Không dừng lại và cũng không vội vã
Thường thì những gì hay đẹp chúng ta lại muốn được gìn giữ
mãi. Tôi nghĩ đến những bức tranh của các danh họa trong các viện bảo tàng, những
tác phẩm nghệ thuật, người ta tìm mọi cách để giữ cho nó được tồn tại mãi như
lúc ban đầu, không bị biến đổi theo thời gian.
Mây vẫn bay, dòng sông im trôi, núi
chuyển di, bốn mùa bình thản tiếp theo nhau… có một hiện tượng nào trong cuộc sống
này có thể dừng lại được chăng bạn hả? Thật ra thì áng mây kia, dòng sông kia,
bình minh, hoàng hôn… chúng không dừng lại, và cũng không thể đến đi chậm hơn,
hoặc trôi qua nhanh hơn là chúng đang hiện hữu.
Trong thiền tập cũng vậy, chúng ta cũng chỉ
có thể có mặt với những gì đang xảy ra, với một tâm rộng mở. Nếu như ta thiếu ý
thức thì cuộc sống này sẽ cuốn trôi ta đi, và nếu như ta cố gắng nỗ lực để
có mặt, thì ta sẽ bị chìm đắm. Thế thì chúng ta cần phải làm gì đây bạn hả?
Thật ra, tôi nghĩ không phải ta cần làm những
gì, nhưng là với một thái độ nào mà thôi! Đứng trước một sự kiện đang xảy ra,
như ý hoặc bất như ý, nếu như ta có thể tiếp xúc nó với một thái độ rộng mở,
thì mây bay hãy cứ bay, mưa đang rơi thì cứ rơi, bất an thì cứ là sự bất an...
tất cả chỉ là những sự vận hành theo luật tự nhiên. Và thái độ ấy sẽ giúp cho
ta thấy rằng, bên sau những biến chuyển ấy, bầu trời bao la kia vẫn luôn là
trong sáng.
Ông Kevin Griffin, một tác giả của các sách về thiền tập, có
những chia sẻ tương tự về kinh nghiệm thiền tập của ông như sau,
“Có nhiều lúc tôi cảm thấy mình là một thiền sinh rất tệ. Có
những ngày tôi thiền tập nhưng chẳng có chút gì là chánh niệm hết. Tôi tự hỏi,
không biết mình có cố gắng đủ chưa? Tôi có lười biếng quá không? May mắn thay,
vì được dạy rằng ta cần phải biết rộng lượng và tha thứ cho những yếu kém của
mình trên con đường tu học, nên tôi cũng không cảm thấy buồn nản cho lắm. Nhưng
cũng có thể vì vậy mà tôi thiếu đi một sự nỗ lực chăng?
Sự thật là nhiều năm trước đây, tôi
nhận thấy thật ra mình cũng không thể nào kiểm soát được những gì xảy ra trong
lúc ngồi thiền - tôi chỉ có thể có mặt nơi tọa cụ của mình mà thôi. Trong thời
gian đầu, tôi vất vã cố gắng để thực hành theo lời hướng dẫn - theo dõi hơi thở,
khi nào tâm lo ra, buông bỏ tư tưởng ấy và trở lại với hơi thở của mình - nhưng
chẳng có gì là đặc biệt xảy ra hết. Thật ra, tôi cảm thấy rất bất an trong những
lúc ngồi thiền. Sau đó, tuy tôi có cảm thấy khá hơn đôi chút, nhưng nói chung
thì kinh nghiệm ấy vẫn là sự khó chịu.
Nhưng cuối cùng rồi thì tôi cũng vượt
qua, và bắt đầu cảm nhận được một sự tĩnh lặng và sáng tỏ. Và trong suốt nhiều
năm, tôi cố gắng giữ một sự quân bình trong sự thực tập của mình, "dụng
công nhưng không dụng lực." Khi nào tôi thực hiện được điều này thì mọi việc
dường như đều rất trôi chảy, tôi cảm thấy mình có một sự tỉnh thức tự nhiên và
buông bỏ nhẹ nhàng. Và ngược lại, những khi thất bại, tôi cảm thấy mình lạc
lõng, bối rối và bị tràn ngập bởi những tư tưởng và cảm giác rằng mình hoàn
toàn mất sự tự chủ. Và rồi tôi lại tự hỏi không biết phương cách thực tập này của
tôi có đúng không.
Gần đây, tôi có đọc được bài kinh mở đầu trong Tương Ưng Bộ
(Samyutta-Nikáya). Trong bài kinh ấy có người hỏi đức Phật bằng cách nào để
ngài vượt qua được dòng nước lũ, ý nói về sự giác ngộ của ngài. Câu trả lời của
Phật thật vô cùng đơn giản:
- "Này hiền giả,
không đứng lại, không vội vã bước tới, ta vượt khỏi dòng nước lũ."
- "Thưa ngài,
làm sao không đứng lại, không vội vã bước tới, ngài vượt khỏi dòng nước
lũ?" Người ấy hỏi.
- "Này hiền giả,
khi ta đứng lại, thời ta bị chìm xuống. Khi ta vội vã, thời ta bị cuốn trôi; do
vậy, này hiền giả, không đứng lại, không vội vã bước tới, ta vượt khỏi dòng nước
lũ."
Tôi nghĩ câu trả lời của đức Phật diễn
tả được điều mà tôi đang cố gắng để đạt đến trong sự thực tập của chính mình.
Tôi cứ tiếp tục có mặt trong sự thực tập của mình, cho dù chuyện gì xảy ra,
nhưng không hề nỗ lực quá.
Trong các chương trình trị liệu, tôi
thấy họ có một câu châm ngôn là "chỉ từng ngày một." Tôi nghĩ câu ấy
có nghĩa là, ta đừng cố gắng phải giải quyết hết mọi vấn đề trong cùng một lúc
- hay là đạt giác ngộ - ta chỉ cần chăm sóc cho những gì cần thiết trong ngày
hôm nay thôi. Hôm nay ta chỉ cần thiền tập theo thời gian của mình. Đừng tự
trách móc hay phê phán về nó là thành công hay thất bại. Đó không phải là chuyện
của mình. Chuyện của mình là có mặt và thực tập. Nếu như bạn bỏ sự thực tập vì
nó không đạt đúng với "tiêu chuẩn" như ý của mình, như đức Phật dạy,
bạn sẽ bị chìm xuống.
Đức Dalai Lama cũng khuyên chúng ta
không nên lúc nào cũng cứ xem xét và phê phán sự thực tập của mình. Ngài dạy,
chúng ta chỉ nên nhìn lại sau một thời gian dài, như là năm hay mười năm, chừng
ấy ta mới thật sự thấy được sự tiến triển của mình. Tôi nghĩ có lẽ ý ngài cũng
chỉ khuyên chúng ta đừng bao giờ dừng lại.
Nhưng dù vậy, trên con đường thực tập, có những lúc tôi nhìn
chung quanh và cảm thấy trống vắng, không có gì thay đổi hay khác biệt. Tôi có
tự dối gạt mình hay không? Tôi có thật sự nỗ lực đủ chưa? Có thời gian, tôi thực
tập với một vị thầy dạy cho tôi những phương pháp thực hành rất nghiêm khắc,
nhưng rồi tôi vẫn trở về với đường lối nhu hoà của mình. Đó có phải là phản ảnh
của một tính khí yếu đuối chăng? Có lẽ tôi cần phải nên cố gắng nhiều hơn để
tăng trưởng định lực và chánh niệm của mình? Vấn đề là mỗi khi tôi cố gắng gò
bó mình, cuối cùng tôi lại cảm thấy còn tệ hại hơn trước. Chắc có lẽ vì tôi chỉ
có thể là vậy thôi.
Tôi cũng thường đi hướng dẫn các khóa
tu, vì vậy cho nên tôi thuộc vào hạng "Bác sĩ, hãy lo chữa bệnh cho mình
trước đi!" Thật ra thì tôi cũng hiểu về những ý nghĩ ngờ vực này của tôi lắm
chứ. Nhưng vấn đề tôi muốn nêu ra là thế nào là một sự cố gắng, nỗ lực
đúng mức? Thật ra đó không phải là một vấn đề của riêng tôi. Trong những khóa
tu, tôi thường khuyên người khác nên từ tốn với chính mình, có niềm tin vào sự
thực tập, nhìn mọi việc xảy ra trong một không gian rộng lớn, và nhớ rằng cái
gì cũng rồi sẽ qua. Hãy có niềm tin vào pháp, cho dù là ta không có niềm tin
nơi mình. Và đó là lời khuyên mà tôi có thể sử dụng được!
Chỉ là trải nghiệm tự nhiên
Là một giáo thọ, tôi không tránh khỏi ghi nhận những hình ảnh
của các vị giáo thọ khác, và thấy rằng gương mặt họ lúc nào cũng tươi sáng và nở
nụ cười. Hình như họ có một thông điệp là, "Nếu bạn thiền tập như tôi, bạn
sẽ có hạnh phúc!" Và những lời hướng dẫn thiền tập cũng vậy, có vẽ
như rất hoàn hảo, không có chút gì là bất toàn hết. Nhưng sự thật có là như thế
không? Đôi khi tôi tự hỏi, ta có cần nên ghi thêm những câu này vào trong các
khoá tu: "Những trải nghiệm của bạn trong khóa tu này sẽ tùy thuộc vào những
nghiệp quả trước đó, karma, của bạn. Vì vậy chúng tôi không thể bảo đảm
về sự giác ngộ hay hạnh phúc nào bạn sẽ có."
Cuộc đời của tôi có biết bao những
thăng trầm - buồn vui, căng thẳng, hân hoan, mệt mỏi. Và tất cả những trạng
thái ấy đều biểu hiện ra trong buổi ngồi thiền hằng ngày của tôi. Đôi khi, tôi
muốn mỗi khi ngồi xuống là tôi sẽ được hoàn toàn cách biệt hẳn với chúng, như
là một trạng thái kỳ diệu nào đó mà tôi bước vào là có thể lánh xa được hết tất
cả. Nhưng thật ra thiền tập không phải là một sự trốn tránh thực tại, mà ngược
lại, nó là một nhận thức về thực tại sâu sắc hơn. Và nếu ta nhìn chúng với một
cái thấy rộng mở và tự nhiên, ta sẽ ý thức rằng bên dưới những bất an ấy là một
thực tại tĩnh lặng, tuệ giác và hạnh phúc. Đó mới chính là chân thực tại.
Và nếu như tôi không dừng lại và cũng
không vội vã, sự tĩnh lặng và tuệ giác này sẽ tự nhiên hiển lộ - theo thời điểm
của nó, chứ không phải của tôi.”
Nguyễn Duy Nhiên
Theo http://nguyenduynhien.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét