Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Pờ Mã Lung (Bạch Mộc Lương) - Hành trình tìm tên cho núi

Pờ Mã Lung (Bạch Mộc Lương)
Hành trình tìm tên cho núi
Chúng tôi biết đến ngọn núi này khi Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam đã được công bố rộng rãi khắp các hội nhóm leo núi, xê dịch. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu bản đồ lại thấy có một đỉnh núi tách biệt hẳn, nằm tả hữu dãy Hoàng Liên Sơn, án ngữ như bức tường thành nơi viễn biên Phong Thổ và có độ cao 2967m, đủ điều kiện để lọt Top 10. Thông tin khá thiếu, địa điểm hiểm trở, xa ngái. Vì vậy, ngọn núi này trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.
Đỉnh Pờ Mã Lung 
(Bạch Mộc Lương) - Ảnh Hachi8
Sau khi liên hệ xin phép tại đồn biên phòng khu vực Dào San và Sin Suối Hồ, chúng tôi tìm được đến bản gần nhất của ngọn núi để tìm Porter dẫn đường. Những người dân bản địa ở đây gọi ngọn núi là Pờ Mã Lung, còn cánh rừng mà chúng tôi đi qua là Bạch Mã Lung. Nghe kể lại rằng, cánh rừng đó có con ngựa trắng to bị chết nên dân bản lấy tên như vậy. Con đường đến được chân núi khá dài và dốc, đường bé, hẹp lại khó đi.
Con đường offroad từ bản Lang đến điểm trek gần chân núi ngoằn ngoèo khó đi, hai bên đường là những hàng hoa dã quỳ.
Chiều hôm đó, chúng tôi bắt đầu xuất phát khá muộn so với dự tính. Rời bản theo con suối lớn bên dưới dãy Mỏ Quạ đen huyền bí, chúng tôi đi trong cái nắng chiều đang gay gắt, khiến ai nấy mồ hôi ròng rã vì đoạn đường liên tục dốc.
Con đường vào bản, xa xa là 
dãy Mỏ Quạ đầy thách thức
Dãy Mỏ Quạ nhìn từ cánh rừng
Khá bất ngờ với một con thác khổng lồ nằm bên mạn phải con đường, dòng nước đổ xuống ầm ầm và vô cùng sâu. Chúng tôi sững lại nhìn thật lâu vì lần đầu tiên thấy con thác lớn thế này dù đã đi núi khá nhiều. Ai nấy đều bình tĩnh bước đi men theo những đoạn ống nước tròn bắc qua mép vực, chênh vênh bên núi, bên vực thác sâu thăm thẳm.
Con thác khổng lồ, chụp bằng iphone 5
có lẽ chưa thấy hết được sự hùng vĩ của nó 
Vượt qua đoạn đường ven thác lớn, chúng tôi gặp một con suối lớn nước trong vắt với những tảng đá to nhẵn thín. Ngọn núi này khá nhiều suối lớn. Vạt nước lên mặt, tôi khoan khoái với cái lạnh mát của nước suối rừng. Dường như mệt mỏi lắng xuống hẳn. Hành trình liên tục với những đoạn đường nhỏ, hẹp và đa dạng địa hình. Thảm thực vật được phân bố theo cao độ khiến cho cảnh sắc thay đổi không ngừng. Đi qua rừng chuối, rồi lại thảo quả, rồi tre trúc và rừng cổ thụ. Tôi không thể đếm xuể mình đã vượt qua bao nhiêu ghềnh thác suối, dốc đứng và sống yên ngựa dãy núi nữa. Bù lại đó, chúng tôi được trải nghiệm những điều tuyệt vời!
Bạch Mộc Lương với nhiều dòng suối sâu nước lớn
Chúng tôi quyết định dừng chân hạ trại cũng là lúc trời đã đổ bóng đỏ hồng cho ngày sắp tàn. Dựng lều, sửa soạn bữa cơm tối ngay bên một con suối to đùng, mặt suối trơn rộng như được láng xi măng. Thật giống lắm một cái sân trượt máng nước róc rách đêm ngày. Anh chàng người Dao nhanh nhẹn đi bắt ếch xanh trên cây cao, ếch xám bên hốc đá, mò cua đá dưới suối, vặt quả chua, hái rau rừng… Thêm một con gà sống mang theo từ bản, chúng tôi đã có một bữa tối ấn tượng giữa rừng. Củi lửa đã đành nhưng bếp ga mini mang theo cũng giúp món lẩu rừng trở nên hoàn hảo hơn nữa.
Rừng Pờ Nhìu San về đêm, chỉ nghe rõ tiếng suối chảy, tiếng con gì kêu ong ong, vài đốm sáng đom đóm lập lòe. Đôi ba người đang say sưa cạn chén rượu ngô bỏng cháy, nhẩn nha vài bát cơm đựng trong lá chuối rừng to đùng, rồi lại gắp miếng cua đá rang muối, ếch xanh chiên dầu. Nồi lẩu vẫn sùng sục sôi mà nghi ngút khói. Bữa ăn đầu tiên sao mà no nê đến thế. Ai nấy như rạo rực, như rộn rã cái cảm giác háo hức được đặt chân đến một đỉnh cao mới.
A Páo đang chặt thịt gà để nấu món lẩu
Bữa tối đa dạng với những món ăn rừng 
thật đáng nhớ. Ảnh Hachi8
Đi rừng vẫn mang theo điếu cày để sống chậm
Sớm mai, khi trời vẫn còn vài ba đốm sao sáng trên bầu trời đang tờ mờ sáng, chúng tôi đã lục đục dậy. Ăn bát cháo gà đun bằng những cành củi khô thơm nồng, rồi nhâm nhi café trong chiếc cốc mà A Páo làm bằng cây trúc. Vài phút nhã hứng là vậy, nhưng chúng tôi ai nấy đều lo lắng vì đường còn rất dài mà ai nấy đều chuẩn bị tinh thần lẫn đồ đoàn chỉ gói gọn 2 ngày 1 đêm. Vì vậy, chúng tôi nhanh chóng sửa soạn đồ đạc để lên đường với áp lực thời gian và sức lực khá lớn.
Buổi sáng ở rừng với vài giây phút tận hưởng thiên nhiên
Cốc Cafe A páo làm từ tre nhìn sáng tạo quá
Và ngày thứ 2, từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc là cả một hành trình dài. Rất dài. Vượt hết những con suối to, vượt qua những rừng thảo quả mênh mông giữa cánh rừng già, lại vượt tiếp những rừng chuối tán lá ướt đẫm vì sương, vì hơi nước suối chảy. Chân đã mỏi và vai đã đau nhức, mà đường vẫn còn dài ở phía trước. Không ai dám nghỉ chân lâu vì sợ thời gian không đủ. Ai nấy đều cố gắng bước đều chân, dấn chân mạnh để bước đỡ mỏi khi bò dốc. Con đường thực sự không thể dài hơn thế, khi mà vừa đi vừa sốt ruột lại check GPS thì chỉ thấy cả đoàn nhích thêm được một đoạn quá ngắn so với khoảng cách đến đỉnh.
Đây là một đoạn nhỏ của đường đi nhìn từ flycam. 
Chặng đường quá dài và quá uể oải - Ảnh Hachi8
Chúng tôi có lúc đã kiệt sức, nằm bẹp bên bờ suối, táp những dòng nước vào mặt, rồi để cái nắng chiều vàng đỏ chiếu xiên vào đuôi mắt, hong ấm người khi ngồi nghỉ quá lâu khiến cơ thể cảm thấy lạnh dần. Nhưng vì đường vẫn còn dài quá, nếu không đi nhanh thì chưa biết bao giờ mới đến được điểm nghỉ chân đêm thứ 2 này. Lại vội vã hứng nước suối, rồi xóc đồ lên vai, bước nối bước với đôi chân đã mỏi.

Lán sấy thảo quả của người dân trong rừng sâu

Đường dài mà thỉnh thoảng nghỉ chân 
lại lấy Bé mạch ra cho nó được sống ảo
Rừng thảo quả và suối có lẽ là hai địa hình mà ngày thứ 2 chúng tôi phải vượt qua khá nhiều. Cứ qua rừng lại đến suối, rồi lại gặp một cánh rừng thảo quả. Khung cảnh nối nhau rồi thêm chặng đường dài khiến ai nấy đều cảm thấy mình đi mãi mà vẫn như về lại chỗ cũ. Khó khăn hơn, những con suối ở đây khá trơn trượt và nguy hiểm. Trời gần về tối, mà đoạn suối dài vẫn chưa hết khiến chúng tôi đi chậm lại. Giày ướt, chân đau vì va đập vào đá, vào cây. Rùng mình vì lạnh. Chui qua những bụi cây rậm rạp, ướt át lại ngay ven suối sâu nước. Rồi lại trèo qua những tảng đá to đùng, không có mé bám. Mọi thứ khó khăn cứ như bày hết cùng một lúc để cả đoàn vượt qua.
Rồi điểm nghỉ cũng ngay trước mặt. Đó là một khoảnh đất bằng, cây cỏ mọc rậm rạp với một cột mốc xây bằng xi măng đã từ rất lâu, được ghi bằng 3 thứ tiếng Việt – Trung – Anh. Nghe kể lại, trước đây, để làm được cột mốc này, dân bản đã leo núi, vượt rừng vất vả khiêng vật liệu. Nghĩ lại quãng đường dài 2 ngày qua đã đi mà tôi cảm thấy khâm phục những người dân bản địa với sức khỏe và ý chí phi thường đến thế.
Điểm nghỉ đêm thứ 2 ngay cạnh một cột mốc vành đai biên giới
Bữa tối với thịt rang, thịt ếch xào, canh chua rừng, nòng nọc súp, thêm vài nắm rau dớn rừng. Thật may nhờ các anh porter đi bắt thêm ếch, cua đá và nòng nọc mà chúng tôi có dịp được nếm thử món ăn của rừng. Giữa hoang vu đại ngàn, tiếng suối xa như tiếng đàn. Màn trời với hàng triệu vì sao hoa nở trên tán, thi thoảng sóc bay chuyền cành như chim. Ngồi trong đêm rừng ngắm sao trời, nghe tiếng suối hát, bên bếp lửa ấm với tiếng củi cháy lép bép, kể cho nhau nghe bao câu chuyện về núi mà thấy thật thú vị.

Nhờ các anh Porter đi bắt thêm ếch, cua đá và nòng nọc 
mà chúng tôi có dịp được nếm thử nhiều món ăn lạ của rừng.
4h sáng tỉnh dậy, vội vàng đun nồi cháo ếch rồi ăn nhanh để đi cho sớm. Ngày hôm nay khá căng với mục tiêu lên đỉnh rồi quay trở lại bản, lấy xe đi thẳng về thành phố Lai Châu để kịp chuyến xe ô tô cuối cùng lúc 11h đêm về Hà Nội. Vượt qua một con suối dài, chúng tôi rẽ phải sang lối tắt để nối sang rừng tre trúc lên đỉnh núi. Đã hết suối, thật vui vì địa hình thay đổi để bớt cái cảm giác đi mãi không đến nơi. Thế nhưng ở đây, trúc nối trúc lại quá nhiều và quá dốc. Porter chặt dao vào thân trúc để đánh dấu đường. Vì vậy mà nếu đi không cẩn thận, chân dễ dẫm ngay phải chông nhọn phía dưới mà bị thương ngay. Lối đi nhỏ và chằng chịt cành nhọn chĩa tứ tung, ngang dọc. Không dám bước nhanh vì sợ một cành cây nào đó chọc vào mặt, vào mắt. Quá nhiều nguy hiểm khi bạn đi vào một rừng sặc, rừng trúc rậm rạp và dốc đứng.
Hạnh phúc với nồi cháo nóng cho bữa sáng 
trước khi vượt rừng vượt dốc lên đỉnh

Đường lên đỉnh với rặng tre sậy chằng chịt

Lối đi rất rậm rạp
Rồi đỉnh núi cũng ở ngay trước mặt khi thấy rõ những thân cây cổ thụ to và chằng chịt cành rậm. Đỉnh bị vây kín bởi cây, không có góc thoáng để nhìn cảnh. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy một cây to có mép bám để trèo lên nhìn cảnh được dễ hơn. Quá choáng ngợp trước những gì đôi mắt được nhìn thấy. Như một thiên đường với nhấp nhô những ngọn núi kì vĩ trong sóng mây đại ngàn. Ánh nắng xế trưa chiếu xiên tạo thành ray sóng. Mây vần vũ cứ theo gió mà cuộn trào, chốc chốc lại mịt mù trắng xóa. Nắng lên, mây thổi, các chóp núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn hiện rõ.
View từ cành cây

Kỷ niệm ngày Muy đã lên đỉnh Pờ Mã Lung (Bạch Mộc Lương)

Vị trí đỉnh núi nhìn từ flycam đến khổ cái lão Hachi, đi núi đã dài còn mang thêm cái flycam to oành, được cái quay lại được những tấm ảnh, thước phim quá tuyệt vời – Ảnh Hachi8
Đỉnh Pờ Ma Lung đây, rừng cây như san hô dưới biển. 
Thiên nhiên quá tuyệt vời  – Ảnh Hachi8
Sau khi đo đạc chính xác, chúng tôi đã lấy được độ cao 2967m, xác định rõ đây là đỉnh Bạch Mộc Lương với tên chính xác trên bản đồ. Ngọn núi nằm cao nhất khu vực,  gần mốc 83 và là ranh giới tự nhiên trên đường biên Việt – Trung. Chính vì vậy, đứng trên đây, bạn có thể thấy hình hài biên cương Tổ quốc một cách đậm nét. Dãy Hoàng Liên Sơn như thế rồng bay với Fansipan, Putaleng, Tả Liên, Kỳ Quan San cũng như vùng núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn, Ngải Thầu từ hướng qua nước láng giềng.
Trập trùng sóng núi giữa biển mây – Ảnh Hachi8
Bạn có biết cảm giác đó hạnh phúc thế nào không! Khi bạn ở vị trí này, như nhìn thấu cả dãy Hoàng Liên Sơn trong đôi mắt mình, nhìn thấy cả những ngọn núi cao mà bạn đã từng đặt chân đến. Tất cả thu gọn trong đôi mắt và lòng thì trào dâng một nỗi xúc động kì lạ.
Cảm giác đứng trên đại ngàn miền viễn biên thật đáng tự hào! 
Rời đỉnh núi, chúng tôi lại vội vã trở về với áp lực quá lớn về thời gian. Khó khăn thực sự đến vì đường quá dài (hơn 30km đường leo và 2000m chênh cao) so với dự tính. Quãng đường trở về thật kinh khủng và đã có lúc tôi đã phải bật khóc vì bất lực trước con đường quá quá dài mà chỉ trong mấy tiếng đồng hồ phải về kịp bản. Dốc nối dốc và đôi chân chúng tôi thì đã rệu rã mà đi không nghỉ. Trời tối dần và hành trình băng suối, qua những lối mòn nhỏ hẹp chênh vênh bên sườn núi thật sự đáng ngại với cả người bản địa chứ không riêng gì chúng tôi. Ai cũng vội vã trở về nhưng không vì thế mà thiếu đoàn kết. Có lúc phân tách nhưng tại tất cả những đoạn hiểm nguy, băng suối, vượt ghềnh đều đứng đợi và nâng đỡ nhau vượt khó.
Các anh chị em trong chuyến đi dài ròng rã
Bạch Mộc Lương là một món quà để tôi cùng bạn bè mình được trải qua những giây phút gian khó, hạnh phúc, tự hào cùng với nhau.
Nhưng dù thế nào đi nữa, sau tất cả những khó khăn vất vả cho chặng đường, thì đối với tôi, đó là món quà vô giá. Tôi đã có thêm một đỉnh cao (2967m) nữa đã vượt qua, Bạch Mộc Lương, như một mảnh ghép tình yêu với núi. Và trên tất cả, tôi cùng bạn bè đã có những trải nghiệm tuyệt vời, tình đồng đội, nỗ lực vượt lên chính mình và những giây phút thực sự hòa mình với thiên nhiên.
Một vài thông tin cho ai cần leo núi
*Độ cao: 2967m
*Vị trí: xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Đỉnh Pờ Mã Lung (Bạch Mộc Lương) nằm cao nhất khu vực xã Bản Nang huyện Phong Thổ, Lai Châu. Là ranh giới tự nhiên trên đường biên Việt – Trung và nằm giữa mốc 83 (1-2). Vì vậy, đứng trên đây có thể nhìn rõ dãy Hoàng Liên Sơn với từng đỉnh núi như Fansipan, Putaleng, Tả Liên, Kỳ Quan San cũng như vùng núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn, Ngải Thầu từ hướng qua nước láng giềng.
Đỉnh nằm thứ 8 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
Chỉ dẫn:
– Bạn cần xin phép tại đồn biên phòng khu vực Dào San và Sin Suối Hồ trước khi leo núi vì đây là điểm biên giới và gần cột mốc 83 và có thể liên hệ Porter tại bản Lang để dẫn đường.
– Đường leo khá dài với hơn 30km đường leo và 2000m chênh cao, vì vậy, cần chuẩn bị lương thực, rèn luyện sức khỏe và thu xếp đủ thời gian để không bị gấp. Đường dài và có thể phải trek đêm nên nhất định bạn phải mang theo đèn pin.
– Từ Hà Nội, bạn bắt chuyến xe giường nằm Hà Nội – Lai Châu, khoảng 5h sáng hôm sau là đến TP Lai Châu. Từ đây, bạn thuê xe máy để di chuyển đến khu vực xã bản Nang, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Nên đi sớm và có thể chia 2 nhóm để tiết kiệm thời gian: 1 nhóm đi ngược lên đồn biên phòng khu vực Dào San, Sin Suối Hồ để xin giấy phép; nhóm 2 đi chợ mua lương thực cho 3 ngày 2 đêm và chuẩn bị sẵn những đồ dùng cần thiết, có thể vào trước bản Lang để liên hệ Porter. Sau khi lên đỉnh và xuống núi, trở về TP Lai Châu, bạn lại bắt chuyến xe giường nằm trở về Hà Nội với chuyến muộn nhất là 23h.
Hạnh My
Theo https://nguyenhanhhamy.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...