Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Bầy sư tử lãng mạn 3

Bầy sư tử lãng mạn 3

13. «Vâng, tôi lấy danh dự hứa rằng tôi không nói dối. Cũng chẳng cần phải nói dối vì những người liên hệ với tôi trong tổ chức đã bị bắt hết. Tên tôi là Ngô Tỵ, 19 tuổi, học sinh lớp 12 trường Cộng Hòa. Ba tôi người Minh Hương, má tôi người Việt Nam. Nhà tôi nổi tiếng vì cái bảng hiệu Tám Mập, chuyên bán đồ nhậu ở ngã tư Phan Thanh Giản – Cao Thắng, gần rạp hát Đại Đồng. Tôi có chân trong hội múa lân của bang Triều Châu. Cách mạng vô Sài Gòn, tôi được chị Bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh kếp nạp vào đoàn và được làm phụ tá cho chị ấy, hoạt động tại các trường Régina Mundi, Marie Curie, Lê Quý Đôn thuộc phạm vi quận 3 là những trường của con nhà giầu học, nghiêng về chương trình Pháp. Chị Bí thư cần tôi vì chị ở bưng ra, chữ nghĩa chị rất kém.

Tôi hoạt động tích cực. Chị Bí thư có nhiều cảm tình với tôi, thường biểu dương tôi và khuyên tôi thoát ly gia đình theo cách mạng. Đôi khi, một mình tôi chủ trì những phiên họp ở các trường quận 3. Tôi đã giáo dục bọn học sinh Régina Mundi, Marie Curie, cấm chúng nó viết thông cáo bằng Pháp ngữ, Anh ngữ nặng tính chất chống đối. Tôi bị chúng nó ghét cay ghét đắng. Điều đó không thành vấn đề. Vấn đề là tôi đã đưa chúng nó vào sinh hoạt mới, kỷ luật mới, đời sống mới. Chị Bí thư trao súng K54 của chị cho tôi giữ. Chị dạy tôi cách xử dụng. Đi đâu tôi cũng đeo súng và rất hãnh diện. Tôi tự vẽ cho tôi một tương lai huy hoàng. Tôi sẽ trở thành đảng viên đảng cộng sản Việt Nam quang vinh. Tôi sẽ sang học bên Liên Sô. Tôi sẽ đem hết khả năng của tôi cống hiến đảng và nhân dân. Tôi đã đọc cuốn truyện liên xô, nhan đề: Thép đã tôi thế đấy và tôi rất yêu mến anh Pavel. Anh này đúng là biểu tượng của thanh niên cộng sản. Tôi còn đọc cuốn Ruồi trâu và tôi khinh bỉ Thiên Chúa Giáo. Tôi là ước mơ của bao nhiêu đứa bạn bằng tuổi tôi, được đảng chiếu cố, được đảng ban phát ân huệ để nở mày nở mặt với đời. Đời xưa quen gọi tôi là thằng chệt, thằng ba tàu, thằng hủ tíu…! Đời nay gọi tôi là “đồng chí”, là anh Tỵ. Ba má tôi hồ hởi, phấn khởi. Họ hàng tôi tự cho là có chỗ nương dựa ở xã hội mới.

Nhưng tại sao tôi thay đổi toàn bộ tư tưởng? Một buổi tối tháng 10, thằng bạn tôi là Trần Chiêm Đồng đến rủ tôi đi uống cà phê. Tôi theo nó. Đồng và tôi nói chuyện.

- Tư sản mại bản Chợ Lớn bị bắt nhốt ở Chí Hòa mày biết không?

- Biết. Bị bắt hồi tháng 9.

- Ông bang trưởng Đào Mậu cũng bị bắt.

- Thế hả?

- Ông bang Trần Thành nằm khám luôn.

- Thế hả?

- Các đội trưởng múa lân Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu trong Chợ Lớn bị bắt hết.

- Thế hả?

- Các hiệu trưởng trường Tàu vào ấp cả.

- Thế hả?

- Hội Tinh Võ bị giải tán rồi. Tinh Võ Môn bị Nhật Bản nó phá vỡ bảng hiệu! Tiếc rằng không có Lý Tiểu Long.

Trần Chiêm Đồng đưa ra những câu hỏi làm tôi choáng váng. Nó lại nhắc tôi tinh thần yêu nước của người Trung Hoa trong phim Tinh Võ Môn. Tôi cũng là võ sinh của Tinh Võ Môn. Ở hội múa lân là phải giỏi võ vì các hội khác bang thường thách thức thí võ và đánh nhau.

Chúng tôi im lặng một lát. Trần Chiêm Đồng thở dài.

- Đời này làm gì có Lý Tiểu Long.

Nó chưởi thề:

- Mẹ kiếp, bao nhiêu năm ăn cơm, uống nước của người Việt Nam, bây giờ, bảng hiệu Việt Nam bị gỡ xuống, nghĩ rất thẹn vì không có tinh thần Lý Tiểu Long. Cái thân phận Việt gốc Hoa nghìn năm bị khinh bỉ ở đất nước Việt Nam chỉ vì sống theo kiểu gió chiều nào nương chiều ấy. Nay, Việt cộng nó bắt bỏ tù, nó tịch thu tài sản, nó đuổi về vùng kinh tế mới, dám làm gì nó không? Kêu cứu ông Mao Trạch Đông, ông Tưởng Kinh Quốc đi!

Nó hỏi tôi:

- Bao giờ mày được vào đảng?

Tôi đáp:

- Còn lâu!

Nó chản nản:

- Đợi mày vào đảng để cứu các ông bang chắc các ông ấy rũ xác trong tù rồi.

Nó mỉa tôi:

- Năm nào mày đi tố cáo Việt cộng, năm nay mày đeo súng Việt cộng. Kỳ quá, Tỵ à!

Cái vụ này, tôi xin kể: Năm 1970, quán nhậu của ba tôi rất đông lính Cộng Hoà. Có người đến ăn nhậu rồi bỏ lại cái giỏ đỏ. Tôi chạy theo bảo người ấy trở lại lấy bị đồ. Người ấy bỏ chạy nhanh. Sinh nghi, tôi báo cảnh sát bắt người ấy. Rồi tôi về quán báo động. Khách hàng bỏ chạy tán loạn. Nhờ một sĩ quan công binh giỏi nghề chất nổ nên cái giỏ chất nổ để đồng hồ tự động đã bị vô hiệu hóa.

Nó tiếp:

- Nếu chất nổ không được sĩ quan "ngụy" hủy diệt, ba má mày chết hết, mày què cụt, hôm nay mày có theo Việt cộng không?

Tôi cứng họng không trả lời nổi. Nó dọa tôi:

- Việt cộng nó thù dai lắm, tội từ thuở lọt lòng nó còn lôi ra đấy. Mày đừng tưởng bở.

Nó chia tay tôi ở quán cà phê. Tôi về suy nghĩ cả đêm không ngủ. Đầu óc tôi muốn nổ tung. Hôm sau, tôi đến nhà Trần Chiêm Đồng thật sớm.

- Tối qua mày gợi những chuyện ấy với tao nhằm mục đích gì?

- Không nhằm mục đích gì cả.

- Mày cứ nói thật đi!

- Tao không còn tin mày nữa. Bây giờ, tao tự nhận tao là Quốc Gia, còn mày thì đã là Cộng Sản. Quốc Gia không tin Cộng Sản.

- Tao chưa là cộng sản.

- Mày đeo súng hoạt động cho cộng sản, mày là cái gì? Nói thật rồi mày có đi tố cáo thì đi, tao không sợ đâu. Mày lúc này cộng sản không ra cộng sản, ngụy không ra ngụy, mày mình dơi đuôi chuột. cộng sản nó bắt mày hôm nào tao chưa biết nhưng Quốc Gia về thì mày chết trước. Mày tưởng Quốc Gia chết rồi à? Mày tưởng ngụy nhào rồi à? Ngụy nhào, Mỹ cút nhưng Quốc Gia vẫn sống hiên ngang. Quốc Gia sắp về. Mày mù, mày điếc nên không biết gì cả. Mày tự chặt cầu rồi, mày, mày… Tội nghiệp mày quá!

Tôi bần thần, ngồi đưa tay bưng mặt khóc. Trần Chiêm Đông vẫn nói trong tiếng khóc của tôi:

- Tao rất sợ sự phẫn nộ của quần chúng khi Quốc Gia trở về. Mày gây thù hận ở các trường quận 3 khiếp quá.

Tôi nức nở:

- Mày cứu tao! Mày là bạn thân nhất của tao, Đồng ơi!

Nó nói:

- Mày tự cứu lấy.

- Tao tự cứu tao bằng cách nào?

- Làm sao tao biết được!

- Mày nói mày là Quốc Gia. Quốc Gia mới hay Quốc Gia cũ?

- Quốc Gia mới.

- Tao có thể là Quốc Gia mới không?

- Tự mày hỏi mày đi. Mày nên về suy nghĩ kỹ lưỡng. Mày cần nhìn rõ cộng sản đã.

- Tao suy nghĩ kỹ rồi.

- Chưa đâu. Người Quốc Gia mới không đùa với cộng sản bằng truyền đơn vớ vẩn. Tao chắc mày đánh giá người Quốc Gia mới như mấy anh Phục Quốc. Không. Phục Quốc là mặt nổi, mặt chìm của người Quốc Gia mới là đồ chơi sẽ đẩy chủ nghĩa cộng sản xuống hố thẳm của thời đại.

Tôi đâm ra nể sợ Trần Chiêm Đồng. Về sau, tôi phục nó, yêu mến nó hơn và mãi mãi tôi yêu mến nó. Bởi vì nó đã dẫn tôi đi trên con đường lạ lùng của tuổi trẻ ước mơ. Nó có vẻ không cần tôi vội vã. Nó bắt tôi suy nghĩ để tôi khỏi ân hận. Một tuần lễ sau, tôi lại tới nhà Trần Chiêm Đồng.

Nó hỏi tôi:

- Mày nhìn gì thêm về cộng sản chưa?

Tôi đáp:

- Rồi.

- Kể tao nghe!

- Nó đẩy tao vào đường chết. Nó chỉ thị tao phải cứng rắn với bọn học sinh Régina Mundi, Marie Curie mà nó thì lại ngọt xớt. Con mụ Bí thư chi đoàn nham hiểm thật.

- Nó cho mày giữ súng của nó để mày tự sát đấy.

- Tao sẽ bắn nó.

- Bắn nó đâu có chết chủ nghĩa cộng sản. Bắn chết chủ nghĩa cộng sản thì đảng cộng sản chết, chế độ cộng sản tiêu luôn. Người Quốc Gia mới chỉ cần bắn chết chủ nghĩa cộng sản thôi. Không bắn chết chủ nghĩa cộng sản, mọi việc chống đối, kháng chiến là trò đùa. Người Quốc Gia mới không võ trang bằng súng đạn Mỹ. Họ võ trang bằng tư tưởng. Tư tưởng mạnh hơn súng đạn.

- Ai dạy mày điều đó?

- Người Quốc Gia mới.

- Họ ở đâu?

- Sàigòn.

- Tao gặp được chứ?

- Được. Dù mày có phản bội, họ vẫn chấp nhận mày.

- Tao thật lòng.

- Mày chứng minh sự thật lòng của mày trước đi.

Tôi trả khẩu K54 cho chị Bí thư chi đoàn, báo cho chị ấy biết là tôi nghỉ hoạt động, không nêu lý do. Tôi đến các trường trung học ở quận 3 họp hành, xin lỗi và tuyến bố tự ý rút lui khỏi chức vụ phụ tá Bí thư. Tôi trả thẻ đoàn viên. Trần Chiêm Đồng hứa sẽ giới thiệu tôi với người Quốc Gia mới. Nó giữ lời hứa. Đồng dẫn tôi tới chùa An Lạc. Ngang qua một con hẻm, chúng tôi dừng lại vì công an đang ập vào một căn nhà và dân chúng lối xóm bu quanh đông nghẹt. Có gì lạ thế? Dân chúng nói, ông chủ căn nhà có thằng con trai 10 tuổi. Nó là thiếu niên quàng khăn đỏ tiên tiến, xuất sắc, gương mẫu. Nó đi họp hành tối ngày, người ta giáo dục nó kiểm soát cha mẹ và tố cáo với phường khóm ngay nếu phát hiện tội lỗi của cha mẹ. Hôm nay, thằng thiếu niên khăn đỏ, “cháu ngoan bác hồ” tố cáo cha nó chôn dấu súng với công an phường. Công an đến khám xét.

Chúng tôi tò mò đứng chờ kết quả. Công an còng tay bố thằng thiếu niên lôi đi với khẩu M16 bọc ni-lông dính đầy đất ướt. Thằng bé đã được học tập căm thù để đưa bố nó vào tù. Tôi nhìn rõ mặt thằng bé. Nó cười hớn hở khi ông phường trưởng xoa đầu biểu dương nó. Còn mẹ nó thì khóc sướt mướt. Hình ảnh đó, hôm nay tôi vẫn chưa quên. Tôi cám ơn Trần Chiêm Đồng đã lôi tôi ra khỏi tội ác. Chúng tôi bỏ đi. Lòng tôi dậy lên con sóng phẫn nộ. cộng sản là thế, là con nít cũng không tha đầu độc, hủy diệt tình nghĩa của nó. Tôi vào chùa An Lạc, gặp chú tiểu Thích Thanh Bần. Chú pha trà mời tôi uống và hỏi tôi:

- Anh viếng chùa hay tôi?

Trần Chiêm Đồng nói:

- Anh ấy viếng chú. Tôi đã bảo chú là anh Ngô Tỵ sẽ đến thăm chú.

Tôi nói:

- Hân hạnh quen biết chú.

Chú tiểu cười thật dễ thương.

- Đừng gọi tôi là chú nữa, tôi chưa xứng đáng để anh phải thủ lễ. Anh Đồng là bạn học cũ lại năng viếng chùa, chúng tôi coi nhau như anh em, cùng gia đình Phật tử cả.

Cạn chén trà, chú tiểu hỏi :

- Anh Tỵ gặp tôi là muốn tìm hiểu người Quốc Gia mới phải không?

Tôi đáp :

- Vâng, tôi tha thiết gặp mặt người lãnh tụ.

Chú tiểu lại cười :

- Theo tôi biết thì họ không có lãnh tụ, họ chỉ có người mở đường, người này chưa tiện gặp ai. Anh Đồng cũng chưa gặp.

Trong khi chú tiểu và tôi nói chuyện, Trần Chiêm Đồng ngồi im hút thuốc, uống nước.

- Thỉnh thoảng, người ấy ghé chùa, tôi có dịp nghe người ấy nói về tương lai dân tộc Việt Nam và cái thế tất bại của chủ nghĩa cộng sản. Người ấy quả là con người ước mơ. Anh Tỵ có nhiều mơ ước không?

- Tôi ít ước mơ lắm.

- Tuổi trẻ cần nhiều ước mơ. Ước mơ 10 ngọn núi rồi thực hiện 1 ngọn núi là đủ. cộng sản thật bất hạnh vì họ không biết ước mơ. Họ chỉ biết tạo ra đau khổ và bắt con người phải chịu đựng.

Giọng nói của chú tiểu quyến rũ vô cùng. Tôi nghe chú nói bằng cả tâm hồn tôi. Tôi không ngờ, chỉ bằng tuổi tôi thôi, mà chú ấy quảng bác quá. Chú ấy phân tích những sự sai lầm của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản và chứng minh hai chủ nghĩa này cùng đốn mạt và đã toa rập với nhau hủy hoại văn minh Việt Nam, cày nát quê hương Việt Nam và làm điêu đứng dân tộc Việt Nam. Chú ấy nói về chủ thuyết tiểu tư sản. Tôi ngẩn ngơ. Tôi mê mẩn và tôi chìm đắm vào cái chủ thuyết tuyệt vời đó. Chú ấy bảo cha đẻ của chủ thuyết này là người tôi muốn gặp mặt. Tôi rất tin tưởng vào cái thế tất thắng của người Quốc Gia mới.

Sau hôm đó, tôi thường lui tới chùa An Lạc. Mỗi lần ngồi nghe chú tiểu luận bàn thời thế là mỗi lần tôi vẽ thêm mơ ước. Tôi chưa gặp người mở đường cũng chưa được giao công tác gì. Tôi nghĩ họ còn thử thách tôi. Nếu họ giao công tác, bất cứ công tác nào, nguy hiểm cách mấy, tôi sẽ nhận và thực hiện bằng được. Tôi hơi buồn vì tưởng mình bị thử thách. Lần chót, chú tiểu xua tan lớp mây ngờ vực của tôi :

- Chiến đấu bằng tư tưởng khác với chiến đấu bằng súng đạn. Súng đạn chỉ giải quyết ở chiến trường, không giải quyết được lòng người. Đó là kinh nghiệm chiến thắng của cộng sản. Cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ chiến thắng bằng chính tư tưởng của mọi người trong toàn thể dân tộc ta. Khi mọi người đều thấm tư tưởng mới thì vũ khí là trái tim mạnh hơn cả nguyên tử. Bởi vậy, chúng ta phải kiên nhẫn, phải chờ đợi tư tưởng thấm vào hồn.

Tư tưởng mới nằm trong chủ nghĩa tiểu tư sản. Tôi hiểu và tôi cảm thấy có cái gì khác lạ xứng đáng để tôi dấn thân. Sự liên hệ của tôi với Trần Chiêm Đồng và chú tiểu Thích Thanh Bần mới đến thế. Tôi đem những gì nghe được ở chùa An Lạc kể cho bạn hữu nghe, đứa nào cũng khoái và muốn đến chùa. Bạn hữu tôi lại kể cho những người quen thân khác. Và chú tiểu nói như thế là vận động tư tưởng là công tác trọng đại. Rồi, tự nhiên, công an bảo vệ chính trị tới nhà tôi bắt tôi giam nhốt. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao, do đâu tôi bị bắt. Ông bảo tôi khai hết sự thật, tôi đã khai hết sự thật. Chẳng cần dấu diếm làm gì. Tôi đã thấy Trần Chiêm Đồng và chú tiểu Thích Thanh Bần ở cachot đối diện cachot tôi. Họ ra hiệu cho phép tôi nói thật, nói hết. Chiến đấu bằng tư tưởng là chiến đấu đẹp, là chiến đấu cho sự thật, cần chi phải gian dối.

Tôi còn muốn nói thật với ông rằng, không có thứ gì tẩy xóa nổi sự say mê chủ nghĩa tiểu tư sản đã khắc sâu trong tâm hồn tôi. Ông đừng dối lòng ông là ông không thèm làm người tiểu tư sản. Hãy liệng cái xe Honda của ông xuống sông rồi gạ đi chung xe với đồng chí của ông xem sao! À, lúc ấy ông sẽ thấy quyền tư hữu của cộng sản và ông mơ ước làm người tiểu tư sản hào sảng, thông minh, lãng mạn. Cái nôi của loài người không là chủ nghĩa cộng sản đâu. Mà là chủ nghĩa tiểu tư sản. »

14

Đúng 5 giờ sáng, công anh ập vào chùa An Lạc. Từ lúc nào, bộ đội vây quanh khu vực chùa, chắn hết các lối ra vào, không ai biết. Chủ tiểu Thích Thanh Bần chưa kịp rung hồi chuông sớ. Chú vừa nâng cái chày thì họng súng lạnh ngắt đã dí sát sau gáy chú, bắt chú buông tay xuống và đẩy chú trở vô. Chẳng hề sợ hãi, chú tiểu thản nhiên làm theo lệnh công an .Thân chú, chú không lo mà rất lo cho Hoàng Sơn Trường vì đêm qua Trường ngủ ở chùa. Trường định viết những trang đầu của chủ thuyết tiểu tư sản tại đây. Công an đã lùa chú tiểu Thích Thanh Bần vào chính điện, nơi đó, tất cả những người tu hành bị cưỡng bức tới, ngồi co ro một góc. Nhiều mũi súng chỉa sát . Những khuôn mặt lạnh lùng. Một lát, sư cụ được dẫn ra, được mời ngồi ở chỗ ngài ngồi tụng kinh niệm Phật nhưng quay lưng về phía Phật đài.

Công an lên tiếng:

- Ai là Thích Tâm Bình?

Sư bác Tâm Bình trả lời:

- Tôi.

Công an hất đầu:

- Anh đứng lên!

Sư bác Tâm Bình đứng lên. Công an gọi tiếp:

- Thích Giác Ngộ, Thích Chánh Đạo, Thích Giáo Lý, đứng lên!

Ba nhà sư đứng lên.

- Đáp "phải" hay "không phải", thế thôi. Gọn ngắn và khẩn trương. Thích Tâm Binh, tên thật của anh là Lê Minh Mẫn, phải không ?

- Phải.

- Thích Giác Ngộ, tên thật của anh là Nguyễn Trọng Thu, phải không ?

- Phải.

- Thích Chánh Đạo, tên thật của anh là Phạm Tuấn, phải không ?

- Phải.

- Thích Gìáo Lý, tên thật của anh à Vũ Văn Hiền, phải không ?

- Phải.

- Kể từ phút này, chúng tôi bắt các anh!

Công an còng tay bốn nhà sư lại.

- Các anh nghe đọc "Quyết Định"

"Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Bộ Nội Vụ
Sở Công An Nội Chính thành phố Sàigòn
Quyết Định số….

…….

…….Bắt nhốt những tên Lê Minh Mẫn tự Thích Tâm Bình, Nguyễn Trọng Thu tự Thích Giác Ngộ, Phạm Tuấn tự Thích Chánh Đạo, Vũ Văn Hiền tự Thích Giáo Lý can tội tổ chức bè phái chống phá cách mạng, đe doạ an ninh tổ quốc…"

Công an hỏi:

- Các anh có phản đối gì không?

Bốn nhà sư cùng đáp:

- Không.

Công an lễ độ – thứ lễ độ giả tạo – nói với sư cụ:

- Thưa thượng toạ, chúng tôi rất tiếc đã xúc phạm cửa Phật và thượng toạ. Chế độ ta không hề đàn áp tôn giáo, mọi công dân đều được tự do tín ngưỡng trong pháp chế của nhà nước . Những người bị bắt vì phạm pháp chế của nhà nước, chống phá chế độ nên bắt buộc chúng tôi phải bắt nhốt để giáo dục họ. Đồng thời chúng tôi mời hết các nhà sư về Sở để hỏi thăm vài việc. Chúng tôi sẽ khám xét chùa xem có tài liệu nào làm ô uế thanh danh chùa không , xin thượng toạ tha thứ…

Sư cụ khoan thai:

- Các ông cứ làm nhiệm vụ.

Sư bác Tâm Bình xin phép công an thưa với sư cụ vài lời. Công an đồng ý.

- Bạch Thầy, chúng con thật có lỗi với Thầy…

Sư cụ mĩm cười độ lượng:

- Chúng sinh đầy tội lỗi, riêng gì các con. Tham vọng, tham vọng lạc lối dẫn con người vào cõi u mê.Tự do là tội ác và hình phạt. Tự do là chiến tanh và ngục tù. Các con chỉ có lỗi riêng với thầy là đã dấu diếm hành động riêng tư của các con, không cho thầy biết. Nếu thầy biết, thầy sẽ hoan hỉ vào tù với các con….

Công an khó chịu:

- Đủ rồi, thưa thượng toạ. Nhà chùa không thể là cái ổ phản động và thượng toạ nên tụng kinh gõ mõ để lên Niết Bàn. Nhà tù khác Niết Bàn. Ở đó, thượng toạ không được ăn chay, không được gọt đầu, không được hưởng một tí đặc quyền đặc lợi nào hết. Và theo đúng Nội Quy nhà tù, mọi người phải gọi thượng toạ là anh. Thượng toạ cần sáng suốt để còn được xưng tụng là thầy cho đến lúc lên cõi Niết Bàn.

Công an cứ nói, sư cụ đã vô thiền rồi. Họ lục soát chùa chiền, moi móc đủ chỗ, tự do xúc phạm chốn thiêng liêng. Trước khi giăng lưới bắt bốn nhà sư, họ đã theo dõi bốn nhà sư cả tháng trời. Họ biết những ai hay đến chùa, ngủ lại chùa. Ngô Tỵ, Trần Chiêm Đồng, Hoàng Sơn Trường có tên trong sổ đen công tác của họ. Họ điều tra lý lịch ba người thanh niên này. Họ nắm vững diễn tiến tư tưởng của Ngô Tỵ sau khi Ngô Tỵ ly khai Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.

Dĩ nhiên, họ có địa chỉ của từng người và rõ giờ giấc, địa điểm tới lui của từng người . Họ quyết đoán Tỵ, Đồng, Trường nằm trong tổ chức của bốn nhà sư. Họ không hề biết chú tiểu Thích Thanh Bần và Hoàng Sơn Trường thuộc một tổ chức riêng biệt, độc đáo. Chú tiểu Thích Thanh Bần cũng vô cùng ngạc nhiên. Nhưng chú rất sung sướng. Trường đã tâm sự với chú: "Ở thời của chúng ta, chỉ đánh chết chủ nghĩa cộng sản mới đắc đạo. Không dám đánh cộng sản thì dẫu chẳng nỡ giết con kiến cũng mang tội ác"! Chú tiểu Thích Thanh Bần không bị vướng mắc tâm hồn nữa. Còn nỗi niềm lo lắng trong chú là Hoàng Sơn Trường. Nếu Trường bị bắt, chủ thuyết tiểu tư sản ra sao và đâu là vũ khí tư tưởng võ trang toàn diện cho cuộc chiến đấu tiêu hủy chủ nghĩa cộng sản .

Lịch sử có nhiều bất ngờ hữu hạnh và bất hạnh. Chủ thuyết tiểu tư sản đang nằm trên một sự bất ngờ của lịch sử. Chữ thời luôn luôm đúng cho mọi trường hợp, cho mọi thời đại, cho mọi người . Nó quyết định vận mạng của dân tộc và của nhân loại. Nếu Hoàng Sơn Trường bị bắt, bị chết chưa kịp viết xong chủ thuyết tiểu tư sản thì cái thời của Trường oan nghiệt quá. Người ta chỉ giăng lưới bắt cá nhỏ, không ngờ bắt luôn được cá mập. Chú tiểu Thích Thanh Bần lo lắng, hồi hộp và nuối tiếc.

Công an đã dẫn Hoàng Sơn Trường ra, đẩy cậu ngồi chung với các nhà sư. Mấy trang bản nháp mở đầu cho chủ nghĩa tiểu tư sản cũng bị tịch thu. Giòng cuối còn tươi màu mực: "…Không còn tài phiệ khuynh loát quốc gia, không còn kỹ thuật nô lệ hoá con người , tước đoạt mọi sáng tạo của con người, không còn giáo điều cưỡng bức con người thù hận con người…."

Người công an chỉ huy cuộc vây bắt hỏi Hoàng Sơn Trường:

- Anh thuộc tổ chức sư mô phản động?

- Không.

- Anh đến đây làm gì?

-Thăm bạn tôi là Thích Thanh Bần.

- Thích Thanh Bần là ai?

- Tôi đây.

- Đứng lên… Cả Hoàng Sơn Trường nữa.

Hai người bạn đứng lên.

- Ngô Tỵ và Trần Chiêm Đồng quen hai anh?

Chú tiểu Thanh Bần đáp:

- Quen tôi thôi.

Công an hỏ:

- Bốn anh thuộc một tổ chức khác?

Chú tiểu Thanh Bần nói:

- Chúng tôi không có tổ chức, chưa có tổ chức.

Người công an cầm mấy trang bản nháp, đọc qua, rồi hỏi:

- Ai dám viết chủ nghĩa tiểu tư sản?

Hoàng Sơn Trường trả lời:

- Tôi.

- Nhóc con mà viết nổi à? Ai đã nói với anh về chủ nghĩa tiểu tư sản?

- Tôi suy tư và viết.

- Nói thật đi, rồi về Sông Bé sống với gia đình. Đừng tưởng qua mặt nổi công an. Chúng tôi biết các anh hơn các anh biết các anh nữa. Các anh xui dục Ngô Tỵ ly khai cách mạng, rủ rê Trần Chiêm Đồng cấu kết người Hoa chống chế độ. Ai là tác giả chủ nghĩa tiểu tư sản dơ dáy, ăn bám.

- Tiểu tư sản hào hoa, lãng mạn. Dơ dáy dùng cho chủ nghĩa khác.

- Được rồi. Mẹ anh sẽ ân hận chứ không phải anh, nếu anh không nói ai dạy anh chủ nghĩa tiểu tư sản.

Công an còng tay Hoàng Sơn Trường và Thích Thanh Bần với nhau để phân biệt hai vụ. Nhà lập thuyết và nhà sư chung một còng. Cuộc lục soát vẫn còn, kỷ lưỡng hơn, thận trọng hơn vì chủ thuyết tiểu tư sảnh chạm đúng nọc độc tôn của chủ nghĩa cộng sản . Hai người bạn trẻ có thể nói chuyện thầm thì.

- Chúng ta vô duyên với lịch sử.

- Đừng buồn. Cần tồn tại. Chúng ta không cần sống mà cần ý nghĩa của sự sống của chúng ta tồn tại. Vậy phải biết cách sống. Nhà chùa là sơ khởi, nhà tù là hoàn thành. Hoa nở ở nhà chùa, sẽ kết trái ở nhà tù. Phật xưa không viết. Chúa xưa không viết. Khổng Tử xưa không viết. Môn đồ của họ viết. Môn đệ của họ nghe rồi truyền giảng. Biết đâu, ở tù, chúng ta sẽ gặp người lỗi lạc. Và chủ nghĩa của chúng ta sẽ thăng hoa.

- Cậu vẫn ước mơ?

- Luôn luôn ước mơ.

- Biết bao giờ khai sinh chủ nghĩa tiểu tư sản?

- Cậu đã rung chuông khai sinh nó rồi.

Công an thúc báng súng lên vai chú tiểu Thích Thanh Bần:

- Bàn tán gì thế?

Họ tháo còng ra và còng riêng từng người, bắt mỗi người ngồi một góc. Đến 10 giờ, cuộc lục soát hoàn tất. Công an phát giác nhiều truyền đơn, tài liệu học tập chống phá cách mạng. Họ lợi dụng cơ hội tịch thu toàn bộ kinh sách của nhà chùa . Họ tịch thu luôn "tài sản" của các nhà sư. Họ lập biên bản và đọc cho sư cụ nghe. Sư cụ vẫn thiền, họ lay sư cụ tỉnh và yêu cầu sư cụ ký vào biên bản xác nhận họ đã tới chùa, không gây huyên náo, không xúc phạm cửa Phật, chỉ tịch thu tang vật phản động.

Sư cụ không ký, ngài nói:

- Với Phật tử, cái có là cái không, cái được là cái mất, mọi chuyện trên đời ra cái gì đâu mà quý ông bắt tôi ký.

Người công an chỉ huy cười thật đểu:

- Này sư cụ , Phật không dạy thế đâu, sư cụ đừng chơi chữ. Với người cộng sản, được thì chẳng bao giờ mất cả. Sự ưu việt của chủ nghĩa chúng tôi thừa khả năng biến cái vô sắc thành hữu sắc.

Sư cụ lặng thinh. Chú tiểu Thích Thanh Bần tiếp lời Thầy:

- Nhưng các ông không đủ khả năng biến cái vô sản thành hữu sản. Các ông chỉ có tài biến cái vô sản thành cái vô cùng tăm tối.

Người công an chỏ tay về phía chú tiểu:

- Ký sinh trùng ăn bám xã hội, trốn tránh lao động, phản tiến bộ mà cũng dám nói hỗn à?

Chú tiểu bình tỉnh:

- Tôi đã đọc nhiều sách vở về chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy chủ tịch nói năng đạo đức chứa chan hơn cả Phật, cả Chúa. Ngôn ngữ và cung cách của ông đối với những người tu hành khiến tôi nghi ngờ cái vĩ đại của Hồ chủ tịch. Ông nên lễ độ để làm sáng danh người cộng sản . Chúng tôi đã đi tu thì đi tù cũng thế và sống hay chết đều vô nghĩa. Người cộng sản hình như , chưa ai dám tự thiêu. Chúng tôi có nhiều người đã dám tự thiêu. Và sẽ có cả tôi, nếu cần.

Người công an bĩu môi:

- Xăng dầu không thừa cho anh dùng vào việc tự nướng cái thân anh . Bọn Mỹ Ngụy xúc động chuyện tự thiêu của các anh chứ người cộng sản thì dửng dưng. Anh tự thiêu, chúng tôi sẽ đánh thuế ngu và bắt thân nhân anh phải nôp. Ở tù, một que diêm cũng bị cấm, nghe chưa?

Chú tiểu nói:

- Khi tôi cần tự thiêu, tôi tự thiêu bằng lửa của trái tim tôi, hiểu chưa?

Sư cụ lên tiếng mắng chú tiểu:

- Thanh Bần, con nói nhiều quá.

Rồi sư cụ vẫy người công an:

- Đưa đây, tôi ký.

Người công an bảo sư cụ giữ một tờ biên bản, đoạn nghiêng mình rất hài hước, xấc láo:

-Nhà nước bảo về chùa An Lạc một thời gian. Từ nay cấm mọi đàn chay, lễ lạc.

Công an dẫn dắt các nhà sư rút khỏi chùa. Chú tiểu Thích Thanh Bần bị đưa về Sở Công An. Hoàng Sơn Trường đi đâu, chú không rõ. Khoảng 22 giờ cùng ngày, ngó qua ô cửa cachot, chú thấy Ngô Tỵ và Trần Chiêm Đồng. Đợi khuya vắng, cai ngục ngủ gà ngủ gật, chú gọi Ngô Tỵ,Trần Chiêm Đồng và dặn dò nên khai báo sự thật, không cần dấu diếm vì dấu diếm sẽ có thể bị khai thác dài dài và làm liên lụy những người khác.

Ngay hôm sau, chú tiểu Thích Thanh Bần được gọi ra làm việc và chú được "vinh dự" với Mai Chí Thọ.

- Nghe nói chú đọc nhiều sách lắm phải không?

- Không nhiều lắm. Tôi nghèo và ít thì giờ.

- Chú đã đọc Tiêu Sơn tráng sĩ chưa?

- Rồi.

- Và chú muốn biến chùa An Lạc thành chùa Tiêu Sơn?

- Ông hiểu lầm đó.

- Chú nghĩ gì về Phạm Thái?

- Tôi yêu nhà Tây Sơn.

- Yêu nhà Tây Sơn mà chú lại noi gương Chiêu Lỳ?

- Phạm Thái và tôi khác nhau đủ thứ, tâm trạng và thời đại, tài hoa và ước mơ.

- Phạm Thái là tên phản động. Tây Sơn là cách mạng, là chúng tôi

- Thư ông, tôi đứng về phía Tây Sơn khi Gia Long đã diệt xong Tây Sơn.

- Tôi không hiểu chú muốn nói gi?

- Khi ấy, Gia Long hạ Tây Sơn xuống hàng…Ngụy!

- Bây giờ thì tôi hiểu chú.

Mai Chí Thọ mời chú tiểu Thích Thanh Bần hút thuốc Lucky. Chú thản nhiên rút thuốc, châm lửa, nhả khói.

- Chú định nghĩa tráng sĩ là gì?

- Là người phù suy.

- Ngụy đã thịnh.

- Lúc này Ngụy suy.

- Thịnh suy là định luật của muôn đời, chú chống nổi chân lý?

- Ngụy chưa hề thịnh. Tôi muốn nói về những người ngụy Tây Sơn thời đại của tôi.

- Tôi lại hiểu thêm chú chút nữa.

- Cám ơn ông.

- Ai đã nói với chú về chủ về chủ nghĩa tiểu tư sản?

- Bạn tôi, Hoàng Sơn Trường?

- Hoàng Sơn Trường?

- Vâng, thần tượng của tôi, nhà lập thuyết trẻ nhất lịch sử triết học cổ kim, đông tây.

- Tôi không tin bạn chú ghê gớm vậy.

- Tại vì hoặc ông kiêu ngạo, hoặc ông chẳng biết cái gì khác ngoài cái miệng giếng chủ nghĩa cộng sản của ông!

Mai Chí Thọ muốn bợp chú tiểu Thích Thanh Bần vài cái. Ngụy quân tử đã nén giận, mĩm cười, lên mặt đạo đức:

- Chú sẽ nên người nếu được giáo dục tốt.

- Cám ơn ông , tôi vẫn được giáo dục tốt.

- Tôi sẽ làm việc với chú vào dịp khác.

Mai Chí Thọ nhấn chuông. Một người công an khác dẫn chú về cachot. Từ lúc này, tay chú bị còng chéo vào chân. Dĩ nhiên, đó là lệnh của giám đốc Mai Chí Thọ.

15

Căn phòng chỉ có hai người: Hoàng Sơn Trường và mẹ cậu. Nhà lập thuyết trẻ tuổi sửa lại cặp kính cận, nhìn mẹ và nhẹ nhàng hỏi:

- Mẹ còn gì để nói với con không ?

Người mẹ ngắm khuôn mặt bơ phờ của con, ái ngại:

- Tại sao con không chịu khai?

- Con đã khai hết rồi.

- Khai sự thật cơ.

- Con đã khai đầy đủ sự thật.

- Còn điều cơ bản con dấu diếm

- Ai bảo mẹ thế?

- Các đồng chí chấp pháp.

- Bọn ngu ấy không chịu tin sự thật. Khi con nói thật mà chúng nó chẳng thích nghe, khai báo chi nữa!

- Ai đã xui con, đã dạy con viết cái chủ thuyết tiểu tư sản cực kỳ phản động ấy?

- Sự suy tư của con!

- Con qua mặt cả mẹ à?

- Con nói thật.

- Mẹ không tin.

- Tùy ý mẹ.

- Mẹ sẽ khước từ con, gia đình sẽ khước từ con. Con làm ô danh sự nghiệp cách mạng của mẹ.

- Không phải đâu, con muốn làm rạng danh gia đình. Tuổi trẻ cần lập chí. Chí của con đối nghịch chí của mẹ. Thế thôi. Vì sự nghiệp cộng sản của mẹ, mẹ cứ việc từ con, càng sớm càng tốt.

- Con bằng lòng nằm tù mãn kiếp?

- Vâng.

- Con phá hủy tương lai các em con.

- Mẹ về Sông Bé hoạt động đi! Con không còn gì để trả lời mẹ nữa.

Người Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Sông Bé đập bàn đứng dậy, bỏ ra khỏi phòng. Một mình Hoàng Sơn Trường ngồi lại trong sự im lặng của căn biệt thự hoang vắng, căn biệt thự chủ nhân đã di tản, nay biến thành một thứ nhà tù. Cậu ngồi bất động. Thời gian bước chân kiến trên nỗi hiu quạnh. Và nỗi hiu quạnh nhỏ từng giọt xuống hồn cậu.

Buổi chiều đã vướng vất ngoài kia. Tia nắng vàng thoi thóp lọt qua khe cửa. Gói thuốc còn một điếu cuối cùng. Hoàng Sơn Trường cảm thèm ly nước lạnh. Môi cậu khô, cổ họng cậu khô. Khói thuốc làm cậu nhức đầu. Khói thuốc tụ ở mí mắt cậu. Đưa tay dụi mắt, hơi khói vướng mắt và nước mắt cậu ứa ra, ứa ra mãi.

Người công an mở cửa, bước vào phòng đúng lúc ấy. Ngọn đèn néon bật sáng trưng. Trường không có mù-soa lau mắt. Cậu gở kính ra. Người công an hỏi:

- Hối hận hả, cậu tiểu tư sản?

- Ông lầm rồi, ông cộng sản à!

- Tại sao khóc?

- Nếu nói thật rằng khói thuốc khiến tôi cay mắt, ông sẽ không tin. Nhưng nếu bắt chước những anh yêu nước giả vờ nói phét rằng tôi khóc vì thương xót tổ quốc, dân tộc, chắc ông dễ tin hơn. Vậy tôi chọn sự nói phét.

- Cậu đã nói phét?

- Đúng.

- Cậu nói phét là chính cậu định viết chủ thuyết tiểu tư sản?

- Việc này tôi nói thật.

- Nói phét.

Người công an khích Hoàng Sơn Trường. Cậu đâu có ngu.

- Ông muốn thảo luận về tiểu tư sản chủ nghĩa không ?

Người công an hớn hở:

- Tôi rất thích nghe.

- Vậy, trước hết, tôi cần ly nước lạnh.

- Đồng ý. Cậu còn thuốc hút không ?

- Hết.

- Muốn gì nữa. Nhớ rằng, muốn gì cũng được, chỉ cần chịu thảo luận sôi nổi về tiểu tư sản chủ nghĩa.

- Tôi rất muốn thảo luận.

Người công an trở ra. Lát sau, ông ta mang vào một chai nước lạnh, một cái ly cối đầy đá, hai gói thuốc Président, một hộp diêm Samasa. Hoàng Sơn Trường uống liền một hơi cạn hai ly nước. Rồi cậu hút thuốc và bắt đầu nói:

- Để dễ dàng hiểu tiểu tư sản chủ nghĩa của tôi, tôì hỏi, ông trả lờ.

Người công an tròn xoe mắt:

- Can phạm hỏi công an?

Nhà lập thuyết cười:

- Tôi và ông thảo luận về chủ nghĩa mới. Ông tìm hiểu thì ông trả lời tôi cho nó dễ hiểu.

- Đồng ý.

- Mở đầu là câu hỏi nằm trong bản chất con người . Thí dụ: Ông cưới vợ thì vợ ông thuộc về riêng ông hay thuộc về tập thể?

- Dĩ nhiên, thuộc riêng tôi.

- Tức tài sản riêng của ông ?

- Chứ sao?

- Nếu nhiều người khác đòi ngủ với vợ ông, ông tính sao?

- Tôi bảo vệ tài sản của tôi.

- Đó, tài sản của riêng ông tức là tư hữu. Bảo vệ tài sản tức là bảo vệ quyền tư hữu. Ông nặng chất tư hữu, ông giải thích giùm tôi, ông cộng sản chỗ nào?

Người công an gạt ly nước đổ tung xuống nền nhà.

- Bố láo!

Hoàng Sơn Trường chậm rãi:

- Trúng tim ông rồi hả? Ông nên thành thật đi! Người vô sản đòi bảo vệ quyền tư hữu! Khôi hài hay bố láo! Tôi hay ông ?

Người công an nín thinh. Một lát, ông gật gù:

- Cậu có thể viết chủ nghĩa của cậu trên giấy không ?

Hoàng Sơn Trường lắc đầu:

- Không.

- Vậy là cậu nói phét, cậu nghe lỏm ai nói, cậu kể lại chứ gì?

- Ông đánh giá tôi thấp quá. Ông kháy tôi rẻ tiền quá. Nếu ông muốn tìm hiểu chủ nghĩa của tôi, khuyên ông cứ bình tỉnh nghe tôi thí dụ rồi trả lời thí dụ của tôi. Dần dần, ông sẽ vỡ ra và ông sẽ tự hỏi ông còn là cộng sản không.

- Được, nếu thí dụ láo lếu, cậu đừng trách.

- Hoàn toàn đứng đắn. Thí dụ: Ông thích cái xe Honda của riêng ông để lau chùi, o bế, để muốn chở vợ con đi chơi lúc nào thì đi hay thích cái xe Honda tập thể, muốn đi phải đăng ký vài ngày?

- Tôi thích bỏ tiền sắm riêng Honda của tôi.

- Nó vĩnh viễn của ông?

- Nó là tài sản nhỏ của tôi.

- Là của riêng?

- Đúng.

- Của riêng, tiếng Hán-việt gọi là tư sản. Của riêng nhỏ gọi là tiểu tư sản, ông đã là tiểu tư sản rồi mà ông không biết, ông cứ chửi rủa giai cấp của ông, ông cứ nhận phứa ông là vô sản, cộng sản!

- Hay lắm, hay lắm. Nhưng ai mớm cho cậu những thí dụ đó?

- Tôi…tự biên tự diễn.

- Tôi đùa với cậu hơi lâu rồi đấy.

- Ông đừng đùa nữa.

- Ai là thầy cậu?

- Tôi. Ai là thầy của chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Lénine vĩ đại.

- Ai là thầy của Lénine vĩ đại?

- Karl Marx và Fiedrich Engels.

- Ai là thầy của Karl Marx?

Người công an thộn mặt ra. Nhà lập thuyết Hoàng Sơn Trường gỡ kính cầm trên tay:

- Ông giận tôi không thèm trả lời hả? Vậy tôi trả lời tôi giùm ông: Tư bản chủ nghĩa đẻ ra Karl Marx, tư bản là thầy của Karl Marx. Cộng sản chủ nghĩa đẻ ra tôi, cộng sản là thầy tôi. Nói rõ ràng, vì sự bất lực của chủ nghĩa cộng sản nên phải có chủ nghĩa tiểu tư sản.

Người công an vỗ vai nhà lập thuyết:

- Cậu có khùng không ?

Nhà lập thuyết đáp gọn:

- Hình như tôi khùng!

Buổi tối, người ta cho Hoàng Sơn Trường ăn một dĩa cơm sường nướng. Cậu là can phạm đặc biệt nên không bị còng tay, còng chân. Tù nhân ở villa, ăn cơm dĩa, hút thuốc Présiden là tù nhân thượng hảo hạng. Ăn xong dĩa cơm sườn ngon lành, Hoàng Sơn Trường nằm dài ở góc phòng hút thuốc lá. Cậu rất sung sướng vì biết đích xác rằng cộng sản sợ hãi vũ khí tư tưởng. Và cậu chẳng còn ngạc nhiên tại sao cộng sản lên lớp chính trị nó coi thứ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ như cỏ rác mà lại thù hận nể nang ông Ngô Đình Nhu và chủ nghĩa cần lao nhân vị.

Đến nửa đêm, người ta bịt mắt đưa Hoàng Sơn Trường tới một nhà giam khác. Khi cậu được mở mắt, mở còng, trời đã sáng và cậu thấy mình nằm trong cachot. Người ta đã lấy lại thuốc lá và diêm. Tiêu chuẩn cơm dĩa chấm dứt luôn. Cửa gió cachot gài chốt bên ngoài kín mít. Trường không biết cậu bị nhốt tại nhà giam nào. Cậu ngủ li bì, bất cần thời gian. Cachot nhỏ hẹp, không tồi tệ mấy vì có cầu tiêu và vòi nước chảy ri rỉ.

Một hôm, người ta lại bịt mắt cậu, đẩy cậu lên xe hơi chạy vòng vo những nơi nào nơi nào rồi xe dừng lại. Người ta lôi cậu ra, nắm cánh tay cậu dìu cậu leo thang lầu, đưa cậu vào căn phòng gắn máy lạnh, mở mắt cậu và bảo cậu ngồi xuống ghế bọc da sang trọng trước cái bàn giấy lớn.

Một người đàn ông khoảng dưới 60 tuổi xuất hiện. Tóc ông ta đã bạc nhiều nhưng tướng ông còn quắc thước, nước da đỏ tươi, cặp mắt trong sáng. Hoàng Sơn Trường nhận ra ông ta, hình ông ta thường đăng trên báo "Sàigòn giải phóng".

- Cậu biết tôi không ?

- Dạ biết. Ông là ông Mai Chí Thọ.

- Tôi cũng biết cậu qua sự giới thiệu của mẹ cậu và của chú tiểu Thích Thanh Bần.

- Thưa ông , hân hạnh cho tôi quá.

- Học thuyết tiểu tư sản của cậu ra sao mà chú tiểu chùa An Lạc xưng tụng hết lời?

- Thưa ông, học thuyết của tôi gồm toàn thí dụ!

Một người công an đã bảo Hoàng Sơn Trương khùng, cậu muốn đóng vai trò điên khùng để tồn tại, noi gương Tôn Tẩn.

- Học thuyết…thí dụ?

- Vâng, thí dụ và thí dụ rồi vấn đáp.

- Cậu thử thí dụ xem nào.

- Thí dụ của chủ thuyết tiểu tư sản thường hay xúc phạm tới người muốn biết. Tôi sợ ông sẽ không hài lòng.

- Cứ thí dụ đi!

- Thưa ông , cái đồng hồ Rolex ông đeo trên tay của riêng ông hay là thuộc tài sản công cộng?

- Của riêng tôi.

- Nó là tư sản của ông ?

- Tư sản nhỏ mọn, đáng kể gì.

- Thưa ông Giám Đốc, nếu có vị đồng chí nào lột cái Rolex của ông khơi khơi, ông nghĩ sao?

- Xin thì tôi cho, tự nhiên lột thì không được.

- Thì ông phải bảo vệ?

- Tôi bỏ tù!

- Thưa ông , đó là chủ thuyết của tôi.

Mai Chí Thọ phá ra cười. Hoàng Sơn Trường cười theo. Cậu nói:

- Ông nên theo chủ nghĩa tiểu tư sản đi!

Mai Chí Thọ vẫn cười ngất. Người cộng sản ít khi được cười, ít khi dám cười. Họ làm ra bộ nghiêm túc, khắc khổ thật tội nghiệp. Vớ được dịp cười vô tội vạ, Mai Chí Thọ cười như điên.

- Tôi theo chủ nghĩa tiểu tư sản?

- Vâng. Gốc của ông là trí thức tiểu tư sản, dẫu khước từ nó,tâm hồn ông vẫn cứ tiểu tư sản. Tôi xin phép lý luận: Cái đồng hồ Rolex là tư sản nhỏ mọn của ông như ông xác định. Vậy nó là tiểu tư sản. Ông đòi bảo vệ nó là ông đòi bảo vệ quyền lợi tiểu tư sản, ông đòi quyền tư hữu. Mãi mãi ông là tiểu tư sản.

Mai Chí Thọ hết cười. Ông ta đanh mặt lại:

- Cái mặt cậu cũng đòi lập thuyết?

Hoàng Sơn Trường nổi nóng:

- Thế kỷ trước , chắc đã có người khinh bỉ Karl Marx như ông khinh bỉ tôi hôm nay?

- Marx là vĩ nhân, cậu là tép riu.

- Trước khi trở thành vĩ nhân, Marx đã là tép riu. Thưa ông, tôi rất buồn vì người Việt Nam mình nặng tinh thần vọng ngoại. Tại sao một người Việt Nam không thể lập thuyết? Tại sao người Việt Nam suốt đời cứ phải bái tụng các chủ thuyết ngoại lai? Thuyết của tôi sẽ chẳng ra cái gì cả nhưng tôi tự hào tôi đã lập thuyết.

- Thuyết thí dụ?

-Vâng, thuyết thí dụ.

- Thuyết của cậu khôi hài, ngớ ngẩn. Nó sẽ dẫn cậu qua các nhà tù, các trại tập trung mãn kiếp cậu. Cậu chỉ là thằng nhỏ mới lớn lãng mạn và mơ mộng hão huyền, ham danh, thèm tiếng, thứ ngựa non muốn chứng tỏ ta độc đáo, ta khác đời. Thả cậu về cũng chẳng làm nên tích sự gì. Giữ cậu lại để cậu nhìn rõ cậu hơn, chừng nào hết ham luận bàn chủ nghĩa thí dụ sẽ thả. Còn thí dụ, còn nằm tù.

Hoàng Sơn Trường thấy không nên nổi nóng, không nên tự ái, cứ mặc kệ người cộng sản coi thường mình. Như thế có lợi cho sự tồn tại của mình hơn. Tư bản, ngảy xưa, nó bảo cộng sản là cái bóng ma. Cộng sản, ngày nay , nó tưởng tiểu tư sản chỉ là những thí dụ ngớ ngẩn. Nó tưởng thật hay nó giả vờ hay nó thấm đòn…thí dụ.? Mới thí dụ thôi, cộng sản đã nóng mặt. Đi vào toàn bộ tư tường sắp đặt thành hệ thống, cộng sản sẽ chết đứng, sẽ tan rã. Anh còn khoẻ và tôi đang yếu, tôi chưa thể nói hết với anh những điều tôi cần nói. Đợi tôi lớn hơn, từng trải hơn, tôi sẽ cho anh biết sức quyến rũ nam châm của tiểu tư sản chủ nghĩa cuốn hút các thứ chủ nghĩa khác. Và chính tiểu tư sản mới xứng đáng độc tôn. Vì nó thực sự tạo hạnh phúc cho con người .

- Cậu cần yêu cầu gì tôi không ?

- Cám ơn ông , tôi không có yêu cầu gì cả.

- Cậu cần suy nghĩ.

- Vâng, tôi cần suy nghĩ nhiều.

- Suy nghĩ về tương lai của cậu.

- Vâng.

Người ta không bịt mắt Hoàng Sơn Trường nữa và cho cậu về đề lao Gia Định, nhốt cậu trong một cachot đủ ánh sáng và không bị còng. Những câu vấn đáp cuối cùng của Mai Chí Thọ và Hoàng Sơn Trường, mọi người ráng hiểu lấy ý mình.

Hoàng Sơn Trường nằm cachot hai tuần thì được gọi ra viết những ý nghĩ của cậu về "cái gọi là" tiểu tư sản chủ nghĩa. Cậu cố nhớ lại mấy trang nháp viết ở chùa An Lạc để dẫn vào những thí dụ và thí dụ! Càng bị viết cậu càng thí dụ vớ vẩn. Khi cạn thí dụ, cậu xào lại những thí dụ đã thí dụ. Những trang viết của cậu được báo cáo lên lãnh đạo cấp cao. Người ta kết luận cậu là thằng dở hơi, thằng cám hấp. Tuy nhiên, trong đầu óc cậu chứa chất nhiều tư tưởng phản động cần phải cải tạo dài hạn.

Nhà lập thuyết nằm trong cachot viết chủ nghĩa tiểu tư sản bằng nỗi cô đơn. Cậu bắt đầu lại những trang dẫn nhạp chẳng…thí dụ tí nào: "Cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa tư bản và cộng sản đã chấm dứt từ lâu. Bây giờ chỉ còn là tranh giành quyền lực, quyền làm chủ toàn thế giới của họ. Trong tranh giành quyền lực, họ đã thoả hiệp, toa rập gieo tai vạ xuống những vùng ảnh hưởng của họ, xuống đám tín đồ sùng bái chủ nghĩa của họ…" Hoàng Sơn Trường đã nói với chú tiểu Thích Thanh Bần:"Nhà chùa là sơ khởi, nhà tù là hoàn thành. Hoa nở ở nhà chùa, sẽ kết trái ở nhà tù". Hoàng Sơn Trường tin tưởng chủ nghĩa tiểu tư sản của cậu sẽ thăng hoa, sẽ mặt trời rực rỡ làm tan bóng tối bất hạnh âm u đang bủa kín trái đất.

Cậu nằm tù hôm nay như Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập giá nghìn xưa. Hạnh phúc đẻ ra bất hạnh. Nhưng bất hạnh tạo ra hạnh phúc, nỗi bất hạnh của những tâm hồn đẹp..Hoàng Sơn Trường là một trong những tâm hồn đẹp của thời đại chúng ta, của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam rạng ngời….

16

Tháng 8 năm 1978, hai mươi tù nhân đặc biệt của đề lao Gia Định và khám Chí Hoà được đưa đi lao động cải tạo ở trại Sa Ác. Hai mươi tù nhân của chín, mười vụ khác nhau; của chín, mười tổ chức khác nhau; của chín, mười khuynh hướng khác nhau, đã ngồi chung trên một chiếc xe bít bùng, người tổ chức này dính vào tay người tổ chức kia bằng một cái còng số 8 của Mỹ do Cộng Sản xử dụng. Thân phận của họ dính liền với nhau. tự nhiên họ gần gũi, thân mật, gắn bó mà khỏi cần diễn văn rào đón thăm dò ngớ ngẩn.

Họ đến Sa Ác lúc 11giờ. Đoạn đường từ thị xã Bà Rịa vào Sa Ác gập ghềnh, lồi lõm, cát đỏ mịt mù khiến họ bị nhồi tung và ngộp thở. Sau thủ tục ghi danh nhập trại, khám xét hành lý, người ta dẫn họ vô căn nhà ở góc trại, khoá chặt cửa lại. Họ mệt nhọc, mỗi người tự kiếm chỗ nằm nghỉ ngơi dưỡng sức.

Sa Ác, địa danh không có tên trên bản đồ. Nó là một hòn đảo trong quần đảo ngục tù Xuyên Mộc. Nghe tên đã hãi hùng: Rơi vào chỗ chết, đi qua gỗ! Hàng chục trại tập trung khét tiếng toả nan ở hai đầu quạt Bầu Lâm, Bà Tô… Sa Ác là nơi mút mít rừng già. Nó nằm bên đây rặng Mây Tào, cái chân của dãy Trường Sơn. Bên kia là Hàm Tân. cũng rất phì nhiêu tù ngục, phồn vinh tập trung lao cải. Một giòng sông nhỏ cơ hồ một giòng suối chảy ngang. Hình như nó bắt nguồn từ núi Mây Tào xuôi xuống gặp một nhánh của sông La Ngà. Tên nó là sông Ray. Mùa mưa, sông Ray ngầu đỏ, nước mấp mé sân trại, cuốn xoáy thác lũ. Mùa nắng, cạn khô, xe hơi chạy qua để đi về Long Khánh. Đây vốn là mật khu cộng sản và là vùng oanh kích tự do của không quân Việt Nam . Đây còn là vùng lính Úc thi thố khả năng diệt du kích cộng sản.

Rừng già Sa Ác bị bom Mỹ làm cháy rụi nhiều khu, cây cối ngả nghiêng , hố bom rải rác như những cái ao nhỏ, nước đọng đen ngầu đầy xác lá mục thối. Hầm bí mật chứa vũ khí, lương thực, hầm tránh bom còn nguyên dấu tích. Còn nguyên cả những tấm nhựa plastic tả tơi trên những miệng hầm. Còn nguyên cả những trái bom cắm xuống đất không chịu nổ. Còn nguyên cả những trái mìn của lính Úc gài bẫy cộng sản, để tù nhân cải tạo lãnh đủ. Còn nguyên cả lựu đạn, dao cạo râu, nước ngọt Coca-cola, Sprite chế tạo tại Úc Đại Lợi chôn vùi dưới đất. Còn nguyên, còn nguyên…Chỉ thêm nhà tù, cái kẻng, giây thép gai, công an, tội phạm, đau khổ, thù hận, tuyệt vọng, cam đành tháng tháng, năm năm trên cái địa danh Sa Ác không có tên trên bản đồ nhân văn, kinh tế. Có hàng trăm ngàn địa danh như Sa Ác mà chỉ tù nhân Việt Nam được biết từ khi người Mỹ phủi tay tuyên bố "lịch sử đã sang trang".

Hai mươi tù nhân đang ngủ ngon bị đánh thức dậy lãnh chiếu, chăn, chén,bmuỗng và cơm nước bữa trưa. Không có màn (mùng) cho tù nhân, dù Sa Ác đầy muỗi và thường xuyên có thứ bệnh sốt rét kỳ quái. Ăn uống xong, họ được vệ binh đeo AK dẫn ra sông ray tắm gội, giặt giũ rồi về học tập Nội Quy, Nếp Sống Văn Hoá Mới, Tiêu Chuẩn Cải Tạo… Họ được lệnh cấm liên hệ với bất cứ một cải tạo viên nào trong trại, giờ nghỉ như giờ lao động. Họ là một đội riêng. Một đội trừng giới. Cán bộ an ninh của trại chỉ định Trần Thế Tưởng làm đội trưởng.

- Tôi không làm đội trưởng nổi.

- Lý do?

- Tôi điếc.

- Anh điếc sao anh nghe rõ tôi nói?

- Tại cán bộ nói lớn.

- Các cán bộ khác cũng sẽ nói lớn.

Cán bộ an ninh chỉ định Đỗ Mậu Qúy làm đội phó kiêm thư ký.

- Tôi không biết ghi biên bản

- Học tập sẽ biết.

- Cán bộ chọn người khác đi.

- Mệnh lệnh đó, vừa học Nội Quy đã quên à, có làm không thì bảo!

- Tôi làm nhưng tôi đã nói trước với cán bộ rồi đấy nhé!

Buổi tối, Đội 37, hiểu với nhau là đội trừng giới, sinh hoạt chia tổ và chỗ nằm. Đội trưởng Trần Thế Tưởng nói:

- Tôi sẽ giả vờ điếc đấy, anh em đừng thắc mắc. Tôi cũng sẽ đóng kịch nữa đấy, anh em đừng thắc mắc. Chúng ta sẽ nói nhiều với nhau khi lao động ngoài bãi. Ở phòng, chúng ta phải im lặng, nó rình rập chúng ta.

Ngày hôm sau, Đội 37 đi lao động ngay, không được nghỉ ngơi một tuần những những trại viên khác mới nhập trại. Khi xếp hàng trong sân, chờ gọi xuất trại, cán bộ giáo dục lên lớp toàn thể trại viên và truyền lệnh cấm không được liên hệ với Đội 37. Như thế, cả trại biết Đội 37 là đội của những tay cực kỳ phản động, ngoan cường, bất khuất. Dù không nói bằng lời, họ đã bầy tỏ thiện cảm và lòng khâm phục của họ bằng mắt với hai mươi người tuổi trẻ.

- Đội 37!

Đội 37 được gọi xuất trại đầu tiên. Đội truởng ngồi. Các trại viên khác cũng ngồi ì vì Đội trưởng chưa ban lệnh đứng lên.

- Đội 37!

Phan Tiến Dzũng đứng dậy:

- Cán bộ hét thật lớn giùm. Đội trưởng của chúng tôi điếc!

Các trại viên cười khúc khích. Cán bộ trực trại nổi nóng, quát lớn:

- Đội 37!

Đội trưởng Trần Thế Tưởng đã nghe rõ, vụt dậy. Người ta đã giáo dục cả nếp sống quân sự hoá ở trại và Đội trưởng thuộc lòng. Thiếu-úy biệt kích, người có giọng sấm sét, biểu diễn màn…quân sự hoá:

- Tất cả… đứng dậy! Nón mũ lột ra. Hai hàng dọc, nhìn đằng trước ..thẳng.! Nghiêm! Báo cáo cán bộ Đội 37 tổng số 20, tham gia đủ 20…

- Tham gia cái gì?

- Tham gia lao động đủ 20. Chờ lệnh cán bộ.

- Cho đi!

Đội trưởng vẫn đứng. Cán bộ trực trại hét:

- Cho đi!

Đội trưởng nhận lệnh:

- Rõ!

Đã được dặn dò, cả đội dậm chân bước như diễn binh. Chẳng người nào của Đội 37 cười nhưng toàn thể trại viên cười quên luôn kỷ luật. Một luồng gió mới thổi vào sinh hoạt Sa Ác. Những họng súng của cai ngục bớt ghê gớm đi. Quyền uy của trực trại giảm vợi. Đội 37 đã diễu cợt Nội Quy, thứ pháp chế thu nhỏ của Nhà Nước xã hội chủ nghĩa. Ngang qua chòi trực, anh cán bộ trực trại hậm hực:

- Miệng thì lớn mà tai nhỏ!

Hai vệ binh và một quản giáo dắt đội ra bãi lao động. Quản giáo phải nói lớn. Đội nhận cuốc, xẻng, búa chim và … xe (miếng vỉ lớn đan bằng tre, hai bên là hai khúc tre, người đi trước , người đi sau khiêng đất). Công tác: Phá gò mối lấp hố bom! Mấy năm bị nhốt trong tù như bầy gà kỹ nghệ, thịt nhão, da mỏng dính, nay hai mươi tù nhân tư tưởng cầm cuốc phá gò mối khươm mươi niên, rắn chắc hơn cả tường gạch xây xi-măng, tay cậu nào cậu ấy rộp da hết.

Hoàng Sơn Trường và Ngô Tỵ khiêng đất gò mối đổ xuống hố bom. Họ đã gặp nhau ở đề lao Gia Định, đã chung phòng, đã trò chuyện. Thoạt đầu, Ngô Tỵ ngạc nhiên về "người dẫn đường" lùn tì, cận thị và đã tỏ ra chán nản. Rồi nghe nhà lập thuyết lùn tì luận về chủ nghĩa tiểu tư sản, Ngô Tỵ bái phục Hoàng Sơn Trường. Đứng trên miệng hố bom, Trường hỏi Tỵ:

- Cậu thấy rõ chưa?

- Thấy gì?

- Tư bản tạo ra hố bom, cộng sản bắt chúng ta lấp hố bom. Đó, hai chủ nghĩa khốn kiếp đó đầy đoạ dân tộc mình. Từ cái hố bom oan nghiệt này, chúng ta có thể suy ra muôn vàn thủ đoạn độc ác của tư bản và cộng sản .

- Chúng ta mở mắt thế giới?

- Không, chúng ta trồng hoa tiểu tư sản trên hố bom tư bản tạo ra và cộng sản bắt chúng ta san lấp.

- Cậu hay thật.

- Nhờ các cậu giúp tớ.

Nguyễn Kiến Thiết và Trần Chiêm Đồng cũng khiêng đất lấp hố bom. Đồng hỏi Thiết:

- Trường còn suy tư về chủ nghĩa tiểu tư sản chứ?

- Luôn luôn.

- Cậu ấy tin tưởng mãnh liệt?

- Mỗi ngày mỗi tin tưởng hơn. Nếu người nào phải chết, xin hãy là tôi, đừng bao giờ là Hoàng Sơn Trường. Một trăm ngàn tù nhân chết chẳng sao cả vì họ sống vô tích sự. Lại đến vượt biên sang Mỹ sang Pháp hưởng thụ và tranh giành nhau đủ thứ. Riệng Trường cần sống để giải thoát dân tộc và nhân loại. Cậu ấy được định giá trị bằng tinh hoa của 4000 năm văn hiến.

Bốn tù nhân phá một gò mối vẫn không đủ đất cho bốn người khiêng. Buổi lao động làm quen, quản giáo chưa thèm giục giã. Giờ giải lao, hai mươi người quây quần bên nhau. Trần Thế Tưởng nói:

- Anh em mình, chắc chắn, còn phải đi nhiều trại. Số phận chúng ta đã gắn lấy nhau chặt chẽ. Chúng ta tự coi chúng ta là bó đũa. Tách riêng ra, nó bẻ gẫy hết anh em ta. Tôi rất mong, có ngày, anh Lương Việt Cương làm Đội Trưởng. Anh Cương lớn tuổi nhất, điềm đạm, từng trải, tôi muốn anh lãnh đạo chúng ta.

Lương Việt Cương nói:

- Cám ơn anh Tưởng. Tôi nghĩ đã là bó đũa thì mỗi chiếc đũa là một lãnh đạo.

Phan Tiến Dzũng nói:

- Cần thiết một đại ca.

Đỗ Mậu Qúy nói:

- Và đại ca có cái đầu. Cứ coi anh Cương là cái đầu của chúng ta đi và anh Tưởng vẫn làm đội trưởng. Cần thiết nhất là chúng ta triệt để tin cẩn nhau, đừng để cộng sản nó tạo ra sự ngờ vực giữa anh em.

Trần Thế Tưởng nói kinh nghiệm bản thân của mình ở đề lao Gia Định và kết luận:

- Nhiều tù nhân còn khờ khạo lắm. Rốt cục, ghét nhau, nói xấu mhau, thù hận nhau vì thủ đoạn chia rẽ của cộng sản.

Hết giờ giải lao, cán bộ ra lệnh:

- Lấy dụng cụ làm việc.

Đội trưởng Trần Thế Tưởng truyền lệnh:

- Thu dụng cụ nghỉ việc!

Anh em thu dụng cụ cất gọn một chỗ rồi xếp hàng. Cán bộ hỏi đội trưởng:

- Tại sao nghỉ việc?

Đội trưởng đứng nghiêm báo cáo:

- Cán bộ ra lệnh thu dụng cụ nghỉ việc.

- Tôi nói : lấy dụng cụ làm việc.

- Tôi nghe không rõ, tưởng cán bộ thấy ngày đầu cuốc gò mối anh em phỏng rộp hết tay cho nghỉ.

- Anh điếc à?

- Tôi đã báo cáo tôi điếc.

- Lần sau nhớ nghe rõ nhé! Thôi, nghỉ thì nghỉ. Tập họp về tắm.

Đội 37 về sông Ray tắm sớm nhất, nhập trại sớm nhất. Anh em hài lòng tài kịch điếc của Trần Thế Tưởng. Buổi chiều làm việc tài tử như buổi sáng. Cung cách lao động này, một nghìn năm nữa chưa lấp hết hố bom tư bản. Buổi tối, Nguyễn Kiến Thiết đề nghị Hoàng Sơn Trường cho anh em biết về chủ nghĩa tiểu tư sản. Phan Tiến Dzũng và Đỗ Mậu Qúy canh gác vệ binh đi tuần rình rập. Với cặp kính cận thật dầy. gọng nhựa, Hoàng Sơn Trường rất triết gia. Cậu nói về sự bất lực của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Cậu thí dụ tù nhân Việt Nam bị cộng sản bắt phá gò mối lấp hố bom tư bản. Rồi cậu luận về cái hay cái đẹp của chủ nghĩa tiểu tư sản. Anh em say sưa nghe Trường. Họ đồng ý phải võ trang tư tưởng mới đánh thắng cộng sản được. Hai mươi tù nhân phấn khởi. Họ tin rằng họ sẽ làm những việc mà chưa ai làm nổi tử 30 năm nay.

Công việc tạm thời của họ là phá gò mối, lấp hố bom. Được nửa tháng, trong giờ giải lao, Lương Việt Cương nói:

- Tôi muốn thay đổi thái độ lao động.

Vương Huy Dũng hỏi:

- Là thế nào?

Cương giải thích:

- Công việc là công việc. Chúng ta thử cố gắng làm việc đến nơi đến chốn xem sao. Việc nhỏ làm đến nơi đến chốn,việc lớn sẽ làm đến nơi đến chốn. Đừng nghĩ cộng sản bắt ta làm. Hãy nghĩ đó là công việc. Chúng ta cần tập cho chúng ta thói quen làm việc, và phải hoàn thành công việc. Thí dụ đánh cộng sản là phải hoàn thành công việc đánh, là phải thắng. Người khác bảo mình sợ hãi cộng sản, thây kệ họ. Cộng sản tưởng mình khiếp nhược, tiến bộ, thây kệ nó. Anh em nghĩ sao?

Đinh Vượng nói:

- Tôi đồng ý.

Mọi người đồng ý. Đội trưởng đề nghị làm khoán với quản giáo. Quản giáo bằng lòng. Đội 37 làm hết việc là nghỉ, dù sớm hay muộn. Sang tháng sau, quản giáo tăng việc. Đội họp bàn.

- Không làm thêm. Không để nó bóc lột. Trở lại lề lối cũ.

Anh em lại ỳ ra. Quản giáo đành thua, trở về mức khoán đầu tiên. Công tác lấp hố bom chấm dứt, Đội 37 chuyển sang công tác nguy hiểm là đào bom chưa nổ và khiêng xếp một chỗ. Cộng sản muốn hại Đội 37. Hố bom lấp ngàn năm chưa hết, tại sao phải đào bom chưa nổ? Hoàng Sơn Trường lại thấy thêm cái thâm độc của tư bản và cộng sản. Buổi sáng thứ hai, trước khi nhận lệnh xuất trại, các đội tập họp đầy đủ trong sân, chờ cán bộ trực trại mở sổ, Đội trưởng 37 đứng lên báo cáo dõng dạc:

- Báo cáo cán bộ: Đội 37 không đi lao động hôm nay.

Sân trại xôn xao.

- Các anh chống đối lao động hả?

- Chúng tôi chống đào bom, khiêng bom.

- Vậy là chống mệnh lệnh cán bộ.

- Nhà nước đưa chúng tôi đi lao động cải tạo chứ không đưa chúng tôi vào chỗ chết. Muốn giết chúng tôi cứ việc đem ra bắn. Còn khiêng bom thì chúng tôi không khiêng. Trừ phi ông Phạm Văn Đồng đến đây bảo đảm tính mạng của chúng tôi.

- Được, các anh ở nhà làm việc với Ban Giám Thjị.

Cán bộ lật sổ.

- Đội 1.

Đội trưởng Đội 1 đứng lên:

- Báo cáo cán bộ. Đội 1 cũng nghỉ lao động hôm nay. Gải mỉn phá núi rất nguy hiểm, cả đội bị tức ngực, sắp chết rồi.

Cán bộ trực trại bước ra khỏi chòi trực, rút súng lục bắn chỉ thiên ba phát. Vệ binh ào ào kéo tới, súng chĩa thẳng vào các tù nhân đang ngồi trong đội ngũ. Cán bộ trại hăm hở bước tới, cách tù nhân mười thước, y đứng lại:

- Thằng nào sách động đứng lên!

Phan Tiến Dzũng tự Dzũng quan tài vọt dậy, phanh ngực áo ra:

- Tao đấy, mày dám bắn không ?

Đỗ Mậu Qúy cũng đứng lên:

- Tao nữa!

Nguyễn Hữu Hạnh đứng theo:

- Cả tao nữa.

Cả đội 37 đứng lên hết. Cán bộ trực trại sợ hãi. Y lùi dần, lùi dần. Vệ binh lên đạn trấn áp. Giám thị trại đã đến. Nghe trực trại báo cáo, ông ta bước tới giữa sân, khuôn mặt bình tĩnh . Và ông ra lệnh cho vệ binh thôi chĩa súng doạ nạt. Và ông nói:

- Đào bom, gỡ bom không phải là công tác của các anh. Cán bộ chỉ thử thách xem sự tuân hành mệnh lệnh của các anh ra sao thôi.. Nếu các anh cứ chấp hành, cán bộ sẽ chuyển công tác ngay, ai để các anh chết vì bom Mỹ . Đội 37 sẽ được nghỉ lao động một tuần. Các anh phải kiểm điểm lỗi lầm. Đội 1 được nghỉ 5 ngày, chờ cán bộ giao công tác mới. Các đội khác đi lao động thường lệ.

Ba hôm sau, khi các đội đã xuất trại, một chiếc xe vân tải chạy vào sân. Lệnh khẩn trương: Toàn Đội 1 thu dọn hành lý chuyển trại. Đến nửa đêm Đội 37 cũng khẩn trương lên xe chuyển trại. Sa Ác loại trừ mầm mống sách động.

Đó là nghệ thuật của cai ngục!

17

Chuyến xe đêm di chuyển tù nhân có thêm tám người. Tám người này, từ đề lao Gia Định, khám Chí Hoà, ngục Đại Lợi vào Sa Ác đã bốn tháng. Họ còn trẻ và can tội phản động. Bốn người trốn trại. Bốn người chống lao động. Tất cả nằm hầm đá đặc giam hơn một tháng trời. Nhân vụ sách động của Đội 37, trại Sa Ác báo cáo khẩn về cục Quản Lý các Trại Giam thuộc Bộ Nội Vụ và Cục trưởng Cao Minh Chiếm ra lệnh đẩy cả hai đội 1 và 37 đến trại khác, Sa Ác đẩy luôn tám tù nhân biệt giam theo đội 37. Bây giờ họ đủ hai mươi tám người. Người thứ nhất là Đặng Cơ Bản lừng danh đề lao Gia Định mà, hầu hết, hai mươi người của Đội 37 đều biết tiếng. Người ta tưởng Bản đã được thả về, nào ngờ Bản vô Sa Ác nằm hầm đá biệt giam. Người thứ hai là Tư Sơn. Người thứ ba là Huỳnh Nghệ. Người thứ tư là Ngô Cát. Người thứ năm là Phạm Thành. Người thứ sáu là Doãn Lâm. Người thứ bẩy là Vũ Bình Bắc, Người thứ tám là Lê Văn Thu. Trong số tám người thì sáu người là sinh viên, học sinh; hai người cuối Lê Văn Thu – lơ xe đò và Vũ Bình Bắc- phu nhà đòn. Đến giai đoạn lơ xe đò, phu nhà đòn chống cộng sản thì cái thế tất bại của cộng sản gần kề. Con đường nào cũng dẫn tới một trại tập trung, do đó, hai mươi tám người chẳng tìm hiểu phương hướng chiếc xe chở mình đi.

Vụ chống công tác đào bom, khiêng bom đã làm thắm thiết tình nghĩa của những người tuổi trẻ và ném xuống mặt hồ cam đành của tù nhân Sa Ác một viên đá lớn. Người ta bỗng thấy giá trị của Dzũng quan tài, Qúy dao, Hạnh búa khi cần thiết. Sự khôn ngoan được phối hợp với lòng can đảm thành sức mạnh chế ngự tất cả. Nhà binh pháp Ngô Khởi, mấy nghìn năm cũ, đã nhìn rõ chất ngọc trong tâm hồn du đãng. Đời sau coi thường du đãng, chỉ khinh miệt họ và xử dụng họ vào việc đâm chém hèn mọn. Nếu Dzũng quan tài không phanh ngực áo đứng dậy thách thức súng đạn cộng sản, Qúy dao chưa đứng , Hạnh búa chưa đứng, toàn đội 37 chưa đứng. Họ thành công . Bài học đánh cộng sản đầu tiên của họ là đứng dậy một lượt, đứng đúng lúc.

Buổi trưa hôm sau, họ rời Rừng Lá, căn cứ số 5 thuộc tỉnh Phan Thiết. Như ở Sa Ác, họ bị đẩy vào căn nhà mái tôn thấp lè tè. Khác một chút với ở Sa Ác là họ bị nhốt đúng bẩy ngày mới được dẫn ra suối tắm giặt. Ngày thứ tám, Ban Giám thị gọi từng người lên làm việc. Từng người được vuốt ve khéo và bị doạ nạt khéo. Trần Thế Tưởng mất chức đội trưởng. Bây giờ, đội mang số 53, và đội trưởng là Đỗ Mậu Qúy. Đội 53 chưa có quản giáo, chưa được giao công tác cụ thể nào đã phải lên xe vận tải chuyển trại. Vẫn ra đi nửa đêm! Chuyến đi này không mấy xa. Gần sáng, họ đã đến trại mới. Ở trại này, Đội 53 cải danh thành Đội Kỷ Luật.

Chế độ dành cho Đội Kỷ Luật rất khắc nghiệt. Họ được ăn ít và bị lao động nhiều. Họ không được viết thư về gia đình, nhận thư của gia đình và nhận quà thăm nuôi. Họ sinh hoạt riêng. Căn nhà của họ bị vây giây thép gai, cô lập họ với các trại viên khác của trại cải tạo Gia Lay. Cứ một tuần đi làm thì một tuần nghỉ. Tuần nghỉ không được tắm giặt, không được đổi máng cầu tiêư. Hơn mọi cực hình là họ bị tịch thu hết thuốc lào, thuốc lá, ống điếu, diêm quẹt. Tuần lễ nghỉ lao động, cửa nhà bị khoá ín, chỉ mở ra hai bữa nhận cơm nước. Mùi phân tiểu hôi thối, khai nồng. Một hôm cuối tuần nghỉ lao động, người ta mở khoá cửa, dẫn Lê Văn Thu đi làm việc. Thu đi từ sáng, xế chiều vẫn chưa về. Anh em thắc mắc.Đặng Cơ Bản nói:

- Không có gì phải thắc mắc về Thu cả, dù nó chỉ là thằng lơ xe đò. Sống với nó ở Sa Ác mấy tháng, tôi hiểu nó. Nếu nó đầu hàng, nó đã đầu hàng công an Hà Nội, khỏi bị tù , khỏi bị tra tấn..Chuyến xe cuối cùng nó ra Bắc, chở toàn sĩ quan công an. Tài xế ra lệnh ngầm cho Thu nhẩy khỏi xe rồi tống xe xuống đèo, tiêu diệt gọn lũ sĩ quan công an đi phép đặc biệt. Người ta đẩy nó sang cả quân báo khai thác nó. Rốt cuộc, tổ chức của nó vẫn tồn tại và nó can tội "tình nghi thủ tiêu cán bộ". Nó đã trốn trại vài lần, lần nào cũng bị bắt và ốm đòn. Hẫy sống với Thu lâu hơn, các bạn sẽ yêu nó, phục nó.

Nửa đêm, Thu về, mặt mày sưng vù, hai bên mép ứa máu. Cửa nhà khép lại, khoá xong, mấy người công an khoá nốt cổng hàng rào khuất bóng, Thu mệt nhọc:

- Mới thêm chiếc xe đò rớt xuống đèo Hải Vân!

Anh em dìu Lê Văn Thu, đỡ nó nằm từ từ, xoa bóp chân tay, mình mẩy nó. Thiếu nước để ấp mặt Thu. Thiếu cả dầu cù-là. Gần sáng,người ta gọi Phan Tiến Dzũng. Rồi Huỳnh Nghệ. Rồi Trần Thế Tưởng. Tất cả đã trở lại phòng sau khi ăn no đòn tập trung cải tạo.. Lương Việt Cương nói:

- Nó bịp. Hồ sơ bọn mình kết thúc từ lâu. Nó bịa vụ xe đò rớt ở đèo Hải Vân để đánh Thu. Nó dằn mặt chúng ta, lôi Dzũng, Nghệ, Tưởng lên đánh tiếp. Nó còn đánh anh em mình nữa, chuẩn bị chịu đòn đi!

Chập tối,cậu phu nhà đòn Vũ Bình Bắc đi "làm việc". Khoảng 22 giờ, Bắc trở lại phòng, nói với anh em: – Nó không đánh tôi, không hỏi tôi nửa lời.

Nửa tiếng sau, Đội Kỷ Luật nhận "lệnh khẩn trương": Chuyển trại. Vũ Bình Bắc lo lắng trên xe. Trần Thế Tưởng trấn an bạn:

- Nó muốn chia rẽ chúng ta đấy. Bị đánh hay không bị đán thì cũng thế thôi. Nếu chúng ta ngu, chúng ta sẽ thù ghét nhau, thanh toán nhau, nhục mạ nhau, tố cáo lẫn nhau. Tôi nói thật, anh em ai chưa nếm đòn thù cộng sản , nên nếm thử, nếm xong coi sụ đấm đá của nó chả ra cái gì cả đâu.

Lần này, người ta chở Đội Kỷ Luật tới nhà lao Nha Trang. Đây là quân lao ngày xưa, nới nhốt lính đào ngũ và nhốt cộng sản Việt Nam . Những nhà tù ở nước Việt Nam từ 100 năm nay, đều do thực dân Pháp, phát xít Nhật, cộng sản Nga, tư bản Mỹ vẽ kiểu, bỏ tiền xây cất để nhốt người Việt Nam và cuối cùng, để người Việt Nam nhốt người Việt Nam .

Hồ sơ của Đội Kỷ Luật đã rõ bút tích phê phán và chỉ thị trừng phạt của ông Cục trưởng Cục Quản Lý Các Trại Giam Phía Nam. Sự có mặt của họ ở nhà lao Nha Trang chỉ là lịch trình lưu đầy của Cục trưởng Cao Minh Chiếm. Hai mươi tám người trong một phòng giam khá rộng, cửa sắt, chấn song sắt. Họ trở vể đời sống đề lao Gia Định, Chí Hoà, Đại Lợi. Cai ngụ Nha Trang tàn bạo hơn cai ngục Chí Hoà. Họ không chế đói, chết khát nhưng thường xuyên đói khát. Nhà lao cho ăn cầm hơi, uống cầm hơi. Một tuần một lần ra ngoài tắm, mỗi lần tắm năm phút đồng hồ. Qua hai tuần, mọi người quen nếp sinh hoạt nhà lao Nha Trang. Và tất cả cùng chung ý nghĩ: Ở tù, đâu cũng thế!

Đình Vượng nói:

- Tôi phải cám ơn cộng sản. Bất cứ lúc nào có tự do, trừ phi tôi chết, tôi sẽ viết cuốn sách ghi những điều tôi biết ơn cộng sản.

Vương Huy Dũng hỏi:

- Tại sao phải cám ơn cộng sản?

Đinh Vượng đáp:

- Tại vì, nhờ cộng sản, tôi biết thưong yêu thắm thiết và thù hận tha thiết; tôi biết hạnh phúc và đau khổ; tôi biết khinh thường vật chất; tôi biết sức chịu đựng của tôi và tôi biết tôi có thể chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta đừng mong cộng sản vuốt ve, chìu chuộng . Chúng ta phải cám ơn họ hành hạt chúng ta, đánh đập chúng ta để chúng ta mãi mãi tỉnh táo bằng nỗi thống khố.

Hoàng Sơn Trường nói:

- Tôi cám ơn cộng sản nhiều. Họ đã là cảm hứng để tôi viết chủ nghĩa tiểu tư sản. Có thể trong chúng ta đã có người muốn lập thuyết tiểu tư sản. Tôi hy vọng người ấy còn sống để tôi học hỏi. Hoặc người ấy đã chết thì tôi tiếp nối. Dẫu sao tôi vẫn muốn đi hết các nhà tù, các trại tập trung khổ sai lao động,

Nguyễn Kiến Thiết nói:

- Nếu người nào tình nguyện đi hết các nhà tù Việt Nam để không còn nhà tù ở Việt Nam nữa thì người ấy là tôi.

Ngô Tỵ nói:

- Tôi chỉ mong trở về múa lân. Tôi mơ nhất làm đội trưởng múa lân.

Trần Chiêm Đồng nói:

- Tôi hơi khác, tôi muốn làm lại tâm hồn…khách trú. Không, nước Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi sẽ xấu hổ phải làm khách trú.

Mỗi người vẽ ra hình ảnh của ngày mai. Nhà tù, với họ, chẳng còn phải là hỏa ngục hủy diệt con người. Mà là lò lửa tôi luyện những thanh thép phi thường cho xây dựng đất nước tương lai.
- Các cậu ạ – Trần Thế Tưởng nói – trong hai mươi tám người mình, chỉ có anh Cương và tôi đã lập gia đình. Tôi đã sáng tác xong một ca khúc, nhan đề Sàigòn mai anh về, tôi hát cho các cậu nghe nhé!
Và Trần Thế Tưởng hát:
"Sàigòn ơi, Sàigòn
Mai anh về, em thương
Để em khỏi nhớ
Để em thôi chờ mong…
Mai đây anh về
Xin làm cỏ biếc
Vướng chân em đi
Xin làm giọt mưa
Mưa râm rưng rức
Chạy theo bờ mi…
Anh cầm tay em
Bàn tay khô héo
Anh nhìn mắt em
Gió lùa lạnh lẽo
Anh nhìn lòng mình
Mùa đông vây quanh
Cỏ non mùa xuân
Còn xanh dấu chân
Trăng non mùa hạ
Ướt đôi vai trần
Có xa không nhỉ
Ngày xưa thật gần
Có xa không em
Ngày xưa thật gần….
Sàigòn ơi, Sàigòn
Em là quê hương
Lòng anh còn nhớ
Lòng anh còn thương…"
Nếu có tiếng lục huyền cầm đệm theo thì tuyệt. Nhưng đã tuyệt rồi. Kẻ thù cộng sản có thể nhìn rõ sự lãng mạn, bay bỗng của những người tù nhân tiểu tư sản. Những kẻ hò hét đâm chém, kêu gào máu trả nợ máu, có bao giờ biết thống khổ. Khi con người ngụp lặn giữa đại dương thống khổ,  con người chỉ còn thích nói về thương yêu. Bản tình ca sáng tác trong ngục tù cộng sản . Hãy tìm một động từ giết chóc! Chẳng thể nào có. Hãy tìm một danh từ thù hận! Chẳng thể nào có. Bàng bạc chất thật của con người. Anh đi đánh cộng sản, anh nằm tù vì cộng sản, anh quằn quại vì cộng sản. Anh sẽ đem hạnh phúc cho dân tộc, anh sẽ không giết ai, anh làm cỏ biếc vướng chân em đi. Thế thôi, em yêu dấu
- Tôi cũng có một bài hát, nhan đề Giả sử mai đây khi ta trở lại- Lương Việt Cương nói. Bài tù ca hay tình ca của người tù tôi lẩm nhẩm riết rồi cứ ngỡ hát bài của ai. Tôi hát tặng anh em nhé!
Lương Việt Cương hát:
"Giả sử mai đây, khi ta trở lại trên đường
Gặp tuổi thơ ta cười ròn tan trong nắng
Đuổi bắt trái sao khô xoay tròn khi gió vắng
Ai gọi tên ta mà mùa thu rơi đỏ mặt
Giả sử mai đây ta về trên con phố cũ
Ai thắp lên cho ta những ngọn đèn trong sương
Có đôi mắt nào nhìn ta qua khung cửa kính
Ôi con gấu bông vàng từng dấu mùa kín mười phương
A, cuộc đời đâu có xa, còn y như ngày trước
Những bức tường nghiêng vả những khóm tầm xuân
Ai trèo lên cao mà vừa nghe huýt sáo
Mặt trời hiền dịu ơi, chờ ta qua mấy ngọn thùy dương
Bởi chiếc roi bạo lực chẳng thể vung hoài trong gió
Chú ngựa non reo tiếng lạc sau đồi
Các con ta dưới vầng trăng thuở nhỏ
Với ước mộng xanh như người thả bóng lên trời
Và em nữa, tất nhiên, vẫn là em thời trẻ
Của Sàigòn mở cửa những đêm vui
Em và Sàigòn ăn ô mai ngoài phố
Em và Sàigòn như một vệt son môi
Đã lâu lắm,dường như, ta không còn trẻ nữa
Con chim biếc bay rồi vườn vắng cây khô
Chợt một chiều nghe giòng sông nước chẩy
Gọi ta về thầm kể những đêm mưa
Ta bỗng thấy em đi giữa chiều áo lục
Dẫy phố dài thấp thoáng bóng dù xưa
Em tay bế con mắt nhìn đời rộng mở
Khi nắng hanh vàng mùa đã sang thu
Ôi, giả sử mai đây kh ta trở lại trên đời
Sẽ chẳng còn ai nhớ đến ta,chẳng còn em nữa
Thì trọn kiếp, ta xin làm người nghệ sĩ rong chơi
Đi đọc thơ ta nói chuyện với đời người…"
Âm điệu của bài tù ca vang vọng trong đêm khuya. Vương Huy Dũng thở dài:
- Buồn quá, anh Cương ạ!
Hoàng Sơn Trường cãi:
- Không buồi, phải nói là rất lãng mạn tiểu tư sản. Tôi đ4 nghe bài Sơn La và Côn Đảo của Đỗ Nhuận. Cộng sản họ thích rên siết trong tù. Chúng ta phơi phới. Chúng ta không hùng khí rẻ tiền, không than vản rẻ tiền. Chúng ta thật với tình cảm của chúng ta.
Hôm sau, cả đội bị cúp cơm trọn ngày vì tội hát nhạc đồi trụy. Hôm sau nữa, cả đội bị cúp tắm. Hôm sau nữa, từng người trong đội bị gọi ra, bị ăn đòn. Nhà lập thuyết Hoàng Sơn Trường bị lột kính cận và bị đập nát kính cận!
Ở nhà lao Nha Trang hai tháng, râu tóc rậm rạp, tua tủa như người tiền sử. Bệnh ghẻ tái phát. Sang tháng thứ ba, Đội Kỷ Luật bị đầy vào rừng già. Bây giờ, người ta chỉ định Lương Việt Cương làm đội trưởng và đội vẫn mang tên Đội Kỷ Luật. Ở trại Phú Khánh, như ở Sa Ác, Gia Lai , đội bị biệt giam một khu, lao động không giống giờ giấc các đội khác. Công tác của Đội Kỷ Luật là những công tác đột xuất. Nửa đêm, vệ binh đập cửa gọi thức để ra suối lặn xuống khiêng đá lên bờ. Giữa trưa, vệ binh thúc "khẩn trương" đi vác giây kẽm gai. Tội nghiệp Hoàng Sơn Trường mất kính, mò việc y hệt người mù!
Lương Việt Cương suy nghĩ mãi chưa tìm được cách cho nổ một vụ lớn để được chuyển trại. Ở Phú Khánh, Ban Giám Thị đầy đoạ Đội Kỷ Luật tàn bạo. Họ muốn anh em sưng phổi chết hết nên, mỗi sáng tinh mơ, bất kể mùa đông, họ chế ra trò chơi bắt tù lặn suối khiêng đá. Rút kinh nghiệm Sa Ác, họ không cho Đội Kỷ Luật tập họp chung sân với các đội khác.
Một đêm, Lương Việt Cương bàn với anh em chơi bạo một cú. Vài chiếc quần được cuốn lại thành một sợi giây. Phan Tiến Dzũng tự Dzũng quan tài tình nguyện đóng vai trò của đạo diễn Lương Việt Cương.
- Báo cáo cán bộ, phòng kỷ luật có người tự tử!
Cửa nhà tù bị đập thình thình. Tiếng hò hét loạn cả lên.
- Báo cáo cán bộ, phòng kỷ luật có người tự tử!
- Báo cáo cán bộ, phòng kỷ luật nổi loạn!
Vệ binh chạy rầm rầm về phía phòng biệt giam. Cả trại thức giấc nghe ngóng. Trực trại xuất hiện. Súng lên đạn. Vệ binh vây bên ngoài. Cửa phòng mở. Trực trại quét đèn pin. Dzũng quan tài đang toòng teng trên cây sà ngang, giả vờ há hốc miệng,le lưỡi.. Người ta gấp rút cứu Dzũng quan tài. Rồi bắt Đội trưởng Lương Việt Cương khiêng kẻ chán đời lên trạm xá. Sau vài lần "làm việc" với Dzũng quan tài để nắm vững lý do tự tử, trại báo cáo về Cục. Cao Minh Chiếm quyết định tống cổ cả bọn ra miền Bắc.
Và hai mươi tám con sư tử có mặt ở Nam Hà…
18
Ông Ủy viên trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam gấp cái hồ sơ cuối cùng lại. Trời đã gần sáng. Ông gỡ cặp kính ra, rút khăn lau mặt. Người cán bộ bảo vệ vẫn ngồi ngoài cửa.
- Đồng chí bảo vệ!
Người cán bộ bảo vệ bước vào.
- Thưa đồng chí, tôi chờ chỉ thị.
Ông Ủy viên vươn vai;
- Tôi cần gặp đồng chí Giám thị.
- Rõ.
- Và cốc cà-phê
- Rõ.
Ông Giám thị đã tới. Sau đó là cán bộ cần vụ bưng cà-phê. Uống hết ly cà-phê, ông Ủy viên tỉnh táo.
- Đồng chí giám thị, đồng chí công tác trại giam bao lâu rồi?
- Thưa đồng chí Ủy viên, gần ba mươi năm.
- Tôi có thể biết khái quát quá trình hoạt động của đồng chí không?
- Thưa, được ạ!
- Ta vào ngay đi.
- Sơ khởi, tôi là quản giáo rồi lên trực trại. Tôi đã công tác ở trại Lý Bá Sơn, trại Sơn La, trại Lào Kay. Tôi được điều về đây ngót sáu năm, từ Phó giám thị và hôm nay Giám thị.
- Sự nghiệp cách mạng của đồng chí chỉ quanh quẩn ở các trại giam?
- Vâng.
- Trong gần ba mươi năm công tác, đồng chí đã gặp ca nào giống ca này chưa?
- Tôi chưa hề gặp.
- Trước năm 1975, có ca nào nặng tính chất chống phá trại giam không ?
- Thưa không .
- Từ năm 1975 tới nay có ca nào chống lao động không ?
- Không.
- Tinh thần bọn sĩ quan ngụy từ ngày ở Nam Hà B ra sao?
- Tích cực lao động cải tạo.
- Bao nhiêu ca biệt giam?
- Bốn mươi.
- Lý do?
- Hát nhạc vàng và liên hệ mua bán đổi chác với dân.
- Đồng chí quả quyết chưa phát hiện ca nào chống đối chính trị cả chứ?
- Vâng.
- Tin tức hôm qua lọt sang Nam Hà A chưa?
- Tôi chưa nắm vững.
- Tôi nắm rồi. Nam Hà A chưa biết gì cả. Bọn tướng lãnh, nghị sĩ không đáng quan tâm. Bọn sĩ quan cấp trung tá mới cần đề phòng. Phân loại chúng nó ra. Bọn sĩ quan chiến đấu quan trọng hơn bọn sĩ quan văn phòng. Nhẫy dù, lính thủy đánh bộ, biệt kích nguy hiểm nhất. Đồng chí học tập kinh nghiệm đấy.
- Vâng.
- Cho chúng nó nghỉ lao động một tuần. Bơm cho chúng nó ít hơi hy vọng. Nói nửa kín nửa hở để chúng nó tưởng Mỹ sẽ chuộc chúng nó, đưa chúng nó sang Mỹ với gia đình chúng nó. Như thế, khí thế của chúng nó xẹp xuống, ta đủ thì giờ đối phó.
- Vâng.
- Cho nghỉ lao động, chúng hết dịp gặp dân và ta bảo mật vụ sách động hôm qua.
- Vâng.
- Chuyển công tác mấy đồng chí trực trại đi nơi khác.
- Vâng.
- Riêng hai mươi tám thằng mới đến, đối xử với chúng bình thường.
- Vâng.
- Tại sao đồng chí ra lệnh nhốt ba thằng?
- Tôi muốn dằn mặt chúng.
- Tại sao không cô lập chúng trước? Tại sao để chúng tự do tuyên truyền sách động? Tại sao không rút kinh nghiệm các nhà giam phía Nam? Đồng chí cần kiểm điểm.
- Vâng.
- Bằng mọi giá, mọi cách, bịt lấp tin tức vụ này.
-Vâng.
- Riêng hai mươi tám thằng phản động, cứ mặc xác chúng nó liên hệ với bọn cũ, chờ chỉ thị trung ương. Đồng chí đừng để bọn sĩ quan có đà tiến tới tranh đấu cho lũ nhóc.
- Vâng.
- Đồng chí có nhận ra sự sai lầm của đồng chí Cao Minh Chiếm không ?
- Thưa không ạ!
- Thay vì tách ra, đồng chí ấy lại tụ chúng thành sức mạnh.
- Đồng chí thật sáng suốt.
- Tôi về Hà Nội bây giờ. Sẽ có chỉ thị sau. Nhớ cho chúng ăn cơm trắng suốt tuần với thịt lợn, tiêu chuẩn mỗi ngày một lạng cho một đứa…. Đồng chí cần hỏi gì thêm không ?
- Thưa không .
- Đừng quên các cửa nhà chỉ mở khoá hai tiếng một ngày.
- Còn tắm giặt?
- Vệ binh dắt chúng ra suối, từng đội, hai ngày một lần. Năm mươi vệ binh coi chừng một đội đi tắm.
- Còn thăm gặp?
- Cho nhận quà, không cho gặp thân nhân.
Ông Ủy viên về Hà Nội. Ngay buổi sáng, cán bộ giáo dục tới từng phòng gọi vài người lên Ban Giám Thị làm việc. Giám thị đã cho những trại viên già thuộc sĩ quan văn phòng, những người an phận và cả tin mà y biết chắc là đã ùa vào đám đông chứ không dám đơn lẻ chống đối. Vậy thì năm mươi đại biểu của ba mươi đội được Giám thị mời ngồi ở hội trường, được uống nước trả Thái Nguyên, được hút thuốc Sông Cầu và được nghe Giám thị nói chuyện thân mật:
- Tôi rất tiếc vụ hôm qua. Cán bộ trực trại có khuyết điểm lớn. Nhưng đó là hiện tượng, không phải là bản chất. Tuy nhiên tôi đã ra lệnh điều mấy cán bộ trực trại công tác nơi khác để tránh mọi điều đáng tiếc nặng tính chất cá nhân. Tôi cũng đã ra lệnh cho các anh được nghỉ ngơi một tuần vì kết quả lao động sáu tháng cuối năm rất tốt. Do đó, vinh quang của lao động là một tuần liền, trại phấn đấu để các anh ăn cơm với thịt, tiêu chuẩn hơn cả cán bộ. Sự bồi dưỡng nằm trong chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước. Các anh cứ tin tưởng vào đường lối trước sau như một của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh mà học tập tiến bộ để về sum họp gia đình. Gần đây, bọn đế quốc Mỹ đầu sỏ lại vừa tung tin chúng sẽ đổi đô-la lấy các anh đem về Mỹ với gia đình các anh luôn. Làm gì có chuyện đó, toàn tin tuyên truyền nhảm nhí! Giả thử Mỹ muốn đổi tiền lấy các anh, Đảng không bằng lòng thì sao?
Năm mươi trại viên nôn nao quá, không muốn nghe Giám thị rông dài nữa, chỉ muốn về ngay báo tin mừng cho các anh em khác. Nhưng Giám thị thích rông dài:
- Nó tưởng 2500 đô-la của nó mua được một người Việt Nam à? Chế độ ta quý trọng con người vô cùng, do đó, con người vô giá, con người là tài sản của tổ quốc. Nó gây sức ép cách mấy, ta vẫn từ chối.
Giám thị bỏ rơi chuyện Mỹ mua người.
- Việc đáng tiếc hôm qua, khuyết điểm về phía chúng tôi, chúng tôi đã tiếp thu và đã tỏ ra thái độ tích cực. Bốn cán bộ trực trại bị điều đi công tác nơi khác, chúng tôi không trả thù các anh. Về phía các anh, các anh cũng có khuyết điểm và phải nhận khuyết điểm để tiến bộ. Các anh toa rập với những người vừa nhập trại, chống lao động, hát nhạc chỉnh huấn, muốn gây bạo loạn. Trung ương không kịp can thịệp thì quân đội đã đàn áp các anh. Các anh chết, ai thương các anh ngoài vợ con cách anh? Nếu Mỹ nó đưa danh sách trao đổi các anh, chúng tôi gạch tên các anh đi, bảo các anh chết bệnh rồi thì nó làm gì, dám làm gì? Các anh nên tỏ thiện chí. Cán bộ sẽ phát giấy để các anh tự kiểm điểm vụ hôm qua. Có anh nào phản đối không ?
Không ai phản đối. Năm mươi người uống trà, hút thuốc phì phèo. Họ về phòng, mang nguồn hy vọng cho toàn trại. Giám thị ra lệnh cho vệ binh canh gác cẩn mật ngoài hàng rào, bên trong bỏ ngỏ tự do, tù nhân tha hồ luận bàn tin Mỹ chuộc sĩ quan cải tạo giá 2500 đô-la một người.
Tự nhiên, hai mươi tám thần tượng sáng qua bị quên lãng. Trước hết, họ là tù nhân tư tưởng, họ là phản động, không hề là sĩ quan trình diện học tập. Giám thị không xếp họ vào thành phần những người được Mỹ chuộc tiền đưa sang Mỹ. Giám thị ngu nhưng Ủy viên khôn. Các sĩ quan xôn xao suy diễn tin "làm gì có chuyện đó" của Giám thị. Có vẻ ăn khớp với tình hình quá. Giám thị đuổi trực trại đi chỗ khác, bồi dưỡng cải tạo viên cả tuần. Cộng sản nói không là có, có là không. Nó đã nói không , chắc chắn sẽ có.
Lương Việt Cương buồn bã nói với Hoàng Sơn Trường:
- Đàn anh mình mãi mãi ngây thơ.
Trường thở dài:
- Dễ hiểu quá. Họ đi trình diện học tập, còn chúng ta bị bắt bỏ tù. Họ cải tạo chung với nhau, chúng ta bị bắt lẻ tẻ, lưu lạc khắp đề lao, khám lớn, trại tập trung , tự khai mửa máu, ăn đòn rạn tim. Còn họ tự khai tập thể một lần, lao động lè phè, thăm nuôi đều đặn. Không thể so sánh họ với chúng ta. Họ đã thua cuộc chiến cũ. Ta vừa khởi sự cuộc chiến mới. Họ có những trung tá, đại tá đã giải ngũ vì tinh thần văn phòng, cộng sản chưa gọi đã vội đi "trình diện sớm để về sớm" rồi cũng bày đặt thù nặng nghìn cân! Tôi thấy mấy anh già không có đầu, chiến đấu với họ cũng uổng mất chính nghĩa. Niềm hãnh diện của tôi là được đứng chung với du đãng Dzũng quan tài, Qúy dao, Hạnh búa,với lơ xe đò Lê Văn Thu, phu nhà đòn Vũ Bình Bắc, với em bé mồ côi Trần Văn Nam.
Cương nói:
- Họ sẽ vỡ mặt, nếu tin lời cộng sản .
Trường cười:
- Tôi mất kính rồi nhưng tôi có thể nhìn rõ tim họ. Ta nên để họ vỡ mặt vài lần, may ra họ khôn lớn. Tổng thống của họ để lại một câu: "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hay nhìn kỹ những gì cộng sản làm." Họ đã nhìn kỹ mà họ cứ nghe.
Cường hỏi:
- Cậu có thất vọng về họ không ?
Trường đáp:
- Khi tôi quyết định dấn thân, tôi không hề nghĩ đến họ nên chẳng có gì phải thất vọng. Có điều…
- Điều gì?
- Trong mọi địa hạt, đàn anh mình chết hết rồi!
- Phải thức tỉnh họ.
- Vô ích.
- Tôi cố gắng.
- Anh thử cố gắng xem sao.
Lương Việt Cương đã đến từng phòng, đứng ở cửa sổ, trình bầy với những người sĩ quan cải tạo về thủ đoạn của cộng sản và khuyên họ nên thận trọng về tin tức phóng ra từ miệng cộng sản. Nhiều sĩ quan cấp úy tin Cương. Các sĩ quan già vẫn khư khư lối suy diễn của mình. Lương Việt Cương muốn kể lại hình phạt hai mươi ngày đêm treo hai ngón tay cái bằng giây điện lên cao, mười đầu ngón chân chạm đất cho những ông trình diện học tập nghe. Sợ phí lời và đau đớn thêm, Cương bỏ về phòng.
- Sao? – Trường hỏi.
- Cậu nhận xét đúng. – Cương đáp. Những người trình diện học tập vả những người bị còng tay dẫn đến nhà tù khác hẳn nhau. Họ đầy mặc cảm với cộng sản. Chúng ta thì không. Họ đã cầm súng của Mỹ, lãnh lương do Mỹ viện trợ. Chúng ta thì chưa. Họ còn nhiều thứ để sợ mất nốt. Chúng ta đã chẳng còn gì. Quên họ là vừa.
Hai hôm sau, cả trại bận bịu làm bản tự kiểm cá nhân khuyết điểm với Ban Giám Thị. Hai mươi tám con sư tử không được phát giấy vì không phải là sĩ quan trình diện học tập. Người trình diện có cả trăm ngàn, họ chen lấn nhau xếp hàng ở những địa điểm trình diện. Họ nộp tiền ăn 10 ngày, đem mùng mền, quần áo, thuốc thang, ngồi chầu chực dưới nắng mưa để "đăng ký" một cách trịnh trọng và lễ độ tại bàn giấy của chú bộ đội nhãi ranh. Họ nghỉ ngơi ở các địa điểm trình diện rồi thong thả lên xe về trại học tập cải tạo. Họ làm một tờ tự khai duy nhất. Không ai hỏi cung họ cả. Nếu họ vào biệt giam là vì họ vi phạm Nội Quy, bị kỷ luật. Thế thôi.. Người bị bắt ít lắm. Họ bị còng tay, bịt mắt tống vào nhà lao, vào cachot. Họ bị còng tháng này sang tháng khác. Họ bị cưỡng bách viết tự khai. Họ can tội chống phá chế độ cộng sản sau năm 1975. Họ là những người lính bị chỉ huy bỏ rơi cút sang Mỹ hoặc trốn về chờ trình diện học tập vẫn ngạo nghễ chíến đấu trong rừng già vì danh dự quân đội, vì tổ quốc và đồng bào. Họ không bị xếp vào hàng ngũ "nguỵ quân, ngụy quyền".
Dzũng quan tài hậm hực:
- Đàn anh vỗ tay hay lắm, vỗ tay khi chắc ăn! Xét cho cùng, du đãng phản động ngon hơn nhiều.
Qúy dao đứng trước một phòng đang cặm cụi tự kiểm, chửi đổng:
- Anh nào cũng đòi ví mình với Hàn Tín! Ông Hàn Tín biết mình có tài, cần bảo vệ mạng sống để thi thố tài năng nên ông ấy không thèm chấp quân đồ tể, lòn trôn cho xong chuyện.! Còn các anh, các anh có tài mẹ gì mà ham sống? Các anh sống như chết rồi. Kệ các anh. Nhưng còn sống, sau này, đi đâu thì nên ngậm miệng và cúi mặt nhé! Tôi không vơ đũa cả nắm đâu, tôi nói một số các anh già sĩ quan văn phòng thôi.
Lương Việt Cương không có tác dụng bằng Dzũng quan tài, Quý dao. Hào khí du đãng phản động bốc ngất trời tù. Các sĩ quan cấp úy chiến đầu không làm tự khai từ đầu. Nhiều sĩ quan cấp tá xé bỏ tự khai làm dang dở. Nửa trại nộp tự khai. Những người không nộp, Ban Giám Thị chẳng có ý kiến gì. Vụ nổi dậy ở trại Nam Hà kể như xong xuôi. Rất đông cải tạo viên tưởng mình đã thắng. Riêng bầy sư tử thì bình thản. Nộp tự khai rồi những ông sĩ quan già ngồi rung đùi suy diễn tin tức Mỹ đòi chuộc cải tạo viên. Tin này đã cũ mèm ở các trại giam miền Nam. Mỹ nó "sang trang lịch sử", nó ném cả dân tộc Việt Nam vào miệng chó sói cộng sản, nó đứng nhìn chó sói rút ruột dân tộc Việt Nam không mảy may trắc ẩn mà còn tin nó bỏ tiền chuộc vài ngàn anh sĩ quan cải tạo, mà còn hân hoan cám ơ Mỹ thì…khó dùng chữ qua!
Sư tử lãng mạn đã quen cô đơn. Bây giờ sư tử say men cô đơn. Và sư tử chỉ còn tin ở chính mình, ở chính thế hệ tuổi trẻ của mình, thế hệ lập thuyết tiểu tư sản.
ĐOẠN KẾT
Tuần lễ bồi dưỡng thể xác và bồi dưỡng tinh thần trôi đi rất nhanh. Người ta muốn ăn cơm trắng với thịt lợn kho dài dài và nghỉ lao động dài dài để mơ mộng cái ngày Mỹ đem trực thăng bốc khỏi trại tập trung. Thế mà đã thứ sáu . Tiếng kẻng đã hết vẻ gầm gừ. Dường như âm điệu của nó thoang thoảng gió đàn ngọt mát. Hai mươi tám con sư tử lãng mạn và cô đơn không muốn rời phòng giam những lần cửa mở. Với họ, nhà tù ấm áp hơn trại tập trung. Nhà tù có nhiều chí lớn. Trại tập trung thì đẩy dẫy kèn cựa, tranh giành và những đầu óc trống rỗng, những đôi mắt cận thị. Ở nhà tù, con người thường xuyên trực diện hình phạt của thù hận, thường xuyên đứng giữa biên giới sống chết nên con người trang trải, cao cả.>Ở trại tập trung, con người rên siết vì miếng cơm thiếu, cứ phàn nàn vì việc làm nhiều, thành thử con người hẹp hòi, bé nhỏ. Sư tử chưa biết mình còn phải luân lạc tới những vùng trời phiền muộn nào của quê hương. Thực sự, sư tử chán ngấy vùng trời vừa đến. Nó hào hùng khoảnh khắc. Nó sôi nổi nhất thời. Nó hy vọng ngớ ngẩn. Nó son sắt phút giây. Nó thiếu ước mơ. Nó cây mục. Nó cành khô. Nó lá rữa. Nó không thể kết trái bởi chẳng bao giờ nở hoa.
Ngày thứ bẩy, ông Ủy viên lại có mặt ở văn phòng giám thị. Ông mang chỉ thị của Trung Ương.
- Đồng chí Giám thị!
- Dạ.
- Diễn biến tư tưởng của chúng nó ra sao?
- Thuận lợi cho ta.!
- Chiều nay xe tải vào đây. Chập tối, xe về thị xã Nam Định, chạy thẳng ra ga.
- Bao giờ ban lệnh ạ?
- Ngay bây giờ. Tập trung chúng nó ở sân trại.
Giám thị truyền lệnh cho trực trại.. Một hồi kẻng khua vang. Lúc ây là giờ. Mười lăm phút sau, toàn thể trại viên tập họp từng đội giữa sân, trừ hai mươi tám con sư tử bị nhốt trong phòng. Giám thị nghênh ngang bước qua cổng trại. Vẻ thân mật hôm nào biến mất. Khuôn mặt Giám thị đanh lại nguyên vẹn khuôn mặt một cai ngục chuyên nghiệp, lão thành. Ông ta đứng trước các trại viên. Trực trại điều khiển cuộc chào đón.
- Chú ý, tất cả trại viên đứng dậy!
Qúy vị sĩ quan răm rắp tuân lệnh anh trung sĩ công an.
- Nghiêm.
Trực trại quay lại, giơ tay chào Giám thị:
- Trung sĩ Đỗ Ngọc Tùng, cán bộ trực trại, báo cáo đồng chí thủ trưởng, quân số tập họp đủ, chờ lệnh đồng chí thủ trưởng.
Giám thị vẫy tay:
- Đồng chí cho họ ngồi.
Và trở mặt về phía trại viên, hô lớn:
- Tất cả trại viên ngồi xuống!
Quý vị sĩ quan ngoan ngoãn ngồi xuống. Giám thị nói:
- Lệnh của Trung ương, các anh được về Nam. Từ đây di chuyển xuống thị xã Nam Định bằng xe tải. Từ Nam Định, các anh đi xe lửa vào Nam. Trên đường đi, các anh phải triệt để tuân hành mệnh lệnh của cán bộ chiến sĩ bảo vệ. Hành động chống đối sẽ không được tha thứ. Hành động chạy trốn sẽ bị bắn chết ngay. Các anh về phòng thu dọn toàn bộ đồ đạc và khẩn trương ra sân tập trung. Rõ chưa?
Qúy vị sĩ quan nhất loạt đáp:
- Rõ.
Giám thị rời sân trại. Vệ binh tăng cường vây kín hàng rào trại. Sư tử bám chấn song cửa quan sát cảnh tượng. Hoàng Sơn Trường lên tiếng:
- Đàn anh hố to rồi!
Dzũng quan tài cười hô hố:
- Lát nữa, nó còng hai đàn anh vào một. Còng Mỹ, chứ không phải trực thăng Mỹ bốc đi.
Lương Việt Cương nói:
- Mình cần tiễn đàn anh vị chút tình chứ, các bạn?
Đình Vượng đáp:
- Tại sao không? Mình tiễn đàn anh bằng bài hát tức là cho đàn anh bài học về sự cả tin…cộng sản!
Chú tiểu Thích Thanh Bần lắc đầu:
- Đừng, đừng làm buồn các ông ấy. Mỗi người đều lỗi lầm cả vì mỗi người đều có tâm sự riêng.
Nhiều vị sĩ quan già đã tay xách nách mang hành lý tù ra sân. Ý hẳn tranh thủ ra sớm ngồi xe chỗ tốt! Nửa tiếng sau, sân trại đã đông đủ cải tạo viên với hành lý ngổn ngang đủ thứ: Nồi niêu, xoong chảo, lồng chim, lồng gà, điếu cày, hoa lan, đàn sáo… Trực trại hỏi:
- Ghi tên cách anh ngoài bị hành lý chưa?
- Rồi.
- Tập trung hành lý một chỗ.
- Rõ.
Lộn xộn chừng mươi phút khiêng hành lý xếp đống. Trực trại nói:
- Trưa nay không kịp cơm nước . Buổi tối, các anh sẽ ăn ở Nam Định.
Trời hôm nay nắng dữ. Cải tạo viên sĩ quan trình diện ngồi phơi nắng rất thảm hại. Cái hùng khí bữa nào biến mất. Dzũng quan tài thắc mắc:
- Giá mấy vị tặng mình cây guitare và con gà thì tuyệt. Đàn mang theo thì ôkê, gà mang theo chỉ cho mệt.
Dzũng quan tài ngó Thích Thanh Bần:
- Tham sân si quá hả, nhà chùa?
Chú tiểu mỉm cười, chắp hai tay trước ngực:
- Mô Phật!
Đội cấp dưỡng cũng bị chuyển trại luôn nên sư tử nghỉ ăn cùng với các vị sĩ quan. Họ ngồi phơi nắng, mồ hôi chảy tầm tả suốt mấy tiếng đồng hồ. Đế 14 giờ, xe tải đến và đậu ngoài đường . Trực trại điều khiển chuyến đi. Vệ binh còng tay hai cải tạo viên chung một chiếc còng.
- Đội 1 khuân toàn bộ hành lý lên xe. Các đội khác ngồi tại chỗ.
Đúng 15 giờ, các xe tải quay đầu lại. Trực trại ra lệnh:
- Đứng dậy!
Hai mươi tám con sư tử xích đến gần nhau, cất tiếng hát:
"Đứng vững lên bao thanh niên yêu nước
Tiến về miền Nam miền quê hương ta nắng chói
Theo bước chân người xưa
Ta tiến lên đường ,ôi nắng mưa, sương gió ngại ngùng chi…
Đi về miền Nam, miền quê hương bông lúa tràn ngập đầy đồng
Đi về miền Nam,miền thân yêu đất rộng cùng chung đời sống…"
- Từng đội ra, khẩn trương lên xe!
Tiếng hát mỗi lúc một hùng hồn, tha thiết. Những người chuyển trại ngoảnh lại, vẫy tay chào sư tử. Nước mắt anh em ứa ra. Nước mắt sư tử cũng ứa ra. Nước mắt đã làm trôi đi mọi hiểu lầm, ghét bỏ hôm qua. Nước mắt bây giờ là gần gũi và nuối tiếc một ngày của một đời tù tội.
- Sư tử, ở lại vùng vẫy nhé! Yên chí, từ nay các anh chống tự kiểm.
- Các anh đi, bình yên… Hẹn ngày chiến thắng.
- Sư tử, không được đầu hàng!
Sư tử nghẹn ngào. Sư tử phóng ra lời son sắt:
"Việt Nam, Việt Nam tên gọi vào đời...
Việt Nam hai câu nói trên vành môi… Việt Nam nước tôi…!
Những người chuyển trại hát theo:
"Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam muôn đời…"
Nước mắt sư tử vẫn ứa ra. Sân trại trống vắng, buồn tênh. Nỗi cô đơn dàn trải mênh mông. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà tù cộng sản, người ta dọn sạch một trại tập trung. Sư tử bám chấn song phòng giam nhìn ra cái khốn cùng của cuộc sống. Và những trái tim rộn rã ước mơ.
Ở phòng giám thị, ông Ủy viên dập điếu thuốc cháy dở:
- Ngay tối nay, đẩy hai mươi tám thằng bất trị xuống hầm đá!
Viết xong tại Ivry Sur Seine
10-10-1984
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...