“Khi nhắm mắt trong phút chốc, xung quanh tôi thoắt
nhiên rực rỡ nắng, tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ, chỉ mới mười ba tuổi đầu và đang
cố gắng đuổi theo người con gái ấy.”
Rất nhẹ nhàng, rất khẽ khàng, và không hề chủ tâm áp đặt, với
câu văn mở đầu Chương 1, Hoàng Mai đã êm ái mở ra một cõi mơ. Và bất giác, những
người đọc chúng ta cũng chìm vào một nơi chốn mơ màng, trôi theo những hình ảnh,
những tư duy, xúc cảm chập chờn, hư ảo.
Kể từ câu văn đầu tiên đó, những từ “ngủ mơ”, “giấc mơ”, “giấc
chiêm bao”, “cơn mộng ảo”… cứ lặp đi lặp lại, ướt đẫm từng chương, từ đầu tới
cuối tác phẩm. Những giấc mơ với mọi sắc màu, ảnh tượng, có thật và không có thật,
đan bện vào cảm xúc nhân vật, đồng vọng những tiếng cười, tiếng khóc, tiếng nức
nở âm thầm…
Và khi ta khép sách lại, dường như âm vang của những giấc mơ
vẫn còn nhoi nhói.
Có lẽ chưa có tác giả Việt Nam nào mượn những giấc mơ để chuyển
tải một câu chuyện vốn chạm vào một loạt vấn đề thuộc loại gay go và sâu sắc
hàng đầu của tuổi trẻ đương thời: mơ ước, thất vọng, tuyệt vọng, cô đơn, cảm
giác về sự phù du của cuộc đời, sự rạn nứt lặng lẽ của gia đình, tình yêu(khác
giới và đồng giới), và những nỗi đau thầm kín, vân vân. Đặc biệt là
những nỗi đau thầm kín; của những cô gái bị xâm hại tình dục khi còn thơ ấu.
Tác giả không trực tiếp lên án những kẻ phi nhân có hành vi tội lỗi đó, nhưng
còn lời lên án nào nghiêm khắc cho bằng việc mô tả “cực kỳ hiện thực” những nỗi
đau, những ám ảnh kéo dài của các nạn nhân.
Vì khuôn khổ hạn chế của một Lời giới thiệu tác phẩm văn học,
và vì tôn trọng thời gian của bạn đọc, tôi xin không đi sâu vào phân tích những
chủ đề nói trên, chỉ nêu ra một số trích dẫn “nặng ký” nhất, để các bạn tùy
nghi cảm nhận và đánh giá. Những đoạn văn này tự thân chúng đã nói lên rất nhiều
điều:
“Không phải chỉ chị đâu, không phải chỉ tôi đâu, là những kẻ
lạc loài… Dường như bất kỳ ai trên thế giới cũng có lúc là một đứa trẻ tội nghiệp
nhất với câu chuyện đáng thương của riêng mình. Tất cả chúng ta đều cô đơn. Làm
gì có một ai không mang trong mình một, một vài vết thương chứ? Và những đứa trẻ
của một gia đình không toàn vẹn lại tiếp tục xây nên một gia đình không toàn vẹn
khác.” (Chương….)
Hay:
“Rồi càng lớn, em càng cảm giác rằng em không được giống với
tất cả mọi người. Em không thể lớn giống như họ. Có một ngày em nghĩ rằng mình
phải thực tế, phải trưởng thành mau thôi, thì bỗng chốc em nhận ra em không giống
với chính mình nữa. Cuộc sống của em thậm chí còn tồi tệ hơn khi lột bỏ những
mơ mộng điên rồ, niềm tin ảo tưởng. Tận sâu trong trái tim không ngừng mâu thuẫn,
dằn xé. Không biết mình là ai, cứ kẹt lại mãi, ở một nơi chốn lưng chừng.”(Chương….)
SỰ PHÙ DU CỦA CUỘC ĐỜI
“Khi đợt pháo cuối cùng tắt đi là mọi giấc mơ cũng sẽ biến mất...
Đó là thông lệ, báo hiệu sự kết thúc của Lễ Hội Phù Vân. Và khi tôi nhìn quanh,
mọi thứ bỗng trở nên hoang mang kỳ lạ. Nụ cười vẫn còn hồng trên môi mọi người,
nhưng thoáng chốc những hạnh phúc kỳ vọng trở nên gượng gạo, có gì đó vừa mới
chết, vừa mới bợt phai đi. Trong đêm đó tôi bỗng cảm giác rõ ràng về sự kết
thúc, đồng thời đó là khát khao mãnh liệt muốn kéo dài con đường trở nên bất tận.”(Chương….)
GIA ĐÌNH RẠN NỨT TRONG LẶNG LẼ
“ ‘Mỗi lần ba về là hai người cãi nhau suốt, ném mọi thứ vào
nhau, những lời độc ác nhất... Em ghét người lớn, thực sự ghét họ, ban đầu em sợ
lắm, còn không ngủ được. Nhưng về sau em nghĩ, tại sao họ không chia tay đi,
chia tay cho rồi đi…’ ” (Chương….)
Hay:
“Tôi không dám nhìn mẹ, lại dán mắt ra mây. Tôi muốn hỏi
thêm, đơn giản là hai người đã ly hôn chưa, ly hôn từ lúc nào, tại sao… và chỉ
thế thôi, nhưng đã im lặng. Cũng đã chẳng cần thiết nữa.
Có những vết thương mà không ai công nhận, bởi nó có vẻ ngoài
trông quá đỗi bình thường. Người ta lảng tránh nó đi mà thậm chí vẫn tin rằng họ
làm đúng. Những người lớn ấy vẫn không bao giờ chịu nói sự thật, và tất cả mọi
người trong gia đình chúng tôi vẫn chưa bao giờ có dịp ngồi lại cùng nhau để
nói cho hết những hiểu lầm, khúc mắc..” (Chương….)
Hay:
“ ‘Gia đình’ chính là chủ đề mà hai đứa cảm thấy giống
nhau, như thể những vết thương luôn có cách bắt nhịp cùng đồng bọn của nó. Chis
cũng như tôi, có một gia đình phân mảnh. Như rất nhiều đứa bọn tôi tin rằng một
gia đình toàn vẹn trong thế hệ này là hết sức bất thường. Mà chắc thế hệ nào
cũng thế thôi.” (Chương….)
TÌNH YÊU
“ ‘Vì chẳng có thứ tình yêu nào lâu bền mãi mãi, nên những lời
em nói chẳng khác gì là một lời nói dối đâu.’ Chị nhìn những ngón tay mình rồi
cười. ‘Chẳng tùy thuộc vào chuyện ta muốn hay không, tình cảm tự nó có quy
luật của nó. Ký ức mà vẫn ngỡ mãi sống động trong em sẽ từ từ tan biến đi như
tuyết tan dần trên những nhánh lá cây. Thực tế là vậy, không thể nào khác được,
rồi em sẽ quên tôi rất nhanh, và đó là cách mọi người chọn để lớn lên…’ ” (Chương….)
Hay:
“Chị xoay mặt về phía tôi, còn tôi bắt đầu nói như mê sảng.
‘Tình yêu của em, tình yêu của mọi người… kỳ thực tình yêu là gì chứ? Tại sao
những điều em cảm nhận thấy đều thật xa khác với hầu hết mọi người? Em không biết
nơi đâu là sự thật nữa, liệu có thể tin vào thứ gì đây? Có gì không đúng đắn khi
em yêu một người con gái…’ ” (Chương….)
“Ông ấy đã hỏi tôi có muốn học giỏi không, có muốn tốt đẹp
không. Tôi nói rằng tôi có và đi theo ông ấy. Tôi để yên khi bàn tay ông ấy luồn
trong chiếc quần lót của tôi. Trong tranh tối tranh sáng, những ngón tay mũm
mĩm khớp tay nổi rõ và rất bẩn. Tôi đông cứng lại, những cảm giác lần đầu tôi
nhận thấy. Tôi không hiểu rõ đó là chuyện gì. Đứng yên tại chỗ, không thể thét
lên. Rồi tôi vùng người chạy thật xa với một niềm tủi hổ, đau đớn cứ thấm mãi,
dâng lên theo từng bước chân…” (Chương…)
Hay:
“Và dù tôi cố gắng miêu tả như thế nào, nó cũng cứ hài hước
làm sao ấy. Nó thiếu mất một đoạn quan trọng nhất nên không bao giờ biết chắc sự
thật là thế nào. Không sao nhớ được, cũng không chắc rằng đã bỏ sót điều gì
không. Không biết rằng đó ký ức hay một sự tưởng tượng. Nếu là tưởng tượng – rất
có thể là tưởng tượng - thì tại sao nó lại quá đau đớn đến như thế?
Duy một điều tôi chắc nỗi đau ấy luôn trực diện ở đây, ngay
trong tim tôi, trong đáy sâu tâm khảm của chính tôi, đợi chờ để đốn ngã tôi, bất
kỳ lúc nào…” (Chương….)
Hay:
“Cảm giác đông cứng người lại đến gần như không thể thở nổi.
Cửa mình co thắt, thứ nước nhơ ấy cứ rỉ ra, rỉ ra... Hơi thở ấy vẫn còn mãi bên
tai tôi khi nhắm mắt, từng động chạm trên da thịt vẫn làm đau tôi như vừa mới
hôm qua. Toàn bộ cơ thể này chẳng chứa đựng gì hơn, ngoài những vết thương đang
mưng mủ, vẫn còn mưng mủ.”
“Như thể một trò đùa, chị bị tổn thương và dày vò hết ngày
này qua ngày khác. Tôi như vẫn còn trông thấy những hình ảnh ấy, như những cuộn
phim chậm rãi trôi qua. Tôi nhìn thấy máu, nước mắt của chị, và những vết dao vạch
trên cánh tay, trên cổ tay, khi cơ thể lớn dần lên.”(Chương….)
Tác giả thuật lại câu chuyện qua lời của nhân vật “Tôi” theo
cách kể chuyện thông thường, nhưng thi thoảng cũng điểm đôi chút thủ pháp “dòng
ý thức”, và đặc biệt, ở Chương cuối, cô lại khai thác thủ pháp hiện thực huyền ảo,
với nhân vật “Người Thu nhặt Ký ức”. Và, như đã nói, câu chuyện dù rất thật, lại
cũng “rất mơ”. Hiện thực đời sống, qua phương tiện “những giấc mơ”, trở thành một
cái gì đó hư ảo chập chờn, lung linh như bóng trăng dưới nước. Một bạn đọc duy
lý có thể tìm thấy ở nơi này nơi khác đôi ba chi tiết không logic lắm. Ví dụ,
Mimi, một cô gái bỏ nhà đi hoang từ năm 17 tuổi, lại khá am tường văn học, có
kiến thức về những tác giả, tác phẩm thuộc loại “khó nhai” như Mrs.
Dalloway (tiểu thuyết của Virginia Woolf), Salomé (kịch của
Oscar Wilde) mà vào thời điểm thực tế khi tác phẩm này được viết vẫn chưa có
các bản dịch tiếng Việt. Hay trường hợp nhân vật “Tôi”, một cô bé mê và đọc những
tác giả khó nhai không kém, chẳng hạn Dostoevski từ năm 12 tuổi. Dù việc lý giải
đối với trường hợp này khả dĩ hơn. Nhưng bạn đọc ấy sẽ rộng lượng và sẵn lòng bỏ
qua những chi tiết ấy, khi cảm nhận được rằng câu chuyện này là câu chuyện của
những giấc mơ.
Trong tác phẩm này, các nhân vật dường như chỉ là những cái
bóng của những con người thật. Không gian, và đôi khi, thời gian, cũng trở nên
mơ hồ như một tấm kính nhòa hơi nước. Vì vậy, thật sự rất khó xác định cụ thể
bút pháp của tiểu thuyết này.
Dù sao, tôi rất muốn gọi đó là thủ pháp “dòng giấc
mơ”(stream of dreams), và tưởng tượng biết đâu chừng sau này có một vài nhà phê
bình, khi nhận định về Đung đưa trên những đám mây, sẽ gọi thủ pháp của
tác giả bằng chính cái tên ngẫu nhiên bịa ra này. Nhưng thôi, công việc gọi
tên thủ pháp tốt nhất nên dành cho thời gian, và những nhà phê bình có kiến thức
chuyên sâu.
Chỉ có điều này là tôi dám chắc: tác giả đã lao tâm khổ tứ
không ít trong quá trình xây dựng tác phẩm vì chủ đề khá rộng, đòi hỏi một mức
độ tri thức khá thâm sâu, và quan trọng hơn nữa, niềm cảm thông sâu sắc. Có những
câu, những đoạn cứ như rứt ruột ra mà viết, cứ như tác giả cũng chính là nhân vật,
hoặc đã thật sự hóa thân thành nhân vật, trong quá trình sáng tác. Diễn biến
tâm lý của nhân vật rất thật, dù mọi chuyện, như trên đã nói, cứ như những giấc
mơ liên miên trôi chảy từ trang đầu tới trang cuối sách.
Trong những giấc mơ ấy có khá nhiều nhân vật với mọi tính
cách con người đa dạng, đủ để hình thành một xã hội nhỏ bé, tuy nhiên cũng điển
hình cho toàn xã hội trong nước hiện tại, nói rộng hơn là toàn cõi thế. Nhưng
hai nhân vật được tác giả chăm chút nhất, yêu thương nhất, dụng công thể hiện
nhất là hai cô gái: Mini, một nữ diễn viên điện ảnh; và “Tôi”, một cô bé mười
ba tuổi khi câu chuyện bắt đầu, và một cô gái mười chín tuổi vào cuối truyện.
Vì vậy, trước khi bước vào câu chuyện, chúng ta hãy thử làm quen
với hai nhân vật mà tác giả thương yêu nhất này:
MIMI
Nhân vật Mimi lấy từ nguyên mẫu đời thực nào, hay được hư cấu
hoàn toàn, điều đó không quan trọng; nhưng chắc chắn những cô gái giống như
Mimi không là số ít trong xã hội Việt Nam hiện tại. Ta hãy nghe tác giả miêu tả
Mimi, thông qua “tôi”:
“Khi tôi lần đầu nhìn thấy, người con gái ấy trông có vẻ rất
tuyệt vọng, rất lạ thường. Chị với mái tóc rất dài, váy liền thân trắng và áo
khoác xanh lơ. Trông chị như thể một người vừa trượt chân xuống một chiếc hố rất
sâu, vừa đi vừa khóc. Tuy thế toàn thân lại tỏa ra một thứ ánh sáng vừa mơ hồ vừa
thu hút đến lạ lùng.
Khi tôi nhìn thấy chị, như thể một mùi hương đã ngủ rất lâu
trong tôi thoắt nhiên sống dậy, sửng sốt, bàng hoàng. Tôi thấy trái tim tôi đập
rất nhanh và rất đau.” (Chương 1)
Mẹ Mimi tái giá khi cô còn bé, và rồi ngày nọ, một sự cố bi
thảm xảy ra: cô bị người cha dượng tước đoạt đời con gái vào sinh nhật thứ mười
ba. Sự thật luôn trần trụi, và mọi tô vẽ đều vô ích. Sự thật bi thương này, được
tác giả thể hiện một cách chân xác lạ lùng, quá đủ để người đọc cảm nhận được nỗi
đau của nạn nhân, như ở mục trích dẫn Những nỗi đau thầm kín bên
trên.
Mimi là một cô gái có cá tính phức tạp, vừa mạnh mẽ trong lý
trí vừa yếu đuối trong tình cảm. Cô rời khỏi nhà, sống lang thang lưu lạc từ
năm mười bảy tuổi. Tình cờ, một đạo diễn nhận ra tố chất nghệ sĩ của cô, và bồi
đắp cô thành một nữ diễn viên tên tuổi. Cô thành công trong sự nghiệp, dù dửng
dưng với chính sự nghiệp đó. Rồi một ngày tình yêu đến:
“Hệt như câu chuyện tình trong phim, Sói và chị đã ‘tìm thấy
nhau’ và yêu nhau trong quá trình quay. Chị tin anh ta là ‘một người con trai rất
khác biệt, chẳng biết gì ngoài âm nhạc’, ‘viết tình ca rất hay’, và chị bị đắm
bởi ‘vẻ dịu dàng với một chút khờ khạo của anh ấy’. (Chương….)
“ ‘Trong suốt cuộc đời, tôi có xu hướng muốn kiểm soát tất cả
mọi thứ,” chị nói. ‘Tôi đã luôn bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Nhưng vào giây phút
đó, tôi đã phải lòng người đàn ông này, và chẳng cần điều gì khác nữa. Những thứ
như danh vọng hay vật chất, chẳng phải chỉ là ảo ảnh thôi ư? Chỉ tình yêu là thật,
trái tim tôi đang đập đây là thật, tôi đang sống chỉ vì điều đó. Mất kiểm soát
rồi nhưng tôi không còn cảm thấy sợ hãi. Khi nghĩ về anh ấy tôi không thể ngăn
mình tự mỉm cười không lý do.’ ”(Chương….)
Tình đến. Rồi tình đi. Lỗi không do ai, hay do cả hai phía.
Mimi lý giải:
“ ‘Theo một cách nào đó bọn chị đã cố tình hay không thể
phân biệt nổi cuộc sống thực tại và những thước phim. Rất nhiều chuyện đã xảy
ra, và đã quá mệt mỏi đến mức không thể bước đi tiếp, đến mức cảm thấy bẽ bàng
khi nhìn lại. Sẽ chẳng ai là người có lỗi, chỉ là...’ Chị ngừng lại, đưa
đôi mắt kiếm tìm nơi những khoảng không lơ lửng. ‘Khi nhắm mắt tôi sẽ vẫn còn
nhớ về khoảng thời gian “bỏ trốn”, khi anh ấy không là một ca sỹ, còn tôi không
là một diễn viên. Không là ai cả, chúng tôi đang trong những giấc mơ, chỉ cần
có hai đứa thì thế giới sẽ luôn tươi đẹp…’ ” (Chương….)
Kết thúc dành cho Mimi là cái chết -- một kết thúc rất buồn
-- nhưng có lẽ đối với cô, đó là sự giải thoát, là ân sủng cuối cùng của cuộc đời
dành cho cô, một hồng nhan bạc mệnh:
Có một nơi, em biết không, có một nơi không có những vết
thương, không có những nỗi đau cùng những trống rỗng bất an ghi khắc đầy trong
tim. Dù lâu như thế nào, nhưng em sẽ tìm được đường đến đó… Em có hiểu gì
không?” (Chương….)
“TÔI”
“Tôi” là một cô gái khác thường. “Tôi” trong Đung đưa giữa
những đám mây như một con lắc cứ chao động giữa đôi bờ hư-thực.
“ ‘Chị biết đó, từ rất lâu, cuộc sống của em không là thực
lắm.’ Tôi nghiêng đầu. ‘Em không biết mọi người sống thế nào nữa, còn với em, mọi
thứ cứ mơ hồ, như đùa chơi vậy thôi. Thật ra em thuộc loại người mà người khác
không nên tin tưởng. Bởi lẽ chính em cũng không còn khả năng tin trọn vẹn vào bất
cứ thứ gì…’ ” (Chương….)
Một bé gái mới 12 tuổi nhưng chỉ mê đọc những tác phẩm
kinh điển. Rất say mê nhân vật Lâm Đại ngọc trong tiểu thuyết Hồng Lâu mộng của
Tào Tuyết Cần. Nhất quyết sẽ trở thành một nhà văn. Yêu một cô gái lớn tuổi hơn
(Mimi).
“Mùa hè năm ấy, tôi đã đọc tất cả những gì trong tầm mắt,
không chọn lọc hay e dè, chỉ vì điều ấy làm cho tôi hạnh phúc. Với việc đọc tôi
bắt đầu những giấc mơ của mình từ ngày này sang ngày khác, trái tim được lấp đầy
và xoa dịu…”(Chương….)
“Khi tôi mười ba tuổi tôi đã nghĩ rằng mình cũng có thể viết
được một cuốn sách. Vào mùa hè năm ấy tôi đã khởi sự viết nhưng chẳng mấy lâu
đã phải gác bút vì cứ còn thấy thiêu thiếu một thứ gì. Mình chưa biết yêu, tôi
nghĩ và thất vọng, tất cả các nhà văn trở nên tài năng là vì họ đều có một nàng
Thơ cho riêng mình.” (Chương….)
Gia đình em là một gia đình tan vỡ từ lâu, chỉ còn hình thức.
Mẹ em ngoại tình với một người đàn ông, ba em thường xuyên đi vắng. Và nếu căn
nhà có cả cha lẫn mẹ, nó biến thành một bãi chiến trường. Những ẩn ức, buồn phiền,
sợ hãi và cảm giác không thể hiểu, cảm giác bất lực, cảm giác chán ghét ấy, có
lẽ đã biến em thành một cô bé kỳ lạ. Em bắt đầu chạy trốn thực tại, tìm nơi ẩn
náu trong những trang sách, trong những giấc mơ.
“Những trang sách cho tôi cảm giác mình thật đặc biệt. Tôi
không có ở đây, tôi đang sống bởi có nhiều cuộc đời khác. Rất tự do,
trôi nổi ở bất kỳ nơi đâu. Và ở nơi ấy, tôi có thể được gặp được những con người
thú vị nhất, lạc quan hay nhút nhát, tươi tắn hay chất chứa u sầu.” (Chương….)
Em từng bị xâm hại tình dục. Ký ức về sự cố đó là một vết
thương, không rõ rệt, nhưng mãi mãi là một vết thương không kín miệng. Có phải
chính vì thế mà trong em đã hình thành một tình yêu lệch lạc, nghĩa là yêu một
người cùng giới tính?
“Và dù tôi cố gắng miêu tả như thế nào, nó cũng cứ hài hước làm
sao ấy. Nó thiếu mất một đoạn quan trọng nhất nên không bao giờ biết chắc sự thật
là thế nào. Không sao nhớ được, cũng không chắc rằng đã bỏ sót điều gì không.
Không biết rằng đó ký ức hay một sự tưởng tượng. Nếu là tưởng tượng – rất có thể
là tưởng tượng - thì tại sao nó lại quá đau đớn đến như thế? Duy một điều tôi
chắc, nỗi đau ấy luôn trực diện ở đây, ngay trong tim tôi, trong đáy sâu tâm khảm
của chính tôi, đợi chờ để đốn ngã tôi, bất kỳ lúc nào…”
“Tôi đã có những tháng ngày của tuổi thiếu niên rất khó khăn
và ý nghĩ về cái chết hay sự vô nghĩa luôn luôn đầy ắp tâm trí. Cảm thấy không
thể tin tưởng bất cứ thứ gì, những điều từng là chân lý lần lượt đổ sập ngay
trước mắt. Thêm vào đó, tôi cũng không có năng khiếu diễn kịch, không sao có thể
giả vờ mình là một ai đó, tiếp tục cứ ngẩng đầu lên đầy kiêu hãnh, trong khi
trong lòng vẫn tràn đầy hỗn loạn, hồ nghi. Tất cả những điều ấy, tôi
không biết đã làm tôi đau đến thế nào cho đến khi nhìn thấy nước mắt của mình
sau rất nhiều năm. Khoảnh khắc, tôi chợt hiểu rằng trái tim tôi vẫn luôn dành
chỗ để nuôi giấu những vết thương, vô thức đã khắc ghi những nỗi giận hờn của
mình một cách chi tiết nhất.
Nên đã chạy rất lâu mà vẫn không sao trốn nổi, cố gắng đi rất
xa nhưng rồi chỉ thấy mình đứng mãi ở nơi đã bắt đầu. Tôi vẫn ở lại nơi những vết
thương mưng mủ, nơi những ký ức thảm hại, độc địa, lẩn quẩn không thể rời
chân.”
Còn có rất nhiều điều về “Tôi”. Em đã trưởng thành ra sao? Em
có thoát khỏi cơn mê tăm tối, rối rắm đầy hoảng loạn đó, và chỉ còn những giấc
mơ đẹp đẽ? Trích dẫn là một khả năng vô cùng hạn chế, vì vậy, rất mong bạn đọc
tìm thấy thêm nhiều yếu tố về nhân vật này ngay trong tác phẩm.
Còn nhiều nhân vật khác cũng rất đáng chú ý, như Sói, Hổ,
Chis, ba mẹ của “Tôi”. Tất cả tập hợp, xoay quanh hai nhân vật chính của chúng
ta, đại diện và hình thành nên một phần tử trong xã hội lớn Việt Nam.
Bạn đọc thân mến,
Ở phần trên, tôi viết với tư cách một người đọc, với những nhận
định, suy luận và diễn giải nặng phần lý tính; cũng có cảm xúc, dĩ nhiên, nhưng
chỉ một phần rất nhỏ. Nhưng tới đây, để kết thúc lời giới thiệu này, tôi xin
nói thêm đôi lời về chính tác giả. Bởi thông thường, khi thưởng thức một tác phẩm
nghệ thuật, càng biết nhiều về tác giả, người thưởng ngoạn càng có thể cảm nhận
được nhiều hơn.
Hoàng Mai hoàn thành Đung đưa trên những đám mây năm
20 tuổi, khi còn là sinh viên ĐH KHXH và Nhân văn Tp.HCM [1]. Tôi đọc nó lần
đầu trên website vanchuongviet.com, và không ngờ tác giả chính là cô gái Hoàng
Mai mà tôi quen biết từ khoảng hai năm trước đó. Chỉ sau này, khi gặp lại Hoàng
Mai, tôi mới biết nó là đứa con tinh thần của cô. Nhưng ngay từ lần đầu đọc nó,
trước khi biết sự thật nói trên, thật sự tôi rất thích và đánh giá rất cao tác
phẩm này, dù dĩ nhiên nó vẫn còn những thiếu sót của một tác phẩm đầu tay.
Là một người cầm bút, và cũng là một người dịch chuyên nghiệp,
từng đọc và dịch khá nhiều tác phẩm của những nhà văn lớn, tôi có thể khẳng định
một điều, dù có phần chủ quan cảm tính, rằng Đung đưa trên những đám mây là
một trong số tác phẩm hay nhất của các cây bút lứa tuổi 8x và 9x Việt Nam mà
tôi từng đọc; rằng đây là một tác phẩm có tầm vóc, xứng đáng nhận được sự yêu
thích và đồng cảm của nhiều độc giả, bất chấp lứa tuổi, giới tính. Đây chỉ là
bước đầu tiên trên con đường văn học cam go gian khổ, có thể sau tác phẩm này
Hoàng Mai không viết được gì hay hơn nữa; cũng có thể đây là cột mốc để từ đó
cô vươn lên những tầm cao mới. Nhưng dù sao, bản thân tác phẩm này rồi sẽ có một
chỗ đứng nhất định trong nền văn học nước nhà, tôi tin chắc là như vậy.
Với những nhận định và lý do trên, tôi xin trân trọng giới
thiệu tác phẩm này cùng bạn đọc.
[1] Tôi xin thử tham chiếu với vài tác giả khác, chỉ để cho vui, hoàn
toàn không nhằm mục đích so sánh: Virginia Woolf xuất bản tác phẩm đầu tay The
Voyage Out năm 23 tuổi (1915); Emily Bronte, Wuthering Heights năm
29 tuổi (1847); Margaret Mitchell, Gone with the wind, năm 36 tuổi
(1936).
Sài Gòn, tháng 3/2017
Nguyễn Thành Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét