Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Lê Minh Quốc: Thử tìm hiểu màu sắc trong thơ

Lê Minh Quốc: Thử tìm hiểu 
màu sắc trong thơ
Đã từ lâu tôi rất thích hai câu thơ chữ Hán:
Cử đầu: Hồng nhật cận
Đối ngạn: Nhất chi mai
(Thướng Sơn)
Ngẩng đầu: Mặt trời đỏ
Bên suối: Một nhành mai
Chỉ vài nét chấm phá rất tài hoa, Người đã vẽ lên một bức tranh rất hài hòa và màu sắc lung linh đầy gợi cảm. Trên cái nền đó (tức không gian) chỉ có màu đỏ chói chang của mặt trời, lại xuất hiện cánh mai vàng đã giúp tôi liên tưởng đến hình tượng lá cờ Tổ quốc. Sự liên tưởng ấy không phải không có cơ sở của nó, nếu chúng ta đã từng biết tấm lòng yêu nước thương dân của Bác luôn khắc khoải nghĩ đến vận mệnh của Tổ quốc - khi vừa chợp mắt thì đã mơ thấy “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Thật đúng như nhận định của nhà thơ Sông Hồng: “Thơ là nghệ thuật kỳ diệu của trí tưởng tượng”.
Do đó, ngôn ngữ của thơ thường thiên về khái quát và tổng hợp mang nặng sắc thái của tình cảm. Tưởng tượng được chắp cánh từ cơ sở hiện thực của đời sống. Có những bài thơ đọc xong, chúng ta cảm nhận được biết bao màu sắc - màu sắc của hội họa và màu sắc của tư duy nhận biết được qua suy nghĩ riêng tư của mình. Trong bài này, tôi muốn nêu lên một vài suy nghĩ về màu sắc đó ở trong thơ. Có lẽ, Nguyễn Du - nhà thơ thiên tài của dân tộc ta - lần đầu tiên đem lại cho thơ một màu xanh kỳ lạ, và hai câu lục bát này là một bức tranh giúp chúng ta nâng cao giá trị thẩm mỹ:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Chao ơi, cái màu xanh ấy, đọc xong chúng ta như choáng ngợp trước sự ưu đãi mênh mông màu xanh của nó. Rõ ràng, ngay cả khi đứng trước cái màu xanh ngút ngàn vô tận cũng đã đem lại cho ta cái cảm giác:
Xanh nhức nhối lúa đang thì con gái
(Nguyễn Thị Ngọc Tú)
Hoặc cái màu vàng trong câu thơ đầy tâm trạng của Tế Hanh:
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
Âm điệu câu thơ cứ dùng dằng như một lời tâm tình da diết và sâu lắng. Ngôn từ của câu thơ bồng bềnh đầy hình ảnh bởi ở đây, danh từ loại thể lại được nhà thơ so sánh với từ chỉ tính chất thuộc phạm trù tình cảm rất trừu tượng - mà người đọc chỉ nhận được qua cảm giác của chính mình. Do đó, kết cấu có vế vị ngữ biểu thị sự tiếp thụ về mặt giá trị, sắc thái ý nghĩa ngữ pháp còn có những góc cạnh tế nhị khác. Tính chất này cũng là điều kiện để mở rộng cấu trúc của vế vị ngữ. Và câu thơ mang hình ảnh đầy sáng tạo này được nhìn nhận như một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Ta biết, nỗi nhớ thuộc về phạm trù tình cảm của con người. Thế nhưng trong thơ, nó lại có màu sắc. Nếu màu vàng chỉ mới ở cung bậc thấp của sự thương nhớ, chưa đến nỗi khắc khoải đau đớn.
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
(Thâm Tâm)
Chiếc lá rơi óng ánh lá thu vàng
(Lê Giang)
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Lưu Trọng Lư)
Vậy phải có một màu sắc khác để nói lên cung bậc cao hơn của tình cảm lúc này. Có lẽ là:
Chiều đang xanh bỗng ngả tím màu sim
(Thủy Nguyên)
Đúng như vậy. Trong cảm nghĩ của chúng ta, màu tím thường gợi lên sự buồn bã và chia cách: Bến xưa tìm lối cũ/ nhớ ai hoa tím buồn (Huy Cận). Màu mua tím trong khoảng trời thương nhớ (Xuân Quỳnh). Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím (Hữu Thỉnh). Hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã (Xuân Quỳnh). Và khi chiều về nghe tiếng chim, người ta cũng nghĩ: Chiều về trời tím tiếng chim (Nguyễn Ngọc Bái). Trong thơ ta có màu tím nhạt (Bóng hoa sói xòe dưới trăng tím nhạt - Hoài Giao), tím ngắt (Màu thời gian không xanh/ màu thời gian tím ngắt - Đoàn Phú Tứ), một loài hoa mọc trên đường hành quân của Giang Nam: Nắng mưa càng tím ngắt. Chưa phải tím, mới là tim tím (Nắng dìu dịu nắng, chiều tim tím chiều - Lê Minh Quốc). Và từ màu tím của sự chia xa đã đến trong thơ Hữu Thỉnh thành nỗi niềm bồn chồn chờ đợi - phảng phất chút băn khoăn như lời thì thầm nhắn nhủ:
Hoa bung biêng ơi, con lắc của mùa xuân
Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím
như nắm bắt được ngôn ngữ riêng biệt của màu sắc, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
Ôi hoa lan đường chín
Trắng làm chi anh buồn
Giá được màu hoa tím
Hẳn hồn nhẹ đau hơn
Màu hoa ấy không tím để chúng ta thêm chan chứa nỗi ngậm ngùi.
Tôi nghĩ, thơ có một hệ thống ký hiệu và mặc dù được xây dựng trên hệ thống ký hiệu ước định của ngôn ngữ, nhưng nó còn có những ước định riêng. Và ký hiệu ước định mới được sáng tạo bởi tài năng của nhà thơ. Chúng ta chấp nhận sự trong sáng của câu thơ:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
(Hồ Chí Minh - Nguyên tiêu, 1948)
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
(Bản dịch của Xuân Thủy)
Thì dễ liên tưởng đến màu xanh kỳ diệu của trí tưởng tượng trong thơ Tố Hữu:
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển,
Xanh trời, xanh của những ước mơ
Tôi bay giữa màu xanh giải phóng
Đến màu xanh của Tế Hanh thì danh từ riêng đã hóa thành tính từ chỉ tính chất: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”. Thật tuyệt vời. Đó là ngôn ngữ của thơ. Đúng như điều mà cổ nhân đã bàn về thơ: “Thi tại ngôn ngoại”. Nếu lùi lại khoảng thời gian 1972 khi bộ đội giải phóng đánh chiếm lại thành cổ Quảng Trị thì niềm hân hoan, tự hào - ca ngợi kín đáo trong câu thơ đã hoàn toàn chinh phục được tình cảm chúng ta.
Khi Tố Hữu cho rằng: “Đời vẫn tươi màu lá rau xanh”. Cái màu xanh ấy, ngoài ý nghĩa biểu tượng nó còn mang ý nghĩa ký hiệu. “Tính chất ký hiệu của nó là ở chỗ nó thay thế cho một cái gì và sự thay thế ấy có tính chất quy ước, nghĩa là mang một ý nghĩa cố định quen thuộc phổ biến với nhiều người”. (Duy Lập (Tạp chí Văn Học số 3-85 - trang 21). Điều đó hoàn toàn có lý, nếu chúng ta đọc những câu thơ từ: “Quân xanh màu lá” của Quang Dũng đến “Buổi trưa xanh những nụ non vừa nhú” (Phạm Sỹ Sáu). Cho tôi vẽ một cánh chim qua sông/ Tha chiều xanh về tổ (Đoàn Huy Giao). Nhưng rừng vẫn một màu xanh bình thản (Nguyễn Thái Dương)… đều gợi lên sự trong sáng yêu đời trong cuộc sống. Do đó, ở Nguyễn Thị Ngọc Tú trong sự xa các vĩnh viễn đang nén lại để bật lên tiếng khóc thì: “Nỗi nhớ tiếc không xanh như cỏ mọc”.
Trong thơ ca có rất nhiều màu xanh, từ con mắt xanh của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập muôn thuở gợi lên sự ưu ái - đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông:
Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc
Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh
đến câu thơ:
Leo lẻo doành xanh con mắt mèo
“Cách nhìn thật là mới, thật khám phá, nhưng cũng có thể có người lại cho là…. Tây” (Xuân Diệu -  Công việc làm thơ - trang 28 - NXB Văn Học 1984). Chúng ta thấy bàng bạc màu xanh trong thơ. Chính do nghĩa từ vựng của từ có tính chất chủ quan nên có sắc thái tình cảm. Và nghĩa phân biệt của nó có những từ ghép cùng có một từ tố nào đó chỉ những sự vật, hiện tượng, tình trạng, tính chất khác nhau nhờ có nghĩa phân biệt trong từ tố kia. Chẳng hạn: Xòe hoa xanh thắm những hoa xòe (Phan Duy Nhân). Bao la là mộng xanh ngần, là thơ (Xuân Hoàng). Trên cao đỉnh núi xanh lơ (Lưu Trùng Dương). Từ những giọt máu anh hùng rơi trong đất / Bật mầm lên xanh ngắt cánh rừng (Đinh Đức Thướng). Thấy trời xanh biếc mênh mông / cánh cò chớp trắng trên Sông Kinh thầy (Trần Đăng Khoa). Giữa vòm trời xanh ngắt ngôi sao mai (Đoàn Minh Tuấn)… Điều này làm cho thơ chúng ta thêm phong phú, đa dạng, truyền đạt được trọn vẹn cảm xúc của mình đến người đọc. Thế nhưng:
Cây bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau
(Lưu Quang Vũ)
Cái màu xanh tâm lý ấy, chúng ta chỉ có thể bắt gặp trong trạng thái chung của tâm hồn, của sự liên tưởng đồng điệu với nội tâm người viết. Và hội họa dù có đầy đủ màu sắc đến đâu cũng không sao phác họa nổi màu xanh trừu tượng ấy.
Rõ ràng, thơ không dừng ở hình thức miêu tả sự vật một cách đơn thuần, mà còn phải khái quát sự việc, nâng cao sự thẩm mỹ nhận thức của người đọc. Thật kỳ lạ, trong thơ có những màu sắc mà bản thân hội họa không thể sánh được. Gô-gôn có lý khi ông đánh giá về ngôn ngữ của thi hào Puskin (1799-1837) như sau: “Từ thì ít nhưng được dùng rất chính xác nên có thể nói lên được tất cả. Trong mỗi từ là cả một không gian lồng lộng, mỗi từ ngữ mênh mông như chính nhà thơ”. Từ câu thơ của nhà thơ Chim Trắng:
Này cô em có gì vui
Mà trong mắt ấy nụ cười sáng trưng
Âm điệu câu thơ như cuống quít mãi bên ta, bởi cái màu sáng trưng cứ ám ảnh mãi vì ta không dễ bắt gặp trong đời sống, đến hàng loạt câu thơ sau: Và loài chim biển từ lâu - Từng mang những lá thư màu tình yêu (Nguyễn Trọng Tạo). Nắng như màu lửa cháy (Xuân Quỳnh). Con sông ấy xanh như tình yêu (Trúc Chi). Quãng đời trai trẻ nhuộm màu chiến tranh (Nguyễn Nhật Ánh). Tóc anh giờ đã nhuốm màu nắng trưa (Nguyễn Thanh Kim). Mưa nắng màu da - Thời gian màu tóc (Nguyễn Đức Mậu)… thì danh từ chỉ sự vật đơn thể và chỉ sự vật toàn thể này, không còn làm chính tố mà nó mặc nhiên được xác định như tính từ hàm chất. Đừng nghĩ màu sắc ấy không có thực, thậm chí có thể vô lý nếu nghiêm khắc soi rọi trên bình diện ngữ pháp một cách máy móc. Vậy nó vẫn tồn tại và ngang nhiên được người đọc chấp nhận một cách lý thú thỏa mái. Bởi do mang hình tượng ký hiệu nên sự tồn tại của câu thơ đã đồng nhất với giá trị thẩm mỹ trong tư duy người đọc. Đó cũng là một trong những ưu điểm độc đáo của nghệ thuật thơ ca.
Thế nhưng tất cả mọi sự việc đều có giới hạn của nó, nếu sử dụng non tay và lạm dụng bất chất sự quan hệ biện chứng qua lại của sự so sánh thì câu thơ sẽ ngô nghê và dại dột như người làm xiếc thiếu bản lĩnh: Đỏ một màu đỏ riêng (VN số 477) của giọng hò màu nõn chuối (VN 466). Bình minh rất xanh là hồi còi (Tập thơ Sóng nắng, trang 104). Anh nhìn vào mắt em chưa trọn màu xanh (Tập thơ Những cánh cò lửa, trang 16)… những câu như vậy, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trong thơ hiện nay và khó được bạn đọc yêu thích. Nó đã làm ngược lại ý kiến của văn hào L.Tolstoi (1828-1910). “Mỗi từ ngữ nghệ thuật được phân biệt với từ ngữ không có tính chất nghệ thuật, ở chỗ nó đã gợi nên được vô số các ý tưởng, ý muốn và cách hiểu”.
Nếu một họa sĩ tài ba làm chủ được tất cả màu sắc của mình trong mọi bố cục đường nét để tạo nên một bức tranh thần kỳ. Trong thơ cũng vậy, bằng ngôn ngữ riêng của mình, họ cũng vẽ lên những bức tranh “bằng chữ” như được đặt trước mắt người đọc:
Bến cá mừng xuân cờ đỏ rực
Cây buồm không rượu cũng lao đao
Ở đây mây núi xanh như nước
Mà giữa thuyền câu nở cánh đào
(Vân Đài)
và màu sắc trong thơ hết sức đa dạng, đủ mọi sắc thái nếu chúng ta muốn tìm đến - những màu sắc ấy vô cùng sinh động: Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe (Huy Cận). Cờ vẫy ta lên trời đỏ lựng (Xuân Diệu). Chao hiu quạnh trên vùng khô đỏ chạch (Tố Hữu). Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ (Viễn Phương). Mặt trời chiều má đỏ hây hây (Hoàng Trung Thông). Đắm đuối đôi ta đỏ lịm má người (Vũ Duy Thông). Đã nghe đỏ khé Sông Hồng/ sóng nghìn xưa vẫn động lòng nước non (Trần Huyền Trân). Những chú chim chào kháo nhau chiều đỏ mận (Đoàn Huy Giao). Trăng đỏ như là giọt máu rơi (Nguyễn Nhật Ánh). Hoặc Trông lên mặt sắt đen xì (Nguyễn Du), Nhắm mắt lại thấy một màu trắng xóa (Xuân Quỳnh)….
Riêng về màu đỏ, nếu thi sĩ Victo Hugo (1802-1885) đã sử dụng một hình tượng rất đẹp, rất cách mạng và táo bạo:
Tôi muốn đội mũ đỏ lên cuốn từ điển cũ
Tôi gây một cơn bão táp dưới đáy lọ mực
thì ngay khi chưa có chữ viết, trong các trường ca được bảo tồn và lưu truyền dưới hình thức miệng của các dân tộc anh em trên Tổ quốc Việt Nam - đã sáng tạo lên những màu đỏ rất hiện đại. Trong Vần va - truyện thơ dân gian Mường ta thấy câu: “Con sang thắt đai đơm tua/ Miệng đỏ chon chót những trầu cùng cau”. Chứ không phải “con chim xanh biếc bay qua/ cặp chặt ngón chân đỏ chót” của Trần Đăng Khoa. Hoặc tác phẩm Xông chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu) dài 1846 câu thơ của dân tộc Thái, ta đọc được một câu “Góa vẫn tươi giòn đỏ đắn”. Rất quen mà cũng rất lạ.
Đặc biệt về màu xanh, theo thống kê của chúng tôi thì trong thơ Việt Nam hiện đại màu xanh được sử dụng nhiều nhất. Làm sao lý giải được điều này, nếu không muốn nói vì tâm hồn người Việt Nam luôn lạc quan yêu đời và giàu lòng nhân ái. Họ bình thản trước mọi nguy khốn và tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến theo quy luật vốn có của nó. Họ yêu vô cùng màu xanh của quê hương từ lũy tre xanh, đồng lúa, bầu trời, hàng cây trên đường lộ đến “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ở nhà thơ nữ Xuân Quỳnh trong tập thơ Tự hát (NXB Tác phẩm mới - 1984) có 35 bài thì tần số màu xanh xuất hiện đến 40 lần, trắng cũng như vàng 9 lần, đen cũng như hồng 4 lần, màu đỏ ít nhất là 3 lần. Ngược lại ở trong trường ca Đường tới thành phố (NXB Văn Học -1985) của Hữu Thỉnh trong hàng ngàn câu thơ thì tần số màu xanh xuất hiện tương đồng với màu tím là 4 lần, ít nhất là màu trắng 1 lần. Khảo sát tập Thơ Việt Nam 1945 -1985 (NXB Văn Học - 1985) gồm 124 nhà thơ được tuyển chọn với 215 bài thơ, ta thấy tần số màu sắc xuất hiện như sau: màu xanh tần số xuất hiện là 191 lần, ít nhất là mùa nâu 4 lần, màu vàng 63 lần, màu đỏ 67 lần, màu trắng 56 lần, màu tím 43 lần. Thế mới biết, màu tím xuất hiện ở thơ Hữu Thỉnh là nhiều. Từ tập thơ của Xuân Quỳnh, có thể nhận xét chủ quan rằng, ở các nhà thơ nữ màu sắc dễ tác động đến cảm xúc và tư duy của họ. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Vân Đài đặt tên bài thơ tứ tuyệt của mình là Bức tranh Xuân hoặc Anh Thơ lấy tên cả tập thơ là Bức tranh quê…
Từ những dẫn chứng trên ta có thể rút ra một kết luận ban đầu: Tần số từ chỉ màu sắc trong thơ Việt Nam hiện đại xuất hiện hết sức phong phú và tinh tế. Nó góp phần nâng cao hình tượng của thơ đạt đến một trình độ nhất định. Tài năng của nhà thơ đã sáng tạo cho vốn từ vựng tiếng Việt thêm nhiều màu sắc gợi cảm đủ bản lĩnh chinh phục được tình cảm bạn đọc và bản thân nó cũng tồn tại trước thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Tháng 11.1985
LÊ MINH QUỐC
Nguồn: báo Văn Nghệ TP.HCM 13.6.1986
Theo http://leminhquoc.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...