Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Một cách nhìn về thơ Đồng Tháp 1975 - 2012

Một cách nhìn về thơ Đồng Tháp 1975 - 2012
Có thể nói chưa bao giờ, thơ Đồng Tháp lại đa dạng, phong phú về đề tài, nội dung và phong cách thể hiện như khoảng thời gian này, trong đó tập trung khai thác chủ yếu ba phương diện: thế sự, cái tôi cá nhân và tình yêu.
Một chặng đường chưa phải là dài lắm nhưng không phải quá ngắn, đủ viết nên những trang trân trọng, ghi nhận sự lớn mạnh của đội ngũ những người cầm bút, vài đặc điểm cần chú ý và những thành tựu đáng trân trọng của một phong trào sáng tác thơ. Để đánh giá một cách toàn diện và cơ bản về thơ Đồng Tháp trong hơn ba mươi lăm năm (1975 - 2012), cần thiết  phải có độ lùi thời gian dài hơn mới có thể có được một cách nhìn khách quan, đầy đủ và trọn vẹn. Ở đây, chỉ xin nêu lên những nhận xét, gợi ý, mong xác lập một hình dung khái quát và những ý niệm ban đầu về một chặng đường thơ của một miền thơ còn rất trẻ trung và mới mẻ.
Trước hết nói về đội ngũ. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1975), văn học nghệ thuật Đồng Tháp bước vào một chặng đường phát triển mới. Đội ngũ sáng tác nói chung và những người làm thơ nói riêng, từ nhiều hướng, nhiều nguồn khác nhau hội tụ dưới mái nhà văn học, nghệ thuật. 
Họ là những người vừa trở về từ chiến khu, bưng biền, từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà dường như những trang thơ vẫn nồng mùi bom đạn như Lý Thuận Khanh, Công Đoàn, Phước Hồng… Họ là những người từ phía Bắc vào góp sức xây dựng quê mới và mang theo giọng thơ của miền châu thổ sông Hồng, của miền Trung khúc eo đất nước như Trần Quốc Toàn, Thai Sắc, Phi Long, Khánh Hòa, Lê Minh Hùng, Thanh Thủy, Nguyễn Thị Phước, Thanh Phúc, Phan Ngọc Quang, Nguyễn Hòa Hiệp, Hà Thị Thanh Nga… Họ là những người vừa hội nhập với dòng thơ cách mạng bằng một sắc diện mới, dẫu buổi ban đầu dường như vẫn còn vương vấn chút thiếu tự tin như Hạc Thành Hoa, Lại Trí Huệ, Thụy Linh Phương, Trần Tấn Thảo, Nguyễn Thái Khâm, Khắc Chu… Họ là những người vừa rời ghế nhà trường hoặc đang khoác áo thư sinh nhưng hăng hái và sung sức băng mình vào làng thơ như Thu Nguyệt, Hữu Nhân, Trần Thị Hoàng Anh, Đặng Ca Việt, Nguyễn Chơn Thuần, Đỗ Ký, Thanh Dũng, Hữu Phước, Bạch Phần, Ngọc Điệp, Ngọc Minh, Phạm Thị Ngọc Bích, Nguyễn Giang San, Lê Minh Chánh, Bùi Hữu Nghĩa, Minh Hoàng, Nguyễn Văn Nghiêm, Lưu Văn Hùng…
Nhìn một cách tổng quát và khách quan, đội ngũ sáng tác thơ Đồng Tháp trong hơn ba mươi lăm năm ấy là khá hùng hậu, đa dạng và trẻ trung. Có những người hoạt động chuyên nghiệp, giữ các trọng trách trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Lại có nhiều người sáng tác bán chuyên nghiệp, công tác ở các ngành nghề khác nhau mà nhiều nhất là ngành giáo dục. Có những cây bút già dặn về tuổi nghề, tác phẩm viết ra thường được đánh giá cao. Lại có nhiều cây bút sung sức, xông xáo, tác phẩm ít nhiều để lại ấn tượng. Họ tự nguyện tập hợp bên nhau, trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp và đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong một đam mê sáng tác.
Gương mặt dễ nhận thấy nhất ở đội ngũ sáng tác thơ của tỉnh Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua, đó là sự trẻ trung - trẻ trung về tuổi đời và tuổi nghề. Như nhiều địa phương khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các cây bút thơ Đồng Tháp đều đang ở độ tuổi trên dưới 40 - một độ tuổi sung sức, chịu khám phá, tìm tòi và cũng đầy sáng tạo. Có lẽ vì vậy mà nơi đây đã sản sinh ra những nhà thơ trẻ với những vần thơ giàu bản sắc, được công chúng cả nước yêu mến như Trần Quốc Toàn, Thu Nguyệt, Thai Sắc, Hữu Nhân… Đây chính là đặc điểm đáng ghi nhận về đội ngũ sáng tác thơ của một trong những vùng đất mới ở phương Namnhư Đồng Tháp.
Tuy nhiên, gần đây, khi nhìn vào tần số xuất hiện của tác giả trên văn đàn, lại nảy ra một băn khoăn có thật: đội ngũ sáng tác thơ chuyên nghiệp ở Đồng Tháp không phải là không hùng hậu, song chưa thật đồng tâm hiệp lực và đều tay trong sáng tác, một số cây bút không hoặc ít xuất hiện trên thi đàn khá lâu, khiến phong trào sáng tác thơ ở Đồng Tháp chưa phát huy một cách tốt nhất tiềm năng của mình. Vấn đề đáng quan tâm là trong số khoảng 10 tác giả trẻ gần đây, một số người đã vội lão hóa hoặc vội chùn bước trên con đường thi ca vốn lúc nào cũng rộng mở nhưng không ít chông gai, thử thách.
Với đội ngũ tác gia không chuyên, nghiệp dư, nhìn chung ở Đồng Tháp, phong trào sáng tác thơ trong quần chúng là tương đối sôi nổi, nhất là ở một số ngành như: giáo dục, quốc phòng, y tế, hội người cao tuổi… và một số địa phương như: Thành phố Cao Lãnh, Huyện Cao Lãnh, Huyện Lấp Vò, Thị xã Sa Đéc… Những cuộc thi thơ, các câu lạc bộ thơ tại những địa chỉ nói trên được tổ chức thường xuyên và qui tụ được một đội ngũ tác giả không chuyên khá đông đảo. Đây là tiền đề tốt để có thể bồi dưỡng nhiều tác giả trở thành những cây bút thơ chuyên nghiệp - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, kể cả một số cây bút có tuổi đời cao trong các câu lạc bộ thơ Đường luật, nhất là Câu lạc bộ Unesco thơ Đường Thành phố Cao Lãnh.
Trên mặt bằng đội ngũ ấy, thơ Đồng Tháp trong hơn ba mươi lăm năm qua đã gặt hái được những thành tựu quan trọng.
Trước hết về mặt số lượng, chưa kể hàng ngàn bài thơ đã được đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp và nhiều báo chí khác, chưa kể các bài thơ được đăng trong nhiều tuyển tập thơ khác nhau tại địa phương và trên cả nước, chỉ tính các tập thơ riêng của tác giả đã được xuất bản, con số cũng đã ngót nghét : 50. Hơn ba mươi lăm năm, mỗi năm khoảng gần 2 tập thơ được xuất bản - đó là một thông số đáng kể. Có thể ghi lên đây những gương mặt tiêu biểu : Gặp nhau, Hát với mùa xuân (Lý Thuận Khanh); Nghe hơi con thở (Công Đoàn); Bông điên điển, Cánh tím hoa lục bình (Phước Hồng); Tháp Mười nhỏ, Viết đơn lên cát trắng, Ngón tay út thành phố, Ngửa tay hứng trời (Trần Quốc Toàn); Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường, Theo mùa (Thu Nguyệt); Đối thoại với trái tim, Miệt vườn, Độc ẩm, Ta về với gió, Những chiều không thời gian, Ngày chợt đến, Lục bát những ngày rơi, Trầm tích (Thai Sắc); Khúc đồng vọng, Bài ca về những dòng sông (Hữu Nhân); Phía sau một vầng trăng, Khói tóc (Hạc Thành Hoa); Tác phẩm Đặng Ca Việt (Đặng Ca Việt); Lời cầu nguyện cho chiếc răng cuối cùng, Giữa nắng sân trường, Lá gan chuột nhắt, Bài thu hoạch về tim, Khóc mây, Buổi sáng có chàng trai xin chết (Đỗ Ký); Hái bên đường (Lê Minh Hùng); Trăng quê, Gọi mình (Hữu Phước); Ngẫu hứng trăng (Trần Thị Hoàng Anh); Tơ lòng (Lại Trí Huệ); Khung trời tuổi thơ (Thanh Phúc); Nhịp song loan, Khơi lòng (Nguyễn Chơn Thuần); Hoa bằng lăng, Tiếng lòng (Bạch Phần); Nhạc khúc sông (Nguyễn Bình Yên); Khoảng nhớ (Thanh Dũng); Chuồn chuồn đi học (Phan Ngọc Quang); Bâng khuâng mùa hạ (Ngọc Điệp); Đếm ngón tay, Vườn nhớ (Nguyễn Giang San)… Trong đó, có những tập thơ đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam như: Cõi lạ của Thu Nguyệt; Những chiều không thời gian của Thai Sắc…
Một điều cần ghi nhận nữa của thơ Đồng Tháp từ 1975 đến 2012, đó là thành công về phương diện nội dung hiện thực cuộc sống phản ánh qua những mảng đề tài và chủ đề được thể hiện và về phong cách nghệ thuật... Có thể nói chưa bao giờ, thơ Đồng Tháp lại đa dạng, phong phú về đề tài, nội dung và phong cách thể hiện như khoảng thời gian này, trong đó tập trung khai thác chủ yếu ba phương diện: thế sự, cái tôi cá nhân và tình yêu. Trong những năm qua, nếu thơ thế sự ở Đồng Tháp vẫn chủ yếu dừng lại ở cấp độ miêu tả sự kiện thì thơ viết về cái tôi cá nhân và thơ tình yêu đã có bước chuyển rõ rệt. Trong sự chuyển mình của thời cuộc, khi con người ý thức một cách rõ ràng hơn khát vọng sống của mỗi cá nhân thì nhiều bài thơ bộc lộ các sắc độ của cái tôi cá nhân một cách mãnh liệt hơn. Thơ tình yêu (đất nước, quê hương, gia đình, đôi lứa…) cũng không còn nhòa nhạt, chung chung mà đi vào những ngõ ngách sâu kín nhưng cụ thể hơn.
Trước hết và nổi bật nhất là những vần thơ viết về cuộc sống mới sau ngày giải phóng với bộn bề, ngổn ngang khó khăn, thiếu thốn, vất vả nhưng luôn vận động, phát triển với một niềm tin rạo rực, sâu sắc vào tương lai tươi sáng của quê hương, đất nước. Sự vận động, phát triển xuất phát từ khát vọng lớn lao mà rất đỗi bình dị: Chưa ráng làm con én liệng; Đo dọc, đo ngang bầu trời; Không bay khi mùa xuân hết; Nào hay, mênh mông Tháp Mười (Khát vọng Tháp Mười - Trần Quốc Toàn) và có khi không kém phần dữ dội: Tôi đội đá mong mọi người kí ước; Làng quê ta phải khác với bây giờ (Hoài bão - Thu Nguyệt).
Khát vọng ấy nhen lên trên những trang đời bát ngát mùa xuân và những trang sách mới nơi mái trường ngói đỏ. Viết về mùa xuân, về nhà trường và nghề dạy học là những chủ đề khá nổi bật của thơ Đồng Tháp những năm này. Điều này cũng dễ hiểu vì đề tài mùa xuân là đề tài bất tử của thi nhân muôn đời còn đội ngũ làm thơ ở đây có nhiều người đang đứng trên bục giảng nên thơ viết nhiều về ngành nghề mình là điều tất yếu. Về mùa xuân, một mặt thơ tập trung thể hiện sự biến chuyển của thời gian và cảnh vật thiên nhiên trong sự cảm nhận tươi mới của tình người: Đón giao thừa miệt vườn; Chợt nghe ngoài song thưa; Chuối văn mình nở nhụy; Đón giao thừa khai hoa (Giao thừa miệt vườn - Nguyễn Chơn Thuần), mặt khác thơ đi vào đánh thức chiều sâu chiêm nghiệm của con người trong bước đi vĩnh hằng của vũ trụ mỗi khi chuyển mùa: Giao mùa nắng như không nắng; Phải gió lọc xanh trời mưa; Ai thả bềnh bồng áo trắng; Dáng bay bối rối bao giờ? (Tháng chạp - Thụy Linh Phương). Về nhà trường và nghề dạy học, có thể nhắc đến Phước Hồng với Bữa cơm thiệt là ngon; Tiếng trống trường em… đến Trần Quốc Toàn với Mẹ và cô… đến Lê Minh Hùng với Chùm hoa ướp… Bóng dáng một ngôi trường vùng sâu hiện lên rõ nét trong Tan trường của Thanh Dũng: Bài đã học xong đã chép xong; Xuống xuồng ta vượt một mênh mông; Lên lớp cô nâng viên phấn thẳng; Đưa dò trò vít ngọn sào cong. Tà áo trắng học trò buổi tan trường cũng đã được Ngọc Điệp đặc tả theo một cảm nhận độc đáo: Như vạn thiên thần nhỏ; Đan rợp một vùng trời; Theo làn mây sà xuống; Dọc phố dài rong chơi. Ngọc Điệp đã Nói cùng đồng nghiệp làm nghề dạy học về lí tưởng cao cả của mình một cách xúc động: Ngày đi qua còn đọng lại những nụ cười; Những ánh mắt long lanh đợi chờ giục giã; Và ta lại vững tay chèo băng qua sóng cả; Chở con thuyền Trăm Năm đỗ cặp bến Trồng Người.
Thơ viết về đất nước, quê hương ngày một thay da đổi thịt - phát triển nhưng không quên truyền thống cách mạng hào hùng - có số lượng khá lớn. Trong chừng mực có thể, chỉ lược nêu tên một số tác phẩm tiêu biểu: Thơ về cây lúa nổi Tháp Mười (Khánh Hòa); Mùa nước nổi (Đặng Ca Việt); Về những dòng kênh xanh (Lê Vũ Hùng); Viết cho em bài thơ xuân 78 (Lê Ngọc); Ngân nga Tháp Mười (Thanh Phúc); Xẻo Quýt (Phan Ngọc Quang); Khúc hát người thợ xây cầu (Xuân Sáu); Những dòng kinh phèn đã xa (Hạ Thanh Viên); Về Xẻo Quýt (Trần Tấn Thảo); Nắng Đồng Tháp (Võ Hoa Thiếm); Tiếng hát em trong đêm (Thanh Thủy); Hương sen Đồng Tháp (Tô Quốc Tuấn)…
Trong nguồn mạch nói trên, thơ Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua cũng đã sáng lên nhiều vần thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ mà cách thể hiện đã thoát được lối tuyên truyền cổ động một chiều để dựng nên những hình ảnh đẹp về lí tưởng cao cả, về lãnh tụ kính yêu. Những bài thơ như: Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi (Lý Thuận Khanh); Nhớ Bác (Công Đoàn); Tiếng Người vọng mãi Bác Hồ ơi ! (Phước Hồng), Miền Nam chúng con luôn bên Người, Thưa Bác - chúng con luôn sẵn sàng, Người là niềm tin tất thắng (Hữu Nhân); Hương sen Bác Hồ (Thanh Dũng)…là những bài thơ như thế; trong đó, chùm ba bài thơ được tặng thưởng tại cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp quốc gia của Hữu Nhân là rất đáng ghi nhận.
Mảng đề tài quê hương nói chung và nơi chôn rau cắt rốn nói riêng được khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi người một vẻ, tựu trung, cảm hứng về những điều thiêng liêng, tốt đẹp ở nơi đó vẫn là cảm hứng nổi trội. Dường như ai cũng có những bài thơ hay viết về quê hương mình, dù đó là quê hương thứ hai. Nếu Nguyễn Chơn Thuần say hồn quê hương trong nhịp gõ song loan ai rao ngọt tiếng đàn; vô sáu câu vọng cổ thì Bạch Phần thủy chung với tấm áo đặc trưng của miệt vườn mặc ai nhung gấm xa hoa; áo bà ba vẫn thiết tha tình đầu. Nếu Thụy Linh Phương khắc khoải cùng nỗi nhớ ngọn gió cù lao bao năm thổi trắng bơ phờ tóc mẹ thì Hữu Nhân thoáng bâng khuâng với chùm bông mận trắng khi em bình yên bên nhà chồng. Nếu Lê Minh Hùng mê mẫn với canh chua cá lóc Tam Nông mà nhớ hoài mắt em; như hỏi: chịu hông? thì Phan Ngọc Quang vui với tuổi thơ bằng bữa cơm nhà chòi để say mê xé lá làm gạo; chẳng có lửa hồng; mà cơm vẫn chín; thơm lừng cả sân… Tiêu biểu cho đề tài này là Thu Nguyệt với hàng chục bài thơ như: Dấu chân ba; Với cầu tre; Tản mạn; Cội nguồn; Hát về con mương nhỏ; Hoài bão…Có thể nói, đây cũng chính là nét phong cách đáng ghi nhận của nhà thơ nữ này. Còn Trần Quốc Toàn, là người Hà Nội nhưng bén rễ xanh cây ở phương Nam, anh đã trở thành nhà thơ thứ thiệt của miệt vuờn với: Cưới giữa vườn; Lội bộ qua cồn; Một chục mười tám trái xoài…mà người đọc không thể không tin anh là dân Nam bộ chính gốc.
Điều đáng nói là, trong những bài thơ này, hầu hết các tác giả đã bớt đi lối miêu tả và ca ngợi trực diện như thường thấy trước đây mà chọn con đường đi sâu bộc lộ nét đẹp của quê hương qua thao tác chiêm nghiệm, liên tưởng, suy luận: Dáng đứng nông phu; Từng vạch nhịp; Nối đều khoảng cách; Giữ cho bản sonate Đồng Tháp Mười; Dạt dào muôn sau (Huyền khúc Đồng Tháp Mười - Thai Sắc) - Tôi lớn lên và đi qua biết bao cánh đồng bạt ngàn mưa nắng; Vẫn còn đó những phận người suốt đời phải bám vào phận lúa; Những phận người; Bám vào cổ tích; Lừng lững lớn lên (Nơi tôi lớn lên - Hữu Nhân) - Miệt cồn xanh rẫy bốn mùa; Cồn Cỏ thành một ca từ rất riêng; Bao nhiêu hạt cát sông Tiền; Tôn nền cho một kỉ nguyên đổi đời (Về Hồng Ngự nghe Lý mười thương - Khắc Chu)…
Nói đến quê hương Đồng Tháp không thể không nói tới một đặc trưng: mùa lũ (hay lụt?) và những bài thơ viết về nó. Cái mới của thơ trong phạm vi đề tài này gần đây là các tác giả gần như không xoáy sâu miêu tả nỗi cơ cực của người dân vùng lũ như lệ thường, ngược lại nhiều vần thơ quan tâm đến mặt tích cực của lũ - điều ít nhiều gắn với thực tiễn cuộc sống và nỗi niềm của nhà nông vùng sâu từ ngàn đời. Vì thế, vượt lên gian nan, vất vả, thậm chí nguy cấp, tình người, tình quê bừng sáng lấp lánh trong nhiều câu thơ. Khi lũ về, con người biết sống chung với lũ bao đời đã không giấu giếm niềm khấp khởi: Quê mình giờ khát lũ lắm em ơi; Hôm nước tràn đồng mẹ mừng khôn kể (Dưới đám mây sẫm màu - Nguyễn Giang San). Trong lũ, niềm tin chân chất, giản dị về một ngày mai tươi sáng của nhà nông dường như ngấm sâu vào giọt giọt phù sa: Có một niềm tin lan tỏa; Đi khắp những hạt phù sa; Ôi quê hương mùa lụt bão; Lúa vụ ba thơm ngát đồng (Niềm tin cao hơn nước lũ - Bùi Hữu Nghĩa). Niềm tin ấy cũng ánh lên trong những dòng nước mắt: Soi nước mắt đắp bờ kinh; Bắt con lũ lớn cúi mình sống chung (Thủy chung trước lũ - Khắc Chu)…
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là một mảng đề tài lớn mà hầu hết là do các tác giả đã từng kinh qua những năm tháng đánh giặc giữ nước viết nên. Có những bài được viết từ những năm tháng hào hùng ấy nay mới được in trên báo chí hay xuất bản thành tập, nhưng đa phần là được viết sau giải phóng trong một cách nhìn trầm tĩnh và có chiều sâu hơn về chiến tranh cách mạng và sự mất mát, hi sinh. Trong âm điệu của tiếng mõ đồng khởi hôm qua mà thao thức một vầng trăng hôm nay, Lý Thuận Khanh đã viết nên những dòng thơ rất hiện thực mà cũng rất lãng mạn: Những đêm đánh địch công đồn; Ven rừng trăng đợi, bến sông trăng chờ; Đường về xa lắc xa lơ; Trăng hôn đầu súng, trăng xô mái chèo. Bằng tư thế phất cờ tiến công ngày đánh giặc, người chiến sĩ trở về trong hòa bình lắng nghe hơi con thở thuở nào, cảm nhận sâu sắc nỗi đau mất mát mà Công Đoàn đã có những câu thơ xúc động: Ba vuốt tóc con; Sờ trái tim tìm hơi thở…; Đã thấy rồi! Phải đâu con nằm yên tại chỗ; Con đang đi, đi giữa đoàn quân; Sứ mạng vẻ vang con đã làm tròn. Như thấy có lỗi với rừng xưa, nơi từng chỡ che mình bao năm ra trận, nơi còn có nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại, để nghe vang vọng lời nhắn nhủ về thăm bạn ở Trường Sơn mà Thai Sắc đã viết những dòng thơ cháy lòng: Về thăm bạn ở Trường Sơn; Rưng rưng…chẳng biết gì hơn…lòng thành; Chắp tay cầu với thiên thanh: Trường Sơn thành nghĩa - trang - xanh, bạn nằm.
Thơ nhân tình thế thái cũng là một mảng đậm nét trong tiến trình thơ Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua. Đây cũng là nét đặc sắc của thơ Việt Nam trong thời kì đất nước bước vào công cuộc đổi mới mà Đồng Tháp không là một ngoại lệ. Không ít tác giả viết nhiều về đề tài này với trách nhiệm của một công dân như Hữu Nhân, Thai Sắc, Lê Minh Hùng, Hạc Thành Hoa, Lại Trí Huệ, Phước Hồng, Đỗ Ký, Thanh Dũng, Hữu Phước… và ít nhiều đạt được thành công đáng ghi nhận. Thai Sắc đã có hẳn một nửa tập thơ trong Đối thoại với trái tim thuộc đề tài này. Lại Trí Huệ có những dòng thơ ân tình mà cảm khái: Lênh đênh trên chuyến đò đời; Bâng khuâng nhìn bốn phương trời: nắng, mưa; Vui buồn đan chéo dòng tơ; Mồ hôi thấm mặn : con đò, dòng sông (Đò chiều). Còn Hạc Thành Hoa thì đau đáu một nỗi niềm khát khao đầy chất triết lí: Có chiếc thuyền nằm im trong tủ kiếng; Buồm giương cao chờ đợi buổi ra khơi; Giấc mơ đó xa vời như cổ tích; Nên đêm ngày thương nhớ biển không nguôi.(Chiếc thuyền). Hữu Phước đã có một tứ thơ không lạ nhưng khi phát triển ý thì để lại những dòng thơ khiến ta thảng thốt: Cuối đường trời sẽ mưa tuôn; Hòa vào nước mắt đời thường thế thôi; Rời xa xứ sở mặt trời; Vào miền bóng tối không lời tri âm (Chắt lòng). Chiêm nghiệm về sự tồn tại ngắn ngủi và mong manh của con người trên trái đất, Lê Minh Hùng nhắn nhủ: Đất chỉ một trái; Người chỉ một loài; Đất không rộng ra; Người ơi dừng lại (Đất và người). Luận về quí hồ tinh bất quí hồ đa, Minh Hoàng đã có lối trình bày bằng lục bát giản dị nhưng thấm đẫm nhân văn: Chỉ cần một ít ít thôi; Bớt đi một ít cái tôi với người; Một ít chữ, một ít lời; Giản đơn mà vẫn vẽ vời cõi mơ (Một ít)…
Nói đến thơ Đồng Tháp (1975 - 2012), không thể không đề cập đến mảng thơ tình yêu. Đã có nhiều bài thơ hay viết về tình cảm gia đình, nhất là viết về mẹ. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả vẫn là những bài thơ viết về tình yêu đôi lứa. Đây là đề tài muôn thuở và dường như cây bút sáng tác thơ ở bất kì lứa tuổi nào ở đây, cũng đã có những bài thơ thành công. Thu Nguyệt viết về tình yêu với một giọng điệu riêng, dịu dàng, nhỏ nhẹ, đôi khi xen một chút táo bạo, nổi loạn. Thai Sắc có những dòng thơ về sự cách chia, cháy bỏng khát khao đoàn tụ mà bài thơ Có còn kịp đến, đạt giải nhất cuộc thi thơ tình lục bát do Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 1997 - 1998 là một ví dụ. Cái khát khao ấy cũng đã được Trần Thị Hoàng Anh viết thành những ý thơ riêng, hồn hậu: Em ngủ những đêm con gái; Gío lùa hương tóc xanh xao; Trong mơ tiếng anh thầm gọi; Giật mình - giá đừng chiêm bao. (Không đề). Còn ở Đỗ Ký thì mênh mông xa vắng: Kể từ em ngóng người yêu; Chân mây quen cứ mỗi chiều lại mưa… (Kể từ tháng bảy).                       
Trong hơn ba mươi lăm năm thơ Đồng Tháp, thơ viết cho thiếu nhi cũng là một thành công đáng ghi nhận. Không kể thơ do chính thiếu nhi viết với cả ngàn bài đã được đăng trên báo chí, chỉ tính riêng thơ do các cây bút sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật cũng đã có hàng trăm bài, trong đó có những tập thơ được đánh giá tốt của Trần Quốc Toàn, Thanh Phúc, Phan Ngọc Quang…
Bằng cái nhìn trẻ thơ, cố thi sĩ Thanh Phúc đã có nhiều bài thơ khá hay viết về cây trái, sản vật đặc trưng của vùng đất Nam bộ: Ánh trăng lung linh; Thắp ngọn đèn sáng; Mặt nước lấp loáng; Trong đôi mắt xuồng. (Chiếc xuồng). Cũng như vậy, Phan Ngọc Quang viết: Cây gòn trước nhà em; Đến mùa thu hoạch trái; Em trèo lên cành hái; Mây trắng vờn dưới chân. (Cây gòn nhà em).
Nói rộng rộng hơn, mảng thơ học đường trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ở đó bền vững một phong trào và sản sinh được những gương mặt thơ mới cho tỉnh nhà. Đáng kể nhất là cuộc thi sáng tác thơ - truyện ngắn định kì hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật, Trường Đại học Đồng Tháp và các ngành hữu quan. Trong hàng vạn bài thơ dự thi và hàng ngàn tác giả nhí, chúng ta cũng đã tìm được nhiều cái tên để bồi dưỡng phát triển như Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nguyễn Giang San, Phạm Thị Ngọc Bích, Lê Minh Chánh…, chưa kể nhiều tác giả nhí đạt giải nay đang công tác khắp mọi miền Tổ quốc.
Nói đến thơ Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua là nói đến một gương mặt toàn diện, phong phú của nhiều thể loại thơ, từ thơ Đường luật cho đến thơ tự do, từ ngũ ngôn, thất ngôn…cho đến thơ lục bát. Đáng kể nhất là thành công của nhiều bài thơ lục bát và thơ tự do, đã đem lại một sắc diện mới cho thơ ở đây, có những bài thơ được đánh giá cao, đạt giải thưởng ở các cuộc thi lớn. Nét phong cách đậm đà nhất của thơ ở đây là tuy không thiếu những ý tưởng và cách thể hiện táo bạo, mang tính đột phá song nhìn chung, giọng điệu thơ trước sau vẫn là lời tâm tình đôn hậu, mộc mạc gắn với tính cách một vùng đất.
Xét riêng về mặt thi pháp, thơ Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua, tuy đây đó có lóe lên đôi chút về sự đổi mới cách thể hiện, cung cách, thể loại, ý tứ…và cũng có vài tác tác phẩm mang tính cách tân theo xu hướng hậu hiện đại (mặc dù như vậy chưa chắc đã hay !), song nhìn chung, nó vẫn hòa vào dòng chảy hiền hòa của thơ Việt Nam - cái dòng chảy vốn định hình từ ngàn năm nay. Trong dòng chảy ấy, để nhận ra ngay phong cách thơ nơi các tác giả Đồng Tháp quả là khó, nhưng không phải là không tìm được ở họ nét riêng của mỗi người.
Nhìn vào những cây bút thường xuyên xuất hiện gần đây, ta thấy, nếu Hữu Nhân thiên về phong cách tự sự với những bài thơ dài mà trong đó, bức tranh hiện thực trữ tình hiện lên nhiều tầng nhiều lớp, khiến người đọc không chỉ cảm mà còn phải luận mới đón nhận trọn vẹn ý tưởng tác phẩm thì Lê Minh Hùng với lối diễn đạt chắt lọc từ ngữ đến mức tối đa trong những bài thơ ngắn, xen lẫn khẩu ngữ và phong vị Nam bộ, đây đó phảng phất màu sắc phồn thực dân gian, chất khơi gợi của tác phẩm đã đạt đến độ tinh nhạy nhất định, cần có những tâm hồn đồng điệu đích thực mới cảm thụ được cái hay của những bài thơ như thế. Nếu thơ Hữu Phước là thơ ngôn từ giản dị trong ý tưởng bác học thì thơ Ngọc Điệp là thơ chữ nghĩa trau chuốt trong những nội dung mộc mạc, gần gũi. Thế mạnh của Nguyễn Giang San, Lê Minh Chánh là thơ lục bát với những bài thơ gieo vần khá chuẩn. Còn Phạm Thị Ngọc Bích, Hà Thị Thanh Nga thiên về thơ tự do với lối diễn đạt khoáng đạt, mềm mại…
Giọng điệu chủ đạo của thơ Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua là khúc hát ngợi ca thành tựu kiến thiết, xây dựng quê hương, trong đó vẳng lên âm điệu sô lô của tấm lòng tha thiết với cuộc sống, với con người của cái tôi trong sáng mỗi nhà thơ. Không hề bắt gặp đâu đó trên nền thơ này giai điệu lạc lõng, trái khoáy, dù có thể do ý tưởng cách tân tạo ra như nhiều trang thơ khác hiện nay. Tôi không cho rằng vì thế mà thơ Đồng Tháp nhàm chán, tẻ nhạt. Như đã nói ở trên, thơ hay chưa hẳn là do dụng công nghệ thuật mà còn do cái tâm, nơi phát xuất một hồn thơ đích thực.
Để đánh giá toàn diện, sâu sắc chặng đường hơn ba mươi lăm năm của thơ Đồng Tháp (1975 - 2012) ngay tại thời điểm này là một việc không dễ. Tuy vậy, với những dòng này, cũng có thể bước đầu nhận diện được một nền thơ, một chặng đường thơ đang trên đà khởi sắc. Tuy không tránh khỏi những hạn chế nhất định, song thành công của thơ Đồng Tháp hơn ba mươi lăm năm qua là rất đáng ghi nhận và tự hào. Đó là tiền đề tốt đẹp cho sức vươn lên mạnh mẽ của thơ Đồng Tháp trong chặng đường mới…
Thai Sắc
Theo http://vannghedongthap.vn/

1 nhận xét:

  1. Đọc "Một cách nhìn thơ Đồng Tháp 1975-2012""của nhà thơ Thai Sắc,điều đáng trân quí là anh đã công phu đọc,tập hợp, khá đầy đủ diện mạo thơ. tác giả và tác phẩm,những người đã từng sống và viết về quê hương Đồng Tháp một cách khách quan nhưng không kém phần gan ruột,thuyết phục.Vâng trang viết của nhà thơ Thai Sắc, anh đã đồng hiện ,đồng sáng tạo cùng đội ngũ trong thi đàn văn chương ĐồngTháp rất chân,rất thiện, luôn vươn mình tiệm cận đến sự cao đẹp.
    Thân ái!

    Trả lờiXóa

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...