Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Tiếng lòng của người xa quê

Tiếng lòng của người xa quê
Cuối năm 2014, Bùi Ngọc Phúc về quê, anh tìm đến trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình thăm anh, chị em văn nghệ và tặng tôi tập thơ "Những nơi chưa đến" do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành cách đây chưa lâu.
Nhớ lại mấy năm trước, Hội có tổ chức trại sáng tác ở Vũng Tầu. Nghe tin anh, chị em ngoài này vào, Bùi Ngọc Phúc đã lên thành phố và đưa chúng tôi về Xuyên Mộc, nơi đã mấy mươi năm anh sống và gắn bó.Chiều ấy, sau gần 50 cây số cuốc xe ôm, mấy anh, em chúng tôi đã tới Xuyên Mộc. Cái nắng miền biển hanh hao, đầy gió cát đã ám vào con người Bùi Ngọc Phúc tự bao giờ anh cũng không biết nữa. Da ngăm đen, rắn rỏi, đôi mắt sáng, ẩn chút u buồn trên khuôn mặt, khuôn mặt trầm lắng đăm đắm điều gì như vọng tự xa xăm. Hôm ấy, chúng tôi nghe anh nói nhiều về thơ, về nỗi nhớ quê. Anh làm thơ từ thời còn đi học, mấy mươi năm rồi đâu có ít. Trước khi có tập thơ này, Bùi Ngọc Phúc đã xuất bản 2 tập thơ, cũng đã vài ba cái giải thưởng về thơ.
Nhận tập thơ của Bùi Ngọc Phúc tặng trước ngày anh trở lại Vũng Tầu. Anh nói với tôi: Khi nào rảnh, Bình Nguyên đọc cho vui nhé. Xa anh từ bấy đến nay, tôi và anh chưa một lần liên lạc. Vừa rồi, mở lại tập thơ, nhấn nhá đọc, có cái gì cứ lôi cuốn tôi, ám ảnh tôi như muốn níu kéo tôi vào cùng anh chia sẻ.
Hóa ra, con người ta xa quê, mấy ai không đắm đuối với quê. Quê trong Bùi Ngọc Phúc gần gũi thiêng liêng lắm, trong trẻo chân thật lắm. Anh đi, cái hương vị của quê cứ níu kéo căng tròn. Mỗi mảnh khói chiều, gốc duối, cầu ao, mỗi tiếng gió trở mùa, mỗi hạt sương rơi ngoài thềm vắng, mỗi tiếng ho đêm bên vách nhà cứ rồn rộn nấc lên cuộn vào anh trong nỗi xa thầm.
"Nếu một mai/ bến nước, gốc đa làng/ không còn nữa/ con đầu trần chân đất/ biết về đâu..."(Làng tôi mùa đông).
Quê đấy, đi xa ngoái lại, cứ mù mịt trong gió sương mà không bao giờ mất bóng. Quê, nơi hương khói của tổ tiên ông bà, cứ ấm theo hun hút bước chân anh. Năm tháng đi, kéo đi theo những gì sẻ chia của một thời anh gắn bó, gieo rắc những hoài niệm dọc nẻo trông về để rồi gợi lên, nhớ lại những cái mỏng manh, nhỏ nhoi, lúc ẩn, lúc hiện, khi còn, khi mất cứ làm buôn buốt trái tim anh.
"Không xà phòng lấy quả găng giặt áo/ Tiếng guốc đêm gõ nhịp xuống đường làng/ Tôi lang thang đau từng viên gạch vỡ/ Viên gạch nào in gót chân son" (Làng tôi mùa đông)
Bùi Ngọc Phúc sinh ra và lớn lên ở Yên Từ, gắn bó với làng Nuốn, cái làng quê đã trở thành điểm hội tụ, nơi hò hẹn nhau trong những ngày sau tết. Hội báo bản quê anh đã có từ rất lâu, cái nét văn hóa làng khai sinh từ những người đầu trần chân đất cứ phát sáng dần, lặn trong hồn vía người quê mà thành sắc thái. Mỗi lần Hội báo bản về khi ở xa, trong anh lại chộn rộn, lại hình dung, lại nhớ nhung, nước mắt.
"Lại thêm một lần báo bản/ Con không về được, thưa cha/ Cây đào cha trồng năm trước/ Nhớ người chắc cũng đơm hoa/ Lại thêm một lần báo bản/ Con không về được, mẹ ơi/ Xin mẹ đừng buồn, mẹ nhé/ Chợ Hôm rộn rã nói cười/ Nhớ con, mẹ ơi đừng khóc/ Sang năm báo bản con về/ Tay gầy mẹ đưa con dắt..." (Báo bản con không về)
Hương vị của những sản vật nhà nông như được ủ men, chắt lọc từ nắng mưa từ lam lũ từ vật lộn cuộc đời rồi qua bàn tay của người quê mà thành bánh trái thơm thảo, ai đã thưởng thức dù chỉ một lần ở chợ đêm báo bản chắc sẽ nhớ lâu. Quê của Bùi Ngọc Phúc ở đó thì khi xa làm sao không da diết được.
Rồi đây nữa, tâm tư thao thức trước lúc về quê.
"Ngày mai lại về quê/ Có còn chùm đom đóm/ Có gặp em liếc trộm/ Ngõ vào còn tháng ba" (Về Quê)
Chắc vẫn còn ngõ tháng ba, vẫn còn chùm đom đóm, nhưng cô gái năm xưa có lẽ chỉ còn trong kỷ niệm.
Lớn lên, như lớp thanh niên cùng trang lứa, đất nước có chiến tranh, họ lại tiễn đưa nhau vào tuyến lửa. Một thời gian khổ, hồn nhiên đã nuôi tâm hồn anh sáng lên, thắp trong anh ngọn lửa, ngọn lửa truyền cho nhau bằng niềm tin bằng hy vọng. Buổi đầu xa quê, dải dọc tuổi thơ từng nơi anh đến, từng lối anh qua, dòng sông, bến nước, con đò cứ đeo bám vào anh ở cả một vùng bọc quanh làng xóm, để khi xa rồi trong anh thức dậy.
"Khánh Nhạc ơi.../ Cánh cửa vào đời của chúng tôi ngày ấy/ Không phải cổng trường đại học giữa Hà Thành/ Đò Đức Hậu, đò Tràng ai còn nhớ/ Cô lái đò đưa khách mỗi hừng đông" "Ninh Phúc ơi.../ Cô học trò ngày ấy/ Bây giờ đâu, đất Bắc hay trời Nam/ Em thút thít tiễn tôi vào trận mạc/ Giọt lệ tuổi mười lăm sôi sục bến Vân Sàng" (Nhớ trường).
Tôi dừng lại và ngồi lặng khá lâu khi đọc "Em thút thít tiễn tôi vào trận mạc". Câu thơ gợi về ký ức tôi. Ngày ấy, làng tôi là Trạm nghỉ dừng chân cho bộ đội hành quân vào Nam thời đánh Mỹ. Tôi đã chứng kiến buổi chiều mưa tầm tã giữa cô gái làng với anh bộ đội. Cô gái gục đầu vào tấm vải dù trên chiếc ba lô người lính mà thút thít. Những giọt nước mắt hòa lẫn những giọt mưa trong hẹn hò, chờ đợi, tiễn đưa nhau. Rồi chẳng bao lâu tôi lại thấy những giọt nước mắt của cô rơi khi biết tin người lính ấy đã hy sinh trên đường ra trận. "Em thút thít tiễn tôi vào trận mạc" có thể tôi trở về, có thể tôi không trở về, đó là quy luật của chiến tranh. Nước mắt có rơi vào đau khổ hay rơi vào hy vọng, đợi chờ thì cũng đều chát mặn cả thôi.
Nỗi nhớ cứ đầy dần theo dấu vết tháng năm, nguôi ngoai làm sao được.
"Có phải vì em bữa ấy/ Ra sông gánh nước một lần/ Để dòng sông thành tên gọi/ Ngọt ngào hai tiếng sông Vân" (Tên sông ai đặt).
Do cách trở xa xôi, có khi nhiều năm Bùi Ngọc Phúc mới về quê một lần. Dọc con đường rắc tuổi, mưu sinh, qua bao nhiêu biến cố, kiếp nạn mà lớn lên mà còn, nhưng khi chạm tới quê lại nghẹn ngào, nức nở...
"Sông Đáy, sông Vân/ Dẫu không còn mênh mang một thủa/ Mà kẻ xa về nước mắt cứ rưng rưng..." (Thêm một người lang thang trên giấy).
"Những nơi chưa đến" là tập thơ chứa đựng nhiều tâm tư, dồn nén những bất chợt, những bắt gặp trong đời sống của năm tháng xa quê, thơ anh như hạt thóc, củ khoai nảy mầm từ đồng đất làng, qua nắng mưa, bão gió mà ngọt bùi, mà đậm vị, tỏa hương. Đối với quê hương Bùi Ngọc Phúc đem tấm lòng trải ra tiếng thơ và tiếng thơ tự lòng trải rộng mãi, trải ngược, trải xuôi dọc đường đời và dọc con đường ấy cứ soi trong bóng mình là thấy bóng quê và soi trong bóng quê lại thấy bóng mình...
Kết thúc bài viết này tôi xin trích dẫn bài thơ: Gánh nước chiều ba mươi, Bùi Ngọc Phúc viết cách đây 42 năm, khi chưa xa quê để người đọc hiểu thêm tình cảm suốt 42 năm bắt nguồn về cội rễ:
"Cái giếng hôm nay thành một vòng tròn/ Mỗi giọt nước cũng tròn theo óng ả/ Chiều ba mươi - một chiều vàng đẹp quá/ Cô gái nhà bên gánh nước về.../ Thùng nước cuối năm sóng sánh thầm thì/ Bốn mùa đi dồn một ngày đầy ắp/ Có cánh én chao nghiêng thùng nước bạc/ Có nụ cười em long lanh mây bay/ Gánh nước em đi mát cả hàng cây/ Gọi nẩy lộc, xòe hoa ríu rít/ Thời gian trôi nhanh, thời gian bịn rịn/ Bỗng nhịp nhàng theo bước chân em/ Chiều ba mươi cô gái nhà bên/ Đi gánh nước đón mùa xuân mới/ Em gánh tương lai, gánh lòng mong đợi/ Qua giao thừa thùng nước sẽ trong hơn/ Qua giao thừa trời đất hóa thanh tân...".
Bình Nguyên
Theo http://www.vanhocnghethuatninhbinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...