Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Về Tiên Điền, quê của đại thi hào Nguyễn Du

Về Tiên Điền, quê của đại thi hào Nguyễn Du
“Tiếng đàn xưa đứt ngang dây        
Hai trăm năm lại càng say lòng người”
(Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Vượt cầu Bến Thủy, men theo sông Lam về huyện Nghi Xuân để thăm làng Tiên Ủy, xã Tiên Điền quê Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc.
Hát ví dặm dưới chân tượng đài 
Nguyễn Du trên quê hương Tiên Điền
Quê Nguyễn Du là một vùng nước non rất đẹp, nét đẹp dịu dàng chân chất, có sông có núi hữu tình của làng quê Việt Nam. Dòng sông Lam, uốn mình lượn ngay sau nhà Nguyễn Du chỉ độ chừng nửa ki-lô-mét. Còn trước mặt, hơi xa một chút, sau cánh đồng Tiên An là núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn uy nghi lúc mờ, lúc hiện trong mây. Phía Đông là biển cả ngày đêm đem gió về quạt mát lòng người và đùa vui với tùng, với dương liễu trong vườn nhà Nguyễn Du. Tiên Điền vốn là đất cát pha do sông Lam bồi đắp nên từ mấy nghìn năm về trước. Tổ tiên của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là ở ngoài Bắc vào lập nghiệp từ cuối thời Mạc (thế kỷ 16). Trên mảnh đất tiên ấy đã sản sinh cho đất nước nhiều vị đại khoa, văn thần, võ tướng, mà đỉnh cao nhất là cụ Nguyễn Nghiễm, thân sinh nhà thơ Nguyễn Du. Anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản giữ chức thị thư trong phủ chúa. Nguyễn Du sinh ở Thăng Long.Trong những năm 10 và 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha và mẹ. Ông ở với anh, rồi về sau phiêu bạt “góc biển chân trời”, chịu cảnh cơ cực của “gió bụi”, thật là:
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Cho nên chưa đến 30 tuổi đầu tóc Nguyễn Du đã bạc trắng. Cha và anh Nguyễn Du đều giỏi văn và thích thơ ca, hay nghe hát xướng. Nguyễn Du dường như “thâm nhiễm” điều đó từ bé. Nên khi ông rời quê vợ trở về Tiên Điền (1796) thì ông lấy nghiệp thơ ca làm chính và tìm niềm vui trong những đám hát ở Trường Lưu của trai gái đương thời.Làng Trường Lưu cách Tiên Điền non 10 ki-lô-mét.Nguyễn Du ở quê cha 7 năm, đó là 7 năm nghèo nàn, khánh kiệt, “suốt ngày bếp nhà không đỏ lửa”. Và ông “ngồi xếp bằng tròn cạnh cửa sổ say mắt lim dim”, để “nhìn vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh” (Đối tửu). Ông thấu hiểu nỗi khổ của dân tình, ông ngán ngẩm sự đời.Tuy vậy, ông vẫn quyết giữ “tấm lòng trong vằng vặc như ánh trăng sáng, như nước giếng xưa” (Đạo ý).Lúc bình minh lên cũng như khi hoàng hôn xuống, Nguyễn Du hay ngồi trong nhà làm thơ và “nhìn những cây tùng trước nhà”, ông ước gì “thoát được vòng trần tục, ngồi dưới gốc tùng thú biết bao nhiêu” (Sơn Thôn).
Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du - ảnh tư liệu
Quê hương vẫn là hình ảnh in sâu sắc nhất trong ông, là nguồn an ủi động viên ông. Ông vẫn thường tự hào khoe với bạn bè:
Lam Hồng sông núi vô cùng đẹp
Nhờ bạn thu về giúp tứ thơ 
Nguyễn Du, thường đi câu cá ven sông Lam và rất hay “dắt chó vàng mà vui dưới núi Hồng Lĩnh” (Tạp thi).
Chính những chuyến đi săn này đã làm Nguyễn Du thêm yêu quí quê hương đất nước. Đứng trên núi Hồng Lĩnh nhìn về quê thì Tiên Điền như một tấm thảm hoa và dòng sông Lam như một con rồng uốn lượn. Biển Cửa Hội xa xa với đảo Ngư trong ráng chiều như đôi cá vươn mình trên mặt nước trò chuyện.
Chính Nguyễn Du khi viết “Lam Điền nhật noản ngọc sinh yên” (Sông núi Lam Điền bóng nắng ấm, những hòn ngọc lên khói), cũng là ở góc độ Hồng Lĩnh nhìn về thôn xóm. Trong hơn hai nghìn năm trăm ngày sống trên mảnh đất quê hương, Nguyễn Du đã bao lần đứng trên núi Hồng Lĩnh để thu vào tầm mắt mình hình ảnh tuyệt đẹp của quê nhà. Trong truyện Kiều, ông có viết:
Buồn trong cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trong nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Cửa bể thấp thoáng cánh buồm xa xa ấy có thể là Cửa Hội, còn đồng nội một màu xanh xanh kia là Tiên Điền. Và tâm trạng hoa trôi không biết về đâu lại chính là tâm tư của Nguyễn Du lúc đó.
Năm năm làm bạn ngư tiều đủ
Cười ráng hồ mây rợn bãi đồng” Những năm ở quê, Nguyễn Du ngoài tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên cha mẹ đặt cho, ông còn tự xưng là: Hồng Sơn Liệp Hộ (người đi săn núi Hồng Lĩnh) và Nam Hải Điếu Đồ (dân chài biển Nam) Sông Lam, núi Hồng là một bức tranh tuyệt tác về non xanh nước biếc.
Ngày nay, mỗi lần vượt sông Lam, men theo chân Hồng Lĩnh để vào đất Hà Tĩnh, chúng ta lại bâng khuâng nghĩ đến Nguyễn Du. Thời nhà thơ của chúng ta còn sống, Hồng Lĩnh được gọi là cõi tiên:
Non Hồng nơi ẩn nhiều tiên
Chín mươi chín chóp trông lên tận trời.
Trên núi Hồng Lĩnh, ngoài những ngọn cao chót vót  như ngọn Am, ngọn Sư Tử, ngọn Thiên Tượng…, Hồng Lĩnh có nhiều hang động và suối trong. “Dục Tiên Kiều” (Cầu tiên tắm) là một cảnh đẹp. Chùa Hương Tích xưa kia, theo Đại Nam nhất thống chí, là một “danh lam thứ nhất ở Nghệ Tĩnh”. Trước chùa có khe nước chảy qua, cành thông xanh tốt. 
Trình Quang Phú
Theo http://baodulich.net.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đời sống văn hóa văn nghệ của người Việt tại Mỹ Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều người Việt xa xứ có chính kiến khác nhau. Nhưng thống nhất T...