"Nụ cười sơn cước"
và tâm sự của nhạc sĩ Tô Hải
Cách đây 2 tuần, Nhà Văn, Nhà Báo Uyên
Thao, người chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương ở Virginia cho tôi biết quyển
hồi ký của Nhạc Sĩ Tô Hải sẽ được phát hành vào khoảng tháng 5 năm nay. Anh
có gởi 3 bài viết với lời bạt về quyển hồi ký của NS Tô Hải, lời giới
thiệu của Nhà Báo Lê Phú Khải và của chính anh. Đề tựa "Hồi Ký Của Một
Thằng Hèn" đem đến cho tôi một sự chú ý đặc biệt!
Nhắc đến Nhạc Sĩ Tô Hải, tôi
không khỏi không nhớ đến bản nhạc "Nụ Cười Sơn Cước", được nhiều ca
sĩ trình bày và thính giả yêu thích. Trong một thời gian ngắn, tôi đã tìm thấy
nhiều tài liệu về Ông trên internet: Ông là một trong những thanh niên với bầu
nhiệt huyết hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp, ở lại miền Bắc sau hiệp
định Genève, gia nhập đảng và được nhiều tưởng thưởng từ chế độ Cộng Sản.
Sau 1975, Ông đã nhận thấy sự thật não nề khi vào Sài Gòn (Ông gọi là "Đi
Thực Tế Miền Nam sau Gỉải Phóng"). Sau thời kỳ "Đổi Mới", Ông đã
không ngại lên tiếng cho biết đã "phí nửa con tim" để viết hàng trăm
bản nhạc tuyên truyền phục vụ đảng trong thời chiến tranh. Tiếc thay, các bản
nhạc ấy chỉ nhất thời, không thể tồn tại với thời gian!
Thích thú nhất là được biết
tuy nay trên 80 tuổi nhưng Ông rất cấp tiến, sử dụng máy tính
"laptop" mỗi ngày và có trang blog bắt đầu từ năm
2007 trên yahoo để đăng các bài viết rất nóng bỏng và chân thật từ Sài Gòn. Ông
cũng dùng phương tiện này để viết thư qua lại với nhiều người - Ông kêu họ là
"Bạn, (friend)" và Ông xưng là "Tớ"! Ông có lối viết giản
dị, tếu, tự diễu mình và rất thật tình nên được nhiều bạn trẻ, đáng tuổi con
cháu yêu mến. Sau 1975, Ông bắt đầu công việc dịch thuật vì thông thạo nhiều
ngoại ngữ. Khi tôi khởi sự viết trang này thì mới đây Ông vẫn tiếp
tục "dấn thân" chẳng hạn như xuống đường biểu tình phản đối Trung Cộng
về Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cũng vừa gởi một bài viết cho Đài BBC Luân Đôn
trong đó nhắc lại một bản giao hưởng hợp xướng mà Ông bỏ nhiều tâm huyết viết
thời còn trẻ nhưng sau đó vì lý do chính trị không được phổ biến. Các bản nhạc
tình cảm mà Ông cho là từ "nửa trái tim còn lại" cũng cùng chung số
phận: bị dìm và "bỏ tủ lạnh"!
Nhạc Sĩ Tô Hải viết:
"Nhà văn quân đội - Đại Tá Nguyễn Khải, trước khi qua đời đã tuyên bố:
”Miền Bắc đã cho tôi Độc Lập, miền Nam đã cho tôi Tự do…” Còn tớ, vẫn còn sống
nhăn răng đây, tuyên bố: ”Miền Nam đã cho tớ cả Độc Lập, cả Tự Do và cả Hạnh
phúc nữa”. Độc lập về tư duy, Tự do về viết lách và… không viết lách. Còn Hạnh
Phúc thì … ”độc lập và tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình"… Tuy nhiên để có
được ba điều thiêng liêng đó, tớ đã phải vứt bỏ biết bao điều mà trước kia, có
cho… kẹo cũng chẳng dám nghĩ, dám làm ...".
Tiểu
sử cực thiệt thà (do nhạc sĩ Tô Hải viết ngày 24/8/2007).
Hôm nay tớ suýt đứt hơi, sụn
lưng vì nhạc Rap, vì cô "phò-ren" (friend) Ho (?) dọa đến học làm
rap-pơ. Tớ quá lo lòi cái dốt ông già. Nên vội vã mang sáng tác ra thực nghiệm!
Ai ngờ đâu bịa nó ra là một chuyện. Còn thực hành nó mới khó làm sao. Quả
rap-pơ phải vất vả biết bao. Vừa phải hát, vừa phải lộn, phải nhào... Không có
sức chỉ có mà ... củ tỏi! Thế mới biết vì sao Rap nổi trội: Một bé Kim bỗng
sáng chói bầu trời. Được tán dương trên báo chí, trên Đài. Môt thần tượng của
các phăng (tê) âm nhạt (à quên âm nhạc). Thôi thì đã định nổi danh bằng Rap, Tớ
cũng liều, nhưng chỉ viết mà thôi! Lấy Tình Yêu, Hôn Hít... làm đề tài. Thề đến
chết không dám làm ráp sỹ. Biết đâu đấy sẽ có người để ý, lấy vài bài trên blốc
tớ hát chơi. Và biết đâu có nhà báo, nhà đài...tung lên sóng, lên khuôn thì
thật.. tuyệt! Bạn thấy đấy, hôm nay dù không viết Rap số 3 nhưng quen viết có
vần. Nghề viết Rap tớ đã bị nhập tâm. Nên tiểu sử tớ cũng thành bài...Rắp!
Tiểu sử tớ rất chi là
"phức tạp". Chỉ xin khai tóm tắt một vài dòng. Còn các bạn trẻ có tin
hay không, Thì già này cũng đành lòng cam chịu!...Tớ sinh ra tháng 9 năm Đinh
Mão. Tính đến nay (81 tuổi ta.)! Sự học hành rất thiếu thốn, qua loa. Vì Đế
Quốc chỉ cho học vừa đủ. Một cái bằng ông tú chưa hoàn thành (tú tài 2 chưa
có!) Có nghĩa là bằng trình độ học sinh Lớp 11, nên tớ dốt hoàn dốt. Không
những thế tớ cả đời bị nhốt: trong trường sơ (soeur), trường đạo, trường giòng.
Ở gia đình tớ lại bị cấm cung. Cấm đủ thứ, trừ việc đi học nhạc... Đủ các món
nào xướng âm, hòa thanh, sáng tác...Tớ chán quá nên bỏ ngang tìm đọc, đủ thứ
văn chương, triết học hầm bà làng... Từ Von-te, Ban Dăc, đến Sa-Găng. Nên ảnh
hưởng đủ thứ ba lăng nhăng trong đầu óc. Gia đình tớ, một gia đình công chức.
Suốt cả đời hầu ngoại quốc kiếm ăn... Nên sau này từ cách mạng 45. Được xếp
loại là gia đình theo "Địch"!
Cá nhân tớ sau này trong lý lịch: Ghi thành phần "tiểu tư sản" rất to. Có nghĩa là luôn chao đảo, mơ hồ, kém "lập trường" dù đã bỏ nhà theo cách mạng! Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm! Dù có vài trăm sáng tác đựoc khen. Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến. Nhờ làm ăn tử tế, nhờ sáng tác liên miên. "Tuần chay" nào cũng có nuớc mắt đổ liền. Chiến thắng nào chẳng có tên thằng tớ. Cho đến ngày 30 tháng tư năm đó. Tớ được về Thành phố Bác Hồ... Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, coong của mình chính là công con cốc. Cái tên mình chỉ gắn độc môt bài "Nụ cười sơn cước" viết từ thuở 20. Còn tất cả... thế thời đã... xếp só! Tháng 9 mồng 2, nói chung là "ngày giỗ". Đựợc lôi ra để "cúng cụ" mà thôi. Chiến tranh qua đi, Nhạc của tớ hết thời.. Tuổi của tớ 60 không còn kịp "cưa sừng làm nghé". Gặp thời thế, thế thời phải thế. Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn... Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm. Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí. Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần... Công xéc tô, sô nát theo com-măng... Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng. Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng. Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng. Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng! Thế là tớ im re,tớ chịu đựng. Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ. Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi...Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết. Nào ai ngờ gặp thời Internet. Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu! Đang chán phè các câu truyện đâu đâu trên Niu uých, trên Lơ poăng, trên Lô-xờ-ăng gơ lét...Thì gặp ngay một ông cụ blốc blếc. "Bạn đánh nhau" của tớ từ khi xưa. Tớ quyết định phen này làm blôc-gơ. Mong giúp đỡ lớp trẻ bằng lý thuyết, bằng thực hành, bằng kinh nghiệm, cuộc đời. Và trước mắt tớ chú trọng đề tài vào nhạc rap, đang là nhạc thời thượng. Tiểu sử tớ viết ra mà phát... ngượng. Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...
Cá nhân tớ sau này trong lý lịch: Ghi thành phần "tiểu tư sản" rất to. Có nghĩa là luôn chao đảo, mơ hồ, kém "lập trường" dù đã bỏ nhà theo cách mạng! Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm! Dù có vài trăm sáng tác đựoc khen. Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến. Nhờ làm ăn tử tế, nhờ sáng tác liên miên. "Tuần chay" nào cũng có nuớc mắt đổ liền. Chiến thắng nào chẳng có tên thằng tớ. Cho đến ngày 30 tháng tư năm đó. Tớ được về Thành phố Bác Hồ... Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, coong của mình chính là công con cốc. Cái tên mình chỉ gắn độc môt bài "Nụ cười sơn cước" viết từ thuở 20. Còn tất cả... thế thời đã... xếp só! Tháng 9 mồng 2, nói chung là "ngày giỗ". Đựợc lôi ra để "cúng cụ" mà thôi. Chiến tranh qua đi, Nhạc của tớ hết thời.. Tuổi của tớ 60 không còn kịp "cưa sừng làm nghé". Gặp thời thế, thế thời phải thế. Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn... Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm. Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí. Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần... Công xéc tô, sô nát theo com-măng... Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng. Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng. Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng. Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng! Thế là tớ im re,tớ chịu đựng. Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ. Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi...Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết. Nào ai ngờ gặp thời Internet. Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu! Đang chán phè các câu truyện đâu đâu trên Niu uých, trên Lơ poăng, trên Lô-xờ-ăng gơ lét...Thì gặp ngay một ông cụ blốc blếc. "Bạn đánh nhau" của tớ từ khi xưa. Tớ quyết định phen này làm blôc-gơ. Mong giúp đỡ lớp trẻ bằng lý thuyết, bằng thực hành, bằng kinh nghiệm, cuộc đời. Và trước mắt tớ chú trọng đề tài vào nhạc rap, đang là nhạc thời thượng. Tiểu sử tớ viết ra mà phát... ngượng. Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...
Tin? Không tin? Tùy mạng mỡ
của mình. Muốn biết thêm xin cứ đến building Miếu Nổi hỏi thăm tớ chính danh là Tô Hải.
15/4/2009
Phan Anh Dũng
Lại cái chuyện Nụ Cười Sơn Cước - Tô Hải
Hôm nay, ngồi vào computer thấy mất tiêu đâu bài hát này, phục hồi lại để người nghe bản chính gốc thì lại mất tiêu đâu một phần chính của bản thuyết minh. Đành viết lại có bổ sung thêm một số đau khổ mới khi vào Google gõ cái tên tớ và tên bài hát đó.. vì những bài tán láo về nó.
Rằng thì là: 1-Tớ cầm ghi ta hát lên (chứ không phải "viết lên" như cô bé Kim -rap-pơ tuyên bố viết (?) nhạc rap trên Tinh vi đâu?) Cái ngày đông rét mướt năm đó Tây nó đánh dữ dội lắm... Bộ Tư Lệnh III mà tớ làm "lính kiểng" lúc đó phải rút vào tận Kim Bôi (Hòa Bình). Tớ đóng quân trong nhà một cô con gái có tên Đinh thị Phẩm, 24 tuổi đời. Thích thì có thích nhưng chưa biết "tán gái" mà chỉ biết làm thơ, làm vài câu thơ rồi ngâm nó lên theo kiểu riêng của tớ gọi là ca khúc (như các cụ ngày xưa khi hát "Chèo lên trên núi thiên thai..."ấy mà.) Thế là, trước khi rời rừng núi về học Lục Quân Trần Quốc Tuấn tớ muốn nói lên mối "tình câm" của mình bằng ... vài câu thơ có giai điệu ... Thế thôi! Như tớ đã viết trong bài "Khai lý lịch thật thà" trên blog, tớ là một kẻ đã bị tiêm nhiễm từ bé bởi những bài ca ở trường sơ, trường dòng, rồi sau này, làm "sói con ("louveteau), "hướng đạo" (scout) bị các thứ âm nhạc đủ loại nó ăn sâu vào đầu óc, vào trái tim. Tớ hát và thuộc lòng đủ thứ, từ a capella nhà thờ "Gloria in excelsis đê..ê,ề...ồ", đến "Laissez moi vous aimer", "Oh! Rose Marie I love you!" "But where are you?" rồi đến đến cả "Maréchal nous voilà" (thời chính phủ Vichy) sau đó là Aikoku","Shina no yoru" (thời Nhật lật Pháp). Nghĩa là tớ hát tất cả, thích đủ thứ âm nhạc chứ chẳng bao giờ chú ý đến cái "nhời" nó nói cái quái gì. Tóm lại tớ là một thanh niên yêu nước, ghét Tây, mê âm nhạc (mélomane)"...không có định hướng! Cho nên, sau này, đi lính, bí bài hát cho bộ đội nghe, tớ cứ "bịa"ra đủ thứ ca khúc, rập khuôn theo các bài hát đã hát để tự hát, tự xuất bản bằng mồm. Sáng tác của tớ đều ảnh hưởng của Nhà thờ, của Tây, của Nhật và đặc biệt của Mỹ với Bing Crosby, Bob Hope,.. với các nhịp điệu, tiết tấu của swing,blues ... rất thịnh hành những năm 40. Tớ với Ngọc Bích là "vua swing"ở sư đoàn 304 và Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn... Chẳng có biết dân tộc, hiện đại là cái quái gi! Ấy vậy mà bài nào mới "bịa" ra cũng được "quần chúng" hoan nghênh ra phết! Những lần xúc cảm về chuyện gì tớ đều "bịa" ra những "câu thơ có giai điệu", nhưng theo một khuôn khổ, hình thức nhất định mà tớ nhặt nhạnh được trong quá trình hát lên cho mình, cho bạn bè, đồng đội nghe...cho vui. Thế thôi!
Nào ngờ..."Nụ cười sơn cước" lại được hoan nghênh đến thế và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ.. khi trút áo "lính cụ Hồ", thôi làm "đồng chí", đã mang nó vô thành (dân gian gọi là "dinh-tê") phổ biến khắp nơi. Để cho nó được chấp nhận bởi các cơ quan kiểm duyệt, họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến! Và từ đó "Nụ cười sơn cước", một trong những "tình ca thời kháng chiến" của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay! Lại còn cái chuyện "địch" thu đĩa 78 vòng (chung với "Dư âm"của Nguyễn văn Tý) nữa chứ! Tớ bị "đánh hội đồng" khắp nơi, nhất là tiền bản quyền thu đĩa (đúng một chỉ vàng) được gửi từ trong thành ra lại rơi vào đúng tay một CUV cùng chi bộ, "đồng chí" (nhưng không đồng hướng) đã nhận được từ tay bà chị hắn chuyên làm kinh tài cho khu ủy Liên khu III, ra vào Thành như đi chợ! Tớ không mang tội "liên hệ với địch" là nhờ có hàng trăm "bức tranh cổ động bằng âm thanh" động viên lính chiến đấu trường kỳ có hiệu quả! Từ đó một loạt bài "thiếu tính chiến đấu"của tớ (sau này có được thu thanh trong cuốn băng cát-xét "Nửa trái tim tôi" mà tớ đã chuyển sang CD nhưng chưa biết cách làm thế nào để các friends nghe thử ???) đều bị cấm bằng mồm, mặc dầu các tướng, tá lớn, bé trong Quân Đội vẫn nhớ tớ với những bài hát đã làm các vị ấy xúc động một thời. (Tháng 5/007 vừa qua, có một ông tướng mê nhạc của tớ, trước lúc qua đời, có thu thanh 3 bài của tớ trong một đĩa VCD, và dặn lại rằng "Thôi Nụ cười..." vì cần giới thiệu những cái "cấm" khác hơn - Ông tướng này chỉ lên có đến Thiếu thôi, có lẽ vì cái "lập trường văn nghệ" của ông ta thiếu ...vững vàng chăng? (VCD này tớ đang giữ nhưng cũng "ngu lâu" về computer nên chả biết làm sao để các friends nghe và xem đươc! Có ai đến giúp được tớ không?)
Trở lại với "Nụ cười sơn cước" Nó ra đời như thế đó. Tình thì có, nhưng mà là tình câm, tình nhát (vì sợ kỷ luật) đã có gì đâu mà nhiều người viết về bài hát này cứ thêu dệt ra lắm chuyện, thậm chí còn đặt cả những cái tên Lò thị nọ, NôngThị kia ra rồi thay cả địa điểm, nơi sinh, ngày sinh của nó nữa mới khổ tớ chứ! Làm bà xã cứ trách tớ": "Có thế mà anh cứ giấu em!" Tớ định kiện báo vì "vi phạm luật báo chí "xâm phạm đến đời tư không được phép" của tớ mấy lần. Nhưng đọc đi, đọc lại thì thấy: họ đều xuất phát từ tình yêu đối với một sáng tác của tớ đã bao năm tưởng chết nay lại hồi sinh, từ tình yêu đối với tớ. Đặc biệt có nhiều đồng đội cũ, nay về già, nghĩ về quá khứ tươi đẹp đã qua, đã viết về "Nụ cười sơn cước" như để tranh thủ viết về một thời một thanh xuân đẹp nhất của chúng tớ mà thôi. Vì vậy tớ lại lặng im ... (trừ một lần tớ lên tiếng phản đối và được xin lỗi và cải chính trên báo An Ninh Thế Giới do quá nhiều điều bịa đặt không có lợi cho gia đình (cũ và mới) của tớ mà thôi).
Tuy nhiên cái "sự tam sao thất bản" thì kiện ai? Hội nhạc sĩ VN, rất nhiều Nhà Xuất Bản đã công bố bản chính thức của tớ trên các "Tuyển tập ca khúc trữ tình"..."Ca khúc vượt thời gian"... đăng đi, đăng lại trên báo chí... Vậy mà, các ca sỹ thời nay vẫn không chịu hát theo bản nhạc của tác giả! Trừ 2 người là Lê Dung và Đông Đào. Còn trên Tivi, trong các tiệm cà phê-ca nhạc, họ tha hồ "phiêu"bất tử, ngắt câu, ngắt đoạn tùy thích, nhất là bôi mỡ, đánh bóng các nốt nhạc nghe đến rợn người (Ánh Tuyết). Ngay trong câu "Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời..." của tớ, bà Lê Dung vẫn còn "nhịu"ra "mơ" (?) hơn ở ngoài trời".. nữa là! Huống hồ những vị ca sỹ không biết xướng âm thì làm sao sửa được những gì đã trót hát sai qua bản... truyền khẩu. Tớ chán quá nhưng lại nghĩ: Ôi dào! thời buổi này họ nhắc đến tên mấy ông nhạc sĩ già đã là may lắm rồi! Cứ kênh kiệu mãi chúng nó cho cả tác phẩm lẫn người vào sọt rác lịch sử như đã từng cho cả hàng ngàn bài ca ra đời cái thời "Tiếng hát át tiếng bom" cho biết mặt! Thua! Thua! Xin chào thua!
Tiện đây xin post lên bài báo của Thanh Niên tương đối chính xác vì có sự thông qua của "khổ chủ".
Đường Lên Sơn Cước - Ngọc Lan
Tô Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét