Giai thoại về các
tỷ phú Sài Gòn xưa 4
Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn
Cô Ba "Hoa khôi mọi thời đại"
Ai đã từng sống ở đất Sài Gòn trước thập niên 60, đều không
thể không nghe tiếng cô Ba, người đẹp tiêu biểu đất phương Nam. Cô chính là người
có chân dung được in trên bao xà phòng hiệu Cô Ba, của hãng Trương văn Bền.
Nhưng cô Ba là ai mà xinh đẹp và được ngưỡng mộ như vậy?
Thật ra, kể cả những người nay đã ở tuổi 70-80, tùng sống,
cũng không thể biết mặt thật của người đẹp này. Vì cô là một hoa khôi được
phong chức danh vào thập niên 90 của thế kỷ 19.
Không ai biết tên thật của người đẹp, chỉ được truyền tụng bằng
hai từ đặc trưng Nam Bộ là "Cô Ba". Nhưng chắc chắn một điều, cô là
người Việt Nam đầu tiên được bầu là hoa hậu, được chính thức ghi danh trên báo
chí Pháp ngữ ở Sài Gòn lúc ấy (thời điểm cuối thế kỷ 19, Sài Gòn chỉ có vài tờ
báo Việt ngữ, nhưng báo Pháp được phổ biến rộng rãi hơn, trong số này có tờ Le
Courrier Saigonnais của Paul Blanchy và tờ Le Mékong của nhóm
thân hữu ủng hộ Toàn quyền Paul Doumer) và được người Pháp vô cùng ngưỡng vọng,
bốc người đẹp lên tận mây xanh! Một nhà báo đã viết trên tờ Le Courrier
Saigonnais rằng, nếu cô Ba chịu đi thi hoa hậu thế giới, thì chắc chắn sẽ
có thứ hạng cao! Các tay phong lưu người Pháp cũng đánh hơi được điều đó, chính
thức mời cô Ba ký hợp đồng để sang Pháp, giới thiệu với mọi người bên kinh đô
ánh sáng, rồi sau đó sẽ tạo điều kiện cho Cô Ba tham dự kỳ thi hoa hậu thế giới
sắp sửa được tổ chức! Nghe nói gia đình Cô Ba đã không đồng ý, có lẽ vì sợ mất
con vào tay mấy lão Tây háo sắc. Mà bản thân Cô Ba cũng phản đối, bởi cô quan
niệm rằng mình tham dự thi hoa hậu là để cho vui, để mọi người ngoại quốc biết
là phụ nữ Việt Nam cũng không thua kém ai, còn chuyện đi thi tài với năm châu,
thì cô chưa nghĩ tới. Cô cũng cho rằng, mỗi dân tộc có cái đẹp khác nhau, do đó
nếu đem ra so tài thì sẽ không chuẩn xác. Thật là một ý nghĩ khá tiến bộ!
Về thân thế của cô Ba, người ta chỉ được biết vắn tắt: cô là
con gái thứ của một viên quan nhỏ người Việt, giúp việc cho chính quyền bảo hộ,
được gọi là thầy Thông Chánh. Cô là người con gái đẹp không ai bì kịp, như mô tả
lại của cố học giả Vương Hồng Sển trong một quyển sách của ông: "Đẹp tự
nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba
vòng một ngọn, mướt mượt mà thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn
giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây Thép (Bưu điện) và một
hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: xà bông Cô Ba"
(trích Sài Gòn năm xưa...).
Cô Ba Trà
Không biết có phải ngẫu nhiên hay không, người đẹp thứ hai
trong "tứ mỹ nhân" lại cũng thứ ba, gọi là cô Ba Trà. Vào khoảng 1923
đến năm 1935, hầu hết dân chợ Sài Gòn đều nghe danh, biết mặt một người đẹp bậc
nhất thời ấy, đó là cô Ba Trà. Thuở xưa, dân Sài Gòn thích gọi ai đó bằng thứ
kèm với tên tộc, chứ ít khi gọi "Thu Hồng, Diễm Châu" như sau này.
Danh xưng cô Ba Trà hầu như nằm lòng các vương tôn công tử thời đó, mà điển
hình nhất là các chàng công tử Bạc Liêu, Mỹ Tho (Hắc Công Tử, Bạch Công Tử).
Ngoài ra, những người đeo bám theo sau cô Ba Trà còn có các quan chức Pháp, các
tay quan chức người Việt nhiều tiền của và thế lực, trong số này nổi trội hơn
có Còm-mi Kính, một tay chơi có cỡ, từng mê và được cô Ba mê lại. Họ thường đi
đôi ở khắp nơi chốn ăn chơi, những chốn phồn hoa đô hội.
Nói về sắc đẹp của cô Ba Trà, một tờ báo thời ấy đã mô tả:
"Mỗi cái nheo mắt của cô Ba, thì hầu như tay chơi nào cũng tay chân rụng rời,
mỗi khi cô cười thì y như rằng rượu rót tràn, tiền tuôn ra... Người ta đã không
tiếc tiền của, kể cả nhà cửa, ruộng vườn và cả sinh mạng mình nửa, để chỉ được
kề cận bên người đẹp, nhìn ngươi đẹp nheo mắt, nuốt lấy nụ cười như hoa nở của
nàng..."
Năm 1930, lúc kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng vậy mà
nghe nói chiều nào cô Ba Trà cũng được các vương tôn công tử chở trên Delage
mui trần, đi dạo phố Catinat, Bonard (Đồng Khởi và Lê Lợi ngày nay) để khoe sắc,
khoe hương, để lòe thiên hạ. Những người cao tuổi từng sống ở Sài Gòn thời ấy kể
lại rằng, mỗi lần xe họ lượn qua như vậy, thì ở phía sau có vài chục chiếc xe
kéo (một dạng xích lô, do người kéo phía trước, thay vì ngồi đạp như bây giờ)
chạy theo như một cuộc diễu hành! Gặp bữa nào nàng đi với một trong hai chàng Hắc,
Bạch công tử thì coi như cánh kéo xe trung mánh, các công tử sẽ vất xuống cho mỗi
người vài cắc bạc (một cắc bạc thời ấy đủ một bữa chợ!).
Cô Tư Nhị
Cùng thời với cô Ba Trà còn có cô Tư Nhị, Sáu Hương, Hai Thời...
Nếu so về nhan sắc, thì khó nói ai hơn ai. Nếu cô Ba Trà quá nổi tiếng trong giới
vương tôn công tử, thì trái lại, cô Tư Nhị lại nổi tiếng hơn trong giới văn
nhân, nghệ sĩ. Cô xuất thân "trường Đầm", có bằng diplôme, và khi ra
đời đã được các nhân vật có tầm cỡ trong giới báo chí thuở ấy săn đón và mời mọc
tập tành viết báo. Tuy cô viết không giỏi, nhưng cũng được kể là người "biết
viết lách", nên rất được nể nang, mời mọc hết tiệc này đến lễ lạc nọ. Nghe
nói cô có họ hàng với Lê Phát Thanh, một triệu phú thời đầu thế kỷ 20 tại Sài
Gòn, thừa hưởng cái gien nhan sắc của nhà họ Lê này, nên sắc đẹp của cô được
nhân lên với cái đẹp của cô con gái rượu Phát Thanh thời trước (Lê Phát Thanh
làm giàu lớn ở Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, những
năm đó, Toàn quyền Paul Doumer còn nắm quyền ở Nam Kỳ, cho nên việc Thanh chơi
thân với ông ta đã làm cho sự nghiệp thêm vững, qua giới thiệu của Doumer, ông
Phát Thanh đã gả cô con gái rượu xinh đẹp cho một nhà báo Pháp tên là Julien
Delpit, về sau, do tiêu pha vung mạng nên Delpit bị phá sản, vợ chồng phải dắt
nhau lưu lạc sang tận Lào để mưu sinh...). Cô Tư Nhị nhờ quen biết nhiều văn
nhân, chính trị gia, nên được họ đưa lên một vị trí đặc biệt hơn cô Ba Trà. Người
ta đồn rằng Tư Nhị có thời đã từng là nhân tình của viên Toàn quyền Pháp.
Về sau (khoảng năm 1940), nghe nói cô này lâm cảnh sa sút và
chết nghèo ở một khu thuộc quận 5.
Cô Sáu Hương
Chỉ sau Ba Trà, Tư Nhị vài năm, thì Sáu Hương nổi lên. Cô này
được dân phong lưu thời đó tả lại: "Đẹp như Tây Thi! Cô có nước da trắng
ngần, đôi mắt lá liễu sáng ngời, bờ môi mọng lúc nào cũng ươn ướt và luôn mỉm
cười..." Sáu Hương cũng là người có học, xuất thân trường Áo Tím (Nguyễn
thị Minh Khai ngày nay) và có thời được tôn là "Hoa khôi trường Áo
Tím". Vào đời, cô may mắn quen biết với một Pháp kiều già, vốn là quản lý
nhà hàng Continental nổi tiếng, và được giúp đỡ vốn liếng. Có một giai thoại kể
lại rằng, lúc mới quen Sáu Hương, vì quá mê nhan sắc cửa cô, nên lão Pháp kiều
đã mạnh dạn hứa hẹn sẽ nhượng nhà hàng Continental cho cô Sáu.
Thời ấy, nhà hàng Continental là một trong hai nhà hàng khách
sạn bậc nhất của Sài Gòn (cái kia là Majestic), nên trước việc lão Tây buông ra
lời hứa như thế, chẳng ít người đã cười vào mũi lão ta, cho là nói phét, nhưng
lão này đã quả quyết: "Các người không nhớ là ngày trước, khi công tước
Duc de Mongtpensier mới sang Saigon, ông đã mời bà công tước Comtesse de B. đến
ăn và hứa với bà rằng ông sẽ mua tặng bà nhà hàng Continental làm lễ cầu hôn,
và ông ta đã làm được chuyện đó!".
Lời hứa của lão Pháp già chưa được thực hiện, không phải vì
lão không có tiền, mà do lão chết đột ngột! Từ đó, cô Sáu Hương chẳng cần đến
cái nhà hàng Continental mà cũng giàu và nổi tiếng. Bởi vì cô quá đẹp. Đẹp đến
đỗi những tay chơi, những triệu phú đều say mê, đeo bám như đỉa chung quanh cô.
Họ thi nhau cung phụng cho người đẹp không thiếu một thứ gì, từ nhà lầu, xe
hơi, cho đến những trương mục trong ngân hàng. Người ta đồn rằng, trong số những
mỹ nhân thời đó, chỉ có Sáu Hương là giàu nhất! Tuy vậy, cô chỉ vang danh khoảng
mười năm, rồi sau rút vào im lặng... Chừng như biết dừng lại đúng lúc, trước
khi nhan sắc tàn phai. Có người nói, về sau cô Sáu Hương sống sung túc với người
thân ở một ngôi biệt thự vùng Bà Chiểu...
Trùm tài phiệt đỏ đen Sáu Ngọ
Trước khi tại Sài Gòn nổi lên một sòng bạc thuộc loại lớn nhất
nhì Á châu, được gọi là Grand Monde (Đại Thế Giới), thì dân ở đây đã biết tới một
tay trùm và hệ thống cờ bạc không bảng hiệu của ông ta, đó là Sáu Ngọ. Có người
nói ông ta là Lê văn ngọ, có người bảo là Nguyễn văn Ngọ, trong khi chính đương
sự thì lại thích được gọi bằng cái tên Tây P.Ngọ. Sobnng, để dễ gọi, người ta
thường gọi nôm na là Sáu Ngọ, hoặc Thầy Sáu.
Sáu Ngọ là ai mà được nhiều người biết đến thế?
Ông ta không làm chính trị, không phải Việt gian, cũng không
phải là tay mại bản kiểu Chú Hỏa, mà chỉ là... một trùm cờ bạc!
Ở Sài Gòn thời ấy, người ta thường có câu cửa miệng: "Cờ
bạc mà được như Sáu Ngọ thì hãy nên cờ bạc!". Như thế đủ thấy rằng
"Thầy Sáu" không phải là tự xung, mà do chính bàn dân thiên hạ tặng
cho ông, chỉ vì họ sánh Sáu Ngọ ngang hàng với nhiều loại thầy chú khác rất có
máu mặt ở Sài Gòn. Phải nói rằng, dù chỉ là một tay trùm cờ bạc, nhưng Sáu Ngọ
đã được sự nể nang của hầu hết mọi người (tất nhiên mỗi người một kiểu nể), từ
thường dân cho đến các thầy chú thứ thiệt! Bởi một lý do đơn giản, Sáu Ngọ nhờ
cờ bạc mà thành cơ nghiệp. Và cũng từ cờ bạc ông ta đã, một cách nào đó, từng
làm những cuộc đối đầu, gần như là sự thách thức với chính quyền Pháp ở Sài Gòn
lúc ấy!
Vào thời sau thập niên 20, ở Sài Gòn còn lắm nhiễu nhương,
người dân còn nhiều cơ cực, nên một trong những thứ vui của họ là mê đỏ đen. Họ
đánh bạc vừa mong đổi đời, cũng vừa thỏa tính ngông cuồng, do đó họ rất khoái
có những tay "hảo hán" theo kiểu Sáu Ngọ.
Thuở ấy, người dân Sài Gòn dù là dân giàu, mấy ai lên xe xuống
ngựa được như Sáu Ngọ. Ông ta có đến bốn chiếc ô-tô riêng, mà chiếc nào cũng
thuộc loại đắt tiền, lộng lẫy. Cứ sáng sáng, "Thầy Sáu" điện đồ láng
coóng, đầu đội nón nỉ, tay cầm ba-toong, bảo tài xế đưa đi một vòng Sài Gòn,
ghé lại các nhà hàng loại xịn như La Pagode, Brodard, hay Continental, ngồi
nhâm nhi cô nhắc, mạc-ten, phì phà thuốc lá như một quan thuộc địa thứ thiệt!
Sáu Ngọ khởi đầu sự nghiệp cũng bằng hai bàn tay trắng như hầu
hết những tay giang hồ hảo hán khác, nhưng đặc biệt hơn là ở chỗ ông ta biết mượn
thời thế để phất lên. Ban đầu không nhiều tiền thì làm cò con, tổ chức những
sòng bài rải rác ở các điểm khác nhau, trốn xâu lậu thuế... Dần dần có tiền
tích trữ khá, Sáu Ngọ bung ra làm ăn táo bạo. Ông ta nắm được cái "bệnh"
chung của hầu hết nhân viên công lực thời đó là khoái ăn của đút, cho nên hễ tổ
chức nơi nào thì y như rằng làng lính nơi đó đều bị thầy Sáu mua đứt. Mua bằng
cách nào, đó là một nghệ thuật riêng. Đầu tiên, thầy điều tra, biết được đối thủ
của mình thuộc loại nào, thích ăn chơi như thế nào, đã có "phòng nhì,
phòng ba" chưa... Tùy theo tình trạng của mỗi người, các sách lược sẽ được
áp dụng. Với cách đó, ít khi Sáu Ngọ thất bại, thậm chí với cả các quan chức
người Pháp. Bởi vậy, chỉ sau một năm "kinh doanh", Sáu Ngọ đã nghiễm
nhiên trở thành một bộ mặt bự trong làng. Vào lúc xảy ra cuộc chiến tranh thế
giới lần thứ nhất, cũng là lúc Sáu Ngọ lên ngôi "vua", đã tóm thu hầu
như trọn các sòng bài lớn nhỏ ở khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn.
Danh tiếng lẫy lừng như thế ắt có kẻ thù. Mà kẻ thù dữ dằn nhất
của lão ta lại là người Pháp, tay biện lý Lafrique vốn thù ghét đỏ đen, nay lại
nghe những chuyện thêu dệt về Sáu Ngọ, nên có ý chơi cho anh chàng A-na-mít này
một trận lấy oai! Vừa nhậm chức chưa được bao lâu, chuyện đầu tiên lão Lafrique
hành động là cuộc đột kích vào các sòng bạc của Sáu Ngọ. Lão chắc mẽm phen đó sẽ
tận diệt cái gai mà bao nhiêu người trước không nhổ được. Nhưng... mọi việc
không như lão ta nghĩ. Chẳng hiểu sao tin báo rất đáng tin cậy mà Lafrique nắm
được thì tất cả những địa điểm làm ăn của Sáu Ngọ đều đang hoạt động, vậy mà
khi cuộc đột kích vào, hầu như nơi nào cũng trống không? Như thế là sao? Không
lẽ bọn Sáu Ngọ có cánh tay, hay có phép tàng hình? Hay là...
Điều hoài nghi sau cùng của tay biện lý Pháp đã đúng. Bởi vì,
khi kiểm tra lại, Lafrique biết được rằng trong số nhân viên công lực, đã có người
là "tay trong" của Sáu Ngọ. Mà không chỉ một vài người, họ rất đông.
Có nghĩa là, Sáu Ngọ đã mua được những tai mắt bên trong các lực lượng an ninh,
những người này sẽ báo cho ông ta mọi tin tức mỗi khi có các cuộc hành quân. Bởi
vậy, biện lý Lafrique luôn thất bại.
Không chịu bó tay, Lafrique thề sẽ diệt cho bằng được kẻ
"tử thù", lão còn tuyên bố là nếu không thắng Sáu Ngọ, lão sẽ từ chức.
Vậy mà cuối cùng lời thề đó đã không thực hiện, bởi vì Sáu Ngọ như những cánh
tay ma, bị chặt cái này lập tức mọc ra cái khác.
Thực ra, Sáu Ngọ còn có những chiêu rất ngoạn mục khác mà nhà
cầm quyền khác không ngờ tới được. Đó là sự ăn chia sòng phẳng cho mọi tay em.
Hễ đàn em nào trung thành, làm được việc, thì sẽ được hưởng lợi nhuận xứng
đáng, thậm chí còn được cứu sinh mạng khi lâm nguy. Từ đó Sáu Ngọ nhận được sự
đền ơn đáp nghĩa tận tình.
Lúc ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, Sáu Ngọ sở hữu một lúc đến
trên mười ngôi biệt thự ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, ngoài ra còn có các
cơ ngơi khác ở nhiều nơi, trị giá tài sản rất lớn. Có tiền là có tất cả, Sáu Ngọ
thậm chí còn mua được quốc tịch Pháp, được ưu tiên, miễn trừ một số mặt, và nhờ
thế, ông ta đã càng giàu thêm. Mãi đến khi sắp nổ ra cuộc thế chiến lần thứ
hai, ảnh hưởng các cuộc làm ăn của Sáu Ngọ vẫn còn... Lúc người Pháp cho phép
thành lập Đại Thế giới, thì những hoạt động của Sáu Ngọ mới tàn lụi dần. Công
cuộc kinh doanh đỏ đen của Sài Gòn bước sang một kỷ nguyên mới...
Tứ đại phú gia Sài Gòn
Ai đã từng sống ở Sài Gòn trước đây (Sài Gòn thời chiến) đều
đã nghe câu nói: Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định (về một giai thoại
khác trong bài viết về Chú Hỏa, chi tiết nói rằng chú Hỏa được xếp đầu danh
sách, xem ra không đúng, chúng tôi ghi lại để tham khảo)... Đó là bốn nhà giàu
bậc nhất Sài Gòn, đồng thời cũng là tứ đại phú gia của cả Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ngày
nay ít ai còn được biết tường tận về từng người trong danh sách này...
Nhất Sĩ
Sĩ là tên hiệu của Lê Phát Đạt, sinh quán tại Cầu Kho, thuộc
địa phận Sài Gòn. Tên thuở thiếu thời của Đạt là Sĩ, nhưng khi lớn lên, theo học
trường nhà dòng (Sĩ là một tín đồ Thiên Chúa giáo) nên đã tự nguyện đổi thành
tên Đạt. Sau khi đi học ở nước ngoài về, lúc này Đạt lấy lại tên bạn đầu và từ
đó mọi người quen gọi là ông Sĩ.
Đầu tiên, Sĩ làm trong ngành thông ngôn (interprete), rồi sau
đó leo lên chức tham biện. Lúc mới ra làm công chức, Sĩ chưa phải là nhà giàu,
lại còn lận đận đường công danh, bị thuyên chuyển từ Sài Gòn về tận tỉnh Tân
An. Nhẫn nại, giỏi chiụ đựng, do đó Sĩ không hề chán nản công việc, luôn tỏ ra
là một công bộc trung thành. Do đó, chỉ hơn một năm sau, Sĩ được chuyển trở lại
Sài Gòn. Lần này Sĩ may mắn hơn, được thăng chức Huyện hàm. Nhưng điều may mắn
lớn nhất của ông Sĩ là thuộc về đất đai. Khi ấy đất đai ở Sài Gòn còn bỏ hoang
rất nhiều, nhà cửa thưa thớt, đường sá thô sơ... Huyện Sĩ là một công chức mẫn
cán, nên được ưu tiên mua đất với giá rất rẻ, và muốn mua bao nhiêu cũng được.
Nghe nói lúc đầu Sĩ đã từ chối, vì ngại không đủ sức, nhưng sau đó được bạn bè
khuyến khích, Sĩ đã mạnh dạn mua. Số ruộng đất này không chỉ riêng ở Sài Gòn,
mà còn có nhiều ở tỉnh Tân An. Không ngờ, sau đó ít lâu, khi mật độ dân cư đông
lên, đất đai hiếm dần và giá cả tăng vọt. Mua một bán mười, thậm chí cả trăm lần
hơn. Rồi cứ thế, tài sản của Huyện sĩ lên đến con số kếch sù, không thể nào ngờ
nổi. Ông ta trở thành đại phú.
Phú quý sinh lễ nghĩa, Huyện Sĩ quá thừa tiền của, nên hay
làm việc thiện, mà một trong những việc thiện đó là xây một ngôi thánh đường
còn lưu dấu tích tới ngày nay ở vùng trung tâm Sài Gòn: nhà thờ Chợ Đũi hay còn
gọi là nhà thờ Huyện Sĩ (góc đường Nguyễn Trãi - Tôn Thãt Tùng).
Nhì Phương
Phương là tên tộc của Đỗ Hữu Phương, một hàm Tổng đốc thời
Pháp đô hộ Nam Kỳ. Nhắc đến Tổng đốc Phương, dân Sài Gòn cũ ai cũng biết đó là
một tay Việt gian cỡ lớn, có nhiều nợ máu với nhân dân. Nhưng về mặt tài sản,
thì Phương là một đại phú, đứng hàng thứ nhì, chỉ sau Huyện Sĩ.
Về nguồn gốc số tài sản kếch sù của Đỗ Hữu Phương, có người
nói là do tài của bà vợ ông ta, Trần phu nhân. Bà này giỏi về kinh doanh, đã
làm mọi việc để làm giàu... Song, nhiều người rành chuyện hơn, đã cho rằng đó
là do nhà nước bảo hộ Pháp trả ơn cho Phương về lòng trung thành của Phương,
hay nói một cách rõ hơn, đó là nhờ tài luồn cúi, nịnh nọt trong suốt cuộc đời
làm Việt gian của Phương!
Những giai thoại của Phương phần nhiều đượm tính tiếu lâm, ngụ
ý mỉa mai một con người phản dân hại nước. Trong số những giai thoại đó, có
chuyện sau, xin thuật lại, đựạ theo tư liệu của cố học giả Vương Hồng Sển: Tuy
là người phục vụ đắc lực cho chính quyền Pháp, nhưng Tổng đốc Phương chỉ có vốn
tiếng Pháp rất ba trợn. Do đó, vào một ngày kia, nhân dịp tết Tây, quan Tổng đốc
nhà ta bèn nịnh quan lớn Tây bằng một con dê quay vàng ngậy! Biếu quà ăn mừng
năm mới thì phải giới thiệu chủng loại con vật đã được quay vàng. Khổ nỗi, do
trình độ tiếng Tây của Tổng đốc nhà ta quá khiêm nhường, nên thay vì phải nói
là "bouc" hay "chèvre" để chỉ con dê, ông ta đã làm một màn
pạc-lê bồi như thế này: "Lui mêm xối xiên, dà na bắp, dà na cót" (Lui
même chose chien, il y a corne): Hắn giống như con chó, mà có râu, có sừng. Dù
cho quan Tây có hiểu được sự mô tả của kẻ cúc cung tận tụy với mình, nhưng phải
cố lắm mới kìm được tràng cười vỡ bụng!
Tam Xường
Nhân vật đứng hàng thứ ba, được gọi là tam Xường, tức bá hộ
Xường, tên thật là Lý Tường Quan, gốc người Minh Hương (người Hoa ủng hộ Minh
triều chống Mãn Thanh, chạy nạn sang Việt Nam). Ông là người sớm hòa nhập vào nền
văn hóa Việt Nam, theo đạo Thiên Chúa và được học trường Collège des
Interprètes (trường thông ngôn) của Pháp, ra làm thông ngôn cho chính quyền bảo
hộ Pháp. Với trình độ tiếng Pháp giỏi, rành tiếng Việt, lại được trọng dụng,
nên con đường hoạn lộ của ông tràn đầy tương lai... Bất ngờ vào năm 30 tuổi, Lý
Tường Quan, tự Xường đã bỏ việc, ra ngoài làm thương mại.
Bắt đầu, ai cũng cho rằng ông Xương sai lầm, bởi thời buổi đó
muốn nằm mơ cũng khó lòng được địa vị như ông. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, mọi dị
nghị về ông đều tỏ ra thiếu chính xác. Bởi nghề kinh doanh lương thực và dịch vụ
của ông tỏ ra đắc địa vào thời Sài Gòn mới phát triển. Độc quyền cung cấp thịt
cá, một công việc bị nhiều người coi thường, vậy mà chỉ chưa đầy năm năm, Lý Tường
Quan được mọi người gọi là bá hộ Xường (bá hộ là từ chỉ những người giàu lớn).
Ông có sản nghiệp lớn, nhà đất nhiều. Dinh thự riêng của ông vào thời đó tọa lạc
tại đường Gaudot (Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) được nhiều người nể vì.
Chỉ tiếc một điều là, khi ông chết rồi, số sản nghiệp còn lại
đã bị con cháu tranh chấp, dẫn đến nhũng vụ kiện tụng kéo dài nhiều thế hệ sau,
đến nỗi hầu như xóa sạch dấu vết vào những năm hậu bán thế kỷ 20 này.
Tứ Định
Người đứng hàng thứ tư, tứ Định, là Trần Hữu Định, cũng được
gọi là Bá hộ Định. Làm giàu do tự thân làm nên, không tham gia hàng ngũ công bộc
của Pháp. Bá hộ Định vốn là con của một nghiệp chủ gốc Hoa ở Chợ Lớn (thuở sinh
thời, ông có ngôi nhà lớn gần cầu Palikao, chợ Kim Biên và Bình Tây ngày nay).
Phải nói rằng, vào thời buổi ấy mà ông và Bá hộ Xường được đứng trong hàng ngũ
"tứ đại phú" quả là điều hi hữu. Bởi nếu không quyền thế, thì chỉ làm
giàu thường thường mà thôi, khó leo lên đến tột đỉnh như Huyện Sĩ hay Tổng đốc
Phương được. Vậy mà hai ông Xường và Định đã làm được và theo nhiều người, họ
không hề thua kém bao nhiêu so với hai cự phú hàng đầu.
Theo lời kể lại của nhiều người am tường thời ấy, sở dĩ Bá hộ
Định làm giàu nhanh là do đã sớm đứng ra làm một dịch vụ mà thời sau ông, chú Hỏa
từng làm, đó là nghề mở tiệm cầm đồ (Mont đe pieté). Nghề này đặc biệt dễ làm
giàu, bởi nhiều người dân Sài Gòn vốn dĩ ăn tiêu rất phóng khoáng, có đồng nào
xào đồng nấy, hết tiền thì có cái gì trong nhà đem xào cái nấy, rồi mua sắm cái
khác, và cứ thế... Bởi vậy, dịch vụ cầm đồ tỏ ra đắc lợi. Ông Định lại biết
bành trướng nghề nghiệp, tổ chức nhiều hiệu cầm đồ ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia
Định. Khi mọi người nhận ra việc "trúng quả lớn" của ông, thì ông đã
nghiễm nhiên trở thành Bá hộ, vượt xa mọi đối thủ có ý cạnh trạnh, của đẻ ra của,
triệu phú đã trở thành đại phú chỉ trong vòng chưa đầy mười năm. Đến khi ông mất,
các con cháu ông không còn mặn mà ngành ấy nữa. Chỉ khi có một số người Pháp và
Hui Bon Hoa nổi lên, thì nghề ấy mới sống mạnh hơn.
Ngày nay, khi Sài Gòn đang bước vào thời điểm kỷ niệm 300
ngày khai sinh, hầu như mọi người đều đã quên bốn con người vừa kể trên. Còn
chăng là một vài địa danh như Nhà thờ Huyện Sĩ và con đường Tổng đốc Phương nay
đã đổi thành Châu văn Liêm.
Những cuộc phiêu lưu tình ái của Hắc công tử và Bạch công tử
Cuộc tranh giành người đẹp của cậu Ba Qui
Lúc mới đặt chân lên đất Sài Gòn vào năm 1938 Trần Trinh Qui
đã có ngay cái "hỗn danh" Tám Bò thay vì Ba Qui theo đúng thứ của cậu
ta trong gia đình về cái hỗn danh này, có người kể lại rằng, vào thờ đó, người
nông dân nào làm ruộng mà có được một đôi bò để kéo cày, thì được gọi là trung
nông, được bốn đôi được gọi là phú nông. Bốn đôi bò (tám con) trị giá bằng
4.000 giạ lúa, một tài sản khá lớn đối với mọi người; nhưng đối với Ba Qui (Trần
Trinh Qui, con trai thứ của ông Hội đồng hàm, Trần Trinh Trạch, đại nghiệp chủ ở
Bạc Liêu) thì chỉ là con số lẻ. Khi ấy Ba Qui mới 18 tuổi, vừa chân uớt chân
ráo tới "Hòn ngọc Viễn Đông", thường bị các vương tôn công tử thành
phố coi là "công tử vườn". Có lẽ do vậy, nên trong một canh bạc với
các đại phú thương, Ba Qui thay vì đặt tiền, đã đặt mỗi canh bạc bằng đơn vị
"bốn đôi bò"! Kết quả, hôm đó cậu Ba Qui đã thua đến mười lần bốn đôi
như thế và cũng từ ấy, cậu ta nổi tiếng, thành danh luôn là cậu "Tám
Bò" (để bạn dễ hình dung, chúng tôi xin đưa ra con số để so sánh: Hiện nay
ở nông thôn miền Tây Nam Bộ, nông dân bán 1.000 giạ lúa thì mua được một chiếc
xe Dream. Có nghĩa là, ngày xưa, mỗi lần Ba Qui thua bốn đôi bò, là vừa nướng
vào sòng bạc khoảng 20 cây vàng!)
Nổi danh ở chiếu bạc, nhưng ở các địa hạt khác, chàng công tử
Bạc Liêu này vẫn chưa được nể trọng lắm... Bởi vậy, trước ngày lên đường đi
Pháp du học theo lệnh của gia đình, Ba Qui đã "thề" trước bạn bè rằng,
cậu ta sẽ trở thành trùm, dù cho phải bán hết ruộng muối và lúa của ông thân
sinh ở Bạc Liêu!
Sau năm năm "du học" ở trời Tây, Ba Qui trở lại Sài
Gòn với cái bằng... đăng-xê (danser, khiêu vũ, hay còn gọi là nhảy đầm, theo
cách nói ở Nam Bộ). Và đúng như "lời nguyện", Ba Qui đã chơi...
"mát trời" và lập tức khẳng định thế đứng của chàng công tử Bạc Liêu
lắm của, chơi ngông và đào hoa số một! Mục tiêu đầu tiên là khi vừa qui cố
hương của cậu Ba là một người đẹp đang nổi tiếng như cồn trong giới vương tôn
lúc đó, hoa khôi Tuyết Lan!
Đúng ra, Nguyễn thị Tuyết Lan chưa từng dự thi hoa hậu, cũng
chẳng đạt được chức danh bà hoàng sắc đẹp, song bởi sắc đẹp của cô nghiêng nước
đổ thành nên được người ta tặng cho mỹ danh "hoa khôi". Vào năm 1943 ở
Sài Gòn, Tuyết Lan là số một, là bà hoàng của mọi cuộc yến tiệc, vui chơi. Nhân
tình của cô toàn là những tay cỡ bự, vừa giàu sụ lại vừa nhiều thế lực, nhưng
chưa một ai độc chiếm được nàng. Thời đó, một đối thủ đáng gờm khác của Ba Qui
là Phước George, tức Bạch công tử, hay còn được gọi là công tử Mỹ Tho, người
cũng đang ngắm nghé Tuyết Lan. Ba Qui biết mình phải làm gì để chiếm thượng
phong. Để được là kẻ chiến thắng trên tình trường! Cậu ta tuyên bố với bạn bè:
"Moa sẽ chiếm cho bằng được Tuyết Lan, dù phải đổi cả sản nhiệp của ông
già moa!" Nói là làm. Chỉ hai tuần sau khi về nước, Ba Qui đã tổ chức một
buổi dạ tiệc lớn chưa từng có ở ngôi biệt thự mới, tọa lạc tại đường Chasseloup
Laubat. Khách mời hầu như không thiếu một ai và dĩ nhiên là phải có Bạch công tử
Phước George!
Và thật bất ngờ, đóa hoa tuyệt sắc xuất hiện bên cạnh Hắc
công tử Ba Qui, không ai khác hơn là nàng Tuyết Lan! Khi đến bắt tay Bạch công
tử, Ba Qui cố lình trêu chọc: "Vợ chồng moa rất hân hạnh được Monsieur Phước
George đến tệ xá!" Điều này có nghĩa là, hoa khôi Tuyết Lan đã chấp nhận
làm "Hắc phu nhân".
Sau đó, mọi người đều biết chuyện, để chiếm được người đẹp, Hắc
công tử đã mua tặng cho nàng ngôi biệt thự dùng làm nơi tổ chức dạ tiệc hôm ấy
và có lẽ còn có cả ngàn đôi bò theo kiểu trị giá bò để đánh bạc! Bạch công tử tạm
thua keo đầu. Tất nhiên là chàng Bạch ấm ức lắm. Nhưng vốn là người hào hoa, lại
tính toán thâm hơn, nên Phước George giả bộ như chẳng có gì xảy ra để âm thầm
toan tính một cuộc phục thù, rửa hận.
Cuộc rửa hận còn "lưu danh muôn thuở" như chúng ta
đều nghe kể, đó là vụ Bạch công tử đốt tờ giấy bạc 100 đồng (cent piastres) để
soi sáng cho Hắc công tử tìm tờ giấy 20 đồng (giấy "hoảnh", tức vingt
piastres, hai mươi đồng) trong một bữa tiệc do Bạch công tử mời, có mặt cả người
đẹp Tuyết Lan!
Bạch công tử và cuộc tình từ Đông sang Tây
Bạch công tử tên thật lạ Lê Công Phước, con của đại chủ Lê
Công Xuân, người gốc Chợ Gạo, Gò Công, thuộc tỉnh Mỹ Tho, cho nên thường được gọi
là công tử Mỹ Tho, để phân biệt với công tử Bạc Liêu (Hắc công tử). Nhờ cha làm
Đốc phủ sứ cho chính phủ bảo hộ Pháp, nên Phước được nhập Pháp tịch, được mang
tên Tây là George, gọi Phước George.
Nói về tiền của, thì có thể Phước George không bằng Ba Qui,
nhưng được cái bạo gan, nên lúc nào Bạch công tử cũng tỏ ra có số đào hoa hơn đối
thủ của mình.
Bị thua vố người đẹp Tuyết Lan, Bạch công tử đã rửa hận bằng
trận đốt tiền như nói ở trên. Song Phước George vẫn chưa hả dạ. Thời đó, trong
giới "thuyền quyên" còn có những "đại mỹ nhân" như cô Ba
Trà, Sáu Hương, Tư Nhị, Hai Thời... là những người mà cả hai vị công tử từng
say mê, đeo đuổi. Khi bị phỗng tay trên Tuyết Lan, Bạch công tử quay sang tấn
công dữ hơn các người đẹp vừa kể. Những cuộc chè chén, vui chơi, tiêu tiền như
nước của các công tử để "cho các người đẹp lé mắt" đã được cạnh tranh
quyết liệt. Hầu hết những cuộc "đua tình" đó, Bạch công tử đều thắng,
mà cụ thể là cô Ba Trà đã gần như là sở hữu riêng của chàng công tử Mỹ Tho.
Nhưng đặc biệt hơn hết là cái máu mê đào hát của Bạch công tử.
Thuở đó, ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, hình thức hát bội còn
thịnh hành. Các đào hát nổi danh đều nằm trong các đoàn hát bội, như đào Năm Nhỏ
ở đoàn hát của Cô Ba Ngoan, đã từng được Bạch công tử say mê một thời. Mê đào
hát, Bạch công tử lập gánh hát lấy tên là Huỳnh Kỳ. Người ta kể lại rằng, khi
làm chủ gánh hát, Bạch công tử chẳng hề nghĩ là kinh doanh để làm giàu, mà mục
đích chính là được gom trong tay những cô đào hát trứ danh nhất, đẹp nhất! Gánh
hát Huỳnh Kỳ được tổ chức lạ lùng bậc nhất Nam Kỳ lục tỉnh (đúng ra là độc nhất
vô nhị ở Việt Nam), di chuyển đó đây bằng ba chiếc ghe to, chiếc nào cũng trang
trí lộng lẫy chẳng khác những người du thuyền sang trọng bên trời Tây. Chiếc thứ
nhất là "hành dinh" của Bạch công tử, với nào phòng ngủ đầy đủ tiện
nghi, phòng chơi bài, billard, uống rượu, phòng nhảy đầm... Chiếc ghe thứ hai
chở đào kép, phông màn... Chiếc ghe thứ ba chở riêng một đội bóng đá, để khi cập
bến chỗ nào, thì đoàn hát cứ lo diễn, còn cầu thủ lo đá bóng giao hữu! Thiên hạ
đồn rằng vào thời ấy, hầu hết các cô đào danh tiếng đều là bồ ruột của chàng
công tử này. Ngoài ra, lúc nào trên "du thuyền" của chàng ta cũng có
cả tá những người đẹp Sài thành, đi theo để cho công tử giải sầu.
Những chuyện trên đây cũng chưa bằng cuộc tình lãng mạn hao tốn
bạc triệu (tiền thời ấy) mà Bạch công tử đã vướng phải, khi đi du học bên Tây.
Lúc đó, tuy danh nghĩa là du học, nhưng thực chất là cuộc du hí vô tiền khoáng
hậu của chàng công tử Mỹ Tho tại Pairs. Tuy tạm trú ở Quận 7 của Paris, Bạch
công tử chẳng mấy khi ở đó. Chàng ta thường lấy sòng bạc Monter Carlo để
"trọ học"... Thuở ấy, Phước George còn rất trẻ, song đã nổi danh là một
tay chơi triệu phú, luôn chơi nổi, dám ăn thua một đêm đến cả trăm ngàn franc!
Mà nào đã dừng ở đó, Phước George còn năng lui tới những địa điểm nổi tiếng là
chốn ăn chơi của các trọc phú, như Saint Tropez, Cannes, Nice... Và một hôm,
chàng ta đã gặp phải tiếng sét ái tình, ngay tại Saint Tïopez, của một cô gái
tóc xanh mắt vàng. Nàng công chúa Nga lưu vong.
Thời ấy, Nga hoàng Nicolas II và gia đình đang sống lưu vọng ở
Pháp và người đẹp làm xiêu lòng chàng công tử Việt Nạm đó là cô con gái út
Anastasia. Nàng kiều nữ hoàng gia Nga, chẳng hiểu vô tình hay cố ý, đã gặp gỡ
và đeo bám Phước George như đỉa.
Say tình còn hơn say thuốc phiện, Bạch công tử nhà ta đã ngày
đêm bám theo người đẹp, cùng nàng đến hầu như không thiếu một nơi chốn ăn chơi
nổi tiếng nào. Mà một trong những hành động ngông cuồng nhất của chàng ta là
mua tặng nàng... một chiếc thủy phi cơ làm quà sinh nhật!
Hậu quả của các cuộc trác táng nêu trên là những món nọ khổng
lồ, mà sau đó ông Đốc phủ sứ Lê Công Xuân ở Việt Nam phải gánh trả cho ngân
hàng Pháp. Báo hại họ Lê gần muốn hết sản nghiệp! Riêng nàng công chúa Nga, sau
khi biết chàng Phước George không phải là một ông vua dầu hỏa Phương Đông, đã
ôm cầm sang thuyền khác.
Vậy mà nào đã sợ, năm năm sau, khi đã nổi danh trùm ăn chơi ở
Sài Gòn, khi đã lập đoàn hát Huỳnh Kỳ, Bạch công tử lại có ý định đem cả đoàn
hát đi lưu diễn trời Tây. Có lẽ để cho người tình mắt xanh nể mặt! Nể nang đâu
chẳng thấy, chỉ biết là hai tháng sau khi "đem chuông đi đánh xứ người"
ở Paris, chàng công tử ngông cuồng đã phải khăn gói xuống tàu về nước. Nhưng
nào đã yên, lúc tàu đi qua Địa Trung Hải, không may bị chìm, Phước George suýt
mất mạng!
Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp kết thúc, thì cũng
là lúc cả hai chàng công tử Hắc, Bạch gặp long đong. Một số nhóm hắc đạo đã nổi
lên và trong một trận đột kích của tướng cướp Bảy Viễn vào nhà riêng của Hắc
công tử, vài triệu đồng (một số tiền khổng lồ thời ấy) đã không cánh mà bay. Bạch
công tử cũng gặp nhiều chuyện xui xẻo như thế... đến nỗi, vào những năm dứt chiến
tranh thế giới, cũng là ngày tàn của hai chàng chơi ngông. Người đẹp Tuyết Lan
nghe nói cũng đã cho "de" người tình Bạc Liêu. Còn các đào hát trứ
danh cũng đã quay lưng với anh chàng Phước George!
Một kết thúc tất yếu!
Đại Thế Giới - Từ thiên đàng đến địa ngục
Từ Sáu Ngọ đến Đại Thế Giới
Sài Gòn vào những ngày đầu thế kỷ 20 nổi lên những tay
"yêng hùng", những tay lục lâm, nhưng lại thích tự xưng mình là hảo
hán. Trong số này phải kể đến trước tiên là Tư Mắt và Sáu Ngọ. Tư Mắt thuộc
hàng "anh chị", tức dân giang hồ, dao búa, một loại trùm du đãng thuộc
hàng "bố già" vào thời ấy. Khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, thậm chí cả Nam Kỳ
lục tỉnh hễ nghe danh Tư Mắt là đều khiếp sợ (tất nhiên chỉ trong giới giang hồ
và lương dân). Ở bài này, chúng tôi chưa nói đến Tư Mắt, mà chỉ xin nhắc qua
Sáu Ngọ, một người có dính líu tới "lịch sử đỏ đen" của Sài Gòn.
Người ta nói, người Pháp đến Việt Nam vào hạ bán thế kỷ 20
nói là khai phá một nước chậm tiến, nhưng lại mang theo hai thứ họa lớn: sự xâm
lược đô hộ và một nếp sống sa đọa, ngoại lai. Sự sa đọa đầu tiên là nạn cờ bạc,
hút xách. Nói như thế không có nghĩa là ở Việt Năm trước đó không có cờ bạc, và
các tệ nạn xã hội, tuy nhiên nếu có thì cũng ở mức độ nhỏ, một thứ tệ nạn
"nội địa". Phải đợi khi người Pháp có mặt, đồng thời được sự "tiếp
tay" của một số người Hoa kiều, thì những gì của ngoại bang mới thực sự
xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là vùng đất phía Nam của nước ta (Sài Gòn là
tiêu biểu). Người dân Sài Gòn đã bắt đầu nghe nói về những "thiên
đàng" đỏ đen ở Macau, Monte-Carlo và Las Vegas. Và một hậu quả tất yếu của
sự "lây nhiễm" này là sự ra đời của các sòng bạc, những nơi chốn mang
hình thức casino 1, và sự nổi lên của những "ông trùm",
trong số này có Sáu Ngọ.
Sáu Ngọ được dân Sài Gòn gọi bằng Thầy Sáu, không phải do có
chức tước gì, hay giàu sang phú hộ gì, mà chỉ vì là Trùm. Ông nổi lên từ hàng
dân đen, có máu giang hồ và có mộng làm "dân cậu". Đầu tiên "thầy
Sáu" bắt chước Tây, đứng ra lập các Xẹc (Cerle - Câu lạc bộ giải trí)
riêng cho người Việt Nam. Thực chất đây là các sòng bạc, được tổ chức lén lút,
trong phạm vi hẹp, tuy nhiên mức sát phạt thì không nhỏ.
Vào những năm đầu thế kỷ, hệ thống sòng bạc của Sáu Ngọ hiện
diện khắp Sài Gòn-Chợ Lớn và các vùng phụ cận. Sáu Ngọ là chủ chứa, là trùm,
hay gọi là "đầu nậu" cũng được, và nếu cần cũng có thể gọi là "bố
già" của một dạng mafia 2. thời đó. Ông ta tổ chức băng nhóm những
tay anh chị, du côn để bảo vệ công việc làm ăn, đồng thời để trấn áp những địch
thủ dám phá bĩnh việc "kinh doanh" của thầy Sáu. Giống như kiểu mafia
Ý, Sáu Ngọ gần như mua đứt làng lính, mua cả những quan tòa, biện lý người Pháp
nổi tiếng là dữ dằn, để vô hiệu hóa mọi sự cản trở hoạt động của ông ta. Sáu Ngọ
còn chơi trội, dùng tiền mua luôn quốc tịch Pháp, lấy tên là Paul, và lộng hành
càng dữ.
Đứng trước tình hình đó, một số quan tòa Pháp tỏ ra cứng rắn
hơn, trong số này có biện lý Lafrique. Ông này quyết bằng mọi cách triệt hạ cho
được Sáu Ngọ, đôi lần làm cho "vua cờ bạc" phải điêu đứng. Nhưng rồi
bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn, Sáu Ngọ vẫn tồn tại, và nạn cờ bạc vẫn lan rộng
ở Sài Gòn, và các tỉnh Nam kỳ. Và đây là nguyên nhân dẫn tới việc ra đời một
casino quy mô lớn hơn, đó là Đại Thế Giới và Kim Chung.
Đại Thế Giới (Grand Monde) được người Pháp chính thức cho
thành lập với lý do: thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để kiểu cờ
bạc lén lút nhưng tràn lan như kiểu của Sáu Ngọ, vừa thất thu thuế, vừa bị xúc
phạm đến quyền lực của chính phủ bảo hộ Pháp.
Đồng lúc thành lập với Đại Thế Giới có sòng bạc Kim Chung ở
khu vực cầu Muối, cầu Ông Lãnh (nay là khu Dân Sinh, phường cầu Ông Lãnh,
TP.HCM), nhưng Kim Chung có quy mô kém hơn, đối tượng chơi thuộc loại bình dân
hơn Đại Thế Giới, nên mỗi khi nhắc tới casino tiêu biểu của Sài Gòn, người ta
hay nói đến Đại Thế Giới.
Đại Thế Giới tọa lạc trên đường Galliéni (nay là đường Trần
Hưng Đạo - Q.5 TP.HCM), trong một khuôn viên rộng mênh mông, vòng rào tường
cao, cửa ra vào có bảo vệ mặc đồng phục canh gác cẩn mật, người ra vào tự do,
nhưng không phải ai cũng mạnh dạn vào, bởi muốn bước vào phải có tiền và bởi
cái "sát khí" của thần đỏ đen luôn vừa quyến rũ thiên hạ, lại vừa hù
dọa mọi người. Trên cổng lớn sáng rực ánh đèn néon, hàng chữ Grand Monde (Đại
Thế Giới), như một lời xác nhận với mọi người dân Sài Gòn rằng nơi đó là sòng bạc
được nhà nước bảo trợ, cứ mặc tình mà sát phạt!
Ai là chủ nhân Đại Thế Giới?
Phép hoạt động là của nhà nước cấp, nhưng tư nhân điều hành.
Ngay từ đầu khai trương, ai cũng tưởng Sáu Ngọ hay vài tay có máu mặt sở tại sẽ
được cho đứng thầu, nhưng không, chủ thầu là một tay nào đó từ Hồng Kông đến. Sở
dĩ người Pháp cho các tay Hồng Kông trúng thầu vì họ hiểu rằng, chỉ có những
người từng am tường về tổ chức sòng bạc tầm cỡ thì mới có khả năng đưa Đại Thế
Giới lên ngang tầm với các sòng bạc ở châu Á. Người trúng thầu vốn xuất thân từ
các sòng bạc ở Macau, đã sành sỏi về tổ chức casino, do đó ông ta đã rập khuôn
từ mọi hình thức đến mọi mánh khóe. Cùng kéo sang "miền đất hứa" mới
với chủ còn có những cô hồ-lì (người đứng điều khiển cuộc chơi của từng môn đỏ
đen, theo cách gọi của người Trung Hoa) xinh đẹp và sành điệu, thừa sức làm vừa
lòng khách chơi, dù có bị thua cháy túi!
Ngay từ lúc mới mở cửa, Đại Thế Giới đã thu hút ngay con số
khách đỏ đen kỷ lục: tuần lễ đầu luôn có một vạn người tới thử thời vận mỗi
ngày, nhà chứa thu vô không dưới một triệu đồng (một triệu đồng bạc Đông Dương
hồi đó hết sức lớn, bằng bạc tỷ bây giờ). Tiền nộp cho nhà nước không phải ít,
từ 200 nghìn, sau lên 300 nghìn và có lúc lên đến 500 nghìn/ngày, vậy chủ chứa
vẫn hốt đậm hơn bất cứ ngành kinh doanh nào khác.
Khách chơi lúc đầu còn giới hạn trong giới trung lưu, đến người
nhiều tiền, lần hồi thu hút tới những giới bình dân, cả phu kéo xe, phu bốc vác
bến tàu, vì có đủ hình thức chơi, từ hốt me, tài xỉu, đến roulette 3, v.v... Người chơi không cần phải "động
não" nhiều, và cũng không cần có nhiều vốn. Nhiều thua nhiều, ít thua ít,
chỉ không đánh mới không thua! Vậy mà Đại Thế Giới như có bùa, như ma túy gây
nghiện, nó có thứ ma lực lạ lùng càng lúc càng lôi cuốn người chơi lao vào như
con thiêu thân trước ánh đèn. Thế là bước đầu người Pháp thắng một keo quan trọng.
Loại được Sáu Ngọ một cách nhẹ nhàng, hiệu quả...
Cuộc chiến đỏ đen
Gọi là cuộc chiến vì không còn từ ngữ nào để dùng cho sát
nghĩa hơn. Cuộc chiến giữa khách chơi là nhà cái, cuộc chiến giữa bản thân người
chơi với gia đình họ, và cuộc chiến cực kỳ quyết liệt giữa những thế lực để
giành quyền chi phối sòng bạc Đại thế giới. Từ ngày Đại Thế Giới mở ra, đã có
không biết bao thảm cảnh gia đình xảy ra. Có người là công chức cấp cao của nhà
nước, giàu sang tột bực, vậy mà chỉ trong vòng vài tuần "làm quen" với
Grand Monde, đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng luôn cả cuộc
đời. Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần, rồi
bắt bén vào tiếp và... cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền ở
nhà, "cúng" sạch, và sau đó là "cúng" luôn cả cái ngàn vàng
của mình! Thời đó cầu Bình Lợi (thuộc quận Bình Thạnh bây giờ) được xem là nơi
kết liễu những cuộc đời bất hạnh, sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới...
Cả Sài Gòn, vùng phụ cận, cả Nam Kỳ lục tỉnh nữa, và cũng
không thiếu người ở những miền xa của đất nước đổ xô vào Sài Gòn, về với Đại Thế
Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi, để khóc và cả để chết. Vậy mà như một
luồng thác lũ, không thể ngăn nổi. Trong khi đó một cuộc đổ xô khác, ở phía những
thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt. Hồi ông vua cuối cùng của
triều Nguyễn, Bảo Đại, Đại Thế Giới lại như rồng lên mây, như được chắp thêm
cánh bay. "Đức quốc trưởng" Bảo Đại đã được người Pháp giao lại nguồn
lợi Đại Thế Giới, như là một món quà ân thưởng, làm cho ông vua sành cờ bậc này
thích thu không gì bằng. Đệ nhị thế chiến nổ ra, tình hình sôi sục, nhưng vẫn
không ảnh hưởng gì đến sòng bạc Đại Thế Giới, nếu không muốn nói là nó còn chuẩn
bị sức để phất mạnh hơn ở tương lai.
Giai đoạn "sục sôi" nhất của Đại Thế Giới là thời
điểm giới "yêng hùng lục lâm" và vài tay chính trị hàng đầu của chính
quyền Sài Gòn chĩa mũi dùi vào sòng bài. Từ năm 1947 đến 1953, đã nhiều lần Đại
Thế Giới nằm trong tầm ngắm của nhiều người. Đến khi xảy ra cuộc đối đầu chính
trị giữa phe Ngô Đình Diệm với phe trung thành của vua Bảo Đại, thì rõ ràng có
một người rắp tâm nuốt chửng "cái máy hốt bạc" này. Người đó là Bảy
Viễn, thủ lãnh nhóm Bình Xuyên, vốn là tay "anh chị", từng nuôi mộng
như Sáu Ngọ, nên khi được quyền lực trong tay, được "Hoàng đế cuối
cùng" ủng hộ, được các tướng lãnh thân Pháp hậu thuẫn, Bảy Viễn đã làm một
cuộc "đảo chánh", lật đổ sự thống trị của các nhà thầu người Hồng
Kông khỏi lãnh địa Đại Thế Giới. Bình Xuyên đã trúng thầu khai thác Đại Thế Giới
với giá 500 ngàn đồng mỗi đêm, thừa sức có tiền nuôi quân đóng bên kia cầu chữ
Y của họ, và thả sức ăn tiêu, bỏ túi riêng. Đại Thế Giới như một mỏ vàng gần
như vô tận, ai nắm được nó thì nắm được cả sức mạnh chính trị về tay mình. Đã
có lúc người ta ngỡ là Bảy Viễn sẽ trở thành một nhân vật hàng đầu nhờ khai
thác được nguồn béo bở đó. Kịp đến khi nổ ra cuộc "huynh đệ tương
tàn" trong nội chính chính phủ miền Nam lúc đó, giữa Ngô Đình Diệm và Bình
Xuyên, mà cuối cùng Bình Xuyên bị thua, tan rã và Đại Thế Giới cũng bị khai tử
luôn. Những ngày đầu năm 1955 đã đánh dấu ngày tàn của Grand Monde, khi chính
quyền thời đó trước áp lực của quần chúng, đã phải ngậm ngùi ký lệnh dẹp sòng bạc
lớn nhất Đông Nam Á.
Người Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đi ngang qua nơi vừa
"thiên đàng" vừa "địa ngục" mà không còn nhìn thấy mấy chữ
Grand Monde-Đại Thế Giới...
Chú thích:
1 |
Casino (hoặc Cazino): Nhà chơi (ở các nơi nghỉ mát). |
2 |
Mafia (hoặc Maffia): Bọn bất lương. |
3 |
Roulette: Bánh lăn. Bàn cò quay. Trò đánh bạc bằng cò quay. |
Thượng Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét