào bình minh.
Thịnh bước đi, bóng hắn trộn lẫn vào đám bụi. Gió, những chiếc lá như chong chóng xoay liên hồi. Thịnh cố nhoài về phía còn sót lại vài sợi nắng yếu ớt, xa xa một cánh chim bị gió dồi chới với. Nó có tìm về được đến tổ không? Thịnh hỏi thầm và hắn bật cười, chính hắn cũng chẳng biết hắn có đủ sức duy trì đến cuối con đường hắn đang đi hay không thế mà hắn lại dành sự quan tâm đến sự sống chết của một con chim nhỏ nhoi. Nếu hắn còn như thế thì đến bao giờ hắn mới viết nên một kiệt tác để đời? Hắn phải từ bỏ những suy nghĩ cũng như lối viết về những điều tầm thường của kiếp người, hắn cần viết những điều cao siêu rộng lớn, có như thế hắn mới trở thành nhà văn chân chính. Thịnh vượt ra khỏi luồng gió bụi. Thịnh chạy. Như một con thú hoang trong cuộc chính biến của rừng già, nhịp tim Thịnh như chiếc máy điện phát hết công suất, máu dồn lên từng đợt như thủy triều dồn lên bờ biển, Thịnh như nghẹt thở, ngực Thịnh căng tựa dây đàn.
Mưa. Những làn roi nước quất vào người Thịnh. Nhân gian như cái xác khổng lồ đứng im chịu trận. Mưa dữ dằn quá khiến mắt Thịnh nhòe đi. Thịnh không nhìn thấy gì nữa ngoài một màn nước trắng xóa. Trong trắng xóa Thịnh nhìn thấy những thây chữ đổ gục và những bàn chân tua tủa gai nhọn dẫm lên cắm phập vào bầu tim bầy chữ khiến máu trào ra lênh láng, máu đỏ tươi như máu con người, máu hòa lẫn vào nước mưa, nước và máu trôi, trôi mù miết. Chừng như có tiếng rền rĩ, rền rĩ vô tận. Thịnh bước đi. Đường liêu xiêu. Thịnh liêu xiêu. Gió vần mưa vả. Thịnh liêu xiêu. Hồn Thịnh liêu xiêu. Những ảnh hình trần gian vùn vụt tời qua hồn Thịnh. Cuốn phim kiếp người chập chờn trình chiếu.
Thịnh đẩy cửa. Bằng đang ngồi bên chai rượu. Bằng ngẩng lên. Nước trên người Thịnh rỏ  long tong.
- Uống chứ? Bằng gọn lỏn.
Thịnh gật đầu. Ngồi xuống. Kệ áo quần ướt rượi.
Bằng rót rượu.
- Bị khinh miệt suốt tôi cũng đâm ra quen anh ạ. Một ngày nào đó tự dưng được tôn trọng chắc tôi chết vì nhồi máu cơ tim quá. Thịnh dốc cạn chén rượu cười chua chát.
- Ôi cái thời đại người ta đấm ngực hô hào văn minh mà tầm nhận thức của đám đông không bằng những kẻ hoang dã, áo mặc lên từ chân quần mặc từ đầu xuống. Bằng thở dài.
Từ đôi mắt thâm quầng vì thức đêm nhiều của Thịnh những giọt nước mắt như những giọt nước nhỏ xuống từ khe đá trong hang động ngàn năm, phút chốc bị gió thổi khô đi.
- Cho tôi mượn bút và giấy. Thịnh nói.
Bằng đi lấy bút giấy. Thịnh viết. Những lời thơ rướm máu. Ngòi bút đay nghiến tờ giấy. Tờ giấy run lên từng cơn. Từng cơn.
- Tôi đã viết bằng nỗi đớn đau và máu của tâm hồn thế mà rốt lại người ta xem những gì tôi viết không bằng giá trị một đống phân chó. Thịnh lấy bật châm tờ giấy ghi bài thơ của hắn, ngọn lửa bén nhanh phút chốc tờ giấy tan vỡ thành tro bụi Thịnh vò nát đám tro và thả tay ra, gió thổi đám tro bay tơi bời, Thịnh  thấy linh hồn mình đang dần bị phân hủy theo đám tro tầm thường ấy.
Tro róng riết bay. Trời vẫn túa ra những giọt gió. Gió ngợp mắt, gió ngợp hồn. Thịnh nhìn tro, rồi nhìn gió, nhìn con đường quằn quại như người đàn và rặn đẻ.
Bằng rót rượu. Thịnh cạn. Bằng rót. Thịnh lại cạn. Im lặng kéo lê thê. Đêm rụng xuống. Căn nhà im lặng kéo dài. Ngọn điện mù. Mảnh sân mù. Chai rượu chỏng chơ. Tâm hồn Bằng và Thịnh cũng chỏng chơ. Ngoài đường đùng đục tiếng chân người. Tiếng đàn tàn tật. Những lời ca tàn tật. Gã đàn ông tàn tật. Loang loáng những ánh đèn không ngủ. Riết róng những lời ca buồn thảm. Lan dài. Gió lướt qua những vũng nước mưa chưa kịp chia biệt tuổi ngây thơ. Những chiếc lá dậy thì run rẩy ngã vào vòng tay đêm. Mơn trớn.
Những ý tưởng điên rồ quét ngang tâm thức Thịnh. Dăm câu thơ mọc mầm. Rồi chết yểu. Bằng lờ đờ mắt. Bàn tay ngây dại nắm hình hài đêm. Vật lộn. Tất cả đảo điên. Sàn đời điên đảo. Bằng chặt tay vào khuôn mặt đêm.
- Sống phải sống, còn hơi thở cuối cùng cũng phải sống. Từ bùn nhơ phải đào lên mạch máu của suối trong, sự thuần khiết thường hồi sinh từ tăm tối. Sống phải sống.
Thịnh ngẩng phắt lên. Trời lốm đốm sao. Những vì sao như những đôi mắt không ngủ. Nền trời không mây. Gió đã lặng. Tiếng đàn tàn tật tắt lịm. Xa xa nhói lên tiếng sóng quẫy mình. Sóng từ đâu? Sóng từ thẳm sâu linh hồn nhân loại. Sóng từ thẳm sâu kiếp hèn của những kẻ vô gia cư. Sóng từ thẳm sâu cõi lòng phiêu định của những người gái giang hồ. Sóng. Sóng. Quẫy mình như những cánh tay cố vươn lên từ thăm thẳm hư vô. Phải viết. Phải sống. Dù suốt đời đứng ngoài dòng chảy văn chương cũng phải viết. Viết để biết mình đang thở hơi thở của con người. Viết để biết thời gian đang đổ máu xuống mảnh vườn nhân thế. Viết để biết sau những mùa đông triền miên xuân sẽ về rạng ngời như mắt người tình nồng ấm. Những cái ôm thơm nồng men sữa.
Căn nhà côi cút. Ngọn điện mù. Tâm hồn Thịnh ruộm lên những ánh lân tinh. Bóng Bằng lay động, chao chao trên bức tường cáu xỉn. Cánh buồm  hoài cảm  lướt trên mặt sóng. Truồi dài. Mải miết.
Thịnh nhẹ nhàng sờ vào khuôn ngực đêm. Mạch tim đêm đang đập loạn lên. Những mao mạch trên từng ngõ phố giần giật như lên đồng. Mùi sương chan chát lan nhẹ qua những mảnh xác bầy nhầy lá úa. Con dế già gục đầu vào đôi cánh mệt mỏi mơ về đồng cỏ dĩ vãng. Tiếng ca não nùng của người điếm già lẩn quất trong mùi khuya ngai ngái, gây cho tâm tư hắn thứ cảm xúc như chiếc lưỡi thạch sùng đang liếm láp đám di thể của lũ muỗi đoạn mệnh trên bức tường quá tuổi. Hắn giơ đôi tay rệu rã hồng cầu cấu vào bầu vú của gió, tìm chút cặn sữa sót lại của mùa hạ. Đêm nay là đêm đầu thu, không gian buồn, một nỗi buồn không nhan sắc. Thịnh đưa đôi mắt đã ám đầy sương, thứ sương hờn tủi, cố nhìn vào con ngõ vắng, nơi đó có ngôi nhà của một cô gái mù. Cô ta cũng là nhà văn, một nữ văn sỹ chuyên viết về ánh sáng. Lần nọ Thịnh may mắn là người đầu tiên được cô ta trao cho bản thảo cuốn tiểu thuyết “Linh Hồn Và Cát Bụi”. Đó là một cuốn tiểu thuyết chất chứa dung nham của một ngọn núi lửa luôn sẵn sàng phun trào. Một cuốn sách đánh đổ mọi giá trị phù phiếm cố hữu của xã hội về đạo đức, tình yêu… Cuốn tiểu thuyết ấy đã đưa tư tưởng của Thịnh vượt thoát thung lũng đầy rẫy loài tầm gửi đến cánh rừng của những loài cổ thụ ngàn năm, dù trải qua muôn ngàn bão tố vẫn ngẩng cao đầu đón ánh mặt trời chân lý. Đó là lần đầu tiên Thịnh thức xuyên đêm, ngả hồn vào những ngôn từ nóng hổi như máu. Cuối năm ấy cuốn tiểu thuyết được xuất bản với số lượng khổng lồ tạo nên cơn chấn động mạnh trong làng văn chương từ lâu chìm đắm sau đám rêu bạc nhược. Thế nhưng cũng từ đó danh tiếng khiến tâm hồn cô ta trở nên chai sạn. Tiếng chuông đớn đau cõi nhân thế đã tắt lịm trong lòng cô gái mù.
Nửa tháng sau, một buổi sáng mùa thu thành phố vừa choàng giấc chiêm bao, người ta phát hiện ra xác nàng văn sỹ mù giữa ngã tư, cái xác đã lạnh. Cô ta bỏ nhà đi trong đêm, mang theo tác phẩm của mình đuổi theo những tia sáng của tương lai, nhưng cô ta đã kiệt sức và trút linh hồn trước khi đuổi kịp chúng.
Có tiếng động. Thịnh lắng tai nghe, cuối chân trời vì sao nào vừa vỡ linh hồn?.
Cố gắng mãi Bằng cũng len ra được khỏi dòng người. Con đường chiều uể oải nắng. Bên mái hiên nghèo bà cụ già, tóc trắng như những vạch thời gian lệch, ngồi thẫn thờ nhìn ra. Bằng khom người chào bà cụ, bà cụ cười đáp lại, cái cười như chứa đựng mênh mông sầu muộn của cả một thế hệ.
Xe Bằng chạy qua cổng ngôi nhà bốn tầng, con chó becgie thấy Bằng, nhảy cỡn lên đuôi ngoe nguẩy kêu rối rít. Lần nọ, chiều mùa đông Bằng về ngang qua đây, con chó becgie của nhà lão Khánh, chủ nhân ngôi biệt thự  có cái tên khá hoành tráng: Nắng Sa Ha Ra… nằm co ro ngoài cổng. Tiếng rên rỉ của nó khiến Bằng để ý. Bằng dừng xe. Con chó thấy bóng người liền co rúm ró, tiếng kêu như uất nghẹn lại như sợ hãi. Bằng nghĩ, chắc lại phá quấy gì nên bị chủ bỏ đói đuổi ra ngoài đây mà. Bằng mở túi lấy ra miếng thịt nướng. Lúc trưa khi Bằng chuẩn bị đi làm vợ gã đưa tiền cho gã dặn đi dặn lại:
- Chiều em sẽ về muộn anh nhớ rẽ vào quán lão Tứ Còi mua nửa cân lợn quay về cho bọn nhỏ ăn.
Bằng nhìn miếng thịt do dự. Gã lắc đầu tự nhủ “Thôi kệ, cô ấy có hỏi mình cứ nói thác là quên mua vậy”.  Bỏ miếng thịt xuống trước con chó Bằng nhẹ nhàng nói:
- Nào chú mi ăn đi, tao có từng này thôi đấy, chưa no thì ráng chịu nhé.
Con chó ngẩng nhìn Bằng e dè. Bằng cười. An tâm con chó vục mồm vào miếng thịt chén liền một nư.
Bằng lên xe phóng đi với tâm trạng bình an lại kỳ. Bóng Bằng nhòa dần vào màn sương chiều hiu lạnh. Từ sau hôm đó hễ thấy Bằng con chó lại mừng rỡ như gặp người thân.
Hồi Bằng học lớp năm, cô giáo ra đề “Em hãy miêu tả con chó nhà em và nói rõ tình cảm mà em dành cho nó, em nghĩ gì khi động vật bây giờ bị con người đối xử càng ngày càng tệ”. Nhà Bằng có con chó tên Tô, Bằng thích chơi với nó lắm, nó bị câu trộm Bằng buồn cả năm trời. Bằng đưa ngay con chó vào bài viết của mình.
Bài văn của Bằng được cô giáo khen hay, giọng văn xuất sắc, tuy nhiên Bằng chỉ đạt điểm năm, thang điểm suýt chết, vì trong bài văn của Bằng có một câu theo cô giáo là không được văn minh cho lắm. Bằng ví con chó như con người.
Bằng không ăn thịt chó. Từ nhỏ gã đã ghét những ai ăn thịt hay giết mổ loại vật này, đến bây giờ vẫn vậy. Như mọi tên đàn ông khác, Bằng cũng thích nhậu nhẹt mỗi khi rảnh rỗi nhưng buổi nhậu nào có thịt chó nhất quyết Bằng không tham gia.
Bạn bè tên nào cũng cảm thấy quái lạ, hỏi có phải vì gia đình Bằng theo đạo Phật không, Bằng đáp:
- Chả phải, tao chả theo đạo nào hết, chỉ là không thích ăn thôi.
Hiểu tính Bằng bạn bè chĩ rủ Bằng khi cuộc nhậu không có thịt chó. Nhờ vậy Bằng không mấy khi chìm đắm trong men rượu. Lâu dần Bằng  như kẻ dư thừa giữa đám bạn bè đồng nghiệp.
Bằng bước lại xoa đầu con chó, nó lim dim mắt, dúi mõm vào bàn tay của Bằng. Bằng vỗ nhè nhẹ lên đầu nó:
- Chào buổi chiều anh bạn.
Con phố xác xao tiếng người tan tầm. Bóng Bằng nhòe dần sau con ngõ hẹp.
Bằng quen Thịnh trong một hội nghị văn học. Thịnh là hội viên hội văn học thành phố. Bằng nhà báo. Hôm ấy giờ giải lao đang loay hoay tìm quán nước bỗng Bằng nghe có tiếng kêu:
- Ê anh bạn, sang bên này uống nước nói chuyện cho vui.
Trước mặt Bằng là một gã đàn ông với khuôn mặt dày sương dạn gió. Đôi mắt như ẩn chứa những tâm sự không dễ dãi bày, nửa muốn bùng nổ nửa âm thầm kiềm nén.  Qua câu chuyện hai người dần trở nên thân mật khi nhận ra cả hai có những tương đồng về quan niệm xã hội và công việc viết lách. Bằng thường có những bài viết lề trái. Thịnh kịch liệt lên án lối viết màu mè diêm dúa, ngợi ca đời sống bằng ngòi bút “nửa mùa” trong khi những vấn đề nóng bỏng của thời đại lại bàng quan, nhắm mắt theo đóm ăn tàn.
- Tôi luôn ủng hộ và khâm phục những cây viết như anh. Cuộc đời  đang dằng dặc màn đêm nếu những nhà văn nhà thơ cũng im lặng đồng lõa với bóng tối thì chẳng còn ai thắp lên ngọn lửa bình minh.
Thịnh cầm bàn tay Bằng rưng rưng. Đó là lần đầu tiên Thịnh cảm nhận được sự ấm áp  của cánh chuồn cô độc giữa bầy cào cào khoác áo bảy màu.
Suốt sáu tháng sau đó Thịnh giam mình trong căn phòng chật hẹp vật lộn với cảm xúc và bầy chữ. Tác phẩm “Bóng Tối Và Bình Minh” được Thịnh hoàn thành vào đúng cái đêm cha hắn rời bỏ đường ray nhân thế sau một cơn đau đột ngột. Trong tiếng than khóc xé lòng của mẹ, của vợ và những đứa em Thịnh nén chặt nỗi đớn đau vào sâu thẳm đáy lòng để sống chân thành với nhân vật. Năm mươi ngày sau đám tang cha Thịnh gửi bản thảo đến nhà xuất bản. Một trăm ngày cha Thịnh nhận được phản hồi. Tác phẩm của Thịnh không thể sử dụng. Người ta nói, Thịnh đã không viết đúng sự thật xã hội đương thời. Thịnh đã đem cảm hoài cá nhân vào nội dung tác phẩm một cách dễ dãi, điều đó có thể sẽ khiến độc giả có cái nhìn lệch lạc về đời sống hiện tại.
Thịnh tìm đến Bằng.  Thịnh cười chua chát.
- Đến tiếng khóc đớn đau tột cùng của tâm hồn mà cũng bị nghi ngờ thì chẳng còn gì trên thế giới loài người đáng để ta bấu víu mà tin tưởng. Ma quỷ không giết nổi con người, ác thú không giết nổi con người, chỉ con người giết con người một cách tàn nhẫn nhất bằng miệng lưỡi và sự bao biện cho mầm ác.
Bằng nói:
- Tôi hiểu tâm sự của anh, nhưng Thịnh ạ văn chương của anh là thứ văn chương của ngày mai, chúng không thể tồn tại giữa một xã hội như bây giờ. Hãy kiên định với con đường anh đã chọn. Tôi tin một lúc nào đó người đời sẽ công nhận những gì anh cống hiến.
Thịnh trở về, ngồi dưới bàn thờ cha suốt đêm. Gió miết mảnh sân đầy  bóng tối. Gió miết tiếng lá rơi cô độc. Gió miết khung cửa chất chồng đắng cay năm tháng.Gió xuyên vào muôn ngàn mạch máu tâm hồn Thịnh.
Thịnh rời hội văn học nghệ thuật thành phố. Thịnh bỏ viết. Hằng đêm lũ chữ tìm đến gõ cửa tâm hồn Thịnh trong tuyệt vọng. Thịnh làm lơ. Chúng âm thầm ra đi, lẩn khuất vào màn tối vô định.
Vợ Thịnh sung sướng nói:
- Anh đã trở về, em chẳng cần anh mang danh nhà văn nhà thơ gì cả em chỉ cần anh là một người chồng người cha tốt. Nhìn anh suốt ngày dày vò tâm hồn em thật chẳng an tâm chút nào.
Thịnh mỉm cười ôm vợ vào lòng. Chẳng ai hiểu nỗi lòng của Thịnh. Vợ Thịnh là  người đàn bà chung thủy, cô ấy yêu thương Thịnh bằng cả trái tim nhưng cô ấy không bao giờ hiểu nỗi đớn đau của một thằng nhà văn bất chí cùng thời.
Thịnh nhìn vầng dương hấp hồi cuối chân trời và bất chợt nhớ đến lời nói của nhân vật chính trong tác phẩm Bóng Tối Và Bình Minh “Tôi yêu tha thiết nỗi buồn dài của dân tộc tôi. Hãy cho tôi được làm hạt bụi bám trên manh áo sờn tổ quốc khi bình minh chân lý đã và đang bị cưỡng bức bởi bóng đêm lừa dối.
Có thể những gì tôi viết hôm nay chẳng có cơ hội tồn tại đến ngày sau hoặc sẽ chết yểu khi chiều chưa kịp xuống, có thể tiếng khóc đớn đau của tôi bị mọi người xem là giả tạo, có thể những con chữ sẽ làm tim tôi rỉ máu giữa muôn trùng bơ vơ cô độc nhưng có hề gì đâu, tôi đã sống đúng nghĩa như dòng máu chảy trong huyết quản tôi”.
Thịnh trở lại với lũ chữ. Âm thầm viết. Âm thầm sống như loài cỏ dại bền bỉ trong mảnh vườn cằn cỗi cuộc đời.
Bằng biến mất. Hai tuần liền vợ Bằng không có cách nào liên lạc với gã. Có người nói nhìn thấy Bằng xuất hiện lần cuối gần con ngõ rẽ vào nhà Bằng. Lúc đó có một chiếc xe ô tô dừng lại, một người bước xuống nói với Bằng những lời gì đó, rồi Bằng  bước lên xe. Chiếc xe chạy miết vào bóng chiều chập choạng.
Bằng trở về nguyên vẹn nhưng tâm hồn Bằng dường như đã bị những chấn thương nghiêm trọng. Bằng chẳng còn hứng thú với những bài viết lề trái.
- Tôi nghĩ kỹ rồi, mình không thể sống tách biệt dòng chảy của xã hội, mọi con sông rồi cũng xuôi về biển, có như thế chúng mới duy trì sự tồn tại. Tôi và anh không thể đứng ngoài trào lưu của đám đông. Thịnh ạ, đã đến lúc rời bỏ con đường chúng ta đang đi. Bằng lãnh đạm nói.
Thịnh nhìn chằm chằm vào mắt Bằng. Cố tìm những gì còn sót lại của một trái tim sống vì lẽ phải. Nhưng Thịnh chỉ nhìn thấy một bầu trời trống rỗng vô biên. Quán cà phê vắng. Ly cà phê chát đắng. Chiều không nắng. Không gian nặng.
Đám đông và sự ngu dại luôn là bạn đồng hành. Sự im lặng luôn đồng lõa tội ác. Chúng ta là kẻ cầm bút nếu chỉ biết giữ lấy mạng mình như giữ quả trứng thì làm sao đáng mặt đứng trên đời với tư cách là những bác sỹ phẫu thuật khối u xã hội?. Thịnh ngán ngẫm nói.
Bằng cười, nụ cười không biết là cam chịu hay bất cần:
Thôi đi bạn, bây giờ tôi đã mệt mỏi lắm rồi, đừng đem mớ triết lý rẻ tiền đó ra đây nữa, tôi còn có gia đình tôi, vợ con tôi và mẹ tôi nữa, họ là những số phận nhỏ nhoi trong chiếc máy xay cuộc đời, với họ chỉ mong mỗi ngày hai bữa cơm no bụng, được cười khi vui được khóc khi buồn, tôi không thể đánh cắp những nhu cầu bình thường ấy của họ chỉ vì thỏa mãn đam mê của tôi. Con đường này tôi e là tôi phải dừng lại. Riêng bạn hãy nghĩ suy thật chính chắn, nên đi tiếp hay quay đầu lại. Lùi một bước để tìm thấy chân trời bình yên cho tâm hồn mình và hạnh phúc đơn sơ cho những người thân, hay tiến thêm một bước và sa vào địa ngục trần gian?
Gió vần vũ, những chiếc lá bị chẻ ra thành từng mảnh, lả tả. Những mảnh thịt thiên nhiên hay những mảnh thịt con người?. Thịnh hiểu, phận người như Thịnh như Bằng, những người thân của cả hai chỉ là cỏ rác, muôn đời chỉ biết im lặng chờ đợi phút giây phân hủy. Không có quyền mơ ước vầng mặt trời của bình minh giải thoát. Đời họ còn tầm thường hơn cả loài kiến. Kiến còn biết đoàn kết mà sống, còn họ chỉ là những phần tử lạc loài giữa muôn vạn tâm hồn say giấc.
Gió lật tung những vỉa hè. Hoa rụng. Tiếng đời rụng. Những kiếp chữ rụng. Những sợi tơ hi vọng cuối cùng trong hồn Thịnh bựt đứt. Thịnh sụp đổ. Bàn tay Thịnh vầu xé từng trang bản thảo nhét vào mồm. Thịnh nhai linh hồn của những con chữ. Máu từ mồm Thịnh túa ra. Máu run lên từng cơn như sốt rét. Có tiếng thét gào bật ra từ những phún máu.
- Tôi định đem bản thảo tâm huyết này cho anh đọc nhưng có lẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi. Thịnh hét lên. Đời của những con chữ chân chính vĩnh viễn chỉ có thể làm bạn với nỗi đớn đau và cô độc.
Bằng bước đi. Lặng lẽ. Con phố dài. Dài hơn ước mơ của đời Bằng. Lần đầu tiên trong kiếp làm người Bằng cảm thấy Bằng hèn hạ. Bằng thấy mình không bằng cánh phù du. Bằng chỉ là hạt bụi người.
Bằng thổ huyết. Thịnh nhận được thông báo của vợ Bằng, chân tay Thịnh rụng rời, Thịnh dường như không tin đó là sự thật. Bằng bị bệnh viện trả về. Sau khi làm đủ các thủ tục siêu âm, xét nghiệm, chụp phim X quang bác sĩ kết luận Bằng bị tổn thương cơ quan nội tạng do những va đập mạnh.
Thịnh ngồi bên giường nắm chặt tay Bằng. Nước mắt Bằng ứa ra, tràn xuống chiếc gối cáu bẩn, ngoài khung cửa sổ mùa đông vẫn vô tình rót những giọt lạnh lùng.
Thở dài, rất nhẹ, mà buồn như xuyên thấu tâm can, Bằng  nói:
- Anh  bỏ làm viết văn  đi. Nếu không thể bỏ được đam mê cũng đừng viết dòng văn phản biện nữa. Cuộc sống bây giờ người ta vô tâm lắm Thịnh ạ. Những cái đau thương tăm tối của xã hội người ta không quan tâm đâu, người ta chỉ quan tâm tới những niềm vui thôi. Dẫu những niềm vui ấy nó vô nghĩa và hèn hạ tới mức nào. Dừng lại lấy hơi Bằng  tiếp. Anh nghĩ những trang văn thấm đẫm máu lệ của anh có thể làm thức tỉnh cả một dân tộc ngủ quên ư? Tôi hỏi anh, khi mà những trang văn anh viết cho sự thối nát của xã hội không có cách nào truyền tải tới lương tâm xã hội thì anh viết mãi để làm cái gì? Anh là ai? Tôi là ai? Chỉ là hai hạt bụi tầm thường giữa dòng đời ung nhọt thôi.
Mùa đông u uẩn. Con chim chào mào bên hiên nhà Bằng không buồn nhả tiếng. Nó đứng khép mình bên góc lồng, nó buồn chăng? Con chó mà Bằng coi như tri kỷ chiều nay cũng không quanh quẩn bên giường gã như thường lệ. Nó ra thềm nằm, đầu gối lên chân, lặng lẽ nhìn những xác lá vàng lần lượt từ trần. Ư ử từng âm thanh não nề từ miệng nó trôi ra không gian chiều dờn dợn. Chiếc radio của lão Hoạn cạnh nhà Bằng  rè rè phát, khúc dân ca về quê hương xứ sở…Thấy Thịnh  im lặng Bằng gượng trở người đằng hắng:
- Anh giận tôi à?
Thịnh không quay lại, giọng hắn như từ xa vắng dội về:
- Không, tôi không giận anh Bằng ạ. Tôi chỉ buồn tôi thôi. Tại sao tôi cứ mãi hoài lạc loài giữa xã hội này. Tại sao tôi không chạy theo dòng người thời đại. Tại sao tôi không từ bỏ thứ  văn  ưu thời mẫn thế và cố oằn mình vắt máu cảm xúc mà viết như thiên hạ? Hạnh phúc dẫu giả tạo dầu sao cũng vẫn hơn là những đắng cay dày xéo linh hồn mà, đúng không Bằng?
- Cuộc đời cơ bản là buồn bã và chán chường, vậy tại sao chúng ta không cười lên, dẫu cái tiếng cười có đẫm ướt bi sầu thì cũng gọi là cười chứ bạn nhỉ?
Bằng nhắm mắt, hình như gã đang gửi hồn phiêu bạt đến phương trời xa xôi nào đó. Bờ môi gã khẽ lóe lên nụ cười, như ánh lửa chợt bùng lên trước khi ngọn nến trút hơi thở cuối cùng.
- Tôi nhớ từ lâu rồi tôi đọc được ở đâu đó một câu thế này” sự điên loạn của số đông sẽ nhấn chìm sự bình tĩnh của thiểu số. Sự ngây thơ chấp nhận thực tại của một bầy cừu sẽ thiêu rụi ý chí chiến đấu của đàn thú sục sôi tinh thần…” Tôi đã nghĩ nhiều về điều ấy Bằng ạ. Tôi có phải là một tên thần thánh có chiếc chổi thần có thể quét sạch mọi rác rưởi bất công, khốn nạn, thối tha của xã hội này đâu. Tôi đau đời, đời có thấu cho không hay họ lại quay ra cười vào mặt tôi, phỉ nhổ vào lương tâm tôi và nói ”thằng
ĐÔNG KY SỐT nửa mùa”. Nhưng tôi vẫn phải viết, vì đó là trách nhiệm mà ông trời đã trao cho một thằng nhà văn. Đã là chim thì phải hót bạn ạ.

