Con người là gì?
Là một đề tài rất khó hiểu, thật bao la và vô định, vì không
ai có thể giải thích cho thấu đáo khi nói về “một Con Người”. Thế nhưng, tôi vẫn
muốn gửi đến các Bạn sự chia sẻ của riêng tôi khi nghĩ về “Con Người” là gì?
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bên trong mới biết lòng
người ra sao?
(Nguyễn Du)
Bạn thân mến,
Từ khởi nguyên khi con người được tạo dựng, chúng ta không ai
biết rõ Thượng Đế đã tạo dựng thân xác chúng ta bằng chất liệu gì và thổi vào
tâm hồn tâm tánh mỗi người như thế nào? Cho đến hôm nay khi nhìn quanh về Con
Người ôi chao ơi thật khủng khiếp bởi sự muôn hình muôn vẻ của con người: nào
là người da trắng, da màu, nào là người tốt kẻ xấu, nào là người giàu kẻ nghèo,
người khôn kẻ khờ khạo, người chân thật kẻ gian manh, ect.... tất cả đều hiện hữu
ở dương thế này.
Thượng đế tạo ra Con Người và mong con người luôn có sự tốt
lành, nhưng sao hình ảnh Con Người Ngài đã tạo dựng khi xưa và hôm nay lại biến
đổi khác nhau như thế? Thế giới đang có Năm Châu Bốn Bể, hàng tỷ người trên thế
giới đều có hình hài, cá tính khác nhau, mặc dù mỗi người mang một hình hài tâm
tánh khác nhau nhưng tất cả điều có các điểm giống nhau sau đây: đều mang một
trái tim, đều cần có nhịp đập của trái tim, cần có hơi thở trong cuộc sống và đều
có cảm giác tình yêu dù ít hay nhiều.
Bên cạnh sự tạo dựng Con Người, Ngài cũng đã trao cho Con Người
bộ não sự tự do lựa chọn cùng nhiều thử thách trong cuộc sống và từ đó chúng ta
nhìn thấy thế giới hôm nay với Con Người muôn vẻ khác nhau.
Khi nói đến hai chữ “CON NGƯỜI” Bạn nên hiểu rằng: trong cốt
cách Con Người mang hai thú tính của: Con là Con Vật – Con Thú, Người là Con
Người. Chính bởi điểm đơn giản trên mà chúng ta đã nhìn thấy: sao có những người
sống và hành động đôi khi lại giống như loài cầm thú? Thực tế ở đời đôi khi lại
có cảnh Cứu Vật – Vật trả Ơn, Cứu Người – Người trả Oán: đau lòng thay chính
con người đôi khi đã thể hiện cách sống còn không bằng những loài thú.Tại sao?
Con người có đủ các giác quan để phân định mọi điều: như mắt
để nhìn, tai để nghe và miệng để nói, NHƯNG: mỗi người mắt nhìn khác hướng, tai
nghe không cùng tần số và miệng nói không chung ngôn ngữ, có lẽ do Bộ Não trên
đầu con người điều khiển khác nhau, nên cho ra cá tính con người khác nhau
chăng?
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: Con người có thể bị thay đổi
từ tốt trở thành xấu nếu họ cứ mãi ở nơi không tốt. Tốt hay Xấu là do người đời
nhận định về đối phương, vì ở trên đời này có ai nhận ra khuyết điểm của mình
đâu, có ai chịu mua gương về để soi rõ bản thân mình?
Lúc còn nhỏ, các giác quan trên con người chúng ta đã cho ra
sự nhận định rất đơn giản: có sao nói vậy, nghĩ hay nghe sao cũng nói như vậy,
không bình luận hay thêm bớt để phê phán. Khi lớn hơn một chút thì con người có
xu hướng “thích nghi” với môi trường sống, cá tính đôi khi cần thay đổi cho phù
hợp với hoàn cảnh thực tại. Tuổi trưởng thành Con Người luôn tỏ ra năng nổ, nhiều
sức khỏe và hăng say trên mọi vấn đề. Nhưng rồi đến một lúc nào đó khi đã mòn
gót chân du lãng tử, tuổi đã xế chiều thì các giác quan không còn miệt mài làm
việc như xưa: chẳng muốn nhìn, chẳng cần nghe và miễn bàn luận.
Cuộc sống của tôi nơi xứ lạ quê người này rất đơn thuần: đi
làm và lo cho mái ấm gia đình mới bắt đầu gầy dựng, sau đó tôi nghỉ làm để có
thể dồn hết thời gian lo cho con cái và gia đình, song song việc lo cho gia
đình, tôi cũng tìm thấy niềm vui qua các sinh hoạt nơi Thánh Đường và được hát
những bài Thánh Ca trong nhà thờ vào mỗi cuối tuần. Cuộc sống thật êm đềm và giản
dị, ai nhìn vào cũng thấy “ tuyệt hảo “ đây là một gia đình gương mẫu, trông hạnh
phúc làm sao?
Thật sự, bất kỳ trong một gia đình nào cũng đều có những bất
đồng ý kiến từ mọi phía: Cha Mẹ, Vợ Chồng. Con Cái, Anh Chị Em. Quan trọng và
then chốt để có thể đi đến sự hòa giải và tiếp tục thông cảm với nhau: mọi người
CẦN lên tiếng nói trong trật tự và chân thành góp ý, chứ đừng nên biến chúng
thành những cuộc nóng giận cãi nhau. Vậy làm sao có thể giữ được trạng thái
quân bình không nóng giận vội vàng, không nguội lạnh hững hờ quá sớm: ngay từ
lúc bắt đầu câu chuyện cả đôi bên đều phải nhìn ra đối phương là ai, tâm ý họ
ra sao? tại sao họ lại băn khoăn lo lắng những bất đồng ý kiến xảy ra trong gia
đình, có phải vì luôn mong muốn có một gia đình hạnh phúc?
Những bất đồng ý kiến nếu được nói trong thiện chí giúp đỡ
nhau thật lòng, người nghe cần có chung nhịp tim thông cảm và tin tưởng nhau, đừng
vội nghĩ người thân yêu của bạn đang bêu rếu hay chà đạp bạn, để sau đó cả đôi
bên sẽ cho ra từng câu nói như ăn thua đủ với nhau, ai cũng có lý lẽ riêng và
luôn cho mình là đúng. Cho dù hôm nay bạn nghĩ: bạn đúng và thắng cuộc, kẻ
thương đau bên cạnh bạn là ai: chính là người thân nhất của bạn, người trong
gia đình bạn, họ chẳng phải là người xa lạ đối với bạn đâu nhé?
Con Người và Tâm Hồn được ví von như những mảnh vườn sau nhà
chúng ta. Mảnh vườn có đẹp, có xinh xắn đều nhờ vào bàn tay chăm sóc tận tình của
chủ nhà, vì tự chúng không thể làm đẹp cho chúng. Con Người cũng thế, ở một
khía cạnh nào đó nó cũng giống như mảnh vườn, luôn cần đến sự chăm sóc và quan
tâm của những người thân trong gia đình, người bạn uy tín. Do đó, xin đừng vội
phủ nhận những nỗi quan tâm, những lời góp ý phê bình chân thật của người thân
quá sớm, vì tất cả Bạn và họ là một, là gia đình.
Một ngày nào đó, sẽ có lúc ngồi suy nghĩ và thẳng thắn nhìn
nhận ra những khuyết điểm của chính mình trước khi lên tiếng phê phán kẻ khác.
Điều gì ta không muốn người khác làm như thế này hay thế nọ, còn ta...?
Ta không quan tâm hay chấp nhận lời nói sau lưng, nhưng cũng
không hài lòng những góp ý ngay thẳng, vậy bằng cách nào để bạn có thể cảm
thông với những người chung quanh? Con Người thật mâu thuẫn, đúng không?
Hạnh Phúc – Bình An là những điều Con Người mong mỏi nhất
trong cuộc sống nhưng có bao nhiêu người trân quý và trân trọng những người
thân yêu đang kề cạnh mình, vì chính họ đang cùng bạn xây dựng hạnh phúc, đấy
nhé!
Trở về chăm sóc mảnh vườn của bạn vì đó mới chính là của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét