Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Nguyễn Bính - Những năm tháng ở Cà Mau

Nguyễn Bính - Những năm tháng ở Cà Mau
Từ những ngày còn học trung học tôi đã thích những bài thơ của Nguyễn Bính, nhưng lúc đó chỉ thích thôi, chứ đâu có dịp để tìm hiểu về nhà thơ. (Lo học để thi đậu là bù đầu rồi, thời gian đâu mà sưu tầm). Sau này tôi có dịp đọc nhiều về nhà thơ và từng viết một số bài bình luận tài tử về thơ của ông. Thật ra, tôi viết bình luận từ lúc ở tuổi học trò. THời đó làm bích báo vui lắm, và tôi được giao nhiệm vụ trang trí, viết những “bài nền” kí đủ thứ tên. Kể cũng vui. Nhưng bây giờ hình như học trò không làm bích báo nữa, nên chẳng biết họ làm cái gì? Chắc là chít chát trên mạng?!. Nếu thế thì uổng quá.
Quay lại Nguyễn Bính: tôi mới đọc trên Văn nghệ Sông Cửu Long có một bài viết thú vị của Phạm Anh Hoan (báo Cà Mau) về thi sĩ Nguyễn Bính trong thời gian ông ở Cà Mau. Hóa ra con ông vẫn ở TPHCM!. Xin giới thiệu cùng các bạn. Đọc đến đoạn cuối bài viết tôi mới biết mục tiêu của bài này là gì. 
Nguyễn Văn Tuấn 
Độc giả Cà Mau từng đọc thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, ít nhất cũng biết hoặc đã nghe các bài thơ hay (được phổ nhạc) như Tiểu đoàn 307, Chân quê, Cô gái láng giềng... Chương trình giảng dạy văn học trước năm 1975 ở miền Nam và văn học Việt Nam sau 1975 cũng giới thiệu thơ Nguyễn Bính. Ông đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về thơ. Nguyễn Bính đã từng công tác ở Cà Mau một thời gian khá lâu trong những năm chống Pháp cho đến ngày tập kết ra Bắc vào tháng 10 năm 1954, nhưng không mấy độc giả ở Cà Mau biết được điều này.
Để viết bài này, tôi đã tìm gặp chị Nguyễn Thị Hương Mai, người con gái thứ hai của thi sĩ Nguyễn Bính. Chị là Trưởng ban Văn hóa Xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre. Nhưng khi đăng ký làm việc, tôi bị bất ngờ khi người trực cổng cho biết người giữ chức vụ đó là chị Trần Thị Hường. Nhưng rồi tôi cũng gặp được chị Mai. Chị rất trẻ trung và vui vẻ. Chắp nối các tư liệu và qua lời kể của chị, quãng thời gian thi sĩ ở Cà Mau cũng hiện rõ dần.
Từ năm 1949, nhà thơ Nguyễn Bính đã thường đi về vùng Cà Mau công tác. Lúc này ông ở cơ quan Hội Văn nghệ kháng chiến Nam bộ (tại Khu 9). Ông là cán bộ sáng tác, phục vụ công tác tuyên truyền. Do công việc ông cũng thường hay lui tới nhà cô Mai Thị Mới ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm (U Minh). Cô Mới năm đó mới 18, 19 tuổi, quê ở Bến Tre theo người cha là một cán bộ cách mạng được điều động về hoạt động ở vùng Cà Mau. Sau này thi sĩ ngỏ lời cầu hôn với người con gái đẹp xứ Dừa, nhưng cha mẹ cô Mai Thị Mới chỉ đồng ý với điều kiện phải có giấy ly hôn. Vì trước đó, nhà thơ đã có vợ là cô Hồng Châu, họ đã chung sống và có nhà cửa, vườn rẫy ở Huyện Sử (Thới Bình) nhưng đã chính thức ly hôn.
Tờ thuận ly hôn do Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Cà Mau vi chứng, đóng dấu ngày 03 tháng 08 năm 1952 ghi rõ việc giải quyết ly hôn cho hai người: chia đôi tài sản (trong đó có hai công mía chưa thu hoạch, một tiệm sách ở xã Trí Phải) và trách nhiệm của người cha trong việc trợ cấp nuôi dưỡng cháu bé đến năm 18 tuổi. Bé ra đời sau đó được hai người đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. (Chị Hồng Cầu hiện công tác ở thành phố Hồ Chí Minh). Hai người chia tay hoàn toàn do tự nguyện. Họ đến với nhau là do cấp trên "đạo diễn" tổ chức để nhằm giữ chân một thi sĩ tài hoa nhưng rất lãng tử, mà địch lúc đó đang dùng nhiều chiêu thức lôi kéo văn nghệ sĩ của chúng ta. Cô Hồng Châu quê ở Trà Vinh là một trí thức cách mạng, khi ấy công tác ở báo Phụ nữ Nam bộ.
Được cha mẹ cô Mới chấp thuận, lễ cưới được tổ chức tại ấp Hương Mai. Nghi thức đơn giản, theo nếp sống mới nhưng rất đông vui. Trong tập Gửi người vợ miền Nam (1955), có lẽ thi sĩ miêu tả lễ cưới ở Hương Mai:
Chẳng mai mối, không cần lễ lạt
Đám cưới mình tiếng hát vang sông
Trầu xanh têm với vôi nồng
Đêm trăng xuân ấy vợ chồng sánh đôi
Đầu năm 1954, bà Mới sinh con gái, đặt tên là Hương Mai. Sau đó cả gia đình chuyển về Huyện Sử - Thới Bình và sống ở đây. Những câu thơ của thi sĩ dưới đây thể hiện rõ điều này :
Trải chín tháng mười ngày mong mỏi
Sớm đầu xuân ấy buổi khai hoa
Hương Mai tên xóm quê nhà
Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai.
