"Cái thuở ban đầu" của Nguyễn Bính
(Nhớ và ghi theo lời kể của Nguyễn Bính vào một ngày
Sau khi rít một hơi thuốc lào, nhả làn khói xanh mờ ra hiên, nhìn sâu vào mắt
tôi, với nụ cười tủm tỉm, Nguyễn Bính bắt đầu nói với giông mộc mạc, chân tình:
"Ông đừng băn khoăn gì cả, lúc càng buồn, ta càng nên nói chuyện vui, chứ
cái anh cứ để cho nỗi buồn chồng chất lên người, nhất định sẽ chết sớm. Mà đời
người thì "ngắn chẳng tày gang", cớ gì cứ tự đầu độc mình? Ông muốn
biết mình yêu từ khi nào hử?". Nguyễn Bính nhấp một ngụm trà đặc, e hèm một
tiếng, đôi mắt xa xăm như đang dõi về những năm tháng xa mờ của đời mình. Giọng
ông trầm xuống, chậm rãi: "Làng Vân Cát quê mình có Hội Phủ Giày thật tuyệt, từ bé mình đã mê những sắc màu xanh đỏ tím vàng của lễ hội tưng bừng, mê hát chầu văn, mê những buổi lên đồng của các con nhang đệ tử, mê quá nên nhiều khi quên cả về nhà. Có thể nói màu sắc âm thanh của lễ hội mãi về sau vẫn còn ám vào thơ mình, gợi lên cái hương vị hồn quê. Năm ấy mình mười bốn tuổi, đầu tháng Ba Âm Lịch về chơi hội, mưa bay cuối xuân đưa chân phơi phới, đang ngồi xem hầu bóng, chợt thấy một cô gái chắc cũng ang áng tuổi mình, mặc áo cánh sen, thắt lưng hoa lý, chít vành khăn nhung, thà chiếc đuôi gà sau gáy, dáng dong dỏng cao, bước đi thanh thoát, y như vừa bước ra từ một bức tranh tố nữ. Người đi bên cô dáng chừng là mẹ, mặt phúc hậu, miệng luôn lẩm nhẩm như tụng kinh. Mình vội đi theo, khi đi ngang qua, nhìn khuôn mặt trái xoan của cô, nước da trắng hồng, mình ngơ ngẩn cả người. Cả buổi ấy, mình cứ đi theo mẹ con cô, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn, đôi khi ghé sát bên cô, mong được cô nhìn đến, những cô gái dịu dàng mà nghiêm trang quá, chỉ có một lần đuôi con mắt cô khẽ chạm vào cái nhìn của mình rồi quay vội đi. Phủ ở giữa, một bên chùa, một bên đền, khách thập phương nối nhau đi từng dòng, khói hương chỗ mịt mù, nơi thoang thoảng, mọi thứ đối với mình đều như mơ hồ, chỉ có bóng cô gái là không rời khỏi mắt mình. Mình theo riết cô ấy từ Phủ Giầy (làng Vân Cát) sang Phủ chính (làng Tiên Hương), đến ngày thứ tư thì lén giúi vào tay cô mấy câu thơ, đến nay vẫn chưa quên:
Em ở cõi trần hay cõi tiên
Phủ đền nhang khói nức hương em
Xin đi chầm chậm cho theo với
Lộc thánh dâng người một trái tim
Hồi hộp và vui sướng nhất là cô nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy, mắt cô ngó lơ nơi khác, chà "Giai nhân thông thái tự sinh thành!". Chiều ngày thứ năm (lễ hội diễn ra trong mười ngày), trong khi mẹ cô đang say sưa với phiên hầu bóng của một đồng cô nổi tiếng là múa đẹp, cô gái lẻn bước ra ngoài. Cơ hội ngàn vàng đến với mình, mình theo bén gót ra cửa phủ. Chợt cô dừng lại nói như bâng quơ: "Mai về Mỹ Trọng rồi!" (Mỹ Trọng nay thuộc Nam Định, lúc ấy là một làng ngoại thành). Mình đánh bạo nắm lấy bàn tay cô nhưng cô rụt lại, quay nhanh vào chỗ hầu bóng. Một cảm xúc bồi hồi dâng lên trong lòng mình, hiểu rằng hình ảnh của cô đã in vào tâm khảm của mình rồi! Hôm sau mình quyết chí theo mẹ con cô về tận Mỹ Trọng. Nhà cô ở gần một cái chợ, vào loại khá giả, có năm người con, cô thứ tư, chưa hề được đi học nhưng nhờ người anh dạy chữ quốc ngữ nên cũng biết đọc biết viết. Mình trao đổi những bức thư ngắn ngủi với cô, được gặp cô mấy lần ở chợ, biết tên cô là Ngọc Lan. Mỗi lần được gặp, về nhà lại cắm đầu làm thơ, xao nhãng cả việc học hành, bị ông anh Trúc Đường mắng mấy lần nhưng vẫn không chừa. Chừng ba tháng sau thì người tiên biến mất: Bố mẹ cô bán nhà chuyển đi nơi khác, cô không kịp báo, thế là "bóng chim tăm cá", mình bị hụt hẫng, chao đảo mất một thời gian.
Rồi sóng gió cuộc đời xô dạt, rung cảm của con tim thuở 14, 15 tưởng như gió thoảng hương bay. Nào ngờ cái màu áo cánh sen, thắt lưng hoa lý ấy cứ đeo đẳng bên lòng, đến nỗi từ ấy đến giờ, hễ cứ thoảng mùi hương khói, trong tâm thức mình lại hiện lên hình ảnh cô thiếu nữ yêu kiều trẩy Hội Phủ Giầy, lòng không khỏi bâng khuâng tiếc nhớ những ngày tươi đẹp!".
Trần Văn Tư
Nguồn: Kiến Thức Ngày Nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét