Lời nguyền 2
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG
KỊCH MỘT HỒI
Nhân vật: Quang, Khanh
Phòng riêng của Khanh.
KHANH ngồi đánh cờ một mình. Trên bàn, sách, giấy bề bộn.
Bàn cờ để trên một cái ghế đẩu.
KHANH, cặm cụi suy tính nước cờ - Hừ! Nhảy con mã
thấp quá chừng... Bỗng dưng làm ngòi cho pháo của nó...
NHỎ vào - Báo đây ạ.
Để bảo lên bàn rồi ra.
KHANH xóa bàn cờ, - Thôi chịu thua. Chốc gỡ! (cầm báo mở tìm)
Đây rồi! (cúi đầu lẩm nhẩm đọc, nói) Một con vật vừa ở nước vừa ở cạn dài mười
một chữ!.. Thế là con gì?... À phải rồi. (Cầm bút húy hoáy viết, bỏ bút
nghĩ ngợi... tra tự điển.,.)
Quang vào đứng ngắm mỉm cười, trong khi ấy Khanh vẫn cặm cụi
làm việc.
QUANG - Làm gì thế?
KHANH ngửng lên bẽn lẽn và thu xếp báo, giấy bút lại.
- Mời anh ngồi chơi.
QUANG.- Đương viết văn đấy à?
K. - Viết lách gì đâu. Đương tìm chữ ở đây.
Q. cười - Giời đất này mà đi tìm chữ ô?
K cũng cười, - Giời đất này mới đi tìm chữ ô, chứ giời đất
khác đã chả đi tìm chữ ô. À này ! báo người mình xoàng quá, có mỗi một tờ Chính
Nghĩa ra được vài kỳ chữ ô rồi tịt. Làm tôi cứ phải mua báo Pháp về tìm chữ ô
Pháp vậy. Mấy tờ tuần báo Pháp đấy, anh coi, tôi có thèm rọc đâu, tôi chỉ xem
có mỗi một mục chữ ô. Làm xong bằng chữ ô, là tôi xếp lại. Anh tính còn có cái
gì đáng xem nữa. Mà xem để làm gì!
Q. - Xem để biết.
K. - Biết để làm gì?
Q. - Biết vì tò mò.
K. - Thiếu gì cái tò mò muốn biết. Chẳng hạn chữ đồng nghĩa
vài ménagera và dài mười một ô mà mình lại chả tò mò muốn biết là chữ gì à?
Q. cười - Không ngờ nay anh lẩn thẩn, được đến thế. (Nhìn thấy
cái bàn cờ). Anh vừa đánh cờ với ai thế?
K. - Tôi đánh cờ với tôi.
Q. - Đánh cờ một mình?
K. - Đánh cờ một mình thế mà nhiều khi gặp nước bí cũng tức uất
lên đấy.
Q. - Nhưng đánh cờ và tìm chữ ô thì làm gì hết được ngày giờ.
Cũng phải làm việc gì nữa chứ.
K. - Đánh Belote nữa.
Q. - Cũng đánh một mình?
K. - Chà đánh một mình thì đánh với ai ! Cờ thì một giữ địa vị
hai địch thủ thôi, chứ Belote thì một giữ những bốn cửa, hai phe, hai mặt trận...
Lắm khi phe nọ cứ là vỡ mặt ra với phe kia!
Q. lắc đầu - Anh buồn nản lắm phải không?
K - Việc gì mà buồn nản, vui chứ. Trước kia vui vẻ viết văn,
ngày nay vui vì không viết văn. Một nghệ sĩ thì bao giờ mà không vui, không sướng,
bao giờ mà không tận hưởng. Tận hưởng cái thú làm việc cũng như tận hưởng cái
thú chẳng làm gì, cũng như tận hưởng cái thú tìm chữ ô và đánh cờ một mình.
Q. - Không được! Không thể thế được ! Ngày nay ta đương ở vào
thời kỳ kiến thiết quốc gia. Ai ai cũng phải làm việc tận kỳ lực. Không thể coi
công việc của mình như một lạc thú ở đời...
K. - Cả công việc xúc tiến tới sự sinh sản tăng nhân số?
Q. - Anh không đứng đắn một tý nào. Anh dám coi thường cái
nhiệm vụ thiêng liêng của anh, trong thời kỳ kiến thiết triệt để này. Trong khi
hết thảy mọi người đều phải nhúng tay vào công cuộc xây dựng cái lâu đài Việt
Nam, mới bắt đầu thì một mình anh, anh khoanh tay đứng... cũng không đứng nhìn
nữa.
K - Nhưng tôi có khoanh tay đứng nhìn hay không nhìn đâu. Tôi
cũng vẫn bận bịu như xưa. Xưa tôi viết văn thì nay tôi tìm chữ ô, đánh cờ một
mình. Hai công việc ấy phỏng có khác gì nhau?
Q. - Tôi nhận xét thấy một điều, là ít lâu nay trong làng văn
chúng ta có nhiều người trở nên nhẹ dạ, khinh bạc. Tôi không hiểu đó có phải là
kết quả của một cuộc đổi đời không? Bước chân vào một cuộc đời mới mẻ, các anh
bỡ ngỡ, hoang mang, rồi các anh dần dần để tiêu tán mất cả chí hoạt động phấn đấu,
các anh chán nản...
K. cười - Chúng tôi? Còn anh thì anh không bỡ ngỡ không
hoang mang, không để tiêu tán dần dần mất chí hoạt động phấn đấu? Có phải thế
không? Nếu đúng thế thì điều nhận xét của anh hãy còn thiếu sót, hoặc giả anh
không muốn nói hết ý nghĩ của anh. Quả có nhiều người bỡ ngỡ, hoang mang, mỗi
khi xảy ra một cuộc biến cải, một cuộc Cách mệnh. Nhưng vì sao mà họ bỡ ngỡ
hoang mang? Há chẳng phải vì họ xông vào trong cuộc đời mới ấy.
Họ như những người lính chưa tập đi bỗng lăn sả nhập ngay vào
hàng ngũ một đội quân tinh nhuệ. Thử hỏi làm gì mà họ không bở ngỡ hoang mang?
Còn anh, và một số ít người như anh đã có sẵn thiên tư đồng hóa, nên chẳng bao
giờ bỡ ngỡ hoang mang hay có bỡ ngỡ hoang mang cũng chỉ bỡ ngỡ hoang mang trong
giây phút, rồi chỉ " một hai " vài bước là đi thẳng hàng, đồng nhịp
ngay với giây người đời trên con đường đời thẳng tắp. Đối với những người siêu
việt ấy thì biến một quan niệm cũ thành một quan niệm mới chỉ giản dị như bỏ một
bộ quần áo mỏng để mặc một bộ quần áo dầy cho ấm. Phỏng có khó gì.
Q. cười - Anh mỉa mai tôi, tôi biết lắm. Dẫu sao sự
nhận xét của anh cũng đúng đấy. Nhưng nếu anh cho rằng tôi thay đổi quan niệm dễ
dàng như thay đổi một bộ y phục thì có lẽ anh nhầm. Thay đổi được quan niệm,
tôi cho cũng là một việc khó khăn. Nói chi phường a dua xu thời và tôi chắc anh
không nỡ đặt bạn anh vào bọn đó, còn những người thành thực muốn theo một quan
niệm mới mà họ tin chắc là hợp lý hơn, hợp lẽ sống hơn cái quan niệm cũ của họ,
thiết tưởng những người ấy đã không thể không qua một thời kỳ suy nghĩ, do dự,
nhút nhát, sợ hãi. Mà, nói câu này anh đừng vội giận, chính anh, biết đâu anh
hiện giờ không ở trong thời kỳ đó. Biết đâu không phải vì suy nghĩ tìm tòi mãi
mà không thấy lối ra, biết đâu không phải vì do dự nhút nhát, sợ hãi mà anh lẫn
thẫn đi đánh cờ một mình, và mất hàng giờ đi tim một chữ dài mười một ô dòng
nghĩa với chữ ménagera?
K. - Anh nói đúng, nhưng cũng chỉ đúng một phần nào đó. Sự thực
thì tôi có do dự, nhút nhát, song không phải do dự, nhút nhát trước khi bước
vào hàng ngũ của các anh. Không, không khi nào tôi sẽ gia nhập hàng ngũ các
anh, cũng như không khi nào tôi bỏ được cái lý tưởng mà tôi thờ phụng trong
thâm tâm một khi tôi đã nhận nó là lý rường duy nhất của tôi. Sở dĩ tôi do dự,
nhút nhát là chỉ do dự nhút nhát về một phương diện theo đuổi cái quan niệm của
tôi, cái quan niệm văn chương, nghệ thuật mà bao giờ tôi cũng vững chắc tin tưởng.Luôn
luôn tôi tự bảo tôi: "Xưa nay mình chỉ viết cho mình, chỉ viết để thỏa mãn
lòng sốt sắng muốn viết, để thỏa mãn những nhu cầu của một tâm hồn bứt rứt,
trong một xã hội dưới một chính thể không thích hợp với nó..."
Q. cười - Và nay anh không viết là vi tâm hồn anh
không đòi hỏi một nhu cầu nào nữa, là vì cái xã hội hiện thời, cái chính thể hiện
thời thích hợp với tâm hồn anh, Có phải thế không?
K. - Không hẳn thế. Và tôi nghỉ viết, tạm nghỉ viết, không phải
là không viết nữa. Tôi đã bảo anh rằng tôi do dự, nhút nhát. Nào có phải tôi sợ
hãi gì đâu, sợ hãi ai đâu. Nhưng tâm hồn tôi muốn lắng lại để mà chờ đợi một
cái gì, tôi cũng chưa biết là cái gì, nhưng chắc là một cái mới mẻ, lạ lùng, đẹp
đẽ lắm, tâm linh tôi như báo cho tôi biết thế...
Q. cười - Vì thế mà anh tạm tiêu phí thời giờ bằng
cách tìm chữ ô và đánh cờ một mình. Về phần tôi, thì tôi không thể bình tĩnh được.
Tâm hồn tôi không bao giờ chịu lắng xuống để chờ đợi. Lúc nào nó cũng dương
lên, réo lên như nước thủy triều. Hoạt động! Hoạt động ! Chỉ có hoạt động là
đáng kể! Hoạt động là sống, đợi chờ là chết. Lại điều này nữa, bao giờ tôi cũng
muốn gõ cùng một nhịp với mọi người, hơn thế bao giờ tôi cũng muốn có liên lạc
giữa tôi và đại quần chúng. Trái ngược với người chơi đồ cổ đi tìm giữ những
cái hiếm không một ai có, tôi, tôi chỉ thích có những cái mà ai ai cũng có, làm
những việc mà ai ai cũng làm. Anh đã thấy đấy, tôi rất ghét sách quý, và dù nhà
xuất bản có dành cho tôi một ít sách quý, tôi chỉ sung sướng khi đọc những cuốn
sách thường, vì tôi tưởng tượng trong lúc tôi đọc, có biết bao nhiêu người cùng
đọc với tôi, và có lẽ cũng có những cảm tưởng như tôi.
K. mỉm cười, đột ngột - Anh có đặt tin tưởng vào ba
cái tính cách đại chúng, dân tộc và khoa học của nền văn chương mới không? Chắc
có?
Q. - Có mà không.
K. - Sao lại có mà không ?
Q. - Có, là vì, dù tôi không tin, văn chương vẫn cứ phải đi
vào ba con đường ấy. Không, là vì tôi cho văn chương trước hết phải là văn
chương. Nếu cứ câu nệ với ba điều kiện dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa
thì rồi có khi văn chương sẽ không là văn chương nữa...
K. cười to nói tiếp luôn - Mà sẽ chỉ là những thí dụ,
những trình bày của sự dân tộc hóa, sự khoa học hóa và sự đại chúng hóa. Tôi
không thể nhịn cười được khi nghe một... không phải một văn sĩ mà một nhà Cách
mạng dạy tôi ba cái hóa ấy ngay mấy hôm sau ngày khởi nghĩa, ông ấy lại xui tôi
đăng báo để tuyên cáo với quốc dân cái quan niệm mới ấy của tôi về văn chương
nghệ thuật nữa. Thì ra những lời sám hối, những bản tuyên ngôn đổi hẳn quan niệm
về văn chương mà chúng ta thường được đọc trên báo có lẽ cũng chỉ dò lời khuyên
bảo, thúc dục của một ông bạn cách mệnh mà có, chứ vị tất đó đã là kết quả của
suy xét, và tin tưởng.
Q. - Nhưng anh có tin rằng thế nào cũng phải dân tộc hóa,
khoa học hóa và đại chúng hóa văn chương không ?
K. - Tôi không cần tin hay không tin. Mà văn chương cũng
không cần đến tôi tin hay không tin những điều đó. Tôi chỉ nhận thấy rằng nhà
tiểu thuyết đã đưa nghệ thuật tiểu thuyết lên tới bực cao nhất là Dostoievski.
Mà đại chúng thì chả thể nào hiểu được Dos vì muốn nói sao mặc lòng, chúng ta
có viết cho ai đâu, chúng ta chỉ viết cho chúng ta. Bao giờ một nhà văn cũng chỉ
ích kỷ, và chính nhờ về lòng ích kỷ ấy mà họ đã giúp ích cho nhân loại bằng
cách đem phô diễn những cái sâu kín, âm thầm, băn khoăn, uất ức mà người ta chỉ
thành thực viết ra khi nào người ta viết cho người ta, viết để được trút cái
gánh, nặng đè trĩu tâm hồn. Những cái sâu kín, âm thầm, băn khoăn, uất ức của
nhà văn ấy cũng là những cái sâu kín âm thầm, băn khoăn, uất ức của nhân loại,
hay nói giọng người đời nay, của đại chúng. Văn chương chỉ có tính cách đại
chúng hiểu theo nghĩa ấy. Nhưng người ta lại cứ muốn hiểu theo nghĩa: "Văn
chương phải giản dị, thẳng như ruột ngựa để cho đại chúng hiểu nổi ! ". Thực
là tai hại! Còn khoa học hóa là thế nào? Thực tôi cũng không hiểu rõ đấy.
Q. - Là bất cứ việc gì xảy ra cũng phải hợp khoa học không thể
tả một vật nặng rơi lên giời được chẳng hạn.
K - Nghĩa là không được tả ma quỷ, hồ, tinh? Như thế thì bộ
Liêu trai sẽ bị đốt mất. Tôi thì tôi hiểu khác. Là nhà văn phải áp dụng các
phương pháp khoa học trong cách kết cấu và sự hành văn. Nếu thế thì văn chương
được khoa học hóa đã từ lâu rồi. Và khoa học đây chỉ là kỹ thuật trong sáng
tác, có chi lạ. Một tác giả ít học rất có thể thiếu kỹ thuật, và sự thành công
của y, nếu y thành công chỉ là một sự may mắn, một sự hú họa.
Q. - Anh nói đến Dos, khiến tôi lại nghĩ đến cái hộ
Dostoievskiens của người mình.
K. - Người mình mà cùng có cái hội ấy như ở bên Pháp, bên Âu?
Điều ấy kể cũng hơi ngộ, nhưng nó chứng tỏ rằng cái mộng dân tộc hóa văn chương
của anh là một ảo mộng. Trái lại, theo ý tôi, muốn nâng cao trình độ giá trị
văn chương nước mình, mình phải nhân loại hóa nó đi. Mình tả người, nhân vật của
mình trước khi là người Việt Nam phải là người. Mà khi nó là người, nghĩa là nó
sống chứ không ngọ ngoạy như thằng lật đật thì nó sẽ gần được hết mọi hạng người
và hết mọi giống người. Dân tộc hóa? Pearl Buck, có dân tộc hóa những tác phẩm
của bả không? Mà nếu bà dân tộc hóa chúng nó thì trong bản khai sinh chúng nó sẽ
khai là Trung hoa hay là Hoa kỳ? Dân tộc hóa? Trời ơi, các anh định đặt luật lệ
khuôn mẫu cho nhà văn? Các anh định trói chúng tôi lại, rồi khi chúng tôi lấy
tư cách là người, người của nhân loại, chúng tôi phản đối lại bằng cách tìm chữ
ô và đánh cờ một mình thì các anh bảo chúng tôi là bọn lạc hậu. Các anh thì
không lạc hậu, nhưng các anh cứ ồn ào lên, bắng nhắng lên, rồi các anh sẽ lạc
lõng cho mà xem,
Q. cười - Làm gì mà anh tức giận vô lý thế?
K. - Dân tộc hóa? Ừ tôi hãy hỏi anh, những nhân vật tả trong
những tác phẩm của Pearl Buck có hoàn toàn Tàu không? Có thể so sánh được với
những nhân vật trong Thủy Hử hay Hồng Lâu Mộng không ? Không kém, không hơn,
anh có thấy thế không? Thế thì khi người ta đã tới nghệ thuật, khi người ta đã
có một kỹ thuật vững chắc, thì người ta bất chắp cái " dân tộc hóa "
của các anh. Bây giờ, ví thử Bồ tùng Linh của tôi sống lại, và ví thử ta đem
ném ông sang Paris thì rồi ông sẽ viết những truyện Liêu trai, Paris một trăm
phần trăm cho mà xem. Các anh, các anh chỉ nói "hóa" suông chứ một
"nghệ sĩ ", thì bao giờ cũng thực hành "hóa", mà hóa của
người ta có muôn hình vạn trạng, trăm màu nghìn sắc của con người sống giữa vạn
vật.
Q. cười - Bạn tôi hôm nay mới thực thố lộ can trường.
Mà như thế bạn càng có tội với sự kiến thiết quốc gia, hay ít ra cũng với nền
văn chương nước nhà. Là vì nếu cái. "hóa " của anh đã theo muôn hình
vạn trạng, trăm màu nghìn sắc của người và vật, thì vì có gì anh được phép bỏ
qua cái hình trạng và những màu sắc rất rực rỡ của cái giờ phút, anh đương sống?
K. mở tự vị tìm chữ - Tôi có bỏ qua đâu, tôi đương
sống, sống triệt để.
Q. cười - Bằng cách tìm chữ ô ?
K. - Và đánh cờ một mình. Trong khi ấy thì tâm hồn tôi đương
lắng xuống, như tôi đã nói với anh... Các anh nhộn lắm kia!
Q. cười đứng dậy - Thôi tôi xin về để anh tìm chữ
ô. Và tôi mong...
K. cũng đứng dậy cười tiếp -...Đọc bản tuyên ngôn
thay quan niệm văn chương của tôi chứ gì.
Q. bắt tay Khanh - Nhưng dầu sao tôi cũng rất lạc
quan vì anh. Anh chưa chết được.
K. bắt tay - Cảm ơn anh. Nhưng tôi cũng nhất định
không sống để mà chỉ đi theo một cái gì.
Q. - Thôi chào anh.
K. — Chào anh.
Quang ra
Khanh đứng sững suy nghĩ một phút rồi ngồi xuống cúi đọc bản
chữ ô.
MÀN HẠ
DƯỚI ÁNH TRĂNG
Bi kịch một hồi
NHÂN VẬT:
KHOA Quốc dân quân 30 tuổi
THỨC Vệ quốc quân 20 tuổi
Cảnh trên đồi sau mội trận kịch chiến. Một xác chết bận nhung
phục bên một bụi cây. Rải rác vài cây súng trường, bao đạn, mũ sắt.
Đằng xa tiếng súng còn nổ, gần đấy tiếng cú còn thưa nhịp.
Lúc màn kéo lên trăng khuất trong đám mây dày. Cảnh mờ mờ tối. Khán giả không
trông rõ người mà chỉ nghe thấy tiếng rền rĩ. - Hai ba phút - trăng tỏ dần.
Khoa như vừa thức một giấc ngủ, thong thả ngồi dậy ngơ ngác
nhìn chung quanh, ngửa mặt nhìn trời rồi lắng tai nghe ngóng. Bỗng giữa những
tiếng gió, tiếng sâu kéo dài, y thoáng nhận rõ có tiếng người rền rĩ. Y cúi xuống
tìm tòi và tìm thấy cách chỗ y ngồi độ một thước một người vận nhung phục nằm úp
mặt bên cạnh khe một tảng đá lớn. Y lại gần gượng nhẹ lật ngửa người ấy lại thấy
máu ướt đẫm một bên sườn. Bất giác y rùng mình đưa tay sờ đầu, thân thể và tay
chân mình.
KHOA mỉm cười sung sướng: Hơ! (cúi xuống nói với Thức) -
Anh bị thương?
THỨC gật.
KHOA nắn se sẽ - Ở sườn bên phải?
THỨC gật.
K.- Để tôi băng bó tạm cho nhé? (tháo thắt lưng da, cởi
áo ngoài, áo lót mình cho Thức) Đích rồi, bên phải, ngay dưới xương sườn, may
ra thì không trúng thận. Không nặng lắm đâu, chỉ trúng mạng mỡ... Anh mệt và ngất
đi chỉ vì máu ra nhiều quá.
T.- mỉm cười vơ vẩn - Em chết mất anh ạ.
K.- Không, không chết! Cứ yên tâm để tôi băng bó cho (mở túi
lấy ra một cuộn băng).
T.- Quân ta thắng?... Phải không?
K.- ngắm nghía dấu hiệu đính trên mũ chào mào của Thức
rơi bên cạnh, y yên lặng nâng Thức đặt ngồi dựa vào tảng đá rồi bắt đầu bôi thuốc
và quấn băng cho Thức.
T.- Thắng... Phải không anh?
K.- Thắng ! (vẫn quấn băng cho Thức).
T.- Anh không bị thương ư?
K.- Không (mỉm cười sung sướng). Không, (vừa quấn băng cho Thức)
T.- Anh ở đội... quân cứu thương ?
K.- Ừ (suy nghĩ như nói một mình), Tôi vẫn tưởng tôi bị
thương, nhưng hình như không thì phải. Tôi nhớ ra rồi, bên địch tấn công dữ dội,
bên mình phản công, tất cả ra mặt trận. Cả đội cứu thương, lúc ấy tôi bắt đầu
lên cơn sốt kịch liệt nhưng cũng xin ra tiền tuyến. Với khẩu súng lục tôi xông
bừa lên đồi. Chừng đến đây thì tôi ngất đi nằm vật ra bất tỉnh sau khi đã bắn hết
cả một sác-dơ. (nhìn quanh mình) Mà súng của tôi cũng rơi đâu mất.
T.- (ngẫm nghĩ) - Anh tấn công... lên đồi?
K.- (quấn băng xong cho Thức) - Anh đau lắm phải không?
T.- Anh còn sốt không?
K.- (đưa tay sờ trán) - Còn hơi thôi. Chỉ nhức đầu.
T.- Em khát quá... Ước gì được ngụm nước.
K.- Vì ra máu nhiều quá đấy! Ở đây thì làm gì có nước, phiền
quá nhỉ! Cái khát này không phải cái khát nóng mà bảo bịa ra câu chuyện rừng mơ
để đánh lừa như Tào Tháo được. (Cười, Thức cũng mỉm cười) Để tôi xoay (đứng dậy
nhìn xuống phía dưới). Khá rồi, dưới chân đồi lấp lánh có giòng suối chảy (giữa
lúc ấy có tiếng súng nổ xa xa).
T. - Anh ngồi xuống... không chết... bây giờ... vẫn còn đánh
nhau kia à?
K.- Ối chà! Cần quái gì! có cái gì múc nước không nhỉ?... A
đây cái ca khổng lồ này thì tha hồ mà uống (cầm cái mũ sắt soi lên ánh trăng)
May không thủng.
T.- Anh nên bò... mà xuống... đừng đi, nó.. bắn... chết...
sáng trăng tỏ lắm.
K.- Được, không sợ! (xuống đồi).
T.- Yên lặng lắng tai nghe tiếng cú và thỉnh thoảng tiếng
súng nổ đằng xa. Trăng bị bóng mây che khuất trong một phút khiến cho cảnh đồi
tối lại.
Khoa bưng cái mũ nước lên.
T.- Anh về đấy à?... Em chỉ sợ... anh trúng đạn.
K.- cười - Thì anh chết khát phải không? Tôi chưa chết được
đâu anh ạ. Còn phải sống để đánh nhau chứ nhỉ?
T.- thở dài - Không biết... bao giờ mới yên?
K.- Nhưng uống nước đã ! Mát hơn nước suối Chapa cơ.
(tiếng súng nổ).
T.- Anh ngồi xuống !... đứng thế... nguy hiểm lắm.
K.- quỳ xuống ghé mũ nước vào miệng Thức.
T. - (uống một hơi nước rồi thở ra khoan khoái mỉm cười) Mát
ruột, dể chịu quá ! Cám ơn anh.
K.- Nếu tôi là Quốc dân quân thì anh có cám ơn tôi không: (Thức
im lặng mỉm cười) Nếu bây giờ tôi bảo anh rằng tôi là Quốc dân quân thì anh
nghĩ ra sao nhỉ? (Thức vẫn im lặng mỉm cười) Hơn thế, tôi bảo anh, anh bị
thương là do một phát súng tôi bắn thì anh nghĩ sao?
T.- mỉm cười im lặng nhìn Khoa.
K. - Anh không tin? Anh không tin tôi là Quốc dân quân? Đây
anh coi ! (ghé sát vai áo có dấu hiệu Quôc dân đảng vào mặt Thức)
T.- im lặng ngồi suy nghĩ - Tôi chắc thế nào...
cũng chết, vậy... thiết tưởng... anh chả cần... bắt tôi làm tù binh... làm gì ?
K.- cười - Tôi bắt anh làm gì! Nhưng anh thấy
không, ngôn ngữ anh đã thay đổi rồi đấy ! Anh đương anh anh em em vui vẻ với
tôi, chợt biết tôi là Quốc dân quân anh đổi giọng ngay ! Xưng em với một đảng
viên của một địch đảng, anh ngượng mồm phải không ?
T.- im lặng một lát trong khi Khoa ngửng mặt ngắm trăng -
Nhưng sao anh lại băng bó cho tôi?... Sao... anh... lại...
K - Sao tôi lại cứu anh! Vì nhiều lẽ. Trước hết vì...vì anh bị
thương... mà anh bị thương thì phải băng bó. Tôi băng bó cho anh không phải vì
anh là hay không là V.M (Việt Minh). mà chỉ vì anh bị thương. Trong đời tôi,
tôi đã băng bó biết bao nhiêu người mà chưa một ai hỏi tôi vì sao tôi băng bó
cho người ta.
T.- Anh làm khán hộ?
K.- Tôi học trường thuốc, sắp thi ra thì bị bắt giải đi căng.
Ở đấy người ta giao cho tôi coi nhà phát thuốc, và tôi đã chữa cho hàng trăm
người mắc bệnh, cả lão đồn coi trại giam và gia đình lão ta, thế mà chưa bao giờ
lão ta hỏi tôi vì sao tôi lại trông nom cho lão ta và vợ con lão ta... Đau đớn
không, lần này là lần đầu tiên tôi được nghe một người đồng bào hỏi tôi cái câu
thắc mắc ấy !
T.- ngẩn ngơ - Tôi...
K. - Anh thử cố gắng xưng em với tôi như ban nãy xem nào? Tôi
cũng có một người em suýt soát tuổi anh, nhưng nó chết rồi, chết trong trận
Phong-thô cùng với ngót trăm anh em Quốc dân quân.
T. - nức lên khóc.
K.— Em tôi đã chết. Cái chết của nó rất hợp lý, rất đáng
kính. Đến như chúng ta mà chết... thực mỉa mai ! Thực đau đớn ! Thì cái chết ấy
chỉ là một sự may mắn: chết để khỏi phải giết người đồng chủng... Mỗi khi một đảng
viên đảng tôi bị một đảng viên đảng anh bắt được lại bị người ta thuyết lý, bị
người ta tuyên truyền. Và bao giờ người ta cũng bắt đầu bằng câu nầy: "
Các anh đi nhầm đường ".Thiết tưởng phải nói chúng ta đi nhầm đường mới
đúng... Phải, chúng ta đi nhầm đường cả. Say sưa cái chủ nghĩa viễn vông, cái
lý tưởng mơ hồ, chúng ta quên bẵng rằng chúng ta là anh em trong một nhà...
T. mỉm cười - Biết thế, sao anh lại còn đi vào..,
con đường ấy?... Tôi thì tôi chẳng cần biết... con đường nào. Tôi chỉ biết nhà
tôi là một nhà... cách mạng,.. Cha tôi bị đầy ra Côn đảo... rồi chết ở đấy. Tôi
chỉ nối chí cha tôi và theo đuổi cách mạng, thế thôi.
K. - Thì tôi cũng thế. Tôi vào đảng chỉ mong được hy sinh
tính mạng cho Tổ quốc. Nhưng nói anh và tôi, chúng ta đều không có trách nhiệm
trong sự đi nhầm đường của cả đoàn thì cũng không được. Đáng lẽ chúng ta phải
can đảm, cương quyết, cực lực phản kháng sự chém giết lẫn nhau. Đằng này trái lại,
chúng ta đã để họ dắt đi như dắt một đàn bò ra lò sát sinh. Chúng ta đã dại dột
ngu ngốc nghe những lời tuyên truyền xảo trá của họ... để đến nổi... bao lực lượng
chống ngoại xâm chúng ta đem va đập vào nhau cho tan nát ra như cám... nhưng...
cũng chưa quá muộn đâu anh ạ. (Thấy Thức lim dim nhắm mắt) Anh sao thế? (Thức lờ
đờ mở mắt) Anh mệt lắm, phải không? Thôi anh nằm nghỉ. Nhắm mắt lại (lấy túi đệm
vào lưng rồi che áo lên người Thức.)
T. mỉm cười - Cám ơn anh, em chết mất!
K. - Không, anh không chết (nắm cổ tay xem mạch) mạch đều lắm.
Thôi tôi ngồi im để anh nghỉ nhé l
T. lắc đầu - Không, anh cứ nói đi.
K. - Nhưng nhất định không nói đến đảng phái nữa. Thế cũng là
một cách ta giả thù họ...
T. đăm đăm nhìn Khoa - Anh mất... tin tưởng rồi
sao?
K. - Bao giờ mất tin tưởng được... nhưng thôi nếu chúng ta lại
quay câu chuyện về ngả ấy thì nó lại miên man không bao giờ hết (nói lảng) À!
tên anh là gì nhỉ? (Thức ngần ngừ) tên thực ấy, chả cần dấu diếm nhau làm gì.
Tên tôi là Khoa. Còn anh?
T. - Tôi là Thức.
K. - Đã đến 20 chưa?
T, - Đúng 20.
K. - Anh trẻ lắm nhỉ? Còn đi học chứ?
T. - Tôi đang theo lớp nhất trường trung học thì bỏ...
K.- Để xin vào Vệ quốc đoàn?
T. - gật.
K. - Cũng phải, đương lúc quốc gia hửu sự mà còn cắp sách đi
học thì cũng sốt ruột (cất tiếng ngâm) ;
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành tiền mong tiến bệ rồng.
Thước gươm thề quyết chẳng dong giặc giời,
Trí làm trai dậm ngoài da ngựa,
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào...
(ngừng bặt)
T. - Anh ngâm nữa đi... giọng anh tốt lắm.,. Anh ngâm, đi !
K. - Chỉ nhớ có ngần ấy câu. Anh có thấy hay không? Hay nhưng
mà có tính cách phong kiến, phải không? Bây giờ làm gì có bệ rồng nữa để mà đem
tiến thành tiền. Tiến cho ai?
T. - Cho tổ quốc.
K. - Nhưng chúng ta phải đau đớn mà tự thú rằng... chúng ta
chưa từng thử gươm vào một tên giặc giời nào. (cười).
T. - Anh vui tính quá.
K. - Vậy chúng ta nói chuyện vui đi ! Cười đi! Ca hát đi! Đọc
thơ đi ! Trăng sáng quá! Giời mát quá ! Cảnh nên thơ quá ! Kìa ! Sao lại khóc
thế?
T - Nếu em chết... thì me em khổ sở lắm!
K. - Đã bảo không chết mà lại cứ buồn mãi. Người ta là bác sĩ
người ta lại không biết hơn anh hay sao? Bà ở Hàvnội phải không?
T. - gật - Phố Huế.
K. - Ở một mình?
T - Ở với em gái tôi, em Mùi còn nhỏ... mới 15 tuổi... nên me
tôi cứ ép tôi lấy vợ. Nhưng anh tính đời mình... có chắc chắn gì mà đã vội cưới
vợ.
K. - Anh có vị hôn thê rồi?
T. - Chưa... anh ạ... Kể thì có hai ba cô đấy... nhưng em
phân vân... chưa biết chọn cô nào...
K. - Vì cả ba đều xinh như mộng phải không?
T. - Không hẳn thế... nhưng cả ba cùng...yêu em lắm... nến chọn
cô nọ em sợ mất lòng hai cô kia,
K. - Nghĩa là anh cùng yêu cả ba cô chứ gì?
T. Sau một phút im lặng - Mộng vàng tan!
Em Tuyết, em Đào, em Lan!
Từ đây vĩnh biệt!
K. - Anh làm thơ đấy à?
T. - Không! Ối giời I Ối giời!
K- Anh vẫn đau?
T. - Nó cứ đau nhói lên từng cơn...mà mệt hết cả hơi... em tưởng
tượng nếu... không có anh... ngồi nói chuyện... thì em sẽ không gượng được...
em sẽ ngủ thiếp đi... rồi... không dậy nữa.
K. - Chỉ nói nhảm ! Việc gì mà chết!... Tên ba cô ấy là Tuyết,
Đào và Lan?
T. - Phải... có lẽ Tuyết đẹp nhất... nhưng Đào lại ngoan nhất...
còn Lan thì ngây thơ nhất.
K. - Nếu ba cái đức tính đẹp, ngoan và ngây thơ chung đúc vào
một cô thì có lẽ cô ấy đã có diễm phúc được anh kén chọn làm vị hôn thê rồi, phải
không?
T thở dài - Diễm phúc hay vô phúc?... Anh đã có vợ
chưa?
K. - Đã. Và hai con, một gái một giai.
T. - Sung sướng nhỉ!
K. - Sung sướng hay khổ sở! Thằng con giai tôi năm nay mới 18
tháng. Nó hay quá anh ạ, bất cứ việc gì cứ làm qua một lượt là nó bắtchớc liền.
Nghe thấy tôi hát nó cũng hát mà hát thì chẳng còn ai hiểu là bài gì, trừ mẹ nó
với vú em ra. Anh mà nghe nó hát bài Tiến quân ca thì anh phải cười nôn ruột.
Chẳng còn một tí gì là tiến quân ca nữa.
T. - Anh... dạy nó hát bài Tiến quân ca... cơ à?
K. - Nào tôi có dạy! mà cũng chẳng biết ai dạy nó nữa. Chả
bên láng giềng là một gia đình đông trẻ, chúng nó cứ cả ngày " đoàn quân
Việt Minh "với "Hồ chí Minh muôn năm "... Chừng những bài hát ấy
đã lọt vào tai_ cháu.
T. - Chắc anh tức lắm đấy nhỉ?
K. -Tức cái gì? Anh bảo tôi tức cái gì?
T. - Vì luôn luôn những bài hát kia lọt vào tai anh...
K.- Tức thì không tức nhưng nghe mãi cũng nhàm tai. Nếu tức
thì câu chuyện này còn đáng tức hơn: Cái Mùi con gái tôi ấy tên nó cũng là Mùi
như tên em gái anh. Năm nay nó lên sáu. Suốt ngày nó sang chơi bên láng giềng
mà nhà ấy lại là một nhà Việt Minh, thành ra nó bị Việt Minh hóa. Chào Việt
Minh, ủng hộ Hồ chủ tịch. Diệt phát xít, rồi kể chuyện bắt Việt gian, bắt quân
phản động, nghe chuyện nó thì cứ tức cười chảy nước mắt được.
T. mỉm cười - Cười chảy nước mắt,.. hay khóc chảy
nước mắt đấy?
K- Anh rõ lẩn thẩn ! Việc gì mà phải khóc. Trẻ con nó chơi
đùa ấy mà ! Với lại nói câu này chắc anh không tin: Tôi muốn gây tự do tín ngưỡng;
tự do tư tưởng cho con tôi ngay từ thuở nó còn non nớt. Bây giờ thì cố nhiên nó
không biết gì về đảng phái, về lý tưởng, về chủ nghĩa, nhưng nó sẽ lớn lên với
lòng nhân từ, khoan thứ, nó sẽ thấy rằng cha nó là người rộng lượng, biết trọng
tự do cá nhân của kẻ khác dù kẻ ấy là con mình, là một đứa con gái nhỏ... Có phải
không anh, vì sao cha là đảng viên V.N.Q.D.Đ. mà con lại không là Việt Minh được?
Điều quan trọng là chúng ta nên dạy cho con chúng ta hiểu rằng không được a dua
vào một đảng nào, không được vì cha mẹ tin tưởng một chủ nghĩa, lý thuyết nào
là cứ nhắm mắt tin theo không cần suy xét gì hết, Ta lại nên dạy con cái chúng
ta điều này nữa ; là lập nên đảng nọ đảng kia kkông phải đi tranh dành địa vị,
hay để thỏa lòng thù ghét, chém giết. Chúng ta, Việt Minh cũng như Việt Quốc,
chỉ có một mục đích cứu quốc, đưa nước nhà tới chỗ tự do độc lập.
T. cười - Chắc anh không... ở trong bộ tuyên truyền
Việt Nam Quốc Dân Đảng?
K.- Anh đoán đúng.
KIỂM DUYỆT 11 GIÒNG 1.
Nếu tinh thần đoàn kết có từ lâu thì hiện giờ, chúng ta đã
sát cánh nhau trong một chiến tuyến chống xâm lăng rồi... Mà... mà cái cảnh đau
đớn chúng ta đương sống, cái giờ phút đau đớn chúng ta đương qua, kẻ bị thương,
người ngồi nói chuyện trên một đỉnh đồi, dưới ánh trăng, bên tiếng cú, làm gì
đã xảy ra ? Anh và tôi, anh mơn mởn tuổi xuân, và tôi đầy lòng yêu nước, chúng
ta là hai kẻ cừu địch ư?
T. cúi xuống thở dài - Chán!... Nhưng may... cũng
chả còn sống được...bao lâu!
K. - Rõ tôi cũng vô lý! Tôi đã bảo không quay trở lại câu
chuyện buồn ấy nữa, rồi tôi vẫn cứ quay lại như thường. Vậy thôi đấy, chỉ nói
chuyện vui thôi đấy! Ừ phải! Tôi hát cho anh nghe nhé? Năm sáu năm về trước
tôi có một cô bạn Huế, chiều chiều chúng tôi đi chơi mát với nhau ở trên núi Sầm-
sơn và cô ta... cô Liên... tên cô là Liên, cô ta hát cho nghe nhiều điệu Huế
hay quá. Tôi thích nhất cái điệu hát du, để tôi hát cho anh nghe nhé. (Ca):
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò sớm thác thuở xưa qua rồi.
T.- Điệu hát buồn chết người... mà anh thích được!
K.- Ừ kể buồn thì buồn thực! Tôi chắc đó là dấu vết điệu ca Hời,
một điệu ca vong quốc.
KIỂM DUYỆT 14 GIÒNG
- T. mơ mộng - Tôi đọc Nam sử... tới đoạn Chế Bồng
Nga đem đại đội thủy binh... đến vây thành Thăng Long ta... mà tôi không khỏi
thán phục. Thế rồi Bồng Nga trúng tên chết ngay trên thuyền Thống tướng... Biết
đâu...
K. - Biết đâu sao, anh?
T. - Biết đâu... ông vua anh hùng ấy... lại không bị giết...
vì một mũi tên Hời...trong lúc hỗn chiến...(thở dài).
K. cười - Cũng có thể lắm. Cái bại của mình thường
là ở trong phát ra hơn là ở ngoài xảy tới. Về đời Trần, ta thắng được quân Mông
cổ oai hùng là nhờ ở sự đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Và có lẽ quân Hời
thua ta một phần lớn là do sự cạnh tranh của các họ Hời thời bấy giờ (cười).Tôi
không thuộc Nam sử như anh nhưng tôi đoán thế. Một dân tộc yếu hơn dân tộc địch
mà lại thiếu đoàn kết, thì làm gì mà không bị tiêu diệt !
T. thở dài - Đoàn kết ! (thở hổn hển). Tôi khó...
thở quá... mà lại khát.., nhưng thôi... Phiền anh quá.
K:- Có gì mà phiền! Anh em giúp đở nhau trong khi hoạn nạn
thì phỏng có gì mà phiền. Có anh làm phiền lòng tôi thì có, anh không chịu thẳng
thấn với tôi. Hay anh cứ nhất định coi tôi là kẻ thù đấy?
KIỂM DUYỆT 4 GIÒNG
...Nhưng thôi để tôi đi lấy nước cho anh đã (cầm cái mũ sắt).
T. - Sao cú nó cứ kéo... dài... mãi cái điệu âm nhạc buồn thế
nhỉ?... Anh có tin nó đem... tin buồn... nó báo tin chết không?
K. cười - Bậy! Đó chỉ là một dị đoan. Nó kêu thế là
chỉ để thôi miên chuột, chuột nghe thấy tiếng rùng rợn ấy, bủn rủn ra không chạy
được, chỉ việc đứng im cho nó bắt. Thôi anh ngồi chờ tôi một lát nhé? (cầm mũ sắt
đi xuống đồi)
KHOA ra
T. yên lặng ngắm trăng. Bỗng đăm đăm nhìn cái xác chết. Tiếng
cú trở nên rùng rợn - Ối giời,. Không... Lui... Được... Tôi theo đây!
Không! Giời ôi !Giời ôi!... (Thở hổn hển, mắt trợn to) Anh Khoa!... Anh Khoa
l mau cứu em!...(ngất đi).
MỘT LÁT
K.- Bưng mũ nước lên - Uống cạn mũ nước này nữa thì
cứ mà vỡ bụng. Thức! Thức! Ngủ à?... (lo lắng đứng nhìn Thức, rồi quỳ xuống vừa
lay vừa gọi) Thức!
T.- từ từ mở mắt - Ôi giời ơi! Không !... Không
!... cứu tôi với !
K. - Tôi đây mà! Sao thế? Anh chiêm bao ?
T. - thở hổn hển - Không... tôi thức... giời ơi! Nó
đâu rồi ?
Bắt đầu từ đây, tiếng Thức yếu dần.
K.- Ai?
T.- Ma!
K.- cười - Làm gì có Ma!
T.- Rõ ràng... nó vừa... hiện lên. Cái xác chết kia kìa!...
Nó ngồi dậy... Nó đứng dậy - Nó vẫy em đi theo nó... về âm phủ... Giời ơi! em sợ
quá, anh ạ!...Lúc anb lay... em dậy... thì em đương đi theo nó đấy!
K. - cười - Thôi bây giờ có tôi đây thì nó không
dám trở lại nữa dâu. Anh uống nước đi !
T. - Cảm ơn anh... Anh để cho em... hoàn hồn đã...
K. - cười - Nó vẫy mặc nó, sao anh lại cứ đi theo nó?
T.- Không theo không được... Cứ thiếp... dần rồi tự nhiên...
lẳng lặng đi theo nó.
K.- Đó là một giấc chiêm bao. Khi mình không thức hẳn, không
ngủ hẳn thì mình mơ màng tưởng tượng cái gì, thành ra cái ấy liền. Đã uống nước
được chưa?
T.- gật.
K.- Ghé mũ nước vào miệng Thức.
T.- uống một hơi -thở ra- Dễ chịu!... Mát ruột!.. Cảm ơn
anh!.. Sao em uống nhiều nưc thế nhỉ?
K.- Vì thiếu máu! Máu ra nhiều quá.
T. lắc đầu - Em chết mất anh ạ!
K - Việc gì mà chết: Mai về nhà thương tiêm vài phát là lại
người liền. Mà sang máu được có thể khỏe ngay là khác. (Mơ mộng) ước gì tôi
sang máu tôi cho anh ! Để kỷ niệm cái đêm gặp gở lịch sử này. Nhưng không thể
được anh ạ !
T.- Vì sao? (mỉm cười) Anh sợ... máu Việt Minh... và máu Việt
Quốc sẽ... đánh lộn trong tim tôi chăng.
K.- cười - Không phải thế ! Vì máu Việt Minh và máu Việt Quốc
cũng là máu Việt Nam, hay nói giọng văn hùng, cũng là máu Trần Quốc Toản, Lê Lợi,
Lý Thường Kiệt cả. Nhưng tôi chợt nớ ra, tôi mắc bệnh sốt rét kinh niên! Tôi
mang cái bệnh sốt ấy từ trên " căng " về đấy. Sang máu cho anh, tôi sẽ
sang cả vi trùng bệnh sốt rét ngã nước cho anh luôn thể, vì thế nên tôi nói
không thể được. (Cười vui thú). Nhưng, anh lo gì, trong ba nàng yêu anh thế
nào chả có một nàng sẽ bằng lòng sang máu cho anh!
T. - mỉm cười mơ mộng - Lan mơ mộng lắm anh ạ...
Lan chỉ ước ao được cùng em... làm cái nhà nhỏ... ở bên sườn đồi... có suối chảy
qua... ngày ngày ra suối... câu cá... thả thuyền đi chơi.
K.- Tuởng cảnh gì, chứ cảnh ấy thì làm gì chẳng thực hiện được,
Chúng ta, gia đình anh và gia đình tôi, chúng ta sẽ chung nhau mua một cái đồn
điền nhỏ, hay một cái ấp nhỏ. Hay chúng ta chẳng cần mua cũng được. Hiện tôi có
một cái ấp nhỏ ở Phú thọ, vào khoảng sáu mươi mẫu đồi mà tôi đã giồng chè được
hơn một nửa. Tôi sẽ nhường cho anh vài chục mẫu. RồI chúng ta cũng lên đấy ở với
nhau. Cảnh thì tuyệt đẹp. Một cái suối khuất khúc lượn quanh đồi, bên những
khóm trúc, khóm mai, rồi chạy ra một cái đầm rộng bằng khoảng hai Hồ Tây. Chiều
chiều thả thuyền chơi suối thì có thể quên cả Hà thành với các nàng tiên của
nó. Khi nào thái bình hẳn, nước nhà hoàn toàn độc lập, chúng ta hoàn toàn tự
do, tôi sẽ đón anh lên đấy ở với tôi.
T. - mỉm cười ngờ vực - Sợ còn lâu lắm... anh ạ! Vì... có lẽ...
muộn quá rồi!
K- Vị tất đã lâu, như anh tưởng.
T.- Vả lại... xa Hà thành... thì buồn chết... (Thở ra) Tôi mệt
lắm... rồi... anh ạ... có lẽ tôi chết... đến nơi mất!
K.- Không, không thể chết được! (bắt mạch) Mạch này thì chết
sao được!
T.- mắt đầy hy vọng - Nhưng sao... tôi mệt lả... đi
thế này!...
K. - Mất nhiều máu quá nên thế đấy. không sao đâu Nhưng anh
cũng không nên nói nhiều! Nên nằm yên mà nghỉ.
T.- Nằm yên... không nói gì... tôi chỉ sợ chết lịm đi... lúc
nào... không biết thôi... Tôi cứ muốn nói chuyện để tỏ... với tôi rằng... tôi
còn sống.
K.- Anh phải tĩnh tâm mà nằm nghỉ. Không nên rối trí như thế.
Nếu anh chết thì tôi bảo cho anh biết rằng anh chết, chứ tôi giấu anh làm gì.
Chúng ta có phải là những người sợ chết đâu, anh cũng vậy mà tôi cũng vậy. Nếu
sợ chết, chúng ta đã chẳng làm cách mệnh. Làm cách mệnh là chúng ta quả quyết
đi đón lấy cái chết. Còn sống thì ta sẽ dự vào công cuộc kiến thiết Tổ quốc,
sau khi cách mệnh thành công, mà chết thì ta cũng tự an ủi trước khi nhắm mắt rằng
ta đã đến mục đich, cái mục đích hiến thân cho Tổ quốc. Vậy nếu anh chết thì
tôi không sợ bảo cho anh biết rằng anh chết. Nhưng nhất định anh không chết. Có
phải ai bị thương cũng chết đâu !.
T.- mỉm cười đau đớn - Hiến thân! (Một phút im lặng)
Anh rút hộ em... cái ví ở túi quần... (Khoa làm theo) Anh mở ra... trong đó
có... hai cái ảnh... Anh giữ lấy một cái... để kỷ niệm...cái đêm rùng rợn
này... Còn một cái... em nhờ anh... đem về đưa cho me em (yên lặng) Anh liệu lời...
mà nói... với me em... Em là con một... me em đấy I (khóc)
K.- Anh lạ quá, sao cử nghĩ quẩn mãi ! Được, ảnh tôi cứ giữ
đây (bỏ ảnh vào túi) Cái ảnh tặng tôi thì tôi sẽ lưu lại cho con cháu ngày sau
với hàng chữ này: " Đây là một người bạn thân của ta, tuy không cùng ta ở
trong một chính đảng, nhưng vẫn cùng ta phụng sự một lý tưởng duy nhất: "Tổ
quốc " Còn cái kia thì tôi sẽ có dịp cũng đi với anh tới nhà anh để đưa nộp
cụ.
T.- mắt như đeo đuổi một ý nghĩ ám ảnh - Anh có tin
rằng... linh hồn... bất diệt không?
K- đăm đăm nhìn Thức, rồi như chợt hiểu - Tin! Tôi
rất tin. Thác là thể phách còn là tinh anh. Tinh anh sẽ còn mãi mãi...
T.- Sống trong thời khoa học... mà anh còn tin được điều đó ?
K.- Thì khoa học cũng không cãi được điều đó. Trong một buổi
thí nghiệm, một nhà thần linh học đã gọi những linh hồn hiện về trước mặt các
nhà khoa học trứ danh trên thế giới như Flammarion chẳng hạn. Còn không tin sao
được ỉ
T. - mỉm cười - Đó cũng là... một sự an ủi... cho
những kẻ... sắp từ trần... Nếu quả sau khi... chết... mà linh hồn còn... sống
mãi... mãi... thì chết có đáng kể chi, phải không anh?
K.- Nhưng anh và tôi, chúng ta chưa chết thì chúng ta nói
chuyện chi đến cái chết cho mất cả vui. Vẫn biết cái chết không đáng sợ, nhưng
Tổ quốc đang còn cần đến chúng ta, thì chúng ta vẫn chưa chết được.
T.- Em nghĩ đến... cái chết... của những chiến sĩ... trong
Nam bộ... mà em thèm!
K.- cười - Anh dưỡng bệnh cho khỏe hẳn, rồi hai chúng ta cùng
vào Nam một chuyến. Nghe nói ở trong ấy nhiều nơi cũng vẫn còn chiến tranh. Phải
đấy chúng ta sẽ vào trong ấy để... để chết. Chứ chết ở ngoài này có chi tủi mạng,
anh ạ.
T.- Tủi mạng?
K. - Tôi được nghe anh em chiến sĩ ở trong Nam ra thuật lại
cho nghe những cái chết đẹp đẽ quá chừng! Một chiến sĩ nằm chờ ba ngày đêm
trong một cái hố bên đường, với một túi lương khô, với một cây súng và ba viên
đạn... ba viên đạn thôi, tội nghiệp! Anh đón đoàn quân địch đi qua đó để bắn.
Quả nhiên quân địch đi qua đó. Chờ cho họ đến gần anh bắn luôn hai phát giết chết
hai tên. Phát thứ ba, đạn điếc. Rồi anh mỉm cười chết một cách lặng lẽ và thỏa
mãn vì đã đổi được một mạng lấy hai rồi. Lại một chuyện này nữa, Một chiến sĩ bị
thương được đoàn cứu thương băng bó cho. Nhưng anh có cảm tưởng anh khó sống được.
Tức thì anh cầm súng xông bừa ra trận tiền để bắn trúng một quân địch rồi chết...
(Thức mắt lim dim người muốn lả đi) Anh mệt lắm?
T.- gật.
K. - Vậy nằm nghỉ một lát... Đừng nói gì nữa,
T.- Thôi... anh lui về... hậu tuyến đi... để mặc em...
K.- Được, anh cứ để mặc tôi. Để sáng rõ rồi tôi dìu anh về hậu
tuyến bên anh đã.
T.- lắc đầu - Không được đâu !...
KIỂM DUYỆT 14 GIÒNG
Thôi anh cứ về... phố đi... là hơn. Bây giờ về... thì được...
chứ sáng ra thì sẽ không có... cách nào... thoát được... Tiếng súng nghe như...
đã im hẳn rồi đấy..,.Anh về đi !
K.- Không, tôi không thể bỏ anh đây mà về được. Anh cứ để mặc
tôi. Hơn hết là anh cố ngủ đi một lát.
T.- mỉm cười - Tôi sợ ngủ đi thì... sẽ không...dậy
nữa.
K.- Quái ! anh đến lạ, cứ bị cái chết nó ám ảnh hoài !Hay anh
sự chết chăng!
T.- nói lảng - Anh hát đi mà nghe vậy,
K- Ừ phải đấy, tôi hát cho anh nghe một câu chèo nhé... Anh
có biết câu " Chấn thủ lưu đồn " không? Chắc không? Đó là một câu hát
của vai hề. Bao giờ hát, người ta cũng vác một cái dáo trên vai và một tay cầm
cái mồi lửa, Như thế này này (một tay cầm súng vác ngang qua hai vai, một tay cầm
nắm cỏ giả làm mồi, rồi vừa múa vừa hát) :
Đất ngài đây thanh lịch, đất hữu tình.
Có đường vô sảnh tới dinh quan lưu đồn
Ba năm bác con đương chấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm, sớm tới đồn việc quan.
Anh chém tre ngả gỗ trên ngàn
Than thân rằng khổ, anh biết phàn nàn cùng ai
Anh phàn nàn cùng trúc cùng mai
Cùng cây măng mía, cùng cây ngô đồng
Sót sa như muối đổ trong lòng 2.
Trong khi Khoa hát thì Thức cười lên tiếng, cười rất nhiều. Bỗng
y ngất đi và lịm dần. Khoa thấy đầu Thức gục xuống ngực vội ngừng lại, cúi xuống
lay gọi.
K. - Anh Thức! Thức ! Em Thức! (lắc đầu). Chết ! Vô lý!
Thức! (cầm tay bắt mạch) Chết thực rồi, khổ tôi chưa ! (Im lặng quỳ trước mặt
Thức).
Trời bắt đầu sáng, Bỗng một loạt súng nổ, tiếng ồn ào từ phía
chân đồi đưa lên. Một phát đạn trúng ngực Khoa, khiến y gục xuống ôm lấy Thức,
và se sẽ kêu: Mùi! Lập!
HẠ MÀN
Chú thích:
Bộ Tuyên truyền V.N.Q.D.Đ.kiểm duyệt |
|
Bản ghi âm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát |
Đã đến giờ chưa mẹ?
Phương từ ngoài hiên chạy vào phòng ngủ, đột ngột hỏi mẹ. Nga rời gường và cái bông phấn cầm tay, quay ra cười với con:
- Chưa con ạ. Nhưng, con đi ngủ thôi, khuya rồi, tám giờ rưỡi rồi.
Phương nũng nịu:
- Không, hôm nay con chưa buồn ngủ, mẹ cho con nghe cơ.
Nga chau mày :
- Thế thì Phương không ngoan rồi. Hôm nay mới là thứ ba. Ngày kia mới đến phiên con được nghe kia mà.
Dứt lời nàng đứng lên, ẵm đặt con lên giường. Rồi ra ngồi sửa sang lại mái tóc, chấm lại bông phấn cuối cùng. Ngửng lên nhìn đồng hồ báo thức đặt trên bàn giấy, nàng tưởng thấy hai cái kim vẫn đứng im một chỗ, và nếu không có tiếng tích tắc thì có lẽ nàng yên trí rằng đồng hồ không chạy. Nàng thở dài nói: " Còn những hăm nhăm phút nữa ! "
Nhưng nàng cũng bỏ cái áo bọc máy truyền thanh ra, ngồi cầm khăn táy máy lau cái mặt kính hình lục lăng, trên "đó những chữ, những số, những chấm màu đen, màu đỏ, mầu xanh đối với nàng không có một ý nghĩa gì, ngoài con số 25 ra. Mà con số 25 cũng chỉ được nàng lưu ý tới, vào giờ này, giờ phát thanh của đài Cựu kim sơn. Lơ đãng nàng vặn núm tiếp xúc. Cái mặt Radio sáng bật lên. Và cái kim đen trỏ bên con số 25 như thu lấy hết cả tâm hồn nàng. Và nàng mơ mộng đăm đăm nhìn nó, đắm đuối đợi chờ cái phút được gặp người xưa hiện về... Hiện về... Bất giác nàng đưa mắt nhìn vào gương, và thấy mình vẫn còn trẻ và thấy mình trẻ lại nhiều từ khi mua được cái máy radio này.
Kể thì nàng cũng chưa già, năm nay mới hai mươi sáu tuổi. Nhưng bao năm mong đợi, bao năm nhớ nhung khổ sở đã làm cho nàng tiều tụy hồng nhan.
Đã năm năm nay, Thanh, chồng nàng bỏ ra đi. Nàng còn nhớ, còn như thấy hiện ra cái buổi chiều hôm ấy. Một buổi chiều cuối năm 1939, một buổi chiều mưa phùn gió lạnh. Thanh đi Hải phòng về trước ngày hẹn, lại thêm có vẻ mặt lo âu, có dáng bộ vội vàng khiến Nga áy náy không yên. Ăn cơm xong, Thanh lên gác thay quần áo và sửa soạn xếp lại va li. Nga ngây người đứng nhìn chồng chưa dám hỏi. Mãi lúc Thanh dặn hễ có ai đến tìm thì nói chàng còn ở Hải phòng, Nga mới ngập ngừng:
- Vậy anh lại đi?
Thanh gật.
- Anh lại đi Hải phòng?
Không thấy chồng đáp nàng hỏi tiếp luôn :
- Nhưng dẫu sao cũng mai mới đi chứ?
Thanh mỉm cười bảo vợ:
- Anh phải đi ngay, Nga ạ, việc cần lắm.
Đứng suy nghĩ một phút chàng hỏi vợ:
- Phương ngủ rồi, phải không em?
Dứt lời chàng ra nôi vén màn cúi nhìn con, một đứa con tám tháng. Và chàng quay lại bảo vợ :
- Sung sướng quá cái tuổi vô tư lự. Thấy con nó ngủ bình tĩnh mà thèm! Em trông trán nó dãn ra, môi nó như mỉm cười với mộng.
- Anh làm thơ đấy à? Nga âu yếm bảo chồng, Nhưng khéo để muỗi đốt con
Thanh vội giắt màn lại, rồi lẵng lặng xách va li.
- Anh đi ngay bây giờ?
- Phải đi ngay bây giờ em ạ..
Hai người thoáng nhìn nhau rồi cùng vội quay đi như hiểu thấu ý nghĩ thầm kín của nhau.
- Em chả cần bật đèn nữa. Thôi anh đi đây.
Vừa nói, Thanh nắm chặt lấy tay vợ như thầm trao cho nàng tất cả mọi điều bí mật không dám thú. Rồi chàng se sẽ vặn khóa, nhẹ nhàng mở cửa lớn ra ngoài biến vào bóng tối.
Ngồi nhớ tới buổi biệt ly, Nga còn có lại cái cảm giác rừng rợn hôm ấy. Chồng nàng đi rồi, nàng hoảng hốt chán nản lên gác nằm vật ra giường nức nở khóc. Nàng đã nhìn thấy rõ: chồng nàng đi trốn. Vì đã có lần Thanh ngỏ cho nàng biết rằng chính phủ thực dân vừa đặt ra chế độ trại giam để khâu lưu ở đó tất cả những cựu chính trị phạm bị tình nghi làm rối cuộc trị an. Vậy Thanh, một cựu chính trị phạm rất có thể bị liệt vào hạng người nguy hiểm ấy.
Quả nhiên ngay trưa hôm sau, nhân viên ty mật thám đến nhà nàng để khám bắt Thanh. Và từ đó nàng bặt luôn tin chồng.
- Sắp nói rồi đấy à mẹ? Phương trỗi dậy hỏi, vì nó vừa nghe thấy bắt đầu tiếng rào rạo của máy radio.
- Chưa con ạ, nhưng con phải ngủ đi, con có ngoan có dễ bảo thì máy nó mới nói.
- Thì ba mới nói chứ !
- Ừ thì ba mới nói. Vậy nếu con không vâng lời me thì rồi ba không nói nữa đâu, không bao giờ ba nói nữa đâu.
- Vậy con ngủ thì mẹ bảo ba nói nhé?
- Ừ con phải ngủ ngay cơ.
Phương lại ngoan ngoãn nằm xuống. Và Nga, tuy đương buồn cũng phải mỉm cười sung sướng. Phương là tất cả sự an ủi của nàng trong năm năm nay, cái hình ảnh linh hoạt của người chồng thương mến.
- Mẹ tắt đèn để khỏi chói mắt con nhé?
Không thấy Phương trả lời nàng biết con đã ngủ yên rồi, nhưng nàng cũng vẫn tắt ngọn đèn dưới cái chao vải tự tay nàng làm ra từ thời chồng còn ở nhà, và nay màu hồng đã bạc phếch và loang lổ. Trong gian phòng tối, cái mặt lục lăng của máy radio sáng rực rỡ thêm lên. Nghĩ đến cái máy radio Nga không khỏi tự phục lòng quả quyết đã dám bỏ ra gần hai nghìn bạc, đã không ngần ngại bán hết tư trang để mua cho bằng được, mặc những lời mắng nhiếc của cha mẹ chồng. Nàng có nó đã ba tháng nay rồi và không một phút nào nàng tiếc cái món tiền to gần bằng nửa tài sản của nàng. Còn muốn gì hơn nữa, cái máy vuông xinh xinh chẳng chứa tất cả hạnh phúc của nàng hay sao? Chẳng là tất cả lẽ sống của đời nàng sao?
Nàng có nhớ tối hôm ấy, cái buổi đã làm cho nàng hầu như phát điên vì sửng sốt vì một sự lạ lùng mà cho tới ngày nay nàng vẫn không dám tin hẳn cũng không dám ngờ vực. " Ngờ vực thì chết mất !" luôn luôn nàng nghĩ thầm. Hôm ấy nàng đến chơi một người bạn học cũ cũng không thân lắm. Chẳng qua nàng chỉ đáp lại một buổi đến thăm của người ấy. Người bạn giữ nàng ở lại nghe radio, nói có rất nhiều tin tức quan trọng liên quan tới Việt Nam.
Vừa nghe câu đầu, nàng giật mình hoảng hốt. Nàng không thể nhầm được, tiếng người phát thanh chính là tiếng chồng nàng. Nàng cố cho đó là điều vô lý để bỏ qua đi, nhưng không thể được. Ở trên đời này không khi nào lại có hai người nói giọng giống nhau như thế, giống từng giọng, giống từng tiếng. Và trong lúc mơ mộng nàng tưởng tượng Thanh hiện lên ngồi nói chuyện với nàng, ngồi đọc báo cho nàng nghe như thuở xưa, trước giờ đi ngủ nàng thường nũng nịu bắt chồng đảm đương công việc ấy. Nàng ngồi lịm người đi, chú hết tình thần vào cái giọng đều đều trầm trầm. Và nàng như uống từng lời của người mà nàng nhất định cho là người yêu, mà nàng như cảm thấy có hơi thở làm rung động làn tóc sõa bên tai nàng. Tại sao người ấy lại không là Thanh được? Thanh rất có thì làm công trên một chiếc tàu hàng hải vượt Thái bình Dương rồi nhờ có sự vận động của một người Mỹ nào đó được đổ bộ lên Cựu kim sơn và sau đó xin được vào làm ở đài phát thanh. Câu chuyện lập thành như thế rất là hợp lý và có gì là viển vông?
" Đích thực rồi! ". Nàng bổng đột ngột kêu to lên. Nàng vừa nhận được mấy tiếng đọc theo mộr giọng mà ngoài Thanh ra, nàng cho không một ai có.
- Cái gì thế chị? Người bạn ngơ ngác hỏi nàng.
- Không, nàng bẽn lẽn đáp. Và nàng chống chế nói khôi hài để chữa thẹn: " Tôi phê bình lại lời phê bình của người phát thanh đấy". Đoạn nàng cất tiếng cười ngượng nghịu.
Hôm sau và mấy hôm liền nàng đến nhà bạn ; người bạn trước kia rất sơ nay đã trở nên người tâm giao của nàng. Chỉ còn thiếu chút nữa là nàng đem hết bí mật câu chuyện ra thuật tường tận với bạn.
Nhưng tối nào cũng đến chơi dù lấy cớ là nói nghe tin tức thế giới đi nữa, dầu sao cũng là một điều suồng sã trong tình bằng hữu. Nhất bạn lại còn có gia đình mà mình lại là một thiếu phụ xa chồng. Chẳng dừng được, nàng phải thưa đến chơi. Những đêm ấy nàng thấy băn khoăn, sốt ruột trằn trọc không sao ngủ được. Động chợp mắt, nàng lại tưởng nghe thấy tiếng chồng trong máy phát thanh, và nàng vụt tĩnh giấc. Trái lại những buổi ở nhà bạn về, thần kinh nàng dãn ra, máu nàng chảy đều hơn, tim nàng đập chậm lại. Và nàng vừa đặt mình là khoan khoái ngủ yên, không mộng, không mị. không mê không sảng gì cả.
Một hôm trong câu chuyện xã giao, khi ngồi đợi giờ phát thanh, người bạn phàn nàn rằng bất cứ vật gì giá cũng cứ một ngày một cao vọt mãi lên. Và để nêu ra một thí dụ nàng nói một cái máy radio trước kia giá có ba bốn trăm, bây giờ đắt tới nghìn rưởi, hai nghìn. Những lời không đâu ấy bỗng làm nẩy ra trong lòng Nga, một ý muốn một dục vọng ngày càng thêm mãnh liệt: Có một cái máy radio, để rồi tối tối được nghe tiếng chồng mà không phải đi đâu !
Ba hôm sau, nàng nhờ được người mua hộ một cái máy sáu đèn bằng món tiền ngót hai nghìn, giá các đồ tư trang của nàng mà nàng đã đem đi bán.
Và từ đó tới nay, thấm thoát đã ba tháng. Đã ba tháng... chiều chiều nàng trang điểm phấn sáp, mặc vào người bộ áo cưới năm xưa rồi ngồi chờ nghe những lời yêu dấu.
Một hôm, Phương ấm đầu và quấy không chịu rời mẹ ra. Đến giờ, Nga đành phải ẵm con ngồi nghe. Phượng có vẻ kinh ngạc, trố mắt tò mò nhìn cái khoang sáng và thỏ thẻ hỏi mẹ:
- Ai nói thế mẹ?
Nga sung sướng cúi hôn con, và âu yếm, bí mật thì thầm :
- Ba con nói đấy,
- Thế sao ba không ra đây với con, lại nấp ở trong ấy nói ra hử mẹ ?
Nga chưa kịp nghĩ được câu ổn thỏa trả lời con, thì Phương đã hỏi tiếp luôn:
- Hay ba bị nhốt ở trong ấy ?
Cách đó ít ngày Phương khoe với bà:
- Bà ơi, cháu biết ba cháu ở đâu rồi cơ?
- Thế ba cháu ở đâu?
- Ở trong cái máy nói của mẹ ấy. Cháu đã được nghe ba nói rồi cơ.
Bà lão và cả nhà cùng cất tiếng cười, cho đó là một câu chuyện bịa đặt để dỗ trẻ:
- Phương bảo mẹ có bán lại cái máy ấy đi thì ba mới chịu chui ra mà về với Phương.
- Nhưng cái máy bé quá, ba ở trong ấy thế nào được ?
Bà mẹ chồng quay sang bảo Nga:
- Cứ kể giọng cái người trong máy mà tôi nghe tối hôm nọ cũng na ná giống giọng anh Thanh đấy. Chỉ khác một điều chậm rải hơn, mà trầm hơn.
Nga buột miệng đáp:
- Thưa mẹ, phát thanh thì phải nói chậm rải chứ ! Còn giọng trầm là vì máy.
Dứt lời nàng hối hận liền, vì sợ lộ mất bí mật mà nàng không muốn để một ai khám phá ra. Và nàng tự trách: " Rõ mình cũng lẩn thẩn đem chuyện ấy ra nói với con!"Bà mẹ chồng nhìn con dâu, mỉm cười;
- Hay chị tin đó là tiếng anh nên chị đã bán tư trang đi để mua máy ra đi ô đấy?
Câu nói đùa làm cả nhà phá lên cười. Ông bố chồng nói:
- Nếu quả thực người phát thanh ấy là anh Thanh thì cũng lạ lắm nhỉ ! Mà đã biết đâu không phải anh Thanh. Để hôm nay thầy nghe xem.
Tối hôm ấy quả nhiên cha mẹ chồng nàng vào phòng nàng để nhận tiếng con. Trong khi ông cụ lắng tai nghe, Nga đăm đăm nhìn ông để chờ một lời phán đoán. Nàng lo lắng khi nghe cha chồng thốt ra một tiếng: " Ừ!" Và nàng không dám hỏi thêm sợ bị thất vọng. Thì ông cụ lại nói tiếp:
- Ừ cũng giống đấy... Nhưng không phải tiếng Thanh đâu.
Mầm ngờ vực đã nhú trong lòng nàng vụt bồng bột nẩy nở. Nàng hoảng hốt lo lắng, cảm thấy mặt mình hơi tái đi. Và nàng lặng thinh đứng nhìn hoang mang không dám suy nghĩ liên miên. Sau khi tắt máy và cha mẹ chồng nàng mỉm cười vơ vẩn ra khỏi phòng, nàng tắt đèn lên giường đi ngủ liền. Nhưng cả đêm nàng không chợp mắt. Sáng dậy nàng nãy ra một ý nghĩ mà mấy giờ sau nàng lại thấy không thực hành được, là gửi thư cho người phát thanh đài Cựu kim sơn. Nàng tự nhủ: "Không những khó lòng thư tới đích, mà nhỡ người ấy không phải là chồng mình thực thì xấu hổ chết. Không, không cần viết thư gì hết, và sao một sự nhận xét cẩu thả của ông bố chồng lại trong giây phút đánh đổ tin tưởng của mình được. Người cha thuộc giọng con sao bằng được người vợ thuộc giọng chồng! Không thể nhầm được. Giọng ấy chỉ có thể là giọng Thanh. Nhất mẩu câu " bởi vì rằng " của Thanh thì không trộn đâu cho lẫn được.
Rồi mỗi ngày khi giờ phát thanh tiếng Việt của đài Cựu kim Sơn nàng lại thấy lòng tin thêm vững chắc.
Sung sướng, rạng rỡ, chiều chiều, nàng sống bên người chồng xa.
NGƯỜI ANH HÙNG
NƠI ba nhân vật ấy tụ họp để sống với nhau cũng đã là một cảnh quái đản, một cảnh ma ám rồi. Một khu đất rộng tới bốn, năm mẫu, bao vây trong một lũy tre dầy kín, và một lần tường cao trên cắm mảnh chai vỡ. Hai cái cổng vòm kiên cố, nối liền nhau bằng một con đường nhỏ hẹp, hai bên có tường và ăn thông với ngõ xóm, một cái ngõ sâu hẹp giữa hai hàng dậu tre cao vút.
Trong khu đất bao la ấy, cây cối um tùm như rừng, mội cái rừng hoang đối với con mắt người thường. Nhưng kỳ thực cái rừng ấy đã được chăm nom, bài trí theo ý muốn của chủ nó. Ta có thể nói không thiếu một loài cây gì, từ cây to như cây sến, cây lim, cây trò, cho chí những cây nhỏ như cây lan, cây lưỡi hổ, cây tóc tiên, từ những cây tầm thường như cây khế, cây sung, cây ổi cho chí những cây rất hiếm như cây hà lan, cây bạch mộc, cây bách tán, cây giồng đất, cây giồng chậu, cây leo, cây gửi, cây chơi hoa, cây chơi lá, một nhà thảo mộc học cũng khó lòng tìm ra được một loại nào không có trong cái vườn bách thảo ấy.
Nhà ở làm xế vì phía Bắc khu vườn và mặt quay về đằng Đông, nghĩa là xây lưng ra cổng. Đó là một kiểu nhà cổ quái chẳng ra Tây, chẳng ra Tàu cũng chẳng ra Việt Nam. Hai từng trên một nền cao, về gốc phía Tây nhô lên một cái chòi " lô cốt".Cửa sổ cuốn, cái cao cái thấp không theo hàng. Toàn thể, cái nhà ấy giống như một tòa lâu đài cổ bỏ hoang, nhất nó lại rêu phong tứ phía và bị lá cây luôn luôn che khuất ánh mặt trời.
Đó là nơi ba người lạ lùng chung sống không rõ từ bao giờ, ba người mà ngay buổi đầu gặp gỡ, tôi cho là ba người điên, nhất ngắm tòa lâu đài hình thù cổ quái, tôi càng yên trí rằng nó phải là công trình của bọn người loạn óc. Mà hiện giờ sau mười mấy năm chơi bời với nhau, tôi vẫn chưa rõ hẳn rằng cái ông kiến trúc sư kỳ dị ấy là một người điên hay là một người phi thường.
Thời tôi mới quen biết ông ta thì Tiên vào chạc ngoài ba mươi. Một cái trán cao rộng, hai con mắt sắc ném tia sáng, cặp môi đỏ và tươi dưới bộ ria cụp, và trên bộ râu thưa, dài, màu hung hung. Tóc cắt ngắn nhưng đầu chỉ cao ở phía gáy, còn tóc mai để nguyên vẹn, khiến đứng đằng trước mặt mà ngắm y, ai cũng tưởng y búi tóc. Quần áo thì rất là lôi thôi lốc thốc, một cái quần cháo lòng, một cái áo cánh nâu, một cái áo lương bã, một đôi guốc gỗ mũ da lợn.
Và Tiên cũng không có thời giờ mà nghĩ tới sự trang sức. Bà Tiên lại là một người nhà quê, chỉ nghĩ tới việc đồng áng làm ăn và như không ngắm nghía chồng bao giờ. Mà có lẽ hai người cũng ít khi gặp nhau, Tiên có mấy khi rời cái phòng sách và phòng thí nghiệm đâu. Trong phòng sách rộng chừng hai mươi thước vuông, chỉ bày có một cái bàn, hai cái ghế gỗ, và một bộ ghế ngựa quang dầu. Còn bao nhiêu chỗ thừa bị các tủ và dá sách chiếm hết. Đó là một kho toàn một thứ sách chữ Hán. Sách khảo cứu các ngành khoa học Âu Mỹ, các tôn giáo, triết học Đông Tây. Những tự điển, đủ các loại, cũng đã chứa chật một cái tủ lớn rồi. Còn gian phòng thí nghiệm của Tiên thì ngoài y và nhà "kỹ sư", cái danh từ y đặt cho người thư ký của y, ngoài hai người ấy ra thì không một ai được bước chân vào. Chính tôi cũng chỉ thoáng nhìn thấy một lần, khi Tiên ở trong đó mở cửa đi ra phòng sách. Đại khái nó cũng như những phòng thí nghiệm ở các trường trung học, với những lọ, những phẫu, những ống thủy tinh bày la liệt trên những cái bàn sơn màu xanh xám.
Trong buổi mới quen biết con người lạ lùng ấy tôi khỏi tức cười sao được ! Một nhà nho khoa học ! Một nhà nho bác học ! Tôi không sao tin được điều ấy ! Nhưng ông "kỹ sư" thì phục y lắm, và thân mật bảo cho tôi biết rằng về khoa học, trình độ y ít ra cũng ngang trình độ một bực tiến sĩ. "Kỹ sư" cũng biết tôi không tin lời ca tụng ấy nhưng y thấy đó là chuyện không đáng kể. Và y vốn ít lời lại không thích tranh luận với ai về một vấn đề gì bao giờ.
"Kỹ sư " vào khoảng hăm nhăm tuổi, đã đậu bằng thành chung và tốt nghiệp trường canh nông Tuyên Quang.Tuy vào trường này người ta chỉ cần có bằng cơ thủy, nhưng vì thích khoa canh nông thực hành, y cũng cứ đệ đơn xin học. Vừa ở trường ra y gặp ông cả Tiên và nhận lời đến trông coi cái vườn bách thảo cho ông ta, dù phải hoàn lại cho Chính phủ bảo hộ Pháp số tiền túc phí trong mấy năm tòng học.
Lương, tên người thiếu niên ấy, rất hiền lành và khiêm tốn. Không bao giờ y nói chuyện đến công việc của y, một công việc vĩ đại mà không ai ngờ tới. Đó là việc khảo cứu tên và tính chất các cây cối trong vườn ở những pho sách Tàu mà y cho ngoài ông Tiên ra không một người Việt Nam nào có thể có được: những pho sách ấy cũng như phần nhiều các sách khác, ông Tiên đã gửi mua tận Thượng hải Bắc bình.
Thực là giời sinh hai người ấy để mà kết bạn với nhau, để mà sống gần nhau. Họ giống nhau về đủ mọi phương diện. Cùng ít nói, cùng làm việc nhiều mà cũng làm những việc vô hại nhưng rất vô ích cho đời. Tôi đã được theo đuổi một cuộc tra cứu của hai người trong các sách toán pháp đông tây giòng giã ba bốn tháng giời để tìm ra "cái luật vạn nhất" của sự may rủi về cờ bạc, về cái số chẵn lẻ của sóc đĩa chẳng hạn. Họ hỳ hục trong bao lâu như thế mục đích không phải là để lợi dụng cuộc khảo cứu mà làm giàu về đổ bác. Họ rất ghét cờ bạc và bận bịu như họ thì còn thời gì ở đâu mà đánh bạc?
Việc thiết thực, họ không cần để bận lòng. Đã có bà Tiên nghĩ đến cho họ. Một mình bà trông coi gia sản của tiền nhân để lại, chừng vài ba trăm mẫu ruộng rải rác trong khắp một vùng. Quý hồ, họ có tiền mua sách và các dụng cụ, nguyên liệu khảo cứu khoa học là được rồi. Người đàn bà ấy rất có tính phục tòng, thế mà một lần đã phải kêu van hai người tiêu pha vừa vừa chứ, không thì đến sạc nghiệp mất. Hồi ấy hai người khảo cứu phân chất các thứ hoàng đồng thời Hạ, thời Chu, thời Hán và công việc ấy đã làm hại cho quỹ của bà Tiên một món chừng bốn năm vạn, tiền mua lò, máy móc đúc đồng và các dụng cụ, các chất hóa học. Kết quả cuộc thí nghiệm khoa học ấy là một cái đỉnh đời Chu, một đôi ống hương đời Hạ, một con ngựa đời Hán giống hình và giống chất. Hai người sung sướng ngấm ngtía cái công trình của mình trong ít lâu, rời bỏ lò, bỏ máy để quay sang một việc khảo cứu khác, cũng vĩ đại và vô ích như việc trước.
Thế giới, hai người ấy sống sẽ là một thế giới im lìm, một thế giới chết, nếu không có một nhân vật thứ ba. Đó là một người bếp khố đỏ mãn khóa về xin vào làm vệ sĩ cho nhà Tiên. Chính vì thế mà người ta gọi bác là bác Vệ, tuy tên bác là Quýnh. Tiên và Lương yên lặng bao nhiêu thì bác Vệ ồn ào bấy nhiêu, nhất khi bác đã chuếnh choáng vài ba chén rượu. Nhưng sự ồn ào của bác cũng không làm ngăn trở gì cho công việc khoa học của hai người kia, vì bác sống riêng biệt hẳn trong cái chòi và ba gian " trại" phía trước, cách cái lâu đài khảo cứu có tới hơn trăm thước. Bác ở đấy với hai người lực điền và thường hay giao thiệp với bà chủ hơn là với ông chủ và ông " kỹ sư".
Đó là một người chạc ngoại tứ tuần, cao lớn, lực lưỡng ngực nở bắp tay to, tiếng nói sang sảng. Ngoài công việc ban đêm giữ nhà, bác còn đi tuần trông coi cả mấy cánh đồng lúa khi sắp tới vụ gặt. Vì cái trách nhiệm nặng nề ấy mà bác rất siêng năng tập tành võ nghệ, và dạy hai tay điền tốt của bác học đủ các lối công, thủ bằng súng, một cây súng bắn chim, bằng gậy, bằng dáo và bằng đao.
Nhưng thực ra, bác dạy thì ít mà bác khoe khoang và nói chuyện về bác thì nhiều. Cứ lời bác thì nhờ về môn bắn tài, bác đã mấy lần lên cai rồi lại bị lột lon xuống làm lính vì cái tính bướng bỉnh cãi lại quan trên của bác. Kể cái tài bắn của bác quả thực đáng sợ nếu cứ tin ở lời bác: Đặt đồng xu lên đầu cây mút cư tông, mổ cò, đồng xu nhầy lên ở nguyên chỗ mà không rơi xuống đất. Lại một hôm ở một đồn binh, viên quan ba đương ngủ trưa, thì một con quạ đến đậu trên cây soan bên đầu nhà kêu um lên và đánh thức y dậy. Y cáu kĩnh gọi: "Quynh"! giết chết nó đi cho tao! " Quynh cầm súng ra và hỏi:" Ông muốn tôi bắn chết nó hay chỉ bắn què thôi?" "Bắn què". Viên quan ba đáp. "Què chân trái, hay chân phải" "Chân phải" - " Được". Tức thì phát súng nổ và con quạ từ từ trên cây lộn cổ xuống què chân phải và dẫy đành đạch.
Câu chuyện ấy Lương cũng được nghe. Và y tin lắm, vì y không bao giờ ngờ vực một lời nói của một người nào dù Iời nói ấy vô lý đến đâu. Thế là y thấy thích khảo cứu về khoa bắn, rồi từ khoa bắn đến các thế trận, mưu lược trong các sách binh thư của cổ nhân Trung Quốc. Cái việc khảo cứu quân sự ấy đã làm cho y mất đến hai ba tháng, cặm cụi và đã gây một trò cười trong cái "trại lính" bên cổng chòi. Hôm nào cũng vậy, chưa cạn chén rượu thứ nhất, bác Vệ đã đem ông " kỹ sư vườn " ra làm đầu đề câu chuyện vui! Bác kéo dài giọng, mỉa mai nói với hai người điền tốt:
- Ô chào !Tưởng việc binh cũng như việc tìm tên cho những cây lạ hoa kỳ chăng?
Tưởng đâm chết tên cướp cũng dễ như chiết cành, chắp cây chăng? Ngữ ấy thì cầm cây dáo không nổi, còn bắn với biếc gì!
Câu khôi hài ấy thốt ra trước mặt bà Tiên làm bà ta thích chí
cười rú lên. Rồi vì cũng chẳng ưa gì ông kỹ sư, bà ta đem thuật lại với ông ta.
Bà tưởng trêu tức y, nhưng trái lại, y thấy câu bình phẩm ấy rất hợp lý. Bắt đầu
ngay từ hôm sau y khảo cứu về khoa thể thao; và sáng sáng dậy sớm ra vườn vận động
thân thể. Quả nhiên người y nở nang ra trông thấy,
°
Trong cái thế giới ly kỳ của những nhân vật ly kỳ ấy, một lần
đã xảy ra một việc bất thường, làm ngừng trệ công việc đều đều của họ trong ít
lâu, chỉ trong ít lâu thôi: Một hôm một bọn cướp nhờ có một trong hai tên điền
tốt làm nội ứng đã vào lọt trong cái vườn Bách thảo và cái lâu đài khoa học ấy,
Thấy động bác Vệ vội lấy súng chống cự, nhưng các thứ khí giới lợi hại của bác
đều đã bị tên đầy tớ bất lương giấu đi một nơi. Bác không vì thế mà chịu đầu
hàng, hăng hái kháng chiến với bọn cướp bằng gạch, bằng gậy, bằng bất kỳ thứ
khí giới gì vớ được. Và bác chống cự mãi cho đến khi bị thương và bị bắt. Sự
can đảm của bác đi giúp được bà Tiên và hai con, một giai, một gái sống
riêng biệt trong bảy gian nhà ngang, trốn thoát được ra ngoài do một cái cửa bí
mật ở sau vườn. Còn ông "kỹsư" thì vừa nghe có động y đã biến mất:
Người ta cũng không rõ y chạy đằng nào hay ẩn núp ở đâu. Duy có Tiên thì vẫn
bình thảnh như thường và nhất định không chịu rời hai cái phòng sách và thí
nghiệm ra, y ở đó chờ cho bọn cướp đến để kinh cẩn nói với họ:
- Thưa, các ngài, các ngài muốn lấy vật quý gì cứ việc, chỉ
xin các ngài đừng động chạm, phá phách hai cái phòng này mà thôi. Những thứ này
các ngài không dùng làm gì được đâu:Toàn sách với chai với ống với lọ cả.
Y có ngờ đâu rằng chính câu nói của y đã gợi lòng tò mò và
nghi hoặc của quân cướp ; sau khi đã trói y lại chúng lục lọi, vất tung toé hết
các sách, đập vở bừa bãi một số chai lọ, để tìm vàng bạc châu báu mà chúng chắc
y dấu giếm trong hai gian phòng. Mãi khi không thấy gì chúng mới chịu phá rương
phá tủ ra vơ vét của cải quần áo.
Một giờ sau, bọn cướp kẻ vác, người gánh theo tên tướng dẫn
đường ung dung kéo đi. Bổng có tiếng kêu ồn ào con đườmg ngõ xóm. Đuốc vội dập
tắt, rồi mạnh ai nấy chạy, bọn cướp vứt đồ đạc lại nhốn nháo tẩu tán. Khi tuần
làng kéo đến thì chúng đã đi xa. Trong ngõ xóm còn lại một tên bị tử thương ở bụng
và còn quằn quại trên vũng máu. Nồi, mâm, xanh, chảo, quần áo thì rải rác suốt
từ đầu cho tới cuối xóm. Sau khổ chủ ra thu nhặt về, nhận thấy rằng bốn phần của
bị cướp, quân cường đạo bỏ lại tới hơn ba phần.
"Nhưng ai đã đâm chết tên tướng cướp, khiến bọn quân mất
đầu tan rã bỏ chạy như thế?" Người ta kinh ngạc hỏi nhau. Giữa lúc ấy ông
"kỹ sư" vác cây dáo dài từ trong vườn bên đi ra và ôn tồn giảng giải:
- Trong khi khảo cứu về chiến lược của Tôn Vũ, tôi đã chú ý đến
câu "đánh bất thình lình". Đánh bất thình lình thì một người có thể hạ
nổi trăm người, nhất khi mình lại chiếm được địa lợi. Khảo cứu về địa lợi tôi
đã ra đấy xem xét kỹ lưỡng cái ngõ hẹp này, và thấy nó rất có lợi cho trận đánh
mai phục mà ngày nay người ta gọi là du kích. Đấy, các ông coi, Tôn Vũ đi thẳng
một cách dễ dàng.
Mọi người phá lên cười. Và từ đấy ông " kỹ sư" lại
có thêm được hai tên mới: Tôn Vũ và Người Anh Hùng.
KHÓI HƯƠNG
ĐI cỏ là một công việc ao ước trong trại giam Vụ bản. Riêng
có hai anh người Thổ phụ trách công việc ấy nhưng thỉnh thoảng họ lại nhường
cho bạn bè được nếm qua cái thú nên thơ.
Sáng hôm nay, lão đồn già đã phải mỉm cười nhìn Linh và
Khanh, trong bộ quần áo "gôn" màu cỏ, nhẹ nhàng vác trên vai đôi lẵng
tre lồng một, trong đựng hai cái liềm và một cuộn giây Iạt. Và lão nháy hỏi đùa
một câu tiếng Việt:
- Đi cỏ?
Rồi lão tiếp liền một câu tiếng Pháp, như để tỏ rằng đã bằng
lòng ban cho hai người cái ơn huệ ấy:
- Được! Chơi cho thỏa thích đi nhé l
Lần này là lần đầu Khanh đi cỏ, nhưng vì được anh em tả cho
biết mọi chi tiết của công việc ấy nên y đã đem theo một điều kiện cần thiết:
tiền mà y cẩn thận giấu vào trong tất để phòng sự lục khám bất thần của lão đồn
già.
Sương còn dày đặc khi Linh và Khanh ra đi với người lính Mường.
Dãy núi Hoành sơn như nổi trôi trên biển tuyết.
Bị cỏ đồi dài và sắc nhuốm ướt tất và ống quần, hai chàng đến
ngồi nghỉ ở một gốc đa bên cái giếng nước suối, để hong gió cho khô. Trong khi ấy
người lính Mường đến góp chuyện với mấy hàng gánh gà vịt ra chợ Trào bán.
- Hắn có nhà đấy, các thầy ạ.
Y quay ra bảo hai chàng.
- Thế à? May quá nhỉ !
Hắn là người mà chú lính "Sáu ba", sắp Çưa hai
chàng đến nhà và người đàn bà báo tin kia là vợ hắn.
Vượt một cánh đồng rộng, theo ven một khu rừng rậm, leo hai
quả đồi cỏ nữa, ba người mới tới làng Nghĩa. Linh thật thà hỏi:
- Phải đi xa thế này mới cắt được cỏ cho trâu ăn ?
Khanh cười:
- Việc chính có là việc cắt cỏ đâu.
Và "Sáu ba" nghiêm trang tiếp, y như không cười
không đùa bao giờ:
- Các thầy không phải cắt cỏ. Cả tôi cũng vậy, chỉ việc chén
say rồi ngủ một giấc, chiều về thế thôi.
Làng Nghĩa, một làng chết. Lũy tre sơ sác, lèo tèo vài chục
nóc nhà. Người ở lưa thưa, không một móng trẻ con nào ra đường. Khanh buồn rầu
hỏi "Sáu ba":
- Ở đây làng nào cũng tiêu điều như thế này à?
- Không đâu, thầy ạ, đây là một xóm nghèo nhất vùng này.
Linh cười:
- Tôi có cảm tưởng đến một nơi vừa có bọn cướp đi qua. Chúng
vét sạch của cải và nhân dân bỏ trốn hết.
Người lính thật thà đáp.
- Không đâu, thầy ạ, trên chúng tôi không có cướp bao giờ.
Còn thầy thấy vắng như thế này là vì hôm nay là ngày phiên chợ Trào, cả làng đi
chợ, chiều mới về cơ mà.. Nhưng đây rồi, đến nhà hắn rồi.
Nhà hắn là một căn nhà sàn bằng gỗ, làm trên một miếng đất nhỏ
hẹp; lũy tre lụi từng đám, khiến người ta có thể qua đó mà vào chứ không cần phải
đi lối cổng. Cái cổng chỉ là một công trình mỹ thuật mà nhà nào hình như cũng
chăm chú đến. Nó cao, dù bằng tre hay bằng gổ, và phần trên là một cái miễu con
xinh xắn.
Một con chó vàng, lông dài, đuôi vòng lên lưng như cái dấu hỏi,
uể oải lên tiếng sủa, có lẽ không phải để sua đuổi mà để báo cho chủ biết có
khách đến chơi. Quả nhiên chủ nhân thò đầu qua cửa sổ và khi nhìn thấy ba người,
y vội vả chạy ra cầu thang đón tiếp:
- Mời hai quan với bác lên chơi. Hôm nay hai quan mới đến
đây?
Thì ra nơi này là nơi tụ họp hằng ngày của anh em đi cỏ.
- Hai ông lên trước đi, tôi cất các thức rồi tôi lên sau..
Các thức là ba đôi lẵng tre bé xíu và hai cái liềm đem theo để
có vẻ đi cắt cỏ.
Linh và Khanh tấm tắc khen cái nhà sàn đẹp và sạch sẽ. Nó
khác nhà sàn Thổ ở chổ gian bếp và gian đàn bà cách biệt, có phên liếp ngăn ra.
Và nó sáng sủa hơn, vì mặt cái cửa sổ hình chữ nhật đặt ngang mở rộng ra phía
Đông Nam để đón ánh mặt trời và không khí.
Trên cửa sổ, một cái chiếu hoa cạp xanh giải xuống sàn, gổ
ghép xít. Trên chiếu là một cái khay thuốc phiện, với ngọn đèn dầu le lói trong
cái chụp pha lê sáng bóng. Khanh thì thầm bảo Linh: "Cái anh chàng này chừng
là tay ăn chơi"
Chủ nhân cười hỏi:
- Hai quan muốn làm cái này? Nhà cháu xin tiêm hầu hai quan
xơi?
Linh mỉm cười:
- Cảm ơn ông. Chúng tôi xin vô phép.
Khanh tưởng nên khen một câu làm thân:
- Cái nhà của ông đẹp lắm l Bức sàn ghép toàn bằng gỗ quí.
Sáu-ba vừa lên nói vọng vào:
- Ấy từ ngày ông ta ra làm lý trưởng đấy.
Linh nói:
- Ở dưới chúng tôi cũng vậy, ai ra làm lý trưởng là cũng tốn
kém hao hụt.
Chủ nhân cười ;
- Bẩm hai quan, chúng tôi ở nơi sơn cước, bì thì nào được với
quê quan.
Nhưng phải nghĩ đến việc chính đã. Việc chính là đưa tiền cho
chủ nhà nhờ sửa soạn một bữa ăn. Khanh tháo giầy tất lấy đưa cho Sáu ba một tờ
giấy năm đồng. Y giao ngay cho chủ nhà và nói:
- Này, ông làm giúp hai thầy bữa chén nhá.
Cái khách sáo phong lưu bỗng thức dậy trong người Mường. Y
giơ tay ra gạt:
- Ấy ! ai lại thế ! Nhà cháu đã có gà, chả phải mua gì đâu mà
hai thầy đưa tiền.
Cả ba người phải nói khéo mãi, y mới chịu cầm tờ giấy bạc gập
nhỏ bỏ túi. Rồi chủ và khách ngồi nói chuvện chung quanh bàn đèn.
"Sáu-ba" yên lặng nằm tiêm thuốc, và xong mỗi điếu y lại quay mồi
Linh, Khanh và người Mường. Nhưng lần nào ba người này cũng từ chối và mời lại.
Như thế y kéo luôn một lúc đến năm sáu điếu. Giữa câu chuyện gia thế của người
Mưòng, Linh quay sang Sáu-ba hỏi chen một câu:
- Thì ra bác bếp cũng hương khói phụng thờ thần Phù dung đấy
à?
Y không hiểu. Linh phải giảng nghĩa:
- Bác nghiện thuốc phiện à?
Y cười nhạt nhẽo:
- Không, hút chơi đấy thôi, thầy ạ, ở đây cần phải hút. Anh
em chúng tôi hễ ai
không hút là thế nào rồi cũng đi tiểu ra máu mà chết.
Chủ nhà gật gù
- Bác ấy nói đúng... !..Mà lại hút nhiều cơ chứ ! Với lại làm
cái nghề của chúng tôi, không ăn không được cơ !
Cái nghề ấy là nghề nấu thuốc phiện lậu, một nghề không nguy
hiểm như người ta tưởng tượng vì, - lời người Mường - " đã có quan Châu và
các quan Lang che chở !" Y cho biết rằng quan Châu đã kịch liệt phản đối
việc xông xáo vào làng bắt thuốc phiện của bọn lính thương chánh, và yêu cầu
quan Tây mỗi khi đi bắt đâu phải báo cho quan Châu biết.
- Hai quan đã thấy chưa? Tây nó phải chịu nghe theo. Thế rồi
mỗi khi nó định đi bắt đâu thì quan Châu lại báo cho quan Lang biết, rồi quan
Lang báo ngay cho mình biết để mình giấu hàng đi. Vì thế mà sở thương chánh lập
ra ở Vụ Bản phải bãi đi vì chả có việc gì nữa. Bắt đâu ra thuốc phiện mà ở mãi
đấy, ăn tốn tiền lương của Tây phải không thầy?
Bốn người cùng cất tiếng cười thích chí. Rồi đến lượt Sáu ba
thuật chuyện buôn bán thuốc phiện của y thưở xưa, cái nghề mà y yêu mến nhất
trên đời.
- Thế sao lại ra lính?
- Ấy, vì thế này. Tây nó bắt quan Lang tuyển lính. Nhưng trên
tôi chả ai muốn đi lính cả. Quan Lang liền lập mưu, làm một bữa tiệc mời những
người danh vọng đến ăn. Thế rồi nó ép chúng tôi phải ra.
Chủ nhân sau một điếu thuốc phiện, nằm ngửa nhìn khói tỏa bồng
bồng trước mặt, vẻ nghĩ ngợi. Bỗng y ngồi nhỏm dậy hỏi:
- À ban nãy hai quan nói cái gì khói hương phụng thờ thế nhỉ?
Phụng thờ thần gì thế?
Khanh cười đáp:
- Ở Trung Châu, nghiện thuốc phiện người ta nói hoa mỹ là
:khói hương phụng thờ ả Phù dung. Phù dung là thuốc phiện... 1)
- Ừ! mà mình phụng thờ có thật, hai quan ạ. Nói đến khói
hương, tôi lại nhớ một lần đã khổ sở, mất ăn mất ngủ vì nó.
Và y thuật lại câu chuyện cho Linh và Khanh nghe:
Người Mường trọng sự thờ phụng tổ tiên. Và tuy mấy năm nay
giá dầu quá cao, người vợ chủ nhà này cũng cố mua được thứ dầu tốt, trong trẻo,
thơm tho về thấp đèn thờ. Chai dầu ấy nàng cất vào trong một rương khóa kỹ, sợ
chồng lấy dùng vào ngọn đèn thuốc phiện.
Sự lo ngại của nàng quả một hôm thành sự thật. Hôm ấy, nàng
đi chợ vắng, người chồng ở nhà đến cơn nghiện mà hết dầu. Hắn biết vợ có một
chai dầu còn gần đầy mà nàng cất trong rương. Nhưng rương khóa, biết làm thế nào?
Hắn cáu kỉnh toan lấy rìu phá rương ra để tìm chai dầu. Về sau vớì cái giây
thép hắn cũng mở được khóa.
Thế là bắt đầu từ hôm ấy, hắn dùng toàn dầu cúng tổ tiên vào
việc cúng ả Phù dung. Rồi hôm chai dầu gần cạn hắn đâm lo sợ nghĩ thầm:
"Con mụ mà nó biết thì khổ với nó ". Hắn liền nhờ người đàn bà hàng
xóm mua hộ một chai dầu cá với một giá rất rẻ, để thế vào chỗ dầu đã dùng vào
đèn thuốc phiện: " dầu gì thì cũng đến đốt có ngọn là được ! Can chi lại
đi dùng dầu ăn thuốc để mà thắp đèn, phí quá ! Đàn bà rõ lẩn thẩn quá !"
Nhưng hôm dùng đến dầu để cúng, người vợ mở nút chai, bỗng
chun mũi lại kêu:
- Sao mà dầu hôi thế này?
- Hôi à? Người chồng vờ hỏi. Sao lại hôi?
- Hôi quá. Ngửi xem đây này!
Người chồng ra ngửi thử cũng chun mũi lại như vợ.
- Hôi mà lại còn tanh nữa.
- Tại sao thế nhỉ ?
- Ai mà biết. Chắc mình mua phải thứ dầu xấu, nó lên men nên
nó ra thế.
- Để rồi phải mắng cho lão hàng dầu mới được. Nó lại cậy nó
là người Kinh nó đánh lừa dân Mường à. Để chai dầu đây, phiên chợ sau đem ra phố
bắt nó đổi.
Người chồng mỉm cười giàn xếp :
- Thôi, sinh chuyện với người Kinh làm gì? Với lại dầu nào mà
chả thắp được, quý hồ cháy thì thôi. Có ăn đâu mà cần thơm tho.
Người vợ chau mày, giận dỗi:
- Thế thì mất nhiều tiền mua dầu tốt làm gì. Việc thờ cúng mà
hôi tanh thế này, sao được.
Người chồng cố tìm lý để tránh cho vợ một cuộc đôi co bất
công với người Kinh.
- Dẫu sao cũng lỗi tại mình. Ai bảo mình nhầm. Người ta có thể
đổ cho mình đem về thay dầu khác vào để bắt đền người ta cơ mà.
Nói dứt câu ấy và nghĩ đến sự thực hắn cười vui vẻ đổ dầu ra
đĩa:
- Ở chai thì nó hôi, chứ rót ra đĩa cũng không đến nỗi mình ạ.
Đến đây, người Mường ngừng lại kéo hơi thuốc phiện, rồi hắn
nhớn nhác nói :
- Chính cái việc ấy đã làm cho tôi khốn khổ đấy.
Khanh ngơ ngác hỏi:
- Sao vậy? Bà ấy làm ông khổ, phải không?
- Không, đâu có thế. Nhưng mà cũng được vài lần thì các Ngài
không về nữa.
- Ai kia? Ai không về?
- Các Ngài. Tổ tiên ấy mà !
- Tổ tiên !Sao ông biết các Ngài không về?
- Sao lại không biết !
Hắn nhắc đi nhắc lại mãi một câu như còn đang ở dưới sức đe dọa
của Tổ tiên:
- Thế mới chết chứ! Các Ngài bỏ đi biệt, thế mới chết chứ. Các
Ngài không về nữa thế mới chết chứ !
Khanh và Linh cố giữ để khỏi bật cười, vì hai chàng cũng
không thể tưởng tượng được người Mường kia làm thế nào mà biết rằng các Ngài
không về. Muốn hỏi để biết nhưng lại sợ làm phật lòng con người tín ngưỡng.
- Thế rồi sau các Ngài có về không?
Khanh có giữ vẻ trang nghiêm hỏi lại một câu.
- Ôi giời ôi, tôi khổ sở mất một tháng, kêu cầu van lạy các
Ngài mới lại chịu về. Vợ tôi thì khóc lóc mãi.
- Thế bây giờ các Ngài đi về rồi, thì hẳn ông kệch đến già
không dám dùng mỡ hôi thắp đèn thờ nữa chứ?
- Vâng. Cái chỗ dầu hôi tôi đem vứt xuống suối cho chảy đi mất
tích. Nhưng một đêm nguy quá hai quan ạ, tôi lại bị con ma thuốc phiện xúi dục
làm càn. Các quan có tin rằng có ma thuốc phiện không? Đêm hôm ấy tôi hút mới
được hai điếu thì hết dầu. Mua dầu ư? Mua ở đâu. Chẳng lẽ đương đêm mò ra phố...
Mà khuya khoắt ai người ta bán cho ! Tôi đương mơ màng nằm nghĩ cách làm thế
nào để hút được cho đủ cơn nghiện, thì bỗng tôi chập chờn ngủ thiếp đi. Ấy
chính lúc bấy giờ con ma thuốc phiện nó hiện về đấy, hai quan ạ.
- Nó hiện về? Thế hình thù nó thế nào? Khanh hỏi.
Người nghiện mắt mở to như còn đương bị ma nạt. Và hắn kể tiếp:
- Nó cao lênh khênh, đầu nó to như cái dành mà hốc hác giơ
xương ra. Mắt nó sâu như hai cái hang, răng nó nhe ra. Nó giơ tay trỏ mãi vào
cái rương để xui tôi đến mở mà lấy dầu. Thấy tôi làm thình nó lay tôi dậy. Tôi
mở mắt ra thì nó đã biến mất. Ánh giăng chiếu xiên qua cửa sổ, gian nhà sáng rõ
và tôi đăm đăm nhìn cái rương kê làm bàn thờ tổ tiên. Đã hai ba lần tôi lần ra
ngắm nghía cái khóa rồi nghĩ đến các cụ tôi lại sợ hãi quay về chiếu nằm bên
khay đèn tắt lửa. Nhưng động chợp mắt thì con ma lại hiện lên. Lần này nó ghé hẳn
vào tai tôi nó thì thầm : " Mày sợ ông vải mày hơn sợ tao à? Mày mà để lửa
thờ tao tắt lụi, thì tao bóp cổ, tao vật chết tươi bây giờ ".
Chẳng đừng được tôi phải đánh liều đi lấy cái chìa khóa giây
thép mở rương lôi chai dầu ra, chiết vào phẩu đèn, đánh diêm thắp lửa. Ngọn đèn
lúc bấy giờ sao mà đẹp thế, cứ sáng tươi mà trong vắt lên thôi. Tôi cằm chai dầu
giơ lên xem. Còn những già một nửa. Và tôi vui vẻ nghỉ thầm: " Thế mà mình
cứ lo sợ vẩn vơ. Cứ dùng rồi mai kia ra phố mua bù vào, đã sao " Hút luôn
một lúc năm, sáu điếu tôi lại ngủ thiếp đi. Thì nó lại đến.
- Con Ma?
- Vâng con ma, nó lại đến. Lần này nó reo mừng nhảy múa. Rồi
con nữa, rồi con nữa, một lát sau đến gần một chục con ma hiện về nắm tay nhau
mà nhảy chung quanh cái bàn đèn mà hát những bài ca thuốc phiện và cười khanh
khách. Mãi gà gáy sáng chúng nó mới đi và tôi mới thức dậy.
Rồi tối sau cũng thế hai quan ạ, ma nó lại về nó xúi tôi lấy
dầu cúng để thắp đèn thuốc phiện. Tôi sợ hãi quá phải đánh thức vợ tôi dậy kể
cho nghe câu chuyện. Vợ tôi giận tôi phát khóc lên. Và sáng hôm sau đi phố sớm
mua chai dầu khác cất kỹ không cho tôi biết chỗ. Nó không biết cái ám ảnh ghê gớm
của con ma thuốc phiên nên nó chỉ sợ ông vải thôi. Nó bảo lần sau mà còn đem dầu
hôi rẻ tiền ra cúng các Ngài thì các Ngài đi hẳn đấy không về nữa đâu. Các Ngài
đã báo cho nó biết thế.
Sợ quá ! hai quan ạ ! Các quan tính ông vải thì còn thương
con cháu. Các Ngài giận thì các Ngài bảo thế thôi. Chứ con ma thuốc phiện thì
nó thương gì mình phải không, hai quan? Không vâng theo mệnh lệnh của nó thì nó
bóp chết thật đấy, hai quan ạ. Ở dây chán người làm trái ý nó, nó đưa đường cho
lính đoan bắt giam, chết khô ở trong nhà pha vì không có thuốc hút cơ đấy.
Rồi hắn ta nhắc đi nhắc lại mãi một câu:
- Gớm thật con ma thuốc phiện !
Trong khi hắn kể câu chuyện thuốc phiện cho Linh và Khanh
nghe thì Sáu-ba nằm ngủ kéo một giấc ngon lành. Mãi lúc con gái hắn bưng mâm
lên hắn mới lay dậy. Khanh mỉm cười hỏi :
- Thế nào Sáu ba có thấy con ma thuốc phiện hiện về không?
Hình như Sáu ba đã nhiều lần được nghe câu chuyện vừa kể nên
y mỉm cười hỏi chủ nhân:
- Lại chuyện con ma thuốc phiện và chai dầu hôi, phải không?
- Vâng, nó ghê gớm lắm đấy, cái con ma thuốc phiện, trêu vào
nó thì cứ là chết !
Buổi chiều khi mặt trời đã khuất núi, ba người gánh ba gánh cỏ
nhẹ thênh thang trở về trại giam, Khanh hỏi Sáu ba:
- Này ông Sáu ba, làm thế nào mà cái ông chủ nhà ấy biết rằng
các Ngài không về?
Sáu ba ngơ ngác hỏi lại:
- Các Ngài nào thế?
- Tổ tiên ấy mà! Ông vải ấy mà!
- À ! lại chuyện chai dầu hôi. Biết chứ! Xin âm dương thì biết
các Ngài về hay không về chứ!
- À ra thế.
Khanh và Linh cùng cất tiếng cười vui thú.
- Thế mà mình nghĩ mãi không ra.
Từ đó thỉnh thoảng Linh và Khanh lại xin đi cắt cỏ để ăn cháo
gà và nghe những câu chuyện thật thà của người bạn Mường trong làng Nghĩa.
Chú thích:
1. |
Những chỗ có ghi dấu chấm chấm là do bản thảo bị mối xông mất
một dòng. Truyện này mấy năm trước, tôi đã có cho in đầy đủ trong một tờ báo
mà chưa tìm lại được. (Chú thích của Nguyễn Thạch Kiên) |
Những ngày cuối cùng của nhà văn Khái Hưng
Cuối năm 1946 tại Hà Nội... Mùa đông đã tới trên đất Bắc mang theo gió bấc lạnh buốt thấu xương. Lúc đó, tình hình căng thẳng giữa Việt Minh và Pháp đã chín mùi và chiến trang Việt - Pháp bùng nổ vào buổi tối ngày 19- 12.
Chúng tôi đã tản cư khỏi Hà Nội từ hai tuần trước và trở về quê ở gần làng Cố Lễ (huyện Nam Trực, Nam Định), mặc dầu biết rằng vẫn bị trinh sát theo rõi từng bước. Ngay khi bộ đội đột kích quân đội Pháp ở Thủ đô, thì tại Nam Định. lực lượng của thực dân cũng bị bao vây và đồng thời Tổng bộ Việt Minh hạ lệnh " quét " hết các chiến sĩ Quốc Gia. Bởi vậy ngay tối hôm sau (20-12), chúng tôi ba người đều bị công an đang đêm xông vào nhà từng người bị bắt trói giam tại quận lỵ. Nhưng số phận chúng tôi còn " hên " : chín ngày sau, đúng lúc chúng tôi bị trói thành " xâu " và sửa soạn dẫn đi " trôi sông " thì một công điện của Trung Ương tới chỉ thị cho Công an không được bắn chết bừa bãi, phải lập hồ sơ tội trạng để đưa chúng tôi ra tòa án. Thế là ngay đêm ấy, chúng tôi bị áp giải lên trại giam của Công an tỉnh đặt tại chiến khu Lạc Quần (huyện Xuân Trường - Nam Định ). Lúc đó đã sang tháng chạp âm lịch. Thiên hạ bắt đầu sửa soạn Tết. Chợ Lạc Quần trở nên tấp nập hơn những ngày thường và đã điểm mầu chợ Tết, với bánh, mứt, cam, bưởi, tỏa mùi thơm tới trại giam chúng tôi cách chợ chừng 200 thước.
Ở đây toàn thể đều là chính trị phạm. Từ các huyện dồn về, số anh em càng ngày càng tăng... nhưng cũng chưa đến nỗi phải chen chúc nghẹt thở ; sàn gỗ chiếu manh và cơm nắm muối vừng vẫn còn đủ chia nhau. Bị kiểm soát và theo rõi liên tục chúng tôi chẳng ai dám nói gì về chính trị và kính tế. Trái lại nhân cảnh chợ Tếtgnầ bên, chúng tôi đưa ra những đề tài "Tết" đã có chuyện mà nói với nhau... và cũng rục rịch để trong ít ngày nữa cùng nhau ăn một cái Tết thuần túy "tinh thần", vì dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải tiếp tục sống trên sàn gỗ chiếu manh và ăn cơm nắm muối vừng trong ba ngày Nguyên Đán...
Ngày hôm sau khi ba chúng tôi - Lụy, Thành, Văn - bị di chuyển về trại Lạc Quần, và trong khi anh em chính trị phạm đang bàn tán về chuyện Tết... thì một buổi chiều mọi người được tin lát nữa sẽ có hai ông bạn mới, hình như do Công an quận Trực Ninh bắt rồi cũng đưa lên giam giữ lại đây như trường hợp chúng tôi. Hai người hiện còn ở ngoài văn phòng chi trưởng Công an (tên Thịnh, con ông Hoàn Thành, tiệm mũ có tiếng ở Nam Thành).
Tới 5 giờ chiều (giờ cũ), chúng tôi tập họp ăn cơm. Vừa ngồi xệp xuống đất và bẻ đôi nắm cơm thì một công an viên dẫn hai người vào cho nhập bọn với chúng tôi. Một người chừng trên bốn chục tuổi có vẻ hào hoa phong nhã nhưng hơi gầy yếu. Âu phục chỉnh tề: Complet và cà vạt, mũ " phớt ", ngoài khoát pardessus de ville, tay xách một cặp da cũ đựng quần áo và đồ dùng vặt.
Người thứ hai trẻ hơn cũng mặc âu phục nhưng đơn giản : quần đen, sơ mi và áo len nâu dài tay với một bọc vải gói ghém áo quần và vật dụng.
Trong gian phòng ẩm thấp và thiếu ánh sáng tất cả chúng tôi cùng đứng lên hân hoan đón hai bạn mới. Bỗng anh Văn trố mắt nhìn kỹ hai người rồi thốt lên:
- Tưởng ai xa lạ... hóa ra anh em nhà cả!
Rồi anh ghé tai Lụy nói thầm :
- Anh Khái Hưng đấy ! chắc anh đã đọc những tác phẩm của anh rồi. Còn anh giáo Dưỡng vẫn thường đi lại hoạt động với chúng ta... ". Lụy gật đầu mỉm cười. Bộ ba chúng tôi tới bắt tay anh rồi cùng ngồi ăn ngấu nghiến cho xong bữa. Chiều hôm ấy may mắn có thêm chút rau muống sống do anh Văn hái trộm trong thửa ruộng sau nhà. Chúng tôi gọi nhựng món ngoài lề như vậy là những món "siêu vô sản ".
Sau bữa ăn, chúng tôi ra bờ sông (cũng thuộc phạm vi trại giam) rửa bát đủa chân tay rồi về quây quần xung quanh một ngọn đèn dầu hỏa tù mù. Anh Văn với tư cách là người đã quen biết anh Khái Hưng từ lâu 1. ngồi ở bên anh. Cuộc họp bắt đầu ngay bằng câu chuyện của anh K.H. Về trường hợp anh bị bắt:
"Tôi tản cư ở Hà Nội về Nam Định, ít lâu trước ngày Tác Chiến, qua tỉnh lỵ, mặt trận Liên Việt cấp chứng minh thư cho tôi về quê tạm trú tức là quê vợ tôi tại làng Lịch Diệp, quân Trực Ninh 2. Trước ngày Tác Chiến, họ không đá động gì đến tôi cả, tôi vẫn được tự do đi lại. Buổi chiều gần tối tôi thường đi chơi ở ngoài làng, đi hóng gió và ngắm cảnh đồng ruộng. Có khi đứng nói chuyện với dân quân du kích tới khuya trong điếm gác... Thế rồi xảy ra Tác chiến ở Hà nội. Ngày hôm sau tôi bị gọi ra Ủy Ban Xã, giấy tờ bị thu hết rồi họ bắt tôi đưa lên Công An huyện. Tôi bị giam giữ ở đó cho tới trưa nay cùng với anh Dưõng và nhiều người khác rồi họ đưa hai chúng tôi về đầy ở cùng với các anh. Dĩ nhiên họ coi tôi là một người nguy hiểm...Lệnh từ trung ương xuống, cấp dưới chỉ biết thi hành.
"Tuy rất nhiều người có cảm tình với tôi, nhưng họ không dám đi ngược lại chỉ thị cấp trên. Dù sao tôi cũng chưa bị đánh đập tra khảo gì cả ".
Nói tới đó, bỗng anh ngước mắt nhìn chằm chặp vào mặt Thành:
- Hình như trước tôi đã gặp anh nhiều lần, không nhớ ở đâu?
- Thầy quên rồi à!. Mấy năm trước tôi học trường Thăng Long... thầy dạy Việt văn mà! 3
Do đấy chúng tôi mới biết K.H. là thầy cũ của Thành.
Nhưng anh nói chặn ngay:
- Thôi chú cứ gọi tôi bằng "anh". Bây giờ chúng mình đều là anh em cả ! Lúc đó. Nhóm chúng tôi lại được thêm một người nhập bọn: anh Xuân Bách, bạn thân của anh Lụy, vừa ở tóp khác nhảy sang góp chuyện. 4.
Mấy phút sau, ba tiếng cồng báo hiệu đã tới giờ ngủ. Đội nhân viên "trực" tới dồn chúng tôi sang ngôi nhà hai tầng dùng làm phòng ngủ phạm nhân. Cùng với nhiều anh em khác. Nhóm chúng tôi ngủ trên gác - một sàn gỗ không giường màn không chăn gối, ngoài đống chiếu tạm đủ cho mỗi người vừa trải vừa đắp. Nhưng may mắn là ở đây rất ít muỗi. Hơn nữa, căn phòng họp và kín đủ giữ hơi thở của chúng tôi lại để sưởi ấm lẫn nhau đỡ lạnh được phần nào.
Đêm ấy, vì anh giáo Dưỡng không mang chăn theo, nên phải đắp chung với một bạn khác sẵn có một tấm chăn len khá rộng. Còn anh K.H.dùng áo choàng thay chăn, khăn len bọc cổ và gối đầu trên cặp da phủ khăn bông.
Hồi ấy Lạc Quần là một chiến khu quan trọng của miền Nam Trung Châu Bắc Việt (thuộc Liên khu 3). Trại lính "khố xanh" cũ lúc đó đã biến thành Bộ Tư lệnh của đại tá Việt Minh Hà Kế Tấn. Công an tỉnh Nam Định đặt trại giam gần sát đó để có thể nhờ bộ đội can thiệp tức khắc nếu xảy ra những trường hợp bất ngờ (các chính trị phạm nổi loạn hoặc các nhóm quốc gia đánh úp để giải phóng đảng viên). Anh em chúng tôi thuộc nhiều đoàn thể khác nhau : Việt Quốc, Việt Cách, Duy Tân, Dân Tộc, Công giáo... không thiếu một đảng phái chống Cộng nào. Đến trung tuần tháng chạp âm lịch, tổng số lên tới gần 50 người.
Đời sống tại đây tương đối dễ chịu vì lúc đó Việt Minh còn bận tổ chức kháng chiến chống Pháp, chưa nghĩ tới việc hành hạ chúng tôi. Ngoài điểm ăn ngủ kham khổ, chúng tôi không hề bị gông cùm xiềng xích và cũng không phải làm việc gì cực nhọc, chỉ có một lần chúng tôi được đi vác gạch cho bộ đội xây đồn, riêng vì anh K.H yếu đuối nên bị chúng loại ra. Tuy nhiên không phải không có những cuộc tra tấn.
Đêm nào cũng có vài ba người bị gọi lên phòng đồn trưởng để hỏi cung đúng vào lúc ba tiếng cồng "ngủ" dóng lên. Đánh đập, kìm kẹp, quay điện, tra tấn đủ kiểu cho tới khuya mới thả cho về.
Và mỗi buổi sáng chúng tôi lại thay phiên đấm bóp và săn sóc những nạn nhân đêm trước.
Bởi vậy, ngay buổi sáng ngày thứ nhì, anh K.H. đã nhìn thấy rõ " nếp sống và thủ tục " trại giam. Và cũng từ buổi đó, chẳng bao giờ chúng tôi được nghe anh nói một mảy may gì liên quan tới chánh trị hay là tình thế. Mặc dầu trông đợi phiên mình, nhưng trong suốt thời gian(vào khoảng (15 - 20 ngày) chung sống với chúng tôi, anh chẳng hề bị gọi lên " chịu trận " một lần nào cả. Trái lại, có một số công an viên kể cả đồn trưởng Thịnh tỏ ra rất hâm mộ và kính nể anh. Có lẽ không gì khổ tâm hơn cho một nhà văn khi phải sống trong cảnh hoàn toàn không giất bút và không sách vở. Lúc ra đi, bọn Công an không cho anh mang theo một chút gì để đọc và viết ; Tới đây anh đành bó tay, và luôn ngỏ ý thèm đọc, bất cứ sách gì. Một hôm, có một công an viên - anh Thân - vì cảm mến K.H. đã mang tặng anh một tập giấy trắng với một cây bút chì trong lúc chúng tôi đang ngồi quay lại để anh xem tướng cho từng người. Anh K.H.xem tướng rất giỏi - cả tướng tay lẫn tướng mặt. Coi tay anh Lụy, anh bảo là người dễ tính và rộng rãi - anh Thành sẽ vất vả một đời vì bộ tóc rễ tre - anh Văn khó lòng sống tới 50 tuổi... Đến nay tôi thấy những lời anh tiên đoán về số mệnh đều rất đúng.
Từ lúc có giấy bút, chiều nào Khái Hưng cũng ra bờ sông ngồi viết nhật ký, Công an viên Thân thường lui tới để nhờ anh sửa văn. Và bọn anh em chúng tôi cũng bắt đầu gác bỏ đề tài Tết để nhảy sang địa hạt văn nghệ.
Từ bữa đó, anh K.H. đã nói khá nhiều với chúng tôi về các vấn đề văn chương, thi ca, tiểu thuyết vì đây là sở trưởng của anh. Lâu ngày quá rồi anh, chúng tôi không còn nhớ được nhiều. Riêng anh Lụy còn nhớ được một điểm khi hỏi anh về vai trò của VỌI trong cuốn TRỐNG MÁI. Khái Hưng nói:
"Trong tác phẩm này, phong cảnh Sầm Sơn là chính, còn vai trò của VỌI chỉ là phụ, tức là để tả người Sầm Sơn và cảnh Sầm Sơn".
Lúc nào Khái Hưng cũng tỏ ra bình thản và vui tính. Ngoài những cuộc đàm luận văn chương anh còn thích đánh cờ và rất ham nói chuyện và trong bất cứ chuyện gì anh cũng cài xen vào những câu khôi hài rất dí dỏm và đầy lý thú.
Buổi tối, sau bữa ăn, anh thường kể chuyện cho chúng tôi nghe. Tài kể chuyện của anh ít người sánh kịp; dù chỉ là những mẫu việc rất thường anh cũng có thể biến thành một câu chuyện đầy hứng thú, vì óc sáng tạo tuyệt diệu và giọng nói quyến rũ của anh.
Tối nào anh cũng kể cho nghe một chuyện, hoặc Liêu Trai hoặc những kỷ niệm làm báo, viết văn và ở tù. Mẩu chuyện của anh mà cả hai chúng tôi nói mãi tới nay là chuyện anh tập hút thuốc lào trên trại giam Vụ Bản (Hoà Bình) : Tuy không biết hút nhưng tôi đã gắng tập hút để có thể nhập bọn và gây tình thân thiết với các chú lính Mường. Sau đó, đêm nào tôi cũng tụ họp với họ chung quanh một chiếc điếu cầy "gộc" luân phiên liên hồi hút thuốc lào và kể chuyện. Tôi đã được nghe nhiều chuyện đường rừng rất ly kỳ, tôi cũng kể nhiều chuyện lịch sử và thần tiên. Chỉ một tuần sau tất cả đám lính Mường canh giữ trại đều trở nên "ghiền" nghe chuyện, mỗi khi hơi rảnh rỗi là họ tìm tới và đòi kể chuyện như đòi nợ ".
Ngoài ra, anh K.H. còn là một người rất giàu tình cảm. Mỗi lần nói chuyện hoặc kể chuyện, không bao giờ anh quên nhắc tới một vài bạn cũ - và gặp ai anh cũng tùy trường hợp hỏi thăm tin tức về những người anh đã từng quen biết. Trong thời gian bị giam với chúng tôi, một hôm có cậu con nuôi tới thăm anh 5. Và đêm hôm đó anh lại có dịp kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về tình bạn giữa anh và văn sĩ Nhất Linh... nhưng không hề đá động gì tới cuộc đời chính trị và cách mạng của hai người.
Rồi một buổi chiều. Hôm đó đã quá rằm - có lẽ 16, 17, 18, tháng chạp âm lịch, một ngày cận Tết - vào khoảng 4/5 giờ trong khi chúng tôi sắp ăn cơm tối, tên Thoại (công an xung phong) tới báo cho Khái Hưng biết rằng có lệnh mời anh lên "Trung ương" vì cấp Tỉnh không có quyền thẩm vấn và tra xét xử anh - Hắn dục anh thu xếp đồ đạc để cũng đi ngay với hắn - đi lúc chiều tối để tránh máy bay địch.
Mười phút sau, anh đã sẳn sàng trong bộ Âu phục với áo choàng, mũ 'phớt' và chiếc cặp da cũ trong tay như khi anh mới bước chân tới trại Lạc Quần- Bùi ngùi cảm động..anh đi bắt tay từ biệt từng anh em phạm nhân... Anh Văn rơi lệ. Mọi người buồn xỉu...
- "Chào anh em ở lại!"
Đó là lời cuối cùng của Khái Hưng. Câu đó tới hôm nay vẫn còn in sâu trong tâm khảm hai chúng tôi. Dù anh không nói thêm lời nào nữa, nhưng chúng tôi đều nhìn thấy trên vẻ mặt anh một nỗi ưu tư vô hạn... Có lẽ vì cảm thấy rằng chuyến đi này sẽ kết liễu đời anh...
Từ hôm đó, nhóm chúng tôi - Văn, Lụy, Thành, Xuân - chẳng ai buồn để ý đến cái Tết sắp tới, mà chỉ suốt ngày nhắc tới kẻ ra đi không có ngày về...
MAI CHI
(XUÂN 1964)
Chú thích:
1. |
Anh Lưu ngọc Văn là tác giả hai tập sách hát trẻ em do nhà
Đời Nay xuất bản trong loại "Sách Hồng" vào khoảng 1940 - 41 |
2. |
Bà Khái Hưng là con của cụ Thượng Đính ở làng Lịch Diệp |
Một trường Trung Học (tư thục) nằm ở góc chợ Hàng Da, Hà Nội.
trường này nổi tiếng tại Bắc Việt hồi tiền chiến; đa số giáo sư là các nhà
cách mạng |
|
Chính tên là Vũ mạnh Xuân; hiện là Đại úy thuộc ngành vận tải
ở Nha Trang |
|
Anh Nguyễn Tường Triệu, con đẻ của nhà văn Nguyễn Tường Tam
được trao cho làm con nuôi anh Khái Hưng vì tình bạn cố giao giữa hai nhà văn. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét