Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Đàn bướm quanh chân ngựa

Đàn bướm quanh chân ngựa

Khi ấy, người ta mở tung các cánh cửa rồi ùa ra đường. Khói lựu đạn cay mù mịt, và đợi một lúc lâu mùi khói mới loãng tan. Không khí trong quán nước trở nên xa lạ, nhưng tôi vẫn ngồi yên chỗ, không muốn bỏ đi. Từ trong quầy bước ra, bà Hạnh  Chi cùng hai cô tiếp bàn lần lượt đi qua những chiếc bàn trống còn để lại ly tách, phiếu tính tiền, và khách đã chuồn gần hết. Tiếng hai cô tiếp bàn cứ đều một giọng càm ràm, bực bội, nhưng bà Hạnh Chi vẫn yên lặng không nói gì cà. Ngang qua chỗ tôi, trong một thoáng thấy tôi chú ý nhìn, bà chợt dừng lại, có vẻ lưỡng lự, rồi hỏi:
- Có ai ngồi nữa không?
- Họ đi hết rồi bà.
- Có chuyện là họ bỏ đi hết, lần nào cũng vậy cả.
- Bà cần..
- Cứ ngồi đi.
Hai cánh tay thiếu phụ trông xanh hẳn. Hình như bà Hạnh Chi cũng có chút bối rối khi vừa nói chuyện với tôi một đôi câu. Nơi quán nước này sáu năm rồi tôi đã quen cái bóng dáng mảnh mai, đôi mắt rất buồn của nàng, nhưng sáng hôm nay là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nàng bước đến gần, và nghe rõ một giọng nói miền Nam của nàng.
Sài Gòn, thành phố của mùa mưa. Thùy vào chơi đã được nửa tháng, ngày mai nàng trở ra Huế. Buổi chiều chủ nhật, tôi, Thùy và Quảng cùng hẹn gặp nhau ở quán Cái Chùa. Không thấy bà Hạnh Chi đến. Hình ảnh chiếc áo đầm màu đỏ mận đã vẽ lại khuôn mặt của bà trong trí nhớ tôi, và tôi cũng nói cho Thùy biết về bà như kể rành mạch những chi tiết, từng bối cảnh trong một cuốn tiểu thuyết. Ngày mai, Thùy và Quảng sẽ cùng đi một chuyến bay, đến Pleiku Quảng xuống trở lại đơn vị, còn Thùy ra Huế. Về phần mình, tôi bắt đầu nghỉ làm việc ở sở vì đã nhận được giấy báo nhập ngũ.
Mới đó, một tuần lễ qua mau. Thành phố đã vắng Thùy. Tôi cũng vừa mới nhận được thư của em gái báo tin mẹ tôi đau. Và, ngoài miền Trung đang có bão. Những ngày còn lại với sự đợi chờ trở nên trống rỗng, tôi cảm thấy mơ hồ bất định về tương lai của mình. Tôi nghĩ đến ngày vào quân trường với bộ quần áo lính, nghĩ đến chiến tranh không chỉ ngoài mặt trận mà cũng đang diễn ra trong thành phố. Từ sau biến cố cuộc đảo chánh 1963, không khí ở toàn các thành phố miền Nam trở nên xáo trộn, sôi sục, và luôn gây náo loạn bởi những cuộc biểu tình, xuống đường của sinh viên, học sinh và các đoàn thể đảng phái cũng như tôn giáo.
Khi đến nhà Bưu điện bỏ thư, tình cờ tôi gặp nàng. Bà Hạnh Chi chi dừng bước nhìn tôi mỉm cười.
- Buổi chiều, bà mới ghé quán?
- Không, chiều nay tôi bận không đến được.
- Hôm qua tôi nhận được thư nhà. Sáng nay phải gởi thư liền kẻo mẹ tôi trông.
- À,  anh gởi thư cho người mẹ.
- Vâng.
Bà bước đi, tôi theo hết sức nhẹ nhàng. Bà đang nghĩ gì, tôi không thể biết. Khi ra đến ngoài mái hiên, thấy trời đang mưa chúng tôi dừng lại.
- Ngoài quê tôi đang có bão.
Nàng mỉm cười như đang sống trong dĩ vãng qua đôi mắt đen lánh ngước lên nhìn bầu trời đang bao phủ vòm mái ngói khu nhà thờ.
- Quê anh ở đâu?, nàng hỏi tôi.
- Ở vùng biển, gần giới tuyến.
- Anh sống ở đây một mình.
- Vâng. Ngày trước cô giáo dạy tôi học có khuôn mặt hiền dịu như bà.
- Anh để ý đến tôi nhiều quá.
- Xin lỗi bà. Bởi vì, đó là thời thơ ấu của tôi muốn nhắc lại.
- Không sao,  tôi hiểu mà. Mưa đã tạnh rồi, chỗ xe tôi đậu đằng kia.
Tôi hơi ngập ngừng, lùi bước lại một chút thôi, rồi yên lặng theo chân bên nàng. Nàng không mặc áo trắng, bầu trời mới loang loáng ánh nắng trong màu xám sau cơn mưa. Có hai chiếc xe taxi ngược chiều chạy hướng vòng quanh khu nhà thờ.
- Bà có phiền muộn một điều gì đó, phải không?, tôi hỏi.
- Sao, nàng mỉm cười, rồi bỗng nói: Anh giàu tưởng tượng quá.
- Tôi vẫn thấy lúc nào bà cũng có vẻ như đang buồn phiền, một nỗi buồn hết sức trang trọng, và còn đẹp nữa trong đôi mắt.
- Anh còn trẻ quá, nàng nói.
Tôi lên tiếng:
- Nhưng thấy bà có tâm hồn bao dung của một người mẹ, không thể bị xúc động hay mừng vui được sao?
Nàng mỉm cười rất trẻ thơ, lúc ấy, hai người đến chỗ đậu xe. Vừa quay sang, vẻ mặt hơi nghiêm trang nhưng lộ ra nụ cười, nàng nhìn tôi hỏi:
- Cậu đã bằng lòng chưa?
- Vâng, cám ơn bà.
- Không gặp lại nữa nhé.
- Tại sao vậy hở bà.
- Tôi có quyền đuổi cậu được không?
- Được chứ, tùy bà. Nhưng cần phải nói hết.
Với một nụ cười, nàng hỏi:
- Cậu muốn nói điều gì nữa.
- Tôi muốn bà đẹp thật lâu, và đừng bao giờ để cho phôi pha.
Nàng nhìn lại tôi, một giọng nói nghe mơ hồ.
- Tôi cũng có nỗi buồn vì chuyện riêng.
- Không, bà hãy đừng để cho tôi quên đi đôi mắt của bà.
Hai người bên nhau, yên lặng. Những hạt mưa nhỏ trên nền trời rớt xuống. Nàng đứng đó như một pho tượng.
- Em đã nói với chị những lời quá can đảm.
Nàng bảo tôi:
- Cậu đừng buồn nhé. Vài hôm nữa, tôi đi xa.
- Bà đi đâu.
- Đừng hỏi.
Tôi nói với nàng:
- Ngày mai, có nên trở lại quán để gặp nhau không?
- Không nên. Lên xe đi, tôi đưa về nhà.
Ninh Giang là tên thiếu nữ. Và nơi đây, một quân trường có những sinh hoạt hàng ngày ồn ào, nhộn vui như một thị trấn. Trên mấy con đường chính, đường nào cũng có quán ăn, quán giải khát, câu lạc bộ, và cũng có nữa một rạp hát nằm bên khu chợ gia binh. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ suốt trên những hàng cây ven theo các giao thông hào. Mùa mưa, nhiều con đường bị ngập nước, trong hình ảnh buổi chiều muộn màng từ trên các vọng gác trông ra phía cánh rừng không thể trông thấy vì sương mù phủ kín hết. Có nhiều khóa học đang thụ huấn, hiện giờ một khóa sắp sửa ra trường đang đi chiến dịch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Chừng hai tuần nữa, họ trở về và sẽ có năm ngày tập dượt để làm lễ mãn khóa.
Tôi vừa mới nhận được thư của Mai. Cô ấy là em họ của tôi. Cách đây hai năm tôi về thăm nhà, được quen với Thùy bạn của Mai. Vào buổi chiều ấy, Thùy dành cho tôi hình ảnh một thiếu nữ áo trắng với tất cả vẻ dịu dàng hòa hợp với những nét trang nghiêm. Chúng tôi ngồi ở quán cà phê trông ra bờ sông. Nơi thành phố này, mỗi dòng sông, mỗi cây cầu là một phần riêng biệt của dĩ vãng. Tôi mến Thùy, yêu thích mái tóc nàng, bâng khuâng lúc nghe giọng nói ngập ngừng của nàng, và rồi, tên nàng sẽ làm tôi nhớ nôn nao khi đã tới ngày ra đi.
Người xưa về đâu từ khi lá úa,
Biết nhau chiều đó, trở về đường cũ rồi biệt ly không ngờ
Khi chia tay, Mai về nhà một mình để lại riêng Thùy và tôi. Huế, thành phố nhỏ, xinh đẹp, thật dễ thương với mối tình áo trắng, với chút kỷ niệm của màu lá úa trong hẹn hò, và nắng vàng là một nỗi nhớ nhung thật mong manh như thể chờ mong ai đó gởi cho mình một lá thư. Bên tôi, áo trắng của Thùy nhẹ như làm gió, những lời cô gái nói mà tưởng nghe trong sự yên lặng những chiếc lá rụng gây nên những cảm giác buồn và đẹp hơn bao giờ cả. Từ phía con sông, gió đang tỏa rộng những cánh buồm. Tôi trông thấy những mái nhà xuôi theo con dốc đổ về hướng cây cầu.
- Em không có gì để nói với anh nữa hết.
- Vậy thì sau này anh sẽ không nhớ nữa, hay chăng cũng không còn  biết nữa ngày anh trở về thành phố này.
- Em không nói gì cả. Gặp anh, em hiểu rồi. Anh đi xa, nhưng luôn nhớ trở về thăm nhà.
- Có em, anh rất muốn trở về.
Tôi đi bên cạnh Thùy cùng về đến nhà ga. Qua một lối cửa bỏ trống, và cách mái hiên chừng mười mét, có một con đường nhỏ men theo bụi cây đến bãi đất trống. Ở bên kia, gần phía bờ sông, có một con đường nữa. Nhà Thùy ở đó, bạn dễ trông thấy hồ nước và cây khế. Khi thấy tôi ngần ngại không bước đi thêm, Thùy mỉm cười hỏi:
- Anh không về nhà em.
- Anh đứng lại một mình.
Thùy đưa bàn tay nàng cho tôi nắm. Tôi nói:
- Anh rất nhớ em.
- Em biết. Và, em sẽ nói với Mai viết thư cho anh.
Trong lá thư vừa mới nhận được sáng nay, Mai cho tôi hay là Thùy đã có người yêu, thuở ấy mới lên mười đến hôm nay. Năm ngoái, hai người đã đính hôn. Lần đầu tiên, cô em viết cho tôi lá thư với rất nhiều ý nghĩa. Mai là bạn thân của Thùy, và Thùy có nói với Mai không bao giờ nàng quên tôi.
Sau bữa ăn chiều về đến trại chúng tôi lập tức mang ba lô, súng đạn đi ra tuyến gác. Đại đội tôi trải dọc theo tuyến D. Khi cắt phiên gác xong, một đám chúng tôi tan hàng kéo nhau qua khu sinh hoạt hay đến quán ăn, quán giải khát ở khu gia binh.
Nhớ rồi, một buổi tối ấy về khuya, tôi vào quán Ninh Giang. Cô gái mặc chiếc áo nâu ngắn tay, đang ngồi học dưới ánh đèn chiếu sáng lên chiếc bàn nhỏ. Khi thấy có khách, cô vội vàng đứng lên.
- Anh uống cà phê được không?
- Dạ, anh đợi em đun nước.
Bên trong quán bày biện ngăn nắp. Ở phía trước là mái hiên mở rộng, giờ này đã khuya, vắng khách nên bàn ghế trống rất nhiều. Ánh đèn néon tỏa sáng rất dịu, nơi bàn tôi ngồi trông ra cửa sổ thấy một con đường chạy dọc theo bờ đất cao và trông thấy cả chòi canh có người đứng gác.
- Em đang học ở đâu?
- Dạ, trường Trưng Vương.
Người con gái nhìn ngọn lửa đang cháy, chờ nước sôi reo. Nàng sống ở đây cũng đã lâu, vậy mà đây là buổi tối đầu tiên tình cờ tôi được gặp. Và, nàng có khuôn mặt xinh đẹp lạ lùng. Và, nàng cũng giống lắm, rất là giống người thiếu phụ mà tôi luôn nhớ nghĩ đến. Ngày hôm đó chia tay, bà Hạnh Chi nói cho tôi biết là bà đi sang Pháp, vậy nên lúc này, một khuôn mặt trẻ trung của cô gái khiến tôi hình dung về bà bạn thời xa xưa, đẹp lắm. Trong quán, trên bức tường có treo tranh. Một thiếu nữ mặc chiếc áo pull lam đứng trên mỏm đá nhìn ra biển, đó là nữ tài tử Claudia Cardinale.
- Em ở đây lâu chưa?
- Dạ ba năm rồi.
Cô gái mang cà phê ra, hộp diêm để lên gói thuốc lá. Tôi hỏi:
- Em đến năm thi chưa?
- Dạ chưa?
- Em uống cái gì đi.
- Dạ thôi, em không uống được cà phê.
- Nói chuyện với anh một chút nghe. Một giờ nữa, anh thay phiên gác.
- Dạ.
Cô gái kéo nhẹ chiếc ghế. Cô im lặng nhìn tôi cầm cái thìa nhỏ khuấy đường. Tôi bật que diêm, trong ánh lửa cháy tự nhiên tôi nghĩ đến em gái tôi. Mẹ và em gái lúc nào cũng ở xa tôi cả. Buổi sáng, đôi khi tiết trời có nắng ấm, trong buổi chiều lúc mặt trời lặn có chuyến xe lửa trở về ngừng lại ở tháp nước nhà ga. Từ đám ruộng trông lên thấy tháp nước, mười năm qua rồi nhà tôi vẫn ở chỗ cũ đó.
- Đã lâu nay, quán em ở đây mà anh không hay biết.
- Tại anh quá vô tình, Ninh Giang cười nói với tôi.
- Không phải đâu. Anh mà biết được thì quen em lâu rồi.
Một giọng thân tình, cô gái nói:
- Ở đây, vắng hơn bên khu sinh hoạt.
Giọng nói, cho thấy Ninh Giang đã trưởng thành.
- Chỉ về đêm khuya thôi. Giờ bình thường anh thấy vẫn đông.
- Vâng.
Cô gái ngồi trong dáng điệu chống hai tay lên cằm. Với dáng cô nhỏ bé, cử chỉ ấy như thể là một câu chuyện nhắc nhở tới ai đó trong ngày xưa.
- Em đi học vào buổi sáng?
- Vâng.
- Về đây, em đi bằng cách nào?
- Buổi sáng, có xe trường đưa xuống Sài Gòn. Hôm nào ít giờ học, em tự đón xe về một mình.
- Buổi trưa, cũng có xe trường đón về.
- Vâng.
- Ít năm nữa thôi, em sẽ lên Đại học.
- Em học tệ lắm.
Ở trên tường cao, chiếc đồng hồ bạc đổ chuông. Tôi tự nhiên cảm thấy mình có chút gần gũi với Ninh Giang. Về đứa em gái tôi, tóc nó cắt ngắn, cặp mắt nâu. Tôi vẫn còn nhớ rất nhiều những kỷ niệm thuở bé của em tôi.
- Anh còn bao lâu nữa mới ra trường.
- Khoảng ba tháng nữa.
- Rồi anh được biệt phái trở lại dạy.
- Không, anh không phải là thầy giáo.
- Như vậy, anh phải đi xa hơn.
- Anh chưa biết nữa, nhưng có lẽ tới các vùng chiến trận.
- Chiến tranh lâu dài quá phải không anh?
- Em gái anh còn ở ngoài quê.
- Bằng tuổi em không?
- Bằng tuổi em đó. Ngoài quê anh là vùng biển, cát trắng, ở đó đẹp nhưng mà hoang sơ lắm.
- Anh xin về ngoài đó, được không?
- Anh thường hay ở xa mẹ và em gái anh. Đến một ngày rời khỏi đây, anh lại xa thêm em nữa.
- Em cũng ở xa như anh.
- Những kỷ niệm của anh, dường như có được trong cặp mắt của em.
Ninh Giang chợt ngước mắt lên nhìn khói thuốc. Cô lại cúi xuống, để một ngón tay thấm nước, kẻ mấy đường gạch vuông lên bàn. Có vẻ như cô trách thầm tôi trong yên lặng, khi những ngày sắp tới tôi rời khỏi đây để lại cô một mình. Giữa một khuôn mặt bao phủ ánh sáng và đức hạnh. tôi nhận ra rằng, có một thứ hạnh phúc buồn phiền khi biết trước tình yêu đến một ngày không còn mùi hương và nhan sắc nữa. Nơi chốn cũ thanh bình. ở quê ngoại tôi bên con sông, bên bến đò, ngày ngày có phiên chợ, những buổi sáng nghe vang vọng tiếng chuông nhà thờ, buổi chiều cây ngô đồng rụng lá, những đứa trẻ cắm đầu thi nhau chạy, và khi chúng mệt cả rồi, trời bắt đầu trở ngược gió bay đi qua những đám ruộng khô cằn, lúc ấy mây trắng về từng lớp nhởn nhơ trên dòng sông, rồi bất chợt, nghe rõ một điệu sáo thổi chuyền nhau, tiếng vi vu của điệu sáo kéo gần lại để nhắc nhở tới những kẻ đã vắng mặt, trong những ngày, ngày xưa.
Thời gian vừa qua, tôi có quen một người bạn tên Văn. Văn đang học nửa chừng, bị gọi động viên. Khi trở nên thân, hai đứa thường kể chuyện riêng của mình cho nhau nghe. Mỗi đứa đều có một chuyện tình dang dở, rất buồn nhưng vẫn đẹp.
Người bạn gái mà Văn kể với tôi tên Bảo, cô ấy đang dạy một trường trung học ở quận Ninh Hòa. Hình dung qua chuyện kể, tôi như được trông thấy bóng dáng nàng xuất hiện nơi một khu rừng có sương ướt vào buổi sớm mai, và nàng là một thứ hương gió, và khi nghe nàng cất lên tiếng gọi, tôi cảm nhận đó là những hơi thở trong đau thương của nàng.
Từ hôm ấy quen biết Ninh Giang, không hề vắng buổi chiều, hoặc tối, đợi thay phiên gác tôi và Văn đều tìm đến quán Ninh Giang. Nhưng nơi tôi, vẫn có một sự thổn thức khi nhớ đến Thùy.
Con sông xưa, thành phố cũ
Nơi thành phố Thùy đang ở, tôi luôn nhớ con đường ngợp mát những phong cảnh nên thơ, hiền dịu sáng trong của bao nhiêu buổi chiều áo trắng. Đã có những khoảnh khắc, áo trắng trong buổi chiều về tận nơi xa xôi cuối một vùng gió của dòng sông. Đã có một lần Thùy kể cho tôi nghe về Quảng đó là một cậu học sinh xứ Quy Nhơn ra Huế trọ học ở nhà nàng. Từ ngày ấy, Thùy yêu thương Quảng và giữ lời hứa với chàng.
Một hôm ngồi trên bao cát ở giao thông hào, tôi và Văn nói chuyện về một cô gái ở xa.
- Nếu tôi về Nha Trang tìm thăm Bảo, cô ta sẽ có một chút xúc động ngạc nhiên, nhưng biết đâu đó là cách biểu lộ sự từ chối.
- Hiểu như bạn thì khó quá, tôi cười.
Văn bỗng nói:
- Không, tôi không nên về Nha Trang.
- Bạn cứ về đi. Ngày đó, tôi sẽ cùng đi với bạn ra Ninh Hòa ghé thăm nàng, rồi ít ngày sau cùng lên đường về Huế.
- Thực không?
- Hoàn toàn, mong bạn tin lời tôi.
Những anh em khóa đàn anh đã về lại trường. Ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm, trút được gánh nặng sau thời gian hai tháng đi chiến dịch. Và, đi xa, ai cũng nhớ quân trường, nhớ không khí ở khu sinh hoạt, nhớ rạp hát, và nhớ những quán hàng về đêm khi trực gác.
Buổi chiều, nắng trong những ngày cuối năm bắt đầu lạnh. Trên con đường ngược gió, tôi và Văn băng qua một đoạn dốc đi lên, và nãy giờ, đều đều một giọng nói của Văn về người bạn gái thầm lặng. Bất chợt, tôi kéo tay Văn, hai người chợt dừng bước. Ninh Giang xuất hiện, cô gái xuống xe đạp, mỉm cười chào, với giọng thân tình tôi hỏi:
- Em đi đâu về đó?
- Không, em ra thăm người bạn ở ngoài này.
Văn chợt hỏi:
- Cô đi, ai trông quán hàng.
- Có mẹ em. Nhưng em đi không lâu, chừng nửa tiếng về thôi.
Tôi và Văn nhìn Ninh Giang mặc áo trắng. Cô gái đeo chuỗi hạt có tượng Đức Mẹ. Tấm lòng cô gái trở nên chân thực, gần gũi, làm tôi nhớ đến Thùy.
Ninh Giang chào chúng tôi lần nữa, rồi lên xe đạp. Tới ngã ba, tôi và Văn rẽ trái con đường đi lên thư viện. Ở đây, thư viện không lớn nhưng có khá nhiều sách nghiên cứu về lịch sử chiến tranh và tiểu thuyết. Có nhiều bạn vào giờ rảnh đến đây đọc sách, hoặc sáng tác, cũng có bạn còn học bài thi chuẩn bị cho năm nay, hoặc năm tới. Và, ai cũng cho rằng, quân trường Thủ Đức có không khí lãng mạn, thật dễ chịu, thoải mái.
Khi hai đứa tôi vào, có một bạn quen gọi Văn. Văn đến với bạn, còn tôi tới kệ báo tìm những tờ báo cũ lấy ra đọc. Và, qua những tin đọc, tôi chú đến nhiều về những mẩu tin sinh hoạt, hàng hoá, chợ búa, cùng các mục linh tinh.
Ngồi trong thư viện cũng khá lâu, tôi đứng lên gọi Văn. Người bạn của Văn đưa cao tay chào tôi, tôi tới gần, và có vẻ như Văn muốn ở lại với người bạn để còn nói chuyện gì đó riêng tư.
- Ở quán Ninh Giang.
Văn gật đầu. Tôi ra ngoài, cảm thấy nhẹ mát hân hoan với gió buổi chiều. Năm đó, chị tôi đi lấy chồng. Chị viết thư nói tôi về, nhưng tôi đã không về được. Tự nhiên, tôi có chút ân hận, bỗng nghĩ đến một căn nhà thân thuộc nơi ấy chị rời bỏ ra đi, và một tấm gương soi, những lúc nhìn lại mình qua tấm gương chị hiểu rằng từ nay chị đã có được đời sống riêng tư. Rồi ít lâu sau, khi mọi chuyện trở nên bình thường, tôi có viết thư cho chị với lời thăm hỏi gia đình, về cuộc sống hiện tại ra sao? Tôi vẫn nghĩ, lúc trưởng thành ai cũng đều mơ ước có một căn nhà, ở đó, không chỉ là nơi nghỉ ngơi, đoàn tụ, mà mình còn mang bổn phận xây dựng nên cuộc sống. Mỗi con người luôn vui khi được nhận lãnh một trách nhiệm, và mỗi căn nhà, tự nó là hạnh phúc lẫn thương đau, dù cho đổ nát hoặc gặp một biến cố xảy ra, tiếng nói về căn nhà vẫn luôn có một giá trị của đức hạnh.
Từ xa, tôi trông thấy bóng một cô gái nghiêng mình xuống bể nước. Thì ra, đó là Ninh Giang. Ninh Giang mặc áo chấm bông hoa tím, nàng không cuộn tóc cứ để thả xuống hai bên vai. Tiếng những con chim bồ câu sột soạt đập cánh bay sà xuống thấp rồi vụt bay lên cao khi trở về chuồng. Cô gái để hai bàn tay ngập kín trong thau nước, bọt gạo trắng sủi lên bong bóng, tiếng chà xát gạo nghe đều đều. Bật chợt ngẩng đầu lên, Ninh Giang thấy tôi đứng gần bên.
- Anh tới rồi.
- Múc nhờ anh gáo nước.
Cô gái đứng lên, hai tay còn dính mấy hạt gạo trắng rịn nước. Tôi lùi xa một chút, lúc đó, bóng dáng Ninh Giang qua mái tóc rủ xuống gần vai tôi, nàng đổ nước.
- Anh rửa mặt luôn đi, nàng nói.
- Em thấy mắt anh nhiều bụi.
- Không, nhưng anh rửa mặt luôn. Đợi em lấy khăn cho.
Nàng trở lại với cái thau nhỏ và chiếc khăn. Tôi nói:
- Cám ơn em gái.
- Không lôi thôi nữa. Cúi đầu xuống em đổ nước.
Nàng dội mạnh lên đầu tôi một gáo nước và cất tiếng cười. Tôi ngúc ngắc mấy cái cho nước văng ra khỏi đầu tóc.
- Em ác quá, Ninh Giang.
Nàng cười không trả lời. Cái thau nước được tráng lại lần nữa rồi đổ đầy nước. Tôi cảm thấy mát lạnh lúc đôi mắt ngây thơ của Ninh Giang đang nhìn xuống. Khi tôi ngước mắt lên, muốn nói ra một điều thì tôi thấy Ninh Giang đứng nghiêng mình, gió thổi tung mái tóc. Chúng tôi nhìn nhau, biết bao nhiêu âu yếm cho tôi thấy được em tôi đã trở nên một thôn nữ quá dịu dàng. Ở đây, cũng thuộc về vùng quê, và cô gái có một vẻ đẹp mộc mạc của tất cả buổi chiều thanh bình. Như vậy đó, chúng tôi bằng lòng thương nhau, không ước ao gì khác nữa. Tự nghĩ, chúng tôi cùng có một gia đình, một mái nhà cũng được có trong một tấm lòng giản dị. Và, Ninh Giang cũng đã nghỉ học, nàng về sống ở làng quê. Nhà ngói đỏ, bậc thềm cao, vườn rộng đằng sân sau có giếng nước, bãi đá, còn sân trước mỗi buổi sáng có những đàn bướm bay lượn quanh vườn. Ninh Giang bây giờ là thôn nữ. Nàng đi ra con sông vào mỗi buổi sáng để giặt giũ. Giữa mùa hoa, lúc có nắng lên bướm vàng bao quanh, hạnh phúc đã cho nàng nhớ lại hết kỷ niệm về thời con gái khi chúng tôi yêu thương nhau.
Rồi, trong một đêm trăng ấy, nàng xoã tóc, cởi áo. Khi xoã hết mái tóc xuống hai vai nàng rất đẹp. Tôi ngắm nàng, hai bàn tay vốc cát trắng từ một vùng biển xanh đưa lên. Nàng ngồi thẳng, lặng yên, và từ hai tay mình tôi đổ cát trắng tuôn xuống ngập ướt hết ngực nàng. Bỗng có tiếng nổ lớn, hình như dưới cánh đồng vọng lên, sau đó, chúng tôi vẫn còn nghe những tiếng gọi bâng quơ của tình mẫu tử.
- Ninh Giang.
- Anh gọi tên em?
- Chiến tranh kéo dài không lâu đâu. Anh vẫn ở gần em.
- Vâng, nhưng anh đừng nói điều anh đang nghĩ.
- Ninh Giang, ở đâu cũng vậy, trong cặp mắt em luôn thấy có ánh nắng của những ngày thanh bình.
- Anh đừng nhìn em lâu nữa.
Hai đêm ngoài bãi tập, trong giấc ngủ chập chờn tôi nằm mơ thấy Thùy. Nàng trở thành một cô bé, mặc chiếc áo tím, đeo vòng kiềng mới nung lửa rực đỏ. Cô bé ở nhà một mình, chơi con búp bê, chẳng nghe tiếng khóc. Hai người anh đi làm than, khu nhà máy nằm bên cạnh hồ nước. Nhiều năm nay đầu tắt mặt tối, đường sá xa xôi hai người anh không về được. Buổi chiều, cô bé lang thang ngoài đường, lúc nào cũng cột chiếc khăn xanh bên cánh tay trái. Đứng chơi trên đường, gió thổi mát, bên kia đồng ruộng mây đang bay và những cánh diều lên cao. Một người đàn bà từ xóm dưới đi lên, con đường trống vắng chạy qua đình làng, ở phía sau có cây ngô đồng và bãi ruộng trồng bắp.
- Bé con, bà cất tiếng.
- Chào bà ạ.
- Mẹ Ninh Giang đâu?
- Mẹ đi chợ phiên bán hoa từ sáng sớm.
- Mẹ cháu đi luôn rồi bé à.
- Không đâu bà, mẹ về.
Người đàn bà đang nghĩ tới người đàn ông. Lâu nay, trong chiến tranh người đàn bà không nhận được tin tức chồng và sang năm, tới mùa hoa Ninh Giang sẽ trẻ lại thêm một tuổi. Ở thị trấn ấy ngày xưa, có chuyến xe lửa vẫn luôn hú còi khi trở lại nhà ga, và nơi tháp nước ánh nắng buổi chiều đã vun đọng.
Bà Hạnh Chi sang Pháp hơn mười năm, nay thấy bà trở lại Việt Nam. Người ta không thể hiểu được những điều bà muốn nói, nhưng cũng có người mách cho tôi hay là bà trở về đây tìm gặp đứa con. Nơi căn nhà cũ của Thùy ở bên kia bãi đất trống nay bỏ hoang, không có người ở. Hai người anh nàng chết vì tai nạn trong một chuyến xe lửa về thăm nhà.
Hôm ấy, bà Hạnh Chi đứng dưới mái hiên nhà thờ. Buổi sáng mưa ướt át, phía bên kia là cánh rừng còn xanh lá. Người khách tới đón bà, cái dáng vẻ vụng về đã khiến bà nghi ngại. Khi người khách nói cho bà biết quá khứ của thành phố này đã tan nát, nhưng bà không muốn tin. Bà chỉ nói, Ninh Giang là con gái tôi. 
Ngày N không dự tính cộng thêm 1. Nhưng giờ H thay đổi, cộng 2, vì phái đoàn quan sát có sự hiện diện của vị Chỉ huy trưởng, ông chưa đến.
Ở phía Tây, trên ngôi tháp đã treo một ngọn cờ. Phòng tuyến hiểm trở nằm sau lưng cánh rừng. Bên con suối, một cánh quân trừ bị đang rải dọc ngoài bìa ngôi làng. Bên phía địch quân, các vị trí phòng thủ được bố trí hết sức chặt chẽ. Súng cối, trung liên, và quân số nhiều hơn ba đại đội.
Những tin tức liên lạc qua máy vẫn thường trực ghi nhận. Hình như trận chiến này được trải rộng trên địa bàn gần ba cây số. Cách đây nửa giờ, lệnh hành quân đã được các đơn vị trưởng cấp Đại đội thuyết trình với đầy đủ phóng đồ và sa bàn. Nắng bắt đầu lên, mỗi lúc mặt trời tỏa rộng. Khi trận chiến xảy ra, bạn sẽ trông thấy khói màu, cờ xí tung bay, những người lính hai bên đều chết với tính cách tự nguyện không có hận thù, thật đẹp và lãng mạn.
Đoàn xe của Bộ Chỉ Huy tiến vào hiện trường. Hai giờ qua, những cánh quân đã bố trí sẵn sàng. Tướng Chỉ huy trưởng đeo hai sao, mặc đồ bốn túi, ông đi giữa, phái đoàn thị sát hai bên, ban thanh tra và cán bộ nhà trường theo sau. Khi lên tới đỉnh đồi, vị Tướng lấy ống nhòm đưa lên nhìn bao quát quang cảnh mặt trận. Ngôi làng phía dưới chân đồi, nằm ở hướng Nam, có chiếc cầu, con suối nhỏ, nơi đó sẽ khởi sự khi có tiếng nổ lớn.
Văn đóng quân ở vị trí phòng thủ. Trung đội bên tôi một nửa quân số nhập chung với Trung đội bạn, dàn thành một đội hình tấn công. Những thông tin qua máy PRC25 đang hoạt động. Người ta chờ đợi giờ H. Một vài chiếc xe nhà binh di chuyển thay đổi vị trí. Có tiếng liên lạc qua máy.
- Hồng Hà, Quang Trung gọi.
- Quang Trung nghe đây.
- Con cái của bạn như thế nào?
- Đông đủ cả.
- Nhắc lại, đám con của bạn chuyển qua số nhà 28.
- Nhận rõ.
Khi cánh quân cuối cùng di chuyển bao quanh ngọn đồi thì giờ H. bắt đầu. Những quả pháo hiệu lệnh nổ lớn, khói màu theo đợt gió bốc lên cao. Khai hỏa, những tiếng súng nổ liên hồi vang dội cả một góc rừng. Những cánh quân tiến lên. Ở các vị trí phòng thủ lúc này, đại liên địch quân bắn ra dữ dội. Một toán xung kích đang bò sát, trườn theo con dốc lên ngọn đồi. Trên phóng đồ hành quân, nằm ở ngôi làng là vị trí súng cối, vắt qua con suối là một đơn vị trừ bị đang nằm chờ. Chúng tôi cũng đã di chuyển ra ra khỏi rừng, đang tiến nhanh để đánh vào vị trí ngôi tháp. Hơn nửa giờ tấn công, hỏa lực của địch quá mạnh phải rút lui. Phái đoàn thị sát trải mỏng để quan sát trận chiến. Tướng Chỉ huy trưởng bước lên bậc thềm cao nhìn xa về hướng đông theo dõi một cánh quân đang dàn trận tiến lên. Tiếng súng lại nổ, ồ ạt nghe những tiếng quân lính hai bên gọi nhau lùa trong gió như đang đến một vụ mùa cùng reo vui gặt hái. Đạn dược bên địch nhiều gấp bội, nhưng quân số chúng tôi ở bên ngoài đông hơn. Bỗng nhiên chiến trường trở lại yên tĩnh. Các xác chết nằm vắt ngang trên thành, rải rác dưới ngọn đồi. Ở trong một trận chiến lớn như thế này, bạn có cảm tưởng là thực sự mình đang chiến đấu. Pháo hiệu nổ trở lại. Cuộc tấn công tiếp tục. Đạn trọng pháo từ phía ngôi làng vọng tới. Những toán quân y đang hối hả khiêng băng ca chạy dưới làn đạn, và tất cả số người bị thương đều được chuyển tới căn lều nằm xa vùng giao tranh. Quang Trung đã tiến lên đầu cầu, qua hệ thống liên lạc họ đã bắt tay được với một đơn vị ở số nhà 28. Và, cánh quân trừ bị từ hướng bắc cũng đã bắt đầu di chuyển.
Từ tầm dốc bám sát theo ngọn đồi, vị trí phòng thủ ở ngôi tháp đạn bắn ra khủng khiếp. Nhưng trong lúc đó, bên trong có ba địch quân ngã gục, và chợt trông thấy Văn từ trên tường cao rớt xuống. Trong ảo giác, tôi gọi tên hắn với cảm giác bàng hoàng, sợ hãi. Người tôi bỗng trì trệ hâm hấp nóng. Cái chết ấy có báo trước điều gì bất hạnh không? Những tiếng súng vẫn nổ, vì trận chiến chưa kết thúc. Người tôi thấm mệt, khát nước, nhưng vẫn cố trườn người tiến lên. Ở những ngọn đồi khác, tất cả làng mạc, con suối bên dưới rừng đều bao trùm khói đạn và ngập nồng mùi thuốc súng. Tôi uống nước cho đỡ khát. Văn nằm đó, bây giờ chợt tỉnh tôi mới nhận ra chỗ nằm chết của hắn có bóng mát êm đềm, và lúc này đây, bạn tôi đang nằm mơ một chuyến đi xa tìm gặp lại người mình yêu.
Người ta sắp kết thúc một cuộc chiến. Không có điếu thuốc hút làm tôi băn khoăn nghĩ về chiến tranh. Ninh Giang vẫn là cái tên của một cô thôn nữ. Vào một năm ấy, sau khi chiến tranh kết thúc khắp mọi nơi đề thanh bình. Người ta cũng sẽ thấy rất nhiều làng mạc bị phá hủy, và biết bao nhiêu người mẹ đi tìm con trên khắp mọi nẻo đường. Và, người đàn bà tôi thấy trong giấc mơ sống một mình ở xóm dưới ấy, bằng cách nào đó đã kể hết rõ mọi câu chuyện. Bé Thùy không biết được người cha mình là ai cả. Ninh Giang chỉ mỉm cười, nhiều năm nay vẫn thầm kín, trang trọng không nói ra một lời nào với cô con gái của mình.  Người chồng đi lính, hết chiến tranh nay được trở về, nguyên vẹn trở về. Ninh Giang nghe tiếng vọng gọi từ xa, nàng mừng rỡ chạy.
- Anh đã trở về.
Người lính biết Ninh Giang là vợ, anh sung sướng nói:
- Hết chiến tranh, anh đã sống sót trở về.
Như vậy, Ninh Giang sẽ không có một ý niệm về thời gian trong tâm tưởng để đưa mình đi tới tuổi già.
Rồi đây, khi được trở về như một người lính hết chiến tranh, tôi sẽ che chở cho nàng. Năm nào mùa hoa cũng có và nở rộ. Thùy cũng đã lớn, rồi cũng đến một ngày đứng trên xác pháo đỏ trước thềm nhà. Trong nỗi ước ao đến một ngày thanh bình, tôi buông súng nhắm mắt, và tôi lại mơ thấy bóng một con ngựa lạc loài trở về giữa một khu rừng, dẫm chân lên những cánh hoa đã rụng, ngơ ngẩn thấy cái bóng Ninh Giang đang mỉm cười nhìn đàn bướm bay quanh. 
27/12/2021
Nguyễn Chí Kham
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...