Đốt lò hương cũ 1
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Quyển ‘‘Đốt Lò Hương Cũ’’ được xem là sáng
tác cuối cùng của cố thi sĩ Đinh Hùng, ông đã viết quyển nầy để tưởng niệm những
văn, thi sĩ mà ông quen biết trong suốt thời gian lăn lộn trong nghiệp thi văn.
Những Tản Đà, Thạch Lam, Bích Khê v.v... đều được ông nhắc nhở trong
những trang sách nầy, và đâu đâu cũng báng bạc lời tiếc thương những người đã
khuất, những người mà ông cho là ‘‘không bao giờ chết’’, vì họ chết
đi nhưng vẫn sống trong lòng độc giả, vẫn sống trong tâm tư những thi,
văn sĩ còn sống.
Điều mà cố thi sĩ Đinh Hùng không hề nghĩ tới là quyển sách của
ông qua đời những người đã chết lại không được xuất bản trước khi ông qua
đời. Ông nhắm mắt lìa đời trước khi thấy được những tiếc thương những người bạn
không còn trên cõi thế đến tận tay độc giả để cùng ông ‘‘Đốt Lò
Hương Cũ’’ tưởng nhớ người xưa.
Một số những kỷ niệm trong ‘‘Đốt Lò Hương Cũ’’ này
tuy đã được ông đọc trên Đài Phát Thanh hoặc đăng trên một vài tạp chí, nhưng
sau đó đã được ông sửa chữa lại và dự định xuất bản. Nhưng sách chưa ra thì ông
đã mất ngày 24-8-1967 tại Saigon.
Chúng ta hãy đọc một đoạn văn sau đây của cố thi sĩ Đinh Hùng
nói về ‘‘Những người không bao giờ chết’’ ấy:
‘‘Đó là những người không còn sống trong cuộc đời thực tại,
nhưng vinh viễn sống trong thế giới của linh hồn, sống trường cửu trong cõi
không hư vô cùng tận, và sống vĩnh viễn trong lòng chúng ta.
Đó là những người đã chính thức lìa bỏ cõi trần để
lặng lẽ nhập vào cõi ‘‘âm huyền mờ mịt’’ - nói theo Nguyễn Du, tác giả ‘‘Văn Tế
Thập Loại Chúng sinh’’. Những người đó hoặc mới qua đời năm ngoái, năm kia, hoặc
đã khuất bóng từ lâu - cách đây mươi lăm năm, hoặc nhiều hơn nữa - nhưng tôi
không muốn gọi họ là ‘‘những người đã chết’’ mà trái lại, tôi nghĩ rằng:
chính khi lìa trần mới là lúc họ tìm thấy cuộc sống bất diệt. Tôi vẫn mặc nhiên
coi họ là ‘‘những người không bao giờ chết’’.
Và chúng tôi cũng tin rằng cố thi sĩ Đinh Hùng là một trong ‘‘những người không bao giờ chết’’ ấy.
LỬA THIÊNG 1971
Tìm Về Kỷ Niệm
Cuộc sống văn nghệ có muôn vàn hình thái. Mỗi thanh sắc, mỗi
âm hưởng bắt gặp ngẫu nhiên trong không gian và thời gian đều có thể gợi lên
bóng dáng đặc biệt của từng bản sắc nghệ sĩ. Bởi vì, ngoài những công trình
sáng tác, người nghệ sĩ còn một tác phẩm khác cũng đáng kể không kém; đó là
chính cuộc sống thực tại của nghệ sĩ, cuộc sống biến chuyển không ngừng với những
tiết điệu riêng biệt, những động tác bất ngờ, những vang bóng linh động. Muốn
hiểu thấu đáo, một bản sắc văn nghệ, thiết tưởng cũng nên theo dõi thêm “tác phẩm”
sống động ấy, để ghi nhận từng vang bóng, hội ý từng động tác, lắng nghe từng
tiết điệu.
Phải chăng như thế là đem cuộc đời nghệ sĩ đối chiếu với tác
phẩm? Hay, nói một cách khác, như thế chính là hòa đồng tác phẩm với cuộc đời,
để tìm ra một ý nghĩa duy nhất. Nhà làm sử văn học, nếu ghi chép được cái tinh
tế vang bóng trung thành của những cuộc đời văn nghệ, có lẽ cũng dễ dàng hình
dung được cả gương mặt thời đại cùng cái bối cảnh xã hội thời đó.
Nền trời văn nghệ nước nhà, khoảng 20 năm nay, đã trải qua
bao nhiêu giông bão? Cái khí hậu thuần lương của thế hệ những Phan Mạnh Danh, Tản
Đà, Ưng Bình Thúc Giạ Thị… bị xáo trộn trước nhất. Không khí văn nghệ dần dần
trở nên thao thức hoang mang trước những biến cuộc xảy đến liên tiếp; đầu tiên
là những điềm báo hiệu bất yên do cuộc Đệ Nhị Thế Chiến đưa lại. Trào lưu lãng
mạn trong văn chương của lớp văn nghệ sĩ tiền chiến 1. cũng dần dần chuyển đến một trạng thái
tinh thần “không tưởng” hơn, yếm thế hơn, bi quan hơn, để rồi trở nên một cơn
“Bệnh Thời Đại” mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng: cái bệnh “khao khát vô cùng và
tuyệt đối” của những tâm hồn muốn thoát ly thực tại hoặc muốn tìm cứu cánh ở địa
hạt siêu hình, như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Phạm Hầu… như nhóm “Xuân Thu Nhã Tập”…
Cuộc đảo chánh tháng ba năm 1945 của quân đội Phù Tang, rồi
tiếp liền đến những ngày khói lửa tơi bời trên khắp đất nước kéo dài suốt 9 năm
trời và hiệp định Genève chia đôi giới tuyến, và cuộc di cư ào ạt cuốn đi một
triệu sinh linh lìa bỏ miền Bắc vào Nam… Từng ấy biến cố! Bao nhiêu nỗi niềm!
Bao nhiêu cuộc đời gồm đủ thăng trầm, hưng phế, chen lẫn cả nước mắt, nụ cười!
Và bao nhiêu câu chuyện đời giăng mắc tình cờ theo những lớp tuồng ảo hoá -
những truyện thực của thời đại hiện kim, nhiều khi tai nghe, mắt thấy mà
ly kỳ chẳng khác giai thoại nghìn xưa!
Từng ấy biến cố tưởng chừng cũng đủ khiến cho 20 năm vừa qua
trong lịch sử Văn Học Việt Nam trở nên những năm “nhiều truyện” nhất, và cũng
điển hình nhất! Thời gian tuy chưa được một phần tư thế kỷ mà đã như bao nhiêu
kiếp đổi đời! (trong truyện “Thần Tiên”, hình như mỗi lần dâu bể là 100 năm?)
Hai mươi năm vừa qua của chúng ta đã có tới mấy lần tang thương biến cải, cho
nên “hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”…, và biết bao nhiêu thiên giai thoại
nghiễm nhiên nhuộm màu cổ tích truyền kỳ!
Trong cuộc sống mới hôm nay, dù vẫn nhìn thẳng vào hiện tại
và hướng về tương lai, nhưng chúng ta vẫn trầm ngâm nhớ lại cái quá khứ hoảng
loạn kia, hoặc để tìm về một kỷ niệm thân mật hoặc để ôn lại một vài mẩu ký ức
sắp sửa chìm vào quên lãng, nhất là để ghi lại cái vang bóng của một thời nhiều
kinh nghiêm sống linh hoạt và thấm thía hơn bao giờ hết. Chính những kinh nghiệm
sống của những ngày để qua đó có thể một phần nào tạo nên những chất liệu sống
của chúng ta ngày nay,
Ở đây, chúng tôi sẽ thường xuyên gợi nhớ lại gương mặt của
quá khứ trong khoảng 20 năm qua, để chúng ta có thêm ít nhiều tài liệu không
tìm thấy trong sách báo thư viện.
Song hành với những bước đi theo dõi lớp người mới của nền
văn nghệ hậu chiến, ở đây chúng tôi muốn mời độc giả trở về dạo những bước chân
hoài niệm trong cái không khí tưởng như quá xa xôi mà vẫn rất gần của thời tiền
chiến, cũng như trong không khí phiêu lưu đầy biến cố bất ngờ của thời chiến
tranh.
Khoảng hai chục năm nay, cuộc sống văn nghệ của chúng ta còn
chen lẫn bao nhiêu vang bóng của cõi chết! Tuy mỗi ngày chúng ta vẫn có thêm những
người bạn mới, nhưng nhìn chung quanh, mỗi ngày cũng lại thấy mất dần đi một
vài khuôn mặt quen thuộc. Có những người lặng lẽ đến với cuộc sống để rồi lại
bình thản ra đi, không trống không kèn, không cả một lời ai điếu tiễn chân:
Chúng ta chỉ bắt gặp linh hồn họ trong địa hạt giao cảm, hầu như không hề sánh
bước cùng họ trên đường đời.
Nhưng nếu thời gian có hồi ảnh và nếu không gian có vọng
thanh, thì hình bóng của họ tất đã ghi sâu vào trong ký ức vũ trụ. Cuộc đời vẫn
trôi đi không ngừng. Những người đã ra đi sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng chúng
ta không muốn vô tình. Trong lúc cuộc đời rộn rịp kéo nhau qua khắp mọi nẻo đường,
chúng ta muốn ngồi lại phút giây, trầm mặc nhìn về quá khứ, gợi nhớ lại ít nhiều
kỷ niệm, để lại thấy gần gũi thêm một vài hình bóng của những người bạn văn nghệ
đã một sớm một chiều cách biệt chúng ta.
Đó là những người không còn sống trong cuộc đời thực tại,
nhưng vĩnh viễn sống trong thế giới của linh hồn, sống trường cửu trong cõi
không hư vô cùng tận, và sống vĩnh viễn trong lòng chúng ta.
Đó là những người đã chính thức lìa bỏ cõi trần để lặng lẽ nhập
vào cõi “Âm huyền mờ mịt”- nói theo Nguyễn Du, tác giả “Văn Tế Thập Loại Chúng
Sinh”. Những người đó hoặc mới qua đời năm ngoái, năm kia, hoặc đã khuất bóng từ
cách đây mươi mười lăm năm, hoặc nhiều hơn nữa - nhưng tôi không muốn gọi họ là
“những người đã chết” mà trái lại, tôi nghĩ rằng. Chính khi lìa trần mới là lúc
họ tìm thấy cuộc sống bất diệt. Tôi vẫn mặc nhiên coi họ là “những người không
bao giờ chết”.
Khi còn sống trong cuộc đời thực tại, có thể thân thế họ chìm
nổi bất trắc, có thể họ chỉ đạo qua cuộc đời phồn tạp như một người khách lạ,
nhưng bây giờ, họ đã nằm yên dưới lòng đất thể xác họ đã dần dần tiêu tan, sự
cách biệt hầu như không còn nữa, linh hồn họ, bình thản hơn và thanh tuyền hơn,
hình như cũng gần chúng ta hơn.
Những văn nghệ sĩ đã khuất bong- “những người không bao giờ
chết” đó mỗi người giờ đây chỉ còn là một ý niệm, mỗi tên tuổi đọc lên chĩ còn
là một ý niệm, mỗi tên tuổi đọc lên chỉ còn là một vọng âm; mỗi gương mặt nhớ lại
chỉ còn là một màu khói hương phảng phất. Nhưng hương khói kia bởi vì huyền ảo
cho nên không bao giờ phải vọng âm kia, bởi vì vô ảnh vô hình cho nên không bao
giờ tiêu tán; và ý niệm kia, bởi vì chỉ là một ý niệm, cho nên không hề bị hủy
diệt.
Ai đã nói: “Danh vọng là vầng thái dương của người chết”?
Nhưng đây là “những người không bao giờ chết”. Vậy thì nhớ hay quên, chúng ta
cũng chẳng đem lại được cho họ danh vọng nhiều hay ít, và ở bên nầy hay bên kia
thế giới, mỗi người cũng vẫn có riêng một vầng thái dương đời đời phát tiết ra
ánh sáng. Chúng ta nhớ đến họ, nghĩa là chúng ta chỉ đốt lên một nén hương,
khơi lên một ngọn lửa nhỏ bé, để làm ấm lại một khoảnh khắc giao tình.
“Những người không bao giờ chết” đó, có người an nhiên ra đi
theo số mệnh: cũng có người kháng cự đến tận cùng với số mệnh; lại cũng có người
bất ngờ bị số mệnh chợt tới đẩy xô đi, không kịp ngạc nhiên, không kịp gửi lại
cho cuộc đời cả đến một khoé mắt, một nụ cười, hay một tiếng thở dài luyến tiếc.
Và cũng có những người đứng tuổi rồi mới lìa trần. Nhưng lại
có những người yểu mệnh vội vàng giã từ cuộc sống ngay giữa tuổi thanh xuân.
Tuy nhiên, dù “ra đi” trước hay sau, vội vàng hay thong thả, bình dị hay sóng
gió, tất cả giờ đây cũng đều tận nhập vào cơn mộng lớn như nhau, tất cả đều đã
trút bỏ được mọi phiền não nhân thế, để cùng bước tới địa hạt “vạn cảnh giai
không”. Cũng như nhau, tất cả chỉ còn gặp gỡ chúng ta trên đường lối truyền cảm
thuần khiết.
Cuộc sống xã hội hôm nay vắng bóng họ. Nhưng họ đã và sẽ có mặt
mãi mãi trong cuộc sống tinh thần chung của dân tộc, trong cả cuộc sống văn nghệ
riêng của mỗi người. Phải chăng hiện tại này ít nhiều cũng đã làm bằng những
hình bóng của dĩ vãng?
Chưa tính xa hơn nữa, hãy kể trong khoảng hai chục năm gần
đây, cuộc sống của chúng ta quả thực đã bao lần chen lẫn cùng bóng dáng cái chết.
Đã bao nhiêu người đi mất, đã bao nhiêu cuộc đời dần dần chìm vào thiên cổ, đã
bao nhiêu tên tuổi chỉ còn là những tiếng vọng giữa thinh không? Bao nhiêu khoé
mắt, nụ cười của những người bạn chúng ta bao nhiêu tâm tình, ý nguyện của những
người văn nghệ sĩ quen thuộc giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm.
Chúng ta không khỏi xót xa khi nhắc tới những người bạn đã
khuất bóng. Nhưng khi nghĩ rằng họ là “những người không bao giờ chết”, chúng
ta cũng thấy đôi chút dịu lòng. Mối sầu mênh mang nghìn thuở của người mất lẫn
người còn hẳn như cũng được phần nào an ủi.
Dẫu sao, tôi vẫn thường bâng khuâng đặt một giả thuyết - một
giả thuyết nhưng chính là một hoài vọng - một hoài vọng bao giờ cũng chỉ là
hoài vọng ngậm ngùi, bởi vì sở nguyện của lòng người dù thành khẩn, thiết tha đến
mấy cũng không thể nào thắng nổi số mệnh vô tình.
Nếu từ hơn hai mươi năm nay, Thiên Cổ không sớm cướp của
chúng ta đi một số bạn bè, thân hoặc sơ, và nếu hàng ngũ văn nghệ vẫn còn đủ mặt
văn tinh (dù là một văn tinh mới mọc), nền trời văn nghệ xứ này sẽ còn rực rỡ
sáng đẹp thêm chừng nào, và cuộc hội ngộ hôm nay của chúng ta sẽ còn đông vui,
hào hứng bao nhiêu? Cuộc sinh hoạt tinh thần của đất nước này, đời sống anh hoa
của dân tộc này sẽ còn giàu thêm bao nhiêu thanh sắc, nếu chúng ta không sớm mất
những người bạn văn nghệ đáng lẽ chưa nên đi mất? Mái nhà thanh khí của chúng ta
sẽ còn ấm cúng thêm biết chừng nào? Kho tàng văn học nước nhà sẽ phong phú thêm
bao nhìéu, nếu cho tới hôm nay, hàng ngũ văn nghệ của chúng ta vẫn còn đủ những:
Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Nguyễn Nhược Pháp, J. Leiba, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Phạm
Hầu, Phạm Tú, Thâm Tâm, Vũ Trọng Can, Nguyễn Đức Chính, Khái Hưng. Trần Tiêu,
Thạch Lam, Đặng Thế Phong, Trần Bình Lộc, Lê Trọng Quỹ 2, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Dân Giám, Tô Ngọc
Vân, Nam Cao, Ngô Tất Tổ, Kim Hà 3. Nhượng Tống, Quỳnh Dao 4, Phan Phong Linh, Quách Thoại 5.
Hãy chỉ xin kể tới những tên tuổi mà nhiều người từng quen
thuộc, và riêng tôi đã có dịp ít nhiều quen biết. Bản danh sách tất nhiên còn
nhiều thiếu sót, nhưng thực tình tôi cũng chẳng mong có một bản danh sách “đầy
đủ” hơn. Những tên tuổi vừa kể, tuy chúng ta muốn gọi họ là “những người không
bao giờ chết”, nhưng sự thực, tôi vẫn muốn họ đừng vội đi vào cõi bất diệt, để
cuộc đời hôm nay còn nghe thấy tiếng nói ấm cúng của họ rung động nhiều lần nữa,
và để cho những người sống ở cõi đời này được giàu thêm một chút cảm tình, một
chút tin yêu, một chút hy vọng…
Nếu… ước vọng hão huyền của tôi không chỉ là ảo vọng, chắc chắn
lịch sử văn học của chúng ta sẽ có nhiều hiện tượng bất ngờ kỳ thú.
Nhưng, từ hai chục năm trời nay, những người đã ra đi vẫn
không bao giờ trở lại. Những Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Nguyễn Nhược Pháp, J.
Leiba…, những Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Phạm Hầu, Phạm Tú…, những Thâm Tâm, Vũ Trọng
Can, Nguyễn Đức Chính, Khái Hưng. Trần Tiêu, Thạch Lam… những Tô Ngọc Vân, Nam
Cao, Phan Phong Linh. Quách Thoại v.v… đã chính thức nhập vào thế giới của “những
người không bao giờ chết”, nghĩa là ít nhất đã phải một lần chết thực, theo cái
nghĩa thê lương sầu thảm nhất của sự chết.
Chúng ta, những người đang sống hôm nay, những người chưa từng
đặt bước vào cõi chết, và cũng chưa đi tới chặng đường tận cùng của cuộc sống,
chúng ta sẽ cách biệt với họ biết chừng nào, nếu không còn lại đây một chút phận
hồn trên vài trang sách cũ, một chút vang bóng trên vài nét bút xưa, một thoáng
nghi dung qua nhiều kỷ niệm.
Đối với những người bạn văn nghệ đã khuất bóng, thân hoặc sơ,
tôi đều cảm thấy một mối giao tình thắm thiết. Những linh hồn ở bên kia trần lụy
hình như bao giờ cũng sẵn sàng dành cho chúng ta những cảm tình tri ngộ trân trọng
và quý báu hơn cả những người bạn thâm giao ở cõi trần gian.
Bởi vậy ở đây, tôi chưa muốn nhắc tới những kỷ niệm riêng
tây. Thay thế đôi lời niệm chung, đây là một bài thơ tôi xin chép lại, để chân
thành gửi tặng tất cả những linh hồn bạn đã quá cố:
HOÀI NIỆM
Gửi người bạn ở bên kia trần lụy
Chiều mùa đông
Đốt ngọn lửa hồng,
Ta đọc tập thơ sầu, cười với bóng,
Khói thuốc xanh bay về hư không.
Trăng lên đầu phố vắng,
Ồ bóng ta say!
Bóng với ta cùng im lặng.
Cốc rượu ngọt uống cay nồng.
Bạn là người bạn chung tình,
Gần nhau không hẹn,
Lòng giữ nguyên hương hoa bình minh.
Bên đèn tâm sự,
Bạn với tôi như đôi hồn viễn xứ,
Đôi bóng phù du,
Không dưng mà thương nhớ,
Không đâu mà ngẩn ngơ.
Rủ bướm chim theo vào giấc ngủ,
Thả sầu trên con thuyền mây đưa.
Trời giăng sao tỏ,
Đêm mùa thu,
Cửa phòng tôi bỏ ngỏ,
Giấc mộng tôi hững hờ.
Ta biết giăng buồn ngày ta còn nhỏ
Ai biết ta buồn vì lòng ngây thơ?
Nhìn cuộc đời,
Tin rằng hạnh ngộ,
Bạn yêu giăng và tôi yêu gió,
Cười nụ cười đơn sơ.
Bạn với tôi xưa
Đứng bên hồ,
Nằm chung mộng,
Ái ân cùng thơ,
Đêm hoa, cành nguyệt,
Gió giăng xao động ngoài màn.
Bạn hát bài ca phóng đãng,
Cười lên trăng xanh, tôi dạo đàn.
Xuân đến giấc mơ đầy thiếu nữ,
Ta nằm ta ngủ,
Lệ đa tình chứa chan.
Ôi thời gian! Thời gian tình tự!
Mặc nỗi lòng người bi hoan.
Mộng cung tần
Xoay nghiêng mặt gối.
Ai cười? Ai nói? Ai xênh ca?
Lênh đênh nước biển trăng nhòa,
Những vì sao lạ đã sa xuống gần.
Trời buồn dáng điệu giai nhân,
Trái đất xoay vần - đứng lặng mà nghe
Rạt rào sóng nhạc pha lê,
Đêm tàn, núi đổ. Ra đi một mình!
Ra đi! Ra đi! Đời ngủ cả,
Vào cuộc luân chuyển ân cần của các hành tình.
Ôi những trời sao mùa hạ!
Về đâu? Về đâu? Những mảnh sao sa?
Về đâu nữa cả bóng hai ta
Lạc vào tục phố
Nhịp bước giang hồ ca?
Ánh hoa đêm hay tàn đèn rụng
Trong những ca lâu đầy huyền ảnh với đàn bà?
Lòng đã đi qua
Biết bao quán trọ là nhà,
Ta tiếc thương gì quê hương đã mất?
Giang sơn đây
Trong buổi chiều tà
Gọi hồn ta về cười ngây ngất,
Rung sắc hồng pha,
Xây Đô Kỳ Nghệ Thuật.
Ôi những phố trường sầu đi mất về đâu?
Ngày tàn, gió thổi,
Tôi mất tình yêu,
Tôi mất người yêu.
Bên sông hoa rụng từng chiều,
Lòng tôi không nói,
Thương vì trái đất cô liêu.
Tôi nói làm chi?
Anh nhớ làm gì?
Lòng tôi đây và lòng anh đó
Nghe câu truyện sầu dài sao chẳng điên mê?
Một buổi anh về,
Trúc gầy liễu rủ.
Ôi câu chuyện huyền vi
Trong lòng nấm mộ,
Tôi muốn nghe,
Và anh muốn nghe!
Ôi những bước u hồn về ảo phố!
Anh đã đi,
Và tôi sẽ đi!
Chú thích:
Chữ ‘‘Tiền chiến’’ ở đây, xin nhận định theo cái hướng
‘‘chiến tranh Việt Pháp, trên toàn cõi Việt Nam’’ (từ 1949 đến Hiệp định
Genève 1954) |
|
Kịch sĩ quen thuộc hồi tiền chiến (đã xuất bản tập thơ “Thực
và Mộng”). |
|
Tác giả tiểu thuyết “Cái Nhà Gạch” (giải thưởng Tự Lực Văn
Đoàn 1930 1940) và tiểu thuyết “Tiếng Còi Nhà Máy” (Tân Việt xuất bản). |
|
Thi sĩ tiền chỉến “Tơ Trăng”, mất tích từ hồi khởi đầu chiến
tranh, năm 1945. |
|
Chế Vũ, Nhất Linh, Vũ Xuân Tự, Lê Văn Trương… |
Nay về Bất Bạt quê nhà
Sông to, cá lớn lại là thứ ngon…
(Tản Đà)
Thuở đó, cách đây ngoài hai chục năm, chúng tôi còn ở cái tuổi học sinh 15, 17, mà thi sĩ Tản Đà thì đã gần đi hết đoạn đường chót của cuộc sống 1. Khi đó, Tản Đà đã mới bước phiêu lưu và trở về tiêu dao ngày tháng ở quê nhà Bất Bạt (Khê Thượng. Sơn Tây), để hàng ngày ngắm cái cảnh:
Nước rợn sông Đà, con cá nhẩy,
Mây chùm non Tản, cái diều bay…
Một ngày đẹp trời kia, bọn chúng tôi ba người rủ nhau đạp ba chiếc xe đạp lọc cọc từ Hà Nội lên Khê Thượng, tìm đến Bất Bạt để yết kiến nhà thơ của sông Đà, núi Tản. Chúng tôi đến thăm Tản Đà tiên sinh với hai danh nghĩa: trước hết, vì chúng tôi là những kẻ hậu sinh có lòng ngưỡng mộ bậc đàn anh thi sĩ từ lâu, tuy hồi đó tiên sinh chỉ còn thỉnh thoảng đăng những bài dịch Đường Thi trên tờ tuần báo Phong Hóa. Sau nữa, đến thăm thi sĩ Tản Đà, chúng tôi lấy danh nghĩa là những “ký giả học trò” tìm phỏng vấn nhà thi hào đất nước đế viết bài tưởng thuật cho tờ báo “Chàng Học sinh Bưởi” do chúng tôi chủ trương. Một tờ báo viết tay “xuất bản” hàng tháng trong trường và phát hành đúng… một số duy nhất, truyền từ tay người này qua tay người khác. (Cố nhiên phát hành thầm lén, vì một tờ báo làm ở học đường thời Pháp thuộc, dù chẳng đả động gì tới chính trị, thời thế, cũng vẫn bị coi là một món quốc cấm!)
Vậy thì, nhân danh là những chủ nhiệm với chủ bút của thứ báo học sinh “bất hợp pháp” đó, để mà phỏng vấn một nhà thơ nổi tiếng khó chiều như Tản Đà, thiết tưởng chẳng những đã không gây nổi chút uy tín nào, mà còn có vẻ khôi hài không đứng đắn là khác; nếu không phải là ngây thơ tới độ ngớ ngẩn. Ấy thế mà Tản Đà tiên sinh đã không coi là truyện khôi hài. Tiên sinh vẫn niềm nở tiếp đãi chúng tôi, vừa nhã đạm trang trọng, vừa thân mật tự nhiên, như đối với những người bạn tri kỷ thực sự, mà vẫn dành riêng một chút giao tình đãi ngộ đặc biệt đối với khách phương xa.
Điều đáng quý ở bậc đàn anh thi sĩ đó, chính là ở chỗ tiên sinh rất khinh bạc, khó tính đối với thiên hạ - cái thiên hạ thế nhân “mắt trắng” gồm những kẻ trưởng giả hào phú, những kẻ “tai to mặt lớn” ít nhất cũng có tư thế hoặc danh vị thiết thực và trị giá cao hơn cái dauh nghĩa “Văn sĩ ký giả học sinh” của chúng tôi (chính tiên sinh đã từng đóng cửa không tiếp một ông lớn, đeo đủ cả bài ngà cùng mề đay, có đủ cả lính tráng bưng tráp điếu theo hầu, đến nhờ tiên sinh để xin một bài thơ mừng thọ…) nhưng tiên sinh đã rất vui lòng tiếp chúng tôi, không phân biệt tuổi tác, cũng chẳng kể chúng tôi chỉ là những anh chàng học sinh chưa ra đời, chưa bầy vui với cả lớp môn đệ ít tuổi nhất của tiên sinh. Đáng quý, chính là tấm lòng thi sĩ cởi mở và bao dung, bát ngát như mây non Tản, như nước sông Đà, với mối tình thanh khí vô cùng phóng khoáng và càng rất mực hào sảng của tiên sinh.
Bởi vậy, tiên sinh ân cần cho chúng tôi ngồi hầu chuyện thơ, và uống trà tàu do chính tay tiên sinh pha.
Tiên sinh gọi chúng tôi là “các cậu” với một giọng khoan hòa rất đáng yêu; Tuy mái tóc đã điểm trắng nhiều, nhưng nét mặt, nhất là phong độ của tiên sinh vẫn rất trẻ (năm đó Tản Đà xấp xỉ 50 tuổi).
Uống vừa tàn ba tuần trà thì niềm hào hứng của tác giả những “Giấc Mộng Lớn, Giấc Mộng Con” đã bốc lên tới cái độ hoàn toàn không còn phân biệt tóc bạc với đầu xanh. Tiếng cười sảng khoái của tiên sinh thẳng thắn vang lên trong ngôi nhà gỗ ba gian, làm bay vù những con chim sẻ tọc mạch đậu ngay đầu thềm, phía ngoài bức mành mành rung động bóng cây xanh.
Lúc đó, tiên sinh dường như chính thức coi chúng tôi là bọn đồng lứa. Tiên sinh vỗ vai chúng tôi, không gọi chúng tôi là “cậu” nữa, và rất trịnh trọng, rất chân thành, tiên sinh cũng gọi chúng tôi là “tiên sinh”… để rồi tiên sinh nhất định giữ chúng tôi ở lại uống rượu, dùng cơm với tiên sinh.
Bọn thiếu niên chúng tôi thực không dám chờ đợi những cử chỉ thù tiếp quá thân mật ở bậc đàn anh thi bá, nhưng được dùng cơm chung một mâm với thi sĩ tửu đã nổi tiếng cầu kỳ về khoa ẩm thực, mà lại hầu rượu nhà thơ ở ngay căn nhà thơ mộng trông ra Sông Đà, Non Tản, xét ra cũng là một dịp thú vị hãn hữu. Vả lại thi sĩ Tản Đà không để chúng tôi kịp “làm gái” lấy lệ; tiên sinh lập tức gọi người nhà sửa soạn cơm rượu cho bốn người ăn, tiên sinh đích thân bầy biện mâm rượu, và cố nhiên tiên sinh định đoạt lấy thực đơn.
Trước hết, tiên sinh khệ nệ bưng từ dưới gầm giường lên một vò rượu lớn, tiên sinh chuyên rượu đó sang một cái nậm quả bầu, và rót rượu ra bốn chiếc chén cổ, tiên sinh mỉm cười và nói với chúng tôi:
- Các cậu còn trẻ tuổi, chắc chưa quen uống rượu. Nhưng thỉếu niên cũng phải tập dần đi thì vừa. Cái lệ của tao nhân mặc khách, đã ăn tất phải uống, mà uống tất nhiên là phải uống rượu. Mời nhau ăn cơm, cao lương mỹ vị đầy đủ, không có rượu, thì thực là… “cầm thú chi tình”!
Chúng tôi nhớ mãi câu nói đó của nhà thơ sông Đà, núi Tản, và quả tình, trong bữa ăn hạnh ngộ với thi sĩ Tản Đà ở Khê Thượng hôm ấy, chúng tôi đã phải uống rượu rất nhiều, và ăn rất ít như một tửu đồ chân chính vì chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ Tản Đà chê là… “cầm thú”!
Tuy nhiên phải nhận rằng: ăn uống với một người có phong độ như Tản Đà, thực là một điều khoái hoạt hiếm có. Tiên sinh đã nâng việc ẩm thực lên tới một nghệ thuật tinh vi, tuy có hơi phiền toái, nhưng nếu có hoàn cảnh hưởng nhàn, thì chính cái phiên toái ấy lại là yếu tố tạo thi vị cho miếng ăn, khiến con người có một chút nào quên đi cái định luật “Ăn để mà sống”, và nghĩ rằng “Ăn để mà tô điểm cho cuộc sống thêm phong vị”. Âu cũng là một quan điểm triết lý nhân sinh của nhà nghệ sĩ chủ trương sự nhịp nhàng hòa điệu cả tâm lẫn vật.
Mâm rượu của thi sĩ Tản Đà là cả một bản hợp tấu điều hòa đủ mùi, sắc, hương vị, hình thái, cả âm thanh nữa, tiết điệu đơn giản mà linh động, hấp dẫn: trên chiếc mâm vi cổ kính - thứ mâm gỗ hình chữ nhật vành son, sơn then - nhà thơ bày la liệt những đĩa, những chén nho nhỏ xinh xinh, đựng linh tinh các món gia vị: chút tương vòng óng, chút nước mắm ô long nâu thâm, những trái ớt đỏ tươi, những quả chanh cốm xanh ngắt, và đĩa rau riếp thái nhỏ điểm lên những cánh rau thơm, rau mùi, rau ngổ hái ngay ở vườn nhà, và đĩa rau muống chẻ non bẽo - thứ rau muống Sơn Tây trắng nõn như ngó cần - không thiếu từ chút hạt tiêu sọ, thêm cả một con cả cuống băm, mấy củ hành hoa, đĩa lạc rang, vài chiếc bánh đa vừng… Đặc biệt, những gia vị đó đều chia ra làm nhiều đĩa, nhiều chén, đủ bốn phần dàn ra bốn góc mâm như kiểu ăn chả cá.
Liền bên cạnh mâm, ngay đầu giường, thi sĩ đặt cả hai chiếc hỏa lò, than hồng quạt sẵn.
Rượu đã cạn tới chén thứ ba, Tản Đà mới tuyên bố:
- Hôm nay, ta thưởng thức một bữa ăn toàn hương vị đơn sơ của sông Đà, nghĩa là chỉ có tôm cá tươi, và linh hồn sẽ là món cá dấm… Thực đơn quê mà thôi, nhưng ngon miệng là đủ rồi.
Thi sĩ rung đùi ngâm luôn:
Nay về Bất Bạt quê nhà,
Sông to, cá lớn lại là thứ ngon…
Và thi sĩ chỉ hai chiếc hoả lò với hai cái chảo mà mỡ sôi đã bắt đầu xèo xẻo một âm hưởng vui tai và ấm lòng. Thi sĩ giải thích:
- Hai chảo mỡ này, một để rán cá một để rán tôm nhắm rượu trước. Món nhắm đặc biệt, phải tự tay mình làm mới thú.
Người nhà đem những khúc cá chép đã đánh vẩy, mổ moi, làm lòng sẵn, máu tươi còn đỏ hồng thớ thịt. Tản Đà tiên sinh chỉ việc hoàn thành khúc điệu rán vàng khúc cá. Mùi hành tỏi thơm điếc mũi… Khúc cá xắt từng khoanh mỏng được bàn tay rất có nghệ thuật của nhà thơ chuyển âm giai, tiết tấu nhanh thoăn thoắt, và bốn khúc chín vàng đều, cùng một lượt được gắp ra bốn chiếc đĩa men xanh. Đó là phần khúc thứ nhất của bản hợp tấu.
Phân khúc thứ hai là món tôm rán - thứ tôm lớn của sông Đà vừa mới kéo vó lên khỏi mặt nước, liền được đưa tới đây để nhảy vào chảo mỡ của,hà thi sĩ. Xin nói ngay: đây cũng là món đặc biệt của Tản Đà. Thường, người ta vẫn ăn tôm rang, tôm sốt cà chua hoặc tôm tẩm bột rán… Nhưng phải ăn tôm tươi rán thuần tuý và đơn giản như Tản Đà, và phải có chảo mỡ bên cạnh, để cũng như Tản Đà, nhìn thấy từng con tôm cong mình trong mỡ sôi, và được con nào, gắp luôn ngay ra đĩa, lót mấy là ngổ tươi phía dưới, hoặc điểm mấy cuống ngổ vào ngay chảo mỡ thay cho hành tỏi … (chính Tản Đà thi sĩ đã nghiên cứu và nghiệm thấy rằng: chỉ có rau ngổ mới hợp vị, mới thực quấn quít đậm đà với tôm rán. Riêng tôi cũng chịu nhận xét đó là đúng). Tóm lại, phải ăn tôm tươi rán như Tản Đà ăn, mới thấm được tất cả cái chân vị thuần khiết của tôm Sông Đà.
Tới món cá dấm là món tiêu biểu nhất của “Bất Bạt quê nhà”… Tản Đà vội giảng cho chúng tôi nghe cả một bài học về ăn cá dấm:
- Cá dấm thường vẫn là món để ăn cơm. Nhưng, với các tữu đồ biết tự trọng và “hiểu được bụng cá” (nguyên văn của Tản Đà) thì cá dấm chính là món để uống rượu tuyệt ngon. Và ngon nhất là cổ lòng cá. Vì đã nấu dấm thì dù là cá trắm, cá chép hay cá mè, cá quả, cũng đều phải nấu cá lớn. Mà cá lớn thì giá trị nhất chỉ có bộ lòng. Ăn cá dấm mà bỏ qua mất bộ lòng, kẻ ấy đáng gọi là bỉ phu, nếu không phải là xuẩn ngốc!
Chúng tôi chỉ biết ngồi nghe thành khẩn. Hơi rượu đã bốc lên say ngây ngất, chúng tôi như chợt tỉnh hẳn người, khi ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của thìa là, của khế chua, quyện với hơi mẻ nồng nàn tỏa lên từ nồi canh cả dấm nóng hổi, nước sóng sánh mỡ vàng.
Thi sĩ Tản Đà thận trọng vớt riêng bộ lòng cá ra để vào một chiếc đĩa lớn, lại vớt riêng chiếc đầu cá để vào một chiếc đĩa nhỏ, đoạn nâng chén rượu, cạn một hơi, chỉ tay mời chúng tôi vào tiệc và căn dặn mãi:
- Các cậu nhắm đi! Lòng cá ăn trước, đầu cá ăn sau. Chừng nào
lòng cá hơi nguội, ta múc một thìa canh dấm nóng chan vào mà húp.
Nồi canh cá dấm đặt trên hỏa lò vẫn sôi sùng sục. Chúng tôi
ăn, chúng tôi uống, chúng tôi đặt đũa xuống, nâng bát lên, nhất nhất đều theo cử
động Tản Đà tiên sinh. Tuy nhiên, dù không ai bảo ai, chúng tôi cũng đều cảm thấy
đó là bữa ăn cá dấm ngon nhất đời.
Bộ lòng cá đã vơi quá nửa. Rượu đã phải chuyên thêm tới bầu
thứ ba. Thi sĩ Tản Đà càng uống nhiều càng như tỉnh táo thêm, và nói chuyện
càng, thêm hấp dẫn. Nhân vấn đề thưởng thức lòng cá, thi sĩ đã kể cho chúng tôi
nghe một cầu chuyện rất… Tản Đà, nghĩa là một câu chuyện điển hình thực lý thú
về cái nết độc đáo của Tản Đà trong việc ăn uống.
Có thời, tiên sinh đã ngồi dạy học ở một làng nọ, tuy xa Bất
Bạt nhưng cũng thuộc tỉnh Sơn Tây, cũng ở bên cạnh bờ sông Đà. Lũ môn sinh chữ
Hán, ngoài giờ học, còn phải hầu thầy cả những việc lặt vặt: điếu đóm, trà rượu
hàng ngày. Một hôm, có người đánh được con cá quả lớn còn tươi, đem biếu thầy đồ.
Vừa tan buổi học chiều. Tất nhiên lũ học trò liền có bổn phận xúm nhau vào ngả
con cá ra làm món nhắm để thầy xơi rượu. Ngồi dạy học ở nhà lạ, Tản Đà không tiện
xuống bếp “gà” cho môn đệ làm món ăn theo đúng quan niệm của mình. Cả lũ học
trò, toàn những con trai mới lớn, dẫu được ông thày tận tâm dìu dắt cho thông tỏ
nghĩa lý thánh hiền, nhưng không có cố vấn trong việc hỏa đầu, nên cả bọn hì hục
mãi, đến tối mịt mới xong được mâm rượu bưng lên mời thầy. Mâm rượu cũng khá trọng
thể. Con cá lớn được làm thành nhiều món: cá xào, cá rán, cá kho và cũng có cá
dấm. Gia vị cũng đầy đủ: rau cỏ miền quê vốn không hiếm. Duy thiếu mất một thứ…
Thiếu hẳn mất một thứ bất khả thiếu trong bữa tiệc cá! Và chỉ thiếu mỗi một thứ
đó mà cả mâm rượu trở nên vô vị, vô duyên, vô bổ. Y như một thiếu nữ điểm trang
diêm dúa mà thiếu mất… tấm lòng!
Thi sĩ Tản Đà hất hàm hỏi chúng tôi:
- Các cậu có biết mâm rượu thiếu mất cái gì không?
Chúng tôi đồng thanh đáp:
- Bộ lòng cá!
Tản Đà nhoẻn miệng cười, nhưng cặp lông mày vẫn nhíu lại:
- Phải, lòng cá! Lũ học trò dại dột của tôi tuy có “lòng” quý
trọng ông thầy, nhưng lại không biết tôn trọng “lòng” cá. Thực khó “lòng” tha
thứ cho lũ thiếu niên nhẹ “lòng” nhẹ dạ, vô tâm, vô tích sự như vậy!
Chắc là nhà thơ bị món lòng cá ảm ảnh, nên câu nói cũng lòng
thòng toàn những chữ thuộc về lòng với dạ…
Nhà thơ không thể chấp nhận một bữa cỗ “thiếu quy tắc” như thể
có thể gọi là một bữa cá “thất niêm, thất luật” Và, nhà thơ nhất định không cần
chiếu cố tới mâm rượu nữa. Lũ môn sinh ngơ ngác nhìn nhau lo lắng, tưởng rằng
đã làm điều gì lỗi đạo thánh hiền, khiến thầy phật ý, thầy chẳng thèm ăn. Vỡ lẽ
ra, các trò mới hiểu bụng thầy: chung qui chỉ tại bộ lòng con cá quả! Bộ lòng
cá đó, lũ học trò “thực bất tri kỳ vị” kia đâu có hiểu biết giá trị! Khi các cậu
làm cá ở bờ sông các cậu đã moi tuốt cả những cái gì lủng củng trong bụng cá vất
trên bãi cỏ.
Kết cục, ngay giữa đêm tối, thầy đã bắt trò phải đốt đuốc
sáng rực, lần ra bờ sông tìm lại cho kỳ được bộ lòng cá, để cho cá dấm có hồn.
May sao trêu bãi cỏ bờ sông vắng, bộ lòng cá vẫn còn nguyên vẹn. Lũ môn sinh hú
vía, hý hửng mang lòng cá về trình thầy. Lòng cá đó liền được luộc lên, canh dấm
hâm lại, và cuối cùng, lỉnh kỉnh mãi tới gần giờ Tý canh ba, mà thi bá của
chúng ta mới khởi sự nâng đũa, rung đùi cạn chén rượu thứ nhất một cách hài lòng.
Đó, câu chuyện khả dĩ coi là giai thoại về “nghệ thuật ăn”
trong đời Tản Đà. Thi sĩ vừa khề khà kể chuyện, vừa nhắm nhót, uống rượu, rung
đùi, vừa ép chúng tôi uống, giục chúng tôi ăn. Tới khi câu chuyện chấm dứt thì
bữa tiệc cũng gần tàn. Và từ đầu bữa ăn đến lúc ấy, tính ra có hơn ba tiếng đồng
hồ. Quá ngọ đã lâu, chúng tôi đành xin buông đũa, cáo thoái nhà thơ, vì chúng
tôi cũng không thể uống rượu nhiều hơn được nữa. Mặc chúng tôi đứng dậy, thi sĩ
Tản Đà vẫn cứ ngồi yên vị, vẫn cứ nhắm, vẫn cứ uống, vẫn cứ rung đùi…
Cho tới khi chúng tôi ra về, nhà thơ của sông Đà núi Tan vẫn
chưa ngừng uống.
Không ngờ hình ảnh đó lại là hình ảnh cuối cùng của thi sĩ Tản
Đà còn ghi lại trong ký ức tôi cho tới ngày nay, và không ngờ bữa rượu tri ngộ
đầu tiên với Tản Đà cũng chính là bữa rượu cuối cùng, bữa rượu duy nhất! Bởi vì
sau đó có hai mùa xuân, thi sĩ Tản Đà vĩnh viễn từ bò cuộc đời mà chúng tôi
chưa có dịp gặp lại tiên sinh, chỉ còn có thể tìm về với bóng hình quý mến xưa
trong kỷ niệm.
--------------------------------
Tản Đà mất năm 1939, hưởng thọ 51 tuổi. |
“CHIA NGỌT XẺ BÙI” CÙNG THẠCH LAM
1.- Sơ ngộ
Thuở đó; 1940, tôi vừa đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, cũng như ngưỡng cửa làng văn. Vốn liếng đóng góp mới chỉ có mười bài thơ đăng báo, một vài tùy bút, ít truyện ngắn đăng trên các tập san, giai phẩm xuất hiện bất thường, tất nhiên tôi chưa mấy quen với các văn thi hữu đi trước- thứ nhất đối với lớp người làm văn nghệ trước tôi cả chục năm trời và tên tuổi đang nổi, như nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Vậy mà một buổi sáng kia Thạch Lam đã tìm đến với tôi rất tự nhiên, rất bất ngờ, để rồi sau buổi gặp gỡ đầu tiên, anh đã trở nên thân thiết với tôi rất chóng.
Hơn hai mươi năm qua rồi. Ngày nay tôi còn tưởng như nhìn thấy trước mắt cũng như thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy hiển hiện trong những giấc chiêm bao, cái dáng cao và mảnh của anh, chiếc mũ “Fléchet” đội rất thích hợp với khuôn mặt thanh tú, sống mũi thẳng, nước da trắng xanh, cặp mắt to và hàng mi dài -vóc dáng ấy hiện đến một lần để rồi mãi mãi tưởng chừng vẫn còn chiếm riêng một vị trí nào đó trong không gian và cả thời gian. Có lẽ chính vì con người Thạch Lam không còn là một hình hài hữu thể, cho nên không bị hủy diệt, không hề đổi thay.
Tôi vẫn biết Thạch Lam ở cùng một khu ngoại ô Yên Phụ với tôi. Anh ở trong làng, ngay bên bờ Hồ Tây. Tôi ở ngoài lộ, đứng trên sân thượng cũng nhìn thấy Hồ Tây như một tấm gương lớn phía trước mặt, và sông Hồng Hà như một giải lụa uốn mình phía sau lưng. Nếu tính đường thẳng, từ nhà Thạch Lam tới nhà tôi, cách nhau chỉ một khoáng trời thu hẹp, chiều dài chưa quá trăm thước. Từ căn phòng nhỏ của tôi, trên lầu, ngồi bên cửa sổ, tôi có thể trông thấy khói bếp nhà anh và cả ngọn khóm tre đầu cổng nhà anh in lên nền trời. Hàng ngày, tôi vẫn thường nhìn thấy bóng anh đi khoan thai trên con đường gạch đỏ lượn khúc xa xa lúc ẩn, lúc hiện, mỗi khi anh từ trên phố về hoặc từ nhà dạo lên đường cái.
Tuy nhiên, khi cái bóng ấy đột ngột hiện ra trước khung cửa phòng tôi (căn phòng nhỏ chênh vênh trên gác cao từng bị Huy Cận và Xuân Diệu gọi là cái tổ chim) tôi không khỏi ngạc nhiên một cách thú vị. Thạch Lam tìm đến với tôi, như đến với một người bạn quen thuộc từ lâu. Anh nắm tay tôi thân mật, vừa nhìn quanh gian phòng tổ chim một hồi, vừa cười nói:
- Thì ra chúng ta là hàng xóm láng giềng với nhau, gần nhà, xa ngõ…
Không kiểu cách, không khách sáo chút nào, anh tự giới thiệu và nói cho tôi biết lý do anh tìm đến gặp tôi. Trong khi chúng tôi yên trí rằng những người làm văn nghệ đi lớp trước chúng tôi, thứ nhất những người đã nổi tiếng như nhóm Tự lực Văn đoàn và như Thạch Lam, hẳn chẳng bao giờ để ý tìm hiểu những kẻ đến sau thì trái lại, Thạch Lam không hề có thành kiến phản biệt lứa tuổi, Thạch Lam vẫn nhìn bao quát tất cả mọi hướng trời, vẫn theo dõi từng bước đi của bọn chúng tôi mệnh danh là “thế hệ trẻ” thời đó. Với cặp mắt quan sát rất tế nhị mà khoan hòa, tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” đã không bỏ qua từ sắc thái, từ chi tiết, từ mỗi biến chuyển hết sức mong manh của đô thành văn nghệ. Và Thạch Lam đã không bỏ qua tới cả một đoạn tùy bút nhỏ của một cây bút mới. Anh cho tôi biết, tình cờ anh đọc được ở một đặc san, giai phẩm không định kỳ nào đó, một đoạn tùy bút hay phiếm luận gì đó của tôi, bàn về vấn đề thưởng thức “quà Hà Nội”, nghĩa là góp thêm ý kiến cùng tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường…” Anh lấy làm khoái ở một vài điểm, cho nên anh phải đích thân tới kiếm tôi để thảo luận cho vấn đề thêm sáng tỏ…
Anh còn cho biết thêm: Anh đã có đọc những văn thơ của tôi đăng tải trên các sách báo. Anh hỏi thăm, và được… bác hàng phở đầu Ô Yên Phụ mách cho biết chỗ của tôi …
Cuộc nói chuyện giữa Thạch Lam với tôi trong buổi sơ ngộ ấy dĩ nhiên không thiếu hương vị đậm đà, vì toàn về nghệ thuật… ẩm thực- nghệ thuật tạo miếng ăn ngon, và phép tắc ăn sao có nghệ thuật.
Khi đứng lên ra về, Thạch Lam gật gù tỏ vẻ hài lòng, và mỉm cười một cách hóm hỉnh:
- Trên phương diện lý thuyết, chúng ta có thể “đồng vị” nhau ở nhiều điểm. Nhưng phải cần có “thực hành” (anh nhấn mạnh chữ “thực” … ) Vậy chiều nay không gì bằng mời anh qua tệ xá uống chơi với nhau dăm chén rượu, nhân thể họp mặt cùng vài người bạn “tri kỷ, tri vị…” để rồi, vừa ăn uống, vừa mạn đàm, nó mới sáng thêm ra cái chân lý của nghệ thuật… ăn!
Tôi cảm động vì giọng nói rất ấm và thành thật của anh, liền nhận lời. Thực quý báu biết bao nhiêu, tấm lòng rộng mở thiết tha của anh Thạch Lam đối với nghệ thuật ở mọi địa hạt, trên mọi cương vị! Và đối với người nghệ sĩ của Cái Đẹp Toàn Diện như Thạch Lam thì lựa chọn một món ăn ngon cũng có giá trị không kém gì viết một câu văn truyền cảm, và khám phá được một thứ mỹ tửu cũng quan trọng ngang với gieo được một vần thơ trác tuyệt, hoặc tìm thấy một người bạn hiền.
Nhưng, tôi chợt nhớ trong cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” hình như Thạch Lam có viết một câu hàm xúc ý nghĩa chẳng khác châm ngôn:
“Bạn hãy nói cho tôi biết bạn ăn uống ra sao, tôi sẽ bảo cho bạn rõ bạn là người thế nào…”
Bất giác liên tưởng tới bữa rượu buổi chiều do Thạch Lam mời mặc dầu mời rất ân cần, rất thành tâm tôi vẫn cứ áy náy không yên. Thật tình, từ lúc đó tôi mới nhận thấy cái việc ăn uống nhiều khi cũng… mệt không khác làm thơ!
II.- SÓNG RƯỢU HỒ TÂY
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cái phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh…
(thơ Huyền Kiêu)
Ở sát cạnh Hồ Tây, làng Yên Phụ nhỏ, xinh như một bán đảo, gần nửa làng chạy vòng theo bờ nước. Hầu hết dân làng đều làm nghề trồng hoa. Mỗi năm, gần đến tết, đi dạo quanh làng, có thể tưởng như lạc tới một hoa thôn trong cổ tích. Nhà nào cũng thấp thoáng bóng đào hồng, mai trắng bên thềm, và liễu xanh rủ buông mành trước gió, và cúc vàng rực từng luống trong vườn, với đủ các thứ hoa sắc màu rực rỡ: cẩm chướng, phù dung, tường vi, lan huệ…, và đặc biệt dưới những giàn hoa lý, trên sân gạch, từng hàng chậu hoặc bát thủy tiên bầy san sát, lá non vươn lên như bích ngọc.
Yên Phụ, theo ý tôi, có thể là một trong những làng đẹp nhất của miền ngoại thành Hà Nội. Mà từ làng vào thành phố cũng gần. Chỉ vòng con đường gạch đỏ, lên mặt lộ đi chừng hai trăm thước là tới cửa ô, tiếp liền với đường Cổ Ngư thơ mộng…
Trong năm cửa ô của Hà thành, Ô Yên Phụ, theo ý nhiều người lại cũng được coi là cửa ô đẹp nhất, và sạch nhất, ít phồn tạp nhất, khu vực ấy quả là chỗ ở lý tưởng của văn nghệ sĩ.
Căn nhà của Thạch Lam ở ngay khúc đầu làng Yên Phụ soi bóng xuống Hồ Tày. Nhà mái tranh cổng gỗ, giữ nguyên vẻ thanh bạch, cổ sơ tuy rằng, nếu muốn, có lẽ chủ nhân lợp mái ngói, xây tường gạch cũng không khó: chính Thạch Lam từng nói với bạn bè như vậy. Nhưng cái bản chất giản dị ưa thanh đạm của Thạch Lam không muốn thế- bản chất thuần phác của một kẻ sĩ, dù không nhất thiết giữ thái độ “vong bần lạc đạo” cũng sẵn sàng sống theo cái tiết điệu nhu thuận nhịp nhàng của thiên nhiên. Bởi vậy Thạch Lam không hề có mặc cảm về sự “ở nhà tranh” của mình, cũng như chẳng bao giờ bận tâm về sự “ở nhà lầu” của người khác. Đối với anh hình như sống trưởng giả trong cảnh giàu sang không khó, mà tạo được cái nghèo cho có… nghệ thuật mới đáng kẻ nghèo nhưng vẫn thanh lịch, nghèo nhưng vẫn không thấy là khổ, nghèo mà vẫn không thấy mình nghèo! Anh thường trầm ngâm tuyên bố:
- Ở được nhà lá, nằm được giường tre, ăn được rau đậu, mà vẫn tìm thấy cái đẹp của mái lá, cái êm của giường tre, cái ngon của rau đậu, mới kể là biết sống có nghệ thuật.
Sự thật, tuy nhà tranh nhưng ngăn nắp sáng sủa, có đủ cửa kính lẫn cửa chớp, có thềm cao, với một khoảng sân nhỏ mấp mé ngay bờ hồ, với cây liễu rủ cành lá xuống nước, và khóm tre xào xạc đầu cổng…
Tôi đã ngủ nhiều đêm dưới mái nhà ấy, và canh khuya, khi cái tiếng vọng mơ hồ của thành phố xa xa lắng dần vào không khí óng ả của vùng hồ nước mát rượi, nằm nghe nhịp sóng vỗ vào bờ thao thức, nghe hơi thở uyển chuyển của gió mùa qua khóm tre, tôi cảm thấy những thời khắc đó thực đáng quý, khung cảnh đó thực dịu lành mà quyến rũ, và tôi hiểu thấm thía tại sao Thạch Lam không muốn đổi ngôi nhà tranh của anh lấy bất cứ một lâu đài, dinh thự nào. Khi chỗ ở đã có một linh hồn, thì mỗi góc nhà, mỗi xó cửa, cho tới từng mô đất, từng bậc thềm, từng đám rêu, từng ngọn cỏ đều như có kết đọng một phần tính chất con người, và cũng có thể sinh hóa, truyền cảm như người. Tôi không thể không nói nhiều tới ngôi nhà của Thạch Lam, vì không riêng gì chủ nhân, không riêng gì tôi, còn bao nhiêu linh hồn thanh khí khác từng gặp gỡ nhau ở đấy, từng để lại bao nhiêu kỷ niệm; và những kỷ niệm, những bóng dáng, những tiếng vang, những dấu vết của một ngày xưa không bao giờ trở lại, dưới mái lá đơn sơ của ngôi nhà trong làng Yên Phụ, một thời từng làm nên cái quá khứ huyền thoại của chúng tôi ít nhất cũng ấp ủ những thiên giai thoại hào hứng chung quanh mối giao tình tri kỷ đượm ngát hương trà và say nồng men rượu.
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Ngôi nhà tranh của Thạch Lam, tôi còn muốn gọi là “ngôi nhà lịch sử”, vì ở đấy tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” đã sống một phần đời có lẽ sôi động nhất, cởi mở phóng túng nhất phần chót cuộc đời anh, trước khi anh chính thức đi vào lịch sử, nghĩa là đi vào thiên cổ. Cùng trong khoảng thời gian đó, một năm trước khi anh ngọa bệnh rồi từ trần, bên cạnh Thạch Lam còn quy tụ một số khá đông anh em văn hữu. Những người ít nhiều đã từng đóng góp vào cả văn học cùng lịch sử xứ này, trong căn nhà có liễu rủ trước thềm kia, vẫn thường họp mặt nhau hàng ngày, nhiều khi thâu đêm suốt sáng, và sóng nước Hồ Tây cũng đã từng phen hòa cùng sóng rượu giao tình, nổi cồn men say ngây ngất. Hình như ngọn lửa hào hứng trong lòng Thạch Lam, tựa ngọn đèn trước khi tắt, chợt bừng sáng lên mãnh liệt một lần cuối cùng, khởi sắc và linh động khác thường, ánh sáng tràn đầy sinh khí và tỏa rộng tinh anh, hấp dẫn như toát ra một điện lực kỳ lạ, khiến bè bạn gần anh hồi đó đều nhận thấy anh như sống thoát hẳn cái bản ngã trầm mặc cố hữu.
Viết về Thạch Lam nhà văn Đỗ Đức Thu đã có những nhận xét như sau:
‘‘Hình như Thạch Lam sống với văn chương, với sách vở báo chí hơn là sống với người đồng thời. Những người biết Thạch Lam, cả đến các bạn làng văn, đã gán cho anh tiếng quả giao, đã chê cái thái độ mà họ cho là hiếu kỳ, khủng khỉnh. Sự thực không phải thế. Thạch Lam là người giàu tình cảm, chỉ vì trường đời tạo cho anh cái thái độ dè dặt, bắt anh sống cái đời con ốc trong một vỏ kín bưng. Vì cái tâm hồn phong phú, cái đời tầm thường rồi rào ấy để có lần sống cởi mở với thế nhân, đã sống hoang toàng rộng rãi để rồi chịu những thương tích nó làm giảm dần lòng tin tưởng ở người đời. Tránh sao khỏi điều đó, khi một tâm hồn thanh tú, một con tâm mà một hơi gió, một ánh trăng đều rung động nổi, phải trực tiếp va chạm với những khắc nghiệt của cuộc đời thực tế.’’
Thạch Lam rất thận trọng trong việc giao du. Bè bạn của anh có thể đếm trên bàn tay. Thỉnh thoảng mới có người tìm đến cái nhà cạnh bờ Hồ Tây, phần nhiều cũng trầm lặng như chủ: đó là những người có thể ngồi im hàng giờ cạnh khay, trà, đã đạt tới cái thuật “đối diện đàn tâm” của các bậc túc nho…
Thường nhật trước kia là như thế: Đúng như nhận xét của Đỗ Đức Thu, vì họ Đỗ là một trong số những người bạn ít ỏi tri kỷ với Thạch Lam, một người bạn “đồng tịch đồng sàng” của thời kỳ “thập niên đăng hỏa”. Nhưng, từ khi tôi quen biết anh và có dịp sống gần anh thân thiết, vào thời kỳ anh tự ý lìa bỏ ngọn “lửa giường”, tôi nhận thấy anh trẻ lại rất nhiều, và hồn nhiên, cởi mở, và phóng khoáng buông thả không dè dặt: Anh đã thoát ra ngoài “cái vỏ ốc” ngày nào để trở về cùng bản chất sơ khai vẻ thuần khiết của một kẻ hào sĩ đầy nhiệt tình, một nghệ sĩ toàn vẹn, đáng yêu hơn bao giờ hết.
Đó là thời kỳ mà cả mấy tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Chủ Nhật đều đóng cửa. Nhóm Tự lực Văn đoàn vẫn còn hiện diện đủ mặt, nhưng bị ngăn cấm ra báo nên chỉ còn hoạt động về xuất bản. Theo quyết định chung, công việc điều khiển nhà xuất bản Đời Nay sẽ luân phiên do mỗi người phụ trách một thời gian. Dạo đó tới phiên Thạch Lam đang giữ trách nhiệm điều khiển nhà xuất bản. Một phần có lẽ công việc cũng nhàn, nhưng một phần, hẳn là do cái phong độ ung dung thư thái của Thạch Lam, nên chẳng bao giờ tôi thấy anh tỏ vẻ bận rộn, và cũng chẳng bao giờ tôi thấy anh cho là quan trọng bất cứ việc gì.
Hàng ngày, công việc mà anh để ý tới nhất là, ngay từ sáng sớm trịnh trọng sửa soạn khay trà, để cùng với mấy người bạn tri kỷ ngồi nhìn ra Hồ Tây mù sương trong khi đối ẩm. Để rồi sau đó lại cùng nhau họp mặt quanh mâm rượu, và cùng nhau say ngất ngưởng suốt từ sáng tới chiều. Cứ như thế đã thành cái lệ thường xuyên, trong suốt một năm trời, trước khi ngọn lửa hào hứng kỳ lạ trong anh chợt tắt theo cuộc sống.
Những người bên văn nghệ mà tôi thường gặp ở nhà Thạch Lam dạo đó là: Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ (cùng cả vợ '“nhỏ” là nữ kịch sĩ Song Kim), anh bạn thơ Huyền Kiêu, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Đức Thu. Đoàn Phú Tứ, đôi khi Nguyễn Xuân Xanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, và một lần, Nguyễn Tuân, một lần Nguyễn Đỗ Cung…
Tất cả những người kể trên đều có lần tụ họp tại nhà Thạch Lam, thường thường quanh mâm rượu, thỉnh thoảng quanh chiếu tổ tôm hay cạnh khay trà. Ở địa vị chủ nhân, tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” thực đã xứng đáng với cái danh “Hào sĩ” mà chúng tôi tặng anh. Hết sức hào phóng, lịch thiệp mà vẫn thân mật, ân cần với tất cả mọi người, bao giờ anh cũng giữ một nụ cười rất đạt trên môi, và lúc nào cũng nhã nhặn, thủ thỉ, ngay cả trong những cuộc rượu bốc nhất. Mặc dầu có những chầu rượu say đảo lộn cả trời đất lẫn cửa nhà dốc ngược cả khóm tre, cây liễu với Hồ Tây… Thạch Lam vẫn không hề nói lớn, và nhất là không… gây chuyện với ai. Trong khi Khái Hưng đấu khẩu cùng Thế Lữ, Trần Tiêu cãi lộn với Khái Hưng. Thế Lữ gây sự cùng tôi, Huyền Kiêu lại gây nhau với Thế Lữ, và chúng tôi cà khịa với cả Đoàn Phú Tứ cùng Nguyễn Tuân… thì Thạch Lam chỉ điềm nhiên nâng chén tiếp tục uống, và mỉm cười khuyến khích mọi người uống, nhiều thêm. Dường như anh còn khích lệ cho cả mọi người cãi nhau hăng hơn, tuy rằng anh không dự cuộc… Anh vẫn ngồi rất chỉnh, đưa cặp mắt hóm hỉnh xét đoán phong cách “ăn nói” của từng người. Anh “đánh giá” bạn bè ở tửu lượng của họ, và chúng tôi thường bảo nhau:
“Nếu không biết uống rượu cho sảng khoái và không biết ăn cho… đẹp, có lẽ không thể nào là bạn thân của Thạch Lam”.
°
Tôi không bao giờ quên được bữa rượu hội kiến đầu tiên bữa đó có mặt: Nhất Linh, Thế Lữ, anh chàng Huyền Kiêu (tác giả bài thơ Tương Biệt Dạ), Thạch Lam và cả nữ kịch sĩ Song Kim (chỉ ăn thức nhắm mà không uống)…
Thoạt đầu, chúng tôi còn uống rượu Rhum pha với nước trà đường với từng lát chanh thái mỏng, theo kiểu “grog” nóng. Uống từ 6 giờ chiều tới 12 giờ đêm thì Thế Lữ bỏ cuộc, cùng vợ (nhỏ) trở về nhà riêng cũng ở trong làng Yên Phụ). Còn bốn người vẫn tiếp tục uống, cho tới 3 giờ sáng thì cả rượu Rhum cùng thức nhắm đều hết nhẵn. Nhất Linh tuy vẫn chưa có vẻ say chút nào tỏ ý muốn đi ngủ, và anh ra nằm ở chiếc võng giữa nhà, ê a ngâm thơ, mặc Thạch Lam, Huyền Kiêu và tôi xoay ra uống rượu Văn Điển suông với nhau. Khuya lắm, người nhà Thạch Lam đã ngủ yên hết, ba chúng tôi còn loay hoay xuống bếp nướng mực và mò gầm giường lấy dưa chua trong vại ra nhậu. Dần dần, cả mực nướng lẫn dưa chua đều vợi hết, chúng tôi liền vặt luôn những cánh hoa sen cắm trong lọ mà nhắm… Hết cánh hoa, đến nhụy hoa, rồi đến cả những hương sen mới nhú cũng biến thành món nhậu.
Tới lúc đó thì trời cũng vừa sáng. Thạch Lam kêu người nhà đi mua thêm đồ nhắm. Anh Nhất Linh đã tỉnh ngủ từ bao giờ, lại ung dung ngồi vào dự cuộc. Trong khi chúng tôi đều say mèm, thì Nhất Linh vẫn sung sức, dẻo dai như khi mới bắt đầu uống. Tuy anh có tạm “nghỉ giải lao” từ đêm tới sáng, nhưng phải nhận rằng tửu lượng Nhất Linh thực cao: Vừa chớm bình mình, anh đã lại góp mặt cùng chúng tôi hội ẩm, và từ lúc này anh uống rất thực thà, nhiều gấp đôi chúng tôi. Anh bảo: Như thế, để… đuổi bắt kịp cả làng, bù vào quãng thời gian tạm nghỉ ban đêm… Và, cứ như thế, cuộc rượu bốn người kéo liền một mạch tới đúng 12 giờ trưa. Xin thú thực: tới lúc này, trí óc tôi không còn đủ minh mẫn nữa. Hai mắt tôi đã mờ vì cơn say thấm thía, nhìn mọi vật chỉ còn thấy linh lung bóng dáng… Những gương mặt quen thuộc đều nhòa đi như nhìn qua lăng kính. Vậy mà tôi vẫn còn nhớ - có lẽ bằng một thần trí hay một linh giác nào đó của riêng người say và tôi nhớ rõ ràng, nhớ chắc chắn rằng: Tất cả những người khác, cùng say lảo đảo không kém gì tôi. Thạch Lam với Huyền Kiêu rót rượu đày tràn cả ra ngoài miệng chén. Nhất Linh giằng lấy chai rượu, đem giấu vào góc tủ. Tai tôi còn nghe rõ tiếng anh nói: “Thôi đấy nhé! Hết rượu rồi, không ai được uống nữa!”. Đoạn Nhất Linh kêu nóng- có lẽ chính anh cũng say khá kịch liệt- anh cởi phăng ngay áo ngoài, và mình trần, quần cộc, anh chạy ra sân, nhẩy tùm xuống Hồ Tây mà bơi ào ào, như một thể thao gia có hạng. Ở dưới nước, cách bờ tới dăm chục thước, anh lớn tiếng nói vọng lên:
- Các tửu đồ! Có hứng, thử nhẩy xuống hồ này vùng vẫy chơi cho mát!
Tức thì tôi cũng thoát y, mặc “sì líp” nhẩy đại xuống hồ theo Nhất Linh, và trong cơn say bừng bừng da thịt, tôi cũng rẽ sóng mà bơi thục mạng, mắt nhắm mắt mở nhằm hướng Nhất Linh mà bơi! Nhờ trời, từ thuở nhỏ tôi đã biết bơi khá thạo, nên không đến nỗi chết đuối. Nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao tôi không “trúng lạnh” hay “phải gió, ngộ cảm”, hoặc bị “chuột rút” cứng đờ cả thế xác ngay trong nước? Không quay lơ, chìm nghỉm dưới Hồ Tây dạo đó, quả thực số tôi may mắn lạ lùng!
Nhưng dạo đó, tôi đâu biết nguy hiểm! Tôi chỉ thấy tức khí, muốn trổ tài bơi vượt anh Nhất Linh cho thiên hạ phục lăn, (chứ không phải để chính mình có thể lăn đùng!) Từ phía xa xa nhấp nhô giữa làn sóng lấp lánh bạc, tôi thấy Nhất Linh vung tay vẫy gọi, và anh nhoài mình bơi thật nhanh tới gần tôi. Còn cách nhau chừng dăm thước, và cách bờ ngoài ba chục thước, Nhất Linh thách thức:
- Tôi với anh bơi thi từ đây vào bờ, xem ai thắng?
Cố nhiên tôi ra sức thi đua liền. Lời thách thức của Nhất Linh đã có hiệu quả khích cho tôí trở về bờ, trong khi đó anh vẫn bơi kèm sát theo tôi, đề phòng bất trắc. Cả hai về gần tới bờ cùng một lúc. Nhất Linh cố ý bơi thụt lại, để kém tôi nửa sải tay.
Thạch Lam và Huyền Kiêu đứng dưới gốc liễu, cùng nâng cao ly rượu, và cùng… đổ rượu xuống Hồ Tây, cả hai đồng thanh nói giọng say nhè:
- Hay lắm! Thưởng cho kẻ nào về nhất cả hai ly rượu vừa rồi!
Chúng tôi đặt chân lên bờ. Nhất Linh khoát cánh tay tôi dìu vào trong nhà, ân cần lấy khăn tắm cho tôi lau khô mình, và giúp tôi mặc quần áo, đúng như một người anh cả săn sóc cho đứa em hư…
Trước khi ngã lăn ra giường và ngất lịm đi, tôi còn nhớ mang máng: cả Thạch Lam và Huyền Kiêu cũng nằm thẳng cẳng bên cạnh tôi như hai cái tử thi, trong lúc anh Nhất Linh lúi húi lấy vôi lần lượt bôi vào gan bàn chân cả ba người.
Bên tai tôi vẳng tiếng chị Thạch Lam nói:
- Đúng mười một cái vỏ chai Văn Điển!
3.- MEN XUÂN QUÊ NHÀ THẠCH LAM
Quê Thạch Lam ở Cẩm Giàng (Hải Dương). Mùa xuân năm đó (1942), mồng ba Tết, chúng tôi rủ nhau về họp mặt tại quê anh. Trong một ngôi nhà gạch kiểu ánh sáng, quang đãng mà ấm cúng, giữa một vườn cây nhiều hoa trắng, chúng tôi quây quần thù tạc. Ngày Tết ở miền quê, không khí gia đình hoà lẫn vào không khí thân hữu, tự nhiên đượm một phong vị vừa thân mật, vừa sảng khoái.
Bọn chúng tôi gồm có: cặp vợ chồng kịch sĩ và thi sĩ Song Kim-Thế Lữ, cố văn sĩ Khái Hưng, cố văn sĩ Trần Tiêu, ông Hoàn, quản lý Nhà xuất bản Đời Nay, anh bạn thơ Huyền Kiêu, bác sĩ kiêm nghệ sĩ Nguyễn Tường Bách, Thạch Lam và tôi.
Trong bọn thì tôi ít tuổi nhất, nên những người kia đổi ý gọi tôi là tiểu tử (Benjamin) để rồi lại gọi trệch đi là… tửu tử.
Bữa rượu đầu xuân năm ấy, phải nói rằng, chúng tôi đã uống với tất cả chất men đầy ngây ngất bốc lên từ từ chính tấm lòng xuân phơi phới của mình, hòa với cái say của hương khói trong nhà, của mưa bụi ngoài trời, của lá hoa thơm hiền dịu, của mùi thơm cây cỏ ngoài vườn…
Câu chuyện “văn nghệ” điển hình nhất của chúng tôi tất nhiên khởi sự chung quanh… Mâm cỗ Tết, có đủ các trân vị đặc biệt của Tết Việt Nam thuần tuý bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, cá kho, giò thủ, thịt đông, cùng các món nấu cổ điển trình bầy rất hòa diệu. Bởi vì đây là cỗ Tết của gia đình tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” nhà văn đã nâng cao vấn đề ẩm thực lên thành một nghệ thuật tinh vi.
Chúng tôi đều biết cái khiếu thưởng thức món ăn của Thạch Lam rất tế nhị, và chúng tôi thường nói đùa rằng: “Thạch Lam ăn có nguyên tắc, uống có lập trường, và phê bình vấn đề ăn uống với một quan niệm siêu đẳng…”
Tôi không bao giờ quên cái dáng điệu ngồi rất đẹp của anh, khi nâng chén: cái đầu nghiêng nghiêng, cặp mắt lim dim, anh rung đùi nhắc lại một câu mà anh đã viết trong Hà Nội băm sáu phố phường: “Hãy bảo cho tôi biết bạn ăn uống ra sao, tôi sẻ nói cho bạn rõ bạn là hạng người nào”.
Chúng tôi đồng thanh lấy giọng ê a như ngâm thơ, và cùng gõ nhịp đũa xuống mâm, đọc to câu đó lên trước khi cạn chén, để rồi gật gù kết luận rằng đó là một câu “danh ngôn” đắc ý nhất của “danh sĩ” Thạch Lam.
Tôi cũng không quên được cái chất men rượu xuân năm ấy, sánh quyện đầu lưỡi, ngọt lừ mà tê lịm, có thể cứ uống mềm môi mà say ngất lúc nào không biết. Rượu đựng trong những nậm sử cổ, rót vào chén nhỏ men trắng như ngọc, càng tôn thêm phẩm chất và hương vị. Trong đời tôi, có lẽ chưa bao giờ được uống thứ rượu ngon như thế. Phải chăng vì rượu có thấm đượm cả cái men xuân kỳ diệu? Nhưng không phải tôi tự huyễn hoặc. Tất cả những người khác cũng đều công nhận là rượu ngon lắm: thuần chất hơn Mai Quế Lộ, say hơn Thanh Mai, thanh khiết hơn hết các thứ rượu cúc, rượu cẩm, và cố nhiên không nên so sánh với rượu Tây, vì đây là chất men hợp với huyết thống con người Đông Phương trầm mặc.
Uống rượu ngon thì biết là rượu ngon duy không ai đoán biết là rượu gì! Thạch Lam cười bí mật, gọi người nhà bưng cả vò rượu lớn ra, chỉ vào mảnh giấy hồng điều dán làm nhãn hiệu có viết bốn chữ nho “Đào Lê Mỹ Tửu”. Anh nghiêm trang giải thích:
- Đào Lê Mỹ Tửu là rượu ngon, đành rồi! Còn Đào không phải là quả Đào với quả Lê, mà còn nói lái lại, chỉ là Để Lao: Để Lao là nhà tù, ai mà không biết? Thứ rượu này dẫn người ta đến nhà tù dễ như bỡn, vậy chỉ là rượu ngang, rượu lậu thuế!
Chúng tôi cùng phá lên cười, và hô lớn:
- Đào Lê Mỹ Tửu Vạn tuế!
- Đả đảo Tây Đoan!
Nói đến Tây Đoan, lập tức mọi người nhớ ngay đến anh chàng thi sĩ tác giả Thơ Thơ là Xuân Diệu, mà kịch sĩ Đoàn Phú Tứ gọi là Xuân Rượu, vì hồi đó Diệu vừa thi đậu làm cò-mi Đoan, và Diệu đã được làng văn tặng cho hai câu thơ:
Đương làm thi sĩ hóa tây Đoan
Nửa mặt nhà thơ, nửa mặt quan…
Nói đến Tây Đoan, người ta còn truyền tụng với nhau câu chuyện sau đây: “Đêm giao thừa, Xuân Diệu và Huy Cận đã rủ nhau về ăn tất niên ở Cẩm Giàng, quê nhà Thạch Lam, nghĩa là cũng ở gian nhà mà chúng tôi đang họp mặt. Hai anh chàng Xuân và Huy đã cùng thức trắng đêm bên cạnh nồi bánh chưng, để rồi, khi bánh vừa luộc chín, một mình nhà thơ Xuân Diệu đã ăn sốt sột hết đúng… bốn cái bánh chưng lớn còn nóng hổi, bốn tấm bánh chưng lớn vừa bằng 4 viên gạch lá nem vuông vắn, mỗi chiều xấp xỉ 20 phân tây, bề dầy ít nhất cùng 3, 4 phân tây! Thành tích “ăn” đó có thể coi là kỷ lục xuất chúng ở vào cái thời đã khuất bóng cụ Lê Như Hổ.
Người ta kinh dị mà kể với nhau câu chuyện “Thi sĩ Xuân Diệu (họ Ngô) một mình ăn hết bốn tấm bánh chưng cỡ lớn, và ăn liền một mạch như voi cuốn, ăn thẳng thừng không ngẫm nghĩ, không suy tư, tất nhiên là không cần “ăn có lập trường” như Thạch Lam!”
Câu chuyện rất thực, không phóng đại mảy may. Chính Thạch Lam, xưa nay vẫn được tiếng là không nói phiếm bao giờ, cũng phải xác nhận là đúng. Anh chép miệng phê bình bằng một nửa câu danh ngôn bất hủ: “Hãy nói cho tôi biết bạn ăn uống ra sao…”. Và anh bỏ lửng câu nói để thay thế bằng một nụ cười đầy ý nghĩa.
Thạch Lam, cũng như Khái Hưng, cũng như Trần Tiêu, không sống lâu trên cõi đời để mà chứng kiến bao nhiêu lớp tuồng ảo hóa kỳ khôi xảy đến những năm sau này. Để mà có dịp nhận thấy rằng “Con người văn nhân thi sĩ mà ăn liền được một lúc bốn tấm bánh chưng lớn tất phải là con người đã mang sẵn cái chất… duy vật vô sản trong máu huyết”.
Quả nhiên không phải là chuyện dị thường! Có phải chăng, anh Thạch Lam, người nghệ sĩ giờ đây đã thoát hẳn mọi ràng buộc của vật thể, để chỉ còn… “ăn hương, ăn hoa” vô cùng thanh khiết?
4.- CƠN SAY CHƯA TỈNH
Những cơn say như thế cứ liên miên tiếp diễn, suốt một năm trời. Không mấy ngày, từ căn nhà nhỏ bên bờ Hồ Tây, không vang lên những tiếng cười, những tiếng ngâm thơ, có khi cả tiếng đàn, nhịp phách cùng tiếng hát đào nương. Dạo ấy Nhất Linh chưa trốn sang Tàu, Khái Hưng chưa bị bắt đưa đi Vụ Bản, Thế Lữ vẫn còn ở cùng một khu, Trần Tiêu ở Hải Dương mỗi tháng thường lên Hà Nội vài ba chuyến, Nguyễn Tường Bách tuy sắp thi ra bác sĩ nhưng thực chất cũng nghệ sĩ không kém gì mấy ông anh ruột: Giữa những người đó, cuộc tụ họp nhau hàng ngày tại nhà Thạch Lam đã hầu thành một cái lệ cần thiết, từ khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn nghỉ ra báo. Riêng Huyền Kiêu và tôi, gần Thạch Lam rồi thân với Thạch Lam giữa thời kỳ anh phải ngừng hoạt động về báo chí, mối giao dịch của chúng tôi cũng thuần khiết hơn, nhất là cùng có hoàn cảnh và thì giờ để kết chặt thêm những niềm cảm hòa điệu từ tâm linh thầm kín. Chúng tôi ăn, ngủ lại nhà Thạch Lam như ở gia đình mình. Hơn thế nữa, vì có khi ở chính gia đình mình còn không được… say sưa nghiêng ngả bằng.
Tới đây, tôi không thể không nhắc tới chị Thạch Lam 1 , mà chúng tôi vẫn gọi là “Chị Lân” và thành thực quý mến như một bà chị ruột. Chị quả là một bậc hiền phụ, một người đàn bà Việt Nam điển hình, theo kiểu bà vợ Tú Xương:
“Nuôi đủ năm con với một chồng…”
Chính nhờ bàn tay nội trợ đảm đang của chị mà Thạch Lam mới sống được trọn vẹn cuộc đời nghệ sĩ phóng dật của mình. Và chị cũng phải thuần hậu lắm mới có thể chịu đựng nổi lũ “thiếu niên tửu quỷ” trong số bè bạn “vô công rỗi nghề” của chồng. Không những luôn luôn chị phải bận rộn làm thức ăn ngon, món nhắm tốt cho họ thưởng thức, mà tới khi họ say, chị còn phải lo… dọn đẹp, nếu họ nôn mửa, và chuẩn bị xoa dầu nóng, bôi vôi, nếu họ trúng gió. Hơn nữa, có nhiều khi chị còn phải lo cả cái việc phiền toái mà thông thường nhất ở đời là cái việc… chạy tiền, cái việc điều hòa ngân quỹ gia đình mà tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” có thể quên lãng! Chao ôi! với nếp sống thanh bạch của một nhà văn chỉ sống chuyên bằng ngồi bút tiểu thuyết -mặc dầu được tiếng có tài rất nhiều, nhưng sách lại bán rất ít - chị Thạch Lam ngày ấy hẳn đã từng phen phải hy sinh cực nhọc bao nhiêu để giữ cho chồng nguyên vẹn cái tiết tháo của một “phong lưu hàn sĩ”, để rồi lại gây được cả cái mỹ hiệu là tay “hào sĩ” một thời. Là vợ của một văn sĩ chưa hề nhận quan trước triều đình như Mạnh Thường Quân hay Bình Nguyên Quân thuở xưa, chị cũng vẫn tạo được cái tác phong “năm ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ”, và “mỗi ngày một… bữa rượu thường xuyên”, dù chỉ rau đậu sơ sơ, nhưng thịnh tình đôn hậu và không khí chân thành của ngôi nhà bé nhỏ ở đây là những yếu tổ mà Bình Nguyên Quân và Mạnh Thường Quân chưa dễ đã tạo nổi một cách hồn nhiên, không vụ lợi như chị!
Nếu sóng nước Hồ Tây đã cò lần hoà lẫn với rượu, thì tấm lòng biển rộng của chị Thạch Lam cũng phải thông cảm bao dung lắm với lũ người say chúng tôi, mà chính anh Thạch Lam là một kiện tướng. Thạch Lam say cùng chúng tôi cơn say dài, trước khi nhập vào Đại mộng. Như vậy, có nghĩa là anh mang theo cả cơn say sang thế giới bên kia, để không bao giờ tỉnh lại nữa. Có lẽ linh tính hay linh giác anh đã đoán thấy, cảm thấy trước cái ngày tịch diệt của thể chất- sự hủy thể không thể tránh được. Anh đi vào cơn say như ngao du tới những phương trời huyền mặc, hay đúng hơn, như về quê hương quen thuộc- quen thuộc nhưng không bao giờ hết kỳ bí.
Tôi tin rằng trong những cơn say, Thạch Lam đã bắt gặp được những cái gì lạ lắm. ít nhất, trong lúc say, người ta sống với cái thần trí phiêu diêu bên ngoài cả không gian và thời gian. Cho nên Thạch Lam không muốn tỉnh, vì những lúc tỉnh, anh nhìn thấy không gian thì tù hãm, thời gian ngắn quá, chẳng vô cùng. Anh lo sợ “thời gian đi mất” đó. Một năm trước khi chết, thái độ sống của anh là một thái độ sống hào phóng, khoáng đạt, vì chính ở trong nếp sống đó, anh đã thấy mình sống được “nhiều” hơn, “bao trùm” hơn. Sống như vậy, anh đã nắm giữ được phần nào cái “thời gian sắp mất”, và khi thời gian ấy đi mất hẳn, thì anh cũng không còn tiếc hận gì, vì anh đã từng hòa đồng vào nó rồi nghĩa là trong phút giây xuất thần nào đó, anh đã hòa mình vào vĩnh cửu.
Đừng vội bảo Thạch Lam hưởng lạc, cũng đừng luận rằng Thạch Lam muốn tạo lại nếp sống “tài tử” để nếm cái “phong vị hàn nho” như Nguyễn Công Trứ, khi thấy tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” thận trọng và tinh vi trong việc chọn từ miếng ăn, thức uống, từ món quà nhỏ mọn hương vị quê mùa của đất nước.
Không, bình thường thì Thạch Lam hồn nhiên hơn Nguyễn Công Trứ, và cũng không phiền toái như một Tản Đà trong nghệ thuật sống, tuy rằng theo Thạch Lam, muốn sống cho có nghệ thuật, tất nhiên không thể buông tuồng.
Nhưng, vào giai đoạn chót cuộc đời, thì cái phóng túng, cái buông thả của Thạch Lam là biểu thị của một thái độ, một triết lý sống phần nào có nhuốm màu sắc siêu hình và thần bí. Trước khi chết, chính Thạch Lam nhiều lúc thường nói với chúng tôi bằng một giọng bí mật:
- Những lúc say, thú vị thực! Vì lúc đó, giả có chết ngay cũng không biết mình chết…
Phải chăng vì thế mà căn nhà tranh bên Hồ Tây đầu làng Yên Phụ
đã chứng kiến những “cơn say suốt sáng, trận cười thâu đêm”, trước khi tất cả
chìm vào tịch mịch?
Sự thực, tất cả đã lắng vào tịch mịch vài ba tháng trước khi
Thạch Lam lìa bỏ cõi đời.
Nhất Linh, sau một đêm “hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề” 2 (họp
mặt lần cuối cùng với chúng tôi bên bàn rượu kề gốc liễu, tàng sáng bỗng ra đi
biệt tích.
Khái Hưng bị bắt đưa đi Vụ Bản, Thế Lữ sợ liên can cũng lần
trốn mất dạng. Huyền Kiêu về ở quê nhà tại Vân Đình. Bạn bè thân sơ không còn mấy
lai vãng tới căn nhà “cửa trúc cài phên gió” nữa. Trong nhà quạnh vắng, chủ
nhân cũng bắt đầu ngọa bệnh. Chỉ có Nguyễn Tường Bách là em ruột Thạch Lam, và
tôi vốn ở gần thỉnh thỏang còn lui tới. Khi đó bệnh tình của anh có vẻ chưa nặng,
chính Tường Bách bác sĩ cũng không ngờ!
Một hôm Thạch Lam bảo tôi:
- Các anh Tam và anh Lễ (Thế Lữ) phải lánh mặt cả, vì có báo
động. Mật thám giăng lưới và rình mò quanh nhà này. Anh hãy tạm ngưng lui tới một
thời gian, kẻo bị liên lụy.
Một thời gian qua. Buổi tối hôm ấy, ngồi bên cửa sổ nhìn ra
ngoài trời về phía nhà Thạch Lam, tôi chợt nghe thấy một điệu nhạc văng vẳng, một
điệu kèn clarinette. Rõ ràng tiếng kèn clarinette của Nhất Linh! Dạo trước, Nhất
Linh vẫn thường đem kèn tới nhà Thạch Lam thổi chơi. Ngoài Nhất Linh, không có
người nào khác biết thổi clarinetite ở khu này.
Tôi liền khoác áo, vùng xuống đường, rảo bước theo điệu nhạc,
vòng ngõ vào làng Yên Phụ, tiến về phía nhà Thạch Lam. Tiếng kèn vẫn hắt hiu trầm
bổng, đứt quãng. Tới gần nhà Thạch Lam, tiếng kèn chợt im bặt. Tôi ngỡ ngàng
trong bóng tối. Nhưng đã tới trước cổng ngôi nhà có khóm tre xào xạc. Cổng
không cài then. Tôi đẩy tấm cánh gỗ, bước vội vào căn nhà yên lặng, chỉ có một
ngọn đèn dầu hỏa le lói. Và góc nhà, một chiếc giường, màn buông kín mít. Thạch
Lam nằm trong màn đó, và bên mép giường, chị Thạch Lam ngồi lo âu. Chẳng có tiếng
kèn clarinette nào vọng lên ở chỗ này. Và cũng chẳng làm gì có Nhất Linh ở đây!
Có lẽ tôi đã bị lầm vì một ảo tưởng âm thanh nào đó.
Chị Thạch Lam cất tiếng:
- Chú sang chơi (chị vẫn gọi Huyền Kiêu và tôi là Chú Kiều và
Chú Hùng). Anh ấy mới giở bệnh, nặng lắm!
Tôi vạch màn, vặn đèn sáng thêm, và cổ tôi bỗng như nghẹn lại:
Thạch Lam nằm đây, nhưng trên sắc mặt trắng bạch của anh, Tôi tưởng như đã nhìn
thấy bóng dáng tử thần.
Vậy mà anh còn cố gượng ngồi dậy, bắt tay tôi, nắm thật chặt,
cặp mắt lim dim như vẫn còn nặng chĩu những cơn say ngày nào, miệng anh vẫn mỉm
nụ cười khoan hòa như mọi khi. Nhưng rồi anh lại nằm xuống, không nói được lời
nào, vì anh đang mệt.
Mấy hôm sau anh từ trần. Tôi đã thức suốt một đêm bên quan
tài anh, để nghĩ rằng: Thạch Lam vẫn còn say chưa tỉnh, anh đã mang theo cả những
hình ảnh tuyệt vời của cơn say dài bất tận về hư vô. Trong khi chúng tôi ở lại,
chẳng còn chất men kỳ diệu nào để mà say, nên cứ phải dương mắt ra nhìn đời giữa
lúc rất tỉnh - sự tỉnh táo vô vị của những con người đại bất hạnh.
--------------------------------
Hiện ở Saigon |
|
trong bài thơ “Tương Biệt Dạ” của Huyền Kiêu) |
Tiệc rượu chầu hôm đó tại nhà Thạch Lam ngẫu nhiên mà đông vui. Gần đủ những “tai mắt” của Tư Lực Văn Đoàn: Nhất Linh (được mọi người gọi là “tai”, vì anh nghe nhạc giỏi, biết thổi kèn clarinette), Thế Lữ (mắt: vì nhìn rất iình). Thạch Lam (mũi: đánh hơi quà Hà Nội rất sành), Khái Hưng (miệng; lưỡi: ăn và nói đều nhanh), Trần Tiêu (nửa mắt, nửa miệng: nhìn và ăn đều lơ mơ…) Ngoài ra còn có thêm ba “tiểu quỷ”, vì ít tuổi hơn cả, là Nguyễn Tường Bách, Huyền Kiêu và tôi.
Giữa chầu rượu, không rõ ai đã khởi xướng ra cái việc “Đi hát Ả Đào”? Tửu hứng đang bốc cao ngùn ngụt, tất cả đều hưởng ứng liền. Hoan nghênh rầm rĩ nhất vẫn là Khái Hưng, tuy rượu uống ít nhất mà say nhiều hơn cả.
Mới 9 giờ tối. Mọi người rầm rộ kéo nhau ra đường. Thạch Lam, cùng Huyền, Kiêu không quên xách theo cả hai vò Mai Quế Lộ mới cạn hết một phần. Nhưng khi đã nhẩy lên 4 chiếc xe kéo, cả bọn mới lao xao hỏi nhau: Đi đâu? Đi đâu? Và chẳng ai quyết định được cái việc giản dị ấy. Các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn, mặc dầu từng thâu tóm được cả cuộc đời trong Vũ trụ tiểu thuyết kể cả Thạch Lam, tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường”, vốn tỏ ra thông thạo từ việc ăn đến việc chơi của Hà Thành thanh lịch, vậy mà đối với cái việc “Đi hát Ả Đào” thì chẳng ai có vẻ từng trải: Nhất Linh, Khái Hưng và Trần Tiêu cùng nhìn nhau lắc đầu và quay sang nhìn Thạch Lam để hỏi ý kiến. Nhưng tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” xem chừng cũng không biết rõ Xóm Yên Hoa chính thức ở phố Khâm Thiên hay phường Vạn Thái? Và không biết băm sáu phố cổ đó, phố nào có những Ả đào đàn ngọt, hát hay, đủ cả thanh lẫn sắc?
Rút cục, bọn tiểu quỷ chúng tôi đành phải gánh vác vai trò lãnh đạo, và quyết định: Thẳng tiến xuống Ngã Tư Sở, đóng đô tại nhà cô đào Sen tức Bạch Liên, nổi tiếng ngâm thơ, hát vặt đều sành, lại thêm tỳ bà rất mực tài hoa, nhan sắc tuy chẳng nghiêng thành nhưng vốn thuộc loài “tình chủng” nên khoé mắt nụ cười cũng đã từng khiến nhiều người chết mệt.
Xe vừa ngừng lại đầu đường Ngã Tư Sở, chúng tôi chưa kịp nhớ lại phương hướng, địa bàn dẫn tới nhà quen, thì bị bao vây tứ phía bởi cả một bầy “nữ lâu la” nhởn nhơ tựa những cánh bướm sặc sỡ, nhất định cản đường lùa chúng tôi về hướng khác. Còn đang lúng túng chưa biết đánh tháo cách nào, chợt một tiếng cười “hý hý” nổi lên, rồi một giọng nói lớn tiếp liền, ỡm ờ mà trịch thượng:
- Chà! Cơn gió lớn nào thổi chư vị tới đây thế? Các cô ả này dãn ra cho người lớn người ta đi việc quan chứ! Vô duyên tệ!
Chúng tôi cùng reo lên:
- Nguyễn Tuân!
Phải rồi. Anh chàng Nguyễn Tuân, thổ công của làng Hồng Phấn, ngẫu nhiên ở đâu lù lù dẫn xác tới. May quá! Anh chàng liền can thiệp mở đường cho bọn tôi tới nhà Đào Sen. Một mình Nguyễn Tuân, ở nơi Hàng Viện, quả có bản lĩnh hơn cả bảy tám người chúng tôi họp lại.
Có lời giới thiệu của Nguyễn, chúng tôi được nữ chủ nhân biệt đãi khác thường. Và hôm đó chúng tôi đã được dự một chầu hát độc nhất vô nhị trong đời. Một chầu hát gồm đủ mặt các danh kỹ đương thời, các danh kỹ hầu hết đều thuộc hàng “hoa bậc chị” của cả bốn xóm yên hoa sầm uất nhất vùng ngoại thành họp lại: Khâm Thiên, Vạn Thái, Vinh Hồ, Ngã Tư Sở. Các danh kỹ chẳng những được khách làng chơi sành điệu một thời hâm mộ, mà giáo phường bậc nhất từng đã ghi tên, mà tên tuổi sau này khả dĩ xứng đáng lưu truyền trong Bình Khang, Ca Phả… Không hiểu Đào Sen mật gởi điện tín đi từ bao giờ, mà Làng Hoa phút chốc đều đã hay tin: Cái tin cả bầy văn tình tối nay tụ họp tại nhà Bạch Liên với những tên tuổi như Nhất Linh… Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam (cố nhiên không kể bọn tiểu quỷ, tên tuổi không mấy lừng lẫy, mà “thành tích thưởng hoa” cũng chưa có gì bảo đảm…), cái “tin văn nghệ” đặc biệt ấy đủ kích thích tính tò mò của chị em; và từ bốn xóm yên hoa, các giai nhân hồng phấn đã tìm đến hội ngộ cùng danh sĩ. Nguyễn Tuân nghiêm nhiên đóng vai ông Tơ, giới thiệu và se giây liên lạc giữa hai họ… đồng hương, nghĩa là cùng nòi “Tình Chủng”.
Đám danh kỹ đàn chị tối đó gồm có:
Hai chị em Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm (hai giọng ca đệ nhất thời danh), dì Trưởng Bẩy (một đào hát đã nhiều tuổi mà giọng hát vẫn còn độc đáo), Bích Thạch Hồn (một danh kỹ hát rất khuôn và có nghệ thuật pha trà tuyệt xảo). Hồ Vạn Thái (giỏi chữ Nho, nổi tiếng với những bài “Tương Tiến Tửu” và “Tiền Hậu Xích Bích Phú”), Phúc Hậu (một đào hát từng là tình nhân của Đoàn Phú Tứ), cùng một tài năng đang lên mà tôi không còn nhớ tên.
Chỉ biết trong một chầu hát mà có tới những sáu danh kỹ thượng thặng như vậy thì- theo lời Nguyễn Tuân - tiếng sóc phách của họ đủ khiến cho người nằm thiên cổ phải tung nắp ván thiên ngồi nhỏm dậy…
Chu Thị Năm bắt đầu hát, và Nguyễn Tuân cầm chầu. Trong khi đó tôi để ý thấy anh Nhất Linh nghe hết sức chăm chú, đầu gật gù, tay gõ khe khẽ theo cung đàn, nhịp phách. Thạch Lam thì ngồi rất nghiêm chỉnh giữa sập, cặp mắt lim dim, tay vẫn ôm vò rượu. Ai muốn uống, anh liền đưa cả vò cho mà tu, cũng như chính anh từ nãy vẫn tự chuốc rượu theo lối đó.
Sau Nguyễn Tuân, đến lượt Khái Hưng đánh trống. Chúng tôi đều không ngờ tác giả “Hồn Bướm Mơ Tiên” đã biết sử dụng roi chầu để thưởng thức điệu hát Đào Nương từ bao giờ, vì lúc nãy, khi mới xuất hành, mọi người hỏi nhau “Đi đâu?”, thì anh chẳng có ý kiến gì tỏ rằng anh cũng rất ít kinh nghiệm về môn “nghệ thuật du hý” đó. Giờ đây, Khái Hưng đón lấy trống và roi chầu ở tay Nguyễn Tuân một cách rất thành thạo. Với một dáng điệu ra phết lạc phách giang hồ, anh ngồi vắt chân chữ ngũ rất gọn (rung đùi cẩn thận), tay cầm roi chầu đúng kiểu phong lưu tài tử, và đầu nghiêng nghiêng, anh đánh liền một hơi cả ba khổ trống; Sơ cổ, Tòng cổ, Trung cổ - tiếng trống ròn tan, dõng dạc- khiến đào với kép đang dừng phách, buông đàn để uống rượu, hút thuốc lào, bỗng giựt mình sửa lại điệu ngồi cho tề chỉnh, và Nguyễn Tuân khoái trí, vỗ đùi la lên: Hay quá! Hay quá! Không ngờ trống anh chàng “Nửa Chừng Xuân” này nghe hào hứng đáo để! Có điều hơi lảo đảo một chút. Ngửi tiếng “tom” cuối cùng thấy có mùi rượu đấy!...
Khái Hưng vẫn ngồi chững, múa roi chầu, điểm thêm hai tiếng Thôi Cổ (Trống giục) khá đường hoàng. Nhưng, tới khi đào nương khởi sự cất tiếng hát, anh giáng liền hai tiếng Song Châu thực sát phạt, tiếp theo một tiếng thưởng “chát” vào tang trống - và anh thưởng cao hứng quá, đến nỗi chiếc trống văng từ trên giường xuống dưới sàn gác, lăn lông lốc vào gầm bàn. Đồng thời Khái Hưng cũng nhào đầu lăn cù theo, một tay vẫn nắm roi chầu, một tay còn cố níu lại cái trống. Rút cục, anh cũng chui luôn vào gầm bàn, và ngồi lù lù ngay trong đó, anh ngả đầu ngáy khò khò lập tức. Các đào nương xúm vào định lôi anh ra, nhưng Tường Bách và Huyền Kiêu xua tay ngăn lại, để rồi cả hai chàng cũng ôm vò rượu… chui vào gầm bàn nốt, đành thức Khái Hưng dậy cho kỳ được, đoạn bộ ba cứ ngồi lì dưới gầm bàn mà chén chú, chén anh!
Trên giường, kép vẫn đàn, đào nương vẫn hát. Và Nguyễn Tuân lại đánh trống. Tiếng trống của Nguyễn Tuân cũng say ngất ngưởng. Dứt bài hát thứ nhì, nữ chủ nhân Bạch Liên đẩy trống tới trước mặt Nhất Linh, đích thân dạo phách, và nói:
- Xin lời ông anh nghe hát ạ!… (“Nghe hát” đây tức là đánh trống, cầm chầu), chị em chúng tôi xưa nay vẫn hâm mộ các ông văn sĩ “Đời Mưa Gió” với “Nửa Chừng Xuân” nay mới được gặp mặt, thực là: “Hữu tình ta lại gặp ta, chớ nề… “tom chát” mới là tri âm”… Chỗ này, Đào Sen ngâm Kiều Lẩy).
Nguyễn Tuân cười “hý hý”, đỡ lời Nhất Linh: Trời ơi! Câu Kiều Lẩy “đắc địa” quá! Đành rằng “nhập gia tùy tục”: Cái lệ nơi hàng viện là có người tấu nhạc tất phải có người thẩm âm, nhưng ông bạn của tôi đây từng đi Tây về, vốn chỉ quen nghe nhạc “ma đờ lông”, thổi kèn clarinette và đánh trống “cà rình” mà thôi… Vậy xin miễn cho ông bạn tôi cái việc cầm chầu theo lề thói giáo phường rắc rối nhà ta!
Nguyễn đã có ý pha vị hoạt kê vào câu nói đỡ đòn hộ Nhất Linh, vì Nguyễn biết chắc Nhất Linh, mặc dầu được gọi là “tai” nhưng cái tai của tác giả “Đoạn Tuyệt” từng du học lâu ngày ở Pháp, chỉ để nghe âm nhạc Tây phương, nghe điệu kèn clarinette, hẳn là Nhất Linh không thể nghe sành điệu hát Ca Trù, đàn đáy và phách Ả đào. Mà nghe đã không sành điệu thì còn múa may roi chầu làm sao? Chẳng những không đáp ứng em hồng phấn, mà còn để lại tiếng cười riễu cợt, như hai câu truyền tụng trong một bài hát nói ngày xưa đã riễu:
Nghề xướng hát roi chầu làm chuẩn đích,
Trống làm sao, mà khúc khích chị em cười?…
Nhưng, chị em chưa kịp cười, và Nguyễn Tuân cũng chưa kịp ngạc nhiên, anh Nhất Linh đã điềm nhiên cầm lấy roi chầu, kéo trống lại gần, tặc lưỡi nói:
- Cảm ơn chị Bạch Liên đã muốn tôi đóng vai Tử Kỳ. Vậy, tuy là tai trâu vốn chỉ quen với âm nhạc phú-lang-sa tôi cũng xin nghe chị hát. Và xin thú thực, tôi đánh trống theo quy tắc thẩm âm nhạc điệu Tây phương đấy nhé!
Thế rồi Nhất Linh đánh trống. Anh lắng nghe từng lời ca, từng tiếng đàn, từng nhịp phách. Bạn bè đều biết đây là lần đầu tiên anh đánh trống Ả đào. Nhưng chính Nguyễn Tuân, và cả kép đàn, cả đào hát đều công nhận rằng anh đánh rất đúng. Đặc biệt, anh điểm tiếng trống rất trúng khổ phách. Chầu của anh có thể gọi là ngọt và chỉnh. Tuy anh chẳng hiểu thế nào là khổ sòng, khổ rãi, thế nào là dựng, là dồn, chỗ nào xuyên mau, xuyên thưa, thế nào là đàn khuôn phép, thế nào là đàn hàng hoa.?… Nhưng anh cứ luận theo ý nhạc Âu tây, và giữ đúng thì, đúng nhịp như một tay trống đánh nhịp của nhạc jazz… Và không ngờ thực không ai ngờ Nhất Linh đã đánh trống có đầu bằng cả cái trực giác của một kẻ nghệ sĩ gần như tình cảm xuất thần với nhạc, vì đã thấm tiết nhịp từ dòng máu, từ bản năng.
Đám danh kỹ có mặt thảy đều tin rằng không phải tối đó là lần đầu tiên Nhất Linh cầm tới roi chầu. Dầu sao, xem chừng cả bọn đều nổi hứng vì không khí có vẻ là lạ, khác với những chầu bát thường lệ. Tới lượt một danh kỹ khác, Bích Thạch Hồn, tình nguyện hát một bài “Gửi Thư’’ tặng Thạch Lam và cố nhiên mời Thạch Lam cầm chầu. Tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” có vẻ phong nhã tài tử nhất trong bọn, từ nãy vẫn ôm vò rượu ngồi rung đùi ở trên sập, thỉnh thỏang tợp một hơi rượu, mắt vẫn lim dim hình như lắng hết tinh thần vào tiếng nhạc, và chưa có vẻ say chút nào. Chợt nghe lời mời rất lịch sự và cũng rất ngọt của người ca nữ vừa nhắc đến tên mình, anh mở choàng mắt, gật đầu cười:
- Xin nghe! Xin lắng nghe bằng cả tai lẫn… đầu và ngực! (Anh muốn nói trí óc và trái tim).
Và Thạch Lam cũng đỡ lấy trống cùng roi chầu rất đạt, không hề ngần ngại. Lại thêm một lần nữa để anh chàng Nguyễn Tuân trợn mắt lẩm bẩm:
- A! Được lắm! Các danh sĩ tối nay nhập điệu cả! Cái trống nhà này rồi “khước” lắm đấy nhé!…
Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn hộ Thạch Lam. Vì tôi biết anh cũng như Nhất Linh, chưa hề đánh trống Ả đào bao giờ, và đây cũng là lần đầu tiên Thạch Lam cầm tới roi chầu. Nhất Linh còn am hiểu nhạc lý Tây phương, chứ Thạch Lam thì, từ khi tôi quen anh, tôi chưa hề thấy anh tỏ ra thạo về âm nhạc, dù là tây, ta hay tàu…
Vậy mà Thạch Lam cứ bình tĩnh đĩnh đạc như thường. Anh cũng ngồi nhập điệu như mọi người thạo trống vẫn ngồi, nhìn cái dáng cầm roi chầu của anh, nghe tiếng “tom” anh điểm, tiếng “chát” anh thưởng không ai có thể ngờ rằng anh mới nhập môn trong cái nghề chơi thanh lịch mà hết sức cầu kỳ này. Chính Thạch Lam mới thực là thẩm âm bằng linh giác- và anh lĩnh hội cái phần tinh tuý, cái Hồn của Nghệ thuật xét ra còn “thần” hơn Nhất Linh, vì sự thực anh không ý thức nhạc luật như Nhất Linh, nghĩa là anh hoàn toàn không nhờ tới trí tuệ để hiểu nhạc, mà anh chỉ cảm nhạc bằng rung động thuần khiết.
Sau này, phê bình “ngón chầu” của Thạch Lam tối đó, Nguyễn Tuân - kẻ có đầy đủ thẩm quyền để phê phán- để nói những lời rất đúng đắn như sau:
- Nhất Linh lần đầu tiên đánh trống cô đầu khả dĩ gọi là đúng, là không trật nhịp phách, kể đã thần tình lắm rồi. Nhưng Thạch Lam lần đầu tiên cầm chầu có thể gọi là hay! Tuy đôi chỗ không nhập khuôn khổ, nhưng lại có những chỗ thoát. Chầu đã có “ngón”, như vậy là đã có bản sắc riêng đấy; Tuyệt nhất là những tiếng trống “lạc nhạn” không học mà nên. Trường hợp này chẳng những thần tình, mà phải công nhận là “thần”! Xuất thần, hay là có thần… cũng không hiểu nữa!
TÌM HIỂU CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC CỦA THẠCH LAM
THẠCH LAM LÀM THƠ
Đọc văn Thạch Lam, nhiều người, nhận thấy tác giả “Gió Đầu Mùa” “Nắng trong, vườn” cũng như “Hà Nội băm sáu phố phường” có một tâm hồn thanh tú tế nhị của thi sĩ, cho nên lời văn của ông nhiều chỗ truyền cảm và đẹp như thơ.
Chính Thạch Lam rất thích đọc thơ, phê bình thơ rất đúng và am hiểu thấu đáo âm luật cùng các thể điệu thi ca. Bài thơ “Tương Biệt Dạ” của Huyền Kiêu sự thực có mây câu không phải của Huyền Kiêu, mà là của Thạch Lam đã sửa lại - phải nói là Thạch Lam sáng tác thì đúng hơn. Vì Thạch Lam, đọc bài thơ của Huyền Kiêu không ưng một vài câu, liền đề nghị thay thế bằng mấy câu đổi thay hoàn toàn.
Những câu sau đây là của Thạch Lam:
Ngậm ngùi chén rượu ánh vầng giăng.
Đã tắt lò hương, lạnh phím đàn
Trời cao, mây nhạt, ngàn sao rụng
Một giải sương theo vạn dặm buồn
…
Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự,
Anh đã xa rồi, anh biết đâu?
Xét ra, lại chính là những câu cần thiết để tôn giá trị bài thơ!
Tuy nhiên Thạch Lam chưa đọc cho ai nghe một bài thơ trọn vẹn do chính mình sáng tác bao giờ 1 , có lẽ vì thực với lòng mình, Thạch Lam không muốn gò ép vần điệu, khi không có rung cảm mạnh. Có lần, nói chuyện về các trường phái thi ca “Đa đa” và “Siêu thực”, Thạch Lam cao hứng liền ứng khẩu đọc luôn mấy câu sau đây:
Năm năm, tháng tháng, ngày ngày
Giờ giờ, phút phút, giây giây
Tic tac… tic tac… tic tac…
Theo lời Thạch Lam, đó là một bài thơ theo kiểu “Đa Đa” để tả… thời gian!
THẬP NIÊN ĐĂNG HỎA
Đỗ Đức Thu viết về Thạch Lam, có ghi một điều thắc mắc:
“Anh có ngỏ với anh em còn muốn viết cuốn “Thập Niên Đăng Hỏa”, nhưng tiếc thay, cái chết sớm quá không cho anh thực hành ý muốn. Không biết Thạch Lam muốn nói gì trong “Mười Năm Đèn Lửa?”… Chỉ hiểu sơ rằng tập đó sẽ nói tới một vấn đề quan hệ… Vấn đề lửa đèn “dầu lạc…”
Đúng như vậy. Trong một buổi uống rượu say tới quá nửa đêm, Thạch Lam cùng chúng tôi đích thân xuống bếp lúi húi thổi lửa hâm thức ăn và đun nước pha trà, anh đã thủ thỉ tâm sự rằng: Anh sẽ viết “Thập Niên Đăng Hỏa”, một thiên hồi ký kể lại thời kỳ suốt mười năm anh dan díu với Ả phù dung. Hiện anh đã ly dị cùng Ả rồi, nhưng “Mười năm đèn lửa biết bao nhiêu tình”? Anh sẽ trình bày câu chuyện lửa đèn khác hẳn lối Nguyễn Tuân viết Ngọn Đèn và Tàn Đèn Dầu Lạc, cũng không giống Vũ Bằng viết “Cai”. Anh sẽ phân tách tâm lý rất kỹ, sẽ đặt vấn đề dưới nhiều khía cạnh, khả dĩ thoát khỏi cái tật phiến diện của những người chưa từng biết một chút gì về những chất ma túy, đã lên giọng dạy đời. Anh nghiêm giọng kết luận:
- Đó không phải là một vấn đề mà đàn bà, trẻ con hay kẻ phàm phu có thể hiểu được. Đó là tấn bi kịch mà cũng là huyền thoại của những kẻ ít nhất cũng phái trải qua 10 năm từ cả thiên đường lẫn địa ngục.
SỰ THÀNH THỰC VÀ THÁI ĐỘ TRÍ THỨC
Trên báo Ngày Nay, một dạo Thạch Lam phụ trách mục “Theo Dòng”, hàng tuần bàn về những vấn đề đọc sách, tư tưởng học thuật… Đó là những bài khảo luận nho nhỏ, rút kinh nghiệm, nhận xét qua sách vở, theo dòng thời gian, viết bài một ý thức sáng sủa, một giọng văn đơn sơ, dễ hiều mà vẫn có những cảm nghĩ thâm trầm sâu sắc. Những người trẻ tuổi hiếu học thuở đó rất thích đọc mục “Theo Dòng”, vì họ tìm được ở đấy những kiến thức bổ ích, phổ biến vừa trình độ họ bởi một ngòi bút đứng đắn mà vẫn giản dị, nhũn nhặn, không loè đời, không thích đưa ra những vấn đề có vẻ uyên bác, không bao giờ dùng những danh từ dao to búa lớn để thiên họ phải nghĩ rằng mình thông thái.
Có lần Thạch Lam viết về Marcel Proust (thuở đó Proust chưa có sáng văn nào được dịch sang tiếng Việt, mà cũng chưa được văn giới Việt Nam nhắc tới). Giới thiệu tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đã Mất” (À La Recherche du Temps Perdu) của Marcel Proust, Thạch Lam có nhắc tới câu chuyện “La Petite Madeleine” và Thạch Lam dịch là… “Cô Bé Madeleine” chưa ở bên cạnh. Sự thực, có xem trọn truyện mới biết “La Petite Madeleine” chỉ là cái bánh Madeleine. Chắc tác giả “Theo Dòng” chỉ đọc lược khảo và trích dẫn nên không khỏi nhầm là tên một cô bé….
Ngày nay thì ai cũng biết như thế. Nhưng dạo đó mãi chẳng thấy báo chí đồng nghiệp nào khám phá ra cái nhằm của Thạch Lam. Mà thuở ấy nhóm Tự Lực Văn Đoàn rất sẵn kẻ thù. Các đồng nghiệp thân mến chỉ chờ đợi cơ hội nắm được bất cứ một sơ hở nhỏ nào của báo Ngày Nay để mà xúm vào tấn công hạ uy thế những kẻ xưa nay vốn được đời tín nhiệm. Tiếc thay! Được một dịp tốt mà các đồng nghiệp lại sơ ý bỏ qua - kể cả những tay kiện tướng chuyện bới lông tìm vết kỹ nhất. Thành ra “Cô Bé Madeleine” cứ phây phây đứng nguyên vị trên báo Ngày Nay, qua liền hai, ba tuần vẫn bình an vô sự. Thế rồi, chợt cũng trên mục “Theo Dòng” chính Thạch Lam lại tự nêu cái nhầm của mình lên báo, để thẳng thẳn nhận lỗi vì đã không đọc trọn tác phẩm của Proust. Và Thạch Lam thú thật rằng: Điều nhầm lẫn đó, tác giả Theo Dòng đã được độc giả viết thư mách cho biết… Tác giả ngỏ ý cảm ơn độc giả nọ, và mong bạn đọc sẽ còn chỉ dẫn cho những khuyết điểm khác, nếu có.
Thái độ trung thực và mình bạch đó của một nhà văn đang có uy tín khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới tình trạng “âm dương hỗn độn” của văn nghệ giới hiện thời; Liệu những vị mệnh danh là “học giả” nhưng chưa từng… học thật, những bậc thông thái chuyên dùng tài liệu nghiên cứu và khảo sát của… người khác, những thiên tài văn nghệ thường mượn tạm cả bút hiệu cùng sáng tác của thiên hạ… những nhân vật khả kính đó liệu có đủ “lương thiện” và cao đảm để mà thú nhận cả những nhược điểm của mình như Thạch Lam, không mặc cảm và không thẹn với lương tâm, nếu họ còn có trong người chút gì gọi là lương tâm, hay na giống như lương tâm…
--------------------------------
Sau này, Nhất Linh có sưu tầm một số bài thơ của Thạch Lam
cho đăng trên giai phẩm “Văn Hoá Ngày Nay”. (Ghi chú của tòa soạn VĂN). |
Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng đến và xâm chiếm chúng tôi toàn vẹn ngay từ cái thuở học sinh 15, 17 cách đây ngoài hai chục năm. Hiệu lực xâm chiếm, và chinh phục, và khích động cảm giác cũng đột ngột, cũng mãnh liệt như một cơn giông. Lần đầu tiên xuất hiện trong khuôn khổ một tiểu thuyết đã đăng hàng tuần trên tờ “Hà Nội Báo” trận cuồng phong Vũ Trọng Phụng mang tên Thị Mịch. Nghị Hách… quen thuộc và gần gũi với độc giả rất mau chóng, tưởng chừng sống thực và tham dự hiển nhiên vào chính cuộc sống ngoài đời. Giữa cuộc sống nhàn dật và kiêu sa thời đó -cuộc sống bề mặt bình thản và hình như vô sự nhưng vẫn ngấm ngầm sôi động những cơn giông bão sắp sửa- “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng phải chăng là một điềm báo hiệu, gợi lên ấn tượng một xã hội phá sản trong cơn bão loạn tương lai? Chỉ biết ngòi bút tả thực của Vũ Trọng Phụng đã khơi trúng những mạch sống yếu lộ nên đã vạch đúng tấn thảm kịch xã hội điển hình của một thời đại sẵn chứa đựng triệu chứng một cơn cuồng vũ, và chỉ biết tác phong một Nghị Hách, ngôn ngữ một Vạn Tóc Mai, hơi hướng vóc dáng một Thị Mịch v.v… dần dần đã tiêm nhiễm, thâm nhập vào chính nhịp sống của vô số người thời đó, cho đến tận bây giờ, ảnh hưởng của những nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vẫn còn đủ sức sống động như thường. Trong khí hậu “gió thuận mưa hòa” của văn học tiền chiến, ngay những cơn chuyển mình của thời tiết, những cơn gió đổi hướng bất ngờ cũng vẫn không làm xô lệch tiết điệu trang trọng cố hữu tiết nhịp cân bằng hòa đối của một nếp sống tinh thần vừa tự trút bỏ tấm áo choàng cổ điển để trôi theo lớp thủy triều lãng mạn suốt 10 năm vẫn bàng bạc bao phủ khắp nơi, dĩ nhiên cả địa hạt tiểu thuyết cơn “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng đáng kể là một biến cố quan trọng không phải ở hình thức kỹ thuật, không phải ở ý niệm để đời, mà ở chính cái bản chất “dấy loạn” của mỗi sự kiện, của mỗi tình tiết trong truyện, tác động như một nguồn sinh khí thiên nhiên truyền sức sống vào dòng chữ.
Rồi, kế tiếp đến “Số Đỏ”. Thế giới tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã hoàn toàn hòa lẫn vào cuộc đời thực tại. Những Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan, ông Týp Phờ Nờ, Ông Văn Minh, ông Phán Hồng, Ông Lang Tỳ, Ông Lang Phế, Cậu Phước (Em chã) v.v… đã trở nên nhưng nhân vật hiện thực bằng xương bằng thịt của một tấn hài kịch quay cuồng ngay trên cái sân khấu đời vẫn xảy ra hàng ngày trước mắt chúng ta, sau lưng chúng ta, bên cạnh chúng ta, mà thời nào cũng có thể xảy ra. Trong khoảng thời gian hơn hai chục năm trời nay, trải qua bao nhiêu biến thiên của thế cuộc, dưới bao nhiêu chế độ khác nhau, ở bao nhiêu khung cảnh khác nhau: Từ thời Pháp thuộc, Nhật thuộc, Quốc Gia (Bảo Hoàng) tới thời kỳ Việt Minh kháng chiến, rồi thì tản cư hồi cư… từ những phố phường Hà Nội tới các thị trấn hậu phương, qua đồng ruộng, thôn trang, lên rừng, lên núi… cho tới thời kỳ hậu chiến, ở miền Tự Do, giới tuyến bên này, đâu đâu chúng ta cũng đều có thể tìm thấy những kiểu mẫu Xuân Tóc Đỏ, những Bà Phó Đoan, những Cụ Phán Hồng, những cặp vợ chồng Văn Minh, những Týp Phờ Nờ, những Phước (Em chã) rất linh động, khả dĩ không hổ danh là sản phẩm chế tạo mang nhãn hiệu độc quyền Vũ Trọng Phụng.
Thậm chí đến mỗi lời nói biểu lộ cá tính đặc biệt của từng nhân vật cũng trở nên bất hủ, chẳng khác “danh ngôn” của các vĩ nhân. Những câu “Biết rồi., khổ lắm, nói mãi…” của cụ Phán Hồng, những lời xã giao văn vẻ hoặc văng tục của Xuân Tóc Đỏ: “Rất là một sự… ân hận” (hân hạnh), “cẩm phạt “ những tiếng “Em chã” của cậu Phước (lớn đến có thể lấy vợ được rồi mà vẫn tắm truồng tồng ngồng…) thứ ngôn ngữ rất hiện sinh đó, cách đây hơn 20 năm, lũ thiếu niên chúng tôi, ở cái tuổi học trò, lấy làm thưởng thức lắm. Chính bọn học trò chúng tôi vẫn thường sáng chế những loại ngôn ngữ “lập thể” như vậy. Và cái kho ngữ vựng tình nghịch ấy mỗi thời mỗi thay đổi, phù hợp với sắc thái từng thời đại. Vậy mà những “danh ngôn” của nhân vật “Số Đỏ” vẫn không lỗi thời, nghĩa là vẫn giữ nguyên vẹn tính chất nghịch ngợm tinh quái, vẫn được vô số những người tuổi trẻ và cả tuổi già của thế hệ hôm nay thích thú nhắc nhớ và sử dụng, nói theo Xuân Tóc Đỏ, nghĩa là vẫn “rất là một sự hấp dẫn như thường” không hề bị “cẩm phạt”… Còn nhiều chi tiết linh động khác chứng tỏ cơn động cỡn rởm đời, lố bịch, đáng cười, đáng giận, đáng ghét, hoặc ngớ ngẩn đáng thương của con người thời đó, xét ra chính là tấm gương phản chiếu khuôn mặt thực và cả cái chân tướng (lột trần) của con người xã hội mọi thời đại, tấm gương cố ý biến thể và méo mó hình ảnh đôi chút, nên càng nổi bật rõ những đường nét kỳ khôi, thô kệch, “Số Đỏ” nói chung là một thứ thấu kính hội tụ đặc biệt lọc ánh sáng qua cái tiêu điểm xã hội Việt Nam Âu hoá, khiến chúng ta nhìn thấy những dị hình, dị tướng méo mó lệch lạc, của một nhân loại mà tà tính, thú tính được dịp phát hiện lấn mất cả nhân tính; thiện tính, có thể gọi là một thứ “Chiêu Yêu Kính” soi vào đầu liền làm hiện nguyên hình những con người ma, những con người ngợm mà từ ngôn ngữ, từ hành động đều bốc lên “yêu khí” ngùn ngụt, một thứ yêu khí tác dụng như… lựu đạn cay, khiến cho người ta nghẹt thở, sặc sụa vì cười ra nước mắt.
Tôi đã say mê đọc Vũ Trọng Phụng, nhất là Số Đỏ, từ khi còn học năm thứ ba, thứ tư trường Bưởi dưới thời hiệu trưởng Autigeon và giám học De Rozario. Cả hai đều là những kiểu mẫu “quan tây thực dân”, xứng đáng là nhân vật điển hình khả kính của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Khám phá ra điều đó, lũ học sinh chúng tôi càng thống khoái nghiền ngẫm “Số Đỏ”, truyền tay cho nhau đọc “Số Đỏ” ngay trong lớp, có anh nghiên cứu “Số Đỏ” kỹ hơn bất cứ một cuốn sách giáo khoa nào. Và, qua những bài học “rất là một sự… trào lộng” của Giáo sư Xuân- tức “Me sừ Xuân Tóc Đỏ”, chúng tôi nhìn vào chỗ nào cũng thấy hiện ra nham nhở những khuôn mặt điển hình của nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng: Những Bà Phó Đoan, Cụ Phán Hồng, những Týp Phờ Nờ, Em Chã, những cặp vợ chồng Văn Minh xuất hiện sừng sững ở ngay cả trong trường! Và bậc vĩ nhân xuất chúng như Me xừ Xuân Tóc Đỏ thì dường như ở lớp học nào cũng có ít nhất một vài kiểu mẫu thu nhỏ. Chúng tôi mượn tên các nhân vật trong “Giông Tố” và “Số Đỏ” để đặt hỗn danh cho bạn bè, cho cả hiệu trưởng, giáo sư và các giám thị nữa. Cho tới một ngày, cuốn Số Đỏ đang truyền tay giữa giờ Vật Lý Học thì bị giáo sư bắt được. Khám ngăn bàn cả lớp, giáo sư tịch thu được thêm 6 cuốn “Số Đỏ” và 2 cuốn “Giông Tố” nữa. Hôm đó, giáo sư đang giảng về Quang Học, nên chúng tôi thường nói đùa với nhau: “Anh em số… đen bỗng dưng bị tịch thu 6 lentines concaves và 2 lentines convexes” ( thấu kính lõm và thấu kính lồi). Câu nói buột miệng, không hề có ý niệm so sánh. Nhưng từ đó đi tới định nghĩa: “Số Đỏ” là một thấu kính hội tụ, một “Chiếu Yêu Kính”, sự liên hề tình cờ chỉ có một bước ngắn.
Kỷ niệm còn tồn tại trong ký ức tôi, chỉ mới như ngày hôm qua. Là vì, cũng vừa mới hôm qua, ôn lại “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng, tôi vẫn còn thấy nguyên vẹn cái thống khoái mới mẻ, cả cái cảm giác tình nghịch như ngày nào. Và ngay trước mắt, tôi vẫn còn nhìn thấy một vài khuôn mặt quen thuộc, của cái tuổi học trò từ hơn 20 năm xưa, những khuôn mặt độc đáo từng được bạn bè trường Bưởi gán cho những hỗn danh rất “đắc địa” là Nghị Hách, là Vạn Tóc Mai, là Xuân Tóc Đỏ, là Ông Phán Mọc Sừng, là Văn Minh, là Em Chả… - những khuôn mặt khả kính đó, trải qua bao nhiêu thế sự thăng trầm của hơn 20 năm biển dâu biến cải, ngày nay có thêm hoặc bớt khả kính phần nào chăng nữa, thì trước mắt tôi, những khuôn mặt đó vẫn cứ giữ nguyên cái chân tướng, cái sắc diện, gần như cả cái tính chất của Nghị Hách, của Vạn Tóc Mai, của Xuân Tóc Đỏ, của Ông Phán Mọc Sừng, của Văn Minh, của Em Chã… Tấm “Chiếu Yêu Kính” của Vũ Trọng Phụng như có một ánh sáng linh diệu, soi trúng được cả tướng tinh, thần phách con người, và soi thấu suốt được cả thời gian.
Nhưng chính con người Vũ Trọng Phụng đã không thắng nổi thời gian, và đành chịu thua số mệnh. Năm 1939, nghe tin Vũ Trọng Phụng từ trần, chúng tôi vẫn chưa rời khỏi ghế nhà trường, chỉ còn biết ngẩn ngơ nhớ tiếc một cái gì quý lắm vừa đánh mất. Vài năm sau, khi đã vào nghề cầm bút, tôi mới có dịp chính thức dự một cái giỗ Vũ Trọng Phụng một cái giỗ mang ý nghĩa một lễ truy điệu thân mật do một số văn hữu tổ chức.
Hôm đó, tôi còn nhớ, nhà văn Ngọc Giao, trong nhóm Tiểu thuyết Thứ Bẩy, đã thuật lại một truyện có ý nghĩa thực chua xót: “Tác giả “Số Đỏ” là một người suốt đời chỉ gặp toàn số đen, và số đen cho tới lúc chết”. Nguyên Vũ Trọng Phụng cũng như Lê Văn Trương, Lan Khai, Vũ Bằng, Ngọc Giao. Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân v.v… đều sống bằng nghề bán chữ cho nhà xuất bản Tân Dân. Công việc bán chữ đã được kỹ nghệ hóa tới cái độ “tính dòng ăn tiền”, rồi lại tới chỗ “đếm chữ tính tiền”, để phòng ngừa các nhà văn cao hứng ưa xuống dòng, theo thể văn đối thoại, mỗi dòng buông lửng có 1, 2 chữ. Một số các nhà văn trong nhóm không chịu như vậy, chẳng những phản đối lối đếm chữ, mà còn yêu cầu tăng thêm giá tiền tính dòng lên mấy hảo. Nhà xuất bản không nghe. Nhà văn liền đình công. Nhưng có một số phản hàng ngũ, vẫn ngầm gửi bản thảo cho nhà xuất bản. Vũ Trọng Phụng, trung thành với nhóm tranh đấu, đành chịu túng thiếu, cơ cực. Giữa khi đó Phụng lại đang ốm. Găng mãi tới mấy tháng, nhà xuất bản thấy bất lợi, đành nhượng bộ. Ngày ký lại hợp đồng giữa đôi bên, dù đang ốm lả, Phụng cũng cố gượng chống ba toong, đòi bạn bè dìu mình lên tận từng lầu ba của nhà xuất bản, để được “chứng kiến tận mắt sự kiện quan trọng” đó, vì Phụng nghèo suốt đời, nay mới sắp sửa kiếm được thêm tiền. Ký xong, về được tới nhà thì mấy hôm sau Vũ Trọng Phụng từ trần. Bản giao kèo tăng thêm giá tiền mỗi dòng chữ, dù chỉ mấy hào, cũng không bao giờ thực hiện với Vũ Trọng Phụng, tuy Phụng đã đến tận chỗ để ký nhận và chứng kiến bằng cả hai mắt mở to.
Nhưng cặp mắt ấy chỉ còn mở lớn nhìn vào thiên cổ để mà nhận thấy mình vẫn nghèo xác ngay cả lúc bước sang thế giới bên kia.
°
Nhắc tới Vũ Trọng Phụng, tôi không khỏi có những ý nghĩ day dứt về một hiện tượng mà tôi muốn trình bày ở đây như đôi dòng hoài niệm chung, góp thêm vào nén hương tưởng nhớ họ Vũ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn hai chục năm trời nay, cuộc sống văn nghệ của chúng ta chen lẫn bao nhiêu vang bóng của cái Chết. Tuy mỗi ngày chúng ta vẫn có thêm những người bạn mới, nhưng nhìn chung quanh, mỗi ngày cũng lại thấy mất dần đi một vài khuôn mặt quen thuộc, có những người lặng lẽ đến với cuộc sống để rồi lại bình thản ra đi, không trống không kèn, không cả một lời ai điếu tiễn chân. Chúng ta chỉ bắt gặp linh hồn họ trong địa hạt giao cảm, hầu như không hề sánh bước cùng họ trên đường đời.
Nhưng nếu thời gian có hồi ảnh và nếu không gian có vọng thanh, thì hình bóng của họ tất đã ghi sâu vào ký ức vũ trụ. Cuộc đời vẫn trôi đi không ngừng. Những người đã đi sẽ không bao giờ trở lại, nhưng chúng ta không muốn vô tình. Trong lúc cuộc đời rộn rịp kéo nhau qua khắp mọi ngả đường, chúng ta muốn ngồi lại phút giây, trầm mặc nhìn về quá khứ, gợi nhớ lại ít nhiều kỷ niệm, để lại thấy gần gũi thêm một với hình bóng của những người bạn văn nghệ đã một sớm một chiều cách biệt chúng ta
Đó là những người không còn sống trong cuộc đời thực tại, nhưng vĩnh viễn sống trong thế giới của Linh Hồn, sống trường cửu trong cõi Không Hư vô cùng tận, và sống vĩnh viễn trong lòng chúng ta.
Đó là những người đã chính thức lìa bỏ cõi trần để lặng lẽ nhập vào cõi “âm huyền mờ mịt”- nói theo Nguyễn Du, tác giả “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh”. Những người đó hoặc mới qua đời năm ngoái, năm kia, hoặc khuất bóng từ lâu- cách đây mươi mười lăm năm, hoặc nhiều hơn nữa - nhưng tôi không muốn gọi là “những người đã chết” mà trái lại rằng: chính khi lìa trần mới là lúc họ tìm thấy cuộc sống bất diệt. Tôi vẫn mặc nhiên coi họ là “những người không bao giờ chết”.
Khi còn sống, trong cuộc đời thực tại; có thể thân thế họ chìm nổi bất thường, có thể họ chỉ dạo qua cuộc đời phồn thịnh như một người khách lạ, nhưng bây giờ, họ đã nằm yên dưới lòng đất, thể xác họ đã dần dần tiêu tan, sự cách biệt hầu như không còn nữa, linh hồn họ, bình thản hơn và thanh tuyền hơn, hình như cũng gần chúng ta hơn. Những văn nghệ sĩ đã khuất bóng “những người không bao giờ chết” đó mỗi người giờ đây chỉ còn là một ý niệm, mỗi tên tuổi đọc lên chỉ còn là một vọng âm, mỗi gương mặt nhớ lại chỉ còn là màu khói hương phảng phất. Nhưng hương khói kia bởi vì huyền ảo cho nên không bao giờ phai, vọng âm kia, tại vì vô ảnh vô hình cho nên không bao giờ tiêu tàn; và ý niệm kia, bởi vì chỉ là một ý niệm, cho nên không hề bị huỷ diệt.
Ai đã nói: “Danh vọng là vầng thái dương của người chết”? Nhưng đấy là “những người không bao giờ chết”. Vậy dù nhớ hay quên, chúng ta cũng chẳng đem lại được danh vọng nhiều hay ít, và ở bên này hay bên kia thế giới, mỗi người cũng vẫn có riêng một vừng thái dương đời đời phát tiết ra ánh sáng. Chúng ta nhớ tới họ, nghĩa là chúng ta chỉ đốt lên một nén hương, khơi lên một ngọn lửa nhỏ bé, đủ làm ấm lại một khoảnh khắc giao tình.
“Những người không bao giờ chết” đó, có người an nhiên ra đi theo Số Mệnh, cũng có người kháng cự đến tận cùng với số mệnh. Lại cũng có người bất ngờ bị số mệnh chợt tới đổ xô đi, không kịp gửi lại cho cuộc đời cả đến một khoé mắt, một nụ cười, hay một tiếng thở dài luyến tiếc.
Và cũng có những người đứng tuổi rồi mới lìa trần. Nhưng lại có những người yểu mệnh vội vàng giã từ cuộc sống ngay giữa tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, dù “ra đi” trước hay sau, vội vàng hay thong thả, bình dị hay sóng gió, tất cả giờ đây cũng đều tận nhập vào cơn Mộng Lớn như nhau, tất cả đều đã trút bỏ được mọi phiền não nhân thế, để cùng bước tới địa hạt “Vạn cảnh giai không”. Cũng như nhau, tất cả chỉ còn gặp gỡ chúng ta trên đường lối truyền cảm thuần khiết.
Cuộc sống xã hội hôm nay vắng bóng họ. Nhưng họ đã và sẽ có mặt mãi mãi trong cuộc sống tinh thần chung của dân tộc trong cả cuộc sống văn nghệ riêng của mỗi người. Phải chăng hiện tại này ít nhiều cũng đã làm bằng những hình bóng của dĩ vãng?
Chưa tính xa hơn nữa, hãy kể trong khoảng hai chục năm gần đây, cuộc sống của chúng ta quả thật bao lần chen lẫn cùng bóng dáng cái chết. Đã bao nhiêu người đã mất, đã bao nhiêu cuộc đời dần dần chìm vào thiên cổ, đã bao nhiêu tên tuổi chỉ còn là những tiếng vọng giữa thinh không? Bao nhiêu khoé mắt, nụ cười của những người bạn chúng ta, bao nhiêu tâm tình, ý nguyện của những người văn nghệ sĩ quen thuộc giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm!
Chúng ta không khỏi xót xa khi nhắc tới những người bạn đã khuất bóng. Nhưng khi nghĩ rằng họ là “những người không bao giờ chết”, chúng ta cũng thấy đôi chút dịu lòng. Mối sầu mênh mông nghìn thủa của người mất lẫn người còn, hầu như cũng được phần nào an ủi.
Dẫu sao tôi vẫn thường bâng khuâng đặt một giả thuyết - một giả thuyết nhưng chính là một hoài vọng- một hoài vọng bao giờ cũng chỉ là hoài vọng ngậm ngùi, bởi vì sở nguyện của lòng người dù thành khẩn, thiết tha đến mấy cũng không thể nào thắng nỗi số mệnh vô tình.
Nếu từ hai mươi năm nay, Thiên Cổ không sớm cướp của chúng ta đi một số bạn bè, thân hoặc sơ, và nếu hàng ngũ văn nghệ vẫn còn đủ mặt văn tình (dù là một văn tình mới mọc) nền trời văn nghệ xứ này sẽ còn rực rỡ sáng đẹp thêm chừng nào, và cuộc Hội Ngộ hôm nay của chúng ta sẽ còn đông vui, hào hứng bao nhiêu? Cuộc sinh hoạt tinh thần của đất nước này, đời sống anh hoa của dân tộc này sẽ còn giàu thêm bao nhiêu thanh sắc, nếu chúng ta không sớm mất những người bạn văn nghệ đáng lẽ chưa nên đi mất? Mái nhà thanh khí của chúng ta sẽ còn ấm cúng thêm biết chừng nào? Kho tàng văn học nước nhà sẽ phong phú thêm bao nhiêu, nếu cho tới hôm nay hàng ngũ văn nghệ của chúng ta vẫn còn đủ những: Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Nguyễn Nhược Pháp, J. Leiba, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Phạm Hầu, Phạm Tú, Thâm Tâm, Vũ Trọng Can, Nguyễn Đức Chính, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thạch Lam, Đặng Thế Phong, Trần Bình Lộc, Lê Trọng Quỹ 1 , Lương Đức Thiệp, Nguyễn Dân Giám, Tô Ngọc Văn, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Kim Hà 2 , Nhượng Tống, Quỳnh Dao 3 , Phan Phong Linh, Quách Thoại, Hoàng Đạo, Nguyễn Đình Lạp, Thu Hồng, Bùi Tiến Cảnh 4 , Vũ Xuân Tự. Nhất Linh, Lê Văn Trương… Hãy chỉ xin kể tới những tên tuổi mà nhiều người từng quen thuộc, và riêng tôi đã có dịp ít nhiều quen biết. Bản danh sách tất nhiên còn thiếu sót, nhưng thực tình, tôi cũng chẳng mong có một bản danh sách “đầy đủ” hơn. Những tên tuổi vừa kể, tuy chúng ta đang gọi là “những người không bao giờ chết”, nhưng thực sự, tôi vẫn muốn họ đừng vội đi vào cõi Bất Diệt để cuộc đời hôm nay còn nghe thấy tiếng nói ấm nóng của họ rung động nhiều lần nữa, và để cho những người sống ở cõi đời này được giàu thêm một chút cảm tình, một chút tình yêu, một chút hy vọng…
°
Nếu… ước vọng hão huyền của tôi không chỉ là ảo vọng, chắc chắn lịch sử văn học của chúng tá sẽ có nhiều hiện tượng bất ngờ kỳ thú.
Nhưng, từ hai chục năm trời nay, những người đã ra đi vẫn không bao giờ trở lại. Những Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Nguyễn Nhược Pháp, J. Leiba… những Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Phạm Hầu, Phạm Tú… những Thâm Tâm, Vũ Trọng Can, Nguyễn Đức Chính, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thạch Lam… những cô Ngọc Vân, Nam Cao, Phan Phong Linh, Quách Thoại v.v… đã chính thức nhập vào thế giới của “những người không bao giờ chết”, nghĩa là ít nhất đã phải một lần chết thực, theo cái nghĩa thê lương sầu thảm nhất của sự chết.
Chúng ta, những người đang sống hôm nay, những người chưa từng đặt bước vào cõi chết, và cũng chưa đi tới chặng đường tận cùng của cuộc sống, chúng ta sẽ cách biệt với họ biết chừng nào, nếu không còn lại đây một chút phần hồn trên vài trang sách cũ, một chút vang bóng trên vài nét bút xưa, một chút nghi dung qua ít nhiều kỷ niệm.
Đối với những người bọn đã khuất bóng, thân hoặc sơ, tôi đều cảm thấy một mối giao tình thân thiết. Những linh hồn ở bên kia trần lụy hình như bao giờ cũng sẵn sàng dành cho chúng ta những cảm tình tri ngộ trân trọng và quý báu, hơn cả những người bạn cùng đường ở cõi trần gian. Trường hợp một Vũ Trọng Phụng, lặng lẽ chết đi với cái nghèo cố hữu của mình, nhưng lúc sống đã dám nhịn đói giữa lúc vi trùng lao đang tàn phá hai là phổi, và nhịn đói để giữ trọn một lời giao ước với những người bạn đồng hội đồng thuyền, để trung thành với cái sĩ khí của chính mình, sĩ khí của một kẻ cầm bút không chịu để cho kẻ có tiền chi phối, trường hợp ấy thực đáng để cho nhiều người còn sống hôm nay ngẫm nghĩ, những người đang chen vai thích cánh nhau đến có thể trở nên tử thù với nhau, chỉ để giành lấy một chút ưu thế trong cuộc sống vốn dĩ không trường cửu.
Tiếng cười kỳ tuyệt của Vũ Trọng Phụng vẫn còn ngân dài bất tận trong “Số Đỏ”… Dầu sao hãy cứ tin rằng được cười một trận khoái sảng như vậy rồi chết, hai bàn tay trắng như Vũ Trọng Phụng cũng đủ mãn nguyện lắm rồi, không còn gì để tiếc đời.
--------------------------------
Kịch sĩ quen thuộc thời tiền chiến (đã xuất bản tập thơ “Thực
và Mộng” chung với Lương Đức Thiệp). |
|
Tác giả tiểu thuyết “Cái Nhà Gạch” (giải thưởng Tự Lực Vân
Đoàn 1939-1940 và tiểu thuyết “Tiếng Còi Nhà Máy” Dân Việt xuất bản) |
|
Thi sĩ tiền chiến, tác giả “Tơ Trăng” mất tích hồi khởi đầu
chiến tranh 1946. |
|
Thi sĩ đồng thời với Quỳnh Dao từng sống chung với Nguyễn
Bính ở Sài gòn |
Mỗi mùa xuân về lại đem tới cho chúng ta bao nhiêu hy vọng tương lai, nhưng cũng trở lại cùng chúng ta bao nhiêu kỷ niệm dĩ vãng.
Tôi muốn nhắc tới vang bóng của những mùa xuân đã qua, những mùa xuân mà tới muốn gọi là “Xuân Văn nghệ”, bởi vì ở đó sẽ gợn nổi lên bóng dáng cùng gương mặt của một số người văn nghệ trước kia đã từng ghi đậm bản sắc của mình trong cuộc sống, nhưng hiện nay hoặc đã hoàn toàn cách mặt khuất lời, hoặc vẫn còn sống nhưng đã từ lâu xa cách chúng ta.
Tôi muốn kể lại một vài kỷ niệm về những người bạn văn nghệ đó, với lòng chân thành ghi lại một chút dư hương của những mùa xuân cũ thứ nhất đấy là những mùa xuân đẹp và đã chứa đựng một phần linh hồn của những con người tuy chỉ sống có một thời nhưng vẫn hoài vọng lưu dấu vết trong thời gian nghìn vạn thuở.
MỘT TÀI NĂNG SỚM TÀN
Không biết còn ai nhớ, cách đây gần 20 năm, xuất hiện tại một nhà xuất bản từ Nam ra thiết lập cơ sở tại Hà nội (nhà xuất bản Tân Việt), một cuốn tiểu thuyết mỏng manh, cuốn Tiếng Còi Nhà Máy của một tác giả mới: Kim Hà? Người ta đã ngạc nhiên vì những lời quảng cáo ngộ nghĩnh của nhà xuất bản.
“Một thiên tài vô học!
“Hãy đọc Tiếng Còi Nhà Máy để thưởng thức thiên tài của một nhà văn thất học từ nhỏ…”.
Nhà văn đó, Kim Hà, đã khiến làng văn nghệ để ý tới, không phải vì những lời quảng cáo “giật gân” kia, mà vì trước khi Tiếng Còi Nhà Máy ra chào đời, Kim Hà đã được giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn với cuốn tiểu thuyết Cái Nhà Gạch. Năm đó (1940-1941), nhóm Tự Lực Văn Đoàn tuyên bố trên tuần báo Ngày Nay kết quả giải thưởng văn chương về tiểu thuyết, đã ấn định trao tặng giải nhì (vì không lấy giải nhất) cho cuốn Cái Nhà Gạch, một tác phẩm kỳ dị biểu lộ một văn tài thật hoang mang vô định, viết bởi một ngòi bút linh động đặc biệt, nhưng lạc lõng trước đường lối nghệ thuật và… bất chấp cả phương pháp hành văn.
Một ngày đầu xuân năm đó, tôi đã đi tìm Kim Hà, và tôi đã gặp anh ở một ngôi nhà nhỏ trên đường Thuỵ Khê, giữa cái xóm bình dân của thợ thuyền, phần nhiều là thợ nhà máy bia Ô-Men. Kim Hà cũng là một người thợ làm trong nhà máy đó từ ngày còn nhỏ tuổi.
Gặp anh, không thể ngờ rằng đó là một văn sĩ, lại là một văn sĩ vừa được một giải thưởng văn chương có giá trị. Tất cả người anh không tỏ một cái gì là văn chương, trừ đôi mắt. Đôi mắt láu máu, tinh quái như đôi mắt thỏ trên khuôn mặt ngầu, rỗ nhằng nhịt, có lẽ đó là tất cả cái “thần” của anh đã giúp anh nhìn vào cuộc sống, làm bật lên những tia sáng khác thường.
Kim Hà vẫn kéo dài cuộc sống tầm thường của đám dân cần lao- tầm thường nhưng không thiếu phong vị đậm đà- và anh vẫn thản nhiên lê đôi guốc mòn dạo qua cuộc đời làm bụi, với chiếc mũ phở trên đầu, chiếc áo tây cũ sờn vai… Kim Hà chưa lập gia đình riêng, nhưng trong tâm hồn chất phác mà phức tạp của anh không thiếu những bóng hình người mộng: trên thực tế, đó là những cô gái thợ nhà máy bia, những chị phu hồ, những cô gái bán hàng rong xinh xinh.… những chị em lao công dễ chung một quan niệm ái tình đại chúng với anh. Có tới ba bốn trái tim những có gái như thế đã từng hòa chung một nhịp với trái tim anh.
Kim Hà sống dưới mái gia đình nho nhỏ với một ông anh rất hiền và một bà chị dâu rất đảm.
Anh nhếch cặp môi mỏng, cười hồn nhiên, hân hoan nằm lấy tay người bạn mới đến tìm anh bằng cả hai bàn tay thật thà tri kỷ. Anh thẳng thắn thú nhận rằng anh rất ít học; rằng từ thuở nhỏ, anh chỉ đọc có một thứ báo. Nam Phong. Và anh đọc báo Nam Phong như người mộ đạo đọc kinh nhật tụng, Theo lời anh, tờ báo “cổ lỗ sĩ” đó đã giúp anh học được rất nhiều điều bổ ích cho sự viết văn.
Chẳng biết nghe ai nói, mà anh tò mò hỏi tôi:
- Có phải văn sĩ Maxime Gorki ở nước Nga ngày xưa “cũng” vô học không nhỉ? Nghe đồn ông thời trẻ “cũng” ma ga bông lắm phải không? Cho nên sau này ông mới viết tiểu thuyết lê-va-ga-bông? (Les vagabonds).
Không đợi tôi trả lời, anh gật gù tự giải đáp:
- Ờ! Người ta vô học, nhưng người ta học ở trường đời cũng có khối cái hay…
Và anh tuyên bố:
- Tôi chẳng có quan niệm gì về văn chương cả! Tôi viết văn như tôi nói chuyện. Và tôi viết ra tất cả những cái gì mà tôi đã sống, viết thẳng tuột một lèo không úp mở, không kiểu cách bóng gió. Từ truyện… trèo me trèo sấu, đến truyện… ăn cắp tiền bố mẹ để cho nhân tình! Tôi tả trắng cả cái cảm giác của anh đàn ông khi làm cái việc lý thú nhất ở trong bóng tối đối với đàn bà…
Kim Hà nói cũng thẳng tuột, không nghĩ ngợi. Và Kim Hà nói đúng như Kim Hà viết.
Thực vậy, Cái Nhà Gạch là cuộc đời của chính anh. Tôi đã đọc tập bản thảo chép lại của anh; chữ mực tím viết lệch lạc, sai hàng, rất nhiều lỗi chính tả. Nhưng cuốn truyện chứa chan sự sống, sự sống quằn quại, phức tạp, điên cuồng của những kiếp người hoang loạn, hỗn độn, nũng nịu trong cái lò nhân loại đau thương này.
Cái Nhà Gạch chưa xuất bản, và có lẽ cũng không bao giờ xuất bản nữa. Tiếng Còi Nhà Máy chỉ là một phần nhỏ của Cái Nhà Gạch. Kim Hà trích ra ở đó một đoạn, viết lại, làm thành một truyện riêng. Ở Tiếng Còi Nhà Máy, tuy sự xây dựng không được rộng lớn, nhưng người ta nhận thấy Kim Hà hành văn đã bắt đầu có quy củ, bút pháp đã bắt đầu điêu luyện, và phương pháp bổ cục đã khá vững chắc.
Tiếc thay! Tài năng đó không được trau dồi đầy đủ, không có hoàn cảnh nẩy nở thêm. Và đã sớm tàn như một điểm sao mong manh lìa ngôi.
Vì sau thời gian cho ra đời tác phẩm Tiếng Còi Nhà Máy, tác phẩm xuất bản đầu tiên và cuối cùng, Kim Hà chỉ còn viết thêm được một vài truyện ngắn đăng báo. Rồi sóng gió cuộc đời tràn đến lôi cuốn Kim Hà đi đâu không biết. Anh biệt tích từ đấy.
Mãi sau, bẩy năm sau nữa (khoảng 1948-1949), gặp người nhà anh, tôi hỏi thăm, mới biết rằng anh đã không còn là người của thế gian này: và được biết thêm: Kim Hà đã loạn thần kinh rồi phát điên, hơn một năm trời, trước khi chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét