Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Mây về đậu đỉnh non xa

Mây về đậu đỉnh non xa
Hẳn họ là những người thành đạt nên chuyến trở về quê của họ không nhốn nháo, chen lấn để tìm chỗ ngồi như hành khách trên những chuyến xe đò chật ních, ngột ngạt. Họ bình thản tuần tự lên thang máy bay trong sự phấn khích của riêng mình.
Tháng chạp là tháng giao mùa, tháng mà nàng xuân còn đang ngái ngủ trong những mắt lá be bé, trong những đám mây bềnh bồng sực nức mùi rạ rơm do khói đốt đồng. Cảm nghĩ ấy ngẫu nhiên đến bởi Ngân vừa thấy trong màn hình ti vi một bức tranh về đồng quê thật đẹp chứ trên máy bay thì làm sao thấy được mắt lá và ngửi được mùi rạ rơm.  
Cũng ngẫu nhiên khi Ngân ngồi cạnh người đàn ông xa lạ nhưng bặt thiệp và khá điển trai trên chuyến bay này. Xa lạ đến nỗi chị tính hỏi chuyện trước mà chưa dám. Người đàn ông ấy chẳng nhìn đâu khác ngoài màn hình chiếc iPad Air mới cáu cạnh có kết nối 4G nhưng không sở hữu tính keo kiệt do cảm biến nhận diện dấu vân tay như iPhone 5s. Chừng ấy thôi cũng thừa sức kích thích tính tò mò của người ngồi bên cạnh. Ngân liếc qua màn hình chiếc máy tính bảng ấy nở nụ cười bâng quơ bởi người sử dụng đang chăm chú tìm một địa chỉ nào đó trên Google map. Hẳn là nụ cười sẽ làm cho người ta không nổi đoá khi phát hiện ra rằng mình đang bị ai đó xoi mói riêng tư .
– Cô gì ơi cho hỏi, xuống sân bay về chợ nổi có xa không?
– Chợ nổi nào, Miền Tây nhiều chợ nổi lắm.
– Ờ há, chợ nổi Cái Răng?
– Khoảng năm cây số.
– Vậy cô cũng ở gần đó?
– Dạ.
– Mình tên Lạc, còn cô?
– Em tên Ngân.
– Vậy là chúng ta chung đường về.
– Vâng, nhưng anh về quê nội hay quê ngoại?
Lạc không trả lời trực tiếp câu hỏi của Ngân mà kể về cuộc đời thăng trầm của mình qua những trang nhật ký của cha nuôi. Ngày đó, cha Lạc, đồng đội của người cha nuôi bị thất lạc trong một trận đánh ác liệt ở vùng chợ nổi này. Cha Lạc được một gia đình cơ sở che giấu, cưu mang chờ dịp thuận tiện ra bưng trở lại. Quãng thời gian đó cũng khá dài đủ để một mối tình thăng hoa kết trái giữa cha Lạc và cô du kích xinh đẹp – con gái của gia đình này.
Hồi đó, gia giáo còn khắt khe lắm, nhà mà có con gái chửa hoang thì xấu hổ vô cùng nên mẹ Lạc phải theo cha ra bưng. Chiến tranh đã chia lìa họ, cha Lạc hy sinh, mẹ Lạc bị bắt bớ tù đày, Lạc được cha nuôi mang về quê gửi người nuôi nấng. Lạc là cái tên do cha nuôi đặt, cái tên có được sau một trận giặc càn xoá sổ mật khu.  
Rồi hoà bình. Rồi chiến tranh. Cha nuôi Lạc hy sinh trong mặt trận phía Bắc của Tổ quốc. Đất nước đã nuôi Lạc lớn khôn, thành đạt. Khi đơn vị của cha nuôi trao cho Lạc cuốn nhật ký của ông là Lạc tức tốc  xuôi Nam tìm mẹ.
– Thành thật chia vui với anh, cầu chúc anh nhanh chóng gặp mẹ.
– Cũng mong manh lắm, mấy mươi năm rồi còn gì. À mà này, cô có nghe cái tên “Út cà na” bao giờ chưa?
– Hình như có.
– Đó là cô gái chuyên giật nụ xoè rồi quăng về phía địch khi bị rượt đuổi hay bị bố ráp.
– Làng em cũng có vài người dũng cảm như thế nhưng không chắc có người anh tìm.
Sau hơn một giờ bay và hơn mười phút đi xe họ đã đến bến đò mênh mông sông nước, trời đã ngả chiều, nắng yếu đuối kéo lê tà áo trên những vuông ruộng đã gặt lỗ chỗ để lộ ra cảnh tất bật của một ngày mùa dở dang. Ngân chỉ tay về phía hàng cây xa xa bên kia sông và nói:
– Nhà em ở đó, khi nào xong việc mời anh ghé chơi.
– Cảm ơn Ngân, tôi sẽ sắp xếp.
Chia tay người con gái đẹp và dịu dàng, Lạc thấy mình vô cùng bơ vơ trống trải, trong anh có cái gì đó như là nuối tiếc. Dòng sông vẫn đỏ rực phù sa mặc dù mùa mưa đã về với xa ngàn để lại cái lạnh se se rất đáng yêu của những ngày cuối chạp. Trên bến, dưới thuyền chật ních tiếng cười, tiếng nói của người mua kẻ bán cho dù không phải là buổi chợ chính.
Phải công nhận là các cô gái miền Tây ăn nói thật có duyên và ngọt ngào, ngọt hơn vị hồng xiêm đang mùa chín mọng, nó làm cho người ta đê mê nhớ hoài. Hình ảnh chiếc áo bà ba tha thướt qua sách, báo không thể nào quyến rũ bằng mắt thấy, vai kề. Lạc chọn thuê một con đò mà anh ưng ý bởi người lái đò đã đứng tuổi. Hẳn là ông đã đi nhiều nơi và biết khá tường tận về vùng đất này. Đó là những thứ mà Lạc rất cần.  
– Cậu là người miệt ngoài?
– Dạ phải nhưng không phải.
– ?
– Vì cháu sinh ở đây nhưng lớn lên ngoài Bắc.
– Cha tập kết?
– Dạ gần như vậy.
– Cậu qua cù lao đó thăm ai?
– Dạ tìm một người.
– Trước kia tui cũng ở bên nớ.
– Vậy là chú cũng không phải người miệt này?
– Giỏi, tui người miền Trung.
– Chú có nghe cái tên “Út cà na” trước năm bảy hai ở cù lao đó không?
– Lạ chi. Bà ấy chừ buôn bán ở cù lao Mây chứ chẳng ở bên nớ mô.
– Vậy cảm phiền chú quay đò lại, cháu muốn đến chỗ đó.
– Dễ thôi mà.
Cù lao Mây có nghề làm bánh tráng. Bánh tráng cù lao Mây nổi tiếng ngon, đượm vị lại dai rất thích hợp để cuốn nem, làm chả giò hay nhúng nước cuốn rau, thịt, hải sản. Trong ký ức tuổi thơ của Lạc không hề có những món ăn ấy, cũng không hề có cảnh con đò úp mặt xuống hoàng hôn khi mà ông lái đã vác chèo về nhà.
Nhà của “Út cà na” khá rộng làm theo kiểu nhà sàn có thang gác bên ngoài. Nhà sát bên mép nước nên quanh năm mát mẻ dù hơi kín gió do con nước ăn sâu vào lòng cù lao tạo thành cái vũng nho nhỏ rất lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu. Chung quanh nhà là vườn cây ăn quả bốn mùa rợp sắc xanh.
– Tui có phải chờ cậu ở đây không?
– Dạ có, lỡ không đúng người thì cháu phải về chứ.
Định bước chân lên thang gác bỗng Lạc chững lại khi nghe Ngân gọi ơi ới :
– Dì ơi anh ấy tới rồi nè.
Bà Bảy, dì của Ngân – người có biệt danh là “Út cà na” ngày nào cũng lao nhanh đến ôm chầm lấy Lạc, nước mắt tuôn trào. Thì ra, khi Ngân về đã hỏi và kể cho dì nghe về Lạc, về cái tên “Út cà na”. Khi đã chắc chắn đó là đứa cháu bị thất lạc trong trận giặc càn, bà Bảy bảo Ngân gọi gấp điện thoại cho Lạc nhưng Ngân không có số của Lạc nên đành chịu. Bà Bảy nắm tay Lạc, đưa vào nhà và chỉ lên bàn thờ:
– Ba, mẹ của cháu đấy. Cháu thắp nhang khấn vái ảnh chỉ đi.
Lạc không cầm được nước mắt trước cảnh tương phùng mà vẫn ly biệt. Bà Bảy hết nhìn di ảnh anh rể lại nhìn Lạc, họ giống nhau như hai giọt nước.
– Dì và mẹ cháu là hai chị em sinh đôi, cùng chiến đấu một chiến hào, cùng có biệt danh là “Út cà na”, cùng làm cho giặc thất điên bát đảo bởi tính xuất quỷ nhập thần mà chị em dì thực hiện. Khi nghe “Út cà na” xuất hiện đâu đó là giặc bố ráp đến ngay nhưng cũng thời điểm đó có một  “Út cà na” khác lia cả băng đạn AK vào đội hình giặc cách đó hàng chục cây số. Giặc không khiếp đảm mới là lạ.
– Thì ra mẹ cháu cũng có biệt danh là “Út cà na”.
– Phải.
– Nhưng hình như cha nuôi cháu không biết.
– Biết thế nào được hả cháu, thằng địch ở sát nách đây mà còn mù tịt nữa là.
– Mẹ cháu mất trong trường hợp nào hả dì?
– Dì cũng không biết nhưng nghe đâu ngoài Côn đảo.
– Còn mộ ba cháu?
– Chưa quy tập được cháu à.
Lạc chưa bao giờ nghĩ chiến tranh tang tóc và ác liệt đến thế. Mấy mươi năm hoà bình rồi mà vết thương do nó gây ra vẫn chưa lành. Giờ thì châu đã về hợp phố, nước đã về nguồn, mùa đã xuân nhưng trong Lạc là sự bơ vơ, khắc khoải khôn cùng. Vẫn biết, khổ đau càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn nhưng sao chua chát quá.
– Cháu ngồi đây nói chuyện với chế Ngân, dì đi làm cơm. – Bà Bảy dịu dàng.
– Chế à, chế là chị đúng không? – Lạc quay qua Ngân dò hỏi.
– Hẳn rồi, nhớ lần sau phải vòng tay “thưa chế” nữa nhé.
Lạc cười, Ngân cũng cười. Bỗng nhớ đến người đưa đò Lạc ra hàng hiên vẫy tay và gọi thật to:
– Chú ơi, lên đây uống nước đã. Cháu đã gặp mẹ rồi.
L.T.M.C
Theo http://hanhtrinhhanhphuc.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...