Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Biết nhau trên đường cũ

Biết nhau trên đường cũ

Mười hai giờ trưa, chuông đồng hồ treo tường đánh lên từng tiếng ngắn rồi ngân cao một điệu nhạc an lành. Biên đọc lại bài viết trên máy computer, sửa vài lỗi chính tả xong tắt máy đứng dậy.
Từ phòng làm việc dưới ga ra, Biên lên nhà trên bằng lối cửa trống và khi qua khỏi phòng khách anh đi thẳng xuống bếp. Hôm nay, ngày nghỉ thường lệ nên tối qua Biên ngủ  khuya và sáng nay thức dậy trễ với một cảm giác thật khỏe khoắn.
Gian bếp có cánh cửa sau trông ra con đường nhỏ chạy quanh xóm,  đến ngã ba nó gặp một con đường đất khá rộng dẫn về phía hồ nước gần khu công viên. Tại khu công viên, nhìn lên phía núi trông thấy một cây cầu dài, đó cũng là nơi chia lằn ranh hai thành phố.
Trời mưa bên ngoài. Đêm qua, có cơn dông nổi dậy với tiếng sét đánh làm đèn điện khu phố Biên ở bị cúp trong nửa tiếng mới cháy lại. Vào lúc 8 giờ sáng nay, tin tức thời tiết đài phát thanh VNCR cho hay trời sẽ mưa suốt ngày vì ảnh hưởng bão ngoài biển. Không chỉ hôm nay, rất có thể ngày mai hoặc kéo dài suốt tuần trời vẫn mưa, bầu trời  bị bao phủ nhiều lớp mây dày đặc.
Trong chạn thức ăn có một dĩa đậu phụ và một tô nhỏ cá trích kho được bọc cẩn thận bằng giấy kiếng mỏng, trong suốt. Biên đem cả hai cho vào lò microwave bấm 1 phút 25 giây. Và  lúc chờ thức ăn hâm nóng, Biên lấy cái tô lớn mở nắp nồi cơm điện xới một tô đầy. Xong xuôi, anh bỏ vào khay mang lên nhà trên đặt xuống cái bàn thấp ở phòng khách.
Mưa rơi nặng hạt ngoài sân chung cư. Nhìn qua khung kính cửa sổ thấy lớp ánh sáng mờ đục, Biên ngắm cơn mưa trên sân vắng lặng đầm ướt tự nhiên có cảm giác  gió bên ngoài đang tràn vào thấm lạnh người anh. Biên mặc áo thun bên trong, ngoài là chiếc áo len cũ màu xanh lá cây.
Cơm nóng đang lên khói cùng với vị thức ăn dậy hơi cay. Biên cầm remote mở TV, đài thể thao 615 Setanta. Trên màn hình một trận đấu bóng tròn quốc tế đang diễn ra. Biên cầm đũa gắp thức ăn và xúc những muỗng cơm đầy đút vào miệng nhai vội vàng. Một mình yên lặng, ấm áp làm Biên thích thú, anh hưởng thời gian hai ngày nghỉ trong tuần một cách chừng mực, hạnh phúc như ly cà phê ngon đậm anh thường tự pha lấy cho mình.
Biên chợt ngừng ăn, mắt theo dõi hai chiếc áo đỏ đang lao theo bóng xuống cánh trái, một chiếc áo vàng ào tới truy cản, rồi có thêm một cầu thủ đồng đội tiếp ứng nữa, bóng chạm chân áo đỏ bật ra ngoài lằn vôi biên. Biên bắt đầu nhận ra đội Anh trong màu áo đỏ  vì trên màn hình vừa xuất hiện cầu thủ Beckham mang áo số 7, và trận này, đội Anh đấu với Bắc Ireland. Đội Ireland, mặc áo màu vàng tím.
Tỉ số trận đấu đang hòa 0-0, lúc này là phút thứ hai mươi. Biên lại ăn thong thả, ngon miệng, mắt vẫn không rời diễn tiến trận đấu. Biên chợt bị nghẹn khó nuốt miếng cơm, liền đứng dậy xuống nhà rót đầy một ly nước lọc. Khi anh trở lên, trận đấu đang bị dừng, nhiều cầu thủ Ireland xúm lại tranh cãi với trọng tài vì một quả phạt trực tiếp gần vùng cấm địa. Trọng tài người Đức rút thẻ vàng cảnh cáo cầu thủ số 8 áo vàng và lấy bút chì ghi vào cuốn sổ nhỏ.
Biên uống một ngụm nước đầy, rồi tiếp tục ăn. Một pha đá phạt của đội Anh, hai cầu thủ số 10 và 4 dang ra hai bên, Beckham đứng giữa. Bên trong vùng cấm địa một hàng rào hơn mười cầu thủ cả áo vàng lẫn đỏ. Thủ môn Ireland đứng giữa khung thành, hơi cúi người mắt chăm chú nhìn về hướng bóng. Số 10 di chuyển làm động tác giả, ngay đó,  Beckham tung liền cú sút xoáy qua hàng rào, thủ môn Ireland  phóng người lên đón hụt, vào, nhưng chỉ trong gang tấc bóng đã bật cột dọc khung thành bay vòng qua khỏi lằn vôi cuối sân. Bàn thắng hụt của Beckham suýt nữa làm Biên đánh rơi tô cơm, hai vai anh chợt co lại như thể muốn điều chỉnh cho trái bóng được lọt lưới. Biên tiếc  rẻ , vì anh rất mến mộ cầu thủ Beckham và anh cũng mong đội Anh thắng. Sau pha bóng vừa diễn ra, nó còn được quay chậm nhiều lần, đến hơn một phút sau mới vào trận đấu trở lại.
Biên ăn xong, anh vẫn ngồi yên xem trận đấu cho đến khi hiệp I kết thúc. Vận động trường Wembley đông chật khán giả ngồi xem. Khi các cầu thủ rời sân, cờ nón, tiếng vỗ tay reo hò vang dội lên, rồi ít phút sau đó, đài truyền hình bắt đầu chiếu chương trình quảng cáo. Biên bỗng đứng lên, cảm thấy như có không khí ngột ngạt căng thẳng bao lấy căn phòng do từ trận đá bóng gây ra. 
Biên bước chậm tới bên cửa kính nhìn ra ngoài, thấy trời còn mưa, mưa rủ xuống một bức màn dày kín. Khu chung cư vắng lặng vì hôm nay không phải là ngày cuối tuần. Ngoài khung trời mưa, thỉnh thoảng có bóng đen đàn chim bay qua. Biên bật thêm một ngọn đèn nữa cho sáng rõ rồi mở cửa nhích bước ra đứng ở chỗ thềm mái hiên. Bỗng dưng nhớ đến một bài nhạc về mưa, Biên cất tiếng hát nho nhỏ.
Ngoài con đường chạy ngang qua khu chung cư có dựng tấm bảng trạm ngừng xe buýt. Hàng chữ sơn xanh và đỏ bị ngấm nước mưa. Đứng ở đây, Biên vẫn đọc được hàng chữ đó, vì anh đã quen mắt mỗi ngày. Dưới cơn mưa con đường trở nên vắng, và lúc này một chuyến xe buýt từ đâu tới vừa ghé trạm. Biên lơ đãng nhìn mưa trên sân lát đá, anh nghe tiếng mưa chảy qua trong  tâm trí với những dòng suy nghĩ mơ hồ. Chiếc xe buýt rời trạm, lúc ấy bỗng xuất hiện một  người mặc áo mưa trắng. 
Người ấy băng qua đường và tiến vào cổng khu chung cư làm Biên để mắt dõi theo. Nãy giờ, mười lăm phút đã trôi qua, trận đấu vào hiệp nhì đang diễn tiến trên sân. Thế nhưng, Biên vẫn còn đứng nơi thềm hiên nhìn bóng người mặc áo mưa trắng đang bước chậm, mắt tìm từng số nhà trong chung cư. Và, tuy chưa đến gần để dễ thấy rõ nhưng Biên đoán là người đàn bà qua bóng dáng từ mỗi bước đi.
Rồi nàng  dừng lại, tần ngần trước khu nhà B. Căn nhà bên kia đóng kín cửa. Biên chợt lên tiếng hỏi, nàng quay sang, rồi bước nhanh về phía nhà anh.
- Chị tìm ai?
Nàng đáp lời ngay, nhưng thình lình mưa nặng hạt nên Biên không nghe rõ.
- Mời chị vào nhà kẻo mưa.
Biên mở rộng cánh cửa. Người khách bước lên thềm rồi dừng để cởi  áo mưa treo lên chiếc đinh móc ở ngoài. Biên tắt máy TV, lúc này căn phòng có một vẻ sáng ấm cúng. Một giọng thân tình, Biên mời khách ngồi ghế rồi vội dọn dẹp và đi xuống bếp đun nước sôi để pha trà.
Nàng còn trẻ, ngồi một mình bỡ ngỡ vì nhà vắng không có ai, nhưng lại cảm thấy dễ chịu như có sự thân quen đâu từ trước. Nàng nghe rõ tiếng mưa rào rào mỗi lúc một lớn và khu chung cư cứ im lìm không thấy có nhà nào mở cửa. Căn phòng khách của gia đình này bài trí một khung kệ lót mặt gương, trên là tượng Phật Quan Âm đứng cầm bình nước tưới hoa sen, bên dưới ảnh thờ của hai người già, và tầng cuối là những cuốn sách sắp ngay ngắn một hàng dài. Có một bức ảnh chụp học sinh của trường tiểu học trong ngày cuối niên học, và bức hình kế bên là năm người bạn lính ở quân trường mặc quân phục vàng đeo alpha trên hai cầu vai.
Biên đun nước xong, pha bình trà rồi bỏ vào cái khay nhôm mang lên. Biên nói một câu mời chào rồi tiếp đó là chuyện mưa bão nó mang đến vùng này trong mấy ngày vừa qua. Nàng chỉ lắng nghe, lúc Biên đưa tách trà mời, nàng mới chú ý nhìn anh nhiều hơn.
Biên hỏi:
- Chị đi tìm  ai?
Nàng tự giới thiệu tên mình, rồi đưa mẩu giấy cho Biên xem. Vừa đọc tên, Biên đáp lời ngay:
- Gia đình này đi qua tiểu bang khác rồi.
- Sao địa chỉ ghi ở đây mà.
Nàng cầm cái tách nhỏ đưa lên miệng uống một hớp đầy, chợt vui buột miệng khen trà uống thật ngon. Tiếng Biên nói:
- Hai tháng trước đây họ còn ở bên căn nhà B. Giờ chuyển đi rồi.
- Đi đâu anh?
- Anh Lãm nói với tôi là đưa gia đình qua Texas.
- Vậy mà tôi cứ đinh ninh...
Nàng không nói hết lời, miệng uống thêm một hớp trà rồi đặt tách xuống dĩa lót.
- Tôi không hiểu sao đang ở yên, anh ấy lại bỏ đi xa.
- Chắc rằng, anh chị ấy đã hay chuyện.
- Ủa, chị nói sao?
Rồi Biên đột nhiên đứng dậy, vội bước. Nàng bỗng lấy làm lạ, nhưng cứ ngồi yên. Sau ít phút, Biên trở lên nhà tay cầm hộp bánh.
- Trời lạnh, chị ăn bánh uống trà cho ấm.
Nàng nở một nụ cười trọn vẹn trên cặp mắt vừa nhìn Biên thật tình tứ. Lúc này, hai người bỗng cùng cảm thấy gần gũi nhau. 
Rồi Biên hỏi:
- Chị quen với gia đình anh Lãm như thế nào?
- Người bạn gái của tôi quen.
Biên ngước mắt nhìn bức ảnh chụp với các bạn ở quân trường, bỗng nói:
- Tôi về Quảng Tín ba năm sau đó vào Sài Gòn.
Nàng hỏi:
- Vợ anh, người ở đâu?
- Người miền Nam.
- Anh quen với chị như thế nào?
Biên cười đáp:
- Chúng tôi sống với nhau vui vẻ. Hai đứa con tôi đã đi qua chơi bên dì nó, ở tiểu bang Georgia.
Nàng để đôi mắt yên lặng nhìn Biên. Và, như lúc đầu, nàng vẫn giữ hình ảnh của ngày đó, không thay đổi chút nào. Nàng định nói cho Biên biết, người đó, luôn nhắc tới anh và cũng rất mong có ngày gặp lại anh. Nhưng, trong câu chuyện vừa ra vẻ  quan trọng, vừa lạnh lùng, nàng muốn pha trộn nó bằng hơi ngọn lửa đốt ấm để cho người đàn ông này nhớ lại ngày đó, một ngày mưa bão đã làm cho thành phố nhỏ ấy trở nên tiêu điều, buồn bã.
Buổi chiều đập khẽ vào cửa kính những tiếng động nhỏ của mưa, rồi chuông đồng hồ ngân lên, âm thanh như cố dồn tụ cho thật đầy kín căn phòng.
- Chị ở lại đây ăn cơm tối. Chừng sáu giờ, vợ  tôi đi làm về tới nhà.
Điện thoại reo. Qua đến tiếng thứ hai, nàng mới nhấc ống nghe đưa  cho Biên.
- A lô.
- Em về trễ nghe anh.
- Có chuyện gì không?
- Không, em phải ghé chợ.
- Hay quá. Nhà mình đang có khách.
- Ai vậy?
- Chị bạn của vợ chồng anh Lãm.
- Ủa, nhưng sao mà quen anh?
- Ờ, chị đi tìm nhà.
Người vợ hơi ngạc nhiên, nhưng không hỏi gì thêm, rồi cúp máy. Trong cửa hiệu may chị đang làm việc, đèn sáng hết các dãy và không khí nóng hẳn, bởi ngột ngạt hơi người mặc dù ngoài trời đang mưa gió.
- Ngày trước đây, vợ tôi là một cô giáo.
- Hiền hay dữ.
- Phần đông các cô giáo đều hiền lành.
- Anh không còn nhớ gì về người bạn của anh sao?
- Kể ra, phải hiểu được nhau mới thấy sự còn mất trong cuộc sống.
Đôi lúc, câu chuyện của hai người càng thấy trở nên lạc lõng, không làm sao mà nắm giữ được cái cốt yếu của vấn đề. Nãy giờ, sự việc xảy đến cho Biên nó thực khó hiểu, mà nó lại cũng không muốn giải thích ra cho anh. Người đàn bà mặc chiếc áo mưa trắng, cảnh trời ảm đạm buổi chiều, rồi nàng đã vào căn nhà anh với một câu chuyện còn chưa rõ, và tới lúc này nàng vẫn chưa thể nói gì về mọi sự liên hệ của một ai đó trong quá khứ.
- Nhưng hãy cố gắng nhớ, nếu không, anh sẽ mất đi một ngày gặp lại cố nhân trong lúc thời tiết có bão.
- Chị về đây hôm nào?
- Tối hôm qua.
- Tình hình nơi chị ở ra sao?
- Tệ hại lắm.
- Năm nay, bão lụt tàn phá nặng nề quá.
- Tôi cũng lấy làm lạ tự dưng gặp anh sau hơn ba mươi năm.
Biên chỉ mỉm cười không đáp. Lạ thay, anh vẫn chưa nhận ra người khách này mà nàng nói đã quen và gặp anh ở nơi chốn một thành phố xưa đó. Anh cũng đang cố nhớ xem, có phải, anh có một người bạn gái mà người này cứ nhắc nhở như thể muốn chìa ra cho anh thấy tấm ảnh nhỏ của nàng..
Biên lại bồn chồn, khó hiểu. Nàng cầm chiếc bánh lên ăn, vừa tiếp lời:
- Câu chuyện cũng quan trọng.
Mưa ào ạt đổ lớn tiếng, hai người nghe gió rung chuyển ở ngoài.
- Hôm nay trời bão, nàng nói.
- Bão rớt từ ngày hôm kia.
Biên đáp lời, gió bỗng trở nên lặng.
- Chị uống cà phê nhé.
- Cám ơn anh.
Nàng nhìn Biên đứng dậy bỏ đi. Sau đó, nàng nhấc bình trà rót thêm đầy tách bên người chủ rồi đến mình.
Nàng cứ ngồi im, một mình cố nhớ thật rõ câu chuyện của người bạn nàng để lát nữa kể cho Biên nghe, đồng thời, nàng cũng gợi ra trong sự hình dung về người đàn ông này mà dường như nàng đã gặp, hoặc là có quen biết trước đây .
Biên làm hai tách cà phê mang lên để xuống chiếc bàn thấp. Những viên đường trắng tinh bỏ trên cái dĩa nhỏ. Phòng khách không rộng, nhưng trông thật dễ chịu, thân tình. Nàng ngồi trên chiếc ghế xô pha rộng, còn anh, ngồi đối diện ở chiếc ghế xếp có lót nệm. Cà phê nóng lên khói và tỏa mùi thơm. Anh đẩy nhẹ tách cà phê qua chỗ nàng.
- Tôi biết tối nay sẽ mất ngủ vì uống cà phê anh mời, nàng nói.
- Không sao đâu.
Hai viên đường nhỏ được cho vào mỗi tách, rồi khuấy nhẹ. Biên mời nàng cùng uống. Cà phê thực sự ngon, vừa có vị ngọt ấm. Nàng uống xong một hớp, trên cặp mắt chợt mỉm cười nhìn Biên, lần này đã nhớ ra được, nàng hỏi:
- Ngày trước anh đã có ở Quảng Tín?
- Phải.
Nàng lại hơi do dự, ngập ngừng muốn nói.
- Chuyện đó như thế nào chị?
- Tôi sẽ nói với anh sau.
- Sao mà chưa nói ngay lúc này.
- Không, anh đừng nài nỉ tôi kể ra.
- Tôi không hiểu.
- Nhưng trước hết là chuyện của anh.
- Ủa, có chuyện của tôi?
- Tôi muốn bắt đầu chuyện anh trước.
- Lạ nhỉ.
- Tôi đã có gặp anh rồi, một lần duy nhất.
- Nếu có, tôi cũng không thể nhớ ra chị.
Biên cầm gói thuốc lên, rút một điếu. Khi que diêm cháy sáng, anh chợt tưởng như nghe có ai  nhắc  gọi tên mình. Nàng nhìn thật lâu vào đóm lửa nơi điếu thuốc, rồi một làn khói mỏng tím lượn lờ lan tỏa, dường như đấy là một khoảnh khắc tưởng tượng.
Rồi giọng điềm nhiên, nàng nói:
- Không hiểu sao, chuyện ngày hôm đó tôi vẫn cứ mãi nhớ.
Biên mỉm cười như đi tìm bóng dáng mình. Nàng nói ra một câu nhẹ nhàng:
- Tôi biết anh không thể nào nhớ.
- Vì sao?
- Thời gian thay đổi gương mặt anh nhiều quá.
Biên bỗng đón nhận lấy sự hờ hững, trống trơn của lòng mình đối với những điều mập mờ, lấn cấn mà từ nãy giờ người đàn bà này nói ra cốt để bắt lấy một hình ảnh nào đó trong quá khứ.
Một giọng chậm rãi, từ tốn, Biên nói, vừa nhìn lâu vào cặp mắt nàng.
- Ngày rời khỏi quân trường, tôi được nghỉ 15 ngày phép trước khi đi nhận đơn vị. Mùa đông năm ấy lạnh lắm. Mưa kéo dài hết tuần này sang tuần khác. Và rồi, tôi hết những ngày nghỉ phép trong sự buồn  chán. Buổi sáng ấy, tôi đi chuyến xe đò rời Quy Nhơn ra Quảng Tín.
Sau vài giây lặng im, Biên lại tiếp lời:
- Một người bạn thân với tôi chết trận ở đó.
Nàng hỏi:
- Anh ở Quảng Tín bao nhiêu năm?
- Ba năm. Có thể chuyện của bạn tôi liên quan đến chị.
Nàng mỉm cười vẻ chế nhạo, rồi nói:
- Anh đừng có tưởng tượng như thể tôi sẽ nói về anh.
Biên tiếp tục:
- Anh bạn tôi trước học trường Võ Bị Đà Lạt. Anh ra trường về chung đơn vị sau tôi hai tháng. Nhưng không đầy một năm kể từ khi chúng tôi biết nhau, thân nhau, thì anh ấy chết. Anh bị thương nặng, tôi theo chuyến bay trực thăng tản thương về quân y viện thị xã. Nhưng anh chỉ sống sót trong mấy tiếng đồng hồ, do vết thương quá trầm trọng đã làm anh qua đời.
Nàng mấp máy môi định nói ra, nhưng rồi im lặng, và từ giây phút này Biên nhớ rõ hình ảnh người bạn, những tháng ngày của mấy năm đầu tiên anh sống ở đơn vị với mưa lạnh của núi rừng, với bao cái Tết xa nhà, sau cùng, là kỷ niệm của người bạn đã chết trong cuộc chiến. Chiều hôm đó trời mưa, trong nỗi đau đớn thảm thương người bạn đã buông xuôi tay, nhắm mắt thật nhẹ nhàng để ra đi.
Trên cặp mắt người đàn bà chợt để lộ rõ sự ngờ vực lẫn xúc động. Nàng nhìn Biên lạnh lùng, cử chỉ đó khiến Biên hơi lo sợ như tìm thấy một điềm báo không hay.
Tách cà phê đen sánh đã nguội. Biên cầm thìa khuấy nhẹ xong đưa lên miệng uống. Anh chợt có cảm giác cay đắng, ngậm ngùi.
- Anh ấy chết vào năm nào?
- Mùa hè 72. Có vậy thôi, nhưng tôi rất buồn.
- Ngoài anh bạn đó, anh còn thân với ai nữa không?
- Có chứ. Nhưng tôi không nhớ được. Và, cái chết người bạn giờ vẫn còn ám ảnh tôi.
Biên dụi tắt điếu thuốc, bỏ lửng điều đang nói và đứng dậy cầm bình trà đi xuống bếp để châm thêm một ít nước sôi, sau đó mang lên nhà.
Nàng cứ chờ đợi. Khi Biên vừa ngồi xuống, nàng mới nói:
- Anh vẫn không nhận ra tôi?
- Thực tình tôi không nhớ.
- Vậy thì, cho tôi nối tiếp chuyện của anh.
- Hay lắm, chị kể đi.
- Hôm ấy, anh mới từ mặt trận trở về căn cứ dưỡng quân thì được lệnh đơn vị trưởng gọi. Khi anh xuất hiện ở phòng khách, nhìn thấy tôi, anh ngỡ ngàng. Sau một phút, ông đơn vị trưởng giới thiệu tôi, lúc ấy anh đã nhìn tôi vẻ mặt xúc động như gặp lại một người thân của mình. Chỉ nói xong vài câu, ông ta đứng dậy đi, nhường lại buổi nói chuyện riêng cho anh và tôi.
Biên cố nhớ lại sự kiện đó trong cặp mắt ra vẻ lơ đãng, tìm kiếm. Nàng chợt hỏi:
- Mấy giờ chị nhà đi làm về?
- Có lẽ giờ này đang ở chợ. Không sao đâu, chị cứ tiếp câu chuyện đi, may ra, tôi trở về nơi chốn cũ đó để nhớ.
Biên bắt đầu lắng nghe:
- Ngồi bên tôi, anh tỏ ra là một người bạn chân tình thẳng thắn của chồng tôi. Tôi lặng im theo dõi câu chuyện anh kể qua từng giờ phút lúc trận chiến khởi sự, từng giờ phút chiến đấu của đơn vị anh trong hiểm nghèo, và lúc ấy, anh cũng nói với tôi, người bạn anh thực vô cùng dũng cảm. Chính anh ấy đã mai phục bắn chết bọn đặc công lúc chúng len lỏi từ bên kia dòng suối vào hàng rào tiền đồn. Và sau đó, một mảnh đạn pháo kích đã làm anh bị thương, qua đến ngày hôm sau mới được đưa về quân y viện.
Lặng lẽ, Biên gật đầu bảo:
- Tôi nhớ ra chị rồi.
Nàng hỏi lại:
- Có chắc là nhớ không?
- Có nhớ chứ.
- Vậy thì, tôi ngừng kể.
Đơn vị trung đoàn của Biên đóng cách thị xã Tam Kỳ khoảng 7 cây số. Sau khi người vợ đã rõ chuyện về cái chết của chồng, nàng theo Biên đi tới một căn hầm trong căn cứ, nơi mà hai người bạn cùng ở chung mỗi khi Tiểu đoàn về dưỡng quân. Buổi chiều hôm đó, khung cảnh ở quanh vùng quê thật yên bình. Trong căn hầm, có hai chiếc giường bố, một cái bàn gỗ, cái tủ nhỏ và chiếc túi xách marin.
Biên đun nước sôi bằng résistance trong ít phút, sau đó pha trà, và hai người ngồi ở bàn thấp làm bằng thùng đạn pháo binh nói chuyện.
- Anh ấy ở đây từ khi chúng tôi là bạn thân với nhau. Anh ấy là con người lý trí, còn tôi luôn giàu tưởng tượng. Những cuốn sách anh ấy đọc là thứ sách sử, chiến tranh, khảo luận, còn phần tôi là một mớ  tiểu thuyết đủ loại, ba xu có, marie sến có, và cũng có ít cuốn thứ văn chương hẳn hoi đọc để suy nghĩ.
Nàng chỉ nghe chuyện với cặp mắt nhìn Biên mỗi lúc, trở nên tò mò, chú ý. Vì rằng, tiếng nói của anh, tiếng một người bạn quá đầm ấm làm nàng chạnh nhớ đến người chồng.
Ngồi trò chuyện vãn một hồi lâu với chén trà đạm bạc, sau đó, Biên đứng lên mở ngăn tủ nhỏ lấy tất cả những di vật của người bạn để lại. Có một chiếc áo jacket phi công được gấp xếp cẩn thận, những bộ áo quần nhà binh, chiếc mũ, tấm thẻ bài, thư từ, sách vở, một vài vật dụng dao kéo, và lúc ấy, Biên đã mở nắp túi áo jacket lấy ra một chiếc nhẫn cưới đã được cất giữ. Biên đưa chiếc nhẫn qua cho người vợ bạn, giọng thản nhiên nói:
- Chị đeo vào tay để giữ kỷ niệm cho anh Kim.
Người vợ cầm lấy chiếc nhẫn, bỗng nhiên bật khóc lớn tiếng. Biên lặng im, đầu cúi xuống, bàn tay xếp tất cả các thứ đồ đạc người bạn vào cái ba lô của anh để đưa nàng xách cho tiện. Nàng khóc rất lâu, hai người không nói gì thêm cả. Làm xong, Biên cột gút dây ba lô rồi đẩy về phía nàng. Biên cứ lặng im, anh hơi chú ý đến bàn tay nàng khi thấy nàng đeo vào ngón tay giữa chiếc nhẫn cưới .
Thế là mọi việc xong xuôi, Biên cảm thấy lòng mình hết sức nhẹ nhõm  khi đã làm tròn bổn phận với gia đình người bạn quá cố. Và chiều hôm đó, tỏ chút tình thân, Biên đi mượn xe của Trung đoàn chở người vợ bạn vào thị xã để dùng cơm.
Căn cứ đóng quân nằm trên một quả đồi rộng. Quanh đó là một vài ngôi làng nằm bên ngoài hàng rào kẽm gai. Giờ này, ở khu trại gia binh bắt đầu đốt lửa thổi cơm, khói lan tỏa rộng cả một vùng quê.
Biên lái xe thong thả từ trên ngọn đồi thả theo con dốc hướng ra cổng. Vừa cầm tay lái, anh vừa trò chuyện với nàng ngồi cạnh bên. Anh mở chuyện bằng một giọng bình thản, có chút đượm buồn. Không phải là chuyện về đời lính, về cuộc chiến đang diễn ra, về tiếng súng đạn nổ và chết chóc, mà chỉ là chuyện đời sống người dân nơi đây, màu sắc tươi vui có, buồn bã cũng có, rồi gom lại, chỉ mong người đàn bà hiểu được trong lúc này nàng nghe anh nói những lời tự tình quê hương.
Buổi chiều chưa tắt hết nắng. Trên đường lộ, thỉnh thoảng có vài chuyến xe đò chạy ngang qua rồi mất hút. Hai bên đường là đồng ruộng, rất thưa vắng nhà ở. Nàng vẫn nghe tiếng Biên nói, nhưng mắt nàng cũng nhìn quang cảnh đồng quê dáng nghĩ ngợi. Qua khỏi trạm xăng, xe đi vào thị xã. Thị xã Tam Kỳ tuy không lớn nhưng cũng khá vui, có nhiều cửa hiệu buôn bán, nhà sách, quán ăn, quán cà phê nhạc, vài ba khách sạn lớn nhỏ.
Biên chạy xe chậm cố tìm một quán ăn lịch sự để mời khách, rồi chợt nhớ ra, có một quán cơm anh và người bạn thường  ghé trong những lần về hậu cứ nên  đi thẳng tới đó.
Quán cơm Hòa Phong nằm cuối phố chính, bên cạnh một chiếc cầu bắc ngang con lạch nhỏ. Giờ này, quán đông khách ngồi bên trong nên hai người lấy chiếc bàn đặt ngoài sân cạnh lối cổng vào. Buổi chiều trôi giạt thật nhẹ nhàng, xa xôi. Tiếng trò chuyện, nói cười vui ồn, và  tới đây cơm nước vào giờ này bạn mới thấy thực sự thoải mái sau một ngày dài. Bên kia cánh đồng trống, gió đang chạy lùa trên những triền dốc xa tắp về phía một ngôi làng ven dưới chân núi. Nơi đó, vẫn còn thấp thoáng bóng sương mù  bao phủ.
Khi đã ngồi yên chỗ, Biên mới nói:
- Anh Kim và tôi thường hay ăn cơm ở đây.
- Chắc cơm ở đây ngon?
- Đây chỉ bán cơm gà và món nhậu thôi. Mấy tiệm ăn sang nằm ở giữa phố chính.
Nàng cười hỏi Biên:
- Sao anh không đãi tôi ăn ở đó?
Biên đáp, giọng tự nhiên:
- Lính nghèo tiền lắm.
- Còn tình thì sao?
- Cũng nghèo như tiền vậy.
Hai người đưa mắt nhìn nhau cười.
Bữa ăn được dọn lên ở cái bàn vuông, ghế ngồi thấp vừa đủ cho hai người. Hai anh chị mời nhau ăn, giọng nói vui vẻ, quên hẳn sự phiền muộn. Trước mặt, mỗi người một dĩa cơm vàng ngậy mỡ gà, còn thức ăn có dĩa gà luộc nóng hổi, một tô ruột lòng, gan, trứng non, một chén nước mắm gừng vắt chanh. Biên mời nàng uống bia, nhưng nàng từ chối chỉ uống nước trà đá  cho dịu mát. Nàng hơi mệt, vừa đói nên ăn cảm thấy ngon. Biên bắt đầu nói chuyện vui về đời lính của anh, cùng bạn bè từ ngày anh ở quân trường sau đó ra đơn vị và gặp Kim, chồng nàng. Người đàn bà trẻ ngồi trước mặt anh đã là góa phụ, nàng tên Thùy. Thùy vẫn chăm chú nghe, nhưng nàng rất tự nhiên ăn uống không cần anh phải mời mọc. Bây giờ, Thùy mới hay biết rõ thêm cái tình thân của hai chiến hữu, chồng nàng và Biên, và chính quán cơm này không biết là vì ngon, hay có bóng hồng nào ở đây không khiến hai người luôn lui tới trong mỗi lần từ căn cứ hành quân trở về  thành phố. Vừa thoáng nghĩ vậy, mặc cho Biên vui chuyện, Thùy đưa mắt nhìn vào trong quán, xem thử, ở đây có bao nhiêu bóng hồng qua lại.
Thùy ngừng ăn, nàng uống một hớp nước trà mát. Hết chai bia này, Biên lại mở thêm chai khác. Trên vẻ mặt Biên đỏ lên, không phải vì say. Thùy nhìn anh, lòng nàng vui, không cảm thấy mình cần tò mò tìm một chút vẩn đục trong cặp mắt ở người bạn của chồng.
 Khi thấy một chiếc xe hàng vượt qua khỏi cây cầu, Biên nói:
- Giờ này, xe suốt chạy đến Quảng Ngãi là ngừng nghỉ đêm, hôm sau, mới đi vào các tỉnh phía Nam.
- Quê anh ở đâu?
- Tôi sinh ở Đồng Hới, nhưng gia đình tôi lập nghiệp ở Quy Nhơn đã lâu năm.
- Anh nói gần giọng Bắc.
- Mẹ tôi, quê ở Nam Định.
- Anh được mấy cháu nhỏ rồi.
- Tôi đã lập gia đình đâu.
Thùy mỉm cười mắt chăm nhìn vào vẻ mặt của Biên lúc anh ta trả lời câu nàng hỏi. Rồi với tình thân, nàng nói:
- Nhưng dù vậy, anh cũng đã có bạn gái rồi.
- Cũng chưa.
- Sao mà muốn giấu kỹ vậy?, ông nhà văn mơ mộng.
- Không giấu chị đâu.
- Hãy nói một chút về anh đi.
- Tôi mới về đơn vị ở đây nên chưa quen ai cả.
- Thời học sinh hay sinh viên của anh, không có sao?
- À, đó là những mối tình mộng mơ thôi, và tôi hay tìm thấy trong tiểu thuyết chứ chưa  gặp trong thực tế.
Bữa ăn xong, thực ngon miệng. Buổi chiều chưa hết, trong quán vẫn còn đông khách ăn, ồn ào tiếng chuyện trò. Biên mời Thùy uống cà phê. Thùy gật đầu, rung nhẹ mái tóc. Biên quay sang gọi một người chạy bàn ở quán giải khát gần bên.
Hai người lại đưa mắt nhìn nhau, Biên hỏi:
- Hiện giờ, gia đình chị ở đâu?
- Ở Nha Trang.
- Ở phố nào, chị?
- Tôi ở khu Phước Hải.
- Gần nhà thờ lớn không?
- Gần đó.
Một cô gái đem hai ly cà phê đá đến đặt xuống bàn. Biên đưa ly lên miệng uống một hớp đầy. Xong, anh nói:
- Ở hậu cứ, có phòng nghỉ vãng lai cho thân nhân. Tối nay, chị có thể về nghỉ ở đó.
- Không, tôi sẽ đón xe ra Đà Nẵng ở nhà người bạn.
Câu Thùy nói chợt làm Biên lặng im, đến một vài giây sau anh mới tỏ lời với Thùy:
- Không hiểu sao, cứ mỗi lần nghe ai nói về tên thành phố tôi hay bị xúc động nhớ đến một người bạn  của mình.
Bắt được ý nghĩ của Biên qua giọng nói, Thùy cười bảo:
- Vậy mà cứ giấu diếm không nói ra.
Biên uống thêm một ngụm cà phê, rồi tiếp lời. Thùy đưa mắt nhìn khuôn mặt Biên qua làn khói thuốc mỏng manh. Tiếng Biên đang nói:
- Tôi và người bạn gái đó cùng chung một quê mẹ. Lúc di cư vào miền Nam, chúng tôi đến ở Quảng Trị và vào trường trung học cùng một năm, cùng học chung một lớp. Nhưng sau hai năm, gia đình tôi rời Quảng Trị vào Quy Nhơn sinh sống. Từ ngày đó, tôi không còn gặp nàng.
Một giọng giản dị, Thùy hỏi:
- Hai người không thư từ với nhau?
- Lúc ấy, vào tuổi  niên thiếu, chúng tôi còn sợ cha mẹ nên không dám làm nên chuyện người lớn.
- Sau này, anh không gặp lại?
- Không.
- Anh không hỏi tin tức, thảng hoặc viết thư về ngoài đó.
- Nay chúng tôi đều đã lớn. Có thể nàng đã có chồng con, yên phận gia đình.
Thật thẳng thắn, Thùy nói với Biên:
- Tôi ít gặp một người nào như anh.
- Còn chị, chắc tôi cũng gặp một lần này thôi, rồi không gặp nữa.
Giọng hơi nhỏ đi, Thùy nói:
- Lúc nãy, nghe chuyện anh rất vui, giờ sao buồn quá.
- Tôi vẫn nhớ anh Kim. Anh ấy là người bạn tốt với mình, tôi tin vậy.
- Tôi muốn tin điều anh nói.
Hai người ngồi trong quán ăn trò chuyện cũng đã lâu, giờ đứng dậy. Bên kia cánh đồng trống, buổi chiều xuống trong bóng dáng trơ trọi với một vẻ thờ ơ, dịu hiền. Biên vào quán trả tiền xong, quay trở ra. Anh đứng nhìn Thùy đương đưa bàn tay sửa lại mái tóc.
Khi ra ngoài chỗ đậu xe, Biên hỏi:
- Chị có về hậu cứ nghỉ lại không?
- Không, anh cho tôi ra bến xe đi Đà Nẵng.
- Tùy chị.
Hai người lên xe. Biên vặn công tắc nổ máy và điều chỉnh lại tấm kiếng nhỏ trước khi cho xe lăn bánh. Biên lái thong thả và trở lại con đường vào thị xã để đi tới bến xe. Tất cả các dãy phố trong thị xã đều sáng đèn chiếu ra ngoài, đồng thời, điện  đường cũng đã bật cháy lên. Thùy khoác ngoài chiếc áo lạnh. Bất chợt, Biên nhìn qua bàn tay Thùy một lúc lâu, nhớ lại rõ chuyện anh mới nói:
- Chị nhớ giữ chiếc nhẫn cho anh Kim.
Tiếng Thùy đáp:
- Tôi sẽ giữ gìn, trân trọng.
Hai người lặng im. Bỗng nàng hỏi:
- Nhưng có chuyện gì anh Kim nói với anh khiến anh lại nhắc tôi.
- Không có gì cả đâu, Biên đáp.
- Anh cứ thẳng thắn nói đi.
- Không, chuyện bình thường thôi.
- Anh đừng giấu. Chuyện riêng với người bạn gái rồi anh cũng kể ra. Chuyện của Kim nói với anh, giấu tôi làm gì.
Nguyên cười đáp:
- Thực sự, không có tôi thì chiếc nhẫn có thể không còn, bay mất.
- Sao vậy anh?
Khu bến xe xuất hiện, nhưng rất vắng không còn hành khách chờ xe ở trạm. Biên nhìn đồng hồ, rồi hỏi Thùy:
- Chị nhất quyết ra Đà Nẵng phải không?
- Tôi phải đi, vì sáng mai vào lại Nha Trang rồi.
- Bây giờ không còn xe hàng nữa, thôi để tôi đưa chị đi.
Thùy bảo:
- Ra ngoài đó xa, anh còn về đơn vị tối nay nữa.
- Chỉ hai giờ xe thôi, tôi quay về kịp, không sao đâu.
Biết nói gì hơn, chân thành cám ơn anh.
- Ít ra, tôi cũng làm chút việc giúp chị để vui lòng với anh Kim.
- Cám ơn anh nhiều. Và bây giờ chúng ta đang ở trên đường đi về  một thành phố, hãy cho tôi được nghe hết tâm sự trong câu chuyện tình của anh.
- Tôi hay xúc động khi nhắc đến tên thành phố. Đối với tôi, mỗi cái tên cho tôi cả tấm lòng người bạn cũ.
- Tôi hiểu anh.
Trên con đường dài, hai người ở bên nhau. Và qua những lời tâm sự, Biên nói hết cho Thùy nghe nỗi lòng của mình với mối tình một người bạn gái anh đã thương yêu, ấp ủ. Tiếng của anh, mỗi lúc vang lên từng cơn xúc động như gió cuộn trên đường và anh như nhìn thấy bóng dáng nàng hiện ra trước mắt nguyên vẹn thuở nào ở thành phố nhỏ bé đó. Ngày xa ấy, những kỷ niệm bằng tiếng nói chợt nghe, thật bùi ngùi cảm động. Anh không nhớ hết những điều anh nói với nàng, nhưng với nàng, những điều nàng nói ra anh đã gói ghém lại cất giữ trong tim mình. Những điều nàng nói ra bình thường thôi trong một tình bạn, nhưng âm sắc của giọng nói, nó luôn gợi cho anh một gương mặt dịu hiền, một đôi mắt vô cùng thân thiết của nàng. Ngày xa đó, hai người cùng bước đi bên nhau trên những quãng phố ngắn tới trường học. Thị xã Quảng Trị tuy nhỏ bé, nghèo khó, nhưng với cái tuổi học trò hai người cùng cảm thấy nó rất thân thương. Nơi đó, cũng có dòng sông. Một khi nào đó, hay một mùa nào đó tìm lại, anh chợt hiểu rằng những kỷ niệm của thời niên thiếu mình nhớ là tiếng gió, và còn để lại ở đó là vang âm của những bước chân. Năm ấy, mùa đông đem tới những ngày bão rớt và mưa, và trường học tạm đóng cửa nhưng học sinh lại có mặt trong đoàn thiện nguyện để đi cứu trợ. Nàng và anh, suốt một ngày hôm đó được gần bên nhau, hai người cứ theo đoàn học sinh  lội nước từ làng này qua làng khác, và lúc nào cũng tách riêng, để luôn có bên nhau, hạnh phúc trong những lời thủ thỉ với nhau, bao nhiêu chuyện riêng tư đó, trong một phút giây chợt dừng lại đưa mắt nhìn nhau, lúc ấy, hai người cùng hiểu rằng họ đã bắt đầu yêu nhau. Ngày xa đó, nhưng mà tên nàng, tất cả những bóng dáng của nàng, rồi cũng đành để lại một lần trong mùa thu chia tay.
Biên kể xong chuyện, ngừng lại, và tự ngắt lời mình bằng một quãng hư vô. Nhìn qua Biên, Thùy chỉ mỉm cười rất nhẹ nhàng nhưng vô cùng thông cảm. Nàng cũng có cảm giác, ngồi bên anh nhưng chính nàng là đối tượng, là hình ảnh người bạn gái mà Biên đã yêu và muốn tỏ bày.
Nhưng Thùy thực lòng muốn làm vơi nỗi buồn trong lòng Biên. Thùy sực nhớ chuyện của Kim lúc nãy Biên chưa nói ra, giờ nàng lại tra hỏi Biên để cho biết.
Biên không đáp lời, Thùy lại giục. Giọng của Thùy nhí nhảnh, đùa cợt vui lạ thường làm cho Biên bật cười.
Sau một lúc, Biên mới nói:
- Chị cứ tưởng là chuyện quan trọng, hay đó là lời trối trăn của Kim. Không phải vậy đâu? Chẳng qua, bọn tôi hơi ngông nghênh trong một buổi tối cùng nhau quá chén vì quá vui. Hết tiền, mà cuộc vui vẫn còn nên không thể kết thúc được. Hai đứa lang thang trên phố chưa về trại. Bất chợt, lúc đi ngang tiệm vàng Bảo Ngân, Kim chợt dừng tháo chiếc nhẫn cưới ra định bán lấy tiền vui chơi tiếp. Tôi cũng chưa kịp suy nghĩ, nên đồng ý với Kim, vì quả thực tôi chưa nghĩ chiếc nhẫn được coi là kỷ niệm thiêng liêng của tình yêu nên liền theo Kim vào cửa tiệm. Bất thần, khi sắp đến gần, tôi bỗng kéo tay Kim bảo đi ra ngoài để bàn chuyện. Ra đến ngoài, thấy tôi do dự, Kim hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Thôi đừng, tao nghĩ vợ mày sẽ buồn.
- An thua gì, tối nay không thể bỏ lỡ cuộc vui.
- Thôi, đủ rồi.
- Mày cứ mặc tao.
- Nhưng rồi vợ mày, sẽ buồn.
- Ăn thua gì, có tiền tao sắm chiếc nhẫn khác đẹp hơn.
- Không được.
Giận dữ, Kim bảo tôi:
- Thôi mày đi đi, để tao một mình.
Tôi vẫn còn kéo giữ tay Kim lại chưa buông. Rồi sực nhớ đến một gia đình quen, tôi nói:
- Tao có tiền. Mày theo tao.
- Mày làm gì mà có tiền?
- Tin đi, tới nhà bà cô tao, tôi nói dối.
Dùng dằng một chút rồi Kim đi theo Biên. Hai đứa lang thang trên phố còn ngất ngưỡng mùi rượu lẫn tiếng nhạc quay cuồng trong đầu óc. Biên nghĩ đến gia đình người quen là Thượng Sĩ Tư làm việc ở hậu cứ Trung đoàn. Ông Tư rất mến Biên, nên anh hy vọng hỏi mượn được ít  tiền đi chơi đến cuối tháng trả.
Biên và Kim đang lang thang, bất chợt có người gọi. Chiếc xe Jeep thắng lại bên đường cạnh hai đứa, rồi có tiếng hỏi:
- Đi đâu mày, Biên.
Biên quay ra xe, bất ngờ gặp Đại úy Phúc Trưởng ban 4. Lòng khấp khởi mừng, Biên lên tiếng chào.
- Đi đâu lang thang đó?
- Em đi chơi với thằng bạn.
- Về chưa?
- Chưa.
- Còn đi đâu nữa?
Biên để Kim một mình, anh bước lại gần xe viên Đại úy nhỏ to chuyện riêng. Ông Đại úy chặc lưỡi, nhìn tới chỗ Kim đứng dưới bóng ngọn đèn, rồi ông mỉm cười hỏi Biên:
- Giờ sao?
Biên nói:
- Tụi em còn muốn đi nhậu, nhưng hết tiền rồi.
Ông Đại úy hỏi:
- Mày cần bao nhiêu?
- Tùy Đại úy. Tụi em nhậu say, ngủ ngoài không về.
Không hỏi gì thêm, viên Đại úy mở nắp túi áo lấy một xấp 5000 đưa cho Biên. Biên mừng, mắt sáng rỡ vội nói lời cám ơn và đứng nghiêm chào. Xe Đại úy Phúc lăn bánh, Biên và Kim còn mải miết trên đường phố.
Biên cười hạnh phúc, nói với người vợ của bạn:
- Thùy biết không, tối đó anh và Kim nhậu say quá quên trời, quên đất, về thuê khách sạn ngủ, nhưng có điều, trước khi ngủ hai đứa vẫn nhận ra chiếc nhẫn còn đeo trên tay chưa bị mất.
Thùy lấy làm vui, cảm động về tình bạn của Biên đối với chồng mình. Nàng tự hỏi, mình lấy gì để bù đắp tấm lòng mà Biên đối với Kim và mình. Nàng có thể trả lời câu hỏi đó với Biên vào lúc này. Nhưng sau câu chuyện, mỗi người lại theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Xe ra tới Đà Nẵng, đồng hồ tay của Biên vừa đúng 9 giờ. Nhà người bạn của Thùy ở đường Trưng Nữ Vương, gần chợ Mới. Biên lái xe đưa Thùy đến đó, lúc dừng lại, hai người bắt tay từ giã. Bằng cử chỉ coi nhau là bạn thân, Thùy lại gần ôm quàng hai tay qua vai Biên.
Bên trong căn nhà đó, đèn sáng, thấp thoáng có bóng một người thiếu phụ. Và giờ đây, chuyện cũ như là một giấc mơ.
Người đàn bà lên tiếng hỏi Biên:
- Anh nhớ được rồi phải không?
- Quả thực là có nhớ.
Nàng nói:
- Hôm anh đưa tôi ra Đà Nẵng về nơi căn nhà đó, chính là căn nhà người bạn gái ngày xưa của anh mà buổi chiều hôm đó anh đã nói với tôi.
- Nhưng mà sao chị biết?
Nàng trả lời:
- Nỗi nhớ của anh như chút men rượu rồi nhạt phai. Còn nàng, tôi hiểu được cả tấm lòng mà nàng đã ghi trọn trong nhật ký đến nay vẫn còn.
- Thế cơ.
- Còn chuyện anh Lãm là sao? Có gì với người bạn của tôi không?
- Không, nàng cười.
- Sao mà còn giữ chuyện riêng tư, nữa.
Nàng nhìn Biên, với nụ cười rất sáng trên cặp mắt. Rồi sau ít giây, nàng hỏi:
- Anh còn nhớ tên của nàng không?
- Có chứ.
Nhưng rồi, Biên lại nghĩ ngợi cố gắng nhớ. Hình như..., hình như Tần Hoài là tên nàng.
Không đợi Biên nhớ tên, hay sẽ nói tên, nàng bảo:
- Tối nay, trong bữa cơm với anh chị, tôi sẽ kể.
Biên cười nhìn vào cặp mắt vui của Thùy. Vừa lúc ấy, có tiếng xe chạy vào khu chung cư, và Biên quen nhận ra tiếng động, anh biết là vợ mình đã tới nhà.
19/10/2021
Nguyễn Chí Kham
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...