Một cánh chim vụt qua hồn Thịnh. Bầu trời đang trong xanh bỗng nổi giông tố. Những mũi tên gió chĩa thẳng vào cánh chim lao tới. Những vết thương chi chít khiến máu từ cơ thể chim phun thành muôn sợi tơ đỏ tươi. Những sợi tơ máu chăng khắp bầu trời. Nhưng chim không sợ. Nó vẫn nhắm thẳng hướng mặt trời lên vươn tới. Đằng xa thấp thoáng mặt biển xanh ngời. Muôn đợt sóng tung mình. chạy ra ngoài khơi. Sóng vỡ ra. Sóng tụ lại. Sóng hát vang bài ca tự do.
Bằng gượng ngồi dậy, đưa tay cầm cốc nước uống, ho sặc sủa, vội lấy khăn thấm máu vừa trào ra miệng, Bằng cười, nụ cười rất tươi:
- Đừng bi lụy nữa Thịnh. Nghe tôi, anh hãy thay đổi gam màu sống đi. Hãy sống lạc quan lên, cười nhiều hơn, và khi viết, hứa với tôi đừng đưa màu u ám tô lên nền cuộc đời vốn đã xám xịt nữa.
Thịnh vẫn lại nhìn ra ngoài trời.Một nỗi u uẩn đè nặng lên trái tim hắn. Thịnh nói như người mơ ngủ:
- Tôi không biết nữa.
Bằng thở dốc, sợi tơ sự sống  trên cơ thể Bằng đang mỏng dần đi:
- Đừng đi hoài trong đêm trường tăm tối. Bước ra ngoài kia đi, mở cửa, dù ngoài kia là gì, bất công, đớn đau, mục ruỗng hay hạnh phúc. Đừng sợ hãy lao vào lửa để biết mình chịu nóng tốt. Hãy nhảy xuống biển và quẫy đạp bằng tất cả sức mình để không phải bị chết đuối giữa ao tù.
- Bằng có điều này tôi mong anh sẽ nói thật cho tôi biết. Thịnh nói.
Bằng gật đầu. Thịnh tiếp:
- Những kẻ đem anh đi là những kẻ nào? Chúng đã hành hạ anh đến mức phát bệnh có đúng không?
- Đó là cái giá cho những bài báo lề trái tôi đã viết Thịnh ạ.
Bằng đáp và nằm xuống trở lại. Im lặng. Có lẽ Bằng đã mệt và cần nghỉ  ngơi.
Thịnh ngồi chìm vào buổi chiều tê dại. Nửa tiếng sau khi lòng đã lặng sóng, Thịnh quay đầu lại. Bằng đi rồi. Ánh sáng trần gian đã tắt hẳn bên ngoài đôi mắt nhắm nghiền. Trên bờ môi cạn kiệt nhựa sống, nụ cười vẫn tồn sinh như không bao giờ có thể phân hủy. Thịnh không khóc. Dẫu vạn mạch máu trong cơ thể Thịnh đang rời đứt. Bằng đã rời xa cõi thế gian đầy cặn bùn nhầy nhụa để đi về nơi bình an vĩnh viễn.
Đám tang Bằng. Mùa đông. Thành phố chơ vơ những khuôn mặt người. Lại gió. Những cánh gió không nhà. Tiếng khóc xé lòng của vợ con Bằng lan dài trong nghĩa trang. Những vòng hoa viếng với những hàng chữ đầy thương tiếc sẻ chia hòa vào sắc mây u ám trên nền trời trân tráo.
Thịnh đem theo bản thảo cuốn tiểu thuyết của hắn Bằng chưa kịp đọc. Thịnh bật lửa. Lửa bén. Tập bản thảo nhanh chóng hóa thành đám tro.
Tro bay theo gió. Gió như những cánh tay phũ phàng đánh nát tan linh hồn tro thành bụi. Xa xa văng vẳng tiếng chuông nhà thờ.
 Trương Đình Phượng
Theo  http://quanvan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...