Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Mai Hương và Lê Phong 2

Mai Hương và Lê Phong 2

Chương 6
Ta còn gặp nhau
Lê Phong không nói gì thêm nữa, lấy mũ ra ngay. Bỗng anh quay vào vặn Téléphone:
- Allo! Thưa bà ở đây báo "Thời Thế" 874. Bà làm ơn cho biết người gọi ba phút trước đây ở số bao nhiêu... Không được ư? Thưa bà, bà làm ơn cho tôi, cần lắm... Không phải là abonné? Người ấy gọi ở phòng điện thoại công? Này tôi có thể biết ở nhà dây thép nào không?... Vâng. Cảm ơn bà...
Lê Phong đặt máy nói xuống lẩm bẩm:
- Lý Tuyết Loan, vị hôn thê của bác sĩ Đoàn, sáng mai sẽ bị giết trong giờ giảng học. Ồ, có thể như thế được chăng?
-Mà chính hung thủ, hay là chính một người trong bọn hung thủ vụ ám sát bác sĩ Đoàn báo cho tồi biết trước.
Chợt nghĩ ra một ý, Lê Phong mở cửa, xuống nhà dưới, qua phòng trị sự, qua cổng nhà báo, rẽ về phía tay trái vào nhà bưu điện phụ ở gần đó, lễ phép hỏi người thư ký:
-Thưa ông, ông có nhớ chừng năm phút trước đây có ai vào đánh téléphone không ?
Người thư ký nhà bưu điện có vẻ lưỡng lự.
Lê Phong chắc họ muốn giữ bí mật nhà nghề, nên vội tươi cười nói:
- Xin ông cứ yên tâm, vì người đó chính là người nhà tôi.Một người đàn ông, cụt một tay... Tôi chắc ông còn nhớ rõ... vì mới đây chừng năm phút...
Người kia đáp:
-Có .Cách đây năm phút, có người vào gọi điện thoại,nhưng không phải là người ông nói.
- Vậy là ai được...?
- Một người đàn bà, một cô thiếu nữ thì đúng hơn.
-Một người thiếu nữ
-Phải.
-Đẹp?
-Đẹp lắm.
- Mang ví đầm màu xanh phớt?
-Phải
Lê Phong sẽ kêu lên một tiếng:
-Trời! Lại người thiếu nữ kỳ quái?
Rồi không kịp cảm ơn, Lê Phong quay ra chạy về nhà báo gọi Văn Bình:
-Anh Bình, anh cho thêm một tin sau cùng nữa về vụ án mạng trường Cao đẳng; "Hung thủ còn giết người. Tính mệnh của vị hôn thê bác sĩ Đoàn, bọn sát nhân đã định trước. Bản báo phóng viên đang điều tra..." Đại ý là thế, anh viết dộ 10 dòng, đặt ở trang hai, dưới bài tường thuật...
- Được.Còn gì nữa không?
- Còn anh phải có mặt tuôn ở đây để đợi tín của tôi. Anh sẽ giữ các báo hàng ngày ra hôm nay để xem đối với vụ này họ nói thế nào. Nghĩa là anh phải để tâm theo đuổi việc này trong lúc tới theo đuổi bọn hung thủ. Bây giừ tôi hãy đến phỏng vấn cô Tuyết Loan đã. Nhà cô ta ở đâu nhỉ?
-Ở đường Huế, số nhà 99 hay 97 gì đó.. .
Lê Phong liền ghi số nhà rồi lấy xe hơi của nhà báo đi liền.
Ngồi trên xe, anh tự nghĩ:
-Bây giờ mới có ba giờ chiều, mình còn cả một buổi chiều nay, mà nếu cần, thì còn cả một đêm nay để tìm và để ngăn ngừa công việc của hung thủ.. Phải, chúng hành động thực là khôn khéo, cái án mạng ở trường Cao đẳng chúng tính toán giỏi đến nỗi ta trông thấy cái chết, ta biết trước cái chết của bác sĩ Đoàn mà không làm gì được. Chúng tin mưu cơ của chúng một cách vững vàng đến nỗi dám báo trước công việc với ta.Sáng ngày một bức thư, vừa rồi gọi téléphone, hai lần báo tin hai việc giết người. "Báo trước nghĩa là biết, rằng không có cách gì cản trở việc hành động bí mật của chúng. Nhưng cũng để thách ta, để đe dọa ta đừng có tra xét đến, mà để dọa ta cũng tức là để ý đến ta, tức là sợ ta, một ông T. Phụng, một nhà thám tử kể cũng không thiếu tài, với cả sở Liêm phóng ở nước này,chúng không coi vào đâu, nhưng chúng sợ ta - việc điều tra của
Lê Phong có thể hại cho chúng được".
Lê Phong ra vẻ tự đắc và vui hưởng lấy cái sung sướng của một người biết mình có tài. Rồi anh lại nghĩ:
"Những chữ "tài" với chữ "tai" quá gần nhau thực... Ta chưa biết rồi đây ta sẽ gặp những tai nạn gì? Lời đe dọa của bọn kia không phải là một câu chuyện đùa. Cái chết của bác sĩ Đoàn đã cho ta thấy rõ. Một cái chết phi thường ghê gớm, tối kỳ bí mật. Lại có vẻ thần quái nữa. Hung thủ quanh quất đâu đây,hung thủ không dùng đến những khí giới thường có. Hung thủ không ra mặt. Thế mà giết người được, giết một cách chắc chắn, nhanh nhẹn biết chừng nào? Đến mai là một người sẽ bị giết mà cũng theo một phương pháp thần bí ấy, biết đâu ngườI bị giết thứ ba chẳng là ta? Bởi vì xem ra ta cũng hơi chướng ngại cho bước đi của chúng".Ồ ! Hay lắm, kịch liệt lắm. Cả một thiên tiểu thuyết mạo hiểm mà trong đó ta là vai anh hùng trừ gian !.
Lê Phong mỉm cười:
"Hay là gian trừ cũng không biết chừng. Nhưng không hề gì cuộc chiến đấu càng gay go càng thú. Chỉ phiền việc này bí mật quá, nên trong có một khoảng mấy giờ đồng hồ đã xảy ra biết bao nhiêu điều rắc rối khiến cho trí ta không kịp suy tưởng... Từ sáng đến giờ ta chỉ như một vật thụ động, ta làm việc theo trí phán đoán thì ít, phần nhiều chỉ theo những trường hợp xảy ra, mà trong bao nhiêu việc xảy ra, lúc Đoàn bị giết lúc khám tử thi, lúc đi theo vết xe ô- tô, lúc nghe máy nói ở "Thời Thế", bao giờ cũng thấy bóng người thiếu nữ, nhận thấy những cử chỉ, những hành vi kỳ dị... mà chỉ thấy riêng có một mình cô ta trong cả một vụ rắc rối này thôi..."
Trong thâm tâm người thiếu niên thấy nảy ra những ý tưởng rất khác thường. Anh không chịu tin rằng một nhan sắc vui vẻ đến thế lại có thể chủ động những tội ác ghê gớm đến thế. Vậy mà bao nhiêu điều anh trông thấy đều rành mạch tố cáo với anh rằng cô ta là thủ phạm, không thì ít ra cũng là một người trong bọn thủ phạm.
"Mà vì đâu họ giết người, vì cớ gì họ giết người một cách gần như công nhiên? Ta biết được "cái duyên cớ chủ động đó thì việc tra xét ta mới dễ dàng, nhưng hiện giờ ta chưa thể thấy rõ một manh mối nào hết".
Nghĩ đến Lý Tuyết Loan, Lê Phong se sẽ gật đầu:
- Bọn hung thủ định giết vị hôn thê của bác sĩ Đoàn, sau khi đã giết ông ta hẳn có một mục đích quan trọng. Điều đó cho ta biết rằng án mạng này không phải vì chuyện tình. NgườI ta vì ghen hoặc vì muốn chiếm đoạt người tình, thường chỉ trừ đi một, đôi bạn yêu nhau. Đây thì cả hai người cùng là tội nhân của quân gian ác. Vậy thì thù ư? Ta liệu hỏi Lý Tuyết Loan sẽ biết.
Xe đến đường Huế, đỗ trước một cửa hàng nhỏ, quá chợ Hôm, Lê Phong xuống đi bộ chừng một trăm thước, vừa để tìm nhà, vừa để xem xét. Lúc đến nhà số 99, anh đứng lại giả vờ lấy thuốc lá hút để đưa mắt nhìn lại đằng sau. Anh có ý xem có kẻ nào đi theo anh, hoặc đứng rình đâu đó không. Lúc biết chắc không có gì khả nghi, anh mới bấm chuông đứng đợi. Anh hỏI người đầy tớ ra mở cổng.
-Nhà cô Tuyết Loan đây phải không?
-Vâng. Nhưng cô tôi đi vắng.
Lê Phong ra vẻ bất mãn:
- Đi vắng Vừa đi hay đi đã lâu?
-Cô tôi vừa đi được chừng mười phút thôi... Đâu như trên sở mật thám người ta gọi.
- Anh chắc chứ. Mà này, anh có biết sở mật thám gọi về việc gì không?
Thấy vẻ săn đón của Lê Phong, người đầy tớ nhìn anh ta hơi ngạc nhiên và đáp:
-Tôi không được biết. Cô tôi chốc nữa về, ông lại chơi...
Nói rồi hắn đi trở vào. Lê Phong vội gọi:
-Này... Đan !Thế nào?
Người đầy tớ bỗng quay ngoắt lại, kinh ngạc vô cùng,nhưng Lê Phong vẫn bình tĩnh nhắc lại:
-Đan? Thế nào? Đến mai đấy chứ ?
Rồi không để người đầy tớ có thì giờ đáp, anh hỏi luôn:
- Bây giờ những ai có nhà?
- Nhưng...
- Thực! Ai có nhà bây giờ. Việc cần kíp lắm. Cô Loan đi vắng lúc này thật là may.
Người đầy tớ bỗng bỏ hẳn vẻ ngờ nghệch, đôi mắt sắc của hắn liếc nhìn vội vào một cái, rồi vừa mở cổng vừa nói nhỏ:
- Thế ra anh là . . .
- Phải... Nhưng mau lên. Ai ở nhà bây giờ ?
-Thằng em nó. Thằng này thì không đáng lo.
- Sao không cần phải dò kỹ nó mới được.
Tên đầy tớ toan nói nữa, song Lê Phong ra hiệu bảo im, rồi cất mũ chào một người thiếu niên ở trong nhà ló đầu ra. Anh bước vào nói rất nhanh một câu với tên đầy tớ và cố ý nói khẽ cho hắn không hiểu là nói gì.
Lúc hắn khép cổng rồi đi ra sau nhà. Lê Phong mới bảo người thiếu niên:
- Thưa ông, tôi là Lê Phong, muốn thưa chuyện với ông về
một việc rất quan trọng.
-Vâng, mời ông vào.
Lê Phong vào một gian nhà trang hoàng lối mới , lịch sự và ý nhị nhưng anh để ý đến các cửa hơn.
-Ông gọi đầy tớ lấy nước uống đi, nước thường thôi, không cần pha trà.
Người thiếu niên lấy làm lạ, nhưng cũng nghe theo, bấm chuông gọi tên Đan rót nước bưng ra, rồi lại cho nó xuống. Lê Phong không uống, đợi tên đầy tớ ra khỏi, đặt chén xuống khay rồi nhích lại gần hạ thấp tiếng hỏi người thiếu niên:
- Ở đây nói chuyện, bên ngoài có nghe được không?
-Không ?
- Nhưng ta cũng nên nói nhỏ. Trước hết xin ông biết rằng tôi đến điều tra một việc có liên lạc với cô Tuyết Loan. Tôi là phóng viên báo « Thời Thế ».
-Vâng, tôi vẫn biết tiếng ông.
- Càng hay. . . Như thế thì ông tin tôi hơn. Vậy xin nói ngay cho ông rõ: "Cô Tuyết Loan hiện đang bị người ta mưu hại, mà những kẻ âm mưu là thủ phạm trong vụ ám sát bác sĩ Đoàn".
Người thiếu niên giật mình:
- Thế ra anh Đoàn tôi bị ám sát thực ư ?
- Vâng. Nhưng việc này sau hãy nói đến. Hiện giờ cái nguy hại đang ở bên mình cô Tuyết Loan…Cô đến sở Liêm phóng phải không ?
-Vâng.
-Ông chắc chứ!
-Vâng. Vì có giấy gọi. Tôi cũng đọc giấy ấy.
-Nếu vậy, được. Chả tôi sợ giấy đó là một mưu đánh lừa của bọn gian...
Rồi không có liên lạc, anh chợt hỏi:
- Tên đầy tớ vừa rỗi mới đến ở phải không ?
- Vâng, mới đến chừng bốn hôm nay. Nó ở thay cho thằng ở trước xin phép nghỉ.
-Nó làm ăn còn vụng lắm, phải không
- Vâng.
-Tên nó là gì?
- Là Hồng.
- Theo trong thẻ thuế thân?
- Không. Theo lời nó nói.
- Sao ông không xem thẻ của nó?
- Nó nói là bỏ quên ở nhà trọ chưa tìm thấy.
Lê Phong chau mày hỏi:
-Nó nói thế mà ông tin được sao? Tên nó không là Hồng mà là Đan, nó ở đây không phải hầu hạ nhà này, nhưng để dò xét ông phải đề phòng cẩn thận mới được.
-Trời .Thế ra ông biết từ trước?
- Không. Tôi vừa biết xong. Lúc tôi bấm chuông, thấy ông gọi thằng Hồng ra mở cổng, mới biết nó chưa quen nghề làm đầy tớ và mới biết nó mới đến ở đây. Hai ống tay nó sắn rất cao để dọn dẹp, khác với thói quen của các đầy tớ thường, cũng vì thế, tôi thấy chữ Trần Xuân Đan, mà lại xưng là Hồng, lại làm đầy tớ của cô Tuyết Loan, vẻ mặt lại không có vẻ gì lương thiện... Bằng ấy cớ đủ làm tôi sinh nghi mới vờ thử làm một người đồng đảng, hỏi qua nó mấy câu, anh chàng mắc mưu ngay tức khắc. Bây giờ ông nghe tôi: "Bác sĩ Đoàn có nhiều việc kín mà bọn gian dò biết. Có lẽ việc kín đó, cô Tuyết Loan là vị hôn thê của bác sĩ cũng biết một phần lớn, nên chúng mới định hại cả cô. Những việc kín đó là những việc gì, ông có thể biết được không?
- Không. Tôi là lưu học sinh ở trường Albert Sarrawt,không mấy khi về nhà, nên cũng không hay gặp chị tôi với anh Đoàn. Vả lại đã là việc riêng của hai người thì...
-Ông Đoàn là vị hôn phu của cô Tuyết Loan từ bao lâu?
-Từ hơn một năm nay? Thưa ông, kể ra thì anh Đoàn là người nghèo. Song thân mất đã lâu, họ hàng cũng không còn ai gần gụi, anh là người rất có chí, lại rất tốt, chúng tôi biết là người có tương lai rực rỡ, nên thầy me tôi vẫn có bụng yêu.Đoàn đến dạy riêng tôi với em gái tôi hỏi ba năm trước đây để lấy tiễn ăn học, nhân thế được thầy me tôi mời ở trọ đây luôn thể .Mãi đến khi anh xin được lương ở trong trường mới thôi. –"Chị Loan tôi với anh Đoàn xem ra rất tương đắc, bởi thế khi chị không thuận người đến hỏi thì thầy me tôi hiểu là chị đã ưng Đoàn. Đoàn một lần có ngỏ ý với thầy me tôi thì hai cụ bằng lòng ngay, nhưng việc hôn nhân anh Đoàn định đến ngày thi xong mới tính đến.
"Đoàn rất hiếu học. Bản luận án anh soạn công phu lắm.Công nghiên cứu trong các sách cổ về y học Tàu đủ khiến cho các giáo sư phải hết lòng ngợi khen. Tôi chú ý đến những sách chữ nho mà Đoàn mua về rất nhiều, và vì chị tôi thường nói đến hơn. Chị Loan tôi cũng biết chữ nho và thường để tâm tìm kiếm những sách mà Đoàn dặn mua giùm... Nhưng tôi tưởng những điều này không có ích cho ông mấy.
Lê Phong lắc đầu:
- Không, không? Trái lại có ích lắm xin ông cứ nói.
Người thiếu niên nói tiếp:
- Đoàn bao giờ thấy một bộ sách cũ cũng tỏ ra quý hóa,trân trọng. Anh thường bảo chị Loan rằng: cứ là sách cổ, những bộ ấy cũng đủ có giá trị lắm rồi, huống chi lại còn giúp cho việc khảo cứu của anh được thiều điều hay nữa. Có bộ anh coi quý hơn vàng ngọc, giữ gìn cẩn thận như người giữ của, mà khi đem ra thì anh có vẻ sung sướng như người được nâng niu những vật quý báu nhất trên đời.
Lê Phong ngắt lời hỏi lại:
-Nhưng ngoài bộ sách, ông Đoàn còn vật gì đáng chú ý nữa không ?
-Không. ông định nói vật gì kia?
-Vàng, ngọc, một thứ đồ cổ, mặt nhằm, thanh đao cổ...Chẳng hạn?
- Không.
-Thế trong đời bác sĩ, ông xem có ai thù oán gì không?
- Theo ý tôi thì Đoàn chỉ có những bạn thân.
-Bạn thân là những ai?
- Một vài người trong trường thuốc.
- Thế còn cô Tuyết Loan?
- Chị tôi cũng chỉ có những chị em bạn cũ ở trường nữ sư phạm. Từ ngày xin học ban Hồng thập tự, chỉ có một, hai cô bạn mới thường qua lại đây.
- Cô Tuyết Loan mai có đi học không?
-Có lẽ không, chị tôi không thiết làm gì nữa. Sáng ngày,khi nghe thấy tin Đoàn chết, tôi tưởng chị đến phát điên mất...Thầy me tôi về ấp vắng với đứa em nhỏ, còn tôi thì không biết an ủi thế nào cho phải. Sự đau đớn tuyệt vọng của chị tôi thật đáng thương.
"Chúng tôi không ngờ đến việc ám sát như tin ông vừa rồi,nhưng giá chị tôi biết thì có lẽ còn khổ hơn thế nữa".
Lê Phong xem đồng hồ rồi bảo thiếu niên:
-Bây giờ tôi phải đi có việc, mà cô Tuyết Loan chắc chưa về được ngay, vậy để lúc khác, để chiều hôm nay, tôi sẽ xin đến hỏI thêm cô Tuyết Loan ít điều cần biết. Bây giờ phải yên lặng, dặn cô Tuyết Loan cũng vậy, và khi thuật đến việc tôi đến phỏng vấn, thì phải khéo giữ đừng cho tên đầy tớ nhà ông nghe thấy hay ngờ vực điều gì. Đối với nó, ông vẫn sai bảo như thường nhưng phải để mắt xem từng cử chỉ của nó, nhất là phải xem có ai hỏi han nó điều gì không, và phải để ý nhận xem người đó là hạng người thế nào, ông nhớ nhé.
-Vâng .Thế ra việc này bí mật thế kia ư ?
-Bí mật và ghê gớm hết sức. Kê thù quỷ quyệt lẩn trong bóng tối mà hành động nhưng chưa chắc đã thoát khỏi tay tôi. . .à, còn điều này tôi muốn dặn ông.. . Hai cụ khi nào về, ông với cô Tuyết Loan cũng đừng đả động gì đến các việc bí mật vội. Các cụ lo sợ không có ích gì... Thôi chào ông...
Có tiếng xe đỗ ngoài vệ đường. Rồi tiếng chuông bấm, nhìn ra qua hàng rào lưa thưa cây lá, Lê Phong thấy bóng một người đàn bà.
- Có lẽ cô Loan đã về.
Người thiếu niên đứng dậy chạy ra xem. Lê Phong cũng đứng dậy theo, thì thấy chàng ta vui vẻ gọi bằng tiếng Pháp:
-Ô kìa! Cô Henriette! Cô đi đâu thế?
Người thiếu nữ ngoài cổng đáp lại cũng bằng tiếng Pháp:
- Anh Phương, anh ở đây à? Tôi đến hỏi cô Tuyết Loan...
- Tuyết Loan là chị tôi. Cô vào chơi.
Lê Phong lúc ấy cũng tới sau lưng người thiếu niên. Anh bỗng kêu lên một tiếng hỏi:
- Ô kìa?
Thì người thiếu nữ cũng vừa nhận được ra anh, vội vàng,quay ra nhảy lên chiếc xe tay bảo chạy ngay tức khắc.
Người thiếu niên ngạc nhiên nhìn Lê Phong thì thấy anh trừng mắt và lăm lăm muốn chạy đuổi theo. Chàng ta vội hỏi:
- Ai đấy?
Lê Phong không đáp, hỏi lại:
- ông quen cô này à?
- Vâng.
- Quen thân?
- Không. Bạn cùng học một trường cô ta, ở ban triết học từ hồi đầu năm, nhưng bây giờ hình như không học nữa.
- Trường Lycée Albert Sarraut?
- Vâng.
- Lưu học sinh?
- Không ở ngoài.
-Con cái nhà ai thế ?
- Tôi không biết, hình như nhà giàu lớn và là con đỡ đầu của một người Sài Gòn vào làng Tây.
- Tên cô là Henriette à?
- Vâng, Henriette Mai Hương... nhưng tại sao định hỏi chị tôi lúc trông thấy ông cô ta lại chạy mất?
Lê Phong không đáp, ngẫm nghĩ nửa phút, bắt tay người thiếu niên rồi ra ngay.
Lê Phong đã trông hút bóng cái xe tay và đã nhận kịp được số xe Amic 846. Anh mắm môi chạy một mạch về phía nhà chớp bóng Majestic. Được chừng ngót trăm thước, thì anh vui mừng nhận thấy người thiếu nữ vẫn chưa rẽ sang phố khác, đang cho xe tiến thằng về phía bờ hồ.
Chương 7
Mặt đối mặt
Lê Phong liền nhảy lên một chiếc xe kéo gần đó giục xe chạy hết sức, mắt vẫn nhìn dán lấy màu áo người thiếu nữ,miệng lẩm bẩm:
- Lần này mà trốn thoát thì một là cô ta có phép lạ, hai là. . .chính mình là một đồ tồi.
Anh định bụng rằng sẽ dùng hết cách để dò biết tung tích người con gái cho bằng được, sẽ đuổi theo cho đến cùng thế giới,sẽ giữ cô ta lại hỏi cho ra các điều khó hiểu mà nếu cần, anh sẽ gọi lính cảnh sát giúp sức nữa cũng nên.
Lúc ấy thì Lê Phong không ngờ nữa, anh đoán chắc, anh tin chắc chắn rằng cô ta chính là chủ động trong vụ ám sát, một người nham hiểm, một tên gian ác, và thấy lòng tức giận căm ghét người thiếu nữ như một kẻ thù.
Hai xe còn cách nhau có chừng ba mươi thước. Dư xa để anh có thể lánh bóng được và đủ gần để anh nhận được các cử chỉ của cô.
Người thiếu nữ hình như không để ý gì đến Lê Phong.Hình như cô ta cũng không biết rằng anh đang đuổi theo, cứ thản nhiên như chẳng ngờ sự gì, không một lần nào Lê Phong thấy cô ta ngoảnh đầu trông lại.
Nhưng Lê Phong chợt giữ ý. Trên kia, người thiếu nữ giở cái ví đầm mở ra trước mặt và đang như chăm chú tô lại cặp môi son. Anh ngồi né sang một bên xe, cố ý cho mấy người trên chiếc xe hơi vừa vượt lên che khuất mình, và lẩm bẩm nói:
-Cái gương. Phải, cái gương ở ví đàn bà thỉnh thoảng cũng dùng vào những việc khác việc trang điểm .
Chiếc xe hơi đi khỏi, nhìn lên vẫn thấy người thiếu nữ chưa đậy ví lại. Lê Phong khó chịu vì biết rằng trong mảnh gương thế nào cô ta cũng soi thấy bóng anh.
-Không cần. Trông thấy ta, nhưng cũng không thoát khỏi tay ta được.
Xe đến trước hiệu "gô đa" thì bị nghẽn lối vì mấy chiếc xe hơi ở Tràng Tiền và ở cuối hàng Khay qua lại liên tiếp.
Dưới này, Lê Phong thúc xe chạy lên. Người thiếu nữ lúc ấy mới có vẻ bối rối.
Cô ngoảnh trông vội lại, bảo hạ xe xuống trả tiền; trông lại lần nữa, rồi nhanh chân bước vào cửa chính hiệu « gôđa ».
Lê Phong không để mất một giây.
Anh theo tới nơi thì vừa kịp thấy người thiếu nữ thoăn thoắt đi đến chỗ bán sách, giấy. Chỗ đó rộng và vắng người, nên Lê Phong không sợ cô ta lẩn mất. Anh quăng tiền trả phu xe,rồi tức khắc chạy vào. ..
Anh sửng sốt và thấy một thứ cảm giác khó chịu lạ lùng vì trái với điều anh tưởng, người thiếu nữ không trốn tránh đang ung dung đứng giở xem một cuốn sách Tây.
Lê Phong ngừng bước lại, chưa biết nên xử trì ra sao, thì thấy người thiếu nữ ngửng lên nhìn. Hai người đứng cách nhau không đầy một thước. Mắt cô ta vẫn đen sáng và vẫn có cái ánh cười cợt như lúc Lê Phong trông thấy lần đầu.
Nửa phút lặng thinh.
Sau cùng người con gái hỏi một cách rất tự nhiên:
- Lại gặp ông?
Làm như hai bên gặp nhau chỉ là vì ngẫu nhiên chứ không phải Lê Phong theo đuổi.
Lê Phong không kịp nghĩ gì hết. Anh gần như quên cả các điều kỳ dị; nghe tiếng nói nhẹ nhàng, trông cái miệng cười tươi,với thấy cả cái dáng kiều lệ đáng yêu của cô ta có một vẻ dịu dàng, âu yếm, quyến luyến lạ thường. Anh bất chợt thấy mình đứng phỗng người ra trước cái nhan sắc kia thì bực mình, đến đổ tội cho hai con mắt người thiếu nữ.
-"Phải (anh nghĩ bụng thế). Hai con mắt sắc đen lánh, sâu xa nầy, còn giấu không biết bao nhiêu điều bí hiểm độc ác. . . Ta chớ tin cái bề ngoài hiền lành".
Nhưng đó là lý sự của trí, còn lòng anh thì có nghĩ thế đâu.Anh lại sắp thấy cử chỉ của mìnlh lúc đó là ngây ngô, là lố bịch,và thấy cần phải hỏi một câu gì mới được, vì anh theo đuổi cũng chỉ cốt để hỏi cô ta kia mà! Lê Phong hỏi rằng:
- Thưa cô . . .
Người thiếu nữ lại nhìn Lê Phong:
- Thưa ông?
Nhưng Lê Phong quả quyết đột ngột, dằn từng tiếng:
- Thưa cô Mai Hương. . .
- Mai Hương Henriette? Vâng, ông muốn dạy điều gì?
Cách ngắt lời của người thiếu nữ tại làm cho anh thêm khó chịu lần nữa.
- Thưa cô, trong vụ án mạng ở trường Cao đẳng - vụ án mạng mà cô đã biết rất rõ - tôi thấy cô là một người rất đáng chú ý, một người có can thiệp mật thiết, một người rất khả nghi... cho nên tôi tưởng cần phải hỏi cô...
-Ông cần phải hỏi tôi? ông nghĩ tôi? Mà tại sao mới được?
Cô ta cười, nói tiếp luôn:
-Tại tôi là một người thiếu nữ có mặt ở trường cũng như ông, cũng như bao nhiêu người, trong lúc xảy ra án mạng?
Lê Phong cau mày:
-Tại thế với lại nhiều cớ khác nữa, vì cô, phải, vì chính cô đã viết cho tôi cái giấy này trước khi xảy ra án mạng... (Lê Phong đưa ra mảnh giây đe dọa nhặt được ở chân thang trường Đại học) và cái giấy thứ hai này lúc cô chạy trốn tôi trên đường Cống Vọng (Lê Phong lại giơ ra cái giấy thứ hai), lại chính cô đánh điện thoại báo cho tôi biết rằng sáng mai sẽ lại có vụ ám sát nữa.
Người thiếu nữ bật cười:
-Hay nhỉ. Thế nghĩa là ông cho tôi là người chủ mưu các việc ám sát? Một tay sát nhân đi nói trước cho người ta biết, đi tố cáo mình với người khác . . . mà người khác ấy lại là nhà trinh thám phóng viên Lê Phong! . . .
Lê Phong không để ý đến vẻ mỉa mai trong câu nói:
- Khi người ta là sát nhân, người ta có đủ mọi sự táo bạo.Nhất là khi người ta giết người (Lê Phong nhìn thẳng vào mặt người con gái), biết giết người một cách quỷ quyệt như bọn hạ thủ bác sĩ Đoàn.
- Vả lại cô báo trước cho tôi cốt để dọa tôi, để làm cho tôi sợ cách hành động của bọn cô, cô sợ báo thù, không dám tìm xét việc này... và (Lê Phong càng nói càng thấy lời nói thao thao không ngắt) và để cho cô yên tâm làm các điều gian ác không dè, không hối hận, thản nhiên, bình tĩnh trước mắt mọi người .
Tiếng Lê Phong nói sẽ, nhưng giọng quả quyết, anh đứng gần lại người thiếu nữ, đôi mắt nghiêm nghị lạnh lùng như muốn thôi miên:
- Nhưng còn có tôi, khi bọn cô làm nhưng việc tải ác ghê gớm ấy. Tôi sẽ khám phá ra sào huyệt bọn gian ác mà nay tôi đã biết những tay trọng yếu, nếu tôi chưa có quyền bắt cả bọn, ít ra tôi cũng có cách làm cho cả bọn cô phải vào vòng pháp luật .Tôi sẽ dò xét, sẽ truy nã, rồi sẽ tố cáo. . . Phải! Tôi có cách! Mà chỉ nay mai thôi, bọn cô sẽ không ẩn mãi được trong bóng tối...
Suốt trong mấy phút Lê Phong nói, người thiếu nữ giương mắt nhìn anh một cách vừa tinh nghịch, hóm hỉnh, vừa ngây thơ như đứa trẻ thấy người lớn làm một trò hay hay.
Sau cùng, cô ta cũng nghiêm sắc mặt nói lại:
- Ông làm như chính tôi là thủ phạm thực, có lẽ ông tìm cách bắt tôi ngay bây giờ cũng nên. Mà như thế chỉ vì ông gặp tôi luôn, vì ông theo đuổi tôi và nhận được mảnh giấy mà ông nhất định bảo là tôi viết... Trong lúc ấy thì những thủ phạm chính thức vẫn không được cái hân hạnh ông để ý đến như tôi. . .mà ông lấy những chứng cớ gì buộc cho tôi là thủ phạm mới được chứ?
Lê Phong thấy nhũng lời ấy nói ra một cách thành thực,bạo dạn và lại có lý nữa, cũng hơi lấy làm khó nghĩ, nhưng anh nhớ lại nhưng cử chỉ lạ lùng của cô ta từ lúc sáng nên thong thả trả lời:
- Có những trường hợp khác thường. Tôi thấy cô ra mặt rồi lại tìm cách lẩn tránh... Tại sao cô lại tránh tôi.
- Tại sao tôi lại tránh ông M à tại sao ông lại tưởng tôi trốn tránh? Khi người ta theo một người đi trước, thì người đi trước nhất định là một kẻ chạy trốn ư? Ồ thế thì những ý nghĩ của ông kể cũng giản tiện thực... mà...
Bỗng nhiên, người thiếu nữ im bặt, đôi mắt lấm lét, cô ta cố sức giấu sự bối rối mà không được, khiến Lê Phong quay lại nhìn, giật mình kinh ngạc. Anh vừa thấy hai người lạ mặt bước vào.
Một người bé nhỏ trạc ba mươi tuổi, mặc quần áo tây màu tím thẫm, đeo kính trắng; cổ quấn cái phu la lụa ngũ sắc, trước ngực, sợi dây đồng hồ vàng đeo lủng lẳng mấy cái vuốt cũng bằng vàng. Người có vẻ giàu sang, nhưng dáng hơi quê kệch. Theo sau hắn ta là một người to lớn, lanh lẹ nhưng hơi khúm núm như một kẻ bề dưới theo một người trên.
Hắn ta mặc quần áo tây màu tro, ngoài khoác cái áo đi mưa và cụt một tay trái.
- Người cụt tay.
Lê Phong se sẽ nói thế, rồi ngoắt quay lại thì thấy người thiếu nữ đã trấn tĩnh. Cô ta toan bước tiến lên, nhưng Lê Phong cản lại, nắm hai tay cô đẩy lùi vào góc căn bán sách là chỗ vắng nhất, đôi mắt ghê gớm nhìn như hai mũi tên cắm vào mắt cô ta, anh nói rất nhanh rất nhỏ nhưng đủ cho cô nghe thấy:
- Dẫu thế nào cô cũng phải đứng đây, phải im, không được nói, không được cử động, không được tìm cách thoát thân.Không thì tôi thề sẽ sai bắt cô ngay tức khắc. Khi Lê Phong đã quả quyết là làm thẳng tay. . . cô cứ đứng yên đấy, nghe không,đứng với tôi... để tôi xem hai đứa kia giở trò gì...
Hai người lạ mặt đi qua căn bán nước hoa, qua chỗ bày các thứ vải màu, rồi đi đến cái chân thang gác cách xa đó, đứng lại  đưa mắt nhìn quanh quất như có ý tìm tòi, Lê Phong dìu người thiếu nữ tránh vào một chỗ khuất, Lúc thấy hai người lên gác,Lê Phong lại nắm rất chặt hai cổ tay người thiếu nữ và dọa:
- CÔôkhông được có một cử chỉ nào khác... nếu không....
Người thiếu nữ nhíu đôi lông mày lại kêu đau, cố cựa ra nhưng không được!
- Ô hay? ông có quyền gì mà...
Cô im ngay. . .
Anh toan nói thêm , bỗng lại thấy hai người lạ mặt trên gác bước nhanh xuống, và đang vội vã bước ra cửa.
Tức khắc anh nhảy xổ ra để đuổi, nhưng bị người thiếu nữ hết sức níu lại, khiến anh lại càng ham đuổi thêm. Anh vung mạnh một cái rồi chạy ra, hai tai còn nghe tiếng con gái gọi to:
-Ông Lê Phong! Đứng lại? ông Lê Phong. Đứng lại! Trời ơi?
Ra đến cửa, anh chỉ còn kịp, trông thấy số chiếc xe ô- tô hòm trên đó có hai người lạ mặt. Xe rẽ về phía sở cảnh sát hàng Trống và chạy rất nhanh.
Lê Phong bực dọc quay vào, thì người thiếu nữ dị kỳ đã không còn đó nữa.
Lê Phong biết không thể tìm thấy người thiếu nữ tinh quái kia được, chỉ đưa mắt nhìn khắp nhà hàng một lượt, rồi bước ra, anh nghĩ thầm:
- Mai Hương, Henriette Mai Hương... con gái Việt Nam vào làng Tây... nhà giàu lớn... người lanh lẹ một cách, xem ra lại là người học rộng nữa. . . ừ thế mà. Anh không có thể hiểu đối với vụ án mạng cô ta có liên lạc thế nào, theo các việc xảy ra thì một là cô chủ mưu việc này, hai là cô là một tay lanh lợi của bọn sát nhân. Một bọn sát nhân hành động rất lặng lẽ, rất chu đáo,rất bí mật, chẳng khác gì một đảng gian ác tổ chức rất khéo ở các nước Âu Tây. Mà cả người thiếu nữ cũng vậy. Cũng lạ lùng,cũng thấy nguy hiểm, cũng có những cử chỉ dị thường của một con nữ tặc bên Mỹ hay bên Anh. Ta có ngờ đâu rằng nước Nam này lại nảy nòi ra những vật quái ác thế.
Anh nghĩ đến người thiếu nữ thoát khỏi tay anh một cách dễ dàng như mấy lần trước thì tự hổ thẹn như một người bị kẻ khác khinh thường, coi mình như một trò cười. Rồi nghĩ đến lúc cô ta trông thấy hai tên lạ mặt ở trong hiệu « gôđa » Lê Phong không thể nén được giận:
-Ồ ! Nó quỷ quyệt đến thế là cùng! Cái vẻ tươi cười thản nhiên lúc đối diện với ta sao mà đóng khéo thế... Tí nữa ta đã tưởng là ta nghĩ lầm, tí nữa ta tin rằng nó chỉ là một người thiếu nữ thích mạo hiểm và để ý đến vụ án mạng cũng như ta . . .ngờ đâu, chính nó, đã đánh tháo cho hai tên kia, lnó toan giữ ta lại lúc ta chực đuổi chúng...
Lê Phong bực tức lắm. Anh ta lại buồn nữa. Bây giờ là lúc anh không được bán tín bán nghi về cái "tội ác" của người con gái, là lúc anh đã chắc chắn biết rằng cô chỉ lâ một nhân vật nguy hiểm, anh thấy ảo não về những cảm tưởng chua cay chưa từng có bao giờ.
Lê Phong gọi một chiếc xe , nhảy lên gieo người xuống nện xe, bảo chạy về phía chợ Hôm. Rồi ngồi bần thần trêln đó, anh lắc đầu thở dài:
-Trời ơi ! Tại sao một người có duyên, một bực nhan sắc đến thế kìa, lại học thức, lại giàu có. . . mà lại đi làm những việc tối tăm đến thế. Giết người? Hay chẳng gì cũng đồng mưu với một bọn giết người. . . Thế nghĩa là tay kia đã dúng vào máu? Đã thành một kẻ đáng khinh bỉ, đáng thù. Tại sao những việc ghê gớm bí mật kia chẳng là những việc dành riêng cho bọn mấy ông đàn ông thô bỉ, độc ác kìa? Hữ? Tại sao?
Lê Phong lấy làm lạ rằng, sao mình lại có nhưng ý tưởng băn khoăn vừa rồi. Mọi lần, anh theo đuổi dò xét một việc gì,anh có cái tâm trạng sáng suốt, bình tĩnh của một nhà khoa học thản nhiên tra cứu . Lần này thì khác, anh thấy lòng bối rốI trí mờ ám, nghị lực cũng như thiếu sốt, anh không kịp phân biệt rõ một manh mối nào của bao nhiêu trường hợp vừa qua.
Lê Phong nhắc đi nhắc lại một trăm lần rằng Mai Hương,người thiếu nữ dị kỳ, là một kẻ nay mai anh sẽ đưa ra trước công lý với bao nhiêu điêu buộc tội ghê gớm, khe khát. Nhưng trong thâm tâm của anh, anh lấy làm khổ sở lắm. Không chắc anh đã có can đảm làm.
Lê Phong sực kinh ngạc mà nghĩ rằng:
- Hay là...
Nhưng anh chưa dám tự thú thực với mình cái điều vữa nghĩ đó. Anh chỉ vội vàng trách anh, giận anh hết lòng hết sức và cho rằng mình vừa có những ý tưởng điên cuồng. Anh xua tay lên gió như ruồng đuổi cái ám ảnh, miệng nói:
- Không! Không! Không thế được. Ta điên hay sao? Không.
Người phu xe đang cắm cổ chạy, bỗng đứng lại ngoảnh đầu ra ý hỏi anh, Lê Phong bật cười:
-Ồ ! Vô lý! Không, cứ kéo?
Rồi lấy thuốc lá hút, Lê Phong thở một hơi rết dài, rất nhanh, rất mạnh, đôi mắt lanh lẹ ngước nhìn trong những ngọn cây lần lượt qua trên đầu anh.
Qua số nhà 99, anh liếc mắt nhìn thoáng một cái, biết cô Lý Tuyết Loan vẫn ở sở mật thám chưa vế, toan đi thẳng, bỗng thấy tên đầy tớ mở cổng chực ra.
Anh nện gót giày ngừng xe lại gọi khẽ:
-Đan!
Tên đầy tớ nhận được anh ra dáng mừng và hỏi Lê Phong:
-Thế nào? Sao lúc nãy anh đi ngay thế
- Yên đã. Ta đứng tránh ra một chỗ nói chuyện tiện hơn.
- Hai người đã qua đây rồi chứ?
- Ba cụt với chủ Du ấy à? Rồi. Tôi thấy họ đi ô- tô đến đây đỗ lại một tí rồi đi ngay. Đi về phía bờ Hồ.
- Thế không dặn gì thêm .
- Không, dặn gì thì họ sai người dặn . Không bao giờ họ bảo thẳng tôi. . . Vả lại. . .
- Được rồi, cô Tuyết Loan vẫn chưa về?
- Chưa. Thế anh cũng chưa gặp "họ"?
"Họ" đây vừa có thể là hai người lạ mặt, vừa có thể là cả một đảng mà hai người đứng đầu. Lê Phong chưa biết tên Đan muốn nói đến ai, nên trả lời một câu không nhất định:
- Chưa gặp vội, thôi tôi đi. Cẩn thận nhé.
Lê Phong muốn hỏi thêm, nhưng sợ tên đầy tớ sinh nghi,nên anh bí mật đưa mắt cho nó một cái, rồi quay gót.
Lúc trở lại chỗ xe hơi của anh đỗ, Lê Phong mỉm cười, xoa tay :
- Trần Xuân Đan tức Hồng, Mai Hương tức người thiếu nữ kỳ dị, Ba cụt tức người cụt tay, chủ Du tức là người lạ mặt thứ hai... Được rồi, cái đầu mối dây của mối bòng bong ta đã gần tìm được thấy.
Chương 8
Cái bóng theo hình
Cái tin nhà thiếu niên y khoa bác sĩ bất thình lình bị chết giữa lễ phát bằng làm cho dư luận khắp thành phố Hà Nội xôn xao lên. Theo các báo hàng ngày ra buổi trưa hôm đó thì bác sĩ Đoàn chết vì ngộ cảm. Một vài tờ báo đoán rộng rằng bác sĩ vì làm việc nhiều quá, ngoài bản luận án, bác sĩ Trần Thế Đoàn lại đang lưu tâm dự bị soạn những sách khảo sát về lịch sử y học cổ ở nước Tàu.
Báo nào cũng đăng, hoặc sơ lược, hoặc kỹ càng, một bài nói về đời riêng của bác sĩ Đoàn sau bài tường thuật cái chết đột nhiên ở trường Cao đẳng: báo nào cũng than tiếc một thiếu niên có tài, có chí, cái hy vọng rực rỡ của nền y học nước Nam.
Trong số đó cũng có tờ báo chịu dò xét, khi nói đến bác sĩ, có đả động đến hai tiếng "ám sát" và đặt một cái nghi vấn trong vụ này. Song bài đó chỉ là một đoạn ngắn, lời lẽ hồ đồ không dám quả quyết. Công chúng vì thế cũng chỉ theo các báo mà sửng sốt và phàn nàn cho số phận người chết, chứ không ai ngờ đến cái án mạng kỳ bí mà Lê Phong ra công điều tra.
Nhưng đến ba giờ chiều thì tình thế khác hẳn.
Ba giờ chiều là lúc báo "Thời Thế" phát hành.
Những đầu đề in rất to: "Bác sĩ Đoàn bị ám sát giữa cuộc phát bằng. - Tin chắc chắn của bản báo phóng viên". "Cuộc phỏng vấn vội vàng: những điều tuyên bố sau cùng của nhà thiếu niên bác sĩ", khiến cho ai đã cầm đến tờ báo cũng phảI kinh ngạc. Đến khi họ đọc những lời xét đoán rất chắc chắn, mà chính tay Lê Phong viết ra, thì ai cũng phải rùng mình, cho là một điều quái gở chưa hề xảy đến bao giờ. Người ta tin là sự thực hiển nhiên ngay, và biết rằng việc này chắc còn nhiều đoạn ly kỳ nữa.Báo "Thời Thế lại được hoan nghênh thêm một bực nữa.
Những giấy đòi thêm báo ở các đại lý trong thành phố và sự hấp tấp của bọn trẻ bán báo, làm cho ban trị sự luôn bận rộn.
Trên tòa soạn, mọi người đều nói đến nhưng tiếng: "Đại thắng,kịch liệt" và dự bị bàn với ban trị sự cho in gấp đôi số báo hôm sau.
Trong lúc đó thì Lê Phong ngồi một mình ở phòng bên,lưng ngả lên chỗ đưa ghế bành, hai chân gác thương lên bàn,mặt ngửa nhìn lên trần, đôi mắt lim dim nhìn khói thuốc lá bay lên từ từ, mặt có vẻ đăm đăm như người đang lắng hết tinh thần để suy nghĩ. Anh ôn lại các việc xảy ra từ phút thứ nhất của câu chuyện án mạng. Từ lúc gặp bác sĩ Đoàn cho đến lúc anh gặp một người thiếu nữ tên là Mai Hương lần cuối cùng.
Bao nhiêu việc bí mật, rắc rối thêm mãi lên và kế tiếp nhau trong hơn nửa ngày? Thực từ xưa đến giờ, anh chưa thấy lúc nào tinh thần anh làm việc dữ dội đến thế, mà kết quả? Kết quả nào có gì đâu? Anh chỉ như người lạc vào một nơi mịt mù không biết phương hướng nào mà đưa bước.
Anh đã tự hỏi không biết đến lần thứ mấy mươi rằng người thiếu nữ kia là người thế nào? Đối với vụ án mạng này, cô ta có hẳn là một kẻ chủ mưu nguy hiểm không, hay chỉ là một kẻ đồng phạm?
Nhưng chủ mưu hay đồng phạm, cô ta cũng là một tay lợI hại và táo tợn, ranh mãnh và ngạo nghễ, một người kỳ quái vừa làm cho anh tức giận vì những cử chỉ bí mật, vừa làm cho anh thầm mến vì cái duyên đằm thắm và vẻ óng ả lệ kiều . . .
"Lúc nào ta cũng gặp cô ta, chỉ gặp cô ta, làm gì cũng thế. . .
Đến đâu cũng thế, cô ta cũng đột nhiên hiện ra như để dò xét hoặc ngăn trở việc của ta làm. . . Thật là một cái bóng theo hình,mà là một cái bóng không thiếu vẻ diễm lệ: nếu cứ thế này mãi, nếu ta cứ phải mất thì giữ mãi về cái bóng lạ lùng ấy thì ta còn tâm trí nào mà theo đuổi bọn gian?"
Lê Phong tuy nghĩ vậy, nhưng trong tâm tưởng vẫn rõ rệt hình ảnh của người thiếu nữ, nhất là vì trước đó không đầy nửa giờ, lúc anh một mình dò xét trong trường Cao đẳng để tìm những dấu vết của hung thủ, anh lại thấy cả dấu vết của Mai Hương.
Lúc đó vào khoảng ba giờ rưỡi chiều. Lê Phong cho xe hơi đỗ ở trước trường Đại học. Cửa chính đóng, anh phải đi lốI cổng, do cửa sau lẻn vào giảng đường. Trong giảng đường vắng ngắt, ánh sáng yếu ớt trên và hai bên cửa kính cao mập mờ soi xuống. Lê Phong đến ngói trên một hàng ghế để tưởng lại cuộc lễ phát bằng.
Đó cũng là một lối làm việc riêng của Lê Phong. Khi nào lý trí không đủ sức suy đoán một việc gì, thì anh gọi đến sức tưởng tượng, đến trực giác, và đến cái tài đặc biệt mà anh gọi là cái "giác quan thứ sáu"của mình.
Câu anh tự hỏi lúc đó là: "Trong một nơi có mấy trăm công chúng, dưới ánh đèn sáng như lúc đang có lễ phát bằng ở đây,hung thủ làm thế nào mà giết được Đoàn?" Rồi anh hết sức nghĩ.
Cái không khí im lặng ở trong giảng đường rất tiện cho việc suy tưởng của Lê Phong.
Không đầy 5 phút đông hồ mà anh đã thấy nảy ra một tia sáng.
Lê Phong đứng dậy đi vào phía trong, đến bên cái ghế mà Trần Thế Đoàn ngồi lúc sáng, anh quỳ xuống đất rồi nhìn chăm chú xuống chân ghế để tìm một vật. Tìm quanh ghế không thấy, anh lại bò ra những chỗ gần đó, đếm từng viên gạch xem từng khe, lại lật cả mép cái thảm giải dưới đất: nghĩa là anh cẩn thận không bỏ qua cặp mắt luận lý một tý gì . Sau cùng, Lê Phong sẽ reo lên một tiếng vui mừng, vì anh đã thấy lấp loáng một vật nhỏ và dài như cái tăm nằm len dưới mép thảm.
Đó là thứ kim tiêm làm theo một kiểu đặc biệt, mũi kim rất nhọn, lòng kim cũng thông, nhưng chân kim không có cái mấu đồng để cắm vào ống thủy tinh như mọi chiếc kim thường.
Lê Phong đứng lên, cẩn trọng cầm lấy giữa mình kim ở hai đầu
ngón tay, ngắm nghía một lúc.
-Đây rồi, ta đoán đúng thực. Đây là khí cụ giết người? Ồ,quả thực chúng nó khôn khéo... Tính được cái mưu thần quái này phi người có học thức, người thông minh lắm, còn không ai nghĩ được ra.
Lê Phong mừng đến nỗi không nghĩ gì đến sự giữ gìn, lấy đèn bấm trong túi ra soi đầu mũi kim và nhận ra đó là thứ kim tiêm có đựng thuốc độc. "Một thứ thuốc độc ta phải phân chất mới biết rõ, nhưng quyết là một thứ thuốc gớm ghê... Thực chẳng còn thứ gươm đao nào, chẳng còn thứ súng đạn nào giết người nhậy hơn được. Sáng nay Đoàn chết, mà cả đến người bên cạnh cũng không ngờ... Cái kim bắn đến một cách bất thình lình thì ai để ý, mà thứ thuốc độc ghê gớm chắc thấm vừa mau vừa êm... nhưng sao Đoàn lại để rơi xuống? Sáng nay người ta chú ý có thấy Đoàn giẫy giụa gì đâu, một sự tình cờ chăng, hay mũi kim chỉ châm vào thịt một chút rồi rơi ngay
xuống.
Mắt Lê Phong soi mói nhìn vòng mấy lượt chung quanh chỗ chân anh đứng, bỗng thấy một mảnh giấy trắng cách đó ba,bốn thước, Lê Phong rùng mình, nghĩ đến mảnh giấy bí mật có những lời đe dọa anh.
Lê Phong vội vàng chạy nhặt lên coi, thì cả hai mặt đều không có chữ, nhưng để ý thì thấy trên mảnh giấy có những nét hằn xuống hình như có vết giày đàn bà! Lê Phong nhận thấy,nóng ran người lên lẩm bẩm nói:
- Mai Hương? Lại Mai Hương rồi? Mai Hương vừa ở trong này chắc cũng tìm như ta? Ồ! Thế thì quái lạ thực. Nếu không phải là một hung thủ tìm cách làm biến tang vật, thì còn là ai. . .Trời ơi! Trời ơi! Sao lại có người cả gan đến thế. Ngay lúc đó có tiếng động ở phía trong. Anh ngoắt quay lại thì thoáng thấy một tà áo hồng lọt vào cái khung cửa nách tối om. Lê Phong như người hóa dại nhảy vào phía đó rẽ qua lối tay phải, chạy qua một đường hẻm rồi ra cửa chính trường Đại học. Nhưng chợt nhớ cửa ấy khóa, anh quay ra sân, rẽ ra cổng. Ngoài cổng người thiếu nữ đang rảo chân bước về một con đường khuất và nhảy lên chiếc xe hơi "Nerva sport".
Lê Phong cho được máy xe mình chạy quanh được một vòng trở lại thì đã không thấy tăm hơi chiếc xe kia đâu.
Bây giờ, ở nhà báo, ngồi nghĩ lại, những việc xảy ra rất nhanh chóng ấy lại hiện đến trong trí Lê Phong rất rõ ràng. Lê Phong chắc hẳn rằng người thiếu nữ lúc nào cũng để mắt đến anh trong khi tìm kiếm trong giảng đường và thế nào cũng biết rằng anh đã lấy cái kim tiêm là thứ tang vật chắc chắn để buộc tội hung thủ.
Lê Phong kéo dài hai chân lại để xuống đất ngồi thẳng dậy rồi lấy phong bì gấp ở trong ví ra, anh mở phong bì lấy cái kim tiêm anh gói cẩn thận trong đó, rồi chăm chú ngắm lại một hồI lâu:
-Tối hôm nay về nhà phân chất thứ thuốc độc vào hạng nào: aconitine, strichine, strophantine hay là nọc rắn... Ta đọc sách còn thấy nói chất onahaine là thứ độc nhất, nguy hiểm nhất mà bọn Phi Châu vẫn dùng để ngâm tên.Lại còn những thứ nhựa cây ở thượng du của giống Mán nữa. Cả một bài dược tính cần phải khảo nghiệm để tìm ra một cái kết quả cỏn con... Bây giờ thì ta xét xem hung thủ dùng cách nào để máy hay bắn cái kim đến người bị giết.
Còn có nhiều cách, một cái súng loại nhỏ chế kiểu riêng mà cái kim này là đạn, một thứ ống "si đồng" rất tinh xảo, một thứ máy kỳ cục mà dễ giấu... hay là... hay là... ồ hay là...
Lê Phong chợt đứng phắt dậy, hai mắt sáng quắc, hai gò má ửng đỏ:
- Phải, hay là một thứ máy ảnh giả! Phải, một thứ máy ảnh? Máy ảnh thì giơ lên lúc nào mà chả được, ở đâu mà chả được? Rồi, tách một cái, lò so bật, cái kim bắn, hung thủ có thì giờ nhắm kỹ kẻ bị giết mà không cần phải giữ ý với ai. . .
Lê Phong nghĩ đến những cái chóp magnésium trong lễ phát bằng, nghĩ đến bọn thợ xoay quanh bác sĩ Đoàn và nghĩ đến cái máy ảnh xinh nhỏ ở trong tay người thiếu nữ kỳ dị.
Những tia sáng ấy vụt đến trong trí Lê Phong cùng một lúc bao nhiêu cử chỉ của Mai Hương cùng hiện ra. .. Mai Hương người thiếu nữ lạ lùng, người thiếu nữ khả nghi, người thiếu nữ giết người!
Lê Phong đập tay xuống bàn:
- Một trăm chứng cớ rành rành ra đấy! Phải, cô em quỷ quyệt đến thế nào cũng không thể chối được. Mà chính ta,chính tay ta sẽ bắt cho bằng được cô em! Bây giờ phải làm việc cho có thứ tự. Ta chưa rõ cái cớ chính của vụ ám sát, nhưng ta sẽ biết . . . vì hiện nay. . .
Chợt nghĩ ra, Lê Phong chạy sang phòng bên hỏi Văn Bình:
- Văn Bình? Anh đã cho người cầm tờ giấy của tôi cho cô Lý Tuyết Loan rồi chứ?
- Rồi.
- Mà anh đã dặn kỹ đừng cho ai biết chứ?
- Kỹ thế nào?
- Không. Nhưng sao bảy giờ cô ta chưa đến?
- Tôi hẹn cô ta bảy giờ đến tôi hỏi có việc cần. Sao anh không đến tận nhà cô Loan?
- Đến rồi nhưng cô ta đi vắng. Đến nữa, sợ họ nghi. Nhà ấy có một thằng nhỏ tôi đã dò biết được thái độ của nó.
Lê Phong kể lại câu chuyện gặp thằng nhỏ ở nhà số 99 đường Huế, rồi tiếp:
- Nhưng chỉ có điều tôi lấy làm lạ rằng sao nó mắc mưu tôi sớm thế. Một tên đồ đảng của tụi giết người cần phải ranh mãnh hơn nhiều.
Bỗng có người bảo Lê Phong:
- Thưa ông có người hỏi ông.
- Ai đấy?
Một người đàn bà.
- Cô Tuyết Loan rồi? Được, mời người ấy lên sang buồng bên.
Rồi Lê Phong dặn Văn Bình:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với Lý Tuyết Loan. Trong khi ấy, ai hỏi anh cũng bảo tôi đi vắng nhé.
Lê Phong đóng cửa ngang lại, ngồi vào bàn giấy, quay lưng ra cửa sổ và quay mặt ra phía cửa vào. Sau mặt kính phủ lần ren, bóng một người đàn bà đứng ngoài như chờ đợi. Lê Phong lấy sẵn bút giấy ghi chép và đặt vào cái phong bì cái kim tiêm bên lọ mực, rồi cất tiếng nói:
-Mời cô vào?
Cửa mở, Lê Phong sửng sốt đứng phắt dậy. Vì người bước vào không phải là Lý Tuyết Loan, mà chính là Mai Hương.
Lê Phong bất giác nắm chặt tay lại, mắt nhìn người thiếu nữ trừng trừng.
Anh không kịp hiểu, kịp đoán xem cô ta sao lại đến đây.
Anh không đời nào lại ngờ rằng cô dám táo tợn đến thế. Anh đứng lặng ra đó, đợi xem cô ta giở những trò gì ra. Nhưng thiếu nữ không có vẻ nhanh nhẹn tinh quái như mọi lần. Cô ta lấm lét nhìn quanh quẩn trong nhà, mặt có sắc lo sợ, cử chỉ bối rối.
Lúc gặp đôi mắt thù hằn của Lê Phong thì cô vội nhìn xuống, se sẽ khép cửa lại, rụt rè tiến lại gần bàn.
Lê Phong chợt xẵng tiếng hỏi:
-Cô Mai Hương?
Thì Mai Hương hơi giật mình ngửng lên:
-Vâng. Tôi . . .
Rồi nói nhanh:
- Thưa ông, ông hẳn không đợi đến việc tôi vào đây...Nhưng xin ông cho tôi nói. Tôi sợ lắm... Hiện giờ tôi đang bị người ta theo đuổi. Những kẻ thù ghê gớm toan hại tôi...
Lê Phong ngắt lời:
- Cô cô lại có kẻ thù!
- Vâng. . . Ông không tin ư ? Nhưng thực thế, vừa rồi qua đây lúc sắp bước vào, tôi thấy bóng mấy người...
Lê Phong lại ngắt lời:
- Nhưng người nào?
- Thưa ông... (người thiếu nữ vừa nói vừa tự tiện ngồi xuống ghế) nói ra thì dài quá, mà lúc này tôi bối rối lo sợ lắm. . . Ông cho phép... Tôi xin kể đầu đuôi ông nghe sau... ông đừng hỏi tôi vội.
Lê Phong nhìn người thiếu nữ từ đầu đến chân, dáng người thanh thanh, nhưng không kém phần rắn rỏi, cô mặc một cái áo màu hồng phớt, kiểu mới, giản dị nhưng trang nhã,cô đeo một cái vòng vàng có đính mấy điểm ngọc xanh. Hai bàn tay trắng và mềm, ngón nhỏ muốt nhè nhẹ đặt lên mép bàn và hơi run lên vì cảm động quá. Khuôn mặt thì cực kỳ thanh tú,tươi tắn, trẻ trung, và có một vẻ mặt cao quý khác thường.
Nước da nhỏ đánh phấn khéo đến nỗi màu đào trên hai gò má.Lê Phong không biết là màu của phấn hay chính màu của da.
Cô ta thường trông xuống luôn. Dưới đôi mày cong, hàng lông mi uốn dài thường chỉ trên đôi mắt trong đen và sắc sảo.
Lê Phong ngắm mãi cái nhan sắc tuyệt vời ấy và kinh ngạc tự bảo mình rằng: con người như thế lại có thể là một người gian ác được ư.
-Thưa ông Lê Phong. . .
Lời nói dịu dàng của Mai Hương làm Lê Phong như sực tỉnh lại.
- Thưa ông Lê Phong. . . có lẽ những việc xảy ra hôm nay mà trong lúc đó ông cũng thấy có tôi, đã làm cho ông tưởng là ngườI kỳ quặc lắm. Nhưng đó vì ông chưa hiểu... sẽ có dịp tôi xin nói rõ cho ông biết mọi điều... Còn bây giờ thì chưa thế được... tôi hiện giờ đương còn có trăm nghìn cái lo, cái sợ, quanh mình toàn thấy những sự kinh khủng, không biết rồi chính tính mệnh tôi có toàn vẹn được. . .
Lê Phong bỗng hỏi một câu đột nhiên:
-Lúc nãy ở trường Cao đẳng, cô cũng lo sợ thế phải không ?
- ông muốn hỏi lúc ông tìm được cái kim tiêm ư?
- Phải, lúc chiều. Mà cô cũng biết tôi nhặt được cái kim hung thủ dùng để giết người .
Mai Hương liền thưa:
- Vâng, vì tôi thấy ông chăm chú xem, rồi bỏ vào trong một cái phong bì nhỏ.
- Thế cô có biết cái kim ấy ở đâu mà đến không?
- ông vừa nói là của hung thủ dùng để giết người?
- Mà hung thủ (Lê Phong trông thẳng vào mặt người thiếu
nữ). Cô có biết là ai không ?
Mai Hương se sẽ thưa:
- Sao ông lại đem câu ấy hỏi tôi?
Lê Phong nghĩ thầm: "Có, có lẽ nào nó giả vờ khéo được đến thế ?
Rồi anh lại nói tiếp:
- Là một người cầm máy ảnh. Phải, cái máy ảnh ấy chính là thứ máy bí hiểm tinh xảo, dùng để bắn cái kim tiêm trong có thuốc độc... Cô hiểu chưa?
Người thiếu nữ lắc đầu thở dài ra ý không thể hiểu được.Lê Phong cố ý rình xem trong đôi mắt kia có vẻ hốt hoảng nào không, nhưng lúc đó chỉ thấy hình như thoáng qua thứ ánh lửa vui vẻ... Cô ta mỉm cười và nói:
- Ồ! ông đoán tài nhỉ. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu sao ông lại đem việc ấy hỏi tôi...
Chương 9
Những chuyện kín của cô Mai Hương
Người thiếu nữ nói rồi lại mỉm một nụ cười buồn, đôi mắt dịu dàng nhìn Lê Phong long lanh như làn suối trong có tia nắng rọi.
Lê Phong vẫn nhìn cô ta một cách ngờ vực nghiêm khắc,nhưng lòng phân vân như người không biết xử trì thế nào cho phải đường. Một lát, anh chợt hỏi một câu, cố ý làm cho người
thiếu nữ lúng túng:
- Từ lúc nãy đến giờ, cô chưa nói rõ cô vào đây làm gì?
Cô ta trả lời:
- Để được gặp ông.
-Sao lại để gặp tôi?
Cái vẻ nhanh nhẹn lại hiện ra trên mặt Mai Hương:
- Vì tôi muốn được gặp ông, mà, nếu tôi đoán không sai,hình như ông cũng muốn thế.
Lê Phong khó chịu, lại xẵng tiếng hỏi:
-Thì giờ của tôi ít lắm, cô nên nói vắn tắt cho. Phải, tôi muốn gặp cô thực, muốn gặp cô đã lâu, mà gặp bằng cách khác bây giờ nhiều...
Nghĩa là...
- Nghĩa là... Nhưng có lẽ tôi không phải là người cho cô chất vấn. Nay tôi hỏi: cô đến đây có ý gì?
Người thiếu nữ chừng muốn đáp lại bằng một câu ranh mãnh theo thói quen của cô ta, nhưng thấy sắc giận của Lê Phong, mới thong thả đáp:
-Thưa ông, tôi đến đây, như lời tôi đã nói vừa rồi, là vì tôi muốn được gặp ông, nhân thể để cho ông khỏi phải nghi ngờ theo đuổi tôi mãi. Có lẽ những cử chỉ của tôi trong vụ án mạng vừa rồi đã làm cho ông phải ngạc nhiên nhiều lần, có lẽ ông nghi cho tôi nhiều điều quá đáng nữa . . . Nhưng, nếu ông biết rõ ,ông thấy rõ đầu đuôi câu chuyện cũng như tôi thì chắc người thiếu nữ mà lúc nào ông cũng thấy quanh quẩn ở gần ông chỉ là một người... như mọi người khác. Mà nếu một vài việc riêng không bắt tôi phải có một vài cử chỉ khác lạ, thì ngay từ lúc đầu ông đã coi tôi như một người bạn, chứ không phải là một kẻ thù.
Lê Phong chỉ trả lời:
- Xin cô nói vắn tắt cho.
- Thưa ông, câu chuyện của tôi lôi thôi lắm. Đem kể rõ ra đây sẽ làm mất thời giờ của ông nhiều quá... Còn bây giờ...
- Không. Tôi cần phải biết.
-Trước hết ông hãy cho phép tôi hỏi mấy điều đã. Ông đã thấy manh mối nào trong vụ ám sát Trần Thế Đoàn chưa?
- Tôi tưởng đã tìm được nguyên ủy vụ này. Mà chậm lắm chỉ mai kia, tôi đã có thể bắt được bọn hung thủ.
- Mãi mai kia ư?
- Phải, vì bọn này quỷ quyệt lắm. Trong bọn có những người học thức nữa. Mà nhất là có một tay lanh lợi, nguy hiểm,táo tợn một tay đàn bà...
Người thiếu nữ vẻ mặt rất thản nhiên, nhắc lại lời Lê Phong:
- Một tay đàn bà?
- Phải, một người đàn bà... Một người thiếu nữ, thưa cô Mai Hương, chính là...
Mai Hương mỉm cười:
- Chính là tôi? Chính là người ngồi trước mặt ông ?.Thưa ông Lê Phong, lúc này có lẽ là lúc nên suy nghĩ chu đáo nhất.Vâng, tôi xin phục tài ông lắm, mà không phải chỉ riêng có lần này, vì tôi đọc báo, biết tài và nhất là biết tiếng ông đã lâu.Nhưng xin ông cẩn thận hơn chút nữa. Một người mà ông nghi là tòng phạm trong vụ quan trọng này không khi nào dám tự dẫn mình đến trước một người có tài trinh thám như ông. Trừ ra khi người ấy là một nhân vật giảo quyệt như bọn gian ác bên Tây, hay trừ khi là nhân vật trong tiểu thuyết...
Lê Phong cau mày nói tiếp:
- Và nhất là khi người ấy là Mai Hương.
-Thế nghĩa là ông cho tôi là thứ nhân vật đáng phục ấy ư ?.Không ! Tôi không được cái hân hạnh đó. Ông chỉ mới dò được tên tôi thôi, ông chỉ mới biết tôi là Mai Hương thôi. Nhưng nếu ông điều tra kỹ càng hơn. Ông sẽ biết rằng Mai Hương còn là một người nữ học sinh ở trường Albert Sarraut tử năm 1925 đến năm 1934, khi học đến gần hết ban "philo" thì bỏ trường và theo đuổi một công cuộc mà ai cũng cho là dỡ hơi, là làm nữ tài tử diễn kịch, gia thế không đến nỗi kém, có thể gọi là giàu được,vì Mai Hương là con thừa tự độc nhất của một người Nam rất đứng đắn và cũng giàu. Nói thế để ông rõ cho rằng Mai Hương không tội gì đi làm một kẻ giết người hay tòng phạm với bọn ấy.
Trái lại tôi là một người bị chúng theo đuổi, bị chúng mưu hại,chúng cũng chỉ mong giết được tôi như đã giết được Trần Thế Đoàn. Duyên cớ vì đâu sẽ có lần tôi xin kể lại cho ông biết.
"Hiện nay thì phải đề phòng, phải tránh kẻ thù, nhưng chỉ được đề phòng một cách kín đáo, không dám lộ việc riêng ra với ai, cả với người thân thiết của tôi cũng vậy. Thưa ông, nếu tôi không có can đảm, thì có lẽ tôi bị hại rồi. Trong mấy năm nay,một mình tôi đã làm hỏng mưu của bọn kia nhiều lần... nhưng tôi thoát khỏi tay chúng chỉ để mà thấy cái ghê gớm dữ dội hơn lên, chỉ làm cho chúng thêm hăng hái căm giận tôi hơn lên. Lúc này là lúc tôi phải lo sợ nhất.
"Chắc hẳn ông cũng biết những kẻ ám sát bác sĩ Đoàn và mưu sát cô Tuyết Loan là những tay coi thường cả luật pháp, vì chúng làm việc giỏi không biết ngần nào. Tôi là một người tính mệnh bị cầm lỏng trong tay bọn ấy đó, vừa rồi, khi qua đây, tôi chợt thấy bóng người theo...
Lê Phong hỏi:
- Cô đi bộ, đi xe tay, hay đi xe hơi?
-Đi xe hơi . Bởi thế tôi không thể trông thấy rõ người trong chiếc xe đi sau. Tôi tưởng là chiếc xe thường như mọi xe khác.Nhưng lúc đỗ trước cửa nhà báo thì xe kia vụt tiến lên hai người trong xe ló đầu. . . Trời ơi? Tôi hiểu ngay vì đó là hai người tôi vẫn gớm sợ?
- Người thế nào?
- Hai người ăn mặc rất sang và là bọn tín cẩn nhất của chủ Du...
- Nhưng chủ Du là người thế nào?
- Tên đứng đầu... Vâng, người chủ mưu, mà tôi tưởng ông cũng biết. Chính là một trong hai người ông gặp ở trong nhà hàng "gô đa" lúc chiều.
Lê Phong ngẫm nghĩ rồi lại hỏi:
- Cô với bác sĩ Đoàn có liên lạc gì không?
- Không .
- Vậy thì sao cũng bị chúng mưu hại?
Người thiếu nữ thở dài, nhắm mắt, lắc đầu rồi ngửng trông Lê Phong, giọng nói tha thiết:
- Thưa ông, xin ông hứa giữ kín cho. Tôi đến đây là mong nhờ ông vừa che chở, vừa khám phá cho một việc rất quan hệ đến đời tôi. . . Nhưng trước hết xin ông hứa cho rằng, ông sẽ không cho công chúng biết việc này trên báo. Trong việc bài tường thuật vụ án mạng, bài tường thuật rất cẩn thận, rõ ràng,tôi thấy ông không nói đến tôi là người đáng cho ông nghi ngờ nhất, tôi mừng lắm và rất lấy làm cám ơn ông. Tôi mong rằng ông cũng cứ giữ kín như thế mãi . Bởi vì . . . tôi thực có nhiều điều không thể cho ai biết được.
- Tôi không hiểu vì nhẽ gì?
-Thưa ông, có nhiều nhẽ quan trọng lắm. Một ngày kia tôi sẽ xin nói tường tận cho ông biết, còn bây giờ. . .
- Bây giờ thì sao?
- Bây giờ xin ông hứa với tôi rằng đừng hỏi điều gì nữa mà dù có hỏi, tôi cũng chưa thể trả lời được. Vâng, đó là điều trái ý ông thực, nhưng có lẽ riêng chưa thể chiều được ý ông. . .
Lê Phong chú ý nhìn Mai Hương một hồi lâu, đôi mắt dò xét cố hiểu lấy một phần trung tâm trạng người thiếu nữ lạ lùng ấy. Trong vẻ bối rối lo sợ của cô ta, Lê Phong vẫn thấy sự ngây thơ với cái duyên đậm đà đã khiến cho anh nhiều lần khen phục.
- Quả thực cô là người khó hiểu.
Rồi lại nhắc lại:
- Phải! Cô thực là người rất dị kỳ. Tôi không biết có nên tin những chuyện cô vừa kể cho nghe không. Vì...
-Vì sao kia?
Lê Phong đôi mắt đăm đăm, gõ ngón tay xuống bàn:
- Vì …. Vì có nhưng trường hợp rất lạ lùng, rất rắc rối... Thí dụ như những bức thư đe dọa, những bức thư mà tôi xét ra chính tay cô viết, nét chì tuy cứng - vì viết theo lối chữ hoa -nhưng mảnh giấy quyết nhiên là của cô. Vậy thì tại sao cô viết cho tôi. Tại sao cô báo cho tôi biết tin Trần Thế Đoàn bị giết sáng ngày... Rồi lúc tôi theo vết xe cô... mà cả người đánh điện thoại về đây cho tôi. Người ấy cũng lại là cô nốt.
Người thiếu nữ không đáp. Cô ta rầu rầu trông xuống,thỉnh thoảng thấy giọng gắt của Lê Phong, cô mới nhìn mau lên một cái, rồi lại trông xuống ngay, Lê Phong hỏi nữa:
-Tại sao? Cô phải trả lời tói. Ít ra cô cũng phải cho tôi biết những cử chỉ kỳ quặc ấy?...
Mai Hương vẫn lặng thinh, Lê Phong liền đứng dậy, chống hai tay lên bàn, nhìn tận mặt cô ta, tỏ ra rất quả quyết:
- Cô Mai Hương? Lúc này là lúc cô phải nói, cô phải nói rõ. . . .chứ mơ hồ như thế không được nữa. . . Thế nào? Sao không trả lời tôi
- Thì . . . thì tôi xin nói với ông rằng. . .
- Nhưng tôi không thể nghe cô được. Những chứng cớ buộc tội cô rành rành ra đấy. . .
Lúc đó, vẻ mặt người thiếu nữ hơi đổi khác. Có lẽ là bực tức. Có lẽ là sợ hãi. Nhưng cô dịu lại ngay, trông Lê Phong bằng cặp mắt đau đớn. Nửa như van lơn, nửa như oán trách. Rồi cô nhẹ nhàng nói:
- Ông thực là người ác nghiệt quá. Tôi tưởng ông hiểu cho.Tôi tưởng đến đây liệu chiều cầu cứu với ông. . .
- Cô cầu cứu tôi mà lại lạ lùng thế!
- Xin ông bình tĩnh lại... Có những điều cần yếu, tôi coi trọng hơn mọi sự cần yếu ở đời... hơn cái tính mệnh tôi nữa.
"Tính mệnh của tôi lúc này nguy lắm. Tôi biết thế lắm...Trời ơi, ông không thể tưởng tượng được cái khổ của một ngườicon gái bị săn đuổi ư ?
Giọng của cô mỗi lúc một tha thiết hơn, mỗi lúc một thêm chân thực. Hai tay cô run lên theo lời nói cảm động.Rồi như cô sực nhớ tới một điều gì, mặt cô bỗng tái xanh,mắt nhìn Lê Phong, luôn luôn ngơ ngác như người hoảng hốt.
Cô vừa thở vừa nói tiếp:
- Vâng, có nhiều kẻ săn đuổi tôi... có những người thề giết tôi. Cái chết ghê gớm, cái chết vô hình lúc nào cũng ở cạnh tôi . Thưa ông. . Vâng. . . Hay là tôi không dám giấu ông nữa .Tôi nói ra, tuy chưa chắc ông đã tin ngay việc khủng khiếp của tôi tuy biết rằng có lẽ tôi nói xong chắc có khỏi bị hại ngay tức khắc không. . .
- Bị hại tức khắc ngay ở đây?
- Vâng... vì lường sao được bọn quỷ quyệt kia.
Lê Phong thấy câu chuyện càng thân lại hỏi dồn:
-Ồ? Thế ra... việc của cô ghê gớm đến thế thực ư!
Mai Hương gật đầu nói sẽ:
- Vâng? Vâng! Kể thực tôi làm việc huyền diệu quỷ thần!Nhưng dẫu nguy hiểm, tôi cũng xin nói ngay, vâng nói ngay bây giờ, rồi muốn xảy ra chuyện gì thì xảy nhưng. . .
Cô ta hơi lưỡng lự trong giọng quả quyết:
- Nhưng... Hay xin ông để sau này tôi hãy nói...
Lê Phong, mặt sắt lại, hai tay ấn chặt xuống bàn:
- Không, tôi thề với cô rằng cô sẽ không việc gì. Cô nói đi?
-Nói mau? Nếu bọn kia chạm đến một sợi tóc của cô, thì...
Người thiếu nữ hết sức nén sự cảm động, nhắm mắt lại,thở dài một tiếng, rồi ra vẻ quả quyết, cô bắt đầu nói:
-Trong vụ ám sát Trần Thế Đoàn, và trong các việc mưu sát hiện đang ngấm ngầm... Người đáng sợ hơn hết, khôn ngoan hơn hết là người tôi biết rõ tên tuổi, nhà cửa... Mà người ấy chính là...
Bỗng nhiên người thiếu nữ ngừng lại, đứng phắt lên mắt trợn trừng mở rất lớn. Trong ngót nửa phút, mặt cô ta là hình ảnh của một sự kinh hoảng không thể tô được: môi hé run bần bật, hai tay bíu một cách tuyệt vọng lên thành bàn.
- Cô Mai Hương! Cô sao vậy?
Mai Hương chưa thể trả lời được, chỉ cứ thế, trông ra phía trước cửa sổ trước mặt. Mãi sau mới lẩm bẩm:
- Trời ơi? Trời ơi?
- Sao? Cái gì?
- Chúng nó nghe rõ cả rồi? Chúng sắp giết tôi rồi.
- Mà ai??!
- "Chúng nó" bọn kẻ thù ? . . . Trời ơi ? Tôi vừa thấy bóng
người hiện ra.
- Nhưng đâu?
-Ở cửa sổ kia, một bóng người nhô lên, trời ơi!
Lê Phong ngoắt quay lại. Cửa sổ kính vẫn đóng. Trên nền ren căng, ánh nắng in hình mấy chiếc lá cây cao...
- Đâu? Có ai đâu?
Lê Phong toan nhảy ra mở cửa xem, nhưng nhìn lại thấy một người thiếu nữ mắt lờ đờ, mặt xám xanh đang lảo đảo chực ngã.
Anh vội chạy đến bên đỡ, thì vừa lúc cô gieo người xuống ghế, thân ngả lên tay anh, và hai mắt nhắm nghiền.
-Cô Mai Hương? Cô Mai Hương!
Lê Phong cuống quýt lên, trông trước trông sau, rồi lại nhìn vào nét mặt im lặng của người thiếu nữ.
- Cô Mai Hương! ! !
Nhưng cô ta vẫn im bặt, không đáp, toàn thân rũ xuống,yên tĩnh phó cho hai tay che chở của người thiếu niên.
Lần đầu tiên Lê Phong thấy cái cảm giác rất êm đềm, đầm ấm, đượm vào tận tâm hồn.
Anh trông xuống con người yểu điệu mà kỳ dị ấy – con người có bao nhiêu điều bí mật vây bọc quanh mình - thì tự thấy có một sức mạnh lạ thường ở người anh bồng bột lên. Anh coi mình như một vị thần hộ mệnh có dư can đảm, có dư lòng nghĩa hiệp để bảo vệ người thiếu nữ.
Lê Phong say sưa hít thở cái hương phảng phất ở bên mình, se sẽ ôm chặt lấy Mai Hương ghé đầu xuống gần mặt cô,và êm ái hỏi:
- Mai Hương? Mai Hương? Em là ai ? Mà khó hiểu thế.
Người thiếu nữ lúc ấy chỉ là một bực nhan sắc dịu dàng,yếu đuối ẩn náu trong sự bao dung của Lê Phong. Hơn nửa phút đồng hồ, anh vẫn đỡ cô trong tay, đợi cho cái vẻ kinh sợ trên mặt kia biến dần và đợi cho hơi thở của cô điều hòa lại.
Khi anh thấy đôi gò má đã phơn phớt có sắc đỏ, anh mới nhẹ nhàng bế cô lên, lấy chân kéo nhích cái ghế bành lớn lại gần, rồi nhẹ nhàng đặt cô xuống.
Anh quỳ một gối lên ghế, cánh tay phải nâng dưới đầu người thiếu nữ lúc đó vẫn chưa tỉnh, tay trái vẫn giữ lấy năm ngón tay lạnh giá của cô.
Lê Phong yên lặng, ngắm cặp môi thanh trên nét mặt đăm đăm ấy, cặp môi tươi thắm, nét cong uốn rất tinh xảo, và hình như bao nhiêu duyên, bao nhiêu tình tứ, bao nhiêu ân ái đều thâu góp lại để khi hé nở sẽ thành một nụ cười say sưa.
Đôi mắt cô vẫn nhắm nghiền. Nhưng vẻ mặt mỗi lúc thêm một bình tĩnh, Lê Phong lẩm bẩm nói:
- Không hề gì, cơn lo sợ đã qua. Cô sắp hồi tỉnh... Mai Hương tỉnh lại sẽ nói, sẽ kể rõ cho tôi các điều bí mật... Tôi sẽ tìm hết cách để giúp cô, để săn đuổi bọn gian ác vẫn ngấm ngầm hại cô ! . . . Không. . . chúng nó sẽ không thể thi hành được mưu kế nào mà không có tôi ngăn trở. . . Mai Hương sẽ không giấu tôi nữa, sẽ nói thực rõ, nói hết, có phải không Mai Hương.Mai Hương lúc nào cần đến tôi cũng đã thấy tôi ở sẵn bên cạnh. . .
Tiếng nói của anh rất nhỏ, nửa như mình tự bảo mình,nửa như nói cho người thiếu nữ nghe, giọng anh cảm động dần dần thấp xuống, và ân ái như những lời khuyên nhủ dỗ dành.
Một tiếng thở nhẹ và dài của Mai Hương khiến anh ngừng lại.
Lê Phong nhìn xuống, thì đôi mắt Mai Hương đã mở, trông thẳng vào mặt anh như ngạc nhiên, rồi như trách móc, nhưng Lê Phong thoáng thấy vẻ sung sướng tin cẩn ở trong, anh vẫn cầm tay cô và vẫn để cho đầu cô ngả đặt lên vai mình? Toan nói mấy câu ân cần, bỗng người thiếu nữ chau mày, hai mắt long lanh lo ngại. Cô se sẽ kéo tay về và ngồi thẳng dậy, sượng sùng nhìn Lê Phong rồi lại sượng sùng trông đi.
-Cô Mai Hương?
Nhưng người thiếu nữ đã đứng lên, yên lặng đến bên bàn cầm lấy cái ví đầm sửa qua lại mái tóc, xem qua đồng hồ tay, rồi yên lặng bước ra cửa.
- Cô Mai Hương! Cô đi đâu bây giờ?
Người thiếu nữ quay đầu lại, nhưng vẫn không đáp. Anh phải hỏi lên lần nữa, cô mới se sẽ đáp:
- Thưa ông. . . Tôi ra.
- Nhưng. . .
- Vâng, tôi phải đi. Không thể ở đây được.
-Nhưng sau câu chuyện kỳ quái vừa rồi.
- Câu chuyện nào, thưa ông?
- Thì cô vừa cho tôi biết rằng cô đương bị kẻ mưu hại...
Người thiếu nữ lạnh lùng đáp:
- Không, không có chuyện gì hết. Vừa rồi tôi nói lầm đấy.Xin ông quên chuyện ấy đi . . .
Lê Phong càng lấy làm lạ hơn:
- Ơ hay, chả nhẽ... mà... cô không nhớ rằng chính cô vừa đây đã sợ hãi ngất người đi đấy ư ? Không! Có thế nào, cô cứ cho tôi biết... Tôi không thể để cô ra một mình được. Nhiều việc ly kỳ như thế, mà sao cô lại giấu tôi.
Mai Hương ra vẻ ngẫm nghĩ. Một lát cô nhạt nhẽo mỉm cười:
- Tôi không giấu ông chi hết. Câu chuyện lúc nãy xin ông cứ tưởng như tôi không nói. Cũng xin ông đừng để ý đến tôi nữa. Tôi... Không tôi phải đi khỏi đây ngay bây giờ!
Lê Phong nhảy ra giữ lấy nắm cửa:
- Không! Không thể được? Cô phải ở đây! Kẻ thù cô dầu có quỷ quyệt đến đâu, tôi cũng không để yên chúng nó.
Thì Mai Hương ra ý bất mãn, cô nhìn Lê Phong se sẽ nói:
-Xin ông để tôi ra. Xin ông vì bao nhiêu sự thống khổ của tôi để cho tôi ra ngay, ra khỏi đây ngay bây giờ?
Đôi mắt cô tha thiết, van lơn, nét mặt lộ ra những nỗi đau khổ, cảm động, không biết chừng nào.
Lê Phong thì không biết nên xử trí ra sao, không tưởng đến sự nhất quyết ngăn cản cô. Lúc cô sẽ gạt cái tay giữ nắm cửa, rồi mở cửa bước ra, anh cũng để yên. Mãi lúc cô bắt đầu
bước xuống bậc thang, anh mới vội chạy xuống gọi:
-Cô Mai Hương
Anh theo liền sau lưng cô ta, thiếu chút nữa thì giữ lấy vai cô không cho xuống nữa:
- Cô Mai Hương! Nếu cô không nói rõ đầu đuôi việc này, thì tôi thề rằng. . .
Mai Hương lại quay lại, nhìn Lê Phong một cách khổ sở tuyệt vọng, đôi mắt năn nỉ lóng lánh như chực khóc...
- Cô ở lại, cô nên nói rõ cho tôi biết đã.
Người thiếu nữ chỉ đáp:
-Xin ông để tôi ra!
Và khi thấy người thiếu niên vẫn chưa chịu nghe, cô lại nói:
-Tôi van ông.
Rồi thoăn thoắt chạy xuống.
Bên ngoài, chiếc xe hơi "Nerva Sport" vẫn đợi, cô ta chạy ra, mở buồng máy trông qua, rồi đưa mắt nhìn quanh quất đây đó một vòng. Không thấy gì khả nghi, cô mới nhảy lên xe, rồi cho chạy ngay, không để ý đến Lê Phong đang nhìn theo ở trước cổng tòa báo.
Lê Phong đứng thẫn thờ đó cho đến khi chiếc xe khuất hẳn về lối chợ Đồng Xuân, trong lòng thấy buồn bã một cách rất êm đềm. Anh thở dài và tự cái sâu xa của tâm hồn anh, nhưng lời dịu dàng như âm thầm réo rắt:
- Mai Hương ơi? Cái tên của em đẹp biết chừng nào, ân ái biết chừng nào? Nhan sắc em dịu dàng biết chừng nào? Em là một người để cho người ta yêu quý, để cho người ta nâng niu,một người chỉ để hưởng những hạnh phúc trong trẻo nhất đời . . .Thế mà sao đời em lại lạnh lùng đến thế, lòng em lại khó hiểu đến thế, hỡi Mai Hương.
Chương 10
Lê Phong nổi giận
Lê Phong trở lên phòng giấy. Trong phòng, cái hương phấn của người đẹp vẫn chưa phai, cũng như trong tâm tưởng anh, hình ảnh của Mai Hương vẫn còn đằm thắm.
Anh đứng lại trước gương treo cạnh lối ra và nhìn dáng mình soi trong đó. Đầu trơn mượt, nét rắn rỏi, và hình như trên miệng, trong mắt, không thiếu vẻ tình tứ của một thứ đẹp trai tráng. Lê Phong tự thấy lúc đó mình cũng có duyên.
Nhưng anh khoát tay, thầm bảo mình là đồ tồi rồi mạnh mẽ bước tới bàn giấy:
- Rồi hãy si tình Lê Phong ạ. Bây giờ là lúc cần phải khám phá các việc dị kỳ...
Trong các việc dị kỳ, việc giáp mặt Mai Hương là điều anh nghĩ đến trước hết.
Mắt Lê Phong lại dìu dịu, lại mơ mộng, anh chúm chím cười trông cái ghế trước bàn giấy, trông cái mép bàn mà đôi bàn tay ngọc đặt khoảng mười lăm phút trước, nhớ cả chỗ người thiếu nữ đặt cái ví đầm. Tâm trí người thiếu niên vẫn còn dư âm của lúc gặp gỡ quái lạ và êm ái vừa rồi.
Bỗng nhiên khi để mắt tới cái phong bì đựng chiếc kim tiêm anh bắt được trong trường Cao đẳng. Lê Phong có vẻ sửng sốt mắt anh đã quen quan sát, nên nhận được những điều rất tỉ mỉ, mà những mắt người khác bỏ qua.
Anh thấy hình như cái phong bì trước mắt anh lúc nãy,cũng màu vàng phớt, cũng khổ thường, nhưng không phải là cái phong bì anh vẫn đặt ở đây? Càng nhìn càng thấy rõ sự đổi khác. Lê Phong lo sợ, nghi hoặc, cầm lên coi. Anh giật mình !
Cái phong bì nhẹ không. Ngón tay anh run rẩy nắn thử coi, cái kim tiêm đựng trong không còn đó nữa. Lê Phong tưởng chừng quả tim se hẳn lại. Anh vội mở mép giấy ra thì trong phong bì có một mảnh giấy nhỏ, trên mặt giấy, mấy hàng chữ gãy nét,vạch bằng bút chì:
ông Lê Phong,
Mượn tạm ông cái phong bì cũ và cái tang vật giết người đựng trong đó. Cám ơn.
Mai Hương
Và ở dưới, nhỏ hơn, mấy dòng chữ viết theo lối thường:
Lại cảm ơn ông đã sẵn lòng tin cái kịch tôi đóng trước mặt ông vừa rồi, và xin ông đừng theo đuổi thu phạm nũa, vì ông không bắt được thủ phạm đâu!
M.H.
- Lê Phong ơi, mi thật là đồ tồi, mi thật là đồ ngu ngốc!
Đó là những tiếng mà ta có thể gọi là "tiếng lương tâm" của Lê Phong tự mắng anh ta. Nhưng tiếng ấy, rõ rệt khe khắt,hùng hồn đến nỗi Lê Phong cứ lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại hoài:
- Đồ tồi? Đồ ngu ngốc!
Rồi lại tiếp:
- Để cho nó lừa dối, nó giễu cợt, nó coi như đứa trẻ, mà lạI một đứa trẻ khờ dại, đần độn, xuẩn ngốc khốn nạn!
Ồ? Lê Phong! Lê Phong! Đi về làm một anh mê gái, một anh văn sĩ tầm thường còn hơn?
Nhưng Lê Phong không đi về làm văn sĩ quèn, Lê Phong vẫn ngồi yên, và đọc lại tờ giấy của Mai Hương lần nữa.
- Lần này thì nó cho mình b;ất tay đáo để của nó. Lần này nó không giấu giếm, nó ký tên cẩn thận, rồi lại cho biết cả nét chữ của nó nữa. Nó thách mình đấy. Nó chửi vào mặt mày đấy,Lê Phong ạ! Rõ nhục chưa!
Rồi anh quắc mắt nhìn vào cái gương treo, thấy vẻ giận dữ ghê gớm của mình, thì bĩu dài cái môi dưới ra, cười gằn:
- Hứ, đáng ghét chưa? Đồ... Khốn nạn!
Tuy sự căm tức làm anh không nhịn được, nhưng lòng tự ái của Lê Phong cũng cho những lời mắng mỏ vừa rồi là quá đáng. Anh trấn tĩnh lại và nghĩ thầm:
- Mình ngu ngốc thật, nhưng thử xem con quái ấy nó lấy cái kim tiêm kia để làm gì... nó có ý gì? Hung thủ tìm cách làm biến tang vật đi chăng ? Hay nó dùng một cái mưu thâm hiểm gì nữa?
Rồi Lê Phong khoanh tay lại, mảnh giấy tuy vẫn để trước mặt, nhưng mắt anh cũng nhắm lại, cứ thế trầm ngâm mãi đến nửa giờ đồng hồ.
Mặt anh, đỏ vì giận, sau dịu dần dần, hai gò má lúc đó cũng ửng hồng, nhưng đó là vì tâm trí anh đương bị kích thích.
Trông Lê Phong chẳng khác gì một pho tượng.
Người thoạt vào thì tưởng là anh ngồi và ngủ.
Nhưng ai biết anh lâu, thì hiểu là Lê Phong theo phép tĩnh tọa, đang lắng hết tinh thần, hết tâm trí, hết nghị lực để xét một việc khó giải, hay để lập mưu cơ.
Lúc Lê Phong mở mắt hít mạnh hơi đầy ngực để thở ra một tiếng rất dài, là lúc tâm trí anh đã minh mẫn và bình tĩnh như thường. Câu chuyện được đọc vừa rồi anh không để bận đến lòng, và đã bắt đầu tìm ra được một vài manh mối.
Lê Phong cầm mảnh giấy lên, đọc lại những dòng chữ của Mai Hương, mắt có vẻ đăm đăm hơn là căm tức. Đôi mắt anh trước còn chăm chú, sau bóng láng, sau cùng dính lấy mảnh giấy như người thấy một việc rất kỳ quái.
Tay anh run lên, mắt anh cũng hình như rung động lên.
Thốt nhiên, anh cùng đứng dậy cất tiếng cười rất to, tiếng cười ghê gớm kinh rợn, ròn rã, kỳ dị, mà từ xưa đến nay chưa ai nghe thấy ở miệng anh phát ra.
Rỗi vẫn quắc mắt nhìn mảnh giấy trên tay. Lê Phong cắn chặt răng lại nói một câu tiếng Pháp:
- Được lắm, được lắm, cô em bé nhỏ của tói ạ! Cô đóng kịch giỏi thì tôi đóng lại giỏi hơn. Rồi cô xem, phải rồi cô xem, tôi sẽ tìm được cô. - Tìm được ngay? Mà cũng không khó nhọc lắm.
 Thế Lữ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...