Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

“Tình ca Tây Bắc” và vô vàn điều thú vị trong đó

“Tình ca Tây Bắc” và vô vàn 
điều thú vị trong đó
Mỗi độ xuân về, lòng người đều trào dâng một cảm giác bâng khuâng, xao xuyến bởi đất trời, sông núi, cỏ cây, hoa lá như đang cựa mình trỗi dậy để đón nhận những tia nắng ban mai, ngọt lành. Cảm nhận sự tinh tế khi mùa xuân về trên quê hương Tây Bắc, năm 1953, nhà thơ Cầm Giang đã sáng tác bài thơ “Núi Mường Hung, dòng sông Mã”. Bài thơ nhanh chóng đi vào lòng bạn đọc, nhất là các chàng trai, cô gái miền sơn cước. Năm 1957, trên đường đi sưu tầm dân ca Mường, Thái ở vùng Tây Bắc, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đọc được bài thơ này, phát hiện ra những câu thơ mộc mạc, giản dị mà rất gợi cảm, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh như tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu với tác giả Cẩm Giang để “chuyển hóa” thành ca khúc “Tình ca Tây Bắc”.
Tiết mục “Hương xuân Tây Bắc” do các nữ 
diễn viên quần chúng Bộ chỉ huy BĐBP Sơn La thể hiện.
“Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về. Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa”. Lời mở đầu của bài hát rất tự nhiên như chính cảnh quan núi rừng yên ả vốn có vậy. Nhưng rừng không phải là tập hợp những cây vô tri vô giác, mà rừng như được “thổi hồn” vào đó vì những đóa hoa vàng đang tưng bừng nở rộ để báo hiệu mùa xuân đã về. Hòa với màu vàng của hoa mai và của ánh nắng, sự xuất hiện của “từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa” làm cho bức tranh của núi rừng ngày xuân như được tô điểm tuyệt bích.

Đang hồ hởi, phấn khởi trước cảnh quan thiên nhiên tươi tắn, tác giả như lắng đọng tâm hồn khi “Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn. Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang”. Đến đây, bức tranh thiên nhiên không chỉ có cảnh đẹp, mà đan cài trong đó là âm thanh trầm bổng của tiếng đàn, là nhịp điệu du dương của tiếng sáo.

Đoạn tiếp theo với lời ca “Em là dòng sông Mã. Anh là núi Mường Hung. Cho thuyền em ngược dòng. Gió đưa em về núi” (lời 1) đã làm cho phong cảnh sơn thủy hữu tình thêm lãng mạn, mộng mơ vì có đôi trai làng, gái bản đang bên nhau trong mùa hò hẹn. Núi là anh, suối là em-sự ví von ấy như minh chứng cho một tình yêu đôi lứa mãi mãi bền vững như ngọn núi Mường Hung cao vút và dạt dào vô tận như dòng sông Mã không bao giờ khô cạn.

Hay ở lời 2: “Anh là rừng xanh thẳm. Em là suối ngàn sâu. Cây rừng anh làm cầu, vắt ngang trên dòng suối” thì tình yêu đôi ta lại càng thêm mặn mà, đằm thắm vì anh như cây rừng làm nhịp cầu để nối liền và gắn kết với dòng suối của em. Một hình ảnh ẩn dụ thật tinh tế mà vẫn rất gần gũi như lối nghĩ, lối nói thật thà, chất phác của người dân tộc Thái. “Em hãy về bên suối. Đợi anh ở bên khuông. Anh làm no lòng mường. Em làm vui ấm bản” (lời 1) vừa là câu hẹn hò, vừa là lời động viên nhắn nhủ để tình yêu đôi ta được sống trong thuận hòa, no ấm của bản làng, quê hương.
Nếu sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảnh và tình trong những lời mở đầu rất nhẹ nhàng bằng âm điệu mượt mà, sâu lắng thì ở những lời ca tiếp theo là những giai điệu trữ tình ngọt ngào, da diết. Đó là “cái nền” mềm mại, uyển chuyển để tạo “sức bật” cho điệp khúc của bài hát được đẩy nhanh tiết tấu với nhịp điệu vui tươi, rộn ràng trong đoạn cuối: “Rừng rừng hoa với chim ca tưng bừng. Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em. Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng. Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân”. Mối tình “Núi Mường Hung-dòng sông Mã” như được cất cao, ngân vang với một mong ước rất đỗi thân thương và bình dị: Đó là tình yêu đôi lứa chỉ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi bản làng có cuộc sống êm đềm, yên ả và đất nước được hòa bình, hưng thịnh.
Lời ca như một ẩn ý nhắn với chúng ta rằng, tình yêu đôi lứa chỉ thật sự “hạnh phúc như mùa xuân” khi biết kết hợp và gắn bó hài hòa, mật thiết với tình yêu quê hương, cội nguồn, xứ sở và mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn, trưởng thành.
“Tình ca Tây Bắc” vừa là bài ca ngọt ngào về tình yêu đôi lứa của các chàng trai, cô gái vùng Tây Bắc, vừa là khúc ca trữ tình, sâu lắng về tình yêu quê hương, đất nước. Vốn là một nhạc sĩ có duyên với âm nhạc truyền thống và đã sáng tác thành công phần nhạc cho nhiều vở diễn chèo, Bùi Đức Hạnh đã lấy âm hưởng dân ca làm nền cho giai điệu bài hát rất có hiệu quả. Bởi thế, bài “Tình ca Tây Bắc” đã đi cùng năm tháng suốt mấy thập kỷ nay không chỉ vì lời ca giàu hình ảnh, hình tượng và cảm xúc, mà giai điệu bài hát mượt mà, đằm thắm, ngọt ngào như dòng suối trong xanh.
Mỗi lần ngân lên khúc ca ấy, chúng ta như được trở về và sống trong phong cảnh sơn thủy hữu tình nên thơ, được ngắm rừng cây xanh, suối mát và được tận hưởng không khí yên ả, thanh bình của quê hương Tây Bắc. Cùng với bài hát “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành, “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh (phỏng thơ Cẩm Giang) còn neo lại mãi trong tình cảm công chúng và được nhiều người ví như “tượng đài âm nhạc” về quê hương Tây Bắc giàu bản sắc văn hóa và truyền thống anh hùng.
Tình ca Tây Bắc
Nhạc Bùi Đức Hạnh, thơ Cẩm Giang
Anh Thơ - Việt Hoàn

Văn Hải
Theo http://mtv.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...