Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Giang Trang: Đi vào vùng lặng với Trịnh

Giang Trang: Đi vào vùng lặng với Trịnh
Cô đặt tên đêm nhạc của mình là “Hạ huyền”, một mảnh trăng gầy. Bởi Giang Trang bắt đầu trải nghiệm nghiêm túc với nhạc Trịnh khi đã bước vào tuổi 32. Không chủ định thành ca sỹ, với cô nhạc Trịnh là một cuộc chơi, để người hát được trở về với bản thể.
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất trong năm 2014, với trên 800 triệu đồng. Nhưng một bí mật sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên: Giang Trang, chưa từng phải trả một đồng tác quyền nào khi cô liên tục tung hứng cùng nhạc Trịnh trên sân khấu trong và ngoài nước.
Cô không bao giờ muốn trốn “lệnh truy nã” tác quyền, chẳng qua cô là người may mắn, khi có được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Các em gái của Trịnh Công Sơn như Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Hoàng Diệu đều dành cho Giang Trang tình cảm đặc biệt. Khi cô hát tại Sài Gòn, đúng ngày sinh nhật Trịnh, cả gia đình Trịnh đã kéo đến động viên cô.
Mới rồi, người ta thấy cô mặc áo dài hát nhạc Trịnh, một điều khá ngạc nhiên. Bởi trong ý nghĩ của Giang Trang, áo dài tương đối “lẩm cẩm”, không tạo sự thoải mái, với chiếc quần quá rộng, áo bó sát người. Song chiếc áo dài đêm ấy, cô lại thích, bởi nó vừa hiện đại, vừa cổ điển giống như âm nhạc Trịnh Công Sơn. Thêm nữa, đó là tác phẩm của em gái Trịnh Công Sơn, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, tặng riêng Giang Trang. Thương Giang Trang đến thế, ai nỡ lấy tiền tác quyền của cô? Nhất là khi Giang Trang đến với nhạc Trịnh như một cuộc chơi nhiệt thành không toan tính.
Giang Trang không phải người đầu tiên và sau cuối thử nghiệm với nhạc Trịnh. Đã sẵn có một “tượng đài” Khánh Ly, sẵn có một “nắng vàng em đi đâu mà vội” Hồng Nhung, đến cả Thanh Lam cũng từng hát nhạc Trịnh và ngay lập tức bị gán “tội” phá nhạc Trịnh…
Ngay cùng thế hệ với cô, Lô Thủy cũng đã ghi dấu ấn nhất định trên con đường chinh phục dòng nhạc quá đỗi gần gũi với khán giả Việt Nam nhiều thế hệ. Giang Trang không phá bỏ “thếp vàng” nhạc Trịnh như có người từng viết. Cô tôn trọng ông. Có lẽ điều khiến Giang Trang thành công, là do cô rất chịu khó tìm hiểu về Trịnh, từ âm nhạc đến cuộc đời. Cô đã bỏ đi cái tôi cái nhân của mình để đồng vọng cùng tác giả. Chính vì thế, khi nghe Giang Trang hát Trịnh, người ta có cảm giác như nghe những lời thủ thỉ, tâm tình. Cô hát mộc mạc, tự nhiên như Khánh Ly nhưng cô làm  nhạc Trịnh bớt phần u ám mà trở nên sáng trong có phần ngây thơ hơn. Vì dẫu sao cô cũng là đại diện của một thế hệ mới, thế hệ 8x, hát Trịnh.
Nhạc Trịnh: Từ chưa yêu đến yêu
Một số người đã biết đến Giang Trang từ khi cô còn là sinh viên trường ĐH Ngoại thương, bởi cô thường đến quán Nhạc Tranh nghe nhạc cổ điển và hát nhạc Trịnh, trong những năm 2001 đến 2004. Sau đó bận mưu sinh và đời sống riêng, mỗi năm cô chỉ quay về đó hát 2, 3 buổi.
Giang Trang được gặp Trịnh một lần duy nhất trong đời, khi  theo chân chị gái đến đêm giao lưu ca nhạc của sinh viên. Cô nhìn thấy một người nhạc sỹ rất mực giản dị, hòa đồng ôm đàn, hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” trong niềm yêu mến  của những người trẻ tuổi. Về nhà, Giang Trang hỏi chị gái: “Ông ấy là ai”. Mới hay “ông ấy” là Trịnh Công Sơn, tác giả của những ca khúc trong cuốn băng “Sơn ca 7” mà bố cô thường nghe.
Khi còn hát ở quán Nhạc Tranh nhiều người hỏi cô: “Có thích nhạc Trịnh Công Sơn không ?”, cô đáp: “Không thích”, “Có yêu nhạc Trịnh Công Sơn không?”, cô thắng thắn: “Chưa yêu”. Rồi dần dần rất tự nhiên cô nhận ra nhạc Trịnh như người bạn. Ở tuổi 30,  cô tuyên bố  gắn bó chính thức với  nhạc Trịnh bằng chương trình “Lênh đênh nhớ phố” nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Rồi tiếp tục là những cuộc phiêu lưu khác trong thế giới Trịnh: Hạ huyền, Chiều qua vẫn qua, Hạ huyền 2. Cô vừa trở về sau chuyến mang Hạ Huyền 2 sang Châu Âu.
Thành công trong ca hát cũng không làm Giang Trang khác đi: “Từ nhỏ đến lớn tôi có bản năng tự nhiên là không sở hữu cái gì trong đời sống. Tôi có tham vọng gì đâu? Nhiều tiền hay ít tiền cũng vậy. Chơi nhạc cũng không tìm nổi tiếng. Tôi đặt tựa là “Hạ huyền” một phần thể hiện suy tư. 32 tuổi mới chính thức bước lên sân khấu và hát, cũng giống như mặt trăng vào cái ngày ấy vẫn tròn nhưng chỉ còn nhìn thấy một mảnh. Tôi chơi nhạc chỉ để thỏa mãn mình”. 
"Đặc trưng lớn nhất của người nghệ sỹ là nỗi đau đời. Ở đâu đó, có những giọt nước mắt thầm rơi, nào ai hay, ai biết?”. - Ca sỹ Giang Trang.
Giang Trang sinh ra trong một gia đình gia giáo. Bố mẹ cô đều là giáo viên dạy văn. Cô sống 10 năm ở thị xã Hải Dương yên bình. Sau 10 tuổi mới theo gia đình trở về Hà Nội. 
Sống trong không khí gia giáo, cô chăm đọc sách từ nhỏ, triết lý đạo Phật cũng ngấm vào người tự nhiên.
Giang Trang từng có hai năm học trong chùa, khi trường cấp 1 của cô tiến hành tu sửa. Cái vườn chùa ấy không khiến cô có cảm giác sợ: “Từ nhỏ đến lớn, tôi không có nỗi sợ gì cả. Trong gia đình tôi, bố mẹ ghét sự không trung thực nên từ bé tôi đã học cách tự chịu trách nhiệm với hành động bản thân. Vì thế tôi lớn lên hồn nhiên, không lo sợ bởi không làm điều gì sai. Đến giờ này tôi vẫn sống thế. Bản chất tôi là người lười, không ham danh vọng, chẳng ham tiền, chỉ ham chơi”.
Nhưng cũng có lúc câu chuyện cơm áo đã khiến cô phải kìm nén sự ham chơi. Thời sinh viên của cô trôi qua bình lặng với nhiều khao khát giằng xé giữa một bên là trách nhiệm chia sẻ đời sống kinh tế với bố mẹ, một bên là con người khao khát làm nghệ thuật. Năm thứ ba đại học, Giang Trang đã đi làm cho một ngân hàng nước ngoài, nhận lương khá, đổi lại cô phải khép giấc mơ với âm nhạc: “Một tuần tôi có hai buổi dành cho âm nhạc. Tối thứ tư, hát vài bài Trịnh Công Sơn, nhiều nhất là 5 bài, rồi nghe hòa tấu violon ghi ta. Tối chủ nhật đi nghe guitar cổ điển. Hồi đó âm nhạc với tôi chỉ đủ nếm như là gia vị”.
Nhưng  đích đến con người là sự trở về với bản thể, người ta cũng không thể sống khác mình quá lâu. Cô đã trở về với âm nhạc khi đã làm vợ, làm mẹ.
Sau nhạc Trịnh sẽ đến nhạc Văn Cao
Với Giang Trang, nhạc Trịnh có điều kỳ diệu: “Trong tất cả những lần tôi chơi, kể cả ở quán, hay sân khấu L’Espace hay như vừa rồi đến Đức, đến Pháp khán phòng đẹp, sân khấu tuyệt vời… đều thấy điểm chung: Âm nhạc Trịnh nếu mình chơi đúng cách, nhập tâm thì khả năng đưa khán giả vào vùng im lặng rất tốt. Khi mọi người đã đến với nhạc Trịnh, họ sẽ tự gác bỏ những ồn ào của đời sống bên ngoài, để yên tĩnh”. Cô không tin tất cả khán giả lắng nghe cô hát đều yêu mến cô nhưng ít nhất họ cũng tôn trọng để cô được đi trên con đường mình chọn. Khán giả của cô thuộc hai thành phần: Một nửa là sinh viên, nửa còn lại là những người lớn tuổi.
Cô muốn tiếp tục thực hiện vài chuyến phiêu lưu nữa trong miền đất Trịnh để giải tỏa tất cả những khát khao tìm kiếm về âm nhạc và con người tài hoa này, rồi tạm dừng lại để đến với Văn Cao. Giang Trang đến với Văn Cao không phải vì cái danh lừng lững của người nhạc sỹ, mục đích của cô đơn giản và chân thành hơn: “Trong những tác giả có công tạo ra nền tân nhạc Việt Nam, tôi thích nhất Trịnh Công Sơn, tiếp đến là Văn Cao. Họ là những người tạo ra đời sống tinh thần cho một thế hệ và hơn hết, hai nhân vật đó sống đẹp trong tác phẩm cũng như trong đời sống bình thường”. Nghĩa là cô sẽ bắt đầu một cuộc chơi mới  để thỏa mãn mình. Một sự ích kỷ đáng yêu.
Nhìn vào đời sống riêng của Giang Trang thấy cô khá yên bình. Cô có một người chồng biết san sẻ với vợ việc chăm con. Một cô con gái lên 7 xinh xắn, thông minh. Có người đã từng hỏi cô, với một đời sống phẳng lặng như vậy, cô có sợ nhạt nhẽo? Giang Trang đáp: Đặc trưng lớn nhất của người nghệ sỹ là nỗi đau đời. Ở đâu đó, có những giọt nước mắt thầm rơi, nào ai hay, ai biết? Và tiếng hát của người nghệ sỹ đích thực vốn đã đầy đủ dư vị, như Trịnh Công Sơn sinh thời từng viết: “Tiếng hát có thể mang đi trong gió một nỗi ưu phiền nhưng cũng có lúc gửi gắm đâu đây, trong những góc hồn lặng lẽ, những niềm an ủi về một cõi đời…”.
Bán quán, đọc sách, ghi chép suy tư
Giang Trang là một nghệ sỹ tỉnh táo giữa cuộc đời. Cô có duyên với nghề mở quán bar. Trước đó, khi chưa mở quán, cô từng có 6 năm làm tín dụng trong ngành ngân hàng, 2 năm làm cho quỹ đầu tư chứng khoán, rồi tiếp tục hỗ trợ chồng trong công ty thiết kế nội thất. Tất cả những công việc cô đã trải qua, đều đòi hỏi cái đầu nhạy bén và tỉnh táo. Theo cô, điều này không hề mâu thuẫn với con người nghệ sỹ trong cô: “Nghệ sỹ hay bất cứ lĩnh vực nào thì tư duy vẫn là quan trọng nhất”.
Giang Trang đề cao sự tự nhiên. Thích nghe nhạc tây hơn nhạc ta. Giống như Khánh Ly, cô không bỏ được thuốc lá: “hồi bé hay đánh cờ với bố, bố hút thuốc nặng, tôi bị hút gián tiếp. Vào đại học 18 tuổi hút thuốc luôn”. Giang Trang mới làm quen với giày cao gót khoảng hai năm nay, bắt đầu từ sự động viên, khuyến khích của ca sỹ Thu Phương, khi cô sang biểu diễn ở Mỹ. Buổi biểu diễn đầu tiên với giày cao gót khiến cô đứng im không dám chuyển động. Là nghệ sỹ biểu diễn, Giang Trang cũng chú trọng mặt hình thức nhưng tiết chế sự rườm rà. Ngoài đời cô để mặt mộc, đi giày bệt với mái tóc buông dài. Cô vẫn giữ thói quen đọc sách và tập viết lại những cảm xúc, suy tư của mình. Cũng rất có thể sau hành trình đến với nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Văn Cao, khán giả sẽ được thưởng thức Giang Trang hát nhạc của chính mình. 
Nông Hồng Diệu
Theo http://www.tienphong.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...