Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Thơ đi vào nhạc

Thơ đi vào nhạc 
Từ hai năm nay, cứ khi bóc lịch đến tờ “Xuân phân”, đánh dấu Mùa Xuân vào ngày 21 Tháng Ba, người viết thấy lòng mình ấm lại vì biết Xuân đã về, dù rằng thời tiết có khi vẫn còn mát lạnh. Thấy ngày Xuân về lại nhớ ngày Thanh Tâm Tuyền ra đi, hôm 22 Tháng Ba năm 2006, khi ông vừa tròn bảy mươi.
Lời ca “Vang vang trời vào xuân” bỗng như vang dội trong tâm tưởng. Do Cung Tiến phổ nhạc, “Vang Vang Trời Vào Xuân” là tên bài thơ của Thanh Tâm Tuyền sáng tác trong giai đoạn tù đày và gửi ra ngoài dưới tên Trần Kha, như Doãn Quốc Sỹ cũng đã viết nhiều tác phẩm dưới tên Hồ Khanh.
Khi nghệ sĩ mà phải dùng “bí danh” thay vì “nghệ danh” hay tên thật để tránh kiểm duyệt, chúng ta phải thương người sáng tác, xót cho dân tộc và buồn cho nghệ thuật. Nhưng, dù dưới bất cứ tên nào thì hồn thơ và ý chữ vẫn là sự hiển hiện, u buồn mà rất chân thật. Người nghệ sĩ thật thì không thể tự dối lòng và từng nốt nhạc, câu thơ hay lời văn vẫn thầm nói ra tâm tư của mình.
Thanh Tâm Tuyền thuộc trường hợp đó.
Nếu chơi đùa với chữ nghĩa, Thanh Tâm Tuyền có thể làm thơ cổ luật hay thơ mới bảy chữ như trẻ em đánh đàn theo Methode Rose, tức là dễ như ăn kẹo ăn bánh. Nhưng ông là người khó và khổ nên cố gắng tìm tòi, làm mới thơ mới với những rung động mà một nhạc sĩ hay họa sĩ có thể cảm được, chứ người khác thì thấy ù tai, đọc đi đọc lại, may ra có ngày bừng hiểu.

Thanh Tâm Tuyền làm thơ cho mình, theo cảm hứng của mình, chứ không làm thơ để chiều theo thị hiếu của người đọc hầu được nổi tiếng. Sau ngày gọi là được “giải phóng” nên đi tù, gọi là được tập trung cải tạo, ông trở lại lối thơ có vần có điệu, như một ông già trở về quê cũ sau một tuổi trẻ giang hồ đập phá...
Thơ Thanh Tâm Tuyền nên được đặt trong vị trí “di cư” từ Bắc vào Nam và “chiến tranh” tương tàn giữa hai miền Nam Bắc dội vào một thành phố đang mở ra thế giới bên ngoài là Sài Gòn. Không có hoàn cảnh hay khung cảnh ấy, người đọc khó cảm hay yêu thơ của ông. Nhưng thơ của ông không chỉ là khung cảnh thị phố ấy. Ðánh giá một họa phẩm từ bức khung là cái tôi.
Thơ của ông được thai nghén trong hoàn cảnh chinh chiến nhưng vươn khỏi hoàn cảnh để xoay ngược về làm đẹp cho hoàn cảnh và nhờ đó tồn tại mãi khi những điều kiện cũ không còn nữa.
Sài Gòn thời chiến tranh, với đạn bom ầm ì trong đêm và lính Mỹ ồn ào ban ngày vẫn là một thủ đô văn hóa và trung tâm văn nghệ tỏa sáng chính là nhờ lớp văn nghệ sĩ như Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Hoài Bắc, Thanh Nam, v.v... Ðêm Màu Hồng là nơi giải trí thanh lịch mà cũng là tên một ca khúc lấy ý thơ từ Thanh Tâm Tuyền. Sài Gòn có một chút Paris cũng do Dạ Khúc của Thanh Tâm Tuyền.
Ngay trong chiến tranh, chúng ta vẫn là người văn minh là nhờ phong thái nghệ thuật ấy, nhờ những vần thơ đã được âm nhạc chắp cánh cho bay bổng ra khỏi cảnh thê lương chết chóc. Thơ Thanh Tâm Tuyền, Ðại úy Dzư Văn Tâm, nổi tiếng dữ dội khi chiến tranh đã lên đến tột đỉnh tàn phá, nhưng đọc lại thì không có một lời về đạn bom. Là một sĩ quan trong quân đội, ông không quay lưng lại chiến tranh. Ông chỉ nhìn xa hơn, cao hơn.
Cũng thế, Thanh Tâm Tuyền viết thơ tình mà không một chút trữ tình như thế hệ đi trước.
Giữa tiếng đại bác, ông nghe thấy “tiếng kèn hát mãi than van” và nhìn thấy “điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng”. Ông làm thơ như một họa sĩ siêu thực hay một bức họa của Chagal: “tìm cánh tay nước biển - con ngựa buồn - lửa trốn con ngươi”, như một nhà luân lý “vục xuống nhục nhằn tổ quốc - nhìn gót giày miệng uống tro than”.
Cảm nhận được điều này là một điều may cho chúng ta, từ những vần điệu có vẻ như làm dáng của thời Sáng Tạo đến “Vang Vang Trời Vào Xuân” của thời Trần Kha sau những năm tù đày. Trong ngục tù, ông không hề viết ra một lời thơ hằn học mà tìm thấy cái đẹp của đời sống, khi là kẻ khổ sai vác nứa té nhào từ đỉnh núi.
Thơ Thanh Tâm Tuyền thì không thể ngâm mà nên đọc và càng nên hát.
Trí tuệ trong thơ của ông gợi hứng cho Phạm Ðình Chương hay Cung Tiến. Nhịp điệu rất trẻ và rất mới trong thơ ông càng khiến ca khúc phổ nhạc có tiết tấu riêng và trở thành những ca khúc nghệ thuật. Nếu cần nói với người ngoại quốc một chút tinh hoa văn học nghệ thuật của miền Nam trong 21 năm tự do, có lẽ nên giới thiệu “Bài Ngợi Ca Tình Yêu”, một tác phẩm tuyệt vời về nhịp điệu của Phạm Ðình Chương, trích từ bài thơ rất dài cùng tên của Thanh Tâm Tuyền. Và “Lệ Ðá Xanh” được Cung Tiến phổ nhạc với rất nhiều chuyển đoạn và chuyển cung tài tình, độc đáo, khiến Phạm Ðình Chương thích thú đến độ lấy hẳn một câu nhạc của bài hát này để kết thúc tác phẩm “Nửa Hồn Thương Ðau” của ông... “Ôi những người khóc lẻ loi một mình” là lời thơ Thanh Tâm Tuyền được cả Phạm Ðình Chương và Cung Tiến cùng khóc bằng nhạc.
Ðiều đáng tiếc là các ca khúc Cung Tiến phổ thơ Thanh Tâm Tuyền sau thời tù đày là loại kén người hát, với giai điệu đòi hỏi những luyến láy uyển chuyển có trình độ nhạc lý khá cao của người hát. Các ca khúc này có thể mai một dần. Từ loại rong ca kiểu ballade dễ hát với một cây đàn thùng đến loại nhạc Vang Vang Trời Vào Xuân, văn học nghệ thuật tự do của chúng ta đã đi một bước quá xa, nên cũng bỏ rơi nhiều người thưởng ngoạn.
Nếu có những sinh hoạt tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, chúng ta nên cố giới thiệu cả các ca khúc phổ thơ ông viết trong cảnh tù đày ở miền Bắc dưới bút hiệu Trần Kha...
Chỉ có những người lớn hơn cái cùm và coi miếng cháy trong chốn ngục tù đói khát như cục đất mới có thể quên được gông cùm và nhìn thấy ánh đẹp của vầng trăng. Và làm thơ ngợi ca vầng nguyệt đó hơn là nguyền rủa bọn cai tù quản ngục.
Nhờ chất thơ ấy, bằng hữu của Thanh Tâm Tuyền trong lãnh vực âm nhạc như Phạm Ðình Chương hay Cung Tiến mới phổ nhạc thành những ca khúc để đời. Người ta có thể chưa đọc hay đã quên thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng nếu đã nghe “Dạ Tâm Khúc”, “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” của Phạm Ðình Chương hay “Lệ Ðá Xanh” của Cung Tiến, người nghe mới nhờ nhạc và nhớ ra lời. Và thấy ra sự lớn lao của thơ.
Khi thấy Xuân về và Thanh Tâm Tuyền đã đi được tròn hai năm, người viết xin cảm tạ lời thơ và tác giả. Xuân có ý nghĩa đẹp hơn cũng là nhờ tiếng thơ phơi phới cất lên trong khổ ải.
Xuân có ý nghĩa đẹp hơn cũng là nhờ tiếng thơ phơi phới cất lên trong khổ ải.
Quỳnh Giao
Theo http://cuantunguy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...