Họ đã bàn với nhau trước, nếu sinh con trai sẽ đặt tên Khánh Lâm, con gái là Hương Mai. Điều này thể hiện sự gắn bó rất sâu đậm của thi sĩ Nguyễn Bính và cô Mới với đất Cà Mau. Nói chuyện với chúng tôi chị Mai gọi “bố” chứ không gọi là “cha” Nguyễn Bính. Theo chị Hương Mai thì khi bố đi tập kết, chị mới được bảy tám tháng tuổi, mẹ bế chị đi bộ tiễn đưa gần một cây số thì bố Bính bảo mẹ về vì sợ con nhỏ bị nắng gió sẽ cảm. Bố Bính đã chia tay mẹ con chị trong hoàn cảnh đó và mãi mãi không trở về, ông đã mất ở quê nhà ở tỉnh Nam Định vào Tết Nguyên Đán năm 1966, ở một nơi sơ tán tránh máy bay Mỹ oanh tạc. Chị Hương Mai vẫn nhớ vần thơ của bố Nguyễn Bính viết về mẹ con chị:
Em thì tuần cữ còn non
Một ngày bốn lượt ôm con xuống hầm ...
... Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.
Còn khổ thơ sau có lẽ thi sĩ dành cho cả hai người vợ miền Nam, vì hai câu đầu giống với buổi gặp cô Hồng Châu. Hai câu sau giống với hoàn cảnh của mẹ chị:
Buổi công tác thuyền anh ghé bến
Anh ngập ngừng, em thẹn quay đi
Mẹ rằng mẹ chẳng đòi chi
Đã người kháng chiến mẹ thì cho không
Bố Nguyễn Bính thường dỗ Hương Mai bằng những câu ca dao, ru nảy Kiều. Ngoài công việc viết báo, sáng tác thơ ca - hò - vè phục vụ kháng chiến, ông phụ giúp việc vườn tược, bếp núc, tạo dựng cuộc sống gia đình. Ông rất thương yêu, chu đáo với vợ con và bạn bè.
Năm 1957, bà Mới và bé Hương Mai về lại quê hương ở xã Phong Nẫm, huyện Mỏ Cày - Bến Tre. Thời kỳ này Mỹ Diệm khủng bố ác liệt, bà phải giấu biệt tông tích vợ cán bộ kháng chiến và phải thay tên đổi họ cho Hương Mai. Ở xã có một bé gái con của người bà con trạc tuổi Hương Mai bị bệnh chết. Người dượng là một cán bộ cách mạng đã nhận làm cha Hương Mai, hợp thức hóa giấy khai sinh mang tên Trần Thị Hường để đi học. Ở lớp cao hơn, khi cô giáo giảng bình thơ của bố Bính, chị xúc động khóc thầm mà không dám nói cùng ai. Cho đến tận sau này chị gặp rất nhiều rắc rối về lý lịch, bị nhiều người hoài nghi. Tuy nhiên những người ngưỡng mộ nhà thơ như Giám đốc Sở GDĐT Long An, hay đồng nghiệp của nhà thơ như nhà văn Nguyễn Tuân, Chu Văn, Tô Hoài... sẵn sàng xác nhận vì Hương Mai giống bố Nguyễn Bính quá. Sự luôn có ý thức về người cha và nghị lực vươn lên mà chị đã trở thành người có chuyên môn sư phạm và quản lý giỏi; tốt nghiệp đại học quản lý ngành, được bổ nhiệm giữ các chức vụ Hiệu trưởng, Phó giám đốc Sở Giáo dục đào tạo và hiện nay là Trưởng ban Văn hoá - Xã hội - HĐND tỉnh Bến Tre. Chị Mai đã về quê thăm gia đình bên nội ở tỉnh Nam Định và thắp hương tưởng nhớ người cha tài hoa nhưng cũng bạc phận.
Bà Mai Thị Mới hiện 73 tuổi sống ở xã Phong Nẫm, huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, bà tham gia nhiều công tác ở Cà Mau và Bến Tre. Đã có lần bị thương phải nằm viện. Người em trai của bà là liệt sĩ Mai Văn Sót đã chiến đấu và hy sinh ở Cà Mau năm 1967. Người dượng, đứng ra nhận là cha của Hương Mai, hoạt động hợp pháp dưới chính quyền cũ cũng là liệt sĩ. Ông bị bắt và hy sinh anh dũng.
Gần đây có một tác giả viết về nhà thơ quá cẩu thả, gán cho thi sĩ Nguyễn Bính như là kẻ bạc tình, phụ nghĩa, gán cho mẹ chị Hương Mai là người nghèo hèn làm công kiếm sống ở một lò đường ở Cà Mau ... là không đúng sự thật, làm xúc phạm danh dự họ. Trao đổi với chúng tôi chị Hương Mai rất bất bình về bài báo ấy, vì cha chị là người gặp nhiều gian truân, éo le trong cuộc đời nhưng ông không phải là người như thế. Chị không hiểu tác giả viết về người đã khuất, một người cha đáng kính, người được bạn đọc ngưỡng mộ như vậy để làm gì. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp chị giải tỏa bớt đi sự buồn bực về bài báo kia.
P.A.H
Theo http://tuanvannguyen.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...