Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Hoa đào trong những áng thi ca

Hoa đào trong những áng thi ca 
Sinh hoạt cảnh vui Tết đón Xuân không có bức tranh nào linh hoạt bằng bài thơ tả cảnh “Ông đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng baỵ
Hoa đào nở, báo hiệu mùa xuân sắp tới Tết Nguyên đán đã cận kề, ông đồ xách bút nghiên bày ra ngay trên hè thành phố Hà Nội (hay bất cứ thành phố nào khác trên đất nước Việt Nam) để viết câu đối Tết, ông đồ viết thuê cho khách vãng lai khi ngồi trên chiếc chiếu hoa, khom lưng phóng bút vào những mảnh giấy đỏ trải ngay trên vỉa hè.
Cảnh thanh bình của mùa xuân ở nước Việt ta vào dịp Tết Nguyên Đán thuở xưa thật thanh nhàn hạnh phúc chính là lúc muôn hoa đua nhau khoe sắc màu thắm tươi nở rộ, đủ loại hoa được trưng bày khắp mọi nhà tạo ra cho ngày Tết. Một phong vị khá đặc biệt là tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu đời, vì chẳng những hoa đào có màu hồng rực rỡ là mầu “hỉ tín”, rất phù hợp với không khí vui tươi, tràn trề hy vọng của những ngày đầu năm mới. Người ta lại còn tin rằng cây hoa đào khi đem về trưng trong nhà có thể trừ được ma quỉ quấy phá nữa cho nên mọi nhà đủ mọi thành phần trong xã hội thảy đều mua hoa đào về chưng trong nhà để đuổi hết tà ma quỷ dữ để hy vọng năm mới sẽ có cuộc sống tốt lành hơn.
Sở dĩ người ta tin như vậy là do sự tích Ngọc Hoàng Thượng Đế có sai hai vị thần Trà và thần Lũy giao cho trọng trách bảo vệ người trần không cho quỷ dữ và yêu tinh quấy phá, và Ngọc hoàng ra lệnh rằng cứ cuối năm thì các vị thần nói trên phải về trời tâu những việc đã làm được nơi dân gian. Lợi dụng những lúc hai vị thần vắng mặt thì yêu tinh quỉ quái ra hoành hành phá phách. Vào dịp này người ta trưng một cành đào trong nhà để bọn quỉ tưởng những vị thần này vẫn đang hiện diện nên sợ không dám sớ rớ tới.
Ven đô thành phố Hà Nội có làng Nhật Tân nằm ở phía bắc Hồ Tây nổi tiếng về nghề trồng bích đào để cung cấp hoa đào cho dân Hà Thành vào dịp Tết. Chẳng những dân Hà Nội thích hoa đào mà dân miền Nam Việt có thành phố Đà Lạt nổi tiếng về nơi trồng và cung cấp cho thị trường những loại bích đào hoa to, mỗi cụm có chừng dăm bông, mỗi bông 12 hoặc 14 cánh rất đẹp và quí phái.

Hoa đào có sắc hồng rực rỡ, đẹp như thiếu nữ xuân thì nên cũng đã làm cho nhiều nhạc sĩ cảm hứng lấy làm nền cho nhiều bài ca. Ta hãy nghe nhạc sĩ Hoàng Nguyên trong bài “Ai lên xứ hoa đào“ ca ngợi thành phố Đà Lạt, thành phố được mệnh danh là “Xứ hoa đào”:
Ai lên xứ hoa đào 
dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người 

chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, 

lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.

Ai Lên Xứ Hoa Đào - Ánh Tuyết

Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Hoa đào đã khởi hứng cho nhạc sĩ niềm cảm xúc khi ông dừng chân bên bờ Hồ Xuân Hương mơ mộng khi chiều xuống gió hơi se lạnh len vào hồn người rồi nhìn cánh hồng rơi theo gió. “Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai...” đúng là hình bóng người thiếu nữ xuân thì thẹn thùa mộng mơ trên đường đời – lòng trần mơ bướm hoa – Lòng nàng lâng lâng trong sương khói khi tỉnh mộng thì thấy mình như bàng hoàng theo khói sương, như những cánh hoa đào màu hồng đỏ thật đẹp đang rung theo làn gió. Người nhạc sĩ yêu màu hoa đào đã đem ví von môi hồng của người mình yêu hay môi những thiếu nữ xuân thì đẹp tựa màu hoa đào đã khiến người lữ khách khi nhìn thấy đã phải dừng chân lãng du để tâm hồn mình lắng đọng tâm tư cho hồn thơ lai láng.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai...
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.

Ai Lên Xứ Hoa Đào - Quang Lê, Mai Thiên Vân

Người nhạc sĩ thấy cảnh nhớ người dặn rằng: Ai lên Đà lạt, xứ hoa anh đào thì đừng quên mang những cành hoa anh đào ấy về, nếu không mang về được nhiều thì cũng nên mang về ít nhất một cành hoa, hay mang hoa đào về trong tâm tư để chiều chiều nhìn mây trôi mà tưởng nhớ. Hoa đào màu sắc đẹp, đẹp đến nỗi đã: bao nhiêu năm tháng rồi mà tâm hồn người cứ vương vấn mãi, lưu luyến bóng hình xưa cho đến giờ này nhìn sương khói phủ bầu trời mịt mùng mà lòng người vẫn còn thầm mơ thấy màu hoa hồng trên má người mình yêu!
Ôi! màu hoa đào, 
màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! màu hoa đào 

như môi hồng người mình yêu,
Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ 

dừng chân lãng du.

Ai Lên Xứ Hoa Đào - Thu Hương

Nước Nhật Bản được mệnh danh là xứ của hoa anh đào, vì quê hương hoa đào chính là nơi đây. Hoa anh đào được nước Nhật coi là “quốc hoa” tức là hoa anh đào là loài hoa đại diện cho nước Nhật và dân tộc Nhật Bản. Người Nhật trồng hoa đào trên khắp nước trải dài từ miền đồng bằng đến miền cao nguyên núi non hiểm trở, không chỗ nào vắng bóng cây hoa anh đào. Nhạc sĩ Thanh Sơn vào năm 1964 khi ông có dịp qua thăm xứ Hoa Anh Đào lại gặp dịp mùa hoa anh đào nở rộ, gợi hứng nên đã sáng tác bài “Mùa Hoa Anh Đào”
Mùa xuân sang có hoa Anh Đào
Màu hoa tôi trót yêu từ lâu
Lòng bâng khuâng, nhớ ai năm nào
Hẹn hò nhau dưới hoa Anh Đào
mình nói chuyện ngày sau
Còn tìm đâu phút vui ban đầu!
Bụi thời gian cuốn trôi về đâu?
Để cho ai nhớ thương ai nhiều
Vì đã xa cách nhau lâu rồi,
dù nói không nên lời!.


Mùa Hoa Anh Đào - Ngọc Lan

Nhạc sĩ Thanh Sơn không vì tâm hồn mình lãng mạn mà vì lòng yêu hoa đào mà ông sáng tác bài Mùa Hoa Anh Đào này mà có thể vì duyên cớ khác, ông đã từng hẹn hò với người yêu dưới gốc cây hoa anh đào, ông ngồi từ dưới gốc cây nhìn lên thấy cả một trời hoa lồng lộng, nhìn ra tứ phía, một màu hồng bát ngát bao phủ khắp không gian. Đúng là cảnh Thiên Đàng hạ giới thế mà lòng mình vẫn cô đơn!
Chuyện đời như một giấc chiêm bao mà thôi
Tìm về quá khứ thấy xuyến xao lòng thôi
Gió xuân đến bao giờ,
Ngỡ như bước chân ai qua thềm hay là mơ?
Rồi Xuân sang thấy hoa Anh Đào
Màu hoa đây, dáng xưa còn đâu?
Niềm tâm tư khép kín trong lòng
Và tôi yêu bóng ai năm nào
Như đã yêu bóng hoa Anh Đào!.


Mùa Hoa Anh Đào - Tâm Đoan

Kiếp hoa đào thật mỏng manh, từ lúc hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ trong khoảng ba ngày ngắn ngủi, cả mùa hoa cũng chỉ kéo dài được ba tuần. Phải chăng vì mầu hoa đào thắm tươi, nồng nàn, quyến rũ, hay vì kiếp hoa đào mỏng manh bạc mệnh; hay vì vườn hoa đào đẹp một cách thanh thoát, thần tiên nên đã khiến gây được nhiều mỹ cảm cho người đời, nhiều thi hứng cho các tao nhân mặc khách kẻ yếm thế cũng như người lạc quan đều có những cảm xúc riêng tư để sáng tác những dòng thơ dòng nhạc vui hay buồn bất tận. Chẳng thế trong kho tàng thi ca phong phú của Nhật Bản, của Trung Hoa cũng như của Việt Nam đã không hiếm những áng thơ văn tuyệt mỹ, những trang tình sử diễm lệ có liên quan tới hoa anh đào.
Nhật Bản ai cũng biết trước Thế chiến thứ hai đã có một đường lối giáo dục rất nghiêm khắc nên đã tạo ra một quân đội hùng mạnh, can cường từng đi chinh phục được nhiều dân tộc trên thế giới với những lời thề độc bách chiến quyết thắng, ấy vậy mà dân họ lại có một cái nhìn rất bi quan về kiếp người khi đem cuộc đời ngắn ngủi của hoa đào ra so sánh, như hai câu thơ tiêu biểu dưới đây:
Anh đào nở chỉ nở ba ngày
Khác chi một kiếp con người phù du.
Dân ca Nhật Bản cũng mang một quan niệm yếm thế của kiếp nhân sinh miêu tả dưới đây:
Rượu nồng ta uống say một đêm ngất ngây
Thả hồn theo gió heo may, 

đến hôn hoa, những cánh hoa anh đào say
Nhạc nghe xa vắng những tiếng buồn, 

đường tơ héo hon, đường tơ héo hon
Chạy theo ánh sáng lung linh, 

ánh trăng thanh đến mơn man cuộc tình trinh.
Trời xuân man mác những mối sầu, tình theo gió mau
Cánh hoa tươi tốt không lâu, 

một đêm nào sẽ rớt mau về đời sau.
Rượu nồng ta uống choáng cõi đời để quên nắng phai, 

để quên nắng phai
Đời người mỏng quá đi thôi, 

hỡi ai ơi hãy quên đi, rượu đầy vơi...
Người Nhật thì bi quan yếm thế còn người Trung Hoa và người Việt Nam chỉ một số ít người có cái nhìn bi quan còn phần đông lại có cái nhìn rất phong phú và yêu đời về cây đào và hoa đào nên ví nhân tài như cây đào.
Lúc mà Địch Nhân Kiệt làm tể tướng đời Đường ông là người đắc nhân tâm nên thâu dụng được nhiều nhân tài, người đương thời bảo là “cây đào, cây lý trong nước ở cả cửa tướng công” ý nói bao nhiêu người tài giỏi trong nước tướng công họ Địch đều gom được hết cả.
Về thi ca Trung Hoa, ta thấy “kinh thi”, một tập thơ dân gian cổ nhất đã do đức Khổng Tử san định khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, mục Chu nam, thơ Đào Yêu có bốn câu:
Đào chi yêu yêu
Chước chước kỳ hoa
Chi tử vu qui
Nghi kỳ thất gia...
Tạm dịch là:
Nõn nường đào tơ
Xinh xắn nở hoa
Nàng ta lấy chồng
Cửa nhà ấm êm

Cây đào đẹp cho nụ hoa tươi thắm nên đã được ví với người thiếu nữ trẻ trung đến tuổi xuân thì trước khi cô kết hôn. Trong Tả truyện, chương thập tứ niên, hoa đào lại được biểu hiệu cho người phụ nữ có nhan sắc diễm lệ. Hoa đào cũng làm nền cho chuyện ái tình thì giai thoại Hoa Đào Thôi Hộ là một sự tích tình ái văn chương cần nhắc tới, vì hoa đào ở đây đã tô điểm cho một câu chuyện tình lãng mạn nhất trong văn chương thi phú Trung Hoa.
Truyện kể rằng Thôi Hộ là một danh sĩ đời Đường (618-907), nhân hội Đạp Thanh chàng đi tham dự rồi ngao du sơn thủy lạc bước đến Đào Hoa Thôn rồi ông ghé vào Đào Hoa Trang gõ cửa xin nước giải khát thì một thiếu nữ ra mở cổng, với cử chỉ rụt rè nàng đưa cốc nước cho chàng. Nàng có sắc đẹp mặn mà chim sa cá lặn nhưng khi thấy chàng thì vẻ mặt lại thẹn thùng e lệ, hai má đỏ hây như màu hoa đào. Chàng cũng ngượng ngập không kém, đưa tay đỡ lấy cốc nuớc uống rồi hối hả xong rồi từ giã thẳng một mạch ra về . Năm sau đến ngày hội Đạp Thanh chàng cũng đi trẩy hội Thôi Hộ háo hức vì mến người nhớ cảnh đã trở lại Đào Hoa Trang hy vọng tìm đươc cảnh cũ người xưa, nhưng khi chàng tới nơi đây thì thấy cửa đóng then cài, người xưa vắng bóng nhưng những cây đào vẫn rực rỡ trổ bông và như đang cười đùa giỡn mặt trước gió đông. Thấy cảnh nhớ người chàng đã phóng bút đề bài thơ tứ tuyệt trên cửa nhà nàng:
Khứ niên, kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Tạm phỏng dịch
Năm ngoái tại đây cũng cửa này
Mặt đẹp hoa đào, má đỏ hây
Thục nữ năm xưa sao chẳng thấy
Chỉ thấy hoa đào nở ngất ngây
Khi cha con người thục nữ sau khi đi vãng cảnh chùa nơi xa trở về thì trời đã chiều tà xế bóng, nàng chợt nhìn vào khung cửa thấy bài thơ thật tình tứ nét chữ như phượng múa rồng bay nàng đoan chắc là văn nhân ngày nào đã trở lại. Chàng tiếc nuối vì không gặp nàng nên thất vọng cất bước ra đi. Nàng chờ mong chàng trở lại nhưng tháng ngày cứ lặng lẽ trôi qua hết mùa hoa đào này đến mùa hoa đào khác, nở rồi tàn nối tiếp hoài mà người xưa đâu chẳng thấy nên sinh lòng ốm tương tư.
Lão ông thấy con ngày không ăn đêm không ngủ, chạy thầy chạy thuốc, ai nói ở đâu có thầy giỏi thuốc hay lão cũng tới, nhưng bệnh con gái quí của ông chẳng những không thuyên giảm mà càng ngày càng nguy kịch! Kịp lúc Thôi Hộ đến thì nàng đang trong cơn hấp hối, thấy chàng nàng chỉ kịp liếc nhìn qua một lần rồi nhắm nghiền mắt lại thở hắt ra trút hơi thở cuối cùng.
Nhược hữu lương y viên tuyệt vọng
Tùng lai vô dược liệu tương tư
Tạm phỏng dịch:
Thầy giỏi chữa bệnh cứu đời
Thách ai dám nói cứu người tương tư

Thôi Hộ cảm thương nàng nên đã quỳ gối xuống bên giường, áp mặt mình vào mặt nàng và khóc lóc thảm thương. Nước mắt chàng vừa nhỏ xuống mặt nàng thì lạ thay người thiếu nữ từ từ mở mắt, nàng đã tỉnh lại sống trọn đời với chàng Thôi Hộ là một thi nhân yêu hoa đào.
Mới hay tình nghĩa dạt dào
Tương tư chữa khỏi người nào có hay
Từ đó thiên tình sử Hoa Đào Thôi Hộ đã khép lạ ở đây, nhưng dư âm của nó vang vọng mãi đến muôn đời sau.
Tại Việt Nam thi sĩ Tản Đà sống vào giữa đầu thế kỷ 20, cảm hứng chuyện cổ tích Từ Thức nhập Thiên Thai nên đã sáng tác nên bài từ khúc “Tống Biệt”:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi.
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động đầu non, đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Nghe xong bài “Tống Biệt” ta nhớ lại chuỵện cổ tích Từ Thức: ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, gần núi Thần Phù, có đông Bích Đào là di tích một câu chuyện thần tiên. Tích xưa kể rằng, Từ Thức nguyên là tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Một hôm vào ngày hội hoa mẫu đơn tại ngôi chùa nổi tiếng trong miền, lễ hội đang vui chơi thì bất ngờ một thiếu nữ đánh gẫy cành hoa mẫu đơn quý.giá, nàng không có tiền đền nên sắp bị quan viên trong ban tổ chức lễ hội phạt vạ. Thấy cảnh ấy Từ Thức liền bỏ tiền ra bồi thường sự tổn thất để cứu nàng. Sau đó ít lâu Từ Thức treo ấn từ quan để có thời gian rảnh rang ngao du sơn thủy. Một hôm chàng chèo thuyền ngoài cửa biển Thần Phù cho thuyền ghé vào bến ven bờ núi để làm thơ ngâm vịnh, thế rồi chàng lạc đến một động tiên. Tiên chủ phu nhân nhận ra chàng là ân nhân trước kia của con gái mình nên quyết định gả con gái yêu là nàng tiên Giáng Hương để đền cái ơn chàng đã cứu nàng khi làm gẫy cành mẫu đơn.
Từ nay Từ Thức được sống trên cảnh tiên giới, tuy sống ở Đào Nguyên sung sướng nhởn nhơ nhưng Từ Thức không nguôi lòng nhớ cố hương, chàng xin phép nhạc mẫu cho trở về trần thế. Biết rằng không thể lưu giữ người được lâu hơn một khi đã quyết trở về dương gian. Nhạc mẫu của ông nhận lời và ban cho chàng vân hạc đưa về chốn thế trần, còn Giáng Hương thì trao cho chàng một phong thư khi vợ chồng sắp tiễn biệt nhau, nàng dặn chàng chỉ được mở ra để đọc khi đã về dương thế...
Từ Thức về đến quê, xiết bao bỡ ngỡ vì cảnh cũ người xưa đã hoàn toàn thay đổi. Chàng hỏi thăm ông già bà cả trong xóm thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của ông ta tên là Từ Thức, đi vào núi không thấy về, nay đã trên dưới một trăm năm rồi.
Trở về cõi trần sống bơ vơ lạc long lại buồn vì số kiếp cô đơn nên Từ Thức tính quay lại cõi tiên nên tới chỗ cũ níu lấy cánh hạc để trở về tiên động sống với Giáng Hương, nhưng chàng đến chỗ hạc hạ cánh khi xưa thì hạc đã bay vút trời cao từ lúc nào rồi. Buồn bã chàng mở thư của vợ đưa ra xem mới hay nàng đã viết:
“Anh Từ Thức thân yêu, tình duyên giữa chàng cõi trần và em cõi tiên đã dứt đoạn, bây giờ anh muốn tìm lại động tiên xưa thì chỉ còn là trong giấc mộng. Thôi vĩnh biệt chàng từ đây – Ký tên: Giáng Hương”.

Sau đó ít lâu, Từ Thức vì buồn bã chàng đi vào núi Hoành Sơn (gần Thanh Hóa), người ta không thấy chàng trở lại nữa.
Bài từ khúc của Tản Đà cho Từ Thức hướng về quê hương hạ giới, cốt làm nổi bật hai khía cạnh trong đời sống tâm lý muôn thuở của thế nhân: Con người ta sống ở nơi nào, dù được sung sướng đến đâu như ở chốn thiên tiên vẫn không thể quên được cố hương, và sẽ có ngày tìm về.
Ngược lại cho dù được trở về sống ở quê hương, nhưng người xưa cảnh cũ không còn nữa, vì tất cả đã hoàn toàn đổi thay thì con người tìm về đó lại cảm thấy như mình bơ vơ lạc lõng thì thế nào cũng sẽ tính chuyện bỏ xứ ra đi.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều được sáng tác cuối thế kỷ 18 ảnh hưởng sâu đậm bởi văn học Trung Hoa về màu sắc và hình ảnh của màu đào, hoa đào thường dùng để tả nhan sắc của người phụ nữ, nhưng Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có phần hơn ở thuật dụng ngữ để ca ngợi sức quyến rũ phi thường của hai má đào của người phụ nữ:
Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. 

Má đào không thuốc mà say
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long.

(câu 167-168)
Thi hào Nguyễn Du, trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh viết hồi đầu thế kỷ 19, thì mượn cây đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng - Thúy Kiều. Thật vậy cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thúy, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tàn cây đào: 
Cách tường phải buổi êm trời 
Dưới đào dường có bóng người thướt tha. 

Kim Trọng đã với để lấy được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào: 
Lần theo tường gấm dạo quanh 
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa 
Giơ tay với lấy về nhà. 

Nhờ đó Kim Trọng đã được gặp lại Thúy Kiều. Lại nhân một hôm cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều làm hiệu gọi Kim bằng cách hắng giọng, lại cũng xảy ra ở bên gốc cây đào này: 
Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng 
Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông. 

Thi hào Nguyễn Du rất khéo léo, cho Kim Trọng lúc nào cũng quanh quẩn ở gần cây đào để chờ Kiều. Thì ra cây đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều. Sau nửa năm xa vắng (vì Kim Trọng phải về Liêu Dương thọ tang người chú), khi mà Kim Trọng trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đã thay đổi chỉ riêng có cây đào năm xưa vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng. 
Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại Đào Hoa Trang, không được gặp lại người thiếu nữ đã cho chàng bát nước giải khát trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng: 
Trước sau nào thấy bóng người 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. 

Như đã diễn tả ở trên cây đào, hoa đào đã làm nền cho thi ca, khơi ra những cảm xúc khiến người nhạc sĩ và thi sĩ cảm nguồn sáng tác. Người ta cũng còn khéo léo đưa hoa đào, màu đào vào văn chương bình dân qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ hay những tiếng nói thông thường ở cửa miệng mỗi người: 
Thân em như tấm lụa đào 
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai 

(Ca dao) 
Lụa đào ở đây chỉ người con gái lúc đi lấy chồng không biết duyên phận mình ra sao, hạnh phúc hay bất hạnh chẳng khác gì tấm lụa đào bán ở chợ, gặp hên thì người mua về trang hoàng nhà cửa, phận hẩm hiu thì bị mua về may áo, may quần khi cũ thì làm giẻ lau. 
Một giọt máu đào hơn ao nước lã 
(Tục ngữ) 
Ý nói bà con chung một huyết thống, dẫu rằng xa mấy đi chăng nữa vẫn còn hơn người dưng. 
Liễu yếu đào tơ: Người thiếu nữ đẹp mảnh mai. 
Mơn mởn đào tơ: Người thiếu nữ tuổi dậy thì, đầy sức sống và tươi mát. 
Số đào hoa: Có duyên, được nhiều người ưa thích. 
(Thành ngữ) 
Cây đào, vườn đào, màu hoa đào đã làm nền cho thi nhân sáng tác ra những thi phẩm tuyệt vời để đời. Gợi hứng cho nhạc sĩ sáng tác những bài tình ca bất hủ, chẳng những thế nó còn làm nền cho cả văn chương bình dân nữa mà một vài câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trên đây đã đủ minh chứng thực chất của hoa anh đào thật tuyệt diệu trong đời sống của dân gian, ta phải coi là một đặc ân tạo hóa trao ban. 
Lê Kim Anh
Theo http://cuantunguy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...