Những
bài không tên tặng em
Tác giả của những bài Không tên làm say đắm lòng
người sẽ lần đầu tiên hé lộ với bạn đọc những câu chuyện tình. “Đã đến lúc có
thể kể lại tất cả” - ông nói vậy.
Vũ Thành An - Ảnh: NVCC
Nhưng Vũ Thành An có nhiều bài hát Không tên, sau từng
bài hát lại có một câu chuyện, một bóng hình thiếu nữ. Những người đã đến rồi
đi trong cuộc đời ông nhiều thăng trầm giông gió. Chỉ còn mối tình mang
theo...
Nhớ đến ai, và ai hát, những tình ca u sầu, day dứt khôn
nguôi...Những bài Không tên “vì muốn giấu tên người tình”, ngày xưa
Vũ Thành An giải thích vậy. Nhưng sau mấy mươi năm, giờ kể lại ông vẫn chỉ gọi
đó là “chuyện tình không tên”.
Dù hầu như mỗi bài Không tên đều gắn với một người
cụ thể, một tâm tình rất riêng biệt thì với tác giả, họ đều được ông dịu dàng gọi
là Em - một Em viết hoa, cũng không tên, thế thôi.
“Bây giờ các bạn đó đang sống bình yên” - ông nói vậy, nên viết
rõ tên rõ tuổi một người có thể gây xáo trộn ít nhiều đến đời sống gia đình của
người đã đi qua cuộc đời mình, là điều ông không muốn. Người nghệ sĩ nổi danh
đã phải nhiều cân nhắc, đắn đo...
Để rồi, câu chuyện tình sau từng bài hát sẽ được ông kể lại
dưới hình thức những tình thư “gửi cho từng người bạn có liên quan”.
Mỗi tình thư đều bắt đầu bằng ba chữ: Em yêu dấu! Em yêu dấu!
Chỉ vậy thôi, mà bao nhớ thương âu yếm dội về...
Em từng hỏi anh: “Nguyên do nào khiến anh bước chân vào con
đường nghệ thuật và tại sao anh viết ra những bản tình ca buồn đến thế?”.
Để trả lời câu hỏi của Em, anh xin nói thế này: “Anh nghĩ đó
chính là tặng phẩm quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho anh!”. Anh không hề theo
học ở trường âm nhạc chuyên nghiệp nào.
Gia đình anh cũng không phải gia đình làm nghệ thuật. Ông nội
anh chỉ là một nông dân chất phác. Cậu anh (ở nhà anh gọi bố mẹ là cậu mợ) cũng
không phải nghệ sĩ nhưng ông rất yêu nghệ thuật.
Ông biết làm thơ và đặc biệt rất mê âm nhạc. Giọng hát làm mê
hoặc ông chính là của ca sĩ Thanh Thúy. Do vậy, khi anh chưa được 10 tuổi, ông
đã mua cho anh cây đàn mandolin và anh đã mò mẫm tự học chơi chiếc đàn này từ hồi
đó.
Gõ cửa nhà thần tượng
Khi còn nhỏ, tên anh là Vũ Thành. Đến khi vào Nam năm 1954, cậu
anh đi làm giấy khai sinh lại và đã thêm vào chữ An. Sở dĩ ông đặt như thế là
vì ông muốn tên anh có thể đứng đầu trong mọi danh sách.
Ông bảo: “Nếu con đi thi thì cậu muốn được nghe tên con đầu
tiên khi công bố kết quả!”. Cậu anh cũng muốn có con trai làm nghệ thuật nên
ông đã đặt tên cho cậu em trai kế anh là Vũ Xuân Bính.
Em có biết vì sao là Xuân Bính không? Xuân Bính là ghép từ
Xuân Diệu và Nguyễn Bính (vì ông rất mê thơ của hai nhà thơ này).
Cậu anh ở trong quân ngũ nên thường xuyên phải xa nhà. Nhưng
ông luôn mang theo quân trang một máy radio đèn điện tử hiệu Philips do Hà Lan
sản xuất để nghe nhạc trên sóng phát thanh. Về sau này ông còn dùng thêm máy
cassette băng từ để nghe nhạc nữa.
Hôm nào anh đi học về, chưa vào nhà mà nghe tiếng nhạc mở lớn
từ bên trong vọng ra và đặc biệt là nghe giọng hát liêu trai của ca sĩ Thanh
Thúy thì anh biết ngay là cậu anh được về phép thăm nhà. Những hôm ấy nhà thật
vui, thật hạnh phúc.
Không chỉ cậu anh thích giọng hát của ca sĩ Thanh Thúy mà hồi
đó anh cũng rất mê Thanh Thúy. Tuy nhiên anh may mắn hơn những người khác, cũng
có thể nói là “liều” hơn người khác là anh đã dám đến gõ cửa nhà thần tượng của
mình để xin được gặp.
Năm 1960, ca sĩ Thanh Thúy đã là giọng hát ăn khách tại các
phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn. Khi đó anh chỉ là cậu học trò 17 tuổi, mà lại
dám đến gõ cửa nhà cô (lúc đó ở đường Cao Thắng) chỉ để tặng những ca khúc đơn
sơ của mình.
Vậy mà chị Thúy cũng vui vẻ tiếp và nhận những bản thảo của
anh cho dù chị chưa bao giờ hát. Dẫu vậy, anh rất quý đức tính khiêm nhượng và
sự bình dị của chị. Nổi tiếng nhưng không xa cách với mọi người.
Và thật may mắn, sau này anh có dịp mời được ca sĩ Thanh Thúy
cộng tác với anh trong các chương trình âm nhạc do anh thực hiện.
Minh họa: Bích Khoa
Lệ Thu, Thanh Thúy
và ly trà đường
Đến năm 1965, anh đã bắt đầu con đường nghệ thuật của mình bằng
bài hát Tình khúc thứ nhất, lời thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài hát này đã được
chính anh Toàn hát lần đầu tiên trong chương trình Văn học nghệ thuật của Đài
phát thanh Sài Gòn, khi ấy nhạc sĩ Nhật Bằng là người đệm đàn guitar.
Bài hát đã được nhiều người thích ngay từ lần đầu tiên được phát
thanh qua làn sóng điện. Sau đó anh Toàn đã bàn với anh là cùng nhau làm chương
trình Nhạc chủ đề và phân công trách nhiệm.
Anh Toàn chịu trách nhiệm viết lời giới thiệu, còn anh đứng
tên trưởng ban, có trách nhiệm mời ca sĩ, nhạc sĩ và điều hành việc thu âm
chương trình cũng như làm bảng trả thù lao cho các anh em ca sĩ, nhạc sĩ tham
gia.
Thù lao khi đó có thể gọi là khá lớn, mỗi lần thu thanh ca sĩ
và nhạc sĩ được trả như nhau là 200 đồng (lúc đó một tô phở giá 10 đồng).
Ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên hát Tình khúc thứ nhất trên
chương trình Nhạc chủ đề với phần đệm piano phóng túng của nhạc sĩ
Nghiêm Phú Phi (lúc đó ông đang là giám đốc Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn).
Giờ nhớ lại buổi thu âm hôm ấy, anh vẫn còn cảm nhận được sự
xuất thần của ca sĩ Lệ Thu khi hát bài này. Chỉ với một lần thu âm duy nhất, Lệ
Thu đã xuất sắc thể hiện được chất phiêu lãng của ca khúc bằng phong cách riêng
rất độc đáo.
Chương trình Nhạc chủ đề được thu thanh vào trưa thứ
hai hằng tuần để phát vào lúc 10h15 mỗi tối thứ sáu và phát lại vào 1h đêm chủ
nhật.
Giữa năm 1965, anh có dịp lên Đà Lạt chơi và đã được nghe
dòng nhạc tuyệt vời của một nhạc sĩ trẻ. Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi đó
anh Sơn đang sống tại thành phố thơ mộng này. Khi trở về Sài Gòn, anh đã bàn bạc
với mọi người trong chương trình.
Sau đó, các anh đã liên tiếp giới thiệu các ca khúc Da
vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong hai chương trình Nhạc chủ đề.
Anh còn nhớ một cảm giác thảng thốt khi nghe ca khúc Ca
dao mẹ trong khi thu âm chương trình. Có thể nói sau khi phát thanh chương
trình, nhiều thính giả tiếp nhận ca khúc Da vàng với thái độ khá rụt
rè. Nhưng sau đó, Trịnh Công Sơn đã nổi tiếng rất nhanh chóng như Em biết.
Cuối năm 1965, anh có dịp mời ca sĩ Thanh Thúy tham gia
chương trình. Sau khi thu thanh xong cả nhóm đi ra quán trà gần đài phát thanh
để giải khát. Anh gọi ly Hồng trà, bất ngờ thay, Thanh Thúy đã múc một thìa đường
cho vào ly và khuấy cho anh.
Một cử chỉ rất thân thiện tự nhiên nhưng làm anh rất cảm động
và nhớ mãi. Thần tượng của thời tuổi trẻ đã khuấy đường cho ly trà của mình.
Năm 1966, các anh tổ chức kỷ niệm một năm chương trình Nhạc
chủ đề. Buổi tiệc được tổ chức tại nhà hàng Ánh Hồng ở đường Nguyễn Minh Chiếu,
Phú Nhuận (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) sát đường ray xe lửa, chuyên bán bò bảy
món.
Hôm ấy anh nhờ được ca sĩ Duy Trác lái chiếc xe Lambretta đi
đón cậu anh đến cùng tham dự. Anh đã xếp chỗ cho ông được ngồi gần ngay thần tượng
của mình là ca sĩ Thanh Thúy.
Anh nghĩ chắc hôm ấy ông vui lắm. Bây giờ ông đã lên Trời và
chắc đang đợi anh nơi ấy. (Lúc đó anh mới 22 tuổi và cậu anh 44 tuổi).
Cảm ơn tình yêu
Cảm ơn tình yêu
Em yêu dấu,
Đến giữa năm 1968, anh may mắn được trở lại Đài phát thanh
Sài Gòn làm việc. Bên cạnh đó, anh tiếp tục học và hoàn thành chương trình cử
nhân luật tại Luật khoa Sài Gòn.
Lúc này anh đã hoàn thành bài Không tên số 2 và
đang tìm ca sĩ để giới thiệu ca khúc này. Anh đã nghĩ đến nhiều người trong đó
có ca sĩ Lệ Thu. Rồi bất chợt anh nhớ đến Thanh Lan.
Thật ra, anh đã để ý Thanh Lan từ năm 1965 hoặc năm 1966, khoảng
đó. Lần ấy, Thanh Lan hát trong một buổi trình diễn của Đoàn văn nghệ sinh viên
học sinh Nguồn Sống của Nghiêm Phú Phát (em nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi) tại Trường
Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Giọng hát và phong thái trẻ trung, vui tươi của Thanh
Lan đã làm sống động buổi sinh hoạt văn nghệ hôm đó.
Do vậy, anh đã quyết định mời Thanh Lan thu âm lần đầu tiên
và giới thiệu bài Không tên số 2 trên sóng phát thanh của Đài phát
thanh Quân đội trong chương trình nhạc Vũ Thành An vào năm 1969.
Bài Không tên số 2 với tiếng hát trẻ trung của
Thanh Lan đã được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt. Thế là anh mạnh dạn giới thiệu
những bài Không tên kế tiếp (bài Không tên số 4, số 6...) cho đến
tất cả 10 bài Không tên trong các chương trình sau đó.
Vậy là anh đã hoàn tất tuyển tập Những bài không tên -
nhạc và lời Vũ Thành An, vào năm 1970. Sau đó ấn phẩm Những bài không tên đã
ra mắt mọi người do Hiện Đại tổng phát hành (44/5 Công Lý - nay là Nam Kỳ Khởi
Nghĩa - Sài Gòn).
Anh cảm ơn tạo hóa đã ban tặng tặng phẩm quý giá cho anh.
Anh cảm ơn Em đã cho anh những cảm xúc mạnh mẽ từ tình yêu chân
thật để anh viết nên những bài tình ca này!.
Tình vui trong phút giây thôi
Từ khi Em đi, anh sống trong hụt hẫng, tâm hồn trống rỗng.
Anh cố đi tìm quên thực tại! Khi Em ra đi cũng là lúc bài tình ca kỷ niệm của
cuộc tình chúng ta đã trở nên nổi tiếng bất ngờ.
Nhạc sĩ Vũ Thành An và Ban tam ca
The Cat's Trio với Minh Xuân, Kim Anh và Uyên Ly
Em yêu dấu,
Năm 1963, vừa đậu tú tài toàn phần, anh tham gia tích cực các
hoạt động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Anh phụ trách chương trình Sinh viên
hàng tuần trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn.
Anh bị Em cuốn hút ngay từ buổi đầu tiên Em đến làm xướng
ngôn viên cho chương trình này. Dáng vẻ xinh xắn và giỏi giang của Em đã làm lu
mờ hình ảnh tất cả các cô gái khác đang có trong anh hồi đó.
Bài ca anh hứa tặng em
Sau khi trái tim anh đã bị Em chiếm hữu hoàn toàn, anh mới được
biết Em đang là sinh viên Đại học Luật khoa Sài Gòn, đang chuẩn bị lên... năm
thứ ba!
Chắc có lẽ bạn anh nói đúng: “Cậu có khuôn mặt non choẹt! Thế
nhưng cậu lại được nhiều... đàn chị quý mến!”. Bản thân anh cũng bị Em thu hút
bởi vẻ đẹp và sự chín chắn.
Gia đình Em rất khá giả, chính Em ngoài việc học còn đang phụ
giúp gia đình điều hành một xưởng dệt. Gia đình Em ngoài một người anh đang đi
du học ở nước ngoài, còn có một người chị và hai cô em gái nữa.
Đương nhiên là luôn có nhiều anh chàng theo đuổi bốn chị em
tiểu thư nhà giàu, cho nên phòng khách nhà Em thường xuyên ấm áp tiếng cười của
bạn bè. Anh cũng là một trong những người khách của các buổi ấy.
Một buổi tối kia, khi tiễn anh ra cửa, Em đã nói với anh:
“Lúc nào gia đình cũng hân hoan chào đón anh!”. Em dùng từ tiếng Pháp Bienvenue
(Chào đón - Welcome), âm thanh êm dịu của từ đó vẫn còn vang vọng trong anh mãi
đến ngày hôm nay.
Thế rồi sau đó một hôm, Em đã trao tay cho anh nắm tại sân
trường luật trên đường Duy Tân. Biến cố này đã thay đổi tất cả mọi sự dè dặt
trong anh. Hơi ấm bàn tay Em như đã nâng anh bay lên trời. Và anh đã bắt đầu một
cuộc phiêu lưu tình yêu mới.
Chúng ta luôn bên nhau trong những buổi sinh hoạt sinh viên rộn
ràng lúc ấy. Chúng ta cùng nhau tham dự những đêm trình diễn âm nhạc tại sân
Trường đại học Văn khoa; đến xem các buổi triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ
Nguyên Khai, Bé Ký, Trịnh Cung... Những lần như vậy, anh rất vui khi được có Em
bên cạnh.
Rồi một lần, trên chiếc áo dài đằm thắm, Em đeo chiếc pin cài
áo hình chiếc lá bằng bạc anh tặng nhân dịp sinh nhật Em. Em vui vẻ đeo món quà
tặng đơn sơ đó! Chắc có lẽ Em đã đón nhận mối chân tình của anh.
Khi ta mới quen nhau, Em đã nhiều lần nói anh hãy viết một ca
khúc để kỷ niệm mối tình của chúng mình. Thế nhưng anh cứ lần lữa hoài không viết.
Một hôm, Em đã phải nhỏ những giọt nước mắt mà nói: “Anh
không yêu em sao mà không chịu viết?”. Và một buổi chiều mùa xuân 1965, trên
chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, một dòng âm thanh vang lên trong đầu và anh
đã viết xuống: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở...
Anh đưa bài hát cho anh Nguyễn Đình Toàn xem, lúc ấy hai anh
cùng làm việc chung với nhau tại Đài phát thanh Sài Gòn. Anh Toàn nói để anh ấy
viết lời cho bài hát anh muốn dành tặng Em. Thế là Tình khúc thứ nhất, lời
Nguyễn Đình Toàn - nhạc Vũ Thành An ra đời.
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi...
Lá thốt nên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu xin những ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời...
Còn đây câu nói yêu em
Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời...
Lời này được anh Toàn viết khi tình chúng mình đang thắm, đã
như lời dự báo cho những điều chẳng lành sẽ đến. Quả thật, cuộc tình chúng ta
sau đó lại gặp những trở ngại cố hữu.
Ngăn cách về tuổi tác, ngăn cách về học vấn, ngăn cách về địa
vị xã hội... Anh không thể hiểu làm sao Em có thể yêu được anh, một chàng trai
thua Em một, hai tuổi, học thua Em mấy lớp và nhất là tương lai còn quá xa...
Thì xin giữ lấy niềm tin
Dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến...
Việc gì phải đến đã đến! Gia đình ngăn cấm không cho Em liên
lạc với anh nữa! Ban đầu Em nhất quyết chống lại. Những giọt nước mắt của Em
rơi trên những lá thư tình dài đã cho anh biết tình yêu của Em là có thật.
Nhưng rồi cuối cùng Em cũng phải buông xuôi, đầu hàng nghịch cảnh.
Anh đã thảng thốt cất tiếng kêu than khi Em đột ngột chấm dứt
liên lạc. Nhiều lần Em đã hẹn rồi không đến. Biết bao lần Em đã hứa, hứa cho
nhiều rồi lại quên.
Anh dường như đoán biết được những gì đang xảy ra. Trong thời
gian chúng ta yêu nhau, nhiều buổi tối anh gọi điện thoại tới nhà Em hàng giờ để
nói chuyện, cho nên sau một thời gian Em lánh mặt, một buổi tối kia anh đã gọi
và lần này Em lại nói một câu tiếng Pháp: Une fois pour toutes (Một lần cho tất
cả - Once and for all).
Có nghĩa cuộc nói chuyện đó sẽ là lần cuối giữa hai đứa. Anh
đã nghẹn lời và không thể nói được một lời gì nữa.
Xót đau người tình si
Em đã ra đi, để lại trong anh một nỗi đau đớn không nguôi.
Anh biết tin ai bây giờ? Em đã như thần tiên đến với anh. Và rồi Em đã bỏ anh
ra đi.
Bài không tên cuối cùng đã được viết trên quãng đường rất
ngắn chưa được một cây số từ trường luật về nhà anh ở đường Trần Quý Cáp đoạn gần
ngã tư Lê Văn Duyệt và anh đã không sửa một lời nào.
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm còn hứa gì?...
Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu?
Mưa bên chồng có làm em khóc
Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?
Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng hay sao em?
Xa nhau rồi thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si.
Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng...
Em yêu dấu,
Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình.
Và anh đã viết, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ rằng Bài không tên cuối cùng anh
đã viết ra trong sự thảng thốt khi Em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ
biến rộng như thế!
Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến Em. Anh hoàn
toàn không muốn như vậy.
25 năm sau, năm 1991, anh đã mừng là có dịp để viết lại những
điều anh không nên viết. Anh vẫn mong một lần hỏi chuyện Em:
Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là vừa hôm qua.
Ôi ước ao có một ngày
Gặp lại em hỏi chuyện em lần cuối cùng
Vẫn con đường, con đường cũ.
Vẫn ngôi trường, ngôi trường xưa.
Mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu.
Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó chắc qua bao lênh đênh?
Có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười?
Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?
Nếu không còn được gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
Xin gửi em lời cầu nguyện
Được bình yên được bình yên về cuối đời...
Chờ em chờ như trăm năm
Đúng như vậy. Nếu mộng có thành và đời Em gắn với mệnh số của
anh thì Em sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ trong nhiều năm. Và biết đâu Nếu
chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?
Bây giờ, sau 50 năm hồi tưởng lại, anh vẫn thấy tình yêu anh
dành cho Em là có thật. Tình yêu đó đã theo anh trong mọi nẻo đường.
Tình yêu đó đã cho anh bay vút lên trời cao và rớt chúi xuống
vực sâu. Một lần tình cờ anh được gặp lại Em trong chuyến đi sang Paris cùng với
Du Tử Lê và Từ Công Phụng năm 1998, tim anh như vỡ trong lồng ngực. Đó có phải
là bằng chứng của mối chân tình?
Ngày ấy khi sang tới Paris, anh đã nhờ ban tổ chức liên lạc với
anh T.N. là nhà văn quen thuộc. Qua anh T.N., anh đã đến nhà hàng của Em và may
mắn là anh cũng được nhìn thấy B. - em gái của Em.
Cô B. đã du học ở Paris từ những ngày chúng ta quen nhau. Anh
còn nhớ, anh cũng có mặt hôm gia đình Em đưa cô B. ra phi trường Tân Sơn Nhất
đi du học. Khi anh T.N. giới thiệu tên anh, cô B. đã nhìn Em đầy ý nghĩa và
không nói gì.
Có lẽ tất cả mọi người đều biết chuyện chúng mình, trừ anh
T.N. và cô B.. Em đã mời anh bữa cơm do chính nhà hàng của Em nấu. Anh ăn không
nhiều và nỗi xúc động khi được gặp lại Em đã khiến anh chả biết mùi vị là gì!
Anh có xin phép Em chụp mấy tấm hình. Em đồng ý cho anh tha hồ
chụp quán ăn, nhưng không được chụp bà chủ. Không có bà chủ thì việc chụp hình
đâu còn có ý nghĩa gì?
Khi ra về, chính anh T.N. đã đưa anh ra trạm metro. Anh T.N.
đã chỉ cho anh Cafe De Flore, nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ Pháp từ gần trăm
năm trước.
Đến mùa đông 2015, anh có dịp ghé lại Paris và may mắn thuê
được một apartement ở Saint-Germain Des Pres, chỉ đi bộ vài phút là tới quán cà
phê nổi tiếng này. Anh biết nhà hàng của Em cũng ở gần đâu đây, nhưng suốt một
tuần lễ không có sự tình cờ nào cho anh được gặp Em, mối tình của 50 năm trước!
Cuộc gặp gỡ năm 1998 không những là một dấu ấn sâu đậm trong
tâm hồn anh, mà còn ở ngay trong những người bạn có mặt tại buổi diễn ngày hôm
đó.
Anh B., một nhà thơ nổi tiếng ở Paris, kể lại là anh ấy đã
nhìn thấy những giọt nước mắt của một người đã rơi khi anh đứng hát trên sân khấu...
Từ khi Em đi, anh sống trong hụt hẫng, tâm hồn trống rỗng.
Anh cố đi tìm quên thực tại! Khi Em ra đi cũng là lúc bài tình ca kỷ niệm của
cuộc tình chúng ta đã trở nên nổi tiếng bất ngờ.
Anh nhận được rất nhiều thư từ các thính giả hâm mộ, trong đó
có một lá khá đặc biệt suốt một trang giấy chỉ toàn viết tên Vũ Thành An:
vuthanhanvuthanhanvuthanhanvuthanhanvuthanhan...
Và cuối cùng là chữ Vũ Thành An màu đỏ!
Tuy thế, nhưng tim anh vẫn chưa thể nào rung động lại được.
Tâm hồn anh lạnh giá, ảm đạm vô cùng, đến nỗi anh mang cả nỗi tuyệt vọng vào
trong bài hát Nếu tôi còn yêu được:
Nếu tôi còn yêu được một lần thôi cũng vui đời
Nếu tôi còn được yêu xin thêm ngày tháng mộng
Nếu tôi còn yêu được một lần thôi không giữ gìn
Nói em nghe lời thở than.
Dìu nhau, dắt nhau lên rừng
Cùng nhau sống như cỏ cây
Quên mọi người, quên hết cuộc đời, quên luôn mình là người.
Chờ em từ ba mươi năm
Chờ em chờ như trăm năm
Từ kiếp nào ngủ vùi
Chờ em nhỏ xuống giọt lệ vui…
Nói cho quên đi những tội tình
Sự thật là anh đã mất Em! Nhưng anh vẫn cứ tin rằng - Em vẫn
còn yêu anh. Có lẽ có một nguyên do gì thật bí ẩn như chính sự ra đi rất bí ẩn
của Em, đã khiến Em phải quyết định như vậy. Anh đã mất Em khi tình yêu đang nồng
thắm!.
Vũ Thành An - Ảnh: TGCC
Lòng người như lá úa trong cơn mơ chiều
Nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này... vẫn còn đây!
1. Chỉ còn khối tình mang theo
Em yêu dấu,
Đầu năm 1967, một ngày thật trống rỗng và ảm đạm, định mệnh
đã cho anh được gặp Em. Như một tia nắng ấm cuối đông, Em đã sưởi ấm tâm hồn
anh ngay buổi đầu gặp mặt.
Anh nhớ rõ chiều ngày hôm ấy, anh và một vài người bạn đang
chơi bài tại nhà anh Nguyễn Đình Toàn thì Em theo cô Th. của Em đến chơi với chị
Toàn.
Em là nữ sinh Trường Trưng Vương vừa đỗ tú tài, thật tươi trẻ
trong tà áo dài màu xanh, đã làm tim anh rung động. Anh quyết định ngay là phải
quen cho bằng được cô bé này. May mắn cho anh là chẳng bao lâu sau đó anh đã
quen được Em.
Ngày Em lái chiếc xe Opel màu xanh đón anh đi chơi, anh đã
hơi khựng lại. Lại như có linh tính một chuyện không hay sẽ xảy ra với mình.
Anh đâu ngờ Em là con nhà giàu như vậy!
Nếu biết trước anh đã không dám quen. Hai mối tình trước đổ vỡ
cũng có nguyên do vì giàu nghèo cách biệt. Cũng vì vậy, trong những tháng ngày
sau đó, dù yêu nhau nhưng chúng ta chưa bao giờ nói chuyện tương lai.
Em đã cho anh một thời gian tuyệt vời trước ngày anh nhập
ngũ. Sau này anh mới biết, trong thời gian ba tháng huấn nhục, dẫu biết anh
không được ra trại nhưng em đã nhiều lần lái chiếc xe Opel - chứng nhân mối
tình thơ mộng của chúng ta - đi vòng qua các bãi tập của Quân trường Thủ Đức với
hi vọng sẽ được nhìn thấy anh.
Ngoài những ngày phép thường lệ cuối tuần, anh còn tìm dịp
lén xuất trại để về với em. Chúng ta chỉ biết yêu nhau say đắm nhưng vẫn giữ
trong vòng lễ giáo. Tất cả những mối tình của anh, trước và sau em, đều như vậy.
Chắc không ai ngờ một Vũ Thành An với lời nhạc lãng mạn như
thế mà các cuộc tình vẫn chỉ ở mức độ của tình học sinh mới lớn! Cao nhất cũng
chỉ là những nụ hôn!
Tháng 5 năm 1968, hôm anh tốt nghiệp Trường sĩ quan trừ bị Thủ
Đức, đáng lẽ có mấy ngày phép anh sẽ dành riêng cho Em. Thế nhưng anh phải ra
Vũng Tàu trình diện lớp đào tạo chuyên biệt ngay, cho nên chúng ta chỉ có một
buổi tối đi chơi với nhau.
Anh còn nhớ rõ hôm ấy Em đã ôm anh rất đắm đuối và bảo anh đừng
đi trình diện ngày mai và hãy ở lại với Em. Anh không dám trái lệnh cấp trên và
đã không thể ở lại với Em.
Thật không ngờ đó là lần cuối cùng chúng ta bên nhau. Chiếc
ôm bá cổ ghì chặt anh vào mình của Em sẽ là một kỷ niệm mãi mãi. Em ra đi trong
chỉ sáu tháng sau đó. Sự ra đi rất bí ẩn của Em làm anh không thể nào hiểu nổi!
Anh vẫn tự hỏi: Nguyên nhân phải chăng từ anh, đã không đáp ứng
được tình Em? Anh nhận được lá thư chia tay của Em khi ngồi trong bãi tập ngoài
Vũng Tàu. Lá thư đã làm tâm hồn anh chao đảo, dường như cả bầu trời đã đổ ụp
lên đầu anh.
Vào một ngày tháng 12 năm 1968, anh ngồi uống café tại bàn ở
góc trong cùng của Nhà hàng Brodard, nơi anh vẫn thường ngồi. Trời vừa tạnh cơn
mưa. Anh bỗng nhớ Em vô cùng và quyết định phải đến nhà thăm Em.
Tới nhà gõ cửa, nhìn vào trong, anh thấy cảnh một bữa tiệc vừa
tàn. Chính lúc đó Em ra mở cửa mời anh vào. Sau đó Em đưa một người đàn ông đi
ra cùng và giới thiệu: “Đây là hôn phu của em và hôm nay là ngày Lễ Hỏi”.
Nghe
câu nói đó của Em, anh tê điếng cả người,
không biết phải nói gì, chỉ lẳng lặng ra về.
Sự thật là anh đã mất Em! Nhưng anh vẫn cứ tin rằng - Em vẫn
còn yêu anh. Có lẽ có một nguyên do gì thật bí ẩn như chính sự ra đi rất bí ẩn
của Em, đã khiến Em phải quyết định như vậy. Anh đã mất Em khi tình yêu đang
nồng thắm!.
Khi viết Bài không tên số 2, anh đã nhớ đến Em và đã hát:
Đời một người con gái
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo.
Bây giờ đã sau gần 50 năm. Chúng ta đã trải qua nhiều thăng
trầm trong cuộc sống. Anh muốn tặng lại Em câu nói cũng trên cùng dòng âm thanh
ấy:
Đời một người dưới thế
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lên Trời
2. Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Em yêu dấu,
Anh mừng vì Em đã nổi tiếng thật nhanh chóng. Từ một nhân
viên Phòng sản xuất của Đài phát thanh Saigon, Em đã được tuyển chọn là một
trong những Xướng ngôn viên đầu tiên của Đài truyền hình Saigon năm 1968.
Thật sự anh đã biết Em từ trước, khi Em thường giúp anh thu
âm các chương trình phát thanh, trong đó có Chương trình Nhạc chủ đề.
Khởi đầu anh rất quý trọng Em như một đồng nghiệp giỏi giang.
Sau đó từ từ thân hơn, trở thành bạn bè. Chúng ta đã có những buổi hẹn để chuyện
trò.
Mỗi lần gặp anh là Em khóc như mưa. Khóc để trút hết những
đau buồn Em đang mang. Anh có cảm tưởng như anh là người duy nhất được biết những
điều thầm kín đó của Em! Chính vì vậy Anh đã viết trong Bài không tên số 4:
Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Anh đã được hân hạnh cùng Em đi dạo phố, đi chợ... Đi đâu người
ta cũng nhận ra Em, vì mỗi buổi tối họ đều thấy Em xuất hiện trên màn ảnh truyền
hình. Họ chỉ nhìn thấy vẻ bên ngoài xinh tươi của Em, nhưng đâu hiểu được cuộc
sống Em buồn như thế nào!
Em đã khóc thật nhiều. Em đau khổ vì gia đình đổ vỡ. Em đã bị
bỏ rơi để tự một mình nuôi mấy đứa con thơ.
Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con
Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?
Tuy lúc ấy chúng ta chỉ coi nhau như bạn, nhưng lắm lúc anh
không khỏi bị mê hoặc vì nét quyến rũ của Em, nhất là đôi môi nũng nịu lúc nào
cũng như muốn khóc. Một lần anh đánh bạo muốn hôn lên đôi môi đó, nhưng Em đã
nhẹ nhàng lảng tránh.
Em càng lánh xa anh lại càng bị Em cuốn hút, và có lần anh đã
đánh bạo hỏi cưới Em làm vợ. Em không từ chối và cũng không nhận lời, chỉ im lặng.
Và chúng ta... không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa!
Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng?
Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?
Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói vẫn còn mãi đó
Chuyện mai sau xin gửi trên tay...
Lời hỏi cưới Em anh vẫn chưa quên và chắc là Em cũng vẫn còn
nhớ? Nhưng rồi định mệnh đã không cho chúng ta đến với nhau.
3. Để rồi đánh mất nhau
Em yêu dấu,
Một buổi sáng Chủ nhật năm 1967, anh đang trong Quân trường
Thủ Đức chợt được gọi ra Khu tiếp tân. Anh rất ngạc nhiên vì đâu nghĩ có người
đi thăm mình. Thật ngại ngùng khi phải ra tiếp khách mà không biết ai ghé thăm!
Lúc ấy tóc anh bị húi cua thật cao, quần áo xốc xếch vì không
tìm đâu được bộ quân phục vừa với khổ người quá cao của anh.
Gặp Em nhưng anh không thể nào ngờ Em đã nhớ và đến thăm anh.
Chúng ta đã có thời gian bên nhau thân thiết nhưng chúng ta chia tay cũng lâu rồi.
Anh còn nhớ Em đã cùng anh soạn lời cho Bài không tên số 3. Anh đã viết:
Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi...
Và Em đã viết:
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau...
Không biết bây giờ có nhạc sĩ nào tìm được bạn gái viết ca từ
hay như
vậy không?
Mọi sự đã xảy ra đúng như Em viết. Đánh mất nhau! Lần này, Em
cùng với người chị họ vào thăm anh để nói “Ngày mai em sẽ đi Tây Đức du học!”.
Vậy là Em đã thật sự ra đi!
Trước khi đi Em còn nhớ tìm đến thăm anh như vậy, chứng tỏ Em
đã yêu anh nhiều lắm. Sau này anh có hỏi thăm những người bạn đang học bên Đức
về Em. Họ kể rằng khi nghe bất cứ ai đề cập tới anh, Em không nói gì chỉ khóc
và bỏ đi.
Ngày ra đi, Em để lại cho anh một lá thư từ giã, trong đó có
hai chữ “Bảo trọng”. Anh giữ mãi lá thư đó và còn luôn mang nó trong hành trang
nữa. Lá thư của Em là nguồn an ủi cho anh trong những năm tháng lạnh giá.
Những lúc trong rừng sâu nước độc ấy, nằm hồi tưởng lại đời
mình, anh mới biết chính Em mới là người yêu anh thật, yêu anh nhất trong số những
người đã đi qua đời anh. Anh tha thiết muốn gặp lại Em trong những lúc khổ đau đó!
Một ngày tháng Giêng năm 1985, anh đã tới nhà tìm Em. Chị M.
của Em cho biết, Em đã mất vì một tai nạn xe hơi tại Tây Đức hai năm trước đó!
(1983). Anh đã ngẩn ngơ suốt mấy ngày liền!.
Xin cho linh hồn Em được nghỉ ngơi bình yên.
Vũ Thành An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét