Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Trống Mái 2

Trống Mái 2

Chương 12

Hiền nằm trên võng mơ màng. Dưới cái vòm màu xanh chen tím, đôi bướm nhỏ cánh lam trong biếc nhịp nhàng bay lượn rất mau chung quanh những cành nna nặng trĩu quả sắc xanh um. Chung quanh, những chùm hoa khế rung rinh lấp lánh trong tia ánh nắng chiếu qua kẽ lá.
Hai con bướm đuổi nhau, gặp nhau rồi lại xa nhau... Lúc hiện ra, lúc biến đi, lúc một con vơ vẩn bay tìm bạn... Hai điểm hoạt động trong một cảnh hầu như hoàn toàn yên lặng, như thu lấy hết cẳ tâm trí của Hiền.
Giữa lúc ấy có tiến Vọi ở cổng. Hiền chạy ra vui vẻ vẫy chàng vào sân và thì thầm dặn chàng nói khẽ để bà Hậu, mẹ nàng ngủ.
- Cô chưa chuẩn bị đi tắm mảng?
- Mới ba giờ, còn nắng lắm, đi sao được!
Thì ra quen làm việc bất cứ vào giờ nào về mùa nào, Vọi không mấy khi tưởng đến rét nên đã đem mảng đến, chờ Hiền từ hai giờ trưa. Hiền trỏ chõng bảo Vọi ngồi rồi đi thay áo tắm. Một lát sau nàng trở ra, khoác trùm cái áo bông dài. Thấy Vọi đang nhìn theo đôi bướm, nàng nói:
- Ở Hà Nội tôi chưa từng thấy có giống bướm đẹp như thế, màu cánh xanh lam như thế.
Vọi yên lặng ngẫm nghĩ, Hiền lại nói tiếp:
- Rõ chúng nó ngốc quá nhỉ? Đuổi bắt nhau hai ba giờ rồi đấy!
Vọi thật thà đáp:
- Thưa cô, đó là một con đực và một con cái.
Hiền cười:
- Đã cố nhiên.
Rồi nàng táo bạo nhìn Vọi khiến chàng xấu hổ chết đi được! Vọi đứng dậy nói lảng:
- Thưa cô, đi thôi chứ!
- Còn sớm đi gì vội? Hãy ngồi chơi đã! Tôi có ăn thit đâu mà anh sợ!
Vọi lại bẽn lẽn ngồi xuống chõng, đăm đăm nhìn ra hàng giậu trồng toàn cây hoa tai lấm tấm đầy bông đủ màu rực rỡ dưới ánh mặt trời chói lọi. Bỗng Hiền khẽ vỗ vai chàng rồi giơ tay trỏ vào bốn cây da hổ thì thầm:
- Kìa anh coi! Con thằn lằn đẹp quá!
Vọi ngơ ngác:
- Cô nói cái gì?
- Con thằn lằn kia kìa.
Vọi trố mắt nhìn rồi cười bảo Hiền:
- À, con mồn mồn.
Hiền cũng cười:
- Anh gọi nó là con mồn mồn?
- Chính nó là con mồn mồn.
- Ừ, cái tên hay nhỉ! Ở Hà Nội thì nó là con thằn lằn. Nhưng giốn thằn lằn này đẹp hơn nhiều.
Quả thật, con thằn lằn rất đẹp, vừa to, vừa cao, vừa óng ánh nhiều sắc. Trông nó như con tắc kè, nhưng da tắc kè xù xì và xám xịt như da cóc, còn loài thằn lằn ở Sầm Sơn da lưng màu nâu tía điểm những chấm xanh, chấm đỏ. Khi nó chống hai chân trước đứng rình mồi, cái đuôi và hai chân sau rất thấp ẩn trong cỏ rậm thì trông nó giống như một con chim sẻ với đôi cánh nâu cà cái bụng trắng. Nhất là lúc nhảy lon ton đuổi bắt bướm, nó lại càng giống hệt lắm.
Hiền rón rén lại gần con vât xinh xắn thì một con nữa nhỏ hơn màu nâu nhạt hơn chẳng biết từ đâu hiện ra lướt theo con kia. Hiền đứng nấp sau thân cây long não quay lại vẫy Vọi. Nhưng Voi bước mặnh quá khiến hai con vật thấy động chạy vụt chui vào lỗ. Vọi cười hỏi:
- Lần đầu cô trông thấy mồn mồn hay sao?
Hiền như không để ý đến câu nói của Vọi mà hỏi lại:
- Con nhỏ là con cái phải không?
- Vâng, chính thế! Con cái bao giờ cũng nhỏ, cũng xấu hơn con đực.
Hiền nhìn Vọi:
- Ở Sầm Sơn, giống đực gì cũng đẹp hơn giống cái, kể cả giống người nữa. Con trrai đẹp quá, mà con gái thì coi ít ai ra hồn phải không anh Vọi?
Vọi không đáp, đi thẳng ra cổng. Hiền cũng theo ra...
Chương 13
Quả thật còn sớm quá! Khi hai người tới biển chưa một ai ra tắm. Bãi cát vắng ngắt nằm dài dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè.
Vọi kéo mảng xuống biển rồi mời Hiền bước lên. Chàng đi dưới nước, ấn mẳng ngược lên phía mỏm đá. Mỗi lần bị sóng đánh, nước lại bắn tung tóe lên mặt Vọi, Hiền thương hại bảo:
- Ướt hết cả áo anh rồi!
Vọi cười:
- Thưa cô, càng mát.
Hiền ngắm Vọi nghĩ thầm:
- “Thân thể kia mà mặc may- ô thì đẹp biết bao!”.
Nhìn Vọi, nàng ân cần hỏi:
- Anh không đội nón thế có nóng không? Hay tôi cho anh mượn cái nón của tôi? Để tôi trùm áo tắm lên đầu cũng được.
Vọi từ chối, nói rằng chịu nắng đã quen không sao. Bỗng chàng đăm đăm ngẫm nghĩ, bảo Hiền:
- Cô muốn ra xa không?
Hiền vui mừng đáp:
- Còn nói gì nữa!
- Vậy để tôi đi lấy buồm nhé!
- Lấy ở đâu?
Vọi vừa chạy vừa quay lại đáp:
- Ở trong lều của cậu tôi.
Một lát sau, Vọi vác đến một cánh buồm nâu cuộn lại và một cây tre. Không thấy Hiền đâu, chàng nhớn nhác nhìn quanh, trong bụng lo lắng. Cái đầu đội mũ cao su nhô lên làn sóng và loang loáng phản chiếu ánh mặt trời khiến Vọi biết rằng Hiền đang bơi. Bấy giờ chàng mới có dịp để ý đến cái nón của Hiền mà bên trong đựng chiếc áo khoác bông. Chàng liền mang các thứ xuống mảng rồi chở ra xa để đón.
Hiền leo lên mảng, lấy áo khoác choàng vào mình, vừa cười vừa thở rồi bảo Vọi chèo mạnh ra khơi.
- Cô có biết chèo không?
Hiền đáp:
- Tôi chưa chèo mảng bao giờ.
- Vậy cô giữ vững lái cho mũi quay ra phía ngoài để tôi dựng cột buồm nhé?
Khi cánh buồm đã giương, mảng lưới như bay là là trên mặt biển. Tiếng sóng vỗ vào những cây bương kêu lép bép. Bọt sóng trắng phau văng vào đằng mũi bắn vọt lên.
Mảng chạy rất mau, để một vạch dài phía sau lái như luống rãnh cày trong ruộng nước. Hiền đang tự phụ rằng mình cũng có chút công ngồi giữ lái thì Vọi bảo nàng:
- Cô cứ việc ngồi chơi. Tôi vừa lái bằng buồm, vừa lái bằng chèo tiện hơn.
Hiền nhận ra rằng khi mái chèo đã ở trong tay Vọi thì mảng đi trái và ngược được chiều gió. Thấy nàng đứng dậy, Vọi kêu lớn:
- Cô ngồi xuống kẻo ngã!
Hiền ngoan ngoãn làm theo vì nàng ngắm Vọi có vẻ hùng tráng, oai phong lẫm liệt như một ông tướng trên một chiến hạm đang truy sát địch quân, mà nàng là một tên thủy quân tầm thường, chỉ biết vâng lời.
- Thưa cô, đi nữa không?
Hiền trỏ tay về phía trước mặt:
- Ra tới cù lao kia có được không?
- Ra sao được? Trông thế mà còn xa lắm đó! Từ đây đến núi Mê...
Hiền ngắt lời:
- Núi ấy là núi Mê?
- Vâng, núi Mê. Từ đây ra đó bằng từ đây ra tới Hà Nội kia!
Hiền mỉm cười vì nàng nghe anh đánh cá nói vu vơ, chẳng biết Hà Nội ở về phía nào và cách Sầm Sơn bao nhiêu dặm đường.
- Vậy đỗ lại đây có được không?
- Thưa cô được chứ! Cô muốn đỗ lại đây?
Chàng liền hạn buồm và bỏ neo. Tức thì cái mảng liền đứng im. Hiền toan nhảy xuống nước nhưng lại tỏ vẻ sợ hãi nên hỏi Vọi:
- Ở đây có cá nhám không?
- Không. Cô hỏi làm gì vậy?
- Sợ nó ăn thịt.
Vọi cười phá lên:
- Không, cá nhám không ăn thịt người! Người ăn thịt nó thì có. Loài cá ăn thịt người to hơn, mà chúng tôi gọi là cá quịt, cá mập hay cá nhà táng.
- Vậy biển Sầm Sơn có cá quịt không?
- Không! Không bao giờ có. Nó ở tít mãi đằng xa kia.
Nhưng Hiền vẫn lo sợ, bơi ra một quãng gần rồi lại trở về mảng ngay. Vọi khen:
- Cô bơi giỏi nhỉ!
- Anh có biết bơi không?
Vọi cười:
- Rõ cô hỏi! Con nhà chài lưới lại không biết bơi?
- Vậy sao anh không bơi với tôi?
Vọi bẽn lẽn đáp:
- Thôi, mời cô tắm.
Mọi khi ra khơi mà cần phải bơi lặn để gỡ lưới thì bao giờ Vọi cũng chỉ đóng sơ sài có một cái khố nâu nếu không cởi truồng. Chàng hiểu lờ mờ rằng ở trước mặt một cô thiếu nữ, chàng không được phép khiếm lễ như thế.
- Anh không tắm? Thật đáng tiếc cho anh! Ở đây sóng yên, bơi thú lắm... Nhưng về thôi! Tôi vẫn nơm nớp sợ cá quịt của anh ăn thịt.
Thức thì hai người xúm nhau kéo neo lên. Rồi Vọi giuơng buồm cho mảng chạy vào bờ. Hiền ngồi ngắm phố Sầm Sơn ẩn lộ trong rừng phi lao trỏ tay bảo Vọi:
- Kìa anh trông! Lũ người tắm biển như đàn kiến lí nhí bò trên bãi cát.
Trong khoảnh khắc, mảng đã vào tới bờ. Vọi hỏi:
- Cô về Sầm Sơn?
- Không, tôi đến khe Thờ.
- Nhưng ở khe Thờ nước trùm kín cả bãi cát rồi! Ở đó chỉ tắm buổi sáng được thôi.
- Vậy đến bãi Sơn.
Chương 14
Khi Vọi theo Hiền rời mảng bước lên bờ thì mặt trời đã ẩn trong làn mây tím sẫm rải ngang trên núi Đường Trèo, sau rặng núi phi lao. Ánh bụi vàng lướt qua cành lá thưa như những tia nhọn xiên tua tủa và chênh chếch xuống bãi cát màu nâu sạm.
Lúc đó là giờ anh em phườngg bạn đi mảng ra khơi thả lưới. Những cánh buồm phất phới gần xa như bươm bướm là là bay lượn từngg đàn trê mặt nước. Vọi chợt nhớ đến công việc của mình liền bảo Hiền:
- Cô lên mảng tôi đưa về để tôi còn đi nghề.
Hiền quay lại mỉm cười đáp:
- Không, hôm nay anh nghỉ đi nghề.
Vọi xua tay kêu lên:
- Thưa cô, không được đâu! Không đi nghề thì lấy gì nuôi mẹ, nuôi em?
Giọng ngăây thơ và câu nói văn vẻ như lời ca dao làm Hiền không nhịn được cười. Nàng hỏi:
- Mỗi lần đi nghề anh kiếm được bao nhiêu?
- Thưa cô, cũng tùy! Có khi hai, bao hào; cũng có khi một hai đồng không biết chừng.
- Vậy tôi trả công cho anh một đồng.
Vọi ngớ ngẩn:
- Thưa cô, công gì cơ? Tiền thuê mảng thì mọi hôm cô vẫn trả hai hào! Như thế đã nhiều rồi!
- Nghĩa là tôi trả anh một đồng để anh coi như đi đánh cá và kiếm được số tiền ấy.
Vọi chau mày ngẫm nghĩ, lững thững theo cô thiếu nữ. Qua bãi cát, hai người đi vào một khu ruộng nhỏ rộng độ vài mẫu... Mạ mọc thưa, úa vàng, gầy yếu vì bị cát khô và nước mặn làm cho không tươi tốt lên được.
Ở một góc ruộng, ngay chân núi Đường Trèo, nhà Vọi, một nếp nhà tre rợp lá gồi, ba gian hai chái, và một cái nhà ngang vừa thấp lụp sụp, vừa trống trải không cửa, không phên che đứng rụt rè bên cạnh mấy cây xoan khẳng kheo và những khóm chuối lá to bản màu xanh vàng. Chung quanh nhà và vườn, một cái giậu nứa đan thưa xiêu vẹo ngả nghiêng với sức nặng của dây bìm bìm đầy hoa tím.
Vừa đến cổng, Hiền kinh hãi lùi lại vì một con chó trắng đang nằm trên nền nhà chạy xô ra sủa. Vọi lên tiếng, tức thì con vật lại gần chủ phe phẩy đuôi.
- Không sợ, cô cứ đi.
Trên một cái sào dài bắt đầu từ cổng đến nhà ngang treo rũ những sợi lưới trông như hệt một cái màn thưa Nhật- Bản che cửa sổ hay cửa buồng, Vọi lấy tay gạt lưới ra một bên để Hiền qua cổng.
Trong sân, dưới cái giá gác buồm để ngổn ngang nào mỏ neo, nào dây thừng, nào tre nứa dùng làm nẹ và lạt buộc mảng.
Bên cạnh giá, có hai người phụ- nữ đang ngồi thái khoai bằng một cái bào lớn. Thấy có khách lạ vào nhà, họ ngừng tay trông ra cổng. Vọi bước tới gần, lên tiếng:
- Mẹ ạ, cô Hiền đấy!
Vòi vui mừng đúng dậy chắp tay chào:
- Lạy cô ạ.
Còn người mẹ thì chạy đi lấy chiếu mới trải lên giường mời Hiền ngồi.
- Được, đẻ mặc tôi. Bà cứ tự nhiên làm việc.
Trỏ vào Vòi, Hiền hỏi Vọi:
- Cô này là em anh?
Bà Bật, mẹ Vọi nhanh nhẩu đỡ lời:
- Thưa cô vâng, cháu Vòi đấy. Hôm nọ nhờ ơn cô cho mấy viên thuốc, nó uống khỏi bệnh liền. Tôi vẫn định cho cháu đến tạ ơn cô mà cháu nó khó bảo quá! Nay cô lại đến chơi...
Hiền nghĩ thầm:
- “Chắc anh Vọi nói chuyện mình với mẹ và em nhiều lắm nên bà cụ vừa nghe tên mình đã hiểu ngay.”.
Quả thật Hiền đã đoán đúng. Bà Bật nói liên tiếp không để cho Hiền có cơ hội lên tiếng.
- Cháu Vọi vẫn khen cô tốt bụng tử tế chứ không như các cô khác khinh rẻ bọn đi nghề nghèo nàn. Thật là quý hóa quá! Thế nào rồi Trời Phật cũng phù hộ cho cô sau này lấy được chồng quan sang, giàu có, con cái đầy dàn.
Hiền phá lên cười, còn Vọi thì chau mày và bẽn lẽn nhìn mẹ như ngụ ý bảo im đi. Nhưng bà Bật chỉ để ý đến lời nói của mình mà thôi.
- Thuốc của cô hay quá nhỉ! Nếu cô có mang theo thì xin cô cho dăm viên nữa mà để dành.
Vọi cười bảo mẹ:
- Cô Hiền mới đi tắm về, mang thuốc thì đựng vào đâu!
Lúc bấy giờ bà Bật mới để ý ngắm kỹ Hiền:
- Ồ, cái áo bông của cô đẹp quá. Cô mua bao nhiêu tiền thế?
Hiền đáp:
- Tôi cũng không nhớ rõ lắm, nhưng độ hơn chục thôi.
Cặp mắt bà Bật trợn lên, miệng thì há hốc:
- Trời ơi! Hơn chục bạc! Thế còn bộ áo tắm bao nhiêu nữa?
- Bảy đồng.
- Thế thì tất cả dễn thường đến hơn hai chục! Hơn hai chục, cái vốn đi nghề đấy.
Trong bụng bà Bật tấm tắc khen:
- “Giàu! Giàu thật! Một bộ áo tắm bằng cả vốn đi nghề!
Và hai tiếng ‘đi nghề’ lại khiến bà ta nhớ đến công việc của đứa con trai mình.
- Ô này! Vọi! Sao mày không đi nghề?
Vọi buồn rầu đưa mắt nhìn Hiền. Nàng hiểu ý bèn nói với bà Bật:
- Tôi thuê anh Vọi đi chở mảng cho tôi đấy mà.
Nghe cô thiếu nữ nhà giàu nói tiếng ‘thuê’, người góa phụ nghĩ ngay đến ‘tiền’ nhưng còn vờ vĩnh nói:
- Cô muốn đi chơi thì bảo cháu nó chở mảng chứ việc gì phải ‘thuê’.
- Ai lại thế! Mất một ngày công của anh ấy chứ phải chơi! Tôi phải trả tiền thuê sòng phẳng mới thấy yên tâm.
Vẻ mặt bà Bật như vẫn có gì lo lắng vì chẳng biết món tiền ‘cô gái nhà giàu’ kia trả cho là bao nhiêu mà con mình phải bỏ phí cả một buổi đi nghề để đưa cô ta đi chơi. Chừng Vọi cũng đoán được ý nghĩ của mẹ nên lại gần ghé ta thì thầm:
- Cô ấy hứa trả con một đồng bạc tiền công.
Bà Bật nghe nói không dằn được kêu lên:
- Một đồng bạc!
Quay sang ‘cô khách quý’, bà ta ra vẻ săn đón thật ‘kỹ lưỡng’:
- Rước cô vào ngồi chơi tạm trên giường.
Nhưng Hiền thoáng hiểu và lấy làm khó chịu với ‘cái lòng tử tế’ của bà Bật, mẹ Vọi.
- Thôi, tôi về thay quần áo không lạnh. Áo khoác của tôi ướt cả rồi!
Quay sang Vọi, nành bảo”
- Anh đưa tôi về thôi.
Trông theo bóng hai người đi ra cổng, Vòi nhìn mẹ láu lỉnh mỉm cười...
Chương 15
Ra đến ngoài ruộng, Hiền bỗng đổi ý, muốn theo đường núi trở về nhà. Vọi tuy khuyên nàng nên đi đường biển cho chóng kẻo về trễ ‘bà cậu’ chờ cơm. Nhưng chàng lấy làm sung sướng vì được ở bên cạnh nàng lâu thêm một chút. Nỗi sung sướng ấy cẳng một lần nào Vọi nghĩ đến và tìm hiểu xem cỗi rễ từ đâu. Chàng chỉ biết rằng hôm nào không gặp cô thiếu nữ ‘có lòng tốt’ thì chàng buồn rầu chẳng còn thiết làm gì. Ngày ngày chàng đánh rút bên kia làn nước, mắt lơ đễnh, tay chân rời rạc, tâm thần bâng khuâng. Nhưng nếu cô Hiền chỉ đi qua một lượt và nhìn chàng khẽ gật một cái là đủ khiến chàng trở nên vui vẻ làm việc nhanh nhẹn.
Có một buổi trưa Vọi đứng ủ rũ hàng giờ dưới bóng phi lao để chờ đợi. Hễ gặp Hiền ra tắm là chàng mãn nguyện trở về nhà chẳng ao ước gì hơn nữa, và cũng chẳng cần biết rằng Hiền có trông thấy mình không.
Đó có lẽ không phải là ái tình, và Vọi hình như chẳng hiểu ái tình là gì. Vả lại, anh chàng đánh cá nào dám mơ màng đến cô thiếu nữ giàu sang có bộ áo tắm đáng giá bằng cả một cơ nghiệp dân chài! Nhưng đó là cảm tình. Vọi cảm vì tấm lòng tử tế của Hiền. Chàng không bao giờ tưởng tượng một cô con gái cao quý lại dễ dãi, tự hạ mình đoái nghĩ đến đám dân nghèo như thế.
- Anh nghĩ gì thế anh Vọi?
Vọi kinh ngạc giật mình, ngỡ là Hiền đoán biết được tư tưởng của mình.
- Thưa cô, không...
- Cái Vòi, em anh trông mặt lanh lợi lắm nhỉ?
- Thưa cô, nó láu lỉnh lắm kia đấy. Mẹ tôi thấy cô tốt bụng thương kẻ nghèo nên cứ bảo tôi đưa nó đến hầu bà với cô.
Lúc nãy Hiền thất vọng về cử chỉ của bà Bật khi nghe con nói cho biết rằng nàng sắp trả công cho một đồng bạc. Giờ nghe Vọi nói vậy, nàng cũng thất vọng không kém! Nàng vẫn yên chí rằng người nhà quê yêu cảnh nhà quê, yêu nghề của họ. Ai ngờ họ chỉ ao ước một cảnh khác. Nàng nghĩ thầm:
- “Đang theo một nghề tự do, tuy không giàu nhưng đủ ăn sao lại mong con mình ‘được’ hầu hạ kẻ khác?”.
Nàng lại nghe Vọi nói tiếp:
- Tôi bảo mẹ tôi rằng tôi còn kiếm đủ tiền nuôi được cả nhà thì can chi phải cho em đi ở? Nhưng mẹ tôi không yêu nó đâu, vì nó cứ ốm luôn nên chỉ muốn tống cổ nó đi thôi. Tôi thì thương nó lắm. Cô tính, thầy tôi mất đi, chúng tôi chỉ có hai anh em.
Hiền cảm động, nhìn Vọi khen thầm rồi nói:
- Anh nghĩ thế là phải. Có một nghề trong tay vẫn được tự do sung sướng. Dù giàu hay nghèo cũng vậy. Đi ở làm gì?
Bấy giờ hai người đã trèo hết con đường dốc bên cái miếu con. Hiền đứng lại nhìn xuống xóm Sơn ẩn khuất trong những bụi tre, khóm chuối. Đàng xa sau rặng phi lao, trăng mười bốn lấp ló trong đám lá thưa chiếu xuống mặt biển lăn tăn gợn sóng.
Hiền nhìn Vọi bằng cặp mắt mơ mộng, nói:
- Anh chọn đúng chỗ. Ở đây phong cảnh đẹp lắm!
Vọi đã bắt đầu mạnh dạn, đã dám ‘bàn’ với cô thiếu nữ tên Hiền này những vấn đề ngoài chuyện làm ăn.
- Thưa cô, có gì mà cô khen đẹp?
Hiền mỉm cười:
- Anh không thấy đẹp? Có lẽ vì anh nhìn mãi nhàm mắt rồi! Tôi tưởng những đêm trăng tròn khi ăn cơm chiều xong lên ngồi đây nói chuyện thì còn gì thú bằng? Tiếng sóng rạt rào không ngớt làm cho lời mình nói có ý nghĩa thầm kín... Những ngọn phi lao nghiêng theo chiều gió như khúc khích cười cố lắng tai nghe. Đàng xa, làn nước trắng xóa dưới ánh trăng vàng như nụ cười bất tuyệt của một giai nhân...
Hiền bỗng ngừng lại phá lên cười. Quang cảnh êm đềm làm cho nàng thốt ra những lời văn quá lãng mạn ở trước mặt một anh dân chài chất phác. Nàng lại ậm ừ hỏi:
- Anh có hay ngồi đây ngắm trăng lên không?
- Thưa cô, có. Nhưng đó là ngày còn bé thôi chứ bây giờ tôi chả lúc nào rỗi. Đêm có trăng là nhữn đêm phải làm việc nhiều. Kìa cô coi! Mảng đi thả lưới đầy như lá tre. Đáng lẽ ra phải ngồi trên mảng rồi.
- Vậy ra tôi làm anh mất một buổi đi nghề! Anh có tiếc không?
Vọi không đáp, vơ vẩn nhìn theo những cánh buồm nâu ngoài biển. Thật ra, không những Vọi không tiếc mà còn ao ước thỉnh thoảng được nói chuyện với Hiền ở nơi vắng vẻ như hôm nay. Nghe những lời dịu dàng thanh tú của nàng, Vọi có những cảm giác mới lạ. Đó là sự sung sướng bồng bột trong lòng làm máu nóng đưa lên mặt nóng bừng hai má.
Sự yên lặng có sức huyền bí làm cho Hiền rùng mình:
- Thôi, đi về kẻo trễ anh Vọi ạ.
Nhưng khi đến hòn Trống Mái, Hiền không thể không leo lên được. Nàng đứng thẳn người, hai tay cầm dang hai đầu vạt áo khoác cho gió thổi bay phất phới đập vào tảng đá rêu mờ xanh. Theo cái ngách trống hổng ở giữa hai sườn đá, luồn gió đều và mạnh. Hiền thở khoan khoái và cảm thấy các thớ thịt như đang hô hấp, sinh sôi nảy nở thêm ra.
Thấy Vọi lững thững đi đi lại lại dưới đồi, Hiền vẫy gọi:
- Anh Vọi!
- Chuyện gì, thưa cô?
- Lên đây chứ!
Vọi ngước mắt nhìn Hiền, dáng ngần ngừ:
- Nhưng cô về thôi... kẻo tối.
- Đã có trăng! Thì anh cứ lên đây một tí đã nào.
Vọi cười vơ vẩn:
- Vâng, thì lên.
Mặt trời đã lặn hẳn. Phía tây, đám mây tím mỗi lúc một trở nên xanh đen. Phía đông, trăng mọc đã cao. Bóng hai người song song nnằm dài trên bệ đá. Hiền ngắm nghía hàng lỗ nhỏ ở dưới gầm tảng đá bảo Vọi:
- Nước chảy đá mòn, thật đúng. Anh trông những giọt nước mưa khoét đá trũng xuống thành một hàng lỗ.
Vọi cười:
- Thưa cô, không phải nước mưa khoét đâu, chính tôi đục nó, đục để đánh ô. Cô coi, hai mươi lỗ đều đặn là hai mươi cửa.
- À, ra thế. Ừ mà cũng có lý, nếu nước mưa đục thì sao chỗ khác không có nhỉ?
- Vâng, chính thế. Giá còn sớm thì tôi dạy cô đánh ô. Nhưng tối mất rồi, cô về thôi.
- Anh sợ ma?
Vọi yên lặng, quay nhìn vào vách đá. Thực ra, Vọi chỉ sợ Hiền, sợ đến nỗi không bao giờ dám trái ý nàng.
- Thưa cô, người ta cứ vẽ thế kia để làm gì?
Vừa nói Vọi vừa trỏ tảng đá đầy những tên viết tắt hay viết đủ chữ, hoặc bằng sơn trắng, sơn xanh, hoặc dùng thỏi sắt nhọn đục sâu vào đá. Hiền nhoẻn hàm răng trắng đáp lại:
- Đó là người ta ký tên để giữ kỷ niệm. Một cặp tình nhân chẳng hạn đến đây chơi rồi khắc tên vào đó, ý mong muốn cho ái tình của hai người lâu bền với vạn vật.
Mỗi khi Hiền nói giọng văn hoa quá thì nàng lại không nhịn được cười vì nàng chợt hiểu và nghĩ thầm:
- “Ai lại đi nói những câu ấy với anh Vọi?”.
Chương 16
Hiền và Vọi vừa ở hòn Trống Mái bước xuống thì đàng trước mặt có người đi tới, đi rất mau, hầu như chạy. Quen nhìn xa, Vọi trông thấy trước liền bảo Hiền:
- Thưa cô, hình như ông gì... vẫn đi với cô.
- Ông gì?
Hiền dừng lại, mắt lim dim cố nhận xem ai.
- Á! Phải rồi! Anh Lưu!
- Vâng, ông Lưu.
Vọi vẫn nhớ tên ‘ông bạn’ của Hiền nhưng vì không ưa cái tính kiêu hãnh của Lưu nên không muốn đọc tên ra. Những lần thấy Lưu đi bên cạnh Hiến buông câu bông đùa lơi lả, Vọi không tránh khỏi chau mày. Nhưng vốn ôm sẵn mặc cảm của thân phận ‘kém hèn’ nên hễ Lưu hỏi chuyện thì bao giờ chàng cũng ôn tồn lễ phép đáp lại. Biết Lưu sinh trưởng ở nơi quyền quý, chàng vẫn không vì Lưu mà ghét lây tất cả những người giàu sang, nhất là trong đám giàu sang ấy lại có ‘cô Hiền’, người mà chàng cho là đáng quý, đáng trọng hơn bất cứ ai ở trên đời.
Trong khi Vọi suy nghĩ lẩn thẩn thì Lưu đã tiến đến gần. Chẳng kịp chào hỏi Hiền một câu, chàng ta đã cau có, vừa thở vừa gắt như trách mắng:
- Bà đang tìm cô. Cô đi đâu mà gần tối chưa về?
Hiền cười khinh khỉnh:
- Ô hay! Anh làm như là anh ruột tôi không bằng!
Lưu cười gượng:
- Xin lỗi chị. Bà sốt ruột vì đi khắp cả bãi biển không thấy chị đâu nên bảo tôi tìm hộ. Tôi nói có lẽ chị đi chơi mảng thì bà càng sợ hãi. Nhưng về sau, tôi đoán chắc chị lên hòn Trống Mái thì... quả nhiên!
Lưu quay lại, tức tối nhìn Vọi trừng trừng như muốn tặng cho anh chàng đánh cá mấy cái tát. Vọi bẽn lẽn cúi mặt. Cử chỉ ấy càng làm cho Lưu thêm ngờ vực rằng chàng ta thầm yêu Hiền. Lưu cố trầm tĩnh, nhưng cặp mắt ướt và đỏ ngầu của chàng như ném những tia lửa vào Hiền và Vọi:
- Chị táo bạo quá! Liều lĩnh quá!
- Ô hay! Có gì là táo bạo và liều lĩnh? Tắm xong đi dạo mát một lúc mà anh bảo là táo bạo và liều lĩnh thì anh quả thật là lạ lùng!
Hiền không chút bối rối, sung sướng đứng ngắm nghía, so sánh hai người. Một người nét mặt rất là vô tư, không có một ý nghĩ xa xôi gì. Còn một người thì nóng nảy, mong đạt được mục đích của mình, tức tối ghen tuông. Nàng mỉm cười nói một mình:
- Sóng biển và bãi cát!
- Chị bảo gì thế?
- Không! Đi về thôi!
Vọi hiểu rằng mình là thừa liền chắp tay chào, miệng nói lí nhí chẳng ra câu. Hiền gọi giật lại:
- Không, anh phải đưa tôi về chứ!
- Thưa đã có ông...
- Ông Lưu à? Ông Lưu khi nào lại thèm đưa tôi? Tôi thuê anh kia mà!
Lưu lãnh đạm, thọc hai tay vào túi quần, bĩu môi khinh bỉ nhìn trời. Rồi chừng muốn ‘cho anh dân chài một bài học’ hay để dọa nạt anh ta. Lưu thong thả bảo Hiền:
- Hôm qua ở bãi biển xảy ra một chuyện buồn cười lắm, chị có biết không?
Hiền uể oải đáp:
- Không.
- Một anh đánh cá chả biết đùa bỡn gì một người vú em bị bà chủ người Pháp bảo chồng bà choảng cho một trận nên thân.
Hiền hỏi:
- Lúc bấy giờ anh có đấy?
- Có.
- Vậy thì anh chẳng ‘hảo hán’ một tí nào!
- Chị bảo tôi làm gì được?
- Không làm gì được? Chẳng lẽ anh không biết can ngăn, để họ bức hiếp kẻ yếu hay sao?
Lưu cười:
- Nào người ta có yếu? Với lại cũng đáng kiếp! Ai bảo chơi trèo!
Hiền nhìn Lưu nói bằng một giọng khinh khỉnh:
- Đùa bỡn một cô vú đầm mà anh bảo là chơi trèo? Thật anh chẳng biết tự trọng! Đúng là đầu óc ‘nô lệ’!
Lưu hiểu rằng câu chuyện đã đi hơi xa nên vờ cười đánh trống lảng. Vọi một lần nữa lại tỏ ý từ tạ ra về.
- Không! Anh phải đến nnhà tôi để tôi lấy tiền trả anh.
- Mai cô cho cũng được.
- Không! Tôi không ưng thế! Anh phải đưa tôi về đến tận nhà.
Thật ra Hiền sợ phải đi một mình với Lưu trên con đường hèo lánh. Nàng tuy có tính hay đùa nghịch táo bạo nhưng chẳng khi nào quên việc để cao cảnh giác. Nhưng rồi nàng lại chợt nghĩ:
- “Sao đối với Vọi ta không nghĩ đến chuyện giữ gìn như đối với Lưu hay hạng người như Lưu?”.
Lưu yên lặng đi bên cạnh Hiền. Chàng đã định bụng không nói một câu, nhưng thấy Hiền luôn luôn hỏi anh đánh cá những điều mà chỉ hai người hiểu với nhau thì chàng lại mất hết cả bình tĩnh. Lưu bất chợt cố ý hỏi Vọi để phá ngang câu chuyện của hai người:
- À, anh Vọi! Cái người bị tù năm ngoái đã được tha chưa?
- Người nào thế, thưa ông Lưu?
- Một người đánh cá trêu ghẹo... một người đầm.
Lưu tưởng thế là đã làm mất thể diện Vọi ở trước mặt Hiền aì ngờ Hiền lại hồn nhiên phá lên cười:
- Chưa biết ai trêu ghẹo ai! Tôi chẳng tin rằng một anh đánh cá lại có thể đi trêu ghẹo một ‘người đàn bà Âu Châu’.
Vọi cũng cười vì không hiểu được ý định thâm hiểm độc địa của Lưu...
Chương 17
Hiền vừa thì thầm hát, vừa sửa sang những bông hoa hồng, hoa tử vi trong các bình thủy tinh màu ám khói. Nàng quay lại hỏi mẹ:
- Mẹ ngắm xem có đẹp không?
- Đẹp lắm!
Bà Hậu âu yếm đăm đăm nhìn con mỉm cười như cố tìm hiểu ý nghĩ của một cô thiếu nữ ‘đến thì’.
Buổi sáng, Hiền đã ngỏ lời xin phép mời các bạn đến dự tiệc trà vào lúc năm giờ và nghe nàng kéo violon (vĩ cầm). Bà Hậu bằng lòng ngay. Bà cho rằng con gái thời nay cần phải quảng giao để kén chọn lấy người chồng xứng đáng. Thấy con gái đã 20 mà chưa ưng một ai, bà cũng hơi sốt ruột, lo lắng. Vì thế, ở Hà Nội bà thường vẫn thường hay mở tiệc thết bạn bè của con, cả trai lẫn gái. Trong số đến dự tiệc cố nhiên ó đầy đủ sinh viên các trường Luật- Khoa, trường Y Khoa..., những người năng lui tới với mẹ con bà. Những buổi tiệc ấy có khi trở thành những cuộc hội họp nói về văn- chương, khoa học trong một phòng khách thính. Ai nấy thi nhau trổ tài để làm rung động những cặp mắt đen và những quả tim vàng.
- Con đã gửi thiệp mời rồi đấy chứ?
- Thưa mẹ, rồi ạ.
- Con mời những ai?
- Thưa mẹ, con mời hết thảy những ngươi thường đến nhà mình. Tất cả độ chừng chín, mười người thôi.
- Có Lưu, Thiện, Thanh chứ?
Hiền mỉm cười tinh ranh:
- Lẽ cố nhiên phải có Lưu, Thiện, Thanh.
Rồi nhận thấy mình có vẻ hơi ‘hỗn’ xược với mẹ, Hiền bèn nói chữa:
- Thưa mẹ, ở Sầm Sơn này chẳng mời các anh ấy thì còn mời ai? Có bao nhiêu người mời được, con đều mời cả. Thế là hay hơn hết, mẹ nhỉ?
Lúc ấy có tiếng chuông ở cổng. Hiền bèn chạy ra.
- Anh Lưu! Chào anh! Anh vẫn được mạnh?
- Cám ơn chị. Còn chị, ‘ngọc thể’ vẫn được an khang chứ?
Hiền cười đáp:
- Cám ơn anh. ‘Ngọc thể’ tôi vẫn được như thường.
Lưu vào phòng khách chào bà Hậu. Bà ta vui vẻ bảo chàng:
- Ông Lưu đến trước nhất, chắc hôm nay may mắn lắm.
Lưu cũng cười:
- Thưa cụ, thánh nhân đã dạy: ‘ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau’!
Hiền nghe nói lẩm bẩm:
- Nhạt!
Lưu đoán nghe được lời bình phẩm của Hiền, cười bảo nàng:
- Vâng, kể cũng hơi nhạt.
Rồi chàng ngồi yên lặng ngắm bình hoa đặt trên cái bàn thấp phủ khăn ren. Thấy Lưu nét mặt có vẻ hơi giận, bà Hậu khéo léo tìm cách gợi chuyện để có dịp ‘tán tụng’chàng; nào hỏi đến việc học, đến các kỳ thi rồi lân la đến nhà cửa, gia đình cha mẹ, anh em chàng. Lưu tập tễnh mừng thầm vì chàng biết rằng khi nào các bà mẹ có con gái kén chồng mà nói với mình những câu chuyện thân mật như thế là tất có ý chọn mình vào chỗ ‘đồng sàng’. Vì thế, chàng giở hết tài ngôn luận ra khoe khoang một cách kín đáo nhún nhường:
- Thưa cụ, con học đã có gì. Được đỗ đầu kỳ thi lên lớp cũng là may.
Bà Hậu toan nâng câu khiêm tốn của Lưu lên thì Hiền đã đỡ lời:
- Thưa mẹ, anh Lưu nói thật đấy.
Thấy mẹ lườm có ý thầm trách cái tính ngỗ ngịch vô lễ của mình, Hiền nói chữa:
- Vì so với các luật sư, tiến sĩ, thạc sĩ thì học lực của anh Lưu kể cũng chưa có gì thật. Nhưng người ta sao thì rồi mình cũng thế phải không, thưa anh!
Biết rằng một làn không khí lạnh lẽo đang phảng phất trong phòng, Hiền tươi cười đánh trống lảng vì cũng như các cô thiếu nữ có học, nàng rất tài về khoa nói chuyện.
- Anh Lưu ạ, thạc sĩ nghĩa là cái quái gì nhỉ!
- Vâng, tôi cũng tưởng vậy. Sao không dùng chữ giáo sư chuyên môn có giản dị hơn không?
Chương 18
Nửa giờ sau khách đến đông đủ. Bà Hậu vịn cớ có người mời đi đánh tổ tôm nên đã ra đi, để lại trong phòng một bọn thanh niên nam nữ. Chẳng qua bà Hậu muốn cho họ được tự do nói chuyện chứ không phải giữ kẻ vì có một phụ huynh lớn tuổi.
Đồng hồ treo điểm 5 giờ 15. Ai nấy đưa mắt nhìn quanh một vòng như để thầm bảo nhau rằng đã đông đủ mà sao chưa có ai bưng nước, bưng bánh ngọt ra. Chừng chủ nhân cũng hiểu ý nghĩ của cái nhìn yên lặng ấy nên tươi cười nói:
- Mong các anh các hị tha cho sự chậm trễ và xin làm ơn ‘du di’ cho 10 phút nữa vì còn thiếu một anh.
Mọi người lại nhao lên:
- Thiếu ai thế chị?
- Một nhà thi- sĩ, một nhà ẩn sĩ.
Một cô bạn của Hiền tên Phụng lên giọng khôi hài:
- Vị chi là ‘hai nhà’.
- Không, nghĩa là thi sĩ kiêm ẩn- sĩ.
Thanh vẫn có thơ đăng trên các báo, muốn khoe, tỏ cho mọi người biết rằng mình là thi sĩ:
- Thưa cô, không phải thi- sĩ nào cũng là ẩn- sĩ.
Hiền mỉm một nụ cười ‘thông minh’:
- Thưa anh, tôi có dám nói anh đâu, vì tôi biết anh là một thi- sĩ của các cô thiếu nữ; một nhà thi sĩ của thế tục, một phù hoa thi sĩ; nghĩa là ‘un poète mondain’. Còn nhà thi sĩ của tôi tầm thường, bình dị hơn.
Nghe Hiền nói, ai nấy đều phá lên cười:
- Sao mà chị Hiền lắm chữ thế?
Giữa lúc ấy, một người nhà quê đi chân không, đầu chụp cái khăn lượt cũ, mình mặc chiếc áo lương dài rụt rè tiến vào phòng, ngơ ngác sợ hãi nhìn quanh. Hiền đang đứng rót trà nên không trông thấy, chỉ nghe tiếng Thanh nói:
- ‘Bác’ kia hỏi gì?
Quay lại nhìn thấy Vọi, nàng reo lên:
- Kìa anh Vọi! Sao hôm nay anh nho nhã thế?
Vọi bẽn lẽn cười gượng:
- Thưa cô bảo tôi đến có việc gì thế ạ?
- Chả có việc gì cả. Chỉ là mời anh đến xơi chén nước, nghe âm nhạc và sau hết bàn luận về văn thơ.
Sự lãnh đạm thổi qua tâm hồn làm cho đám thanh niên đang vui vẻ nô đùa bỗng trở nên ủ rũ buồn rầu, ngồi yên lặng trước những chén nước trà mạn khói ngát hương sen.
- Kìa, mời anh Vọi ngồi chơi.
- Thưa cô, tôi không dám.
- Không dám cái gì? Ở đây toàn là anh em, chị em thân đấy mà!
Vừa nói, Hiền vừa đặt hai tay lên vai Vọi ấn chàng ngồi xuống ghế. Tự dưng không ai bảo ai, cử tọa đồng thanh phá lên cười vang phòng. Hình như có luồng điện huyền bí chạy chuyển đạt một ý định từ khối óc nọ sang khối óc kia. Chủ nhân nghiêm trang mời mọi người uống nước, nhưng ai nấy vẫn cười lớn, thành thử chính nàng cũng phải cười theo nốt.
Dịp cười dài có lẽ đã đuổi được sự lãnh đạm. Những câu chuyện vui vẻ đã trở lại trong gian phòng sáng sủa. Nhưng Vọi vẫn bẽn lẽn ngồi cúi mặt nhìn hai bàn chân lấm. Rồi khi thấy mọi người vừa cười vừa nói tiếng Pháp với nhau, chàng cho rằng người ta chế nhạo mình liền đứng xin về.
- Ấy, mời thi sĩ hãy ‘ngồi chơi xơi nước’ đã.
Vọi trân trân nhìn thẳng vào mặt Lưu không đáp. Hiền biết chàng căm tức lắm liền đến gần thì thầm một câu khiến chàng ‘ngoan ngoãn’ ngồi xuống. Lưu nói tiếng Pháp bảo mọi người:
- Con ‘khỉ đột thuần thục’ của cô Hiền.
Hiền cũng dùng tiếng Pháp cãi lại:
- ‘Con khỉ đột’ của tôi khỏe, đẹp hơn tất cả các anh!
- Nếu bàn về cái đẹp hình thức thì vô tận. Con chó bông của cô Thi còn đẹp hơn các cô thiếu nữ diễm lệ nhiều!
Biết rằng câu chuyện đã đi ra ngoài giới- hạn của văn- chương nhã nhặn, Hiền nhớ ngay đến địa vị của mình liền tươi cười bảo Lưu:
- Vâng, anh nói đúng. Tìm cái đẹp về hình thức thì biết nói sao cho hết! Nhưng thôi, xin mới các anh các chị nghĩ đến đĩa bánh ngọt nó đang ngáp dài chờ mọi người chiếu cố.
- Xin vâng.
Thanh vừa nhai bánh vừa nói:
- Anh... anh gì?
- Anh Vọi.
- Anh Vọi ăn đi chứ! Sao lại ngồi thừ người ra thế?
- Chừng ‘thi sĩ’ làm thơ.
Tiếng cười lại vang lên. Lần thứ hai Vọi lại đứng dậy xin về. Hiền chau mày đưa mắt ra hiệu bảo ngồi xuống rồi bưng một chén nước đưa cho chàng.
- Anh uống chén nước xong ngồi nghe tôi kéo violon, kéo nhị tây nhé!
Mọi người ai nấy liền reo mừng:
- Phải đấy, chị Hiền kéo nhị tây!
Hiền không để nài đến hai lần, cầm đàn dạo qua mấy tiếnt rồi kéo luôn một bài theo điệu Tango: “Un Jour Loin de Toi”. 1.
Một tràng vỗ tay trổi lên trong khi Vọi nhớn nhác trố mắt nhìn không hiểu. Lưu ‘tán’ một câu:
- Tài âm nhạc của chị Hiền đáng vào ‘conservatoire’ 2. Nhưng chị vừa đàn vừa hát thì còn thú hơn.
Hiền mỉm cười, ‘ngả đầu’ nói:
- Hân hạnh cho tôi lắm lắm...
Rồi nàng vừa cầm đàn dùng ngón tay cái gảy đoạn điệp điệu vừa ca:
Một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh
Như linh hồn muốn bay bổng trên đám mây mờ...
Một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh,
Ngồi một mình em thổn thức như anh đang chờ.
Này em còn nhớ những khi cùng ngồi
Dưới cây cùng nô, dưới trăng chuyện trò.
Thật một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh,
Tình yêu nhau không còn chi êm ái cho bằng...
Tiếng vỗ tay xen tiếng cười:
- Chị dịch ra quốc âm 3. à?
- Không, bài dịch của ông Ein Tag Ohne.
- Tên gì mà dữ dội thế?
- Có lẽ một người Tàu.
Vọi lại đứng dậy. Đây là lần thứ ba chàng xin về. Thấy Vọi khổ sở như ‘muốn khóc’, Hiền không nỡ giữ nữa.
- Vậy anh về nhé. Bây giờ đã nghe đàn rồi thì về được.
Lưu nói đùa:
- Anh nên lấy phần vài cái bánh.
Vọi chào Hiền rồi cắm đầu cắm cổ đi thẳng. Ra tới cổng, chàng còn nghe rõ tiếng cười mai mỉa vang lại. Trong đó có lẫn cả tiếng cười của Hiền. Vọi chau mày, lẩm bẩm nói một mình...
Chú thích:

1.

Un Jour Loin de Toi: Một Ngày Xa Anh (Em).

2.

Conservatoire: tương tự như trường quốc gia âm nhạc của chúng ta sau này.

3.

Quốc âm: ý nói là chữ quốc- ngữ, tức là tiếng Việt ngày nay chúng ta dùng.

Chương 19
Vọi lững thững đi ra phía biển, đến ngồi ở một cái mảng nát, tay chống cằm, đăm đăm nhìn phương xa...
Những người tắm về đã gần hết, mà dân chài đều đã chở mảng đi thả lưới. Từng cánh buồm lấm chấm điểm trên nền trời xanh nhạt. Những nét đen động đậy khi ở gần bờ và đứng im tăm tắp khi ra ngoài khơi.
Vọi mơ màng, tưởng mình đang ngồi trên một trong những cái mảng ấy, và đang cùng anh em cùng nghề làm việc...
- Kìa, anh Vọi!
Vọi giật nẩy mình ngẩng đầu lên. Vợ Canh, người em họ Vọi đang mỉm cười đứng nhìn chàng.
- Anh không đi nghề?
- Không!
- Mà anh mặc quần áo chững chạc lắm nghỉ! Ý chừng anh đi ăn cỗ ở đâu về?
- Không!
Câu hỏi làm cho Vọi chau mày, khó chịu vì chàng lại nhớ tới bữa tiệc bánh ở nhà Hiền. Chàng nghĩ thầm:
- “Có lẽ họ đang cười đùa, cô Hiền đang kéo nhị tây. Mà chắc hẳn là họ đang chế diễu mình!”.
Vọi sau đó căm tức làu nhàu nguyền rủa. Người em dâu họ nghe không rõ nhưng cũng hỏi:
- Anh bảo gì cơ?
- Không!
Thấy Vọi có vẻ không được vui, và như chẳng có hứng nói chuyện, người em dâu họ khẽ chào một tiếng rồi đi thẳng.
Vọi ngồi cố lắng hết tinh thần, nghe xem tiếng đàn của Hiền có thoảng được đến tai không. Nhưng chàng chỉ nghe thấy tiếng sóng biển ầm ầm dữ dội. Cái vạt áo lương tuột cúc, bị gió thổi mạnh bay tạt ngang quấn vào cái nạng. Vọi cởi phắt ra khoác ở cánh tay rồi đứng dậy đi về.
Bỗng nhiên có tiếng cười ròn rã ở gần đấy. Lúc bấy giờ trời đã nhá nhem tối nên Vọi không trông rõ là ai. Nhưng nghe những câu chuyện ồn ào theo gió bay tới, chàng cũng đoán được rằng đám người kia rất đông.
Vọi chỉ kịp chạy lại ẩn núp ở đàng lái cái mảng đặt gác lên trên chiếc chống cao. Gần mười người lũ lượt đi qua, tranh nhau cười nói huyên thiên. Vọi nhận rõ tiếng Hiền và tiếng Lưu. Chàng nghĩ thầm:
- “Chắc thế nào họ cũng nói chuyện mình!”.
Chàng đã toan gọi Hiền, nhưng lại sợ hãi rụt rè không dám. Rồi chờ đoàn người đi khuất, chàng rẽ đường về nhà...
Chương 20
Hơn một giờ sau, Hiền cùng bạn bè vẫ còn đi chơi ngoài bãi biển. Trời đã tối hẳn vì là một đêm hạ tuần, và mãi đến chín, mười giờ trăng mới mọc. Rặng đèn điện trên đường cao chiếu ánh xuống những đợt sóng thành những hình trạng rất lạ lùng... Có lúc trông giống một cái tầu bằng kim cương chạy ngang một quãng dài theo ven bờ rồi vụt biến vào trong đêm tối, chìm lắng xuống đáy biển... Có lúc trông giống như một đàn quái vật vẩy dát lân tinh. Chúng gầm thét đuổi nhau, nuốt nhau, biến đi hiện ra mãi mãi không cùng.
Hiền lặng lẽ ngắm cái hiện tượng biến cải trong giây lát mà tưởng như đứng trước một cảnh mộng ảo thần tiên. Bên tai nàng, Lưu thì thầm bài “Un Jour Loin de Toi”.
“Một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh...”
Với cái nghĩa lãng mạn của câu ca, bao nhiêu thi vị của cảnh sóng biển ban đêm càng tăng lên. Hiền ngây ngất mê man, sung sướng cất tiếng hát một bài ca Pháp. Giọng nàng cao và trong. Tiếng sóng trầm và đục như tiếng cây hồ lớn gẩy chen nhịp hát. Dứt lời ca, tiếng ngân còn như kéo dài qua những tiếng vỗ tay.
Cặp đèn ô tô (xe hơi) từ trên đường cao chiếu ánh sáng xuống biển làm cho những lớp sóng vụt hiện rõ ra như lúc ban ngày, và trong một giây làm mất hết cái hình ảnh huyền diệu... Hiền cũng vụt tỉnh giấc mộng yêu đương, lắng tai nghe mấy người bạn bình phẩm về bản chất ngây thơ, đần độn của Vọi. Nàng chỉ mỉm cười...
Bây giờ có lẽ đã gần chín giờ vì đèn khách sạn đã tắt. Mọi người chia tay, ai về nhà nấy. Lưu bảo Hiền:
- Tôi xin đưa cô về.
- Cám ơn anh. Kể thì tôi đi một mình cũng chẳng ai bắt nạt nổi. Nhưng anh đã có lòng tốt muốn hộ vệ, tôi quả không dám từ chối.
Đi được một quãng, Lưu ngập ngừng nói:
- Thưa cô...
Hiền nghe chữ ‘cô’ đã hơi lạ tai vì lâu nay Lưu chỉ kêu nàng là ‘chị’. Nhưng lần này nàng chẳng hiểu sao không những nàng không muốn cự lại mà còn nhận ra rằng tiếng ‘cô’ dịu dàng êm ái hơn tiếng ‘chị’.
- Anh bảo gì?
- Thưa cô...
Lưu định tìm những lời âu yếm kín đáo để gợi tình yêu trong lòng cô thiếu nữ nhưng đột nhiên luống cuống, chẳng biết bắt đầu ra sao.
- Cô ở Sầm Sơn lâu ngày đã thấy chán chưa?
- Thưa anh, chán thì chưa chán. Nhưng cũng sắp phải về Hà- Nội thôi!
Lưu có vẻ hốt hoảng:
- Cô sắp về Hà Nội?
- Vâng, tôi sắp về Hà Nội. Nghĩa là mẹ tôi muốn về.
- Để cụ về. Cô ở ngoài này một mình cũng được chứ gì?
Biết rằng mình vừa nói một câu vô lý, Lưu bèn gượng cười nói tiếp luôn:
- Nhưng chắc cụ chẳng cho phép!
Hiền vẫn lặng thinh nhìn những đợt sóng trắng xóa xô nhau trên mặt biển tối đen.
- Cô về thì Sầm Sơn vắng ngắt buồn tênh.
Hiền bật cười hát:
“Một ngày em xa anh là một ngày em buồn tênh...”
Lưu đang hí hửng mừng thầm, đi sát vào người Hiền thì Hiền lại nói:
- Sao mà chữ ‘buồn tênh’ nghe nó ngớ ngẩn buồn tẻ thế? Nó cũng buồn tẻ như như ý nghĩ của anh. Vâng, sao vắng mặt em Sầm Sơn lại buồn tênh được?
Lưu không để ý đến câu nói của Hiền. Chàng chỉ nhận thấy chữ ‘em’ lần đầu thốt ra từ miệng người mình yêu, nghe thấm thía đến tận tâm hồn khiến chàng yên lặng một lúc lâu, mơ màng sung sướng...
Bỗng Hiền trỏ tay bảo Lưu:
- Kìa anh trông, đẹp không?
Một đám mây đen viền vàng chói giải ngang trên làn nước, chiếu lên mặt biển một vết dài ánh sáng lăn tăn chạy thẳng từ chân trời.
Hai người dừng bước đứng chờ xem trăng lên. Nhưng Hiền vừa quay lại hỏi Lưu một câu thì một cảm giác là lạ làm cho nàng rùng mình ngoảnh lại trông... Trăng nửa vành đã ló trên đám mây cao hơn mặt biển đến một sải. Ánh sáng hình như chạy lan rộng mãi ra và vẽ một vạch vàng bóng từ đầu nọ đến đầu kia làn nước, ở nơi trời biển gặp nhau...
Hiền liếc mắt nhìn Lưu, cảm thấy Lưu đẹp trai lên bội phần và đang mỉm cười âu yếm nhìn mình.
Sự yên lặn làm cho nàng sợ hãi và vội tìm câu nói để khỏi nghĩ liên miên:
- Anh Lưu ạ, đã nhiều lần tôi chờ xem trăng lên, mà chưa lần nào tôi trông thấy trăng đang lúc mọc. Thấy ánh sáng tỏa ra rồi vụt một cái, chẳng biết từ đâu nhảy vọt lên, trăng đã cách mặt nước đến mấy thước.
Lưu cười, nịnh khéo một câu:
- Văn sĩ tả cảnh trăng mọc đúng lắm. Nhưng văn sĩ chỉ quên một điều là ban đêm ở chân trời thường có mây. Trăng phải vượt qua đám mây, vì thế lúc ta trông thấy thì đã lên cao. Chỉ có thế!
Hiền suy nghĩ giây lâu rồi mới nói:
- Có lẽ thế. Nhưng tôi đâu phải là văn sĩ đâu, anh đừng quờ quạng, dại dột. A anh Lưu, anh có biết vì sao tôi gọi anh Vọi là thi sĩ không?
Nghe Hiền nhắc đến tên Vọi, Lưu sa sầm nét mặt, lạnh lùng đáp:
- Thưa cô, không.
- Bữa nọ cũng cảnh sáng trăng, nhưng trăng tròng kia. Anh ấy bảo tôi rằng bàn chân đặt trên cát ướt như in xuống đấy những vết dát bạc sáng loáng.
Rồi nàng vừa bước vừa nói:
- Đây này, anh coi có đúng thế không? Thật là: ‘gót vàng lững thững’... lững thững gì nữa nhỉ?
Lưu đọc tiếp:
- Bên làn nước... trong.
Hiền cười:
- Trong thì cũng chẳng trong gì!
Thấy Hiền rẽ vào phố, Lưu hỏi:
- Cô về?
- Anh chóng quên nhỉ? Anh hứa đưa tôi về nhà kia mà!
- Nhưng đêm trăng đẹp lắm, về làm gì vội?
- Khuya lắm rồi, phải về chứ.
Hiền rảo bước. Từ nãy Lưu vẫn theo đuổi một ý nghĩ. Chàng muốn biết Hiền có năng đi chơi ngắm trăng với Vọi không, và nàng đi một mình hay đi với mẹ. Khi lên đến đường, chàng đánh bạo hỏi:
- Cụ với cô thích ngắm cảnh trăng lên lắm phải không?
- Cũng chẳng thích lắm.
- Đêm hôm nọ tôi gặp cô đi với anh Vọi.
- Thế à?
- Hình như có cả cụ nữa thì phải.
- Hình như thế.
Đến cổng, Hiền giơ tay bắt tay Lưu:
- Cám ơn anh. Thôi, anh về nhé.
Tiếng bà Hậu ở trong nhà vọng ra:
- Hiền đã về đấy à?
- Thưa mẹ, vâng.
- Sao con đi chơi khuya thế? Ai đưa con về đấy?
- Thưa mẹ, anh Vọi đấy mẹ ạ.
Lưu nghe Hiền nói dối mẹ thì khấp khởi mừng thầm. Vì chàng chắc chắn rằng trong hai người chỉ mình là đáng kể, đáng sợ. Chàng có biết đâu rằng vì bà Hậu ngờ vực chàng ranh quái nên Hiền phải nói dối để mẹ yên lòng mà thôi chứ chẳng có ý gì khác.
Chương 21
Vòi đứng trước cổng nhà bà Hậu, ghé mắt nhìn qua hàng chấn song xem có ai qua lại trong sân để gọi, nhưng chờ mãi chẳng gặp một người nào. Mọi khi mang trứng, mang gà đến bán, Vòi chỉ việc rao: “Bà có mua trứng, mua gà không?” là cô Hiền ra mở cổng ngay. Lần này Vòi không bán chác nên do dự sợ hãi.
Hai, ba lần nó lản đi rồi lại quay đến chỗ cũ, vẻ mặt băn khoăn mong đợi. Cũng có lúc nó mỉm cười... Một nụ cười vơ vẩn nhưng rất có duyên, nhất là lúc đưa tay vuốt mái tóc đen hay cúi xuống kéo thẳng cái thắt lưng quan lục.
Năm nay Vòi 15 tuổi. Tuy phải làm việc nhiều quá sớm nên thân thể hơn lùn, nhưng rất đậm đà dễ coi. Đôi mắt sáng và to tròn lại càng làm tôn vẻ thông minh lanh lợi của một cô gái quê mới lớn.
Vòi đương vân vê cái hoa bìm bìm đứng suy nghĩ thì một người vận tây đến cổng kéo chuông. Hiền chạy ra.
- Ồ, anh Lưu! Đến sớm nhỉ?
Lưu cười:
- Tôi đến rủ cô ra biển hóng mát. Trời đẹp lắm.
Rồi chàng quay lại trỏ Vòi:
- Có con bé này hình như muốn hỏi cô điều gì.
Hiền mở cổng nhìn sang bên:
- Kìa, Vòi đấy à? Hỏi gì thế em?
Vòi rụt rè tiến đến gần:
- Thưa cô... cháu đến xin cô mấy viên thuốc.
- Thuốc gì kia, em?
- Cháu cũng chả biết thuốc gì. Anh cháu ốm, hai hôm nay chẳng chịu ăn cơm. Tối hôm qua mẹ cháu dặn cháu lên xin cô vài viên thuốc.
- Anh Vọi ốm?
Thấy Hiền buồn rầu ngẫm nghĩ, Lưu phì cười:
- Mày xin thuốc mà không nói anh mày ốm bệnh gì thì còn biết chữa ra làm sao?
Hiền ôn tồn bảo Vòi:
- Được, em cứ về rồi tôi đem thuốc đến cho.
Vòi ngần ngừ vì không nghe rõ câu Hiền nói. Vả lại, không khi nào nó dám ngờ rằng cô Hiền lại đích thân đến thăm anh nó.
- Thưa cô, cháu về tay không sợ mẹ cháu mắng. Hay cô cứ cho cháu... thứ thuốc hôm trước ấy mà.
Hiền mỉm cười:
- Không được. Em sốt thì mới dùng thuốc ấy, chứ anh Vọi biết có sốt không?
Vòi đáp liều:
- Anh cháu cũng sốt.
- Vậy em đứng đấy chờ nhé.
Hiền chạy vào trong nhà lấy ống thuốc ký- ninh đưa cho Vòi và dặn chỉ nên dùng mỗi lần một viên thôi. Vòi đỡ lấy, ngớ ngẩn nói:
- Cô cho anh cháu tất cả?
- Ừ, tất cả. Nhưng nhớ đừng dùng tất cả một lúc nhé. Uống như thế sẽ hóa điên đấy!
Vòi cười láu lỉnh:
- Vâng, cháu xin nhớ kỹ.
Đoạn nó chắp tay chào rồi sung sướng cắm đầu chạy. Hiền ngây người đứng nhìn theo.
Không thấy Hiền lưu ý đến mình, Lưu ngắt một bông hoa dại xé vụn từng cánh, miệng huýt sáo một bài ca Pháp.
- Chết, quên! Xin lỗi anh nhé.
Lưu cố giữ nét mặt thản nhiên, nhưng giọng vẫn nhiễm đầy vẻ tức giận:
- Có gì mà cô phải xin lỗi!
Rồi chàng cười gượng, tiếp luôn một câu nói đùa:
- ‘Bà lang’ kia đấy! Nhưng chẳng biết có ‘băm’ không?
Hiền không đáp. Nàng đang mải theo đuổi những ý nghĩ miên man. Đã bốmn hôm nay nàng không gặp Vọi. Mà hình như nàng quên bẵng rằng ở Sầm Sơn có một anh đánh cá tên là Vọi. Chiều chiều nàng ra tắm, sáng sáng nàng ra dạo mát trên bãi cát. Những người kéo lưới không hề nhắc nàng nhớ đến hình ảnh anh chàng tráng kiện đẹp trai.
Vì bên nàng lúc nào cũng có đám bạn khuê các phong lưu. nhất là có Lưu, người đã làm cho nàng bắt đầu cảm thấy rung động... Trái tim nàng bắt đầu đập mạnh ngay từ hôm cùng nàng nói chuyện trong một cảnh nhuộm toàn màu yêu đương của một buổi tối trăng mờ, biển réo.
- Cô nghĩ gì mà thờ thẫn cả người ra thế?
Không thấy Hiền trả lời, Lưu giận đi thẳng vào trong nhà chào bà Hậu rồi ngồi tiếp chuyện với bà, để mặc Hiền đứng nghĩ vơ vẩn ở ngoài cổng.
Hiền cố nhớ lại những sự việc đã xảy ra và tự trách thầm:
- “Vô tình ta đã phạm một tội ác là mời Vọi đến dự tiệc trà!”.
Hiền cho rằng Vọi ốm chỉ vì bị người ta chế giễu. Sức tưởng tượng của nàng tả Vọi ra một người biết tự trọng như bọn trí thức. Và nàng nhận thấy đám bạn nàng và chính nàng là một lũ ‘tàn ác’, đem một trái tim ngây thơ thành thật ra làm trò đùa. Vẫn biết mời Vọi đến dự tiệc nàng không có ý muốn trêu ghẹo mà chỉ cốt tỏ cho bạn hữu nàng hiểu rằng nàng không hề phân biệt giai cấp. Nhưng đó chỉ là một sự vụng về, một tính toán sai lầm. Mời Vọi vào trong phòng khách hôm ấy có khác gì nhốt một con chim đang bay nhảy tự do ngoài trời vào trong một chiếc lồng.
Hiền mơ màng như thấy Vọi hiện ra ở trước mặt với tấm thân cân đối nở nang... Nhưng tấm thân ấy không làm rung động được lòng nàng như trước nữa. Nàng nghĩ thầm:
- “Cái đẹp về hình thức khó cảm được trái tim một người có trí thức nếu cái đẹp hình thức ấy không chứa một tâm hồn tương đương.
Nhưng Hiền lại nghĩ:
- “Biết thế nào là tương đương? Tâm hồn không hẳn là trí thức. Có trí thức mà gian trá, lừa dối, tàn ác thì không bằng có một tâm hồn ngây thơ và thành thật tuy thô lỗ.”.
Nàng nhận thấy Vọi đứng riêng ra một xã hội khác hẳn với cái xã hội nàng đang sống. Cái xã hội ấy chỉ nghĩ đến dùng trí thức để che đậy một tâm hồn có khi xấu xa, đê hèn...
- “Ừ, biết đâu rằng anh Lưu cảm về trí thức, về tâm hồn mình, hay chỉ cảm về tài sản của mình? Còn một người như Vọi nếu yêu ai thì chắc chắn là yêu thành thật, không bao giờ biết mơ ước những gì xa xôi”.
Sẵn có một nền học vấn lãng mạn, Hiền bài trí rất mau ra một cuộc đời đầy đủ, êm đềm: Hai vợ chồng cùng đẹp, khỏe mạnh, chỉ biết yêu nhau và làm việc bằng chân tay.
Và nàng cảm thấy rằng không những Vọi biết yêu, mà có lẽ Vọi còn yêu tha thiết hơn những người thường.
- “Ừ, anh ta ốm... Biết đâu không phải vì say mê nhớ tiếc một cô thiếu nữ mà anh ta nhận biết hơi muộn rằng mình không thể yêu được..., mà anh ta coi như đã sắp lọt vào tay một người khác xứng đáng hơn anh ta... Cô thiếu nữ ấy chính là ta!”.
Hiền mỉm cười, nụ cười tự phụ của cô thiếu nữ đã làm cho nhiều anh choáng váng đêm mê vì học vấn trí thức và nhan sắc của mình.
- Anh Lưu!
Nghe Hiền gọi, Lưu vội chạy ra hỏi:
- Cô truyền?
Hiền cười:
- Anh cứ dạy quá lời thế? Ta ra bãi biển hóng mát đi.
Lưu vui vẻ đáp:
- Xin vâng.
Bà Hậu gọi Hiền bảo thong thả ăn sáng chờ bà cùng đi chơi với, nhưng nàng mời mẹ cứ ăn trước. Bà mỉm cười âu yếm bảo Lưu:
- Cũng được. Cậu Lưu đưa em nó về ngay nhé!
- Bẩm, vâng.
Bà Hậu biết rằng Lưu thành thật muốn làm rể bà nên bà thôi không nghi kỵ nữa. Hơn nữa, bà ta muốn hai người năng được gần nhau để hiểu nhau, quý trọng nhau... Và để sau này con bà khỏi phải phàn nàn rằng bà ép lấy người chồng mà nàng không thuận...
Chương 22
Thấy Lưu rẽ về bên tay trái, Hiền gọi:
- Phía này, anh Lưu!
- Ra biển kia mà!
- Thì anh cứ đi với tôi.
Hiền với vẻ mặt cau có nhưng quả quyết. Lưu hiểu rằng những lúc ấy mà làm trái ý nàng thì không có lợi gì nên lẳng lặng đi theo, không hỏi, không nói một lời. Gần đến on đường rẽ sang nhà bưu- điện, Hiền gặp Phụng liền rủ cùng đi chơi. Cô kia nhận lời ngay.
- Nhưng đi đâu thế chị?
Hiền thản nhiên đáp:
- Đến thăm anh Vọi.
Nghe nói đôi mắt Lưu trợn trừng:
- Đến nhà Vọi?
- Vâng.
Phụng suy nghĩ, cố nhớ lại:
- Anh Vọi? Có phải cái anh đánh cá đến dự tiệc hôm nọ không?
- Phải đấy chị ạ. Anh ấy ốm.
Lưu tìm được một câu ngăn cản:
- Biết anh ta mắc bệnh gì mà cô dám đến thăm? Nhỡ anh ta bị thổ tả, ho lao, hay sốt rét, thương hàn thì có lây chết không?
Hiền lạnh lùng nói:
- Vậy thì anh đừng đi nữa là hơn hết, cả chị Phụng cũng vậy. Nếu sợ lây thì xin ở lại, tôi đi một mình. Riêng tôi, tôi biết anh Vọi không mắc những bệnh nguy hiểm ấy.
Rồi nàng biểu lộ lòng độc ác của nàng bằn một câu bí hiểm, đầy những ý nghĩa mờ ám:
- Mà anh ấy mắc bệnh gì có lẽ tôi cũng đoán ra được.
Nàng muốn nói Vọi ốm tương tư vì nàng, nhưng Lưu không hiểu, cho rằng nàng đã một mình lẻn đến thăm anh ta rồi. Lưu cười gượng nói:
- Cô nóng quá! Cô còn chẳng sợ lây nữa là tôi đây, thân một nam nhi dũng cảm.
Hiền vẫn còn căm tức, và chẳng hiểu sao nàng cảm thấy ghét Lưu về đủ các phương diện. Nàng nhíu mày nhìn đi nơi khác và bật lên một tiếng cười chua chát, cay cú lạ lùng.
- Đi thì đi, không đi thì thôi! Làm gì mà phải giở những thân danh ‘nam nhi dũng cảm’ ra như thế! Nó có vẻ...
Nàng toan nói ‘có vẻ tuồng’, nhưng kềm ngay được vì nàng chợt nhận ra là mình ‘tàn nhẫn quá’.
Từ đó ba người yên lặng đi bên cạnh nhau không ai nói với ai. Mãi đến lúc leo hết con đường dốc lên núi, Lưu mới dừng lại thở và bảo hai cô thiếu nữ:
- Các cô trèo khỏe quá!
Phụng tự phụ, mỉm cười:
- Chuyện!
Hiền hỏi:
- Thế nào? Anh đã mệt rồi sao? Vậy cái ‘dũng cảm nam nhi’ của anh cất ở đâu, không đem ra dùng?
Lưu bèn ngồi nghỉ một lát để ngắm cảnh, nhưng Hiền nóng ruột muốn biết ngay bệnh trạng của Vọi ra sao nên bảo chàng:
- Chịu khó một tí nữa, sắp tới rồi! Đó cũng là cách tập thể thao. Anh phải biết, ngày nào chúng tôi cũng tập chạy, tập đi ít ra cả tiếng đồng hồ. Phải không chị Phụng?
Lưu nghĩ mà thêm xấu hổ với hai cô bạn gái nên đứng dậy đi liền. Ngắm họ, chàng nhận thấy có sự liên hệ của tấm thân dịu dàng uyển chuyển với cái sức mạnh của sự tập luyện công phu. Và chàng hiểu rằng thời nay không còn là thời chia hẳn ra bên đàn ông là mạnh mẽ, và bên đàn bà là yếu đuối nữa. Chàng nghĩ thầm:

- “Ta sống ở thế kỷ trọng ‘cá nhân chủ nghĩa’. Nhưng muốn cho chủ nghĩa này đắc thắng thì không gì bằng làm cho nam nữ bình đẳng về mọi phương diện. Những danh từ ‘phái mạnh phái yếu’ kia vẫn còn thì chưa thể bình đẳng được.”.
Nhìn hai người bạn gái, chàng tự hỏi:
- “Họ với mình, ai thuộc phái mạnh và ai thuộc phái yếu?”.
Vấn đề phụ nữ rõ rệt hiện ra trước mắt chàng hiện ra thành thịt thành xương. Cái vấn đề mà trước kia chàng cho rằng chỉ có ở trong lý tưởng, vì chàng mới đọc những lời bàn tán khô khan lờ mờ, kiểu cách đăng trên báo chí chứ không bao giờ chịu nghĩ đến một cách thiết thực như hôm nay...
Khái Hưng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...