Như cánh chim trong gió lớn
Bà Pema Chodron, một vị thiền sư thuộc truyền thống Tây tạng.
Trong khi đi hướng dẫn các khóa thiền tập, thường có nhiều thiền sinh Tây
phương ngỏ ý muốn được quy y. Bà Pema Chodron chia sẻ rằng, khi chọn những pháp
danh để đặt cho các thiền sinh, bà nhận xét thấy những pháp danh nào mà nói lên
những hạnh nguyện như là buông xả và từ bỏ, thì các thiền sinh có vẻ không
thích nhận lắm.
Có lẽ họ hiểu sự buông bỏ như là một
hành động trốn tránh, xa lìa một điều gì. Nhưng thật ra buông bỏ ở đây nói lên
một thái độ không nắm bắt. Đó không phải là một sự đóng kín và trốn tránh cuộc
sống, mà ngược lại là biết cởi mở ra và tiếp xúc với những gì đang có mặt. Bà
Pema có những chia sẻ sau đây về thái độ buông xả, nó như là một cánh chim lướt
bay trong một cơn gió lớn
Buông xả
“Thật ra, nền tảng của sự buông xả cũng chính là một cái ta
chân thật của mình, nó là cái bản tính tốt lành và an vui của ta. Theo truyền
thống của đạo Phật, và cũng như trong nhiều truyền thống tâm linh khác, thì bản
chất của mỗi chúng ta là vui khoẻ và tốt lành. Mỗi người chúng ta sinh ra đều
có đầy đủ khả năng thương yêu và với một tuệ giác. Sự buông xả ấy nói rằng,
chúng ta đã có sẵn hết những gì mình cần, và những gì mình đang có rất là tốt
lành. Chỉ cần chúng ta biết tiếp xúc lại với những gì đang có mặt mà thôi.
Mới đây tôi ngồi trong một văn phòng
bác sĩ, trên tường có treo một tấm ảnh hình một người đàn bà nắm tay một bé
gái, cả hai cùng đi trên đường. Bên dưới là dòng chữ, “Bốn mùa đến rồi đi, xuân
qua rồi hè đến, hè hết rồi thu sang, thu đi thì đông tới. Con người sanh ra và
lớn lên, trưởng thành, rồi già và chết. Tất cả đều có những vòng xoay của nó.
Ngày sang đêm, đêm tiếp nối ngày. Đẹp thay khi ta cũng là một phần của tất cả
những đổi thay ấy.”
Sự buông xả có nghĩa là ta ý thức được rằng,
cái ý muốn được sống trong một thế giới được chở che, nhỏ nhoi, và giới hạn của
ta là không thật. Một khi ta cảm nhận được sự rộng lớn của cuộc sống này, và thấy
được khả năng kinh nghiệm sự sống của mình là bao la đến đâu, thì chắc chắn ta
sẽ hiểu được sự buông bỏ. Trong lúc ngồi thiền, ta thấy rõ hơi thở tự nhiên của
mình. Trong mỗi hơi thở ra, ta sẽ có một cảm nhận cởi mở và tiếp xúc với giây
phút hiện tại. Rồi khi tâm ta bị lôi kéo theo những mơ tưởng xa xôi nào đó, ta
thầm biết “đó chỉ là suy nghĩ.” Mỗi lần ta có thể buông bỏ được sự suy nghĩ ấy,
mỗi lần ta buông thả ở cuối mỗi hơi thở ra, thì đó cũng chính là một sự từ bỏ
cơ bản: buông xả cái thái độ nắm giữ và ôm chặt của mình.
Như một dòng sông đang chảy mạnh xuống
núi, và đột nhiên nó gặp phải những tảng đá lớn và nhiều cây cao. Dòng nước
không thể nào chảy tiếp được nữa, mặc dù nó đang chảy rất mạnh và có nhiều năng
lượng. Dòng nước bị dừng đứng hẳn lại. Và trong cuộc đời, đôi khi chúng ta cũng
bị ngăn chận giống như thế. Khi ta buông thả ở mỗi cuối một hơi thở ra, buông bỏ
những suy nghĩ lao xao của mình, thì cũng giống như là ta đang dời những tảng
đá lớn ấy sang một bên, giúp cho dòng nước được tiếp tục trôi chảy, để cho năng
lượng sống của ta được diễn tiến và tiếp tục đi tới. Chúng ta, không vì sợ hãi
trước những gì mình không biết, mà lại đi đắp thêm những tảng đá, xây lên những
đập nước, để trốn tránh sự sống.
Bước đến ngay bờ mé
Vì vậy mà sự buông xả cũng có nghĩa là thấy rõ được mình đang
tự bảo vệ như thế nào, ta đóng kín ra sao, tránh né những gì, và rồi thực tập
làm sao để cởi mở ra. Nó có nghĩa là ta sẵn sàng tiếp nhận bất cứ những gì đang
đặt trước mặt mình, bất cứ chuyện gì đến gõ cửa ta. Muốn làm được việc ấy
ta phải có khả năng bước đến ngay sát bờ mé của chính mình, và chỉ khi ấy ta mới
thật sự biết được thế nào là buông bỏ.
Có một câu chuyện về một nhóm người cùng leo
lên một ngọn núi cao. Ngọn núi có một dốc thẳng đứng và rất cheo leo. Khi leo
lên được một khoảng, có vài người quay lại nhìn xuống và cảm thấy choáng váng,
họ đông cứng vì sợ hãi. Những người này đã bước đến ngay bờ mé của mình và họ
không thể tiến xa hơn được nữa. Nỗi sợ hãi của họ quá lớn, khiến họ không còn
dám cử động. Những người khác thì tiếp tục leo cao hơn, họ vẫn nói năng cười
đùa với nhau. Nhưng khi vách núi trở nên dốc hơn, nguy hiểm hơn, lại có thêm một
số người nữa trở nên đông cứng vì sợ hãi. Từ chân núi lên đến ngọn, có những điểm
khác nhau mà người ta gặp được cái bờ mé giới hạn của chính mình, họ bỏ cuộc và
không thể nào tiến xa hơn được nữa. Những bài học của câu chuyện ấy là, vấn đề ở
đây không phải là nơi nào mà ta gặp bờ mé, giới hạn của mình, mà điểm quan trọng
chính là ta gặp thấy nó.
Cuộc sống là một hành trình mà ta sẽ
cứ tiếp tục bước đến sát mức giới hạn của mình, hết lần này đến lần khác. Và
ngay nơi đó chính là điểm thử thách của ta! Nếu bạn là một người muốn thật sự sống,
bạn sẽ tự hỏi, “Tại sao ta lại phải sợ hãi đến thế? Ta muốn tránh né những gì
đây, ta không muốn nhìn thấy những gì? Tại sao ta không thể tiến xa hơn được nữa?”
Những người leo lên đến được đỉnh núi không phải là những kẻ tài giỏi. Có thể họ
không biết sợ chiều cao, nhưng rồi chắc chắn họ cũng sẽ gặp bờ mé của họ ở một
nơi nào khác. Những người bỏ cuộc nửa chừng không phải là kẻ thất bại. Họ chỉ
là những người đã gặp bài học của mình sớm hơn những kẻ khác mà thôi. Dầu cho sớm
hay muộn gì thì rồi tất cả chúng ta đều cũng sẽ gặp bờ mé, giới hạn của chính
mình.
Như cánh chim trong gió lớn
Nhưng chúng ta phải tập buông bỏ như thế nào? Làm sao ta có
thể vượt thắng được cái năng lượng ngăn trở khiến ta trở nên bất động, không
dám tiến thêm một bước nữa về một nơi mà mình không biết rõ? Làm sao ta có thể
đẩy được cánh cửa đá to lớn ấy để lại tiếp tục bước qua, để sự sống trở thành một
tiến trình chuyển hóa, giúp ta trở nên vô úy và linh động, như một con chim lượn
bay giữa những cơn gió lớn trên bầu trời cao?
Những con thú và cây cỏ nơi vùng tôi ở tại Cape
Breton, chúng rất là táo bạo và gan lì, mà cũng hay thích đùa giỡn và vui tính.
Thời tiết càng dữ dằn đến đâu thì những con chim ở đây lại càng ưa thích bấy
nhiêu. Chúng rất thích thú khi mùa đông đến, khi bầu trời có những cơn gió lớn
hung bạo và thiên nhiên phủ toàn là tuyết và đá.
Những con chim này thường thách thức
những cơn gió lớn. Chúng đậu lên những cây cao rồi bám chặt lấy cành bằng chân
và ngay cả bằng mỏ của chúng. Khi những cơn gió lớn ào đến thật mạnh, chúng
buông thả ra và bị thổi tung cất bổng lên cao. Chúng dương cánh ra và bay lượn
lên trên cơn gió. Sau một lúc, chúng lại trở về đáp xuống trên cành và bắt lại
từ đầu. Nó là một trò chơi. Có lần, tôi thấy trong một trận gió lớn hung dữ như
một cơn bão, chúng níu lấy chân nhau và cùng rơi xuống, rồi chúng thả nhau ra
tung bay khắp nơi. Xem như là một trò xiếc vậy! Chúng chắc chắn phải có một sự
đam mê trước những thử thách và đối với cuộc sống. Như bạn thấy, đó là một thái
độ rất đẹp và đầy cảm hứng. Và chúng ta cũng giống y như vậy.
Mỗi khi ta thấy rằng mình đã bước đến
sát bờ mé, giới hạn của ta, thay vì nghĩ rằng, “Mình đã bị kẹt rồi,” ta chỉ cần
tiếp nhận cái giây phút hiện tại này và bài học của nó. Thay vì tự bảo rằng,
“Không,” ta hãy nhẹ nhàng từ tốn cảm nhận con tim mình, nó có một năng lượng cởi
mở, tha thứ và thương yêu đối với chính ta.
Con đường của giác ngộ là một con đường mà ta
phải tiếp tục đối diện với những thử thách lớn, và rồi ta làm mềm dịu và cởi mở
nó ra. Nói một cách khác, khi đối diện với những gì là cứng rắn và ngăn trở, ta
buông bỏ bằng cách cảm nhận nó bằng cả con tim của mình. Ta có một tâm từ đối với
hoàn cảnh nan giải của mình, và cho cả cái tình trạng chung của nhân loại. Ta
làm cho nó mềm dịu đi, để ta có thể thật sự ngồi yên đó với những cảm xúc khó
khăn của mình, và để cho chúng lại giúp cho ta được trở nên mềm dịu hơn.
Con đường của sự buông xả là con đường
biết tiếp nhận, biết nói vâng đối với cuộc sống. Trước hết, ta ý thức rằng ta
đã tiến đến ngay sát bờ mé của mình, tất cả những gì trong ta đều đang chống lại,
đang nói không, và chính ngay ở điểm đó ta thực tập mềm dịu. Lúc đó
là một cơ hội để ta thực tập tâm từ đối với chính mình, nó sẽ mang lại cho ta một
thái độ vui tươi và cởi mở - biết vui đùa như một con chim trước một cơn gió lớn.”
Nguyễn Duy Nhiên
Theo http://nguyenduynhien.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét