Đội mũ lệch 2
Phàn nàn
Trong làng tổ tôm ở nước Nam dễ không mấy ai tránh hẳn được sự
phàn nàn. Tôi kể cả một ông vua, vua Tự Đức. Còn dân tổ tôm nào không nghe kể
đi kể lại ít ra vài chục lần câu chuyện ngài phàn nàn: "Thiên hạ bất như tứ
vạn" khi bị ông Cao Bá Quát phỗng mất cây bài ăn tốt?
Tôi có một bà bạn, tính nết rất nhu mì, hiền lành, vui vẻ,
khéo léo, nhanh nhẹn vân vân... không còn một tính tốt gì mà bà không có... khi
nào bà không đánh tổ tôm.
Vì vào bàn tổ tôm bà ấy đổi khác hẳn, trở nên một người cảu
nhảu, gắt gỏng, nhất là hay phàn nàn. Tôi vẫn nói đùa với bạn rằng, giải quán
quân về cái đức tính phàn nàn đã bị bà ta chiếm mất, khó lòng sau này sẽ có người
phá được cái kỷ lục rất cao mà bà hiện còn đương giữ.
Bị phỗng, mở hụt cây bài ăn tốt, mất ù, đánh lầm, đánh thấp,
gặp người ăn đánh hơi chậm, thì phàn nàn, cũng còn tha thứ được. Bà bạn tôi có
nhiều dịp phàn nàn khác thường hơn. Nào ngồi phải chỗ đen, nào bị hãm cánh trên
bị hãm cánh dưới, nào bị người đứng xem bài, vía chẳng ra quái gì.
Nhiều lần vừa lên xong phần mình, bà ném phịch hai mươi cây
bài vô tội xuống sập mà làu nhàu than thở: "Thế thì có ác không, trắng
toát xen mỗi một cây thang thang". Rồi bà đặt cây bài đó xuống chiếu, lấy
ngón tay trỏ miệt mãi vào mặt nó mà mắng: "Séo đâu không séo hử, dẫn đến
nhà tao làm gì?"
May mà mình đã biết tính bà bạn rồi, nếu không, mình đã ngờ vực
rằng bà đuổi mình. Sự rủi ro đó không phải đã không xảy ra: một ông hết hội, đứng
dậy xin về, mời thế nào cũng không chịu đánh nữa. Ông khách mếch lòng vì câu
nói vô tình của bà chủ nhà.
Ấy thế mà hễ ai có can đảm, hơi đụng chạm đến cái tính khó chịu
của bà bạn tôi là bà giận liền và cãi cho bằng được rằng bà không phàn nàn bao
giờ.
Biết vậy một lần vừa bắt đầu vào cuộc, tôi liền đặt ra một lệ
rất mới lạ trong làng tổ tôm: là người nào phàn nàn một câu bất cứ có lý, vô lý
đều phải bỏ vào chỗ tiền góp hội của làng một hào. Ai nấy bằng lòng ngay, vì ai
cũng cho rằng mình không có cái đức tính khó chịu kia. Hội đầu, tiền làng gần gấp
rưỡi và tuy góp có một đồng mà bà bạn tôi phải bỏ ra đến đồng tám.
Sang hội thứ hai, mọi người đã biết giữ gìn, nên ít ai vấp phải
sự phàn nàn. Bà bạn tôi mặt mày khó đăm đăm, có vẻ tức tối, buồn bực lắm. Chẳng
khác người say sưa ngồi trước chai rượu mà không được uống, người nghiện thuốc
phiện đến cơn nghiền mà bị cấm không cho hút.
Bỗng xong một ván, trong khi một người hạ ù bà bạn tôi vất một
hào vào chỗ tiền góp, rồi mới bày bài xuống sập và nói lớn:
- Bài thế này mà không cho người ta phàn nàn thì thà cứ giết
ngay người ta đi thôi. Mở đúng cây xuyên tư ăn thập thành, bạch định, bị phỗng!
Chừng bà nghĩ đã mất một hào thì nói cho bõ, nên cứ một câu,
bà phàn nàn đi phàn nàn lại mãi.
Mưu cao
Cụ đốc Nguyễn là một người rất vui tính. Những buổi tối, nằm
bên khay đèn thuốc phiện, cụ thường thuật cho bọn hậu sinh nghe những câu chuyện
ngộ nghĩnh hay khôi hài đã từng xảy ra trong đời lịch duyệt của cụ. Dù bất cứ
chuyện gì ở đời dù trang nghiêm trọng đại đến đâu đối với khối óc triết lý của
cụ cũng chỉ trở nên có những tính cách hý hước hay trào lộng.
Hôm ấy tôi chỉ có cái hân hạnh được cụ lắng tai chú ý đến câu
chuyện thầy cãi Pathelin của tôi. Khi tôi ngừng kể, cụ suýt sặc thuốc, vì vội
phá lên cười. Rồi chẳng thèm giữ vẻ đạo mạo của nhà túc nho, cụ bắt chước anh
chàng Agnelet mà kêu "bée" om lên, vừa kêu vừa cười ha hả:
- Bée... bée... khá lắm! Câu chuyện hài kịch tây của ông lại
làm tôi nhớ đến câu chuyện hài kịch ta, mà chính tôi đây đóng một vai, cái vai
khó khăn của ông thầy cãi. Nhưng đây thì anh khách hàng của tôi không biết kêu
Bée vì anh ta rất thành thực và thật thà.
- Thời ấy, tôi làm đốc học Hà Nam, nhưng vì đã bỏ thi chữ
nho, và việc học Hán tự không còn nữa, nên ông đốc học, tuy người ta vẫn gọi là
quan đốc, kỳ thực vẫn là một ông thương tá giúp việc quan tuần phủ, tổng đốc
cũng như ở phủ, huyện, những ông huấn đạo, giáo thụ đã nghiễm nhiên trở nên những
viên trợ tá giúp việc cai trị. Đáng lẽ khi nào ông tuần giao làm việc gì, bất cứ
việc gì, thì mình làm việc ấy nghĩa là ít khi phải làm việc gì hết.
Cụ đốc ngừng vài giây để cười một cách khoái lạc rồi lại kể
tiếp:
- "Nhưng vì hồi đó ông chánh án ở Hà Nam hơi có tính khó
chịu, càu nhàu, gắt gỏng, hay ngờ vực, nên cụ tuần giao hẳn cho tôi cái chức
trách làm bồi thẩm tại tòa án đệ nhi cấp, nghĩa là cái địa vị ngồi ngáp và ngủ
gật bên cạnh một ông chánh án gầm hét và một người thông ngôn láu lỉnh, hách dịch
mắng dân luôn mồm. Thỉnh thoảng ông chánh án lại đánh thức mình dậy để hỏi một
vài ý kiến. Thường thường thì tôi trả lời ông ta một câu cho yên chuyện:
"Tùy quan lớn". Nhưng một đôi khi tôi cũng máy miệng bàn vơ tán vẩn
cho vui và đỡ buồn ngủ, bàn tán để xem ông chánh án làm án ngược hẳn với ý kiến
của mình. Ông ta vốn đã không ưa gì mình thấy mình hoặc chểnh mảng với phận sự,
hoặc mờ mịt với luật pháp lại càng ghét lắm. Có khi ông ta đã khen với tôi rằng
cụ tuần là ban ngày, chừng muốn bảo ngầm rằng tôi là ban đêm.
Có lẽ dân sự cũng thấu rõ tình hình trong tòa án và biết rằng
mình chỉ là một pho tượng gỗ, chẳng có chút oai quyền gì nên chẳng ma nào nó
thèm nghĩ đến mình. Nhiều thằng, khi được tha trắng án, chỉ biết vái chào và cảm
ơn ông chánh án mà thôi còn mình họ cho là thừa.
Nhưng một hôm, một anh dân chẳng hiểu sao lại vào dinh quan đốc
học mà khấn khứa với mình. Anh ta bị chị dâu kiện về tội hành hung, và lăng mạ,
có chứng cớ rõ ràng. Tôi dọa phủ đầu: ‘Tội anh ít ra là một năm tù’. Anh kia lạy
van khóc lóc, coi bộ khổ sở lắm. Về sau công việc ngã ngũ ra như thế này: Nếu
tôi giúp anh ta được trắng án, anh ta sẽ lễ tôi trăm bạc, còn nếu anh ta bị phạt
ba tháng tù án treo thôi thì anh ta cũng chịu tạ tôi năm chục. Tôi chắc mẫm ít
ra cũng xơi ngon được năm chục của anh ta. Anh ta nhà giàu có thừa tiền thì dẫu
có mất cho mình dăm chục đã sao. Ấy là lúc đó tôi tự an ủi và tự tha thứ bằng một
tư tưởng sáo.
Tôi chắc thế là vì tôi đã có cách cứu chữa cho khách hàng của
tôi một cách rất hiệu nghiệm.
Đến phiên tòa. Hỏi xong chứng tá, ông chánh án quay lại phía
tôi mỉm một nụ cười chê nhạo:
- Việc tên An đánh chửi chị dâu, quan lớn định tội ra sao?
Tôi dõng dạc đáp:
- Việc này có quan hệ đến nền Khổng giáo Á Đông, vì dân Á
Đông trọng tam cương, ngũ thường. Nay tên An rất mực vô lễ đánh chửi chị dâu,
phạm vào ngũ luân, vậy ta nên làm tội thực nặng để răn kẻ khác.
Ông chánh án lim dim cặp mắt, mai mỉa hỏi lại:
- Thực nặng là bao nhiêu?
- Một năm ít ra là một năm tù.
Ông chánh án giơ hai tay lên trời kêu:
- Trời! một năm tù. Sao quan lớn nghiệt dữ thế?
Tôi sung sướng biết ông ta mắc mưu mình rồi, vì tôi thấy ông
ta mắt càng lim dim, đầu thì gật gù, cặp môi đã mỏng bị một nụ cười bí mật căng
thẳng ra càng trở nên mỏng thêm. Chắc hẳn ông ta đương nghĩ thầm: ‘Lão này ăn
tiền bên nguyên nên mới kết án nặng một cách vô lý như thế!’ Rồi ông ta hỏi
tôi:
- Phạt nó độ ba tháng thôi có được không?
- Không thể được, sáu tháng cũng nhẹ quá chứ đừng nói ba
tháng vội.
- Vậy thì tôi xin tha nó trắng án.
Thế là khách hàng tôi được trắng án.
Buổi chiều anh ta vào dinh tôi, vào không phải để nộp tôi món
tiền đã hứa, cũng không phải để kêu ‘bée’, như anh chàng trong hài kịch gì
đó, mà để trách móc tôi: Tôi giảng nghĩa cho anh ta hiểu mưu cao của tôi, nhưng
anh ta nhất định không chịu hiểu. Tôi bực mình tống cổ anh ta ra, rồi ngồi lại
một mình tôi cười, cười mãi".
Dứt lời, cụ đốc cất tiếng cười vang nhà. Tôi cũng không thể
nhịn cười được.
- Nhưng sao trước khi ra tòa, cụ không bảo cho anh kia biết rằng
mưu mẹo của cụ là thế?
- Nếu vậy đã không có chuyện! Vả tôi muốn giữ kín cái mưu cao
của tôi cho được có hiệu nghiệm.
Trúng số
Bính và Mẫn nghỉ học rủ nhau vào hiệu Gô-đa chơi, vào chơi
thôi chứ cũng chẳng định mua thức gì.
Trước bàn trả tiền, hai chàng ngây người đứng ngắm cô Pháp
lai thủ quỹ. Cô tươi cười hỏi Bính:
- Thưa ông, cái gì của ông?
Bính nhìn Mẫn. Cô kia hỏi luôn Mẫn:
- Và ông?
Thấy hai chàng luống cuống, cô mủm mỉm cười nói tiếp:
- Chừng ông muốn mua một số phiếu thi xe đạp?
Rồi cô mở tập phiếu ra, bàn tay trắng trẻo cầm một tờ toan
xé:
- Ông mua số này thế nào cũng trúng. Số độc đắc là một cái xe
mô-tô. Tay tôi xé may mắn lắm, giá có một đồng thôi.
Bính tưởng nên trả lời một câu tình tứ:
- Tay cô xé cho biết bao nhiêu người rồi, mà đều may mắn cả.
- Nhưng riêng phiếu này may mắn nhất.
Hai chàng chống lại sao nổi cái nụ cười thơm tho. Bính thì thầm
hỏi Mẫn:
- Anh có tiền đấy chứ?
- Tôi chỉ có năm hào.
- Tôi cũng vậy.
- Vậy mua chung nhé?
Tức thì hai chàng dốc cả túi đếm đủ mười hào lên miếng đồng
vuông trên bàn trả tiền, để đổi lấy cái cười đủ hai hàm răng trắng nuột, và một
phiếu đánh số xe đạp.
° °
°
Mẫn không tiếc lời kỳ kèo bạn, kỳ kèo cho đến hôm xem nhật
trình thấy mình trúng số độc đắc. Từ đó, cố nhiên hai chàng không ai kỳ kèo ai
nữa. Bính toan đến ngay Gô-đa cám ơn cô Pháp lai xinh đẹp. Mẫn cho thế là hơi lố,
nên gạt đi.
Hai chàng đến lĩnh xe mô-tô. Đứng trước chiếc xe bóng loáng,
hai chàng sung sướng như người... mới trúng số độc đắc. Mẫn hỏi Bính:
- Anh có biết lái xe mô-tô không?
Bính gật gù tự phụ:
- Còn phải nói. Đến xe ô-tô tôi còn lái được, nữa là xe
mô-tô.
Mẫn buồn rầu ngẫm nghĩ:
- Vậy thế nào ta cũng phải bán xe.
- Nhưng làm thế nào đem được nó về bây giờ. Hay ta thuê xe bò
kéo.
Mẫn cười:
- Kìa, anh đã quên rằng anh lái xe mô-tô giỏi hơn lái xe
ô-tô.
- Ồ nhỉ!
Sau khi đã hỏi người thợ máy ở hãng xe về các máy móc, Bính
liền cưỡi xe cho chạy. Nhưng cái xe còn mới lạ chưa quen chủ, nên nó bất kham
chẳng chịu đi. Bính, Mẫn đành thay nhau dắt nó về chỗ trọ học.
Sau khi Bính, Mẫn đã giở hết tài hùng biện và đi khắp mọi nơi
để tán tụng cái xe quý, thì một người đội Tây nghe bùi tai bằng lòng trả lại
hai trăm bạc, nghĩa là chưa đầy nửa số tiền thực giá của nó. Nhưng hai chàng
cũng mừng quýnh bắt tay cảm ơn mãi người đội mà hai chàng coi như ân nhân của
mình. Bính bảo Mẫn:
- Với hai trăm bạc ấy, chúng ta sẽ mời anh em chén một bữa thực
sang, rồi tặng một cái cúp ten-nit thực oai ê-xê-tê-ra... ê-xê-tê-ra...
Nhưng trước khi được hưởng những lạc thú ấy, hai chàng còn phải
chịu khó một lần cuối cùng dắt xe tới một hiệu chữa xe ở phố Cửa Nam để người
thợ máy ở đấy soát lại máy móc một lượt. Người đội hứa hôm sau sẽ đem tiền đến
đó lấy xe.
Hôm sau Bính trở lại hiệu chữa xe Cửa Nam để nhận tiền. Mẫn
đã đến trước. Bính hỏi:
- Nó đâu?
Mần bĩu môi đáp:
- Nó đã trở nên một đống sắt nát.
Bính không hiểu, kinh ngạc:
- Anh bảo lão đội?
Mẫn thản nhiên:
- Không, tôi bảo cái xe. Kìa anh trông.
Bính ngắm chiếc xe mô-tô rúm ró trong một xó:
- Anh chỉ nói đùa!
- Lại đùa nữa.
Người chủ hiệu phải buồn rầu và thuật lại sự rủi ro khi thử
xe cho Bính nghe. Bỉnh mới tin là thực. Mẫn cũng trầm ngâm đứng nghĩ tới sự rủi
ro của bữa tiệc và cái cúp ten-nít.
- Nhưng không sao, để tôi chữa lại mới nguyên.
Bính gắt:
- Mới nguyên! Xe của tôi giá năm trăm bạc mà ông làm ra nông
nỗi như thế kia... Không được, ông phải đền tôi. Giá xe năm trăm bạc, tôi chỉ lấy
hai trăm thôi.
Chủ hiệu không có hai trăm và xin đền bằng bốn cái xe đạp mới.
Mẫn đã toan nhận lời, nhưng Bính nhất định không nghe, đòi cho bằng được hai
trăm không thì kiện.
Bính tưởng dọa đùa một câu để chủ hiệu có sợ mà đền tiền
chăng. Chẳng ngờ đùa quá hóa thực. Là vì Bính, Mẫn có một người bạn làm thư ký
cho một ông thầy kiện ở Hà thành. Người bạn ấy bảo hai chàng:
- Quan trạng của tôi cãi đâu được đấy. Các anh chạy lấy ba chục,
tôi sẽ nói ngài cãi giúp các anh. Đền hai trăm à? Năm trăm là ít.
Chiều hôm ấy, Bính Mẫn mỗi người gửi về nhà một bức điện tín
tối khẩn như sau này: "Gửi ngay tiền học ba tháng tới, nếu không sẽ bị đuổi".
Và hôm sau mỗi người nhận được một cái ngân phiếu ba chục.
Món tiền học ba tháng lớp nhất trường trung học Albert Sarraut ấy tức thì trở
nên tiền giấy mực trạng sư.
Chủ xe tuy cũng thuê trạng sư, nhưng ý chừng ông trạng ấy còn
kém cỏi, vì một năm sau, Bính, Mẫn được kiện.
Được kiện mà mất cho trạng sư có gần trăm bạc, thành thử lãi
những hơn bốn trăm, vì tòa xử bên bị phải đền bên nguyên đủ số tiền năm trăm.
Bính Mần, suýt hôn thầy kiện của mình. Rồi hai chàng nhờ ngay
thừa phát lại đến hiệu chữa xe ở phố cửa Nam đòi tiền.
Một lát sau, thừa phát lại trở về.
Mẫn mừng quýnh hỏi:
- Nó trả rồi chứ?
Thừa phát lại thản nhiên trả lời:
- Nó vỡ nợ đã ba tháng nay, và hiện ở đâu không biết, vì
không để đia chỉ lại.
Chiều hôm ấy Bính, Mẫn vào Gô-đa để di dưỡng cặp mắt và cố
quên nỗi phiền muộn trong lòng.
Sau một năm, cô Pháp lai ở bàn trả tiền vẫn nhận được Bính,
cái anh chàng hay ngắm nghía mình. Cô ta hỏi:
- Thế nào, năm ngoái ông có trúng số không?
Binh nhìn Mẫn suýt ứa nước mắt.
- Có trúng, trúng số độc đắc.
- Trời ơi! Trúng sõ độc đắc! Đã bảo tay tôi xé phiếu may mắn
lắm mà!
Ba nước cờ
Ngọc đến chơi nhà Kim thấy trên bàn có cái hộp Nhật Bản xinh
xắn. Chàng cầm ngắm nghía khen ngợi nét vẽ, rồi mở ra xem: hộp đựng một quân cờ
ngà đã lên nước.
- Trời ơi! Anh cao cờ lắm nhỉ?
Kim cười:
- Sao anh biết tôi cao cờ?
- Không cao mà lại chơi quân cờ ngà?
Ngọc đem kể cho bạn nghe câu chuyện cổ tích:
- Ngày xưa một tay danh kỳ có ba bộ quân cờ: bộ sừng để tiếp
những khách đánh năm đồng (người ấy chỉ đấu cờ tiền), bộ xương để tiếp khách
đánh mười đồng và bộ ngà để tiếp những ông khách đánh từ hai mươi đồng trở lên.
Kim lại cười:
- Vì thế mà anh biết tôi cao cờ đây?
Ngọc kể tiếp:
- "Một hôm có người đến xin đấu cờ. Người ấy nói chỉ
mang theo đúng năm đồng, nhưng nếu chủ nhân ưng tiếp bằng bộ quân ngà thì xin hầu
một ván, vì xưa nay chưa từng chơi quân sừng hay quân xương bao giờ.
Chủ nhân nghe nói biết khách là tay kỳ tài liền đem bộ quân
ngà ra tiếp. Hai bên mới đi được ba nước, thì khách không nhìn tới bàn cờ nữa,
ngửng lên hỏi thăm gia đình chủ nhân, rồi liên miên bàn về kỳ sử, kỳ trận, đến
nỗi chủ nhân phải nhắc:
- Nhưng mời ngài đi...
Khách mỉm cười hỏi:
- Còn đi nữa kia à? Tưởng ngài biết rằng ngài thua rồi.
Chủ nhân xin vào nhà trong nghĩ lại. Loay hoay gần nửa ngày
bàn tính với con, chàng ra xin chiu thua,
- Vâng, bốn mươi nước nữa, tôi sẽ bị thua về nước pháo bí.
Khách gật gù:
- Ngài tính được đến bốn mươi nước, kể đã khá lắm. Tính riết
ra thì phải bốn mươi ba nước".
Câu truyện cổ tích làm hai người cười ngất. Rồi Kim mời Ngọc
đấu một ván cờ để đọ tài cao thấp.
- Vậy anh bảo đem bàn ra.
Ngọc yên trí rằng Kim đã có bộ quàn cờ ngà như thế kia, thì
chắc chắn cái bàn cờ cũng chẳng phải là cái bàn cờ tầm thường. Nhưng chàng kinh
ngạc biết bao khi thấy bạn mở ngăn kéo lấy ra một tờ giấy bìa mỏng gấp đôi mà
nói rằng:
- Bàn cờ đây.
Những quân cờ ngà bày ra lên trên tờ bìa nâu trông không có một
chút mỹ thuật nào.
Đi được ba nước - cũng đi được ba nước như trong câu chuyện cổ
tích - Ngọc dừng cuộc đấu, ngừng lên bảo Kim:
- Sao anh chẳng sắm lấy một cái bàn cờ bằng gỗ lát, gỗ gụ,
hay gỗ trắc chẳng hạn. Đánh bàn cờ giấy không những phí bộ quân ngà, mà lại mất
hết cả nước cao.
Kim mỉm cười:
- Ấy, trước tôi vẫn có một cái bàn cờ bẳng gỗ gụ đẹp lắm.
- Thế bây giờ đâu?
- Tôi dùng làm mặt bàn ngủ rồi.
- Sao lại dùng bàn cờ làm mặt bàn ngủ? Anh thích ngủ hơn đánh
cờ?
- Cũng chẳng thích hơn, nhưng vì một cớ quan trọng.
Ngọc tò mò hỏi:
- Có thể cho tôi biết cái cớ quan trọng ấy được không?
- "Sao lại không được. Có gì đâu. Một hôm tôi đến chơi
anh Thuyết. Tới nhà không thấy Thuyết đâu. Nhưng dưới sập, nằm bên cạnh nhau
hai đôi giầy, hai đôi giầy ta lớn nhỏ khác nhau.
Tôi ngẫm nghĩ: ‘Quái! Sao lại hai đôi giầy!’
Bỗng nghe có tiếng ‘huỵch huỵch’ ở sân sau. Tôi chạy vội ra.
Một cảnh tượng rất kinh dị, rất buồn cười, rất đau đớn, rất
ngộ nghĩnh, rất hài hước hiện ra trước mắt tôi: hai người một tay dằng co cái
bàn cờ, một tay giơ lên đấm vào đầu nhau.
Tôi đến gỡ ra thì là anh Thuyết và anh Ngôn.
Tôi hỏi:
- Các anh điên à?
Anh Thuyết vừa thở vừa đáp:
- Anh tính thế này thì có tức không. Mới ra quân được ba nước,
tôi đặt lầm quân xe vào chân mã nó, chưa kịp buông tay lên nó đã vồ lấy, tôi
không cho nó vồ, nó cầm bàn cờ phang tôi.
Ngôn không để cho Thuyết nói hết câu, cãi lại:
- Lại còn chưa buông tay ra. Đặt yên chỗ rồi, người ta mới chặt,
lại còn bảo người ta vồ!
Tôi can một câu:
- Đánh cờ cần nước cao thấp, chứ sao lại cướp!
Thuyết được thể:
- Đấy, anh nghĩ có phải không?
Ngôn cãi:
- Thế ván trước, anh kém quân mà lừa chiếu tôi nước pháo bí,
tôi chịu thua ngay, chứ có hượm anh đâu?
- Chiếu thua khác, bắt quân khác chứ!
- Khác thế nào? Cờ gì lại cờ hượm! Cờ gì lại cờ con khỉ thế!
Thuyết giật ngay cái bàn cờ ở tay tôi vừa phang bừa vừa thét:
- Anh bảo ai khỉ hở?
Nhưng anh Ngôn né mình về một bên, cái bàn cờ giáng mạnh xuống
vai tôi. May mà chỉ đau thôi.
Bấy giờ hai nhà kỳ địch mới chịu hòa để cùng nhau xin lỗi tôi
và lấy dầu long não bóp chỗ thương cho tôi.
Về đến nhà, tôi cất biệt ngay cái bàn cờ gụ của tôi đi. Rồi
nhân một cái bàn ngủ đã mọt, lấy bàn cờ thay vào.
Vì thế mà hôm nay tôi chỉ được tiếp anh với cái bàn cờ giấy,
tuy anh là một nhà danh kỳ, xin anh cũng lượng tình tha thứ cho".
Ngọc vỗ tay cười. Kim cúi xuống bàn cờ, bảo bạn:
- Nhưng mời anh đi cho!
Ngọc vẻ mặt kinh ngạc:
- Còn đi nữa kia à?
- Chứ sao?
- Thế ra anh chưa biết anh thua.
Kim quên bẵng câu truyện cổ tích ban nãy, chau mày nói câu:
- Cờ này mà anh bảo tôi thua? Mới đi được ba nước, mà anh đã
bảo tôi thua? Tôi lại cầm bàn cờ phang vào đầu cho anh mấy cái bây giờ!
Ngọc phá lên cười:
- May mà bàn cờ của anh chỉ còn là bàn cờ giấy!
Cờ điện thoại
HỒI I
Trời mưa, Huỳnh ngồi một mình ở bàn giấy, buồn rầu cau có, vì
chẳng biết làm gì. Bỗng chàng nghĩ ra một điều hay hay, khúc khích cười và vui
vẻ đứng dậy lấy bàn cờ bày dàn quân ra, rồi gọi điện thoại.
Huỳnh, nói điện thoại - Allo... 470 phải 4-7-0... (một lát)
Allo! Anh Sâm đấy, phải không?... Chính Huỳnh đây... vẫn như thường, anh tính
còn có chuyện gì lạ nữa?... Phải tôi cũng như anh, cũng buồn như chấu cắn, vì
thế, tôi nghĩ ra được một cách tiêu khiển thần tình, thú vị lắm... Anh lấy bàn
cờ, bày quân ra... Thì cứ bày quân ra... Không cần gì tôi phải lại đằng anh,
đánh cờ bằng điện thoại kia mà... Được lắm chứ sao Thì anh cứ bày quân ra bàn
đã rồi sẽ hay... Allo!... (một lát) Allo! Xin cô đừng cắt 1... Allo! Anh Sâm? Anh bày xong cờ rồi, phải
không? Vây xin mời anh đi trước... Ấy, không được, tiền khách hậu chủ chứ!...
Chính anh là khách. Anh là khách, tôi là chủ... Vì tôi mời anh, vì lối cờ điện
thoại này, tôi là người nghĩ ra đầu tiên... Vâng, được rồi tôi sẽ thết anh...
Anh uống gì? Canh-ki-na nhé? Sâm banh nhé? Bia thôi à?... Vậy mời anh rót bia
ra cốc, đằng này tôi cũng sẵn cốc Amer Picou rồi đây. Allo! Xin mời anh! (giữ cốc
rồi uống) Picon khá đấy chứ, anh nhỉ?... Bây giờ mời anh đi... Anh vào pháo đầu?
Pháo hai bình năm? Tôi cũng xin pháo hai bình năm (vừa nói vừa đi nước cừ)...
Chính thế, Đại liệt lắm chứ... Phải, cố nhiên là phải mã hai tiến ba... Allo!
Xin cô đừng cắt... Lâu gì mà lâu, chúng tôi vừa nói chuyện được nửa giờ... à, nửa
phút, Allo... mã tám tiến chín... Thưa cô đừng cắt... Mã tám tiến chín mà lại!...
Allo, allo! Thế nào? Allo! Rõ khổ! Nó cắt mất rồi.
HỒI II
Cùng cảnh, hai giờ sau
Huỳnh - Allô! Vẫn anh Sâm đấy chứ? Khó chịu quá! Hai giờ đồng
hồ đi được hơn mười nước cờ! Mà cô ả cắt không biết bao nhiêu lần nữa... Nghe
thấy thì nghe thấy, tôi sợ gì cờ điện thoại, rồi tôi còn kiện cho nữa là
khác!.. Anh tính đánh cờ mà không là việc quan hệ à?... Vả lại chúng mình còn
có việc cóc gì quan hệ nữa. Hử! Mỗi năm người ta trả những sáu chục bạc, mà
không để người ta được tự do đảnh cờ... Nhưng anh đi đi chứ. Allo! Ai mách anh
đấy?... Không à? Nghe nheo nhéo "đừng nhảy mã, đừng nhảy mã", lại còn
không có ai mách!... Ngài nào đấy, tôi nói cho biết một lần cuối cùng; cờ
ngoài, bài trong, ngài đừng khoe khôn, khoe ngoan, mà bàn cờ này vào đầu có
phen!... Báo đấy à? Báo thì Báo, tôi cũng không kiêng nể đâu... Xe hai tiến ba
phải không?... Chắc chắn rồi đấy chứ... Thực chắc chắn. Vậy tôi, mã sáu thoái bảy...
Phải thoái bảy... Cố nhiên đuổi hai xe, thưa ngài quân sư Báo... Không được,
không hượm được, đã bảo chắc chắn rồi tôi mới đi kia mà... (ấn mạnh quân xuống
bàn cờ). Không hượm được. Tôi có hượm anh bao giờ đâu... Nhầm? Mặc chứ, nhầm tức
là thấp... Không đánh nữa à?... Chơi bẩn thế à? Không, nhất định không cho hượm...
Anh cứ hượm?... Dễ nghe nhỉ (ngón lay dí mạnh quân cờ xuống bàn). Đi mau, cho
người ta chặt xe... Chặt hẳn chứ lị... Thưa cô, đừng chặt... đừng cắt... À, cô
lại gắt với tôi?... Tôi có quyền được nói mãi... À, cô nghe chuyện riêng của
tôi?... Cô biết chúng tôi đánh cờ... Allo! Allo! (lắc đầu) lại cắt rồi. (Đặt mạnh
ống điện thoại xuống máy).
HỒI III
Mười lăm phút sau
Huỳnh - Allo! Allo! Anh Sâm đấy à?.. Không?... Anh Sâm đi vắng?...
Thì chính tiếng anh đấy mà lại? Tôi nhầm sao được?... À, anh nhất định bảo anh
đi vắng?... Anh nhất định, phải không?... Không anh không đi vắng, anh có
nhà... có nhà... có nhà... Bẩn, đánh bẩn. sắp thua lại phá bĩnh... Cáu này! Phá
bĩnh này! (giơ chân đạp mạnh bàn cờ đặt trên ghế, quân lăn ra đất, và thuận tay
ném luôn cả cốc rượu).
Nghỉ một giây, và nghe chừng chưa hả giận. Allo! Allo! Nghe
đây này (Bầy vội quân cờ lại, ghé ống điện thoại gần vào bàn cờ, rồi chặt một
cái thực mạnh). Allo! Chặt xe đấy! Nghe rõ chưa? (Đoạn nhặt những mảnh cốc vỡ
ném mạnh xuống đánh xoảng một tiếng) Chừa chơi bẩn chưa? Chừa phá bĩnh chưa?
HẠ MÀN
Chú thích:
Lời nói với cô giữ việc điện thoại ở nhà dây thép. |
Vợ chồng Độ đương làm ăn vui vẻ, bỗng đem nhà cửa, vườn đất cầm ráo cho ông hàn Đang.
Những người láng giềng bảo nhau:
- Kinh tế ghê gớm thật! Đấy, cái dinh cơ mới tậu được vài năm đã cầm bán rồi.
- Phải, thời buổi này, ai mà chắc được.
Một người đàn bà soi mói:
- Kinh tế, kinh tụng gì! Tôi biết. Chỉ tại chồng thì cờ bạc chơi bời, vợ thì như cái đụn rạ, chẳng chịu làm lụng tần tảo.
Một người khác lại tiếp một câu cay độc:
- Đáng kiếp! Muốn lên bà, khó lắm con ơi!
Họ còn bàn tán, bình phẩm nhiều câu, hoặc phàn nàn thương hại, hoặc mỉa mai trách mắng. Phàn nàn để tự bảo rằng mình chưa đến nỗi khổ sở nào, trách mắng để tỏ ra rằng mình giỏi giang hay hớm. Bao giờ cũng vậy, sự khổ sở của người khác, nếu không là sự sung sướng của mình thì ít ra cũng an ủi được mình đôi chút. Đến như ông hàn Đang kia giầu nứt đố đổ vách ra và tuy đã vớ được một món hời mà cũng còn khinh bỉ kẻ gặp vận túng. Ông ta cười bảo vợ lẽ:
- Thằng cha ấy lên mặt học thức lắm kia đấy. Xem phen này có nhăn răng ra với ông không nào.
Vợ lẽ đáp:
- Ông biết đâu rằng người ta nhăn răng. Ông ấy bảo cầm nhà cầm vườn để kiếm ít tiền làm vốn lên Hà Nội buôn bán, rồi đến hạn lại chuộc kia mà.
Ông hàn cười oang oang nói:
- Thế thì cô chẳng biết một tí gì cả. Xưa nay cô đã thấy ai cầm cái gì cho tôi mà hòng chuộc lại được không? Tôi láu lắm chứ, nếu tôi biết người ta chuộc được, thì tôi đã mua phăng, chứ khi nào chịu cầm.
Cô vợ lẽ nịnh khéo:
- Thế thì ông đáo để thực.
Ông hàn được thể:
- Nhà đất hắn ta mua hơn hai nghìn bây giờ cầm cho mình năm trăm bạc, thì mình còn cho vay món nào lãi hơn nữa.
- Nhưng hình như lãi có một phân.
- Cần gì cái số lãi ấy. Mà nó trả gì được lãi. Nghĩa là mình đã lấy phăng cái dinh cơ của nó rồi. Nhưng văn tự đây, cô xem khắc hiểu cái khóe cạnh của tôi.
Rồi ông hàn đem văn khế ra đọc cho vợ lẽ nghe. Đại khái thế này. Một nếp nhà và một cái vườn rộng một mẫu, vợ chồng ông Độ đem cầm cho ông hàn Đang lấy 500 bạc, lãi một phân. Số lãi ấy vợ chồng ông Độ trả từng tháng một, từng năm một hay khi chuộc lại trả gộp vào gốc cũng được. Nhưng ông hàn được ở nhà, được hưởng hoa lợi trong vườn và điều cần nhất, quá hạn năm năm ba ngày không chuộc thì nhà và vườn kia coi như là thuộc quyền sở hữu của ông hàn Đang.
Đọc xong bản văn khế, ông hàn lại cất tiếng cười he hé bảo vợ lẽ.
- Mình đã hiểu chưa? Nghề đời càng dễ càng khó; càng rộng càng chật. Cho cu cậu, trả lãi dễ dãi thế, cu cậu mới ỳ ra rồi chợt đến hạn không moi đâu ra được tiền mà trả gộp cả gốc lẫn lãi, là cu cậu đành bỏ.
Ngày hôm sau, ông hàn ta cho ngay vợ lẽ sang ở cái dinh cơ mới "tậu" được, và dặn cứ việc trồng cây cối cho đẹp mắt, cho vừa ý thì thôi vì ông ta chắc chắn rằng chủ nhà không sao chuộc lại nổi.
Một năm qua. Chưa một lần thấy Độ mang tiền lãi đến trả. Ông hàn đắc chí bảo vợ lẽ:
- Đấy mình coi, tôi nói có sai đâu. Đã bảo chúng nó đã bán xới mà lại! Vị tất còn sống. Thường đã chết đói chết khát ở xó nào cũng nên.
Vợ lẽ ông hàn mừng quýnh, vì nếu người ta không chuộc thì cái dinh cơ ấy về mình, chứ còn về ai nữa. Từ đó cô ta càng ra công trông nom trồng trọt. Trong vườn chẳng thiếu một thứ cây quả, nào bưởi Tàu, lựu Vân Nam, cam Ngọc Cục, thôi thì nghe đâu có thứ địa sản quý là lấy giống cho bằng được.
Hết năm thứ hai, rồi hết năm thứ ba, thứ tư, người nhà cũng chẳng thấy bén mảng gì! Mà cho người đi hỏi thăm thì biết tin vợ chồng Độ nghèo xơ nghèo xác mà hiện ở nhờ nhà một người bà con. Điều đó chính mồm Độ thú thực với người đi dò tin. Lúc bấy giờ thì vợ lẽ ông hàn Đang chắc rằng cái dinh cơ đẹp đẽ kia chắc là của mình rồi. Thôi, tha hồ cho cô Hai sửa sang cổng trước, cổng sau, đường đi lối lại trong vườn.
Còn độ vài tháng nữa hết hạn chuộc, thì đã nhiều cây có quả. Na chíu chít hàng trăm gốc.
Cam quít đã bói được một năm. Những cây lựu Vân Nam cành mềm mại, quả đỏ tía trông ngon ngọt quá. Còn những cây nhãn, cây sấu trồng quanh vườn thì đã cao chừng bốn, năm thước cả.
Ở một góc vườn, một đống gạch cao lù lù, và những phiến gỗ lim để ngổn ngang: cô hàn hai chỉ đợi quá hạn năm năm là dựng thêm vài nếp nhà...
Một hôm nữa trước kỳ hạn. Cô ta vừa mừng quýnh vừa lo lắng bảo chồng:
- Ngày mai...
Ông hàn không hiểu hỏi lại:
- Ngày mai làm gì?
- Ngày mai hết hạn chuộc nhà, ông quên sao?
Ông hàn vui mừng, vỗ mạnh vào đùi, đáp:
- Ờ nhỉ. Nhưng nó chuộc chiếc gì được mà bàn đến. Năm năm nay không trả lãi, trả lời được đồng nào, bây giờ đào đâu ra tiền mà chuộc. Mỗi cái mình cứ khởi công làm nhà đi.
Nhưng cô Hai chẳng dại gì. Chờ năm năm còn được nữa là thêm một vài ngày.
Hôm sau hai vợ chòng ông hàn Đang ngồi chờ cho đến tối là ăn ngon cái dinh cơ của Độ.
Vào khoảng năm giờ chiều, bỗng có một cái ô-tô đỗ ở cổng. Người nhà vào bảo:
- Thưa ông... tây!...
Người tây vào, nghiễm nhiên mở cặp đưa ra một tập giấy một trăm nói:
- Khách hàng tôi là ông Độ giao việc chuộc nhà cho tôi. Nay vừa đúng hết hạn, tôi về trả tiền gốc và lãi để xin lại ông cái văn khế và giấy má về việc cầm nhà đất.
Hàn Đang và vợ lẽ đờ người ra, hỏi:
- Nhưng ông là ai?
- Tôi là thầy kiện.
Hàn Đang giật mình:
- Sao ông Độ lại không về chuộc lấy?
- Ông không cần hỏi lôi thôi. Ông có bằng lòng cho chuộc không thì ông bảo? Nếu không cho chuộc, tôi sẽ đem việc này ra tòa án.
Nghe nói đến tòa án, thầy kiện, ông hàn Đang choáng cả người, đành đem văn khế ra và nhận lấy đủ số tiền chuộc.
Một lát sau, vợ chồng Độ cũng tới nơi, và nhận nhà liền. Thầy kiện bảo khách:
- Hết cả các thức ở đày là của ông. Ông nhớ điều ấy cho.
Độ mỉm cười đáp:
- Phải cố nhiên là của tôi cả. Nhưng muốn trả ơn ông bà hàn đã trông nom nhà đất cho tôi trong năm năm trời tôi xin biếu lại ông bà ấy số gạch và số gỗ kia. Xin nội ngày mai, ông bà đem người đến khuân vác ngay đi cho.
Từ đó mỗi lần ra vườn trẩy quả để nếm, vợ chồng Độ không thể không mỉm cười bảo nhau:
- Ăn quả phải nhở kẻ trồng cây nhé?
Rồi chồng láu lỉnh bảo vợ:
- Vì tôi không lập mưu thuê khéo người ta trông nom giúp thì ngày nay làm gì có cái vườn đẹp như thế này.
Vợ đáp:
- Nhưng cũng tốn mất mấy trăm bạc lãi.
Chồng cười:
- Sự nghiệp này đáng hàng nghìn, kể chi mấy trăm hạc!
Còn ông hàn Đang và vợ lẽ ông ta thì uất ức đến sinh ốm. Nhất là nhà ông hàn lại ở ngay bên cạnh nhà ông Độ, nên thường nghe người qua lại chỉ trỏ vào vườn khen ngọi:
- Cây cối tốt quá, đẹp quá nhỉ!
Rồi họ mỉa mai nói tiếp:
- Đó là công trình ông hàn Đang và cô vợ lẽ ông ta.
- Công trình!... Công cốc!
Bá cáo việc riêng
Ông hàn ở ngoài về, nét mặt hầm hầm cau có bảo bà hàn:
- Tức lắm bà ạ.
Bà hàn vồn vã hỏi lại:
- Cái gì thế, ông? Ông có điều gì bực tức thế ông? Sao thằng Cả vừa đỗ mà ông lại không vui thế?
Ông hàn thở dài:
- Ấy chính vì việc thằng Cả đỗ...
Bà hàn kinh ngạc:
- Vì thằng Cả đỗ?
- Phải chỉ vì việc ấy.
- Ông sợ nó đỗ nó trở nên kiêu ngạo, hiếu bất mục chăng?
- Nào có thế.
- Thế sao?
- Tôi đến bốn tờ báo hàng ngày nhờ họ đăng cho mấy dòng báo tin thằng Cả đỗ mà họ không đăng.
- Họ không đăng?
- Họ không đăng.
- Sao ông không thuê tiền?
- Mình là độc giả của họ, mà họ có coi mình vào đâu. Chuyến này hết hạn, nhất định thôi, không mua báo nữa. Tưởng làm ơn mua năm cho họ để những lúc hiếu, hỷ như lúc này chẳng hạn, họ đăng tin giúp mình. Chứ mất tiền thì còn nói làm gì. Vả lại mất tiền vị tất họ đã đăng cho vì tôi chắc chỉ tại họ thấy con mình đỗ, con họ không đỗ họ ghen ghét. Nghe giọng họ nghĩ luận, mình thừa hiểu: nào những kính trọng độc giả, những làm thế riêng tây quá.
Bà hàn ngập ngừng ngắt lời!
- Thế họ vẫn đăng "bá cáo việc riêng!" thì sao?
Ông hàn như vụt tỉnh ngộ, kêu:
- Ồ phải, "bá cáo việc riêng!" bà hàn thế mà khá.
Rồi ông vội vã ra đi, miệng lẩm bẩm: "Mất tiền thì mất nhưng phải làm cho ra ngô ra khoai mới được!"
Ngay sáng hôm sau trên bốn tờ báo hằng ngày độc giả thấy ở trang đầu đóng khung vuông bài sau này:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Tôi có thằng con tên là Nguyễn văn Tốt năm nay mới mười tám tuổi và vừa đỗ Tú tài phần triết học. Nó còn trẻ người non dạ chì biết có bụng tốt hay cứu giúp bạn dù không có tiền phải đi vay. Vậy xin bá cáo để các ông các bà biết mà đừng cho nó vay mượn, tôi và vợ tôi sẽ không chịu trách nhiêm về công nợ của nó đâu.
Kính cáo Nguyễn văn Kiểm hàn lâm
Thế là ông hàn đã làm được ra ngô ra khoai.
Ông đọc bài bá cáo cho bà hàn nghe liên tiếp bốn lần trên tờ báo hàng ngày. Rồi ông đắc chí vừa cười vừa nói mãi:
- Mất có tám đồng bạc mà cả nước biết tin con mình đỗ tú tài. Bà tưởng mưu mẹo tôi có thánh không?
Và ông rất lấy làm tự phụ về cái mưu của ông.
Nhưng cách đó mấy hôm, ông sửng sốt đọc ở cùng trang, cùng khổ, trong bốn tờ bao hàng ngày một bài bá cáo việc riêng sau này của chính con ông, Nguyễn văn Tốt:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Cha tôi đã đăng báo nói xấu tôi. Sự thực tôi có đỗ tú tài phần triết học, nhưng đỗ bình hạng cơ. Còn như cha tôi bảo tôi trẻ người non dạ thì đó là một điều vu cáo. Tôi xin bá cáo cùng các ông các bà biết cho rằng tôi đã trưởng thành và đủ tư cách để vay tiền các ông các bà vì cha mẹ tôi giàu có tới năm sáu chục vạn mà tôi lại là con một của cha me tôi.
Kính cáo
Nguyễn Văn Tốt
Tú tài triết học
Ông hàn cầm tờ báo đọc lại cho bà hàn nghe, rồi cười nói:
- Con hơn cha, nhà có phúc, bà ạ.
Độc giả tưởng câu chuyện "bá cảo việc riêng" tới đây kết liễu? Tưởng thế thì xoàng! Câu chuyện chưa kết liễu được. Vì một lẽ rất giản dị này: đã có hai bài thì phải có ba. Vậy bài "bá cáo việc riêng" thứ ba như sau này:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Tôi, bà phủ Ba, giàu ít ra cũng gấp hai ông hàn Kiểm. Tôi chỉ có một người con gái tên là Kim Liên năm nay mươi bảy tuổi rất xinh đẹp, nết na và thông minh, nhưng tôi không hề ngỏ lời thông gia với ông hàn Kiểm như ông ta thường khoe khoang. Vậy xin bá cáo để các ông cử, ông nghè triết học, văn chương khoa học nào chưa vợ mà muốn làm rể tôi thì cứ việc thân đến trình diện tôi và con tôi, hễ con tôi ưng và con tôi không chê là tôi gả liền.
Kính cáo.
Bà phủ Ba
Sau bài "bá cáo việc riêng" trên này hẳn phải đánh dấu chấm hết, độc giả hỏi thế?
Vẫn chưa hết, thế mới chết chứ. Vì đọc xong mấy văn phẩm "bá cáo" tuyệt tác kia trong óc một nhà trào phúng, bỗng nảy ra một ý kiến hay hay. Tức thì gửi đăng báo bài sau này:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Tên tôi là Trần Văn, ngoài ba mươi tuổi, xin bố cáo để các thân bằng cố hữu và những người dưng nước lã của tôi biết cho rằng tôi đã chết được ba hôm nay, chết để khỏi phải đọc những bài bá cáo việc riêng chẳng riêng tây một tí nào của người mình hằng ngày đăng trên các báo.
Đi ra thôi
Ăn cơm xong họ ra sân ngồi uống cà-phê. Trời tối, có thể nói như mực được. Một bà khách nhìn ra cổng hỏi bà chủ:
- Ở đây có sẵn cái số ấy không nhỉ?
Bà chủ hình như đang theo đuổi cùng một ý nghĩ, nên hiểu ngay và trả lời:
-Thưa chị, ở đây sẵn trộm lắm, đêm nào chúng nó cũng vào sân...
- Ồ! Tôi có cách đuổi trộm tài tình lắm.
Ai nấy lắng tai chờ nghe. Và một bà sốt ruột hỏi dồn:
- Cách gì? Cách gì thế anh? Anh làm thế nào?
Ông chủ chậm rãi nói:
- Tôi để sẵn cái đàn ở đầu giường, hễ nghe thấy động rạng, tôi lại vớ lấy gẩy vài tiếng như để bảo anh trộm: "Tôi vẫn thức đây mà!" Thế là anh ta hiểu và sẽ để mình được ngủ yên.
Khách cất tiếng cười, có người vì thấy cách đuổi trộm hơi ngộ nghĩnh, nhưng cũng có người vì khoa xã giao cười để câu chuyện của chủ nhân đỡ nhạt.
Một ông không cười, ngồi như suy nghĩ, rồi chờ ai nấy im lặng, ông ta nói:
- Kể cách đuổi trộm của anh cũng khá đấy. Nhưng chưa thấm vào đâu với cách của tôi.
"Dạo ấy, nhà tôi mất trộm luôn xoành xoạch. Mất cũng chả đáng là bao, lần thì vài cái quần áo cũ ngâm trong châu để mai giặt sớm; lần thì vài cái bát đĩa rếch mà người nhà tôi lười biếng quẵng bên vại nước, chưa kịp rửa. Có lần không lấy được gì, anh trộm nậy cả một mẩu ống máng, hay bẻ một đoạn ống chì bọc dây điện thoại. Lần cuối cùng anh ta chặt ống dẫn nước nhưng quên không khóa compteur thành thử nước vọt mạnh vào mặt, làm anh ta sợ hãi bỏ chạy. May lúc bấy giờ đã gần sáng nên số nước bị thiệt hại cho tôi cũng chẳng đáng là bao.
Tôi bực mình lắm. Vẫn biết anh trộm kia là một tay trộm đói, bạ cái gì cũng lấy, chẳng nề hà vật nhỏ mọn, nhưng anh ta coi nhà tôi như nơi không người, mặc sức hành động thì tôi chịu sao nổi. Vợ tôi giục trình cẩm. Tôi không nghe theo. Không phải tôi ngờ vực sự mẫn cán, sự tài giỏi của sở cảnh sát, tôi chỉ thấy việc đó là một việc làm phiền cho tôi. Trình cẩm, rồi hôm sau xem báo sẽ thấy đăng tên mình với các đồ mất trộm đáng giá độ hai ba đồng bạc chẳng hạn. Còn gì khôi hài bằng! Vả - không phải tôi đạo đức rởm đâu nhé! - Vả tôi thấy cái cách dùng oai quyền với mấy anh trộm đói nó thế nào ấy. Tôi gàn, phải không? Nhưng tôi gàn thực thì còn biết làm thế nào?..."
Mọi người phá lên cười. Họ đều thấy câu chuyện hay hay, ngồ ngộ. Và họ đua nhau hỏi:
- Thế rồi sao? Anh làm thế nào?
- Tôi rình.
- Anh rình bắt trộm?
- "Phải, tôi giận lắm. Tôi cáu quá rồi. Nhất là tôi không bằng lòng cái cách làm việc của anh trộm một tí nào. Sao có người ngu ngốc đến thế? Định lấy trộm một khúc ống chì đáng giá vài hào bạc để làm phí đến dăm thước khối nước của người ta. Nước lại vừa tăng giá! Anh ta chẳng chịu suy trước nghĩ sau. Vì thế tôi nhất đinh cho anh ta một bài học.
Tôi rình. Tôi rình luôn hai hôm. Và chẳng lâu la gì, ngay đêm thứ hai, vào khoảng bốn giờ sáng, tôi tóm được..."
Bà chủ nhà vui mừng vội hỏi:
- Anh bắt được?
- "Lúc ấy tôi thoáng nghe có tiếng động ở cổng. Tôi chỗi dậy, rón rén đứng ở cửa sổ trên gác ghé nhìn xuống. Đích thị cu cậu rồi. Hai cậu. Một cậu quần áo trắng bốp và chững chạc lắm, đĩnh đạc đi bách bộ trên dìa hè; còn cậu quần áo nâu thì tò mò nhìn qua cổng vào vườn rồi mới đặt chân lên chấn song sắt, trèo.
Cái cổng nhà tôi cũng không cao, nhưng ở phía trên chằng chịt có cành cây leo hoa tím, khiến anh trộm phải khó khăn mới lách được cái đầu lọt vào phía trong cổng.
Vợ tôi cũng thức dậy và toan kêu. Tôi thì thầm:
- Hãy thong thả!
Tôi để anh trộm trèo hẳn vào phía trong vườn đã rồi mới ôn tồn, rất ôn tồn gọi.
- Anh trộm ơi!
Anh trộm sợ hãi ngẩng lên. Tôi suýt bật cười, vì tôi cứ chờ câu trả lời của anh ta: ‘Ông hỏi gì ạ?’ Nhưng anh ta lặng thinh, tôi nói luôn: ‘Anh trộm ơi, nhà tôi chả có gì đâu, anh ra thôi, để khi khác...’ Tôi cũng không hiểu lại sao tôi lại nói câu ấy, vì quả tôi không có ý muốn khôi hài với ông khách vào chơi một cách quá tự do. Nhưng anh trộm thì có lẽ anh ta hiểu. Hoặc giả anh ta muốn chiều ý tôi. Anh ta lại trèo ra, và cũng thong thả, nhẹ nhàng như lúc trèo vào, nhất là cũng khó khăn lách cái đầu trọc từ phía trong ra phía ngoài, rồi từ từ bước xuống đường.
Tôi cố trang nghiêm nhưng nhà tôi thì không sao giữ được lâu nữa, thét lên cười. Tôi quay lại bảo, như có ý trách:
- Sao mình lại cười anh ấy thế?
Trong khi đó hai anh trộm, một anh quần áo trắng, một anh quần áo nâu, thủng thỉnh bước một trên hè như đi chơi mát, không thèm lưu ý đến chúng tôi đương đứng nhìn theo".
Cử tọa cười lên một loạt. Một người nói:
- Tưởng anh tóm được cơ chứ!
Người kể chuyện mỉm cười đáp:
- Thế thì anh xoàng. Tôi tóm được anh trộm rồi đấy, tóm được linh hồn anh ta, như thế còn chắc chắn bằng mấy mươi tóm được thân thể anh ta.
- Anh lấy gì làm bằng cớ?
- Bằng cớ đã hiển nhiên: trong một năm nay, không có một đêm nào trộm trèo vào nhà tôi.
Cây thần tiên
Tòa nhà đã hoàn thành. Kiến trúc sư đến ngắm lại lần cuối cùng và lấy làm ưng lắm. Chỉ phàn nàn một điều là mấy cây xương rồng trồng trong bốn chiếc chậu vuông men xanh hơi cao một chút. Đó là giống xương rồng mặt nguyệt vừa đẹp vừa dài. Kiến trúc sư muốn nó phải lùn và tròn. Ông liền ngỏ ý với chủ nhân.
Nhưng chủ nhân là một người không thích chơi cảnh lại không sành khoa kiến trúc và khoa mỹ thuật. Ông ta chỉ biết là có nhiều tiền bỏ ra thuê kiến trúc sư vẽ kiểu rồi xây dựng nhà, thế thôi. Bốn cây xương rồng vẽ trong kiểu, ông ta cũng nhận thấy rằng đó là loại tròn và lùn nhưng ông ta cho xương rồng nào mà chẳng được, hơi đâu phải cầu kỳ kén chọn, nhất xương rồng lại chẳng phải là một giống cây quý. Thà rằng lan hay cúc hay mẫu đơn cho cam! Vì thế, trúc sư tả cái cây xương rồng cần phải mua để trồng thay vào hai đôi chậu thì ông chỉ ừ hử cho xong chuyện rồi bỏ đấy.
Nhưng kiến trúc sư nhất định phải có thứ xương rồng lùn và tròn, nếu không, cái lan can của ông sẽ "đổ" - đó là nói theo nghĩa bóng, cố nhiên. Sau một tuần lễ đi đi lại lại trước tòa nhà để ngắm nghía cái công trình của mình, kiến trúc sư quả quyết làm theo ý muốn. Ông thân lên Nghi Tàm đến nhà một người bán cây quen biết và có tiếng để hỏi mua cho bằng được bốn cây xương rồng quý; ở đấy hẳn thế nào cũng có.
Ở đấy không có. Người bán cây sau khi nghe kiến trúc sư tả cây, sau khi nhìn theo ngón tay kiến trúc sư vẽ hình nó xuống mặt đất, liền sửng sốt:
- À, cây "thần tiên"? Thưa ông, đó là cây "thần tiên".
- Cây thần tiên? - Kiến trúc sư hỏi lại.
- Vâng, cây thần tiên. Cây này quý lắm và hiếm lắm, không đâu có bán. Nói khi không phải xin ông tha lỗi cho, cây này trừ khi ông và tôi đi "xoáy" thì không tài nào có được.
Kiến trúc sư chau mày nhìn người bán cây lấy làm khó chịu về ngôn ngữ quá tự do, quá hỗn xược của hắn. Nhưng hình như hắn chẳng lưu tâm đến điều đó, cứ vừa cười vừa nhắc đi nhắc lại mãi câu nói mà có lẽ hắn cho là hóm hỉnh đặc biệt. Thấy vẻ mặt giận dữ của mình không có công hiệu ngăn cản nổi sự bất nhã hồn nhiên của đối phương, kiến trúc sư liền đấu dịu và ôn tồn nói:
- "Xoáy" hay mua tùy ý, thế nào chiều mai cũng đem đến cho tôi bốn cây xương rồng...
- Thần tiên. - Người kia vội thêm.
- Bốn cây thần tiên. Hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả.
Người bán cây có vẻ ngần ngại:
- Tôi không dám hứa trước, vì tôi đã nói câu ấy, trừ khi ông và tôi đi "xoáy" thì không tài nào có được. Hiện giờ chỉ nhà người khách Khâm Thiên là sẵn. Để tôi xem có thể nào "xoáy" nổi không đã.
Kiến trúc sư mỉm cười:
- Được rồi, xoáy cũng không sao, quý hồ có đem bán cho tôi. Vậy mai nhé?
Người bán cây cười to:
- Mai! Ông làm như xoáy dễ lắm đấy! Nhà người ta tường cao, cổng kín lại chó dữ, làm thế nào mà xoáy dễ dàng thế? Cần phải lập mưu lập mẹo chán.
- Vậy ba hôm, bốn hôm nhé?
- Thôi, xin ông một tuần lễ.
Hai tuần lễ sau, người bán cây trịnh trọng đem đến bốn cây "thần tiên" tí hon trong bốn cái chậu sành da đỏ. Vẻ mặt hắn ta vừa bí mật như vẻ mặt người mới làm một việc ghê gớm, vừa rạng rỡ như vẻ mặt ông nguyên soái mới thắng trận trở về. Hắn ta lặng lẽ - những người làm nổi việc lớn thường không thích khoe khoang, nhiều lời. - Kiến trúc sư vui vẻ bắt đầu:
- Vậy xoáy được?
Người bán cây khẽ gật. Mãi sau hắn ta mới kể, bằng một giọng nhũn nhặn và giản dị và vắn tắt! Hắn ta đã tốn nhiều công phu, mưu trí mới xoáy nổi bốn cây thần tiên của người khách. Sau hai phen thuê tay bợm trèo tường vào lấy trộm không xong, hắn ta phải thân gánh mấy cây phong lan quý giá đến bán rẻ cho người khách, trong khi người ấy hý hửng treo phong lan lên giàn, hắn ta đã nhanh nhẹn bỏ được bốn giò "thần tiên" giấu vào túi áo.
Kiến trúc sư chẳng hà tiện lời khen. Rồi hỏi thẳng:
- Vậy lấy tôi bao nhiêu?
Người bán cây thẳng thắn đáp:
- Tôi không dám bán, vì đó là cây cảnh đi xoáy, tôi chỉ xin biếu ông. Nhưng ông cho lại các khoản phí tổn, nào thuê bợm - phải đưa tiền trước đấy ạ - nào bán rẻ phong lan. Tất cả vào khoảng chục bạc thôi. Như thế tưởng cũng không đắt vì mới có hai đồng rưỡi một cây. Hai đồng rưỡi một cây "thần tiên"! Tôi đố ông mua đâu được.
Kiến trúc sư trả tiền, rồi đem cây đến tòa nhà mới biếu cho chủ nhân, để thay vào bốn cây xương rồng mặt nguyệt. Ông ta phàn nàn nghĩ:
- Hơi nhỏ một chút, nhưng không sao, sang năm nó to lên thì vừa vặn.
Cách đó vài hôm, kiến trúc sư vào chơi chợ Đồng Xuân. Qua dãy hàng cây, kiến trúc sư kinh hoảng vì vừa thoáng trông thấy có đến hai chục cây "thần tiên" vừa to hơn, vừa tròn hơn, vừa đẹp hơn bốn cây mà người bán hoa đã khó nhọc xoáy cho mình. Ông ta cười ngất vì suýt buột miệng hỏi người hàng hoa: "Bác đã ‘xoáy’ những cây này ở đâu thế?" Song ông ta cũng mặc cả để biết giá:
- Bao nhiêu một đôi thần tiên?
Nhà hàng hỏi lại.
- Ông bảo cây gì ạ?
- Cây "thần tiên". - Vừa nói kiến trúc sư vừa trỏ vào mấy chậu xương rồng.
Người hàng cây mỉm cười:
- A, cây xương rồng múi khế này? Xin ông sáu hào một đôi.
Kiến trúc sư trả đùa một câu:
- Thôi ba hào.
Và mua được ngay không cần phải đi xoáy.
Lỡ quá ga
Toa xe lửa không lấy gì làm đông lắm không thừa một chỗ nào nhưng hành khách ngồi thênh thang, rộng rãi, dễ chịu. Nếu nói tử tế với họ thì họ sẽ sẵn lòng ngồi xích lại nhau để nhường cho mình một chỗ: hành khách hạng tư người mình vẫn dễ dãi và tốt bụng.
Thế mà một người đàn bà cứ nhất định ngồi phệt xuống sàn toa, tuy hai ba hành khách đã hai, ba lần gọi: "Này bác, lại đây, còn rộng chán!" Người đàn bà quê như sợ hãi, rụt rè không dám ngồi cùng ghế với những người cao sang quá, và chỉ lễ phép trả lời: "Con không dám ạ, các bà để mặc con ạ! Con ngồi đây được ạ!" Có bà thương hại đứa con gái chừng năm, sáu tuổi đứng bên cạnh người nhà quê, đến dắt nó lại ngồi với mình, nhưng nó hét lên khóc và níu chặt lấy áo mẹ nọ. Bà kia đành để mặc nó.
Xe lửa đỗ vài phút ở một ga. Rồi lại từ từ bắt đầu chạy. Người đàn hà nhà quê giật mình hỏi:
- Thưa các ông, các bà, ga gì đây ạ?
Một hành khách đáp:
- Dễ ga Cầu Guột.
Người đàn bà hốt hoảng, một tay đặt thúng hành lý lên đầu, một tay dắt con đứng dậy:
- Cầu Guột à? Chết con rồi! Thế thì chết cháu rồi!
Một người âu phục kéo cánh cửa sổ toa, thò đầu ra ngoài nhìn nói:
- Phải ga Cầu Guột thực rồi!
Người kia kêu gần như khóc:
- Thôi chết tôi rồi! Tôi lỡ quá ga rồi!
Và lếch thếch lôi con ra cửa toa. Một bà hành khách vội thét:
- Chớ nhảy mà chết!
Thấy người nhà quê có vẻ liều lĩnh quả quyết lắm, bà ta tiếp luôn:
- Các ông bà giữ người ta lại hộ tí!
Vừa nói bà ta vừa đứng lên chạy theo. Bốn năm hành khách xúm lôi người đàn bà lại, vì người này nhất định giật ra để toan nhảy xuống đường.
Nghe tiếng ồn ào thầy soát vé chạy đến, rồi khi biết đầu đuôi câu chuyện, liền quát mắng:
- Muốn chết à! Sao gần đến ga không hỏi, hử? - Đoạn quay ra nói với mấy bà - Người nhà quê họ dại lắm, không trách được.
Thầy đã toan đi, nhưng lại giận dữ hỏi một câu nữa:
- Ừ, sao ngu thế hử, có mồm để làm gì mà không biết hỏi hử?
Người đàn bà đáng thương vẫn còn ngơ ngác nhìn xuống đường, mếu máo nói một mình:
- Chết tôi rồi! Khổ sở thân tôi!
- Thôi vào trong kia mà ngồi, rồi đến ga Đồng Văn, chờ chuyến xe ngược, người ta sẽ cho về Cầu Guột.
Mười phút sau tới ga Đồng Văn, thầy soát vé thân dắt người đàn bà xuống ga. Một lát sau thầy lên toa bảo mọi người:
- Mụ ta không chờ chuyến xe ngược, đòi ra đón ô-tô hàng.
Xe lửa lại chạy. Mấy bà chưa quên được câu chuyện ghê sợ vừa xảy ra, bô bô nói chuyện:
- Bà tính tí nữa mà chả chết à?
- Lắm người rõ dại.
Một người đàn ông vận quần áo nâu, từ nãy vẫn ngồi im, bỗng nói chêm vào:
- Bác ấy chả dại đâu các bà ạ. Lần này là lần thứ ba sở xe lửa mắc mưu bác ấy. Bác ấy đi đến ga Đồng Văn, nhưng chỉ lấy vé đến ga Cầu Guột thôi, để đỡ một hào tiền tàu!
Ai nấy ngơ ngác nhìn nhau, rồi một người hỏi:
- Sao bác biết?
Người kia ung dung đáp:
- Bác ấy người làng tôi chỉ cách ga Đồng Văn có một quãng đường.
Trả thù
Vừa nghĩ mưu trả thù, vừa cố dành tiền để thi hành cái mưu sâu ấy, Lưu đã loay hoay, chật vật hơn hai tháng.
Lưu làm việc nhà buôn, trọ và ăn cơm tháng ở nhà một ông thơ ký Sở Công chính. Và Lưu đã chăm chỉ học thêm để sửa soạn dự một kỳ thi gì đó.
Kẻ thù của Lưu là bà chủ nhà, một người đàn bà đảm đang yêu chồng, yêu con, nhịn ăn nhịn mặc để chồng con khỏi thiếu thốn.
Nhưng một mình bà hy sinh, bà cho là chưa đủ. Bà còn muốn người khác hy sinh cho chồng con bà nữa. Người khác ấy là Lưu.
Lưu ngày hai buổi bận việc bán hàng. Trưa về được rỗi tất phải nghỉ ngơi. Vậy thì giờ học tập chỉ có thể về đêm. Vì thế nhiều khi anh thức tới một hai giờ sáng. Và vì thế bà chủ nhà luôn mồm kêu ca.
Trước bà còn mắng chửi đầy tớ không biết cần kiệm, giữ gìn bếp, lúc nào cũng sáng trưng, phung phí quá, để mỗi tháng bà phải trả tới năm, sáu đồng bạc điện. Sự thực món tiền điện tháng của nhà bà chưa bao giờ lên quá bốn đồng. Lưu hiểu rằng bà phán nói cạnh mình, nhưng anh cũng mặc. Mình cần phải học kíp, biết làm thế nào! Và anh lặng thinh mỉm cười, mỗi lần nghe tiếng bà chủ đứng cửa sổ dưới nhà réo xuống bếp giục đầy tớ tắt đèn, tuy ngoài buồng anh, các buồng khác đều không có một tia ánh sáng.
Về sau bà chủ xoay chiến lược. Bà thân mật khuyên Lưu:
- Ông thức khuya quá, như thế có yếu người đi không? Độ rầy trông ông gầy lắm. Ông ạ, ở đời chả gì bằng sức khỏe, tội gì mà cặm cụi.
Lưu cảm động trả lời:
- Xin cảm ơn bà, nhưng tôi sắp phải thi đến nơi rồi, không thức khuya để học thì không kịp mất.
Nói xa xôi mà không xong, nói tử nói tế cũng không xong, bà phán đành bảo thẳng cho Lưu biết:
- Mấy tháng này, vì ông thức đêm mà tiền điện tăng lên gấp đôi... Hay ông... mua lấy một cây đèn dầu hỏa mà thắp cho đỡ tốn.
Lưu đã toan kháng cự lại, vì anh cho một chục bạc tiền tháng của anh đủ trả rộng rãi hai bữa cơm xoàng và dăm giờ đèn điện. Nhưng chợt nghĩ đến cái đức tính lắm mồm lắm miệng của người đàn hà nội trợ đảm đang, anh lại thôi và chỉ mỉm cười, tức tối, hằn học.
Từ đó Lưu để ý vào việc trả thù.
Và một hôm, anh tìm được ra một mưu. Anh sung sướng với cái mưu ấy đến nỗi nghe bà chủ quát tháo, và nói ý tứ, anh bật lên tiếng hát.
Rồi sau hai tháng nhịn quà sáng, nhịn tiêu vặt, nhịn đi xe, anh có một món tiền để dành đủ mua... các vật liệu để báo thù. Đó là một cái đèn thủy tinh với cái chụp giấy xanh xinh đẹp, và một gói buộc dây rất kín đáo chặt chẽ.
Đi qua nhà dưới, - vì anh ở một phòng nhỏ trên gác - Lưu dềnh dàng và uể oải đặt các thức vừa mua xuống ghế ngựa. Bà chủ chạy ra sửng sốt:
- Ông mua đèn cho ai thế?
Sau cái thở dài mệt nhọc, Lưu đáp:
- Thưa bà, mua cho tôi... để dùng... đấy ạ.
Và trong khi bà chủ cố giấu sung sướng, lặng lẽ đứng nhìn, Lưu nói luôn:
- Từ nay tôi không cần đến đèn điện nữa.
Bà chủ chợt ngượng với khách trọ, ngập ngừng một nói câu đãi bôi:
- Tôi nói thế thì nói, nhưng ông cứ dùng đèn điện chứ tội gì lại thắp đèn dầu...
Chưa cho là đủ, bà con tiếp thêm:
- Để đèn mười giờ thì có hề gì... có tốn mấy...
Lưu, giọng mỉa mai:
- Thưa bà được ạ, làm việc dưới ánh đèn dầu đỡ hại mắt hơn dưới ánh đèn điện.
Bà chủ nhà bám ngay lấy ý tưởng ấy:
- Thế à? Ông nói tôi mới biết đấy... Thảo nào mà ngày nay người mình nhiều người cận thị. Các cụ mình ngày xưa có ai phải đeo kính cận thị đâu? Thì ra vì đèn điện.
Bắt đầu từ hôm ấy, Lưu giữ lời, không hề mó tới cái vặn đèn điện. Bà chủ nhà không khỏi ngờ vực rằng đêm khuya chờ cho cả nhà ngủ yên, Lưu mới dùng tới đèn điện. Nhưng luôn mấy hôm, lần nào rón rén gác nhòm vào phòng Lưu, bà cũng thấy ông khách trọ ngồi trước cây đèn chụp xanh.
Bà cảm động. Và hối hận nữa. Hối hận rằng đã không được nhã nhặn với Lưu. Bà cố ăn ở tử tế kéo lại. Có buổi sáng bà đã mời Lưu dùng điểm tâm với chồng con bà.
Nhưng tháng ấy tiền điện lại tăng hơn hết mọi tháng trước.
Bà phán không hiểu sao. Bà buồn bực, khổ sở than phiền và ngờ cho sở điện tính sai hay tính gian. Bà phàn nàn với chồng. Bà phàn nàn với Lưu. Lưu phân trần:
- Thưa bà, quả thực cả tháng tôi không bật qua tới ngọn đèn điện.
Bà chủ vội đỡ lời:
- Vâng tôi vẫn biết thế.
Có một điều bà không biết là cùng với cây đèn Lưu đã mua một cái ấm điện, mà chàng dùng luôn để đun nước uống, nước rửa mặt, và cả nước đổ đi nữa, mục đích chỉ làm tốn thực nhiều điện cho bà chủ nhà cay nghiệt.
Lưu đã trả xong thù và vẫn được tiếng tốt là một người biết điều.
Tắm biển
Dân tắm biển có nhiều hạng nhân vật rất kỳ dị.
Trước hết, cố nhiên có hạng đi tắm biển để tắm biển, để lấy lại sức khỏe đã mất, hay tưởng đã mất thì cũng thế. Hạng này chăm chỉ lắm, và yên trí rằng ngâm thân thể ở dưới nước mặn lâu hơn phần nào, là sức khỏe của mình tăng lên được hơn phần ấy. Vì thế buổi sáng từ năm giờ sáng, buổi chiều từ năm giờ chiều họ đã ra bãi, quả quyết đi xuống biển, can đảm đương đầu với sóng. Dù trời nắng, dù trời mưa, dù bận việc gì cần đến đâu mặc lòng, tới giờ tắm của họ, họ cũng phải bỏ ra đi.
Kế đến hạng có tấm thân nở nang, đẹp đẽ. Hạng này không thích tắm, chỉ thích lượn. Lượn ở bãi, lượn ở phố, lượn trên núi lượn trong rừng, lượn ở những nơi đông người mặc sơ sài một cái slip hay một cái maillot, rất ngắn và rất khít.
Rồi sau cùng đến hạng đi tắm biển để làm đủ các thứ có thể làm ở Hà Nội được. Họ xem sách, đánh bài, đánh cờ, chơi bời, ăn cao lâu, ăn cả cua ươn, tôm ươn y như ở Hà Nội - vì đừng tưởng tượng ở ngay bờ biển mà không có sẵn tôm, cua, cá ươn; rất ươn. Rồi họ cũng đau bụng, cũng đau dạ dầy và uống thuốc tây chẳng khác như khi ở Hà Nội một tí nào.
Gặp anh, họ reo mừng: "À! Lại thêm một chân tổ tôm!" Và anh nên lo sợ vì họ mời anh ba lần thế nào anh cũng phải nhận lời một lần nếu anh muốn làm ra con người lịch thiệp không để mất lòng ai.
Trong hạng này có một nhân vật rất ngộ nghĩnh. Đó là một ông bác sĩ đã có tuổi, nhưng người tráng kiện, tiếng nói sang sảng, một ông cụ già quắc thước. Mà ông cụ vui tinh quá, có lẽ vui tính vì khỏe mạnh.
Chưa ai gặp ông ở ngoài bãi biền một lần nào. Vì những giờ tắm trúng vào những giờ đánh cờ của ông. Nói cho đúng thì đối với ông giờ nào cũng có thể là giờ đánh cờ. Đương giờ bữa ăn, mà có tay cờ đến chơi, tức thì ông vứt vội đũa bát đứng dậy, vừa uống nước vừa kêu đầy tớ bày quân cờ ra bàn.
Tôi đã được xem bác sĩ đánh với hai người luôn một lúc mười hai ván, với mỗi người sáu ván. Chưa bao giờ ông cụ được mãn nguyện "được đánh no nê một hôm", lời ông thường phàn nàn. Vì giá có người chịu hầu cờ ông, thì ông có thể đánh suốt từ sáng... đến sáng hôm sau. Có bao nhiêu ngườỉ biết đánh cờ, bác sĩ làm quen hết. Rất không may cho mình nếu bị người ta giới thiệu với bác sĩ là một kỳ thủ. Khó lòng mà thoát được nữa. Thôi những ngày nghỉ mát của mình sẽ thành toàn những ngày đấu cờ. Và không khéo cũng như bác sĩ, mình sẽ thấy nhiều nước... cờ hơn nước biển.
Lại câu chuyện này nữa, độc giả có thể cho là vô lý:
Một ông kề lại với bạn:
- Chiều hôm qua, tôi đương cùng tắm với nhà tôi, bỗng nhà tôi biến mất.
- Biến? Bác gái biến mất?
- Vàng, biến mất. Nhìn trước, nhìn sau, nhìn tả, nhìn hữu chẳng thấy bóng vía nhà tôi đâu. Tôi hoảng hốt chạy lên bãi cát tìm quanh. Vô ích.
- Khổ, thế rồi...
Ông bạn ngập ngừng không dám hỏi thẳng.
Thì ông kia đã cười đáp:
- Thế rồi tôi tìm thấy nhà tôi ở nơi chân núi.
- Trời! Ở nơi chân núi.
Ông ta toan nói: "Sóng đánh dạt vào nơi chân núi?" Nhưng vội ngừng lại. Và ông ta nghĩ thầm: "Chuyện ghê gớm thế mà nó cười được!"
- Nghĩa là cứu kịp... phải không?
Ông kia ngơ ngác không hiểu:
- Cứu cái gì?
- Sao bác bảo... tìm thấy... bác gái ở nơi chân núi.
- Vâng, tôi tìm thấy nhà tôi ở nơi chân núi đương mê mẩn nước...
Ông bạn ngắt lời kêu:
- Trời ơi! Có việc gì không bác?
-... đương mê mẩn nước bài với hai ông, hai bà bạn. Thì ra nhà tôi lẽn về từ lúc nào, tôi không biết, để đến nhà bà tham Lan ở nơi chân núi đánh tổ tôm.
Đến đây ông bạn mới vỡ nghĩa, và phá lên cười vui vẻ.
Thoát
Cái phiếu ấy số 695.014. Sở dĩ Linh nhớ lâu như thế là vì đã xảy ra cho Linh một câu chuyện hơi khó chịu.
Xưa nay Linh chưa từng mua một phiếu trong các cuộc xổ số lấy tiền cũng như trong các cuộc xổ số lấy đồ. Anh không tin ở số đỏ của anh, nhất anh lại bị một bác thầy tướng tán nịnh một câu đáng buồn là anh sẽ giầu nhưng chỉ nhờ về tài cán, chứ không hòng gì gặp may.
Biết bao lần thủng thỉnh trên hè phố hàng Ngang, hàng Đào, Linh thấy những tập phiếu vẽ màu, kẹp trong cái cặp gỗ, bày trên chiếc bàn con và sau bàn ngồi chồm chỗm một người đàn ông hay đàn bà mắt thao láo nhìn khách qua đường. Anh dửng dưng bước qua. Một đôi khi anh cũng tò mò ngắm một thiếu nữ xinh tươi đứng chọn mua lá phiếu, nhưng anh lưu ý đến thiếu nữ hơn là đến tập phiếu. Và anh mỉm cười nghĩ thầm: "Về tha hồ mà mong mỏi trúng số độc đắc!"
Nhưng một hôm mắt Linh để ý tới một con số trên một tập vé. Con số 695.014. Con số ấy chạy thẳng vào trí nhớ Linh, rồi không rời đi nữa. Linh cố quên cũng không được. Nó biến ra đủ các màu, từ màu nọ bật sang màu kia và nhảy múa ở trước mắt Linh.
Một tia hy vọng sáng lòe: Linh cảm thấy chắc chắn rằng phiếu 695.014 sẽ trúng số độc đắc! "Ừ! Có thể lắm chứ! Sao mọi hôm mình không để ý tới một con số nào mau chóng như thế?"
Thế là nhân trong ví có tiền, Linh trở lại để mua. Đến nơi và thấy phiếu số 695.014 vẫn còn bất giác Linh thốt ra một câu vui mừng: "May quá! Chưa ai mua mất!" Người đàn bà tưởng Linh khôi hài.
Trả tiền xong, Linh hối hận ngay: "Mình rõ ngốc! Bỗng dưng mất đồng bạc!" Như để tự trách. Linh mở quyển sổ nhật ký ra biên: "tiêu nhảm 1$00". Và tiện tay chua luôn bên cạnh con số 695.014.
Rồi từ đó, Linh quên bẵng lá phiếu.
Sau gần hai tháng, một hôm một người bạn giữ Linh lại ở trước cửa Gô-đa để phàn nàn rằng kỳ này không mua được một số phiếu Đông Pháp nào, và nói tiếp:
- Phiền quá! Kỳ này lại xổ sáu vạn cơ chứ. Thế có chết tôi không!
Linh cười:
- Anh làm như anh đã trúng rồi không bằng. Bao giờ xổ số?
- Năm hôm nữa.
Linh cười càng to:
- Tưởng gì! Còn những năm hôm nữa thì làm gì chẳng có phiếu bán.
Người bạn chau mày nhìn Linh:
- Đây, tôi đưa anh một đồng hai, anh đi mua hộ tôi này. Anh phải biết, tôi đã lùng khắp các phố Hà Nội. Bói cũng không ra một phiếu.
- Được rồi, anh cứ đưa đồng hai đây.
Vừa nói Linh vừa mở ví:
- Tôi để lại cho anh một phiếu.
Sự thực Linh chỉ có một phiếu độc nhất... độc nhất trong đời anh. Người bạn hớn hở:
- Thế thì còn nói gì nữa! Anh để lại cho tôi một một phiếu thực nhé?
- Lại chả thực!
Nhưng moi hết các ngăn ví, Linh chẳng thấy số Đông Pháp đâu:
- Thôi đen cho anh quá rồi, tôi để ở nhà mất rồi!
Người bạn buồn rầu bỏ tờ giấy bạc vào túi, rồi bắt tay Linh, nói:
- Tôi phải lùng mua cho kỳ được một phiếu mới nghe.
Linh nhún vai mỉm cười:
- Sao lại có người ngốc đến thế? Bỏ đồng bạc ra mua cái mơ ước mà cũng phải chật vật, vất vả, khốn khổ!
Về nhà, Linh mở ví ra lục lại một lần nữa, vẫn không thấy lá phiếu đâu. Anh chống tay vào cằm ngồi nhớ lại: "Rõ ràng hôm ấy mình bỏ vào ví... Phải, hôm ấy mình qua hàng Đào... Ra đến bờ hồ, mình quay lại mua, vì con số ấy... vì bị con số ấy ám ảnh... con số, phải rồi con số 6.9.5.01.4 mà mình đã ghi cẩn thận... đây".
Linh mở quyển sổ nhật ký ra xem lại và thầm reo: "Đích rồi! Đích rồi 6.9.5.0.1.4 rồi!"
Sau khi mất công lục lại hết các ngăn kéo trong gần nửa giờ. Linh mỉm cười tự hỏi: "Mình cũng lẩn thẩn như cái anh chạy khắp các xó Hà Nội để mua một số phiếu Đông Pháp!... Cứ coi như đã không mua gì cả là xong!"
Và Linh nghĩ tiếp: "Phải, số mình không gặp may bao giờ, sao lại đi mua phiếu mua phiếc làm gì! Rõ phí tiền! Mua thì cũng không trúng cơ mà!"
Thế là Linh bình tĩnh đi làm việc.
Nhưng chỉ bình tĩnh độ nửa giờ. Cái con số 695.014 vẫn hiện ra ám ảnh không thôi đến nỗi anh mở hết các sách ra xem có gập vào đó không. Giữa lúc ấy một người bạn đến chơi. Thấy sách vứt bề bộn trên bàn, trên ghế ngựa, bạn hỏi:
- Tra cứu gì mà ghê gớm thế này?
Linh bẽn lẽn:
- À... tôi tìm một cái...
- Một cái "date" phải không?
Linh cười:
- Phải tôi tìm một số... số 695.014.
Bạn cũng cười:
- Con số gì mà dài thế?
Người bạn đi khỏi, Linh ngồi im lặng ngẫm nghĩ. Đó là một vật không nhớ cất ở đâu. Sau nửa giờ tĩnh tọa, Linh kết luận: "Chắc khi mình mở ví lấy tiền đánh rớt... Thôi thế là xong, nhất định không nghĩ đến nữa".
Nhưng không thể không nghĩ đến được. Linh tự trách: "Không mua thì thôi, chứ mua mà không trúng thì không thiệt một món tiền lớn còn bị người ta cười cho nữa!"
Qua một ngày. Một ngày khó chịu cho Linh, khó chịu không phải vì không đành lòng bỏ hẵng đi được. Thỉnh thoảng cứ phải tìm tòi chỗ nọ chỗ kia: "Y như một thằng điên!" Linh nghĩ thầm và tự ví với anh chàng phó may suốt ngày đập chiếu để tìm kim.
Buổi chiều Linh bỗng nảy ra một ý tưởng: trình cẩm. Có lẽ Linh định trình thế cho xong chuyện để khỏi phải loay hoay đến cái phiếu nữa. Linh hầu quả quyết ra đi thì lại thấy cái ý tưởng ấy gàn dở: "Trình cấm thì khi trúng số độc đắc liệu mình có lĩnh được sáu vạn không?"
Linh bật cười to và nhất định không đi trình báo gì hết. Rồi anh đem câu chuyện mất phiếu kể cho các bạn nghe cốt để ngầm hỏi ý kiến. Một người bảo Linh:
- Trình cẩm là phải!
- Để làm gì?
- Để nếu mình có trúng số thì cái thằng xoáy lá phiếu của mình không lĩnh được tiền. Tội gì lại đi làm cỗ sẵn cho nó xơi.
Linh như tỉnh ngộ. Phải, tội gì lại đi làm cỗ sẵn cho nó ăn, và Linh quả quyết đi trình cẩm.
Nhưng hết ngày ấy lại qua ngày nữa, Linh vẫn chẳng làm gì cả. Không phải là Linh quên lá phiếu. Còn quên sao được! Hơn thế, Linh mất cả bình tĩnh, thỉnh thoảng lại bỏ dở công việc đi tìm quanh quẩn trong một lúc lâu. Linh không đi trình cẩm là vì Linh vốn có tính lười biếng và do dự mà thôi.
Còn có một hôm nữa, ba tờ báo hàng ngày đều nhắc tới ngày quan trọng ấy: "Chín giờ sáng mai sẽ có xổ số Đông Pháp bộ thứ tư, lần thứ nhất. Nửa giờ sau, bản báo sẽ phát hành cùng với một trang phụ trương xổ số".
Linh chau may, cáu kỉnh: "Vô lý!" Chẳng hiểu rằng anh tự mắng anh vô lý hay anh cho cái tin trong báo kia là vô lý. Rồi như chợt nhớ ra. Linh kêu: "Chết chửa! Mình vẫn chưa đi trình cẩm! Thôi, chiều nay thì nhất định không quên nữa!"
Buổi chiều quả nhiên Linh không quên. Nhưng anh vẫn không quyết đoán, nhất lại thấy việc ấy phiền phức mà không quan hệ lắm. Mãi năm giờ, anh sắp sửa ra đi thì gặp bạn đến chơi, ngồi chuyện gẫu cho đến bảy giờ rưỡi, giờ ăn cơm.
Sáng hôm sau, Linh dậy muộn, vì tối trước thức khuya. Mấy hôm ròng những loay hoay đi tìm phiếu Đông Pháp, anh bỏ dở cả công việc, nên nay phải làm gấp cho kịp.
Anh mệt nhọc ngồi rũ, như còn muốn ngủ lại. Bỗng tiếng chuông đồng hồ nhà bên cạnh làm anh giật mình, tỉnh hẳn. Xem lại đồng hồ con, anh tự hỏi: "Mười giờ?" Và anh chợt nhớ tới ngày xổ số: "Họ đã bắt đầu rồi! Bắt đầu một giờ rồi!"
Linh băn khoăn: "Nếu trúng, thì thực chết mình!" và hết sức mong mỏi cho con sõ 695.014 không trúng từ sáu vạn trở xuống đến mười. Anh cười lên tiếng nghĩ tiếp: "Xưa nay mua số mà mong không trúng dễ mới có mình là một".
Thì giờ chờ đợi đi rất chậm. Ngóng tin sốt cả ruột mà vẫn chưa có báo bán. Mãi lúc Linh đương ăn cơm mới nghe tiếng rao: "Báo Trung bắc xổ số Đông pháp ơ!"
Linh đặt vội bát đũa xuống, chạy ra cửa sổ gọi: "Trung bắc! Trung bắc!"
Tờ báo vừa mở ra, Linh rút ngay lấy tờ phụ trương. Và một câu reo mừng thốt ra: "Không trúng số độc đắc rồi! May quá!... Cả số ba vạn nữa! Ừ, có thế chứ!"
Rồi Linh xem ngược từ dưới trở lên, lòng hồi hộp, đầu nóng bừng, miệng lẩm bẩm: "Sáu nghìn không... bốn nghìn không... một nghìn cũng không... năm trăm... năm trăm cũng không nốt".
Tới đây tâm trí Linh trở nên xao xuyến. Vì lãnh cho những số một trăm không đáng kể, dẫu có trúng cũng không tiếc.
Nhưng không trúng một số nào. Linh vứt tờ báo xuống đất thở ra khoan khoái cười nói:
- Thoát!
Chơi ô-tô
MUA XE
Ong giáo Quý về vui vẻ bảo vợ:
- Mợ ạ, mua xong rồi.
Vợ tuy trong lòng hớn hở vui mừng, nhưng còn hơi tỏ vẻ do dự lo lắng:
- Mua hấp tấp thế sợ hớ chăng?
Chồng cười:
- Hấp tấp! Nửa tháng trời mới mua xong cái ô-tô lại còn kêu hấp tấp!
- Vậy ba trăm đấy chứ?
- Ba trăm bốn mươi đồng. Không thể hạ được nữa.
- Đấy cậu coi, gần ba trăm rưỡi bạc thì rẻ nỗi gì! Cậu đừng vội vàng nóng nảy, cứ vờ như không thiết mua mà để dềnh dàng độ một hai tuần lễ nữa thì làm gì không bớt được thêm vài chục. Nhưng ông giáo tôi còn muốn có xe diện ngay cơ.
Nghe vợ mỉa mai, chồng cáu:
- Không mua nữa vậy. Tôi cũng chưa trả tiền, mà ông nghị ông ấy cũng chưa làm văn tự kia mà.
Vợ sợ chồng không mua thực, nói chữa:
- Ấy tôi cũng bàn với cậu một câu, còn sự mua bán là tùy ở cậu chứ.
Chồng được thể:
- Hừ bàn một câu! Bàn một câu mà như mắng vào mặt người ta ấy à? Thòi không mua nữa!
Vợ dỗi lại:
- Không mua thì thôi cần gì? Tưởng ngưòi ta thèm khát đi ô-tô lắm đấy!
Kể mọi lần câu chuyện cãi cọ xuềnh xoàng như rứa có thể kéo dài hàng giờ và nhiều khi trở nên cái cớ bỏ cơm, nhức đầu đau bụng, đau bão, đau ngực đủ thứ của bà vợ. Nhưng lần này đã có cái ô-tô làm lành hộ hai người, nên chỉ mười phút sau cả hai cùng cười xòa. Vợ âu yếm nhìn chồng, chồng sung sướng thuật lại cho vợ nghe câu chuyện mua xe:
- Cái xe ấy, tuy ông ta mua đã ba năm nay, nhưng ông ta có đi đâu mấy khi, chỉ thỉnh thoảng mới lên Hà Nội một chuyến. Mà mợ đã biết tính cẩn thận của ông ta đấy, giữ gìn cái xe như người ta nâng niu cái lọ cổ, may màn cho xe...
Vợ phì cười ngắt lời:
- Sợ muỗi đốt xe à?
- Không, để che bụi cho xe chứ. Lại được cái này nữa: là anh tài xế của ông ta cầm lái rất nương nhẹ, chả dám cho đi mau bao giờ.
Rồi Quý kể riêng từng đức tính một của cái xe mà chàng đã nhờ bác tài Linh rất giỏi máy móc đến xem hộ. Nào điện còn tốt nguyên, ma-nhê-tô mới thay, nào máy chưa "đề mông tê", nào đỡ tốn dầu, đỡ tốn xăng, nhíp êm, mới lại kèm một bánh sơ-cua. Trong câu chuyện khoe khoang, chàng dùng toàn tiếng chuyên môn, lộn xộn những chữ "gíc lơ, cam, pi-nhông, rớt-xo, pít-tông, xi-lanh, rông-đen, ba-đia-réc-xông, vô-lăng" vân vân... làm như vợ có thể hiểu được tất cả những chữ kỳ quái ấy. Dẫu sao bà vợ vẫn lấy làm phục ông chồng lắm, nhất ông chồng lại cầm được lái ô-tô, như thế mỗi tháng đỡ tốn được đến hai, ba chục bạc lương tài xế chứ có phải ít đâu.
Sự sung sướng thường làm cho ta nghĩ đến cảnh khổ sở của người khác. Vợ phàn nàn!
- Chẳng biết vì sao ông nghị Xang lại phải bán xe thế nhỉ?
Chồng thì thầm:
- Nghe đâu để lo một ghế trị sự trị xiếc gì trong viện đấy mà! Rõ xuẩn ngốc!
Vợ nguýt một cái:
- Người ta không xuẩn ngốc thì mình đã chẳng mua rẻ được xe ô-tô của người ta.
Ông giáo gật gù:
- Kễ cũng đáng thương! Nhưng mình chẳng mua người khác cũng mua. Mà thực vậy, mợ ạ, chỉ một suýt nữa thì lão hàn Bảng mua tranh mất thôi. Tôi phải bắt ông nghị làm văn tự ngay.
- Vậy ra cậu trả tiền rồi?
- Trả rồi!
- Thế mà nãy lại bảo chưa.
- Trêu mợ một tí thôi đấy chứ, anh tài Linh sắp đánh ô-tô về bây giờ.
Vợ giẫy nẩy:
- Chết! Cậu thuê tài xế đấy à? Trời ơi, tiền đâu mà trả mỗi thảng hàng mấy chục bạc? Thôi, chẳng ô-tô thì đừng ô-tô.
Chồng chau mày:
- Làm gì mà sợ kêu rống lên thế? Người ta nhờ anh ấy đánh xe về đây hộ thôi mà.
Vợ cười xin lỗi. Rồi hai người đứng cửa chờ.
THỬ XE
Một lát sau có tiếng kèn ô-tô kêu như tiếng dê gọi mẹ. Quý nhìn vợ, cảm động:
- Đấy!
Quả một cái xe bốn chỗ ngồi đến đậu giữa cửa sau khi cái hãm rít lên một tiếng ghê sợ và cái thân xe rùng lên một cái như người yếu gặp luồng gió lạnh.
Chàng vội trỏ xe bảo vợ:
- Mợ coi, còn khá lắm. Chỉ quét qua một nước sơn là như mới vậy.
Thực ra cái màu "vô danh" cũng làm mất vẻ chững chạc, bề thế của chiếc xe, dù nó là chiếc xe ô-tô. Màu ấy trước kia có lẽ là màu xanh bụi bám lâu ngày, đã mờ xạm hẳn đi. Lại thêm một vài chỗ bong mất mảng sơn phủ ngoài để lộ cái cốt đen bên trong ra, trông như những mụn loét sâu quảng ở chân một người ốm yếu, nước da xanh bủng.
Quý chạy vội ra đường. Vợ cũng chạy theo. Thằng Phủ vỗ tay reo gọi em gái:
- Mai ơi, ra xem ô-tô mới của cậu. Ô-tô đẹp quá!
Chúng nó bảo mẹ mở cửa xe cho chúng nó lên ngồi. Nhưng bà giáo lúng túng mãi, vặn hết cái nọ cái kia, kéo chán lại đẩy, cửa vẫn không mở được. Bà liền bảo con trèo qua cửa mà bước vào xe. Hai đứa ngồi nhún nhẩy trên đệm luôn mồm kêu:
- Êm quá, nhỉ!
Trong khi ấy thì ông chủ mới đương cùng bác tài Linh xem lại máy móc một lượt nữa.
- Bác mua xăng hộ tôi rồi chứ?
- Vâng, tôi mua có năm lít.
- Còn thừa một đồng, phải không?
- Vâng.
- Thôi, đãi bác nhé.
- Cám ơn ông. Cái xe này ông mua ít ra rẻ được bốn, năm chục.
Bà giáo mừng rỡ:
- Thế kia à?
Nếu bà ta biết rằng với ông nghị Xang bác tài đã nói một câu trái ngược, (nghĩa là ít ra lời được bốn, năm chục) thì bà cũng chẳng mừng đến thế.
- Nhưng bác tài ạ, phải cái nước sơn hơi cũ.
Bác tài cười có vẻ thương hại:
-Thưa bà, mua xe chỉ cốt máy tốt, còn bề ngoài có làm gì, sơn lại một lượt bất quả tốn mươi mười lăm đồng là cùng, lại mới nguyên.
DIỆN XE
Quý đứng lắng tai nghe máy chạy bảo vợ:
- Đều đấy chứ?
Rồi mở cửa xe mời vợ lên ngồi để đưa đi chơi mát một vòng. Hai đứa trẻ mừng quýnh hò reo:
- À, đi chơi ô-tô! Sướng quá!
Nhưng bà giáo lưỡng lự:
- Cậu cầm có vững không?
- Lại chả vững! Tôi cầm ô-tô đã mòn tay. Ngày xưa xe của thầy, tôi vẫn lái, mợ không coi à?
- Xe của thầy khác, nhưng xe của mình thì cậu nên cẩn thận hơn.
Xe đi từ từ. Quý lại vút cái mụ vào lòng vợ, đưa tay vuốt ngược tóc có vẻ quan trọng lắm, rồi dận "hơi" sang tốc lực, tiếng kêu ken ket như tiếng nghiến răng khổng lồ.
Vợ sợ hãi hỏi:
- Sao thế cậu?
Quý không thèm trả lời, sang luôn một lần tốc lực nữa. Vẫn tiếng ken két, cạch cạch, vợ kinh hoảng rú theo máy:
- Trời, sao thế cậu?
Quý gắt:
- Làm gì mà cuống lên thế? Người ta sang "vỉ tét".
Xe đi qua nhà một bạn đồng nghiệp. Thấy vợ chồng bạn đứng cửa nhìn, Quý giơ tay chào.
Khi xe vùn vụt chạy qua nhà hàn Bảng, Bảng gọi:
- Ông Quý! Mới mua xe đấy à?
Quý chỉ kịp gật đầu một cái, xe đã bon bon đằng xa.
Bảng nghĩ thầm:
- Thằng cha này vừa mua bát họ đã sắm ô-tô rồi!
NHƯỜNG NHỊN
Ra khỏi tỉnh lỵ, đường vắng, xe chạy nước đại. Vợ vội kêu:
- Vừa vừa chứ, cậu!
Chồng nhìn thẳng giữ vững tay lái:
- Mợ cứ làm rối cả lên. Đi thế này thì độ sáu mươi thôi, chứ bao nhièu.
Ấy là Quý nói thăng lên đấy, chứ xe chỉ chạy vào khoảng bốn mươi nhăm thôi. Nhưng vì vỏ xe xộc xệch, kêu lách ca lách cách, lại thêm nhíp mềm yếu, trục lỏng lẻo nên xe đi lắc la lắc lư như người say rượu, khiến ba mẹ con bà giáo chóng mặt hoa mắt tưởng là mau ghê gớm lắm.
Quý toan cho xe chậm lại thì phía sau có tiếng còi điện của một chiếc xe đòi vượt.
Chừng tức khí, Quý ấn hết "ga". Trời ơi! Bà giáo tối tăm cả mắt, chẳng nhìn thấy gì nữa, ôm choàng lấy hai con.
Đằng sau tiếng còi điện thúc giục càng kíp. Nhưng Quý vẫn găng không chịu tránh để nhường cho vượt. Nói cho đúng thì cũng hơi khó tránh: đường đã hẹp mà xe bò, xe tay lại nhiều. Tiếng bà vợ vẫn the thé đi liền với tiếng còi điện của chiếc xe sau.
- Hãm lại, cậu! Hãm lại cho người ta lên.
Một quán hàng nước ở bên đường. Quý cho xe đi từ từ rồi dừng hẳn lại, thản nhiên bảo vợ:
- Phải đấy, đỗ lại uống nước đã.
Giữa lúc ấy, cái xe sau vượt qua. Một người Pháp ngồi trên nói chõ vào Quý một câu chừng không được lễ phép cho lắm, nhưng may xe chạy mau, chẳng ai nghe rõ. Bà giáo lo lắng hỏi chồng:
- Người ta bảo gì thế cậu?
- À người ta xin lỗi. Thế là giữ đúng luật đi đường lắm đấy. Khi vượt một chiếc xe nào, phải xin lỗi.
Rồi Quý cười hè hè khoe mẽ:
- Hừ! Nếu không khát nước thì nó vượt thế nào được!
Nhưng khoe thì khoe, Quý vẫn không thể khiến được bà giáo không ngờ vực tài cán của mình. Chẳng thế mà bà ta cứ nằng nặc đòi quay xe về. Quý cũng muốn làm theo ý vợ, song đường hẹp quá, quay xe sao được. Chàng đành phải cho xe đi một quãng nữa để chờ gặp chỗ rộng.
Xe lăn rất thong thả, Quý bỏ cả hai tay vươn vai, làm vợ ngồi phía sau trông thấy hết hồn. Chàng thích chí cười khúc khích. Hai chiếc xe vưọt qua chàng quay lại nhìn vợ.
- Vượt được mình anh ta sướng lắm đấy. Lại đuổi cho một chập hết thở bây giờ.
Vợ vội vàng cản ngăn:
- Thôi, tôi xin cậu đừng làm mẹ con tôi hết hồn nữa đi.
XE GIỞ QUẺ
Đến một cái quán có con đường rẽ vào làng. Quý lùi xe để quay đầu về. Nhưng rõ đen, đít xe dáng đến phịch vào cái cột chống phên. Phên đổ ụp làm vỡ mất vài cái bát sành của cô hàng nước, khiến cô ta la om xòm.
- Rồi người ta đền! Làm gì mà nhắng lên thế?
Hết chuyện cô hàng nước chu chẻo bắt đền lại đến lượt cái xe gan lì ăn vạ, vì Quý xem máy mãi, nó chẳng chịu đi. Của đáng tội, cánh tay ông giáo cũng hơi yếu, mà xe cũ lại hay giở quẻ. Bần cùng Quý phải để ra năm xu thuê mấy người trong hàng nước đẩy hộ.
- À có thế chứ, tưởng nó không đi!
Đó là tiếng reo của thằng Phú khi máy quay xình xịch.
Nhưng khi còn cách nhà gần một cây số, thì nó lại ra gan không chịu đi nữa. Quý xuống hì hục quay máy rồi hí hoáy tháo cái nọ, tháo cái kia vẫn vô công hiệu.
- Làm thế nào bây giờ cậu?
Quý chợt nghĩ ra:
- Có lẽ hết ét-xăng?
Quả thực, khi đo lại thì thùng đựng dầu xăng ráo hoảnh.
Vợ chau mày:
- Hay anh tài Linh ăn bớt?
- Không có năm lít mà đi mãi rồi còn gì.
- Chỉ tại cậu, ai bảo không quay về ngay. Bây giờ biết làm thế nào?
Quý cười:
- Nhà kia rồi, đẩy một tí càng khỏe.
TẬP THỂ THAO
Thế là ba mẹ con xúm vào đun. Còn ông bố thì vừa đẩy vừa lái. Từ từ đi được một quãng, bốn người lại đứng thở, và đưa vạt áo lên lau mồ hôi. Chồng khuyến khích:
- Càng khỏe! Kém gì tập thể thao!
Vợ cười gượng:
- Thế này mới bõ lúc ngồi mát trên xe.
Con gái phụng phịu:
- Con mệt lắm rồi, cho con ngồi lên xe thôi.
Mẹ nguýt con!
- Đồ bất hiếu! Cậu mợ đẩy xe mà mày vắt vẻo ngồi trên à?
Hơn nửa giờ sau đến đầu phố, Quý lái xe rẽ sang bên đường đỗ lại, định ngồi nghỉ một lát rồi thuê xe tay đi mua ét-xăng, chứ đẩy xe qua phố sợ ê với kẻ quen, người thuộc, nhất là xe mình lại vừa mua ráo tay.
GHEN GHÉT
Thốt gặp phán Côn đi đến hỏi:
- Kìa chào hai bác, hai bác mới mua xe?
- Vông, tôi cũng nể ông nghị Xang quá, ông ấy cần tiền.
- Bác mua bao nhiêu đấy?
- Có hơn năm trăm, rẻ quá bác ạ.
Côn xem xét một lượt:
- Chạy có khá không, bác?
- Khá lắm bác ạ, đi bảy mươi mà chưa thấm với sức nó.
- Nhưng có êm không?
- Êm lắm!
Phú đưa mắt nhìn mẹ và em, ý chừng để phản kháng một cách lặng lẽ câu khoe khoang của cha.
Côn ngả đầu chào quay đi mỉm cười và như nói một mình:
- Phải cái hơi cũ, nhỉ!
Quý chưa kịp trả lời thì Côn đã đi xa. Chàng tức tối bảo vợ:
- Nó ghen ghét đấy mà! Đã thế, khi nào sơn lại xong đến mời đi một vòng trêu tức chơi.
Vợ lo lắng vì biết rằng xe mình không êm liền nói gạt:
- Thôi! Hơi đâu mà trêu tức hắn!
Từ đó bắt đầu một cuộc đời mới của ông giáo Quý, đời chơi ô-tô.
Khái Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét