Phất phơ hai dải yếm đào...
Trước khi dùng xú chiêng như người phụ nữ Tây Phương, người
phụ nữ Việt Nam đã biết dùng cái yếm để che kín bộ nhũ hoa. Nói như thế không
có nghĩa là cái yếm chỉ có công dụng như cái xú chiêng của người Tây Phương mà
thực sự công dụng của nó còn rộng rãi hơn nhiều. Trong lúc cái xú chiêng chỉ
dùng để che kín và nâng đỡ bộ nhũ hoa thì cái yếm của người phụ nữ Việt Nam đôi
khi còn có thể dùng thay thế cho cái áo cụt “ra đường đi đâu gần gần mà chỉ bận
yếm thì cũng chẳng ai rầy” (1) hoặc, hơn thế nữa, “mùa nóng nực những người làm
việc khó nhọc chỉ mặc yếm che ngực, đủ kín đáo, không mặc áo”. (2)
Về hình thức, cái yếm của người phụ nữ Việt Nam trông thật đơn giản. Có lẽ, tùy
theo sở thích cá nhân hay truyền thống địa phương mà hình thức của cái yếm có
thể khác nhau đôi chút.
Theo Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ trong Tự Điển Việt Nam (q.I, trang 669) chiếc yếm
được định nghĩa như sau: “Yếm: Miếng vải hình tam giác dùng che ngực: Cô kia mặc
yếm hoa tằm, Chồng cô đi lính cô nằm với ai. CD”. Theo Trần Ỷ trong bài “Quê
Rích Quê Rang”, chiếc yếm được mô tả “là một tấm vải đen hay màu hồng, gần như
hình tam giác, có dải cột choàng ra sau cổ và sau eo”. (3)
Theo Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói, “Yếm mặc
để che kín ngực là mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thìa, hay cổ xây, có dải
bọc treo lên cổ, hai góc đối nhau vắt sang hai bên sườn may dải rộng quấn vòng
sau lưng ra đàng trước bụng, thường quấn chặt không để cho vú ngóc lên phô
trương đường cong nét gợi, không để cho rung rinh, dún dẩy, vươn ra quá cỡ.”
(4)
Theo Anh Thy trong bài Nghìn Năm Dải Yếm Bắc Cầu, “Cái yếm đó
có cấu tạo khá đơn giản. Một mảnh vải hình thoi khoét tròn một đầu, được gắn dải
lụa để buộc lại sau cổ và lưng”.
Hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ là người Nam, ông Trần Ỷ
người miền Trung, ông Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu và ông Anh Thy là người Bắc. Như
vậy, có lẽ cái yếm của người miền Trung và người miền Nam có hình dáng gần giống
như hình tam giác khoét cổ ở đỉnh; trong lúc đó cái yếm của người phụ nữ miền
Bắc lại có hình dáng gần giống như hình vuông hay hình thoi và cổ yếm được
khoét ở một góc.
Như ông Trần Ỷ đã nói trong bài vừa dẫn, “Yếm vừa che ngực vừa là món trang sức
của các cô đang độ xuân thì, nhờ màu sắc, nhất là cái cổ yếm là một công trình
tuyệt xảo của các cô gái khéo tay: đường viền chạy chân rết, luồn được vào
trong là cả một công phu.”(5):
Nhác trông cái yếm cũng xinh
Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai
Khen người khâu yếm cũng tài
Cổ thêu con nhạn có hai đường viền
Cổ thì em ngả màu hiên
Thắt lưng mùi huyền, dải yếm cũng xinh
Khen ai khâu yếm cho mình
Đường lên đường xuống ra hình lưng ong
Yếm này em ngả màu hồng
Yếm này nhuộm mất mấy công hỡi nàng?
Khi xưa lụa hãy còn vàng
Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!
Về các loại vải may yếm còn tùy chủ nhân của chiếc yếm (giàu nghèo, già trẻ),
tùy theo môi trường sử dụng yếm. Yếm mặc ở nhà hay khi đi lao động được may bằng
vải ta hay vải trúc bâu. Vào những ngày hội hè đình đám người ta thường mặc yếm
màu, con nhà khá giả mặc yếm vóc, yếm nhiễu là những loại vải quý đắt tiền:
Hỡi cô yếm thắm lòa lòa
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu?
Hay là lụa bạch bên Tàu?
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài...
Về màu sắc, còn tùy theo sở thích cá nhân hay còn tùy theo môi trường sinh hoạt.
Thông thường người ta thường mặc yếm trắng hay yếm nâu trong những lúc ở nhà
hay làm việc ngoài đồng áng. Những người đứng tuổi vẫn dùng hai màu này là
chính dù ở trong bất kỳ môi trường sinh hoạt nào. Khi tham dự các cuộc hội hè
đình đám, phần lớn phụ nữ trẻ tuổi thích mặc yếm màu.
Cô
kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh...
Ngoài chiếc yếm trắng hay yếm nâu thường may bằng loại vải ta mặc ở
nhà hay trong những lúc lao động, những chiếc yếm màu cũng được may bằng các loại
vải kể trên nhưng cũng có khi được may bằng những loại vải đắt tiền hơn và thường
được dùng trong các dịp Tết nhất, giỗ chạp hay trong các cuộc hội hè đình đám:
* Con cò lặn lội bờ ao
Phất phơ hai dải yếm đào gió bay
* Hỡi cô áo trắng yếm hồng
Đi trong đám hội, có chồng hay chưa?
* Hỡi cô yếm thắm răng đen
Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh!
* Chùa này chẳng có Bụt ru
Mà đem chuông khánh treo chùa hồ sen?
Thấy cô yếm đỏ, răng đen
Nam mô di Phật lại quên mất chùa!
Cái yếm làm tăng độ duyên dáng của người phụ nữ nên cái yếm cũng có thể là một
trong những điều kiện tạo nên nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ để người
con trai lựa chọn ý trung nhân:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua
Tuy hình thức của cái yếm trông có vẻ đơn giản, nhưng vì công dụng của nó mà nó
hóa ra quyến rũ khác thường. Mê cái yếm chính là mê con người mặc yếm. Hơn thế
nữa, có những cách mặc yếm nó làm cho người nhìn cũng phải ngất ngây vì sự kín
đáo nửa vời của nó. Theo tác giả Anh Thy, “Người phụ nữ khi làm lụng, nhất là
trong bóng râm, dù là vào thời kỳ Hùng Vương hay đầu thế kỷ XX, vẫn thường mặc
váy-yếm với hai tay và lưng để trần. Trời nắng thì thêm cái áo ngắn có xẻ tà
hai bên hông gọi là áo cánh. Áo có đính cúc nhưng khi mặc thường không cài, vừa
để cho mát, vừa để hở cái yếm làm duyên.”
Mà ngay cái yếm cũng chỉ để che kín phần ngực, phần lưng vẫn để trống và đôi
khi cái yếm còn được cắt hẹp lại để hở hai bên sườn trông thật hấp dẫn. Câu ca
dao dưới đây chắc đã được sáng tác trong khoảng thời gian người đàn ông Việt
Nam còn đóng khố khi làm việc ngoài đồng áng:
Đàn
ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh!
Vào cái thuở thật xa xưa đó, cái thuở chưa có cái xú chiêng ngự trị trên cặp
nhũ hoa của người phụ nữ Việt Nam mà chỉ có cái yếm trắng, yếm đào... đã có
biết bao nhiêu chàng trai chết mê chết mệt vì những cái yếm đó nhỉ? Ngay cả những
anh đồ, tức những ông thầy dạy chữ nho ngày xưa cũng phải lụy vì cái yếm của những
cô nàng thôn nữ:
Yếm thắm mà nhuộm hoa nương
Cái răng hạt đỗ làm tương anh đồ!
Yếm thắm mà vã nước hồ
Vã đi vã lại anh đồ yêu đương!
Cái yếm đã đẹp và gợi tình thì cái dải yếm nào có kém gì. Hình ảnh của đôi dải
yếm phất phơ trong gió sao mà quyến rũ, sao mà đa tình đến thế:
Con
cò lặn lội bờ ao
Phất phơ hai dải yếm đào gió bay!
Con cò ở đây là hình ảnh tảo tần của người phụ nữ Việt Nam.
Ngoài cái công dụng buộc miếng vải yếm vào phần ngực của người phụ nữ, có người
còn dùng dải yếm để buộc cái túi vải nho nhỏ đựng dăm bảy khẩu trầu hay đựng mấy
đồng tiền để dành:
Trầu
em têm tối hôm qua
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng!
có:
Trầu đã có đây, cau đã có đây,
Trầu đã có đây, cau đã có đây,
Nhân duyên chưa định trầu này ai ăn
Trầu này, trầu túi trầu khăn
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào?
có:
Tiền buộc dải yếm bo bo
Tiền buộc dải yếm bo bo
Thông thường, người phụ nữ tự chọn vải, chọn màu rồi tự cắt may lấy cái yếm để
dùng. Thế nhưng, đôi khi chiếc yếm cũng được sản xuất hàng loạt để đem bày bán.
Và từ đây, chiếc yếm đã là một tặng phẩm hết sức thân tình để trở thành những kỷ
vật rất được trân trọng của người phụ nữ.
Có thể các bậc phụ huynh chọn một chiếc yếm có giá để làm quà cho cô con gái
trước ngày vu quy:
Con
lạy cha hai lạy một quỳ
Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng
Mẹ sắm cho con cái yếm nhất phẩm hồng
Thắt lưng đũi tím, bộ nhẫn đồng con đeo tay
Có thể là một chàng trai mua một chiếc yếm để tặng người yêu:
Anh
mua cho em cái yếm hoa chanh
Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng!
Có một chàng trai khen một cô gái mặc chiếc yếm thắm bé bé xinh xinh. Chàng
khen “người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài”. “Người” ở đây chưa xác định là
ai. Thế nhưng, ngay mấy câu tiếp chàng lại xác định chính chàng đã thêu nhạn,
thêu hoa trên chiếc yếm:
Hỡi cô yếm thắm lòa lòa
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu?
Hay là lụa bạch bên Tàu?
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài!
Một đàng anh thêu nên nhạn
Hai đàng anh mạng nên hoa
Yếm ấy anh để trong nhà
Khen ai mở khóa đem ra cho nàng!
“Khen” thì ai khen? Và “ai” ở đây là ai? “Yếm ấy anh để trong nhà” và chắc là
“anh” đã cất kỹ lắm, có thể là trong rương và chìa khóa “anh” giữ. Vậy thì “ai”
có thể “mở khóa đem ra cho nàng”? Còn ai trồng khoai đất này nữa chứ? Chính
chàng đã tự khen mình tạo nên chiếc yếm xinh đẹp và chàng đã tự tay mang ra tặng
cho nàng. Và chàng lại tự khen cái hành động tỏ tình tha thiết của mình. Khéo
thật!
Và cũng từ cái việc tặng yếm này, chúng ta còn bắt gặp một bài ca dao thật ngộ.
Bài ca dao như thế này:
-
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi, em trả yếm cho anh!
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Đây là một khúc ca đối đáp giữa một người nam và một người nữ. Chúng ta thử
minh xác xem đây là một cuộc trả yếm hay là một cuộc đòi yếm. Vì đây là một khúc
ca được thể hiện trong một buổi hát đối đáp nào đó nên nội dung đích thực của
nó chỉ là một giả thiết. Tuy nhiên, dù chỉ là một giả thiết thì giả thiết đó
cũng phải phản ảnh được tâm tình chung của quần chúng thì mới được quần chúng
lưu truyền cho tới ngày nay.
Chúng ta sẽ không bàn đến câu 1 và câu 3, vì 2 câu này chỉ là câu đưa đẩy thuộc
thể phú trong nghệ thuật cấu tạo một bài ca dao. Quả thực nó không liên quan gì
đến câu 2 và câu 4, và vì vậy, dù hoa cúc vàng có nở ra bất kỳ loại hoa gì gì
đi nữa thì nó cũng không làm thay đổi ý nghĩa đích thực của câu 2 và câu 4.
Có 2 giả thiết:
Giả thiết 1: Nếu cô gái hát trước thì đây là trường hợp xin trả yếm. Ta có thể
nói xuôi ý câu này như sau: Đây là chiếc yếm anh tặng em khi chúng mình yêu
nhau, nhưng nay vì duyên nợ không thành, bây giờ em đã có chồng, nên em xin trả
chiếc yếm này cho anh . Và chàng trai đã trả lời một cách dịu dàng: Quả là anh
có tặng em chiếc yếm đó, thế nhưng bây giờ em đã mặc nó và vì vậy bây giờ nó là
của em. Nó đâu còn là của anh nữa mà bảo anh đòi!
Giả thiết 2: Nếu người con trai hát trước thì đây lại là đòi yếm. Lời người con
trai thật cương quyết: Ngày trước tôi có cho cô một cái yếm. Nay cô đã có chồng
cô phải trả lại cái yếm đó cho tôi. Cô gái đốp chát lại một cách đanh đá: Này,
tôi bảo cho mà biết, yếm tôi đang mặc thì nó phải là yếm của tôi chứ yếm gì của
anh mà anh lại đòi! Vô duyên!
Xét về phương diện tâm lý, đã có can đảm đòi lại cái yếm mà mình đã cho người
mình yêu, dù rằng người yêu của mình đã ôm cầm sang thuyền khác, thì đó là một
hành vi không còn tình nghĩa. Đã không còn tình nghĩa thì giọng điệu phải gay gắt.
Giọng điệu của chàng trai đã gay gắt thì giọng điệu của cô gái cũng phải chua
ngoa cho tương xứng. Cứ xét theo giọng điệu thì giọng điệu của câu 2 không thể
là giọng điệu của một người “đòi nợ” và giọng điệu của câu 4 không thể là giọng
điệu của một người “bị đòi nợ”. Chữ “em” và chữ “anh” trong câu 2 và trong câu
4 nghe hiền lành, tràn trề tình cảm. Thử là giả thiết 2, bài ca dao phải được
chuyển cách xưng hô như sau:
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Cô có chồng rồi cô trả yếm cho tôi
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
chứ không thể là cách xưng hô “anh-em” “em-anh” tình tứ như
thế được. Vả lại, anh con trai nào lại chẳng nhớ nằm lòng câu ca dao này:
Bắc thang lên hỏi ông trời
Của chàng cho thiếp liệu đòi được chăng?
Bắc thang lên hỏi ông trăng
Của chàng cho thiếp nói năng thế nào?
Cái yếm nó cũng quái ác lắm. Những cô gái mặc những chiếc yếm
đào, yếm hồng, yếm thắm, yếm đỏ.... đã làm cho bao chàng trai chết mê chết mệt
như ăn phải bùa mê thuốc lú, không còn biết trời trăng mây nước gì nữa:
Chùa này chẳng có Bụt ru
Mà đem chuông khánh treo chùa hồ sen
Thấy cô yếm đỏ, răng đen
Nam mô di Phật lại quên mất chùa!
Mà đâu có phải chỉ làm say mê những chàng trai dân dã, những anh đồ nhá chữ
thành hiền, ngay những bậc tu hành mà lòng trần chưa dứt đôi khi cũng bị mấy cô
yếm thắm, yếm đào đưa vào mê lộ:
Ba
cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư...
Cái yếm là vật thiết thân của đàn bà con gái, thì cái yếm cũng là vật thân thiết
của giới đàn ông con trai. Gặp cô gái không cần biết tên họ là gì, cứ theo màu
yếm cô nàng đang mặc mà gọi, cô nàng cũng biết là chàng trai đang gọi ai rồi.
Thiệt là kín đáo mà tình tứ biết bao!
Gặp một cô mặc yếm trắng, thế là anh chàng có cớ để chòng ghẹo:
Hỡi cô yếm trắng lòa lòa
Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm?
Ước gì anh được ở gần
Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh!
Sao mà tình tứ quá vậy! Sao mà hiền lành quá vậy! Chỉ xin được ở gần để nhuộm hộ
cái yếm lấy công thôi! Sao anh chàng này lại khôn thế nhỉ? Thế nhưng, theo Nhất
Thanh Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói, thì “thực ra, không ai mặc yếm nhuộm
thâm, nhưng chàng trai đã mánh lới nói trái vậy để chòng ghẹo, và để cô gái dễ
có cớ trả lời.”
Cũng lại cái “yếm trắng lòa lòa”, lần này cũng lại bị chọc quê:
Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh
Bao giờ cà chín, cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm cơm!
Này đây một anh chàng ngồi trên con dò dọc đang buông lời tình tứ mời mọc một
cô nàng yếm thắm:
Hỡi
cô yếm thắm răng đen
Này đây một anh chàng lái đò khác đang buông lời chòng ghẹo dớ dẩn:
Thuyền
anh đã cạn lại đầy
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền
Cái dải yếm chỉ lớn bằng mút đũa con mà đòi “mượn... làm dây kéo thuyền”. Mượn
gì mà oái oăm thế! Thế nhưng cô gái cũng không vừa. Cô không từ chối thẳng thừng
sợ làm buồn lòng anh chàng lái đò “tinh nghịch”, cô chỉ hứa khéo với lời ước ao
không bao giờ thành hiện thực:
Ước gì dải yếm em to
Để em buộc lấy mũi đò kéo lên
Ước gì dải yếm em bền
Để em buộc lấy kéo lên trên bờ!
Này đây một anh chàng buông lời đùa cợt cái kiểu “muốn cho mình rinh cho người”:
Con
cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
có:
Hỡi cô yếm đỏ lòm lòm
Hỡi cô yếm đỏ lòm lòm
Lại đây tôi gả thằng còm cho cô...
Nhưng cái anh chàng dưới đây mới thật là “tinh nghịch”.
Hỡi cô yếm thắm đeo bùa
Bác mẹ có bán anh mua nửa người
Anh mua từ rốn đến đùi
Từ bụng đến mặt mặc trời với em!
Vậy là cái “yếm thắm” dù có đeo bùa cũng không quyến rũ nổi
anh chàng “tinh nghịch”! “Ý tại ngôn ngoại” mà lại!
Này đây một anh chàng đang buông lời chòng ghẹo chua ngoa:
Hỡi
cô mặc yếm hoa tằm
Chồng cô đi lính cô nằm với ai?
Đây có thể là một câu hỏi có vẻ “lần khân” nhưng nó lại có thể phản ảnh cả một
thực tế lịch sử chua cay của người phụ nữ Việt Nam trong những thời chinh chiến.
Có những thời kỳ mà người đàn ông phải ở trong quân ngũ suốt cả một quãng đời
trai trẻ “tuổi chưa đến 60 chẳng được về làng cùng cha mẹ vợ con đoàn tụ...”
(Thích Đại Sán - Hải Ngoại Ký Sự)
Có những phụ nữ sống trong khắc khoải chờ chồng thời chinh chiến thì cũng có những
phụ nữ sống buông thả luông tuồng “chính chuyên lấy được chín chồng, vo viên bỏ
lọ gánh gồng đi chơi!...” để rồi bị người thiên hạ mỉa mai trách móc:
Hỡi
cô yếm thắm bùa đeo
Chồng cô cô bỏ cô theo chồng người!
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có một bài thơ vịnh “Thiếu nữ ngủ ngày” vẽ
ra một hình ảnh thiệt ngộ: cô thiếu nữ “quá giấc nồng” để gió thổi tụt yếm xuống
đến giữa ngực “yếm đào trễ xuống dưới nương long” phơi bày cả bộ nhũ hoa mát rượi
“đôi gò bồng đảo sương còn ngậm”, khiến cho anh chàng “quân tử dùng dằng đi chẳng
dứt; đi thì cũng dở, ở không xong!”. Chàng “quân tử” ở đây còn dùng dằng, lưỡng
lự, “tiến thoái lưỡng nan”, chứ chàng trai trong ca dao gặp cảnh này đã sấn sổ
đến ngay không chút e dè:
Đôi cô vác gậy chòi đào
Cô lớn, cô bé, cô nào với ai?
Cô lớn vuốt bụng thở dài:
Trời ơi, đất hỡi! Lấy ai đỡ buồn?
Cô bé mặc yếm hở lườn
Đêm nằm ngỏ cửa con lươn bò vào!
Gió nam đánh tốc yếm đào
Anh nghĩ oản trắng, anh vào thắp nhang
Hai cô bốn oản rõ ràng
Anh xin một chiếc, cô nàng không cho!
Rõ ràng là chàng trai đã giả vờ “trông gà hóa cuốc” để rồi lần khân sấn sổ đến
gần hỏi xin một “phẩm oản” và dĩ nhiên là cô nàng từ chối!
Như đã được mô tả, chiếc yếm có lớn lắm cũng chỉ bằng hai bàn tay xòe là cùng. Ấy
vậy mà, đã có chàng trai mơ ước được đắp chiếc yếm của người tình và chàng nghĩ
nó sẽ ấm, ấm lắm, không chiếu chăn nào có thể sánh nổi:
Đêm
nằm đắp chục chiếc chăn
Làm sao sánh được ấm bằng yếm em!
Đắp chiếc yếm mà thấy được hơi ấm đã là lạ, nhưng không lạ bằng chàng trai sau
đây. Óc tưởng tượng của chàng đã vẽ nên một hình ảnh tuyệt diệu mà chúng ta có
thể nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới có thể cho chàng được sức tưởng tượng dồi dào
đến mức ấy:
Trời
mưa trời gió kìn kìn
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông!
Trời ạ! Đắp đôi dải yếm! Phải chăng hơi hướm của người tình đã chuyền hơi ấm
vào đôi dải yếm đa tình để tạo cho nó thành một lò sưởi?
Đôi dải yếm tuyệt diệu làm vậy nên chàng trai đã có một ước mơ thật kỳ lạ, đó
là giấc mơ hóa kiếp của chàng. Tương truyền Nguyễn Công Trứ đã có lần ước mơ
hóa kiếp thành “cây thông”:
Kiếp
sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Sườn trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông
Ông là một nhà tướng, ông lại là một nhà thơ, ông muốn tiếng thơ của ông cùng đất
trời vang vọng, còn chàng trai trẻ đa tình của chúng ta thì có một ước vọng “đa
tình” một cách lạ kỳ. Chàng muốn biến thành cái dải yếm để mãi mãi được quấn
quýt bên cạnh người tình:
Kiếp
sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân!
Trong lúc chàng trai ước hóa ra dải yếm để được “buộc người tình nhân”, thì cái
ước vọng của cô gái - cái ước vọng mãnh liệt muốn được giao hòa, muốn được cảm
thông - đã biến cái dải yếm mong manh thành chiếc cầu bất hủ của tình ái để đón
người tình:
Ước
gì sông rộng một gang
Quả là người ta không thể lấy cái kích thước bình thường để đo lường rồi phê
phán hình ảnh tuyệt diệu trong câu ca dao này mà người ta phải lấy kích thước của
“khát vọng tình yêu” để nhận chân một tấm chân tình.
Nếu có một chàng trai nói lên giấc mơ “đa tình” của mình thì lại có một cô gái
nói lên giấc mơ “tinh nghịch” thật oái oăm:
Ước
gì dải yếm em dài
Để em buộc lấy những hai anh chàng!
Bởi cô nàng ao ước “buộc lấy những hai anh chàng” nên cô nàng đã bị thiên hạ mỉa
mai:
Lả lơi cho rách yếm ra
Về nhà dối mẹ yếm thông hoa không bền!
Hình thức của cái yếm cũng là biểu tượng về đời sống thường nhật của người phụ
nữ Việt Nam. Khi còn son trẻ, người phụ nữ còn nghĩ đến cách ăn mặc, còn nghĩ đến
việc giữ gìn sắc đẹp:
Tấm
yếm đào sao em khéo giữ màu
Răng đen rưng rức, mái tóc đầu em hãy còn xanh.
có:
Con gái đang thì đã nên con gái
Con gái đang thì đã nên con gái
Cái áo em mặc chải chải hoa hồng
Trong yếm đại hồng chuỗi xe con trám. . .
Nhưng khi đã có gia thất, trong đời sống khổ cực hằng ngày, họ thường hoài niệm
về thời con gái còn sống dưới sự đùm bọc, yêu chiều của mẹ cha. Với họ, đây quả
là một thời vàng son:
Khi xưa em ở với cha
Một năm chín yếm xót xa trong lòng
Từ khi em về nhà chồng
Chín năm một yếm, em lộn trong ra ngoài!
Khi đã có chồng, người phụ nữ Việt Nam thường ít khi nghĩ riêng về mình mà họ dồn
tất cả cho chồng cho con, đúng với quan niệm “có chồng gánh vác giang sơn nhà
chồng!”. Họ không còn nghĩ về bản thân mình nữa:
Chửa chồng nón thúng quai thao
Chồng rồi, nón rách quai nào thì quai.
Chửa chồng yếm thắm đeo hoa
Chồng rồi hai vú bỏ ra tày giành!
Và nhất nữa khi đã có con, càng có nhiều con, đời sống của họ càng ngày càng vất
vả hơn và bản thân họ trông cũng thật thảm não hơn:
Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngẵng, răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
Năm con tóc rối tổ cu
Cái yếm của người phụ nữ Việt Nam có tự bao giờ không thấy sử sách ghi lại.
Trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của học giả Đào Duy Anh có đoạn ghi:
“Theo sách Sử Ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về
bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận
Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu.” (trang 172).
- Sử Ký là một sử phẩm bất hủ của nền văn học Trung quốc cổ đại. Tác giả là Tư
Mã Thiên, một người sinh sống trong khoảng thế kỷ thứ II trước Tây Lịch.
- Văn Lang là quốc hiệu của nước ta từ thuở các vua Hùng họ Hồng Bàng trị vì tức
là từ năm Nhâm Tuất (2789) đến năm Quý Mão (258) trước Tây lịch.
Căn cứ vào sự kiện được ghi trong Sử Ký và các niên biểu nêu trên thì từ hơn
hai ngàn năm về trước, dân Việt ta đã biết mặc áo gài nút về phía bên trái (tả
nhiệm), đến khi Nhâm Diên cai trị đất Cửu Chân mới bắt dân Việt ăn mặc theo kiểu
người Tàu tức là gài nút về phía tay phải (hữu nhiệm).
Trước khi biết mặc áo gài nút về phía tay trái (tả nhiệm), giống như nhiều dân
tộc sơ khai khác, người Việt sơ khai cũng đã dùng lá cây, vỏ cây hoặc da thú
làm vật che thân. Họ chỉ che toàn thân khi trời giá rét. Khi trời nóng bức hoặc
khi làm lụng, chắc hẳn họ chỉ che những bộ phận cần phải che kín của cơ thể (hạ
bộ của phái nam, hạ bộ và nhũ hoa của phái nữ). Đến khi biết dệt vải để dùng, họ
thay thế lá cây, vỏ cây hay da thú bằng những mảnh vải. Và chiếc yếm ra đời.
Chiếc yếm phải ra đời trước cái áo “tả nhiệm”, chí ít cũng phải đồng thời với
cái áo ấy. Vậy là cái yếm đã là vật thân thiết của người phụ nữ Việt Nam trên
hai ngàn năm nay.
Những chiếc yếm trắng, yếm nâu, yếm đào, yếm thắm... những chiếc yếm vải, yếm trúc bâu, yếm vóc, yếm nhiễu... đã quấn quýt với người phụ nữ Việt trên hai ngàn năm đó bỗng một hôm bị cái xú chiêng của người phương Tây tranh giành mất địa vị. Chiếc yếm thủy chung gợi cảm đã phải từ tốn âm thầm rút lui vào bóng tối nhường chỗ cho chiếc xú chiêng ôm ấp bộ ngực căng tròn nõn nà của người phụ nữ Việt Nam cho đến một ngày người ta không còn nhắc nhở đến cái yếm nữa. Ngày nay có nhiều phụ nữ Việt Nam không còn có thể hình dung ra hình dáng của cái yếm. Và đáng tiếc biết bao nhiêu, những chàng trai Việt không còn đêm đêm nằm mơ:
Những chiếc yếm trắng, yếm nâu, yếm đào, yếm thắm... những chiếc yếm vải, yếm trúc bâu, yếm vóc, yếm nhiễu... đã quấn quýt với người phụ nữ Việt trên hai ngàn năm đó bỗng một hôm bị cái xú chiêng của người phương Tây tranh giành mất địa vị. Chiếc yếm thủy chung gợi cảm đã phải từ tốn âm thầm rút lui vào bóng tối nhường chỗ cho chiếc xú chiêng ôm ấp bộ ngực căng tròn nõn nà của người phụ nữ Việt Nam cho đến một ngày người ta không còn nhắc nhở đến cái yếm nữa. Ngày nay có nhiều phụ nữ Việt Nam không còn có thể hình dung ra hình dáng của cái yếm. Và đáng tiếc biết bao nhiêu, những chàng trai Việt không còn đêm đêm nằm mơ:
Kiếp sau đừng hóa ra người,
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân!
Chú thích:
(1) (3) (5): Quê Rích Quê Rang - Trần Ỷ (trong tuyển tập Quảng
Ngãi Mến Yêu, trang 208)
(2) (4): Đất Lề Quê Thói (trang 213-215) - Nhất Thanh Vũ Văn
Khiếu
Tài liệu tham khảo
chính:
1. Quảng Ngãi Mến Yêu - Nhiều tác giả, Sông Trà xuất bản,
2003.
2. Đất lề Quê Thói - Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đại Nam tái bản.
3. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương - Đào Duy Anh, Xuân Thu tái bản.
4. Nghìn Năm Dải Yếm Bắc Cầu - Anh Thy.
5. Các tuyển tập ca dao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét