Nếu có một cuốn Guinnetss ở Việt Nam, thì Nguyễn HIến Lê
(1912-1984) đáng được ghi ít nhất ở hai mục:
1) Nhà khảo cứu có sách in ra nhiều
nhất ở Sài Gòn trước 1975.
2) Nhà viết sách có tiếng được in lại nhiều nhất từ
sau 1975 đến nay, in và đón nhận một cách trân trọng, đàng hoàng, vì người ta
biết rằng ở đó có những giá trị nhân bản không bị thời gian làm phai nhạt.
Nhà bách khoa. Sách viết cho “bách tính”
Theo tài liệu ghi ở cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của NXB Khoa học xã hội (1991) thì Nguyễn Hiến Lê sinh tại Phương Khê - Quảng Oai - Sơn Tây ngày 8-1-1912. Nhưng từ 1934, ông đã sống và làm việc nhiều ở các tỉnh Nam Bộ và có sách in ra đều đều ở Sài Gòn từ 1954. Nhìn qua danh mục sách viết của Nguyễn Hiến Lê, người ta thấy ông là một nhà nghiên cứu bách khoa. Ông thích lịch sử văn học, thạo văn học cổ Trung Quốc, nhưng cũng để tâm nhiều tới các khoa học nhân văn hiện đại, như tâm lý học (đặc biệt là tâm lý học thiếu nhi), lại sẵn sàng viết sách về các vấn đề thời sự trước mắt, miễn đó là vấn đề đáng được quan tâm. Hình như có lần ông đã nói đùa với bạn bè “không biết cái gì thì nhận viết sách về cái đó, để mà có dịp... học”.
Hình ảnh của ông hiện lên qua các trang sách là hình ảnh một người thông minh, mau mắn, ham học, dùng cái lương tri, cái cận nhân tình của mình để hiểu thiên hạ. Rồi ông viết sách để chia sẻ hiểu biết của mình cho đông đảo bạn đọc, hào hứng mà viết, tận tình mà viết, với nghĩa rằng mình đã mất công rồi, phải viết lại sao cho người khác đỡ mất công mà cũng hiểu được như mình. Ngay từ trước 1975 ở Sài Gòn, một nhà văn có tiếng là mê Nguyễn Tuân, người rất kỹ càng tinh tế trong nhận thức và thẩm định, đã phải có lời ngả mũ bái phục Nguyễn Hiến Lê: “Từ hồi nào tới giờ, ông Nguyễn vẫn có tài của một nhà giáo, là trình bày ý kiến thật rành mạch, sáng sủa, khiến những vấn đề rắc rối tối tăm nhất cũng hóa ra giản dị, minh bạch”. “Trong lối viết gãy gọn, thẳng thắn của ông Nguyễn có cái đột ngột, gần như thân mật”. Thật là một phong cách lý tưởng để viết sách cho đông đảo mọi người, một tiền đề tốt để đến với “bách tính” (trăm họ), điều mà người làm văn hóa chân chính nào cũng ao ước.
Tầm vóc học giả và cốt cách thi nhân
Do sự phát triển của mỹ văn (belles lettres), khái niệm nhà văn hiện đại ở ta thường được giải thích như là người thực hành trên ngôn ngữ. Nghĩa học giả bị đẩy hoàn toàn sang nghĩa khoa học.
Trong khi, từ 1930 về trước, hai khái niệm này được coi là cùng nghĩa; nhà văn trước tiên là người có tầm học rộng, uyên bác; đồng thời là một nghệ sĩ trong phong thái, bao gồm cả cách sống lẫn cách viết.
Phải nói rằng Nguyễn Hiến Lê là một thứ mẫu mực hiếm hoi còn sót lại của cách hiểu nhà văn theo nghĩa đó. Tầm rộng trong học vấn của ông không ai có thể nghi ngờ. Song sở dĩ văn ông vẫn có được sự dễ dàng thanh thoát, mà lại có sức lôi cuốn, ấy là vì luôn luôn ông cho người ta cái cảm tưởng như được tiếp xúc với một nghệ sĩ. Nghệ sĩ trong chữ nghĩa câu cú. Và nhất là nghệ sĩ trong một quan niệm sống, toát ra qua các trang viết, ở đó, có cái thiết thực, chặt chẽ, lại có cái siêu thoát; có niềm ham hố không cùng muốn được biết thấu đáo mọi chuyện, song lại có lời cổ vũ ngấm ngầm cho một cách sống ý nhị, biết đùa, biết nghe. Ta nhớ Nguyễn Hiến Lê tác giả của những cuốn sách dạy lập nghiệp, dạy “tổ chức công việc theo khoa học” - lại cũng là người sớm dịch Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường ra tiếng Việt. Ông đã lấy chính cách sống của ông để hiểu họ Lâm và tìm được cách truyền đạt cái khôn ngoan tinh quái, đồng thời là cái ham chơi, ham hưởng thụ rất Tàu... ở ngòi bút họ Lâm tới bạn đọc.
Con người của sự hòa nhập
Xem xét lại các tài liệu Nguyễn Hiến Lê có trong tay mỗi khi viết sách, người ta biết ông sử dụng thành thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp, lẫn chữ Hán. Vả chăng, vấn đề không phải chỉ ở chỗ giỏi tiếng. Cách tư duy Anh-Mỹ, với tất cả cái ngắn gọn, khúc triết và tinh thần thực dụng của nó, như thấm vào ông, toát ra ở việc sử dụng tiếng Việt, lối kể chuyện, cách bố cục các cuốn sách, cho tới mấy lời tâm sự ông viết sau khi soạn sách. Đối với nhiều người, điều này giống như một gợi ý, một sự cổ vũ: sẽ đến lúc, cái nhanh, cái hoạt của nếp tư duy hiện đại ấy đến với chúng ta, nếu như chúng ta biết học. Lạ một nỗi, lối tư duy ấy được Nguyễn Hiến Lê trình bày như là con đường trở về với chất Đông phương cổ điển. Cách đây nửa thế kỷ, Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại từng kể lại một nhận xét sâu sắc của ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: “Điều thú vị trong Tứ thư, không kể đến lý thuyết, chính là những cái đột ngột bất thường, không theo luật lệ câu văn”. Cái thân tình của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê mà nhiều người đã nhắc tới, là cái thân tình cổ điển ấy. Phải chăng, ngay từ trong những năm đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, Nguyễn Hiến Lê đã dự đoán rằng sẽ đến lúc nhu cầu hòa nhập với thế giới là nhu cầu lớn của văn hóa ta, và chỉ có học, học tất cả, cả cổ cả kim cả đông lẫn tây, chúng ta mới có cơ may tìm tới bản lĩnh dân tộc chân chính?.
Nhà bách khoa. Sách viết cho “bách tính”
Theo tài liệu ghi ở cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của NXB Khoa học xã hội (1991) thì Nguyễn Hiến Lê sinh tại Phương Khê - Quảng Oai - Sơn Tây ngày 8-1-1912. Nhưng từ 1934, ông đã sống và làm việc nhiều ở các tỉnh Nam Bộ và có sách in ra đều đều ở Sài Gòn từ 1954. Nhìn qua danh mục sách viết của Nguyễn Hiến Lê, người ta thấy ông là một nhà nghiên cứu bách khoa. Ông thích lịch sử văn học, thạo văn học cổ Trung Quốc, nhưng cũng để tâm nhiều tới các khoa học nhân văn hiện đại, như tâm lý học (đặc biệt là tâm lý học thiếu nhi), lại sẵn sàng viết sách về các vấn đề thời sự trước mắt, miễn đó là vấn đề đáng được quan tâm. Hình như có lần ông đã nói đùa với bạn bè “không biết cái gì thì nhận viết sách về cái đó, để mà có dịp... học”.
Hình ảnh của ông hiện lên qua các trang sách là hình ảnh một người thông minh, mau mắn, ham học, dùng cái lương tri, cái cận nhân tình của mình để hiểu thiên hạ. Rồi ông viết sách để chia sẻ hiểu biết của mình cho đông đảo bạn đọc, hào hứng mà viết, tận tình mà viết, với nghĩa rằng mình đã mất công rồi, phải viết lại sao cho người khác đỡ mất công mà cũng hiểu được như mình. Ngay từ trước 1975 ở Sài Gòn, một nhà văn có tiếng là mê Nguyễn Tuân, người rất kỹ càng tinh tế trong nhận thức và thẩm định, đã phải có lời ngả mũ bái phục Nguyễn Hiến Lê: “Từ hồi nào tới giờ, ông Nguyễn vẫn có tài của một nhà giáo, là trình bày ý kiến thật rành mạch, sáng sủa, khiến những vấn đề rắc rối tối tăm nhất cũng hóa ra giản dị, minh bạch”. “Trong lối viết gãy gọn, thẳng thắn của ông Nguyễn có cái đột ngột, gần như thân mật”. Thật là một phong cách lý tưởng để viết sách cho đông đảo mọi người, một tiền đề tốt để đến với “bách tính” (trăm họ), điều mà người làm văn hóa chân chính nào cũng ao ước.
Tầm vóc học giả và cốt cách thi nhân
Do sự phát triển của mỹ văn (belles lettres), khái niệm nhà văn hiện đại ở ta thường được giải thích như là người thực hành trên ngôn ngữ. Nghĩa học giả bị đẩy hoàn toàn sang nghĩa khoa học.
Trong khi, từ 1930 về trước, hai khái niệm này được coi là cùng nghĩa; nhà văn trước tiên là người có tầm học rộng, uyên bác; đồng thời là một nghệ sĩ trong phong thái, bao gồm cả cách sống lẫn cách viết.
Phải nói rằng Nguyễn Hiến Lê là một thứ mẫu mực hiếm hoi còn sót lại của cách hiểu nhà văn theo nghĩa đó. Tầm rộng trong học vấn của ông không ai có thể nghi ngờ. Song sở dĩ văn ông vẫn có được sự dễ dàng thanh thoát, mà lại có sức lôi cuốn, ấy là vì luôn luôn ông cho người ta cái cảm tưởng như được tiếp xúc với một nghệ sĩ. Nghệ sĩ trong chữ nghĩa câu cú. Và nhất là nghệ sĩ trong một quan niệm sống, toát ra qua các trang viết, ở đó, có cái thiết thực, chặt chẽ, lại có cái siêu thoát; có niềm ham hố không cùng muốn được biết thấu đáo mọi chuyện, song lại có lời cổ vũ ngấm ngầm cho một cách sống ý nhị, biết đùa, biết nghe. Ta nhớ Nguyễn Hiến Lê tác giả của những cuốn sách dạy lập nghiệp, dạy “tổ chức công việc theo khoa học” - lại cũng là người sớm dịch Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường ra tiếng Việt. Ông đã lấy chính cách sống của ông để hiểu họ Lâm và tìm được cách truyền đạt cái khôn ngoan tinh quái, đồng thời là cái ham chơi, ham hưởng thụ rất Tàu... ở ngòi bút họ Lâm tới bạn đọc.
Con người của sự hòa nhập
Xem xét lại các tài liệu Nguyễn Hiến Lê có trong tay mỗi khi viết sách, người ta biết ông sử dụng thành thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp, lẫn chữ Hán. Vả chăng, vấn đề không phải chỉ ở chỗ giỏi tiếng. Cách tư duy Anh-Mỹ, với tất cả cái ngắn gọn, khúc triết và tinh thần thực dụng của nó, như thấm vào ông, toát ra ở việc sử dụng tiếng Việt, lối kể chuyện, cách bố cục các cuốn sách, cho tới mấy lời tâm sự ông viết sau khi soạn sách. Đối với nhiều người, điều này giống như một gợi ý, một sự cổ vũ: sẽ đến lúc, cái nhanh, cái hoạt của nếp tư duy hiện đại ấy đến với chúng ta, nếu như chúng ta biết học. Lạ một nỗi, lối tư duy ấy được Nguyễn Hiến Lê trình bày như là con đường trở về với chất Đông phương cổ điển. Cách đây nửa thế kỷ, Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại từng kể lại một nhận xét sâu sắc của ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: “Điều thú vị trong Tứ thư, không kể đến lý thuyết, chính là những cái đột ngột bất thường, không theo luật lệ câu văn”. Cái thân tình của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê mà nhiều người đã nhắc tới, là cái thân tình cổ điển ấy. Phải chăng, ngay từ trong những năm đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, Nguyễn Hiến Lê đã dự đoán rằng sẽ đến lúc nhu cầu hòa nhập với thế giới là nhu cầu lớn của văn hóa ta, và chỉ có học, học tất cả, cả cổ cả kim cả đông lẫn tây, chúng ta mới có cơ may tìm tới bản lĩnh dân tộc chân chính?.
Vương Trí Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét