Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Bên đường thiên lôi 3

Bên đường thiên lôi 3

Ông phán nghiện

Ong ta là người Nam Kỳ, nhưng từ khi về hưu trí vẫn không rời bỏ cái nhà lá mua được ở trên con đường đi về huyện Vũ Tiên.

Nhà này đứng trơ trọi trên một vườn mía không ai trông nom và ngoảnh mặt ra một cái đầm con chật ních những bèo Nhật Bản. Không thân thuộc ai, cũng không tưởng gì đến sự về quê hương, ông ta sống ở đó thầm kín một mình, ngày hai bữa đã có thằng bé con ở hiệu cao lâu Khách phố Đệ Nhị đưa cơm nước đến. Ông ta không ra ngoài mấy khi: cả công việc chỉ quanh quẩn bên cái bàn đèn. Mà khi bước chân ra khỏi nhà là người khắp tỉnh Thái Bình xì xào, chỉ trỏ. Tên ông ta là Được, Trần Văn Được, nhưng họ quen gọi là lão phán nghiện hay là lão phán Sài Gòn.

Tôi ở xa, đến chơi nhà một người bạn ở đầu tỉnh Thái được ít lâu, đã chú ý đến con người kỳ khôi ấy, vì tính tôi hay tò mò, vốn thích những chuyện lạ, những nhân vật khác thường. Cho nên mỗi khi thấy người đàn ông gày gò, đội mũ trắng bửn, mặc áo bông đụp và quần cháo lòng kia lệt sệt đôi giày cũ đi qua cửa nhà bạn tôi, là tôi chạy ra nhìn cho đến lúc ông ta đi khuất. Bạn tôi vẫn nói đùa rằng: "Anh hẳn có duyên vì với ông phán nghiện".

Tôi chẳng biết sự chú ý đó có phải vì thanh khí tương hợp gì chăng? Nhưng riêng tôi thì tôi không ghét người đàn ông kia như phần nhiều người tỉnh Thái. Họ đồng lòng cho ông ta là một hạng người keo bẩn, độc ác, có tiền của chôn giấu - là một con cáo già bo bo giữ lấy hang. Cái nhà lá vắng vẻ kia không ai biết trong có những cái bí mật gì, vì cả những bạn đồng sự cũ của ông ta cũng không ai ưa bước chân tới đó.

Tính tò mò của tôi mỗi lần trông thấy ông phán Sài Gòn lại bị khiêu khích. Tôi tìm hết cách làm quen với ông ta. Hai ba lần tôi vô cớ đón đường chào, nhưng ông ta chỉ gườm mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi lại bước đi, không nói qua nửa tiếng. Tôi biết ông ta không phải là người dễ bắt chuyện, nhưng tôi vẫn kiên tâm chờ một dịp tốt nào đó. Dịp tốt ấy hiện đến buổi chiều cuối tháng một.

Ông ta lên phố lĩnh hưu bổng về, tay cẩn thận cầm một cái cóng thuốc phiện. Lúc sắp rẽ sang đường Vũ Tiên thì một lũ trẻ con đua nhau vừa đuổi theo ông ta vừa chế riễu. Ông ta ngoắt quay lại thì một đứa chạy không kịp cuống chân ngã xuống đường, mặt cắt không còn hột máu. Người lớn liền đổ ra sinh sự, họ nhất định giữ ông ta lại, và bắt lấy cóng thuốc. Tôi phải chạy đến phân giải mãi họ mới chịu buông ông ta ra.

Ông phán nghiện chỉ lắc đầu phàn nàn, rồi không cảm ơn tôi lấy một lời, ông ta chực quay gót. Nhưng tôi đã nắm được cơ hội, đi theo ông ta một quãng, nói mấy câu lễ phép vu vơ, ông phán lại nhìn tôi một cách ngờ vực như mọi khi, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cất tiếng nhè nhẹ và rè rè của một người Nam Kỳ nghiện nặng mà bảo tôi rằng :

"Tôi là một người ở biệc tịch, một người ai cũng ganh ghét cớ chi thầy còn chú ý tới tôi?"

Thế rồi ông ta rảo bước tiến lên, tỏ ý không muốn tôi đáp lại.

Tuy vậy, từ hôm đó trở đi, ông ta không e sợ tiếng chào của tôi như trước và nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng hơn. Tôi không bỏ một dịp nào gặp mặt mà không hỏi ông ta một vài câu. Trước ông ta còn lặng thinh, sau mỉm cười, rồi sau cùng đứng lại hỏi :

- "Thầy màng diệc" ở Thái Bình?

- Thưa cụ không. Tôi đến chơi đây.

- Tới chơi mà ở lâu dữ vậy, cà?

- Vâng, vì tôi ở dưỡng bệnh nhân thể.

Một lần khác, ông hỏi tôi ở đâu và làm ăn gì. Tôi thưa :

- Thưa cụ, tôi làm nghề viết báo ở Hà Nội.

Ông ta giương đôi mắt tươi cười nhìn tôi một lúc rồi nhìn đi chỗ khác, vẻ lơ đãng như người nghĩ chuyện đâu đâu. Rồi ông chậm rãi nửa như bảo tôi, nửa như nói một mình :

- Viết báo à? Vậy thầy hẳn biết ở đời này lắm chuyện "tức cừi" lắm hả?

Đối với người lạ lùng như thế, được nói mấy câu chuyện không đâu, cũng có thể gọi là quen thân rồi. Tôi xem ra ông phán Sài Gòn cũng tỏ ra ý mến tôi như một người bạn nhã nhặn tử tế. Có khi trông thấy tôi, ông ta lại chào hỏi trước, có lần lại nhận lời vào chơi trong nhà người bạn tôi. Thực là một sự lạ cho tỉnh Thái Bình.

Nhưng về phần ông ta, thì xa với điều tôi mong, ông không hề mời tôi vào chơi nhà ông bao giờ hết. Tôi cho đó là một sự vô ý của một người nệ cổ ít thiệp đời, nên một hôm tôi lấy cớ đến thăm ông ta để xem xét những điều tôi muốn biết.

Lúc tôi gần bước chân đến cái đầm nhỏ trước cửa nhà ông phán Sài Gòn, thì thấy ông ta đương đổ bã chè ở chái hiên. Tôi bắc loa tay gọi :

- Cụ phán ơi! Tôi vào thăm cụ đây!

Ông ta ngửng đầu lên trông, nhận được tôi, không nói năng gì, tức khắc đi vào trong nhà đóng kín cửa lại. Tôi ngạc nhiên quá, rẻo qua bờ đầm đến bên cạnh cửa, gõ gọi lần nữa thì có tiếng ông phán thưa ra :

- Có chuyện chi thầy để tới khi khác, giờ tôi không thể tiếp thầy đặng.

Trong nhà tối om, qua khe cửa tôi thấy leo lét có ngọn lửa đèn.

Hơn nửa tháng sau tôi mới lại gặp ông phán nghiện ra phố. Hôm ấy ông ta đương trả tiền cơm tháng cho người chủ hiệu cao lâu phố Đệ Nhị, và hỏi giá mua mấy sọt than tầu. Thấy tôi cùng đi với một người bạn gái mới ở Hà Nội xuống chơi, ông ta không nói gì qua, cũng không đáp lại cái gật đầu của tôi, làm như người không quen biết tôi lần nào cả.

Tôi để cô bạn đi trước lại gần hỏi nhỏ ông ta :

- Lâu nay cụ mạnh giỏi chứ?

- Không mạnh giỏi lắm. Thầy ít bữa nay không ở Thái Bình sao mà tôi qua nhà hai lần không thấy?

- Thưa cụ, tôi đi chơi Ninh Bình.

- Đi với cô kia, phải không. Người chi mà lịch sự vậy?

- Một người bạn gái ở Hà Nội về chơi thăm tôi.

Ông ta yên lặng một lát rồi bảo tôi :

- Bao giờ thầy có thời giờ, vô chơi nhà tôi chút nhé! Tôi có chuyện này ngộ lắm đa!

Tất nhiên là tôi không từ chối.

Ngay chiều hôm ấy, sau khi tiễn người bạn gái sang Nam Định trở về, tôi vội vã đến nhà ông phán Sài Gòn. Trời phơn phớt mưa bụi như gội thêm cái u tối xuống cảnh ngày đông. Cái nhà lá ở bên đường Vũ Tiên càng thêm có vẻ hiu quạnh...

Tới nơi thấy cửa đóng kín. Tôi đập cửa gọi thì bên trong có tiếng giận dữ hỏi ra :

- Ai?

- Thưa cụ, tôi.

- Tôi là ai? Gọi chi mà dữ vậy?

- Kìa cụ phán, tôi đây mà! Người quen cụ đây mà!

Ông ta nhận được tiếng tôi rồi mà hình như chưa khỏi càu nhàu. Tôi nghe thấy bên trong lịch kịch như dọn dẹp bàn đèn, mấy tiếng phì phò thở mạnh, rồi một lúc, thấy một con mắt nghé sau khe cửa nhìn ra :

- Cụ đang bận, phải không? Tôi đến cản trở cụ hẳn?

- Không hề chi. Tôi đang dở hút.

- Nếu vậy xin để lần khác tôi đến thăm cụ vậy?

- Không, (ông ta vừa nói vừa mở cửa) thầy cứ dô chơi.

Mắt tôi lúc ấy chưa quen tối, mà trong nhà cửa sổ vẫn kín bưng. Ánh sáng nhạt nhẽo ở bên ngoài, ánh sáng yếu đuối ở ngọn đèn dầu lạc với cái hỏa lò than ở gần, chỉ cho tôi thấy lờ mờ mấy bộ ghế ngựa thấp kê ở giữa nhà, với sau đó là một thứ tủ chè ngắn và cao, hai cửa kính lấp loáng.

Câu thứ nhất ông bảo tôi trong lúc ông đi đóng cửa vào đã khiến tôi lấy làm lạ.

- Ở nhà tôi, nhất là lúc tôi hút, thầy có thấy chi lạ cũng đừng sợ đa thầy!

Tôi ngồi ghé xuống bộ ghế ngựa, đưa mắt nhìn chung quanh nhà: một cái giường cầu, dưới chiếc màn đã lâu không giặt, kê một bên. Gian bên kia trơ trọi một cái bàn thờ, trên để đủ các thứ: chai, lọ, tượng sứ nhỏ, sách chữ nho, và nhiều thứ vặt vãnh. Sau bàn, ẩn trong bóng mờ tối, phảng phất hình những chậu sành nhớn, những thạp và một hai cái chum con.

Ông phán ngồi xổm lên bộ ngựa, cho thêm than vào hỏa lò và đặt một siêu nước lên trên, mở chụp đèn cắt bớt bấc đi, tháo tẩu ra rồi vừa nạo, vừa thong thả nói :

- Hồi sớm mai tôi gặp thầy đi với một cô nào, tôi bắt tội nghiệp giùm cho thầy quá.

- Thưa cụ sao vậy?

- Vì thầy là ngừi tôi có bụng mến lắm. Tôi nói thiệt, ngừi đời xấu hết, tôi thấy ít ai tử tế, ít thấy ai không có bụng ghét đố kỵ, nhưng tôi thấy có thầy.

Lúc ấy tôi ngạc nhiên hơn là vui thích bởi những tiếng ngợi khen đó. Vì mến tôi, vì cho tôi tử tế mà ông ta thương hại khi trông thấy tôi đi với một người bạn rất dịu dàng, thì thực là một điều ngược đời, tôi không thể nào hiểu được. Tôi hỏi :

- Thưa cụ, cụ có quen biết người đi với tôi không?

Đây, tôi xin thuật lại đúng như lời ông ta đáp :

"Không, nhưng tôi biết ngừi đó là đờn bà. Thế là đủ. Đờn bà không phải là ngừi cho mình tin đâu, thầy. Họ dịu dàng, âu yếm, mơn trớn mình... Nhưng để coi: họ là con mèo giấu móng, hơn thế, họ là một giống nham hiểm mà biết suy nghĩ. Đờn bà thiệt đáng sợ lắm đó, thầy!"

Tôi nghe những lời nói thực thà một cách đột ngột ấy mà nhớ tới câu chuyện mùa xuân của một nhà danh sĩ Pháp. Trong đó kể chuyện một ông đứng tuổi khuyên can một chàng thiếu niên đừng sa ngã vào vòng ái tình. Tôi đang tìm câu trả lời thì ông phán Sài Gòn đã nói tiếp :

- Thiệt vậy, thầy nên tin ở tôi - đờn bà là giống đáng ghê sợ... Tôi sống một mình ở đây, bỏ cửa bỏ nhà, bỏ quê quán cũng vì đờn bà đó. Tôi đã khổ, đã cực nhục nhiều phen vì chúng nó. Tôi không muốn trở lại mà thấy những cảnh đã trông thấy nỗi đau khổ của tôi.

Rồi ông ta cho tôi biết rằng hồi niên thiếu, ông ta đã yêu, mà yêu một cách nồng nàn đắm đuối. Không có sự khó khăn nào, không có điều nguy hiểm nào ông ta không vượt qua để được gần gụi người yêu: mà khi đã chiếm được lòng ai rồi thì không có sự vất vả nào ông ta không chịu mang để người yêu được sung sướng, "sung sướng như bà hoàng hậu". Thế mà người ông yêu lại đi yêu người khác. Lòng người yếu đuối: ông rộng lòng tha thứ cho, nhưng người thiếu phụ ấy không hề ăn năn, tìm nhiều cách lừa dối, lường gạt ông, ông tha thứ cho bao nhiêu lần là bấy nhiêu lần ông đau khổ.

- Thế rồi tôi sinh ra căm tức, thù ghét người tôi thương: không những thế, tôi còn ghét lây, thù lây cả giống họ nữa. Tôi trông thấy ngừi đờn bà là tôi thấy một vật độc ác giấu lưỡi gươm ở hai con mắt, giấu bẫy cạm ở trong lòng... Thầy ôi! Mà có phải là lỗi ở tôi đâu? Thiệt tôi không phải là người độc ác chớ!

... Cho nên tôi thấy thầy đi với họ - thầy là một ngừi tử tế hơn ai hết thẩy, là ngừi mà tôi coi như hình ảnh của tôi ngày trước - nên tôi buồn giùm. Thầy nghe tôi, thầy phải coi chừng, những tay ngà ngọc của họ bóp trái tim mình không biết chùn, đa! Mình có đau khổ, mình có thất tình mà chết họ cũng trối kệ.

Lúc ấy ông ta đã đánh sái xong, đang ngả mình nướng điếu thuốc mới. Tôi thấy cái phút yên lặng lúc đó khó chịu lắm, đang muốn nói một câu gì nhưng chưa tìm được, thì ông phán lại nói luôn :

- Đời tôi bây giờ không còn mong gì nữa rồi... cái sanh thú độc nhứt của tôi bây giờ chỉ có thuốc phiện, chỉ có ả phù dung, là một vị tiên ác nghiệt nhưng trung thành: mình không ruồng bỏ cổ thì thôi, chớ chẳng đời nào cổ ruồng bỏ mình. Câu ví của tôi nghe ngộ quá hả! Cái ái tình của tôi chỉ là hút á phiện - có vậy đó thôi. Còn đờn bà! Trời ơi! Đờn bà là một vật chi vậy?... Một bữa tối qua Nam Định, tôi trông thấy một bức tranh vẽ treo ở cửa một nhà hát bóng; tôi thấy, tôi không bao giờ quên. Tranh đó vẽ một con đờn bà lúc đêm tối ngồi để tay lên đầu một anh đờn ông... mà cái bóng đen của hai đứa chiếu lên tường lại là bóng con hổ cái dìu đầu một người xuống dưới một chưn trước của nó. Tôi thấy cái ngụ ý đúng quá, cười ầm lên. Từ đó tôi được một hình ảnh để ví giống đờn bà, hạp với ý tôi... rồi tôi lại kiếm đặng một hình ảnh hay hơn, đúng hơn ấy là giống rắn!

Điếu thuốc vừa chín, làm tắt mất mấy tiếng cười gằn. Ông nâng xe phiện mời tôi :

- Thầy hút điếu thuốc cho khỏe.

- Xin vô phép cụ.

Ông không nài, thót má vào kéo một hơi, rồi lừ đừ mắt mà thở.

Lúc ấy tôi như đang giao tiếp với một nhân vật kỳ quặc trong một cảnh tượng huyền ảo... Tôi nghĩ đến những lời khe khắt quá đáng của người đàn ông kia mà thấy ghê rợn cả người. Những lời nói căm hờn ấy có một mãnh lực rất quái lạ... Tôi tất nhiên không biểu đồng tình, nhưng tôi cũng không tìm được nhẽ gì để bài bác.

Ông ta tiêm luôn mấy điếu nữa hút, để mặc tôi suy nghĩ vẩn vơ. Tôi lơ đãng nhìn ngọn đèn lửa nhọn đâm thẳng lên, nhìn những tiêm móc và các đồ dùng trên bàn đèn, nhìn khói trắng từ từ lan ra trong bầu không khí thơm nồng và ấm áp, rồi lại nhìn bộ mặt gầy guộc xanh xám mơ màng trong làn khói bộ mặt in đầy những vẻ chua chát mỉa mai...

Bỗng nhiên tôi tái người đi, hai hàm răng cắn chặt lấy nhau để giữ một tiếng kêu, vì tôi vừa thấy một vật ghê gớm: một con rắn cạp nong lớn, mình lấp lánh như chiếc khăn quàng bằng lụa bóng, đang yên lặng nằm vắt qua cổ ông. Con rắn hình như không để ý gì đến tôi... chỉ ngóc đầu lên gần mặt ông ta mà chờn vờn những làn khói thuốc phiện chưa tan hết. Ông phán nghiện thì lim dim mắt nằm đó, nét mặt thản nhiên lạ thường. Tôi bám lấy mép ghế ngựa cho khỏi run, muốn chạy nhưng chân ríu lại... Quay ra cửa thì cửa đóng kín. Tôi hết sức tĩnh trí se sẽ gọi :

- Cụ phán!

Ngoảnh lại, con rắn không còn đó nữa, biến đi như hình ảnh một giấc mơ.

Trống ngực tôi đập thình thình, tôi lẩm bẩm một câu hỏi mà không biết ông phán có nghe thấy không, chỉ thấy ông ta mở mắt ngồi thẳng dậy cười mấy tiếng nghe rợn tóc gáy, rồi bảo tôi :

- Tôi đã biểu thầy đừng sợ từ lúc mới bước vô đây kia mà...

- Nhưng vừa rồi tôi trông thấy một con rắn nó quấn cổ cụ!

- Phải, con rắn của tôi đó... Con rắn của tôi nuôi.

- Nó đâu rồi?

- Đây nè! (ông ta vừa nói vừa trỏ cho tôi thấy một cuộn tròn ngũ sắc ở trong bóng cái gối xếp) Vừa rồi nghe thầy gọi, nói chui nằm xuống đó... Thầy trông ngộ lắm phải không?

- Nhưng, trời ơi! Sao cụ lại nuôi cái quái vật ấy thế?

- Nó là rắn chứ không phải là quái vật. Vì thầy coi: nó có nỡ hại tôi bao giờ đâu? Nó quấn quýt bên mình tôi đã có trên ba, bốn năm nay rồi... Cái quái vật mà người ta không ngờ, mà người ta tin yêu, ấy là đờn bà, ấy là giống tôi ghét và tôi sợ nhứt đó.

Tôi không thấy lời nào độc địa hơn thế nữa, nên vẫn không biết trả lời ra sao. Ông phán hình như không thèm để ý đến tôi, chỉ vừa cười nói tiếp :

- Phải. Tôi ghét tụi đờn bà lắm, nên mới nẩy ra cái ý kiến nuôi rắn làm bầu bạn, trong lúc sống một mình này. Tôi làm thế đặng an ủi lòng tôi, đặng ngạo đời chơi, đặng cho chúng biết rằng tôi ở với rắn còn sung sướng hơn ở với chúng.

Tôi mua đặng con rắn từ bốn năm về trước trong hồi tôi qua Nam Định có việc - mà chính là hồi tôi nảy ra ý kiến so sánh rắn độc với đàn bà... Tôi đem nó về rồi ngày ngày đặt cái lồng đựng nó ở bên bàn hút, nói chuyện với nó, than thở với nó, như tình tự với người thương. Tôi hút điếu nào lại hà khói vào lồng đặng cho nó nuốt đi. Cứ vậy trong hơn một tháng trời, lần lần con rắn thành quen khói thuốc, thành "nghiền". Tôi mới thả ra cho nó đi, nhưng chỉ ít lâu nó lại trở lại quanh quẩn bên bàn hút. Rồi cứ vậy cho tới giờ, con rắn không bao giờ muốn rời bỏ tôi ra. Tới bữa hút là nó lại bò gần tôi... Mỗi ngày tôi một cưng nó hơn lên và để cho được tự do "mơn trớn" tôi như thầy vừa thấy đó.

- Bữa trước thầy tới chơi thì tôi vừa mới bắt đầu nằm hút. Mà lúc con rắn của tôi chưa đủ nghiền thì không được hiền lành với người ngoài... Tôi sợ thầy đột nhiên trông thấy nó, lỡ có vô ý động tới nó chăng, nên mới không tiếp thầy đặng. Bây giờ thì tôi bắt sao, nó phải theo vậy: nó lành hơn con chiên.

Vừa nói, ông ta vừa vuốt lên những khúc cuộn tròn của con rắn một cách nhẹ nhàng, yêu dấu như người vuốt ve một con mãn, miệng sẽ huýt mấy tiếng còi. Con rắn liền ngóc đầu lên, vươn mình bò quấn lấy cánh tay ông ta. Ông ta rũ một cái, nó lại nằm cuộn tròn dưới chiếu.

Ông phán quay lại bảo tôi :

- Đã trên ba, bốn năm trời rồi, tôi vẫn sống với nó như sống với một "ngừi bầu bạn" trung thành, nên đời tôi cũng không quạnh hiu lắm. Mà mỗi khi tủi phận hay căm tức vì nghĩ tới chuyện xưa, tôi lại gọi nó ra bên bàn đèn mà than thở với nó... Những lúc đó tôi thấy sung sướng trong tâm lắm, vì nghĩ rằng con rắn của tôi còn tử tế hơn đờn bà lận.

Lúc tôi cáo từ ông phán nghiện đi ra, thì bên ngoài trời sẩm tối, mưa lấm tấm gội một cách dịu dàng vào đôi má nóng bừng của tôi... Tôi thấy lòng nhẹ nhàng, trí vẫn tỉnh táo suy nghĩ được như thường - vì tôi thú thực, câu chuyện của ông phán kỳ quái vừa rồi làm cho tôi tưởng đến loạn óc mất. Tôi tìm cách hiểu lấy đôi chút tâm trạng của người đàn ông ấy, nhưng cũng không thể nào hiểu được: phải là người khổ lắm - khổ quá - phải trải qua nhiều điều đắng cay chua xót vì đàn bà lắm mới có những tư tưởng "quá khích" như thế được.

Bốn năm hôm sau, tôi lại vào chơi nhà ông phán Sài Gòn. Ông ta hỏi tôi :

- Bộ thầy cho tôi là ngừi kỳ cục lắm hả? Mà kỳ cục thiệt, chớ chi? Nhưng có điều tôi không hại tới ai. Ngừi ta ghét tôi, tôi ghét lại. Thế là công bình. Miễn không ai quấy rầy tôi là tốt.

Tôi trông thấy con rắn vắt qua cổ ông ta cũng đã quen mắt và mấy lần sau tôi đến đã dám theo lời ông ta vuốt lên mình nó mà không việc gì. Ông phán cười không thật và khàn khàn bảo tôi :

- Thầy viết báo đã thấy có người ở với rắn bao giờ chưa?...

... Cuối năm ấy, tôi từ giã Thái Bình, có đến chào ông phán Sài Gòn thì thấy ông ta vừa vuốt ve con rắn cạp nong vừa phàn nàn rằng ít bữa nay ông hút thuốc là hút cho con rắn chứ không thấy thú nữa. Hồi đó, ông ta bắt đầu bị yếu. Tôi nghĩ bụng: người nghiện chê thuốc hẳn không phải là một triệu chứng hay.

Đầu tháng giêng năm sau, giữa hôm tôi lại đến Thái Bình chơi thì được tin ông phán Sài Gòn vừa mới chết lúc sáng.

Người bạn của tôi bảo tôi :

- Ông phán nghiện vẫn ốm từ hồi trong năm. Bệnh xem chừng càng ngày càng nặng thêm, trước còn ăn uống qua loa, nhưng sau bỏ cơm hẳn. Mấy hôm nay, bữa nào thằng bé hiệu cao lâu đem cơm nước đến cho ông ta, cũng thấy đóng cửa kín; ông phán nằm dí trong nhà, ngừng tiếng rên để gắt đuổi nó xách cơm về. Nhưng từ hôm qua thì cố nghe ngóng cũng không thấy gì nữa. Sáng hôm nay người ta tới đập cửa thình thình cũng không thấy động đậy.

Tôi bỗng có một thứ cảm giác kỳ dị: tôi nghĩ ngay đến con rắn cạp nong.

Tức khắc tôi cùng người bạn đi trình cảnh sát rồi phá cửa vào xem, thì quả nhiên ông phán nằm chết cóng bên cái bàn đèn tắt, mà con rắn thì quấn chặt lấy cổ ông, đầu nó đang cố rúc vào mũi ông ta, như muốn tìm cái hơi thuốc phiện trong ấy.

Chúng tôi hết sức cẩn thận tìm cách bắt nó, nhưng cẩn thận vô ích, vì con rắn đói thuốc, không nhanh nhẹn được nữa. Nên chúng tôi bắt được nó rất dễ dàng.

Cái đầu lâu

Chiều hôm đó, tôi ngồi chơi với Ngô Đàm trong phòng sách của anh ta. Sau một hồi chuyện phiếm, bạn tôi lấy ra một cái hộp gỗ trắng đem khoe tôi :

- Tôi mới mua được cái này hay lắm.

- Cái gì?

- Rồi anh sẽ biết.

Nắp hộp mở, anh lấy ra một cái đầu lâu lớn, nương nhẹ đặt lên bàn, rồi nhìn tôi mỉm cười. Tôi hỏi :

- Anh mua vật này làm gì?

Đàm không trả lời ngay, lim dim mắt, gạt tàn thuốc lá và thong thả nói :

- Cái đầu lâu là biểu hiện sự chết, là một vật mà các nhà hiền triết hoặc tu hành bên Âu châu thường bày trước mặt, bên những chồng sách đầy bụi bám để suy nghiệm về những lẽ huyền bí của "đời sau". Đối với một nhà thông thái thì đó là một vật khảo cứu cũng như viên đá lạ, một chất hóa học hay một ống cấy vi trùng. Tôi không phải là nhà hiền triết, không phải là nhà tu hành hay nhà thông thái, nên cái đầu lâu đối với tôi là một thứ bài trí ghê gớm, một thứ đồ... "mỹ thuật" của người hiếu kỳ như tôi. Nhưng có lẽ trong những lúc đọc sách ở nơi tĩnh mịch này, trong những khi suy xét về những điều bí hiểm của sự chết, của đời người, thứ đồ "bài trí" kia sẽ là một vật kích thích cho trí tưởng tượng của tôi... Biết đâu bạn anh sẽ chẳng là một nhà tư tưởng trầm mặc như nhà hiền triết, nhà tu hành?

Câu nói văn hoa, nửa nghiêm trang, nửa đùa cợt của Đàm khiến tôi hơi ngạc nhiên, nhìn bạn.

Bỗng cửa phòng bật mở, một người thiếu niên mặc Âu phục bước vào, chưa kịp nói gì đã trông thấy cái đầu lâu, rồi đứng đực ra đó. Đàm hỏi :

- Kìa, anh Chung, sao hôm nay trông kỳ khôi thế?

Lúc ấy, Chung mới ngoảnh lại sẽ gật đầu chào tôi, rồi lại trân trân nhìn cái đầu lâu trên bàn, mãi mới nói :

- Ồ anh Đàm! Anh cũng có cái này ư?

- "Cũng có?" Thế ra tôi không thể có một cái đầu lâu được sao?

- Ồ, thế anh không thấy gì lạ chứ? Anh không thấy gì ư?

Chung ngồi xuống, đưa tay vuốt tóc, mặt hãy còn vẻ lo lắng, nhìn hết tôi đến Đàm rồi đến cái đầu lâu. Anh nói :

- Sao lại có sự ngẫu nhiên lạ thường đến thế? Tôi đến đây cũng định thuật cho anh nghe về cái đầu lâu ở nhà tôi... thì lại gặp ngay chính vật này... Chính cái đầu lâu này. Tôi đã tưởng nó đang ở nhà tôi biến lại đây, nên tôi mới sửng sốt đến thế. Để tôi kể đầu đuôi câu chuyện các anh nghe.

Chung lấy chén nước uống cạn một hơi, lóng cóng châm điếu thuốc lá rồi nói tiếp :

- "Trước kia tôi vẫn ở trên Hàng Bông như anh đã biết. Nhưng cách đây nửa tháng, anh Lịch là người học trường Mỹ thuật mới ra năm nay, tìm được một cái nhà ngói ở ngoại ô để làm phòng vẽ. Nhà ấy một tầng chia làm hai căn rộng. Lịch ở một căn còn một căn gọi anh Thao học năm thứ hai trường thuốc với tôi đến ở cho vui và chịu đỡ Lịch ít tiền thuê nhà.

Chỗ này ở xa thành phố, chung quanh toàn bãi cỏ, một mặt ngoảnh ra phía đường cái. Ở chỗ yên tĩnh như thế để học hành, lại rẻ tiền nhà, mà có hai người bạn cùng nhã nhặn tử tế cả thì còn gì dễ chịu hơn. Tôi không bao giờ phàn nàn nếu trưa hôm kia anh Thao không có cái ý kiến kỳ quặc đem về nhà một cái đầu lâu.

Đầu lâu thì tôi không lạ gì. Hồi còn học trường Bưởi, tôi đã được trông thấy nhiều lần ở phòng thí nghiệm. Nhưng cái mà anh Thao lấy ở nhà thương về lại là của một tên tù mới chết, trông còn mới, trắng hơn cái này nhiều, mà xương chưa được khô lắm. Thao xem ra quý hóa cái vật quái gở ấy lắm. Tôi thì không. Tôi thoạt trông thấy nó bỗng ghê rợn cả người... Có lẽ vì tôi thoáng nghĩ đến cảnh hiu quạnh chung quanh nhà của chúng tôi, hay có lẽ tôi vừa mới đọc xong những truyện linh hồn hiển hiện anh cho mượn ngày trước... Cái đầu lâu đặt trên bàn học anh Thao kê gần cửa sổ lúc nào cũng như chăm chú nhìn tôi bằng hai con mắt đen và rỗng, mà hai hàm răng thì nhe ra một cách chế giễu độc địa. Tôi có cái cảm giác khó chịu hình như "nó" biết cả những điều tôi nghĩ thầm. Tôi sinh ác cảm với "nó" và chắc hẳn "nó" cũng không ưa gì tôi. Cái vật trơ trơ kia không ngờ lại làm tôi băn khoăn đến thế. Tôi lấy đủ các nhẽ để tự nhủ mình cũng không xong, mà nỗi lo ngại của tôi mỗi lúc một thêm nặng nề như đè nén mãi lòng mình.

Tối hôm ấy, thấy bứt rứt trong người, để Thao ngồi học một mình, tôi đi nằm trước. Anh Lịch ở phòng bên cạnh vào nói mấy câu chuyện rồi lại ra ngay. Tôi nằm đó chừng đến hơn một giờ đồng hồ mới ngủ đi được. Nhưng cả trong giấc ngủ, tôi vẫn bị cái đầu lâu kia ám ảnh hoài. Tôi nằm mơ toàn thấy những đầu lâu với xương người, hay những cái ghê sợ hơn thế. Một lần tôi hốt hoảng thức dậy thì ngọn đèn cây trên bàn học anh Thao đã tắt, trong nhà tối đen như bưng lấy mắt, bên ngoài cũng vậy, vì tôi cố tìm cái cửa sổ chấn song sắt cũng không trông thấy đâu. Bên cạnh tôi anh Thao chừng đã ngủ say, tiếng thở đều và thong thả. Thỉnh thoảng một tiếng ngáy ở buồng anh Lịch lại đưa sang. Mọi vật quanh nhà đều im lìm. Không một tiếng lá bay, không một hơi gió thoảng. Tôi muốn quên mà không thể quên cái đầu lâu kia được. Tôi thấy hình như nó có tri giác, nó "vẫn còn thức" và trong bóng tối, đang nhăn răng tráo mắt nhìn sự kinh khiếp của tôi.

Bỗng nhiên tôi thấy lạnh tái người đi. Từ phía bàn giấy anh Thao, tôi chợt nghe thấy những tiếng ken két như hai hàm răng nghiến vào nhau. Tiếng ấy nghe mỗi lúc một rõ dần, mà lâu đến gần một phút. Trước tôi còn muốn tin là tiếng anh Thao nghiến răng trong mơ. Nhưng Thao nằm bên cạnh tôi, mà tiếng kia thì rõ ràng ở bàn giấy đưa lại. Tiếng nghiến răng vẫn không dứt, nghe ra giận dữ và ghê gớm hơn lên... Tôi vội nắm lấy cánh tay anh Thao, hết sức lay. Thao thức dậy hỏi thì tiếng nghiến răng lại ngừng bặt. Tôi ghé tai Thao nói rất nhỏ :

- Này Thao ạ, tôi vừa thấy một việc lạ quá!

- Ở đâu?

- Ở cái đầu lâu.

- Có lẽ nào?

- Cứ để yên mà nghe.

Rồi chúng tôi không nói gì thêm, lắng tai nghe ngóng một lúc thì lại thấy như trước, tiếng nghiến răng cứ trước nhỏ, sau to dần. Thao liền đứng phắt lên, chạy lại bàn đánh diêm thắp đèn: cái đầu lâu vẫn nguyên chỗ cũ, nhưng lúc ấy ngoảnh mặt nhìn về phía giường tôi nằm.

Chúng tôi nhìn khắp nhà một lượt. Không có gì lạ. Cửa sang phòng anh Lịch vẫn đóng kín. Của sổ tuy không có cánh, nhưng có chấn song sắt, mà cái bàn giấy của Thao kê xa đó những năm sáu bước, áp vào bức tường đối diện với giường của chúng tôi.

Thao bảo tôi rằng những tiếng vừa rồi là tiếng chuột gặm, nhưng chính anh cũng biết nhà chúng tôi không có qua một con chuột nào. Và cái tiếng lúc nãy nghe to, nghe rõ một cách khác thường lắm.

Thao thấy tôi lo ngại cũng không bình tĩnh được, nhưng anh cố tìm lời an ủi tôi.

Chúng tôi để đèn rất lâu chờ xem, song không thấy gì. Nhưng khi tắt đèn lên giường nằm chưa đầy nửa giờ, thì cái tiếng nghiến răng lúc nãy lại bắt đầu, mà lần này thêm dữ dội.

Lúc ấy, cây đèn để ngay cạnh giường ngủ. Tôi chập ba que diêm làm một bật lên thắp. Trông sang bàn giấy thì cái đầu lâu đang lắc lư như thằng phỗng nhựa của trẻ con chơi!

Ngô Đàm bỗng phì cười lên thì Chung có ý không bằng lòng.

Quả thế, cái đầu lâu cứ nhăn nhở, lắc lư đến nửa phút. Mà chả có gì đáng cười hết. Chính anh Thao là người không sợ gì cả, lúc ấy cũng phải kinh ngạc mà nhìn tôi.

Suốt đêm ấy, chúng tôi không ngủ, cứ để đèn ngồi rình thì lại không thấy xảy ra việc gì nữa.

Sáng hôm sau (tức là hôm qua) chúng tôi nói chuyện ấy cho anh Lịch nghe thì anh cũng không tin. Sau thấy tôi nhất định nài anh Thao đem cái đầu lâu vứt đi, Lịch mới cho là chuyện có thực. Nhưng anh nói :

- Đã thế thì để đêm nay tôi cũng rình xem, rồi có thế nào vứt đi cũng không muộn.

Thì đêm qua cũng lại giống đêm trước. Cứ tắt đèn được một lúc lại thấy cái đầu lâu nghiến răng ken két mà thắp đèn lên lại thôi.

Tôi nhân đọc các sách anh cho mượn và gần đây lại được đọc một đoạn dật sử về hồi đại cách mệnh Pháp, thấy kể chuyện những thủ cấp sau ba, bốn giờ vẫn còn sống được, nên tôi càng cho việc cái đầu lâu kia nghiến răng là một việc phi thường. Bây giờ thì tôi tò mò hơn là khiếp sợ. Tôi bảo Thao cứ để yên cái đầu đấy và đến rủ anh ngủ ở nhà chúng tôi một tối xem. Tôi vẫn biết anh hay để ý đến những thứ chuyện kỳ dị này lắm".

Ngô Đàm vui lòng nhận lời. Tôi cũng ngỏ ý muốn đi với anh ta một thể và cùng hẹn đến tối sẽ có mặt ở nhà anh Chung.

Lúc Chung ra khỏi, Đàm xoa tay mỉm cười một mình. Tôi hỏi ý anh về chuyện vừa rồi ra sao, thì Đàm chỉ nhún vai, nói :

- Tôi sợ không gặp được cái ly kỳ như anh Chung nói, không khéo lại chỉ là một câu chuyện buồn cười thôi. Nhưng dẫu sao, ta cứ đi xem, không biết đâu mà nói trước được.

Bảy giờ rưỡi hôm ấy chúng tôi đến nhà thì các anh Thao, Chung và Lịch đang ăn cơm ở phòng vẽ của Lịch. Đàm đứng xem mấy bức vẽ than của Lịch được chừng năm phút thì các anh ăn xong. Chúng tôi sang cả phòng bên kia nói chuyện.

Trước hết, Đàm đi lại bên bàn cầm cái đầu lâu ngắm nghía mãi. Mặt anh có vẻ nghiêm trang như nhà thông thái đang khảo cứu, nhưng đôi mắt tươi cười một cách hóm hỉnh. Bỗng anh quay lại hỏi Lịch :

- Anh có thấy gì lạ ở cái đầu lâu này không?

- Không.

- Giá lúc anh cầm nó lên xem, anh chú ý chút nữa, thì thấy bốn chiếc răng trong cùng hà gần một nửa.

Lịch ngạc nhiên hỏi :

- Nhưng sao anh lại biết tôi đã cầm lên xem?

- Có gì là lạ. Anh cầm lên xem cẩn thận lắm, nhưng lúc chực bỏ cái quai hàm dưới ra để xem bộ răng thì trượt tay suýt đánh rơi xuống bàn. Có phải không?

- Phải. Nhưng sao anh biết?

- Tôi thường đọc sách của Conan Doyle, nên cũng tập được một đôi chút tỉ mỉ. Những vết đen này là bởi than vẽ ở ngón tay anh ra... Chỉ cần để ý một chút cũng thấy được. Anh đang vẽ ở phòng ngoài chắc chợt nghĩ đến cái đầu lâu, nên vào xem thử chứ gì?

Rồi Đàm đi khắp gian nhà, cúi nhìn các chân tường một cách cẩn thận như người đi tìm một vật quý đánh rơi. Anh lại nhờ Lịch cầm đèn ở phòng bên sang, còn tự anh cũng cầm cây đèn bên cạnh cái đầu lâu, và bảo dẫn đi xem chung quanh nhà.

Bên ngoài tối như mực. Trên trời mây ám không có một ánh sao nào. Ngoài một hàng dóc rào mau, xa xa thấy một đám sáng chiếu lên: đó là thành phố Hà Nội. Sau một cuộc tìm xét rất kỹ càng, nhưng rất vô ích, Đàm đạo mạo như một nhà trinh thám, bước vào trong nhà rồi xoa hai tay vào với nhau. Thốt nhiên, như sực nghĩ ra điều gì, anh nói :

- Tôi khờ quá, không đem cái đèn bấm ở nhà tôi lại.

Thao nói :

- Hay để tôi lên phố mượn?

- Anh chắc có mượn được không. Thôi để tôi về nhà lấy vậy. Phiền thực, nhưng thế chắc chắn hơn.

Lúc Đàm trở lại thì đã gần mười một giờ: anh đi nửa đường thì xe đạp nổ bánh.

Chúng tôi để sẵn diêm với đèn gần tầm tay. Cái đèn bấm Đàm trao cho Chung, còn anh ta thì ngồi ở một cái ghế thấp bên cạnh cửa sang phòng anh Lịch. Trước khi tắt đèn, Đàm dặn chúng tôi không ai được làm gì, nếu không có lời anh ấy bảo.

Đèn tắt. Bóng tối dầy đặc trong nhà. Tôi đưa tay lên tận mắt cũng không trông thấy. Thao với Lịch nằm sát vách, còn Chung và tôi thì ngồi ở mép giường. Không ai nói qua một lời. Tôi nghe hơi thở của Chung thì biết anh ta hồi hộp lắm.

Cái lo ngại dần dần ám đến. Mà sự yên lặng ở gian phòng có nhiều người này lại càng có vẻ khác thường. Chúng tôi cùng hết sức lắng tai, tiếng đồng hồ đeo ở tay anh Lịch nghe rõ mồn một. Tôi đếm tiếng tích tắc để biết thời giờ, nhưng mãi cũng sinh chán, và trong lòng lúc ấy thấy nôn nao một cách lạ. Tâm linh hình như bị kích thích và hình như báo cho tôi biết trước có một điều ghê gớm sắp xảy ra...

Có lẽ chúng tôi ngồi đó đã ngót một giờ, có lẽ lâu hơn nữa; mà tịnh không thấy một tiếng động nào hết. Hai anh Thao và Lịch chừng như đã ngủ, tôi đưa tay định xem họ còn thức không thì bỗng Chung nắm chặt lấy cánh tay tôi, nói khẽ quá đến nỗi tôi phải đoán ra chứ không nghe rõ :

- Im! Nghe!

Tôi chú ý nghe thì quả nhiên thấy có tiếng ken két nghiến răng thực. Lúc ấy tôi mới hiểu cái khiếp sợ của Chung. Lúc ấy tôi mới thấy rõ ràng cái ghê rợn của người gặp ma quái. Tay Chung vẫn nắm chặt lấy cánh tay tôi, nhưng hơi run run. Còn tôi thì cứ muốn quát to lên, quát rất lớn để phá tan cái yên lặng ghê gớm lúc đó.

Thấy hơi nóng ở sau gáy, tôi biết hai anh Thao và Lịch đã ngồi dậy. Tôi tráo mắt nhìn bóng tối đen đặc và mỗi lúc tưởng thấy hình thù dị thường hiện lên.

Tiếng nghiến răng càng lâu càng rõ thêm. Thỉnh thoảng ngừng lại một giây rồi lại nghiến nữa. Đàm ngồi trên chiếc ghế gần đó có lẽ cũng sinh nát đảm: chúng tôi không trông thấy anh, mà đợi mãi cũng không thấy anh bảo sao.

Hốt nhiên, từ phía đầu lâu, một tiếng quái gở gào lên trong những tiếng cười nghe sởn tóc gáy. Mọi người đều vùng dậy, tôi không đợi anh Đàm nữa, vớ lấy diêm đánh, mà Chung cũng bật đèn bấm lên.

Cái đầu lâu lắc lư như điên cuồng, và ngay cạnh đấy, một vật đen ngòm đang giẫy giụa. Mắt chúng tôi khi đã đỡ chói thì nhận ra đó là một con mèo đen bị giữ trong tay Đàm.

Đàm lúc ấy, tay thì giữ mèo trên bàn, nhưng người thì ở dưới gầm bàn. Anh cả cười lách chui ra, vừa gặp lúc chúng tôi ồ cả lại. Con mèo giương mắt kinh hãi nhìn chúng tôi. Một con mèo to, đen, mà gầy, lông mọc xờ xạc không đều và không mượt.

- Đấy (lời Đàm nói) cái quái dị mấy hôm chỉ là ở con vật đói khốn nạn này mà ra cả. Các anh nên nhớ rằng cái đầu lâu vô tri giác kia còn mới, mới luộc xong, vẫn còn hơi thịt... Từ lúc anh Chung mới kể chuyện, tôi đã ngờ thế... Đến lúc xem lại cái đầu lâu với cái cửa sổ không có cánh này, thì tôi đã hơi chắc. Mà bây giờ thì đã nắm được, hì! Đã nắm được "điều huyền bí" ở trong tay.

Sự lo sợ của chúng tôi bấy giờ lại đổi ra sự kinh ngạc. Vì có ngờ đâu câu chuyện kỳ quái ấy chỉ gây nên bởi một con mèo.

Khi Đàm với tôi ra về, bạn tôi cười bảo tôi :

- Tôi đã sợ ngay từ lúc còn ở nhà kia, sợ rẳng chỉ gặp chuyện buồn cười thôi, chứ cái "phi thường" là một sự hiếm có lắm. Giá hôm nay đi với anh Nhị Linh thì câu chuyện này sẽ là câu chuyện khôi hài, mà tên chuyện sẽ là "chuyện con mèo". Nhưng lại đi với anh... chắc anh lại xoay nó ra thành chuyện ghê sợ".

Câu chuyện trên tàu thủy

Nhân nói đến những sự nhũng nhiễu trên tầu thủy, người đàn ông trạc năm mươi tuổi, mặc áo bông đoạn, đeo kính trắng gọng vàng, trông ra vẻ một ông ký về hưu, nằm hút thuốc phiện trong phòng hạng ba của chiếc tầu chạy Hòn Gai, có kể cho tôi câu chuyện như sau.

° ° °

Tôi biết một người kẻ cắp rất giỏi, tên là hai Nhiêu, người Ninh Bình. Bác ta rất thông minh, thiệp nhã, lại "quân tử" nữa. Quân tử trong phường kẻ cắp - cố nhiên. Không bao giờ bác thèm lấy của người nghèo. Ăn cắp đối với bác không phải là một nghề kiếm cơm, đó chỉ là một cách giải trí của tay chơi, hay có thể nói là một... "nghệ thuật". Bởi thế việc lấy cắp càng khó, càng nguy hiểm, hai Nhiêu càng thích. Bác ta khi đã "nhằm" món nào, tất món ấy phải lắm tiền, mà đã cố ý lấy tất không bao giờ hụt.

Từ lúc mới quen nhau do một sự ngẫu nhiên - quen nhau kể đã có trên mười năm nay - hai Nhiêu không giấu tôi cái chí hướng thích ăn cắp ấy. Nằm đối diện bên bàn đèn, bác ta thường đem những "công cuộc hành động" của mình thuật lại với tôi. Nhiều chuyện ly kỳ và lý thú lắm, kể không xiết được. Nhưng tôi chỉ chú ý đến chuyện này, vì nó khác thường hơn; hai Nhiêu thường nhắc lại luôn và gọi đó là một cái khờ đáng tức cười, một sự "thất bại" của mình lần thứ nhất.

Hồi ấy hai Nhiêu đang trổ tài nghệ trong mấy sòng bạc ở Hải Phòng. Bác ta thí nghiệm ngón khôn khéo trên túi ai là cái túi ấy sẽ phải rỗng. Nhưng bác lại có tính máu mê, được đồng nào của con bạc thì lại nướng cho nhà cái hết. Đang lúc lập một mưu "chưa xuất bản" để ăn to, bỗng có tin nhà ra báo cho biết rằng vợ hai Nhiêu ốm nặng.

Là ăn cắp, nhưng cũng là chồng tốt, hai Nhiêu phải đến vay tạm tôi dăm đồng để về thuốc thang cho vợ. Rồi ngay chiều hôm đó đi tầu thủy xuôi Nam. Xuống đến tầu, công việc thứ nhất của bác là đi xem xét mọi nơi: bác ta mong gặp được cái may có thể giúp mình được ít tiền nữa. Nhưng hành khách tuy đông mà không người nào có "máu mặt". Phần nhiều là người buôn bán nhỏ, túi tiền không xứng đáng với tài hoa của bác; hay những người phu mỏ ốm dở trở về. Hai Nhiêu thấy họ lại cẩn thận đề phòng giữ gìn các gói hành lý hoặc đồ đạc và thấy một vài tên ăn cắp quèn lảng vảng trong đám ấy thì bĩu môi ra dáng khinh bỉ. Bác thong thả đến ghế ngồi trên mép chiếu ở gần buồng máy, uể oải mượn cái điếu cầy rít một hơi, rồi ngả lưng dựa vào cái cột sắt ngủ gà ngủ gật cho đến khi trong tầu lên đèn.

Bỗng những tiếng ồn ào gần đó nổi lên. Anh chàng mở độc một mắt ra coi rồi lại nhắm lại. Nhưng tiếng ồn ào lại thành tiếng quát mắng lẫn tiếng van lơn. Bác khó chịu, phải mở cả hai mắt ra thì thấy người mại bản đang xỉa xói một người nhà quê thiếu tiền tàu và nhất định đuổi người ta xuống. Hai Nhiêu bực mình quá, đứng lên can thiệp, thì người nhà quê kia lạy lấy lạy để, vừa nhăn vừa kêu :

- Bẩm ông, con về Nam nhưng thiếu mất một hào. Con nói với chú ấy cho chịu đến khi lên bến, con vay con trả, mà chú ấy không nghe.

Tên Khách thì cứ luôn mồm :

- Cái lày ti tầu, không cố tền thì ti làm gì? Không! Cái lày phải xuống tây, không có lôi thôi.

Người nhà quê lại hết lời nói khéo mà tên Khách vẫn nhất mực không nghe, sau hai Nhiêu phải gắt :

- Thì người ta đến bến là có tiền, việc gì mà phải làm dữ thế. Hay là giữ lấy hành lý của người ta để người ta chuộc sau không được ư?

Tên Khách lườm :

- Cái nị không có piết! Hằng lý ló có cái lày thì lấy làm gì!

Người nhà quê chỉ có một cái lồng gà rỗng, với trong đó một gói mo chừng đựng cơm nắm, và hai cái nồi đất mới, miệng bưng bằng giấy nhật trình.

Hai Nhiêu đã hối hận vì trót dây vào việc này, lại cứ bị người nhà quê bíu lấy kêu nài mãi.

- Ông làm ơn nói với chú ấy hộ. Con thế nào cũng vay trả chú ấy, chứ bắt con xuống bến này bây giờ, thì khổ cho con quá. Con lạy ông.

Còn người Khách thì cứ :

- Lạy ông! Lạy ông! Cái lày cố tền ti tầu thì ti tầu mà không cố thì từng ti... lạy ông cái gì cơ lớ!

Rồi hăm hở toan túm lấy ngực người đàn ông kia lôi đi.

Sự bất bình liền sôi trong máu hai Nhiêu. Bác ta chợt thấy mình là người anh hùng kẻ cả, liền gạt anh Khách ra, rút một tờ giấy bạc quăng vào mặt nó, hách dịch nói :

- Bán một cái vé về Nam Định, giữ lấy một hào của người này nữa, rồi trả lại tiền.

Tên Khách đưa vé xong vừa lẩm bẩm quay đi thì hai Nhiêu giữ vai kéo hắn lại :

- Từ nay phải nhã nhặn với khách đi tầu chút nữa, nghe không?

Nói đoạn, bác ta về chỗ cũ ngồi, làm bộ không thèm để ý đến những câu trầm trồ khen ngợi của mọi người gần đó.

Người nhà quê thì cám ơn đi, cám ơn lại, đưa cái điếu cầy mời Nhiêu hút và xin miếng trầu của một bà ngồi bên cạnh mời Nhiêu ăn. Lại đem nông nỗi làm ăn vất vả kể với Nhiêu để che sự hổ thẹn thiếu tiền tầu lúc nãy. Lúc hai Nhiêu thoát được những lời tử tế thái quá ấy thì người nhà quê lại đem cái lồng gà đến bên như ý gửi mình coi hộ, rồi đi ra đằng lái tầu.

Hai Nhiêu ngồi bật cười một mình, không ngờ đâu người mà ai cũng chê cũng ghét, nay lại là người được người ta yêu trọng đến thế. Bác ta lẩm bẩm nói:

"Giả thử ngài có của nhét chật túi chứ không có mấy cái nồi đất kia, thì có lẽ ngài phải chửi đến mấy đời ông tổ nhà tôi chứ chẳng không".

Rồi nhớ đến những ngón khôn khéo, gian giảo của bác ta từ trước đến nay, bác ta thấy việc vừa rồi làm cho trái tim kẻ cắp của bác hơi cảm động. Không phải là vì bác đã làm được một điều thiện - thiện với chẳng thiện thì Nhiêu có cần gì? - nhưng vì thấy cái cảm giác đầu tiên được những người hiền lành kia tin bác một cách chân thực. Hai Nhiêu nghĩ bụng:

"Hoài của! Giá bọn này nhiều tiền thì chỉ đưa tay một cái cũng lấy được như bỡn, không phải lừa lọc, rình mò".

Đợi mãi người nhà quê không trở lại, hai Nhiêu ngoảnh nhìn bốn phía thì thấy người ấy nằm ngay cạnh đó, đã ngủ một giấc bình yên! Bác ta bĩu môi bật ra một tiếng cười khẽ rồi cũng dẹp chỗ ngủ nốt.

Sáng hôm sau thức dậy, hai Nhiêu đã quên việc tối hôm qua. Tầu tới Nam Định, bác ta vừa bước lên bến, thì người nhà quê tay xách cái lồng gà rỗng, đã đứng chờ đó và mời bác lên xơi với hắn một chén nước cám ơn.

- Đến đây thì chúng tôi đã có nhiều người quen, chúng tôi sẽ trả lại số tiền ông cho giật hôm qua với lại xin ông để chúng tôi đền đáp lại ông một chút.

Hai Nhiêu nóng về Ninh Bình ngay nhưng từ chối thế nào người nhà quê cũng không nghe :

- Chả mấy khi gặp người tử tế như ông, nếu ông không cho tôi được trả ơn, thì tôi ân hận mãi... Nào, mời ông, xin ông đừng từ chối, phụ lòng tôi.

Thấy vẻ chân thực của người nhà quê và biết không khi nào họ để cho mình đi ngay, hai Nhiêu phải ưng theo vậy.

Người nhà quê mừng rỡ :

- Thế thì quý hóa quá! Chúng tôi chẳng dám phiền giữ ông lâu...

- Nào có gì mà bác phải bày vẽ ra...

- Không, nếu không có ông thì hôm qua chúng tôi bị rày rà lắm.

Câu lễ phép đi, câu lễ phép hơn đáp lại; cứ thế đến chừng năm phút, khi hai người bước tới hàng cơm gần đó thì câu chuyện kết luận bằng một câu không lễ phép mấy, nhưng nghe cũng vui tai :

- Bà hàng đâu, bà dọn cho tôi một mâm rượu thực tươm tất ấy nhé, mà làm mau lên, ông quý khách của tôi vội.

Hai Nhiêu ngạc nhiên, bụng bảo dạ:

"Có lẽ nào một người đi tầu thiếu tiền mà lại dám tiêu rộng rãi đến thế, hay là họ lại định nhờ khéo mình thêm một bữa cơm nữa đấy?".

Nhưng thấy bà hàng ra chiều quen thuộc người nhà quê, nên Nhiêu ta cũng yên bụng. Uống xong một bát nước, người nhà quê bỗng gọi bảo một người nhà quê khác đứng chờ đó, đưa cho hắn cái lồng đựng gói mo cau với hai cái nồi đất :

- Chú Ba về làng trước, đưa cái này cho bu nó cất đi, tôi còn bận một chút, xong về ngay.

Rồi quay lại bảo hai Nhiêu :

- Nào bây giờ mời ông vào hàng, xơi với tôi chút cơm rồi tôi lại xin tiễn ông lên đường không dám giữ.

Cơm rượu xong, thấy người nhà quê mở hầu bao ra chi tiền cơm, hai Nhiêu không hiểu ra sao, toan hỏi nhưng sợ bất tiện. Đến lúc đưa chân ra ga, người kia lại nhất định nài lấy vé cho mình. Hai Nhiêu lại càng kinh ngạc. Người nhà quê thấy vậy mỉm cười và thong thả nói :

- Thưa ông, ông lấy làm lạ cũng phải. Nhưng việc thiếu tiền hôm qua, chỉ là một mẹo đấy thôi. Tầu Chấn Dinh này có tiếng là lắm kẻ cắp. Chúng tôi có tiền mang theo mà không làm thế, thì giữ sao được của mình?

- Vâng, nhưng tôi thấy ông chỉ mang có hai, ba đồng thì tội gì phải thế?

- Nếu hai, ba đồng thì cất đâu chẳng được. Đây tôi lại dồn một món tiền lớn về để mua cái phó lý cho tôi, lo cưới vợ cho thằng cháu, lo khao, lo vọng...

- Ồ thế ra...

- Vâng, tôi về chuyến này đem những ngót năm trăm bạc, mà để kẻ cắp biết, thì tôi có khi cũng không về được tới nhà.

- Nhưng... ông giắt trong mình thì...

- Chết! Giắt trong mình nguy hiểm lắm. Tôi phải bỏ vào một cái nồi đất trong cái lồng chú nó đem về ban nãy đó.

Rồi vừa cười, người nhà quê vừa tiếp :

- Cái lồng gà với mấy cái nồi, mà lại của một anh nhà quê không có lấy một hào để trả tiền tầu... ông tính còn kẻ cắp nào để ý đến nữa. Nếu tôi không nghĩ đến kế ấy thì ngủ yên sao được... mà nếu không làm thế thì sao tôi được gặp người quý hóa như ông.

Xe lửa về đến ga, hai Nhiêu bước lên toa ngồi mà vẫn còn choáng người đi vì tiếc của. Bác ta tìm hết tiếng độc địa để rủa cái trí khôn ngu ngốc của mình và tự hứa rằng lần sau đi tầu, không nên coi thường những cái lồng gà trong đựng có hai cái nồi đất.

Một người hiếm có

Anh ta là một người học trò rất lười, nhưng rất thông minh. Ngồi trong lớp, một phần tư trí nghĩ để vào lời giảng của thầy còn ba phần tư thì mơ tưởng. Giờ tập đọc, mọi người cắm cúi vào sách vở thì anh cắm cúi xem tiểu thuyết. Nhưng được cái ứng đối thì không ai bằng. Nghe một câu thầy giáo chợt hỏi, liếc mắt qua vào trang sách trên bàn, thế là đủ cho anh ta hiểu nên trả lời thế nào cho đúng. Bài nhà trường không đời nào chịu học. Nếu thầy gọi lên đầu tiên thì anh ta không nói được câu nào hết, nhưng nếu đã có ba bốn anh lên bảng trước thì anh ta vừa nghe vừa học vội một lượt là đọc bài cũng khá xuôi.

Học hết năm thứ hai ban Thành chung, anh bỗng nhiên bỏ trường.

Ra đời cũng khéo xoay xở như lúc còn đi học. Anh ta làm được đủ các việc: dạy tư, làm thợ chụp ảnh, vẽ kiểu nhà, thầu khoán... Cứ mấy hôm trước chưa hiểu biết công việc được mấy tý, mấy hôm sau đã ra người thành thạo trong nghề.

Nhưng anh chẳng theo đuổi được việc gì lâu. Lần đầu, gặp nhau ở Hà Nội (hồi ấy tôi cũng mới ở ban Trung học ra) tôi hỏi anh thì anh vui vẻ đáp :

- Tôi ấy à? Tôi giúp việc cho một trạng sư.

Cách ba bốn tháng nữa tôi thấy anh vội vã đi ở đầu phố Hàng Ngang lại. Anh đạo mạo nói với tôi :

- Bây giờ thì tôi buôn to. Tôi đang tính mở một đại lý độc quyền bán xà phòng cho khắp Đông Dương... Có lẽ buôn thêm các hàng tơ lụa gấm vóc.

Lần khác tôi thấy anh mua từng đệm giấy đánh máy và cắp dưới nách những sách về kế toán, về nhà băng, với một vài cuốn dạy thế giới ngữ.

- Thế nào anh Sáng? - Sáng là tên anh ta - Cửa hàng có chạy không?

- Cửa hàng nào?

- Đại lý độc quyền xà phòng ấy mà!

- À! Chạy lắm chứ. Nhưng tôi nhường lại cho mấy người bạn rồi. Tháng trước các anh ấy đến Hà Nội chẳng có việc gì làm hết.

Rồi mỗi lúc thay một nghề khác, người con trai ấy ngược xuôi ở Hà Nội trong cảnh ồn ào náo động, lúc nào cũng nhanh nhẹn, tháo vát, lúc nào cũng tươi cười. Anh ta coi việc sống ở đời như người đánh tam cúc mua vui, thua ván này, bày ván khác.

Tôi không đến chơi nhà Sáng bao giờ, vì anh ta rất hay đổi chỗ ở. Gặp nhau chỉ trong những lúc tình cờ ở giữa phố, cùng đứng lại bắt tay, nói đôi ba câu chuyện, rồi mỗi người lại đi một ngả đời riêng.

Tôi còn gặp Sáng bốn năm bận nữa, khi thì ngồi trên xe tay cất mũ gọi với tôi hỏi thăm sức khỏe, khi thì đến cạnh vỗ vai tôi trong một rạp chiếu bóng, khi thì chắp tay sau lưng miệng huýt còi, đi lững thững trên bờ Hồ Gươm. Vẻ mặt sáng sủa, trẻ trung của anh lúc nào cũng hớn hở. Tôi nghĩ bụng: Anh chàng này thực là người sung sướng, thấy cuộc đời cái gì cũng đáng yêu.

Lần sau cùng gặp anh năm ấy, tôi thấy anh ăn mặc rất sang, bước trên chiếc xe hơi lộng lẫy xuống cùng một thiếu nữ diễm lệ, nhan sắc cao quý và thông minh. Anh chạy lại bên tôi, vồn vã như tìm thấy một người thân xa cách lâu ngày, rồi giới thiệu :

- Anh Lê Văn, làm báo, cô Kiều Trang, một người bạn gái của tôi.

Tôi nhìn Sáng tỏ ý ngợi khen anh, và đưa mắt hỏi xem "người bạn gái" kiều diễm ấy là người thế nào. Sáng mời cô kia vào hàng Gôđa trước rồi đi cạnh tôi theo sau. Anh se sẽ nói :

- Anh ạ, tôi vừa viết xong một cuốn văn.

- Ồ! Lại làm văn sĩ nữa.

Anh gật :

- Kịch sĩ. Tôi vừa soạn được một vở kịch để tặng riêng cô Kiều Trang. Cô là một nhà nghệ sĩ diễn kịch có đại tài... Tôi được quen biết cô cũng do một buổi diễn kịch mà cô đóng vai chính...

Anh bắt tay tôi, xin lỗi, rồi đến bên người thiếu nữ, nhã nhặn, săn sóc đưa đi xem các đồ trang sức trong căn hàng.

Hồi ấy anh ta đang làm phái viên đi rao hàng cho một hãng xe hơi.

Từ đó, bẵng đi đến hơn ba năm, tôi không trông thấy Sáng đâu cả.

Tôi thì vẫn đi theo cuộc đời cầm bút bình thường của tôi. Còn Sáng có lẽ vẫn sống một cách kỳ khôi trong cuộc đời bất định của anh, một cuộc đời uyển chuyển đầy rẫy những sự mới lạ.

Tôi cho anh ta là một người lãng mạn hiếm có, không chịu ở lâu trong một địa vị nào; mà tâm tính với tài năng thì thích hợp được với đủ các hoàn cảnh, các công việc của đời. Sáng cũng tự biết mình như thế. Anh thường nói: "Tâm với trí tôi như nước, đổ vào bình nào cũng rất dễ, mà lấy theo hình nào cũng được".

Bỗng một hôm, trong một hiệu cao lâu nhỏ phố Hàng Buồm, tôi chú ý nhìn một người thiếu niên quần áo lôi thôi, mũ chụp xuống gần mắt. Chàng ta đang cắm cúi đọc một tập báo để bên cạnh mấy bát đồ ăn nguội dần. Lúc người ấy cầm đũa ngẩng đầu lên, tôi nhận ra thì chính anh Sáng. Nhưng không là anh Sáng chững chạc, xinh trai tôi gặp hồi trước nữa. Nước da anh ngăm ngăm đen, vẻ mặt như rầu héo đi; trong đôi mắt vẫn lanh lẹ thông minh, tôi thấy phảng phất có một vẻ âu sầu.

Tôi lại gần vỗ vai thì anh tươi cười ngay, đứng lên gọi hầu sáng lấy thêm thức ăn và hỏi tôi :

- Anh mạnh chứ?

- Mạnh. Còn anh?

- Ồ! Tôi thì bao giờ cũng vậy, khỏe mạnh lạ thường mà "mần công chuyện" cũng nhiều lạ thường. Đời vui lắm anh nhỉ!

Giọng nói mạnh bạo, câu nói nhanh mà vui cùng với những tiếng cười giòn, thực thà, và đôi mắt linh động ấy lại khiến tôi hơi ngạc nhiên cho cái vẻ buồn rầu tôi thấy trên mặt anh mấy phút trước.

Tôi hỏi Sáng :

- Lâu nay anh ở đâu mà tôi không gặp?

- Ở nhiều nơi lắm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Phnômpênh, Tourane, rồi Huế, rồi Thanh, rồi bây giờ lại Hà Nội.

Anh cho tôi biết rằng trong khoảng ba năm trời nay anh có vất vả hơn trước, nhưng anh cũng giầu có hơn. Làm giầu để mà sung sướng, để mà yêu đời. Anh biết được rất nhiều người mà nhất là biết thêm được nhiều nghề mới :

- Anh ạ, tôi muốn sống gấp bốn năm người khác, nghĩa là muốn trong ngót ba mươi năm của tôi, tôi thấy, tôi nghe với tôi làm bằng người sống tám chín mươi năm... Tôi học ở nhà trường ít là vì tôi muốn ra đời sớm. Ở trường tôi còn học riêng cho biết rộng thêm nhiều... Bây giờ tôi theo đuổi mỗi việc một hồi ngăn ngắn, nhưng việc nào tôi làm cũng chu đáo, cũng hoàn toàn như người đã sống trong nghề lâu năm. Tôi làm xe hơi ở Phnômpênh, làm thư ký lục sự ở Sài Gòn, làm kế toán ngân hàng, rồi có lúc làm cả bầu hát nữa. Lúc nào cũng hết lòng, lúc nào cũng hăm hở. Nếu có một ngày kia tôi hết muốn hoạt động là tôi khổ lắm. Không hoạt động nữa là chết, thà quyên sinh đi còn hơn!

Anh nói những câu đó một cách tự nhiên và miệng vẫn tươi cười. Nhưng tôi đoán như trong đó có một vài điều lo âu u ẩn.

Tôi chợt hỏi :

- Thế nay anh định làm gì ở đây?

Sáng vừa cho thìa làm tan đường trong cốc cà phê, vừa yên lặng mỉm cười :

- Tôi bây giờ ấy à? Tôi định mở ở Hà Nội một phòng xem tướng số.

Rồi không để ý đến sự kinh ngạc của tôi, anh nói luôn, không ngừng :

- Tôi nói thật đó. Tôi xem tướng giỏi lắm. Ít ra cũng đè bẹp được tụi thầy Tầu ở đây. Vì tôi có sách, có phương pháp hẳn hoi. Đây, tờ báo tôi mới đăng mấy câu rao hàng, tôi đọc anh nghe thử :

"Giáo sư Huỳnh Ba, số... Đường Thành, Hà Nội

Thầy tướng số đại tài mới xuất hiện

Biết việc trăm năm về trước

Và năm trăm năm về sau

Đoán định theo phương pháp khoa học tối tân.

Người hoài nghi đến đâu cũng phải tin phục.

Tiếp khách từ 10 giờ đến 12 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ".

- Giáo sư Huỳnh Ba, không phải là một tên vu vơ. Chỉ trong vòng một tháng là cả Hà Nội sẽ biết tiếng giáo sư Huỳnh Ba, mà công cuộc của tôi sẽ có kết quả rất vững.

Lúc từ giã Sáng ra về, tôi vẫn còn lấy làm lạ cho con người táo bạo ấy. Việc đời đối với tôi là một việc khó khăn, phải thận trọng từng ly từng tý, thì đối với anh ta lại như một trò chơi. Anh coi việc gì cũng thường, cũng dễ, mà dúng tay vào việc gì cũng tin là thành công.

Năm giờ chiều sau hôm gặp anh ở Hàng Buồm, tôi tìm đến Đường Thành, mắt đã trông ngay thấy tấm biển lớn trên có tên "Giáo sư Huỳnh Ba, thầy tướng số đại tài" kẻ bằng chữ đỏ. Tôi bước vào, một phòng khách rộng và lịch sự, đồ đạc như mới sắm, thì ở đấy đã có một người thiếu phụ ăn mặc xa hoa ngồi đợi. Bên kia bàn, một người đàn ông đang giở đọc mấy tờ tạp chí.

Bên trong, sau bức bình phong, những tiếng nói chuyện đưa ra, đều đều và nhỏ. Một lát, một người vận âu phục, dáng bệ vệ bước ra, đi trước một ông trạc hơn bốn mươi tuổi, đeo kính trắng, tay cầm bút, vẻ nghiêm trang như một nhà tu hành. Người này cúi chào mấy người khách đang chờ và đưa người bệ vệ ra tới cửa. Tôi đã toan đứng dậy hỏi thì người đeo kính trắng cười và lơ lớ nói bằng giọng Sài Gòn :

- Mời ông Lê Văn ngồi chơi đó, tôi coi cho bà khách đây rồi xin tiếp ông sau. Mời bà vô.

Tôi không biết người thầy tướng kia bao giờ, cũng không nói trước cho Sáng biết là tôi sẽ đến thăm, thế mà sao ông ta biết tên họ tôi và nhận ngay được mặt. Sau đó chừng hai mươi phút, tôi còn đang tìm hiểu việc vừa rồi, thì người đàn bà đi ra, vẻ mặt hớn hở. Ông thầy tướng lễ phép tiễn khách ra đến cửa, đóng lại cẩn thận rồi nhìn tôi trân trân :

- Anh bỏ hộ tôi nét mặt ngây ngô kia đi một tí, rồi vào đây nói chuyện một lúc chơi.

Câu nói bằng giọng Bắc, mà chính là giọng anh Sáng. Tôi chưa kịp đáp thì "ông thầy tướng" đã kéo tôi vào trong, bỏ bộ râu hoa râm và mục kỉnh ra rồi cười :

- Bốn tháng đóng kịch với hai tháng làm bầu hát cũng quá đủ cho tôi đổi được cả giọng nói cho lẫn dáng người. Lần này tôi cũng đóng kịch, Lê Văn ạ, nhưng đóng một tấn kịch quan trọng... Tôi cần phải quảng cáo cho phòng xem tướng này... bởi vì tôi muốn gặp rất nhiều người ở đây, nhất là một người tôi để tâm tìm kiếm mãi.

Tôi hỏi :

- Tìm một người? Ai thế?

Trong mắt Sáng thoáng qua một vẻ buồn, nhưng anh vội cười, nhìn tôi một cách tinh ranh và để một ngón tay lên miệng :

- Bí mật nhà nghề... Vả chuyện hơi dài một chút, tôi sẽ kể anh nghe sau.

Khách đến phòng giáo sư Huỳnh Ba ngày một đông. Không đầy nửa tháng, mà một phần Hà Nội trí thức đều biết tiếng nhà tướng số đại tài.

Sáng coi sự thành công đó là một lẽ rất thường. Anh bảo tôi :

- Tôi nổi tiếng cũng là sự tất nhiên, có chi là lạ lắm. Ở đời chỉ khéo khu xử một chút là việc gì cũng xong. Tôi biết xem tướng thật thà, chứ không thèm khoác lác lừa dối ai, nhưng tôi cần quảng cáo cho người ta phục tôi ngay lập tức.

Tôi hỏi anh học tướng số ở đâu, và vì đâu anh lại nảy ra cái ý kiến làm thầy tướng thì anh cười :

- Khoa tướng số thì sách Tây, sách Tầu thiếu gì? Tôi chỉ cần đọc dăm quyển, cần thực hành trong lúc chuyện trò với chú ý so sánh, đoán xem tâm lý từng người... thế là đủ. Từ hôm mở phòng đến nay, tôi thấy nghệ thuật mới của tôi tấn tới nhiều lắm, hình như đã kinh nghiệm lâu rồi. Tôi biết rõ thêm được nhiều tình trạng lòng người - tôi không những chỉ dẫn cho đường số mệnh cho người ta tôi lại biết yên ủi những nỗi buồn khổ của người ta nữa.

Còn như anh muốn biết vì đâu tôi làm thầy tướng... thì trước hết, tôi là người thích biết nhiều nghề. Nhưng xin thú thực đó không phải là lẽ chính. Tôi mở phòng này chỉ vì một chuyện riêng của tôi - một chuyện tình, anh ạ.

Sáng yên lặng một lát, đôi mắt lơ đãng nhìn đi một phía, tay gõ điếu thuốc lá xuống bao diêm... Anh lại trông tôi, vừa mỉm cười vừa thở dài :

- Phải. Cũng vì một chuyện tình, vì một người đàn bà mà tôi lại đến thành phố này, xếp đặt ra cảnh tượng anh thấy hôm mới đến chơi đây, làm nổi tiếng cho một cái tên lạ lùng. Tôi muốn gặp mặt người ấy mà người ấy không nhận ra tôi... tôi muốn làm thầy tướng Huỳnh Ba để hỏi xem người đàn bà ấy đối với Lương văn Sáng còn có chút tình nghĩa gì không, nếu không còn thì Huỳnh Ba khuyên cô đừng nên tệ bạc như thế. Vì tôi biết cô hay tin khoa tướng số, và biết thế nào cô cũng sẽ tìm đến đây. Tôi sẽ kiếm cách nối lại cái tình tha thiết của Sáng với cô... Ờ đó là một cái mưu. Có lẽ là cái mưu chẳng cao thượng gì, nhưng nó sẽ giúp tôi lấy lại được người tôi yêu, nó sẽ đem lại cho tôi cái hạnh phúc đã mất.

- Anh còn nhớ cô Kiều Trang không? Người thiếu nữ anh gặp đi với tôi vào hàng Gôđa ba năm về trước ấy mà! Người yêu của tôi đó. Trời ơi, tôi yêu cô ta không biết ngần nào. Cô ta là người lãng mạn, là một người cuộc đời cũng sôi nổi như đời tôi, một hạng gái giang hồ thông minh. Cô đã tệ bạc, ác nghiệt với tôi nhiều, nhưng tôi không thể ghét cô được. Để tôi kể thiên tình sử của tôi cho anh nghe.

Thiên tình sử ấy, Sáng thuật lại với tôi một cách rõ ràng, miệng vẫn tươi cười, mắt vẫn linh động, như người kể một chuyện vui, nhưng cái giọng nói ôn tồn, thân mật của anh nghe vẫn có những vẻ buồn thảm.

Sáng được biết Kiều Trang trong một buổi diễn kịch. Nhan sắc của cô làm cho Sáng vơ vẩn, lúc nào cũng thấy hình ảnh cô hiện đến trong tâm trí. Sáng tự bảo mình rằng: "Thôi ta yêu cô mất rồi!". Thế rồi một buổi tối kia, Sáng viết xong một vở kịch mà vai chính rất thích hợp với tài cô và vừa ý cô. Sáng giữ vở kịch tặng riêng Kiều Trang, viết hai bức thư cho Kiều Trang, nhận được ba bức thư cô trả lời: hai người quen nhau từ đó. Rồi từ đó thân nhau, rồi yêu nhau, rồi lấy. Cuộc tình duyên se kết một cách tự do, không theo khuôn phép.

Chiếm được hòn ngọc vô giá là trái tim kia được ngót hai năm, thì Kiều Trang không cho Sáng là người đáng yêu nữa. Còn Sáng thì vẫn không thấy người đàn bà nào đáng quý hơn, nhan sắc hơn Kiều Trang.

Hồi ấy ở Sài Gòn là nơi Sáng quyết chí làm giàu cho người yêu sung sướng, anh ta một lúc làm hai ba việc, tiền của thu về gấp bốn năm người cùng nghề. Kiều Trang muốn đưa vở kịch của anh đăng lên tờ báo Phụ nữ kia, nhưng anh xin cô đề tên soạn giả là Kiều Trang, vì chính anh có ý làm văn sỹ đâu. Vở kịch nếu không cốt để làm quen với cô thì không đời nào Sáng soạn.

Kiều Trang vì thế mà được nhiều người coi là một bậc nữ kịch sĩ, nhiều người khen ngợi và nhân đó thường gặp một ông điền chủ giàu lớn, sắp cho ra một tờ báo Phụ nữ hằng tuần. Cái danh vọng làm cho lòng Kiều Trang say sưa và thờ ơ với Sáng. Rồi trong lúc anh ta ngược xuôi, khi Cao Miên, khi Lục Tỉnh, thì Kiều Trang kết bạn với bọn người theo cô o bế tâng bốc để làm cô quên dần người đã hết lòng chân thực yêu cô.

Lúc Sáng biết ra, thì đã muộn. Anh ta hoảng hốt tìm cách cố giữ tình nhân lại, nhưng lòng Kiều Trang đối với anh không còn chút cảm tình nào. Sáng toan viết báo, làm văn thơ để trở nên một nhà văn có tiếng như những người có tài cô vẫn mến phục, thì Kiều Trang lại yêu một người kép hát trứ danh. Lập tức bỏ nghề văn sĩ, Sáng cũng theo một gánh hát cải lương để tập nghề. Anh ta hết sức nhảy nhót pha trò trên sân khấu, chiều ý hết thảy mọi người và khổ công rèn luyện mới mua được một chút hoan nghênh của công chúng. Làm kép phụ đóng những vai thường trong ít lâu rồi lên kép chính, rồi sau cùng vừa soạn vở vừa làm bầu một gánh hát lớn ở Sài Gòn. Chủ tâm của anh là làm thế nào cho Kiều Trang lại phải chú ý đến anh.

Sáng muốn cho cô biết rằng anh không những có thể làm nên giầu có, anh lại còn có tài, có chí, và gây cho mình cái danh vọng rực rỡ chẳng kém gì các người tình địch của mình. "Nhưng Kiều Trang cũng như con chim xanh kia quá ham mê những ánh sáng xa lạ đâu đâu, không bao giờ tưởng đến lúc trở về cảnh cũ".

Sáng nói tiếp :

- Bây giờ Trang hiện đang ở Hà Nội, đang mải miết trong cuộc vui thú mới, có lẽ cũng không có giây phút nào nhớ rằng ở đời này, còn có anh Lương văn Sáng là người không bao giờ quên Trang... Tôi đã tìm cách nhắc cho cô nhớ đến tôi như anh đã biết, nhưng không ích gì - hay là chưa ích gì. Vậy tôi còn nhiều cách khác mà cách làm thầy tướng này là một, tôi đã dự bị sẵn sàng các câu nói để đánh vào lòng tin số mệnh của Kiều Trang, rồi tôi sẽ lựa lời để làm cô cảm động. Chắc cô đã chán cuộc đời phiêu lãng, có lẽ cô cũng muốn tìm nơi yên ấm để hưởng lại thú bình tĩnh êm ái của một gia đình... Tôi sẽ hiến cô cái gia đình nhỏ mà êm ái kia... Tôi sẽ đón cô vào, và cô sẽ chẳng có lỗi gì, tôi sẽ làm cho cô quên hết mấy năm qua, sẽ làm cho cô sung sướng gấp trăm lần thuở trước...

Ngày mai Kiều Trang sẽ tới đây do một người bạn gái mách. Giáo sư Huỳnh Ba được các bạn phụ nữ hoan nghênh lắm. ồ! Tôi sẽ không biểu lộ sự cảm động, tôi sẽ đóng vai kịch một cách hết sức tự nhiên... Mà Kiều Trang sẽ tin lời giáo sư, sẽ không nhận ra tôi, và sẽ lại thương Lương văn Sáng như trước. Có phải không? Việc gì tôi cũng làm được cả, huống chi việc này? Mai, tôi sẽ thi hành một kế trong những kế cùng, nhưng tôi quyết là đắc thắng.

Lúc tiễn tôi ra cửa, Sáng nói đùa một câu :

- Tôi quả là một thầy tướng có kỳ tài. Người khác chỉ biết đoán việc thời thế về trước và về sau. Tôi thì tôi xếp đặt số mệnh của tôi và của người khác.

Anh bắt tay tôi rất mạnh. Trong cử chỉ ấy tôi thấy cả lòng tự tin và chí quả quyết của người con trai khác thường kia.

Cách đó bốn hôm, một buổi sáng chủ nhật, anh đến chơi nhà tôi thì tôi còn đang ngủ. Anh gọi tôi dậy rồi mắng khôi hài :

- Anh nên sống lâu lâu một chút, chứ cứ quyên sinh bằng cách ngủ muộn thế thì thực là tồi. Mặc quần áo mau lên rồi đi chơi với tôi đi. Buổi sáng đẹp khiếp thế này mà ngủ hay ở nhà thì là một tội ác.

Anh mở cửa sổ huýt còi nhại lũ chim hót trên cây trong lúc tôi rửa mặt chải đầu, rồi quay lại ngắm mình trong gương và sửa hộ tôi cái ca vát. Mặt anh hình như sút đi nhưng anh khoát tay bảo :

- Cần quái gì. Đêm qua không ngủ tý nào nhưng tôi dự định được nhiều việc hay lắm. Tôi xem báo thấy lão Voàng On vỡ nợ mà tôi cười đến chết. Lão làm việc xoàng không biết đến chừng nào mà kể. Tôi có của như lão thì hai năm là nổi cơ nghiệp to.

Anh lại cho tôi biết rằng hãng xe hơi ở Nam Vang anh nhường việc trông coi cho một người quen bây giờ tấn tới lắm.

- Tôi mà vào Nam chuyến này thì còn nhiều việc có lợi nữa.

Ra ngoài đường, tôi hỏi Sáng :

- Cô Kiều Trang đã gặp anh rồi chứ?

Sáng liếc nhìn tôi, nháy một mắt, vừa cười vừa lắc đầu :

- Cô Kiều Trang không gặp tôi bao giờ; chỉ gặp giáo sư Huỳnh Ba thôi.

- Ừ. Rồi thế nào?

- Thế nào? Cô Kiều Trang vẫn trẻ, vẫn đẹp như xưa, mà cô nói chuyện có duyên quá. Huỳnh Ba cũng vậy, nên cô phục Huỳnh Ba vô cùng.

Trên nét mặt, trong đôi mắt của Sáng, tôi như thấy vẻ khác lạ thoáng qua, nhưng lúc ấy thì không chú ý đến lắm.

Bỗng anh trỏ bọn trẻ con đang nô nghịch trên bờ hè :

- Bây giờ thì mình không nghịch như chúng nó nữa nhỉ. Mình khôn hơn chúng nó: Mình nghịch một cách buồn cười hơn.

Rồi anh cúi xuống đón bắt quả bóng lũ trẻ đá đến gần. Đặt bóng xuống, anh nhằm bóng rất lâu, lấy đà chân rất mạnh, nhưng cố ý đá hụt để cho lũ trẻ phá lên cười.

Nhân thể, anh nói chuyện với tôi về tính vui hồn nhiên của tuổi thơ ngây, nhắc đến những lúc còn bé dại, đến lúc đi học hay đánh nhau với anh em bạn; lúc bị thầy giáo phạt, rồi bình phẩm các thầy giáo và các bạn chung của chúng tôi :

- Ông Biên thầy cúng, chẳng biết bây giờ còn ngâm thơ bằng cái giọng khàn khàn nữa không?... Ông Lương pha trò sao mà nhạt thế... Ông Đàm hôm nọ tôi gặp ở phố Hàng Bún đang lau kính, đi lò dò như con cò hương. Anh còn nhớ hồi ông mới đến dạy chúng ta không? Tôi hay chế ông ta nhất.

Lúc nhắc đến bạn thì anh ta nổi giận với một vài anh cả đời chỉ gí mũi vào quyển sách, toán pháp và khoa học thì giỏi ghê giỏi gớm, mà trông mặt ngô nghê như chúa tầu nghe kèn. Anh đạo mạo nhắc lại câu nói của một giáo sư anh phục riêng: "Một người học trò tốt là một anh đần độn".

Đi tới bên bờ Hồ Gươm, anh giữ cánh tay tôi bảo nhìn một người vừa đi qua :

- Kìa, anh trông hộ tôi cái anh chàng cầm ba toong vung tít lên kìa. Anh ta có vẻ bằng lòng lắm nhỉ!

Gặp mấy cô con gái, anh đợi họ đi khỏi rồi ngả mũ chào, nói khe khẽ một câu tiếng Tây để họ không nghe thấy: "Vous êtes bien moches, mesdemoiselles".

Rồi một lát :

- Nhưng cô đi một mình đằng xa kia thì khá lắm. Xin kính chào quý nương.

Chúng tôi cứ thế đi lang thang từ Hàng Trống đến nhà bưu điện, rẽ ra bờ sông, đi lộn về Tràng Tiền rồi qua Hàng Khay, Sáng luôn luôn cất mũ chào và bình phẩm cử chỉ, dáng điệu từng người :

- Bà kia giá béo chút nữa thì cửa Gôđa phải xây rộng thêm. Cậu công tử kia cái mũi hơi đỏ. Trời! Cô kia đi sao mà dẻo thế.

Còn tôi thì cũng lây cái vui vẻ của anh. Lúc đó tôi chắc rằng Sáng trong lòng hẳn có điều khoan khoái, sung sướng. Ôi! Quả thực không có cái gì sâu kín bằng lòng người.

Đến mười một giờ, Sáng kéo tôi vào hàng bánh bắt ăn thực no. Anh vừa nhai vừa nói, luôn mồm nhắc đi nhắc lại câu :

- Đời vui đẹp quá!

Sắp chia tay, thì một người bạn chúng tôi vừa qua nhà, ra gọi tôi :

- Văn, Văn, vào đây chơi!

Chúng tôi vào thì bạn rủ đánh tổ tôm. Thấy Sáng ngần ngừ tôi hỏi :

- Anh biết chơi tổ tôm chứ?

- Sao không biết.

- Đánh chơi mấy hội.

Sáng nghĩ một lát, "chậc!" một tiếng, rồi tươi cười đáp :

- Ừ thì đánh, nhưng góp nhỏ thôi!

Trong cuộc, Sáng là người hay nói nhất, mà ù được ván nào to thì anh cười vỡ cả nhà. Một lần, anh ngồi thừ người ra, đôi mắt mơ mộng. Tôi nhìn anh hỏi :

- Anh nghĩ gì thế?

- Phiền quá, tôi đánh hớ một nước không thì chờ đã lâu.

Chiều hôm đó, ăn cơm ở nhà người bạn tôi, lúc ra về, Sáng dặn nhỏ tôi :

- Tôi để lại phòng xem tướng cho mấy người bạn rồi, họ muốn làm gì thì làm; hay cứ giữ cái nghề xem tướng cũng được.

- Ồ, thế còn anh?

- Tôi, tôi không cần đến nghề ấy nữa, dễ thường anh tưởng tôi làm giáo sư Huỳnh Ba suốt đời ư? Tôi hiện thuê nhà riêng, nhà tôi ở Hàng Đậu, số 25 bis, sáng mai anh đến chơi, tôi muốn cho anh biết một tin này hay lắm.

Tôi y hẹn, sáng hôm sau, trước khi đến nhà báo, tôi ghé qua thăm anh. Bước vào nhà thì người đầy tớ nói anh còn ngủ và đưa cho tôi một cái phong bì. Tôi không đời nào quên sự kinh ngạc của tôi khi đọc bức thư trong đó.
"Hà Nội, 4 giờ sáng ngày chủ nhật
18 Mars 1935
(Thì ra bức thư anh viết từ sáng hôm qua, trước khi đến lôi tôi dậy)
Anh Lê Văn.
Tôi không là Huỳnh Ba nữa đâu, cũng không là Lương văn Sáng nữa, vì khi anh đọc bức thư này thì tôi ngủ yên rồi - ngủ một giấc ngàn năm, theo lối văn sáo người ta vẫn ưa viết. Chỉ khác một điều là ngủ thì vẫn thở, có người vừa thở vừa ngáy, nhưng tôi thì không.
Anh ngạc nhiên làm quái gì? Câu pha trò của tôi ít ra cũng có ý vị hơn những câu nhạt của thầy giáo Lương và một ít nhà khôi hài khác. Vậy thì, như tôi đã nói, tôi đi ngủ một giấc ngàn năm. Cái đó cũng chẳng khó gì (cũng chẳng khó hơn bao nhiêu công cuộc nghề nghiệp tôi làm trong đời tôi): chỉ cần nhá gấp mười liều thuốc ngủ lên là xong chuyện.
Tại sao tôi lại làm thế? Thì cứ nói phăng ngay tại sao tôi lại tự tử. Tại rằng là... tôi muốn thế chứ sao! Mà tôi muốn thế là vì tôi không còn tâm trí đâu thích làm việc nữa. Đó là một lẽ. Còn lẽ nữa cũng quan trọng lắm: là từ nay Kiều Trang nhất định không yêu tôi. Người thiếu nữ kiều lệ kia đổi tình nhân cũng như tôi đổi nghề. Tôi chỉ tiếc rằng tài trí tôi yêu thích được nhiều nghề nhưng lòng tôi chỉ yêu được một người, được một lần thôi! Quái thực!
Tôi yêu Kiều Trang thế nào tôi đã nói cho anh biết đấy. Trang tệ với tôi nhưng tôi không tệ được với Trang; tôi đã yêu Trang thì Trang phải là của tôi, nếu không thì tôi tưởng sự sống không còn có nghĩa gì nữa.
Tôi đã phấn đấu, đã hoạt động suốt một đời tôi rồi, tôi làm bao nhiêu việc, theo bao nhiêu nghề, là cốt để sung sướng hơn lên. Mỗi phen thay đổi tức là một phen tôi "làm lại cuộc đời" của tôi. Lần nào đổi mới cuộc đời của tôi cũng hay cũng đẹp thêm một đôi phần, vì tôi đã định làm việc gì, là việc ấy phải được. Thế mà có một "điều"... một "sự" - không phải - một "cái" không thể nào "làm lại" theo ý muốn: ấy là lòng em Trang yêu quý của tôi.
Tôi biết thế từ hôm tôi gặp Trang ở nhà giáo sư Huỳnh Ba kia, chính em Trang thú thực với Huỳnh Ba như thế. Tôi toan lấy lẽ nhiệm màu khoa lý số để lừa lọc lòng Trang, nhưng trông đôi mắt của Trang thì tôi thấy rõ vẻ lạnh lùng khi tôi đả động tới Lương văn Sáng.
Ngay trước khi thực hành cái mưu tướng số, tôi đã bảo tôi rằng: "Hạnh phúc của ta ở Trang. Vậy nếu Trang không muốn trở lại với ta, thì thôi! Thế là hết hạnh phúc. Vậy ta không cần làm gì nữa cũng được. Ta quyên sinh đi cho khỏi buồn lâu".
Trang đến cho tôi coi tướng, luôn thể đến gián tiếp hạ cái lệnh bảo tôi đi ngủ đi là xong nếu tôi không yêu người khác được. Mà yêu người khác thì không thể được, vì tôi không thấy lòng tôi muốn thế. Thế có buồn cười không?
Đêm vừa rồi, tôi nằm ngâm hát rất lâu, rồi ôn lại những công việc của tôi, rồi ôn lại lúc gặp Trang, yêu Trang, giận Trang; cuộc đời ái ân của tôi sao mà đằm thắm đến thế... Tôi không muốn ngủ đêm nay vì đêm mai tôi sẽ ngủ luôn thể, sực nhớ đến anh là người tôi đã ngỏ chút tâm sự, tôi liền viết mấy hàng này.
Tôi trông ra cửa sổ, mặt trời đã dần ló đằng đông... Ngày hôm nay hẳn là tươi đẹp, tôi muốn vui cho trọn cho đến lúc chết, nên tôi định viết thư này xong sẽ đi chơi... Có lẽ tôi sẽ lại rủ anh đi cho có bạn.
Chào anh lần sau cùng,
Lương văn Sáng
T.B.- Nếu tiện, anh sẽ thản nhiên làm như chưa đọc thư này, mở cửa phòng vào đánh thức tôi (vì tôi không khóa cửa), và gọi không thấy tôi dậy, sẽ bảo cho người ta biết. Anh liệu làm cho người ta tin rằng tôi chết vì uống thuốc ngủ quá độ, chứ không phải vì quyên sinh. Tôi không muốn cho K.T. biết rằng Lương văn Sáng tự tử vì cô. Nhưng nếu anh không giỏi đóng kịch thì cứ bảo là tôi tự tử cũng được, duy có điều tôi không được hài lòng".
Thế Lữ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...