Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Bóng chiều 1

Bóng chiều 1

Bóng chiều
Ở đây âm khí nặng nề
Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa
(Kiều)
Buổi sáng rất trong. Chùa lặng. Thầy trụ trì từ trai phòng đi lên.
- Mô Phật đệ tử đến đây có việc gì chăng?
- Bạch thầy con xin nương nhờ cửa Phật thời gian, nguyện công quả cúng đường Tam Bảo cho tâm hồn con tìm chút bình an.
- Mô Phật. Cửa chùa luôn rộng mở tịnh độ những trầm luân.
- Bạch thầy, đời con nhiều sóng gió quá, con cầu xin đức từ bi nhiệm mầu dìu ba đào về hướng khác. Nhiều khi muốn từ bỏ chôn trần gian này nhưng thọ thân con còn vướng nghiệp chưa trả hết.
- Mô Phật! Con có lòng hướng nguyện về bờ giác, ơn trên gia hộ cho con sớm thoát cõi vô minh.
Tôi bước vào chùa, để lòng lắng dịu. Hy vọng những đau thương dồn nén bây lâu theo kinh kệ mà hóa giải phần nào. Tôi quyết định ra đi trước đám cưới Thông. Quyết định như vậy vì không thể chịu đựng được nhiều hơn nữa. Thông khóc rất nhiều. Tôi nói: “Không được đâu em ơi, đời chị chắc phải thế. Đây là nghiệp quả mà, kiếp này chị phải trả. Em ở lại vui hạnh phúc”. Nhưng kinh kệ chưa được mấy hôm, tôi phải quay về. Chiều nay tôi trở lại miền đất đỏ bazan lòng nặng nhiều hơn lúc ra đi. Còn nhớ cách đây không lâu Phượng trong chiếc áo dài bẽn lẽn. Ánh mắt sóng sánh hạnh phúc chắp tay bên Thông khi tôi nói lời thưa gửi. Tôi làm chủ hôn trong lễ đính hôn này. Trầu cau đã được mua sắm nơi phiên chợ ồn ào, mồ hôi và bụi đỏ. Phiên chợ vùng biên xa ngái. Từ ngày sinh bé Bi, tôi cố quên mình, quên tất cả. Cay đắng và ngọt ngào. Tất cả dồn nén thành nước mắt. Nước mắt tê cóng, lạnh lẽo thê thiết len vào cõi đêm cao nguyên. Hy vọng sau đám cưới Thông mọi chuyện có thể đổi thay.
Tôi là con gái lớn, niềm kiêu hãnh của gia đình. Ngay năm đầu đỗ ba trường đại học. Ba bỏ quê lên phố đạp xích lô. Nắng mưa và bụi bặm. Ba sạm lại nhưng ước mơ cứ roi rói tươi lên. Ngày tôi mặc áo cử nhân, nhận bằng tốt nghiệp hạng ưu, thầy trưởng khoa và bạn bè tặng hoa chúc tụng. Bất chợt cuối hội trường, có ánh mắt ngọt ngào rưng rưng hạnh phúc. Ánh mắt của người đàn ông đen đủi, quần áo tuềnh toàng. Tôi òa khóc, lao về phía ấy. Người đàn ông kịp lách đám đông ra khỏi cổng trường, mọi người ngơ ngác nhìn theo. Thấp thoáng lưng áo trắng vệt mồ hôi mặn mãi lòng tôi đến bây giờ. Ở một góc phố nào đó, nơi quán cóc vỉa hè, vài ly rượu đế, mấy trái xoài già, chia sẻ cùng bè bạn, niềm vui tràn qua khóe mắt. Niềm vui vớt lên từ khổ ải, lóng lánh khát khao. Tôi chưa thấy núi Thái Sơn lấy gì sánh được? Tôi làm ở công ty nước ngoài. Ba bỏ phố về quê. Bỏ càn xe, cầm cày cầm cuốc, đọc sách và làm thơ. Tôi nhận lời cầu hôn. “Khi người ta đến xin dâu. Mẹ cười rất tươi mà bố thì rưng lệ. Lời thưa ngập ngừng nghẹn giữa câu. Bố chẳng buồn đâu, ai lại buồn trong một ngày như thế?. Bố chỉ thương con vất vả từ thuở bé...”, ba đọc thơ Nguyễn Hoàng Sơn trong tiệc cưới. Ba khóc. “Xe hoa đưa con đi, căn nhà đột nhiên trống trải...”. Đây là ngày tôi về nhà chồng. Chồng tôi, một sinh viên khá điển trai, hào phóng. Cách tư duy và quan niệm của anh, tôi thích. Dân toán yêu văn. Văn thơ giúp tâm hồn mềm lại trước xơ cứng cuộc đời. Ngày xưa ba hay nói vậy. Yêu và đang yêu trần gian toàn hoa hồng và mật ngọt. Nhưng cuộc đời thì khác. Cuộc đời không giống như ta nghĩ. Cuộc đời đã làm anh thất bại ngay từ bước khởi đầu. Sự thất bại đã đẩy anh về khởi điểm, về lại hoang sơ của tâm hồn. Sự trở về đầy bất trắc cho anh và cho tôi. Thời gian đã vênh tróc các mỹ từ. Một ngày anh nói:
- Bỏ việc, ngày mai em phải bỏ việc về quê.
- Bỏ việc? Rồi làm gì? Tôi hỏi. Tôi hỏi mà nghe cổ họng đắng chát, về đâu? Vùng đất đỏ xa ngái, quanh năm nắng gió và sương. Sương chiều, sương sáng. Sương dày đặc vây tỏa những cánh rừng. Tiếng trẻ khóc chênh chao lưng mẹ khập khiễng len theo dốc đỏ ráng chiều. Những dúm tóc hoe vàng. Tôi nghĩ đến những điều không dám nghĩ... Tôi không phủ nhận nhưng nghi ngại những gì anh nói. Cánh cửa ở lại thành phố trong anh đã khép. Có nghĩa là tôi phải từ giã nơi đây. Từ giã phố phường náo nhiệt. Từ giã thiên đường ánh sáng, từng lấp lánh trong tôi. Từ giã ước mơ của ba, của mẹ. Tôi rẽ sang ngã khác. Và từng đêm uống cạn ly rượu đời mình. Ly rượu đã hết hơi men còn đọng lại đáy lòng mùi đắng chát.
Ngày chuyển dạ, anh đưa tôi xuống Từ Dũ. Tôi yêu lắm. Không sinh được. Đành phải mổ. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi hiểu thế nào là đớn đau và hạnh phúc. Hạnh phúc nào cũng ngầm chứa đớn đau. Có thật vậy không? Những câu hỏi mơ hồ lẩn khuất chìm dần vào cơn mê. Tỉnh dậy, quanh tôi trơ trọi. Ba không, mẹ không. Giọt máu của tôi người ta cách ly đâu đó. Lẻ loi ngập tràn... Cố lắm mới mở được mắt, tôi cần thấy anh. Tôi cần anh bón cho tôi thìa nước, cần anh nắm lấy bàn tay hỏi han. Cần sự chia sẻ chính anh. Nhưng không. Tôi ngơ ngác, bơ vơ. Chưa bao giờ tôi thấy mình đau đớn hụt hẫng đến vậy. Con tôi nằm trong lồng kính. Người y tá nói anh đã bỏ đi. Tôi biết lúc này anh đang ở đâu. Lớp hào hoa rách toạc. Chuyến xe rẽ sang hướng khác. Tôi bàng hoàng đau đớn. Tôi cắn răng từng đêm chịu đựng. Giữa đất khách quê người, giữa núi rừng xa lạ, tôi chia sẻ với chính tôi. Tôi để lòng mình lạc vào những cơn gió cao nguyên. Vào những đêm mưa rừng ướt sũng. Những cơn gió thê thiết từng đêm xoáy vào sườn đồi, đá núi. Bóng dáng của cha, tình yêu của mẹ, hơi ấm gia đình, tôi khát thèm những nụ cười quen thuộc. Khát thèm những lời nói chân thật. Những lời nói khô hiền ấm nóng yêu thương. Như dự cảm được điều gì sau lần tôi về thăm, ba viết: Mai con về lại quê chồng, mẹ đâu có khóc mà lòng rưng rưng.
Tất cả hy vọng, tất cả ước mơ, tất cả những gì ba mẹ đặt vào tôi, cuộc đời đã giật phắt, quăng quật vào một xó xỉnh nào đó. Nhìn dáng vẻ gầy gò tiều tụy lần tôi về giữa khuya, ba buồn thăm thẳm. Chẳng hỏi gì, ba mải miết nhìn vào khoảng không. Tôi biết trong sâu thẳm lòng ba đang nấc lên từng tiếng. Và nỗi đau đang lớn dần trong ba. Có lẽ những cuốc xe trưa rước khách về ngoại thành hồi ấy không làm ba rã rời như lúc này đây. Tình yêu? Hạnh phúc? Những cám dỗ đời thường, những khát khao hy vọng chợt khói sương, mơ hồ lãng đãng. Lúc bùng lên, lúc lắng xuống, lúc vò xé nát tan. Tạo hóa bày ra trò chơi nghiệt ngã. Tạo hóa đặt con người trước những đam mê phỉnh dụ. Tôi dấn thân vào tình yêu như bước vào cõi mộng, không tính toán so đo. Với tôi, tình yêu là thiêng liêng, cao cả. Tình yêu rạng ngời ánh sáng. Thứ ánh sáng vĩnh cửu bùng cháy trong tim, trong một không gian tình người chân thật. Tôi đi về phía anh, trông chờ và đón nhận. Tất cả nhẹ nhàng. Tất cả dịu êm. Để một lần giữa khuya, ướt sũng say khướt tả tơi, anh mò về. Tôi đón lấy những xỉ vả đau đớn, những lời lẽ thô tục, tưởng chừng anh hốt lên từ đám bùn đen nào đó. Hôi tanh tởm lợm.
- Mày là cái đinh rỉ gì? Hả? Cái bằng đại học của mày đem mà vứt đi. Đ.m. mày là người hay là giống gì?...
Tổn thương. Tâm hồn tôi đã bị tổn thương. Vết thương ấy thành tỳ chứng đớn đau. Tôi không còn là tôi nữa... Nhiều khi thắt thỏm giữa khuya, tôi ôm con tháo chạy khỏi mùi rượu trộn lẫn mùi thức ăn đã lên men. Tiếng quát tháo, tiếng ly vỡ, bàn ghế ngã đổ. Bi mới dúm tuổi nhưng đã cảm nhận được sự chẳng lành “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Nó co rúm người lại, rồi nôn thốc tháo ngụm sữa vừa mới nuốt. Nước mắt, nước mưa hòa lẫn. Gió cao nguyên lạnh lùng táp vào da thịt. Lạnh lùng se thắt niềm đau. Sỏi đá dưới chân, núi rừng trước mặt. Bóng tối mênh mông đồng lõa với bao điều bất trắc. Liệu tôi có bước qua được nghịch cảnh này không? Bao nhiêu ước mơ thắp lên ở sân trường đại học lụi tắt trong bóng đêm giá lạnh này. Bi tím tái sợ hãi. Ký ức non nớt của một đứa trẻ, có lưu giữ lại hình ảnh này không? Cầu Trời Phật cho nó chóng quên. Nhưng nó là đứa bé thông minh, nhạy cảm. Sợ rằng ngày kia khi nhận ra điều bất hạnh này tâm hồn nó sẽ ra sao? Nghĩ đến đó lòng tôi thắt lại. Không biết kiếp trước tôi có nợ nần gì với anh không? Kiếp này tôi đang phải trả? Tôi xin được việc làm ở cơ quan kinh tế huyện. Lương chẳng là bao nhưng dẫu sao cũng còn chỗ cho tôi bám víu với cuộc đời. Còn chỗ để mỗi ngày nuôi dưỡng thêm hy vọng. Hy vọng rằng anh sẽ bình tâm. Sẽ tìm thấy giá trị đích thực cuộc sống ngay chính trong mỗi bình minh thức dậy. Rằng anh sẽ không chối bỏ những gì tôi dành cho anh. Nhưng không, những cơn say như ngựa hoang chở anh về thật gần với cánh đồng bản năng tội lỗi. Anh tung phá chệnh choạng giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiên đường và địa ngục. Giữa người và ma. Bàn tay anh không đủ sức níu kéo quá khứ và cũng không chạm nổi đến tương lai. Nhiều lúc bình tâm tôi nghĩ lại liệu mình có góp phần tạo nên ẩn ức cho anh? Tuyệt nhiên là không. Ngọn lửa nào đã thiêu rụi tâm hồn anh? Câu hỏi còn bỏ ngõ. Có điều chắc chắn trong cuộc tình này tôi đã trắng tay. Làm gì bây giờ? Tôi biết về đâu? Giá như...! Hạnh phúc lẩn ra ngoài tầm ước vọng. Anh không còn là anh nữa. Là hiện thân hãi hùng những đêm khuya. Tiếng kêu cửa, tiếng bước chân khệnh khạng, những lời lẽ tục tằn thô bỉ. Bao lâu đã dìm tôi vào những cơn ác mộng... Bỗng dưng tôi thấy mình thừa thải bên anh... Một “Đời thừa” thật sự đang hiện hữu. Mà anh đâu phải là “Hộ” tài hoa. Một “Hộ” luôn nuôi ước vọng lớn lao, muốn mang lại hạnh phúc cho người khác. Và sẵn sàng “Giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Anh nát rượu như Chí “chửi trời và chửi đời”. Nhiều khi tôi thấy mình hoài phí cho một điều vô ích. Cứ nghe tiếng anh ngoài cổng là con bé lấy tay chùi nước mắt. Những giọt nước mắt trong vắt ấy lẽ ra là thứ vũ khí vòi vĩnh trong vòng tay âu yếm. Nhưng không, nó đã rơi xuống từ sợ hãi, rơi xuống bóp nghẹt trái tim tôi. Người ta nói mọi cái đều có giới hạn. Không biết chịu đựng của tôi đến giới hạn nào? Tôi cố nhai lấy nhạt nhẽo mỗi ngày. Nhạt nhẽo khốc liệt.
Ngày tôi đi hỏi vợ cho Thông, anh đang vùi đầu trong những cơn say. Những cơn say lú lẫn, say tiếp nối, say điên cuồng, say mê muội, say vật vờ, say cuộn tròn trong những cơn say. Thông, đứa em trai kế anh ít học nhưng tử tế. Hy vọng nó sẽ là người đàn ông bản lĩnh gánh vác công việc gia đình. Và sự thật nó đã gánh vác gia đình từ khi bố anh mất. Hy vọng Thông sẽ xốc lên, sẽ tạo dựng lại nền nếp gia phong. Và chỗ dựa cho con tôi sau này. Nhưng mà... Chiều nay ra khỏi chôn thiền môn bước về thế tục. Lẽ ra hoa đăng và nhạc sống. Những ly rượu tràn môi hạnh phúc. Những lời chúc tụng nói cười cho đôi uyên ương Thông - Phượng. Nhưng....
Lại mưa. Cao nguyên đang vào mùa mưa. Mưa chiều ào ạt, mạnh mẽ, tàn nhẫn và lạnh lùng. Tiếng nấc vỡ òa trong mưa. Con đường phía trước nhão nhoét bùn đỏ. Phượng lịm trong tiếng nấc. “Một tuần nữa thôi anh ơi!” Lời tiếc nuối. Một đau đớn tột cùng của kiếp người. Ảnh chụp cho đám cưới ngày hôm qua còn đây. Môi anh vẫn cười, mắt anh vẫn sáng. Thứ ánh sáng của hạnh phúc. Em sẽ về bên anh, sẽ làm dâu nơi này. Em gác bỏ mọi thứ. Em không ước mơ gì hơn. Em cần có anh. Phượng lảo đảo trong bóng chiều nhá nhem. Lảo đảo trong thân phận tình yêu. Phượng biết rồi ngày mai, ngày mai mình cô lẻ hơn cả gốc thông già đang bật gốc ngả nghiêng kia. Mình sẽ chơ vơ, chông chênh trên vùng đất bazan này. Liệu mình có chịu nổi những cơn gió xé lòng vào những đêm khuya? Tại sao cuộc đời bẻ bàng cay đắng đến thế? Tại sao anh không kịp nói điều gì? Anh lặng yên trong chiều nay. Và đời cũng lặng yên nơi đây. Trên đỉnh đồi hoang vắng này. Cỏ lau và gió hú. Hố huyệt thẳm sâu đen ngòm khép lại. Hết rồi, vùi chôn tất cả anh ơi! Có và không, mất và còn, đớn đau và hạnh phúc trong cuộc tồn sinh này. Một kiếp người! Em bỏ cho anh nắm đất hay một trái tim, một mối tình, hay một tâm hồn và nhiều ước vọng. Chiều đi đã hết! Không gian mênh mông, thời gian thăm thẳm. Chúng ta đã cưới nhau ư? Chúng ta đã đến với nhau trong tận cùng đớn đau này. Mà chỉ có em là người cảm nhận tất cả. Đôi dép anh để lại dưới cầu thang. Đôi dép còn hơi ấm. Chút hơi ấm cuối cùng trước lúc anh đi. Dòng điện nghiệt ngã qua anh. Lưỡi dao ngọt ngào qua trái tim em!
Đây là những đau đớn khi tôi dìu Phượng từng bước trở về. Đám cưới của Thông và Phương vĩnh viễn không còn bao giờ có được. Tôi nghĩ đến Phượng đến tôi, đến những số phận mỏng manh và bèo bọt. Tại sao anh không nhận ra điều này. Tại sao anh không biết quý trọng những giây phút bình yên. Những khoảnh khắc vô giá trong cõi đời này để sưởi ấm cho nhau bằng thứ tình cảm thiêng liêng: TÌNH YÊU.
Chúng tôi dìu nhau đi trong bóng chiều đã hết, những bước chân hụt hẫng trên khoảng đường trước mặt, gió cao nguyên lạnh lùng thổi qua khoảng đồi vắng lặng... Đâu đó mang mang tiếng chuông chùa.
Ngõ sau
Kính tặng mẹ và chị K
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
(Ca dao)
Con bé lia vội túi xách xuống hè, chạy đến ôm chầm lấy ngoại. Ngoại đưa tay che mắt hỏi phải con Hoa không? Con về hồi nào đó? Mẹ của con đâu? Mắt ngoại rưng rưng. Bao giờ cũng vậy, sung sướng hay đau buồn, mắt bà vẫn thế. Đôi mắt ấy như một định mệnh đeo đẳng suốt một đời người. Bà hỏi: “Thành phố đông người không con? Có đứa nào ăn hiếp con không?”. Trong ký ức của bà hình như Hoa nhỏ lắm, mới năm ba tuổi. Tháng Bảy, nó tốt nghiệp đại học. Chuẩn bị làm đề tài. Trường cho nghỉ. Nghe ngoại yếu, nó tranh thủ về. Lấy ra một gói nhỏ trong túi xách, nó nói: “Ngoại cầm đi, khi nào ra trường đi làm, con sẽ mua nhiều quà cho ngoại”. Ngoại xoa đầu nó: “Cái con này, để mua sách vở, mẹ mày cực lắm con ơi!”. Tôi đứng bên, nhìn tay mẹ run run mà nước mắt cứ tràn ra. Tôi cực khổ vất vả sao bằng đời mẹ. Những đau đớn mất mát của mẹ dường như thời gian không làm chìm khuất được. Năm tháng ấy đã lùi xa, sao trong tôi vẫn còn mồn một như mới vừa hôm qua...
Chúng tôi có bốn chị em. Chị Nghị lớn nhất. Khi chúng tôi có chút ít trí khôn đã nhận ra những điều không may của cuộc đời. Lúc đó, Thành đứa em trai út, còn nhỏ. Chị Nghị thường cõng nó trên lưng. Chị cõng nó thơ thẩn đi qua những buổi chiều, qua những đám ruộng nứt nẻ. Những đám ruộng đã bị chúng tôi nhổ hết gốc rạ đem về nấu bếp. Thứ gốc rạ khô, âm âm cháy khói quần ngập kín căn nhà. Trên gác bếp, đen thui mòng hóng, mẹ treo mấy chùm lúa và mấy trái bắp làm giống cho mùa sau. Chúng tôi nhổ gốc rạ chất đống, bỏ vào giỏ ngựa gánh về. Những buổi chiều như vậy, mẹ thường ra ngõ sau ngồi đợi. Ngõ sau hun hút hàng tre. Ở đó, mẹ có thể nhìn thấy cánh đồng, thấy núi Hông Lân sừng sững tím ngắt rồi đen thẫm chìm trong hoàng hôn. Và hoàng hôn cũng đầy trong mắt mẹ. Nén tiếng thở dài, mẹ đứng dậy trở vào. Bao nhiêu buổi chiều như thế, bao nhiêu đêm đã qua. Mẹ lặng lẽ. Chỉ những lúc nhìn chúng tôi cười đùa dưới trăng, mẹ tươi hơn một chút. Nhưng thường những đêm trăng sáng là những đêm mẹ mất ngủ, sáng ra mắt mẹ quầng thâm. Cũng vào một đêm trăng. Có lẽ là trăng tháng Tám. Trong ký ức mẹ, một đêm trăng lạnh và trong suốt. Đêm đó, ở vườn chuối sau nhà, giọng mẹ khẽ khàng. Lời mẹ chìm vào đêm. Nó như những hạt sương rơi động trên tóc, trên vai, trên mắt mẹ. Mẹ nói điều gì? Những âm thanh chùng xuống, quá nhỏ chỉ đủ chuyền qua người nghe bằng đôi bàn tay ấm nóng. Rồi bước chân hai người lặng lẽ dưới trăng, ra khỏi ngõ sau, về phía cánh đồng. Và mẹ biết đi hết cánh đồng sẽ đến dòng sông. Ở đó có con đò đang đợi. Chuyện sắp đặt đã ba hôm trước. Vào một buổi trưa, người bán chiếu, đưa cho cha miếng giấy nhỏ. Và từ đây mẹ bắt đầu thấm đẫm những ngày cô đơn. Những ngày trong căn nhà đã thực sự vắng bóng đàn ông. Thằng Thành thi thoảng hỏi cha đâu hở mẹ? Mẹ buồn buồn nói cha đi cày. Cha đi cày sao hổm rày không thấy về? Mẹ quay đi, giấu cái nhìn vào vạt áo. Cây cỏ, ruộng đồng và dòng sông rất đỗi hồn nhiên. Nhưng chúng tôi lớn lên không chút hồn nhiên. Không có bàn tay cha, cuộc sống cả nhà vốn khó khăn giờ trở nên thảm hại. Mỗi ngày chị em tôi cắt đầy bốn giỏ ngựa cỏ. Bốn giỏ cho bốn con bò. Đó là tài sản của cha để lại. Mẹ đập đất trên đồng từ lúc hừng đông, khi mặt trời đứng bóng mới về. Mùa đông, trời lạnh cắt da. Mẹ biểu dắt bò ra đồng. Đi sau, mẹ vác cày. Cái áo tơi mẹ để cho tôi. Còn phần mẹ là một tấm lá. Tấm lá chuối mẹ khoét ở giữa gấp lại mang vào che mưa. Tôi bì bõm lội trong bùn, dắt bò cho mẹ. Những đường cày xiên xẹo. Con bò giở chứng, lúc đứng, lúc đi. Mẹ quất roi vào nó. Mưa quất roi vào mẹ và tôi. Mắt mẹ ướt đẫm. Trên cánh đồng mùa đông lạnh lẽo ấy, những cây mạ non cấy xuống cứ run rẩy mãi. Chúng không đủ sức chống chọi với cái rét để cuối mùa cho ra những dé lúa toàn là hạt lép. Những hạt bui ấy còn biết phơi khô rồi đun bếp. Chúng tôi trông chờ vào những vạt củ lang, củ mì trồng tít trên gò. Ăn củ lang nhiều ngày quá! “Nhuận trường” quá! Thằng Thành đi ngoài suốt. Phân toàn vỏ củ lang tím vắt. Da nó hơi xanh, bụng nó õng ra. Mẹ nói nó phát thủng. Đó là bịnh thiếu chất cám gạo. Mẹ đi đâu không biết xin về được ít cám, rang đều rồi trộn mật vào viên tròn, cho nó ăn. Ăn được hai hôm, Thành nghe bụng đau âm ỉ. Rồi đau thắt. Bịnh lỵ đã hành hạ nó. Cứ một chặp nó lại đi cầu. Đi suốt đêm, đi lòi trôn trê. Mẹ cũng thức suốt đêm. Gà gáy, mẹ đem chiếu ra sông giặt. Mất ngủ nhiều, mẹ gục xuống nước, cả chiếu và người trôi đi. Nhưng dòng sông không trôi hết nỗi buồn. Cuộc đời đã níu mẹ lại. Người ta vớt lên đưa mẹ về nhà. Chúng tôi cả ngày ngồi quanh mẹ. Mắt mẹ đượm buồn. Mẹ nhìn ra sân. Nắng xiên khoai. Nắng đổ dài bóng cây ổi trước nhà. Cây ổi Tàu ra trái quanh năm. Nó mọc ngay ở chân hè, chỗ bước vào cửa chính. Nhiều khi đói quá chúng tôi bứt cả ổi già xuống ăn với muối “Ăn nhiều vào rồi chết nghe con”. Mẹ nói mà không đành ngăn. Thứ ổi già chà xát qua từng đoạn ruột chúng tôi, mà lòng mẹ đau thắt lại. Cái đói triền miên vây hãm. Đói cả trong giấc ngủ, cả khi cắt cỏ, tắm sông. Một hôm, hình như mẹ đi rửa dùm chén cho đám giỗ ở nhà họ xa bên ngoại. Lúc về, mẹ gói trong vạt áo nắm cơm. Nắm cơm to bằng trứng ngỗng. Chính giữa mẹ chôn hai lát thịt. Bốn chị em bập vào, loáng cái hết ngay. Thằng Thành trợn ngược nuốt thẳng cổ, mẹ ứa nước mắt. Chị Nghị không đành, chị nhịn phần mình cho em. Bây giờ nghĩ lại thương chị quá chừng. Mọi chuyện trong nhà, mẹ giao cho chị. Chị quán xuyến mọi việc và chăm sóc em. Mười sáu tuổi, chị xinh đẹp như trăng. Có người nói vậy. Dãi nắng, dầm mưa mà sao da chị trắng như bông bưởi. Tóc chị suông và dài chấm mông. Mỗi lần gội đầu, chải tóc cho chị, mẹ thường nhìn xa xăm. Mẹ nghĩ sẽ có ngày chị phải xa mẹ, làm dâu nhà người. Chị cũng sẽ một nắng hai sương trên đồng. Sẽ lam lũ héo hắt vì chồng vì con. Chị cũng sẽ chắt chiu hạnh phúc từ những lá rầu riều, bọ hôi, mè đất. Những lá rau tập tàn hòa quyện với mùi cơm lúa mới mà chị nghe hạnh phúc đâu đây. Hạnh phúc hiền hòa giản đơn như lá rau cộng cỏ. Nó giống như ngày mẹ về với cha. Sau bữa cơm ngày cưới là tiếp nối những bữa cơm độn củ thật nhiều. Buổi sáng, cha dậy sớm xách nước vô lu, và vội miếng cơm rồi vác cuốc ra đồng. Buổi tối, cha đi chặn đăng bắt cá. Những con cá chép, cá trê mẹ rộng trong ảng. Thi thoảng mẹ đem ra chợ bán, mua thêm lon gạo. Cha cười cười lau mồ hôi trên tóc mẹ. Cha đốn tre đan thúng, đan sàng. Những sợi nan cha chuốt mỏng tang mềm mại. Tay cha thoăn thoắt đan cái giỏ, cái lờ, mẹ nhìn mà mê lắm. Mẹ bưng bát nước chè tươi nóng hổi và cục đường đen ra nói cha nghỉ tay uống nước. Không biết mẹ yêu cha từ đâu? Có lẽ từ cái rắn rỏi, giỏi dang và cả tính cương nghị của cha. Thỉnh thoảng cha còn đọc vài câu Chinh Phụ Ngâm và lẩy Kiều cho mẹ nghe. Cha nói nội là người giỏi chữ, là cụ đồ nho thế hệ cuối mùa. Cha học được phong cách khí khái nhà nho của nội. Đêm cuối cùng rời khỏi căn nhà, cha đi từng bước nhẹ nhàng, bưng đèn soi mặt bốn đứa con. Rồi cha lặng lẽ quay ra. Ngoài kia trăng vẫn sáng. Sợ làm chúng tôi thức dậy, cha nói gì rất khẽ với mẹ ở phía sau nhà. Đó là đêm cuối cùng mẹ nén lòng mình để khỏi bật ra tiếng nấc. Cha đi chưa được ba năm, hơi hướng chiến tranh đã đến. Mẹ thường giật mình trong tiếng đại bác cầm canh. Tấm mành mành che cửa đã mục. Ánh hỏa châu lập lòe xuyên qua kẽ nan. Ánh hỏa châu vàng võ rơi ở cuối trời có hình giọt nước mắt rơi. Mẹ thở dài. Chị Nghị càng lớn càng xinh. Đã có tiếng sáo con trai thổi nơi đầu ngõ. Chúng tôi vẫn thường cắt cỏ ngoài đồng và dắt bò ra sông uống nước. Vào một ngày mùa hạ, nước sông trong vắt mát lành. Chúng tôi lùa bò ra sộng, tập bơi, rồi tắm. Đó là một buổi sáng kinh hoàng trong đời tôi. Một buổi sáng, mẹ như điên như dại, chạy vụt ra cánh đồng chết giấc. Tôi điếng hồn ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Không còn gì nữa! Hết rồi. Trong mắt mẹ bầu trời đen lại. Tất cả đang sụp đổ. Hàng tre già ngõ sau oằn xuống trong gió sớm. Người ta xúm lại khiêng chị Nghị về đặt dưới bóng tre. Mẹ đau đớn tận cùng, nửa tỉnh nửa mê. Chị nằm đó, bụng xáp ve. Chén củ lang mẹ để phần cho chị còn nguyên. Chị Nghị ơi, chị vĩnh viễn xa rồi! Chị đi vào cõi khác ở tuổi trăng mười sáu. Chị hụt chân lạc vào vùng nước xoáy. Mẹ hụt hơi kêu khản đứa con mình. Lòng tôi quặn lại từng cơn. Nấu nước bồ kết, lá bưởi, mẹ gội đầu cho chị lần cuối cùng. Tóc chị đen và dài quá. Mẹ vuốt từng lọn tóc mà lòng se thắt. Những mơ ước giản đơn của mẹ ngày xưa không còn nữa. Không còn những đêm trăng sáng, chị em đùa chơi trước ngõ. Thằng Thành hái hoa dũ giẻ thơm lừng cài vô tóc chị. Bây giờ, chiều nào mẹ cũng ra ngõ sau đứng mãi. Mẹ đứng như ngóng, như trông bước chân ai đó trở về. Ngoài kia, một nắm cỏ xanh. Và phía núi xa, hoàng hôn rượi rượi xuống. Nắng ngoa ngoắt thắp lên màu võ vàng trên cánh đồng. Cây chiêm chiêm đầu ngõ ơ hờ trổ mấy chùm hoa khắc khoải. Mẹ nói đó là cây cha trồng. Cha đào đâu ở bờ sông đem về làm cây chất rạ, chất rơm. Bây giờ nó đã to ra, cái đọt nhong nhỏng cao vươn khỏi tầm hàng tre như cố nhìn về phía núi Hông Lân. Nhìn về phía núi. Mẹ nhìn như thế bao nhiêu năm rồi. Và bóng người đi đã chìm vào bóng núi. Tôi đã có chồng và sanh con. Con Hoa gần tốt nghiệp đại học. Mỗi lần thăm mẹ, về lại vườn xưa, lòng tôi nao nao buồn. Mẹ đã già lắm rồi, mắt mẹ không nhìn thấy rõ. Mẹ vẫn lần hồi ra đứng ở ngõ sau.
Chiến tranh kết thúc. Tôi nhớ vào một ngày tháng Sáu. Hôm ấy, mẹ đang sàng gạo. Ngoài ngõ có tiếng chó sủa rồi một người khách cao cao đi vào. Người khách mặc bộ kaki màu nhạt. Khách đưa cho mẹ tờ giấy. Mẹ đi giật lùi, tay vin vào bậu cửa. Mẹ đánh rơi sàng vung vãi gạo ra sân. “Thôi, chiến tranh mà!”. Người khách nói. Chúng tôi vỡ òa trong tiếng nấc. Tất cả vì chiến tranh. Khi cha đi tóc mẹ còn xanh, bây giờ tóc mẹ đã có nhiều sợi bạc. Có còn chăng là niềm sâu thẳm trong lòng. Nhưng lòng mẹ mơ hồ như bị ai vò xé. Rồi từng chiều, mẹ nhìn về phía ngõ sau. Cái ngõ sau đêm nao lênh láng ánh trăng, mẹ tiễn cha đi. Cái ngõ sau kê bộ ngựa cho chị Nghị nằm chờ khâm liệm. Và cái ngõ sau ngó ra cánh đồng trong ráng đỏ hoàng hôn.
Chừng ấy tháng năm. Chừng ấy thời gian đi qua trong một đời người. Đủ cho dịu lại những vết thương. Nhưng vết thương trong lòng mẹ thì bao giờ mới dịu? Đời mẹ sao mãi còn những rêu xanh. Mẹ giấu nỗi buồn vào ngõ tối. Thằng Thành bây giờ tệ lắm, là nhà báo, nhà thơ gì đó, nó đi đâu đi miết. Mẹ yếu nhiều, vẫn nắng xiên khoai ngoài sân. Mẹ cười cười nắm tay con Hoa, mắt mẹ xa xăm...
Minh Long tháng 03/2007
Chuyện xóm bên cầu
Hồi trước, tôi dạy học một trường miền núi. Trường bên sông. Sông hơi rộng. Có cầu bắc qua. Một phần ba cây cầu là bê-tông, phần còn lại là cọc tre và gỗ bạch đàn ghép lại. Đầu cầu có chợ chồm hổm, năm ba lều quán xúm lại. Buổi sáng, tôi ghé quán bà Móm dằng bụng mấy cái bánh xèo trước khi lên lớp. Bà Móm hồi ấy cũng đã móm, nhưng các thứ còn tinh lắm. Đặc biệt là tai và mũi. Rất xa, nghe tiếng sên líp rọt rẹt, bà biết tôi sắp tới. “Lấy cho thầy chén nước châm thiệt ngon, đôi đũa thiệt ráo với trái ớt thiệt cay, nghen con”. Bà kéo dài tiếng “thiệt” ra dẽo như bột bánh, trong khi bà khom lưng chỏ ống thổi lửa vào bếp . Đứa con gái mới lớn leo xuống giường, vừa dạ, vừa dụi mắt đi tới đi lui, cái đầu chênh chao nặng trịch như những giấc mơ còn đặc quánh trong ấy chưa tan. Đứa con gái mười sáu hay mười bảy gì đó da trắng như bông bưởi, mặt tròn, má hồng như hồi nào cũng đang thổi lửa. Có điều khi cười mắt nó híp lại, chân mày nở ra, rất con cháu Thúy Vân.
Vào một ngày mùa đông, nước trắng sông. Cây cầu gầy nhom run rẩy. Nước hùng hổ, bọt bèo hăm hở đổ về. Nước liếm chân hè quán bà Móm. Không sao, nước khách ấy mà, nói xoan qua chút đỉnh rồi đi, không ở lại đâu. Nhưng quán bà Móm hôm ấy có ông khách cố tình ở lại. Từ ngoài chợ, ông khách khom lưng chui vào kêu rượu và bánh xèo. Khách chưa già, chân cao, mang theo cây súng nòng dài. Loại súng săn. Không biết là khách đi săn hay bọn sơn tràng? Khách uống mấy xị rượu thuốc, cũng không mời ai, cứ xếp bằng trên cái chõng tre rung đùi mà uống. Đứa con gái bà Móm đi lên, đi xuống dọn hàng, khách ngó nghiêng ngó dọc. Khách nhìn từ chân lên đùi, lên mông, lên ngực con bé rồi cúi xuống đánh ực một cái, làm như con bé là đồ nhấm. Trời không lạnh, nhưng gió nhiều. Gió lật mấy tấm tôle che bếp, nước vào tro bếp lễnh loãng. Bà Móm dọn dẹp, làu bàu “Ông trời n.c. máu, mới hồi sáng nắng đây bây giờ lại mưa”. Bà muốn tống ông khách đi, sập cửa tôle lại cho đỡ gió, nhưng chưa được. Đến tối mịt, khách mới chịu đứng dậy kêu con bé lại tính tiền. Khách đưa cho con bé gấp nhiều lần số tiền phải trả. Con bé chưa kịp hỏi, khách kéo nó lại hun đánh chụt lên má rồi lách chân ra cửa. Bà Móm lụi cụi dưới bếp. Con bé so se nắm tiền. Trong đầu nó, quần jean, giày cao gót mũi nhọn và quần lót Thái đang nhảy múa. Thiệt tình mà nói con bé cũng dễ nhìn. Các thầy qua đây, thỉnh thoảng cũng nhìn một chút. Tất nhiên là những cái nhìn từ tốn và rất mô phạm, trừ một ít thầy có máu xấu. Thầy có máu xấu biết liền. Dò bài xong, chưa chịu cho điểm, cứ nhìn theo cái mông học trò ngoăn ngoắt xuống lớp. Khi tôi về đây, con gái bà Móm đã nghỉ học. Nghe nói hồi ấy thầy thể dục hay dò bài thực hành con bé. Sau vụ uống rượu cãi vả với phụ huynh, suýt nữa bị xô xuống cầu, thầy được cấp trên điều đi trường khác. Con bé học đến lớp chín thì nghỉ. Thầy Liễm chủ nhiệm dạy môn công dân đến động viên, nhưng con bé không học. Ở trường, thầy Liễm vào hạng nhất nhì. Trừ thầy hiệu trưởng ra, thầy Liễm là người duy nhất có xe máy. Xe 81 đời chót. Sau soạn bài, thời gian còn lại thầy “đầu tư” nhiều nhất vào việc kỳ cọ cái xe. Thầy cũng ít khi về nhà. Thầy nói mùa mưa đi về nhiều hao nhông hao sên (xích) lắm. Tôi nói mùa mưa về nhà nhiều hao sức khỏe lắm! Trước khi mùa đông năm đó đi qua, trời để lại một cơn bão lớn. Bão thổi từ lúc chặp tối đến gà gáy đầu mới dứt. Các thầy chuôi dưới gầm bàn tránh bão. Bão giằng từng cánh cửa sổ lớp học quẳng ra sân. Bão nhổ cây gòn hơn người ôm ở cổng trường để nằm chằng ngang xuống đó. Buồn hơn, bão lột gần hết mái quán bà Móm nhận xuống sông. Sáng ra, bà Móm khóc đứng khóc ngồi nhìn dòng sông u u chảy mà không biết nó vùi mái nhà bà ở chỗ nào? Khóc xong bà biểu con bé theo người ta xuống chợ huyện mua ít khuôn bánh xèo và mấy cái rổ nhựa. Con bé cũng khóc ít, nghe nói đi chợ huyện thì nín ngay. Ở chợ về, nó dẫn theo hai người đàn ông với mấy tấm tôle. Bà Móm chưa hiểu gì, họ đã kéo tôle lợp nhà. Xong xuôi họ leo xuống ra về. Bà Móm đòi trả tiền, họ nói đã có người trả. Nhà lợp hai hôm, bà không ngồi ở bếp. Ngồi ngay trên giường, bà khóc. Bà nghẹn ngào: “Nó bỏ đi rồi thầy ơi!”. Tôi há miệng nhìn lên mái nhà. Bà cũng nhìn theo, tôi biết lúc này lòng bà đang thắt lại vì một cơn bão lớn. Quán bà Móm vắng con bé, coi vậy mà buồn xo. Ở chợ người ta xì xào rằng con bé ăn trúng bùa ngãi của lão sơn tràng. Lão sơn tràng đã giương nòng bắn con chim non. Nòng súng dài thòng hằng chi đạn nó độc quá! Mấy bà bán thịt cười giòn tan, còn bà Móm thấy như có ai xát muối trong lòng.
Ở miền núi nghiệt lắm. Nắng dữ và lạnh cũng hung. Thiên nhiên vốn thích bạo liệt, còn con người vẫn ưa hiền hòa. Nhưng ưa mà có được đâu. Năm ngoái bão, năm nay lụt. Mới mưa có một đêm mà nước trắng lăng. Vừa mở mắt đã thấy nước xấp xỉ đoạn cầu gỗ rồi. Trường đánh một hồi trống bãi. Học sinh nháo nhào đội mưa chạy ra coi nước. Thầy nói phải đi về nhà, ở đó sụp nước chết trôi. Có đứa không nghe cứ ở lỳ coi người ta vớt củi. Củi ở đây không thiếu. Nhưng người đời cứ hay tiếc của giữa trời. Vì tiếc của giữa trời nên đôi khi mang họa. Năm kia cũng vớt củi đã có người lộn nhào xuông sông, bảy ngày sau mới tìm được xác. Vậy mà bây giờ họ không sợ. Họ cầm cuốc chĩa, bồ cào, cù nèo đứng trên đoạn cầu bê-tông vớt củi. Đoạn bê-tông này là phần còn lại của cây cầu sau khi chiến tranh đi qua. Bây giờ người ta chắp thêm một đoạn bằng tre và gỗ vào để thông thương qua lại hai bờ. Đoạn cầu gỗ ưa nhún nhảy, đỏng đảnh như đứa con gái. Đi xe qua, cầu nẩy lên bần bật. Bây giờ thì nước đã xoan. Nước ngập đoạn cầu này hơn mắt cá chân. Không biết có gì đột xuất không, sao hôm nay thầy Liễm lại dắt xe ra về? Có đứa học trò định nói ở lại đi thầy ơi qua cầu nguy hiểm lắm. Nhưng sợ thầy la nên làm thinh. Tôi nói trời thế này thầy về làm gì cho mệt với lại nước mưa hại xe lắm. Thầy chần chừ một lúc nói là ở nhà có chuyện nên đẩy xe qua cầu. Thầy ra được một quảng, cách bờ độ mươi mét, phía thượng nguồn lừng lững trôi về hai khúc gỗ mục. Gỗ cạp vào thân cầu. Có tiếng kêu “rắc”, đoạn cầu tách rời chỗ nối chậm rãi đưa thầy và xe trôi về phía hạ lưu. Đám học trò kêu khóc thất thanh trên bờ. Bọn người vớt củi cầm bồ cào, cuốc chĩa chạy tới chạy lui giống như đám đệ tử Đường Tăng gặp nạn nhưng có làm được gì đâu! Thầy Liễm đã mười mươi cầm chắc cái chết trong tay. Mạng thầy mỏng manh hơn sợi tóc. Chỉ cần chao một cái nhẹ là thầy và xe vùi sâu dưới dòng nước bạc. Các cô giáo nín thở lấy tay che mặt, nức nở quay vào trường. Nước đã lên đến ngực thầy rồi. Thầy cứng ngắc như trời trồng. Chân thầy như có đinh đóng xuống mặt cầu. Hai tay thầy nắm chặt cây xe như nắm chặt bàn tay người tri kỷ cùng thầy trong chuyến đi định mệnh này. Bỗng như có bà đỡ, đoạn cầu vươn vào bùi nhùi chà chơm đâu chỗ mé sông ngoặc thầy tấp vào bụi tre cuối bãi. Đưa thầy lên bờ, đám học trò vừa la vừa khóc. Mắt thầy cứ mở to nhìn vào khoảng không vô tận nào đó. Có lẽ thầy vừa ra khỏi giấc mơ.
Mấy hôm sau nước rút. Thầy đến trường thần sắc chưa hoàn hồn. Mừng từ cõi chết trở về, thầy nhờ phụ huynh tìm mua một con heo. Loại heo đen chạy rông ngoài rẫy. Làm mâm cơm tạ ơn trời đất đã cứu thầy thoát chết, cứu chiếc xe 81 cáu cạnh của thầy khỏi phải đăng ký lưu hành ở chôn thủy cung. Mọi người đang chấp tay đăng đàn vái tạ ơn trên, bỗng có tiếng khóc òa của bà Móm. Bà Móm nhìn trân trân con bé da tái xanh ôm bọc quần áo bước vào nhà. Bên kia đầu cầu, thằng Dũng khùng ở trần cà thọt chạy tới kêu: “Em Liễu ơi (con gái bà Móm) cho anh thương cái đi. - Rồi cũng tự nó nói - Thương gì được nữa. mà thương, chửa hoét rồi mà thương?” Bà Móm nghe thắt lòng, nước mắt càng chảy dữ.
Buổi tiệc bên bờ sông hôm đó, kẻ khóc, người cười. Buồn vui lẫn lộn. Thằng Dũng cỗm đâu một cái tai heo cuộn tròn lại làm mi-cờ-rô cứ đi vòng quanh đọc hoài câu thơ không biết ở đâu nó có:
Nòng dài đạn độc Liễu ơi!
Ăn nhằm bùa ngãi nát đời gái tơ
Con Liễu nằm trong buồng khóc rấm rức. Nó nẩy lưng gỡ bớt móc quần jean.
Nghe nói khi nó tháo bớt móc quần, thì lão sơn tràng cũng vào tù. Con Liễu nơ cái bụng chang bang ra sông giặt áo. Nó soi mặt xuống sông mơ hồ không nhận ra mình, mơ hồ làm rớt tuổi thơ xuống nước. Nước xao xuyến chảy, xao xuyên trôi đâu mất cái tuổi mà thầy giáo dạy văn hay nói là đẹp và hồn nhiên nhất cuộc đời. Tuổi thơ nó đã theo sông ra biển tan vào mênh mông . Cũng như nắm tiền lão sơn tràng đưa cho nó thành nắm lá mục tan vào rừng thẳm. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nó thường nghe lão nói như vậy. Người ta đã lục túi xách lấy đến đồng bạc cuối cùng trước khi đuổi nó ra khỏi chỗ ở. Bây giờ nó nhận thấy bếp lửa của mẹ là ấm hơn cả và dòng sông bên cầu này là trong nhất. Nhưng chắc chắn không thể rửa sạch vết nhơ nặng trĩu nó đang mang nặng trong lòng.
Minh Long Mùa Lũ năm 2000
Gió se
Không thể chờ hơn, Thành băng bộ qua cánh đồng làng. Lũ cò rúc trong lúa hốt hoảng bay lên rồi liệng quanh nuối tiếc. Chúng tiếc nuối vì lúa qua thì con gái, nòng nọc đứt đuôi nhảy lên bờ mơ việc đổi đời. Những cú nhảy ngây thơ thường hấp dẫn kẻ săn mồi. Còn người làm ruộng thì hơi bị phiền. Cò đẳm bừa, đẳm phứa lên lúa, thấy ghét. Đấy là hồi Thành còn làm ruộng, còn sục chân trong bùn, theo mẹ nhổ cỏ. Thành không thích lũ cò, mặc dù chúng có dáng thư sinh trắng trẻo. Thành nhớ cả mùi bùn, mùi cỏ. Tết này về khi chán hãy ra thành phố. Với lại ở phố, bụi và ồn. Ồn ào trong mưu sinh quá... Kẻ danh, người lợi ma mảnh và tinh vi.
Phía bìa làng, thấp thoáng hoa sầu đông tim tím. Thành chợt nhớ màu tím hoa xương rồng bên những bờ rào ngày xưa...
Tháng Chạp, gió lướt nhẹ trên sông. Mặt sông gợn sóng. Thành thức dậy trời còn đẫm sương. Sương ngái ngủ là đà trong bờ tre, chòm cỏ. Sương tràn vô mui thuyền, se lạnh. Mẹ trên bờ cát, loay hoay bên bếp lửa. Mùi cá kho lá gừng thơm phức. Bờ cát màu ngà ngà, ngổn ngang dấu chân bò và chân lũ trẻ. Cảnh ấy cứ lặp lại ở mỗi đoạn sông. Thành theo mẹ đi chài lúc lên ba, suốt ngày ngồi trong mui chơi vỏ ốc. Cha quăng chài, thả lưới, mẹ gõ vào mạn thuyền. Tiếng gõ đều, vang vang thành thứ âm thanh kỳ lạ. Thỉnh thoảng cha rút mái chèo đập mạnh trên mặt nước. Nước tung tóe bắn cả lên thuyền. Nghe hoài thành quen, Thành trôi vào giấc ngủ bằng điệu ru sông nước này.
Tháng Chạp, những bãi mía ven sông xao xác gió. Tiễn mùa đông năm cũ, cờ mía màu trắng bạc lơ phơ. Gió mang theo mùi nước chè hai, có cả mùi hoa cau, mùi lúa, trộn lẫn mùi bùn đất ẩm sau những ngày mưa dài.
Bảy tuổi cha cho Thành lên bờ ở với ông bà nội, kiếm cái chữ. Nội dắt Thành tới lớp cũng trong một ngày tháng chạp. Tháng Chạp, đường làng hơi khô, những vết bùn cong lại, nham nhở chân người. Ông giáo già có đôi guốc mộc và cái mục kỉnh xệ xuống sống mũi. Ông nhìn chằm chằm như muốn nuốt chửng. Nội nói: “Tôi gửi thầy thằng cháu, nhờ thầy cho nó cái chữ...” Ông thầy, gỡ mục kỉnh ra, cúi xuống :
- Ngó mặt cũng sáng, chắc là học được, nhưng có nghịch lắm không?
Nội nói: “Cũng có”. Ông giáo chỉ vào đống xơ mít góc hè: “thuốc” kia. Đây là “thuốc” ông giáo biểu đám học trò lượm về từ chợ. Bài thuốc coi vậy mà hiệu nghiệm. Nó trị dứt bịnh thọc lét, búng tai, bôi mực. Không đứa nào dám ho he. Thành học nửa năm thì biết đọc, biết đồ. Tháng Chạp năm sau đã thông được vần ngược, vần xuôi. Cha Thành mừng quá, bán mớ cá mua cho Thành áo mới. Hoa xương
rồng chút xíu lẫn vào với bao thứ gai góc bên rào, vậy mà bọn trẻ phát hiện ra sớm nhất. Hoa xương rồng báo hiệu mùa đông đã hết. Và cũng đồng nghĩa với việc được ăn những cái bánh nổ, bánh in. Những cái bánh mẹ ngồi cả buổi lượm thóc rồi bỏ vào khuôn, trộn đường đóng huỳnh huỵch. Những cái bánh thuẫn hình hột xoài trơn lu, trọc lóc. Mẹ giận hờn quăng ra: “Đó ăn đi, đứng trù ẻo hoài”. Rồi mẹ đốt thêm vào bếp cây nhang, van vái cho những cái bánh sau đừng láng o tịt lít. Bọn trẻ ngược lại. Chúng xớ rớ đâu đó chực chờ cơ hội là nhào vô kiếm chác. Kiếm chác đâu riêng gì lũ trẻ. Người lớn kiếm chát còn độc địa hơn! Mẹ vùng vằng nói tại cái vía mày nặng quá, sang năm chắc làm ăn chẳng ra gì. Gì thì gì lũ trẻ cũng chẳng sao. Miễn bây giờ được ăn bánh, và được mặc áo mới. Được hít thở gió se từ cánh đồng làng. Những sợi gió thổi vào bếp hừng niềm vui con trẻ và cháy lên âu lo người lớn. Nhưng lo thế nào Tết vẫn đến. Gác lại mớ nợ nần năm cũ, mẹ bưng mủng đi chợ. Mua ít củ kiệu, củ gừng, mấy lon gạo nếp. Mẹ chung thịt heo với người hàng xóm. Con heo đen mõm dài, thường ngày xổng chuồng ủi trốc vồng lang đầu ngõ. Con heo như trái bí đèo. Mỗi người một xâu thịt cỏn con treo lơ lửng trên dàn, nước còn nhỏ tong tong xuống bếp. Mẹ nói với cha: “Ra sau vườn cắt cho tôi tàu lá chuối.” Tàu lá mẹ trải ra nong gói bánh. Những cái bánh thon dài buộc bằng lạt tre thật chặt, chặt như mối tình của mẹ và cha. Cha đi đâu về kẹp trong nách áo một chai rượu trắng. Tay kia cầm gói gì đó so se. Cha nói: “Mua cho mẹ mày cái này”. Mẹ ngạc nhiên cầm lấy mở ra. Một niềm vui lướt qua trên khuôn mặt âu lo. “Trời, chi mà phí quá, bày đặt guốc dép làm gì, để tiền đong thêm vài lon gạo, ông này thiệt tình”. Nói vậy nhưng hạnh phúc lấp lánh trong mắt mẹ và mẹ cũng thấy hình như Tết đã về đâu đây.
Thời gian cứ trôi đi. Tết rồi lại Tết. Thành lớn lên không theo nghiệp của cha, cũng chẳng nghề của mẹ. Có ít chữ trong đầu (đọc thông viết thạo). Thành theo bạn đi buôn. Người ta nói “có phước làm quan có gan làm giàu”. Thành có gan. Chẳng mấy chốc đã là ông chủ hiệu. Thành là người phố thị. Phố thị, Tết rộn ràng phía ngoài cửa hiệu còn trong nhà thì tỉnh queo. Vợ Thành không phải bưng mủng đi chợ. Không cắt lá chuôi, không chung thịt heo.
Sáng nay, vợ Thành mở két rồi nghiến lên: “Thôi chết rồi, hết rồi”.
- Có việc gì vậy em? - Thành ngạc nhiên hỏi.
- Năm cục tiền tôi để trong này ai lấy đi một cục?
- Coi lại chớ, mấy đứa nhỏ chưa đứa nào về, ai vô đây lấy? Kẻ trộm thì không thể...?
- Tất nhiên đây không phải người ngoài. - Vợ Thành đưa mắt về phía chồng.
Mặt Thành đỏ lên. Bấy lâu sống với người đàn bà lúc nào cũng tiền và tiền, còn mấy ngày nữa, hết năm mà không qua được. Thành ngán ngẩm. Hay con mụ đưa nhầm cho người ta. Tháng Chạp lu bu, thức đêm đoảng người. Đàn bà mất tiền như hổ mất con. Con mụ lồng lên, như ai bóp hầu, bóp họng. Thôi kệ, Thành lên xe. Ở quê yên lành thật. Mặt quê phẳng phiu, không nhăn nhúm. Không cau có hằn học. Quê không tất bật vội vàng. Tiền bạc thì ai chả quý nhưng lấy nó làm cứu cánh cho đời thì buồn biết mấy!
Thời gian làm đổi thay tất cả. Vẫn cánh đồng làng ngày xưa nhưng dáng mẹ không còn nữa. Cả ông giáo già và những miếng gai mít nhọn hoắt đâm nát da đầu gối chỉ còn lại trong ký ức. Thành ra nghĩa địa, đốt nhang cho mẹ, cho thầy. Gió đồng se thổi, cờ mía và lò đường cũng biến đi đâu. Đám học trò lớp vở lòng ngày ấy, giờ lên lão, lên ông. Thành tìm lại chút gió Tết ngày xưa, một chút thôi nhưng gió chỉ miên man thổi qua miền ký ức... Bỗng máy điện thoại reo.
- Alô, anh đó hả, em tìm ra gói bạc rồi nghe, trong đầu tủ đi-văng, quên tưởng để trong két. Bao giờ về?
- Không về gì cả, tôi ở đây...
- A! Anh nói sao? Hay là đang ôm con nhà quê nào đó hả? Đang đốt tiền của tôi đấy hả?
- Tôi đang ở nghĩa địa, không có con nhà quê chỉ có ma quê. Ma quê hiền hơn ma chợ. Người gì mà... Tút tút.
Trời buông gió, Thành nghe se thắt trong lòng.
Minh Long, tháng chạp Đinh Hợi 2007
Những con ốc chữ
Tôi cẩn thận gói những tờ bạc. Mẹ cẩn thận lựa ốc vào rổ. Rổ ốc mẹ cất dưới gầm. Tờ bạc tôi mua phiếu thầy. Thầy nói tôi cần tiền, các em cần chữ. Cứ đầy rổ ốc, tôi mua được một phần năm buổi học. Học nhiều buổi quá, mẹ phải độn rau câu, ghẹ đá vào phiếu. Cha nói thiên hạ cùng mình. Lưng cha cháy đen kéo từng tay lưới. Những tay lưới lấp lánh hy vọng. Và cha kể: “Từ buổi hồng hoang trời sai một vị thần đem xuống cho trần gian chiếc bình đựng đầy các thứ, chờ đến bình minh thì mở nắp. Vì hẹn lỡ cuộc nhậu với bè bạn trên thiên đình, thần đã mở nắp trước khi trời sáng. Các thứ trong bình vụt bay đi, chỉ còn hy vọng”. Cha nói sự sống sẽ héo khô nếu hy vọng không còn. Hy vọng của cha đuổi nhau trên đầu con sóng. Cha nhặt nhạnh gói trong mồ hôi đem về. Cha biểu cầm đi. Tôi cầm đến lớp học thêm.
Lớp học như nêm cối. Những cái nêm bị thúc bách từ nhiều phía. Cha nêm tôi đến lớp. Thầy nêm tôi chỗ ngồi. Không sao, nêm càng nhiều, túi càng chặt. Thầy dùng loa rắc từng nắm chữ như người ta rắc thóc cho gà. Những con gà không háu đá, không cựa quậy (chật quá làm sao cựa quậy), yên lặng nhặt thóc. Lép có, bui có, tất nhiên là có những hạt chắc. Phải chăm nhặt vì ngoài kia có biết bao nhiêu gà đang chầu chực bơ phờ. Những con gà đến đây thảy hiểu một cách tường tận rằng trong mỗi chữ nhặt lên đều thấm đẫm ngọt ngào và mặn chát. Còn thầy, thầy đã lèn kỹ chữ trong bồ. Trước khi làm cuộc đổi trao này, thầy vốc ra từng vốc ngâm vào khay đạo lý và rắc một ít hạt tâm lên đó. Nhưng có thầy đã lia ra những hạt sần sùi, thô mộc. Những con gà có chút “sĩ khí” phải “rụt rè” nhặt lấy. Có khi bội thực. Có khi nghiền nát cả diều mà không thấy nghĩa đâu! Nghĩa lặng lẽ chùi ra khỏi chữ, ngúng ngoẩy, ném chuỗi cười diễu cợt, trôi về phía thị trường. Cái vỏ chữ buồn xo, ơ hờ lăn lóc. Tôi lơ ngơ nhặt được. Chưa kịp chào thầy đã có tiếng ai chõ vào tai. “Thầy chưa cần đâu”. Hóa ra đàn gà đến lớp để so cánh, đánh vai, để có tên trong sổ học thêm. Tôi học thêm tất thảy các môn. Học nhiều quá sinh mụ mẫm. Tôi gù lưng cõng dãy Trường Sơn bài tập. Tôi gục trên bàn và thiếp đi khi đang làm bài. Tôi thấy mình hóa thân thành Tề Thiên Đại Thánh có bảy mươi hai phép thần thông, cùng lúc, học bảy mươi hai lớp học thêm. Đến lớp thứ bảy ba thì không thể. Tôi bị vòng “kim cô” quay bài siết lại. Bài không thuộc, tôi khóc đi xuống lớp. Mẹ hỏi sao vậy con? Giật mình, dụi mắt đã đến giờ học thêm, tôi đạp xe thục mạng.
Bình minh hay chiều tối? Nắng gắt hay mưa dầm? Có gì phải để ý? Thế giới chung quanh với tôi gần như vô cảm. Có lẽ cha hiểu được điều này. Cha tìm đâu ra những bài thơ. Cha nói đây là bài Đất Nước, đây là bài Quê Hương và đây là bài Tình Mẩu Tử, hay lắm đọc đi con. Đọc cho tâm hồn mềm đi một chút. Tôi đọc một lèo. Nhìn vào mặt tôi khô lạnh, cha thở dài. Dúi bài thơ vào tay cha, đã đến giờ học thêm rồi, tôi chạy. Cha nói không được. Con phải ngồi lại. Hôm nay cha sẽ dạy con một chữ. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Cha có chữ nào trong bụng đâu? Cũng chẳng có giáo án, giáo trình, làm sao cha dạy? Tôi nghi ngờ. Cha không theo trình tự “năm bước”, không có những câu phát vấn vỡ vụn. Sợ cha chẻ nát bài văn, sợ cha không có năng lực làm khô cứng những bài thơ thấm đẫm tình người. Làm sao cha có bài mẫu cho tôi học thuộc? Nhưng không, cha bắt đầu bằng một cái nhìn xa xăm ngoài sân vắng. Tuổi thơ cha theo sợi gió lùa về. Cha nói điều gì, không rõ. Chỉ nghe trong hơi thở cha có lụa vàng của nắng. Có những bình minh rực rỡ ngoài kia. Có những viên bi lăn tròn trong ký ức. Chập chờn cánh bướm, giấc ngủ trưa hè. Cha gửi tuổi thơ vắt vẻo mạn thuyền, ê a trang sách. Trang sách có dấu chân còng gió, dã tràng, có tiếng sóng ầm ào một ngày biển động và một dòng sông trong vắt ngây thơ. Tôi lắc đầu không chịu. Bây giờ sông bẩn lắm cha ơi! Đầy rác rưởi... nghẽn dòng, trôi không được. Cha nói rác rưởi rồi sẽ trôi đi. Cha lại kể về chuyện thằng cháu ông Hai. Ông Hai vác cuốc ra đồng, thấy hang dế mới, ông lấy nón vục nước đổ vào, con dế trồi lên. Mừng quá, ông cho vào túi áo. Gọi thằng cháu khản tiếng, ông mới thấy nó từ đầu xóm chạy về. Ông thọc tay nó vào túi. Nó cầm con dế lia mạnh xuống sân. Rồi mò tiếp túi ông kẹp được tờ giấy hai ngàn, nó vù ra quán chơi game. Ông ngẩn ngơ chống cuốc nhìn theo... Bỗng cha vùng dậy nắm tay tôi đi về phía bờ sông. Trời chiều, những sợi khói thuyền chài mỏng manh lặng lẽ. Những sợi khói mơ màng thong thả gửi lưng trời những nỗi niềm riêng. Tôi à lên một tiếng, con nhớ rồi cha ơi. “Nhớ gì” - Cha hỏi. “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Thấy khói, con nhớ bếp! Cha cúi xuống, bước chân nặng nề dẫm lên bờ cát ướt như có gì đau đáu trong cha.
Tôi lại phải đến lớp học thêm. Thầy hơn hẳn các vị thần xưa. Thầy không đời nào hẹn lỡ. Kẹp bình đựng chữ vào nách, thầy ầm ầm phóng xe đến lớp sau khi vui vẻ tới bến với bạn bè. Thầy bật nắp, những con chữ mang hình đồng xu bay lượn.
Cũng may trong tôi còn hy vọng và mớ ốc mẹ mới xúc chiều qua.
Minh Long 10/2007
Máu chó
Vút. Oẳng! Rờn rợn tiếng xe máy tốc độ cao. Đêm mênh mông.
Sáng, thằng Lưu lầm bầm trong miệng. Con vợ quét sân vừa chửi. Chửi không ai nghe, chửi cho hả giận. Chửi cho máu bớt dồn lên não, bớt ứ lên mắt, cho nhìn nhau khỏi nghiến răng. Lưu nghĩ, con người đôi khi cũng dã man. Rất dã man. Mà không phải bây giờ từ buổi hồng hoang. Từ hồi nguyên sơ, ngơ ngác đứng nhìn hoàng hôn đỏ ngầu màu máu. Con người ngấu nghiên cắn vào miếng thịt đỏ tươi, cắn vào đam mê và tỉnh táo. Khi thò được một chân vào cánh cửa văn minh, con người đã tỉnh táo hơn. Đã biết cách tân bản năng. Đã phỉnh phờ được chính mình và đồng loại. Rồi đứng hẳn hai chân trên nền văn minh, thỉnh thoảng lại ưa thò một chân về nơi hoang dã. Thình lình và tinh vi, những cú thò làm rách nát cái vốn dĩ muốn được nguyên lành. Thằng Lưu cũng muốn nguyên lành. Nó cắc củm con chó trong nhà. Nhưng đêm khuya có đứa thò vào. Cái thòng lọng siết cổ con chó lôi đi. Tức trào máu họng.
Buổi chiều, Lưu về mặt đỏ phừng, lắc đầu nhìn vợ: “Dò la khắp nơi rồi, không thấy hơi hướm con Mun đâu hết”. Lưu nghĩ Mun đã nhảy lên cái đĩa nghi gút khói, thơm phức, béo ngậy mùi riềng, mùi sả, mùi lá mơ rồi. Người ta nghiêng ngả cụng ly chúc nhau, gắp bỏ cho nhau từng miếng đau khổ của Lưu. Mùi dồi chó theo gió tỏa ra. Theo gió chào hàng đó đây. Mẹ kiếp, thằng nào chả nuốt nước bọt. Lưu cũng nuốt nước bọt. Đủ mọi cách quyến rũ phỉnh dụ nhau. Trần trụi và tinh vi. Nhưng thịt chó vẫn là thịt chó. Thời nào chẳng ăn thịt chó. Chó biến thành dồi, thành chả, thành tái chó, phay chó, còn ngón nghề hơn là tiết canh chó... Vậy thôi. Cũ mèm. Người ta vẫn khoái ăn? Mẹ kiếp thằng “thực bất tri kỳ vị”. Mẹ kiếp thằng xào nấu xỏ xiên. Lưu chửi lộn tùng phèo. Nó chửi hoảng vì mất chó. Nó chửi vì có thằng hoang dã đêm khuya. Nó chửi vì hoang dã chưa chịu chia tay với loài người. Và hình như loài người đôi khi còn nuối tiếc. Tiếc nuối rất bản năng. Lắm kẻ thích nhìn ngó thiên đường bằng con mắt đớn đau của đồng loại, thích theo đóm ăn tàn. Buồn. Thật buồn. Thượng đế chơi khăm, thằng hoang dã lấp ló trong nách áo văn minh. Ừ lắm điều. Và nó chửi nó. Chính nó vừa làm mấy ly. Chính nó bước đi không dứt vì cái mùi cách tân nghiệt ngã. Nó nhai vội vã, cố nhai, cố nuốt. Cố trộn lẫn vào nhau. Trộn đam mê và tỉnh táo. Nó ngờ ngợ mình cũng đang làm một cú thò chân. Đồng lõa với tội lỗi. Nhưng rồi nó lại tỉnh ra. Nó thấy ngon. Ngon thiệt. Một ngụm rượu nữa. Mùi sả thơm lên tận óc. Thần kinh giãn ra. Cơn giận chùng xuống. Có lý, ăn hút làm người ta dễ chịu. Mọi cái đôi khi trở nên dễ chịu, trước chén rượu và đĩa mồi. Ít nhất cũng mở đầu cho đồng cảm và chia sẻ! Nhưng mà không. Tại sao phải chia sẻ với thằng kẻ trộm? Trời ơi, mẹ kiếp. Vậy thì còn cái thá gì? Không còn thá gì khi vợ Lưu đanh đá chõ mồm ngoài đường. Khi con Mun đang đánh đu với số phận. Cuối cùng nó chẳng biết giận ai? Ai nên giận? Tốt hơn là không nhân danh điều gì. Không khát thèm bông phèng chân lý. Thứ chân lý rẻ tiền. Nhưng nó đau đớn lắm, xót lắm. Đêm nằm nghe chó hàng xóm sủa, giật mình ngồi dậy. Nó ngây ngây trong đầu. Nó nhớ con Mun hồi mới đem về tròn như hột mít. Mắt đen láy ngây thơ. Chỉ biết ăn và ị bậy. Vợ Lưu vừa giải quyết hậu quả vừa cằn nhằn. Còn Lưu ôm Mun nựng như một đứa trẻ. Động vật được thuần dưỡng thường đánh mất tính đa nghi. Dễ tin vào hành vi thân thiện. Kể cả những cái thân thiện chết người. Những cái thân thiện trở tay không kịp! Nhưng Lưu đã thân thiện chân thành. Không mưu toan ve vuốt. Mun tin Lưu, tin người, bằng niềm tin thuần khiết, không phản trắc. Mà cuộc đời thì trái khoáy. Đôi khi sự phản trắc đến từ phía vuốt ve. Cũng may, Lưu còn chút đa nghi. Bây giờ chỗ con Mun thường nằm đã lạnh. Nhưng trong đầu Lưu vẫn nóng, cảm giác Mun quanh quẩn đâu đây. Tiếng xe máy giữa khuya vun vút. Tiếng xe lao vào đêm sắc nhọn. Gầm rú điên cuồng. Lũ chó hốt hoảng sủa toáng lên. Loài động vật trung thành phản ứng ngây thơ bản năng. Ban ngày chúng lim dim ngủ, con đường xe cộ lại qua. Những cuộc gặp gỡ vồn vã của loài người. Nụ cười và tiếng khóc. Niềm vui và nỗi buồn. Người ta bịt mặt, bịt mồm, từ chối mọi nhận diện, xa lạ trong thế giới quen thuộc. Phía sau lớp vải và miếng kính là cái rất thật. Cái thật đáng được tôn vinh, bảo vệ và gìn giữ. Bóng tối bảo vệ hoang dã? Loài chó không quan tâm, gác mõm lên chân, lim dim nhìn đời. Và đời cứ trôi đi trên bề mặt tĩnh lặng dửng dưng.
Hai đêm không ngủ. Đêm thứ ba về sáng, Lưu bật dậy. Một tiếng động lớn. Tiếng động từ phía ngoài đường. Tiếng động đột ngột cắt đứt một đoạn âm thanh xe máy. “Rầm”. Khô và lạnh. Tiếng chó sủa vang.
Trời sáng, Lưu đến. Hai vũng máu. Một con chó gầy nhom thoi thóp. Sao lại là con Mun? Trời ơi con Mun đã thoát lưới tìm về? Mầy chịu đói bao nhiêu ngày? Chiến đấu với bao nhiêu đồng loại trước khi lết về đây? Còn mấy sải tay nữa thôi. Còn mấy sải là đến được bến bờ bình yên. Mày đã băng qua đột ngộ khi nhận ra thứ âm thanh rờn rợn đó. Lưu đứng lặng rất lâu nhìn xuống hai vũng máu. Hai vũng máu cùng màu đỏ sậm không thể phân biệt được.
Thoại Văn
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...