Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 1

Giai thoại về các
tỷ phú Sài Gòn xưa 1

Lời giới thiệu
"Dân giàu, nước mạnh", đó là tổng kết ngắn gọn mà hàm súc của ông cha ta xưa.
Ngày nay, Nhà nước cũng khuyến khích nhân dân làm giàu - làm giàu một cách chính đáng, hợp pháp - làm giàu bằng chính sức lao động sáng tạo, nhạy bén, thông minh của mình.
"Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa" giúp ta rút ra được nhiều bài học quý giá về cách làm giàu cũng như cách tiêu tiền sao cho hợp lý, hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đây cũng là dịp để ta tự nhìn lại mình, nhìn lại xã hội, trong dịp Chào mừng kỷ niệm 300 năm xây dựng và phát triển Sài Gòn. 
Huyền thoại chú Hỏa
Bất cứ người nào từng sống ở Sài Gòn đều ít nhiều nghe nói đến một người có cái tên ngắn gọn: chú Hỏa. Bởi chú Hỏa vừa là một cự phú, vừa là một con người mang lắm "huyền thoại" chung quanh cuộc đời ông. Tên đầy đủ của ông là Hui Bon Hoa, một người gốc Hoa.
Theo sự "xếp loại" của dân gian vào đầu thế kỷ 20, thì tại Sài Gòn có bốn người được coi như "đại phú", Đó là: nhất Sĩ, nhị Phương, tam Xường, tứ Hỏa. Chú Hỏa được xếp hàng thứ tư, nhưng theo người hiểu biết ở Sài Gòn thì ngôi thứ đó phải ngược lại, có nghĩa là chú Hỏa phải đứng hàng thứ nhất. Chỉ vì nhũng nhân vật kia là người Việt, lại có quyền thế hơn, nên danh của họ được nêu lên đầu. Sĩ là Huyện Sĩ, người bỏ tiền ra xây dựng ngôi nhà thờ ngày nay mang tên là "Nhà thờ Huyện Sĩ" ở đường Tôn Thất Tùng. Phương là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, lừng lẫy với cái danh Việt gian. Còn Xường tức là Bá hộ Xường, ông trùm các dịch vụ về lúa gạo, công nghệ thời đó.
Chú Hỏa do đâu đã làm giàu được ở đất Sài Gòn, trong khi chỉ là một người Hoa di cư? Về điều này, cho tới nay, vẫn còn lại bao nhiêu là lời đồn đại, chưa biết đúng, sai ra sao. Chúng tôi chỉ ghi lại đây như một thông tin đa chiều, chớ không dám khẳng định. Có nhiều giai thoại về sự giàu to của chú Hỏa: do may mắn mua được một gánh đồng nát mà lẫn trong đó là một gói vàng lớn, do an táng mộ của người cha ngay chỗ "long mạch", do bí mật mang được một số vàng và châu báu từ Trung Hoa sang.
Trong cả ba giả thuyết trên, xem ra chỉ có yếu tố thứ ba là có lý phần nào. Nhưng, có một yếu tố mà người ta đã vô tình bỏ quên, ít đề cập mỗi khi kể chuyện về chú Hỏa, đó là sự cần mẫn để làm giàu.
Theo dân gian kể lại, thì chú Hỏa thuở ban đầu rất nghèo, lưu lạc đất Sài Gòn vào những năm hậu bán thế kỷ 19. Ông làm một nghề mà khá nhiều người Hoa thời đó thích làm, đó là nghề "mua ve chai". Với đôi gánh trên vai, ông đã đi bộ hầu như khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, để thu mua từng thứ bỏ đi của thiên hạ. Qua một thời gian dài mấy chục năm, số vốn tích lũy dần dần lớn lên. Vào giai đoạn Sài Gòn đang chuyển mình từ một thành phố sơ khai lên đô thị, nhu cầu về nhà ở trở nên bức thiết, ông là một trong vài người đứng ra kinh doanh nhà, đất. Chỉ trong vòng mười năm, sản nghiệp của Hui Bon Hoa đã rất lớn. Vào thời điểm trước thế chiến thứ nhất, gia sản của chú Hỏa đã ngót nghét 20.000 căn phố ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Và ông đã thành lập Công ty {Hui Bon Hoa và các con}.
Nhiều người gần gũi với ông đều ghi nhận điều này: dù là giàu tiền triệu thời đó, nhưng chú Hỏa có một cách giáo dục con cái, cũng như cách tổ chức quản lý tài sản có thể gọi là khoa học và tiến bộ. Ông có nhiều con, nghe nói lên đến trên mười người. Ai nấy đều được cho học hành đến nơi đến chốn. Cái đáng nói là trong số đông con cái của ông, chưa nghe nói có ai hư hỏng, bết bát về công danh. Một người từng làm việc trong gia đình chú Hỏa, sau này có kể lại rằng, ngay từ lúc chú Hỏa còn đương thời, ông đã cho lập sẵn di chúc, trong đó phân chia tài sản một cách công bằng và tiến bộ như sau: Tài sản chung dành cho mọi con, cháu thừa hưởng ngang nhau, tuy nhiên không một người nào được tự ý rút số được chia ra để tự tiêu pha, mà tất cả phải qua một hội đồng ủy thác, được chính chú Hỏa ủy nhiệm cho Notaire (chưởng khế) sở tại. Những con cái của chú hàng tháng được hưởng một số tiền nhất định, đủ cho ăn uống, tiêu pha vừa phải và học hành, cho đến khi thành nhân, có gia đình. Lúc đó nếu muốn kinh doanh gì, thì phải thông qua hội đồng ủy thác, họ sẽ cố vấn và theo dõi việc làm ăn. Tất cả những điều này nhằm không để cho người con nào ỷ lại vào tiền của mà tiêu xài hoang phí và cũng để bảo đảm công cuộc kinh doanh của dòng họ Hui Bon Hoa không thua sút ai.
Có lẽ nhờ vậy nên mãi về sau này, trong những năm Sài Gòn còn bị tạm chiếm, các con cháu của Hui Bon Hoa vẫn còn quản lý một số tài sản khổng lồ. Ngày nay, các con cháu của ông hầu hết đã sống ở nước ngoài, tiếp tục con đường kinh doanh. Dấu tích còn lại dễ thấy nhất ở Sài Gòn bây giờ là tòa dinh thự đồ sộ của chú Hỏa nằm ở khu tứ giác Phó Đức Chính-Lê thị Hồng Gấm-Calmette-Nguyễn Thái Bình. Và nếu ai còn nhớ, thì mỗi khi đi ngang qua Trung tâm cấp cứu thành phố Hồ Chí Minh ở đường Lê Lợi, chắc chắn sẽ nhận ra đó là một công trình do chính chú Hỏa dụng lên, để tặng cho thành phố Sài Gòn.
Chú Hỷ - "Ông vua" tàu thủy
Trong dân gian ở Sài Gòn đầu thế kỷ này có câu ví: "Ở nhà chú Hỏa, đi tàu chú Hỷ", ý muốn nói rằng chủ Hỏa (Hui Bon Hoa) là ông trùm về địa ốc của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, còn chú Hỷ là ông trùm ngành khai thác dịch vụ tàu thủy. Vậy chú Hỷ là ai?
Cho đến nay, cũng rất ít tài liệu về nhân vật có tên là "chú Hỷ" này. Chỉ biết rằng ông sống cùng thời với chú Hỏa, thuở thành phố Sài Gòn mới ở giai đoạn sơ khai. Chú Hỷ cũng là một người Trung Hoa như chú Hỏa, nên về phần lý lịch của họ hầu như ít người Việt nào ghi nhận được.
Cuối thế kỷ trước, tại Việt Nam, ngành giao thông vận tải nói chung và ngành vận chuyển bằng tàu thủy nói riêng đang ở dạng phôi thai, ít người khai thác. Ở miền Bắc lúc ấy có một "ông trùm" của ngành tàu sông là Bạch Thái Bưởi, người sở hữu một công ty tàu thủy thuộc loại sừng sỏ, có nhiều tàu thuyền lưu thông khắp các vùng sông ngòi của miền Bắc, thì tại Nam Bộ cũng có một "Bạch Thái Bưởi" khác, đó là "chú Hỷ". Mảnh đất Sài Gòn đầy tiềm năng lúc ấy mới chỉ bắt đầu phát triển, mọi thứ đều nằm trong tay người Pháp. Người Việt Nam không chen chân được vào các cuộc kinh doanh lớn.
Giao thông đường bộ thời ấy cũng chưa phát triển ở miền Nam, chỉ có những chiếc xe nhà (loại ô-tô cá nhân), còn xe đò (vận tải hành khách) thì do đường còn ít và xấu, nên chưa ai nghĩ đến việc mở những hãng xe đò như về sau. Đi lại giữa vùng này sang vùng khác, chủ yếu là dùng phương tiện thủy. Những thương nhân người Pháp nhờ có vốn, có thế lực, nên họ đứng ra thành lập các công ty vận tải thủy, với đội tàu thủy chạy khắp các tuyến sông Nam Kỳ lục tỉnh, coi như sự độc quyền khó có ai dám cạnh tranh. Vậy mà có một ngưòị dám đương đầu với Tây, đó là chú Hỷ.
Khi hay tin một người "vô danh tiểu tốt" mua lại một chiếc tàu cũ của người Pháp, thì nhiều người đã ngạc nhiên lẫn hoài nghi. Vậy mà, chỉ bốn tháng sau ngày mua được chiếc tàu cũ, chú Hỷ đã sửa chữa xong và xin được phép... chở khách! Chuyến xuất bến đầu tiên, tàu của chú Hỷ chở đúng 14 người khách, từ Sài Gòn về Mỹ Tho. Người ta đi ít, có lẽ vì chưa tin tàu nội địa, hoặc có thể họ sợ chiếc tàu cũ khó lòng bảo đảm an toàn. Vậy mà ở chuyến thứ hai, số hành khách đã tăng lên gấp ba lần. Chủ tàu không phải người Pháp, tài công người Việt, tên tàu cũng là tên Việt (tàu Nam Hưng-Việt Nam hưng thịnh), đã là một yếu tố thu hút khách.
Một năm sau, đội tàu thủy của chú Hỷ đã lên tới 20 chiếc. Địa bàn hoạt động đã vươn ra xa, chạy từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá, rồi đi tới tận Nam Vang (Cambodge thời đó). Lúc đầu các chủ tàu người Pháp xem thường tên "khách trú" (chỉ người Hoa sinh sống ở Việt Nam), nhưng chỉ sau một năm, họ đã phải giật mình, e sợ. Mà e sợ cũng phải. Bởi chú Hỷ có cung cách kinh doanh của một người Á Đông, làm ăn từ nhỏ vươn dần đến lớn theo kiểu ăn chắc mặc bền. Giá cước lấy rẻ hơn mà cách phục vụ lại "tình nghĩa" hơn, trong khi đó các tàu của người Pháp lại chỉ chở người, hạn chế chuyên chở hàng hóa. Tàu của chú Hỷ đã thành công nhờ vậy.
Trong vòng năm năm đầu ra kinh doanh, chú Hỷ đã cạnh tranh ngang ngửa với người Pháp. Từ đó, hễ có việc đi đâu bằng tàu thủy, người dân Nam Bộ đều chỉ thích đi tàu của chú Hỷ! Thậm chí, đến một lúc, ở một vài tuyến đường, các tàu khách của người Pháp đã phải "chào thua" đội tàu của chú Hỷ, họ nhường hẳn đường cho ông. Nhưng chú Hỷ rất khôn khéo, ông tự biết mình phải làm gì để không đụng chậm đến quyền lợi của Pháp kiều. Ông đã tự động rút bớt tàu ở nơi nào có sự đối đầu căng thẳng. Ngoài ra, ông còn sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi công ty tàu của đối thủ gặp sự cố. Vậy mà, chỉ năm năm sau nữa, một số tàu của người Pháp đã chấp nhận sang tay qua ông. Chú Hỷ có lúc hầu như làm trùm ngành vận chuyển hành khách bằng đường thủy ở vùng sông nước Nam Bộ.
Cho tới trước cuộc thế chiến lần thứ nhất, đội tàu thủy của chú Hỷ vẫn còn chiếm lĩnh hầu như độc quyền lĩnh vực giao thông thủy, dù lúc đó ông đã qua đời. Về sau, các phương tiện giao thông đường bộ đã dần dần thay thế cho tàu thủy, nhưng người dân Nam Bộ vẫn không quên nhắc đến câu "Ở nhà chú Hỏa, đi tàu chú Hỷ..."
Thông Hiệp Quách Đàm - Ông chủ chợ Bình Tây
Người già Sài Gòn có thể nghe và biết về Quách Đàm, còn lớp trẻ ngày nay chắc chắn sẽ hỏi: "Quách Đàm là ai?". Để trả lời, xin nhắc tới một nơi chốn khá dễ thấy: ngôi chợ Bình Tây (Quận 6, TP. Hồ Chí Minh ngày nay).
Quách Đàm là người Hoa, di dân qua Việt Nam kể từ khi phong trào phản Thanh phục Minh nổi lên mạnh mẽ tại Trung Quốc. Tuy vẫn khoác bên ngoài bộ cánh của một ngươi Hán theo nhà Thanh, nhưng thực ra, theo nhiều người biết chuyện, Quách Đàm ngầm ủng hộ cho nhóm phản Thanh phục Minh.
Trở lại xuất thân của con người được liệt vào danh sách nhà hào phú bậc nhất ở Sài Gòn-Chợ Lớn thời ấy, chúng ta được biết, thuở nhỏ Quách Đàm có cuộc sống cơ cực, nghèo khó. Cũng giống như chú Hỏa, khởi thủy Quách Đàm lập nghiệp bằng đôi quang gánh (mua ve chai). Quách Đàm vốn mồ côi, không nhà không cửa, nên phải sống lang lang đầu đường xó chợ. Ngày đi mua ve chai, tôi về ngủ ở mái hiên các ngôi phố ở Chợ Lớn cũ, nằm ở khu vục Bưu điện Chợ Lớn, đầu đường Châu văn Liêm ngày nay. Tuy sống cảnh đời bấp bênh như vậy, nhưng chú Ba Đàm (người ta thường gọi ông như thế) vẫn nuôi chí làm giàu. Vài năm sau, người ta đã thấy Quách Đàm có được một ít vốn. Vẫn chưa có nhà cửa, nhưng chú Đàm không vì vậy mà không bắt đầu con đường "doanh nghiệp" của mình, bằng cách dùng số vốn ít ỏi, mua đi bán lại các mặt hàng hiếm lạ, như da trâu, vi cá. Thời đó, những mặt hàng này chủ yếu là đem bán ở nước ngoài.
Công cuộc kinh doanh của Quách Đàm không phải là suôn sẻ ở buổi đầu, bởi ông còn phải ngủ đường ngủ chợ, cho nên thường bị bọn xấu rình đánh cắp vốn liếng giấu trong hầu bao. Mất tiền nhiều lượt, nhưng chú Đàm vẫn không nản, kiên trì làm lại từ đầu, chỉ vài năm sau nữa, Quách Đàm đã có được một số vốn kha khá. Chú mướn được một căn phố ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay (thời đó toàn bộ khu vực này còn là một con rạch chảy ra kênh Tàu Hũ). Lợi dụng địa thế ngôi nhà ở ngay bờ kênh, Quách Đàm đã chuyển sang kinh doanh nông sản, thực phẩm, chủ yếu là thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn-Chợ Lớn. Hầu hết những "chành" gạo ở dọc theo vùng Bình Đông, bến Lê Quang Liêm ngày nay, có thời là của chú Đàm.
Trong kinh doanh, Quách Đàm rất khôn khéo. Ông vừa tránh đối đầu với thế lực người Pháp, nhưng lại không hề thua kém họ trong thương trường. Họ Quách lại nhanh nhạy, thông minh, nên chẳng mấy lúc, nhờ tài ngoại giao, ông đã được "nhà nước bảo hộ" dành cho đặc quyền mua và xuất khẩu gạo. Khi đã có đặc quyền rồi, thì phải đền đáp lại, chừng như đó là cách của người Hoa trên thương trường: đã không làm nghĩa cử đẹp thì thôi, còn đã làm thì làm cho xôm trò! Sự xôm trò đó là ngôi chợ Bình Tây. Nguyên vào thời đó (khoảng năm 1920), chính quyền TP. Sài Gòn nhận thấy ngôi Chợ Lớn cũ nằm ở gần chân cầu Chà Và đã quá cũ và chật chội, nên có ý định tìm địa điểm để dời đi, mà tìm mãi vẫn chưa có nơi nào thích hợp. Biết được tin đó, Quách Đàm hứa tặng không một khu đất khá rộng nằm ở khu vực Bình Tây, lúc đó đang là đất trống, vốn là sở hữu của ông. Chẳng những tặng đất, Quách Đàm còn cam đoan sẽ xây tặng cho một ngôi chợ mới, bề thế với một "số ít" điều kiện kèm theo: cho ông được cất hai dãy phố cặp theo hai hông chợ và phải đặt ngay trước cửa chợ một bức tượng đồng đúc hình... Quách Đàm!
Điều kiện dễ dàng đó đã nhanh chóng được chính quyền chấp nhận. Chợ xây hơn hai năm thì xong. Khi khánh thành, chợ được đặt tên là chợ Bình Tây, nhưng người dân vẫn quen gọi là Chợ Lớn Mới.
Kể từ khi tặng ngôi chợ, công việc làm ăn của Quách Đàm càng thêm khấm khá. Tuy nhiên, trong kinh doanh, ông cũng dùng những mưu mô thường thấy ở những tay phú thương cỡ bự. Có chuyện kể rằng, khi thấy giá lúa gạo đang bị sụt và ứ đọng, họ Quách đã tung tiền thu mua hết số lúa gạo ứ đọng, đem về chứa trong kho, rồi nhờ một người quen ở Singapore đánh liên tiếp nhiều bức điện tín về Sài Gòn đặt hàng lúa gạo với giá cao không thể ngờ. Tin đó được truyền rao ra ngoài, lập tức nhiều người cùng đổ xô đi thu mua lúa gạo, dĩ nhiên là với giá cao chưa từng thấy! Cho đến khi họ vỡ lẽ ra, thì chỉ có nước ngậm đắng nuốt cay và chịu trận! Quách Đàm vớ bở cú đó. Ông ta mãn nguyện tâm sự với bạn bè: "Khi ra làm ăn, tôi đã nhờ thầy địa lý coi hướng xây nhà trên một long mạch, đồng thời tôi đã đặt tên cho công ty của mình là Thông Hiệp, điều đó cho thấy là tôi sẽ phất lên. Giải nghĩa chữ Thông Hiệp như thế này: Thông thương sơn hải (bán buôn khắp chôn), Hiệp quán càn khôn (thu tóm cả đất trời).
Dù lời nói của Quách Đàm có tính khoa trương, nhưng thực tế phải nhìn nhận là ông đã làm được việc mà nhiều người không làm nổi: từ bạch đinh trở thành đại phú chỉ với sức lực, tài năng và ý chí của mình.
Nhà tỷ phú "Lương Sơn Bạc"
Bố Hai Miêng chính là lãnh binh Huỳnh Công Tấn, người cho đến ngày nay vẫn không làm sao gột rửa được vết nhơ trong đời, bởi hành vi phản phúc, bán đứng nhà yêu nước Trương Định cho thực dân Pháp. Sở dĩ không thể bỏ sót Hai Miêng trong loạt bài này, chỉ vì ông ta tiêu biểu cho một kiểu "làm giàu" ở đất phương Nam vào thời ấy.
Là con trai trưởng của Huỳnh Công Tấn, nên ngay từ tuổi thiếu niên, Hai Miêng đã được nhà nước Pháp ưu đãi, cho đi Pháp du học, mãi cho đến tuổi trưởng thành mới quay về quê hương. Đầu tiên, cũng như một số đông người được đào tạo ở Pháp về, Hai Miêng cũng cúc cung phục vụ chính quyền bảo hộ, dưới tay của tên đại gian Trần Bá Lộc trong những cuộc "bình định" Văn Thân ở Bình Định, Khánh Hòa. Có lẽ trong thời kỳ này, khi chính mắt nhìn thấy được những thủ đoạn vô cùng độc ác của những tên tay sai bán nước như Đốc phủ Lộc, nên Huỳnh Công Miêng đã "sáng mắt" hoặc biết sợ hãi cho một tương lai u ám, nên đã bất ngờ bỏ ngang "sự nghiệp" quan trường, về Sài Gòn lo làm giàu.
Nhờ cái thế quá lớn của cha, Hai Miêng hầu như muốn làm gì cũng được. Sài Gòn vào thời ấy có một dịch vụ rất khó kinh doanh nhưng hễ ai dám bước vào thì lại dễ làm giàu, đó là nghề thế chấp, cầm đồ. Nghề này buộc phải có vốn lớn, vì dân Sài Gòn ăn tiêu nhiều, số người cầm cố, thế chấp đông. Mặt khác, người Sài Gòn thích ăn gạo đong hơn là trữ nhiều gạo, do đó gạo buôn lẻ ở các chợ vẫn được nhiều khách hơn là cung cấp qua các cửa hiệu lớn. Hai Miêng đầu tư cho đàn em các tỉnh miền Tây thu mua lúa gạo, đem về chứa trong các kho lớn, rồi rải ra khắp các chợ qua các mạng lưới riêng, lãi rất lớn, dù phải chịu cực trong khâu gom tiền về so với buôn sĩ.
Đội Tấn đã nhiều lần phản đối chuyện ấy, nhưng Hai Miêng đang nhắm vào mục tiêu độc chiếm thị trường lúa gạo ở Nam Bộ, kể cả xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, nên cậu ta bỏ ngoài tai những lời la rầy của thân phụ. Việc làm này đã vô tình đụng phải những thế lực cực mạnh của người Pháp và giới Hoa kiều. Trong lúc thế lực của Hai Miêng trong làng kinh doanh lương thực đang hồi phất lên mạnh mẽ, bỗng chỉ một thời gian ngắn, hầu như mọi mối lái của Hai Miêng đều hướng sang cung cấp cho người khác. Hỏi ra mới biết, có lệnh ngầm từ Phủ Toàn quyền Nam Kỳ và của chính Huỳnh Công Tấn, nên những ai ủng hộ Hai Miêng buộc phải quay lưng. Hai Miêng gần như bị phá sản, đâm ra hận đời, sinh quậy phá tung bừng, quậy có bài bản, có "trình độ" hẳn hoi. Anh ta tuyên bố: "Tao muốn làm giàu bình thường không được, vậy thì tao sẽ làm giàu mà không cần làm ăn, làm giàu bằng tiền của nhà nước!".
Từ Sài Gòn cho đến các tỉnh Nam Bộ, bắt đầu từ đó nổi lên những lời đồn đại về hành vi "coi trời bằng vung" của Hai Miêng. Cái tên gọi "Cậu Hai Miêng" hầu như nằm trên đầu môi của mọi người. Thiên hạ không còn coi Hai Miêng như một tên Việt gian như cha cậu ta, bởi Hai Miêng luôn đem tiền của giúp cho người nghèo, bênh vực kẻ cô thế. Tại sao cậu ta làm một điều trái ngược với tính chất gia đình như vậy, chẳng ai giải thích được, chỉ biết rằng Hai Miêng hành động chẳng khác nào những nhân vật anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử của Trung Quốc.
Chuyện được lưu truyền đời sau chẳng khác nào một huyền thoại: Hai Miêng đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh, chỉ để ăn chơi, giúp đỡ thiên hạ. Hết tiền cứ việc vô kho bạc nhà nước ở từng địa phương, xung quanh Huỳnh Công Miêng, tức thời kho bạc sẽ xuất ra theo ý cậu Hai muốn. Hình như đây là một mật lệnh từ chính quyền bảo hộ Pháp, họ muốn dành đặc ân hoặc một ý đồ gì đó cho Hai Miêng, để cậu ta không còn hận việc bị hất chân ra khỏi thương trường. Nhưng cũng có người đồn rằng, dành đặc quyền quá lớn cho Hai Miêng như vậy, phải chăng chính quyền bảo hộ nhắm làm giảm bớt sự căm thù của nhân dân đối với cha của hắn?.
Trước hành động mang tính "Lương Sơn Bạc" đó, Hai Miêng càng ngày càng được dân nghèo ngợi khen, được các băng giang hồ nể phục, theo phò dưới trướng. Mỗi lần cậu Hai Miêng đi tới đâu, lính chạy mặt, quan chức nhà nước né tránh. Thậm chí, có lần Hai Miêng xông đại vào một ngân hàng, bảo đưa cả một bao tải tiền giấy, rồi đem ra ngay trước cửa, phân phát cho phu xe kéo, dân cu-li.
Hai Miêng là một tay cự phú, gốc bán nước, duy nhất không bị lưu tiếng xấu.
Vụ "đốt tiền" của công tử Bạc Liêu
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ những mẩu chuyện về hai anh chàng công tử khét tiếng đất phương Nam ngày xưa - Hắc công tử và Bạch công tử, chỉ là sự tô vẽ hai con người ăn chơi phóng mạng. Thực ra, Hắc, Bạch công tử ngoài "tài" ăn chơi, còn là những "nhà doanh nghiệp" cỡ bự ở Sài Gòn một thuở.
Hắc công tử còn được gọi là công tử Bạc Liêu, bởi gốc gác của ông ta là xứ Bạc Liêu bạt ngàn ruộng lúa, tên thường gọi là Ba Qui, hay còn có biệt danh là Tám Bò, tên đầy đủ là Trần Trinh Qui. Bố là viên hội đồng (hàm) Trần Trinh Trạch, giàu "nứt đố đổ vách". Giàu từ đời ông đời cha, nhờ điền sản và các cuộc kinh doanh muối, lúa gạo thuộc, loại bậc nhất đất Nam Kỳ thời ấy, cho nên khi công tử Trần Trinh Qui mở mắt chào đời đã nhảy ngay lên hàng quý tộc, được giới bình dân tô vẽ huyền thoại, lại vừa được giới nhà giàu nể nang.
Thời đó, đất Nam Kỳ tuy rộng, nhưng mọi đầu mối đều đổ về Sài Gòn, nơi quy tụ mọi cuộc kinh doanh, mọi hình thức ăn chơi, Ba Qui ngay lúc 16 tuổi đã được cha mẹ gởi lên Sài Gòn ăn học và sau đó không lâu đã được sang Pháp "du học", theo cái mode con nhà giàu thời ấy, "phải đi Tây mới làm nên đại nghiệp".
Tuy nhiên, sau năm năm học ở Pháp, Ba Qui về nước chẳng hề mang theo bằng cấp nào, ngoài cái bằng nhảy đầm (khiêu vũ) thuộc loại cừ khôi! Cũng từ đó, đất Sài Gòn đã nổi lên "đại danh" công tử Bạc Liêu. Đó là vào nhũng năm của thập niên 30...
Khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, thiên hạ đều biết đến Ba Qui dưới hỗn danh công tử Bạc Liêu, bởi muốn phân biệt ông với một công tử khác đồng thời, cũng nổi danh như ông, đó là Bạch công tử Phước George, tức công tử Mỹ Tho. (Chuyện về Bạch công tử, sẽ nói ở bài kế tiếp). Trở lại chuyện của Hắc công tử, xin kể một chuyện về "làm ăn" của anh ta, khá ngông cuồng, nhưng cũng không kém phần "lý thú" cho những doanh nghiệp ngày nay. Tất nhiên, chàng công tử này kinh doanh lúa gạo và muối, nguồn sở hữu gần như vô tận của gia đình anh ta. Thời đó, việc kinh doanh lúa gạo hầu hết nằm trong tay những đại phú thương người gốc Hoa, thuộc dây mơ rễ má của chú Hỷ, của bá hộ Xường, nhưng khi Hắc công tử đứng ra kinh doanh mặt hàng này, thì những đại phú kia đều phải né mặt, âm thầm nhường bước. Bởi một lẽ dễ hiểu, cạnh tranh với một "núi lửa" như gia đình hội đồng Trạch thì không chột cũng què.
Hắc công tử hầu như đóng đô thường xuyên ở Sài Gòn, chỉ về Bạc Liêu mỗi khỉ cần tiền. Những lần trước, mỗi khi công tử hồi hương thì y như rằng, hội đồng Trạch phải mất đi vài chục ngàn giạ lúa, để cho cậu con trai có tiền xài phá ở Sài Gòn. Nhưng lần đó thì khác, Ba Qui đã bảo thẳng ông bố: "Ba già rồi, nên nghỉ, con sẽ thay ba lo mọi thứ". Hội đồng Trạch đã trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhưng sau đó cũng thử để cho cậu ấm Qui "kinh doanh". Cậu Ba tổ chức thu gom lúa gạo với mục đích tích trữ, nhằm độc quyền làm giá, dự kiến sẽ hốt to. Theo tính toán thì lãi chắc, bởi lúc đó chỉ có vài tay có máu mặt đủ sức cạnh tranh với gia đình Hắc công tử, nhưng họ đều tỏ ý nhường bước, mặc sức cho Ba Qui tung hoành... Như diều gặp gió... chướng, Ba Qui tung đến vài triệu bạc (vài triệu lúc đó bằng trăm tỷ bây giờ) để thu gom gạo, lúa. Các ghe chài vận chuyển gạo của Ba Qui nườm nượp về Sài Gòn, chứa đầy ở các kho thóc thuê của người Hoa. Chỉ cần vài tàu buôn ăn hàng, lập tức Ba Qui sẽ hốt bạc. Nào ngờ... vâng, trong thương trường vẫn có những bất trắc chết người, điều không may đã đến với một tay đầu cơ: lúa gạo đột ngột hạ giá đến mức không ai có thể ngờ tới.
Thì ra, tuy ngoài mặt, các ông chủ người Hoa tỏ ra nể nang Ba Qui, nhưng trong bóng tối, họ đã ngấm ngầm phá bĩnh, bằng cách tuôn gạo trong các kho ra bán hạ giá, đồng thời báo động cho các mối lái nước ngoài (chủ yếu là ở Singapore, Hồng Kông) biết, để họ liên tục phá giá. Ba Qui lãnh một cú quá mạng, lỗ đến trên bạc triệu.
Nhưng, đó chỉ là... chuyện nhỏ. Thua keo này chàng công tử lại bày keo khác. Mà lần sau thì chàng ta không dại gì dấn thân vào thương trường chi cho mệt, phải tính toán lời lỗ lôi thôi, cứ sẵn tiền kho của ông bố đó, cứ tha hồ xài, đến già cũng không hết. Nghĩ vậy, nên chàng Hắc quên ngay cú thua vừa rồi, lại tiếp lục lao vào các cuộc đỏ đen, các cuộc chơi ngông, đốt tiền ở các sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung. Cuộc đối đầu giữa hai công tử, một trắng một đen lại tiếp diễn...
Thượng Hồng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...