Những cánh hoa đa sắc
Gọi là những cánh hoa đa sắc bởi tất cả các
tác phẩm này đều đã đạt giải từ nhiều cuộc thi quốc gia, khu vực, địa phương
khoảng 15 năm qua. Và tất cả những thiên bút kí, ghi chép, phóng sự... ấy, dù
chỉ gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng đa dạng về đề tài thể hiện
cũng như khá phong phú về chủ đề cần chuyển tải - hoa đất của những
hình mẫu tam nông trên nhiều lĩnh vực.
Đó là cách ví von về 16 tác phẩm kí chọn in trong tập sách
đầu tay của Nguyễn Trọng Quế, đặt tên Hoa đất. Gọi là những cánh
hoa đa sắc bởi tất cả các tác phẩm này đều đã đạt giải từ nhiều cuộc thi
quốc gia, khu vực, địa phương khoảng 15 năm qua. Và tất cả những thiên bút
kí, ghi chép, phóng sự... ấy, dù chỉ gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân
nhưng đa dạng về đề tài thể hiện cũng như khá phong phú về chủ đề cần chuyển
tải - hoa đất của những hình mẫu tam nông trên nhiều lĩnh
vực.
Thống kê và điểm qua một chút về số giải thưởng mà Nguyễn
Trọng Quế đã được trao từ những tác phẩm chọn in ở đây, cũng như về phương diện
đề tài, chủ đề mà tác giả đã tiếp cận, ghi nhận, giới thiệu để bước đầu nhận
thấy, hình ảnh ẩn dụ những cánh hoa đa sắc mà tác giả bài viết này
vẽ ra là có thể đồng cảm và chia sẻ được. Trong 16 tác phẩm, đã có 2 giải Nhất
và A; 5 giải Nhì; 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Nguyễn Trọng Quế rất có
duyên với các cuộc thi kí ở tầm quốc gia do các cơ quan, tòa soạn báo...
tổ chức, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Thanh
niên... Trong vòng 6 năm (2006 - 2012), tác giả đã đạt 7 giải - bình quân mỗi
năm ẵm hơn một giải - một tỉ lệ cao, rất đáng ghi nhận. Nguyễn Trọng
Quế cũng là một trong không nhiều cây bút giật nhiều giải trong cuộc
thi kí Đồng bằng sông Cửu Long (2 giải Ba trong các cuộc thi từ 2004 - 2011).
Tại Đồng Tháp, có năm, Nguyễn Trọng Quế đạt một lúc 3 giải: nhất, nhì, khuyến
khích (2003). Có thể nói, những giải thưởng này chính là tín hiệu nổi bật,
như là hình ảnh những cánh hoa đa sắc đang lấp lánh trên trang sách
của một cây bút sung sức chuyên viết ký.
Như đã nói ở trên, dù chủ yếu bám chặt vào địa chỉ tam
nông tại Đồng Tháp, nhưng đề tài, chủ đề của tập sách không đơn điệu,
nhàm lặp mà ngược lại, khá đa chiều, đa ảnh. Viết về những điển hình thành
công trong trồng trọt, chăn nuôi với các loài cây, con chủ lực, người đọc gặp
ở đây không chỉ có lúa (Đồng đất đổi màu; Tỉ phú tuổi hai lăm...) mà còn có
xoài (Thương hiệu cho nhà vườn...); không chỉ có cá lóc (Khai sáng một làng
nghề...) mà còn có tôm càng xanh (Người tạo thương hiệu kép cho địa danh Tràm
Chim...) hay cá sấu (Mặt trận không tiếng súng...). Viết về những gương sáng
vượt qua số phận ngặt nghèo và cuộc sống khó khăn để học giỏi, thành đạt, người
đọc gặp ở đây không chỉ là điển hình Một gia đình khoa bảng ở vùng sâu
Tháp Mười mà còn là hình ảnh của một học sinh Mù mắt nhưng không mù
chữ hay hình ảnh một đứa trẻ không có hai tay vẫn quyết tâm học hành
bình thường trong Chuyện cổ tích ở Kinh Bà Dâu. Viết về những mẫu mực của
nghề dạy học, người đọc gặp ở đây không chỉ hình ảnh đẹp đẽ của cô giáo
tình thương Lê Ngọc Xương (Trọn đời vì tuổi thơ) mà còn là tấm gương
sáng ngời của người thầy giáo - chiến sĩ quân hàm xanh Võ Văn Bé
Năm (Cá - nước)...
Quả thật, tập sách là một xã hội thu nhỏ của vùng
nông nghiệp, nông thôn Đồng Tháp với biết bao khía cạnh, lĩnh vực, được vẽ
lên khá rõ rành, sinh động và tiêu biểu. Đây chắc chắn là một trong những thế
mạnh đặc trưng của kí trong văn chương mà không một thể loại nào có thể sánh
bằng và Nguyễn Trọng Quế đã tận dụng tốt phẩm chất đó.
Điều toát lên rõ nét nhất của cuốn sách, xét ở phương diện
chủ đề phản ánh và ý tưởng nhân văn, đó là hình ảnh con người vượt lên số
phận để sống và cống hiến. Độc giả gặp ở đây nhiều mảnh đời khác nhau,
trong đó không ít những trường hợp éo le, bi kịch, nhưng trên tất cả vẫn là
nghị lực vươn lên, bất chấp nghịch cảnh, san bằng khó khăn, cải hóa cuộc đời
để tạo lập một cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Không thể liệt kê hết những
hình ảnh tiêu biểu đó trong bài viết này, chỉ nêu vài ví dụ minh họa. Ta xúc
động sâu sắc trước câu chuyện cổ tích có thật về em Nguyễn Minh
Trí, khi sinh ra đã không có hai tay, từ bả vai xuống chân suôn đuồn đuột nhưng
không chỉ bơi tài, chèo xuồng hay mà còn học giỏi, sử dụng thành thạo máy vi
tính... bằng hai chân như bao đứa trẻ bình thường khác trong Chuyện cổ
tích ở Kinh Bà Dâu và vô cùng khâm phục trước câu chuyện cổ tích có
thật khác về em Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sau khi sinh ra 4 tháng đã mù mắt
nhưng lớn lên vẫn quyết xa gia đình đến Hội Người mù Thành phố Hồ Chí Minh để làm
chủ con chữ rồi trở về hoạt động tích cực tại Đồng Tháp với vai trò cô
giáo dạy chữ nổi cũng như tham gia và đạt nhiều giải cao trong những cuộc thi
viết chữ nổi toàn quốc. Ta hoàn toàn bị thuyết phục bởi hình ảnh nhà nông thứ
thiệt Sáu Đính, dù liên tiếp ba năm thất bại trong thử nghiệm nuôi cá lóc vẫn
không tởn để rồi trở thành một hình mẫu vượt khó, ăn nên làm ra, khai
sáng một làng nghề ở Tam Nông và rất đỗi ngưỡng mộ hình ảnh thủ lĩnh trẻ
- Phó Bí thư Xã đoàn Nguyễn Hoàng Thắng đã quyết tâm đổi mới phương thức làm
ăn tại một vùng quê Tháp Mười đầy gian khó, để trở thành tỉ phú tuổi hai
lăm với gia tài 5 máy gặt đập liên hợp, 5 xe kéo lúa, 5 phà và 1
chiếc máy cày, tạo công ăn việc làm cho 26 lao động là thanh niên địa phương
với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng/người...
Một điều nổi bật nữa trong Hoa đất, xét ở góc độ nghệ
thuật, bởi tiêu chí hàng đầu mà thể kí bắt buộc, đó là tính xác thực của
sự vật, hiện tượng hay vấn đề đưa vào cũng như đặt ra trong tác phẩm. Chưa
nói đến việc, nhiều tác phẩm đạt giải trong Hoa đất tại những cuộc
thi mà nhà tổ chức đã về tận nơi để xác nhận sự thực trước khi trao giải; chỉ
căn cứ vào từ ngữ, số liệu, thời gian, con người, bối cảnh xã hội liên
quan... trong tất cả tác phẩm chọn in ở đây, người đọc chắc chắn không vướng
vất chút hoài nghi nào về sự thêm thắt, gia giảm, hư cấu vốn là hồn cốt của
văn chương nói chung, trừ thể kí.
Thật vậy, với vài dẫn chứng bất kì sau đây, cũng có thể thấy rõ được điều đang nói. Đó là anh bộ đội phục viên Trần Rê với trang trại nuôi cá sấu lớn nhất Đồng Tháp tại Xã Tân Hội Trung, Huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp: Năm 2000 bắt đầu nuôi, hai năm sau thu hoạch lần đầu lãi cả tỉ bạc, cộng với lợi tức từ cây lúa, cá rô đồng, ba ba, trái cây và kinh doanh phân bón, năm 2002 lợi nhuận thu về gần 2 tỉ đồng (Mặt trận không tiếng súng). Đó là thiếu úy, y tá quân y Võ Văn Bé Năm ở Đồn Biên phòng 905, Xã Thông Bình, Huyện Tân Hồng, Tỉnh Đồng Tháp trở thành nhà giáo mang quân hàm xanh, dạy phổ cập tiểu học: Năm học 1994 - 1995, (...) phải đảm nhận hai lớp với tổng số 78 học sinh. Tình hình thực tế ấy buộc anh phải dạy hai buổi sáng và chiều trong ngày. (...) Học sinh của anh chỉ rơi có 1 em, đạt tỉ lệ 87,18% (Cá - nước). Đó là ông Trần Văn Bảy - Bảy Ưu: đưa đò miễn phí 16 năm qua từ Ấp Năm sang Ấp Bốn và ngược lại ở Xã Phong Mỹ, Huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp chỉ với một ước nguyện duy nhất là đừng để mấy sắp nhỏ phải trễ học, bỏ học (Con đò tuổi thơ). Đó là cô Thái Kim Oanh, hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam Thị trấn Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp, dù bị bại liệt từ lúc ba tuổi vẫn học hết trung học phổ thông rồi đi học nghề để tự nuôi sống bản thân, (...) còn tích cực tham gia các phong trào của Hội (Như hoa hướng dương). Đó là chị Đào Kim Liễu, nguyên Trưởng trạm Y tế Xã Đốc Binh Kiều; nguyên Trưởng Khoa sản, Phòng Khám Trung tâm Y tế Huyện Tháp Mười, Tỉnh Đồng Tháp khi: phòng sanh chỉ neo được 4 giường mà sản phụ lại có tới 5 người, vậy là quyết định “phản ứng nhanh” bằng cách trải drap ngay dưới xuồng cho sản phụ sanh (Đỡ đẻ trên “gác chéo”)....
Một phương diện nghệ thuật nữa cần nói ở đây, đó là phạm
trù điển hình hóa. Phẩm chất điển hình hóa cao độ trên cơ sở
100% sự thật của thể kí bao giờ cũng yêu cầu cao đối với các cây bút trong việc
tiếp cận, khai thác, phản ánh hình mẫu sao cho tính tiêu biểu và độ tin cậy
luôn song hành và làm nên giá trị đích thực nơi tác phẩm. Nguyễn Trọng Quế đã
cố gắng tuân thủ một cách tối đa đặc trưng này trong tất cả các tác phẩm chọn
in ở Hoa đất, dù trữ lượng nặng nhẹ có khác nhau. Đó chính là một trong
những thành công và ưu điểm nổi bật của tay nghề tác giả trong tuyển tập đầu
tay này. Quả thật, cả 16 tác phẩm trong Hoa đất đều là những điển
hình tập thể, cá nhân trong lao động sản xuất, kinh doanh gắn với tam
nông, thông qua thấu kính và lăng kính văn chương mà lung linh phẩm chất điển
hình hóa, trở thành những hình mẫu đáng noi gương, tôn vinh và học tập. Điển
hình hóa tập thể có Hợp tác xã tiêu thụ xoài Mỹ Hiệp hay Nông trường Giồng
Găng.
Nhiều hơn là những điển hình hóa cá nhân như Trần Rê - nuôi cá sấu; Kiều Văn Hinh - nuôi tôm càng xanh; Hai Ánh - nuôi hai em thành người... và những nhân vật được nhắc ở trên. Có thể khẳng định, một tác phẩm kí, nhất là thể loại ghi chép, phóng sự... không chạm được phẩm chất điển hình hóa, coi như thất bại. Và phẩm chất điển hình hóa đậm hay nhạt chính là biểu kế giá trị tác phẩm cao hay thấp. Nguyễn Trọng Quế trong Hoa đất đã ít nhiều thấu suốt và đạt được điều này, dẫu nồng độ có khác nhau ở mỗi thiên ký.
Nếu có điều gì phải lăn tăn với tư cách là một phản
biện cần thiết về tập sách, có lẽ, đó là vấn đề phong cách ngôn ngữ văn bản.
Mười sáu tác phẩm chọn in ở đây chắc chắn là những tác phẩm tiêu biểu của
Nguyễn Trọng Quế trong cả trăm tác phẩm kí đã viết của anh. Chất văn chương
là khá rõ. Dù vậy, giá tác giả biết tiết chế hơn thao tác liệt kê, sao chép,
lược thuật... mang tính cập nhật trong một vài tác phẩm, qua đó, tính báo chí
hiện hình vừa phải trên trang sách, giúp tăng nồng độ văn chương thì khả năng
ánh xạ của mỗi thiên kí riêng lẻ và cả cuốn sách sẽ còn sâu rộng hơn.
Dù vậy, Hoa đất vẫn tự tin khoe những cánh
hoa đa sắc của mình trên mảnh đất - văn chương xứ sở.
Một tuyển tập viết về người thật việc thật thuộc lĩnh vực tam
nông xuất bản đúng dịp tuyên truyền sâu rộng cho công cuộc tái cơ cấu
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Đồng Tháp há chẳng
phải là một thao tác đậm giá trị nhân văn và giàu ý nghĩa thực tiễn hay sao?.
|
Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017
Những cánh hoa đa sắc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Khúc hát Marseilles
Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét