Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Tiếng sáo người em út

Tiếng sáo người em út

Tiếng sáo người em út

Về tới đầu ngõ, người anh cả nghe thấy tiếng sáo, anh nhận ra tiếng sáo của người em út, tiếng sáo không còn thô mộc, non nớt, chập chững những bước đầu đời mà nay tiếng sáo đã chín, âm thanh đã trau chuốt và ở đó nghe một nỗi bồi hồi của tâm sự. Người anh cả đứng im lắng nghe. Bỗng tiếng sáo như reo vui làm người anh nhảy chân sáo bước vào nhà. Cánh cổng nhà mở rộng, vào tới sân người anh cả thấy em mình ngồi dựa cột hiên, đôi mắt như nhắm lại và tiếng sáo vẫn rộn rã. Người anh bước chậm và nhẹ tới hiên nhà rồi ngồi xuống bên. Thật lâu tiếng sáo mới ngừng lại :

- Anh đã về.

Người anh phác một nụ cười :

- Khúc nhạc của em sao hân hoan, anh nghe và thấy lòng vui.

Người em để ống sáo xuống hiên gạch, hai tay khoanh lấy đầu gối :

- Anh về bao giờ lại đi?

Người anh đứng lên, nhìn ra khoảnh vườn nhỏ, mấy cụm hoa cải vàng, mấy trái mướp thả xuống từ cái giàn thấp, giọng nhỏ êm :

- Anh về ở nhà.

Người hàng xóm ló đầu lên khỏi rào dâm bụt :

- Anh út, sao không thổi tiếp, tôi đang nghe... À kìa, anh cả về đó sao?

- Dạ chào bác.

- Từ tối hôm qua tới giờ tôi không sao ngủ được vì tiếng sáo của anh út hóa ra có anh cả về, để chút nữa tôi sang chơi, đi đường xa thì có biết bao nhiêu chuyện...

Người láng giềng thụt xuống. Người anh nói :

- Cha đâu?

- Cha nằm trong nhà.

Người anh đứng dậy, bước lên hiên, mở cửa vào nhà. Bầu khí tĩnh lặng. Người anh từ trong nhà bước ra :

- Cha đang ngủ say, anh không lên tiếng.

Người em đứng dậy gài ống sáo lên hiên nhà, bước xuống sân đi vào nhả ngang. Người anh thơ thẩn trong khoảng sân gạch, vẫn cảnh xưa. Có chăng mái ngói nâu tươi nay đã rêu phong, trên sân giữa những khe gạch đã có chỗ cỏ mọc. Cây mít lớn hơn và tàn cây rộng hơn. Người anh nhớ tới người em gái kế. Người anh đi vào nhà ngang nơi người em đang xúc thóc từ trong cỗ quan tài ra thúng.

- Chị bé đâu em?

Người em đứng thẳng người :

- Chị bé chết ít lâu sau ngày anh đi. Súng nổ từ phía ngoài cánh đồng.

Người anh đứng im.

Người em lặng lẽ tiếp tục xúc thóc ra chiếc thúng rồi bưng đổ vào chum để nơi góc nhà. Mồ hôi đọng trên trán, chảy trên thái dương. Người anh đứng lại bên. Người em bốc một nắm thóc đổ vào lòng bàn tay người anh :

- Anh coi, những hạt thóc có tốt không. Năm nay được mùa nhưng thu hoạch không được bao nhiêu. Đồng ruộng bỏ hoang ai nhìn thấy cũng nghe như dao cắt ruột, cả làng không còn một con trâu. Hôm nấu xôi mới, cha nhắc tới anh và bảo: nếu thằng cả nó ở nhà...

Người anh quay mặt đi, ngắt lời :

- Thôi để mùa sau.

- Mùa sau?

Người em nhắc lại giọng lạnh và buồn.

Những hạt thóc cuối cùng được vét ra khỏi cỗ áo quan. Người anh đổ nắm thóc từ tay này sang tay kia :

- Cha vẫn thường gọi đây là những hạt ngọc. Nhiều khi ngọc cũng không giá trị bằng.

Người em nhìn anh, nụ cười ngậm ngùi. Người anh nhìn em: nó vẫn như xưa chẳng thay đổi gì, lầm lầm lì lì... Người em quét sạch cỗ áo quan, lấy tay kỳ cọ trên lớp sơn bóng rồi gõ vào thành gỗ :

- Gỗ gì không biết, tiếng nó cũng lạ, anh nhớ không?

- Gỗ vàng tâm. Cha đã kỳ công đi tìm nó để sắm áo cho ông nội. Anh nhớ... ông nội nay còn sống thì đã hơn trăm tuổi...

- Anh nghĩ ông nội còn sống?

- Cha đã tìm bao nhiêu nơi, nào có thấy tung tích gì. Tù tội... Có khi xương còn nằm trong một nhà tù nào đấy...

- Anh khéo tưởng tượng.

- Biết đâu đấy.

Người em lấy ra chiếc ruột tượng, màu xanh hoa lý đã nhạt, người em nói :

- Anh nhớ không?

- Chiếc ruột tượng của mẹ.

- Đúng rồi.

Người em gấp một đầu ruột tượng lại rồi mở đầu kia đổ thóc vào một đoạn ngắn rồi gấp đầu thứ hai lại gọn gàng và đặt xuống sau cỗ áo quan :

- Chiếc gối này êm lắm.

Người em sờ tay lên khắp cỗ áo quan, giọng đều đều :

- Sau khi đắp nấm mồ chung cho bốn người, trong đó có chị bé, cha vỗ tay vào cỗ áo quan nói: có sẵn áo quan đây mà nó đâu được nằm, cái số nó thế chịu thôi... Có thời nào mà chết chùm, tan xương nát thịt chẳng còn nhận ra được. Rồi cha nhìn em bảo: không lẽ tao đóng cỗ quan tài này cho mày?

Người anh lặng im lắng nghe. Bao nhiêu cảnh huống của những ngày tháng cũ, khoảng trống những ngày anh vắng mặt :

- Anh nhớ ngày cỗ áo quan được đóng. Còn em?

- Những hình ảnh mơ hồ, lúc ấy anh đã lớn, em còn nhỏ. Từ đó nó ở bên em và những câu chuyện về ông nội do cha kể lại.

Người anh lại gần để tay lên thành cỗ áo quan :

- Hồi đó người ta định xử bắn ông nội. Cha chạy ngược chạy xuôi lo tìm gỗ về cho thợ đóng gấp. Nhưng ông nội không bị xử bắn, người ta kết án chung thân khổ sai, biệt xứ. Ông nội bị đưa đi chẳng bao giờ cha còn thấy mặt. Cha kêu đám thợ mang đi sơn cỗ áo quan rồi được mang vào nhà ngang, nó ở đó từ đó tới nay. Những ngày đầu cỗ áo quan làm cho nhiều người sợ, nhưng dần thành quen thuộc, có khi nó dùng dựng thóc, lúc đựng ngô, lúc nhỏ có lần anh và em nằm trong đó trốn cho chị bé đi tìm...

Người em đứng ở đầu cỗ áo quan, đưa hai tay xuống dưới thử nhấc lên :

- Nặng quá. May mà có anh trở về... Lúc trước có lúc em nghĩ nếu mình chết chắc cha sẽ bỏ mình vào đây, nghĩ thế thấy khiếp quá, bây giờ thì anh đã về và em chưa chết.

- Có khi nào em hay cha cho rằng anh đã chết không?

- Mỗi lần nhắc tới anh, cha tép miệng rồi mỉm cười: nó có còn sống thì cũng như đã chết... Nhưng anh cũng đã trở về, dù sao em cũng mừng bởi vì chỉ một mình em thì làm sao mà tha cỗ áo quan lên nhà trên. Anh giúp em một tay.

Người anh nhíu mày :

- Mang lên làm gì?

- Cho cha nằm.

Người anh lặng đi đôi mắt mở lớn nhìn người em không chớp :

- Cha chết rồi sao?

- Cha đi tối hôm qua...

Người anh vụt bỏ chạy lên nhà trên, tiếng bước chân, tiếng cửa va đập vang động rồi tiếng khóc oằn lên. Người em trở ra hiên nhà lấy cây sáo trúc xuống và bắt đầu thổi một khúc nhạc, âm thanh nhảy nhót tươi vui. Người anh từ trong nhà bước ra, nước mắt ràn rụa. Người em ngừng thổi sáo. Người anh nói giọng khô :

- Cha chết mà em không buồn sao?

- Cha già thì chết, tại sao lại buồn? Anh khóc cha có sống lại không? Anh có hết đau khổ không? Cha nói với em: cả đời không làm điều gì quấy, không có gì phải hối hận, cha nhẹ lòng khi nhắm mắt có con ở bên. Con hãy thổi sáo cho cha nghe... Và em đã thồi sáo từ đêm qua tới giờ. Sống, chết là lẽ bình thường. Ngày tháng và đường xa dạy cho anh những gì?

Người em đưa sáo lên thổi, những âm thanh diu dặt bay lượn như đang quyện vào trong gió chiếm lĩnh cả khoảng không bao la giữa trời và đất. Buổi chiều đang xuống nhẹ nhàng. Đàn chim sâu về kêu ríu rít trên những ngọn cau, trong tàn thấp của cây hoa ngâu. Tiếng chuông thu không vẳng đưa từ xa lại trong buổi chiều tĩnh mịch. Người em hỏi :

- Bao giờ anh lại đi?

- Đi đâu?

- Đi khỏi nhà.

- Em không muốn có anh ở nhà sao?

- Em nghĩ: anh không phải là người để sống ở trong nhà, lại nữa bây giờ cha đã mất... Từ lúc em lớn lên đến nay em thấy có mấy khi anh sống ở nhà... Chị bé đã chết, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đổi thay, anh đâu có sống với những điều đó? Em không nghĩ là có lúc anh trở về... chuyện còn dài. Bây giờ em muốn tẩm liệm cho cha và nhập quan.

Người em đi xuống nhà ngang, người anh bước theo không nói một tiếng. Hai anh em rất khó khăn mới khiêng được cỗ quan tài lên nhà trên. Trước hết người em đốt hai ngọn nến trên bàn thờ rồi đến chỗ cha nằm cầm lên tấm nhiễu điều mở rộng trải vào trong lòng cỗ áo quan. Nhẹ nhàng, cẩn trọng người em bế người cha đặt vào trong cỗ áo quan, đầu gối lên cái ruột tượng nhồi thóc, tấm nhiễu điều được phủ kín lại. Hai anh em nhấc tấm ván thiên lên. Người anh ngừng lại :

- Anh muốn nhìn mặt cha một lần nữa.

Người em để tấm ván thiên xuống. Người anh mở tấm nhiễu nhìn lên mặt người cha mắt đã nhắm lại êm ả, những sợi râu bạc trắng như cước, những nếp nhăn trên trán như những nét khắc trên mặt tượng. Người em nói :

- Cha nói: anh không giống cha, anh giống mẹ. Em nghĩ chắc anh giống ông nội.

Người anh không nói kéo tấm nhiễu lên mặt người cha. Người em nói :

- Em không nghĩ cha chết, cha đang ngủ.

Tấm ván thiên được đậy lại, những con cá gỗ được đặt vào đúng chỗ, người em dùng cái vồ đập vào những con cá gỗ cho tấm ván thiên khít lại. Tiếng vỗ nghe vang dội. Người anh ra ngồi trên bộ ngựa ở gian bên. Người em thắp ba nén hương cắm vào chiếc lư sành. Khói hương nghi ngút. Người em nói :

- Sáng mai đưa cha ra đồng.

- Em không báo cho họ hàng làng xóm?

- Hãy để cho mọi người thêm một đêm yên tĩnh. Bây giờ để em đi nấu cơm ăn.

Người anh ngồi lại ở nhà trên, mùi hương trầm thơm ngát. Ánh sáng vàng tỏa không đều trong ba gian nhà với những thân cột lớn. Người anh đi xuống nhà dưới, người em lấy gạo vào giá mang ra cạnh bể nước ngồi vo rồi đổ vào nồi. Khi người anh bước vào nhà bếp lửa đang cháy hồng, nồi cơm đang sôi. Người em gạt những hạt bỏng gạo trong bếp ra nhặt bỏ vào miệng. Cơm chín, người em lau chiếc mâm gỗ rồi xới ba bát cơm đầy, so ba đôi đũa, múc một chén tương rồi bưng lên nhà trên để nơi chiếc sập giữa nhà trước cỗ quan tài. Đứng trước mâm cơm người em nói :

- Cha kể: xưa có một người con nghèo hèn phải đi làm mướn nuôi thân, ngày giỗ cha không quên chỉ còn biết kiếm một cái bát, múc lấy một bát cám lợn rồi đội lên đầu mà khấn với cha... Cha chỉ mong sau này khi cha đã chết, mỗi lần giỗ nhớ nấu cơm cho ngon, một chén tương, một bìa đậu phụ, thêm ít rau luộc là được, suốt đời cha ăn những thứ đó...

Hai anh em bưng cơm lên, trên mâm còn một bát cơm với đôi đũa để bên. Người anh đưa chén cơm lên miệng, mùi cơm thơm mộc mạc. Người anh chảy nước mắt. Người em nói :

- Sao anh khóc?

- Anh nghĩ tới những ngày xa nhà, lúc về thì cha đã mất...

Người anh để bát cơm xuống mâm. Người em buông dũa và úp cái bát không xuống mâm. Một lúc người em nói với giọng kể đều đều :

- Có một câu chuyện cha kể đi kể lại nhiều lần trong những bữa cơm tối, nó như một câu chuyện khôi hài, để em kể lại cho anh nghe: Một người cha nói với con: để có ăn hãy ra đồng làm ruộng. Người con nói: chắc gì được ăn mà làm. Người con không ra đồng. Người cha kiên nhẫn cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, bón phân, làm cỏ, tát nước cho đến khi lúa chín. Người cha bảo con: lúa chín rồi hãy ra gặt về mà ăn. Người con bảo: gặt về có chắc được ăn không. Và người con không chịu ra đồng gặt lúa. Người cha kiên nhẫn gặt lúa, gánh lúa về, dập lúa, phơi lúa, xay lúa, giã gạo rồi nấu cơm. Khi ngồi xuống ăn cơm, người cha mới hỏi con: đã chắc được ăn chưa? Người con nói: chưa vào miệng thì chưa chắc. Người cha tức giận đứng lên. Thấy người cha nổi giận, người con đứng lên bỏ chạy. Người cha cầm lấy đôi đũa cả đuổi theo. Khi trở về nồi cơm đã bị chó ăn hết. Người con đứng ở ngoài cửa nói: đó đã chắc đâu... Mỗi khi kể tới đó cha cười lớn và nói: cái ông cha này sao nóng giận vô lối. Con hư thì phải dạy còn mình thì thấy cái phải làm thì làm thôi. Mình nhà nông, có làm thì có ăn... Cha mẹ sinh con ai dễ sinh lòng...

Một khoảng im lặng. Người anh nhìn bát cơm đầy để trên mâm, cạnh đôi đũa :

- Em có nghĩ là cha đã không bằng lòng anh?

- Cha nói: anh sống thay cho cha.

Người anh im lặng lúc lâu, người anh nhìn vào mặt người em hỏi :

- Còn em?

Người em bưng bát cơm còn nguyên trên mâm ăn tiếp, lúc đặt bát xuống người em nói :

- Anh về ở nhà luôn?

- Anh không đi đâu nữa.

Người em đứng lên giọng đầy xúc động :

- Anh về rồi thì em đi. Lúc trước còn cha em dù muốn cũng không thể đi được. Ai trông nom cha lúc về già? Anh đi hẳn anh nghĩ rằng ở nhà đã có em, cuối cùng dù thế nào cũng có chỗ để trở về. Bây giờ anh đã trở về và em có thể lên đường ...

Sau bữa cơm tối, người em ra ngồi ngoài đầu hiên nhà lấy ống sáo thổi tiếp, người anh ngồi dựa lưng vào hiên lắng nghe. Đêm qua nhanh. Lúc bình minh vừa hé người em ra khỏi nhà. Lúc mặt trời lên ở ngọn cau thì em trở về cùng những người họ hàng và dân làng. Mọi người bắt tay khiêng cỗ quan tài trên vai đi ra cánh đồng. Không có tiếng khóc. Mọi người nói với nhau về người cha lúc còn sống, những câu chuyện không đầu không đuôi, xen kẽ là những tiếng cười vì câu chuyện cũ. Người em đi lên phía trước vừa đi vừa thổi sáo. Người anh đi phía sau cỗ quan tài. Huyệt đào trên thửa ruộng khô màu đất tươi, cỗ quan tài được đặt xuống và đất được đổ lên. Người anh lấy bó hương rồi cắm lên ngôi mộ mới. Người em ngồi trên một bờ ruộng nhìn về phía chân trời. Mọi người đã ra về. Người anh lại gần người em :

- Bao giờ em đi?

Người em đứng lên :

- Sao anh không giữ em ở lại?

- Em đã lớn, như ngày xưa lúc anh đi, cha đã không nói gì. Đi hay ở là ở nơi em.

Người em ra đứng bên mộ cha để sáo lên môi. Người anh nghe thấy một khúc nhạc bi thiết. Khi nắng đã lên cao, người em cắm ống sáo lên mộ cha rồi cùng trở về với người anh. Người anh nói khi bước chân vào sân nhà :

- Không biết lúc em về thì anh còn sống không?

Người em đứng gần hiên nhà :

- Anh nghĩ em có thể bỏ nơi này mà đi được sao? Ai cũng bỏ đi cả thì ngôi nhà này ai coi, ruộng ai cày và những người như anh lấy đâu nơi để trở về?.

Sáng mùa xuân

Mở rộng cánh cửa sổ, tôi bàng hoàng trước những tia nắng rực rỡ tràn vào trong gian phòng nhỏ, nhìn ra ngoài vườn, nắng như nhảy múa trên những tàu lá xanh tươi còn ướt sương đêm, chùm hoa giấy trên hàng giậu tươi như máu. Tôi đứng im nơi cửa cho nắng rọi lên đầu tóc, lên quần áo. Buổi sớm mai của một ngày mới trong mùa xuân. Trong im lặng tôi nghe như có tiếng một con chim lạ lẩn quất nơi mái hiên. Bỗng tôi giật mình vì tiếng động nơi cửa, nhìn ra, một người đàn bà đang đi vào vườn. Lúc sau tôi mới nhận ra đó là một người bạn cũ.

Tôi bước ra cửa và reo lên. Tôi nghe tin chị đã xuất ngoại mà. Người bạn mỉm cười nhìn tôi. Bao nhiêu năm mà tôi trông anh vẫn không thay đổi, vẫn trẻ như ngày nào, chỉ có tôi, tôi già quá rồi phải không anh, anh phải đón nhận tin này: Tôi mới trở thành bà nội được hơn một tháng nay. Tôi thành thực mừng chị. Chúng tôi vào phòng khách, tôi giới thiệu với người bạn cũ vợ tôi và đứa con trai đầu lòng mới được hơn một tuổi. Chị bạn hỏi thăm sức khỏe vợ tôi, bế đứa con tôi lên tay nựng và từ trong xách tay ra một quả chuông nhỏ bằng bạc óng ánh: Quà của bác đây, cháu rung đi. Người bạn rung chiếc chuông bạc kêu lên những tiếng kỳ lạ, những tiếng chuông kết lại với nhau như một điệu nhạc. Con tôi giơ cao chiếc chuông lên đầu và lắc liên hồi, mặt nó lộ vẻ vui sướng. Bỏ thằng nhỏ xuống cho nó chạy trong gian phòng, chị bạn cầm tay vợ tôi nói ân cần. Tôi phải xin lỗi chị, hồi đám cưới tôi biết tin mà đang ở xa, vẫn mong có dịp về, mãi nay mới tới thăm chị được, thật có lỗi. Món quà nhỏ để từ hồi đó tới nay mới mang về tặng chị được. Nói xong người bạn đưa cho vợ tôi một chiếc hộp nhỏ bọc giấy màu. Tôi nhìn bạn, mấy sợi tóc mai đã bạc. Tôi nhìn vợ, niềm vui và cảm động trên đôi mắt đen. Tôi nói em mở quà của chị ra coi. Vợ tôi mở hộp giấy, một chiếc vòng đá xanh. Chị bạn cầm lấy, vợ tôi đưa tay cho chị bạn đeo chiếc vòng vào. Vợ tôi nói: Cám ơn chị - vợ tôi giơ lên đưa về phía tôi, nó xinh quá phải không anh.

Con tôi vẫn rung liên hồi quả chuông bạc, nó chạy vòng quanh trong gian phòng nhỏ, miệng reo mừng. Chúng tôi cũng nhau ngồi uống trà và nói chuyện. Lúc sau chị bạn nói tôi lại rủ anh chị đi thăm một bạn cũ của chúng ta. Tôi nói tôi cũng đang nghĩ tới điều đó. Vợ tôi vì đã có hẹn với một người bạn lại nhà ăn cơm vào buổi trưa nên không đi được. Vợ tôi nói thật tiếc, và quay sang nói với tôi, hay là anh mời cả anh bạn lại, có chị cùng ăn cơm trưa. Tôi nói với chị bạn: Chắc chị không từ chối. Chị bạn cười.

Tôi vào trong nhà thay quần áo, vợ tôi chọn thắt cho tôi chiếc cà-vạt đỏ rực rỡ. Khi ra phòng khách, chị bạn nói trông anh như mới hai mươi tuổi. Tôi và chị bạn ra khỏi nhả, con tôi rung những tiếng chuông reo vui, nó đứng lại nơi ngưỡng cửa vẫy tay gọi theo chúng tôi.

Khi tới nhà người bạn, chiếc quan tài đang được đưa ra khỏi nhà. Ảnh người bạn do người con trai lớn cầm để nơi ngực, tôi nhìn thấy nụ cười tươi tắn yêu đời, và bỗng như tôi nghe thấy tiếng cười sảng khoái của anh những ngày nào. Chị bạn nói: khi tôi ghé lại, anh ấy không nói nữa, anh ấy chỉ mỉm cười với tôi sau đó anh tắt thở một cách thoải mái, như là người ta bắt đầu một giấc ngủ êm đềm. Tôi và chị bạn đi bên nhau sau cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm để mộc, mùi gỗ thơm thân mật. Tôi không nghe thấy một tiếng khóc nào. Những tiếng cầu kinh rì rầm. Tôi nghe vang trong không khí tiếng chuông bạc mà con tôi rung lên vào buổi sớm mai.

Đám tang đi chậm trên con đường có hai hàng cây xanh, thỉnh thoảng chen vào đó những ngọn cây hoa vàng rực, những cánh hoa vàng rụng trải trên mặt đường, tôi nghĩ tới những cánh hoa mai dọc theo một con suối có dòng nước trong xanh.

Anh bạn nói lúc mình nằm trong quan tài mà lại biết có những tên đểu cáng, lừa lọc, những tên mình đã chừa mặt mà đi theo giả bộ khóc mếu, tiếc thương thì có khi phải ngồi dậy mà tộng cho một thụi. Người ta giả dối nhỉ, khóc mếu gì mà bày đặt thế không biết. Phải có một phong tục mới cho tang ma mới phải, phải khóc mà chào đón những đứa trẻ ra đời và phải vui cười, tấu nhạc khi mình nằm vào trong quan tài. Tiếng cười vang lên nghe sảng khoái khác thường, tiếng cười mà chúng tôi vẫn thường nghe thấy trong những lần gặp gỡ. Có phải anh ấy đang cười bọn mình không? Tôi nói với chị bạn. Tôi nghe thấy anh ấy đang đọc thơ.

Đám tang đã vào tới nghĩa trang. Chiếc quan tài được đưa xuống lòng huyệt với hai dải lụa đào tươi thắm. Tôi cầm một cành huệ ném xuống. Chị bạn đứng nơi đầu huyệt cất tiếng hát. Tôi bâng khuâng với tiếng hát đã xa vắng trong bao nhiêu năm trời. Tôi thấy như cây cỏ cũng ngưng sống để nghe tiếng hát đang vút lên. Mọi người vỗ tay khi chị bạn hát hết ca khúc mà trong những năm xưa, khi chúng tôi còn trẻ vẫn thường hát cho nhau nghe, và mỗi chúng tôi có đứa thuộc hết bài, có đứa thuộc một vài đoạn, có đứa chỉ thuộc giai điệu, tôi nói: khi chúng ta chết cả rồi sẽ chẳng còn ai hát những ca khúc đó nữa. Những đứa trẻ ra đời hôm nay sẽ hát những ca khúc mới. Những ca khúc của thời đại chúng. Chị bạn nói vậy phải làm sao? Tôi sợ tới lúc chị không còn, còn một mình tôi... Làm kẻ sống sót, làm kẻ không chết thấy như một bản án, phải thế không chị.

Những nắm đất đang được ném xuống lòng huyệt. Tôi rủ chị bạn đi thăm những người quen nằm trong nghĩa trang, chúng tôi nói với nhau về những ngày tháng cũ... Bao nhiêu người quen nằm cả nơi đây, ai cũng im lặng, bình thản như không có điều gì phải nói nữa... Lúc chúng tôi trở lại với anh bạn, mọi người đã ra về hết. Những mầm cỏ sẽ đang mọc lên. Ra khỏi nghĩa trang tôi nói với chị bạn: Bữa ăn trưa nay của chúng ta dư một chiếc ghế. Tôi nghe thấy giọng tôi buồn bã.

Trên đường về một người đàn bà khoảng ngoài 50 tuổi, có những sợi tóc bạc trước trán. Khi thấy chúng tôi bà reo lên: Tôi đi tìm cậu bây giờ mới gặp. Tôi không biết bà là ai nhưng trong câu chuyện tôi thấy như đó là một người thân mà tôi đã quên tên. Tôi ân hận về điều này. Bà cụ túm tay tôi kéo đi: Thôi đi ngay, người ta chờ cậu từ sáng đến giờ, mọi việc cậu cứ để tôi lo. Bà cụ nhìn tôi từ đầu đến chân rồi quay sang nói với chị bạn: Đẹp trai quá phải không cô, thật là tuyệt đẹp chứ không phải thường. Tôi cười nói: Cụ không thấy tóc tôi bạc rồi sao? Chị bạn nhìn tôi ừ nhỉ, sao tóc anh bạc nhiều thế. Tôi nói: khi vừa sinh ra ông nội tôi tới thăm, ông cụ đã cúi xuống nói chào bạn, như thế chị đủ biết tôi tóc bạc từ bao giờ. Chị bạn nói tôi chưa thấy ai là người lạc quan yêu đời như anh. Tôi nói cám ơn chị. Bà cụ đi giữa chúng tôi nói chuyện chơi hoa lan, bà cụ nói về những lan hiếm quý và mô tả vườn lan của cụ với sự hãnh diện và nói để hôm nào lan nở đều sẽ mời chúng tôi tới uống trà dưới lan. Bà cụ bỗng nói với giọng nghiêm trang: nhưng thực không có gì đẹp bằng người đẹp, hoa đó mới đáng để cho cậu chú ý tới, có những người đẹp mà khi gặp tôi cũng say mê, người đẹp đâu phải nhiều gì. Bà cụ chỉ tay về phía trước: chúng ta sắp tới một vườn hoa rất tuyệt, trong đó chỉ cần một bông hoa mà thôi, tôi nghĩ dù cậu khó tính đến đâu cũng phải hài lòng, liệu cậu có nhớ đường để trở về không. Tôi nói: chắc cụ biết, Từ Thức khi xưa còn biết đường về mà.

Chúng tôi tới trước một tòa lâu đài xinh xắn, ngôi nhà nằm mãi phía trong sau những ngọn cây, những vườn hoa, cánh cửa mở rộng, dù vậy bà cụ không bước vào. Bà cụ nói: hãy đợi có người ra đón. Chúng tôi đứng một chút. Chị bạn nói với tôi: để cho tôi về trước. Tôi nói dạ, mình sẽ gặp nhau chút nữa. Chị bạn chào bà cụ và bước đi.

Một người đàn bà mặc quần áo rực rỡ tươi cười đi từ phía xa lại dừng trước mặt tôi cười nói: tôi nhờ ông cầm giúp cho tôi cái này một chút. Không chờ tôi trả lời, người đàn bà đưa từ tay sang cho tôi một cái hộp lớn như một gói quà tặng, tôi dùng hai tay ôm trước ngực, người đàn bà còn trẻ, đôi môi mọng như hai cánh sen, mắt đen láy, chiếc khăn quàng màu thiên thanh quấn trên tóc rớt xuống đất để lộ ra một mái tóc dài đen như suối, người đàn cúi xuống, tôi nhìn thấy đôi gót chân màu hồng. Mời ông vào, tôi quay lại, một người tớ gái đang mời chúng tôi. Bà cụ cười, chúng tôi cùng bước vào trong vườn. Nhìn xuống thấy mình còn ôm chiếc hộp lởn, tôi hoảng hốt quay lại, không thấy người đàn bà đâu, tôi chạy ra nhìn cũng không thấy đâu nữa. Tôi phân vân trong khi bà đang gọi. Tôi bước theo, tôi thấy người tớ gái như muốn cầm giúp tôi chiếc hộp, tôi đưa ra, cúi đầu, người tớ gái ôm lấy và đi lên phía trước. Cánh cửa rộng mở vào phòng khách, chúng tôi bước vào. Bà cụ nói: Mọi điều cậu cứ để tôi lo, thế nào cũng xong. Chúng tôi được một đôi vợ chồng già tiếp đón niềm nở, lịch sự, chừng như họ đã sửa soạn từ trước, quần áo chỉnh tề, cử chỉ điềm đạm. Bà cụ giới thiệu tôi với ông bà cụ. Tôi thấy ông cụ như chú ý tới cái hộp mà người tớ gái đã để xuống nơi một chiếc bàn thấp. Ngay lúc đó ông cụ cất tiếng gọi vào trong nhà: con gái của cha đâu, ra đây cha bảo. Có tiếng dạ và từ nơi cửa nhà trong, một cô gái xinh đẹp bước ra vẻ thẹn thùng. Ông cụ giới thiệu và nói: đây là con gái rượu của tôi. Cô gái mỉm cười chào tôi và mời tôi đi về phía bên phải của phòng khách rộng, nơi đây có kê một bộ bàn ghế gọn gàng, trong khi ấy ông bà cụ thì mời bà cụ sang bộ bàn ghế kê ở phía bên kia, gian phòng như được ngăn ra bởi một dãy những chậu lan kê trên những cỗ voi bằng sứ. Cô gái hỏi tôi dùng gì. Tôi nói cho uống gì mà cô cũng thích. Hai ly nước cam để trên chiếc bàn nhỏ. Tôi nghe văng vẳng tiếng chuông bạc như rung lên ở đâu đó. Cô gái nói: ông biết mấy người già nói gì với nhau không? Tôi mỉm cười: chắc tôi cũng già rồi. Cô gái nói nhanh: không ông đâu có già. Tôi nói thì cô gọi tôi là ông rồi đó thôi. Cô gái nói: tôi xin lỗi, vậy xin cho gọi là anh. Tôi gật đầu và nói: cô nói những người già nói gì? Họ nói chuyện hôn nhân giống hệt như đi mua trâu bò. Anh biết không, hôm trước ông cụ tôi đã nói với một người: con gái tôi có một tài sản lớn, có khoảng hai trăm lạng vàng... có nhà, có xe hơi... ông cụ muốn mua cho tôi một ông chồng có bằng bác sĩ. Tôi nói nhưng sau đó thì sao? Anh ta chê. Tại sao? Vì tôi nói với anh ta, tôi có người yêu rồi, nói thế anh cũng thấy chưa đủ, anh ta nói không sao, rồi cô sẽ yêu tôi, quên người yêu, tôi nói không phải chỉ có thế, tôi đã có con với người ta rồi. Tới lúc đó anh ta mới thôi và nhìn tôi có vẻ khinh bỉ. Tôi nói: tôi cũng đã có con rồi, con trai. Cô gái cười hỏi: cháu có khá không? Tuyệt diệu. Cô gái gật gù: thích nhỉ, tôi cũng muốn có một đứa con. Nhấp một chút nước cam trên đôi môi không có son, cô gái nói ngả người dựa lưng vào một bên ghế, dáng thoải mái, tự tin nhìn tôi: người mai mối đã nói gi về tôi với anh. Tôi nói, bà cụ nói với tôi ở trong vườn này có một bông hoa rất đẹp. Cô gái cúi mặt không có vẻ gì tỏ lộ. Cô nói anh có nghĩ tiền bạc sẽ mang đến cho người ta hạnh phúc không? Tôi thấy tiền bạc có giúp đỡ cho hạnh phúc. Tiền, vàng, nhà cửa, xe hơi có mang đến một người chồng không? Có chứ, nhưng chưa chắc là người ta yêu... Người ta tới coi mặt tôi, nhưng tôi không tin thế, người ta tới xem tôi có nhiều tiền không, có lợi cho người ta không, bọn người thật giả dối. Tôi uống cạn ly nước, cô có biết là người ta sinh nở rất đau đớn. Đâu có, tôi sinh rồi, tôi thấy rất êm ái.

Trong một lúc im lặng, tôi lắng tai nghe về phía bên kia tôi chỉ nghe thấy những tiếng thì thầm không rõ, nhưng tôi thấy từng lúc những con mắt ở bên đó nhìn sang chúng tôi. Cô gái nói anh có thích nghe một bản nhạc không. Tôi nói rất muốn. Cô gái tới bên chiếc máy và cầm kim thả xuống chiếc đĩa màu hồng. Cô gái nói: anh có hài lòng về tôi không? Tôi không biết phải trả lời thế nào. Cô gái nói tiếp: tôi có ý định ngay sau đám cưới tôi sẽ hiến tặng tất cả của cải của tôi cho một trại cùi. Tôi ngạc nhiên thích thú, ý cô rất hay. Anh không tiếc sao? Người cùi đáng được giúp hơn. Đĩa nhạc đã hết. Cô gái hỏi: anh muốn nghe nữa không? Tôi nói thôi để khi khác. Cô gái nói: không biết anh còn quay trở lại nữa không nhỉ. Tôi đứng lên: cô có biết chuyện Từ Thức không? Cô gái buồn rầu: Từ Thức đã chết rồi, thi sĩ đã chết hết rồi, hoặc tự sát, hoặc bị ám sát anh biết không, người ta thay tim người cả rồi... Cô gái cười lớn, tiếng cười vang động cả gian phòng. Tôi cũng cười theo. Khi ngừng lại tôi thấy những người ở bên kia cũng đang cười lớn, trong khi cô gái đã im và nước mắt giàn giụa. Giọng cô gái lạnh nhạt: tôi cũng sắp thay tim mới. Tôi nói thế còn trái tim của cô? Cô gái hơi mỉm cười: nếu anh muốn tôi sẽ đóng hộp đông lạnh gửi cho anh, không biết tim xào với hành có ngon không?

Bà cụ già đã đứng lên, tôi cũng đứng lên. Cô gái nói: anh về sao? Tôi nghe văng vẳng đâu đây tiếng chuông bạc rung liên hồi. Tôi nói thấp giọng: ở nhà, vợ tôi ru thằng con trai tôi với nhiều câu ca dao, có một câu có lẽ cô không biết, tôi nhắc lại cho cô nghe: con cò mà mổ cái chai; mẹ ơi, mẹ lấy vợ hai cho thầy...

Mấy người lớn đã tới giữa phòng, tôi bước ra, khi sắp xuống hiên tôi đưa tay bắt tay cô gái, tôi thấy hai ông bà cụ có vẻ hài lòng. Tôi cúi chào và bước xuống lối đi trải sỏi trắng. Bà cụ nói: xong việc rồi, cám ơn cậu nhiều lắm. Tôi nói có gì đâu. Giọng bà cụ tâm sự: phải, thằng con tôi nó sẽ hài lòng với người vợ tôi cưới cho nó, nó giống cậu như đúc vậy đó, nó chưa về được, cậu biết, nó bị rớt máy bay nhưng tôi vẫn tin nó còn sống, tháng tới làm đám cưới cậu làm chú rể giúp tôi một lần nữa, nếu nó chưa về kịp trong kỳ trao đổi tù binh này, nhưng tôi tin nó về kịp đám cưới. Cậu... Câu chuyện bị cắt ngang, tiếng gọi trong nhà ra vang động, cô gái hấp tấp vội vã bưng cái hộp lớn ra, nó đã bị mở tung, cô gái đưa về phía tôi: dạ cái này của ông... Tôi nhìn vào trong thấy một đứa bé đang cười. Tôi nói: không phải của tôi. Nét mặt đứa bé bỗng ngơ ngác rồi òa khóc. Bà cụ tới bên nhìn vào ngạc nhiên kêu: trời ơi, cháu tôi đây mà, sao khóc tội nghiệp thế... Ông bà cụ từ trong nhà chạy ra, nhìn đứa trẻ rồi bà cụ ôm ngay lấy: con tôi mà, con tôi mà... Tôi nhìn đứa bé, tôi thấy sao giống người bạn cũ. Đứa bé được bế vào nhà, mọi người bu theo. Tôi đứng lại một mình. Tôi nghe tiếng chuồng bạc reo. Tôi ra khỏi tòa lâu đài về nhà.

Chị bạn tôi đang chơi với con tôi nơi trước cửa nhà, thấy tôi nó reo lên. Bữa ăn đã dọn xong, chúng tôi ngồi vào bàn, một chiếc ghế bỏ trống. Tôi nói với vợ tôi: anh bạn không đến được. Chị bạn nhìn tôi ngậm ngùi: nhìn anh tôi mới biết mình già, cuộc chiến năm mươi năm...

1972

Tiếng động buổi trưa

Người đàn ông uống hết ly nước bỏ chiếc ly nhựa màu cam đã cáu bẩn xuống mặt bàn gỗ thấp, ông ta lấy ra rúm thuốc để trong chiếc hộp sắt đã cũ, vấn một điếu, đưa lên môi thấm nước, cử chỉ nhẹ nhàng thuần thục để làm thành một điếu thuốc gọn gàng trước khi ngậm lên môi. Người đàn bà khoảng ba mươi tuổi im lặng giữ đứa con trong lòng cho nó bú chốc chốc nhìn lên như chờ đợi. Người đàn ông mồi lửa, kéo hơi thuốc thứ nhất chậm chạp, đôi mắt nhăn lại vì khói đặc, ông ta nhìn quanh quất gian nhà, đôi mắt đưa lướt theo hai bức vách cây đóng bằng những ván thùng đủ cỡ, trên đó còn nhiều những vết đinh lớn đã đen lại, những khe hở được dán những miếng giấy báo cắt dài. Ngừng lại một lúc, chừng như ông ta nhìn ra khung cảnh ở bên ngoài cửa sổ, bãi đất trống màu cát trắng nhoa nhuếch với những đống rác đã đốt bỏ lại và đầy những ống bơ đã sét rỉ đen đủi đủ cỡ. Rất xa, phía sau những vồng cát mấy ngọn dương liễu tiêu sơ.

- Chị cho tôi vào coi phía trong chút.

- Dạ, bác tự nhiên.

Người đàn ông im lặng đứng lên, điếu thuốc đang cháy dính trên môi đen ướt, ông ta đi vào, tới khoảng ván ngăn với phía trong ông ngừng lại đưa tay lên sờ vào thân cột gỗ, lần gỗ cũ sù sì không được bào sơn phủ ra ngoài màu xanh nhạt. Khoảng trong ngôi nhà rộng hơn phía ngoài, mái tôn thấp là là xuống phía sau, bức ván trong cùng có nhiều khoảng hở, một cửa nhỏ thông xuống khoảng đất trống phía sau. Trong khoảng sân rộng không quá hai thước được bao lại bởi những cột sắt và kẽm gai, nơi góc, bên những phuy nước có một cây chuối được trồng từ bao giờ vẫn èo oặt với hai tàu lá nhỏ vàng úa như bị hơ vào ngọn lửa. Nơi chân hàng rào có mấy khóm sả lá xanh và cao. Người đàn ông nhìn ra khoảng đất trống phía sau, những vạt đất không đều, nơi đó trước kia là một khu vực dùng chứa những đồ phế thải, nay còn lại mấy khung xe nhà binh đã hư hỏng, mấy chiếc bánh xe bỏ ngổn ngang, mấy chiếc thùng sắt bỏ rải rác, phía sau có một chiếc máy bay trực thăng không còn cánh quạt và gãy ở giữa trông như một con vật thời cổ sử trong hình thù quái đản, màu xám và đen của chiếc máy bay nổi lên khoảng cát trắng. In lên bầu trời nắng gắt những cột gỗ đen đủi trơ vơ. Trở vào, người đàn ông đá mũi giày vào chân vách gỗ, từng miếng gỗ đen mục rụng xuống.

Người đàn ông trở lại ngồi xuống, ngả người ra sau ghế, hút những hơi thuốc cuối cùng. Người đàn bà nhìn lên trong giây phút. Giọng người đàn ông đặc nước miếng nói trong khi cúi xuống dập bỏ diếu thuốc :

- Nhà của chị nát quá, chắc cũng đến ba bốn năm.

- Dạ, năm trước lụt nên hư hao phía dưới, nhà em cũng mới sửa lại...

- Nhà của bà cụ ở phía trên kia còn tốt hơn nhiều.

- Thôi để tùy bác tính cho.

Giọng người đàn bà nhẹ nhưng nhạt nhẽo. Người đàn ông tự rót lấy cho mình một ly nước khác. Hai đứa trẻ từ ngoài đi vào, một đứa ở trần, một đứa mặc chiếc áo trong những bao quần áo cứu trợ. Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn người đàn ông, người đàn bà một lúc rồi xô nhau chạy ra ngoài cùng với tiếng la, thứ tiếng động bỗng nhiên quý hiếm trong không khí im lặng tức thở. Người đàn ông đứng lên kéo vạt áo xuống :

- Thôi để rồi tôi trả lời chị sau chắc cũng chưa gấp gì.

- Dạ thưa bác, kể cũng gấp vì chúng tôi định về trong nội cháu.

- Chào chị.

- Dạ.

Người đàn bà bế con trong tay, đứng lên đưa người đàn ông ra cửa, nắng chói chang, trên quốc lộ, trước mặt hơi nóng như bốc lên oằn oại, khu trại binh phía trước vắng tanh với màu đất đỏ, một chiếc xe nhà binh chạy nhanh với tiếng máy gầm gừ và gian nhà rung chuyển lên trong chốc lát. Người đàn ông lưỡng lự đứng lại trong hiên mát như ngại ngần bước qua những tấm gỗ bắc làm lối đi để ra ngoài quốc lộ.

- Con chó của ai mà ngộ vậy chị.

- Dạ, chó hoang.

Giọng nói của người đàn ông như có đổi khác. Con chó đang thơ thẩn trên mép quốc lộ, màu lông vàng bẩn, mông tóp, lưng hơi cong xuống với cái bụng xệ, nó không bước bình thường mà như hơi nhảy lên, nó chỉ có ba chân, một chân trước bị cụt. Con chó trông đã già nhưng vẫn còn khỏe. Người đàn ông đưa mắt theo dõi con chó đang men theo mép cỏ cháy bên quốc lộ, bỗng nhiên nó nhảy nhanh hơn, phóng mình chạy xuống phía dãy nhà, rồi mất hút :

- Chó có ba chân có thể đưa đi làm xiếc được.

- Dạ, nó dữ lắm.

- Chó hoang mà.

- Lúc trước Mỹ nuôi.

Người đàn ông bỗng nhiên như bị lôi kéo vào câu chuyện của con chó hoang. Người đàn bà đang sửa lại thế bế đứa con. Nắng làm cho đứa nhỏ chói mắt, nó oằn người lên, người đàn bà bế vác nó lên vai cho đứa nhỏ quay vào phía trong nhà.

- Sao nó không mang con chó theo.

- Dạ không rõ. Bây giờ con chó sống quanh quẩn trong khu trại bỏ trống.

- Bây giờ ở đây khác hẳn hồi một năm trước, chị nhỉ.

- Dạ, lúc trước đông vui, làm ăn cũng dễ, bây giờ Mỹ nó đi hết rồi.

Người đàn ông nghĩ tới khung cảnh hơn một năm trước, khu trại binh trước mặt đầy quân đội Mỹ, khu đất trống bên này quốc lộ, xa cách với khu trại binh trở thành một khu đổ rác. Ít lâu sau ở bên những đống rác đó mọc lên những nhà chòi nhỏ che bằng những tấm vải nhựa, trước hết là của những người tới chờ đợt nhặt rác, có những túp lều trở thành quán giải khát bán những lon bia, nước ngọt ướp lạnh để trong những chiếc thùng, có thể thêm những gói kẹo, thuốc lá. Ít lâu sau những túp lều biến thành những ngôi nhà nhỏ có người ở, không bao lâu cả một khu vực trở thành một xóm người đông đảo kéo dài lên mãi phía trên ngả ba. Ngoài những người nhặt đồ phế thải còn có những người buôn bán, những tiệm giặt đồ, bán nước đá cũng bắt đầu làm ăn dễ dàng, số công nhân vào làm trong các khu trại lính gia tăng kéo theo những quán ăn bình dân mọc lên sống nhờ vào đám công nhân. Những ngôi nhà từ những túp lều được bán đi bán lại nhiều lần, những bảng hiệu xanh đỏ xuất hiện, thời kỳ cực thịnh của khu vực bên này quốc lộ được biểu hiện rõ nhất khi có hai quán nước lớn gắn máy hát lôi kéo lính Mỹ tới cười đùa với những cô gái từ xa đến với quần áo xanh đỏ. Người ta sống ở chung quanh đó có một đời sống khác, trẻ con bắt đầu hút thuốc lá, ăn kẹo cao su, chúng biết nói những tiếng Mỹ cần thiết và chạy theo những chiếc xe trên quốc lộ với bàn tay chìa ra, chúng cũng biết chửi tục lớn tiếng, mọi người uống bia hộp, mời nhau bằng những đồ hộp để trong những thùng nước đá. Sinh hoạt những ngày cũ không còn nữa. Những đống rác cao nghệu ngày nào nay chỉ còn những đống than và ngổn ngang những ống bơ không cháy đi được.

- Chắc bọn Mỹ chặt chân con chó?

- Dạ không, con chó bị thương hồi có pháo kích.

- Kỳ vậy...

Người đàn bà cười hồn nhiên, người đàn ông cũng cười. Đứa nhỏ đã ngủ trên vai người đàn bà.

Chiếc hầm trú ẩn trong gian nhà làm bằng những bao tải cát mới được dẹp đi sau này, trong những năm trước nhà nào ở đây cũng có hầm trú ẩn. Có lúc chính chị cũng đã trở thành một người đi làm những bao cát bán cho lính Mỹ ở đồn bên kia quốc lộ, những chiếc xe Mỹ mang theo những chiếc bao không đến, chạy sâu vào trong khu đất bỏ hoang thuê đàn bà trẻ con đổ cát đầy vào trong những chiếc bao rồi cột chặt lại. Ở đây, gần như ai cũng có thể kiếm được việc làm một cách dễ chịu. Hàng đêm mọi người bị đánh thức trở dậy với những loạt đạn pháo kích. Sự đe doạ bỗng trở thành quen thuộc. Mỗi buổi sáng thức dậy người ta kéo nhau đi coi những dấu vết tàn phá, xem có ai chết hay bị thương không, người ta cũng theo dõi những thiệt hại của trại lính Mỹ một cách bình thản. Tiếng đạn pháo kích đến, tiếng súng bắn đi, tiếng máy bay lên xuống, tiếng xe cộ chạy suốt ngày đêm đã khiến cho khu xóm có một bầu khí đầy tiếng động, thứ tiếng động của chiến tranh, thứ tiếng động mệt nhoài, tiếng động như lùa khỏi đầu khối chất lỏng đen để chỉ còn lại một khoảng trống ngu ngơ thờ thẫn biểu lộ trên nét mặt thiếu máu và ngái ngủ. Người đàn bà nhớ lại những ngày đầu cùng chồng đến đây, hai vợ chồng lúi húi trong nhiều ngày, nhiều đêm để mỗi lúc làm cho cái chòi trở thành một ngôi nhà như hiện nay. Trước đó, một lần cả khu nhà mới đã bị vây lại bởi những hàng kẽm gai, những người cảnh sát đã tới đòi họ đi khỏi và dở theo những căn nhà tôn. Chị đã ngồi lại trong căn nhà và khóc trong khi chồng ở phía ngoài không thể vào được, lúc đó chị mới có thai, người chồng mua bánh mì liệng qua hàng rảo vào cho vợ. Những khó khăn đã qua, chị cùng những người khác đã được ở lại làm ăn, những ngôi nhà sang bán mỗi lúc một có giá, những tờ văn tự viết tay giữa hai người với nhau, có những ngôi nhà mỗi lần sang bán người chủ lại phải dở ra từng tờ một, những tờ giấy được viết từ những người đầu tiên, có những người chỉ còn tên gọi trên tờ giấy, người ta không còn biết được mặt mũi ra sao. Một chiếc xe hàng vắng khách chạy nhanh ngoài quốc lộ. Người đàn ông nói :

- Hồi trước tôi có một người bà cô lên chữa bệnh ở trong trại lính này. Họ giỏi thật, bệnh tật bao nhiêu không khỏi, đến lúc về thì mập mạp ra. Mỗi tháng còn phải trở lại để họ khám rồi phát thuốc cho uống... Nhiều người mắc bệnh kinh niên được nhờ lắm.

- Dạ.

Người đàn bà nói nhỏ, chừng như chị muốn cắt đứt câu chuyện. Người đàn ông lần theo hàng hiên đi về phía trên vừa đi vừa ngắm nghía, có lúc ông ta ngừng lại gõ tay vào những vách gỗ, lay động thử một chiếc cột hàng rào. Người đàn bà trở vào nhà, nhẹ nhàng đặt đứa con xuống chiếc giường nhỏ, chưa buông tay, đứa nhỏ đã oằn người, mếu xệch và khóc thành tiếng. Người đàn bà vội vàng bế nó lên, tay vỗ miệng ru, đi quanh quẩn trong khoảng hẹp của căn nhà ngoài. Người đàn bà chợt nhận ra có người đang đi từ phía quốc lộ xuống. Chị ngừng lại nơi cửa. Một người lính xách chiếc mũ sắt nơi tay, tóc rối bù, da mặt đen cháy nhễ nhại mồ hôi, người lính bước lên hiên, dáng dè dặt nhìn về phía đầu nhà.

- Phiền chị cho tôi xin chút nước.

Người lính vừa nói vừa đung đưa cái mũ sắt. Người đàn bà lanh lẹ :

- Anh vô lấy giúp tôi chút.

Người lính bước vào, nhìn vào trong nhà. Người đàn bà nói :

- Nước trong ấm đây anh.

- Dạ không, tôi xin nước lạnh, cái xe nó nóng quá.

Người đàn bà phác một nụ cười :

- Anh xuống phía sau.

Người lính đi xuống phía sau, dáng anh ta ngại ngần, lúc sau anh đi lên với một mũ nước đầy. Anh ta đứng lại nơi cửa nhìn ra nắng ngại ngần, giọng anh bâng quơ :

- Trời nắng chi lạ.

Người lính cúi người ngồi xuống nơi bậc cửa, để chiếc mũ nước một bên, đưa cánh tay lên quệt mồ hôi trên mặt. Anh ta chú ý tới con chó nằm nơi đầu hiên nhà, lưỡi thè ra thở mệt nhọc :

- Chị nuôi con chó ngộ ghê.

Người đàn bà đứng lại nơi cửa nhìn ra chỗ đầu hiên. Con chó trở lại từ lúc nào đang nằm soài người trên đất, hai chân sau ruỗi ra, chân trước để dưới chiếc đầu nằm ép xuống. Chiếc chân cụt lộ hẳn ra một bên thừa thãi, mắt nó nhắm lại hiền lành, cái lưỡi đốm thè ra, rớt rãi chảy nơi hai khóe mõm. Người lính lấy thuốc châm hút, anh ta duỗi hai chân về phía trước phơi đôi giày đã vẹt hết đế, gấu quần sờn rách, những sợi lông chân quăn lại trên lớp da vảy cá sần sùi. Người đàn ông trở lại, ông ta lặng lẽ bước đều đo khoảng rộng của căn nhà rồi ngửng lên nhìn người đàn bà :

- Nhà của chị không được bốn thước, hẹp thua căn nhà đằng kia. Nếu dở xuống cũng không được bao nhiêu gỗ còn xài được - Ông ta nhìn lên mái tôn - tôn cũng hư nhiều quá...

Người lính nói :

- Chị bán nhà này à?

- Dạ, chúng tôi về quê.

- Ừ, bây giờ chị ở đây cũng ghê, đồng không mông quạnh thế này, lại ở bên trại lính...

Người lính bỏ dở câu nói. Người đàn ông đã thấy con chó, ông ta vừa nhìn vừa cười cười :

- Nó lại đây rồi, tôi vừa thấy nó quanh quẩn bên kia.

- Dạ, nó chạy khắp xóm, nhưng tối lại nó ở trong trại lính.

- Tội chưa, chắc nó nhớ chủ nó. Quên sao được, những miếng thịt bò thơm phức, những khúc xương ngoạm không nổi, được tắm rửa, được vuốt ve thì cầm lòng sao được.

Người đàn ông cười thành tiếng lớn vẻ khoái trá với chính điều mình nói. Người lính lặng lẽ hút thuốc nhìn ra nắng. Người đàn bà nói giọng kể :

- Trước kia hằng đêm vùng này bị pháo kích, mỗi lần như thế dân chúng đem những người bị thương lên cửa trại lính, những lính Mỹ ở đấy họ rất sốt sắng, họ băng bó cho những người bị thương nhẹ, cho nằm lại bệnh viện những người bị nặng, có người được đưa thẳng sang Mỹ. Một đêm trong khi bị pháo kích, đạn làm bốc cháy một căn nhà, lính Mỹ đã ùa ra chữa cháy hôm ấy không có ai bị thương. Chỉ có con chó bị mất một bên chân lăn lộn và kêu, một lính Mỹ đã đưa nó vào bệnh viện băng bó, cho thuốc. Một người nẳm trong bệnh viện kể lại, Mỹ nó chữa cho con chó như chữa cho người, con chó lành và nó quanh quẩn ở trong đó, không ra khỏi. Nó là chó hoang nên cũng không ai quan tâm, về sau tôi có lần vào trong đó xin thuốc thấy con chó nằm ngay ở cửa ra vào, thấy người nó vẫy đuôi ra vẻ mừng rỡ, quen thuộc. Ai cũng nói con chó có phúc, chắc có mấy kiếp tu, được chữa lành lại được nuôi sung sướng.

- Bọn Mỹ lạ thật.

- Trời ơi, các ông chưa biết đó. Họ bắt cóc cả người bệnh nữa.

- Thế là làm sao.

- Hồi đó có một ông già ở đây. Ông ta bị bang hay sao đó, bụng lớn như cái thúng, ông ta thường ngồi ở ngã ba xin tiền. Một hôm bỗng nhiên thấy ông ta biến mất, con cháu đi tìm không thấy, có người nói thấy một chiếc xe Mỹ bắt ông ta lên. Có người nói Mỹ nghi ông ta làm mật thám cho giặc, ngồi ở đường để đếm xe qua lại nên bị bắt, có người nói Mỹ nó bắt ông đi triển lãm, có người còn nói hay ông ta bị làm thịt, có người nói Mỹ gì đó ăn thịt người... Ba tháng sau người ta thấy ông già xuất hiện ở ngay ngã ba, lúc bấy giờ người ta mới biết là quả thực Mỹ nó bắt ông ta vào trong nhà thương, sau nó đưa ông ta đi Mỹ vì nhà thương họ không đủ phương tiện chữa cho ông già, ông già trở về khỏe mạnh, cái bụng lớn không còn, nhưng từ đó ông già không thể ngồi mà xin tiền khách bộ hành nữa, ông khỏe rồi, không ai còn cho tiền, ông ta phải làm việc mệt nhọc...

Người lính, người đàn ông cùng phá lên cười. Con chó nghe tiếng động ngóc đầu trở dậy, hai mắt mở lớn, ngậm mõm lại trong giây lát rồi nằm xuống như trước.

Người lính búng mẩu tàn thuốc còn lại trên tay vào con chó, nó nhảy lên, chạy ra phía ngoài xa một chút, nó đứng im trong nắng nhìn người lính.

- Nó dữ lắm, không ai dám trêu nó.

- Một thứ anh hùng độc thủ chứ ít sao.

- Hôm trước họ tìm cách để hạ nó mà không được, nó đã từng cắn một đứa nhỏ bị thương nặng ở mặt. Người ta sợ nó thành tinh, không ai tới gần nó được.

Người lính gật gù, người đàn ông hơi mỉm cười ngắm nghía con chó. Chiếc chân cụt quá cao, lên sát gần mình khiến cho nó có một hình thù lạ.

- Hồi này nó đói nên tiều tụy hẳn.

- Mỹ nó về hết rồi còn đâu nữa mà sung sướng.

Người đàn bà nhìn người đàn ông :

- Thưa bác, bao giờ thì bác cho biết ý được để chúng tôi lo.

- Chị để cho tôi hai bữa.

Người lính nói :

- Chị bán nhà cho ông đây.

- Dạ.

- Tôi tính mua lấy gỗ về làm cái bếp... Anh tính, gỗ mục cả.

Người lính đứng lên, xách lấy mũ nước :

- Thôi chào chị, cám ơn chị.... Chào ông.

- Không có chi.

Người lính đi xuống, bước qua những tấm ván, nắng chói lòa phía ngoài quốc lộ. Con chó bỗng nhiên đuổi theo chồm lên lưng người lính. Người đàn ông, người đàn bà cùng hét lên, đứa bé khóc thét. Người lính liệng chiếc mũ nước lại chạy nhanh rồi ngồi thụp xuống thủ thế. Con chó lùi một chút rồi nhảy vụt qua đầu người lính. Người lính hơi chùn người xuống, quay trở mặt với con chó.

- Nó điên rồi.

Người lính chạy nhanh về phía quốc lộ, con chó đuổi theo người đàn ông cầm vội chiếc gậy đuổi theo, người đàn bà lo lắng trong khi cố gắng nựng đứa con trong tay. Khoảng bụi bốc lên theo sau những bước chạy của người lính và con chó. Người lính nhảy lên xe, con chó chạy quanh, có lúc không còn nhìn thấy, bụi, nắng và màu vàng bẩn của con vật như nhòa với nhau. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Người đàn bà thấy người lính đã nhảy xuống khỏi xe với khẩu súng trên tay, người đàn ông hấp tấp trở vào :

- Coi đạn lạc thì khốn. Anh ta muốn hạ con chó.

Con chó chạy vụt lên dọc theo quốc lộ hướng về trại lính. Người lính đuổi theo, súng trên tay, anh ta ngừng lại trong giây lát, những phát đạn nối tiếp, con chó chạy không quay đầu lại. Không khí khô nóng khó chịu. Người lính không còn đuổi nữa. Anh ta trở lại, đóng cửa xe, đi xuống nhặt chiếc mũ sắt rồi vào trong bóng hiên :

- Con chó thành tinh rồi. Nó trổ ngón hiểm quá.

Người đàn bà nói :

- Anh thật hay, tôi tưởng nó cắn được anh.

- Nguy hiểm, nếu tôi không ngồi xuống kịp...

Người đàn ông cầm chiếc gậy vứt đi, hai tay phủi vào nhau :

- Phải hạ nó, nếu không có lúc nó cán chết người... Tôi về chị.

Người đàn ông quay ra chào người lính rồi đi theo hiên nhà vẻ phía trên, lúc sau người lính thấy ông ta đạp chiếc xe đạp qua quốc lộ, chiếc mũ rộng vành đội trên đầu khi ngang qua chỗ chiếc xe, ông ta giơ tay lên cao ra dấu chào. Người lính mỉm cười vẫy tay theo.

- Con chó nó chạy vào trong trại lính phải không anh?

- Phải, nó khôn quá, nó biết tôi bắn nên chạy chữ chi, không chịu chạy thẳng. Tôi sợ đạn lạc nếu không đâu thoát được tay tôi. Tôi đợi xem nó có dám ra không.

- Nó không ra đâu, anh ơi; hôm trước người ta đã rượt nó một lần nó chạy tọt ngay vào trong ấy, mấy ngày liền tôi không thấy, tưởng nó đi đâu rồi, bỗng một buổi tối tôi nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng con chó cắn dữ bên đó, sau mới biết nó cắn mấy người vào trong trại ăn cắp đồ lính canh họ phát giác ra. Có những đêm nghe nó tru lên trong đêm vắng như tiếng ma...

Người lính ngồi nghe chăm chú. Anh ta nói :

- Chồng chị đâu?

- Nhà tôi đi hành quân...

- Chị về ở với gia đình là phải, thời buổi loạn lạc, lúc đêm hôm...

Người lính bỏ lửng câu nói, đứng vụt lên, cầm khẩu súng :

- Nó kia rồi...

Anh ta chạy về phía quốc lộ, cầm ngang khẩu súng, đầu bổ về phía trước, chân đạp về phía sau những đám bụi. Người đàn bà đứng tựa lưng vào thành cửa nhìn theo. Con chó xuất hiện ở phía xa, bên chiếc chòi canh cao, người lính chậm lại, tiếng súng nổ chát chúa, đứa nhỏ giật mình, một tay bấu vào cổ người đàn bà. Người lính đã chạy lên quốc lộ, hơi nắng oằn oại trong khung cảnh trơ trọi màu đất cát nhoa nhuếch và những hàng kẽm gai. Lúc sau người lính khuất dạng, thỉnh thoảng vang lên tiếng súng khô nóng khó chịu...

1972

Nơi máu chảy, ở ngoài

1.

Chuyến bay đi được nửa đoạn đường thì người tiếp viên hàng không lưu ý chúng tôi buộc dây an toàn, sửa ngay lưng ghế và tắt thuốc, cơn bão nhỏ đã trở lại vùng duyên hải từ buổi sáng và đang thổi vào các tỉnh phía bắc, máy bay bị nhồi bởi những cơn gió mạnh và bên ngoài cửa kính một màu trắng đục mênh mông. Chuyến bay chỉ có ít hành khách, những hàng ghế trống nối tiếp nhau, những người ở trên chuyến bay chắc chắn là những người bắt buộc phải đi, nơi thị trấn đó đang bị đe dọa, những chuyến bay đã không đủ chỗ dành cho những người trở về vì thế đường bay đã đặc biệt được tăng cường. Ngoài cửa kính tôi thấy những vệt nước chảy ngang, mưa và bão ở trong bầu trời.

Rất mệt nhọc máy bay mới đáp được xuống phi trường, mọi người đều như lả đi với cuộc di chuyển. Người tiếp viên nói với tôi: chúng tôi tưởng chuyến bay phải quay lại, trời mù quá. Sửa lại quần áo, bước ra, gió thổi thốc vào cửa máy bay cùng với những hạt mưa nhỏ, bầu trời thấp và đầy mây tối, tôi nhìn đồng hồ, ba giờ mà tưởng như sắp tối. Sân bay ướt át, phía trong, tôi nhìn thấy một đám đông chen lấn lố nhố, chuyến bay sẽ chẳng thể nào chứa hết được đám người đang chờ đợi, và chúng tôi, những người tới, thật quá ít ỏi đối với những người ra đi.

Người nữ tiếp viên hàng không đã hướng dẫn chúng tôi vào phòng đợi nhỏ, cô ta giải thích: xe ca bị kẹt và để tránh sự chen lấn của hành khách. Cùng đi với chúng tôi có hai viên chức đã có xe riêng đón, chỉ còn lại trong phòng năm người, ba dân sự và hai quân nhân, tôi là người ít tuổi nhất. Trong câu chuyện tôi được biết hai quân nhân ra nhận nhiệm vụ mới, còn lại hai người, một người ra đưa cha mẹ già và gia đình người em trở vào, một người còn lại ra tìm người con mất tích, khi nói, ông cho tôi hiểu như người con đã chết và có khi ông sẽ phải đưa xác con trở về. Ông ta khoảng gần năm mươi có những sợi tóc bạc, gương mặt hơi tối lại phảng phất vẻ buồn.

Tôi mở cánh cửa thông sang phòng đợi của phi cảng, tiếng ồn như một cơn sóng mạnh ào lên, đám người chen lấn nhau, ai cũng như cố gắng lấn ra phía cửa. Đám người đông nhộn nhạo, toàn một màu sẫm chết, không có một điểm sáng nào trên y phục những người có mặt, đám người làm mất dạng những dãy ghế dài vẫn có trong phòng đợi. Tất cả chỉ còn lại một khối di động lúc nhúc cùng với tiếng ồn ào không phân biệt được đâu là tiếng kêu gào và tiếng khóc. Một đứa nhỏ được bế cao lên khỏi vai, tiếng la thất thanh của một người đàn bà kêu người ta thôi chen tới. Tiếng la như tiếng la của một người đang bị đe dọa trước miệng ác thú.

Cánh cửa thông ra sân bay bị phá tung, đám người ùa ra, những nhân viên an ninh không sao cản lại được. Tôi trông thấy ngoài xa một toán lính chạy dọc theo một đường đứng xít lại với súng cầm ngang, có tiếng súng nổ, thứ tiếng nổ đe dọa mạng sống làm chùn bước, đám người đã túa ra bỗng nhiên chụm lại một dám. Tiếng động ồn ào mất biến khỏi phòng đợi. Tôi nghe thấy rõ tiếng gọi yếu ớt của một người đàn bà và tiếng khóc của một đứa bé trai khoảng ba tuổi đang theo sau, đó là người cuối cùng ra khỏi phòng đợi lớn. Bây giờ chỉ còn những chiếc ghế đợi cô quạnh và rác rưởi đầy trên nền gạch hoa bẩn thỉu. Phía xa, nơi chiếc quầy vẫn dùng bán vé, một người đàn ông tóc bạc đứng phía trong nhìn ra ngoài với miệng há hốc như đang chăm chú theo dõi đám người đang đứng bên ngoài phi đạo.

Tôi bỏ phòng đợi ra đứng nơi hiên của phi cảng. Một chiếc xe dép trờ tới và đón hai quân nhân đi, bây giờ chỉ còn lại tôi và hai người nữa. Đám người ngoài sân bay đang được dồn về phía xa. Và tại đây từng người một được kiểm soát để lên máy bay, họ vội vàng tay xách, tay mang dắt díu nhau chạy về phía thang máy bay, những mái tóc bù rối tung lên trước gió. Người thứ nhất nói :

- Có người chờ đã tuần lễ không lên được máy bay. Có lẽ họ là những người cuối cùng.

- Cuối cùng?

- Trong tuần lễ vừa qua họ đã dắt díu nhau chạy vào trong, họ đi bộ, tội nghiệp không thể tưởng...

Người thứ hai nói :

- Tôi không hiểu gia đình tôi đã đi chưa?

Người đàn ông có những sợi tóc bạc :

- Có lẽ chỉ còn những người đã chết và những người cầm súng ở lại...

Không còn người đi lại phía thang máy bay nữa. Đám người bị dồn trở vào, thang máy được mang đi, máy bay bắt đầu chạy. Chúng tôi trở vào trong phòng đóng cửa lại. Bụi mù. Đám người được dồn như khựng lại không di chuyển. Những tiếng súng chỉ thiên chừng như cũng không thay đổi. Trời mỗi lúc một sầm xuống cùng với cơn mưa mau hạt. Chiếc máy bay đã ra tới đầu phi đạo phía xa. Tôi mở cửa phòng ra ngoài tìm phòng rửa mặt. Những lối đi nhơ bẩn như của một ngôi nhà bị bỏ hoang lâu ngày. Lúc trở lại tôi không còn thấy hai người đồng hành, chừng như chiếc xe ca cuối cùng chở các công nhân của hãng hàng không đã đưa họ về. Tôi lo âu cầm chiếc xách tay ra khỏi nhà ga đứng nơi cửa chờ đón với hy vọng một chiếc xe nào ngang qua. Hoàn toàn vắng vẻ, bên kia khoảng sân, khu trại lính vắng ngắt. Trước kia là một trại lính Mỹ, chừng như họ đã rút đi hết. Một chiếc xe nhà binh chạy vụt qua. Tôi lo ngại với quãng đường dài còn lại phải vượt qua. Một chiếc xe dép trắng từ ngoài chạy vào, chiếc xe đỗ lại trước hiên nhà ga. Một người đàn bà bước xuống vẻ vội vàng. Người đàn bà mặc chiếc áo dài màu gụ, quần đen đôi kính sẫm trên khuôn mặt trái soan trắng. Người đàn bà đi vào trong phòng đợi, tôi quay lại theo dõi, bà ta nhìn quanh quất không thấy ai, bà tiến tới phía cửa ra phi trường đứng áp nhìn ra ngoài rồi từ từ trở ra ngoài, bà đến phía tôi :

- Thưa ông có còn máy bay nữa không?

- Có lẽ hết, chuyến bay đã trở vào.

- Ông mới ở trong ra?

- Vâng.

Người đàn bà im lặng nhìn quanh quất vẻ buồn :

- Thưa ông không còn chuyến nào nữa?

- Dạ, tôi tin thế.

Người đàn bà tần ngần bước đi mấy bước ngắn nơi hiên nhà. Lúc người đàn bà trở lại, tôi nói :

- Chuyến bay chót chỉ có bảy hành khách, tất cả mọi người đều đi vì công vụ, trừ một người ra đón gia đình và một người đi tìm tin con trai. Bà đón người nhà?

- Dạ vâng, một người bạn trai... Ông nghĩ còn có thể có chuyến bay nào nữa không?

- Tôi tin không, tất cả hành khách đã bị đẩy ra khỏi.

Người đàn bà bỏ kính xuống tay lau vào vạt áo, đôi mắt đẹp lãng mạn với hàng mi xanh và quầng mắt hơi tối lại, không có một trang điểm trên khuôn mặt u buồn quý phái. Người đàn bà nói :

- Ông đợi xe?

- Tôi đã bị bỏ lại và chờ tim xe quá giang.

- Ông cho phép tôi đưa ông về.

- Cám ơn bà. Tôi cũng có ý định làm phiền bà.

Người đàn bà ra xe lên trước, tôi đi vòng lên cửa bên kia, lúc đưa chiếc xách tay lên, người đàn bà ngồi sau tay lái đưa tay cầm lấy chiếc xách để về phía băng ghế sau. Chiếc xe ra khỏi sàn nhà ga phi trường chạy theo con đường vòng đất đỏ để ra quổc lộ. Đường vắng ngắt. Khung cảnh chung quanh hiu quạnh, khung cảnh của một ngày báo hiệu mưa bão. Chiếc xe phóng nhanh trên quốc lộ rộng và phẳng bóng...

Chúng tôi vượt qua khoảng đường hai bên có những xóm nhỏ, tất cả đều không còn sinh hoạt, sau đó chúng tôi phải qua con đường vắng hai bên là ruộng nước mênh mông, bầu trời thấp đục. Xe vào thành phố. Người đàn bà lặng lẽ trong suốt khoảng đường dài. Khi vào tới đầu thị trấn. Người đàn bà hỏi :

- Ông về đâu?

- Bà cho tôi xuống phố.

Tôi lấy một điếu thuốc châm hút :

- Mọi người đã đi khỏi sao bà còn ở lại?

- Tôi đợi một người bạn để mai trở vào, chúng tôi đã dành chỗ máy bay... Nhưng hôm nay người bạn không ra...

Người đàn bà cho xe chạy chậm, giọng kể, buồn :

- Hôm nay là ngày đám cưới của chúng tôi, nhưng mọi việc đã không như dự định. Mới mấy hôm trước, ai nghĩ được tình hình bất ngờ như vậy.

- Sao bà không thay đổi ngày...

- Không, tôi không muốn thay đổi nữa, ông biết, chúng tôi đã phải thay đổi như vậy tới ba lần, một lần anh ấy được lệnh qua Lào, một lần qua Cam Bốt, một lần mẹ anh ấy ốm nặng... Lần này tôi đã đánh điện cho anh ấy, dù dám cưới chỉ còn hai đứa chúng tôi... Tôi đã ở lại đây dể chờ đợi hôm nay và sẽ đi không trở lại thị trấn này nữa. Nhưng anh ấy đã không trở lại, và thêm một lần tôi thất bại...

Giọng đều đầy cảm xúc nhưng đã được giữ lại trong một dáng vẻ trầm tĩnh. Tôi nhìn thẳng vẻ con đường phía trước, tấm biểu ngữ giăng qua đường với nét chữ đỏ viết vội như những vết máu tươi trên nền vải trắng. Tôi nghĩ người đàn bà sắp òa khóc. Tôi muốn kiếm một lời an ủi nhưng không biết nói thế nào. Con đường vắng bóng người, mấy chiếc xe nhà binh chạy ngang. Những cửa nhà đóng kín với chữ phấn: Nhà có người ở. Nhà có chủ.

- Tôi định mai chúng tôi đi khỏi, nhưng chắc tôi ở lại, mẹ tôi đã không chịu ra đi. Mẹ tôi đã thắng.

Tôi muốn tìm nơi người đàn bà một lời giải thích nhưng không biết nói sao :

- Chiến tranh đã làm cho đời sống bất định...

Tôi nghe thấy câu nói của chính mình như vô nghĩa. Xe đã ngang qua cây cầu nối hai bên thị trấn với nhau. Dòng nước vẫn trong xanh. Xe xuống phía chợ, một vài người, mấy quán nhân. Người đàn bà nói :

- Ông xuống đây?

- Dạ, bà cho tôi xuống nơi cuối đường.

Xe chạy tới rồi đỗ lại. Tôi nói :

- Rất cám ơn bà.

Tôi mở cửa bước xuống, người đàn bà thò tay về phía sau với cho tôi cái xách tay.

- Cám ơn ông, có ông tôi được nói, cả mười ngày nay tôi không được nói với ai tiếng nào. Chúc ông may mắn.

Tôi đóng cửa xe định quay đi. Người đàn bà mở cửa nói :

- Tôi sợ ông không kiếm ra người quen, nếu cần ông ghé lại chỗ nhà tôi.

Tôi cầm lấy tấm danh thiếp, người đàn bà đóng cửa xe rồi bước đi.

Tất cả các cửa hãng đều đóng, ngôi chợ bị đốt cháy chỉ còn lại một xác nhà nhem nhuốc đen đúa. Một con chó hoang chạy dọc theo con đường mòn từ trên lộ xuống bờ sông. Tôi đi vào thành. Nhà người quen đã đóng cửa và khóa trái.

2.

Bên kia con đường nhựa là hồ sen, mặt hồ rộng toàn một màu xanh và những bông hoa trắng điểm đều. Giữa hồ có một cái gò đất trơ vơ mấy ngọn cây khô và hai bức tường gạch đã cũ, nơi đó xưa kia có một ngôi nhà dành cho vua ngự, và tên hồ mang theo một ý nghĩa, hồ làm cho lòng người lắng lại. Bầu trời bỗng như sáng hẳn lên, không có nắng, những mặt lá sen như lóng lánh với nước mưa còn đọng lại. Đã cuối mùa hè chưa? Đầu hè và những cơn gió thổi với hương thơm ngào ngạt thanh khiết. Cha tôi nói: nấu nước trà phải gạn lấy những nước mưa đọng trên lá sen mà nấu thì trà mới ngon mà không mất hương trà. Tôi nhớ những hạt cốm xanh như ngọc bích để trong lòng những chiếc lá sen cuối mùa. Tôi như còn thấy vị ngọt của những nhân sen còn non chua đầy trong lớp vỏ mỏng xanh mọng. Rất xa, bên kia mặt hồ, một làn khói lam bốc lên uốn éo. Một người đàn bà mặc quần áo tang, chít khăn sô tay cầm bó hương ra đứng bên bờ hồ vái về phía trước. Tôi gọi người con gái bán hàng cho tôi một ly nữa. Người đàn bà bắt đầu kêu gào thảm thiết, bầu trời tối dần lại với những đám mây vần vũ. Cô gái bỏ chiếc ly xuống bàn.

- Tội nghiệp chị ấy quá.

Tôi uống một hớp, nhìn lên :

- Chị ấy khóc ai vậy?

- Chồng chị ấy, chết không lấy được xác...

Tiếng người đàn bà kêu gào mỗi lúc một thảm thiết. Những cơn gió mạnh thổi rạp những tàn lá sen trên mặt hồ. Người đàn bà vẫn kêu gào, chị ta ngồi xuống lăn lộn, rồi bỗng nhiên chị đứng lên chạy qua, chị chạy đi chạy lại ven bờ hồ với chiếc áo trắng dài phấp phới trong gió. Tôi nói :

- Sen nhiều quá, nhà ở đây thích...

- Vô vị, hôm nay em hái ít hoa mang ra chợ, không có người mua mà lại nhiều người bán quá... Chợ chỉ thấy bán hoa sen với mận, người ta đi hết rồi còn ai cúng kiếng gì nữa.

Người đàn bà đã biến vào một ngôi nhà nào đó. Tôi uống cạn ly rồi trả tiền đứng lên.

3.

Ngọn đuốc cháy bập bùng nơi góc công viên, một nhóm người tụ quanh. Người đàn bà đang khóc: ới con ơi là con ơi, sao con phải chết tội nghiệp, sao con không được sống cùng mẹ, ới con ơi là con ơi... Tiếng khóc u uất nghẹn ngào vẳng đưa trong buổi chiều im vắng quạnh quẽ.

Tôi tới bên, lách giữa hai người đàn ông ngó vào trong. Hai người đàn ông đang đào một cái hố sâu. Ánh đuốc bập bùng soi rõ những cục đất ướt nhão được đưa lên trên.

- Người ta đào gì vậy?

- Tìm hài cốt...

- Của ai vậy?

- Con trai chị ấy.

- Sao lại tìm ở đây?

- Cầu hồn, hồn chỉ ở đây... Hồi bấy giờ chỗ nào cũng có người chết, người ta lấp xuống cho xong.

- Thấy chưa?

- Thấy mà còn đào gì nữa?

Giọng người đàn ông hơi gắt. Hố lớn đào sâu đã hơn đầu người. Bên cạnh đống đất mới có cắm một bó hương đang bốc cháy. Chợt có người nói :

- Đây rồi...

Người đàn ông dộng cán mai xuống, nghe tiếng gỗ. Người đàn bà im bặt. Mọi người như đều cúi đầu nhìn xuống :

- Có hòm hả?

- Ừa, một cái hòm nhỏ.

- Sao lại hòm, hòm đâu mà người ta phí như thế, chắc của người khác rồi. Nhỏ chừng bao?

- Dài chưa đầy thước.

- Vậy càng vô lý, nó cao thước tư lận, chẳng lẽ người ta bẻ gập nó lại mà ấn vào quan tài.

Mọi người im lặng, tiếng động dưới hố sâu. Chợt một người ở dưới reo lên :

- Hòm để của... à, một cái đầu nữa, mà có vòng, có đồ sứ...

Người đàn ông từ dưới lên, tay cầm một chiếc đĩa cổ nhoa nhuếch bùn đất, vẻ mặt tưới cười :

- Hên ghê, ai ngờ kiếm được chút cháo...

- Chắc là một cái mộ xưa rồi.

Đám người bàn tán, người đàn bà không khóc, bà ta cũng trụt xuống, lúc sau chị leo lên với một cái đầu lâu. Chị ngắm nghía trước ánh đuốc rồi thả xuống dưới hố. Người ta bàn về giá trị của chiếc vòng ngọc. Tôi ra khỏi công viên...

4.

Tôi yên tâm khi nhìn thấy có ánh sáng trong căn nhà qua khe cửa. Chắc anh ta chưa đi. Tôi đứng lại gần gõ cánh cửa và chờ đợi. Cánh cửa mở. Một người đàn bà xuất hiện, tôi nhìn vào trong thấy nhà trống trơn, một gia đình đang ngồi quây quần trên tấm chiếu trải giữa nhà bên những gồng gánh, dấu hiệu của một toán người chạy loạn.

- Ông hỏi ai?

- Cái anh ở trước đây đi đâu rồi bà?

- Chúng tôi không biết.

- Gia đình bà mới vào?

- Dạ chúng tôi mới chạy bom đạn vào, mai đi...

- Chào bà...

Tôi bước ra. Không còn nơi cho tôi tạm trú đêm nay.

5.

Trời chiều, trong cơn vần vũ có những lúc tối sầm lại rồi lại sáng lên, ánh sáng nhạt nhẽo bệnh hoạn, thứ ánh sáng lạnh của một cõi âm.

Sau khi nhận chuông tôi đứng đợi. Người đàn bà trong bộ quần áo ngủ xuất hiện nơi hiên, dáng vẻ bình thản bước xuống sân ra mở cửa.

- Tôi nghĩ ông sẽ trở lại. Dân chúng đã đi gần hết, còn lại ai thì đã lên mặt trận phía bắc... Những người chết cũng nằm lại đó...

Cánh cổng mở ra, lối đi những viên gạch vuông lớn sẫm màu, những khóm hồng già cỗi hai bên, khu vườn bỏ hoang không ai coi sóc. Ngôi nhà cũ ba gian, người đàn bà mở một cánh cửa phía bên rộng ra. Bước vào nhà, nơi gian giữa có kê một bộ tràng kỷ, phía trong bàn thờ che màn màu vàng cũ. Bên trái một bộ ngựa, chắn với phía trong là một chiếc tủ sách lớn. Người đàn bà nói :

- Ông nghỉ ở đây.

Nói xong người đàn bà đi vào phía sau tủ sách. Tôi ngả lưng xuống bộ ngựa nghe lạnh nơi lưng. Mùi ẩm mốc hoang phế như toát ra từ những chiếc cột nhà, ván gỗ, nền gạch nâu. Nơi đây nấm mộ cho một người sống còn tràn đầy sinh lực. Người đàn bà trở lên :

- Ông xuống rửa mặt dùng cơm...

Tôi ngồi dậy mở chiếc xách lấy khăn mặt rồi bước theo người đàn bà. Chiếc thau đồng lớn để trên chiếc ghế đẩu nơi cửa xuống nhà ngang, người đàn bà cầm chiếc ấm rót nước sôi vào chiếc thau khói nóng bốc nghi ngút. Tôi pha nước cho vừa rồi cúi xuống vả lên mặt.

Khi ngồi vào bàn ăn tôi nghe thấy tiếng ho của một người già vẳng ra từ một căn nào đó nơi ngôi nhà ngang. Bữa ăn đơn giản, khi trở lên nhà ngồi nơi bộ tràng kỷ người đàn bà mang lên hai ly trà nóng và ngồi trước mặt tôi vẻ tỉnh táo :

- Mẹ tôi tưởng là anh ấy đã trở về, bà cụ không chịu ăn và nói. Bà nghĩ bà thất bại. Tôi giải thích nhưng bà không tin.

Người đàn bà uống một ngụm nước, với tay cầm gói thuốc của tôi và lấy một điếu châm hút, dáng vẻ thanh lịch gọn gàng. Giọng người đàn bà tâm sự :

- Mẹ tôi muốn tôi lấy một người khác, một người hiện là bác sĩ đã lớn tuổi. Tôi không chịu. Tôi đâu phải là món hàng để mua bán. Mẹ tôi dọa nếu tôi lấy ai khác thì bà cắn lưỡi chết. Bà bằng lòng cho tôi sống độc thân.

Nói hết câu tôi thấy nơi khóe miệng người đàn bà một nụ cười buồn trễ biếng như thách thức. Người đàn bà nhìn tôi :

- Ông đã có gia đình?

- Vâng, tôi có hai cháu, một gái một trai.

- Tôi có nhìn thấy cái nhẫn nơi tay ông, tôi xin lỗi ông...

Tôi cười. Tôi nghe như có tiếng động phía sau tủ. Người đàn bà đứng lên đi nhẹ nhàng vào trong. Những tiếng động rời rạc. Lúc sau tôi mới thấy người đàn bà trở lên.

- Tôi là người con độc nhất trong gia đình này, mẹ tôi ở góa từ năm hai mươi tuổi, năm nay bà năm mươi nhưng có hình dáng của một người gần bảy mươi... Bà muốn tôi được sung sướng theo ý của bà. Tôi tin như thế, nhưng bà không hiểu được tôi muốn sống như thế nào.

Người đàn bà ngừng lại, một nụ cười chua chát :

- Đầu hè trước mẹ tôi đã phang tét đầu một tên ở đây. Ngay chỗ ông ngồi. Hắn ra đây coi thi, hắn xin đến nhà chơi, hắn nói huyên thuyên đủ chuyện, tôi biết hắn tán tôi nhưng tức cười quá đỗi ở chỗ hắn nói dối quá nhiều, hắn làm như hắn tài ba ghê lắm. Tôi biết hắn vợ con đùm đề, thế mà vẫn nói độc thân. Tôi xin lỗi đã.... Mẹ tôi không thích những bạn trai của tôi... ông hiểu.

Tôi lo ngại nhìn người đàn bà :

- Tôi ở lại đây có phiền gì cho bà không?

- Ông yên tâm...

Người đàn bà đi lấy mủng móc trên bộ ngựa cho tôi rồi xuống nhà, trước khi đi xuống tôi thấy người đàn bà đứng lại tần ngần nơi đầu tủ. Sau đó tôi nghe tiếng đóng cửa. Tôi ở lại một mình trên nhà. Trong im lặng tôi nghe thấy tiếng trọng pháo.

6.

Tôi đứng dậy, thẳng người nói :

- Con ra ngoài đó phải phòng thân, bom đạn bây giờ, nếu con có phần nào thì khổ cha mẹ. Hôm qua cha mới đi tới thăm bác cả, người con lớn của bác ấy mới mất, phải hơn mười ngày quan tài mới đưa về được. Sao người ta chết nhiều quá. Chết, con nhớ là ai cũng phải chết, nhưng sự sống là một cái gì quý giá. Con hãy nghĩ tới lúc con đang nói cười, rồi lúc con nằm im trên giường không thở nữa, rồi người ta bỏ vào quan tài, rồi người ta bỏ xuống huyệt, rồi người ta đổ đất xuống, rồi những ròi bọ, rồi thối đi thịt da, còn lại những xương...

Cha tôi ngồi xuống.

Cha cũng đã già.

Em tôi mặc quần áo trận ngồi cầm ly rượu nhìn lên cười cười.

- Chết có số, em tin thế.

Vợ tôi giữ lấy tay tôi dặn.

- Anh đi xong việc về ngay.

Vợ tôi không khóc thành tiếng nhưng nước mắt chạy quanh trên đôi mắt đỏ hoe.

Con tôi khóc với tay đòi theo.

Chị tôi căn dặn điều này điều khác trong dáng vẻ không bình tĩnh.

Người bạn thân từ mặt trận trở về, vết thương nơi khuôn mặt còn băng trắng.

- Pháo quá, tao tưởng đã chết, tao tin có hàng mấy ngàn người bị giết. Những trẻ em, những bà già... Mày hiểu không. Tao cũng không nghĩ được rằng tao thoát ra được để trở về đây. Mày định nghĩa hộ tao những tiếng như: nhân đạo, bác ái, chính nghĩa, yêu nước, chiến thắng... mày làm được không...

7.

Tôi thức dậy thấy người đàn bà mình trần ngồi bên, ánh sáng vàng của ngọn đèn ngủ. Mái tóc buông xõa. Giọng bình thản :

- Tôi vẫn muốn hôm nay là đám cưới của chúng tôi.

Tôi nghe lạnh người.

Khi trở ra ngồi nơi tràng kỷ, đốt điếu thuốc trong đêm tôi nghe thấy tiếng nguời đàn bà khóc nhỏ :

- Tôi đã không còn là con gái từ năm mười bốn tuổi. Bây giờ tôi mong có một đứa con...

Tôi trở lại nằm với người đàn bà. Giọng nước mắt buồn thảm :

- Có lần tôi đã suýt giết chết mẹ tôi. Tôi đi chơi về khuya, bà bắt tôi bỏ hết quần áo đứng trước mặt bà, tôi kinh hãi với cái nhìn soi mói tìm kiếm, con mắt như dò tìm những dấu vết. Và da thịt tôi tẽ lạnh đi. Đó cũng là lần thứ nhất tôi nhìn thân thể tôi một cách kỹ càng. Từ đó, mỗi lần tôi thấy ai nhìn tôi, tôi nhớ tới đôi mắt của mẹ tôi...

Tiếng súng nổ đều và xa, trong im lặng tôi nghe rõ tiếng đập của trái tim mình. Tôi thiếp đi trong mệt nhọc.

Buổi sáng, khi thức dậy tôi không còn thấy người đàn bà, cánh cửa vẫn đóng. Qua những khe hở tôi thấy nắng ngoài vườn. Tôi mở cửa ra. Người đàn bà đang dùng cuốc đào một cái hố bên cạnh gốc cây ngâu. Tôi bước xuống hiên, tới gần. Người đàn bà tỉnh táo.

- Mẹ tôi đã chết hồi đêm. Tôi chôn bà trước khi đi.

Tôi im lặng. Không nghe thấy một xao động nào. Màu đất nâu tươi lên với ánh nắng trong vắt sau cơn mưa đêm qua. Nơi một khóm hồng, một bông hồng nở tươi tắn, rực rỡ.

- Ông hãy đi đi.

Giọng người đàn bà hối thúc. Tôi ngồi xuống nơi hiên :

- Bà có cần tôi giúp đỡ.

- Không. Tồi có thể tự lo liệu được. Tôi buồn là trên chuyến bay buổi chiều nay còn một ghế bỏ trống.

Người đàn bà cắm cúi làm việc trong khi nói. Lúc sau người đàn bà ngừng lại, nhìn lên :

- Ông hãy đi khỏi. Tôi không còn muốn thấy ông ở đây. Chúc ông may mắn.

Nàng đi vào phía nhà sau. Tôi lên lấy chiếc xách tay mở rộng cánh cửa trước khi xuống sân. Khi ngang qua khóm hồng, tôi ngắt bông hoa đỏ cài lên túi áo. Tôi ra khỏi khu vườn, theo con đường vắng ra ngoài bờ sông. Trên đường tôi không gặp một ai. Mấy chiếc xe nhà binh chạy với tiếng huyên náo của những người trên xe.

Dòng sông nước xanh lặng lờ chảy. Tiếng súng nghe gần. Tôi cầm bông hồng vứt xuống dòng nước, con nước nhẹ đưa bông hoa về xuôi... Buổi sáng, nắng rực rỡ...

Con chim cánh trắng

Thằng Chỉnh vừa đi vừa chạy đá về phía trước chiếc vỏ lon bia lăn nhanh trên con ngõ vào xóm, tiếng kêu nghe khô khan khó chịu, về gần tới nhà nó đá mạnh một cái cho chiếc vỏ lon bia mắc vào đống rác ngay nơi bên con ngõ cạnh một khoảng đất hoang có hàng rào kẽm gai. Nó mở cửa bước vào căn nhà tôn nhỏ nằm bên cạnh một ngôi nhà lớn, căn nhà tối, nó đứng lại một chút rồi nhẹ nhàng bước vào phía trong trên chiếc giường nhỏ nó nhìn thấy mẹ nó vẫn đắp chăn nằm im.

- Chỉnh hả?

Chỉnh giật mình khi đang bỏ chiếc cặp lên chiếc kệ gỗ, nó quay và đi trở lại bên giường :

- Thưa má con đi học về.

Chỉnh ngồi xuống mép giường, mẹ nó trở mình, một tay cầm lấy tay nó, nó thấy bàn tay nóng ran. Mẹ nó đau đã bốn hôm nay không đi bán hàng được. Chị Mai và anh Lịnh của nó phải lo công việc hàng họ.

- Con lấy cho mẹ miếng nước đi.

Chính đứng lên trở lại cái bàn nhỏ kê sát bên vách ván cầm chai nước rót ra chiếc ly thủy tinh, nó nghe thấy tiếng nước trong không khí im lặng của buổi chiều. Chỉnh bưng ly nước lại giường, mẹ nó ngồi dậy, chiếc chăn mỏng tụt xuống phía chân, mẹ nó dựa lưng vào vách ván bưng ly nước uống im lặng. Chính nhận thấy trong bóng tối mờ mờ khuôn mặt mệt nhọc của người mẹ, những sợi tóc bết lại lòa xòa trên mặt, dõi mắt như muốn nhắm lại. Những cử chỉ chậm rời và có lúc như Chỉnh thấy mẹ nó thở mệt nhọc.

Chỉnh cất chiếc ly trở lại bàn, nó đứng im chờ đợi mẹ nó sai nó nhưng mãi nó không thấy gì, mẹ nó nằm xuống giường, kéo chăn lên cổ. Chỉnh lặng lẽ đi về phía sau mở cửa hông ra chỗ bếp. Những đọt nắng cuối cùng còn đọng lại trên vách tường vôi của ngôi nhà lầu sát bên. Chỉnh múc nước tưới vào hai cây bông vạn thọ nhỏ mới cao khoảng hơn gang tay trồng trong hai chiếc hộp thiếc, đó là khu vườn của Chỉnh. Mấy con gà đang thơ thẩn trong khoảng đất trống. Gia đình Chỉnh đến sống ở khu xóm tới nay đã lâu, từ ngày chung quanh ngôi nhà chỉ là khoảng đất không người ở, người ta bỏ hoang và đổ rác, nhưng nay nhà cửa đã mọc lên rất nhanh. Khoảng đất trống bên cạnh nhà cũng đã có chủ, nhưng chủ chưa xây nhà và thuê gia đĩnh Chỉnh trông nom, vì thế ngôi nhà nhỏ của Chỉnh có một khoảng sân tạm thời. Phía ngoài mặt đường, khoảng đất có một hàng rào cao bít kín bằng những tấm tôn cũ, người chủ sợ đất bỏ trống sẽ bị chiếm mất. Trong khoảng đất có một cây nhỏ về mùa hạ có hoa vàng rực nhưng không biết tên là gì. Ngôi nhà của gia đình Chỉnh phải coi là xấu xí nhất trong xóm, nó rộng không quá bốn thước và sâu không được mười thước, nếu không có khoảng đất hoang ở bên thì nhiều lúc khi bữa cơm đến căn nhà của Chỉnh như một nhà bếp. Ngôi nhà này đối với anh em Chỉnh đã có những kỷ niệm, cha nó đã chết ở đây ít lâu sau khi dựng lên được căn nhà, lúc đó khoảng đất vắng chủ, sau này, như mọi người trong xóm đă phải đóng thuế đất hàng năm cho một người đến đưa giấy tờ ra chứng minh là chủ đất. Dù vậy, với miếng đất nhỏ này mẹ Chỉnh đã được nhiều người tới thương lượng để mua lại, nhưng mẹ Chỉnh không bán vì sợ bán đi thì sẽ không có chỗ ở.

Gia đình Chỉnh không đông, người anh lớn đã nhập ngũ được hơn một năm còn lại anh Lịnh sát với tuổi nó, chị Mai đã lớn, anh cả nó tên là Minh. Chỉnh là con út trong nhà. Anh Minh nó ít khi về nhà trừ một thời gian đơn vị anh nó đóng ở Biên Hòa, ngày nay anh nó ở đâu mãi ngoài miền Trung với một đơn vị không cố định. Ngọn cây hoa vàng lay động khiến Chỉnh chú ý. Một con chim, Chỉnh kêu thầm trong miệng.

Chỉnh nhẹ nhàng đi ra gốc cây hoa vàng, mắt vẫn không rời khỏi cành cây con chim đang đậu, một con chim bồ câu lông trắng, nó nghểnh cổ cao vẻ ngơ ngác, Chỉnh sợ nó bay mất, con chim này ở đâu mà đến đây, sao nó có một mình. Chỉnh nhớ tới những chim sẻ nhảy nhót trên cành cây nó vẫn bắt gặp thật là hiếm hoi, mỗi lúc chừng như chim chóc một đi xa, dời bỏ thành phố. Chỉnh đến ôm lấy thân cây khẽ đụng nhẹ. Con chim như định bay lên nhưng nó chỉ nhảy sang một cảnh kế bên như bị vướng mắc. Chỉnh chợt nhớ tới những chim ngày hôm qua được thả lên bầu trời từ một ngôi chùa, phải rồi, một đàn chim đã được thả cùng với những quả bóng đủ màu, Chỉnh được biết người ta thả chim, hồi nào hỏi mẹ nó, nó được hay, thả chim là phóng sinh để cầu nguyện một điều gì đó, như ít lâu nay, ngay trên đường đi học nó thấy có nhà treo trước cửa một con chim giả bằng bông trắng toát, người ta nói để cầu nguyện hòa bình, thả chim cũng để cầu nguyện hòa bình. Hòa bình, anh Minh sẽ về ở trong nhà, mẹ Chỉnh nói thế...

Tiếng anh Lịnh và chị Mai nói ở trong nhà, Chỉnh chạy vội vào kéo anh nó ra ngoài :

- Một con chim, một con chim, anh ơi...

- Chim gì?

Lịnh vừa lúi húi thu xếp những gói hàng vừa trả lời Chỉnh một cách lơ đãng :

- Anh ra coi, con chim trắng tinh, lớn lắm, nó ở trên ngọn cây mà không bay...

Hai đứa kéo nhau ra vườn lại bên gốc cây hoa vàng, Chỉnh chỉ tay lên, đôi mắt vẻ vui mừng khi nhận thấy con chim vẫn đậu nơi cành cây nhỏ :

- Anh thấy không?

- Chim bồ câu...

Lịnh đập tay vào thân cây, con chim lại nhảy qua cành khác khi thấỵ động, khi bay đôi cánh trắng mở rộng ra khua đợng những cành lá và mấy cánh hoa vàng rụng bay nhẹ nhàng xuống đất.

- Bắt lấy nó đi anh, bắt lấy nuôi.

Lịnh nhìn em, Lịnh đập tay trở lại khua dộng, lần này con chim không nhảy nữa, nó vươn cổ cao ngơ ngác.

- Chắc là chim non anh ơi, chim bay chuyền...

Trong óc Chỉnh nhớ lại đôi chim sẻ hôm nào trên ngọn cây, nó mới vừa đủ lông cánh bay ra khỏi tổ và hai anh em nó đã đuổi bắt được, nhưng đôi chim đó còn có mẹ nó quanh quẩn ở bên, sao con bồ câu này không có mẹ.

- Làm gì ngoài đó Lịnh, mẹ gọi kìa.

Tiếng chị Mai nói vang lên, Lịnh bỏ gốc cây đi vào, Chỉnh theo sau năn nỉ :

- Bắt cho em, bắt cho em anh Lịnh, mình leo lên.

- Leo lên nó bay mất.

- Không, nó không bay đâu, mình đuổi nó cũng không bay mà, anh thấy không, hay mình lấy súng cao su bắn, nhưng thế nó chết mất.

Lịnh vào trong nhà, Chỉnh đứng lại bên người chị ngẩn ngơ nhìn những hạt gạo trắng được vo trong chiếc soong nhôm trắng, chị Mai đã gầy bếp nấu cháo cho mẹ, trời mỗi lúc một xuống nhanh hơn, không còn những đọt nắng đậu trên bờ tường, bầu trời một màu xanh bằng phẳng. Chỉnh bỏ vào trong tìm cái ná, nó lục lọi từ những hộc tủ, tới chồng sách cũ, khe giường nhưng đều không thấy, nó thờ thẫn ra vào, anh Lịnh đã đi đâu theo lời sai của mẹ nó. Nó đến bên giường mẹ nó, mẹ nó mở mắt nhìn nó :

- Gì vậy con?

- Có một con chim bồ câu ngoài ngọn cây.

Mọ nó cũng không nói, nó ngồi im nghĩ tới việc bắt con chim. Nó sẽ nuôi con chim trong chiếc lồng nhỏ, sẽ cho nó ăn và nhìn nó nhảy nhót.

- Mẹ nói anh Lịnh bắt con chim cho con.

- Làm sao bắt được nó con?

- Bắt được, con đuổi mà nó không bay, anh Lịnh bắt được.

- Ừ để anh Lịnh về mẹ nói anh Lịnh bắt cho.

Người mẹ nói như dỗ dành đứa con út. Nó mừng quá chạy ra ngoài cửa như chờ đợi người anh trở về. Nhớ tới con chim, nó vội trở vào. Biết đâu nó không đã bay khỏi, mà nó còn biết bay đi đâu, trong khu xóm này đâu còn ngọn cây nào nữa. Con đường tới trường học có bóng cây xanh nay cũng đã không còn, những cánh lá đã không mọc nữa, những cành nhỏ khô dần và người ta đốn đi bỏ lại những gốc khô... Có người nói: thuốc khai quang làm chết cây, người ta đang có kế hoạch làm những cây bằng sắt hoặc bằng nhựa cho bền, bây giờ cây không thể sống được. Nó nghe nói mà buồn. Người ta sẽ làm những cây bằng sắt, rồi người ta sơn màu cho lá cây khi xanh khi vàng... Như thế người ta sẽ phải làm cho lá rụng nữa, rồi lá non mọc ra, người ta sẽ làm những con chim bằng sắt, có máy cho bay đi bay lại, rồi trong bụng chim còn cả những đĩa nhạc cho nó hót... nghĩ tới điều nó được nghe nó thẫn cả người. Nó ra ngoài sân, tới gốc cây ngó lên. Trong bóng tối nhá nhem, thấy ra con chim vẫn còn đậu chỗ cũ. Biết đâu con chim đã chết. Chỉnh đập tay vào thân cây, nó cố gắng dùng hết sức như lay thân cây nhưng vô ích, nó không có đủ sức như anh nó, thân cây chẳng hề lay động, con chim vẫn còn đứng nguyên trên cành.

Chỉnh đi vào đứng bên chị đang nấu cơm, nó vịn vai nói giọng muốn khóc :

- Chị Mai ơi...

- Đói rồi sao cậu út.

- Chị bắt cho em con chim.

- Chim, chim ở đâu mà bắt?

- Ở trên cây kìa, anh Lịnh không bắt cho em.

- Chim ở trên cây mà làm sao bắt?

- Chim bay chuyền mà, con chim bồ câu đẹp lắm.

- Chim bồ câu à?

- Anh Lịnh bảo thế, anh ấy rung cây mà nó khóng bay, nó vẫn đậu ở trên đó.

- Chắc chim của ai trong xóm nuôi đó, bắt người ta chửi cho chết.

Chị Mai vừa nói vừa mải lo vào nồi canh trên bếp như không mấy chú ý đến Chỉnh và con chim trên ngọn cây hoa vàng. Chỉnh chỉ còn trông đợi ở anh nó, trời tối chắc anh Lịnh có thể bắt được con chim. Chỉnh mong từng phút anh nó trở về, chỉ có anh Lịnh nó là có thể giúp nó. Nếu anh Minh ở nhà chắc con chim không thể thoát được. Anh Minh chiều nó hơn anh Lịnh và chị Mai. Anh Minh từng đi ra ngoài đầu ngõ tìm dế cho nó, từng bắt mang về cho nó một con sáo đen với mỏ vàng thật dễ thương, anh Minh nó còn chỉ nó cách nuôi, cho sáo ăn sao cho nó không bay đi. Rồi anh Minh nó đã tìm cách lột lưỡi để cho nó nói nhưng con sáo không chịu được và chết. Chỉnh vẫn nhớ tới con sáo dễ thương của nó ngày nào. Một lần mới đây anh Minh từ xa về nghỉ phép mang về cho nó một con két màu lông xanh mướt nhưng Chỉnh đã làm sổ lồng mất. Nó khóc mất cả buổi, anh nó dỗ lần sau sẽ tìm cho nó con két khác, nhưng sao lâu quá anh Minh vẫn chưa trở lại nhà với con két đã hứa.

Chỉnh đã thấy tiếng anh Lịnh trong nhà, chạy vội vào, kéo tay Lịnh :

- Nó vẫn chưa bay đi, anh Lịnh ơi.

- Thế hả.

- Anh bắt cho em đi.

Chỉnh vừa nói vừa nhìn anh chờ đợi, lúc sau Lịnh và Chỉnh lại kéo nhau ra gốc cây hoa vàng :

- Anh thấy không, nó vẫn đậu ở cái cành lúc nãy. Tối rồi đâu nó còn biết đường bay nữa.

Thấy hai đứa em bàn tán dưới gốc cây, Mai cũng đi ra bên ngó lên ngọn cây. Chỉnh láu táu :

- Đấy, chị nhìn thấy không, ngay giữa hai cành lớn đó. Nó trắng nhờ nhờ, chà bây giờ nó đứng im không động đậy, hay nó ngủ rồi...

- Chim bồ câu thật hả?

Mai nhìn Lịnh, Chỉnh nói vội :

- Chim bồ câu mà, lúc chiều bọn em nhìn thấy rõ.

- Lạ nhỉ, sao lại có chim bồ câu lạc đến đây, bắt được mà nấu cháo thì ngon lắm.

- Chị ác thế, mình nuôi...

- Có một con mà nuôi gì, nó lại chết uổng.

- Nuôi, em thích nuôi, mình nuôi trong một cái lồng treo trước cửa nhà như người ta treo chim bằng bông vậy, chim thật thích hơn.

- Ai treo chim bằng bông trước cửa nhà làm gì?

- Em thấy này, có mà, em thấy có mấy nhà người ta treo nói chim hòa bình...

- À, à...

Mai à à như chợt nhớ ra. Lịnh trở vào lấy cái ghế ra bắc sát vào thân cây vẻ lưỡng lự :

- Thôi để lát nữa cho nó ngủ say rồi mình bắt.

Chỉnh vẻ thất vọng :

- Nó ngủ rồi, nó ngủ say rồi, lúc nãy em động mà nó không bay.

- Leo lên đi, bắt được thì nấu cháo. - Mai chen vào.

- Xịt chị đi, cháo cháo hoài, để em nuôi. Chị nói nó nghe thấy bay mất bây giờ.

- Làm như nó nghe được tiếng người.

- Biết đâu, nó cũng có tai chứ không.

- Thôi đi, đía hoài...

Mai véo tai Chỉnh, nó kêu oai oái, Mai bỏ vào trong. Chỉnh như muốn tiếp tục thuyết phục anh nó :

- Chắc nó ngủ say rồi anh. Con chim này đẹp lạ, nó giống con chim ở nhà thằng bạn em. Con chim chết rồi ba nó tẩm thuốc, phơi khô, nhồi bông trưng trên một cái cành cây ở trong nhà, mới nhìn ai cũng tưởng một con chim thực sắp bay với hai cánh vừa mở ra. Em đã lầm... Hay anh cũng làm vậy đi, như thế con chim không bay được.

- Đã chắc gì bắt được, nó bay mất chưa chừng...

Lịnh đứng lên ghế, nó nhẹ nhàng bắt tay, co chân và trèo lên một cách chậm chạp chừng như sợ động mạnh con chim sẽ bay mất. Chỉnh hồi hộp ngẩng cổ lên ngó từng bước leo của anh nó. Nó thầm mong cho con chim đang ngủ say và không thức dậy trước khi anh Lịnh nó tóm được. Trong bóng tối nó không còn nhìn thấy con chim nữa, anh Lịnh nó đã leo lên gần đến nơi, nó nín thở chờ đợi. Bỗng cánh chim đập mạnh, Lịnh reo lên :

- Được rồi!

- Được rồi, được rồi, hay quá... Chị Mai ơi, bắt được rồi.

Chỉnh reo lên vui mừng, nó gọi vào trong, nó trèo lên chiếc ghế như mong chóng được cầm lấy con chim bồ câu từ tay anh nó đưa xuống. Lịnh nói từ trên cây :

- Nó bị mắc dây, người ta cột ở chân nó một sợi dây.

- Coi chừng tuột tay nó bay mất anh Lịnh.

- Bay gì được, bay đằng trời.

Cánh con chim vẫn đập, tiếng động nghe thật vui mừng đối với Chỉnh, mấy cánh lá và những hoa vàng rơi lả tả xuống đầu nó. Lịnh tay cầm con chim đang leo xuống, con chim đã thôi đập cánh. Lịnh dặt chân bước xuống. Chỉnh đón lấy hớn hở :

- Đưa em cầm cho anh.

Lịnh đưa con chim cho Chỉnh, Chỉnh kêu lên :

- Anh làm nó chết rồi.

- Sao, nó chết rồi à.

- Anh cầm vào cổ nó mà, sao anh lại cầm vào cổ.

Giọng Chỉnh như muốn khóc, Lịnh cầm lấy con chim bỏ xuống mặt ghế, con chim nằm im không động đậy, Chỉnh đập tay nhè nhẹ lên mình nó, con chim vẫn không động đậy. Lịnh cầm chim chạy vào trong nhà. Chỉnh theo sau :

- Tại anh đó, tại anh đó, em không biết.

Lịnh lại gần bếp, để con chim xuống bên vuốt lần lông trắng toát, cái mỏ xinh xắn, đôi chân đỏ hồng.

- Tại anh cầm nó chặt quá nên nó nghẹt thở chết, uổng không.

Chỉnh vừa nói vừa vuốt lông con chim tiếc rẻ, thế là nó không được nuôi con chim như nó mong ước. Mai đã ra đứng bên ngạc nhiên.

- Bắt được rồi hả?

- Anh Lịnh cầm chặt, nó chết rồi.

- Chim non hả, sao nó không bay?

Lịnh đứng lên, thất vọng nhìn con chim trắng nằm dưới chân không còn động đậy :

- Nó mắc dây chị ơi, một chân nó có mắc một sợi dây dài nối với một cái que có dán giấy...

- Chết rồi, chim người ta thả cầu nguyện hòa bình mà bắt.

Giọng Mai nghiêm trang, Lịnh ngó chị Mai. Chỉnh nhìn lên :

- Chim phóng sinh ư chị Mai?

- Không phải, chim hòa bình người ta mới thả hồi sáng ở đằng chùa đó, buổi sáng có lẽ đó.

Chỉnh cầm con chim đứng lên :

- Anh tẩm thuốc, mình phơi khô nhồi bông chơi.

Chỉnh mân mê con chim một lúc đưa cho Lịnh. Lịnh cầm lấy và kéo dài sợi dây nơi chân ra :

- Nếu không có sợi dây thì chắc nó bay xa rồi, tội quá.

- Anh phải tội đó, anh làm nó chết.

- Nếu không thì nó cũng chết ở trên cây vì không bay đi được, phóng sinh gì mà lạ vậy. Mình thịt ăn, tội lội xuống sông...

Chị Mai phá lên cười, Chỉnh phụng phịu bỏ vào nhà trong, nó buồn vì con chim đã chết. Nó giận anh Lịnh của nó.

Bữa cơm tối nghèo nàn dọn ra, Chỉnh được chị Mai múc cho một bát cháo ăn trước, bát cháo bốc hơi nóng, nó thổi mãi mới húp được những muỗng đầu tiên, nó ngạc nhiên :

- Cháo gì ngon vậy chị?

- Cháo chim...

- Chị nấu cháo nó thật hả?

- Không nấu cháo thì làm gì, nhồi bông sao được, con chim béo quá, vặt lông xong thui anh thấy mỡ nó chảy sèo sèo, ngon không?

Lịnh chen vào. Chỉnh lặng thinh, lúc lâu nó mới nói :

- Lần đầu tiên mình được ăn thịt chim, ngon thật.

- Thấy không, nhồi bông làm gì cho phí.

- Biết đâu mai lại có con khác.

Chỉnh vừa nói vừa cười như giảng hòa với anh nó :

- Chim ở đâu mà nhiều vậy?

- Người ta cầu nguyện hòa bình.

- Làm như người ta ngày nào cũng cầu nguyện hòa bình, lấy của ở đâu, rồi hòa bình đến thì ai còn cầu nguyện nữa mà có chim.

- Em không thích hòa bình.

Hai chị em Mai phá lên cười, Lịnh cốc vào đầu Chỉnh :

- Thích ăn thôi phải không, vậy mà lúc nãy thì cứ đòi nuôi mới lại nhồi bông cơ, bỗng nhiên thằng quỷ trở thành diều hâu.

- Diều hâu, em là diều hâu?

- Không thích hòa bình, thích ăn thịt chim bồ câu mà.

- Thế em ăn một mình à?

Mai bỏ đũa xuống nói với hai em :

- Thôi ăn đi còn cãi nhau nữa, má la cho bây giờ, làm như lúc nào cũng có chim ấy...

- Em mong ngày nào người ta cũng thả chim cầu nguyện hòa bình... và nhất là nó bay vào ngọn cây hoa vàng.

Chỉnh vừa húp cháo vừa tinh quái nhìn anh chị nó...

Nụ cười

1.

Người vợ bỏ căn nhà không ra đứng ngoài hiên, buổi sáng trời gây lạnh nhạt nhẽo, không khí chậm chạp với sinh hoạt của con đường nhỏ đưa tới một con sông hẹp có thể nhìn thấy dãy nhà mé bên kia. Mấy người đi lại, một người lớn tuổi đạp chiếc xe đạp cũ ngang qua, một người tài xế hí hoáy với chiếc xe lam cũ. Bà hàng xóm bưng thùng rác từ trong nhà ra, vượt qua đường, đổ xuống lề mé bên kia, nơi đó, ngoài tường của một ngôi nhà lớn. Người đàn bà lắc thùng rác, đập nó xuống, tiếng chiếc thùng thiếc kêu vang trong không khí lạnh nhạt. Bà hàng xóm trở về, để chiếc thùng rác xuống hiên. Người vợ nói: bệnh ông nhà cháu khó qua được tuần này, nghe thấy khác trong người hay sao đó mà tối qua ông ấy trối trăng hết cả mọi điều rồi. Bà hàng xóm nói: thế ông nhà còn tỉnh không - Dạ vẫn như thường, tỉnh táo lắm, nhưng coi như hết máu rồi, bà tính, ngồi chờ bệnh đã ba năm, bệnh ung thư không thể chữa được, bác sĩ báo ngay cho biêt như vậy, và từ ba năm nay ông chờ chết... Bà hàng xóm nhìn ra con đường và nghe nói với nét mặt bình thản. Bà chợt quay lại cầm lấy chiếc thùng: lâu quá rồi, bệnh gì kỳ cục hôm tôi cũng có nghe ông nhà nói, hồi bấy giờ ông nhà vẫn như thường nhỉ, ai nghĩ ông bệnh. - Vâng chỉ mới tháng nay ông nhà tôi mới nằm một chỗ vậy thôi, ấy ở nhà vậy chứ ông đâu chịu nằm một chỗ, ông nằm thì không chịu được, làm cái này cái khác, nhưng thật ra, chính nhờ ông bệnh mà ông mới có mặt ở gia đình, hồi xưa tôi chỉ biết khóc, ông ấy nay đây mai đó có mấy khi ở nhà, hồi thằng con trai thứ hai phải tới năm tuổi bố nó mới nhìn được mặt, thật hồi nhỏ tôi chẳng được biết gì về đời sống gia đình, nhà có đàn ông mà như ở góa... bà nghĩ coi. Bà hàng xóm tép miệng, nói: cả xóm mình ai cũng lạ về ông nhà, lớn tuổi mà vẫn trẻ trung, vui vẻ, ai cũng thương quý, người như thế thật hiếm... Một chiếc xe chạy qua. Người vợ lặng im. Bà hàng xóm quay mặt lại: hôm nay bà không đi chợ sao. - Tôi muốn ở nhà sợ ông nhà tôi có thế nào. Bà hàng xóm xách thùng rác đi vào nhà, người vợ đứng im nhìn bâng quơ hai dãy nhà và con đường đá gồ ghề. Người vợ đi trở vào. Tiếng guốc khua động chốc lát trong gian nhà tối.

2.

Khu xóm nằm ở ngoại ô thị trấn, khi thị trấn phát triển khu xóm trở thành một vùng đất mới, dân cư mỗi lúc một đông và trở thành phồn thịnh, con đường ngày xưa vắng vẻ bỗng trở thành chật hẹp lại. Biến cố lớn đến với khu xóm khi biết con đường sẽ được mở rộng. Con đường sẽ nối với khu nhà bên kia dòng sông. Những ngày đầu tiên khi thấy những nhân viên kiều lộ tới đo, ngắm, vẽ bản đồ thì người dân trong xóm bắt đầu lo âu về những căn nhà bị cắt để làm đường. Nhưng thời gian chờ đợi vẫn kéo dài, có người không tin đó là sự thật, họ nghĩ đó chỉ là một dự án. Một vài người khôn ngoan, nhà ở ngoài mặt đường, phỏng chừng với con đường mới nhà sẽ bị ủi đi, đã tìm cách bán nhà đi nơi khác, công việc thường được tiến hành một cách kín đáo. Nhưng cũng có nhà vẫn sống bình thường không lo toan, họ nghĩ dù nhà có bị giải tỏa thì cũng sẽ được cấp nhà khác. Ngày tháng trôi qua, cuộc sống vẫn bình thường, vẫn hai dãy nhà khác biệt ngó nhau. Một bên là những ngôi nhà gạch khang trang, những tường vôi sáng, những tầng gác cao mãi. Một bên là những căn nhà hẹp thấp, mái tôn, mái lá, mái ngói chen nhau xô đẩy những đường nét hỗn độn, khu nhà này mãi sau mới có, lúc trước trong khi đã có những căn nhà ngói ở bên kia đường thì bên này nhiều khoảng đất không còn là bãi rác men mãi cho xuống tới lòng một con sông nhỏ dơ bẩn ăn thông vào một miệng cống lớn từ phía trung tâm thành phố đưa ra, mỗi lúc, theo thời gian những căn nhà lá, nhà tôn mọc lên nhanh chóng bất ngờ. Có những bãi rác vào buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau người ta đã thấy có một căn nhà mới và một gia đình mới bắt đầu cuộc sống. Những bức tường dựng lên hối hả, trong khi cuộc sống đã bắt đầu... Theo với thời gian, với hai dãy phố qua một con đường đã là hai hình ảnh đối nghịch. Người chồng chỉ dãy phố nói với người vợ: bà thấy không, bỗng nhiên người ta phải chọn để sống về một phía, nào ai có sắp xếp gì, mình thuộc khu nhà lá.

Bẵng đi một thời gian kể từ khi những nhân viên kiều lộ tới ngắm tới đo, dân chúng bỗng như quên hẳn việc con đường có thể mở rộng. Một buổi tối, một căn nhà trong cuối xóm bỗng bốc cháy, cả xóm nhốn nháo, đặc kịt những người chen ngoài đường, tiếng gọi nhau ơi ới. Một đoàn xe cứu hỏa tới nơi nhưng không làm cách nào vào được trong con đường đã đặc những người. Mãi khi ngọn lửa đã được dập tắt người ta mới đưa được chiếc ống nước vào tới căn nhà bị cháy. Thiệt hại không đáng kể. Người ta nói tới việc làm của nhân viên cứu hỏa, nói về nguyên nhân đám cháy, nói về con đường hẹp... Vài ngày sau người ta lại xôn xao về việc con đường được mở rộng, lần này có vẻ thực tế hơn, một chiếc xe hủ lô xuất hiện nằm ngoài đầu đường, những đống đá xanh được đổ xuống, và cùng lúc những cọc sắt lớn được đóng xuống dòng sông nhỏ phía cuối con đường, một chiếc phà từ ngoài sông lớn vào đó và công việc đã khởi đầu. Người chồng nói: tôi mong sống được tới khi cây cầu được bắc để ngang qua một lần. Người vợ mỉm cười. Chiếc xe lăn cũ kỹ nặng nhọc vẫn nằm đó nguội lạnh cùng với những đống đá thấp dần. Ngoài lòng sông, cuối con đường, chiếc máy chạy mỗi ngày tám giờ gieo tiếng búa sắt chát chúa lên đầu những cột sắt lớn từ từ cắm sâu xuống lòng sông. Tiếng động khua vang một sinh hoạt mệt nhọc. Có khi bỗng chiếc máy ngừng nổ kéo dài cả tuần lễ. Người vợ nói: có khi phải mất mấy năm không chừng. Người chồng lặng lẽ hút thuốc, mắt lơ đãng trên trang sách trước mặt...

3.

Linh mục tới cửa căn nhà thì ngừng lại, ngọn đèn dầu để trên tủ sách chiếu ánh sáng vàng lạnh không đủ sáng căn phòng im vắng, cửa đi vào phía bên trái căn nhà, khoảng trống trước cửa, trong cùng gần tủ sách có một chiếc ghế xếp bằng vải, bên cạnh để một chiếc ghế đẩu thấp có một cái gạt tàn thuốc, cửa vào nhà trong nằm sát bên tường mé tay mặt ngoài đó kê một chiếc bàn gỗ cao, mặt rộng vây quanh có sáu chiếc ghế dựa gỗ để ngay ngắn nghiêm chỉnh, giữa bàn trên một chiếc khăn thêu nhỏ để một chiếc bình men sứ Giang Tây bóng dáng kiêu kỳ không có cắm hoa. Trên vách tường, đầu chiếc bàn treo một bức hình chụp gia đình. Hai vợ chồng và ba đứa con. Vị linh mục đứng bên chiếc bàn ngắm nghía. Hơn hai năm căn nhà không có sự thay đổi, thiếu một bó hồng đơn sơ trên chiếc bình sứ. Vị linh mục gõ tay xuống chiếc bàn. Tiếng động khô. Người vợ từ trong nhà đi ra, chiếc áo cánh nâu gọn gàng, mái tóc búi cao :

- Anh lại chơi, chúng tôi vẫn có ý trông anh.

- Anh vẫn thường, chị...

- Vâng - Người vợ kéo một chiếc ghế ra - Anh ngồi chơi, nhà tôi xem chừng yếu hẳn.

- Hồi đó vị bác sĩ nói anh có thể sống ít nhất cũng ba bốn năm nữa, năm nay anh cũng gần sáu mươi rồi còn gì, bọn chúng tôi đều già rồi. Chị thấy...

- Dạ, năm nay anh ấy 59, hình như hơn anh hai tuổi.

- Vâng.

Người vợ cầm chiếc đèn để sang bàn, khêu lớn ngọn. Vị linh mục cầm chiếc gương ra tay và lau vào vạt áo, những sợi tóc hoa râm lưa thưa trên mang tai, những sợi tóc mượt dài vuốt về sau gọn gàng. Người vợ vào nhà trong, lúc sau đỡ tay cho người chồng bước ra ngoài. Vị linh mục đứng lên đỡ một bên tay.

- Có lẽ tôi sắp chết thật rồi anh ạ.

Người chồng nói và nhìn vị linh mục.

- Lần này tôi thấy anh yếu đi nhiều.

Người chồng được đỡ nằm xuống chiếc ghế vải. Người vợ trở vào nhà trong bưng ra hai ly nước trà nóng rồi để lại hai người đàn ông trong câu chuyện. Vị linh mục kéo chiếc ghế xa bàn, lùi vào trong vách, trước mặt người chồng, cầm ly nước trong lòng hai bàn tay, ly nước nóng khiến vị linh mục phải xoay hoài chiếc ly. Người chồng ngả người nhìn người bạn cũ nay cũng đã già nhiều. Những nếp nhăn nơi đuôi mắt, những sợi tóc bạc và nét mặt ưu phiền chùng mệt, bao nhiêu năm một tinh bạn lặng lẽ nhưng thân tình, một người chọn con đường tu, một người phóng mình ra ngoài với những náo nức lửa đỏ một thời cháy bỏng. Có lúc tình bạn thời nhỏ biệt tăm rồi bỗng xuất hiện trong từng giai đoạn của đời sống. Khi cuộc chiến bùng nổ. Khi người bạn lập gia đình. Khi đứa con đầu lòng ra đời. Khi kháng chiến. Khi chứng nan y xuất hiện. Và bây giờ, có lẽ giai đoạn chót trong cuộc đời một người... Người chồng nói :

- Tôi thấy tôi sắp chết, chợt tỉnh táo một cách quá sức, tôi đã trối trăng với nhà tôi hết cả rồi...

- Tôi có cầu nguyện cho anh vào ngày sinh nhặt vừa rồi, thật tiếc hôm đó tôi không lại thăm anh được.

- Cám ơn anh.

Vị linh mục ngừng lại, hai tay đan vào nhau để trong lòng áo chủng đen, mặt hơi cúi, đôi mắt lặng im nhìn xuống, người chồng dụi tàn thuốc chậm chạp.

- Có lúc tôi nghĩ không nên nói với anh điều này, nhưng chính lúc này tôi lại nghĩ tới điều đó, tôi nghĩ anh sẽ cho phép tôi nói với anh và sau đó anh sẽ không phiền lòng gì cả, tôi với anh và tình bạn thiết - vị linh mục ngừng lại, nhìn vào người bạn, ánh sáng chập chờn và khuôn mặt nhợt nhạt, chỉ còn lại đôi mắt long lanh - anh cho tôi rửa tội cho anh trước khi anh qua đời... tôi nghĩ, bao nhiêu năm qua, với tuổi chúng ta, anh có lắng nghe thấy một lời kêu gọi nào... Tôi cũng mong anh cho phép để anh an nghỉ trong đất thánh...

Người chồng lặng lẽ lắng nghe, câu nói của vị linh mục ngừng đã lâu, tiếng chiếc đồng hồ quả lắc từ nhà hàng xóm. Người chồng đốt một điếu thuốc. Vị linh mục uống ngụm nước trà đầu tiên.

- Tôi đã nói hết với nhà tôi. Tôi thành thật cám ơn anh với tình bạn chúng ta có thể nói với nhau được như thế. Tôi đã xin nhà tôi hiến xác tôi cho viện ung thư nghiên cứu. Đất thánh không phải là nơi tôi tới. Tôi không nghe thấy một kêu gọi nào cả. Tôi biết rõ giới hạn của đời sống, khoảng hư không cuối cùng chờ đợi, nhưng không phải vì thế mà tôi thấy cần thiết tìm kiếm một hy vọng cứu chuộc. Tôi chỉ có lương tâm tôi. Có tội không phải rửa mà hết được... Gần ba năm nằm lại trong căn nhà này, bên vợ con, tôi biết giới hạn của đời sống mình, nhưng tôi cũng không thấy có điều gì phải ân hận, nếu không muốn nói là hài lòng. Tôi hỏi thật anh: có phải tôi là một con người kiêu ngạo đáng ghét không?

Vị linh mục lắng nghe. Người chồng hút thuốc, cụm khói đặc trắng tan lơ đãng. Vị linh mục ngả người về sau một chút.

- Tôi xin lỗi anh.

Người chồng cười thành tiếng nhỏ :

- Người ta nói với tôi anh là một người cấp tiến mà sao anh còn câu nệ vậy, mình có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau mà.

- Không có đâu anh, tôi không là gì đâu, tôi chỉ là một tu sĩ bình thường vậy thôi, vì vậy tôi vẫn nghĩ có lẽ câu chuyện từ ba mươi năm trước vẫn làm anh bực mình.

- Tôi bằng lòng với chuyện đó. Nhà tôi vẫn cầu nguyện mỗi tối, nhưng nhà tôi không đến giáo đường nữa. Anh đừng nghĩ chuyện riêng đó khiến tôi bực mình. Hoàn toàn không. Ngó bộ tôi không có đạo thì tôi không phải là người sao? Ngó bộ tôi không rửa tội thì tôi là người tội lỗi sao. Gần hết cả xã hội Tây phương đều tốt lành, đều trở thành thánh, được vào thiên đường cả đó sao, anh ngó xem, những tội ác ở Á Phi, ở Châu Mỹ La Tinh, những người da trắng, những người trong hệ thống giáo hội họ làm gì, họ có nhà thờ tráng lệ, có thánh giá bằng vàng, họ nhân danh cái này cái khác, họ đưa cả tượng Chúa tới pháp trường... Anh đừng nghĩ tôi sắp trở thành một người chống cái này cái khác, tôi chỉ nói, chỉ muốn nói: con người và những xấu tốt của nó, tôi nghĩ anh hiểu tôi, sau chót của một hành trình thường người ta ngừng lại ở một giáo đường, tôi không tin, anh có nghĩ rằng: chót hết người ta sẽ có một thái độ khác, tôi muốn nói với anh về một tổng hợp đề... một đức lý. Đó không phải là bây giờ, ngay trong lúc tôi còn khỏe mạnh với tất cả tinh thần và thể chất. Có lúc người ta nghĩ mình như con múa rối, tôi thì không, tôi chưa đối đầu với một tuyệt vọng, cả cái chết...

- Tôi nhiều lúc... thật khó để tôi nói với anh được, cái cảm tưởng chông chênh...

Một cơn gió thổi thốc vào căn nhà im lặng, ngọn đèn dầu phụt tắt, ánh sáng yếu ớt từ trong nhà, từ những khe vách chiếu ra chập chờn. Điếu thuốc trên môi sáng ánh lửa đục. Người chồng nhấc lưng khỏi ghế, gượng người :

- Anh thấy, đời sống cô quạnh của tôi, ba năm ngồi lại sống với những người thân, tôi nhìn suốt lại đời mình và tôi mỉm cười, bạn bè chỉ còn lại mình anh, người ở ngoài cuộc...

- Không còn ai...

- Cũng còn một hai người, nhưng bạn tôi đều đã chết, còn lại đó là những người hèn, sống cũng như đã chết, anh nghĩ coi, nếu còn lựa chọn, có lương tâm để đương đầu làm sao để người ta thoát ra được một cuộc chơi vừa ngay thẳng vừa gian lận kéo dài hơn.

Tiếng bước chân nhẹ nhàng từ trong nhà ra, người vợ đứng nơi cửa vào trong nhà, quay trở lại khi mang theo ngọn đèn nhỏ. Vị linh mục nói :

- Con lớn của anh chị bây giờ được mấy cháu rồi?

- Dạ ba, mấy đứa nó cũng vất vả, cả năm nó về thăm nhà được vài lần. - Người vợ châm ngọn lửa sang ngọn đèn lớn - Anh nghĩ, thời buổi thế này, biết làm sao. Hồi sinh đứa nhỏ sau đó, giữa lúc ở nhà thương, thị trấn bị pháo kích, vợ nó sợ đến nỗi không biết mình sinh lúc nào. Thật tội. Nhà tôi định lập gia đình cho thằng nhỏ nữa là xong. Thôi thì cũng nhờ trời...

Người vợ mang ngọn đèn vào nhà trong. Không khí im lặng trở lại. Người chồng nhìn người bạn :

- Nhiều lúc tôi nghĩ: mình cũng tu rồi. Giáo đường của tôi thân mật hơn của anh.

Người chồng cười thành tiếng, vị linh mục mỉm cười :

- Tôi còn nhớ bài thơ của anh gửi cho tôi khi anh còn ở ngoài chiến khu.

- Đông phương mình có một cái đạo sống kỳ diệu, các cụ mình ngày trước ai cũng làm thơ, nhớ bạn làm thơ, nhớ nhà làm thơ, uống rượu làm thơ, lúc chết làm thơ... Nhiều khi đâu phải thơ, chỉ là vè thôi nhưng thực sảng khoái... Bây giờ thì mình mòn mỏi với những cái lăng nhăng... Có khi vẽ xuống đất mà làm một nhà tù, mà đã thế rồi thì thôi, đâu còn như trước cứ vào tới nhà tù là bọn tôi tìm cách vượt ngục. Thật nhiều lúc tôi giật mình không hiểu vi sao mình lại có thể sống sót.

Vị linh mục cúi xuống với bao thuốc, cầm tay ngắm nghía, đêm đang sâu dần. Vị linh mục đứng lên :

- Tôi xin phép anh, để ít bữa lại nói chuyện với anh lâu hơn.

- Anh về, tôi cám ơn anh đã lại thăm. Chắc bệnh của tôi cũng có thể qua tới mùa xuân...

Người vợ đi ra đứng nơi cửa :

- Tôi về, chị.

- Dạ, hôm trước con gái tôi nó gửi lời hỏi thăm anh.

- Dạ, cô ấy hồi này thế nào?

- Cháu nó nhớ nhà, nó còn những hai năm học nữa... Thong thả mời anh lại chơi, lâu anh không còn có dịp ăn cơm với chúng tôi.

Vị linh mục vừa nghe vừa bắt tay người chồng rồi cúi chào người vợ trước khi dời khỏi căn nhà. Đêm ở ngoài đường với ánh sáng vàng của mấy ngọn điện yếu. Người chồng nói: trông anh ấy hồi này già hẳn đi, mình coi, tôi còn trẻ hơn nữa. Người vợ nói: anh ấy có vẻ buồn, anh ấy đã tự coi như không còn gia đình từ ngày ấy. Nghe nói ông thân anh ấy bây giờ ở trong dưỡng trí viện, con cái thì mỗi người một ngả, người anh ở ngoài không biết thế nào, người em thì mới mất ngoài mặt trận, tôi nghe nói mà không dám hỏi anh ấy. Bà cụ là một người ngoan đạo, chỉ còn biết cầu nguyện... Anh ấy cũng không còn ai thân thiết ngoài vợ chồng mình. Người chồng bưng ly nước uống rồi thắp một điếu thuốc nằm im trong ghế...

4.

Buổi cơm tối bắt đầu sau khi người con trai thứ hai đã trở về nhà, người chồng ngồi vào từng bát cơm, người con trai thư cầm thư ở trên bàn, người chồng nói :

- Thư của anh con đó.

- Dạ.

Người con mở thư đọc chăm chú, người vợ nói :

- Vợ chồng nó mà mang được mấy đứa nhỏ vẻ chơi thì vui quá, tôi vẫn muốn nó để đứa con lớn ở nhà với tôi, nhà có trẻ con nó vui.

- Thứ nhất trẻ khóc, thứ nhì trẻ học, các cụ mình vẫn nói thế.

- Trời, cực cho anh chị ấy quá, chẳng còn thì giờ nữa...

Người con trai bỏ lá thư xuống bàn, cầm bát đũa và bắt đầu ăn. Người vợ nói :

- Các con nó hẹn về mà mãi chẳng về được, có khi con đường này với cây cầu làm xong bọn nó mới về được cũng nên...

- Thế có khi tôi chết rồi.

Người chồng cười, người vợ nhìn xuống bát cơm im lặng, người con nhìn mẹ :

- Ba mẹ thì già mà con cháu mỗi đứa một nơi.

5.

Cha tôi nói: mình nợ nhiều quá mà không trả được, nợ từ vợ con trở đi... Mỗi lúc tôi thấy cha tôi một già đi nhưng cũng từ đó có theo sự đằm thắm. Ngày bắt đầu được biết mình sẽ chết, giới hạn có được khoảng ba năm, lúc đó cha tôi buồn, vẻ buồn thoáng đâu đó và có một sự bực bội bất ngờ, nhưng ngay sau đó thì cha tôi trầm hẳn xuống, từ đó ông không quan tâm đến, ông vui với đời sống thầm lặng và đầm ấm trong cuộc sống gia đình. Cha tôi ngay từ nhỏ chừng như đã tự lựa chọn cho mình một cuộc sống. Mẹ tôi là người có đạo Thiên Chúa, cha tôi thì không. Hai người cưới nhau không tới giáo đường và bị cả hai bên gia đình chống đối không thừa nhận. Điều này kéo dài trong nhiều năm. Dù vậy cũng không có nghĩa mẹ tôi bỏ đạo. Cha tôi thường cùng đi với mẹ tôi tới một nhà nguyện nhỏ. Ở trong nhà những ngày giỗ tết mẹ tôi coi sóc rất chu đáo. Tôi lớn lên trong không khí gia đình đó. Mẹ tôi nói, mãi khi tôi năm tuổi cha tôi mới thấy mặt con. Khi lớn lên cha tôi cũng thường vắng nhà, ông theo đuổi những công việc riêng của ông. Mẹ tôi lo công việc làm ăn nuôi nấng con cái. Trong những năm chiến tranh có lúc chúng tôi tưởng ông đã chết. Nhưng cuối cùng ông đã trở về. Những sợi tóc hoa râm giấu trong mái tóc dày mềm mại. Có nhiều lúc tôi muốn được nghe cha tôi nói cho biết những gì ông đã sống trong suốt những năm đó. Trong cuộc sống những lúc bên gia đình, từng thời gian khác nhau, từng hoàn cảnh khác nhau ông nói về những đoạn ngắn nào đó trong cuộc sống cũ. Trong những câu chuyện đó tôi nhìn thấy cha tôi với nét mặt rạng rỡ: đời sống hào hùng trong quá khứ như những trang sách tràn lửa đỏ. Một chiều cuối năm trên vùng Việt Bắc, trong thị trấn Lạng Sơn có mưa tuyết, mong ước trở lại ngày Tết trong gia đình, cha tôi nhắc đến hai câu thơ của Thế Lữ: Rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang... Chuyện người bạn đường trước khi chết trối trăng cho anh hai người con nhỏ. Lúc trở về đi tìm gia đình anh ấy không biết ở đâu, thật ân hận, bây giờ bọn đó có khi cũng chưa biết cha chúng chết rồi. Cha tôi nói về vùng núi non Hòa Bình, ngày vào trong Trị Thiên, một đêm xuôi sông Mã, thời ở Sài Gòn rồi lên đường đi Xiêm La, có lúc ngừng chân lại ở Đế Thiên Đế Thích... Những ngày nằm lại trong những gia đình người Mèo... Đất nước đối với ông thật hẹp nhỏ. Cái vận của nước mình như thế rồi. Cứ coi cái địa thế cũng thấy, nước non gì như con trăn, có bao giờ mà nó nằm im được, nó cựa quậy hoài. Phải gồm ba bốn xứ lại với nhau, phải có một cách khác, cái khối Trung Hoa nó như hòn núi đè trên vai, là lực sĩ thì cũng có lúc phải sụm, may không tan xác là phúc rồi... Cha tôi đưa đến cho chúng tôi một thực tế, nhưng cũng đưa đến với chúng tôi một mơ ước, đưa đến chúng tôi một thái độ phải có, phải lựa chọn trong một tinh thần kiêu hãnh. Không được cúi đầu, phải ngẩng mặt lên ngay thẳng. Sống như mình nghĩ... Những điều cha tôi mang đến đưa chúng tôi tới những khó khăn. Nhưng thực chúng tôi hài lòng với sự khó khăn đó. Những điều chúng tôi làm, cha tôi muốn chúng tôi cho biết, và ông, nếu có ông góp ý với chúng tôi, nhưng bao giờ ông cũng để cho chúng tôi quyết định. Hồi anh tôi lập gia đình, cha tôi chỉ hỏi anh: có thương yêu người ta thực không? Khi bên nhà gái có ý khó khăn, ông khăn áo tề chỉnh tới nói chuyện và mọi chuyện êm đềm... Cha tôi nói: có người nói ba có máu làm loạn, ba nghĩ cũng có lý, nhưng thực thì đâu phải với nghĩa xấu của nó, phải nói, ba là người bảo thủ mới đúng. Lúc trước, khi phải bày tỏ thái độ với một việc gì cũng có vẻ một người dữ dằn, nhưng sau rồi ông biến đổi, ông lặng im tức là thái độ của ông. Khi em tôi lên đường xuất ngoại, ông nằm trên giường cả tuần, ông lo lắng đủ điều, mẹ tôi nói ông khóc vì nhớ con. Lúc đó ông lo có lẽ ông không sống được cho đến khi người con gái độc nhất trở về. Hàng tuần cha tôi dành thì giờ ngồi viết thư cho con gái, ông thuật lại những chuyện trong gia đình, những vấn đề thời sự, ông nói với con như nói với một người bạn thiết, cùng đó ông khuyên con gái, ông nói: nó ở bên ấy đất khách quê người nhất định là buồn lắm. Hồi xưa ba có lúc trông tin nhà đến không ăn không ngủ được, một cái thư với người ở xa quý lắm. Viết xong thư ông ngồi đọc cho cả nhà nghe rồi ông thường nói với mẹ tôi: bà có gì nói với con gái thì nói, tôi làm thư ký cho. Ngủ trên đồi gió, xuôi thuyền uống rượu trên sông mùa đông lạnh, ngồi nhặt những bông gạo trong bếp mùa tháng mười... những hoạt cảnh đó cha tôi vẫn nói đến, còn chúng tôi, chúng tôi chỉ được nghe và mơ ước. Thời các con không vui như xưa, bây giờ sao đời sống buồn nản quá. Tôi cũng nhận thấy chừng như thế... Có lẽ cha tôi không qua được mùa xuân, chúng tôi thấy có một lo âu len vào nhưng với cha tôi, ông vẫn bình thường, chừng như cha tôi đã tự mình nhìn thấy một điều gì đó. Tôi mong được sống cho tới khi cây cầu bắc xong và con đường được mở rộng. Cây cầu và con đường rồi chúng tôi được ngang qua. Cha tôi nói: một bên những gia đình giàu có, một bên những gia đình lao động. Trên lý thuyết có người nghĩ nên phá khu nhà gạch đi, có bên nói để nguyên khu nhà gạch đó nhưng phải thay khu nhà lá bằng nhà gạch, có người thì nói: nó như thế rồi thì cứ để nó thế. Cha không nghĩ tới điều đó, cha nghĩ đến con người, việc chính là con người, mọi người tốt, công việc tốt thì những cái khác sẽ thay đổi. Khi không có ai làm việc với Tây với Tàu nữa thì họ chẳng làm cách chi mà cai trị được mình. Cái con người... Vì cái tháp Babel mà người ta bị làm cho ngộ nhận nhau, nhiều khi cũng nên tin như thế. Cha tôi thường nói tới những chuyện thực tế trong đời sống, chính con người và đời sống đó. Cha tôi không nói tới những điều mà theo tôi cuối cùng người ta đứng trước một hư không. Với tôi nhiều khi người ta phải đưa tới trước một sự khốc liệt nào đó, và khi đó con người mới có cơ hội nhìn thấy mình. Người ta chết rồi như thế nào, còn một đời sống khác không? Cha tôi đã khước từ một thay đổi được coi như tìm lại đức tin, tôi không hiểu sao về điều này, thực ra đối với tôi cũng là chuyện dửng dưng, tôi coi những giáo chủ chỉ là những nhà đạo đức. Chỉ có thế. Trước hết họ là người, một con người tốt. Và sau là những nhà đạo đức... Rồi cha tôi sẽ chết cũng như tôi, như mọi người, tôi nhìn thấy mốt tấm gương khác...

6.

Buổi sáng bắt đầu cùng với sự huyên náo ngoài con đường. Người chồng ngồi nơi chiếc ghế nhìn ra đường. Người vợ nói: Người ta làm đường thật rồi ông, nhưng làm dưới mé sông. Chiếc xe ủi đất máy nổ nặng nhọc hoạt động không ngừng. Người chồng nói: bà cho tôi ra hiên chút. Người vợ đỡ người chồng ra ngoài. Mé dưới gần bờ sông, nơi đang xây cất cây cầu những công nhân đang làm việc. Khi con đường dựơc mở rộng, cây cầu được bắc xong... Người chồng nói: ít ra tôi cũng có may mắn được nhìn thấy, có khi tôi sẽ thấy công việc xong nữa là khác... Nụ cười trên môi người vợ...

1969

Thiết lộ

Ông Tám rót thêm cho mình một lt đế nữa, tiếng nút cọ vào miệng chai thủy tinh thoát ra một âm thanh khô, khít. Chai đế đã vơi hơn nửa. Ông Tám nhủ thầm: sao hôm nay lão Tư không đến nhậu với mình, lão đã chán đến hay lại bệnh bất tử rồi... hay lão đã kiếm được đường đi khỏi như lão dự định, đi đâu, làm gì, mình già rồi, còn việc nào khác là việc bẻ ghi nữa, sức mình còn kham chi được nhiều... Ông Tám lẩm bẩm với mình, hôm nay không còn người bạn già để cùng nhau tâm sự, nói đi nói lại những câu chuyện đã nói không biết bao nhiêu lần, những câu chuyện thường bắt đầu: Lúc trước, khi xưa, hồi còn, ngày tôi mới lấy nhà tôi, tết năm...

Những vạt nắng cuối cùng leo lên những ngọn cây cao su phía trước, mấy tàu lá chuối óng ả vươn lên cao, sân ga trong buổi chiều hôm nay trông như hẹp hẳn đi, thùng chứa nước cũng như thấp xuống, chiếc thùng sơn đen như mốc, đã lâu rồi nó không còn được sơn sửa, nước mưa tràn đầy chảy xuống rì rả từ đầu mùa tới nay đã khiến cho một phía góc có chỗ hở nước chảy xuống tạo thành một vệt han gỉ, nhưng nay còn ai kiểm soát nữa đâu mà lo. Bốn con đường sắt song song với nhau ông Tám chỉ còn nhận ra một con thì cỏ cao bao phủ, phía ngoài những cây con đã mọc, chính những cây con và cỏ đã khiến ông tưởng như sân ga hẹp lại rất nhiều ông không còn nhận ra hàng rào thép gai phía trước, hàng rào mà những thời gian trước ông đã phải luôn luôn để ý đến nó vì từ phía đó những kẻ đi tàu lậu vẫn vượt qua, có một chỗ mà ông không sao ngăn ngừa được đã khiến cho trên khoảng sân ga có một con đường mòn, con đường những bà già, trẻ con thường vượt qua để vào bán quà bánh, trái cây nước trà, những khi có tàu đến ngừng lại trong chốc lát, bây giờ không còn ai vượt qua con đường ấy, không còn những đứa trẻ nhanh như chuột trốn chạy ông, không còn tiếng năn nỉ của những đứa nhỏ chậm chân khiến ông giữ lại của nó một ấm nước, một mẹt bánh, mẹt mía... ông Tám lơ đãng nhìn ra khoảng sân nhớ tới những con tàu đen nằm lại trong sân ga, tiếng máy ì ạch nặng nhọc, hơi nước và khói than nồng nàn, tiếng gọi nhau, tiếng rao hàng, tiếng gõ khô khan của những người kiểm soát con tàu soi đèn vào những chiếc vít, chỗ nối toa sau một đoạn đường dài con tàu đã chuyển động.. Bây giờ chỉ còn lại đó một sân ga cao cỏ và sự có mặt lếch thếch của gia đình kia. Lúc trước cảnh những gia đình đến ga này không ít, nhưng phần nhiều là những kẻ làm ăn thất bát, những người thất nghiệp đến đây làm phu đồn điều cao su, họ đến nhiều nhưng đi khỏi chẳng bao nhiêu, những lần thấy có người đi khỏi ông mừng cho họ, đất này độc, người ta đến và ở lại để chết vì bệnh tật, đời sống phu phen chẳng bao giờ tạo nổi cho họ một tương lai khá hơn. Gia đình này chắc cũng như vô vàn những gia đình khác. Họ có đi được không, ông mong họ may mắn. Thầy Ký vào nơi phòng nhỏ, chỗ có mắt cáo để bán vé, thầy lục lọi cái này cái khác, lấy chổi phất trần quét chỗ làm việc. Lúc sau ông xếp cũng đến, rồi mấy người lao công... thêm vào ông Tư, đó là tất cả nhân viên trong nhà ga này. Đã mấy tháng rồi họ đã đến đây không đều đặn, hôm đến hôm không, nhưng hôm nay họ đến đủ mặt và chừng như cố tạo lại sự bình thường, sự bình thường mà mỗi ngày trước đây họ phải làm. Thầy Ký ngồi vào chỗ bán vé, mở khóa ngăn kéo, lau kệ, rồi lấy thuốc ra châm hút. Ông Tám uể oải đưa chổi quét lần xi-măng trong khoảng phòng đợi, lối ra sân ga. Hai người lao công, anh Thịnh đứng lên chiếc cân như thử lại sự chính xác của nó, anh chăm chú nhìn chiếc cán cân thăng bằng sau khi điều chỉnh rồi kêu lên vẻ vui thích: Tôi lên được nửa ký. Anh Lạc leo lên chiếc thang lên dây chiếc đồng hồ nhin xuống nói: Mấy giờ rồi ta. Trong khi đó ông Xếp lau chiếc điện thoại trên bàn, xé những tờ lịch trên tường rồi ông ngồi thừ xuống ghế không biết làm gì tiếp...

Ông Tám già tợp thêm một ngụm đế. May mà còn đế nhậu nếu không thì buồn chết, ông nhớ tới thằng con, đứa cháu đích tôn mới được một tuổi, không hiểu hồi này bọn nhỏ ra sao, đến nửa năm rồi còn gì hồi ông xuống Mỹ Tho chơi với chúng được hai ngày, thế rồi thôi, chẳng được một lá thư của nó nữa, nếu có tàu ông đi Sài Gòn rồi xuống Mỹ Tho ông không mất một đồng bạc, bây giờ thì phải đi xe đò rồi, nhưng có đáng là bao nhiêu đâu, bình thường bây giờ chẳng ở đâu là xa hết, xe cộ dễ dàng và ngon lành nữa. Cái gia đình hồi sáng bây giờ ra sao, mong họ đã đến một nơi nào rồi trên đường tới Sài Gòn, ông thử tưởng tượng tới những trạm mà chuyến xe chạy qua nhưng ông không sao nghĩ được, đã rất lâu rồi có bao giờ ông đi trên con đường ấy đâu. Những đàn muỗi rừng, thứ muỗi cỏ cánh dài đã trở lại bay vòng vòng trên những ngọn cỏ, những cơn gió nhẹ thổi qua lay động những ngọn cây cao, vẻ lay động lặng lẽ cô tịch. Ông Tám nhấp một ngụm đế, cầm lấy miếng khế chua cắn một chút, cỏ và rêu đã mọc vào đến hiên ga, mai phải làm việc một chút mới được, để mãi trông nó hoang liêu quá, mà biết đâu chiều nay bỗng nhiên tàu chạy trở lại, nhìn thấy sân ga như thế này chắc các xếp không hài lòng? Ông Tám như nhủ thầm với mình, ừ biết đâu mai lại không có tàu chạy đến. Sáng hôm nay tất cả những nhân viên đều đã đến, ông cũng đã mở cửa nhả ga như mọi ngày, cầm cái chổi quét những rác rưởi, khi quét ông mới nhận ra rằng trong nhà đợi đã có một gia đình cư ngụ tại đó. Hai chiếc chiếu rách, một người đàn ông vàng vọt khô khẳng, một người đàn bà và hai dứa trẻ con. Ê nhà ga chứ đâu phải nhà tế bần các bồ. Người đàn ông khoác chiếc khố tải nói mãi mới ra tiếng: chúng tôi chờ tàu đi Sài Gòn chữa bệnh. Đi Sài Gòn, nghe thấy điều đó ông Tám bùi ngùi, ông lắc đầu: có tàu đâu mà đi Sài Gòn, không biết sao? Đôi mắt lo âu của người đàn bà: thưa bác không có tàu? Không có từ lâu rồi mà, không biết sao? Dạ chúng cháu ở trong đồn điền không biết. Ông Tám đưa mắt nhìn họ, chắc là họ ở trong đồn điền phía trong không biết những điều xảy ra ngoài này. Thôi kiếm xe đò mà đi, tàu thì đến bao giờ... Ông muốn nói cho họ biết việc đi ra khỏi đây không còn như những ngày trước nữa, ông Tám uể oải đưa chổi quét cho tới lúc sau ông thấy họ thu xếp đi. Ông hỏi đi đâu, người đàn bà bế đứa con trên tay: chồng con bệnh nặng phải về nhà thương ngay, chúng cháu ra ngoài lộ đón xe. Bây giờ họ đã lên được chiếc xe nào chưa, những xe dò họa hoằn mới chạy qua một lần, hay bây giờ họ còn đứng đợi ngoài quốc lộ. Ông Tám không muốn nghĩ tới nữa. Ông đã nhìn theo họ thương hại, sao ông lại không nói hết cho họ hay, sao không nói để trở lại nơi làm việc của họ, sao không nói họ ở lại, biết đâu mai này có tàu, những biết đâu mà ông đã nghĩ đến không biết bao nhiêu lần... Lúc nãy thầy Ký bán vé tàu đến, hai người bắt tay nhau, ông Tám đã nói: Đáng lẽ sáng nay ông có việc rồi đó. Thầy Ký nhìn ông: Việc gì? À một gia đình định mua vé đi Sài-gòn? Cả hai người phá lên cười, thầy Ký hỏi: Họ đâu rồi? Tôi nói không có tàu nên họ ra ngoài đón xe đò. Ông Tám nói xong định cười nhưng ông không cười được khi nhớ lại cảnh gia đình người phu lếch thếch lo âu kéo nhau đi ra quốc lộ với hy vọng tìm được xe trở về Sài Gòn. Sài Gòn, với cái tên gọi đó bỗng trở thành xa lạ với ông, nó không còn là một nơi gần gũi mà nếu ông muốn ông có thể đến đó một cách dễ dàng như trước. Mong cho họ đã đến được Sài Gòn, nhưng ngay sau đó ông không tin điều ông mong ước đã trở thành sự thật với gia đình người lạ mặt kia.

Mỗi lúc ông Tám một thấy chất rượu như ngọt thêm nơi đầu lưỡi, đầu óc mỗi lúc như thấy một mờ tối đi cùng cảnh vật ngoài trời. Không say thì còn biết làm gì nữa, không biết vợ chồng thằng Hai ra sao, đứa cháu nhỏ nữa, sao ông thấy nhớ chúng quá, có cách nào cho chúng có thể tới đây hay ông có thể tới ngay bên chúng nó lúc này, nếu được vậy ông sẽ bắt thằng hai đi kiếm thêm vài xị nữa, làm một con gà xé phay ra rồi cha con cùng nhậu, nó cũng là một thằng nhậu được lắm, nó có những thằng bạn trong lính cũng là sâu rượu chứ ít gì, ông vẫn thường nói với nó: con trai phải biết nhậu nhưng không được bê bối, nhậu cho vui, cho khuây khỏa chứ không được mượn rượu mà làm chuyện bậy bạ, không thể nói say mà làm thế này thế khác, không thể mượn rượu mà chửi bố người ta, say nhưng sao không chửi bố mình mà lại cứ nhè bố mẹ người ta mà chửi. Như thế là bá láp, tầm bậy, đó là điều ông Tám không tha thứ cho ai được. Nhậu nhẹt, tán dóc, cười vui rồi ngủ, đó là điều ông vẫn nói với thằng con của mình không được mượn rượu mà la mèo mắng chó làm khổ vợ con. Những ngày ở với ông xem ra thằng Hai cũng biết điều lắm, chúng nhậu mà không bao giờ làm ông phiền lòng, lúc làm việc thì làm việc, khi chơi thì cho ra chơi, đó là điều khiến ông yên tâm và hài lòng về nó, không hiểu hồi này nó ra làm sao, ông không được biết một tin gì của nó cả. Ông Tám thấy má mình ướt không biết có phải mình đã khóc không.

Ông Tám ngồi im lắng nghe những tiếng động chung quanh. Tiếng một con chim rừng nào đó lẻ loi ngoài rừng cây. Chòi nước sơn màu hắc ín những dây leo bám quanh. Đoạn đường sắt cụt dành cho những đầu máy vào lấy nước đã um tùm những cây cao hơn đầu người. Những vạt nắng cuối cùng leo trên những ngọn cây xanh tối mù đục hơi sương. Ông Tám lấy từ trong túi ra gói thuốc rê bọc trong lần lá chuối đã vàng héo. May mà ở đây người ta còn trồng được thuốc, nấu được rượu, nếu không thì ông cũng đến tìm cách mà rời khỏi dù bằng cách nào đi nữa. Nhưng dù vậy những điếu thuốc đã không còn được ngon như trước, vì thứ giấy cuốn đã không còn là thứ giấy mỏng mà ông đã phải dùng tới những tờ giấy dầy, nhiều khi là những tờ giấy xé ra từ một cuốn vở viết, mùi giấy hôi át đi mùi thuốc thơm dịu. Ông Tám ngạc nhiên nhìn ra, ông cố gắng vận dụng mắt để nhìn xem ai đang đi lại phía ông, à lão Tư, tưởng là hôm nay lão không đến, phải rồi lão phải đến chứ, còn ai nữa đâu trong cái nhà ga khốn kiếp này. Qua khói thuốc ông Tám nhận thấy ông Tư đã đứng lờ mờ trước mặt :

- Sao bồ, tưởng bồ không đến, tôi nhậu một mình chán quá. Làm mấy ngụm chơi.

- Không đến sao được, nhưng kẹt...

- Kẹt gì vậy, bà xã làm khó hả?

Ông Tư cười lớn vẻ khoái trá, ông ngồi xuống bên cầm lấy chiếc ly không của ông Tám rót phần ba ly đưa lên môi tợp một ngụm, ông tép tép môi lấy một miếng khế nhấm nhấm.

- Kẹt quá ông ơi, thằng con tôi nó tính bỏ đi khỏi đây, nó kêu chịu không thấu nữa. Tôi cố bảo nó ráng chịu đựng ít lâu, chẳng lẽ mãi như thế này được sao nhưng nói gì nó cũng không chịu, nó tính đi khiến cho bà vợ tôi khóc tùm lum hết, bà sợ khi bà chết không có nó ở bên, thật thời buổi kỳ quá, bỗng nhiên mình như bị đày...

Ông Tám thở dài như thông cảm với tình cảnh người bạn già.

- Nhưng làm cách nào mà nó đi được, ngó bộ nó muốn chết sao, chẳng gì bây giờ nó cũng lớn rồi, nó mà leo xe đò là thế nào cũng bị bắt đi, đi mà không biết tung tích gì cả.

- Mình nói với nhau thì dễ chứ với bọn nó thì ông ơi, ông biết đó... cái hồi thằng con ông lấy vợ ông có nói được nó không...

- Chuyện lấy vợ khác, chuyện này can hệ cho mạng sống nó chớ.

- Vậy rồi, nhưng mình nói mà bọn chúng không nghe thì biết làm sao đây, thật rầu thúi ruột...

Ông Tư rót thêm một ly nữa và uống cạn, ông Tám lặng thinh. Bọn trẻ thật là khó chịu, giá hồi đó nó không cưới vợ thì ngày nay đã được sống với nó, nhất là ông muốn cưới cho nó một con vợ ở ngay đây, như vậy thì bố con đâu phải xa nhau, nhưng nó đi đây đi đó, rồi nó thương nhau biết làm sao mà ngăn cản. Cái hồi đó ông đã buồn nhưng thấy con vợ nó cũng khá nên ông cũng bằng lòng vậy, nếu không có lộn xộn thì cũng không đến nỗi nào, lâu lâu ông xuống thăm chị sui, anh chị ấy cũng chẳng có con cái nào khác ngoài vợ thằng Hai nên chúng nó cũng được nhờ, nhất là đứa cháu trai, có người bảo ông không sợ mất con mất cháu sao, ông nghĩ mất sao được gì thì nó cũng vẫn là con mình, mà mình nuôi có chắc gì nó đã sướng như người ta nuôi nó. Xa nó ông buồn nhưng trông thấy nó không phải khổ là ông vui lòng rồi.

Hai lão già ngồi im nhìn ra khoảng sân ga vắng lặng, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua lay động những ngọn cỏ cao úa vàng, xưa kia trên khoảng sân đó vào những buổi chiều như thế này khi những chuyến tàu sắp ngang qua sân ga ồn ào náo nhiệt với những hành khách, những người bán quà bánh, những đứa trẻ bán nước, bán những khẩu mía cắm lên đầu những cái tăm túa ra từ một thanh tre nhỏ, cùng đó mùi khói than nồng nực và những tiếng động kéo níu, tất cả chừng như đã dời khỏi sinh hoạt phân tán đi mọi nơi, những đầu máy, toa xe chỉ còn chạy trên những quãng đường ngắn, nằm trong những nhà ga không còn sinh hoạt, ông Tám nói :

- Ông có nghe chuyện ông thanh tra cùng phái đoàn đi coi đường sắt không?

- Không.

- Tôi nghe họ nói lại kỳ lắm, phía đường ngoài muốn tái thiết cũng còn lâu. Đoàn quan sát ngồi trên trực thăng suốt từ Sài Gòn ra tới ngoài, dọc theo đường sắt cho thấy nhiều quãng đường đã bị phá hoàn toàn, nhiều cây cầu đã bị sập, có nhiều đoạn đã trở thành những ruộng ngô, ruộng sắn.

- Nghĩa là đường sắt, tà-vẹc bị mang đi luôn?

- Hẳn là vậy.

- Kỳ nhỉ, vậy rồi làm sao?

- Thì làm lại.

- Thật là nhảm, làm cho được đâu phải dễ gì, mất bao công sức, thật tôi không hiểu được.

- Mình nghĩ vậy và cho là đúng, nhưng người ta không nghĩ vậy. Kể cái hồi đầu tiên người ta làm con đường này cũng kinh, chắc là khối người chết. Này hồi trước ông đã có dịp đi một chuyến nào suốt cho tới ngoài Bắc không?

- Chưa bao giờ, cũng có lúc tôi nghĩ tới một lần đi như thế, nhưng chưa, và chắc không còn dịp để làm nữa, sợ tới lúc mình chết vẫn còn loạn, ông ngó coi từ hồi nào đến giờ có bao giờ yên đâu, hết thế này lại thế khác, có người nói có khi mình chết hết, chết mà trả cái nợ đã diệt người Chàm của tổ tiên mình...

Giọng nói khề khà chếnh choáng, hai ông già vừa uống vừa nói những chuyện này khác, không liên lạc gì với nhau. Trời đã tối hẳn, ông Tám nhìn về phía nhà mình, một ngọn đèn cháy leo lét bập bùng nơi giữa nhà thấp thoáng trong đó bóng vợ ông đi lại. Ông Tám hình dung ra con đường xe lửa ông đã từng ngang qua, bây giờ bỗng nhiên có những nơi không còn dấu vết gì nữa, những ruộng ngô, những rẫy sắn, những căn nhà được dựng lên, không còn một con đường, không còn những liên lạc ngang qua... Đó là điều không thể nghĩ ra được. Như vậy rồi đây làm sao để người có thể đi từ nơi này tới nơi khác. Có người nói với ông không phải chỉ những con đường sắt, mà những con đường khác cũng đã không còn là những con đường mà có khi nó đã trở thành một con sông, con lạch, những cái hồ... Biết đâu, tới một lúc nào đó nhà ga này cũng không còn là một nhà ga, và ông sẽ phải đổi sang làm một công việc khác, ông có thể làm được việc gì. Ông Tám nói :

- Này, ví dụ rồi không bao giờ có xe lửa, rồi ngành hỏa xa giải tán thì ông làm gì?

- Làm gì mà không được, chết chóc gì mà ông phải lo, đến lúc đó hãy hay.

Ông Tư vừa nói vừa cười với người bạn già. Nụ cười thanh thoát tưởng như của một người đã hoàn toàn hài lòng với đời sống, ông đứng lên nhìn người bạn già trong bóng tối nhờ nhờ của buổi tối :

- Thôi tôi về nghe, làm mấy ngụm rồi về ngủ một giấc, thế là được rồi. Để mai tôi nói làm một con gà nhậu chơi...

Ông Tư bước đi chếnh choáng, chợt ông ngừng lại nhìn chăm chú ra ngoài cửa nhà ga, phía ngoài hàng cửa sắt. Ai đi ngoài đó trong đêm. Ông Tám thấy ông Tư đứng lại với dáng điệu chăm chú vội hỏi :

- Gì đó ông Tư?

Ông Tư vẫn đửng im, một tay ra dấu cho ông Tám im lặng. Ông Tám vội đứng lên đi lại phía người bạn già. Ông đã nhận ra gia đình người phu buổi sáng tới chờ tàu đi Sài Gòn.

- Vậy mà tưởng gì.

- Tôi tưởng đâu...

- Mấy người buổi sáng tôi đã nói với ông đó, họ không đón được xe về dưới.

Người đàn ông khăn trùm kín đầu, bước đi không vững tựa tay lên vai người vợ đang bước lên khỏi những bậc gạch nơi cửa nhà ga, đứa nhỏ theo sau. Trong bóng tối đám người như những bóng ma hiện hình chập chờn trở lại một cõi nào. Ông Tám buột miệng :

- Tội nghiệp...

Ông Tám đi lại gần nơi cửa :

- Không kiếm được xe sao?

Giọng người đàn bà mếu máo :

- Chúng cháu chờ suốt từ sáng tới giờ mà không có chuyến xe nào... cụ cho chúng cháu ngủ lại đây mai chờ xe...

Người đàn ông ngồi nơi nền xi-măng đưa bàn tay run rẩy lên cố vạch mép khăn nơi mặt nhìn lên, chừng như người đó nói gì nhưng không ai nghe thấy. Đứa nhỏ trên tay người vợ khóc, tiếng khóc nghe mềm nhệu như tiếng con mèo bệnh. Ông Tám lần trong thắt lưng kiếm chùm chìa khóa, ông lần chuỗi dây xích, tiếng sắt kêu khô khan, ông mở khóa, kéo cánh cửa rồi nói :

- Thôi vào trong này mà ngủ, ở ngoài ấy gió lắm. Bây giờ không có tàu, xe cũng khó lắm, khó mà về dưới đó được, tôi đã bảo mà, khó đi khỏi đây lắm, nếu đi được thì tôi đã đi thăm thằng con tôi, hóa các người sống ở trỏng không biết gì sao?

- Dạ không, chúng cháu tưởng cũng như ngày xưa...

Người đàn ông được vợ đỡ cho đứng dậy, anh ta vịn một tay vào tường, chân lết đi, đứa nhỏ theo sau kéo một cái túi vải nhỏ. Ông Tư lặng lẽ bỏ đi. Người đàn bà trải chiếc chiếu rách vào sát tường phía trong cho người chồng ngồi xuống, chị cũng ngồi xuống bên, chị mở ra một gói cơm đưa cho đứa nhỏ trong khi nựng đứa bé trong lòng. Tiếng ru của người mẹ nghẹn ngào như muốn khóc, ông Tám ra đứng cửa. Ông nghe thấy tiếng súng vọng từ xa, tiếng nổ vang lên trong không khí tịch mịch...

1966

Trên đường dài

Nàng vừa bước lên khỏi cửa, chiếc xe đã vọt chạy, nàng kêu lên sợ hãi, hai tay giữ chặt lấy thanh sắt vịn gắn trên trần xe, tôi nhìn thấy nàng với nét mặt tươi cười nghịch ngợm. Xe bắt đầu chạy êm, nàng men theo những dãy ghế, nhìn khắp xe chỉ còn một chỗ bỏ trống ngay bên tôi, ở phía trong, chiếc ghế của một thanh niên đã xuống ở dọc đường khi xe ghé vào thị trấn phía sau. Tôi mỉm cười và đổi chỗ ngồi sát vào phía cửa xe. Khi nhìn lên tôi thấy nàng mỉm cười và đang bước lại. Nàng nói :

- Cám ơn anh.

Tôi mỉm cười không nói gì nhìn ra ngoài cánh đồng, mùa lúa vàng trải rộng với nắng rực rỡ và bầu trời xanh trong. Xe chạy mỗi lúc một nhanh hơn trên quốc lộ phẳng phiu, hai bên không có một làng xóm, thỉnh thoảng có một chuyến xe chạy ngược chiều với tiếng còi mất nhanh như một tiếng nhấn. Buổi chiều này tôi đã có mặt ở Sài gòn, tôi hình dung tới phố xá vào chiều thứ bảy sau một tháng xa Sài gòn với những ngày dài lang thang nơi những thôn xóm trong vùng châu thổ. Lòng xe không có tiếng người, một số đang thiếp ngủ với chuyến đi mệt nhọc, những người thức như đang mải nhìn cánh đồng lúa ngoài cửa xe. Thiếu nữ ho vì sặc khói thuốc, tôi nhìn lại, nàng đang mở chiếc ví lấy chiếc khăn tay trắng ra chấm lên mắt, đôi bàn tay trắng với những ngón dài với móng tay hồng ửng như những búp hoa, chiếc nhẫn cưới nhỏ làm cho tay nàng có một vẻ đẹp giản dị. Nàng bỏ khăn xuống, nhìn lên lấy một bàn tay quạt trước mặt như cố gắng đuổi những làn khói thuốc từ phía trước tạt xuống, khói thuốc lá đen làm cho tôi cũng thấy khó chịu muốn ho. Tôi nói :

- Cô có muốn đổi chỗ không?

Thiếu nữ nét mặt hơi nghiêm lại :

- Khói thuốc tôi không quen, có phiền anh không?

- Không, tôi quen với khói thuốc.

Nàng cười :

- Anh cũng là dân ghiền...

- Dạ, tôi ghiền nặng...

Tôi vừa nói vừa gật đầu. Tôi dợm người đứng lên, nàng vội vàng cầm lấy cái ví rồi đứng lên ra ngoài cho tôi ra trước khi nàng đổi vào ngồi trong ghế sát cửa xe. Nắng bắt đầu hắt vào xe khi con đường đổi chiều. Tôi nói :

- Tôi biết ngồi ngoài sắp bị nắng.

Thiếu nữ gúc đầu, mắt mở lớn :

- Anh thuộc từng khúc đường.

- Tôi là bạn của những con đường.

Thiếu nữ cười. Tôi nghe thấy tiếng cười nhỏ của nàng :

- Sao cô lại cười?

- Tôi tưởng đó là một câu thơ.

- Tôi không phải là thi sĩ.

- Vậy chắc anh có nhiều bạn đường lắm.

- Dạ...

- Như vậy chắc cũng nhiều bạn đường đời lắm.

Nói hết câu nàng ngoảnh mặt ra ngoài cửa xe, tôi mường tượng tới nét mặt tươi cười nghịch ngợm của nàng.

Tôi không nói tiếp lấy thuốc ra hút. Như ngửi thấy mùi thuốc nàng quay lại, vẻ ngạc nhiên. Nàng nói :

- Mùi diêm thơm phải không anh?

- Nó giống mùi pháo...

- Pháo, tôi không biết mùi pháo...

- Em đi pháo đỏ rượu hồng. Em đi lấy chồng...

- Anh lại làm thơ?

Tôi cười :

- Cô không biết pháo đỏ rượu hồng sao?

- Không, tôi không biết.

- Tôi không tin.

Đôi mắt nàng tình tứ im lặng. Xe chạy qua một cây cầu đang được sửa chữa. Khi xe qua khỏi cầu nàng nói :

- Anh biết pháo đỏ rượu hồng?

- Tất nhiên.

Thiếu nữ nhìn tôi rồi nhìn sang tay tôi, tôi như biết ý cố để lộ rõ hai bàn tay ra ngoài.

- Tôi biết cô muốn tìm kiếm cái gì.

- Anh biết tôi tìm gì?

Tôi đưa tay vào túi áo lấy ra một cái ví, tôi cầm lên nói :

- Nó ở trong này.

- Cái gì ở trong này?

- Cái cô tìm kiếm.

- Không, tôi chẳng kiếm gì cả.

Tôi bỏ ví vào túi và tiếp tục hút thuốc. Chuyến xe chạy nhanh trên lộ trình còn lại. Tôi cười với câu chuyện bâng quơ vừa diễn ra với người bạn đường. Những di chuyển liên tục, nhiều quãng đường quen thuộc tới nhàm chán đã khiến cho những lần di chuyển của tôi nhiều khi trở thành sốt ruột, những con đường của lần di chuyển thứ nhất, hoặc thứ hai như ngắn lại với những mới lạ chung quanh, nhưng sau đó, nó trở thành thường và nó không còn làm tôi chú ý tới. Tôi mong cho sớm, cho mau tới nơi đã định. Nhiều chuyến đi tôi ngủ liên miên trên dọc đường và có khi người phụ xe phải nhắc tôi khi tới bến. Và để cho thời gian mau hết, con đường ngắn lại, tôi thường bắt chuyện làm quen với những người cùng trên một chuyến đi, những câu chuyện dọc đường nhiều khi làm tôi ngạc nhiên, có người đã bỏ hết lộ trình để cùng đi với tôi. Nhưng tôi chưa gặp một người thiếu nữ nào có vẻ tinh nghịch như chuyến trở về này. Mái tóc dài vấn để lộ vòng cổ cao trắng ngần, dáng người thon nhỏ trong chiếc áo dài màu xanh lam, màu áo đậm đó càng khiến cho da nàng trắng thêm.

Xe đã tới chiếc cầu chạy một chiều, xe dừng lại chờ đợi, hàng quà bánh bu lại nơi những cửa xe. Tôi với người ra mua một gói mía, nàng cũng mua một gói. Tôi nghĩ hẳn nàng sợ tôi mời ăn chung. Tôi nói cho có chuyện khi thấy những trái thơm được đưa lên cao và lời mời chào :

- Thơm ở đây ngọt lắm, cô có thể mua làm quà.

- Dạ, sao anh biết rõ thế.

- Tôi đã nói rồi: tôi là bạn của những con đường mà.

- Vậy anh có bao giờ gặp bạn đồng hành như tôi không?

- Có, nhưng thường thì họ xuống ở dọc đường, không ai đi tới cuối đường như cô.

- Anh nghĩ tôi đi tới cuối đường?

- Vậy cô sẽ xuống ở dọc đường sao?

Nàng không nói, mỉm cười vẻ tinh quái.

Xe đã bỏ những người bán hàng lại, người phụ xe nhấc hành khách tắt thuốc không xả rác xuống cầu. Khi xe đổ dốc ở phía bên kia, tôi nói :

- Cô có biết cây cầu vừa qua có bao nhiêu cột sắt không?

- Không, anh biết có bao nhiêu?

- Bốn mươi hai.

- Tôi không tin anh đếm đúng.

Nàng nhìn sang tôi vẻ hoài nghi. Tôi nói :

- Không tin tôi xuống xe với cỏ, mình đi bộ qua cây cầu.

- Đi ngược lại?

- Đi ngược lại rồi đi xuôi.

- Anh không nói đùa chứ. Nhưng tôi sợ...

- Sợ tới nơi muộn.

- Không phải. Tôi sợ lính họ giữ mình lại.

- Lính sao lại giữ người qua cầu.

- Vậy mà tôi sợ, vì họ thấy mình qua cầu hoài tưởng mình sắp tự tử.

- Tự tử, ai điên gì tự tử.

- Anh cứ tưởng người ta điên mới tự tử sao? Không đâu, có lúc tôi nghĩ chính mình điên mới sống, người ta chẳng hề điên khi tự tử.

Tôi mở lớn mắt vẻ ngạc nhiên :

- Vậy cô đã...

- Anh coi xem, tôi có thể là người đã tự tử không?

Tôi lắc đầu :

- Không thể, cô có vẻ một người yêu đời, không phải là một người sầu đời.

- Anh quên tôi mới nói sao: chính yêu đời người ta mới tự tử.

- Tôi không tin thế.

- Anh là người yêu đời và chưa bao giờ tự tử?

- Đúng thế. Yêu đời khiến người ta không muốn chết. Tồi biết thường người ta tự tử vì lầm lẫn, nên ít có ai tự tử lần thứ hai. Tự tử một lần rồi thường người ta yêu sống hơn ai hết.

- Vậy thì nên tự tử một lần cho biết và để được sống yêu đời hơn?

- Nhưng không may chết thật thì sao?

- Chết thật thì thôi, ăn nhằm gì.

Giọng thiếu nữ đầy bông đùa. Tôi nghĩ hẳn nàng phải được sinh trưởng từ một khung cảnh gia đình tự do, con cái đối với cha mẹ khác với những gia đình Việt Nam khác. Câu chuyện bâng quơ mỗi lúc một khiến tôi như bị đẩy vào một sự thích thú. Tôi không nghĩ nàng đã từng tự tử. Tôi nói :

- Có thích đọc tiểu thuyết không?

- Hồi nhỏ tôi mê tiểu thuyết tình.

- Những chuyện tình ngang trái, như những lá ngọc cành vàng chẳng hạn.

Nàng cười :

- Hồi đi học tôi thương cô Loan của Nhất Linh.

- Bây giờ?

- Bây giờ tôi lớn rồi.

- Cô nghĩ chỉ khi còn nhỏ người ta mới mê tiểu thuyết?

- Lúc nhỏ, lúc còn thơ ngây người ta dễ bị lừa dối hơn.

- Tôi nói tới tiểu thuyết mà.

- Dạ, tiểu thuyết.

Tôi cười :

- Hình như cô thiền rồi.

Nàng mở lớn mắt rồi hơi cau lại :

- Thiền rồi, tôi không hiểu ý anh?

- Tôi muốn nói bây giờ cô tỉnh rồi, cô đạt rồi... nghĩa là cô không còn bị lừa dối nữa.

- Hình như người ta thích được lừa dối hơn, phải thế không?

- Tôi không biết về điều này.

Chuyến xe đang chạy men theo một con kinh lớn, những hàng dừa xanh soi bóng xuống mặt nước phẳng những cây cầu khỉ bắt qua ẻo lả, trưa nắng gần như không có người qua lại, thỉnh thoảng tôi mới thấy một chiếc ghe chạy qua với tiếng máy nổ giòn giả.

- Cô lên Sài Gòn thăm bà con.

- Vâng, nhà tôi ở dưới tỉnh.

- Thích nhỉ, chiều nay thứ bảy, tối nay cô đã có thể ngồi ở trong một phòng trà nghe nhạc, sáng mai đi dạo, ăn sáng, coi xi-nê, tuần này không biết có phim hay không?

- Anh xa Sài Gòn đã lâu?

- Hơn hai mươi ngày.

- Và anh cũng đã có hẹn.

Tôi cười, lúc sau tôi nói :

- Chắc bạn của cô ở trên đang chờ?

- Vâng, anh ấy dang chờ...

Nói hết câu, nàng mỉm cười một mình, nhìn thẳng về phía trước. Tôi nói :

- Vợ chồng sống xa nhau lâu lâu gặp lại chắc thích hơn, ở mãi một bên chán lắm.

- Tại sao lại chán?

- Vì quá quen thuộc.

- Vậy nếu anh đã có vợ, anh nên coi chừng, nếu anh chưa có vợ thì anh đừng lấy vợ.

- Cô giải thích cho tôi nghe lời khuyên của cô.

- Anh có bao giờ nghe chuyện người đàn bà đau đớn khi sinh nở không?

Tôi cười cười :

- Có, nghe nói đau lắm.

- Nhiều người chết vì sinh nở nữa.

- Phải, có hồi tôi ở gần một nhà hộ sinh và từng nghe người ta kêu gào, có người kêu cả tuần mới hết, khiếp nhỉ, trách nào có câu: đau như đau đẻ.

Thiếu nữ che miệng cười.

- Vậy mà chẳng có ai chỉ sinh một lần, người ta tiếp tục sinh, sinh năm một, sinh hàng mười đứa con, trong khi đó vừa kêu đẻ đau, vừa kêu khổ vì nhiều con cái...

Tôi không nhịn được, bật cười lớn và tôi thấy nhiều người trong xe quay lại nhìn tôi. Tôi đổi hướng câu chuyện :

- Chắc lần này cô lên ở luôn trên Sài Gòn?

- Không, tôi lên độ tuần lễ rồi về. Chồng tôi dạy học ở trên đó.

- Để cho ông ấy một mình cô không sợ có người bắt cóc sao?

Thiếu nữ cười :

- Giữ ngay bên mình mà người chồng lang chạ thì cũng chịu. Anh có thấy vậy không?

Tôi gật đầu. Nắng buổi chiều đang xuống dần, vì thế nắng càng hắt nhiều vào trong xe, thiếu nữ phải kéo cửa lên cho khỏi nắng. Chuyến xe bỗng chậm lại rồi đứng, tôi nhìn về phía trước: có nhiều xe đang nối đuôi nhau, hành khách túa xuống đường, người tài xế hỏi những người bạn cùng nghề, câu chuyện cho biết phía trước không xa có giao tranh gần quốc lộ khiến cho xe cộ không thể chạy được, nhiều người trên xe nóng ruột bàn tán, thiếu nữ im nghe mặt không lộ vẻ gì, tôi nói :

- Cô có lo không, chắc ông ấy ở Sài Gòn đang nóng ruột.

- Còn anh?

- Tôi, tôi quen rồi, nhiều khi tôi kẹt lại hàng tuần lễ vì những chuyện như thế này.

Thiếu nữ không trả lời vào câu hỏi, nàng thường có một cách thức riêng để thoát ra khỏi những câu chuyện, sự lẩn tránh làm cho nàng thêm linh động và bí ẩn. Tôi lấy ví tìm chiếc ngoáy tai nhưng không thấy, nhìn thấy cái nhẫn nhỏ, tôi cầm ra lồng vào ngón tay. Thiếu nữ nhìn vẻ thản nhiên. Tôi nói :

- Tôi sợ cô hiểu lầm.

- Hiểu lầm, tôi không hiểu ý anh.

- Tôi chỉ còn có một cái duy nhất.

- Anh có nhiều cái cất trong ví.

Tôi mở rộng ví, đưa về phía nàng :

- Thật tình tôi chỉ còn có một cái.

- Nhưng trước kia?

- Phải, trước kia tôi có nhiều.

- Để làm gì?

- Để tặng.

Cô gái nghiêm nét mặt. Nàng không nói tiếp mở cửa xe ngó xuống đường. Ngồi trong khi xe không chạy khiến tôi cũng khó chịu, tôi đứng lên xuống khỏi xe. Lúc sau tôi thấy thiếu nữ cũng xuống và đi thơ thẩn ven bờ ruộng vẻ thư thái.

Tôi dời mép ruộng ngắt lên một bông lúa non, mùi lúa thơm tươi dịu dàng, cánh đồng rộng mút mát, chỉ ở miền Nam này mới có thể có ruộng cò bay thẳng cánh. Thiếu nữ đến nơi, tôi nói :

- Ruộng đất của ai sao nhiều quá, hẳn phải giàu ghê lắm...

- Giàu, con gái nhà giàu cực lắm anh. Cha tôi cũng có nhiều ruộng như thế này.

- Tôi chỉ thấy nghèo là cực.

Thiếu nữ cúi xuống nhặt một viên đá ném vào ruộng lúa, một con chim nhỏ từ dưới bay vụt lên. Nàng nhìn theo với nụ cười.

- Hồi bấy giờ nhiều người theo tôi, nhiều người cậy mai mối tới xin cưới tôi... tôi thấy rõ họ tới vì nhà tôi giàu, và tôi kinh sợ... Người ta yêu ruộng, yêu tiền của...

Thiếu nữ ngừng lại, mặt như tối đi, đây là giây phút thứ nhất tôi nhận thấy một thoáng buồn trên mặt nàng. Hình như nàng thở dài sau câu nói. Đoàn xe vẫn nằm im tắt máy, nhiều người buồn chán ngồi xuống ven đường, có xe đã sang khách và quay đầu trở lại, nắng mỗi lúc một dịu xuống cùng với gió lộng trên cánh đồng, những ngọn lúa vàng từng lúc cúi rạp theo chiều gió với tiếng reo vui. Tôi thấy không thể chờ đợi tiếp, sau khi hỏi người tài xế, tôi lấy hành lý sang xe quay trở lại.

Thiếu nữ nói :

- Anh quay lại.

- Tôi không chờ được, tôi về thị trấn gần nhất nghỉ qua đêm chờ mai sớm cho khỏe, đằng nào cũng kẹt rồi.

- Anh cho tôi đi theo với.

Tôi ngạc nhiên, thấy tôi có vẻ ngần ngại, thiếu nữ nói :

- Có phiền cho anh không?

- Không, nếu cô thích.

Chúng tôi trở lại thị trấn nhỏ ở phía sau đó, khách sạn hết phòng khiến chúng tôi phải ở chung một phòng ngó xuống con sông rộng nước đục và nhiều ghe thuyền. Sau khi rửa mặt, thay quần áo chúng tôi khóa cửa phòng xuống thăm thị trấn nhỏ trước khi vào một quán ăn.

Trong lúc ăn, thiếu nữ nói :

- Chắc người ta tưởng tôi với anh là vợ chồng.

Tôi không nói im lặng ăn. Quán vắng nằm trên bờ sông, một phần được làm hẳn ra ngoài mặt nước, ghe thuyền qua lại không ngừng, dòng nước đục luôn luôn cuộn sóng. Thiếu nữ nhìn ra mặt sông với vẻ ưu tư :

- Chắc cô nghĩ tới quê nhà?

Nàng quay lại mỉm cười :

- Tôi nhớ lại lần tôi đã nhảy xuống dòng nước giống như thế.

Tôi ngạc nhiên :

- Cô đã tự tử?

Nàng gật đầu :

- Nhưng tôi biết tôi không thể chết, tôi phải có thái độ quyết liệt như vậy để lấy được người mình yêu.

- Cô đã thành công?

- Tất nhiên. Ngày cưới, cha tôi gọi tôi vào phòng riêng nói: con đã quyết định theo ý con, con không nghe theo ba, con hãy nhớ: sướng hay khổ con phải chịu lấy, con đừng trách ba đã không lo cho con. Tôi đã ôm lấy ba tôi mà khóc vì ba đã chiều theo tôi, tôi cũng nhủ thầm tôi sẽ có được hạnh phúc như tôi mong ước. Người yêu của tôi, tôi thấy là một người lý tưởng, một người mà tôi thầm ước. Tôi hài lòng...

Giọng thiếu nữ say mê như sống lại những ngày tháng cũ trong đời mình. Tôi nói :

- Yêu nhau, lấy nhau, tôi thấy người ta thường có hạnh phúc.

Thiếu nữ không nói tiếp ngó ra dòng sông, lúc sau nàng quay lại hỏi :

- Anh có biết trường V.H. không?

- Có, tôi cũng có mấy người bạn ở đó. Người yêu của cô dạy ở đó sao?

Nàng gật đầu :

- Tôi có đến trường một lần và đọc thấy hàng chữ: Lương Sư Hưng Quốc... Làm một người tốt, làm một người hữu dụng, ai cũng muốn thế, chắc anh cũng muốn thành một người tốt, một người chồng lý tưởng một công dân... phải thế không? Anh cũng từng nói với người yêu của anh như thế, nào là lý tưởng, nào là... Chồng của tôi cũng thế. Anh ấy nói đủ hết, và ngay trong đêm tân hôn anh ta hỏi tôi: ba má cho mình bao nhiêu tiền, mua xe hơi cho mình chưa, mình được bao nhiêu ruộng.

Thiếu nữ ngừng lại uống một miếng nước rồi nói tiếp :

- Lấy chồng, tôi đã tự quyết định, vì thế tôi đã từ khước mọi thứ mả ba má tôi cho, tôi nghĩ tiền bạc không cần cho tình yêu. Tôi nói lại với anh ấy. Anh ấy ngạc nhiên, có vẻ không tin và lập tức đi lục lọi hết tất cả, bới tung hết các va-li. Nào có gì đâu, tôi chỉ mang theo những quần áo thường có. Anh ta kêu lên, điên thật, như thế lấy tiền đâu chơi bài, lấy tiền đâu chơi cá ngựa... Anh hiểu chứ.

Thiếu nữ nhìn tôi, đôi mắt như hơi đỏ lên. Tôi lặng đi.

Sau bữa ăn thiếu nữ ra đứng ngoài lan can nhìn xuống dòng nước. Tôi đứng bên nói :

- Cô không có ý định tự tử chứ?

- Tôi đã nói với anh, yêu đời người ta mới tự tử được.

- Vậy cô còn lên Sài gòn làm gì?

- Tôi mang tiền bạc lên.

Tôi ngạc nhiên :

- Cô nghĩ tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc cho cô.

- Tôi đã về xin tiền ba má tôi, không phải thế, tôi cần tiền để nhờ luật sư xin ly dị...

Thiếu nữ mân mê cái nhẫn cưới nơi ngón tay, tôi mỉm cười :

- Cô vẫn còn thích cái nhẫn?

Tôi tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay cất vào trong ví. Thiếu nữ hỏi :

- Sao vậy?

- Như vậy cho được yên tâm.

Có một bông hồng cho đêm Giáng sinh

Anh Nguyễn bỏ chúng tôi lại, anh không nói gì, anh đi xa mãi phía bên kia gốc thông lớn, cho tới khi đứng giáp khoảng đất trống với sườn đồi dốc phía sau, anh ngừng lại. Anh dang rộng chân vừa bước vừa đếm cho tới gốc thông thì anh dừng lại, ngửng lên nhìn chúng tôi và nói :

- Khoảng mười tám thước, rộng quá.

Anh Nguyễn có vẻ hài lòng khi trở lại, anh chỉ sang nền nhà, công việc còn dở dang :

- Chịu không, nhà tôi đó, nhà vợ chồng cậu thế này, tôi dự định cho tới giáng sinh sang năm thì tôi dọn sang nhà mới.

Tôi nhìn sang Lam :

- Chịu không?

Lam mỉm cười sung sướng :

- Chịu.

Nói hết câu Lam cười thành tiếng. Anh Nguyễn giọng đùa giỡn :

- Chịu từ lâu rồi phải không?

Anh Nguyễn chưa ngừng lại với câu chuyện làm nhà mà anh dự tính, anh kéo chúng tôi vào trong, nơi tận cùng của vạt đất, phía dưới là sườn đồi dốc, thung lũng đã được khai hoang từ lâu, nơi đó những thửa rau vuông vức, những vạt vườn xanh, những khoảng như mới bắt đầu một vụ mới với màu đất nâu tươi. Dựa lưng vào sườn đồi bên kia, không xa bao nhiêu, mấy ngôi nhà ngói nhỏ xinh xắn, màu ngói còn tươi và những hàng cây trồng còn thấp.

Giọng anh Nguyễn vẫn ở bên, niềm vui như reo mừng trong tiếng nói :

- Tôi quyết định lên đây, chấm dứt tình trạng không nhà cửa. Phải có một cái gì của mình chứ, đây, cậu thấy không, ngôi, nhà đến đây, khoảng này mình trồng đào, mận, vạt đất bên trồng rau, có sân chơi cho trẻ em, tôi thấy đây là đất lành mình có thể định cư được.

Tôi như lây niềm vui với người bạn lớn tuổi. Vừa đặt chân lên Đà Lạt, tới thăm anh Nguyễn, anh đã giữ chúng tôi lại, lấy xe chở chúng tôi lên khoảng đất anh mới mua được để cất nhà, không những thế, anh còn muốn chúng tôi cũng lập nghiệp và làm nhà ngay bên nhà anh, trong vạt đất anh có, anh Nguyễn nói: rộng quá, muốn có cậu ở cho vui. Trên xe tới khoảng đất đã được rào lại, một nền nhà đã thành hình, anh nói cho tôi và Lam thấy những dự tính của anh, nào kiểu nhà, làm nhà gỗ hay nhà gạch, phải làm thế nào. Anh làm cho tôi có cảm tưởng rằng tôi đã quyết định lên thành phố trên cao này lập nghiệp. Anh nói: Thấy cậu lấy vợ ta mừng quá. Bây giờ phải lo nhà cửa đi. Câu chuyện cứ như thế miên man không ngừng lại được, một ngôi nhà trên đồi, đó cũng từng là giấc mơ của tôi, phải, đó là một giấc mơ mỗi khi tôi lên đây nghỉ thường niên. Nghĩ đến một ngôi nhà cho riêng mình, tôi thấy quá xa vời. Cuộc sống bấp bênh, đời quân ngũ khiến cho tôi có lúc thấy như không có một thời cho mình xây dựng. Tôi nhìn Lam và thương nàng vô hạn. Lam biết rõ đời sống của tôi nhưng tình yêu đã giúp chúng tôi thoát vượt những khó khăn để sống bên nhau. Một ngôi nhà nơi đây, dưới những ngọn thông cao, bên những hàng rào đầy hoa, cùng với người bạn mình, hẳn đó cũng là mơ ước của Lam. Giọng anh Nguyễn lớn tiếng :

- Mấy cây đào mình trồng mới hơn ba tháng mà hy vọng lắm, không chết một gốc nào.

- Nhưng bao giờ thì có trái?

Anh Nguyễn nghiêm mặt lại :

- Thì cũng phải có thời gian chứ, cậu làm như trồng hôm nay mai đã có trái, bởi vậy mình phải xúc tiến sớm, bao giờ cậu bắt đầu?

Tôi nhìn Lam, Lam nhìn tôi, chúng tôi đều mỉm cười :

- Ít ra thì cũng phải mùa hè.

- Lâu thế...

- Anh làm như muốn thì được.

- Trời ơi, tận mùa hè lận.

- Thì Lam còn phải dạy hết niên học này, rồi tôi còn ở trong quân đội... Mà Lam xin đổi cũng khó lắm chứ đâu dễ.

- Ừ nhỉ, kẹt...

Anh Nguyễn nhìn bọn tôi và cười :

- Nhưng chắc chắn chứ?

Tôi gật đầu như quả quyết :

- Chắc chắn, bọn tôi sẽ dựng một cái lều tranh...

- Một cái lều tranh hai trái tim vàng, nghe mùi ghê.

Anh Nguyễn cười lớn, chúng tôi trở về thị trấn lúc bấy giờ chiều đã xuống, sương lam dày đặc dưới những thung lũng. Tới chợ chúng tôi chia tay nhau. Anh Nguyễn dặn :

- Tôi để cho hai vợ chồng tự do, nhưng tối mai phải lại, nhớ nghe.

Lam nói dạ, anh Nguyễn vẫy tay trước khi cho xe chạy xuống con dốc lớn. Lam nói :

- Bạn của anh vui thật, làm như mai bọn mình đã ở trên này. Anh ấy tốt quá nhỉ...

Tôi cầm lấy tay Lam và qua đường. Nền trời sẫm, dãy phố cũ bên kia lẩn vào trong bóng tối của hàng cây. Trời lạnh khô, những cơn gió mạnh thổi tờ giấy trắng là là trên mặt đường dốc. Tôi nắm chặt tay Lam :

- Mình đi ăn chưa?

- Em thấy đói rồi.

Chúng tôi bước vào nhà ăn quen thuộc. Bữa ăn đơn giản với những món ăn thích hợp cho miền lạnh: canh cải nóng, thịt đông dưa chua và một món rau xào. Tôi nhìn Lam nói :

- Lên trên này làm anh nhớ tới quê ngoài Bắc, mùa đông rét buốt, mùa xuân rét ngọt... Bao giờ hòa bình thống nhất bọn mình sẽ về ngoài đó...

Lam mỉm cười, nụ cười quen thuộc, chừng như mỗi lần tôi nhắc đến quê hương, nhắc tới Hà Nội là tôi lại thấy nụ cười đó trên môi Lam, và thường bao giờ Lam cũng nói: anh chỉ nghĩ đến quê anh, còn quê em, anh không yêu quê em phải không? Em về chơi thôi, không về ở ngoài đâu, em ở trong này một mình cũng được. Quê hương, mẹ hiền, tôi không lúc nào không tưởng nhớ đến. Một giây phút khí hậu xao động đổi thay, một đọt nắng trên ngọn cây, một món ăn, một con đường thường nhắc nhở tôi tới một thời đã xa, quê nhà, mái ngói nâu yêu dấu, mẹ hiền và một thuở thanh bình hiền dịu trong đời sống ấu thơ ngọt ngào. Đôi mắt Lam mở lớn nhìn tôi :

- Hôm nào mình khởi công làm nhà anh?

Tôi cười :

- Để còn phải coi ngày nữa chứ, và nhất là phải vẽ kiểu nhà, thôi anh giao cho em đó.

- Thế mình làm mấy tầng?

Tôi gật đầu như suy nghĩ :

- Thôi mình cất một tầng cho thân mật, nhà rộng quá ở sợ ma chết.

- Thôi mình cất nhà tranh đi.

- Cũng được.

- Nhưng bây giờ mua tranh khó và đắt tiền lắm...

- Thôi, vậy để tính sau vội gì.

Tôi nói hết câu, hai đứa cười ồ, chúng tôi thú vị với trò chơi.

Khi ra khỏi quán ăn, đèn đường đã bật sáng, những ngọn đèn quanh hồ tạo thành một vùng ánh sáng xanh biếc. Khu phố chợ vắng người. Trên đường chỉ còn lại những người đi dạo, chừng như đó là những người khách từ nhiều nơi xa tới trong dịp lễ Giáng Sinh, còn lại, những người của thị trấn đều đã rút vào trong những cánh cửa đóng kín. Chúng tôi đi xuống phía hồ. Giọng Lam êm nhẹ :

- Nhất định mình sẽ lên trên này lập nghiệp nghe anh, khí hậu ở trên này làm cho má con nít lúc nào cũng đỏ hồng.

Tôi giữ chặt tay Lam :

- Em sẽ đi dạy, anh làm vườn được không, nhưng bao giờ...

- Vậy mà xưa kia anh nói, năm nay...

Không còn bộ quân phục trên người, nhưng để có những ngày nghỉ cuối năm, tôi phải có tờ giấy phép. Tờ giấy nhắc nhở những ràng buộc khe khắt. Ra đi đúng ngày, trở về đúng ngày, chúng tôi phải thu xếp lấy cuộc sống trong những giới hạn. Giải ngũ, mấy năm trước tôi như mơ hồ nhìn thấy, giải ngủ, hòa bình đến, nhưng điều ấy vẫn chưa là sự thực. Câu chuyện về một dự định tương lai bỗng làm xuất hiện một mơ ước chưa thành. Tôi an ủi Lam :

- Chẳng lẽ đánh nhau mãi, rồi phải có hòa bình chứ, khi chúng ta có con thì chắc có hòa bình rồi.

Lam đi sát vào tôi. Ánh đèn làm sáng lên những khoảng nhỏ thiên nhiên, cảnh vật như trong một giấc mơ êm dịu. Tôi muốn nói lời chịu ơn Lam. Trở lại thị trấn trên cao, hạnh phúc ngọt ngào nhắc tôi những kỷ niệm cũ, những kỷ niệm cô quạnh trong những ngày nghỉ cuối năm ở đây, nơi tôi thường tới mỗi năm. Năm nào tôi lang thang với Dũng trên chiếc xe gắn máy cũ, hai đứa đua nhau lên Suối Vàng, đường dốc xe chết máy, ngồi nghỉ trên nghĩa trang chúng tôi đi lần theo hàng mộ bia đọc tên những người đã chết. Nơi đây Dũng đã bật khóc khi đứng trước mộ Dung, người tình cũ của Dũng, tôi nhớ tấm ảnh tươi cười của người đã khuất. Dũng nói: tôi đâu biết nàng đã chết. Dũng khóc nhắc lại những trắc trở trong cuộc tình duyên và sự mất tích của Dung trong thành phố. Dũng ngồi lặng im cho đến khi chiều xuống mới trở về và chúng tôi say trong quán rượu. Năm nào tôi ngồi với Tâm trong phòng vẽ. Ngày nào tôi với Niệm lang thang trên những đồi cỏ may hồng. Năm nào, những cơn mưa tầm tã giữ tôi lại suốt trong tuần lễ, khi lên xe trở về thì trời hửng nắng. Khí hậu lạnh, thiên nhiên tươi mát là nơi tôi chọn cho những giây phút nghỉ ngơi. Nhưng năm nay, một đổi thay chờ đợi đã đến. Lam đưa đến cho tôi những ngày mới. Nhưng mơ ước hòa bình từ bao giờ vẫn chưa đến...
Chúng tôi ghé vào nhà Thủy tạ, nhạc êm dịu ấm cúng, những cửa kính mờ hơi nước. Lam muốn ngồi ngoài trời, nhưng gió lộng và sương ẩm khiến chúng tôi phải bỏ ý định. Một ly cà phê nóng, một ly trà nóng, vắt chanh vào trong ly, mùi chanh thơm nồng, Lam nói :
- Anh định làm nhà trên này thật sao?
Tôi cười :
- Làm, nhưng chưa.
- Vậy anh phải nói với anh Nguyễn chứ, hình như anh ấy yên chí bọn mình sẽ làm nhà, sẽ lên đây ở.
- Anh Nguyễn muốn mình ở chung với gia đình anh cho vui, anh ấy cũng biết, anh mong có một ngôi nhà.
Ngụm cà phê thứ nhất, điếu thuốc mới. Anh Nguyễn, một trong vài người bạn vong niên của tôi, những người đã giúp tôi sống trong nhiều năm nay, tình bằng hữu đùm bọc cưu mang đã giúp tôi giữ được đời sống mình. Trước khi chúng tôi làm lễ cưới, anh Nguyễn trở về thăm tôi. Anh xin lỗi không thể về dự đám cưới, nhưng anh trông chúng tôi sẽ lên chơi ít ngày. Anh Nguyễn cười cười bảo: Bọn nó nói cậu giàu lắm. Tôi cười: Anh tin. Anh Nguyễn giọng nghiêm: Bọn nó nghĩ cậu đi ăn cướp đó. Trước khi về anh cho tôi tiền, anh nói: Cho bọn cậu một ít làm vốn bán bánh mì xe. Nhưng anh cũng không quên: Lên đi, có việc hay lắm, lên mới tính được. Tôi không nghĩ khi lên anh sẽ nói chuyện làm nhà. Một mái nhà, chắc không phải ước mơ của riêng tôi. Sau bao năm bỏ quê hương, tôi thấy mình thiếu hẳn nơi để trở về, tôi mơ ước một lúc nào đó lên cao nguyên khẩn hoang, làm cho mình một mái nhà vì tôi hiểu rằng: giấc mơ trở về quê hương có lẽ đời tôi không thực hiện được. Mà đến đời con tôi, khi trở về nó còn nhận được ra đâu là lối đi tôi đã bước qua, ngôi nhà nào tôi đã được sinh ra và lớn lên, cho tới khi ấy, còn không dấu vết của một thời đã xa lắc, biệt tăm trong trí nhớ những người sống sót. Khi trở về, con đường hoàn toàn vắng vẻ, ngang qua một hàng rào, tôi ngừng lại với tay bẻ cho Lam một cụm hoa tầm xuân, mùi thơm hoang dã nồng nàn. Tôi nói :
- Biết đâu mùa hè này mình lại không thể lên đây làm ngôi nhà bên cạnh nhà anh Nguyễn, sớm mai thức dậy, hòa bình đã đến...
Lam giữ chặt tay, nàng nhìn tôi, trong bóng đêm tôi thấy đôi mắt Lam long lanh sáng như một ngôi sao lạc trong nền trời tối.
Vợ chồng tôi là những người khách thứ nhất, anh chị Nguyễn chạy lên chạy xuống lo bữa ăn tối cho chúng tôi. Anh Nguyễn nói :
- Có mấy người bạn thân thôi, lâu lâu có dịp gặp nhau chứ mình đâu có theo đạo.
Anh Nguyễn rót cho tôi một ly rượu. Lam xuống bếp giúp chị Nguyễn, mấy người bạn của gia đình anh Nguyễn dần dần đến đông đủ. Chúng tôi không phải là người Thiên Chúa giáo bữa ăn đêm Giáng sinh mang một ý nghĩa khác, nhưng có lẽ cũng giống với những gia dinh Thiên Chúa giáo phần nào, bữa ăn của xum họp. Bữa ăn vui và ngon miệng. Chúng tôi nhận được những lời chúc mừng thân thiết. Lam có lúc ngượng ngùng, mặt đỏ, đôi mắt cuống quít khi chị Nguyễn mong cho tới Giáng sinh sang năm chúng tôi có cháu bé. Chúng tôi ra về sớm nhất, tôi nói :
- Bọn tôi muốn đi chơi đêm.
Anh Nguyễn cười :
- Phải rồi, bây giờ còn đi chơi được chứ ít năm nữa thì hết, như bọn tôi.
Anh Nguyễn ngừng lại, chợt anh nói :
- Quyết định về cái nhà chưa?
- Rồi, quyết định rồi.
Anh Nguyễn im lặng, vẻ mặt như chờ đợi, tôi nói :
- Anh chờ cho đến mùa hè được không, bây giờ thì chịu, hay là...
Tôi ngừng lại giây lát :
- Nhưng thôi anh ạ, để sang năm lên ở với anh chị, nhà cũng rộng mà...
Anh Nguyễn cười:
- Ừ cũng được, Giáng sinh sang năm thì mình có nhà mới rồi, lên nghe...
Chúng tôi rời nhà anh chị Nguyễn. Trên những con đường dẫn tới giáo đường chính dòng người đổ như thác, tất cả mọi người như đã mở rộng một tấm lòng chào đón, chúng tôi ở trong dòng người tới giáo đường. Bông hồng đỏ chị Nguyễn tặng Lam có lúc phải đưa lên cao, Lam sợ bị dập vì người chen chúc. Đèn sáng cả một vùng giáo đường, khoảng sân nhỏ như nêm, khi lễ giữa đêm bắt đầu, tiếng hát từ trong giáo đường như làm cho mọi tiếng động lẩn trốn, cả thiên nhiên cũng như đang chan hòa một niềm hy vọng.
Giọng Lam ở bên:
- Anh biết em cầu nguyện gì không?
Tôi nhìn Lam, khuôn mặt rực rỡ :
- Anh nghe thấy, anh nghe thấy.
Đôi mắt Lam ngước nhìn lên cao, tháp chuông với ngôi sao kết đèn sáng rỡ, trên cao đó, chỉ có ánh sáng.
Khi trở về, đứng nơi dốc vắng, nhìn lại giáo đường, chúng tôi vẫn thấy ánh sáng rực rỡ ở đó. Tôi mua cho Lam một quả bóng đỏ. Lam cột bông hồng của chị Nguyễn vào sợi dây, nàng giơ cao lên nói :
- Em muốn tặng bông hồng cho những người ở xa, những người ít may mắn...
Tôi mỉm cười, Lam thả tay ra, trái bóng lên cao rồi từ từ bay theo chiều gió mang bông hồng đỏ. Chúng tôi nhìn theo cho tới khi trái bóng và bông hồng lẩn vào trong bóng tối ở xa... 
Sài Gòn 12/1966
Dương Nghiễm Mậu
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham thú ...