Thức cùng bóng tối nuôi hy vọng
Khi tôi nhận được tập thơ Thức cùng bóng tối của
Nguyễn Việt Anh gửi tặng thì ngay cả chị bưu tá cũng phải reo lên: "Thật
may cho bác, là cháu chứ người khác thì chịu không tìm ra". Chả là địa chỉ
đề gửi cho tôi đã được thay đổi cách đây 20 năm. Không chỉ thế, đọc đúng tên
mình rồi mà vẫn còn hoài nghi, bởi người gửi tặng thơ không hề quen biết, sinh
năm 1982 sau tôi vừa đúng 40 năm. Mọi chuyện đều lạ lẫm.
Tôi thường có may mắn, được bạn bè từ mọi miền gửi thơ tặng,
song không hiểu sao khi nhận được tập thơ này, lại có linh cảm khác thường. Tôi
đọc liền mạch, với mong muốn không chỉ để hiểu thơ mà còn tìm xem có manh mối,
cơ duyên nào để Việt Anh biết mình, và cả cái địa chỉ xưa cũ, làm khó cho người
đưa thư, cậu ta lấy đâu ra? Rất may có mấy dòng trích ngang ở bìa 2, tôi
biết được Nguyễn Việt Anh ở 39 phố Hàng Bồ Hà Nội và cả số điện thoại. Tôi gọi
điện để cảm ơn, và cũng để hỏi cho rõ ngọn ngành. Bấm máy, sau mấy lời chào hỏi,
thăm dò, biết được người ở đầu máy kia là Việt Anh. Tôi cảm ơn, rồi thông báo
đã nhận và đọc tập thơ cháu tặng. Việt Anh không nén nổi vui mừng nói như reo:
"Cháu không ngờ bác nhận được, lại đã đọc xong và thông tin lại cho
cháu". Qua cách trả lời, thấy Việt Anh biểu lộ sự cởi mở tin cậy, tôi quyết
định hỏi ngay về những thắc mắc của mình? Việt Anh bộc bạch: cháu biết
bác từ 11 câu thơ của bác trong tác phẩm Nghìn câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn
Vũ Tiềm, Nhà xuất bản Văn học năm 2000. Địa chỉ gửi cho bác, cháu nhờ bạn tìm
giúp ở cuốn sách Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội Nhà văn Việt Nam. Qua đó tôi
biết Việt Anh đã đồng cảm và thực lòng trân quý tôi, câu chuyện bác cháu càng
trở nên gần gũi chân tình.
Khi nghe được chuyện cuộc đời cháu, đầy những ngang trái, bất
hạnh: bị mất hoàn toàn thị lực cả 2 mắt lúc mới 14 tuổi. Và cũng trong năm ấy,
Việt Anh phải gánh chịu thêm cú xốc nặng nề: bố mẹ chia tay. Tòa phán xét, cháu
ở với bố trong cảnh "gà trống nuôi con". Thiếu hẳn hơi ấm, tình
thương, sự nâng vực của mẹ đúng lúc cần sự bồi đắp nhân cách, tâm hồn, sự chở
che nâng niu lớn nhất của người mẹ, thì lại phải xa mẹ, chỉ có sự chăm sóc của
bố và ông bà nội. Một cậu bé đang như "búp trên cành" giữa chốn phồn
hoa Hà Nội, đã phải gánh chịu nỗi đau quá sức. Song Việt Anh đã không cam chịu,
đầu hàng hoàn cảnh và số phận. Được trời phú cho tư chất thông minh và nghị lực
phi thường, từ năm (1999 - 2002) đã miệt mài ngày đêm để học xong chương trình
THCS, THPT trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và lớp vật lý trị liệu y học Tuệ
Tĩnh.
Có nghề vật lý trị liệu, Việt Anh đã được hội người khiếm thị
tạo mọi điều kiện cho vào làm nghề "Tẩm quất" để sinh sống, để bớt đi
gánh nặng cho bố và ông bà. Không chỉ chăm chỉ học hỏi, khéo léo chân tay,
thành thạo nghề nghiệp. Vốn có năng khiếu bẩm sinh, Việt Anh lại đam mê học làm
thơ. Qua những biến cố khủng khiếp quá sức chịu đựng của một trẻ thơ, tưởng chừng
đã gục ngã, nghĩ gì tới lao động được để sống, lại còn để làm thơ - một ước mơ
xa vời với bao người lành lặn, tinh anh chứ nói chi đến mất cả thị lực. Vậy mà
Việt Anh lại coi thơ như điểm tựa tinh thần để sống, để tin yêu vượt lên trên
đường đời.
Tôi khâm phục nhiều người khuyết tật viết văn, làm thơ hay
như: Đỗ Trọng Khơi, Trần Xuân Trường, Phạm Minh Giắng... nhưng chưa từng thấy
ai mất hoàn toàn thị lực, làm được thơ hay như Việt Anh. Có lẽ Việt Anh đã đến
với thơ bằng con đường độc đạo, bị núi cao vực sâu chắn lối. Học làm thơ bằng
cách nhờ người thân đọc cho nghe các bài thơ trên báo, các tập thơ hay bạn bè
tìm mua giúp, khi làm được thơ phải nhờ người ghi chép lại từ trí nhớ của mình.
Và rồi tìm nhờ những người đã có nghề thơ góp ý sửa chữa cho. Cứ như thế, những
bước đi chập chững non nớt ban đầu đã có những thành công, đã âm thầm gây men,
cuốn hút, nuôi dưỡng tâm hồn thơ trong Việt Anh. Rồi thơ trở thành một nhu cầu
như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Những khao khát ước mơ của tuổi thanh xuân
cũng lớn dần và đơm hoa kết trái. Người thơ đón nhận tình yêu, rồi cưới vợ sinh
con. Tưởng con thuyền hạnh phúc sẽ êm trôi trên con sông đời: nhọc nhằn mà thơ
mộng ấy, bù đắp cho những mất mát thiếu hụt của tuổi ấu thơ! Nào ngờ "họa
vô đơn chí", nỗi bất hạnh không chịu buông tha. Vợ chồng, con cái đang sum
vầy hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười trong nhà, lại bất ngờ rơi vào cảnh "sẻ
đàn tan nghé", anh một đường theo cha và em một đường theo mẹ. Việt Anh lại
một lần nữa rơi xuống vực thẳm - hố đen tinh thần.
Không thể cầm lòng trước những hiểm họa khổ đau liên tiếp đến
bao nhiêu, thì càng ngưỡng mộ bản lĩnh và nghị lực phi thường của người thơ bấy
nhiêu. Có lẽ, chính sức chịu đựng và nghị lực vượt thoát những bi kịch của người
thơ cũng đã làm nên hồn cốt đặc biệt cho thơ rồi. Giá trị của tác phẩm hẳn sẽ
được nhân lên trong cảm nhận của người đọc khi thấu hiểu, sẻ chia xót xa cùng
tác giả.
Thức cùng bóng tối, một tập thơ với
chủ yếu thơ tình, được viết ra bằng nhiều suy ngẫm, trăn trở từ những biến cố,
những được, mất ở chính cuộc đời máu thịt người thơ.
Với 57 bài thơ đều sử dụng thể thơ lục bát, có ưu thế biểu đạt
tình cảm cho thơ tình. Nội dung như tự truyện, bao dung nhân hậu, nhân văn,
tràn đầy khát vọng tin yêu. Xót đắng, nhưng không bi lụy, oán hờn, bế tắc. Chắc
với tâm thế, bản lĩnh và nghị lực sống của Việt Anh sẽ có được sự đồng vọng sẻ
chia nơi bạn đọc.
Đoạn tuyệt với ánh sáng khi mới 14 tuổi, đời chỉ còn thăm thẳm
bóng tối, ước mơ khao khát lớn nhất, nếu không muốn nói duy nhất, là - ánh
sáng. Và Việt Anh đã thốt lên: Thức cùng bóng tối thẳm sâu/ Mới hay đêm
cũng thầm đau nỗi người/ Muốn làm ngày một lần thôi/ Được mang sắc áo non tươi
nắng hồng (Thức cùng bóng tối)
(Gia đình tác giả tập thơ "Thức cùng bóng tối)
Với Việt Anh, mơ ước, khát vọng phải gắn liền với nỗ lực hành
động vì sự sống cụ thể mỗi ngày. Có lẽ, chính bản lĩnh, niềm tin đã giúp Việt
Anh vượt qua được áp lực nghiệt ngã của bóng tối. Đã tiếp sức, gợi mở cho người
thơ sức liên tưởng, viết được những câu thơ tài hoa, để sẻ chia an ủi chính
mình, có sức mạnh vô hình mà thần diệu: Ngàn sao nhấp nhánh giữa trời/ Có
hay bóng tối một đời hy sinh/ Chỉ vầng trăng thức lặng thinh/ Khuyết tròn với
những tâm tình của đêm (Chỉ vầng trăng thức).
Cảm ơn thơ, chỉ có thơ mới biết được trăng và vạn vật thức
cùng bóng tối, mới đủ khả năng chuyển hóa các cung bậc từ khát vọng đến hy vọng
của người thơ như thế.
Khát vọng cháy bỏng ấy, chắc không chỉ với tập thơ này, mà sẽ
chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Việt Anh suốt cuộc đời.
Tên tập thơ, đã thể hiện tính chủ động đối diện, chấp nhận mọi
khó khăn thách thức. Dẫu biết đời mình không tìm lại được ánh sáng, thì người
thơ đã chuẩn bị cho mình tâm thế: thức cùng bóng tối, để nhìn cuộc đời bằng thứ
ánh sáng riêng - ánh sáng tâm hồn mình.
Ta gặp tâm thế bình thản, cách ứng xử thông minh mà chân
thành của Việt Anh trước một vấn đề nghiêm túc, hệ trọng, tưởng khó bề giải tỏa,
cảm thông, ngay ở bài thơ đầu. Chỉ bằng lời tự nhủ qua, cách liên tưởng giản dị,
giản dị như chả có chuyện gì to tát, không phải lo lắng bận tâm:
Bàn tay ngón ngắn ngón dài/ Dẫu cầm chắc mấy cũng vài lần
rơi/ Đừng dằn vặt nữa tôi ơi/ Khi không giữ được đôi lời của em (Bàn tay).
Vài lần tuột khỏi bàn tay là ngoài ý muốn, là bất khả kháng,
cầm chắc nhưng không may vẫn bị rơi cơ mà. Anh không giữ được đôi lời của em
cũng thế. Vậy mà anh cứ tự thán, tự dằn vặt mình. Biết thực lòng anh thế thì dẫu
có quên đôi lời em cũng cảm thông, không trách cứ anh đâu. Bởi em hiểu, phàm là
những người có lòng tự trọng, có trách nhiệm với đời, với người, mà nhất là người
yêu thì chẳng bao giờ lại vô tâm đến thế...
Trong tình yêu, hay cuộc sống chồng vợ, cũng phải trải qua
nhiều sóng gió, bất đồng, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nếu mỗi người không
độ lượng chấp nhận hy sinh, nhận thiệt thòi thương khó về mình, mà cố chấp, đố
kỵ thì rồi cũng phải trả giá. Mà cái giá cho những sai lầm ấy, nhiều khi không
thể sửa chữa được. Việt Anh chắc cũng thấm thía, nghiệm ra từ chính đổ vỡ của bản
thân mình:
Song song hai nỗi lặng thầm/ Song song hai trái tim bầm dập
đau/ Song song hai giấc mơ nhàu/ Song song hai mái tóc màu phôi pha/ Song song
hai vết mưa nhòa/ Song song hai chiếc bóng da diết chiều/ Tôi và em giữa tình
yêu/ Vẫn song song bước dẫu nhiều trái ngang. (Song song).
Thế đấy! Nếu không mở lòng để chấp nhận các trạng huống để
duy trì sự "song song", thì không những không có được trái ngọt mà cuộc
đời chỉ toàn nếm trải vị đắng của tình yêu:
Cà phê đắng ngắt bờ môi/ Căn phòng chống chếnh ngoài trời bão
giông/ Sao mưa cứ lọt qua song/ Theo nhau len lỏi vào trong nỗi buồn. (Cà phê Đắng)
Vâng, chính khi có, rồi để mất "song song" thì nỗi
đơn lẻ, trống vắng là thế. Có mưa gió nào lọt qua song đâu? Chỉ có sự trống vắng
dày vò mình đến tê tái được mang tên nỗi buồn đó thôi. Mà khi đã len lỏi thấm
vào trong nỗi buồn rồi thì không cách gì ngăn cản, che chắn, rũ bỏ dễ dàng đâu.
Và đã mất "song song", thì như mất đi phương hướng,
đẩy người ta vào vô định, chán chường:
Con đường về với bình yên/ Một con đường nhỏ không tên không
nhà/ Không xe cộ không người qua/ Không nắng sớm không chiều tà không đêm/ Con
đường thăm thẳm mắt em/ Khỏa trần tôi bước giữa miền hoang sơ. (Con đường)
"Song song" trong tình yêu, tình vợ chồng của Nguyễn
Việt Anh, là một phát hiện, một đóng góp thật có ý nghĩa, cho kho tàng kinh
nghiệm của tình yêu. Bởi mất đi "song song" là kéo theo sự bất ổn,
làm đảo lộn cách nhìn cách cảm, gây ra nhiều hệ lụy cho hạnh phúc lứa đôi:
Chẳng thà làm hạt mưa rơi/ Còn hơn làm nắng mà oi oi nồng/ Chẳng
thà buồn giữa phố đông/ Còn hơn đóng cửa mà không nỗi gì/ Chẳng thà đến để rồi
đi/ Còn hơn sống với hồ nghi suốt đời (Chẳng thà)
Vì thế, người không may bị "đứt quang, gẫy đòn gánh giữa
đường" rồi, thì muốn bằng mọi cách, hàn gắn chắp nối lại, thậm chí "rổ
rá cạp lại":
Thà rằng vấp đá giữa đàng/ Vướng dây ngang lối ta quàng vào
nhau/ Không hạnh phúc thì khổ đau/ Còn hơn phải ngóng trông nhau suốt đời (Thà rằng)
Nói là nói thế, nhưng khi bắt đầu tìm kiếm, hàn gắn thì đâu
có dễ, chim"thấy cành cong" nên càng thận trọng đắn đo:
Suốt đêm thức với mưa rơi/ Nghĩ hoài chả biết tỏ lời sao đây/
Tâm tư thật khó giãi bày/ Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh (Viết cho
em)
Yêu thì nhiều đường, lắm lối, nhưng đều có chung tâm trạng:
Nghĩ thì trên trời dưới biển, nhưng khó có thể tỏ bày thoát ý, trọn lời. Tình yêu
trong lòng Việt Anh cũng dâng trào, trên những nẻo vòng, những cung bậc tâm trạng
thật ngọt ngào, bảng lảng, vu vơ. Có hơi hướng phong vị ca dao nhưng hồn cốt mới
- hiện đại, mê hoặc được các nam thanh nữ tú thời @ chứ nào phải đùa:
Ước gì buộc gió vào cây/ Buộc trăng vào mái/ Buộc mây vào thềm/
Buộc xa lạ vào thân quen/ Buộc tôi gai góc vào em dịu dàng(Ước gì) hoặc: Nguyện
xin làm chiếc lộc bình/ Cho hoa cứ nở hết mình đắm say/ Dầu rằng biết đến một
ngày/ Chiếc bình kia sẽ cắm đầy trống không (Chiếc bình).
Cắm đầy trống không, quyết liệt, tận cùng của sự phi lý, mà
làm nên câu thơ hiện đại, ám ảnh. Viết như thế thì lục bát vẫn mang chở được
tình cảm và tư tưởng của mọi thời đại đấy chứ?
Hiện đại là phải hay, mà hay, thì phải tài hoa, làm mới nội
dung ở cấu tứ, dụng ý và lập ngôn một cách khác thường cho thơ, chứ không nhất
thiết phải cách tân hình thức, phi truyền thống.
Những bài thơ trong tập Thức cùng bóng tối, hầu hết ngắn.
Đó cũng là cách chọn lựa thông minh của Việt Anh. Bởi ta nên nhớ, người thơ còn
phải nhờ người chép lại mỗi sáng tác từ trí nhớ của mình...
Song, theo tôi cũng không quan trọng lắm ở sự ngắn, dài. Đọc
57 bài lục bát mà vẫn hấp dẫn được bạn đọc tới câu chữ cuối cùng, thì đó là một
tập thơ hay. Thơ của Việt Anh đều có tứ, mà ý, tứ mỗi bài thơ chừng như đều được
chưng cất, tinh lọc, mã hóa từ những khổ đau bất hạnh, thành bại của chính bản
thân và gia đình mình, qua lăng kính nhân văn. Cả 57 bài thơ Việt Anh đã
vượt qua một cách ngoạn mục về sự đòi hỏi thách thức của vần luật; mà bằng ngôn
ngữ giàu hình tượng, được tìm tòi, chắt lọc công phu, đa ngữ nghĩa, không bị vần
luật dê dắt dễ dãi nhàm chán - một thách thức với cả nhiều nhà thơ già dặn, cao
tay.
Mới chỉ là kết quả bước đầu. Để có thơ, trước tiên Việt Anh
phải làm gì để sống mỗi ngày, lại càng không thể đánh cược với tương lai những
đứa con thơ tội nghiệp của mình. Vì vậy! thơ với Việt Anh chỉ là những mảnh
ghép "đường gom" bên đại lộ cuộc đời. Mà thơ, vốn càng đi, càng xa vời
cái đích. Những đứa con tinh thần lại đều phải "thai nghén, sinh nở trong
hoàn cảnh nghiệt ngã của một bà mẹ tật nguyền".
Tuy vậy, bạn đọc lại rất hy vọng, niềm hy vọng có căn cứ, đầy
sức thuyết phục ở ngay chính những câu thơ được viết ra đúng vào lúc nỗi tuyệt
vọng của người thơ khủng khiếp, kinh hoàng nhất:
Dù cho nắng tắt cuối ngày/ Sao mờ lỗi hẹn trăng gầy ngủ quên/
Ngại gì hun hút màn đêm/ Khi ta còn một trái tim biết hồng (Dù cho nắng tắt).
Thịnh Long, 21/4/2015
LÂM XUÂN VI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét